Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký:MỤC 08 - CHỈ DIỆU MINH HỢP VỚI TẠNG TÁNH

14/06/2018 | Lượt xem: 3227

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Phú-lâu-na! Ông đem cái sắc, cái không lấn cướp lẫn nhau mà nói về Như Lai Tạng, thì Như Lai Tạng cũng tùy theo ông làm sắc, làm không cùng khắp pháp giới. Thế nên trong ấy gió thì động, hư không thì lặng, mặt trời thì sáng, mây mù thì tối, chúng sanh mê lầm trái với giác tánh hợp theo trần tướng nên phát ra trần lao, có các tướng thế gian


 

 


GIẢNG GIẢI:

Như Lai Tạng là kho Như Lai, nó là rỗng rang, thanh tịnh, không phải là sắc là không gì hết. Nhưng do ông đem cái thấy sai biệt mà theo sắc, theo không đó hiểu về Như Lai Tạng thì Như Lai Tạng cũng thành sắc, thành không, các thứ sai biệt. Bởi cái thấy sai biệt đó nên gọi là trái với tánh giác mà hợp với trần tướng, rồi thành ra có các tướng thế gian sai biệt ngăn ngại.

Cho nên trong nhà thiền, khi có người hỏi đến chỗ chân thật đó, các Thiền sư chỉ nói là “cái ấy” thôi mà không nói là cái gì! Là bởi sợ hễ cứ nói ra là người hỏi lại đem tâm phân biệt để hiểu theo cái tưởng phân biệt thành lệch lạc. Thí dụ nói về tự tánh, chân tâm, khi người nghe nói chân tâm thì tưởng chân tâm là cái gì đó giống một vật v.v… có thể nắm bắt. Vậy là đi quá xa rồi!

Đây cũng vậy, đem tâm phân biệt hiểu về Như Lai Tạng thì Như Lai Tạng cũng thành sai biệt. Giống như sai biệt chứ không phải thật sai biệt. Do vọng thấy theo tâm phân biệt mà hiểu về Như Lai Tạng thì Như Lai Tạng đó theo cái hiểu sai biệt của mình nên dường như có sai biệt, chớ không phải nó thật sai biệt. Hay nói rõ hơn là mình đem cái tâm sanh diệt của mình hiểu về Như Lai Tạng thì thấy Như Lai Tạng cũng thành như sanh diệt, nhưng sự thật Như Lai Tạng không bao giờ sanh diệt.

 Đó là vọng thấy. Khi ngộ trở lại rồi thì Như Lai Tạng vẫn là Như Lai Tạng nguyên vẹn như xưa nay. Thí dụ, thấy bóng mặt trời đi đông, thấy bóng mặt trời đi tây, dường như có hai mặt trời. Đó là dường như thôi! Chứ sự thật thì mặt trời vẫn là mặt trời trên hư không chứ không đi đông, đi tây gì hết.

Đây Phật dạy rõ, chúng sanh do mê lầm trái với giác tánh mà hợp với trần tướng, nên mới phát ra trần lao các tướng thế gian sai biệt.

 

CHÁNH VĂN:

Tôi do Tánh Diệu Minh không sanh không diệt hợp với Như Lai Tạng, mà Như Lai Tạng chỉ là Tánh Diệu Giác Minh soi khắp cả pháp giới. Nên trong ấy một làm vô lượng, vô lượng làm một, trong nhỏ hiện ra lớn, trong lớn hiện ra nhỏ. Chẳng động đạo tràng mà hiện khắp thế giới mười phương, thân trùm cả mười phương hư không vô tận; trên đầu một sợi lông hiện thành cõi Phật, ngồi trong hạt bụi nhỏ mà chuyển bánh xe đại pháp.

