Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - PHẦN A: THU NĂM ẤM

24/04/2018 | Lượt xem: 2912

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

MỤC 06 

TÓM THU BỐN KHOA

BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG

 

CHÁNH VĂN:

 A-nan! Ông còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, ngay nơi đó sanh ra, rồi tùy ngay nơi đó mà diệt mất. Tướng thì huyễn vọng, nhưng tánh nó là thể giác ngộ nhiệm mầu sáng suốt.

Như thế cho đến năm ấm, sáu nhập, từ mười hai xứ cho đến mười tám giới, nhân duyên hòa hợp luống dối sanh ra, nhân duyên biệt ly luống dối diệt mất, mà chẳng biết sanh diệt đi lại vốn là Như Lai Tạng cùng khắp không lay động, nhiệm mầu sáng suốt thường trụ diệu chân như tánh. Trong tánh chân thường ấy mà cầu những cái đi, lại, mê, ngộ, sanh, tử hẳn không thể được.

GIẢNG GIẢI:

Phật tóm thu lại đều về một Như Lai Tạng, tất cả đều không rời tâm thể chân thật, không có cái gì riêng có hết. Trong đó, sanh là nhân duyên sanh, diệt là nhân duyên diệt, chớ không có tự ngã.

Phật chỉ rõ tất cả tướng tiền trần chỉ là tướng huyễn hóa, không có cái tự thể đối lập. Nhớ kỹ nó không có một tự thể đối lập, nếu thấy được như vậy thì đâu còn sanh tâm. Sở dĩ có sanh tâm duyên với nó là vì chúng ta thấy như có cái tự thể đối lập với mình, tiền trần đối lập với tâm, nên tâm mới duyên với nó mà khởi. Còn thấy nó không có tự thể, ngoài tâm không riêng có thì còn gì để sanh tâm?

Quán kỹ mới thấy chỉ là tâm duyên với tâm chứ không có thật. Tâm nó tưởng ra cảnh rồi duyên với cảnh đó cũng là duyên với tâm tưởng. Mà tâm duyên với tâm thì lấy gì để sanh? Thấu được chỗ này thì ngay đó liền ngộ vô sanh.

Rồi thấy ngay khi nó sanh ra, ngay đó nó diệt mất. Giống như nhìn thấy cái bóng vậy thôi, thấy nó sanh ra cũng ngay đó nó diệt. Tức là nó không có thật sanh, thì không phải đợi nó diệt rồi nó mới thành không, mà chính ngay khi nó sanh ra thì nó cũng vốn là không rồi vì nó không có thật thể. Nó là bóng mà! Thấy được vậy thì đâu có theo nó để sanh!

Nghĩa “ngay sanh tức chẳng sanh” là đó. Nó không có thật thể để sanh, không có thật thể tồn tại, thì sanh tức chẳng sanh. Những tâm niệm của chúng ta cũng vậy, ngay khi niệm sanh là liền diệt rồi. Do không thấy được điều này nên tưởng đâu nó thật sanh mới theo nó rồi duyên theo nó thành ra bị lưu chuyển; còn thấy được chỗ này thì ngay đó là Niết-bàn.

Lại ngay khi cái tướng vọng hiện ra liền thấy được cái thể của nó là thể giác sáng suốt nhiệm mầu chứ không phải ngoài cái thể giác riêng có. Giống như khi biển dậy sóng thì sóng đó có ở ngoài biển không? Biển dậy sóng lên có trăm ngàn lượn sóng nên thấy như có sanh có diệt, có nhỏ có lớn nhấp nhô nhưng cũng ở trong mặt biển đó thôi. Nó khởi lên cũng ở trong mặt biển khởi lên, khi nó lặn xuống cũng ở trong mặt biển lặn xuống chứ đâu có ra ngoài mặt biển. Nếu nó tách rời khỏi mặt biển thì mới gọi là thật sanh. Còn cái này cũng bao nhiêu nước đó thôi chứ có thêm có bớt gì đâu mà gọi là sanh diệt. Với mắt thường thì thấy như là có sanh có diệt, đó là ảo giác.

Cũng vậy, các tướng vọng cũng trong thể giác sáng suốt nhiệm mầu nhưng vọng hiện ra chứ nó không có thật thể riêng, không có cái gì ra ngoài thể giác.

Đặt trường hợp, giả sử nó ra ngoài thể giác thì sao? Thì chắc chúng ta không nhận biết được nó. Ra ngoài thể giác rồi thì cái này khác với cái kia, nó cách biệt nên đâu còn biết gì nữa. Thí dụ khi đang ngồi thiền, vọng tưởng khởi lên thì vọng đó cũng đâu ngoài tâm thể. Nếu ra ngoài tâm thể riêng có thì chắc là chúng ta không biết nó rồi. Còn đây dù nó khởi bao nhiêu đi nữa nhưng nó cũng không ra ngoài tâm thể, vì nó chỉ là cái bóng thôi. Biết rõ thì không bị vọng tưởng chi phối. Ngộ được lý vô sanh này thì Niết-bàn hiện tiền.

