Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 14 - CỘT KHĂN ĐỂ CHỈ ĐẦU GÚT

19/07/2018 | Lượt xem: 3021

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ ông A-nan và đại chúng được nghe lời từ bi chỉ dạy của Phật, kệ tụng tinh túy, diệu lý trong suốt, mắt tâm tỏ sáng đồng tán thán là pháp chưa từng có.

Ông A-nan chắp tay đảnh lễ và bạch Phật rằng: “Nay con được nghe Phật vì lòng đại bi vô giá dạy cho những pháp cú chân thật thanh tịnh diệu thường, nhưng tâm con chưa rõ thứ lớp mở gút cho đến nghĩa sáu gút mở, một gút cũng không còn. Cúi mong Phật mở lòng đại bi thương xót trong hội này và chúng sanh tương lai, bố thí pháp âm để rửa sạch những cấu nhiễm trầm trọng của chúng con”.

GIẢNG GIẢI:

Chữ “vô giá” đây không phải là quý báu, mà chữ “giá” đây cũng đọc là “già” tức là không có ngăn che, lòng từ bi không bị ngăn che, hay nói rõ là vô duyên từ.

Ngài A-nan nghe được những điều sâu xa chưa từng nghe, mới tán thán là được pháp chưa từng có. Nghe được những điều chưa từng nghe tức là nghe được điều vượt ngoài ngôn ngữ. Chỗ này ngôn ngữ có nói cũng không đến, vượt ngoài chỗ suy nghĩ hiểu biết lâu nay. Đó thật là một niềm vui lớn nên Ngài mới tán thán.

Tuy nhiên, lúc ấy Ngài vẫn còn chưa rõ nghĩa thứ lớp mở gút, và mở sáu mà mất một. Ngài mới thỉnh Phật chỉ dạy thêm để rửa sạch những cấu nhiễm trầm trọng, mà cũng là hỏi về chỗ chân thật tu hành. Tuy chúng ta ngộ rồi nhưng vẫn còn những tập khí sâu xa, nên đâu phải ngộ là hết liền.


CHÁNH VĂN:

Liền khi ấy, Đức Như Lai nơi tòa sư tử sửa áo niết-bàn-tăng và vén áo tăng-già-lê, vịn ghế thất bảo đưa tay lấy cái khăn hoa nơi ghế của Trời Kiếp-ba-la dâng cúng. Đối trước đại chúng Ngài cột thành một gút đưa cho A-nan xem và hỏi rằng: “Cái này gọi là gì?”.

Ông A-nan và đại chúng đều bạch Phật: “Cái này gọi là cái gút”.

Khi ấy Đức Như Lai cột cái khăn điệp hoa thành một gút nữa, lại hỏi ông A-nan: “Cái này gọi là gì?”.

Ông A-nan và đại chúng đều bạch Phật: “Cái này cũng gọi là gút”.

Như thế theo thứ lớp Phật cột cái khăn điệp hoa thành sáu gút. Mỗi gút khi cột xong đều lấy cái gút vừa cột xong trong tay đưa hỏi ông A-nan: “Cái này gọi là gì?”.

Ông A-nan và đại chúng cũng lại theo thứ lớp đáp lời Phật hỏi: “Cái này gọi là gút”. 

Phật bảo ông A-nan: “Khi Tôi mới cột cái khăn, thì ông gọi là gút, cái khăn hoa này, trước nó chỉ có một cái, cớ sao lần thứ hai, lần thứ ba, ông cũng gọi là gút?”.

Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Cái khăn lụa thêu dệt quý báu này, tuy vốn là một thể, nhưng theo ý con suy nghĩ: Đức Như Lai cột một lần thì được gọi tên một gút, nếu cột một trăm lần thì trọn gọi là một trăm gút, huống chi khăn này chỉ có sáu gút, không lên đến bảy và cũng không đứng ở số năm, cớ sao Đức Như Lai chỉ cho cái đầu là gút còn cái thứ hai, thứ ba không gọi là gút?”.

