Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - C. THU MƯỜI HAI XỨ

08/05/2018 | Lượt xem: 2462

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

C. THU MƯỜI HAI XỨ

* Thu Hai Xứ: Nhãn Căn và Sắc Trần

CHÁNH VĂN:

Lại nữa, A-nan! Thế nào là mười hai xứ vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh? A-nan! Ông lại xem rừng cây Kỳ-đà, và các suối ao này, ý ông nghĩ sao? Thấy được như thế là do sắc trần sanh ra mắt thấy, hay là con mắt sanh ra sắc tướng?

 

A-nan! Nếu con mắt sanh ra sắc tướng, thì khi thấy hư không chẳng phải sắc, lẽ ra tánh sắc phải tiêu mất. Đã tiêu mất thì rõ ràng tất cả đều không, mà sắc tướng đã không, thì lấy cái gì rõ biết được hư không. Đối với hư không cũng lại như vậy.

Lại nếu sắc trần sanh ra mắt thấy, khi thấy hư không chẳng phải sắc, thì cái thấy phải tiêu mất, cái thấy tiêu mất thì tất cả đều không, vậy lấy cái gì rõ biết được sắc tướng và hư không?

Thế nên phải biết, cái thấy cùng với sắc tướng và hư không đều không có xứ sở, tức là sắc tướng và cái thấy hai xứ đó là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây thu mười hai xứ. Trước đã phá nhập là nhắm vào căn, còn phá xứ là nhắm vào trần.

Xứ nghĩa là chỗ nơi. Như con mắt đối với sắc, tai đối với tiếng, mỗi cái đều có chỗ nơi, hoặc nói căn và trần là chỗ sanh ra thức, nên gọi là xứ.

Do nhắm vào người mê sắc nên Phật mới hợp tâm lại mà khai sắc ra để trừ chấp cho người. Hợp tâm là sao? Tâm hợp lại chỉ có ý, còn sắc khai ra tới mười một: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân rồi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó là phương tiện để phá chấp. Nếu không khéo lại chấp cho đó là thật có mười hai xứ, nên đây lại thu trở về Như Lai Tạng tánh để người không lầm theo cho là thật.

Như vậy, hai thứ sắc trần và mắt đối nhau, mới xem thấy, nếu lìa nơi sắc tức cái thấy không có chỗ biểu hiện. Cái thấy mà không có sắc thì thấy cái gì? Nên có người nghĩ dường như sắc sanh ra mắt thấy, cho nên Phật mới phá. Hoặc là lìa cái thấy thì sắc cũng không có chỗ y cứ, lìa cái thấy thì cái gì thấy sắc? Không có cái thấy thì làm sao biết sắc? Thành ra nếu lìa cái thấy thì sắc không có chỗ y cứ, như vậy dường như là con mắt thấy sanh ra sắc. Nhưng xét tột thì đều không thể được.

Đây Phật mới phá: Thấy được như thế là do sắc trần sanh ra mắt thấy, hay là con mắt sanh ra sắc tướng?

- Trước phá con mắt sanh ra sắc tướng, vì khi thấy hư không chẳng phải sắc thì tánh sắc phải tiêu mất hết, mà không còn có sắc thì làm sao biết được hư không!

- Còn nếu sắc mà sanh ra cái thấy, khi thấy hư không chẳng phải là sắc thì cái thấy phải tiêu mất đâu còn. Như vậy, lấy cái gì để rõ biết được hư không và sắc tướng nữa. Hai chỗ đều không có thật thể sanh thì tìm đâu ra chỗ nơi để thành lập xứ?

Mắt sanh ra sắc cũng không được, sắc sanh ra mắt cũng không được, vậy không tìm ra được chỗ nào gọi là xứ để thành lập? Quán kỹ ngay đó liền buông “xứ”, không còn chỗ nơi nào để bám. Mà buông “xứ” tức là sao? Tức là vượt lên căn trần trở về nguồn chân, còn kẹt nơi “xứ” nên mới duyên theo nó, trong khi nó không có thực, chỉ do vọng khởi.

Ngài Thanh Tủng khi đến tham vấn Thiền sư Pháp Nhãn, một hôm Ngài Pháp Nhãn chỉ những giọt mưa bảo: “Từng giọt, từng giọt rơi trong mắt của Thượng tọa”.