Phật tóm thu tất cả ấm, nhập, xứ, giới cũng đồng là một tánh chân như thường trụ trong Như Lai Tạng, không riêng có tự thể khác, cũng không thật có sanh diệt đến đi. Dù hiện thấy có sanh diệt đến đi, nhưng cũng vẫn ở trong Như Lai Tạng.

Từ đó thấy được lý xưa nay tuy ở trong sanh tử nhưng chưa từng thấy có sanh tử. Như vậy ngay tướng sanh diệt đến đi đây chúng ta có thể ngộ trở lại Như Lai Tạng này hay ngộ trở lại thể giác xưa nay chưa từng thiếu, nên khi mê thì cũng không rời khỏi Như Lai Tạng. Vậy còn phải tìm Như Lai ở đâu nữa?

Như Lai vẫn ở trong tự tâm mình không phải tìm đâu nữa. Mê cũng là tâm, rồi giác cũng là tâm đâu có gì khác, ngoài tâm lấy cái gì mê? Lấy cái gì giác? Rồi sanh tử cũng là tâm; Niết-bàn cũng là tâm. Nên chứng Niết-bàn cũng là chứng tâm không sanh diệt. Nếu ngoài tâm mà riêng có Niết-bàn nào đó thì Niết-bàn đó là của ai rồi! Cho đến trói buộc cũng là tâm, rồi giải thoát cũng là tâm, khỏi cần tìm đâu xa. Ngay sẵn trong tâm này đầy đủ tất cả vậy mà không chịu nắm lấy cái gốc để tiến tu.

Có ông tăng hỏi Thiền sư Đại An:

- Lìa năm uẩn thế nào là thân xưa nay?

 Ông tăng này theo cái thấy thông thường của thức tình, có năm uẩn rồi có cái thân xưa nay. Thân xưa nay là Pháp thân, là thân chân thật của mỗi người. Như vậy giống như hỏi là ngoài năm uẩn có thêm thân xưa nay hay có thêm Pháp thân.

Thiền sư Đại An đáp:

- Đất, nước, gió, lửa, thọ, tưởng, hành, thức.

Ông tăng thưa:

- Cái ấy là năm uẩn mà!

Thiền sư Đại An bảo:

- Thì cái ấy là năm uẩn.

Chúng ta thấy giống như nói đùa chơi nhưng đúng là có ý nghĩa. Muốn thấy thân xưa nay cũng không phải rời ngoài năm uẩn này mà thấy. Nếu rời ngoài năm uẩn này tìm cái thân xưa nay là tìm ở đâu? Năm uẩn sanh diệt thì nó cũng chỉ là sanh diệt trong cái thân xưa nay thôi. Giống như Phật nói ở đây là năm ấm, mười hai xứ, mười tám giới v.v… nhưng cũng là ở trong Như Lai Tạng.

Trong đó thấy giống như có sanh diệt đến đi nhưng sự thật không có sanh diệt đến đi. Đây cũng vậy, tuy là năm uẩn sanh diệt nhưng mà cũng là sanh diệt ở trong thân xưa nay, nó có thật sanh diệt đâu! Cho nên không phải rời ngoài cái năm uẩn này mà tìm cái thân xưa nay nào khác, mà ngay trong cái thân sanh diệt này khéo soi trở lại thì thấy thân không sanh diệt.

Đây chính là con đường đốn ngộ (đốn giáo) “ngay sanh tử tức không sanh tử”. Được vậy là trừ cái tâm phân biệt kia-đây. Cho thấy khi giác ngộ rồi thì cái thấy như nhau, tuy cách xa thời Phật một, hai ngàn năm nhưng cái thấy cùng khế hợp. Mong tất cả thấy được ý nghĩa đó để đầy đủ niềm tin tiến tu.

 

A. THU NĂM ẤM

* Thu Sắc Ấm

CHÁNH VĂN:

Thế nào là năm ấm vốn là Như Lai Tạng diệu chân như tánh?

A-nan! Thí như có người dùng mắt trong sạch xem hư không trong sáng, chỉ thấy một hư không trong sáng, hẳn không thấy gì khác. Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu nên phát sanh mỏi mệt, thì riêng thấy trong hư không có hoa đốm lăng xăng và tất cả những tướng giả dối lộn xộn. Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.

A-nan! Các hoa đốm lăng xăng đó chẳng phải từ hư không đến, cũng chẳng phải từ con mắt ra. A-nan! Nếu từ hư không đến, đã từ hư không đến thì phải trở vào hư không. Nếu có ra vào thì chẳng phải là hư không. Hư không nếu chẳng phải là hư không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm kia sanh diệt. Như thân thể ông A-nan chẳng dung nạp được một ông A-nan nữa.

