Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 10 LẠI BÁC NGHĨA NHÂN DUYÊN TỰ NHIÊN

28/06/2018 | Lượt xem: 3210

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Liền khi ấy, ông A-nan ở trong đại chúng đảnh lễ dưới chân Phật, đứng dậy bạch Phật: “Đức Thế Tôn hiện nói về các nghiệp sát, đạo, dâm, do ba duyên đã đoạn nên ba nhân không sanh, tánh cuồng Diễn-nhã-đạt-đa trong tâm tự hết; hết tức là Bồ-đề, chẳng phải từ người khác đưa đến. Đây là nghĩa nhân duyên quá rõ ràng, vì sao Đức Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên? Chính con cũng do nhân duyên mà tâm được khai ngộ.

Bạch Đức Thế Tôn! Nghĩa này chẳng riêng hàng Thanh Văn hữu học ít tuổi như chúng con, mà nay ở trong hội này như các Ngài Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề v.v… từ lão Phạm-chí nghe lý nhân duyên của Phật mà phát tâm khai ngộ được thành quả Vô lậu.

Nay Phật dạy Bồ-đề không do nhân duyên, thì thuyết tự nhiên của bọn Câu-xá-ly ở thành Vương Xá lại thành nghĩa đệ nhất. Cúi mong đấng đại bi khai phát chỗ mê lầm cho chúng con”.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây, Ngài A-nan đã hiểu được Phật dạy về tánh cuồng hết thì Bồ-đề hiện, nhưng vẫn còn nghi về nghĩa nhân duyên và tự nhiên. Mới thấy là tình thức của con người quá sâu dày.

Ở trước, Phật đã chỉ dạy, đã trách sự hý luận về nhân duyên, tự nhiên rất nhiều lần, nhưng đây Ngài A-nan cũng còn nghi nữa.

Ngài thưa: “Nghe Đức Thế Tôn nói khi ba duyên đã đoạn thì ba nhân không sanh, tâm phân biệt không khởi, tánh cuồng vọng tự hết. Phật dẫn thí dụ về Diễn-nhã-đạt-đa phát cuồng bỏ chạy, cũng như người do bất giác sanh mê vọng. Vậy rõ ràng đó là nghĩa nhân duyên rồi sao Phật lại bác không cho nhận nghĩa nhân duyên?”.

Ngài A-nan lại dẫn thêm: “Như chính con cũng nhờ nhân duyên Phật khai thị mà được khai ngộ, ngay cả Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên cũng nhân nghe được bài kệ nhân duyên từ Ngài A-thuyết-thị mà được khai ngộ, thì cũng là từ nhân duyên mà tại sao Phật lại không cho hiểu về nhân duyên và bác nhân duyên?

Nếu như vậy, thành chấp nhận thuyết tự nhiên của ngoại đạo hay sao?”.

Chỗ này chúng ta phải học hiểu cho thật kỹ, vì không khéo thì cũng dễ hiểu lầm theo chữ nghĩa, rồi bắt chước nói theo chữ nghĩa, lầm bác luôn lý nhân duyên.

Thường chúng ta phải hiểu, Phật phá là phá chấp chớ không phải phá pháp, chỗ này rất quan trọng. Thí dụ nghe Phật nói là các pháp do nhân duyên sanh, rồi mình chấp vào lời Phật cho là thật có các pháp sanh từ nhân duyên thì đó là lầm.

Ý Phật nói các pháp do nhân duyên sanh thì vốn không thật, không có tự tánh, vì nếu có thật thì không cần phải đợi nhân duyên. Thế nên, Phật nói lý nhân duyên là để rõ nó không thật sanh, nhưng người không biết lại chấp thật có các pháp do nhân duyên sanh, tức là bám vào nhân duyên chấp là thật có pháp. Nên Phật phá là phá cái chấp đó chứ không phải là phá “pháp”, pháp thì đâu có lỗi gì! Đó là chỗ chúng ta phải hiểu kỹ.

Đây cũng nói rộng thêm để các huynh đệ hiểu sâu hơn, sau này gặp người bài bác thì cũng khéo biết mà không lầm theo. Thí dụ như lời dạy trong Tâm Kinh Bát Nhã đôi khi khiến người dễ hiểu lầm. Như có vị nói là trong Tâm Kinh Bát Nhã, Phật bác luôn pháp Tứ đế, bác pháp Thập nhị nhân duyên, bác luôn cả trí chứng đắc của Bồ-tát.