Ngài Thanh Tủng nghe nhưng không tỏ ngộ. Sau đó, nhân đọc kinh Hoa Nghiêm liền cảm ngộ.

Ngài Pháp Nhãn cũng khai thị ngay chỗ này, giọt mưa tức là gì? Giọt mưa là sắc trần. Đây Ngài nói là từng giọt, từng giọt rơi trong mắt ông. Rơi trong con mắt ông chứ không phải rơi đâu khác. Sao còn chưa ngộ? Tức là đâu có trần nào riêng ở ngoài để mà thấy.

Ngay đó liền quên chỗ nơi, mà quên chỗ nơi tức là sao? Thấy cái gì cũng sáng ngời, đâu bị trần che. Còn bị che là bởi vì ngoài cái thấy có trần nên trần che. Chữ trần là chỉ cho bụi bặm, nhiễm ô. Còn đây mỗi cái đều là rơi trong mắt của ông rồi đâu có cái gì riêng bên ngoài để cho ông thấy, ngay đó là suốt qua trần không còn trần để che, thì thấy cái gì cũng sáng tỏ.

Đây là thu nhãn xứ trở về Như Lai Tạng, là vượt lên căn trần. Cho nên khéo là ngay đó liền sáng tỏ được đường về, vượt qua cái “xứ”.

 

* Thu Hai Xứ: Nhĩ Căn và Thanh Trần

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ông lại nghe trong vườn Kỳ-đà này, khi dùng cơm thì đánh trống, lúc họp chúng thì đánh chuông, tiếng chuông, tiếng trống trước sau tiếp nối. Ý ông nghĩ sao? Như thế là cái tiếng đến bên lỗ tai, hay lỗ tai đến chỗ cái tiếng? 

A-nan! Nếu cái tiếng này đến bên lỗ tai, như khi Tôi đi khất thực ở thành Thất-la-phiệt (thành Xá-vệ) thì tại rừng Kỳ-đà không có Tôi. Cái tiếng đó nếu đã đến bên lỗ tai của ông A-nan, thì ông Mục-kiền-liên, ông Ca-diếp lẽ ra không cùng nghe. Huống chi trong đây có một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa-môn, một khi mà nghe tiếng chuông thì đều đến chỗ ăn cơm.

Lại, nếu lỗ tai của ông đến bên cái tiếng đó, cũng như khi trở về trong rừng Kỳ-đà, thì tại thành Thất-la-phiệt không có Tôi. Vậy khi ông nghe tiếng trống, lỗ tai của ông đã đến chỗ tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông đồng thời phát ra, đáng lẽ ông chẳng thể cùng nghe một lần. Huống nữa ông còn nghe được tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng trâu, tiếng dê và nhiều tiếng khác. Còn nếu không đi đến với nhau, thì lại không nghe.

Thế nên phải biết, cái nghe và cái tiếng đều không có xứ sở, tức là cái nghe và tiếng cả hai xứ đều là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Quán kỹ chỗ này chúng ta sẽ sáng tỏ được chỗ tai nghe với thanh trần, không bị thanh trần che ngại.

Để phá nghĩa cái tiếng đến lỗ tai, lấy ví dụ Phật đi vào thành khất thực thì ở Tinh xá nơi rừng Kỳ-đà vắng mặt Ngài. Cũng vậy, khi cái tiếng đến lỗ tai người này thì nó không còn ở nơi người kia, nên người kia sẽ không nghe được. Do đó, Ngài mới nói rằng, vậy Ngài A-nan nghe thì Ngài Ca-diếp không nghe, bởi nó đến lỗ tai Ngài A-nan rồi. Đây là phá cái tiếng đến lỗ tai.

Kế Phật thí dụ là khi Ngài trở về rừng Kỳ-đà thì ở trong thành sẽ vắng mặt Ngài để phá nghĩa lỗ tai đến nơi tiếng. Phật nói: “Nếu lỗ tai đến nơi tiếng, vậy khi ông nghe tiếng trống thì lỗ tai đến bên tiếng trống rồi, nó sẽ không nghe tiếng chuông”. Bởi vì nó đến bên tiếng trống rồi thì giống như Phật trở về rừng Kỳ-đà thì không có ở trong thành Xá-vệ; cũng vậy, bây giờ lỗ tai này đến bên tiếng trống, nghe tiếng trống rồi thì khi tiếng chuông đánh lên, nó không thể nghe tiếng chuông, nhưng sự thật không phải vậy. Đây để phá không có cái lý là lỗ tai đến bên tiếng, tức nghĩa căn trần đi đến nhau đều không thể được.

