Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - PHẦN B: THU LỤC NHẬP
30/04/2018 | Lượt xem: 3069
B. THU SÁU NHẬP
* Thu Nhãn Nhập
CHÁNH VĂN:
Lại nữa A-nan! Thế nào sáu nhập vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh? A-nan! Tức là con mắt kia nhìn chăm chú phát ra tướng mỏi mệt, gồm con mắt và tướng lao nhọc đó đều là tánh Bồ-đề chăm chú phát ra tướng mỏi mệt!
Nhân hai thứ vọng trần tối và sáng phát sanh ra cái thấy bên trong, thu nạp trần cảnh, gọi là tánh thấy. Tánh thấy này rời hai trần tối sáng kia, rốt ráo không có thật thể.
Thật vậy, A-nan! Nên biết cái thấy đó chẳng phải do sáng hay tối đến, cũng chẳng do con mắt ra, chẳng phải do hư không sanh.
Vì sao? Nếu tánh thấy từ cái sáng đến, khi tối lại phải theo cái sáng mà diệt, thì đáng lẽ không thấy cái tối. Nếu từ cái tối đến, khi sáng lại cũng theo cái tối mà diệt, nên không thấy sáng. Nếu từ con mắt sanh hẳn không có sáng và tối. Như vậy thì tánh thấy vốn không có tự tánh. Nếu từ hư không ra thì khi nhìn trước thấy trần cảnh, xoay trở về phải thấy con mắt, lại hư không tự xem thấy, thì đâu có quan hệ gì đến nhãn nhập của ông.
Thế nên phải biết, nhãn nhập là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
GIẢNG GIẢI:
Đây thu sáu nhập trở về Như Lai Tạng. Sáu nhập tức sáu căn, là chỗ vào của sáu trần. Nghĩa là sáu căn này là chỗ để sáu trần đi vào gọi là nhập. Sáu căn này đều có cái biết, như mắt biết thấy, tai biết nghe v.v… Đây chủ yếu nhắm vào căn.
Trước nói về nhãn nhập nơi căn mắt, là chỗ vào của sắc trần. Sở dĩ có nhãn nhập là vì có con mắt rồi có sắc trần. Do mắt đối với sắc trần mà khởi cái thấy. Thông thường ai cũng chấp là thật có cái thấy nơi con mắt; nhưng với con mắt Phật nhìn rõ thì cái thấy này chỉ là tướng Bồ-đề chăm chú mỏi mệt phát ra, vốn không phải riêng có.
Thí dụ con mắt kia nhìn chăm chú rồi phát ra tướng mỏi mệt, con mắt và tướng lao nhọc đó đều là tánh Bồ-đề chăm chú phát ra cái tướng mỏi mệt thôi. Nhân hai thứ vọng trần tối và sáng phát sanh cái thấy bên trong, rồi thu nạp trần cảnh nên gọi là tánh thấy. Tánh thấy này nhân hai thứ trần tối và sáng mà có, nếu rời hai trần sáng tối, rốt ráo tánh thấy không có thật thể.
Đây Phật mới phá: “A-nan! Nên biết, cái thấy đó chẳng phải do sáng hay tối đến, cũng chẳng phải do con mắt ra, cũng chẳng phải do hư không sanh”. Không phải từ sáng, tối đến, không phải từ con mắt ra, cũng không phải từ hư không sanh, vậy từ đâu có? Mới thấy nó không thật thể là vậy.
Nghĩa là con mắt đang sáng tỏ rõ ràng rồi do nhìn chăm chú nên nó phát ra cái tướng mỏi mệt. Như vậy, con mắt và tướng mỏi mệt vốn không ngoài con mắt sáng, ý là như vậy.
Lại, có con mắt, có tướng mỏi mệt hiện ra giống như có hai thứ, ban đầu chỉ có một con mắt sáng thôi, lúc mắt sáng tỏ không có vấn đề gì, chỉ là mắt sáng; nhưng khi nhìn chăm chú lâu rồi thì phát ra thêm tướng mỏi mệt, nên có con mắt thấy, rồi có cái tướng mỏi mệt, như là có hai. Nhưng đó là vọng hiện.
