Kinh Tâm

29/06/2015 | Lượt xem: 4378

HT.Thích Phước Tú giảng

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA 

TÂM KINH 

Quán Tự Tại Bồ Tát

Hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời

Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG

Độ nhứt thiết khổ ách

 

        Xá Lợi Tử!

Sắc bất dị KHÔNG

KHÔNG bất dị Sắc

Sắc tức thị KHÔNG

KHÔNG tức thị Sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Diệc phụ như thị

        Xá Lợi Tử!

Thị chư pháp KHÔNG tướng

Bất sanh - bất diệt

Bất cấu - bất tịnh

Bất tăng - bất giảm

        Thị cố KHÔNG trung

Vô Sắc, vô Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Vô Nhãn, Nhỉ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý

Vô Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp

Vô Nhãn giới, nãi chí vô Ý thức giới

            Vô Vô minh, diệc vô Vô minh tận

            Nãi chí vô Lão tử, diệc vô Lão tử tận

            Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo

            Vô trí diệc vô đắc

            Dĩ vô sở đắc

   Cố Bồ đề tát đoả

   Y Bát nhã ba la mật đa

   Cố tâm vô quái ngại

   Vô quái ngại, cố vô hữu khủng bố

   Viễn ly điên đảo mộng tưởng

   Cứu cánh Niết bàn

            Tam thế chư Phật

   Y Bát nhã ba la mật đa

   Cố đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề

            Cố tri Bát nhã ba la mật đa

   Thị đại thần chú

   Thị đại minh chú

   Thị vô thượng chú

   Thị vô đẳng đẳng chú

   Năng trừ nhứt thiết khổ

   Chơn thật bất hư

   Cố thuyết Bát nhã ba la mật đa chú

   Tức thuyết chú viết:

            Yết đế yết đế

            Ba la yết đế

            Ba la tăng yết đế

                        Bồ đề tát bà ha.

CHUNG

 

BẢN DỊCH HÁN - VIỆT

 

 


 

 

 KINH TÂM MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

(KINH TÂM TRÍ SIÊU VIỆT ĐẾN BỜ KIA)

        Bồ Tát Quán Tự Tại

Khi thấm nhuần Bát nhã ba la mật đa

Soi thấy Năm Uẩn đều KHÔNG

Qua được tất cả ách khổ

        Xá Lợi này!

Sắc chẳng khác KHÔNG

KHÔNG chẳng khác Sắc

Sắc, ấy chính KHÔNG

KHÔNG, ấy chính Sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng lại như vậy

        Xá Lợi này!

Cái KHÔNG của các món đây:

Chẳng sanh - chẳng diệt

Chẳng dơ - chẳng sạch

Chẳng thêm - chẳng bớt

        Nên, trong cái KHÔNG  này

Hổng có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Hổng có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý

Hổng có Sắc,Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp

          Hổng có Nhãn giới, cho đến hổng có Ý thức giới

          Hổng có Vô minh, cũng hổng có Vô minh hết

 Cho đến hổng có Lão tử, cũng hổng có Lão tử hết

Hổng có Khổ, Tập, Diệt, Đạo

Hổng có trí cũng hổng có được

          Do hổng có chỗ được

Nên bậc Bồ đề tát đoả

Y vào Bát nhã ba la mật đa

Lòng hông có quái ngại

Do hông có quái ngại

Nên hông có sự sợ hãi         

Xa rời mộng tưởng điên đảo

Đến Niết bàn rôt ráo.

          Các vị Phật trong ba đời

Y vào Bát nhã ba la mật đa

Nên được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề

              Thế nên biết Bát nhã ba la mật đa

    Là chú đại thần, là chú đại minh

Là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng

Hay trừ tất cả các khổ

Là sự chân thật chẳng luống dối

                 Thế nên nói là:

“Chú Bát nhã ba la mật đa”

            Lời chú rằng:

            Yết đế yết đế

            Ba la yết đế

            Ba la tăng yết đế

            Bồ đề tát bà ha

 

 

 

KINH TÂM MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA 

(KINH TÂM TRÍ SIÊU VIỆT ĐẾN BỜ KIA)

 



 

 

KINH LÒNG SÁNG RỘNG ĐẾN BỜ KIA

 



 

 

Bồ Tát Quán Tự Tại là:

Người hành Bát nhã ba la mật đà

Đến khi nhuần nhuyễn sâu xa

Thấy TÁNH năm uẩn đều là TÁNH KHÔNG

Các khổ liền được khai thông

Bao nhiêu ách nạn đều hông còn gì

        Phật rằng Xá Lợi Phất này !

TÁNH Sắc và TÁNH KHÔNG đây cùng là

TÁNH KHÔNG - TÁNH Sắc một nhà

Cái 'TÁNH' Sắc ấy chính là TÁNH KHÔNG

TÁNH KHÔNG - 'TÁNH' Sắc thảy đồng

Thọ, Tưởng, Hành, Thức TÁNH cùng như trên

        Xá Lợi Tử!  Nên biết thêm,

TÁNH KHÔNG của các thứ trên thế này:

Chẳng sanh ra - chẳng diệt đi,

Chẳng dơ - chẳng sạch có gì chùi lau

Chẳng thêm - chẳng bớt làu làu.

        Trong TÁNH KHÔNG lại như sau, như vầy:

Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đây

Năm uẩn hổng có TÁNH này LẶNG TRONG

Uẩn hông có nên Căn hông

Ý, Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân có nào!

Căn hông, Trần lại có sao?

Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, bao pháp trần

Căn, Trần, Thức chẳng có phần

Ý thức, Nhãn giới bao lần cũng hông

 

Vô minh sinh chốn bụi hồng

Đến 'vô minh' tận cũng đồng là hông

Lão tử , 'Lão tử' tận hông

'Mười hai Nhân duyên' cũng hông luôn mà!

'Tứ Đế' ấy pháp Phật đà

Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thảy là pháp hay

Cũng hông trong ấy vậy thay!

Huống là có Trí, Đắc gì trong đây?

         Do hổng có chỗ đắc này

Bồ Đề tát đoả y vầy: Ma ha

Bát Nhã ba la mật đa

Lòng hông quái ngại chỉ là rỗng rang

Hổng quái ngại chẳng vương mang

Nên hông sợ hãi lòng đang là Thiền

Xa rời mộng tưởng đảo điên

Đến tột cảnh giới Niết Bàn an vui.