Thường người ta nghĩ khi nghe thì chắc là tiếng đến lỗ tai thì mình nghe tiếng, hoặc là lỗ tai mình đến cái tiếng thì nó nghe tiếng. Nhưng xét lại, cả hai chuyện đó đều không có! Mà không có chuyện đó thì đâu thành lập được chỗ nơi cố định để xác định chỗ nào là xứ của tiếng, chỗ nào là xứ của lỗ tai, xét tột thì không tìm ra cái xứ được. Để nói lên nó chỉ là giả dối tạm lập chứ không có thật thể của hai xứ. Ngay đó liền buông, ngộ trở về một thể giác, đó là gốc Phật muốn chỉ.

Ở đây, Ngài nói rõ cùng một lúc mà ông A-nan có thể nghe tiếng chuông, tiếng trống, tiếng voi, tiếng ngựa v.v… Cùng một lúc mà nghe được hết, để thấy rõ ràng là không phải nó đến bên tiếng mà nghe được, và chính khi chúng ta quán kỹ liền ngộ được ngay đó là thể giác hiện tiền; hay như Hòa thượng nói là “chân tâm hiện tiền rõ ràng”, hoặc gọi là tâm bản nhiên. Ngài Bàn Khuê nói: “Cái tâm bản nhiên là vậy, ngay đó cùng một lúc mà nghe thấu hết mọi tiếng, không có cái nào ngăn ngại cái nào, không có tiếng này ngăn ngại tiếng kia”. Bình thường nhiều khi thấy hơi có ngăn ngại cái này cái kia, giống như tiếng này ngăn ngại tiếng kia, nhưng sự thật thì khi tâm rỗng suốt, thấu rõ rồi thì không có gì ngăn ngại hết.

Như vậy, nơi mình có một thể biết xưa nay vượt lên cái hiểu thông thường. Điều này tôi có kinh nghiệm. Trước kia lúc còn ở chùa dưới quê, tu tập thiết tha miên mật. Một hôm, một mình gõ mõ tụng kinh, vừa đánh mõ vừa đánh chuông. Lúc sau, đang lúc đánh chuông bỗng nhiên nó bật ra sáng tỏ lạ thường, đồng một lúc mà nghe tiếng mõ, rồi nghe tiếng chuông, nghe cả tiếng tụng kinh luôn, rõ ràng thấu suốt hết. Phát hiện là tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng tụng kinh không cái nào ngăn ngại cái nào, nó rỗng suốt qua tất cả nên tâm rất nhẹ nhàng. Đó là một kinh nghiệm.

Thế nên, người khéo tu tập thì ngay khi tụng kinh cũng có lợi ích chứ không phải là đợi ngồi thiền. Giờ đa số người tụng kinh có khi thì miệng tụng kinh nhưng tâm đang ở đâu, không có tập trung nên khi tụng hoặc thấy chán, hoặc muốn bỏ trốn. Còn tâm mà tập trung vào sự tu hành, lúc nào cũng thiết tha thì ngay khi tụng kinh cũng có kinh nghiệm không ngờ. Như Ngài Quảng Khâm kể, khi Ngài chuyên tâm niệm Phật giữa đại chúng thì cũng giống như nhập định, lúc đó không còn nhớ chung quanh, chỉ nghe tiếng niệm Phật vang vang.

Vậy thì hai xứ nhĩ căn và thanh trần đều không có thật thể cố định, không thể chia ra xứ được, nó không thể che mờ chúng ta. Hiểu kỹ vậy sẽ thấy suốt qua xứ, nên đây Phật thu cái nghe và thanh trần trở về Như Lai Tạng tánh, đồng là một thể giác.

 

* Thu Hai Xứ: Tỷ Căn và Hương Trần

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ông hãy ngửi chiên-đàn trong lò này. Hương ấy nếu đốt một thù thì trong bốn mươi dặm nơi thành Thất-la-phiệt đồng thời đều ngửi mùi thơm. Ý ông nghĩ sao? Hương ấy sanh ở nơi cây chiên-đàn, sanh ở nơi lỗ mũi ông hay là sanh từ hư không?

