KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 3)

12/06/2017 | Lượt xem: 4166

HT.Thích Phước Tú giảng                  

                   Xá Lợi Tử!

                  Sắc bất dị KHÔNG

                  KHÔNG bất dị Sắc

                 Sắc tức thị KHÔNG

                 KHÔNG tức thị Sắc

                 Thọ, Tưởng, Hành, Thức

                 Diệc phục như thị.

 

Dịch:

Xá Lợi này!

Sắc chẳng khác KHÔNG

KHÔNG chẳng khác Sắc

Sắc, ấy chính KHÔNG

KHÔNG, ấy chính Sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Cũng lại như vậy.

Xá Lợi Tử hay Xá Lợi Phất là tên một vị đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca. Đây là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn Sariputta. Ngài là một vị Trí Huệ đệ nhất trong hàng đệ tử lớn của Đức Phật.

Đức Phật gọi ngài Xá Lợi Phất để nói về pháp Bát Nhã một cách rõ ràng hơn. Lý luận để làm sáng tỏ về pháp Bát Nhã. Đây cũng là đoạn quan trọng của bài Bát Nhã.  

Trong đoạn này mỗi câu là 4 chữ. Nên chúng ta xác định đây là thể văn kệ. Khi viết ra ở thể văn kệ như thế này, chúng ta mới thấy rõ về câu văn. Còn viết theo lối văn xuôi thì không thấy được hình thức của nó như thế nào và đọc theo văn xuôi chúng ta không thấy được chỗ đặc biệt của đoạn này. Khiến cho mình hiểu không đúng về bản văn. Nhớ rằng, khảo sát một bản văn là phải khảo sát đúng theo tinh thần của bản văn, chứ không phải đúng theo ý mình. Không phải mình nghĩ sao thì nói vậy. Nghĩ cao thì nói cao, chuyện đó không nhầm mà bản văn nói thế nào, mình phải hiểu đúng như thế ấy.

Giống như Tri khố dặn đi mua hũ chao hiệu Cái Vồn. Mình ỷ có tiền ra mua chao hiệu Đài Loan, dù tốt hơn, mắc tiền hơn nhưng có đúng không? Về Tri khố không nhận. Nên phải hiểu đúng với tinh thần bản văn, và ở đây tôi diễn giảng Bát Nhã cũng theo tinh thần đó. Quan trọng là làm sao giảng đúng bản văn thì mới thật sự có giá trị.

Chúng ta lưu ý đoạn này là 6 câu và mỗi câu là 4 chữ. Về chính tả chữ Sắc (S hoa in), còn chữ KHÔNG (KHÔNG hoa in) nên chữ Sắc này không đủ để so sánh với chữ KHÔNG. Sắc hông thể bằng KHÔNG.

Đừng cho rằng: Sắc = KHÔNG 

Đây là chỗ nhiều người đã nhầm lẫn.

Giờ chúng ta xác định lại chữ Sắc, vì lý Sắc KHÔNG tiêu biểu cho bài Bát Nhã. Phải xác định chữ Sắc ở đây là một món trong Ngũ Uẩn. Là Sắc của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chữ Sắc này chỉ cho tấm thân Tứ Đại thôi chứ không phải là cảnh sắc. Phải lưu ý. Đây là chỗ nhiều người đã lầm. Như vua Trần Nhân Tông đã lầm. Qua bài thơ:

Niên thiếu hà tằng liễu Sắc KHÔNG

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung

Như kim khám phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Dịch nghĩa:

Thuở bé chưa từng hiểu Sắc KHÔNG

Xuân về lòng ở trăm ngàn bông

Giờ đây tỏ được chúa xuân ấy

Giường thiền gối cỏ ngắm cánh hồng.

Trần Nhân Tông đã lầm chữ Sắc trong bài Bát Nhã này là sắc cảnh, dù rằng cái ngộ này không trật. Ngài thấy lòng mình, Tâm mình ở trên vạn vật thì cái đó không sai, nhưng sai với từ ngữ của Bát Nhã.

Chúng ta nhớ từ ngữ ở kinh Bát Nhã này là nhằm giải quyết thân phận con người về hai mặt, xác thịt và tinh thần, gọi chung là Ngũ Uẩn. Ở đây, nhắm vào việc giải quyết Ngũ Uẩn, chứ không nhằm giải quyết cảnh sắc. Chúng ta khổ là vì Ngũ Uẩn chứ không phải vì cảnh sắc. Nên khi giải quyết được Ngũ Uẩn rồi thì cảnh sắc cũng được giải quyết theo.

Rõ ràng thân này là KHÔNG thì đâu có cần sắc cảnh để phục vụ cho thân xác nữa, nên sắc cảnh cũng trở thành không thôi. Sở dĩ, bây giờ mình dính mắc trên thân Ngũ Uẩn của người khác là vì thấy thân Ngũ Uẩn của mình là thiệt, nên mới cần đến thân Ngũ Uẩn của kẻ khác để phục vụ cho cái thân Ngũ Uẩn này. Nhưng khi rõ ràng Ngũ Uẩn giai KHÔNG thì tất cả không còn cần thiết nữa.

Chúng ta nhớ đoạn một có câu “Ngũ Uẩn giai KHÔNG” tức là Ngũ Uẩn và KHÔNG. Ngũ Uẩn và KHÔNG đây là một cặp đem ra để giải quyết, nhưng tại sao đến đây lại nói là “Sắc bất dị KHÔNG”, mà không dùng “Ngũ Uẩn bất dị KHÔNG”.

Nếu dùng Ngũ Uẩn ở đây, thì vua Trần Nhân Tông sẽ không lầm về chữ Sắc này. Nhưng tại sao lại dùng “Sắc bất dị KHÔNG” rồi lại cộng thêm Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Chúng ta thấy vì ở đây là một câu 4 chữ, nếu dùng 5 chữ là lỗi với đoạn văn. Nên dịch giả dùng một món Sắc mà tiêu biểu lý luận, rồi phải thêm 2 câu sau.