Đó là do hiểu lầm thành xuyên tạc. Phật bác đó là bác cái chấp vào pháp Tứ đế, chấp vào pháp nhân duyên, bác là bác cái chấp đó; còn chúng ta không chấp thì pháp Tứ đế, pháp nhân duyên đâu có lỗi gì! Lỗi là do chúng ta chấp vào đó.

Đây cũng vậy, Phật phá cái chấp lo lý luận nào nhân duyên, tự nhiên v.v…, nói mãi nhưng không chịu ngộ, nên tu lâu rồi cũng không tới đâu, phá là vậy đó. Do đó, Ngài A-nan còn nghi, cũng có khi là Ngài nghi dùm, hỏi dùm cho chúng sanh nữa!

Để thấy là những mê lầm vi tế không phải một lúc là hết sạch, nên người tu chúng ta không được tự mãn là vậy. Có người sáng được chút đạo lý rồi tự mãn, nhưng không biết là còn những hoặc vi tế chưa hết, nên phải khéo gần gũi thiện tri thức, tu tập kỹ, sao cho nguyện lực được bền bỉ lâu dài giống như trong Tứ hoằng thệ nguyện:

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, độ cho hết chúng sanh không bờ mé; “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, phải đoạn hết phiền não vô kể; rồi “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”. Không chịu dừng bước giữa đường, phải có nguyện lực như vậy thì tu không có lạc. Bởi vì quen theo tình phân biệt của thức nên hễ nghe nói thì liền bám theo lời nói để hiểu mà không đạt được ý, mới còn nghi. Đây cũng vậy, nghe Phật nói rồi bám vào lời đó mà có nghi.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo ông A-nan: “Như anh Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu trừ được nhân duyên tánh cuồng, thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên tự nhiên cuối cùng như vậy.

GIẢNG GIẢI:

Phật nói đơn giản nhưng chúng ta phải hiểu thật sâu. Ngài thí dụ như là Diễn-nhã-đạt-đa ở trong thành soi gương rồi thích cái đầu mặt mình ở trong gương, do quên cái đầu thật của mình nên hoảng sợ phát cuồng bỏ chạy, gọi là mê đầu mà nhận bóng.

Đến đây, Phật nói rõ: “Nếu trừ được nhân duyên tánh mê cuồng đó thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên, tự nhiên rốt ráo chỉ là như vậy”. Tức là trừ được nhân duyên tánh cuồng, tánh không cuồng tự nhiên hiện ra thì ngay đó là tự mình thầm nhận khỏi cần phải lý luận là nhân duyên, tự nhiên gì nữa!

Như chúng ta khi vọng tưởng dứt bặt, dù chưa sạch nhưng do nhân duyên tu tập khiến nó dứt bặt, ngay lúc đó liền ngộ, vậy lúc đó còn lý luận gì nữa không? Lúc đó, nếu còn ngồi lý luận thì chưa phải thật ngộ, ngộ rồi thì hết lý luận. Ngộ thấy rõ ràng rồi còn lý luận gì nữa. Thì đây cũng vậy, tánh cuồng hết thì tánh không cuồng hiện, ngay đó thầm nhận rõ ràng thôi!

Cho nên, Phật nói lý nhân duyên, tự nhiên ý là vậy. Nói nhân duyên, nói tự nhiên nhưng đó cũng chỉ là ngôn ngữ, là lời nói phương tiện thôi, không thể chấp là thật có tánh nhân duyên, tự nhiên. Chỉ là tạm nói ra giúp người học tự thầm hiểu, nếu không nói thì đâu ai biết gì mà hiểu!

Nhưng tuy nói ra mà không thật có pháp nhân duyên, tự nhiên có thể được. Sự thật thì tánh cuồng đâu có thật thể để mà trừ, chỉ là tỉnh lại thì nó tự hết. Cho nên Phật nói nhân duyên, tự nhiên rốt ráo chỉ là như vậy, người học đừng chấp vào đó.

Cái tánh cuồng không thật có để trừ thì cái tánh không cuồng cũng đâu phải tự nhiên riêng có hiện thành ra, mà nó đã sẵn vậy rồi.