A-nan! Nếu mùi hương này sanh từ lỗ mũi của ông thì đã gọi là do lỗ mũi sanh, nó phải từ lỗ mũi mà ra, nhưng lỗ mũi không phải chiên đàn, tại sao trong mũi lại có mùi thơm chiên-đàn? Lại đã gọi rằng ông ngửi mùi thơm, thì mùi thơm phải vào trong lỗ mũi của ông. Còn trong lỗ mũi đã phát ra mùi thơm mà nói rằng ngửi được, là không đúng nghĩa.

Nếu từ hư không sanh, thì tánh hư không thường còn, mùi thơm lẽ ra phải thường có, sao lại phải nhờ đốt cây khô chiên-đàn trong lò mới có mùi thơm?

Nếu mùi thơm sanh ra từ cây chiên-đàn, thì cái chất thơm ấy nhân đốt cây chiên-đàn thành khói, nếu lỗ mũi ngửi được mùi thơm, lẽ ra khói phải xông đến lỗ mũi. Cớ sao khi khói bay lên hư không chưa được bao xa mà trong khoảng bốn chục dặm đều ngửi được mùi thơm?

Thế nên phải biết, mùi thơm, lỗ mũi và cái ngửi đều không có xứ sở, tức là cái ngửi và mùi thơm, hai xứ đều là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Ở đây Phật thí dụ đốt hương chiên-đàn. Chiên-đàn là một loại hương đặc biệt ở Ấn Độ có mùi thơm bay rất xa, khi đốt một thù thì trong bốn mươi dặm đã nghe mùi thơm (bốn mươi dặm tức mấy chục cây số, một thù là một phần hai mươi bốn của lượng).

Đây đặt câu hỏi là mùi hương ấy sanh từ nơi chiên-đàn? Hay sanh ra từ lỗ mũi? Hoặc từ nơi hư không? Vậy mùi hương từ chỗ nào phát sanh?

Trước xét trường hợp mùi hương sanh từ lỗ mũi, nếu đã từ lỗ mũi sanh ra mùi hương thì khi ngửi là ngửi cái gì? Chẳng lẽ lỗ mũi ngửi cái lỗ mũi? Đó là nghịch lý, lỗ mũi không phải là chiên-đàn thì làm sao có mùi thơm được? Cho nên mới nói lỗ mũi không phải là chiên-đàn tại sao trong mũi lại có mùi thơm chiên-đàn?

Nếu ông ngửi mùi thơm thì mùi thơm đó phải vào trong lỗ mũi, còn trong lỗ mũi đã phát ra mùi thơm mà nói rằng ngửi được thì đó là vô lý? Do đó, nếu nói rằng mùi thơm này sanh từ nơi lỗ mũi thì chuyện đó là không thể được.

Còn nếu từ hư không sanh thì sao? Nếu từ hư không sanh thì lúc nào cũng phải thường có, bởi vì hư không thường còn, cho nên mùi hương từ hư không sanh thì lúc nào hư không cũng phải có mùi thơm, không cần phải đợi đốt chiên-đàn mới có.

Nếu từ cây chiên-đàn sanh ra mùi hương vậy là phải đợi khói từ cây chiên-đàn bay đến lỗ mũi, rồi lỗ mũi chạm vào khói đó mới gọi là từ cây chiên-đàn sanh ra được. Còn đây mới đốt lên mà khoảng bốn mươi dặm đã ngửi mùi thơm, khói chưa bay tới mà đã nghe mùi thơm rồi, như vậy nói từ cây chiên-đàn sanh là không được.

Tóm lại, rõ ràng hai xứ tỷ và hương này không có thật thể, nó chỉ là hư dối tạm lập gọi là vọng sanh, không có thật thể. Chỉ do đối nhau mà tạm lập, do có căn đối với trần mới thành có cái ngửi. Nếu nó có thực thì không cần phải đợi duyên, mà đợi duyên tức là không có thực. Đa số vì không hiểu, nên chấp cho là thật có cái ngửi, có mùi hương, đó là lầm. Đây phá là phá cái lầm đó. Hiểu được nó không có thật thể liền buông cái chấp chỗ nơi hay chấp xứ, không bám vào đó thì đồng trở về một thể giác. Người khéo tu thuần thục có khi ngay nơi mùi hương liền ngộ. Trong nhà thiền có câu chuyện, ông Hoàng Sơn Cốc nhân đi dạo với Thiền sư Hối Đường, Thiền sư khai thị về mùi hương hoa quế, ngay đó ông liền tỉnh ngộ.