GIẢNG GIẢI:

Ở trên, nói theo cái thấy phân biệt của tình mê thành ra có nhiều thứ sai biệt ngăn ngại. Còn ở đây, chư Phật do tánh diệu minh không sanh diệt hợp với Như Lai Tạng, tức không còn thấy theo tâm phân biệt, không còn thấy theo tình mê nữa cho nên chỉ là tánh diệu giác minh soi khắp pháp giới.

Và như thế, trong ấy một hay nhiều, lớn hay nhỏ, đây hay kia v.v… không còn ngăn ngại, tức không còn ý niệm ngăn cách sai biệt. Nghĩa là chư Phật do tánh diệu minh không sanh diệt, tức cái sáng này là sẵn sáng trong tự tánh nên sáng mà diệu, không có sanh diệt, không phải sanh thêm cái sáng như là cái bỗng sanh trước kia.

Cái tánh diệu minh không sanh diệt này hợp với Như Lai Tạng, không còn tách ra để thấy theo cái vọng thấy của chúng sanh, nên không còn thấy ngăn ngại. Nói rõ hơn là không còn thấy có thật pháp ở bên ngoài tâm, nên không thấy cái gì ngăn ngại; còn chúng sanh thấy có thật pháp ở bên ngoài, thấy cái này thật cái kia thật, cái nào cũng thật nên thành có ngại.

Kinh lại nói: “Một làm vô lượng, vô lượng là một, trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ v.v…”. Rồi “Chẳng động đạo tràng mà hiện khắp mười phương thế giới, thân trùm khắp mười phương, trên đầu một sợi lông mà hiện thành cõi Phật hoặc là trong hạt bụi mà chuyển bánh xe đại pháp”.

Đến đây là xóa tan ý niệm một nhiều, lớn nhỏ, kia đây, xa gần đều không còn; nên gọi là “chẳng động đạo tràng mà hiện khắp thế giới mười phương, ngồi trong hạt bụi mà chuyển bánh xe đại pháp”. Đúng là nó vượt ngoài cái hiểu biết của tâm phân biệt.

Theo hiểu biết của tâm phân biệt, đến chỗ này hiểu không nổi. Chính hiểu không nổi cho nên nghi hoặc. Do đó, người muốn vào chỗ này thì phải dứt và vượt qua tâm phân biệt kia. Nghĩa là muốn thể nhập vào chỗ này là phải thật tu để chuyển tâm phân biệt thì mới có thể nhập được.

Bởi phân biệt là phân biệt theo ngôn ngữ, theo chữ nghĩa, cái này cái kia gọi là so đo phân biệt. Còn ở trong đây làm sao mà so đo, phân biệt? Trong tự tánh chân thật này hay chân như thì nó đâu có riêng cái gì khác nữa mà so đo? Như Đức Lục Tổ nói: “Xưa nay không một vật”, đã là xưa nay không một vật thì ở trong đó lấy gì để so đo phân biệt? Còn có cái so đo tức nhiên là còn có một vật. Trong đây thì hết chỗ để so đo, phân biệt, cho nên đem tâm phân biệt thì không đến được là vậy.

Nhưng nếu là người thật sự có kinh nghiệm trong công phu thì cũng có thể thầm hiểu được chỗ này, chứ không phải nói vậy là cái này thuộc về chư Phật thôi, còn chúng ta không dính dáng. Nếu mình không dính dáng gì thì đó là Phật nói cho ai?

Đây gợi ý một chút: Như cái thể biết sáng tỏ rõ ràng hiện tiền trước mặt, chỉ là cái thể biết thuần nhất, không có xen tạp cái gì khác, không phải là cái tướng. Nó biết khắp tất cả mười phương, biết mọi thứ sai biệt nhưng vẫn không rời một niệm biết hiện tiền này. Như vậy, đâu không phải là không rời khỏi đạo tràng mà đi khắp mười phương cõi nước hay sao!