Bởi từ trong thể giác chợt mê nên khởi ra có cái thấy, cái thấy này vốn nguyên là thể giác khởi ra, giống như ngoài cái giác có thêm cái thấy nữa.
Đã có cái thấy thì phải có đối tượng để thấy, chứ đâu có thấy khơi khơi, tức có tướng bị thấy khởi theo. Khi có cái năng thì cái sở đi theo, rồi dính trong đối đãi này nên quên luôn thể giác nguyên vẹn từ xưa.
Người khéo ngay cái thấy đó thầm nhận thể giác thì liền quên trần cảnh ở trước, nên không có tướng bị thấy, mà không tướng bị thấy thì cái năng thấy đâu sanh, là trở về đồng một thể giác.
Khi đó nhãn nhập liền rỗng suốt hết chỗ nhập, không còn mắc kẹt nơi căn trần. Nên đây mới phá:
- Nếu tánh thấy từ cái sáng đến thì khi tối nó phải theo cái sáng diệt mất, không thấy được cái tối. Ngược lại từ cái tối đến, khi sáng lại nó cũng không thấy được cái sáng. Như vậy rõ nó không từ sáng và tối đến.
- Trường hợp nếu chấp cho cái thấy từ con mắt sanh, đã từ mắt sanh thì tự nó thấy thôi đâu cần gì sáng-tối; không có sáng-tối nó cũng thấy được vì từ con mắt sanh mà! Nhưng không thể có chuyện đó. Để chỉ rõ cái thấy không thể từ con mắt sanh.
- Nếu từ hư không ra thì khi nhìn thấy trần cảnh ở trước, lúc nhìn trở lại thì nó phải thấy lại con mắt. Thứ nữa, nếu cái thấy từ hư không sanh thì hư không tự xem thấy không cần đến con mắt.
Xét cho tột, thì nguyên nhãn nhập vốn là thể giác nhưng do mê, quên mất thể giác nên dính vào căn này, thành giống như là có cái thấy ở nơi con mắt. Từ đó mắc kẹt nơi con mắt, mà đã mắc kẹt nơi con mắt tức nhiên nó phải đi với đối tượng của con mắt là sắc trần; có căn có trần thì nó mới thấy.
Nếu lìa trần, cái thấy mất, đó là cái thấy bị hạn cuộc nơi căn trần, trong khi thể giác rộng thênh thang không phải chỉ giới hạn nơi căn trần. Người chứng đạo rồi đắc thiên nhãn thì thấy suốt qua mắt luôn. Như Ngài A-na-luật mắt hư mà vẫn thấy vì đâu có mắc kẹt nơi con mắt; còn chúng sanh phải lệ thuộc nơi con mắt. Đó để thấy cái mê của con người.
Ở đây, Phật chỉ rõ để phá cái lầm chấp, nếu thấu suốt qua cái nhập thì không còn mắc kẹt nơi nhãn nhập, cái thấy rỗng suốt.
* Thu Nhĩ Nhập
CHÁNH VĂN:
A-nan! Thí như có người lấy hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mệt mỏi nên trong đầu tạo thành có tiếng, cả lỗ tai và cái mệt mỏi đều là tánh Bồ-đề chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Nhân hai thứ vọng trần động và tịnh phát ra cái nghe ở trong, thu nạp trần tượng đó mà gọi là tánh nghe. Tánh nghe này rời hai trần động tịnh kia, rốt ráo không có tự thể. Thật vậy, A-nan! Phải biết cái nghe ấy chẳng phải từ động tịnh đến, chẳng phải từ lỗ tai ra, cũng chẳng phải từ hư không sanh. Vì sao? Nếu cái nghe từ cái tịnh đến, thì khi động phải theo cái tịnh mà diệt, lý đáng chẳng nghe được cái động. Nếu từ cái động đến, thì khi tịnh cũng theo cái động mà diệt, nên không biết cái tịnh. Nếu từ lỗ tai sanh, hẳn không có động và tịnh thì cái nghe như vậy vốn không có tự tánh. Nếu từ hư không ra là hư không đã có tánh nghe, thì chẳng phải là hư không. Lại hư không tự nghe thì đâu có quan hệ gì đến nhĩ nhập của ông.