Từ đoạn văn này mà chúng ta xác định đây là thể văn kệ, với số chữ nhất định là 4. Không hiểu ra chỗ này, cứ tưởng là văn xuôi. Cho Sắc là sắc cảnh là sai, mà nó phải là Ngũ Uẩn, là sắc thân.

Chính hai câu sau:

             Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

 Diệc phục như thị.

Đã xác chứng điều này. Nếu viết tùy tiện, không lệ thuộc vào số chữ thì chúng ta viết:

Ngũ Uẩn bất dị KHÔNG

KHÔNG bất dị Ngũ Uẩn

Ngũ Uẩn tức thị KHÔNG

KHÔNG tức thị Ngũ Uẩn

Chỉ còn 4 câu thôi rất rõ ràng. Do vì viết:

Sắc bất dị KHÔNG

KHÔNG bất dị Sắc

Sắc tức thị KHÔNG

KHÔNG tức thị Sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Diệc phục như thị.

Và người ta hiểu rằng:

  Sắc chẳng khác KHÔNG

  KHÔNG chẳng khác Sắc

  Sắc tức là KHÔNG

  KHÔNG tức là Sắc

  Thọ, Tưởng, Hành, Thức

  Cũng lại như vậy.

Nếu chúng ta hiểu rằng:

 Sắc chẳng khác KHÔNG

 KHÔNG chẳng khác Sắc

Thì có đúng không? Giống như mình nói nhà cửa, cây cối này hông khác với hư không được không? Nhà cửa là Sắc, còn hư không là rỗng thì làm sao chẳng khác được. Nên nói:

Sắc chẳng khác KHÔNG

KHÔNG chẳng khác Sắc

Là không đúng. Có những vị dịch chữ “tức thị” nghĩa là “là”. Nên:

 Sắc là KHÔNG

 KHÔNG là Sắc.

Nó là nhau được không?

Như vậy:

Sắc = KHÔNG

KHÔNG = Sắc

Các vị thấy có bằng không?

Như các vị xin tôi 1000 đồng. 1000 đồng là Sắc. Bây giờ nói Sắc bằng Không, nên tôi cho các vị 1000 đồng bằng cái Không, các vị chịu không?

Nếu nói “Sắc là KHÔNG, KHÔNG là Sắc” thì khi cái sắc tiêu hoại, cái KHÔNG cũng phải tiêu hoại theo. Chúng ta giải quyết làm sao đây?

Trở lại câu chuyện Tây Du Ký. Chúng ta nhớ Tôn Hành Giả cũng có khi bị yêu tinh bắt trói, đó là trói sắc thân thôi, còn Tôn Hành Giả thì “biến” đi ra ngoài. Dù là tiểu thuyết, nhưng cũng cho chúng ta thấy rõ cái KHÔNG hông thể trói được. Cho nên, Bồ Tát Quán Tự Tại khi đã hành thâm Bát Nhã, an trú Tánh KHÔNG rồi thì Ngài qua tất cả khổ nạn, không còn bị lệ thuộc bởi thân Ngũ Uẩn nữa.

Điều này được Kim Dung diễn tả trong Cô Gái Đồ Long. Khi Tạ Tốn bị bắt nhốt trong hầm đá của núi Thiếu Lâm. Do ba vị trưởng lão của Thiếu Lâm canh giữ và ba vị đó có tên là Độ Khổ, Độ Ách, Độ Nạn. Ba vị trưởng lão thường ngày tụng kinh Kim Cang và Tạ Tốn nghe hết. Sau đó, ông ngộ kinh Kim Cang và khi nghĩa tử Trương Vô Kỵ đến giải cứu thì Tạ Tốn không chịu đi và nói rằng: “Thân ta đã là không thì có ai đem băm ra thành trăm mảnh nó vẫn là không. Chuyện giang hồ ta không còn biết tới, con hãy đi đi.” Tạ Tốn đã ngộ được cái KHÔNG trong khi nghe kinh Kim Cang.

Kinh Kim Cang thật sự không nói chữ KHÔNG. Tại sao Tạ Tốn lại ngộ chữ KHÔNG? Cũng như ngài Huệ Năng ngộ Kim Cang mà giảng Bát Nhã. Chúng ta nhớ chữ “kinh này” ở Kim Cang đó chính là “kinh Bát Nhã”. Cho nên nói rằng ngộ kinh Kim Cang là ngộ chữ KHÔNG, là ngộ KHÔNG.

Chính năng lực Tánh KHÔNG này là một năng lực rất là đặc biệt. Chúng ta nhớ KHÔNG là Tánh của Tự Tâm. KHÔNG là Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, là Trí Huệ Phật nên chữ KHÔNG có nghĩa là Phật.

Như vậy thay chữ Phật vào vị trí chữ KHÔNG thì chúng ta sẽ thấy ra vấn đề:

Ngũ Uẩn bất dị Phật

Phật bất dị Ngũ Uẩn

Ngũ Uẩn tức thị Phật

Phật tức thị Ngũ Uẩn

Chúng ta viết vậy đúng không? Ngũ Uẩn là gì? Người chấp vào thân Ngũ Uẩn, người đó là phàm phu, là chúng sanh. Như vậy “Chúng sanh chẳng khác Phật, Phật chẳng khác chúng sanh”. “Phật là chúng sanh, chúng sanh là Phật” nói vậy được không? – Không được.

Dựa theo đoạn 1 chúng ta thêm một chữ Tánh cho câu này thì vấn đề sẽ sáng tỏ. Tức là:

Tánh Ngũ Uẩn bất dị Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG bất dị Tánh Ngũ Uẩn

Tánh Ngũ Uẩn tức thị Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG tức thị Tánh Ngũ Uẩn.

Viết vậy có gì lỗi không? Chúng ta nghe các Thiền sư nói rằng: “Chúng sinh tức Phật”. Nghĩa là “Tánh chúng sinh tức là Phật”.

Khi mê cái Phật Tánh thì là chúng sanh. Khi ngộ cái Phật Tánh thì chúng sinh là Phật.