Nếu hoa đốm từ con mắt ra, đã từ con mắt ra, thì phải từ con mắt trở vào. Nếu hoa đốm này từ con mắt ra, thì lẽ ra phải có thấy. Nếu có thấy thì khi đi ra là hoa đốm giữa hư không, khi quay trở về nó phải thấy con mắt. Nếu không thấy thì khi ra đã làm mờ hư không, đến khi trở về phải làm mờ con mắt. Lại khi thấy hoa đốm lẽ ra con mắt không mờ, làm sao khi thấy hư không trong suốt, mới gọi là con mắt trong sáng? Thế nên phải biết, sắc ấm là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, cũng không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đoạn kinh này Phật chỉ sắc ấm vốn không có thật thể, chỉ do mê rồi vọng hiện dường như có mà không phải thật có. Nên Phật thí dụ cũng như con mắt đang trong sáng bình thường nhìn hư không cũng trong sáng không có gì, do chăm chú nhìn sững một chỗ lâu thì mỏi mắt, nên nhìn hư không thấy có hoa đốm chớp chớp. Đó là do tướng mắt mỏi mà vọng thấy như vậy, chứ hư không đâu có tướng gì, nên gọi đó là cái tướng hư dối.

Sắc ấm cũng vậy, trong Như Lai Tạng tánh hay là trong Chân như tánh vốn rỗng rang trong sáng không có gì, nhưng do bất giác mới vọng thấy có sắc ấm hiện. Sắc ấm đó cũng giống như hoa đốm trong hư không, không có thật thể, không có tự ngã.

Đây Phật phá, các hoa đốm lăng xăng đó chẳng phải từ hư không đến, cũng chẳng phải từ con mắt ra, nếu từ hư không đến thì nó phải trở vào hư không. Nếu hư không có ra vào thì đâu còn là hư không nữa.

Nếu hoa đốm từ con mắt ra, mà đã từ con mắt ra thì nó cũng phải từ con mắt trở vào. Lại con mắt có thấy, thì hoa đốm phải có tánh thấy. Khi nó có tánh thấy thì lúc nó ra làm hoa đốm trong hư không, lúc quay trở vào thì nó phải thấy lại con mắt, nhưng chuyện đó không có.

Đây nói thêm, ngược lại nếu nó không thấy con mắt, vậy khi nó đi ra làm mờ hư không - vì nó lăng xăng nên che mờ hư không - do đó chỉ thấy hoa đốm mà không thấy hư không; đến khi nó trở về con mắt, phải làm mờ con mắt. Mà làm mờ con mắt thì làm sao thấy được hoa đốm?

Lại nói, vậy khi nó không làm mờ mắt mà mắt lại thấy hoa đốm, thì con mắt không có lỗi gì hết, vì nếu mắt có lỗi thì nó đâu thấy được hoa đốm, lỗi là ở bệnh mỏi rồi vọng thấy.

Phật dẫn thí dụ về hoa đốm để chỉ ra sắc ấm không có thật thể, không thể tìm ra thật thể của nó. Do chúng sanh bị vô minh bất giác tưởng là có thật rồi thấy như có cái tự ngã trong đó, chấp nó là mình; sự thật nó là pháp nhân duyên, rốt cuộc nó cũng đi theo đường của nó, không phải thực là mình. Phật nói rõ sắc ấm là vô ngã.

Như khi sắc ấm bệnh, muốn bảo đừng bệnh cũng không được, nó già muốn bảo đừng già cũng không được, nó đâu có thuộc về mình! Lúc nó chết bảo đừng chết cũng không được, rõ ràng nó đi theo đường của nó. Nó thực không có chủ tể.

Đây gọi là ấm, tức che đậy. Do mê chấp nên nó che mờ chân tánh sáng suốt, tức là chấp vào cái sắc này thành bị sắc che mờ, nên gọi là ấm. Thực ra, vọng làm sao che được cái thực, do tưởng tượng thôi. Thí dụ như cái bóng thì làm sao che được gương? Gương thực còn bóng không thực. Nhưng do người mê nên thấy trong gương hiện bóng rồi lo nhìn bóng nên không thấy gương, thành ra nói bóng che gương. Tuy nhiên, bóng là bóng làm sao che được gương, gương vẫn trong sáng, bóng không thể che.

Thân sắc ấm này cũng vậy, bình thường thấy nó rõ ràng đây, mà nói là không có tự ngã, không thực thì chẳng ai chịu tin, đó là bị mắt mờ. Thí dụ khi con mắt mỏi liền bị mờ thấy hoa đốm lăng xăng. Thấy hoa đốm rõ ràng mà nói không có thì ai tin? Chỉ người mắt sáng nhìn thấy rõ nó là không thật. Sắc này do lúc mê bị tưởng che, thấy giống như là có thực, nhưng khi giác ngộ thấy rõ ràng là không thực. Cũng không cần giác ngộ thành bậc Thánh mới thấy, người có công phu tu thiền khá, tâm an định, có kinh nghiệm một chút cũng biết được.

Như các vị tu thiền về đếm hoặc theo hơi thở, khi hơi thở giống như không có, đó cũng là còn cạn; có lúc thấy giống như mất thân. Kinh nghiệm khi tu thấy lúc hơi thở vi tế, không còn thở lỗ mũi mà chỉ thở ở chân lông nên không còn thấy thở. Thật ra, không phải là không có thở, vì không có thở là chết rồi. Do hơi thở quá vi tế nên thấy như là không có hơi thở; khi hơi thở càng vi tế thì tâm mới dễ an định.