Cho nên, đâu còn có cái ngăn cách đây kia sai biệt, cũng đâu còn có ngăn cách là một là nhiều gì! Nó biết khắp tất cả là vô lượng, nhưng mà không rời ngay một niệm hiện tiền thì tức là vô lượng cũng không ngoài cái một, một gồm cả vô lượng, đâu có ngăn cách kia đây, lớn nhỏ gì nữa.

Đó là cái chúng ta có thể thầm hiểu. Tuy chưa thật thấy như Phật, nhưng cũng có thầm hiểu được phần nào, có thể tin chắc được lẽ thật đó.

Học lời Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm rồi, chúng ta mới thấy được những cái lầm của mình mà cũng thấy được rõ ràng chân lý sống. Chỗ này từ Phật, đến các Tổ, các Thiền sư, đều tu tập rồi chứng nghiệm đến và cảm nhận được, nên những lời khai thị của các Ngài đều khế hợp nhau.

Thí dụ như trong Tín Tâm Minh, Tổ Tăng Xán nói: “Vô tại bất tại, thập phương mục tiền” tức là không có đây hay chẳng đây, mười phương ngay trước mắt.

Còn ở đây gọi là chẳng động đạo tràng mà hiện khắp thế giới mười phương, cũng tức là “vô tại bất tại” ở trên. Rõ ràng là chư Tổ thấy đến chỗ này.

Hoặc các Thiền sư nói là “Núi Tu-di nhét trong hạt cải”. Núi Tu-di mà nhét trong hạt cải thì đâu còn có ý niệm lớn nhỏ. Chúng ta còn có ý niệm lớn nhỏ nên nghe không hiểu. Bởi vì trong đây không còn chỗ cho ý niệm phân biệt xen vào, còn thấy theo ý niệm phân biệt là chưa vào được cửa này.

Trên đường tu hành, chúng ta cần thấy thấu đến chỗ chân thật này, đó mới là quan trọng, đừng bận tâm những thứ hư vọng của thế gian rồi bị nó làm mờ mắt, uổng phí thời gian quý báu của mình.

Kế Phật kết lại cho rõ:

 

CHÁNH VĂN:

Diệt trần tướng hợp với giác tánh, nên phát minh Tánh Giác Chân Như nhiệm mầu sáng suốt.

GIẢNG GIẢI:

Chư Phật thấy suốt được như vậy là do các Ngài diệt trần tướng mà hợp với giác tánh nên phát minh ra tánh giác chân như nhiệm mầu, sáng suốt, thì đâu còn thấy lớn nhỏ, đây kia ngăn ngại.

Nghĩa là, dứt sạch cái thấy theo trần tướng mà hợp trở về với cái tánh giác chân thật, do đó phát minh tánh giác xưa nay vốn là chân thật không sanh diệt nên nó là chân như; nó vốn tự sáng suốt, tự nhiệm mầu, chứ không nhờ cái gì khác; không phải chạy theo ngoài để tìm kiếm, cũng không phải nương tựa cái gì. Thấy đến chỗ đó thì sẽ cảm thông được như chư Phật, chư Tổ.

 

CHÁNH VĂN:

Như Lai Tạng bản diệu viên tâm không phải là tâm, không phải là hư không, đất, nước, gió, lửa; không phải là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không phải sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không phải nhãn thức giới, như thế cho đến không phải là ý thức giới. Không phải là minh, vô minh, là hết minh, hết vô minh; như thế cho đến không phải là lão, tử, không phải là hết lão tử; không phải là khổ, tập, diệt, đạo, không phải là trí, không phải là đắc. Không phải là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ và ba-la-mật. Như thế cho đến không phải là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, không phải là Đại Niết-bàn; không phải là bốn tướng: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Vì đó đều không phải là các pháp thế và xuất thế gian. 

GIẢNG GIẢI:

Như Lai Tạng bản diệu viên tâm, là cái tâm tròn đầy, nhiệm mầu, sẵn có trong Như Lai Tạng.