Tánh không cuồng này sẵn vậy chưa từng thiếu, không phải nhờ tánh cuồng hết rồi tánh không cuồng này tự có ra. Nghe nói nó tự nhiên hiện ra thì liền chấp là có tánh không cuồng sanh ra, liền chấp là có sanh; tức cái này hết thì cái kia sanh, như vậy không khéo lại nằm trong cái thấy sanh diệt.

Bởi Phật nói như vậy là để chúng ta thầm hiểu là nó sẵn đó chứ không phải từ bên ngoài được. Nếu bám vào lời nói để suy luận thì lại đi xa nữa.

Từ Phật, Tổ cho đến các Thiền sư thường luôn phá về tình thức suy nghĩ phân biệt, đối đãi đó. Bởi vì tình thức bén nhạy, hễ nghe là bám theo rồi suy luận là đi xa.

Nếu người khéo thì khi nghe Phật nói như thế là tự thầm nhận ý ngoài lời của Phật, không phải chấp theo lời, mới thấy được nghĩa thật.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Như cái đầu anh Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự nhiên. Nó đã tự nhiên như thế thì không có lúc nào là không tự nhiên, vậy vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát cuồng bỏ chạy?

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật phá chấp vào tự nhiên.

Cái đầu vốn tự nhiên và lúc nào cũng tự nhiên như vậy, cớ gì lại sợ mất đầu rồi sanh cuồng bỏ chạy? Nó đã là tự nhiên vậy rồi thì cũng tự nhiên không cuồng, nhưng tại sao vô cớ lại sợ cái đầu bỏ chạy? Nếu cứ tin một bên mà cố chấp vào tự nhiên cũng không được.

Ngài Hàm Thị giải thích rõ: “Như tánh giác vốn nhiệm mầu, sẵn là diệu, là minh rồi thì không lý do gì mà có cái diệu cái minh nào khác, cớ gì lại sanh ra cái vọng của giác minh để thành lưu chuyển”.

Nếu chấp một bề nó sẵn là diệu, là minh thì lúc nào cũng là diệu là minh hết, không có cái diệu, cái minh nào khác xen vào; nhưng hiện tại lại sanh vọng là sao? Thành ra cũng không thể một bề chấp vào đó. Nếu cứ cố chấp vào cái tự nhiên đó để rồi chối bỏ cái vọng được không? Và thử hỏi có hết vọng không? Ngồi lý luận suốt đời cũng không hết vọng.

Cũng giống như câu chuyện Cá Nhảy Khỏi Lưới, Hòa thượng Thâm và Hòa thượng Minh cùng đi đến bên bờ sông Hoài, thấy người kéo lưới có con cá mắc bên trong, con cá cố sức từ trong lưới nhảy vọt ra, Hòa thượng Thâm nói: “Huynh Minh! Giỏi quá, giống như một nạp tăng!”.

Hòa thượng Minh nói: “Đâu có gì hay, chi bằng trước kia đừng có nhảy vào lưới thì hay hơn!”.

Theo lý thế gian thì lời của Hòa thượng Minh nói đúng, trước kia đừng vào lưới thì hay hơn, tại sao vào lưới rồi phải nhảy ra chi cho tốn công! Đa số người sống theo tình thức liền chấp nhận lý đó.

Hòa thượng Thâm lại nói: “Huynh Minh còn chưa ngộ!”.

Lúc đó, Hòa thượng Minh im lặng không nói gì, huynh đệ cùng về nhà trọ. Đến nửa khuya, Hòa thượng Minh chợt nhận ra lời Hòa thượng Thâm nói rất sâu xa. Ý nếu cá đã mắc lưới mà cứ lý luận phải chi trước đừng chui vào lưới..., thử hỏi lý luận như vậy suốt đời có ra khỏi lưới không? Quan trọng là hiện tại đang nằm trong lưới cần phải nhảy ra mới là thực tế, mới hay.

Đây cũng vậy, không thể chấp vào tự nhiên rồi chối bỏ cái vọng được, ý của Phật phá về hý luận tự nhiên.

Kế là nói thêm về nhân duyên:

 

CHÁNH VĂN:

Nếu cái đầu vốn tự nhiên, do nhân duyên nên phát cuồng, vì sao không tự nhiên do nhân duyên mà mất, cái cuồng sợ giả dối phát ra, chứ nào có thay đổi gì mà phải nhờ đến nhân duyên?