         Các vị Phật trong ba đời

Y vào Bát Nhã siêu vời mà nên

Đắc thành Chánh Giác ngôi trên

Hãy biết như vậy gieo duyên Phật đà.

         Bát Nhã ba la mật đa

Là chú đại thần và là đại minh

Là chú Vô thượng siêu linh

Chú vô đẳng đẳng thần tình nào hơn

Hay trừ khổ quả khổ nhơn

Là sự chơn thật thật chơn chú là:

         “Bát Nhã ba la mật đa”

Lời chú Bát Nhã nói ra như vầy:

         Yết đế yết đế, ba la yết đế

         Ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

 

 

 

PHỤ CHÚ

 

I. XUẤT XỨ:

Bài kinh từ bản văn Bắc Phạn (Sanskrit), có tựa: MAHA PRAJNAPARAMITA SUTRA. Do Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (600-664) đời Đường (Đường Cao Tông) - Trung Hoa, dịch sang chữ Hán, với tựa:

MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH.

II.THỂ VĂN:

Bài kinh theo thể văn kệ. Không phải văn xuôi.

 

III. ĐẠI Ý:

Bài kinh tuyên dương pháp Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa - là một pháp giải khổ rốt ráo, hay tuyệt (các Phật trong ba đời từ đây mà thành).

IV. PHÂN ĐOẠN:

Bài kinh này có thể chia làm 7 đoạn:

v  Đoạn I: Từ  “Quán Tự Tại... khổ ách”.

Đoạn này nói lên người và pháp. Người: Bồ Tát Quán Tự Tại; Pháp: Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa.

Người thực hành pháp thấm nhuần, rõ ràng 'Tánh' Năm Uẩn là Tánh Không, được qua tất cả nạn khổ. Đây là chỉ cho công năng của pháp. Pháp này vì vậy thật siêu việt. Pháp đây chính là Trí huệ Tánh Không - Tánh Không - là KHÔNG.

v  Đoạn II: Từ “Xá Lợi Tử ... Diệc phục như thị”.

Đoạn này giải lý về Tánh Không để thấy KHÔNG  là Tánh của Ngũ uẩn. KHÔNG là “Tánh” thiệt của năm uẩn. Để thấy rõ năm uẩn có không ngoài Tánh KHÔNG, vì vậy năm uẩn là hông thật có. Chỉ giả có, nên chỉ “hông” thôi. Do đây được sáng tỏ hơn vì sao Bồ Tát Quán Tự Tại soi thấy năm uẩn đều là (Tánh) KHÔNG mà qua tất cả ách khổ. Thế mới thấy (Tánh) KHÔNG mới là chơn thật, và tấm thân 5 uẩn chỉ là giả thôi.

v ĐOẠN III: Từ “Xá Lợi Tử! Thị chư Pháp... bất tăng bất giảm.”

Đoạn này xác định đặc tính của Tánh KHÔNG. Tánh Không hông có đối đãi. Các cặp đối nhau đều hông có. Tánh KHÔNG hông là pháp có hai, mà là pháp “hông hai” (bất nhị - vô nhị). Chỉ là KHÔNG là Rỗng, bặt mọi đối đãi, hông một Niệm, hông Tình Niệm, hông Tưởng Niệm. Vắng lặng tuyệt đối. Đây là cõi lòng bằn bặt và bằn bặt.

v Đoạn IV: Từ “Thị cố không ... vô trí diệc vô đắc”.

Đoạn này lại cho thấy thêm, ở trong Tánh Không hông có 5 Uẩn, 6 Căn, 6 Trần, 6 Thức, hông 18 Giới. Tức hông có các thứ trong thế gian (Từ thân, y đến cảnh sắc). Và hông có 4 Đế, 12 Nhân Duyên, hông có cái gì gọi là trí gọi là được cả. Tức cũng hông có các thứ gọi là giáo pháp, là pháp xuất thế gian gì cả, hông có trí nào được sanh ra cả. (Trí ở đây là Trí của hàng Thanh Văn, tức Trí sinh diệt Trí do công phu tu mà có chứ không phải Trí Tự Tánh Trí Bát Nhã)

 

Đây để xác định rốt ráo Tánh KHÔNG là cõi “Xưa nay không một vật”. Rỗng lặng hoàn toàn, lặng trong. Trong lặng trọn vẹn.

v Đoạn V: Từ “Dĩ vô sở đắc cố... cứu cánh Niết bàn”.

Đoạn này cho biết bực Bồ Tát luôn y theo pháp  Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa này mà hành trì tu tập, lấy làm chỗ nương tựa mà sống. Thế nên các Ngài trong lòng không còn điều quái ngại nào. Vì vậy các vị lià được sự “mộng tưởng” hông còn điên đảo nữa, mà được chứng nhập cõi Niết bàn cao tột (hoàn toàn hết khổ đau).

v Đoạn VI: Từ “Tam thế ... tam miệu tam bồ đề”.

Đoạn này dẫn chứng để thấy pháp Bát nhã thật là hay, mầu diệu cao sâu đạt đến cứu cánh, nêu các đức Phật trong ba đời mà chứng minh. Các Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thành Phật được cũng do từ pháp này. Vậy đây là pháp để thành quả vị Phật.

v Đoạn VII: Từ “Cố tri Bát Nhã... Bồ đề tát bà ha”. 

Đoạn này tán thán khen ngợi pháp môn Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa là một pháp môn tuyệt vời. Là pháp có khả năng diệt tất cả khổ đau. Điều này rất thật không luống dối.

V. GIẢI TỪ NGỮ:

Ma Ha Bát Nhã ba la mật đa là cụm từ tiếng Bắc Phạn (Sanskrit), tiếng xưa của Ấn Độ về phương Bắc

(Ma ha PRAJNAPARAMITA) (Sutra: kinh).

  • Ma ha: Người Trung Hoa dịch là “Đại”. Tiếng Việt có nghĩa là lớn, to, rộng, bự, thênh thang, trùm khắp. Đó là nghĩa đen, chỉ cho vật chất, kích thước cụ thể. Nếu là nghĩa bóng thì chỉ cho mặt tư tưởng trừu tượng. Chỉ cho phần trí óc của con người. Đại là lớn, là tâm  hồn rộng lớn, cõi lòng thênh thang, (trí tuệ) siêu việt, đầu óc cao siêu, (Trí) siêu việt... Vậy đại dùng cho tu tưởng, trí óc, phần tinh thần thì có nghĩa là diệu, vi diệu, mầu nhiệm, siêu việt hay cao siêu hoặc cao sâu, rất hay, rất tốt, rất giỏi, v.v...
  • Bát Nhã (Prajna): Người Trung Hoa dịch là Trí huệ. Đây là chỉ cho sự sáng suốt của một cõi lòng. Một sự hiểu biết đúng sự thật.
  • Ba la mật đa (Paramita): Người Trung Hoa dịch là “Đáo bỉ ngạn”. Có nghĩa là qua bờ kia. Qua bờ sông bên kia.(Ba la mật đa còn có nghĩa là cứu cánh: rốt ráo).

