Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 09- CHỈ MÊ VỌNG KHÔNG CÓ NHÂN
21/06/2018 | Lượt xem: 2895
Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo
Tác giả: TT.Thích Thông Phương
CHÁNH VĂN:
Ông Phú-lâu-na thưa: “Bảo Giác Viên Minh Chân Diệu Tịnh Tâm của con và của Như Lai viên mãn không hai, mà con trước kia đã bị các vọng tưởng từ vô thủy đành ở lâu trong luân hồi, nay nương nhờ Phật lực vẫn chưa được rốt ráo. Thế Tôn thì tất cả các vọng đều dứt sạch, chỉ còn Tánh Diệu Chân Thường. Xin hỏi Đức Như Lai, tất cả chúng sanh nhân đâu có vọng, tự che lấp tánh diệu minh mà phải chịu chìm đắm như vậy?”.
GIẢNG GIẢI:
Đến đây, Ngài Phú-lâu-na nghi là cái vọng cũng có nhân gì đó mới khởi vọng.
Ngài Phú-lâu-na đã tin được chính mình cùng với chư Phật đồng có đủ tâm chân thật thanh tịnh nhiệm mầu. Nhưng một bên thì sạch hết vọng, sống với tánh chân thường nhiệm mầu, còn một bên còn vọng, chưa rốt ráo. Đó là Ngài vẫn còn thấy có hai, tức còn có chân có vọng thành ra có cách biệt. Vì còn nghi ngoài chân có vọng nên mới hỏi nhân đâu có vọng? Chính chỗ đó là chỗ lầm, còn thấy có vọng thật thì mới hỏi nhân của vọng, tin thật có cái vọng ngoài cái chân.
Người học mà không thấy chỗ đó thì không thể thấy đến nghĩa sâu xa. Hỏi nhân tức là phải có chỗ y cứ, mà có chỗ y cứ là thật rồi thì đâu phải là vọng, đó là chỗ lầm, chưa rõ được tánh vọng vốn là chân. Nếu hiểu rõ được tánh vọng vốn là chân, không riêng có cái gì khác nữa thì đâu còn hỏi nhân đâu có vọng chi nữa!
CHÁNH VĂN:
Phật bảo ông Phú-lâu-na: “Ông tuy trừ được tâm nghi, nhưng còn những điều lầm sót lại chưa hết. Nay Tôi lấy việc hiện tiền trong thế gian để hỏi ông, ông đâu không nghe trong thành Thất-la-phiệt có anh Diễn-nhã-đạt-đa, một buổi sáng lấy gương soi mặt, bỗng yêu thích cái đầu trong gương, lông mày, con mắt có thể thấy rõ, rồi giận trách cái đầu mình sao không thấy được mặt mày, cho là giống yêu quái, bỗng phát cuồng bỏ chạy. Ý ông nghĩ sao? Người này vì nguyên nhân gì vô cớ phát cuồng bỏ chạy?”.
Ông Phú-lâu-na thưa: “Chỉ là tâm người ấy cuồng chớ không có cớ gì khác”.
Phật bảo: “Tánh Diệu Giác sáng suốt viên mãn vốn là sáng suốt nhiệm mầu cùng khắp, còn đã gọi là vọng thì làm sao có nhân, nếu có nguyên nhân thì sao gọi là vọng? Tự các vọng tưởng xoay vần, làm nguyên nhân cho nhau, từ mê chấp chứa cái mê trải qua kiếp số như vi trần”.
GIẢNG GIẢI:
Ở trước, Ngài Phú-lâu-na còn nghi là tại sao trong Như Lai tạng trùm khắp viên dung mà lại khởi ra các cái đại? Trong khi nước thì trái với lửa, đất thì trái với hư không, mà cái nào cũng trùm khắp, thì làm sao được?
Phật đã dạy rõ là tất cả đều từ trong Như Lai Tạng tánh biểu hiện mà thôi, không có thật tánh riêng của nó, vốn cũng chỉ là một thể Như Lai Tạng, cho nên nó không có gì ngăn ngại nhau hết.
Đến đây, Ngài đã tin được điều đó rồi nên trừ được cái nghi. Tuy vậy, vẫn còn chưa sạch hết cái lầm vi tế, tức là còn nghi về cái nhân của vọng, chưa thấy tột ngay vọng tức là chân, vẫn còn thấy có cái vọng thật ngoài cái chân.