GIẢNG GIẢI:

Phật nói rõ ban đầu nó vốn tự nhiên, do nhân duyên phát cuồng chạy nói là mất cái đầu. Nhưng cái đầu vốn không mất, cái cuồng sợ chỉ là hư dối phát ra chứ không thể làm thay đổi gì cả mà phải nhờ đến nhân duyên. Ý nói không phải nhờ nhân duyên hết cuồng rồi mới có cái đầu, cái đầu đâu có thay đổi.

Nếu luận theo lý nhân duyên cho là có cái cuồng thật thì tại sao lại không do nhân duyên đó mà mất cái đầu! Vậy mới thật là nhân duyên. Nên biết nói nhân duyên đó cũng là lời nói phương tiện chứ không phải thật, đừng chấp là cố định rồi mãi hý luận theo đó.

Cũng vậy, tánh giác vốn nhiệm mầu sáng suốt, là diệu, là minh, là nhiệm mầu sẵn như vậy rồi, khi vọng sanh thì tánh giác vẫn nguyên vẹn không mất. Như vậy đâu phải do nhân duyên vọng sanh mà tánh giác thay đổi, cũng không phải do nhờ nhân duyên mà nó thành ra không mất, nên đâu thể nói là do nhân duyên.

Nếu người thật chứng ngộ rồi thì hết hý luận nhân duyên, tự nhiên. Thế nên, nếu không khéo chúng ta sẽ lầm chấp vào nhân duyên rồi thấy thật có nhân duyên sanh.

Đây nhắc kỹ, sở dĩ Phật nói nhân duyên để chỉ rõ nó là không thật, còn chúng ta lại chấp cho là do nhân duyên nên thật có vọng, đó là lầm. Phật phá là phá chỗ đó chứ không phải phá lý nhân duyên.

Chúng ta học kỹ để tránh những cái lầm theo chữ nghĩa, đừng vội nghe rồi bắt chước phá hết mười hai nhân duyên không khéo là bị đọa!

 

CHÁNH VĂN:

Nếu tánh cuồng vốn tự nhiên và sẵn có cái tánh cuồng sợ, thì khi chưa cuồng cái cuồng núp ở chỗ nào? Nếu tánh chẳng cuồng là tự nhiên, cái đầu vốn không việc gì, sao lại phát cuồng bỏ chạy? Nếu nhận được cái đầu sẵn có, rõ biết vì phát cuồng mà bỏ chạy, thì nghĩa nhân duyên tự nhiên đều là hý luận.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây Phật lại ngừa chấp.

Nếu chấp tánh cuồng vốn là tự nhiên và sẵn có tánh cuồng rồi, thì khi chưa cuồng nó núp ở chỗ nào? Nó sẵn có tức nhiên phải có chỗ nào đó để khi gặp duyên mới phát ra. Còn nếu tánh chẳng cuồng cũng là tự nhiên thì cái đầu vốn là tự nhiên rồi tại sao lại phát cuồng bỏ chạy? Nên chấp một bề tự nhiên cũng không được.

Thế nên, Phật nói nếu nhận rõ được cái đầu vốn sẵn có, biết cái tánh cuồng do mê nên bỏ chạy, thì nghĩa nhân duyên và tự nhiên cũng thành hý luận. Đây là Phật ngừa sợ người chấp cho cái mê cuồng là thật. Cho là thật tức là nó sẵn có, mà sẵn có thì nó phải có chỗ ở, khi gặp dịp sẽ phát ra. Còn cái này không có chỗ nào, chỉ là vọng phát vậy thôi.

Lại nữa, nếu cái cuồng là thật thì đâu thể hết. Dù cố diệt cách mấy, nó cũng phải còn để dấu lại. Giống như quét bụi, hết bụi rồi cũng còn dấu cây chổi, vì bụi đi qua chỗ khác. Còn đây, vì nó không có thật nên khi ngộ nó liền hết.

Trường hợp người đã ngộ rồi, đã hết cuồng rồi lại lo tìm cái cuồng xem nó đi đâu thì sao? Là chưa hết mê, thì cuồng trở lại nữa. Vì nếu chấp như vậy giống như ở trong tánh giác có chứa sẵn cái mê vọng, mà tánh giác chứa sẵn mê vọng thì còn là giác không? Hết giác rồi. Cho nên chấp vào đó là cái lầm vi tế vẫn chưa sạch.