Đoạn kinh này Phật nói về tâm thể chân thật không phải là cái gì hết; nên nó không phải là tâm, không phải là hư không, đất, nước, gió, lửa v.v... tức không phải là tâm, là các đại. Rồi không phải là căn, không phải là trần, không phải là mười tám giới; không phải Mười hai nhân duyên là pháp của Phật Bích-chi, không phải Tứ đế là pháp của Thanh Văn, cũng không phải Sáu Ba-la-mật là pháp của Bồ-tát, cho đến không phải là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri là những danh hiệu của Phật, không phải là Niết-bàn của Phật, cũng như các tướng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nói chung, tâm ấy đều không phải là pháp thế gian và xuất thế gian, không phải cái gì hết.

Tâm thể chân thật “là như vậy”, không thể đem danh từ chữ nghĩa để hiểu về nó hay gán cho nó được. Nó “không là cái gì”, nên không thể đem những danh từ như trên để phân biệt rồi diễn giải thế này thế kia mà có thể đến đó được, tức là nó phi tất cả.

Nhưng nói như vậy lại e rằng người học sẽ chấp vào một bên đoạn diệt, là tâm ấy tách rời tất cả. Vậy tức là ngoài những pháp thế gian và xuất thế gian, riêng có tâm chân thật. Hiểu như vậy lại thành ra mê nữa, là bỏ cái này đến cái kia cũng là trở lại nằm trong tâm phân biệt lấy bỏ, sanh diệt. Cho nên Phật lại nói:

 

CHÁNH VĂN:

Như Lai Tạng nguyên minh tâm diệu thì tức là tâm, là không, là địa, thủy, phong, hỏa; tức là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; tức là nhãn thức giới, như thế cho đến ý thức giới; tức là minh, là vô minh, là hết minh, hết vô minh; như thế cho đến tức là lão, tử, là hết lão tử; tức là khổ, tập, diệt, đạo, là trí, là đắc; tức là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ, là đến bờ kia; như thế cho đến tức là Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; tức là Đại Niết-bàn, là bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Do đó đều tức là các pháp thế gian và xuất thế gian là như vậy.

GIẢNG GIẢI:

Ở trước Phật nói về Như Lai Tạng bản diệu viên tâm là thuộc về thể tròn đầy nhiệm mầu sẵn có trong Như Lai Tạng.

Ở đây là Nguyên Minh Tâm Diệu tức là cái diệu của tâm vốn sáng suốt trong Như Lai Tạng, ngầm chỉ cái dụng.

Cái thể thì lìa tất cả nhưng cái dụng thì tức tất cả, không rời, không bỏ cái gì.

 Bởi vì như đã nói, nếu nói phi tất cả thì e rằng người học rơi vào cái thấy đoạn diệt; nên đến đây nói là tức tất cả, là tất cả pháp thế gian và xuất thế gian. Vậy, nó không rời ngoài tất cả mà riêng có. Muốn ngộ thì cũng phải ngay đây ngộ, chứ không tìm đâu khác. Cũng không phá hoại một pháp nào, nên không có sanh tâm bỏ đây để lấy kia. Tức là ngay tất cả mà lìa tất cả thì đó mới là khéo, chứ còn bỏ đây mà đến kia là còn nghiêng một bên.

Tuy nhiên nói phi, nói tức thì cũng còn có chỗ lý luận, nên tiếp đến Phật nói phi tức, phi ly, lìa tâm phân biệt hý luận.

 

CHÁNH VĂN:

Tức Như Lai Tạng diệu minh tâm nguyên ra ngoài các nghĩa “tức” và “phi”, và cũng là tức là phi tức. Làm sao chúng sanh ở ba cõi trong thế gian và hàng Thanh Văn, Duyên Giác xuất thế, dùng tâm phân biệt hiểu biết mà đo lường quả Bồ-đề Vô thượng của Đức Như Lai và lấy ngôn ngữ ở thế gian mà vào được Tri kiến Phật.