Và ngài Huệ Năng nói: “Phiền não tức Bồ Đề”. Đây là nói theo mô týp của Bát Nhã. Nếu chúng ta hiểu “Phiền não là Bồ Đề”, phiền não nhiều thì Bồ Đề nhiều đúng không? Như vậy thì khỏe quá khỏi tu. Nhưng chúng ta hiểu thêm chữ Tánh thì sẽ rõ ràng “Tánh phiền não tức Tánh Bồ Đề”. Cái Tánh phiền não mới tức Bồ Đề.

Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác đã làm sáng tỏ chỗ này. Ngài nói:

“Vô minh thật Tánh tức Phật Tánh” nghĩa là “Tánh thật của vô minh tức là Tánh Phật”. Cái Tánh thật của vô minh mới là Phật Tánh chứ không phải vô minh là Phật Tánh.

Cái (Tánh) thật của phiền não mới là Bồ Đề. Nên sau khi phiền não rồi thì tại chỗ đó hoàn toàn vắng lặng phải không? Chính cái vắng lặng đó là Bồ Đề. Nên Tánh thật của vô minh là Bồ Đề. Như Tánh thật của hình con quỷ trên tivi là màn hình trong sáng. Tánh thật đó mới trong sáng, chứ con quỷ không có trong sáng.

Ở đây Tánh thật của Ngũ Uẩn mới là Tánh KHÔNG. Như vậy:

Tánh Ngũ Uẩn chẳng khác Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG chẳng khác Tánh Ngũ Uẩn

Tánh Ngũ Uẩn tức là Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG tức là Tánh Ngũ Uẩn.

Nhớ rằng cái Tánh mới là nhau.

 TÁNH = TÁNH

Tánh chúng sanh = Tánh Phật

Tánh Phật = Tánh chúng sanh

Chúng ta phải thấy rõ chỗ này. Chúng sinh không thể bằng Phật được, mà Tánh chúng sinh mới bằng Tánh Phật. Như khi đang nổi phiền não, mà mình nhìn thẳng dưới cái chân phiền não, nơi đó vốn không có phiền não, nên mình giải quyết phiền não một cách tức thời. Giống như khi coi truyền hình thấy ma quỷ chúng ta sợ quá, thì hãy nhìn vào cái nền của ma quỷ. Đó là cái màn hình trong suốt vốn không có ma quỷ, ngay đó là mình hết sợ.

Vì vậy, Ngài Huệ Năng dạy:

An tâm tại vọng tình

Ngay đó không ba chướng

Phải an tâm tại vọng tình, ở ngay dưới chân của vọng tình, chỗ đó vốn là không vọng. Chúng ta thấy niệm là một khởi nghĩ rõ ràng, nhưng cái nền của niệm vốn là không niệm. Rõ được nền niệm, sống thẳng vào đó thì niệm liền tan.

Như vậy cái gốc của niệm, của phiền não vốn là không niệm, không phiền não. Cho nên sau khi phiền não đầy đầu rồi, thì nó trống trải trở lại đúng không? Khi chúng ta hiểu vậy thì:

Tánh Ngũ Uẩn chẳng khác Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG chẳng khác Tánh Ngũ Uẩn

Và như vậy:

Tánh Sắc không khác Tánh KHÔNG

Tánh Thọ không khác Tánh KHÔNG

Tánh  Tưởng không khác Tánh KHÔNG

Tánh Hành không khác Tánh KHÔNG

Tánh Thức không khác Tánh KHÔNG

Cái Tánh mới là không khác nhau phải không?

 “Ngũ Uẩn chẳng khác KHÔNG” được ví dụ như 5 đứa con không khác ông già tía và ông già tía không khác 5 đứa con. Thế nên, 5 đứa con là ông già tía và ông già tía là 5 đứa con.

Nói như vậy được không? Trong khi đó 5 đứa con vừa có con gái, vừa có con trai thì nói 5 đứa con và ông già tía là không khác nhau mà còn là nhau nữa, được không?- Không được.

Năm đứa con đó là: Thằng Sắc, thằng Thọ, thằng Tưởng, con gái Hành, con gái Thức. Thì như vậy, ông già tía với 5 đứa con phải là khác nhau, không thể là giống nhau được.

Nhưng nếu nói họ của 5 đứa con không khác họ ông già tía. Họ ông già tía không khác họ 5 đứa con (đều là họ Trần). Thì như vậy, họ ông già tía (Trần) là họ 5 đứa con (Trần) và họ 5 đứa con là họ ông già tía (Trần).  Nói như vậy mới là nghe được. Họ Trần mới không khác với họ Trần (họ Trần con không khác với họ Trần cha). Họ Trần con là họ Trần cha, chứ 5 đứa con làm sao không khác với ông già tía. Cho nên con và cha không thể là nhau được, mà là nhau là cái Họ (họ Trần mới là Trần)

Và như vậy Sắc không thể là KHÔNG được mà:

 TÁNH (Sắc) mới là KHÔNG

 KHÔNG mới là TÁNH (Sắc)

Tức là:

TÁNH (Sắc) = TÁNH KHÔNG

TÁNH KHÔNG = TÁNH (Sắc)

         TÁNH = TÁNH

Tánh thật của Ngũ Uẩn là Tánh KHÔNG.

Nên người ngộ ra được chỗ này là họ sống hoàn toàn bằng Tánh KHÔNG, chứ không sống bằng Ngũ Uẩn nữa. Đây là chỗ lý giải để thấy vì sao người ngộ Tánh KHÔNG thì qua tất cả nạn khổ.

Cái khổ  là do nhân mình tạo và mình phải chịu lấy cái quả báo gọi là khổ ách. Còn cái nạn là do cái duyên nó đưa đẩy tới và mình phải chịu lấy cái duyên đó. Chúng ta thấy thông thường gặp tai nạn thì mình phải chịu thôi, nhưng có người lại qua một cách ngọt xớt. Như đụng xe chẳng hạn, xe lật mấy vòng vẫn không sao, thì người ta cho rằng Phật độ, Bồ Tát độ nhưng các vị biết ai độ không?

