KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 5)

19/06/2017 | Lượt xem: 3909

HT.Thích Phước Tú giảng

Đoạn 4:

Thị cố KHÔNG trung

Vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Vô Nhãn, Nhỉ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý

Vô Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp

Vô Nhãn giới, nãi chí vô Ý thức giới

Vô Vô minh, diệc vô Vô minh tận

Nãi chí vô Lão tử, diệc vô Lão tử tận

Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo

 Vô Trí diệc vô đắc

Dịch:

Nên, trong cái KHÔNG  này

Hổng có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Hổng có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý

Hổng có Sắc,Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp

        Hổng có Nhãn giới, cho đến hổng có Ý thức giới

        Hổng có Vô minh, cũng hổng có Vô minh hết

               Cho đến hổng có Lão tử, cũng hổng có Lão tử hết

  Hổng có Khổ, Tập, Diệt, Đạo

  Hổng có Trí cũng “hổng có được”

Trong bài kinh Bát Nhã có ba chữ đặc biệt là KHÔNG, Bất, Vô. Thông thường người ta dùng 3 chữ này như nhau. Nhưng ở đây chữ KHÔNG trên thuộc về vua, nên dưới này dùng chữ Bất và Vô.

Ở Việt Nam có câu đối “không vô trong nội nhớ hoài”. Đây là câu đối khó và tới bây giờ hình như chưa có ai đối được. Vì có những chữ “không” và “vô”, “trong” và “nội” nó cùng một nghĩa. Nói vậy để thấy 3 chữ KHÔNG, Bất, Vô cùng một nghĩa có thể dùng thay nhau được. Nhưng đặc biệt trong bài Bát Nhã thì chữ nào đoạn nấy. Không có dùng thay nhau và nó có nghĩa không giống nhau.

Chữ Bất dịch là “chẳng”, chữ Vô là “hông” là “hổng” (nếu dịch là “không” sẽ trùng với chữ KHÔNG ở trên, làm giảm đi giá trị của chữ KHÔNG). Khi tìm ra được hai tiếng “hông” và “hổng” để dịch chữ Vô thì tôi rất mừng, vì có 2 tiếng tương xứng với chữ Vô mà độc lập với chữ Bất và chữ KHÔNG. Đối với sự dịch tôi rất đắc ý, bởi nó thể hiện rõ ràng về chỗ gọi là hông có.

Thuở nhỏ, má tôi dạy anh em tôi rất kỹ. Không cho nói tiếng hông, hổng hay ổng, bả mà không là không, là ông, là bà thôi. Lớn lên tôi biết “văn tự là tướng giải thoát” nên dạy con kỹ quá cũng hạn chế ngôn ngữ. Nói “không” có vẻ đàng hoàng hơn, nhưng thật ra đàng hoàng hay không đàng hoàng, không phải do từ ngữ mà còn tùy theo thái độ ăn nói có đàng hoàng không.

Ở đây là văn kinh nhưng tôi không ngại dùng chữ “hông”, “hổng” để dịch đoạn này và tôi rất hài lòng về chữ có vẻ quê mùa này của dân miền Tây nam bộ. Đây là đoạn nói thêm về chữ KHÔNG, để làm rõ hơn về chữ KHÔNG.

Trong cái KHÔNG đó hông có Ngũ Uẩn, hông có 6 Căn, hông có 6 Trần, hông có 18 Giới. Tức là hông có Căn, Trần, Thức nghĩa là hông có các pháp thế gian. Vì vậy, nếu chúng ta ngộ được Tánh KHÔNG thì các pháp ở giữa này sẽ trở nên vô hiệu hóa. Uẩn, Căn, Trần và Giới sẽ không còn là vấn đề của chúng ta. Mà thông thường là chúng sanh, là con người thì đều bị nó chi phối một cách mãnh liệt và nó lôi cuốn chúng ta vào vòng trầm luân sinh tử.

Thành ra, Uẩn, Căn, Trần và Giới là những từ dùng cho người còn si mê, còn bị trầm luân sinh tử. Với người giác ngộ thì những thứ này đều tan biến hết, họ giải thoát trên Căn, Trần, Giới.