GIẢNG GIẢI:

Đây nói Như Lai Tạng diệu minh tâm nguyên, tức nguồn tâm sáng suốt nhiệm mầu trong Như Lai Tạng gồm cả thể dụng, thành ra nó vượt ngoài cả nghĩa tức và phi. Còn nói “phi”, còn nói “tức” là cũng chưa ra khỏi hý luận.

Bởi vì còn nói “tức” nói “phi” đó là còn có chỗ cho tâm thức xen vào thì cũng chưa phải là thật đến được, nên ở đây vượt qua cái “tức” và “phi” đến hết chỗ để hý luận. Cho nên, Phật kết lại là không thể dùng tâm phân biệt mà đo lường quả Bồ-đề Vô thượng của Phật được.

Ý đoạn kinh này cũng khế hợp với kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa nói về Tri kiến Phật là cho dù dùng nhiều trí tuệ đệ nhất trong hàng Thanh Văn như Ngài Xá-lợi-phất cộng lại, để đo lường trí tuệ của Như Lai cũng không thể hiểu được chút phần.

Nếu vậy, chẳng lẽ chúng ta vô phần hay sao? Nếu vô phần thì học chi đây? Mới thấy học kinh Phật nhất là kinh Đại thừa thì phải đạt ý quên lời. Ở đây, chúng ta phải thấy được ý Phật muốn chỉ cái lỗi là “đo lường”. Dù cho tâm gì đi nữa mà vẫn còn “đo lường” là không hiểu được. Đo lường tức là so sánh, phân biệt. Người còn dùng tâm phân biệt, đo lường mà muốn đến được quả Vô thượng Bồ-đề của Phật thì không thể nào!

Muốn thấu được quả Vô thượng Bồ-đề của Phật thì phải chứng nhập trong đó, còn đứng ở ngoài mà đo lường thì làm sao hiểu nổi. Trong quả vị Vô thượng Bồ-đề của Phật chỉ người tự chứng tự thầm hiểu chớ không thể đo lường.

Rồi cũng không thể lấy ngôn ngữ thế gian để vào được Tri kiến Phật, tức không thể chỉ ngồi mà lý luận suông. Đem ngôn ngữ lý luận mà muốn rõ được tâm Phật thì đó là chuyện xa vời.

Trong nhà thiền có câu “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, là dứt đường ngôn ngữ, bặt chỗ suy nghĩ mới vào được chỗ chân thật, hết còn chỗ để cắm mỏ mà hiểu.

Cho nên có câu: “Chỉ cho lão Hồ biết mà không cho lão Hồ hiểu!”. Bởi vì muốn hiểu chỗ chân thật này hay hiểu về Bồ-đề của Phật thì Bồ-đề của Phật thành đối tượng để hiểu. Hiểu về nó thì nó là cái bóng của Vô thượng Bồ-đề, chứ chưa phải là bản thân của Vô thượng Bồ-đề. Nếu thật thấy nó thì “nó đây rồi” còn nói hiểu chi nữa! Đó là chỗ tế nhị. Mới thấy, đến chỗ này gọi là hết chỗ để hiểu. Nhưng chính không còn chỗ nào để hiểu nữa, đó mới là chỗ thật hiểu. Yếu chỉ là như thế.

Có lần một vị tăng hỏi Ngài Quy Sơn: “Thế nào là đạo?”. Sư đáp: “Không tâm là đạo”. Ông tăng ấy nói: “Con không lãnh hội”. Sư bảo: “Hãy hội lấy cái chỗ không hội đó đi!”. Chính cái tâm không lãnh hội đó ông hãy hội chỗ đó, đừng tìm hội chỗ nào khác nữa.

Đây cũng vậy, lo kiếm ý này ý kia để hiểu thì đó càng đi xa. Chính không còn chỗ nào để hiểu nữa thì NÓ ĐÂY RỒI! Nếu là người nhạy bén thì ngay đó liền sống dậy, khỏi phải nhọc nhằn. Còn người cứ đứng ở bên ngoài bàn thì bàn suốt đời cũng vẫn không dính dáng gì hết.

