Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 22 KHAI THỊ PHẦN TRONG, PHẦN NGOÀI CỦA CHÚNG SANH

24/09/2018 | Lượt xem: 4790

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: “Hay thay! Lời hỏi đó khiến cho các chúng sanh chẳng mắc vào tà kiến, nay ông hãy nghe kỹ, tôi sẽ vì ông nói. A-nan! Tất cả chúng sanh thật vốn là chân tánh thanh tịnh, nhân những vọng kiến kia mà có tập khí hư vọng sanh ra, vì thế mà chia ra có phần trong và phần ngoài.

GIẢNG GIẢI:

Phật chỉ rõ là tất cả chúng sanh vốn không rời chân tánh thanh tịnh, nhưng do vọng kiến, tức cái thấy hư vọng mà thành có các thứ tập khí hư vọng sanh khởi. Sanh khởi đó là vọng sanh. Nhớ kỹ! Chúng sanh vì lầm chấp vào chỗ vọng sanh đó cho là thật có, từ đó mà lưu chuyển luân hồi.

Đây ngầm chỉ cho chúng ta hiểu thấu được đó là chỗ vọng sanh, để không chấp vào đó mà thấu suốt trở về tánh nguyên chân. Đồng thời cũng là nhắc nhở người đừng một bề chấp vào tánh nguyên chân mà bỏ đi thế giới vọng sanh cho là không có địa ngục. Bởi vì còn mê thì còn có thế giới vọng sanh, có địa ngục, có luân hồi. Mà đã có vọng sanh thì có trong có ngoài, cho nên đây nói có phần trong, phần ngoài. Đó là chỗ ý sâu xa của Phật, không phải nghe nói có phần trong phần ngoài rồi chấp vào đó cho là thật thì cũng mắc kẹt. Chúng ta học phải quán cho thấu đến nghĩa sâu kín chớ không chết cứng ở trên chữ nghĩa.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Phần trong tức là trong phần của chúng sanh. Nhân các thứ ái nhiễm phát khởi ra vọng tình, vọng tình tích chứa mãi không thôi, nên hay ra nước ái. Thế cho nên, trong tâm của chúng sanh nghĩ nhớ đến thức ăn ngon, thì trong miệng chảy nước bọt; trong tâm nghĩ đến người trước hoặc thương, hoặc giận thì nước mắt trào ra; tham cầu của báu, thì tâm phát ra nước ái trên thân đều trong sáng; tâm đắm trước hành dâm, thì hai căn của nam nữ tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan! Các thứ ái tuy có khác, nhưng kết quả chảy nước là đồng, thấm ướt không bay lên được thì tự nhiên theo đó mà rơi xuống, ấy gọi là phần trong.

GIẢNG GIẢI:

Phần trong thuộc về vọng tình. Bởi chúng sanh chấp vào chỗ này, vọng tình mới cảm hay sanh ra nước ái. Thí dụ như trong tâm nghĩ nhớ đến thức ăn ngon miệng liền chảy nước miếng; nghĩ nhớ đến người thương thì nước mắt trào ra v.v... Nước ái là nặng nên chảy xuống chứ không đi lên, người nào sống với tình nhiều thì chìm xuống.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Phần ngoài tức là ngoài phần của chúng sanh. Nhân cái lòng khát ngưỡng mà phát ra những hư tưởng, tưởng chất chứa mãi không thôi, có thể sanh ra các thắng khí. Thế nên, trong tâm chúng sanh, nếu trì giới cấm, thì toàn thân đều nhẹ nhàng thanh tịnh; tâm trì ấn chú, thì mắt nhìn hùng dũng, nghiêm nghị; tâm muốn sanh lên cõi trời, thì chiêm bao thấy bay lên; để tâm nơi cõi Phật, thì cảnh Phật thầm hiện; phụng thờ thiện tri thức, thì tự xem thường thân mạng. A-nan! Các tưởng đó tuy khác nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng nhau, cất bay không chìm xuống tự nhiên vượt lên ấy là phần ngoài.