Thế nên phải biết nhĩ nhập là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
GIẢNG GIẢI:
Giống như nhãn nhập ở trước, đây dùng thí dụ lỗ tai bị bịt chặt hai lỗ tai một hồi lâu, nghe giống như trong đầu có tiếng lùng bùng. Lỗ tai và tướng mệt mỏi đó vốn nguyên là thể Bồ-đề do chăm chú phát ra mỏi mệt, không phải riêng có.
Từ thể giác do mê chợt khởi ra có cái nghe và trần tướng bị nghe tức thanh trần. Cái nghe luôn đi với thanh trần, thanh trần là động và tịnh, rời động tịnh thì cái nghe không có, tức là rời trần cái nghe không có tự thể; mà rời trần cái nghe không có tự thể vậy rõ nó cũng là thể giác thôi.
Nếu khéo ngay cái nghe này mà quên trần, liền trở về thể giác suốt qua căn trần không gì ngăn ngại, như vậy là hết chỗ nhập. Khi cái nghe rỗng suốt thì trần đâu thành đối tượng, là phá chỗ nhập.
* Thu Tỷ Nhập
CHÁNH VĂN:
A-nan! Thí như có người bịt chặt hai lỗ mũi, bịt lâu sanh ra mỏi mệt, thì ở trong mũi cảm xúc nghe lạnh. Nhân những cảm xúc phân biệt mà được là thông, là bít, là rỗng, là đặc, như thế cho đến các mùi thơm, mùi hôi, gồm cả cái mũi và cái mỏi mệt đều là tánh Bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Nhân hai thứ vọng trần thông và bít, phát sanh cái ngửi ở trong, thu nạp trần tướng đó gọi là tánh ngửi. Tánh ngửi này rời hai trần thông và bít kia, rốt ráo không có tự thể. Phải biết cái ngửi ấy chẳng phải từ thông và bít mà đến, chẳng phải từ lỗ mũi mà ra, chẳng phải từ hư không sanh. Vì sao? Nếu cái ngửi từ cái thông mà đến, thì khi bít cái ngửi phải theo cái thông mà diệt, làm sao biết được cái bít? Như nhân cái bít mà có, thì khi thông không có cái ngửi, làm sao rõ biết được các mùi thơm, mùi hôi. Nếu từ lỗ mũi sanh, hẳn không có thông và bít. Như thế thì cơ quan ngửi vốn không tự tánh. Nếu từ hư không ra, thì cái ngửi tự phải xoay lại ngửi cái lỗ mũi của ông. Hư không tự có tánh ngửi thì đâu có quan hệ gì đến tỷ nhập của ông. Thế nên phải biết, tỷ nhập là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
GIẢNG GIẢI:
Đây nói về tỷ nhập. Thí dụ như bịt mũi lâu nghe cảm xúc trong mũi hơi lành lạnh. Do cảm xúc kia mà giả tướng tạm phát ra chứ không có cái thật thể.
Cũng vậy, do có hai trần thông và bít mới có cái ngửi, nếu lìa hai trần tướng thông và bít thì cái ngửi không thành.
Đây phá cũng như trước. Xét tột thì cái ngửi chẳng từ thông và bít đến, cũng chẳng từ lỗ mũi ra, rồi cũng chẳng từ hư không sanh. Nó vốn không có thật thể riêng của tỷ nhập, nó chỉ nguyên là một thể giác, không phải riêng có tỷ nhập thứ hai.