Phật bảo ông A-nan: “Cái khăn hoa báu này, ông nên biết nó vốn chỉ có một cái, khi Tôi cột sáu lần thì ông gọi là sáu gút, ông nên xem xét cho chín chắn, thể của cái khăn này là đồng, nhân nơi các gút mà có khác. Ý ông nghĩ sao? Khi Tôi cột gút ban đầu thì gọi là gút thứ nhất, như thế cho đến cột lần thứ sáu thì gọi là sáu gút, nay Tôi muốn gọi gút thứ sáu là gút thứ nhất có được chăng?”.

- Bạch Đức Thế Tôn! Không vậy. Nếu còn là sáu gút, thì cái gọi là thứ sáu rốt cuộc không phải là cái thứ nhất, dầu cho cố gắng biện bạch suốt đời cũng không thể làm cho sáu gút đổi tên được.

Phật dạy: “Đúng thế! Sáu gút không đồng nhau, tuy xét về bản nhân vẫn do một cái khăn tạo ra, nhưng rốt cuộc không thể làm cho sáu gút xáo trộn lẫn nhau. Sáu căn của ông cũng lại như vậy, trong thể rốt ráo “đồng” lại sanh ra rốt ráo “khác”.”

GIẢNG GIẢI:

Đến đây Đức Phật dùng cái khăn buộc thành sáu gút để khai thị cho Ngài A-nan và đại chúng. Đang ngồi thuyết pháp tức đang ngồi nơi tòa sư tử, Phật mới sửa cái Niết-bàn Tăng, rồi vén áo tăng-già-lê và vịn ghế thất bảo, đưa tay lấy cái khăn hoa, đối trước đại chúng cột gút, Phật bắt đầu khai thị.

Khi Phật cột cái khăn thành cái gút đưa lên giữa đại chúng hỏi cái này gọi là cái gì? Nếu là Thiền sư thì ngay đó ngộ liền, chắc là Phật khỏi phải nói dài dòng. Nhưng trong kinh đây Ngài A-nan ngộ cái gì? Chỉ thấy cái gút thôi. Giống như Ngài Bá Trượng khai thị cho Tổ Quy Sơn, đưa cục lửa lên bảo: “Ông nói không có lửa, vậy cái này là cái gì?”. Ngay đó Tổ Quy Sơn liền ngộ. Cũng vậy, nếu Đức Phật hỏi ông gọi cái này là cái gì nếu ngay đó Ngài A-nan ngộ liền thì quá hay! Nhưng đây do còn thấy cái gút nên Ngài A-nan mới thưa cái này gọi là cái gút.

Phật buộc sáu lần như thế rồi hỏi thì Ngài A-nan cũng đáp là sáu cái gút. Đúng ra ngay đó mà ngộ thì dù cho Phật buộc sáu lần đi nữa nhưng cái kia đâu có sáu. Chỗ đó quá hay!

Cho nên Phật mới theo chỗ này để khai thị trở về. Chỉ có một cái khăn nhưng khi thắt thành sáu gút thì nhìn cái khăn đó người ta chỉ thấy sáu gút mà quên mất cái khăn ban đầu. Khăn buộc thành gút rồi nên chỉ thấy gút thứ nhất, gút thứ hai, gút thứ ba v.v..., chứ không còn nhớ cái khăn. Chúng ta cũng vậy, ban đầu chỉ có một tâm thể chân thật, giờ thắt thành gút sáu căn này, thành ra chỉ nhớ tới sáu căn, tức thấy-nghe-hiểu-biết này thôi, không còn nhớ được cái nhất tâm kia. Mê là chỗ đó.