Vì thế, Phật mới dẫn thí dụ về Diễn-nhã-đạt-đa, một hôm soi gương thấy đầu, mặt của mình trong cái gương đó thích quá. Nhưng rồi giận trách cái đầu sao không thấy được mặt mày của mình, nếu vậy giống như yêu quái. Ngay đó bỗng phát cuồng bỏ chạy. Phật mới dạy, cái vô cớ phát cuồng bỏ chạy đó từ nguyên nhân gì?
Cái đầu thật vẫn còn nguyên vẹn đó, còn cái đầu mặt ở trong gương chỉ là cái bóng không thật. Cái đầu thật đâu phải là chỗ y cứ để sanh cuồng, nó là cái đầu thật thì đâu có cuồng. Còn cái đầu mặt trong gương chỉ là cái bóng mà cứ chấp theo cái bóng đó rồi phát cuồng bỏ chạy. Cái cuồng đó chỉ là vọng phát, làm sao có nhân mà chỉ ra được! Có chỗ chỉ tức là thật rồi thì đâu thành cuồng. Đây là điểm chúng ta cần phải thấy cho đúng.
Cũng vậy, ở trong tánh giác sáng suốt nhiệm mầu bỗng sanh cái mê, cái mê đó là y cứ chỗ nào sanh? Chỉ là “vọng sanh”, mà cái vọng sanh đó không có thật thể thì làm sao chỉ ra được cái nhân để mà y cứ? Nếu có cái nhân chỉ ra được thì đâu gọi là vọng. Ở đây, Phật nói rõ là tự các vọng xoay vần làm nhân cho nhau, toàn là trong cái vọng rồi mê trong đó tiếp nối đời này qua đời khác không dừng. Nên chỉ là ở trong “vọng” vậy thôi.
Chính vì nó không có thật nên khi chúng ta giác ngộ nó liền hết. Cũng như cái cuồng này, khi biết tỉnh trở lại thì hết cuồng, chớ đâu phải kiếm cái nhân để diệt. Hiểu được chỗ đó, mới thấy kiếp sống của chúng ta đây không có ý nghĩa gì hết, chỉ là sống trong vọng, mà mãi lầm mê không biết tỉnh. Đó là chỗ Phật gọi rất đáng thương!
CHÁNH VĂN:
Tuy Phật đã chỉ rõ ra, vẫn còn không biết trở về. Nguyên nhân cái mê như vậy, là nhân mê tự có. Biết mê không nhân, thì vọng không chỗ tựa, còn không có sanh, lại muốn đem cái gì làm diệt. Người được Bồ-đề, như người khi thức nói việc trong mộng; thì tâm dẫu sáng suốt nhưng không thể có nhân duyên gì để lấy vật trong mộng, huống nữa cái mê không có nhân, vốn không thật có”.
GIẢNG GIẢI:
Đây Phật mới trách là tuy Phật đã chỉ rõ ra mà vẫn còn không biết trở về.
Trước Phật đã chỉ rõ cái gốc của khởi vọng. Ở trong tánh giác minh sáng suốt, bỗng nhiên tách cái minh ra để soi sáng trở lại nó thành ra có các thứ hư vọng sai biệt như sơn hà đại địa. Đó chỉ là cái “bỗng sanh”. Vậy là đã chỉ con đường trở về rồi mà không chịu trở về, đến đây vẫn cứ ở trên cái “vọng đó” bàn mãi, mới thấy cái mê của chúng sanh rất nhiều lớp.
Đây nhắc lại, ở trong tánh giác minh sáng suốt không phải nhờ cái gì khác, trong đó chợt bỗng mê rồi sanh vọng khởi cái minh, để minh trở lại cái giác; rồi theo cái minh mới lập thành có năng có sở, các thứ..., đó là “vọng sanh” hay “bỗng sanh”. “Bỗng sanh” không có thật, thì đâu có nhân gì, đâu có chỗ nào y cứ. Cũng vậy, Phật nói mê là do nhân mê tự có, chớ không có chỗ y cứ, tức là vọng sanh. Vọng sanh tức là sanh mà không thật có sanh, thì diệt cũng không thật có diệt. Vậy còn tìm chỗ gì để diệt? Thấy được chỗ này chúng ta sẽ hết lầm.