Nếu khéo ngay đó quên trần tướng soi trở về thể giác liền thông suốt không còn bị tỷ nhập làm ngăn ngại. Đó gọi là thu tỷ nhập trở về Như Lai Tạng tánh.
* Thu Thiệt Nhập
CHÁNH VĂN:
A-nan! Thí như có người lấy lưỡi liếm môi, liếm mãi sanh ra mỏi mệt. Nếu người ấy bệnh thì có cảm giác vị đắng, người không bệnh thì cảm giác có chút vị ngọt. Do vị ngọt, vị đắng mà hiển bày tánh chất cái lưỡi này. Lúc bình thường thì có tánh lạt. Cả cái lưỡi và cái mỏi mệt đều là tánh Bồ-đề chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt. Nhân nơi hai thứ vọng trần ngọt, đắng và lạt phát sanh ra cái biết bên trong, thu nạp trần tướng ấy gọi là tánh biết vị. Tánh biết vị này, rời hai thứ vọng trần ngọt đắng và lạt rốt ráo không có tự thể. Thật vậy, A-nan! Ông phải biết như vầy: Cái biết nếm vị đắng lạt kia, chẳng phải nơi vị ngọt vị đắng đến, chẳng phải nhân vị lạt mà có, lại cũng chẳng phải từ lưỡi ra, chẳng phải từ hư không mà sanh. Vì sao? Nếu cái biết vị từ vị ngọt, vị đắng đến, khi vị lạt thì cái biết vị phải mất, làm sao biết được vị lạt? Nếu từ nơi vị lạt ra thì khi vị ngọt đến, tức cái biết vị bị mất, lại làm sao biết được hai tướng ngọt và đắng? Nếu từ cái lưỡi sanh, hẳn không có vị ngọt, vị lạt và vị đắng, thì căn biết vị này vốn không có tự tánh.
Nếu từ hư không ra thì hư không tự có vị chẳng phải lưỡi ông biết vị, lại hư không tự biết vị thì đâu có quan hệ gì đến thiệt nhập của ông.
Thế nên phải biết, thiệt nhập là giả dối, không phải tánh nhân duyên và không phải tánh tự nhiên.
GIẢNG GIẢI:
Đây cũng như trên, thí dụ lấy cái lưỡi liếm môi, liếm hoài một lúc mỏi mệt sanh ra một chút vị giác, đó là vọng sanh chứ không có thật.
Bình thường lưỡi mình thấy có vị lạt, nhưng liếm liếm một hồi nó có chút vị khác. Ở đây nói thêm thí dụ như người bệnh thấy trong miệng có vị hơi đắng, cái đó là vọng giác, không thật.
Xét tột thì tánh biết vị này cũng không phải nhân nơi các vị trần ngọt đắng hay lạt mà có, tánh biết vị thì có tánh biết, còn vị trần đâu có tánh biết. Lại, cái vị trần này hay thay đổi, cho nên xét tột thì nó không phải từ vị trần ngọt đắng hay lạt mà có được, nó cũng không phải từ cái lưỡi ra, cũng không phải từ hư không sanh. Xét thấy rõ ràng nó không có thật thể.
Nếu nó có thực, thì nó phải có gốc của nó, nhưng tìm gốc của nó không có, rõ là là vọng khởi, không thực. Người khéo ngay đó quên trần soi lại nơi thể giác thì sẽ suốt qua cái nhập, không còn có chỗ nhập, là hết còn mắc kẹt ngăn ngại nơi trần, chỉ còn một thể giác sáng suốt. Đó là thu thiệt nhập trở về Như Lai Tạng tánh.