Cần rõ, cái cuồng vọng là hư dối phát sanh không có thật, do đó chớ ở trên cái cuồng vọng đó mà bàn, bàn hoài thì vẫn chưa rời khỏi cái mê, phải nhớ như vậy. Quan trọng là sáng được cái thật, là nhận ra cái đầu sẵn có chớ khỏi cần phải bàn cái cuồng, đó là thực tế nhất.

Sở dĩ Phật nói nhân duyên, tự nhiên là vì người chưa tỉnh nên mới tạm nói để gợi ý cho tỉnh lại. Còn người đã tỉnh, lại thấy cái đầu rồi thì khỏi cần phải nói nhân duyên, tự nhiên nữa, vì đó đều là hý luận thôi. Phật dạy chỗ này rất kỹ lưỡng và vi tế, chúng ta quán cho thật kỹ chỗ này sẽ có lợi ích rất lớn lao. Khi đủ nhân duyên sáng tỏ rồi là sẽ hết nghi ngờ, không còn phải lầm theo hý luận, đó là ý sâu mà Phật dạy.

Tóm lại, còn nói nhân duyên, còn nói tự nhiên là cũng nhằm trên cái cuồng mà nói, đâu có dính gì với cái đầu. Chỉ cần nhận lại cái đầu là xong.

 

CHÁNH VĂN:

Thế nên Tôi nói: Ba duyên đã đoạn, tức là tâm Bồ-đề. Còn thấy tâm Bồ-đề sanh, tâm sanh diệt diệt, đó cũng chỉ là sanh diệt. Phải diệt và sanh đều hết, thì gọi là vô công dụng đạo.

GIẢNG GIẢI:

Phật dạy là khi ba duyên đoạn thì tâm tức Bồ-đề, nếu người lanh lợi, ngay đó khéo nhận ra là xong; còn không khéo nghe nói vậy rồi hiểu có tâm Bồ-đề sanh, có tâm sanh diệt diệt, đó cũng chưa qua khỏi cái thấy sanh diệt, phải diệt và sanh đều hết mới gọi là vô công dụng đạo. Đó là chỗ vi tế, ngôn ngữ không đến kịp.

Bởi khi nghe nói ba duyên hết thì tâm Bồ-đề hiện tức là nó có sanh, rồi có cái tâm sanh diệt diệt, là có cái diệt. Mà còn hiểu cái này diệt, cái kia sanh thì vẫn còn ở trong sanh diệt tức là tạo tác, chưa phải là vô công dụng đạo. Phật chỉ rõ để chúng ta sạch hết niệm sanh diệt.

 

CHÁNH VĂN:

Nếu có tự nhiên, như vậy thì rõ ràng tâm tự nhiên sanh, tâm sanh diệt diệt, đây cũng là sanh diệt. Phải không sanh diệt mới gọi là tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Hiểu theo thức thì tự nhiên tức là “tâm sanh diệt” diệt, rồi “tâm tự nhiên” sanh, đó cũng là sanh diệt, vì cái tự nhiên này chưa phải thật tự nhiên, cũng còn nằm trong cái thấy sanh diệt.

Cũng như nói tâm sanh diệt diệt, tâm Bồ-đề tự nhiên hiện, là nói theo ngôn ngữ thế gian. Hoặc nói vọng hết thì chân tự nhiên hiện, nói đó cũng thuộc về ngôn ngữ quy ước, là thế tục đế. Mượn ngôn ngữ thế gian để tạm nói, tạm diễn đạt, hay là gợi ý. Nói vọng hết chân tự hiện, nhưng nếu còn thấy có cái này diệt, cái kia hiện là có cái này đối với cái kia thì vẫn chưa khỏi cái thấy sanh diệt, dấu vết của sanh diệt vẫn chưa sạch, niệm sanh diệt vi tế vẫn chưa hết. Nếu thấy như vậy là chưa phải thật nghĩa tự nhiên, Phật gọi là chưa ra khỏi hý luận. Nói rõ là chưa thật sáng đạo, còn thật sáng đạo rồi thì khỏi hý luận như thế.