Theo Đạo Phật thì bờ sông bên “nầy” là chỉ cho bờ “mê”, bờ của u tối, của sự lầm lẫn, của sự khổ đau, của si mê, vô minh. Và bờ bên “kia” chỉ cho bờ “giác”, bờ sáng sủa, bờ của sự sáng suốt, hay ra đúng như thật, không còn mê lầm, không còn khổ đau, là giác ngộ, là giải thoát, là an vui. Là Trí huệ giải mê, giải khổ . Trí này là Trí tự Tâm, Tự ngay Tánh Thể, không phải do tu, do học mà có ra. Trí này là sự sáng suốt ở Tâm, đã sẵn như vậy.

Như vậy: Ma ha bát nhã ba la mật đa là thứ Trí huệ siêu việt, là Diệu Trí có khả năng đưa người thoát khỏi bờ mê đến bờ giác. Là thứ trí huệ siêu việt có khả năng giải khổ cho chúng sanh. Trí này là thứ trí thật hay, rất tốt, rất giỏi. Là thứ Trí rộng trùm.

Nên đây không phải là thứ Trí huệ thông thường, mà là “Đại” Trí huệ giải mê, giải khổ để được an vui hoàn toàn. Trí này là Trí Chơn thật, là nguồn sinh ra bao nhiêu thứ gọi Trí khác (Trí thế gian và trí tu hành). Nhưng lại không  thể dùng ngôn ngữ văn từ, miệng lưỡi viết lách mà nói đến được. Trí này bàng bạc mênh mông như hư không, có đặc tính như hư không. Và để phân biệt với Trí huệ thông thường của người đời, nên nói cho đủ là:

Ma ha bát nhã ba la mật đa.

Nếu nói theo tiếng Việt thì nên nói, hoặc là:

- Đại Trí huệ.

- Trí huệ Bát Nhã (Maha bát nhã ba la mật đa).

- Trí Bát Nhã.

- Trí Giác.

- Trí huệ siêu việt, Trí siêu việt, Trí siêu, Trí mầu.

- Tánh Giác. Trí Tánh, Trí Tự Tánh, Trí Tự Tâm.

Có thể dùng một từ nào cũng được, nhưng nhớ nó phải mang trong ruột cả cụm từ “Ma ha bát nhã ba la mật đa”. Như tiếng Tâm, hay nôm na hơn là Lòng, một cõi lòng lặng trong. Có thể là: Trí lặng trong hay Trí Rỗng, Trí hay biết.

Ma ha bát nhã ba la mật đa này không có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi ... trong đó, tức không có một Niệm nào. Là thứ Trí không Niệm. Và Trí này đã được trong kinh văn gọi là KHÔNG.

Cả bài kinh nhằm nói lên cái Trí KHÔNG này.

Ma ha bát nhã ba la mật đa = (Trí KHÔNG)

 


TỰA KINH

Theo nghĩa của đề kinh chữ Hán, có ba cách dịch:

1- Dịch theo cấu trúc của tựa, vẫn để cụm từ Phạn như bản văn Hán. Dịch là: Kinh Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa. (Cấu trúc: Phạn + Hán; Phạn: Ma ha bát nhã ba la mật đa. Hán: Tâm.)

2- Dịch theo nghĩa Hán với cụm từ Ma ha bát nhã ba la mật đa (Ma ha: đại; Bát nhã: Trí huệ; Ba la mật đa: Đáo bỉ ngạn - Đại trí huệ Đáo bỉ ngạn). Tâm kinh dịch là: Kinh Tâm Trí siêu việt đến bờ kia.

3- Dịch theo nôm na, dịch ra hẳn tiếng Việt, văn Việt.

Dịch là: Kinh LÒNG SÁNG RỘNG ĐẾN BỜ KIA (bờ giác). Và nếu dịch gọn với tiếng Hán Việt thì, là: Kinh Tâm. Với tiếng Việt hẳn, là: Kinh lòng (nhưng ruột vẫn là Ma ha bát nhã ba la mật đa).


TÂM

TÂM: Chữ Tâm đây là: Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa.

Tâm này vì thế mang trọn nghĩa Ma ha bát nhã ba la mật đa. (Chữ Tâm là chữ dịch cụm từ này).

Đây là chữ Tâm vỏ là Trung Hoa, mà ruột là Ấn Độ, lại là Ấn Độ Đạo Phật chứ không phải Ấn Độ thường. (Tâm này là Tâm bản thể (bổn Tâm) chẳng phải Tâm hiện tượng (Tâm ý).

Thế nên chữ Tâm này hết sức đặc biệt. Tâm nghĩa Việt Nam là lòng. Nhưng lòng này là lòng Ma ha bát nhã ba la mật đa. Thế nên chữ “Lòng” rất nôm na này lại khiến cho người Việt Nam nào không hiểu pháp nhà Phật thì không hiểu được.

Lòng Ma ha bát nhã ba la mật đa, có thể dùng gọn hơn là Lòng Bát Nhã, thì Lòng Bát Nhã là một cõi Lòng có trí huệ siêu việt, mênh mông trùm trời đất, lại là cõi lòng không có bóng dáng Tham, Sân, Si, không có phiền não, nhiễm ô, hông đau khổ.

Ma ha bát nhã ba la mật đa Tâm, cũng giống như Bồ đề Tâm. (Bồ đề cũng là tiếng Phạn - Bodhi). Bồ đề Tâm tức Tâm Bồ đề, hay Lòng Bồ đề (Lòng thuần Trí giác).

Thì “Ma ha bát nhã ba la mật đa Tâm” tức là Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa, là Lòng Ma ha bát nhã ba la mật đa. Nếu Việt Nam hoá hoàn toàn gọi nôm na thì:

Là “Lòng trí rỗng thênh thang qua cõi giác”, đây cũng là thứ Trí Thuần Giác. (Lòng sáng rộng đến bờ kia).