Trong Giới có 6 Thức nên họ giải thoát luôn trên 6 Thức. Chính 6 Thức này là cái rắc rối, là cái làm cho Căn, Trần dính nhau. Khi nam nữ gặp nhau thì cái Thức phân biệt là ông tơ bà nguyệt, nó là dây mơ rễ má để ràng buộc giữa nam và nữ. Nên cái Thức là cái rắc rối. Chúng ta bị những cái rắc rối từ Căn và Trần làm cho mình phải điên đảo thần hồn là do vì cái Thức tạo ra. Nó làm nên chuyện này chuyện nọ.

Thức là cái phân biệt ở nơi Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý. Chính cái phân biệt đó tạo ra sự dính líu giữa Căn và Trần. Cái Thức rất là tai hại, nhưng rất tiếc chúng ta không biết làm sao để giải quyết cái Thức. Đó là điều khó khăn.

Nhìn trên bình diện cuộc sống thông thường thì con người có sáu Thức là Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỉ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức. Nhưng nếu nhìn tinh vi hơn thì có tới tám Thức. Thức thứ bảy là Mạt Na thức và Thức thứ tám là A Lại Da Thức. Khi con người có đủ tám Thức và nó khởi dậy hoạt động thì Ngọc Hoàng cũng phải chạy tét luôn.

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, ông Kim Dung đã rất khéo khi đặt sáu Thức đầu là bọn Đào Cốc Lục Tiên, là sáu tên quái quỉ không biết xuất phát từ đâu. Khi Lệnh Hồ Xung từ trên núi chạy xuống, giữa đường ngay chỗ hiểm hóc cheo leo bị bọn này chặn lại. Trong tay không có kiếm và bọn 6 người này võ nghệ cũng chẳng phải bình thường. Ở thế đứng hai chân dính trên vách núi, mình ngã trên bờ vực, vậy mà họ vẫn đứng được. Họ nhanh như chớp, không để Lệnh Hồ Xung kịp phản ứng, hè nhau túm Lệnh Hồ Xung bỏ ngay vào bao bịt kín lại.

Sau đó, bọn này lại coi Lệnh Hồ Xung như là công tử của họ. Luôn bảo vệ cho chàng, sáu đứa giành nhau trị thương cho Lệnh Hồ Xung. Mỗi tên dồn cho chàng một chân khí, tạm thời thì nó yên. Nhưng sau đó, sáu luồng chân khí dị chủng  đấu nhau tưng bừng trong thân xác Lệnh Hồ Xung, vật Lệnh Hồ Xung ngã tới ngã lui. Tâm hồn nhừ nát, thân xác rã rời không còn chút hơi sức nào. Sau gặp Bất Giới hòa thượng truyền cho luồng chân khí thứ 7 tạm thời đè được 6 luồng chân khí kia. Như vậy, trong thân Lệnh Hồ Xung có cả thảy 7 luồng chân khí. Bảy luồng chân khí lại đấu nhau, khiến chàng dở sống, dở chết.

Về sau, Lệnh Hồ Xung bị nhốt dưới đáy “Động đình hồ”. Ở đó chàng mò ra được bí kiếp võ công của Nhậm Ngã Hành khắc trên phiến đá. Theo đó Lệnh Hồ Xung luyện được luồng chân khí thứ 8 gọi là “Hấp tinh đại pháp” đè được 7 luồng chân khí kia. Nhưng cũng chưa yên, bảy luồng chân khí quật lên chống lại luồng chân khí thứ 8 làm cho Lệnh Hồ Xung thất điên bát đảo. Dù rằng Lệnh Hồ Xung lúc đó cũng có được một công phu rất là đặc biệt, là công phu “Vô chiêu thắng hữu chiêu” của Độc Cô Cầu Bại truyền lại. Nhưng mấy luồng chân khí đó vẫn đánh nhau bầm bầu.