Một lần tôi đi giảng ở Trà Vinh về vào giữa trưa, lên xe tôi ngồi kế bên tài xế, định ngủ một giấc để về đi Cần Thơ dạy tiếp, có Từ Niệm ngồi bên cạnh. Buổi trưa xe chạy nhanh, lấn lề và tông người đi bên lề trái. Tài xế lấy tay lái lại qua lề phải, vì đang chạy lẹ nên xe chao đảo. Tôi đang ngủ và không biết lái xe, nhưng lúc đó tay tôi chụp lên tay lái và tôi lấy lại tiếp tài xế. Khi xe ngừng bình thường rồi thì tài xế la: “Buông buông” tôi mở mắt ra và thấy tay mình trên vôlăng. Tài xế hoảng quá mở cửa ra vọt mất. Đó là tai nạn và ai cứu tai nạn xe đó? – Là tôi nhưng trong tôi có ai cứu nữa? Có Phật và Bồ Tát cứu không?

Lúc đó, nếu tôi thức tôi sẽ không làm được vì không biết lái xe. Không biết vòng nào thuận, vòng nào nghịch, nếu rịt bậy sẽ lủi, đổ nợ thêm. Nhưng khi đó tôi đang ngủ, mà tôi làm được và làm chính xác nữa. Như vậy năng lực nào phát động như thế?

 Chúng ta không biết thì nói là Phật, là Bồ Tát độ. Nhưng đó chính là năng lực Tánh KHÔNG phát động và nó bảo vệ mình. Điều này Kim Dung đã rất hiểu. Nên trong Cô Gái Đồ Long, thay vì có Độ Khổ, Độ Ách thôi, ông thêm nhân vật thứ ba là Độ Nạn nữa. Là khi có nạn tai xảy ra thì sẽ được hóa giải.

Như Tạ Tốn khi bị đưa lên hầm để cho quần hùng xử trí. Trong lúc cực kỳ nguy hiểm như vậy, lẽ ra ông phải giữ lại toàn bộ võ công để chiến đấu với những người muốn hủy diệt ông. Nhưng trước đông đảo quần hùng Tạ Tốn tự phế võ công. Coi như Tạ Tốn chấp nhận cái chết, ai muốn trả thù phục hận cho gia đình, cho sư môn thì tùy ý. Với một hành động như vậy, khiến những anh hùng hào kiệt có cái nhìn đổi khác. Thay vì băm vằm Tạ Tốn ra thì người ta chỉ mắng nhiếc, đánh một bạt tay, phun nước miếng rồi thôi. Không ai đánh ông bị trọng thương, đó là quả báo được hóa giải từ nặng đến nhẹ.

Và có cái nạn đến qua mũi kim châm thì cũng được người giải trừ cho. Do vì ông biết Chu Chỉ Nhược là chưởng môn phái Nga Mi đã ăn cắp đồ long đao. Vì vậy, Chu Chỉ Nhược muốn giết Tạ Tốn để diệt khẩu, nên sai một nữ đệ tử đến mắng nhiếc ông, rằng ông đã giết hại chồng cô, giờ cô phải rửa hận. Nói xong cô phun một bãi nước bọt lên trán của Tạ Tốn. Tạ Tốn phát hiện trong bãi nước bọt có một mũi kim châm và ông mỉm cười đón nhận. Coi như mũi kim đó đâm vào tam tinh thì ông sẽ vỡ sọ chết liền tại chỗ. Trong khi ông không có ân oán gì với cô, thì đó là cái nạn của ông. Ngay khi mạng ông như chỉ mành treo chuông, thấp thoáng một bóng áo vàng thoáng qua và ngọn roi nhuyễn tiên đánh bạt mũi kim châm vào cây tùng, xé cây tùng ra làm hai, cứu được Tạ Tốn.

  Kim Dung đã hiểu tới được chỗ đó, tức là người đã ngộ Tánh KHÔNG rồi thì có khả năng giải trừ cái tội khiên, cái quả báo cũng như cái nạn tai cho mình.

Nên chỗ giác ngộ về Tánh KHÔNG là hết sức tuyệt vời. Và cái Tánh KHÔNG đó, rất may là nó không ở đâu xa ngoài xác thân Ngũ Uẩn này, nhưng có điều chúng ta không hay không biết. Trong kinh điển này đã chỉ rõ, chính Tánh Ngũ Uẩn là Tánh KHÔNG. Nên khi nào mình lặng hết những niệm ngay khi sống bằng Ngũ Uẩn, lúc đó sẽ rõ ràng Tánh KHÔNG bàng bạc.

Như chuyện tôi kể, thì đó là Tánh KHÔNG luôn bảo vệ, luôn hộ trì mình. Khi dùng mình thì Tánh KHÔNG phải bảo vệ mình thôi. Giống như một người có lương tâm, khi mượn xe của ai, họ sẽ bảo vệ chiếc xe đó một cách tốt lành. Nhất là người đó lại là một chuyên viên về xe cộ thì họ bảo vệ rất tốt.

Mỗi người chúng ta đều có một chuyên viên lành nghề như vậy, luôn luôn bảo vệ chúng ta. Trong cuộc đời của tôi đã trải nghiệm điều này, không phải là một lần mà rất nhiều lần. Từ nơi Tánh KHÔNG đó đã bảo vệ mình, vực mình qua những chặng đường nguy hiểm trong cuộc đời. Đó là một sự thật và ai cũng có năng lực đó hết, nhưng có điều mình không biết và không đoái hoài gì đến. Rõ ràng là những người không tu, họ cũng được Tánh KHÔNG vực dậy qua những lần tai nạn. Có những trường hợp chúng ta không tưởng tượng nổi, có thể thoát ra được những tai nạn rất là khủng khiếp.

Không biết thì chúng ta nói Phật, Trời độ. Nhưng có những người không tôn giáo, không tin Phật, Trời, họ vẫn tai qua nạn khỏi, thì đó là Tánh KHÔNG nó phát động.