* Thu Thân Nhập
CHÁNH VĂN:
A-nan! Thí như có người lấy một tay lạnh xúc chạm vào một tay nóng. Nếu thế của lạnh nhiều thì cái nóng cũng theo đó mà lạnh; nếu thế của cái nóng nhiều hơn thì cái lạnh trở thành nóng. Như thế do cái xúc chạm nhận biết trong lúc hợp lại mà rõ sự nhận biết trong lúc rời ra. Cái thế chênh lệch nếu thành thì nhân đó phát ra mỏi mệt mà có cảm xúc. Cả cái thân và cái mỏi mệt đồng là tánh Bồ-đề do chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Nhân hai thứ vọng trần ly hợp phát ra cái hiểu biết bên trong, thu nạp trần tượng gọi là tánh biết cảm xúc. Thể cái biết cảm xúc đó rời hai thứ trần hợp ly, trái thuận, rốt ráo không có tự thể. Thật vậy, A-nan! Ông phải biết tánh biết ấy chẳng phải từ ly hợp mà đến, chẳng phải từ trái thuận mà có, chẳng phải từ thân thể mà ra, lại cũng chẳng phải từ hư không sanh. Vì sao? Nếu khi hợp mà tánh biết đến thì khi ly tánh biết phải bị mất, làm sao biết được cái ly. Hai tướng trái thuận cũng lại như vậy. Nếu từ nơi thân ra, hẳn không có bốn tướng ly hợp trái thuận, thì thân tri giác của ông nguyên không có tự tánh. Nếu từ hư không ra thì hư không tự có tri giác đâu có quan hệ gì đến thân nhập của ông. Thế nên phải biết, thân nhập giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên và tánh tự nhiên.
GIẢNG GIẢI:
Đến đây là phá về thân nhập. Do thân cảm đến hai trần là ly hợp nên có xúc vào. Tức là thân có chạm với trần gọi là hợp, khi tách ra gọi là ly. Do có ly có hợp mà có cảm xúc sanh, thì nó đâu có thật.
Xét về cái thân thì cảm xúc cũng không thể từ cái thân có được, rồi xét nếu từ hư không sanh ra thì cũng không được, nó không có thật thể cố định, do mê nên vọng khởi. Như vậy nó nguyên là một thể giác, nếu ngay đó khéo quên trần tướng để trở về thể giác, thấu suốt qua cái nhập không còn chướng ngại, thì cái nhập thành rỗng suốt, không mắc kẹt nơi cái nhập thì không còn bị mê, thể giác luôn là sáng ngời, đó là ngay nơi thân nhập trở về thể giác.
* Thu Ý Nhập
CHÁNH VĂN:
A-nan! Thí như có người mỏi mệt thì ngủ, ngủ mãn giấc bèn thức, khi nhận biết trần cảnh thì nhớ, hết nhớ thì quên.
Các món sanh-trụ-dị-diệt trái ngược đó thu nạp chứa nhóm vào bên trong, không vượt thứ lớp nhau gọi là tri căn. Cả ý căn và cái mỏi mệt đồng là tánh Bồ-đề chăm chú mà phát ra tướng mỏi mệt.
Nhân hai thứ vọng trần sanh và diệt gom góp cái biết bên trong, thu nạp pháp trần ngược dòng thấy nghe vào trong mà không đến đâu thì gọi là cái ý hay biết. Cái ý hay biết này rời hai trần thức ngủ, sanh diệt rốt ráo không có tự thể.
Thật vậy, A-nan! Nên biết cái ý căn hay biết như thế, chẳng phải do ngủ thức mà đến, chẳng phải do sanh diệt mà có, chẳng phải từ ý căn phát ra, cũng chẳng phải từ hư không mà sanh.
Vì sao? Nếu từ thức đến, thì khi ngủ đã theo cái thức mà diệt, còn lấy cái gì làm ngủ? Nếu khi sanh mới có, lúc diệt thì đồng như không, thì lấy cái gì mà biết là diệt? Nếu do cái diệt mà có, thì khi sanh không có diệt nữa, lấy cái gì mà biết là sanh?