Lúc tu thấy hơi thở với mình là một, là tâm thật sự có định khá. Chính những lúc an định đó thì thấy như mất thân. Có người thấy thân bay bổng, có lúc thấy thân như to ra, có khi ngồi đây mà thấy suốt ra bên ngoài, có khi không còn nhớ tới thân, có nhiều trạng thái nên có người tu tới đó hoảng hốt lo sợ muốn tìm thân trở lại, đó là do tình chấp ngã.

Đúng ra, khi tu mà vào được trạng thái mất thân là càng tốt, còn biết mất thân thì đâu có mất, nhưng do tập khí chấp ngã còn ngầm bên trong nên làm chướng ngại công phu. Đến trạng thái mất thân mà vượt qua cảnh giới đó thì tâm sáng, vì không còn dính vào cái ngã. Thì ngay kinh nghiệm đó biết rõ sắc ấm không thật. Chưa chứng Thánh mà còn thấy vậy, huống nữa chứng Thánh rồi thì thấy rõ ràng không nghi.

Đó là kinh nghiệm khi thực hành công phu thấy rõ sắc ấm không thực. Trong kinh dụ là hoa đốm, khi hiện thì thấy như có mà tìm tột căn nguyên thì không thể được.

Như vậy, đoạn này Phật phá sắc ấm không có thật thể, nó không có thật thể thì đâu có che, che đó là do tưởng của con người, khi giác biết thì nó vốn không. Cho nên, những bậc tu hành giác ngộ thì sắc cũng còn đây nhưng đâu có che được các Ngài, tự tánh các Ngài vẫn sáng suốt. Nếu thật có che thì nó phải che hết, che người này che người kia, nhưng tại sao nó lại che người này mà không che người kia? Rõ ràng do mê nên tưởng bị nó che. Biết rõ thì bớt lầm chấp vào sắc ấm.

Đây là thu sắc ấm trở về Như Lai Tạng tánh.

 

* Thu Thọ Ấm

CHÁNH VĂN:

A-nan! Thí như có người tay chân yên ổn, thân thể điều hòa, chợt như quên mình, không có gì là thuận nghịch. Người này vô cớ lấy hai bàn tay xoa vào nhau giữa hư không, trong lòng hai bàn tay dối sanh các tướng như trơn, rít, lạnh, nóng, nên biết thọ ấm cũng lại như vậy.

A-nan! Các cảm xúc giả dối ấy chẳng từ hư không đến, chẳng từ bàn tay ra. Như thế, A-nan! Nếu từ hư không đến đã hay xúc chạm bàn tay, tại sao chẳng xúc chạm đến thân, chẳng lẽ hư không biết chọn lựa chỗ đến để xúc chạm? Nếu từ bàn tay ra thì đáng lẽ chẳng đợi hai bàn tay hợp lại. Lại nữa, nếu từ trong bàn tay ra, thì khi bàn tay hợp lại biết có cảm xúc, đến khi bàn tay rời ra thì cảm xúc phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết đường vào của cảm xúc, lại phải có tâm hay biết, biết ra biết vào và phải có một vật qua lại trong thân, đâu phải đợi đến hai bàn tay hợp lại mới gọi là cảm xúc? Thế nên phải biết, thọ ấm giả dối vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật thu thọ ấm về Như Lai Tạng, vì thọ ấm không thực, không có thật thể riêng, cũng không có tự ngã, do vọng sanh.

Phật thí dụ như người bình thường thân thể yên ổn, vô cớ lấy hai bàn tay xoa vào nhau giữa hư không, xoa một lúc thấy có cảm giác trơn, hoặc rít, hoặc nóng, hoặc lạnh... Vậy cảm giác đó ở đâu lại? Nếu nó thực có thì tại sao phải đợi hai bàn tay xoa lại mới có. Và nếu nó thực có thì khi hai bàn tay hết xoa thì nó đi đâu? Nếu nó thật có thì nó phải còn tồn tại, nhưng khi hai bàn tay hết xoa thì nó không có. Rõ ràng nó không có thực. Nên đây mới phá: “Các cảm xúc giả dối như vậy chẳng từ hư không đến, cũng chẳng từ bàn tay ra.” Nếu từ hư không đến thì nó xúc chạm được bàn tay tại sao nó không chạm đến thân? Không lẽ nó cũng biết chọn lựa sao? Vô lý. Còn nếu từ bàn tay ra tức là cảm giác xúc chạm đó không cần phải đợi hai bàn tay hợp lại làm gì! Nó từ bàn tay ra thì nó tự đi ra thôi.

Phật phá thêm: Nếu từ bàn tay ra thì khi bàn tay hợp lại nó nhận biết các cảm xúc như trên, đến khi nó rời ra thì cảm xúc đó phải trở vào trong thân. Mà nó đi vào như vậy thì ở cánh tay, cổ tay, xương tủy cũng phải biết đường đi vào của nó; vậy trong thân người phải có cái đi vào đi ra, nên cũng đâu cần phải đợi hai bàn tay hợp lại mới có cảm xúc. Cho nên, xét tột thọ ấm vốn không có thật thể, chỉ do xúc tưởng nên vọng sanh, là “tánh không”, không có tự ngã.