Khi đó, Phật mới hỏi: “Gọi cái thứ sáu là cái thứ nhất được không?”. Ngài A-nan đáp là không được, bởi có sáu cái thì có sự phân biệt rồi. Hễ còn có sáu gút thì đây kia tranh nhau, cái này không phải là cái kia, chúng càng thêm lăng xăng, càng làm mờ thêm cái khăn ban đầu. Cũng vậy, chúng ta cứ mãi lo bàn trên thấy-nghe-hiểu-biết hay trên sáu căn này, nhiều khi vì sáu căn này mà cãi nhau nữa. Cái này không phải cái kia, mắt không phải tai, thấy không phải nghe v.v... Cho nên ai nói cái thấy là cái nghe thì cãi, cái thấy làm sao là cái nghe được! Thành lăng xăng làm mờ mất tâm thể chân thật ban đầu. Bấy giờ chỉ còn nhớ cái gút, kẹt trên cái gút.

Tất cả mỗi người đều nguyên một tánh giác thì đâu có gì là kia là đây. Tánh giác chỉ là tánh giác, nhưng do bất giác khởi vọng minh, như kinh nói do bất giác khởi lên cái vọng minh để mà minh trở lại nó. Tức là khởi lên cái soi sáng để mà soi sáng lại nó, biến nó thành cái sở minh, cái được soi sáng, thành ra có năng có sở; từ đó mới hiện ra các căn, hiện ra thế giới.

Các căn đã hiện ra rồi dính khằn ở trong các căn này cột chặt trong đó gọi là thắt gút; thắt gút ở trong các căn này cho nên mới chia ra thành sáu cái thấy, nghe, hiểu, biết. Vậy ban đầu chỉ có một tánh giác, bây giờ thành sáu cái biết: biết thấy, biết nghe, biết ngửi, biết nếm v.v... Do vậy, cái biết thấy không phải là cái biết nghe, cái biết ngửi không phải là cái biết nếm, chia cái nào ra cái đó. Với người mê còn thêm lớp nữa là chấp mỗi cái có tự ngã riêng, cái thấy có tự ngã riêng của cái thấy, cái nghe có tự ngã riêng của cái nghe thành ra mê thêm mê, quên mất tánh giác ban đầu lúc nào không hay.

Cũng như đây quên mất cái khăn chỉ còn nhớ cái gút thôi. Nhưng mà trong mỗi cái thấy-nghe-hiểu-biết đó nó đều có mang tánh giác trong đó, bởi vì thể của nó là tánh giác mà! Cũng giống như cái khăn buộc thành sáu gút thì trong mỗi gút đều có mang cái khăn trong đó hết. Đây cũng vậy, trong mỗi cái thấy-nghe-hiểu-biết đều có mang tánh giác, đồng thời cũng mang cái vọng minh ở trong đó luôn. Bởi vì chính cái vọng minh mà nó chia thành ra sáu cái, tức là mỗi cái đều có mang cái vọng trong đó. Nó mang cả cái chân mà cũng có mang cái vọng luôn.

Chính vì thấy được điều đó, các Thiền sư mới vì người khai thị ngay chỗ đó, người khéo thì ngay đó ngộ trở lại tánh giác. Bất cứ căn nào nếu khế hợp thì đều ngộ trở lại tánh giác được hết. Bởi vì chính ngay cái vọng minh này, nó chia thành có sáu cái sai khác, nhưng mà sai khác đó là sai khác trong cái vọng, chứ còn cái thật thì đâu có sai khác. Đó gọi là trong rốt ráo “đồng” mà sanh ra rốt ráo “khác” là vậy đó.

 Ở trong cái vốn là đồng bây giờ lại thành có khác. Tức là cái khác nhưng mà nó vẫn ở trong đồng. Nếu ngay đó ngộ trở lại thì liền thấy chỗ đồng. Ngay đây khéo giác trở lại thì thấu suốt cái vọng kia, tức trở về tánh giác không hai là cái thể đồng. Vậy ngay vọng tức là chân. Ý Phật muốn khai thị là chỗ đó.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89287
  • Online: 43