Đến khi Lệnh Hồ Xung làm giáo chủ phái Hằng Sơn và tổ chức chống lại ma giáo. Vì ma giáo định tiêu diệt Hằng Sơn để tiến lên Thiếu Lâm Tự thôn tính võ lâm Trung Nguyên, làm bá chủ võ lâm, thống nhất giang hồ. Ý đồ của Nhậm Ngã Hành rất là ghê gớm. Nhưng bấy giờ Lệnh Hồ Xung lại bị 8 luồng chân khí dị chủng quật chàng sống dở chết dở, làm cho công cuộc lãnh đạo rất là khó khăn. Lúc đó coi như trên thế gian không còn thuốc chữa ,vì thấy thuốc giỏi nhất là sát nhân danh y Bành Nhất Chỉ, khi ông chữa xong một người thì trả công cho ông bằng cách phải đi giết một người mà ông chỉ định, nhưng ông đã không trị được cho Lệnh Hồ Xung. Bị 6 tên Đào Cốc Lục Tiên bắt bẻ, ông cáo tiết hét lên, tự cắt đứt gân mạch mà chết. Danh y trên đời đã chết mà bệnh Hồ Xung vẫn còn.

May là lúc đó có phương trượng chùa Thiếu Lâm Phương Chứng Đại Sư đến. Ngài nói ngài vừa được sứ giả của tiền bối Phong Thanh Dương, cho biết rõ mưu đồ của ma giáo và lão tiền bối đã nói nhắn rằng, dạo trước khi truyền kiếm pháp cho Lệnh Hồ chưởng môn, vì gấp nên chưa kịp truyền thần công. Nay hay tin Ma giáo sắp kéo đại quân để san bằng Hằng Sơn, vì thế lão tiền bối nhờ bần tăng đọc lại khẩu quyết luyện công cho Lệnh Hồ chưởng môn. Vậy Lệnh Hồ chưởng môn hãy cấp tốc mà luyện ngay bây giờ. Lệnh Hồ Xung trong lúc bất định, nghe đại sư nói sao hay vậy. Đại sư vừa đọc yếu quyết vừa hướng dẫn công phu.

Lệnh Hồ Xung nghe theo lời vận khí. Luồng chân khí mới này lan đến đâu thì trở nên thông suốt đến đó, làm hóa tán cả 8 luồng chân khí kia. Chàng biết thần công đã thành tựu, mọi bệnh chướng đều trừ. Tám luồng chân khí kia bặt tăm không còn lưu lại chút dấu vết nào và Lệnh Hồ Xung thấy mình có sức mạnh phi thường.

Lúc đó, Phương Chứng Đại Sư mới cho hay rằng công phu đó thật ra là của Phật gia, của Thiếu Lâm Tự là Dịch Cân Kinh. Lệnh Hồ Xung luyện được Dịch Cân Kinh hóa giải hết 8 luồng chân khí và trở thành đệ nhất nhân thiên hạ.

Tám luồng chân khí dị chủng đó là 8 Thức của con người và khi nó nhập vào con người rồi, nhớ là nó không có nguồn gốc, không biết từ đâu nhưng có trong con người mình và một người khi bị 8 Thức dấy động thì con người đó chết dở sống dở. Trên thế gian này cũng hết thuốc chữa, chỉ có Phật pháp mới có khả năng giải trừ được 8 Thức và người giải trừ được 8 Thức thì người đó sẽ là đệ nhất nhân thiên hạ. Đó là cách trình bày của Kim Dung.

Còn với Ngô Thừa Ân trình bày về cái Thức qua con khỉ Mỹ Hầu Vương đại náo thiên cung, với danh nghĩa Tề Thiên Đại Thánh. Đó chính là cái Thức của con khỉ phát động, nó quậy trời quậy đất kinh thiên động địa. Khi cái Thức phát động thì trời đất đều thua hết. Không ai kềm chế được mà chỉ có Phật Tổ Như Lai mới có thể kềm chế được cái Thức của con khỉ hay cái Thức của chúng sinh và kềm chế trong Ngũ Hành Sơn. Sau đó, khi theo phò Đường Tăng thì chất khỉ, cái máu của cái Thức vẫn còn nên phải kềm chế cái Thức đó bằng vòng Kim Cô.