Tóm lại, thọ ấm vốn là Như Lai Tạng tánh không có tánh riêng của nó. Người giác ngộ thì ngay cái thọ đó liền thấu suốt trở về tạng tánh, không bị thọ che mờ. Bởi thọ ấm cũng mang tánh giác, tức là tánh biết, biết thọ. Thể giác của thọ cũng ngầm ở trong đó, nhưng vì bị tưởng làm lầm nên mới bị che. Vì vậy thấy giống như riêng ngoài thể giác có thêm cái thọ, nhưng sự thật thì không phải. Theo các pháp tu Nguyên thủy dạy “quán thọ là khổ”, là nó cũng mang tánh vô thường, khổ, không, vô ngã. Tức là nó có sanh, nó có diệt, nó không bền chắc, không có thuộc về bất cứ ai, không có tự ngã.

Học quán kỹ rồi, mỗi khi có thọ khởi lên chúng ta không bị lầm, biết rõ thọ không phải là tôi, của tôi v.v… Nhớ kỹ! Nếu là tôi, là của tôi thì nó phải thường và phải thuộc về mình. Khi tôi ra lệnh là không muốn thọ khổ hay không khổ, nó phải làm theo, như vậy mới thuộc về tôi. Sự thật lại không phải vậy.

Đây là thu thọ ấm trở về Như Lai Tạng tánh.

 

* Thu Tưởng Ấm

CHÁNH VĂN:

A-nan! Thí như có người khi nghe nói me chua thì trong miệng nước bọt chảy ra, nghĩ đến đứng ở trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm giác rờn rợn. Phải biết tưởng ấm cũng lại như vậy.

A-nan! Câu chuyện me chua như thế, chẳng phải từ me sanh ra, chẳng phải từ miệng vào. Thật vậy, A-nan! Nếu từ me sanh ra, thì quả me tự nói lấy, đâu đợi người nói. Nếu từ miệng vào thì tự miệng đã nghe tiếng, đâu cần đợi lỗ tai nghe. Nếu riêng lỗ tai nghe, thì nước bọt này sao chẳng từ lỗ tai mà ra. Câu chuyện nghĩ đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Thế nên phải biết tưởng ấm hư dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Trước thí dụ về chuyện me chua. Như người nghe nói me chua thì trong miệng chảy nước miếng. Rõ ràng chưa thấy me đâu hết, chỉ nghe nói me chua là chảy nước miếng.

Xưa, có câu chuyện về một ông tướng đi đánh trận bị thua, lại ở nơi xa vắng không có nước. Lúc quá khát nước không biết làm sao, ông tướng mới phương tiện bảo quân sĩ là ở chỗ kia có đám me chua, quân lính cứ nhớ me chua nên đỡ khát. Là phương pháp tưởng tượng. Cũng vậy, khi đứng trên dốc cao, hay trên lầu cao sát ngoài nhìn xuống dưới thấy sâu thăm thẳm, có cảm giác hơi rờn rợn trong người, đó là tưởng.

Xét rõ, nghe tiếng nói về me chua, đó chỉ là một tiếng vang, nhưng nghe rồi tưởng tượng và chảy nước miếng, trong khi me cũng không có ở đó, miệng cũng chưa đụng tới trái me, thì đó chỉ là tưởng chứ không có thật. Nếu rõ được chỗ này thì người tu phá được lầm mê rất lớn, phá được phiền não cũng rất nhiều. Hầu hết con người chúng ta sống trong cái tưởng, bị cái tưởng gạt. Tâm đang yên ổn, nó gạt dẫn đi ra ngoài theo cảnh trần. Ngồi đây tưởng về thành phố v.v… cũng do tưởng. Cũng vậy, đang bình thường bỗng nghe ai nói chuyện, nó cũng dẫn đi tới đó để phân biệt thế này thế kia. Nếu dừng, sạch được tưởng này là an tâm. Tâm ở tại chỗ không chạy chỗ này chỗ kia.

Theo các pháp tu Nguyên thủy dạy về trừ thọ, tưởng, người nhập Diệt tận định mới không bị nó dẫn đi. Còn pháp tu Đại thừa, nếu hành giả quán thấu suốt bản chất thật của chúng là thể giác sẽ không còn lầm, thì hết thành ấm. Người chứng được Diệt thọ tưởng định là dứt tưởng, dứt tưởng nhưng mà thể giác không mất. Quan trọng là sống không rời thể giác, vậy mới hay. Cái không mất mà không chịu sống, sống với cái bị mất rồi lo lắng sợ nó mất, là điên đảo.

Đây là thu tưởng ấm trở về Như Lai Tạng tánh.

 

* Thu Hành Ấm

CHÁNH VĂN:

A-nan! Thí như dòng nước dốc, sóng mòi tiếp nối lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau. Phải biết hành ấm cũng lại như vậy.

A-nan! Tánh dòng nước như vậy chẳng phải nhân hư không sanh ra, chẳng phải nhân nước mà có, cũng không phải là tánh nước, cũng không ra ngoài hư không và nước. Thật vậy, A-nan! Nếu nhân hư không mà sanh thì mười phương hư không vô cùng tận thành dòng nước vô tận, tự nhiên thế giới bị chìm đắm cả.