Nếu từ ý căn phát ra thì hai tướng ngủ và thức, khai hợp tùy nơi thân, rời hai tướng đó ra thì cái hiểu biết này đồng như hoa đốm giữa hư không, rốt ráo không có tự tánh. Nếu từ hư không sanh, hư không tự biết, thì đâu có quan hệ gì đến ý nhập của ông.
Thế nên phải biết ý nhập là giả dối, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.
GIẢNG GIẢI:
Ý nhập tức cái biết ở nơi ý căn. Xưa ý căn là chỉ nơi quả tim, hiện nay khoa học phát minh ý căn là bộ não.
Ngày nay, do kỹ thuật tiên tiến, người ta dùng điện não đo sóng não, liền biết người đó đang có suy nghĩ hay không có suy nghĩ, biết nói dối hay không v.v...
Như đo người đang sân thì có làn sóng khác như làn sóng delta (d) hay là beta (b) chẳng hạn, còn người tọa thiền thì có làn sóng alpha (a), sóng rất nhẹ của người ngủ nhưng khác với người ngủ. Người ngủ mê không biết gì, còn người ngồi thiền thì biết. Qua đó biết ý căn nằm ở bộ não, và đó cũng là cơ quan phát ra.
Thí dụ như đang tỉnh táo, mỏi mệt thành có ngủ. Do có ngủ mà có thức, rồi có quên có nhớ trần cảnh, do có nhớ có quên mà thành có vọng sanh vọng diệt là chỗ tựa của ý căn. Như vậy, ban đầu vốn tỉnh táo chứ không có cái thứ hai, nên đây thí dụ giống như tánh Bồ-đề chăm chú phát ra tướng mỏi mệt, tướng mỏi mệt đó cũng đồng là tánh Bồ-đề chứ không phải riêng có.
Khi tỉnh thì sáng suốt, lúc mỏi mệt có ngủ có thức; rồi do có ngủ có thức mà vọng có nhớ có quên. Cho nên ngủ thức đâu có thật thể, chỉ là vọng khởi. Còn cái tỉnh táo sáng suốt này không thuộc ngủ hay thức.
Như khi ngủ nằm mộng, rồi bám theo đó mà biết, là nhớ. Thì nhớ như vậy là cái vọng nhớ, đâu có thực. Đến khi thức, cảnh đó không còn liền quên, quên đó là quên cái gì? Cũng là quên cái vọng chứ có gì đâu! Cái tướng mộng không thực mà quên là quên cái do vọng nhớ kia nên có cái vọng quên này, còn bình thường tỉnh táo đâu có chuyện gì.
Đó gọi là nhớ quên theo bóng dáng hư vọng, mà đã nhớ quên theo bóng dáng hư vọng nên quên mất tánh biết tỉnh táo sáng suốt vẫn đang hiện hữu đây chưa từng mất. Cái tánh biết tỉnh táo sáng suốt đang hiện hữu đây không nhớ lại nhớ mộng, bỏ mất cái này có phải đáng tiếc không!
Đa số người thế gian đang sống nhớ quên theo cái bóng dáng đã huân tập từ vô thủy, đều là những chủng tử huân tập lâu đời trong tàng thức này rồi cứ nhớ quên theo nó, mà quên mất cái thể giác thành như có sanh có diệt. Giống như ngồi thiền thấy tâm mình có khởi, có sanh, có diệt, chứ tâm thật làm gì có sanh diệt.
Cũng vậy, nhân nơi bóng dáng của pháp trần thấy, nghe bên ngoài còn rớt lại bên trong vọng có cái sanh diệt, rồi duyên theo bóng sanh diệt đó nên vọng có cái ý hay biết; mà bóng dáng pháp trần là cái còn đọng lại của thấy nghe tiền trần ở trước chứ không có thật.