 

* Thu Hai Xứ: Thiệt Căn và Vị Trần

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ông thường hai thời ở trong chúng ôm bát đi khất thực. Khi ấy hoặc được vị tô lạc, đề hồ, gọi là vị quý. Ý ông nghĩ sao? Vị này sanh ra là do hư không, do cái lưỡi, hay là do trong thức ăn?

A-nan! Nếu vị ấy sanh ra nơi lưỡi của ông, trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi, thì khi cái lưỡi đã thành vị tô lạc rồi, nếu gặp đường phèn lẽ ra vị không dời đổi. Nếu vị không dời đổi thì không gọi là biết vị. Còn nếu dời đổi thì cái lưỡi chẳng phải là có nhiều thể, vì sao một cái lưỡi lại biết nhiều vị?

Nếu do thức ăn sanh ra vị trần, thức ăn chẳng có tánh biết, làm sao tự biết vị? Lại nếu thức ăn tự biết vị, tức đồng với người khác ăn, thì có liên hệ gì đến ông, mà gọi là ông biết vị?

Nếu do hư không mà sanh ra vị trần, thì ông thử nếm hư không coi sẽ có vị gì? Hư không kia nếu hẳn là vị mặn, thì đã làm mặn cái lưỡi của ông, cũng làm mặn cái mặt của ông nữa. Vậy thì người ở trong thế giới này đồng như là cá ở trong biển, đã thường chịu vị mặn, trọn chẳng biết được vị lạt. Nhưng nếu chẳng biết vị lạt thì cũng chẳng biết vị mặn, đã không chỗ biết thì làm sao gọi là biết vị?

Thế nên phải biết, vị trần, thiệt căn và cái nếm vị đều không có xứ sở, tức cái nếm vị và vị trần, cả hai đều giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Thường ít người suy nghĩ đến những điều này, khi xét tột mới thấy được cái hư dối của nó. Như vậy, nếu cái vị này sanh ra từ cái lưỡi, thì vị có nhiều thứ mặn, ngọt, chua, cay v.v… mà cái lưỡi chỉ có một thì làm sao biết nhiều thứ? Chẳng lẽ cái lưỡi có nhiều thể, mỗi thể biết một vị sao? Nếu chỉ một thể mà biết đủ thứ vị thì lộn xộn.

Nếu lưỡi có nhiều thể thành ra ông A-nan có nhiều người sao? Như vậy, nếu nói cái vị sanh ra từ cái lưỡi thì không được; thứ hai nữa nếu cái vị sanh ra từ lưỡi thì không cần thức ăn.

Còn nếu do thức ăn sanh ra vị trần thì thức ăn không có tánh biết, nó là vô tri mà sanh ra vị trần thì làm sao biết vị? Nếu thức ăn tự nó biết vị, tức nó đồng với người khác ăn chứ không phải mình ăn. Bởi thức ăn thuộc cái bên ngoài nhưng nó biết vị nên thuộc về người khác ăn, như vậy không liên hệ gì đến mình mà nói là do thức ăn sanh, cũng không được.

Còn nếu từ hư không sanh ra vị trần, giả sử hư không là vị mặn thì cả thế giới này đều là mặn. Hư không sanh ra vị mặn rồi thì cũng giống như nước biển, toàn hư không là mặn thì mình giống như cá ở trong nước vậy, làm sao biết vị lạt được.

Tóm lại, thấy rõ hai xứ thiệt và vị này không có thật thể, đối nhau mà vọng sanh, tức không có tự ngã của cái biết vị, nó vốn là một thể giác, chứ không phải riêng có cái tự ngã thứ hai là cái biết vị. Phá được chấp này không kẹt trong tánh nhân duyên hay tánh tự nhiên.

 

* Thu Hai Xứ: Thân Căn và Xúc Trần

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ông thường sáng sớm lấy tay xoa đầu, ý ông nghĩ sao? Trong việc biết xoa này, lấy cái gì làm cái biết cảm xúc? Cái biết ấy ở nơi tay hay ở nơi đầu?