Phật đưa thí dụ người được Bồ-đề cũng giống như người đang thức mà nói việc trong mộng. Người nằm mộng rồi thức dậy nói lại việc trong mộng, thì đó cũng là nói chơi, chớ làm sao lấy cái việc trong mộng đó đem ra để mà chỉ. Thí dụ trong mộng tìm thấy kho vàng, kim cương vô số, người nghe bảo đem một viên ra xem, làm sao lấy đem ra! Đây cũng vậy, được Bồ-đề rồi thì giác biết lại những việc kia chỉ là hư vọng thôi chứ không có nhân gì hết, đòi chỉ ra xem thì mê thêm nữa.
CHÁNH VĂN:
Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành kia, đâu có nhân duyên, mà tự sợ đầu mình bỏ chạy; bỗng nhiên hết điên, cái đầu chẳng phải do bên ngoài đưa tới. Dẫu chưa hết cuồng cái đầu cũng không hề mất. Phú-lâu-na! Tánh vọng tưởng là như vậy, làm sao còn có nguyên nhân được.
GIẢNG GIẢI:
Phật dạy rõ, giống như Diễn-nhã-đạt-đa, cái đầu trước sau vẫn là nguyên vẹn, chưa từng có được có mất.
Vậy, không phải do phát cuồng mà cái đầu mất, rồi cũng không phải do hết cuồng mà cái đầu có. Chính ngay khi phát cuồng, cái đầu cũng vẫn y nguyên không mất, chỉ do cuồng vọng không nhận ra thôi. Vậy thì cái cuồng đó đâu có tự thể tồn tại, tức là nó không có điểm tựa, không có chỗ y cứ. Cho nên, khi tỉnh trở lại thì cái cuồng liền tự hết, cũng không có dấu vết của chỗ hết nữa. Không phải tỉnh lại rồi tìm xem chỗ nào là chỗ cái cuồng diệt mất!
Vọng tưởng cũng vậy, nó vốn không có tự thể thật của nó để y cứ tồn tại, tức không có nhân để y cứ. Chỉ vì mê mà nó vọng khởi, khi giác trở lại thì vọng tự hết, chứ không có cái chỗ chỉ ra được, vì đâu thật có chỗ khởi. Ngay chính khi đang vọng đây, cũng không có cái thật thể để chỉ ra, nói chi là khi hết vọng.
Phật hết tình chỉ dạy, nếu chúng ta quán kỹ chỗ này thì còn chỗ nào để sanh vọng? Phật mới kết lại: “Phú-lâu-na! Tánh vọng tưởng đó là như vậy thì làm sao còn có nguyên nhân được”. Biết vọng là xong!
CHÁNH VĂN:
Ông chỉ không theo phân biệt ba thứ tương tục: thế gian, nghiệp quả và chúng sanh. Do ba duyên đã đoạn, ba nhân không sanh, thì tánh cuồng của Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết.
Hết cuồng tức là Bồ-đề thắng tịnh minh tâm, vốn trùm khắp cả pháp giới, chẳng phải từ người khác đưa đến, đâu nhờ siêng năng khó nhọc tu chứng.
GIẢNG GIẢI:
Phật dạy: Không đem tâm phân biệt theo ba thứ duyên tương tục là thế gian, nghiệp quả và chúng sanh; do không có tâm phân biệt nên ba duyên đoạn dứt. Nhờ ba duyên đoạn nên ba nhân sát, đạo, dâm không sanh thì tánh cuồng của Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm ông tự hết. Khi đó, tâm Bồ-đề sáng suốt thanh tịnh sẵn có hiển hiện ra.
Không có tâm phân biệt thì duyên bám vào chỗ nào để khởi? Duyên đoạn thì nhân không chỗ sanh, là tánh cuồng tự hết chứ không có gì để trừ diệt. Nghĩa là tâm không sanh thì pháp đó tự diệt. Pháp sở dĩ có là nhờ có tâm mới có được pháp, có tâm phân biệt thì pháp mới hiện, còn không có tâm phân biệt thì pháp nương vào đâu mà hiện? Thí dụ chúng ta không để tâm phân biệt cái bình hoa này thì bình hoa hiện ở chỗ nào? Cái gì biết bình hoa để hiện? Có tâm phân biệt thì mới có biết bình hoa thế này thế kia, bình hoa mới trở thành đối tượng cho tâm phân biệt.