Như vậy "Ma ha bát nhã ba la mật đa Tâm" có khác chi "Bồ đề Tâm". Ma ha bát nhã ba la mật đa = Bồ đề. Thì Bồ đề = Tâm Ma ha bát nhã ba la mật đa = Tâm thuần Trí giác.

Mà Tâm thuần giác đó chính là Tâm Phật.

Vậy:

Tâm Ma ha bát nhã = Tâm Bồ Đề = Tâm Phật

Hay:

Lòng Ma ha bát nhã = Lòng Bồ Đề = Lòng Phật

(Lòng Trí giác          = Lòng Giác    = Lòng Giác)

Chữ Tâm này vì vậy nên nói rõ hơn là Diệu Tâm. Là Tâm Giác - Lòng Giác, là Tâm Phật, là Lòng Phật.

  • · Một thứ Tâm mầu diệu nhất trần đời. Đó là tất cả ý nghĩa của chữ Tâm ở bài Tâm kinh này.

(Chữ Tâm ở đây vì vậy có thể hiểu là Tánh, Tự Tánh, Tánh Không, Tự Tánh Không, là Trí Không, là Tri Kiến Phật, Trí huệ Phật, là Ma ha bát nhã ba la mật đa).

Chữ Tâm này phải được luôn luôn viết hoa: TÂM. TÂM này là danh từ riêng xác định cảnh giới Tâm linh siêu việt nhất.

TÂM = PHẬT

(TÂM này là Tâm Bản thể, không phải là Tâm hiện tượng, thứ Tâm có Tham, Sân, Si...)

H BỒ TÁT: Nói cho đủ là Bồ đề tát đoả. Đây là từ tiếng Phạn Bodhisattva. Người Trung Hoa dịch là Hữu Tình Giác, và Giác Hữu Tình. Hay Đại Giác hữu tính. (Bodhi: giác; Sattva: Dũng mãnh).

Hữu Tình giác: Là một người, một sinh vật có sự giác ngộ, hay ra được sự thật ngay nơi Tâm, ngay nơi cuộc sống - một sự thật diệu kỳ mầu nhiệm. Người này có đời sống sáng suốt không bị vô minh, si ám dẫn dắt nữa. Người này có Trí huệ Bát Nhã.

Giác Hữu tình: Người được giác rồi lại giúp kẻ khác cũng được giác như mình, cũng hay ra được sự thật như chính mình. Cũng giúp cho người bật dậy Trí huệ Bát Nhã.

Một Bồ Tát như vậy có đủ hai mặt, là:

Trí và Hạnh.

TRÍ là tự giác. Tự mình giác.

HẠNH là độ người, giúp người giác, khởi phương tiện độ sanh. Đây là cứu khổ cho người và được gọi là Bi hay Từ Bi. Người được như vầy thật là một người Dũng Mãnh - Là người độ được mình, dám thắng mình và dám độ được người.

Như vậy một Bồ Tát chân chính, thực thụ phải có đủ Trí huệ và Từ Bi.

Giữa Trí và Bi thì Trí phải có trước, rồi sau mới là Bi. Và Trí đây nhớ là Trí huệ Ma ha bát nhã (không phải Trí khôn dại theo đời), và cũng phải biết rằng Từ Bi chính là hành động vì người được xuất phát từ năng lực Trí huệ. Vì thế Từ Bi phải là thứ lòng thương Thuần Trí huệ, không một chút nhiễm ô nào. Đó chính là tình thương không tình cảm.

(Từ Bi: Ban vui cứu khổ. Từ: Thấy chúng sanh khổ mà thương. Bi: Thấy chúng sanh thương mà cứu).

 

QUÁN TỰ TẠI

QUÁN TỰ TẠI: Đây là tên một vị Bồ Tát. Tên này được dịch từ tiếng Phạn là: AVALOKITÉVARA. Đây là tân dịch (đời Đường). Cũng tiếng này trước đó (cựu dịch) dịch là Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại cũng là một người. Nhưng với nghĩa Trí, tiêu biểu cho Trí thì dịch là Quán Tự Tại. Tiêu biểu cho Hạnh (Từ Bi) thì dịch là Quán Thế Âm. Đó cũng là tùy theo dấu nhấn trước hoặc sau của chữ (tiếp đầu ngữ hay tiếp vĩ ngữ). Vị Bồ Tát này người Việt Nam ta thường gọi là: Quan Âm.

Quán Tự Tại là người có cái nhìn thật giải thoát, không còn bị cái gì cản trở che ngăn nữa. Đó là cái nhìn xuyên thấu Năm Uẩn (Ngũ uẩn), thấy rõ tánh thật của Năm Uẩn đều là KHÔNG. Thấy rõ như vậy nên qua được tất cả khổ do Ngũ Uẩn gây nên. Đó là cái nhìn tự tại. (Tự tại: không chướng ngại, một sự tự do tại chỗ - ngay tù ngục mà không thấy bị giam nhốt, bị mất tự do mà vẫn thấy tự do.)

 

NGŨ UẨN

NGŨ UẨN: Là năm uẩn. Uẩn có nghĩa là nhóm hợp lại, kết hợp lại. Năm món nhóm hợp lại làm thành đời sống thân người, thân sinh vật.

(Ngũ Uẩn còn gọi là Ngũ Ấm hay Ngũ Cái)

Năm món là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

Sắc: Thân xác thịt, phần vật chất thuần túy, vật chất thô, cân đo được. Nặng bao nhiêu ký, cao bao nhiêu mét. Đây là phần do đất, nước, gió, lửa hợp thành gọi là Tứ đại. Chất cứng: xương, thịt, gân, lông, tóc, móng là Đất. Chất lỏng: nước miếng, nước tiểu, máu là Nước. Hơi thở ra vào là Gió. Nhiệt độ, hơi ấm, năng lượng là Lửa.

Thọ: Cảm giác, phần vật chất tinh vi, thuộc hệ thần kinh.

Tưởng: Tư tưởng, nghĩ ngợi, tưởng tượng, phần sinh hoạt tinh thần cơ bản. Niệm, có niệm khởi trong lòng.

Hành: Sự vận chuyển lan man trong tâm ý. Sự chuyển Niệm thành dòng tư tưởng, thành ý nghĩ.