Nếu cái biết cảm xúc ở nơi tay, cái đầu không biết thì làm sao thành xúc. Còn nếu ở nơi đầu, thì tay ắt không dùng, làm sao gọi là xúc? Nếu mỗi cái đều có cái biết, thì ông A-nan lẽ ra phải có hai thân.

Nếu đầu và tay đều do một cảm xúc sanh ra, thì tay và đầu chỉ có một thể. Nếu chỉ có một thể thì nghĩa xúc không thành lập được. Còn nếu có hai thể thì cảm xúc ở phía nào? Ở bên năng thì không ở bên sở, còn ở bên sở thì không ở bên năng, chẳng lẽ hư không mà tạo thành cái cảm xúc cho ông?

Thế nên phải biết, cảm xúc và thân căn đều không có xứ sở, tức thân cùng với cái cảm xúc, cả hai đều là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây phá thân căn và xúc trần. Phật đưa thí dụ ông A-nan sáng sớm thường lấy tay xoa đầu để nhắc mình là đầu trọc thì phải nhớ tinh tiến tu. Lúc lấy tay xoa đầu thì có cái cảm xúc, cảm xúc đó là do tay chạm với đầu nên mới có. Vậy lấy cái gì biết cảm xúc đó?

Cái biết ấy là ở nơi tay hay là ở nơi đầu? Nếu cái biết cảm xúc này ở nơi tay thì cái đầu không biết. Còn nếu ở nơi đầu thì không cần tới bàn tay. Nếu đầu có cái biết cảm xúc rồi thì tự nó biết, không cần bàn tay chạm nó cũng biết. Còn nếu nó ở cả hai bên vừa ở cái tay vừa ở cái đầu thì thành hai người, tức hai cái thể. Nếu đầu, tay đều do một cảm xúc sanh ra, như vậy tay và đầu chỉ có một thể biết cảm xúc thôi, tức là không thành có năng-sở. Bởi một thể thì đâu có năng-sở, mà không thành năng-sở thì không thành nghĩa xúc. Xúc thì phải có cái này chạm với cái kia tức là có năng, có sở mới thành xúc, còn không có năng-sở đâu thành xúc được.

Đặt trường hợp nếu nó có hai thể thì cảm xúc ở bên phía nào? Ở bên năng thì không có bên sở, bên sở thì không có bên năng, nếu vậy tìm không được ở bên nào, còn nói từ hư không thì vô lý. Như vậy quán cho thấu tột chỗ này, rõ cái xúc chỉ là nhân duyên giả dối vọng sanh không có thật thể. Mỗi khi có xúc phải quán kỹ như vậy, là thấu suốt được tánh không mới không có lầm theo cảm xúc mà thành thọ, rồi sanh ra phiền não.

Thấy rõ nó không có thật thể thì đâu có thành lập xứ được, đâu có chỉ ra được cái nào là xứ sở, còn nói gì là nhân duyên, là tự nhiên. Do đó thấu suốt qua thân căn và xúc trần, buông cái xứ, không bị nó làm ngại, trở về thể giác. Nên khi có chạm gì cũng sáng chứ không có mê, còn chúng ta kẹt nơi xúc thành ra bị xúc che mờ quên mất thể giác. Đó là ý nghĩa thu thân căn và xúc trần để trở về thể giác.

* Thu Hai Xứ: Ý Căn và Pháp Trần

CHÁNH VĂN:

A-nan! Trong ý ông thường duyên ba tánh là thiện, ác, vô ký mà sanh, thành đó là pháp, thì pháp đó là do tâm sanh hay rời tâm riêng có phương hướng xứ sở?

A-nan! Nếu tức tâm thì pháp trần chẳng phải trần cảnh, chẳng phải là cái sở duyên của tâm, làm sao thành lập xứ được?

Nếu rời tâm riêng có chỗ nơi, thì bản tánh của pháp trần là có biết hay không biết? Nếu có biết thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và chẳng phải trần cảnh thì như tâm lượng của người khác. Nếu nó tức là ông và cũng tức là tâm thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được?

Nếu không có cái biết thì pháp trần này đã chẳng phải sắc, thanh, hương, vị và ly, hợp, lạnh, nóng, cùng tướng hư không thì nó sẽ ở chỗ nào? Hiện nay đối với sắc tướng và hư không, đều không thể chỉ ra được. Không lẽ trong nhân gian này lại có một cái ngoài hư không? Không phải sở duyên của tâm thì xứ do đâu mà thành lập?