Vậy nên, khi tâm động niệm phân biệt thì các duyên liền khởi, mà khởi đó là vọng khởi; vọng khởi tức mê cuồng không sáng suốt. Còn tâm không động niệm phân biệt nên duyên dứt, không có chỗ khởi thì cái mê cuồng tự hết và Bồ-đề hiện tiền. Ngay đó là tự thầm nhận. Cho nên, Phật mới nói là khi hết cuồng thì tâm Bồ-đề trùm khắp pháp giới chứ không phải từ người khác mà được, cũng không phải nhờ siêng năng khó nhọc tu chứng mới có.
Vậy, Bồ-đề không phải do chúng ta siêng năng tu chứng mà được; không phải tìm Bồ-đề ở đâu khác, không phải từ ngoài được. Nếu do công phu siêng năng, khó nhọc tu hành mà được Bồ-đề thì Bồ-đề đó thuộc về sanh diệt, có ngày sẽ mất. Còn cái này là cái sẵn có nên không có được mất.
Tức chân tâm diệu giác sáng suốt sẵn đủ xưa nay, chưa từng thiếu mất bao giờ, chỉ vì khi mê vọng tưởng sanh che mờ, thật ra không phải là nó không có. Do quên không nhớ, tưởng đâu không có. Khi giác tỉnh trở lại thì nó sẵn có chứ không phải là cái mới được, không phải do chúng ta tu chứng nó mới có.
Đây Phật dạy để trừ niệm sở đắc cũng trừ cái ngã luôn. Chỗ này, nếu không phải là người ở trong đó nói ra thì làm sao biết được! Đức Phật là bậc tự chứng rồi mới nói ra được, người còn đứng bên ngoài mà suy luận thì làm sao suy luận tới chỗ này.
Thế nên, người giác được chỗ này rồi mọi nghi ngờ liền dứt, không còn lo mất chân tâm. Dù ai có nói gì thì nói cũng không còn phải nghi ngờ, không lay động gì nữa.
CHÁNH VĂN:
Thí như có người tự trong chéo áo có buộc hạt châu Như ý, nhưng không tự hay biết, đành chịu nghèo khổ rách rưới dong ruổi đến phương xa xin ăn. Tuy thật nghèo khổ nhưng hạt châu chưa từng mất. Bỗng có người trí chỉ cho hạt châu ấy, thì chỗ mong cầu toại nguyện mà trở nên rất giàu có. Mới biết hạt châu quý báu ấy không phải từ bên ngoài đưa đến”.
GIẢNG GIẢI:
Đây thí dụ về hạt châu buộc nơi chéo áo. Đáng lẽ chúng ta sẽ nói là hạt châu bỏ trong túi, nhưng đây là nói theo phong tục Ấn Độ. Ở Ấn Độ đâu có mặc áo như người Việt Nam mà bỏ túi, họ dùng vải quấn quanh thân. Vì thế mà họ may kết góc áo rồi nhét đồ trong đó.
Một người có hạt châu buộc trong chéo áo nhưng không hay biết, mới đi lang thang phương xa xin ăn, tuy vậy hạt châu này đâu có mất; vẫn có mà không biết. Khi được người trí chỉ cho liền biết rõ nên đem ra xài trở nên giàu có. Nhưng cũng không phải là mới được, không phải từ bên ngoài đến.
Như vậy hạt châu có sẵn, dụ cho tâm tánh giác ngộ chân thật sáng suốt sẵn có nơi mình trùm khắp pháp giới, đầy đủ vô lượng công đức không hề thiếu. Nhưng người mê không nhận ra nên đành lang thang sống theo duyên trần là xin ăn khi được khi không. Do sống theo duyên trần cho nên khổ sở theo cái sanh diệt, chợt có chợt không. Khi duyên này mất, liền mượn duyên khác thành lưu chuyển hoài.
Bỗng được người trí hay những bậc thiện tri thức hoặc được Phật - Tổ chỉ cho, liền tự ngộ trở lại mới nhận ra nơi mình sẵn có đủ tâm tánh nhiệm mầu quý báu chân thật mà lâu nay bỏ quên.