Nếu nhân nước mà có thì dòng nước dốc này tánh nó đáng lẽ không phải là nước nữa, và hiện nay có thể chỉ ra hai tướng của nước và của dòng nước khác nhau.

Nếu dòng nước này tức là tánh nước, thì khi nước đứng lại, đáng lẽ không phải là thể của nước nữa.

Nếu ngoài hư không và nước, thì chẳng có cái gì ngoài hư không mà có và ngoài nước cũng không có dòng nước. Thế nên phải biết, hành ấm là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Hành có tính cách động, dời đổi, là nghiệp. Hành chính là những vọng niệm liên tục không ngừng dời đổi sanh diệt. Thí dụ như dòng nước dốc nối tiếp đổ dồn xuống, lớp trước lớp sau không vượt khỏi nhau, tiếp nối liên tục. Hành ấm cũng vậy, những vọng niệm liên tục dời đổi sanh diệt không dừng như một dòng liên tục. Xét cùng tột thì nó không có thật thể. Vì nếu nó thật có thì khi diệt rồi nó không sanh trở lại, làm sao có tiếp nối. Còn đây nó cứ sanh diệt liên tục, cho thấy tướng sanh diệt liên tục đó là giả tướng, nên mới thí dụ giống như dòng nước dốc. Tìm nguyên nhân sanh ra nó:

- Nếu nhân hư không sanh ra dòng nước dốc, không được, chuyện đó vô lý. Như vậy hư không thành tánh của nước, sẽ làm ngập hết cả thế giới, và thế giới này thành nước hết.

- Nếu lại nhân nước mà có, thành ra có hai: nước và dòng nước, tức là nhân cái này mà có cái kia, sự thật thì đâu thể có đến hai thứ. Còn nếu dòng nước tức là tánh của nước, tánh của nước là dòng nước chảy, vậy khi dòng nước đứng lại thì hết còn là thể của nước nữa.

Thế nên tìm tột thể của hành ấm vốn không có thật thể, nó nguyên là Như Lai Tạng tánh, đồng một thể giác không phải riêng có.

Ngài Hàm Thị giải thêm: “Hư không dụ cho chân lý, nước dụ cho chân trí. Chân lý chẳng sanh lầm loạn, hư không cũng không sanh ra dòng nước dốc. Nếu lầm loạn này nhân chân lý thành, thì từ xưa tới nay sẽ không có người nào có thể chứng lý được”. Cho nên, cái “lý” không sanh ra lầm loạn, cái lầm loạn chỉ là vọng sanh. Người chứng được lý rồi liền hết lầm.

Quán kỹ sẽ thấy vọng niệm liên tục sanh diệt nhưng ở khoảng giữa của hai niệm vẫn có khoảng hở. Nếu có khoảng hở thì khi cái này diệt rồi làm sao tiếp qua cái kia? Mới thấy đúng đó là vọng tướng không thật. Người khéo tu giữ tâm yên lặng, quán niệm trước niệm sau thấy khoảng hở đó, liền kéo dài khoảng hở đó ra, dần sẽ thấu suốt được những niệm sanh diệt kia và không mắc kẹt nó nữa. Thí dụ như cầm cây nhang quay nhanh nhìn thấy giống như một vòng tròn liên tục. Nhưng sự thật vòng tròn ấy có liên tục không? Từng đốm lửa, từng đốm lửa ráp lại quá nhanh, mắt nhìn không kịp, nên thấy như một vòng tròn nhưng thật ra nó có hở từng đốm do ảo giác mà thấy vòng tròn lửa.

Cuộc sống của con người chúng ta bị gạt rất nhiều, chính ảo giác của mình gạt mình chứ không ai gạt. Cho nên tu là đừng để bị gạt. Sắc đâu có gạt chúng ta, thanh, hương v.v… mấy thứ đó đâu có gạt chúng ta, chính mình gạt mình thôi! Khi biết rõ mình gạt mình thì hết bị gạt. Việc tu hành quan trọng là chỗ này. Mở mắt trí tuệ. Chính trí tuệ mới giúp chúng ta giải thoát, giúp lột sạch vô minh, căn bản sanh tử luân hồi.

Thiền định chỉ giúp chúng ta dừng sanh tử chứ không thể hết sanh tử, chính trí tuệ mới dứt được gốc sanh tử. Lâu nay đa số người tu thiền hay bị lầm kẹt chỗ này, tu là cứ muốn ngồi định. Nhưng ngồi buông cho nó yên nhiều khi trí mờ mờ không biết gì hết.

Người tu theo Nguyên thủy cũng thường bị mắc kẹt trong định. Một Thiền sư Thái Lan gọi đó là “hiểm họa của định”. Định mà không biết gì thì đó là hiểm họa của định. Tu chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, khi tâm định rồi thì có sự khinh an, nhẹ nhàng nên cũng đắm trước trong đó; vì vậy mà không phát được trí tuệ nên cũng không đến đâu, phải nhớ kỹ! Vị Thiền sư Thái Lan này thường dặn học trò sử dụng cận định rồi xuất ra để quán chiếu, đừng chết chìm trong đó.