Thế nên phải biết, pháp trần và tâm đều không có xứ sở, tức là ý căn và pháp trần cả hai đều giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Ngồi thiền quán kỹ chỗ này thì phá vọng tưởng dễ dàng. Ngồi thiền có vọng tưởng là do duyên với pháp trần. Lúc đó nhắm mắt nên đâu thấy có năm trần như cảnh này cảnh kia ở trước, khi đó chỉ duyên với bóng dáng pháp trần rồi nghĩ này nghĩ kia. Quán rõ là phá chỗ duyên đó.

Mà pháp trần là gì? Pháp trần thuộc về bóng dáng của năm trần còn đọng lại, không phải là cái có thật thể. Đây đặt trường hợp pháp này do tâm sanh ra hay rời tâm riêng có phương hướng xứ sở?

Tức là riêng ngoài tâm mà tự có chỗ nơi của nó chỉ ra được mới lập thành xứ, mà lập thành xứ được mới nói nó là chỗ để ý căn duyên, trái lại không lập được xứ mà cho nó duyên thì là vọng thôi.

Đây Phật mới nói: “A-nan! Nếu tức tâm thì pháp trần chẳng phải trần cảnh, chẳng phải là cái sở duyên của tâm, làm sao thành lập xứ được?”. Nó tức là tâm thì nó không phải là trần cảnh, mà không phải trần cảnh thì không phải là cái sở duyên, không phải đối tượng duyên thì làm sao thành xứ sở mà thành lập xứ? Nên không thành xứ được.

Nếu rời tâm mà nó riêng có thì pháp trần này rơi vào trong hai trường hợp: Nó có biết hay là không có biết?

- Nếu nó có biết tức gọi là tâm, nếu nó là tâm rồi mà nó lại là pháp tức là nó khác với ông, nó lại không phải là trần cảnh, thì nó phải thuộc về tâm lượng của người nào chứ không dính gì tới ông.  Còn nếu nó tức là ông mà nó cũng tức là tâm thì thành ra cái tâm ông có hai, vừa tức là ông mà vừa tức là tâm thành ra có hai thể. Quán cho sâu chỗ này sẽ thấy rõ cái hư dối của nó. Đó là nói về nó có biết.

- Còn nếu nó không có biết mà nó chẳng phải là sắc-thanh-hương-vị bởi vì nó thuộc về bóng dáng còn rớt lại, tức không phải là các trần bên ngoài mà cũng không phải là từ hư không; vậy ông hãy chỉ xem nó ở chỗ nào? Làm sao chỉ ra?

Cho nên đây mới đặt câu hỏi chẳng lẽ trong duyên này lại có cái ngoài hư không mà riêng có hay sao? Như vậy là không thành lập được xứ sở, nên đây mới nói nó không phải là cái sở duyên, tức không phải là chỗ để tâm duyên, không phải đối tượng của tâm, thì làm sao thành lập xứ sở? Quán kỹ vậy thì tâm hết chỗ sanh. Thường tâm sanh là nó phải có chỗ để duyên, tức là nó có đối tượng để sanh. Cho nên vọng tưởng là tưởng về cái gì đó, là phải có đối tượng của nó để mà nó tưởng. Giờ quán kỹ thì đối tượng không thành, không có thật thể, tìm không ra chỗ nơi của nó. Nó chỉ là bóng dáng hư vọng, chỉ là tưởng tượng thôi. Đó là cái lầm mê của chúng ta.

Cần quán kỹ chỗ đó là hết chỗ cho tâm sanh, ngay đó liền trở về thể giác vô sanh. Rốt cuộc chỉ nguyên là một thể giác đâu có gì riêng khác, tức không có cái tự ngã riêng của nó.

Tóm lại căn, trần, cả mười hai xứ đều không có cái thật thể riêng của nó, chỉ do mê rồi hạn cuộc nơi căn, vọng hiện có trần làm đối tượng giống như là việc trong mộng, tỉnh ra nguyên chỉ là một thể giác chứ không có hai; không nên lầm theo tướng sai biệt đó mà bỏ quên cái gốc của mình. Đó là thu cả mười hai xứ về Như Lai Tạng tánh.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 15246
  • Online: 42