Thêm câu chuyện, ông tăng đến hỏi Mã Tổ: “Lìa bốn câu, dứt hết trăm thứ chẳng phải, thỉnh thầy chỉ thẳng ý Tổ sư từ Tây sang?”. Làm sao chỉ? Ông tăng này hỏi cũng lắc léo. Đã lìa bốn câu là hết chỗ để nói rồi, thêm dứt tuyệt trăm cái chẳng phải này chẳng phải kia, mà còn thỉnh thầy nói ý Tổ sư từ Tây sang cho!

Mã Tổ bảo: “Thôi hôm nay ta mệt, không thể vì ông nói được, ông hãy đến hỏi Trí Tạng đi”. 

Ông tăng thật thà đến hỏi Ngài Trí Tạng.

Ngài Trí Tạng hỏi: “Sao không hỏi Hòa thượng mà đến hỏi tôi?”.

Ông tăng thưa: “Hòa thượng bảo con đến hỏi thầy”.

Ngài Trí Tạng liền hiểu. Nếu mà trả lời được thì Mã Tổ đã đáp rồi, còn bảo đi hỏi chỗ khác chi nữa.

Ngài Trí Tạng bảo: “Hôm nay tôi cũng đau đầu không thể vì ông nói. Ông hãy đến sư huynh Hải hỏi đi! (Ngài Bá Trượng).

Ông tăng đến hỏi Ngài Hoài Hải, Ngài Hoài Hải bảo: “Đến chỗ đó tôi cũng chẳng lãnh hội luôn”. 

Ông tăng trở lại trình với Mã Tổ, Mã Tổ bảo: “Tạng đầu bạc, Hải đầu đen”. Chỉ vậy thôi! Làm sao hiểu!

Mới thấy, khi các bậc đạt đạo nghe rồi là hiểu, thông cảm ngay. Đã là chỗ rốt ráo quên lời, nghĩa là lìa bốn câu, dứt tuyệt cả trăm thứ chẳng phải thì còn gì để nói.

Nếu đem phàm tình nghe hiểu thì nhất định sẽ tìm câu để trả lời, còn với các bậc giác ngộ, nghe hỏi là biết ông còn mắc kẹt, đã mắc kẹt mà theo đó trả lời thì kẹt luôn. Cho nên Mã Tổ mới nói: “Ta hôm nay mệt không nói được, thôi ông đến Trí Tạng mà hỏi”. Nếu ông tăng lanh lợi thì ngay đó ngộ, lễ bái là xong, khỏi cần phải chạy đi hỏi cho mệt thêm.

Đó là cái khéo của Mã Tổ, nhưng ông tăng này ngây thơ, nghe bảo vậy là chạy đi hỏi nữa.

Đến Ngài Trí Tạng thì Ngài hỏi: “Sao không hỏi Mã Tổ mà tới hỏi ta?”, ông tăng nói: “Mã Tổ bảo đến hỏi thầy”. Ngài Trí Tạng hiểu ý của Mã Tổ cho nên bảo ông tăng đi chỗ khác hỏi nữa.

Vậy mà ông tăng cũng chưa ngộ, nên mới đi đến Ngài Hoài Hải hỏi nữa. Đến Ngài Hoài Hải, Ngài lại nói đến đây ta cũng không lãnh hội luôn, tức là không có chỗ để lãnh hội. Đến vậy mà ông tăng cũng còn chưa ngộ!!!

Bởi vì ông tăng muốn còn có chỗ để hiểu, chính cái chỗ đó mà cứ chạy hoài, chứ ngay câu nói của Ngài Hoài Hải là đã gợi ý hết tình rồi. “Đến đây ta cũng không hội luôn” tức là không còn chỗ để hiểu, đó là chỗ chỉ tận tình mà ông tăng chưa nhận.