GIẢNG GIẢI:

Phần ngoài là thuộc về hư tưởng, đây gọi là nhân lòng khát ngưỡng phát ra những hư tưởng, mà tưởng thì nhẹ nên sanh ra thắng khí cất lên. Vậy người nặng về tưởng thì bay lên. Thí dụ trong tâm chúng sanh mà chuyên trì giới cấm, toàn thân nhẹ nhàng thanh tịnh. Tâm trì ấn chú, mắt nhìn hùng dũng, tâm mong muốn sanh lên cõi trời, chiêm bao liền thấy bay lên. Là tưởng nhẹ nên cất lên.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Tất cả thế gian sống chết tiếp nối nhau, là do thuận theo tập quán, chết thì đổi sang dòng khác; khi gần mạng chung chưa hết hơi nóng, việc lành việc dữ trong một đời đồng thời hiện đủ. Cái nghịch của chết cái thuận của sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau.

Thuần là tưởng thì bay lên, sanh trên các cõi trời. Nếu khi bay lên mà trong tâm gồm có đủ phước đức trí tuệ và nguyện thanh tịnh thì tự nhiên tâm được khai ngộ, thấy tất cả Tịnh độ mười phương chư Phật theo nguyện mà vãng sanh.

GIẢNG GIẢI:

Đây nói thuần về tưởng thì đi lên. Tất cả thế gian đều đi theo chiều sống chết, chết sống cứ vậy mà tiếp nối nhau không dừng. Rồi do chấp vào thân tâm này là “Ta” nên ai cũng thích sống và ghét chết. Vì vậy, sống là thuận theo tập quán thích đó, còn chết thì trái ý tập quán.

Khi người gần mạng chung chưa hết hơi nóng, chuẩn bị chuyển qua thân trung ấm và hậu ấm. Lúc đó, những việc lành việc dữ đã tạo trong một đời hiện ra giống như cuộn phim rồi theo đó nó dẫn đi. Cho nên, nếu chúng ta tu hành không kỹ, không có đạo lực thì lúc đó thấy những cảnh đã tạo hiện ra, tâm liền rối loạn, mà rối loạn thì đi đường xấu. Do đó, cần phải biết mà ráng tu tập cho kỹ, huân tập tích lũy nghiệp giác ngộ mạnh để lúc đó có sức sáng suốt mà tự chủ.

Cái nghịch của chết, cái thuận của sống, tức tâm tránh chết cầu sống, hai tập khí giao xen lẫn nhau mà có đi lên hay chìm xuống. Nghĩa là theo nghiệp thiện thì nó dẫn đi lên, còn theo nghiệp ác thì nó dẫn đi xuống. Đây nói về chỗ thuần tưởng thì nhẹ cho nên nó bay lên sanh trên các cõi trời, nếu thêm có đủ phước đức trí tuệ cộng với nguyện lực thanh tịnh nữa thì tâm khai ngộ và được thấy cõi Tịnh độ vãng sanh theo chỗ nguyện. Do đó nguyện lực cũng rất trọng yếu.

CHÁNH VĂN:

Tình ít tưởng nhiều thì cất lên không xa, liền làm phi tiên, Đại lực quỷ vương, phi hành Dạ-xoa, địa hành La-sát, đi khắp bốn cõi trời không bị ngăn ngại. Trong những vị ấy, nếu có tâm tốt, nguyện lành, ủng hộ Phật pháp, hoặc ủng hộ giới cấm theo người trì giới, hoặc ủng hộ thần chú theo người trì chú, hoặc ủng hộ thiền định giữ yên pháp nhẫn, thì các hạng đó chính mình được ở dưới pháp tòa của Như Lai.

GIẢNG GIẢI:

Ở trên là thuần tưởng, đây thì có xen chút tình, nên bay lên mà không được xa vì có tình nên nặng kéo trì xuống bớt. Như những loài phi tiên, Đại lực quỷ vương, phi hành Dạ-xoa v.v... là những loài cũng được đi lên khắp bốn cõi trời nhưng vì còn kẹt chút tình, không được sanh lên cõi trời. Nếu thêm có tâm tốt nguyện lành ủng hộ Phật pháp, hoặc ủng hộ người trì giới, như vậy sẽ được ở dưới pháp tòa của Như Lai, là có phước đức hơn.

CHÁNH VĂN:

Tình tưởng đồng nhau, không bay lên cũng không rơi xuống, thì sanh ở cõi người, tưởng sáng suốt nên thông minh, tình tối tăm nên ngu độn.