Thức: Sự phân biệt để có hiểu biết. Đây là đời sống tinh thần cao cấp. Vừa hiểu biết ngay trong tâm

tưởng ý nghĩ lại vừa hiểu biết cả ngoại cảnh, qua sự cảm nhận của 6 giác quan (6 căn). Niệm phân biệt để có là cái này cái kia là tốt là xấu, là thương là ghét... có ra Tham Sân...

Năm món này hợp lại để thành ra sinh hoạt của con người, của sinh vật. Năm món này gồm cả xác thịt và tinh thần, tạo thành tấm thân sống động -thân sống, (Thân chết không gọi là 5 uẩn, chỉ có một Sắc Uẩn mà thôi).

Nhưng năm món này lại là thành trì ngăn che làm con người, chúng sanh bị u tối, bị mê mờ.

Do mê lầm mà sanh ra nhiều tội lỗi và rước lấy khổ đau. Thế nên năm món này có tên là Ngũ Ấm. Ấm là ngăn che. Ngũ Ấm là năm món ngăn che.

Ngũ Ấm cũng là từ của cựu dịch, và Ngũ Uẩn là từ tân dịch.

Ngũ Uẩn thì diễn lên hình thức (5 món hợp lại).

Ngũ ấm thì diễn lên cái nghiã chính để có khổ (5 món ngăn che).

Với hai từ này ta có thể gom lại để hiểu thì trọn vẹn hơn.

Năm món: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức này kết hợp lại để thành ra tấm thân có sinh hoạt. Nhưng chính năm món này là tường vách, thành lũy, màng tối ngăn che khiến có mắt như mù, mà thấy lầm, làm sai, thành có điều ác tạo nên tội lỗi mà phải chịu đau khổ.

Thế nên khi nói đến tấm thân Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm, cũng là nói lên sự đau khổ cho con người, cho chúng sanh thôi. Còn bám chấp 5 món, chưa thấy đúng về chúng thì còn đau khổ.

Đối với năm món này mà thấy mỗi món đều là thiệt, đều thiệt là ta là mình hết thì đều là khổ thôi (vì thấy lầm).

Hay đối với tất cả 5 món mà thấy gom lại là mình là thật mình, thân xác ta và tinh thần ta (Tâm ý) đều là thiệt, là ta, là thật ta. Thấy như vậy, chấp như vậy thì sẽ có khổ sinh ra (vì là thấy lầm).

Đó là không biết rằng: Thân ta nào phải là ta, tinh thần (Tâm ý) nào phải là mình.

Thấy lầm về năm món này thì đây là Vô minh vậy. Từ Vô minh mà dấy Nghiệp thì vô số điều ác (Tham - Sân - Si v.v...) dấy sinh làm khổ mình khổ người, khổ sinh linh biết bao cùng.

Khổ với mình vì mình là khổ chính, vì năm món này, nếu chấp bám thì nó cứ lẫy lừng mãi. Nó như lửa bốc lên đốt cháy mình, khổ biết nhường nào, khổ như ở trong nhà lửa. Vì thế nên có tên gọi là: Ngũ ấm xí thạnh khổ (cái khổ vì 5 ấm hừng hực đốt cháy).

Ngũ Uẩn, Ngũ Ấm quả thật là nhà lửa, là chốn khổ. Hãy sớm hay ra để bước ra. Hãy như Bồ Tát Quán Tự Tại thì mới mong thoát được.

KHÔNG

KHÔNG: có nghĩa rỗng, rỗng không. Đây là một danh từ và là danh từ riêng, chỉ riêng cho một cõi, một cảnh giới đặc biệt ở ngay nơi lòng. Một cảnh giới Tâm linh siêu việt nhất. KHÔNG là Tánh của Tâm. Vì vậy chữ Không ở đây phải được viết hoa: KHÔNG.

Và như vậy chữ KHÔNG này không có nghĩa là “không có”, “hổng có” một cái gì đó hay là không không, một thứ không trơ, không ngơ, không ngớt.

KHÔNG ở đây chỉ cho cảnh giới vắng lặng bằn bặt suốt soi ngay nơi Tâm, nơi lòng người, lòng chúng sanh hữu tình. Đây được gọi là cảnh giới Chơn Không. Một thứ cảnh giới dứt bặt cảnh giới, không gì là cảnh là cõi, chỉ là rỗng là KHÔNG.

Và KHÔNG này đã xác định cho cõi Tâm là rỗng sáng, trùm chứa, bất động, không bao giờ thay đổi, nên được gọi là Tánh - TÁNH KHÔNG.

KHÔNG này là cái thật nhất. Chỉ có TÁNH KHÔNG này là thật thôi, ngoài ra trên đời này chẳng có gì là thật cả. Ngay cả những suy nghĩ tính toán, tư tưởng cũng đều không thật.

Cái KHÔNG này thật là vậy, nhưng là rỗng, vì rỗng nên hông có cái gì trong đó cả, hông có 5 Uẩn, nên 5 Uẩn trở thành hông. Cái KHÔNG này trong đó hông có văn tự, chữ nghĩa, ngôn ngữ, lời lẽ. Cả chữ “KHÔNG” tiếng KHÔNG cũng hông có trong đó.

Nghĩa KHÔNG như vậy nên với nghĩa là “hông có”, “hổng có” rất là phụ thuộc, là “thứ” chứ không phải là chính.

Tuy KHÔNG, rỗng mà có khả năng dung chứa vô bờ, bao hàm cả vạn vật, cả đất trời. Vi thế được gọi là Maha, là Đại, là to lớn v.v... (Do rỗng mà chứa được nhiều).

Do đó KHÔNG có thể nói là nghĩa của Ma ha Bát nhã ba la mật đa.

Vì thế KHÔNG này có thể dùng chữ "Hư không" để thí dụ.

Tánh KHÔNG, giống như Tánh hư không, và mênh mông trùm chứa như hư không, cùng là nguồn nảy sanh ra muôn loài vật, là Nền cho muôn giống loại nảy nở, cũng như hư không.

KHÔNG là TÁNH là NỀN.

KHÔNG là Tánh, là Tự Tánh

             là Tự Tánh KHÔNG.

KHÔNG là Tánh của Tâm

           là Diệu Tâm

KHÔNG là Ma ha bát nhã ba la mật đa.

Và KHÔNG(1) là Diệu PHÁP. Là Tánh THỰC của muôn ngàn tư tưởng, muôn ngàn ý niệm, của 5 uẩn. Là nền của tất cả.