Song, ngộ rồi phải biết tu để phát ra diệu dụng, chứ không phải thấy rồi cho là đủ. Trước, Phật đã dặn chớ có lấy chút ít cho là đủ.
Đoạn kinh này Phật nói lên lẽ thật có sẵn nơi mỗi người.
Như Ngài Úc Sơn chủ khi ngộ đạo có làm bài kệ:
Ngã hữu minh châu nhất khỏa,
Cửu bị trần lao quan tỏa,
Kim triêu trần tận quang sanh,
Chiếu phá sơn hà vạn đóa.
Dịch:
Ta có một viên minh châu,
Từ lâu bụi bám vùi sâu.
Sáng nay bụi hết, sáng hiện,
Soi khắp núi sông làu làu.
Ngài ngộ thấy rõ mình có sẵn viên minh châu, nhưng từ lâu bị bụi bám mới bị vùi sâu không thấy được. Bụi tức là những phiền não, vọng tưởng bám quá nhiều nên nói là vùi sâu không thấy.
Giờ đây bụi sạch nên ánh sáng hiện rõ ràng soi khắp núi sông không thiếu sót. Ngài thấy rõ lẽ thật như vậy. Đó là chứng minh lời Phật dạy không sai, các Ngài cũng chứng được chớ không phải chỉ có trong kinh điển, hoặc không phải thời Phật mới có.
Từ trước đến đây, Đức Phật đã chỉ tột cho chúng ta thấy tánh giác chân thật sẵn có nơi tất cả chúng sanh, đồng với Phật không khác. Nó vốn là diệu, là minh chớ không phải nhờ cái gì khác.
Nhưng tiếc thay! Ở trong cái sẵn vốn là diệu, là minh mà bỗng sanh mê vọng; tách cái sáng ra để soi sáng trở lại nó, tưởng đâu nó không sáng. Tức nó là giác, là minh nhưng giờ tách cái minh ra khỏi cái giác, rồi minh trở lại cái giác, vì sợ nó không minh. Tiếc là tiếc ở chỗ đó!
Cũng như chúng ta đây, chân tâm sẵn biết rõ ràng không thiếu, lại cũng tách khỏi cái biết đó ra để rồi biết trở lại nó, mới luôn đi tìm để biết. Mãi lo kiếm duyên này, duyên kia để tăng trưởng cái hiểu biết của mình, sợ nó không biết. Cho đến khi ngồi thiền tâm lặng hết các duyên, lúc lặng đó cũng sợ nó không biết mới khởi lên để biết lại cái biết, thành ra tự trái với chính nó, là động niệm trở lại rồi. Nếu ngay đó thầm nhận trở lại thì hay biết mấy!
Tuy nhiên, nghe nói giác được cái mê thì mê hết, cái chân thật hiện tiền, người tu lại bám theo câu đó lầm thêm lần nữa. Thấy có cái mê hết, có cái chân hiện.
Ở sau, Phật nói nếu thấy có cái cuồng vọng hết, Bồ-đề hiện, cũng còn cái thấy trong sanh diệt, mê một lớp nữa.
***
Các bài mới
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký:MỤC 08 - CHỈ DIỆU MINH HỢP VỚI TẠNG TÁNH - 14/06/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 07 CHỈ RÕ VỌNG SANH TIẾP NỐI VÀ CÁC ĐẠI KHÔNG NGĂN NGẠI NHAU - 08/06/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - E. THU BẢY ĐẠI - 27/05/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - D. THU MƯỜI TÁM GIỚI - 15/05/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - C. THU MƯỜI HAI XỨ - 08/05/2018
Các bài đã đăng
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - PHẦN B: THU LỤC NHẬP - 30/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - PHẦN A: THU NĂM ẤM - 24/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 5: CHỈ RA CÁI THẤY VỌNG ĐỂ HIỂN BẦY CÁI THẤY - 16/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 4: BÁC THUYẾT NHÂN DUYÊN TỰ NHIÊN ĐỂ HIỀN BÀY THỰC TƯỚNG CỦA TÁNH THẤY - 13/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 3: NÊU TÁNH THẤY RA NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI - 04/04/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 08499
- Online: 25