Đến đây, Phật thí dụ thêm như khi hòa hợp đối với bản nhiên.

 

CHÁNH VĂN:

Cũng như trong thế gian các tướng hòa lẫn với nhau thành một thể, gọi là tánh hòa hợp. Cái chẳng hòa hợp thì gọi là tánh bản nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Bản nhiên tức là tự nhiên, sẵn như vậy, nhưng nói như vậy cũng là nói trên đối đãi. Đối với cái hòa hợp kia nên nói cái này là không hòa hợp, là tự sẵn như vậy, đó cũng là lấy cái này đối với cái kia, cũng còn nằm trong thức phân biệt, cho nên Phật nói đến cuối cùng thì phải sạch hết.

 

CHÁNH VĂN:

Bản nhiên không phải bản nhiên. Hòa hợp không phải hòa hợp. Hòa hợp và bản nhiên đều ly, ly hợp đều phi, câu nói này mới gọi là pháp không hý luận.

GIẢNG GIẢI:

Còn nói có hợp, có ly, có hòa hợp, có bản nhiên thì cũng là còn hý luận, còn trong đối đãi nhau, đến cuối cùng không còn chỗ nào để lý luận nữa, chỉ còn tự thầm chứng biết, đó mới là pháp không hý luận. Hý luận tức nhiên là chưa sáng, nên còn nói thế này thế kia tức chưa vượt khỏi ngôn ngữ phương tiện...

Học đến đây, chúng ta mới thông cảm, mới hiểu thêm là tại sao các Thiền sư khi có người hỏi đến chỗ lý rốt ráo thì các Ngài hoặc đánh, hoặc hét, hoặc là nói theo kiểu nghịch lý không thể hiểu cho người hỏi hết hý luận, đó mới là chỗ các Ngài thật muốn chỉ.

Như khi Nghĩa Huyền đến hỏi Ngài Hoàng Bá: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”, thì liền bị đánh cho một gậy. Đại ý Phật pháp là chỗ rốt ráo, mà ông hỏi là sao? Đại ý Phật pháp mà có thế này thế kia thì đâu còn là đại ý Phật pháp nữa, là thuộc về cái hiểu của thức. Cho nên Ngài đánh một gậy cho ông thức tỉnh trở lại.

Cũng như Duy Nghiễm - Dược Sơn hỏi Ngài Thạch Đầu:

- Đối với tam thừa, mười hai phần giáo con còn hiểu biết phần nào (tức là đối về kinh giáo có giải thích thì con còn hiểu biết được chút ít), con thường nghe phương Nam nói: “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” thì con thật là mù mịt, cúi xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy cho.

Ngài Thạch Đầu bảo:

- Thế ấy cũng chẳng được, không thế ấy cũng chẳng được, thế ấy không thế ấy đều chẳng được, thế ông làm sao?

Làm sao hiểu! Nếu có thế này thế kia như trong tam thừa, mười hai phần giáo có giải thích thì cứ theo đó mà hiểu; còn muốn hiểu theo trực chỉ nhân tâm là “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” thì ông phải hiểu theo kiểu này, chỗ đó là chỗ hết hý luận.

Ngài Vân Môn cũng từng bảo trong đại chúng:

- Tôi sự bất đắc dĩ nói với ông “Liền đó vô sự”, ấy là đã chôn vùi nhau rồi. Các ông lại nghĩ tiến bộ, nhằm ở trước tìm lời theo câu cầu mong cho được giải hội. Ngàn khôn, muôn khéo lập bày vấn nạn, chỉ là tạo được một trường luận suông, cách đạo càng xa, có khi nào được thôi dứt. Cái việc này, nếu ở trên ngôn ngữ thì ba thừa, mười hai phần giáo không phải không ngôn ngữ, tại sao còn nói giáo ngoại biệt truyền? Nếu từ học hiểu, trí khéo mà được, thì tại sao hàng Thánh nhân Thập địa nói pháp như mây như mưa, vẫn còn bị quở trách là đối với thấy tánh như cách một lớp lụa? Do đây nên biết, tất cả có tâm thì cách xa như trời đất”.

Ở đây, bất đắc dĩ nói với các ông: “Ngay đó vô sự đi!” thì cũng là chôn vùi nhau rồi, huống nữa là nói dài dòng đủ thứ.