Thiền tông cũng thường nhắc nhở đừng ngồi trong hang quỷ tối đen. Ngồi thiền phải sáng suốt trí tuệ. Đó là yếu chỉ tu hành. Lâu nay có nhiều vị cũng bị lầm chỗ này. Khi tọa thiền cứ muốn buông cho yên, yên một hồi không biết gì hết là thiếu trí tuệ. Nhớ kỹ, tọa thiền là phải sáng mới được. Định giống như đá đè cỏ, đè chỗ đó thôi chứ không hết tận gốc, giở đá lên thì cỏ vẫn còn như cũ.

Xưa, Đức Phật cũng từng tu theo ông Uất-đầu-lam-phất, đạt đến Phi phi tưởng định. Khi được định đó rồi tâm giống như không có gì hết, nhưng khi xuất định thì nhớ vợ nhớ con. Vì vậy, Phật mới nhận ra định này chỉ tạm dừng niệm, chưa rốt ráo giải thoát, nên bỏ. Còn chính khi trí tuệ phát sanh mới thấy được gốc mê lầm, hết mê lầm liền nhổ tận gốc sanh tử, đó là chỗ quan trọng.

Đây là thu hành ấm trở về Như Lai Tạng tánh.

 

* Thu Thức Ấm

CHÁNH VĂN:

A-nan! Thí như có người lấy bình tần-già bịt hai lỗ lại, chứa đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm đến chỗ nước khác. Phải biết thức ấm cũng lại như vậy.

A-nan! Thật vậy, hư không đó không phải từ phương kia lại, cũng không phải từ phương này vào.

Như thế, A-nan! Nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình này đã đựng hư không đem đi, ở chỗ cũ cái bình phải thiếu một chút hư không. Nếu hư không từ phương này vào, thì khi mở miệng bình trút ra phải thấy hư không ra. Thế nên phải biết, thức ấm giả dối vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Thức dẫn đi đây đi kia, dẫn từ ấm này qua ấm sau, ai cũng lầm cho là tự ngã. Nên đây Phật phá không có thức đi lại. Thí dụ như lấy cái bình chứa hư không rồi bịt kín đem qua chỗ khác mở bình trút hư không ra, tưởng như là có hư không đi ra. Giống như thức ấm đời này đi qua thức ấm đời sau, lỗi từ chỗ này.

Hư không đâu có từ phương này đi qua phương kia. Dụ như cái bình này đựng hư không đem đi rồi ở chỗ cũ phải thiếu một chút. Tức lấy hư không ở đây chứa vào bình đem đi sang chỗ khác, thì chỗ này phải thiếu một chút hư không bằng dung lượng cái bình. Rồi ở kia đổ ra nó lại dư phần hư không đó. Là vô lý.

Sự thật, hư không đâu có ra-vào, thiếu-đủ gì! Hư không chỉ là hư không, nhưng người ta lầm cho là hư không có giới hạn, thấy như hư không đóng khung vào trong cái bình, nên mới thấy có đây có kia, mê là chỗ đó.

Thức ấm cũng vậy, vốn nguyên là thể giác thênh thang đâu có chỗ nơi, đâu có hình tướng, nó không có tự ngã; nó không phải là nam, không phải là nữ, không phải là người, không phải là thú v.v… không là tất cả, làm sao mà đi đây đi kia? Do người mê khi gá vào thân nam thì cho đó là nam, vào thân nữ cho nó là nữ rồi đóng khung, mắc kẹt trong đó.

Chúng ta phải quán cho thấu chỗ đó. Hãy quán xem từ xưa tới nay, chúng ta mê lầm trong vòng luân hồi này, có khi cũng hiện ra thân nam, có khi cũng mang thân nữ, có khi cũng mang thân con này con kia, đủ hết.

Thí dụ như đời trước mang thân nữ rồi giờ mang thân nam, sau nữa mang thân trời, như vậy thân nào mới là mình?

Mới biết chúng ta đã mang vô số thân chứ không phải mới một thân này, vậy thân nào là thân mình mà nói là đi lại?

Cho nên, thân nam thân nữ đang mang đây đâu có thật; ít bữa chết rồi thiêu ra tro, còn nói gì mà đi đây đi kia nữa! Còn cái thức không hình tướng thì đi đâu? Chính do cái tưởng thành nghiệp dẫn đi. Học hiểu rồi biết đó chỉ là vọng chấp, khi mê là mê cái thể giác, lầm là tự ngã mới có giới hạn đây-kia ngăn cách. Khi ngộ trở lại quên cái ngã này thì lấy ai để đi, để đến?

Trong kinh Kim Cang giải nghĩa Như Lai là “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”, nghĩa là không từ đâu đến, cũng không đi đâu.

Thiền sư Nghĩa Huyền - Lâm Tế khi từ giã Ngài Hoàng Bá đi. Ngài Hoàng Bá hỏi: “Ông đi về đâu?”. Ngài thưa: “Chẳng phải Hà Nam thì về Hà Bắc”.

Không nói đi đâu, chỉ nói chẳng phải Hà Nam thì về Hà Bắc, tức là sao? Là muốn nói Ngài luôn có mặt không bị lệ thuộc chỗ nơi, luôn luôn hiện tiền, không mắc kẹt chỗ này, chỗ kia. Còn mắc kẹt đây-kia là vướng trong cái ngã.