  • · Trong KHÔNG hông có sự đau khổ, nỗi khổ nào.
  • · Trong KHÔNG vốn vắng lặng bằn bặt, bất động,  hông có một Niệm nào.

XÁ LỢI TỬ: Tên một vị đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca. Đây là tiếng phiên âm từ tiếng Phạn Sariputta. Tên này còn có âm Xá Lị Tử, Xá Lị Phất, Xá Lợi Phất. Người Trung Hoa dịch thành nhiều từ: Xuân Oanh, Thu Lộ, Thu Tử (Cả ba là con chim cò), và Thân Tử (Thân đẹp). Ngài là một vị trí huệ đệ nhất trong hàng đệ tử lớn của đức Phật .

SẮC: (bất dị không ...): một món trong 5 Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Sắc ở đây dùng đại diện cho Ngũ uẩn. Vì câu văn chỉ có 4 chữ thôi nên không dùng Ngũ Uẩn (2 chữ sẽ bị lỗi dư chữ).

PHÁP: (pháp không Tướng): Chữ Pháp ở đây có nghĩa là món, thứ, cái.

'Chư Pháp' là các cái, các thứ, các món. Ở đây chỉ cho 5 món (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức).

Thị chư pháp không tướng: có nghĩa Cái (Tánh) KHÔNG của 5 món. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này.

 

Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) là 6 căn, 6 bộ phận ở tại con người (Thân là da thịt; Ý là não bộ, là óc).

Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp: là 6 Trần. 6 thứ ở ngoài con người. 6 thứ đối lại 6 Căn.

- Sắc (trần): cảnh sắc, người, vật, đồ vật, v.v... những thứ đối với con mắt.

- Thinh (trần): Tiếng vang, tiếng vọng (âm thanh)..., những thứ đối lại với lỗ tai.

- Hương (trần): Mùi, mùi thơm, thúi, tanh, hôi, v.v... những thứ đối với lỗ mũi.

- Vị (trần): Vị nếm, đắng, cay, lạt, mặn, ngọt, bùi v.v... những thứ đối lại với cái lưỡi.

- Xúc (trần): Chạm, đụng, trơn, láng, sần sùi, thô kệch, mịn màng, êm ái, nóng nực, lạnh lẽo, v.v... những thứ đối với da thịt lông tóc.

- Pháp (trần): Cái bóng dáng trong lòng. Những hình ảnh khi 5 căn nổi thâu nhận (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) làm thành bóng dáng ở trong đầu. Hay do suy nghĩ tưởng tượng từ ý căn (căn chìm) mà có ra hình bóng trong đầu.

 

  • · Nhãn giới, ý thức giới: Đây là nói chung 18 giới.

18 Giới = 6 Căn + 6 Trần + 6 Thức.

Chỉ chung cho sự tương quan giữa người và cảnh, tức chung cho sinh hoạt trong cuộc sống (6 Thức, là 6 phân biệt hiểu biết nơi 6 căn, khi căn tiếp xúc với trần). Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức,  Ý Thức.

  • · Vô minh, Vô minh tận, Lão tử, Lão tử tận: Là 12 nhân duyên cùng phép Quán (có Vô minh có Lão tử rồi do tu quán mà Vô minh hết, lão tử hết).

12 = Vô minh - Hành - Thức - Danh sắc - Lục nhập - Xúc - Thọ - Ái - Thủ - Hữu - Sanh - Lão tử.

KHỔ - TẬP - DIỆT - ĐẠO: Là Pháp Tứ Đế hay Tứ Diệu Đế hoặc Tứ Thánh Đế. Là bốn sự thật (đế).

Khổ đế: Khổ là sự thật: Sanh, Già, Bệnh, Chết.

   Thương, Ghét, Cầu muốn, Ngũ Ấm Xí Thạnh.

Tập đế: Nguyên nhân sanh khổ là sự thật: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến Thủ, Giới cấm thủ, Tà kiến.

Diệt đế: Cảnh giới sau khi diệt sạch tập nhân hết khổ, là cõi Tịch diệt vắng lặng hoàn toàn an vui vĩnh hằng. Cõi Niết bàn. Tự Tánh. Cõi Tâm vắng lặng tuyệt đối.

Đạo đế: Phương pháp diệt trừ Tập nhân. Gồm 7 nhóm, có 37 món.

37 = 4 Niệm xứ + 4 Chánh cần + 4 Như ý túc + Ngũ căn + Ngũ lực + Thất bồ đề phần + Bát chánh đạo phần.

- 4 Niệm xứ: Bốn pháp quán: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

- 4 Chánh cần: Ngừa ác, Diệt ác, khởi thiện, Tăng thiện.

- 4 Như ý túc: Dục, Tinh tấn, Nhất tâm, Quán.

- 5 Căn: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ

- 5 Lực: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ.

- 7 Bồ đề phần (Thất giác chi): Trạch pháp, Tinh Tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định, Xả.

- 8 (Bát) Chánh Đạo phần (Bát Thánh Đạo phần): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh định.

 

Trí (Vô trí): Trí này do công phu tu tập từ Tâm sinh diệt mà sinh ra. Nhưng Công phu tu ở đây là từ chỗ chưa thấy Đạo mà tu, chưa ngộ mà tu, nên Trí này chỉ là tạm thời. Có "được" trí này cũng là được tạm mà thôi, vì là không thiệt, cũng chỉ là thứ ý thức tinh vi kết tụ tập trung mà thôi. (Nên trong Tánh Không hông có Trí này, hông có được cái Trí này).

Vô sở đắc: Hông chỗ được. Hông có cái gì để được. Hông có cái Trí để được. Tức là “Vô sở trụ” “Vô trụ” “Vô trước”. Là hông dính mắc, hông có ý niệm bám trụ một cảnh giới nào. Hông chấp chỗ “Chứng” chỗ “Đắc” chỗ được. Lắc đầu mà qua suông dù cõi chứng cảnh đạt có hay có tốt, có an vui thú vị gì đi nữa. Đây là chổ hông Mình hông Pháp hông cảnh giới hông thọ cảm. Bằn bặt - Lặng trong - Trong lặng thôi.

 

Cứu cánh Niết bàn: Một thứ Niết bàn rốt ráo tột cao. Là Niết bàn Phật.

Niết bàn là tiếng Phạn (Nirvana). Trung Hoa dịch là Diệt, Diệt tận, Diệt độ, Tịch diệt, bất sinh, viên tịch, giải thoát, vô vi an lạc. Là cõi vắng lặng tuyệt đối dứt bặt khổ đau.