GIẢNG GIẢI:

Cõi người thuộc về tình tưởng ngang nhau, nên không đi lên cũng không đi xuống mà sanh vào cõi người. Do có tưởng nên có phần suy nghĩ sáng suốt thông minh, do có tình nên có phần ngu độn tối tăm.

CHÁNH VĂN:

Tình nhiều tưởng ít, thì trôi vào các loài hoành sanh; nặng thì làm loài có lông, nhẹ thì làm loài có cánh.

GIẢNG GIẢI:

Tình nhiều tưởng ít, nặng cho nên kéo đi xuống. Tuy nhiên, còn có chút tưởng nên sanh trong những loài đi ngang. Trong đó nặng thì làm loài có lông, nhẹ thì làm loài có cánh, là cũng có sai biệt nữa.

CHÁNH VĂN:

Bảy phần tình, ba phần tưởng, thì chìm xuống dưới thủy luân, sanh nơi mé hỏa luân chịu khí phần của lửa mạnh, thân làm ngạ quỷ, thường bị đốt cháy, vì nước có thể hại mình, nên trải qua trăm ngàn kiếp không ăn không uống.

GIẢNG GIẢI:

Đây thì bảy phần tình, ba phần tưởng, cho nên chìm xuống dưới thủy luân, sanh nơi mé hỏa luân. Hỏa luân tức là gần địa ngục, loài này đã chìm sâu rồi. Làm thân ngạ quỷ nên thường chịu đói khát khổ sở, thấy nước tới uống thì nước hóa lửa hoặc là hóa thành nước đồng sôi uống không được, vì do nghiệp nặng trải qua trăm ngàn kiếp đói khát rất khổ sở.

CHÁNH VĂN:

Chín phần tình một phần tưởng, chìm xuống thấu qua hỏa luân, và giữa giao với phong luân và hỏa luân, nhẹ thì sanh vào địa ngục hữu gián, nặng thì sanh vào địa ngục vô gián.

GIẢNG GIẢI:

Đây thì chín phần tình chỉ có chút tưởng thôi, nên sanh vào địa ngục. Tuy ở địa ngục nhưng cũng chia ra hai phần: Phần nhẹ là ngục hữu gián, nặng thì sanh vào địa ngục vô gián. Vô gián thì khổ sở liên tục vì tình quá nặng.

CHÁNH VĂN:

Thuần tình thì chìm sâu vào địa ngục A-tỳ. Nếu trong tâm chìm sâu đó lại có chê bai Đại thừa, phá cấm giới của Phật, cuồng vọng thuyết pháp để tham cầu của tín thí, lạm nhận lòng cung kính của người, hoặc phạm ngũ nghịch thập trọng, thì lại sanh vào địa ngục A-tỳ trong mười phương.

GIẢNG GIẢI:

Đến trường hợp này là quá nặng, thuần tình thì rơi vào địa ngục A-tỳ chịu khổ lâu dài, cộng thêm tội phỉ báng Đại thừa, phá giới cấm, thì lại sanh vào địa ngục A-tỳ trong khắp mười phương, cái khổ không nói hết được. Phật kết lại:

 

CHÁNH VĂN:

Theo nghiệp ác gây ra, tuy tự chuốc lấy quả báo, nhưng trong chúng đồng phận, vẫn có chỗ sẵn.

GIẢNG GIẢI:

Tùy theo nghiệp của mỗi chúng sanh đã tạo ác mà riêng chuốc lấy quả báo địa ngục. Mỗi người tự tạo thì mỗi người tự chịu, những chúng sanh cùng tạo chung một nghiệp thì có sẵn chỗ đó để cùng sanh đến.

Bởi chúng sanh mê lầm chấp có ngã này là thật, mà chấp có ngã thật nên cảnh cũng thật, do đó mà thấy có cảnh thật hiện ra. Còn nếu ngược vọng trở về chân, không thấy có cái ta thật thì cảnh bám vào đâu? Đó là con đường giải thoát, rõ ràng. Thấy rõ hai con đường đó rồi, chúng ta biết lối đi và cũng không một bề chấp là có hay chấp không. Nếu thấy có mình thật thì cũng có cảnh thật, địa ngục thật hiện ra. Ngược lại, ta không có thì cảnh bám chỗ nào để có, tức con đường giải thoát ngay trước mắt. Đó là con đường luân hồi hay giải thoát, chúng ta phải thấy rõ để biết đường đi.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23518
  • Online: 72