Để thấy, đến chỗ rốt ráo quên lời thì tự thầm nhận, vượt qua suy nghĩ phân biệt, chỉ người tự chứng mới biết, gọi là thầm hội, chứ không phải dùng ngôn ngữ. Còn dùng ngôn ngữ tức là còn gián tiếp qua ngôn ngữ, mà gián tiếp qua ngôn ngữ là chưa thật chứng, chưa thật ngộ.

Có một lần, ông tăng hỏi Ngài Triệu Châu: “Thế nào là rốt ráo?”, tức là cứu cánh cùng tột. Ngài Triệu Châu đáp: “Là rốt ráo”.

Rốt ráo là rốt ráo thôi chứ còn gì nữa. Còn ông hỏi thế nào là rốt ráo, nếu giải thích thế này thế kia là ngôn ngữ thôi, chưa phải rốt ráo.

Với người đạt đạo, tâm đã sáng khi nghe câu hỏi là biết liền, trả lời khít khao. Còn người quen theo tình thức phân biệt, nghe vậy cũng cố giải thích, tìm những lời lẽ cho cao siêu để giải thích cho ông tăng hiểu, nhưng không ngờ là đi xa. Nên Ngài Triệu Châu chỉ nói “rốt ráo là rốt ráo”, vậy thôi.

Tiếp theo Phật bảo:

 

CHÁNH VĂN:

Thí như những cây đờn cầm, sắt, không hầu, tỳ-bà, tuy có tiếng hay, nếu không nhờ ngón tay khéo, trọn không thể phát ra tiếng hay được.

Ông và chúng sanh cũng lại như vậy, cái Bảo giác chân tâm mỗi người đều đầy đủ, nhưng khi Tôi ấn ngón tay thì Hải ấn phát ra hào quang, còn các ông vừa dấy tâm lên thì trần lao liền nổi dậy. Do chẳng siêng năng cầu đạo Vô thượng, ưa thích Tiểu thừa, được chút ít cho là đủ”.

GIẢNG GIẢI:

Phật đưa thí dụ những loại nhạc khí như cây đờn cầm, đờn sắc, không hầu, tỳ-bà v.v… Tuy có cây đờn nhưng muốn nó phát ra tiếng hay thì phải nhờ ngón tay khéo biết đờn, tức người giỏi đờn. Trái lại, có cây đờn tốt mà gặp người không biết đờn nên không làm nó phát ra tiếng hay, mà còn làm hư, nhiều khi làm đứt dây đờn người ta nữa.

Cũng vậy, Phật và chúng sanh đều có đủ “Chân tâm bảo giác” hay tâm giác ngộ quý báu nơi chính mình. Nhưng Phật thì biết dùng, còn chúng sanh thì không biết dùng, khác nhau chỗ đó; cho nên chúng sanh lang thang sanh tử luân hồi, tạo nhiều phiền não khổ đau.

Phật dùng được tức là Ngài thường sống trong chân tâm bảo giác nên phát được diệu dụng của chân tâm; làm cái gì cũng đều từ chân tâm hiện bày. Mỗi cử chỉ, hành động của Ngài cũng đều không rời chân tâm bảo giác. Do đó, không có một chút dấu vết mê lầm nào xen vào được. Vì thế, Phật ấn ngón tay là hải ấn phát hào quang, làm cái gì, giơ tay động chân cũng sáng hết. Hải ấn giống như biển trong lặng, mọi hình ảnh đều hiện bày rõ ràng sáng tỏ không sai.

Người sống trọn vẹn trong tánh giác thì mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều là sáng hết, không mê, thì đâu có sanh trần lao, phiền não. Còn người sống với tâm hư vọng thì làm gì, nghĩ gì cũng là hư vọng, ở trong cái hư vọng.