Các ông lại nghĩ tiến bộ, nhằm ở trước tìm lời theo câu cầu mong cho được giải hội. Tức là theo câu theo lời để cầu mong được hiểu, thì Ngàn khôn, muôn khéo lập bày vấn nạn, chỉ là tạo được một trường luận suông, cách đạo càng xa, có khi nào được thôi dứt. Cái việc này, nếu ở trên ngôn ngữ thì ba thừa, mười hai phần giáo không phải không ngôn ngữ, tại sao còn nói giáo ngoại biệt truyền? Tức chỉ rõ cái này không nằm trên ngôn ngữ. Nếu việc này mà ở trên ngôn ngữ thì trong các kinh điển nói hết rồi, sao còn nói giáo ngoại biệt truyền chi nữa!

Nếu từ học hiểu, trí khéo mà được, thì tại sao hàng Thánh nhân Thập địa nói pháp như mây như mưa, vẫn còn bị quở trách là đối với thấy tánh như cách một lớp lụa? Tức Phật dạy trong kinh Đại Bát Niết Bàn, hàng Thập địa đối với thấy tánh cũng còn cách một lớp lụa mỏng.

Do đây nên biết tất cả có tâm thì cách xa như trời đất. Hễ còn khởi tâm hý luận là tự nhiên, nhân duyên hoặc là muốn hiểu thế này, thế kia thì cách xa như trời đất.

Đây ngầm chỉ khi đến chỗ đạo lý rốt ráo phải quên lời để đạt ý, không còn chỗ bám để hý luận. Cho nên không thể quá ỷ lại vào ngôn ngữ mà bỏ quên nghĩa thật. Nên nhớ kỹ là nghĩa-thật-không-nằm-trên-ngôn-ngữ, ngôn ngữ chỉ là phương tiện gợi ý, chớ ngôn ngữ không nói đến được nghĩa thật. Do đó, khi người đạt được nghĩa thật thì quên lời chỉ thầm nhận thôi, nên các Tổ nói là tới chỗ đó giống như nóng lạnh tự biết.

 

CHÁNH VĂN:

Bồ-đề, Niết-bàn còn cách xa xôi, nếu ông không trải qua nhiều kiếp siêng năng khó nhọc tu chứng, thì tuy ghi nhớ lý thanh tịnh nhiệm mầu trong mười hai bộ kinh của mười phương các Đức Như Lai như số cát sông Hằng cũng chỉ càng thêm hý luận.

Ông tuy luận bàn nghĩa nhân duyên tự nhiên quyết định rõ ràng, người đời gọi ông là đa văn bậc nhất. Với cái huân tập đa văn nhiều kiếp đó nhưng không thể khỏi được nạn Ma-đăng-già, phải đợi thần chú Phật đảnh của Tôi, khiến cho lửa dâm trong tâm Ma-đăng-già chóng hết và chứng quả A-na-hàm, ở trong pháp Tôi thành rừng tinh tấn, sông ái khô cạn mới khiến cho ông được giải thoát.

Thế nên A-nan! Ông tuy trải qua nhiều kiếp ghi nhớ những pháp bí mật diệu nghiêm của Như Lai, cũng không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa lìa hai cái khổ yêu ghét ở thế gian. Như Ma-đăng-già trước kia là dâm nữ, do nhờ sức của thần chú mà tiêu trừ ái dục, nay ở trong Phật pháp được tên là Tánh Tỳ-kheo-ni, cùng với mẹ của La-hầu-la là Da-du-đà-la đồng ngộ nhân đời trước, biết trải qua nhiều đời nhân vì tham ái mà khổ, do một niệm huân tu pháp thiện vô lậu, nên người thì được ra khỏi ràng buộc, người thì được Phật thọ ký. Sao ông lại còn tự khi mình mà trệ ngại trong vòng thấy nghe”.

GIẢNG GIẢI:

Đây là Phật vừa trách mà cũng vừa thiết tha khuyên bảo là phải tinh tiến tu. Phật trách Ngài A-nan nghe nhiều, hiểu rộng mà không lo siêng năng tu chứng thì cũng không cứu được mình thoát khổ. Phật dạy nếu Ngài A-nan không nỗ lực tu chứng thì tuy ghi nhớ lý thanh tịnh nhiệm mầu trong mười hai bộ kinh của mười phương Như Lai nhiều như số cát sông Hằng cũng chỉ là hý luận. Bởi vì phiền não không sợ người nghe nhiều hiểu rộng, phiền não cũng không sợ những người trí thức.