Như khi ngồi thiền nhớ lại hôm qua hoặc nhớ chuyện đâu mấy chục năm về trước thì đâu có thực gì, đó là bóng dáng của cái thấy nghe trước kia còn đọng lại. Do duyên theo cái bóng dáng đó thành giống như có sanh, nó qua rồi thành ra có diệt, vậy sanh diệt là sanh diệt theo cái bóng dáng chứ không có thực. Rồi khi quên thì nó duyên qua cái khác - tức cái bóng trước qua rồi nên quên, khi quên cái đó rồi duyên qua cái khác - rồi nhớ quên thành ra có sanh có diệt.
Như vậy, cái nhớ quên đó cũng là nhớ quên theo bóng dáng, nên cái ý duyên theo pháp trần là hư vọng. Pháp trần là những bóng dáng của tiền trần đọng lại chứ không có thực, nên đây nói “ngược dòng thấy nghe vào trong mà vào không đến đâu”.
Thuận dòng thấy nghe ra ngoài thì đó là tiền trần, thấy sắc và nghe tiếng là tiền trần đối ở trước; còn ngược dòng thấy nghe vào trong thì cái bóng dáng của tiền trần nó rớt trở lại bên trong. Kia là thấy nghe thẳng vào tiền trần bên ngoài, giờ ngược dòng đi vào trong. Nó không có thực để y cứ, cái tướng nhìn thấy ở trước đâu có đi vào trong đây được, chỉ là cái bóng thôi. Nên ngược vào bên trong mà không đến đâu hết.
Do cái bóng dáng còn đọng lại bên trong, rồi ý duyên theo cái bóng dáng đó nên nó khởi có cái hiểu biết. Như vậy, cái ý chỉ là duyên theo bóng dáng của năm tiền trần. Nói theo đây là duyên theo bóng dáng pháp trần, mới sanh ra cái biết thành ra chợt sanh, chợt diệt hoặc chợt nhớ, chợt quên, vì nó là bóng mà! Thí dụ như sáng đi chợ thấy cảnh xe đụng, chiều về ngồi nhớ lại thì cảnh đó hiện ra, đó là cái ý duyên theo bóng dáng hồi sáng. Thấy cái bóng dáng đó nhớ lại, nhớ một lúc thì nó quên, quên rồi nhớ qua cái khác, thành ra có nhớ có quên, có sanh có diệt, mà như vậy là nhớ quên sanh diệt theo cái bóng chứ không có thực.
Rồi khi nhớ là có biết, biết nhớ. Khi quên có biết không? Đây là chỗ mà đa số người thường lầm. Khi quên tưởng đâu là không biết gì, nhưng không biết thì sao biết quên? Thí dụ ngồi muốn nhớ một chuyện, mà nhớ hoài không ra thì gọi là quên, nhưng biết quên thì đâu phải không có biết. Rõ ràng khi quên cũng đâu mất tánh biết, đa số thường lầm chỗ đó.
Khi học kỹ rồi, chúng ta mới thấy rõ nhớ quên là nhớ quên theo cái bóng dáng, là cái vọng nhớ vọng quên chứ còn cái thể biết hay là cái thể giác thì nó đâu có mất. Nếu ngay đó khéo quên cái bóng dáng của pháp trần để nhớ trở về thể giác liền nhận ra thể giác luôn sáng ngời rỗng suốt qua các nhập. Nó không còn bị các nhập che mờ, lúc nào cũng biết, không lúc nào là không biết, nên đó là điểm mà Phật dạy chúng ta phải quán kỹ để thấy rõ.
Trong nhà thiền, có câu chuyện Ngài Thiệu Tu. Một hôm Ngài hỏi ông tăng:
- Ông từ đâu đến?
Ông tăng thưa:
- Ở Tuyết Nham đến.
Ngài Thiệu Tu hỏi:
- Vậy Tuyết Nham có lời gì dạy chúng?
Ông tăng thưa:
- Hòa thượng thường nói rằng: “Ra cửa thì gặp Di Lặc, vào cửa thì thấy Thích Ca”.