Và sự cầu nguyện đưa mình gần tới Tánh KHÔNG. Ngay lúc mình cầu nguyện một cách tha thiết, những niệm khởi bặt đi thì chính chỗ đó đưa mình vào cõi KHÔNG và cõi KHÔNG bắt được tín hiệu nên nó bảo vệ mình. Vì vậy, sự cầu nguyện một cách thiết tha vẫn có tác dụng, giúp năng lực Tánh KHÔNG bật dậy và nó độ mình.

Nên mới thấy năng lực Tánh KHÔNG rất là nhiệm mầu. Nếu phát hiện ra được một lần trong cuộc đời của mình thì chúng ta rất là hạnh phúc. Và khi phải chết mà sống được bằng năng lực Tánh KHÔNG thì chúng ta sẽ phiêu bồng thôi.

Lửa phỏng nước sôi thoắt mát liền

Núi kiếm rừng đao chốc gãy hết.

(Tuệ Trung Thượng Sĩ)

Năng lực đó phi thường như vậy. Nên chúng ta gắng trì niệm Bát Nhã làm sao để thể nghiệm được Tánh KHÔNG ở nơi chính mình. Được vậy là chúng ta có con đường thoát rất là tốt lành và tấm thân Ngũ Uẩn này sẽ không còn là gánh nặng nữa.

Giờ chúng ta nghe đức Lục Tổ Huệ Năng nói qua về Tánh KHÔNG. Ngài nói rằng:

 “Diệu Tánh của người đời vốn KHÔNG, không có một pháp có thể được, cái Tự Tánh Chơn KHÔNG cũng lại như vậy.”

Cái Tánh mầu nhiệm của người đời, cái Tánh đó vốn là KHÔNG. Trong Tánh KHÔNG hông một pháp có thể được. Tự Tánh Chơn KHÔNG đó là một cảnh giới dứt bặt cảnh giới, là Vô Sở Trụ, là không có chỗ nơi, không một pháp có thể được, là không có gì trong đó hết. Là “Bổn lai vô nhất vật” xưa nay không một vật. Đó là cái TÂM rỗng rang không trống hoàn toàn.

“Này Thiện Tri Thức, chớ nghe ta nói KHÔNG, liền chấp lấy không, cần nhất chớ mắc nơi không. Nếu không Tâm tịnh tọa tức mắc vào cái không vô ký.”

Nếu thấy rằng ở nơi mình có một cái “không”, mình thấy được và mình bám vào chỗ không đó, thì như vậy là một sự sai lầm. Cái KHÔNG này, hông có hình, hông có tướng mà mình tự thấy có cái gì đó là KHÔNG thì chớ có mắc vào.

Có những người không hiểu được cái KHÔNG ở Bát Nhã này, nên bằng cách không tâm mà tịnh tọa và cho đó là quán chiếu Tánh KHÔNG. Đó là mắc vào cái “không” vô ký, cái “không” này hông có khả năng hay biết gì hết.

Trong khi đó, Tánh KHÔNG ở Bát Nhã này là Rỗng, là KHÔNG, nhưng nó là một nguồn lực của Hay Biết. Nên có vị nói rằng: “Bát Nhã vô tri vô sở bất tri” nghĩa là “Bát Nhã không biết, không gì chẳng biết” tức là nó có một năng lực Hay Biết cùng khắp.

Còn người bằng cái tâm không ngơ, không ngớt mà tĩnh tọa, thì người đó không thật sự hay biết như ngây, như ngơ. Cho nên có những người tu, dụng công rơi vào tình trạng là không còn hay biết. Không còn biết gì đến sự vật xung quanh, không còn nhớ tới chuyện xưa, chuyện cũ nữa, trở nên ù lì, không có sự hiểu biết nào cả. Tưởng vậy là tu hành tốt, nhưng đó là sự sai lầm, là chấp vào tướng “không”.

Người tu Thiền, ngồi Thiền mà bị tình trạng như vậy thì sẽ “được” ăn gậy để cho tỉnh ra. Đó là do hôn trầm hay rơi vào tình trạng vô ký, một tình trạng không tốt cho công phu. Cái “không” mà không hay, không biết đó là cái “không vô ký”, một thứ không sai lầm chứ không phải tu cao, tu giỏi.

Giống như ngài Tùng Thẩm, nghe nói dưới chân núi có vị tăng mới xuất hiện. Vị đó tu cũng giỏi, lặng yên bất động tự như như, Ngài liền xuống thăm dò. Đến nơi, ngài đi quanh ba vòng, rồi chống gậy đứng lại. Vị đó vẫn ngồi yên bất động trên Thiền sàng. Ngài Tùng Thẩm chống gậy nói: “Giặc cỏ đại bại”. Ngài phát hiện đây là thứ giặc cỏ, không phải thứ thiệt. Là một hạng chấp “không” thôi, người ta đi quanh mấy vòng mà không hay biết, lờ đi.

Nên tu không phải là tạo nên sự chai lì trên các giác quan. Dù rằng Ngũ Uẩn giai KHÔNG, để Ngũ Uẩn triệt tiêu. Nhưng không có nghĩa trở thành như cây khô, đá lạnh.

 Như bà Tử đốt am chẳng hạn. Nuôi ông Thầy ở yên trong thất, mấy năm trời chỉ có ăn và tu thôi. Sau đó, bà cho cô cháu gái của mình đến để trắc nghiệm. Cô gái đã ôm chầm lấy ông Thầy và hỏi:

 -  Bây giờ thì thế nào?

Ông Thầy trả lời:

   - Khô mộc ỷ hàn nham

  Tam niên vô noãn khí.

Nghĩa là: Ba năm rồi không có một chút hơi ấm, như cây khô, như đá lạnh.

Bà già được cô cháu gái cho hay như vậy, thì bà thốt lên rằng:

  - Kẻ tu hành vô dụng.

Thế rồi, bà đuổi ông Thầy ra khỏi thất và đốt quách cái am. Tu như vậy là để tê liệt các giác quan. Đó là hiểu sai về cái KHÔNG. Dù rằng, tu là phải vô hiệu hóa về Thọ cảm, nhưng không có nghĩa là mất đi khả năng hay biết. Vướng vào tình trạng đó là vướng vào cái “không” vô ký.