Có câu chuyện, Thiền sư Huệ Minh cất am ở núi Đại Mai, có hai thiền khách đến thăm, Ngài Huệ Minh hỏi:

- Thượng tọa từ đâu đến?

Hai vị khách đáp:

- Ở Đô thành.

Ngài Huệ Minh hỏi:

- Thượng tọa ở Đô thành đến núi này thì ở Đô thành thiếu Thượng tọa, và núi này lại dư Thượng tọa. Dư thì ngoài tâm có pháp, thiếu thì tâm pháp không trùm khắp. Nói được đạo lý thì ở, còn không được thì hãy đi!

Cả hai không đáp được.

Đó là vì còn thấy có đây-kia. Đem chỗ này gạn, người còn mắc kẹt cái ngã thì chưa qua được. Rõ ràng! Ngoài tâm thấy có pháp, còn mắc kẹt đây-kia là mắc kẹt cái ngã này, còn quên cái ngã này thì nói gì đây-kia nữa! Dù ở đây hay ở kia thì cũng là nó thôi, có gì đâu mà thiếu đủ. Mắc kẹt cái tướng này mới thấy thiếu-đủ. Đó là chỗ lầm.

Cũng vậy, thức ấm nguyên là thể giác thì đâu có hạn cuộc ở trong tự ngã nào, người mê lầm cho ở trong đó, có ấm trước chuyển qua ấm sau, bị nghiệp dẫn nên bị lưu chuyển, thành ra có luân hồi. Nếu ngộ trở lại, thức vốn hư vọng không có thật thể, tức nó nguyên là một thể giác xưa nay, ngay trong thể giác đó nói gì mà đến đi, ngay đó đạt vô sanh thôi. Đây gọi là thu năm ấm trở về Như Lai Tạng tánh.

Phật phá năm ấm là nhằm vào người chấp tâm nhiều, sau Phật chia ra lục nhập, mười hai xứ là nói cho người chấp sắc nhiều. Bởi vì người chấp tâm nhiều nên đây mới chia ra về phần sắc chỉ có một sắc ấm; còn tâm chia ra làm bốn. Sau thì ngược lại, người chấp sắc nhiều chỉ chia tâm có một là ý căn; còn sắc chia ra sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp rồi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Để thấy Phật nói pháp tùy theo căn cơ.

Tóm lại, cả năm ấm đều không có thật thể riêng, nó đồng một thể giác xưa nay. Do mê vọng khởi thành ra bị che mờ rồi lầm trong đó, nên gọi là ấm. Còn ngộ trở lại thì vẫn là thể giác sáng ngời, không thiếu thốn. Nên mới nói chúng sanh ở trong Phật mà tự bỏ Phật, ở trong thể giác mà quên thể giác.

Như quán kỹ thì thọ ấm cũng có biết, rồi tưởng cũng biết, hành cũng biết, thức cũng biết, cũng đồng là thể biết. Giờ phải ngay cái biết nhận trở lại cái thể của nó thì đâu còn phải mắc kẹt trong thọ, tưởng, hành, thức. Người không thấu rõ, khi nghe nói đến năm ấm, tưởng đâu riêng có thật. Phật chỉ rõ thể của năm ấm là một thể giác, chỉ do vọng sanh, không phải riêng có thêm cái thể năm ấm. Nên nhận trở lại chỗ đó là nhận trở lại gốc, như vậy đâu còn bị che nữa.

Trong nhà thiền có câu chuyện Hòa thượng Tỳ Thọ. Một hôm, Ngài đang nằm nghỉ, có Ngài Đạo Ngô đến gần kéo cái mền phủ lại. Ngài Tỳ Thọ hỏi:

- Làm gì đó?

Ngài Đạo Ngô nói:

- Phủ kín lại.

Ngài Tỳ Thọ hỏi:

- Nằm là phải hay ngồi là phải?

Ngài Đạo Ngô đáp:

- Chẳng ở hai chỗ đó.

Ngài Tỳ Thọ lại hỏi:

- Vậy sao lại phủ kín?

Ngài Đạo Ngô nói:

- Chớ có nói loạn.

Tuy là phủ kín nhưng cũng chỉ phủ thân này chớ làm sao phủ được nó! Nó không thuộc nằm hay ngồi, nên Ngài Đạo Ngô nói là không ở hai chỗ đó.

Ngài Tỳ Thọ gạn lại: “Nếu không ở hai chỗ đó thì sao lại phủ kín?”. Ngài Đạo Ngô nói thêm là: “Chớ có nói loạn”. Đó là thấy suốt không bị ấm che.

Như vậy, tất cả chúng ta đều sống trong thể giác, chưa từng mất, không có thiếu vắng gì hết, không phải mặc cảm mình không có giác, chỉ vì chưa chịu giác thôi. Nếu khéo tỉnh trở lại thì thể giác lúc nào cũng luôn hiện hữu nơi mỗi người, đó là chỗ muốn nhắc cho tất cả.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05333
  • Online: 10