Kềm chế cái Thức để phát huy về năng lực Tánh KHÔNG. Điều này chính Tôn Ngộ Không khi trở thành Tôn Hành Giả thì việc đầu tiên là đập chết 6 tên cường sơn thảo khấu khi chúng xuất hiện muốn làm khó dễ, giựt dọc hành lý của Đường Tăng. Khi thấy Tôn Hành Giả giơ thiết bảng muốn đập vỡ sọ 6 tên đó, Đường Tăng không cho lại rầy: “Người xuất gia không được sát sinh”. Tôn Hành Giả càu nhàu chịu không nổi, lén đi thụt ra phía sau và đập chết hết 6 tên.

Sáu tên đó chính là 6 Thức, Tôn Hành Giả đập chết 6 tên đó thật là chính xác. Người tu hành mà không dẹp 6 Thức thì đừng mong đi đến Tây Phương, nhưng có điều người mới tu thì hay nhung nhương với 6 tên đó. Giống như Đường Tăng vậy còn nhung nhương, Từ Bi mà không có Trí Huệ. Đó là 6 tên hại mình để ngăn bước đường đi Tây Phương, vậy mà vẫn không dám mạnh tay để trừng trị bọn chúng. Đó là yếu điểm của Đường Tăng và cũng là yếu điểm của người mới tu, dù biết rằng nó là kẻ giặc nhưng không dám thẳng tay trừng trị. Như vậy, nó sẽ phá hoại việc tu hành, khiến mình không thể hành đạo tốt được.

Tôn Hành Giả đã giải quyết rất là chính xác. Khi nhận ra Tánh KHÔNG thì thấy rõ trong Tánh KHÔNG hông có 6 thứ đó; cho nên có là phải giải trừ liền đập liền.

Muốn nuôi dưỡng Tánh KHÔNG, sống được bằng Tánh KHÔNG thì phải thẳng tay đập 6 tên đó, 6 Thức đó. Đừng để Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý Thức dụ khị mình; không có nhân nhượng với 6 Thức mà phải đập cho nó tan biến, đừng để nó nối ráp Căn và Trần.

Từ 6 Thức đó, còn có thêm hai Thức nữa là Thức thứ 7 và 8 rất là phiền phức. Người thế gian không làm sao giải quyết được, cả trời đất cũng không giải quyết nổi. Chỉ có Phật pháp mới giải quyết được thôi.

Trong cái KHÔNG hông có năm Uẩn, 6 Căn, 6 Trần và 18 Giới tức là không có các pháp thế gian. Rồi không có Vô Minh cũng không có cái hết Vô Minh. Đó là pháp Thập Nhị Nhân Duyên mà Đức Phật đã nói, gồm 12 nhân duyên tức là Vô minh ,Hành,Thức ,Danh, Sắc, Lục nhập, Xúc,Thọ,Ái,Thủ,Hữu,Sanh, Lão tử. Nó là 12 nhân kết dính lại với nhau để làm cho chúng ta có sự sinh tử luân hồi, có vòng khổ đau. (Muốn rõ hơn về 12 nhân duyên đọc vào Pháp Nhà Phật)

Trong cái KHÔNG hông có Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Đó là pháp Tứ Đế hay Tứ Diệu Đế.

Như vậy trong Tánh KHÔNG này hông có 12 Nhân Duyên, cũng không có Tứ Đế; tức là không có các pháp xuất thế gian. Các pháp thế gian và xuất thế gian đều không có trong đây.

Vì vậy, người khi ngộ Tánh KHÔNG rồi mới nói rằng: “ Niết Bàn địa ngục đẳng không hoa”. Tất cả chỉ là hoa đốm trong không gian, không có cái nào có thật hết. Ở trong Tánh KHÔNG lìa hết tất cả các pháp; do đó ngài Huệ Năng nói: “Bổn lai vô nhất vật”.