“Thiện tri thức, hư không thế giới hay bao chứa muôn vật sắc tượng, mặt trời trăng sao, núi sông đất đai, suối sông khe lạch, cây cỏ rừng rú, người ác người thiện, pháp ác pháp thiện, thiên đường địa ngục, tất cả bé lớn, các núi Tu di…tất cả đều ở trong không trung, Tánh KHÔNG của người đời cũng lại như vậy.”

Ngài đem hư không mà diễn nói làm thí dụ, để cho người hiểu ra rằng, Tánh KHÔNG cũng như là hư không vậy. Nó là nguồn chứa tất cả muôn sự, muôn vật. Nhưng vẫn là rỗng rang không trống, nó không tất cả nhưng hay chứa tất cả. Nên có vị nói rằng: “Bổn lai vô nhất vật, hữu hoa hữu nguyệt hữu lâu đài”. Xưa nay không một vật nhưng nó có cả hoa, cả trăng, cả lâu đài trong đó, chứ không phải hông có gì hết.

“Này Thiện tri thức, Tự Tánh hay chứa đựng muôn pháp nên gọi là lớn, vạn pháp ở trong Tánh KHÔNG của con người. Nếu thấy tất cả người ác cũng như người thiện, đều chẳng nắm cũng chẳng buông, cũng chẳng dính nhiễm. TÂM như hư không gọi là lớn, nên gọi là Ma ha.”

Thể là KHÔNG nhưng trùm khắp to lớn nên gọi là Ma ha.

“Này Thiện tri thức, người mê miệng nói, kẻ trí tâm hành. Lại có người mê, dùng ngồi tịnh để tâm không, trăm việc không nghĩ, tự xưng là lớn. Đối với hạng người này, chẳng thể cùng họ nói, vì là tà kiến vậy.”

Đây cũng là một thứ hiểu sai về Tánh KHÔNG. Ngồi thiền dẹp niệm để cho nó “không” gọi đó là lớn. Không phải vậy. Dẹp niệm giống như là trong nhà bàn ghế ngổn ngang, chúng ta dẹp hết, thì cho đó là hư không. Cái hư không đó có bị sinh ra, đẻ ra. Nếu chúng ta hiểu về hư không như vậy có đúng không? Đó là một sự hiểu sai. Bây giờ mình đem đồ đạc chất đầy nhà đi nữa thì hư không có mất không? - Không mất.

Tánh KHÔNG ở nơi mình cũng vậy. Không phải do tu mà Tánh KHÔNG hiện, không phải do diệt niệm mà Tánh KHÔNG hiện ra. Nếu do diệt niệm mà Tánh KHÔNG hiện ra thì đó là một sự sai lầm. Có niệm hay không niệm thì Tánh KHÔNG vẫn là Tánh KHÔNG. Tánh KHÔNG vốn không sinh không diệt còn chúng ta cho rằng Tánh KHÔNG có sinh ra và mất đi thì đó là cái “không” đối đãi. Cái “không” đối với cái “có” thì đó không phải là cái KHÔNG Bát Nhã.

Từ chỗ hiểu không đúng, nên mới có lời rằng: “Cuộc đời sắc sắc không không” tức là người ta muốn nói cuộc đời có có rồi không không, như vậy chỉ nói lên cái vô thường của cuộc sống thôi. Trong khi đó, Tánh KHÔNG này là cái chơn thường không có mất đi lúc nào hết. Nên người nói câu này chưa hiểu được lý Sắc KHÔNG của Bát Nhã.

Tánh KHÔNG ở đây không có sự sinh ra, không phải do tu mà có. Giống như hư không vốn đã sẳn như vậy rồi, không phải do mình làm cái gì đó mà hư không có ra.

Tánh KHÔNG tuy rỗng không, không có một vật nhưng hay tỏa sáng. Nhờ có Tánh KHÔNG chúng ta mới có khả năng Hay Biết. Và khả năng Hay Biết xuất phát từ Tánh KHÔNG được gọi là Diệu Hữu, một sự có ra rất là mầu nhiệm.

Phật và Bồ Tát là những vị đã thể nhập Tánh KHÔNG. Nên lòng các vị rỗng rang không trống như như bất động. Tuy như như bất động nhưng hay nói pháp, hay tạo phương tiện để độ người, thì những việc làm đó gọi là Diệu Hữu.

Vì Diệu Hữu chỉ xuất phát từ Tánh Chơn KHÔNG. Nếu mình chưa sống được bằng Tánh Chơn KHÔNG thì những điều mình nói, những việc mình làm không phải là Diệu Hữu, mà đó là nghiệp thức.

Khi chúng ta thật sự từ nơi CHƠN KHÔNG mà nói, mà khởi phương tiện thì mới được gọi là Diệu Hữu. Khi đó, cái nói cái làm của mình hoàn toàn trong sáng. Không có ý đồ, không có nhằm lợi dụng một ai hết thì đó mới chính là Diệu Hữu. Còn chúng ta nói để nhằm lôi cuốn người, làm lợi cho mình thì đó đều thuộc về Nghiệp thức và Nghiệp thức thì rất là nguy hiểm, xảo ngụy gian trá. Chúng ta phải hiểu cho đúng đừng lầm.

Nên trong kinh Tứ Thập Nhị Chương có nói về 20 điều khó thì “phương tiện là khó”. Khởi phương tiện để làm lợi ích cho chúng sinh là khó. Thông thường, mình cho phương tiện có khó gì đâu. Như mùa Vu Lan này, tổ chức về lễ Vu lan báo hiếu, nghĩ ra là làm, có tiền là làm được thôi. Mình hiểu một cách sai lầm như vậy.

Gọi phương tiện là khi làm chúng ta không có tính toán suy nghĩ lợi hại gì trong đó. Còn đằng này mình tính làm sao tổ chức Vu Lan cho có lời, có lợi cho mình, cho Đạo. Chúng ta có ý đồ thì đó không phải là phương tiện, mà chỉ là một mưu toan tính toán. Là phương tiện thì phải thật sự trong sáng từ đầu đến cuối. Phải từ một nguồn TÂM rỗng lặng, mà nảy sinh ra phương tiện để lợi ích cho người. Giống như Bồ Tát Quán Tự Tại khi hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa rồi, Ngài mới khởi phương tiện độ sinh và trở thành Bồ Tát Quan Âm.