Niết bàn cũng có chia nhiều bực; từ thấp đến cao, tột cao. Thấp: hữu dư Niết Bàn. Đây là Niết Bàn của Hàng A La Hán. Vô Dư Niết Bàn hay Cứu Cánh Niết Bàn là Niết Bàn của Phật.

A nậu đa la tam miệu tam bồ đề: Cụm từ này được phiên âm từ tiếng Phạn. Người Trung Hoa dịch là: Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tức chỉ cho quả vị Phật.

 

VI. CHỮ TIẾNG ĐẶC BIỆT:

     a/ KHÔNG - BẤT - VÔ.

  • ·Không, Bất, Vô: ba chữ này ở chữ Nho có nghĩa giống nhau, nên có thể dùng thay nhau. Cả ba đều có nghĩa là không.

Nhưng ở bài kinh này, ba chữ đây được dùng ở ba vị trí khác nhau.

Chữ 'Không' dùng đoạn đầu,

Chữ 'Bất' dùng đoạn giữa,

Chữ 'Vô' dùng đoạn sau.

Việc dùng khác chỗ ba chữ này dịch giả Phạn - Hán thật có ý. Điều này thật hay, chứng tỏ dịch giả hiểu suốt được nghĩa Ma ha bát nhã, tức suốt được nghĩa 'Không'. Dùng thế này tránh được ngộ nhận, tránh được sự lầm lẫn cho người.

Chữ KHÔNG như đây là chữ “linh thiêng”. Nếu không khéo dễ lầm lẫn với Bất với Vô thì hỏng bét.

Ở đây chữ Không  là Phụng, không còn là gà nữa như Bất và Vô.

Và KHÔNG đã là cá hoá long (rồng) không còn là cá mè, cá vảnh nữa như cá Bất, cá Vô.

KHÔNG đã là rắn thành rồng rồi. Tuy hông đổi vảy, nhưng Rồng hông còn là rắn nữa. Chữ Không cũng là chữ Không nhưng đã viết hoa rồi (KHÔNG). (Tiếc rằng chữ Nho hông có chữ viết hoa, nên khiến người dễ bị lầm lẫn). Vì thế chữ 'Không' phải được đặc biệt quan trọng. Khi dịch chữ Không sang chữ Việt thì cũng giữ chữ Không nhưng viết hoa lên: KHÔNG.

Và sau đó khi dịch chữ 'Bất' và 'Vô' thì dịch giả Việt Nam đây cũng tôn trọng chữ 'Không', mà hông dùng chữ 'Không' để dịch chữ Bất và Vô.

May mắn chữ này (Không), người Việt cũng có nhiều tiếng thay vào, mà có được cả hai vần bằng và trắc lại thuận lợi hơn. Đó là tiếng: hông, hổng.

Thế nên khi dịch tiếng Vô thì dùng 'Hông' hoặc 'Hổng', và chữ Bất thì dịch là 'Chẳng'.

Vậy là vị trí của chữ 'Không' trong văn kinh vẫn được tôn trọng giữ trọn vị trí đặc biệt và giá trị linh thiêng, qúi báu.

Vả lại, dùng 'Hổng' và 'Hông', không bị trùng âm trùng chữ với Không, và vẫn tương xứng với chữ dùng trong chánh văn.

b/ Một ẩn ngữ:

  • Lại cũng một chữ KHÔNG đơn độc khiến người lầm. Lầm cho 'Không' là đối với 'Sắc', 'Không' hông khác 'Sắc'. Rồi còn cho 'Không' là 'Sắc', 'Sắc' là 'Không' nữa. Đây là một việc sai lầm quá đáng. Rõ ràng chữ 'Không' và chữ 'Sắc' khác nhau là vậy mà sao hông khác nhau được? Thì sao là nhau được?

Có ra sự lầm này là do chữ “Không” đứng đơn độc. Nếu thêm cho một tiếng đứng cập để tạo thành danh từ ghép thì sẽ tránh được cái lầm:

- Năm Uẩn đều là Không (không có).

- Sắc chẳng khác Không.

- Sắc là Không, Không là Sắc.

Như vậy bài kinh cần có thêm một chữ, thì đây là một ẩn ngữ một ẩn tự.

Chữ ẩn này là gì? - Chính là chữ TÁNH vậy. Nếu thêm 'Tánh' vào cập chữ Không, thì sẽ thành là 'Tánh Không' (Tánh là cái thường hằng không thay đổi, không nhiễm ô, là cái thật).

1- Vậy: - Năm uẩn đều là Tánh Không. Nhưng như đây vẫn chưa rõ lắm, phải thêm Tánh vào vị trí Năm Uẩn nữa, vấn đề sẽ sáng ra thôi: Tánh Năm Uẩn đều là Tánh Không.

2- Và như vậy đoạn Sắc, Không sẽ thành:

Tánh Sắc chẳng khác Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG chẳng khác Tánh Sắc

Tánh Sắc, ấy chính Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG, ấy chính Tánh Sắc.

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Cũng lại như vậy.

Theo đây mới thấy rõ đúng lý Sắc-Không . Như vậy “không khác” và “là nhau” phải là Tánh chứ không phải là Sắc và Không. (Cái 'Tánh' của 'Sắc' mới là 'Không' được).

Tánh mới không khác Tánh.

và Tánh mới là Tánh.

TÁNH = TÁNH

mà 'Không' là Tánh

Nên Tánh Sắc = KHÔNG

và KHÔNG = Tánh Sắc

Đoạn trên có thể trở thành:

Tánh Sắc chẳng khác KHÔNG

KHÔNG chẳng khác Tánh Sắc

Tánh Sắc, ấy chính KHÔNG

KHÔNG, ấy chinh Tánh Sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Cũng lại như vậy.

  • ·Nếu thay chữ KHÔNG bằng chữ PHẬT, thì rất rõ ràng, sẽ không còn sự hiểu lầm tai hại nữa.