Ra vào gì cũng thấy Phật hết, người tu kỹ là vậy đó, thì đâu có mê và đâu có phiền não. Tuy nhiên, đây vẫn còn thấy có ra vào.
Ngài Thiệu Tu nghe vậy mới bảo:
- Nói thế ấy làm sao được?
Ông tăng thưa:
- Vậy Hòa thượng thì thế nào?
Ngài Thiệu Tu bảo:
- Ra cửa thấy cái gì? Vào cửa thấy cái gì?
Ngay đó ông tăng liền tỉnh ngộ.
Ra cửa thấy cái gì, vào cửa thấy cái gì? Còn thấy gì đó cũng còn kẹt. Thấy gì tức là có cái tướng bị thấy, sáng tỏ được chỗ này rồi thì đâu có ra vào, đâu có phải “nhập”. Sở dĩ còn thấy có “ra vào” cho nên mới có “nhập”, còn sáng tỏ chỗ này rồi thì đâu còn gì để thấy có ra vào, chỉ là một thể giác thôi, trước sau cũng chỉ là nó, có gì khác đâu mà ra vào để mà mê, để mà nhập? Ngay đó phá được chỗ nhập trở về nguồn chân, đó là phá được cái mê.
Tóm lại, sáu nhập nói chung là thấy-nghe-giác-biết; danh từ chữ Hán là “kiến-văn-giác-tri”. Thấy là nhãn nhập, nghe là nhĩ nhập, rồi tỷ nhập (ngửi biết), thiệt nhập (nếm biết), xúc nhập (xúc biết), còn ý là hiểu biết, gọi chung là sáu nhập.
Sáu nhập này xét cho tột đều không có cái thật thể riêng của nó, nó nguyên là một thể giác. Nếu người khéo ngay đó liền trở về, quên chỗ nhập, suốt qua các căn là sáng ngời không mê. Cho nên, Hòa thượng dạy lúc nào chân tâm cũng hiện tiền. Thấy biết thấy là chân tâm hiện tiền, nghe biết nghe là chân tâm hiện tiền, lúc nào chân tâm cũng hiện tiền thì đâu còn có nhập. Như thấy cũng biết thấy, nghe cũng biết nghe, ngửi cũng biết ngửi, nếm cũng biết nếm, xúc cũng biết xúc, ý cũng biết pháp. Tuy nó có các thứ như thấy-nghe-giác-biết nhưng cũng đồng “một thể biết”. Người khéo soi trở về thể biết đó thì suốt qua cái thấy-nghe-giác-biết kia, không mắc kẹt, không giới hạn nơi các căn nhập thì đâu có phân chia đây-kia.
Cho nên đến phần sau là quên sáu mất một, vì còn mắc kẹt sáu cái, tức thấy thì không nghe, nghe thì không nếm, thành bị ngăn cách. Nếu soi trở về để thấu suốt được một thể biết này thì nó suốt qua sáu cái luôn, thấy-nghe-giác-biết gì cũng đồng là một thể biết chứ không gì khác. Đó là trở về gốc. Còn theo sáu cái là theo ngọn, là mê mất gốc. Đó là chỗ mỗi người phải khéo nhận để trở về.
Đây là thu các nhập trở về Như Lai Tạng tánh.
***
Các bài mới
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - PHẦN A: THU NĂM ẤM - 24/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 5: CHỈ RA CÁI THẤY VỌNG ĐỂ HIỂN BẦY CÁI THẤY - 16/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 4: BÁC THUYẾT NHÂN DUYÊN TỰ NHIÊN ĐỂ HIỀN BÀY THỰC TƯỚNG CỦA TÁNH THẤY - 13/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 3: NÊU TÁNH THẤY RA NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI - 04/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (3) - 28/03/2018
Các bài đã đăng
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (2) - 19/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (1) - 12/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 01: BẢY CHỖ HỎI TÂM - 07/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 1- TỰA - 01/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Yếu chỉ của kinh, sự lưu truyền, người dịch - 26/02/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89439
- Online: 27