Nên phương tiện chỉ có khi mình có Trí Huệ và Trí Huệ này phải là Trí Huệ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, chứ không phải là sự khôn ngoan của mình. Nhiều vị cho rằng khi vận dụng đầu óc của mình một cách tinh vi, để làm những điều gây lợi ích cho mình, cho Đạo thì đó là phương tiện. Đừng lầm như vậy. Đó là vọng thức và cái vọng thức rất là tinh vi, nó cũng em em với cái Trí Huệ. Nhưng nó không phải từ tánh KHÔNG mà khởi Diệu Hữu, nên vọng thức đó rất nguy hiểm cho mình và người. Trở thành gian xảo, xảo ngụy và nó phá sản về con đường tu hành của mình. Cái Thức nó biến hiện một cách tinh vi, nếu mình không ngộ Tánh KHÔNG thì khó mà phân biệt, xác định được nó.

Đây là điều rất khó mà Ngô Thừa Ân đã hiểu. Nên ông xây dựng nhân vật Tôn Hành Giả giả trong Tây Du Ký. Khi Tôn Hành Giả thiệt bị sư phụ đuổi về Hoa Quả động, thì Tôn Hành Giả giả xuất hiện đập Tam Tạng một thiết bảng té nhào xuống ngựa và giựt lấy y bát, hành lý của Đường Tăng. Mất hết hành lý Tam Tạng còn đi thỉnh kinh được không? – Không.

Tôn Hành Giả giả giống y như Tôn Hành Giả thiệt, cũng có đủ 72 phép thần thông. Khi Bát Giái đi tìm Tôn Hành Giả để đòi lại y bát cho sư phụ, Tôn Hành Giả mới hay ra có một tên giả dạng mình. Bèn đi tìm và cả hai đánh nhau nhừ tử, tài bằng tài, sức bằng sức. Dẫn nhau đến Đường Tăng, Đường Tăng niệm chú thì hai đứa đều ôm đầu nhào lăn ra, nên không biết đứa nào thiệt đứa nào giả. Kéo nhau đến Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Địa Tạng, các vị cũng không phân biệt được.

Dẫn tới Phật Tổ Như Lai, Đức Phật nhìn lên thì đã biết đứa nào thật, đứa nào giả. Ngài điểm mặt thì Tôn Hành Giả giả liền biến, nhưng Phật Tổ đưa bát ra thâu lại, hiện nguyên hình là con Lục Nhĩ Hầu. Một con khỉ 6 tai và là đệ tử của Tôn Hành Giả khi ở Hoa Quả động. Tôn Hành Giả bực mình vác thiết bảng xán nó một cái nát bét hết. Cái Thức của mình lanh lợi xảo quyệt giống như vậy đó. Chúng ta không khéo lâm vấp vào cái Thức mà tưởng là Trí thì rất phiền phức.

Chưa ngộ Tánh KHÔNG chúng ta không phân biệt được thế nào là Thức, thế nào là Trí. Nếu cho sự khôn ngoan của mình là Trí, thì coi chừng đó là mắc vào tình trạng của con Lục Nhĩ Hầu, là vướng vào Thức.

Nên trong kinh điển Đại thừa dạy mình phải: “Y Trí bất y Thức” nghĩa là hãy nương tựa vào Trí mà đừng nương vào Thức.

Thời đại này người ta sống theo cái Thức nhiều lắm. Dựa vào Thức nên cũng khôn ngoan lanh lợi và cũng thấy mình giỏi giang đạo đức lắm. Nhưng đó không phải là thứ thiệt, vì sống theo cái Thức nó có về những cảm giác làm cho người ta thích thú. Trong khi sống bằng cái Trí Bát Nhã là cái Trí hông Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Tất cả đều bị triệt tiêu, nên dù làm được việc mà không thấy hứng khởi, thú vị gì cả. Không như người sử dụng cái Thức, khi làm được việc thì rất là thích thú. Đây là chỗ chúng ta cần lưu ý. Dựa vào cái Thức là nó phá sản sự nghiệp tu hành của mình.

Phải “Y Trí bất y Thức”. Tu hành mà dựa vào Thức thì hãy nhớ chuyện Tôn Hành Giả giả đối xử với Đường Tăng. Nếu không có con mắt Phật sẽ nhìn không ra và như vậy Đường Tăng không đi tới được Tây Phương. Đó là điều rất lợi hại.

Trên đường tu để giải quyết về cái Nghiệp Thức cũng rất là khó khăn. Phải hiểu thấu đáo về Tánh KHÔNG, mới có thể lọc cái Thức qua một bên.

Chúng ta thấy thêm một điều, người có Trí Huệ Bát Nhã rồi thì thân Ngũ Uẩn coi như được lột xác, được cởi bỏ.

Trong Tây Du Ký đã cho chúng ta một hình ảnh rất là cụ thể. Khi thầy trò Đường Tăng đi đến gần sát nước Phật và phải qua một con sông, nhưng nơi đó không thấy thuyền đò nào hết. Tất cả đang chờ đò thì xa xa có một chiếc thuyền chèo đến. Đường Tăng, Sa Tăng, Bát Giới đều không biết người lái đò là ai, nhưng dưới con mắt của Tôn Hành Giả thì rõ ràng đó là ngài Tiếp Dẫn Đạo Sư. Và khi thuyền cập bến, Đường Tăng thấy đây là một con thuyền không đáy. Ngài do dự không dám bước xuống, Tôn Hành Giả liền xô xuống.

Khi thuyền ra giữa dòng, Đường Tăng thấy một xác người trôi trên sông, Ngài mới hỏi Tôn Hành Giả rằng:

     - Tại sao ở nước Phật lại có chồng chổng trôi?

     - Sư phụ nhìn kỹ xem xác đó là ai vậy?