3- Lại còn thọt cái đuôi:

“Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng lại như vậy” thì sao? Nếu muốn ngắt cái đuôi này cho gãy gọn, cho rõ thêm lý Sắc - Không này, thì: Thay chữ Sắc thành từ Năm Uẩn. (Sắc là một món trong năm uẩn). Thay từ Năm Uẩn vào sẽ hay hơn, gọn hơn, hay hơn cả văn và cả ý nữa. Đoạn này sẽ thành:

Tánh Năm uẩn chẳng khác Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG chẳng khác Tánh Năm Uẩn

Tánh Năm Uẩn, ấy chính Tánh KHÔNG

Tánh KHÔNG, ấy chính Tánh Năm Uẩn

(Bỏ 2 câu: Thọ,Tưởng, Hành, Thức Diệc phục như thị)

và KHÔNG là Tánh, thì:

Tánh Năm Uẩn chẳng khác KHÔNG

KHÔNG chẳng khác Tánh Năm Uẩn

Tánh Năm Uẩn, ấy chính KHÔNG

KHÔNG, ấy chính Tánh Năm Uẩn

Như vậy đoạn 6 câu, bỏ 2 còn 4, văn vừa gọn vừa đầy đủ, ý nghĩa sáng hơn.

4- Xác định thể văn:

  • Qua ba điểm (1), (2), (3), ta thấy sự trình bày này rõ ràng sáng tỏ hơn, không khiến cho người bị lầm, nhưng tại sao dịch giả Phạn - Hán không dịch như vậy. Khi mà dịch giả là người thông suốt và rất thận trọng. (Điều lầm này từ xưa đến nay người đã lầm không ít). Việc này vì khuôn sáo dịch giả đành phải như vậy. Khuôn sáo là gì?

- Khuôn sáo là bài kinh này ở thể văn kệ, nên số chữ trong câu nhứt định không thêm không bớt được.

(Điều khuôn khổ này cho phép ta xác định bài kinh này là thể văn kệ - Nhờ đoạn này có ló cái đuôi 2 câu).

Trong đoạn Sắc - Không này số chữ mỗi câu có 4 chữ:

Sắc bất dị Không

Không bất dị Sắc

Sắc tức thị Không

Không tức thị Sắc

Thọ, Tưởng, Hành, Thức

Diệc phục như thị.

[Đây là đoạn chính yếu trong bài kinh - Ngộ lý đoạn này (Ngộ lý Sắc - Không) được người xưa gọi là Ngộ Đạo - Như Hương Vân Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông:

Niên thiếu hà tằng liễu Sắc Không

Nhất xuân tâm tại bách hoa trung

Như kim khám phá đông hoàng diện

Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Có nghĩa:

Thuở bé chưa từng hiểu Sắc Không

Xuân về lòng ở trăm ngàn bông

Giờ đây tỏ được chúa xuân ấy

Giường thiền gối cỏ ngắm cánh hồng.

Trần Nhân Tông, nhà vua này đã ngộ lý Sắc - Không ở một ngày xuân (tức ngộ Tánh Không.)]

Vì số chữ trong câu của đoạn này là bốn chữ nên không thể dùng 'Ngũ uẩn', mà phải dùng chữ Sắc để đại diện mà diễn thôi. Nên sau đó phải thêm bốn món nữa: Thọ, tưởng, hành, thức.

       Diệc phục như thị (cũng lại như vậy).

Điều này xác định bài kinh đây là thể văn kệ.

Qua đây để thấy, với đoạn Sắc Không này muốn cho chữ và nghĩa gãy gọn sáng tỏ thì câu văn phải đủ 7 chữ:

TÁNH NĂM UẨN CHẲNG KHÁC TÁNH KHÔNG

(   1      2      3        4        5          6      7 )    

TÁNH KHÔNG CHẲNG KHÁC TÁNH NĂM UẨN

. . . . .

5- Lối mòn Sắc - Không:

Ngài Lục Tổ Huệ năng đã ngộ Bát nhã nên khi dạy chúng, Ngài có lời:

PHIỀN NÃO TỨC BỒ ĐỀ

    Câu này cũng là rập khuôn: Sắc tức thị Không.

Thế nên để hiểu rõ câu "Phiền não tức Bồ đề" thì cũng nên cho câu này một chữ “Tánh”, nghĩa sẽ sáng tỏ ngay.

Tánh phiền não tức Tánh Bồ đề.

(Câu “phiền não tức Bồ đề” đã làm lầm không biết bao người. Nếu hiểu “Phiền não la Bồ đề thì phá sản). Phải là "Tánh" phiền não mới là Bồ Đề được.

Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác, người đệ tử cầu pháp của Tổ Huệ Năng đã thấu suốt điều này, nên có lời đầu cho tác phẩm “Chứng Đạo Ca” của Ngài - Một tác phẩm nổi tiếng từ xưa đến nay.

Vô minh thật Tánh tức Phật Tánh

(Tánh thật Vô minh ấy Tánh Phật).

Hai câu trên của hai vị Thiền sư lỗi lạc ở Trung Hoa là hai câu đi theo đúng lối mòn Sắc - Không. Đúng đường lối MA HA BÁT NHÃ. Đúng Diệu Tâm. Đúng Tự Tánh. Đúng KHÔNG. Ấy là CHÁNH PHÁP NHÃN TẠNG.

Ở Việt Nam từ thuở xa xưa đã có thuật ngữ: "Không Môn" tức "Cửa Không". "Cửa Không" là cửa Chùa Chiền. Mà "Chiền" là tiếng cổ phát âm của tiếng "Thiền". "Chiền" tức "Thiền" đó. Vậy Chùa Chiền tức là Chùa Thiền.

Thế là Cửa "KHÔNG" ấy là cửa Thiền vậy. Và như thế cửa Thiền là cửa Bát Nhã là KHÔNG ấy vậy.

Như thế Đạo Phật ở Việt Nam xưa sư Tăng rất hiểu chữ KHÔNG, hiểu rất đúng chữ KHÔNG ở Kinh Bát Nhã này. vì hiểu đúng chữ KHÔNG mà có nhiều Cao Tăng Thiền Sư đắc Đạo.

Và như thế cửa KHÔNG là cửa THIỀN và cũng là cửa PHẬT nữa.

Vậy:

 

                           KHÔNG = PHẬT

 

 

VII. GIẢI Ý:

Ma ha bát nhã ba la mật đa

Ma ha bát nhã ba la mật đa

Ma ha bát nhã ba la mật đa

Ma ha bát nhã

Ma ha

 

Yết đế yết đế

Ba la yết đế

Ba la tăng yết đế

Bồ đề tát bà ha

 

Thăm thẳm trời xanh thâm thẩm xanh

Trời xanh thâm thẩm mây mong manh

Ai ơi! Nếu dỡ hư không được

Tôi sẽ vì nhau nói pháp lành.

 

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23587
  • Online: 38