Phật nói với Ngài A-nan: “Ông tuy luận bàn nghĩa nhân duyên, tự nhiên rất rõ ràng, mọi người đều gọi ông là đa văn bậc nhất, nhưng cũng không khỏi nạn Ma-đăng-già”, đó là thực tế trước mắt.

Vậy, thấy rằng phiền não đâu có sợ ông, nên cần phải thực tu, thực chứng chớ không thể ngồi ỷ lại vào sự thông minh lanh lợi hay là kiến thức nghe nhiều hiểu rộng. Đây là cảnh tỉnh cho những ai mãi lo chấp vào danh tự, vào hiểu biết; nếu chúng ta hiểu nhiều mà không lo thực tu thực chứng chánh đạo cho rõ ràng thì không cứu được bản thân. Phật dạy kỹ như vậy.

Trách xong, Phật mới khuyên tu, bảo với Ngài A-nan rằng: “Ông tuy trải qua nhiều kiếp ghi nhớ những pháp bí mật diệu nghiêm của Như Lai, nhưng thật không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa lìa cái khổ yêu ghét của thế gian”. Lời Phật khuyên Ngài A-nan rất thiết tha, nhưng không phải chỉ khuyên Ngài A-nan thôi mà cũng là nhắn bảo chung tất cả người sau.

Phật nhắc để chúng ta hiểu và hành cho đầy đủ, đừng chỉ hiểu mà không có hành, cũng chớ có lo nhớ giỏi mà không chịu thực tu, mà tu đây là tu nghiệp vô lậu giải thoát, chớ không phải tu nghiệp tạo tác trong sanh tử. Tất cả học kỹ rồi xét lại bản thân xem mình như thế nào? Khi học, chúng ta cũng có hiểu lý nhưng còn chỗ thực tu thì sao?

Phật nói rõ là Bồ-đề, Niết-bàn còn cách xa lắm nên dặn Ngài A-nan đừng xem thường, cũng là nhắc nhở chúng ta trên đường tu hành đừng chỉ hiểu lý suông mà giải đãi.

Tuy Bồ-đề ở trong tâm mỗi người, nhưng có thấy Bồ-đề chưa? Thêm nữa là có sống được trọn vẹn với tâm Bồ đề không? Chúng ta cần hiểu rõ điều này. Bởi vì trên lý tuy sẵn đủ nơi tự tâm, giống như Phật ví dụ hạt châu buộc sẵn trong chéo áo, nhưng đến đây thì Phật nói là Bồ-đề còn xa lắm. Chúng ta thấy được ý của Phật nhắc, tuy là cái lý sẵn đủ, nhưng để thực sự sống trọn vẹn trong đó thì cũng còn xa.

Do đó, mỗi người phải tự kiểm lại mình rồi lo siêng năng tiến tu chớ có trì trệ ỷ lại vào chút ít thấy-nghe-hiểu-biết, và cũng đừng tự khinh mình như Phật nói ở đây: “Sao ông còn tự khi mình để rồi trệ ngại trong vòng thấy nghe”.

Đức Phật mượn tấm gương thực tế nặng nghiệp ái dục của Ma-đăng-già, của bà Gia-du-đà-la để nhắc nhở Ngài A-nan, các vị đó chịu khó tu nên giải thoát được Phật thọ ký, trong khi Ngài A-nan đa văn thông minh, lanh lợi hơn những người kia rất nhiều, chỉ cần cố gắng là được. Như hiện tại đây, nhiều người chúng ta cũng còn có những cái hơn rồi, đâu có đến nỗi nặng nghiệp ái dục như bà Ma-đăng-già, vậy mà không chịu lo tu nữa thì không biết nói sao!

Đây cũng là một điểm để ngầm nhắc chúng ta, mỗi người phải tự kiểm xem mình có được như Ngài A-nan chưa? Vậy mà vẫn không thoát khỏi nạn Ma-đăng-già. Vả như chúng ta gặp nạn như Ngài A-nan thì có thua không? Nên tất cả phải tu hết mực, không thể buông lung.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 08463
  • Online: 105