Đường Tăng nhìn kỹ lại mới giựt mình, đó không phải ai khác mà chính là xác của Đường Tăng. Như vậy Đường Tăng đã lột được xác phàm ở trên một chiếc thuyền không đáy.

Con thuyền không đáy đó là con thuyền Bát Nhã. Là con thuyền KHÔNG và người nào bước lên được con thuyền này thì sẽ được lột xác, tức là không còn tấm thân Ngũ Uẩn nặng nề nghiệp chướng như trước nữa. Để vào cõi Phật thì phải bằng một tấm thân không nghiệp chướng, đây là chỗ diễn tả thật hay.

Cái thân nghiệp chướng của mình thường ngày tham mê cái này cái nọ, nhưng khi gọi là ngộ Tánh KHÔNG thì cái thân xác thịt này không còn nghĩa lý gì nữa. Những đam mê nặng về Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy không còn nữa, huống là những đam mê lặt vặt như thuốc lá, cà phê, trà tàu, ma túy…

 Tấm thân Ngũ Uẩn là cái mình đã ghiền bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Khi giác ngộ Tánh KHÔNG rồi mình bỏ nó như chơi, huống gì những cái lặt vặt như thuốc lá, cà phê thì bỏ không gì khó. Nên đừng bao giờ chúng ta nói: “Những điều đó tôi không thể bỏ được” mà hãy nói với mình rằng: “Tôi bỏ được, tôi làm được”. Đi vào con đường Phật phải làm được những điều nho nhỏ đó. Đây là những điều thử sức mình ở giai đoạn đầu và mình phải thực hiện.

Khi niềm tin của chúng ta về đạo pháp vững vàng, không lệch lạc, thì nhất định chúng ta sẽ thành tựu. “Hết gạo hết binh niềm tin không hết”. Được vậy là chúng ta vẫn còn cơ hội để tất thắng.

Nên sống trong cuộc đời này, dù có những khúc quanh, có những chuyện khó giải quyết, chúng ta cũng đừng có chán nản, đừng có thối lui mà hãy tin vào Tam Bảo rồi mình sẽ giải quyết được thôi.

Nhớ rằng, tấm thân của mình, cái chấp vào Ngũ Uẩn là cái rất khó giải quyết mà vẫn giải quyết được. Mới thấy rằng, người giải quyết được tấm thân Ngũ Uẩn, người đó gan dạ đến cỡ nào. Những chiến sĩ gọi là cảm tử quân của Nhật, dám lái máy bay đâm vào ống khói tàu của địch, những người dám mổ bụng mà chết. Mình gọi là giỏi nhưng có giỏi gì không? – Không. Vì cái chết đó chỉ mới phá được Sắc Uẩn thôi. Còn Thọ, Tưởng, Hành, Thức vẫn còn nguyên. Quan trọng là Thọ, Tưởng, Hành, Thức mà chúng ta phá được mới là chuyện đáng nói.

Nên người phá được Ngũ Uẩn phải là người gan dạ phi thường. Như Tôn Hành Giả vậy, không có chỗ nguy hiểm nào mà không dám vào. Đó là điều mà chúng ta thấy rất là rõ ràng. Nên các vị cao tăng đắc đạo rồi, họ coi sinh mạng này, tấm thân này chẳng ra gì hết.

Giống như Ni sư Ưu Ba Tiên Na thời Phật. Lúc tọa thiền bị rắn cắn. Ni sư biết thế nào cũng chết, liền xin với tôn giả Xá Lợi Phất mời đại chúng đến để từ biệt. Khi thấy Ni sư không tỏ một chút gì kinh sợ. Sắc mặt không biến đổi, rất bình an, ngài Xá Lợi Phất đã khen ngợi:

   - Sắp chết không đổi sắc, có thể dùng huệ mạng của mình mà gìn giữ sắc mặt không biến đổi, không tỏ vẻ gì đau đớn khổ sầu. Đó là dùng mắt Trí Huệ xem tướng thế gian, ra khỏi nhà lửa thật là đẹp vô cùng.

Rồi như một Ni sư người Nhật cũng vậy. Khi Ni sư đến tuổi 62 và thấy duyên đời của mình đã mãn, nên chuẩn bị một đống củi để tự thiêu. Bà ung dung bước lên trên đống củi và ngồi xếp bằng xuống để châm lửa. Một ông thầy thấy vậy mới nói:

   - Nóng lắm đó, Ni sư không sợ sao?

Nghe vậy Ni sư bảo:

-         Ngu như ông mới sợ.

Ngu là sao? – Là còn thấy thân Ngũ Uẩn này là thật, là mình. Đó là chỗ ngu vô cùng, có ngu như vậy mới sợ. Còn Ni sư đã giác ngộ, nên thấy thân này là hư giả. Đã có cái KHÔNG là vĩnh cửu, vĩnh hằng thì đốt bỏ cái giả. Giống như lột cái áo quăng vào lửa thì có gì đâu phải sợ.

Điều này, giống như người thợ săn voi khi bắn trúng voi. Con voi trước khi ngã gục sẽ lồng lộn tìm người bắn nó để quật cho tan xác. Nên với một người săn voi có kinh nghiệm khi bắn trúng voi rồi, họ liền lột cái áo đang bận máng lên cây và leo qua một cây khác. Thế là con voi dựa vào màu áo, nó nhổ cây đó quật tan xác hết và cho là đã trả thù được người bắn nó. Trong khi đó người thợ săn có sợ hãi gì không? – Không. Đó là cái áo thôi.

Như vậy, một người khi giác ngộ Tánh KHÔNG thì tấm thân Ngũ Uẩn không còn dính đến họ. Tấm thân này bị giày xéo cỡ nào ở giữa cuộc đời, họ vẫn là thản nhiên như không. Đó là năng lực của con người giác ngộ về Tự Tánh KHÔNG.

Nhớ rằng, Tánh KHÔNG này là Tánh thật ở nơi mình. Chứ không phải chuyện ở trên trời hay dưới đất không dính gì đến mình.

Để thấy rõ hơn về Tánh KHÔNG chúng ta bàn vào đoạn 3.

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88922
  • Online: 45