Chúng ta nhớ khi Đức Phật ngộ về Tánh KHÔNG thì trong đó hoàn toàn rỗng lặng không có một pháp nào. Từ cõi giác ngộ rỗng rang không trống đó mà nói thành pháp để độ người, do đó các pháp đều mang tính chất Rỗng Không hết. Từ cái Rỗng Không mà lưu xuất nên Đức Phật nói rằng: “Suốt 49 năm từ khi ngộ Đạo đến khi nhập Niết Bàn ta chưa từng nói một lời”.

Cho nên nói:

            Pháp pháp hà tằng pháp

(Mỗi pháp mỗi pháp chưa từng là pháp)

(Kệ truyền pháp)

Mỗi thứ mỗi thứ chưa từng là thứ. Không có một pháp nào là thật, vì từ nơi cái Không, cái Rỗng mà có ra. Đó là chỗ nói pháp của Phật và chỗ nói pháp đó “không thật cũng không hư” (kinh Kim Cang). Chúng ta không hiểu lại bám lấy lời, bám lấy pháp cho là sự thật thì đó là một sự sai lầm.

Kinh Kim Cang đã nói rõ về điều này: “Pháp giả dụ như thuyền bè thôi”. Cho nên: “Pháp còn phải xả hà huống là phi pháp”.

Vì thế, cuối kinh Kim Cang có đoạn:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán.

Nghĩa là tất cả các pháp hữu vi đều như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện; nó vốn không có thật. Phải khéo biết như vậy. Đoạn Kim Cang đó, giống như chúng ta viết một lá thơ với lời tái bút: “Xem xong rồi đốt”. Tức là khi chúng ta hiểu đạo lý, hiểu pháp rồi thì chớ có dính kẹt vào pháp vì nó không phải là cái thật.

Trong KHÔNG hoàn toàn vắng bặt các pháp thế gian và xuất thế gian. Nếu bây giờ chúng ta ngộ về Tánh KHÔNG, chúng ta sẽ thấy các pháp thế gian và xuất thế gian đều là Rỗng hết; không có dính vào pháp thế gian hay xuất thế gian gì hết. Đó là chúng ta đi từ cái gốc là ngộ được cái KHÔNG.

Từ chỗ này cũng cho chúng ta một lối vào Tánh KHÔNG. Nếu chưa ngộ Tánh KHÔNG thì bây giờ chúng ta nên dùng chữ “Vô”này mà thực hành. Tức là chúng ta phải vô năm Uẩn, vô sáu Căn, vô sáu Trần, vô 18 Giới và phải vô luôn văn tự của pháp nữa.

Như vậy, mới thấy rằng nhà Thiền hết sức trung thành với kinh Bát Nhã này khi nói rằng:

Bất lập văn tự

Giáo ngoại biệt truyền

Trực chỉ nhân tâm

Kiến Tánh thành Phật.

Vì thật cái Tánh KHÔNG này không có nằm trong kinh giáo, không có nằm trong chữ nghĩa; nó không có văn tự gì cả, lập văn tự là bị kẹt bị sai. Nên chỉ thẳng Tâm người, để người thấy ra cái Tánh của Tự Tâm mà thành Phật. Tánh Tự Tâm tức là Tánh KHÔNG vậy.

Bây giờ muốn vào Tánh KHÔNG thì chúng ta phải “Vô” hết. Trước đây, chúng ta dính hết Căn, Trần, Thức; dính các pháp thế gian và xuất thế gian, bây giờ chúng ta đừng dính nữa. Được không?

Chúng ta đã dính như mủ mít rồi giờ muốn gỡ ra thật không dễ chút nào, nhưng nếu không gỡ ra được thì không thể ngộ Tánh KHÔNG. Nên muốn ngộ Tánh KHÔNG thì chúng ta phải chịu khó gỡ nó ra. Chúng ta phải “Vô” hết, vô Ngũ Uẩn, vô Căn, Trần, Thức; rồi vô luôn cả Phật pháp nữa. Ai có gan như vậy thì có khả năng ngộ được Tánh KHÔNG. Đây là chúng ta đi theo chiều ngược.