Cho nên, đem tình mê mà nghĩ về cảnh giới chân thật, hay nghĩ về cảnh giới Phật thì cũng nghĩ theo cái hiểu hạn hẹp của mình, bóp méo theo cái hiểu của mình, nhiều khi hiểu lệch lạc.

Do đó có câu: “Người chánh nói pháp tà thì pháp tà cũng thành chánh. Người tà nói pháp chánh thì pháp chánh cũng thành tà”, tức là tâm mình sáng giống như Phật, thì làm cái gì cũng sáng hết, nên tuy nói pháp tà mà cũng thành chánh pháp.

Như các Thiền sư, những lúc khai thị cho đồ chúng có khi không dùng lời trong kinh điển, mà dùng những lời nói tầm thường của thế gian vậy mà cũng thành pháp. Thí dụ có bà ni hỏi Ngài Triệu Châu: “Thế nào là ý thầm kín?”. Ngài liền nhéo bà một cái. Bà nghĩ chắc Ngài cũng còn tâm thế tục, bà nói: “Hòa thượng còn cái đó sao?”. Ngài nói: “Chính ngươi còn có cái đó”. 

Hỏi ý thầm kín tức cái ý sâu xa vượt ngoài lời nói; ngôn ngữ nói không đến được. Ngài nhéo bà một cái thì đúng là chỉ “cái chỗ đó” là chỗ thầm kín, chỗ vượt ngoài lời nói. Ngay đó mà thầm nhận là quá hay rồi! Nhưng bà ni này còn sống trong phàm tình nên đem tâm phàm tình nghĩ là Ngài chắc còn tâm phàm tình. Cho nên mới hỏi: “Hòa thượng còn có cái đó hay sao?”. Ngài mới cảnh tỉnh: “Chính ngươi mới còn có cái đó” nên nghĩ như vậy.

Đúng như Đức Phật đã nói, Phật ấn ngón tay thì hải ấn phát quang, còn ông vừa động niệm là trần lao khởi trước rồi.

Nếu người khéo giác ngộ trở lại thì có đủ diệu dụng như Phật, nên Phật mới dùng thí dụ giống như cây đờn. Tất cả chúng sanh đều có sẵn Chân tâm bảo giác như Phật, do Đức Phật sống được nên phát ra diệu dụng sáng ngời; còn chúng sanh có mà không biết dùng nên sống theo hư vọng.

Đức Phật nhắc, do chẳng siêng năng cầu đạo Vô thượng, lại ưa thích Tiểu thừa, được chút ít cho là đủ, nên không sống được trở lại với chân tâm bảo giác này. Chỗ này chúng ta cần lưu ý, dù có công phu tu tập, có được phần nào nhưng cũng phải nhớ để sống trở lại cho trọn vẹn trong chân tâm bảo giác mới là quý, đừng thấy được chút gì đó liền cho là đủ, rồi dừng ở hóa thành mà chưa đến bảo sở.

Có câu chuyện ông tăng hỏi Ngài Triệu Châu: “Thế nào là việc đúng thật?”.

Ngài Triệu Châu đáp: “Khi một niệm chưa dấy”.

Cái đúng xác thật là khi một niệm chưa dấy. Còn có một chút niệm là còn chưa phải. Vì vậy xin nhắc huynh đệ chớ có tự hài lòng ở trong đó, khi chưa sống trở lại trọn vẹn. Chúng ta là người tu thiền cần phải học kỹ chỗ này, mới thấy được một chút cho là đủ, tự mãn không thèm tu nữa là không hay. Đó là chỉ mới thấy lý chứ chưa phải chứng lý. Thấy lý là thấy tánh giác xưa nay trọn vẹn, đầy đủ, không sanh không diệt nhưng chưa phải là chứng lý, sống được trong đó; nếu không nỗ lực tiến thêm, thành ra lâu ngày phiền não lại khởi, rồi cũng tạo nghiệp. Rất phải cẩn thận!

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89344
  • Online: 43