Để ngộ vào Tánh KHÔNG phải gan dạ một phen tiêu thân mất mạng. Nhưng nếu chúng ta không vào được bằng con đường nhanh lẹ đó, thì chúng ta phải “Vô” hết các thứ này. Phải hiểu ra được chỗ này để mà tu.

Với chữ KHÔNG, chữ Bất, chữ Vô chúng ta tu được chữ nào cũng tốt. Tu ngay được chữ KHÔNG thì đó là hạng nhất đệ nhất; chưa được chữ KHÔNG thì tu chữ Bất; nếu chưa được chữ Bất thì phải tu dùm chữ Vô. Tu theo Phật mà mình không “Vô” được thì tu hoài cũng sẽ không tới đâu.

Trong kinh này đã nói rất rõ ràng, cả pháp xuất thế gian còn “Vô” thì đừng nói là các pháp thế gian. Chúng ta phải có cái gan dạ phi thường đó và khi không dính vào các pháp thế gian thì các pháp xuất thế gian cũng dễ giải quyết thôi.

Nên người xuất gia theo Phật trước hết phải vô pháp thế gian; cụ thể là chúng ta gọt bỏ cái đầu tóc này. Có “Vô” pháp thế gian chúng ta mới vô chùa được và vô chùa rồi thì phải tiếp tục “Vô” luôn, tức là phải không hết các cái. Đừng có vô chùa rồi còn lôi cái này cái kia vào thì rất là phiền phức.

     Vô Trí diệc vô đắc

Nghĩa là:

Hổng có Trí cũng “hổng có được”

“Trí” đây là của hàng nhị thừa do tu bằng cách diệt niệm, diệt sạch niệm rồi thì trở nên vô sinh. Vô sinh này cũng là một thứ có sinh ra, nên vô sinh này không phải là cái chơn thể, không phải là cái thật. Khi có niệm sinh diệt nổi dậy thì vô sinh này mất, cái gọi là Trí Huệ này tan biến. Giống như ánh sáng của ngọn đèn dầu, ánh sáng này nó có giới hạn, khi gió mưa hay dầu cạn thì nó bị tắt. Không như ánh sáng của viên ngọc vốn tự hay phát sáng nên mưa gió không làm tắt được.

Ánh sáng Trí Huệ Bát Nhã giống như ánh sáng của viên ngọc; còn Trí Huệ của hàng Nhị thừa giống như ánh sáng ngọn đèn dầu.

Trong Trí Huệ Bát Nhã hay Tánh KHÔNG thì không có Trí của hàng Nhị thừa vì Tánh KHÔNG vốn là Rỗng sáng. Tánh KHÔNG không phải do diệt niệm mà sáng, mà tự nó vốn hay sáng chứ không phải do người làm nên.

Nhớ đây là Trí của hàng Nhị thừa nên chưa phải là Trí rốt ráo viên mãn. Ở hàng Nhị thừa đến đây cũng được gọi là Niết Bàn, nhưng chỉ là hữu dư y Niết Bàn; tức là Niết Bàn tạm thời chứ chưa phải là vô dư Niết Bàn, chưa phải là Niết Bàn cứu cánh.

Rất tiếc, những vị tu diệt niệm để được cái Trí này thì cho đó là được, đó là kết quả tốt rồi. Nhưng phải biết rằng cái Trí này cũng chẳng có gì là được hết. Nên gọi là “vô đắc” nghĩa là “không có cái được”. Cái được này là cái do mình tạo nên nó không có thật; giống như cái Trí do chúng ta học tập đó là cái Trí tạo tác, cái Trí làm nên, nó không thật sự là được. Chúng ta học hiểu từ nhỏ đến lớn thì tưởng rằng chúng ta có Trí Huệ, nhưng đến già thì quên hết, nên coi như không được gì hết.

Vì vậy, người nào nói tôi tu có Trí Huệ rồi, đắc rồi là trái với Tánh KHÔNG, là coi như chưa được gì hết.

Trong Tánh KHÔNG hông có cái gì gọi Trí và cái gì gọi là được cả.

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23512
  • Online: 50