Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 24 - CÁC CÕI TRỜI SAI KHÁC

13/10/2018 | Lượt xem: 8967

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

A-nan! Những người trong thế gian không cầu đạo thường trụ, chưa có thể xả bỏ việc ân ái với vợ của mình, nhưng tâm không buông lung trong việc tà dâm, do tâm đứng lặng sanh ra sáng suốt, sau khi mạng chung ở gần mặt trời mặt trăng, một hạng như vậy, gọi là Tứ Thiên Vương Thiên.

 

 

GIẢNG GIẢI:

Những người không có tâm ra khỏi thế gian, nhưng lòng dục nhẹ, không buông lung theo việc tà dâm, cộng thêm tâm sáng suốt không thô động như ở thế gian, nên được sanh vào cõi Tứ Thiên Vương. Vị trí của Tứ Thiên Vương ở lưng chừng núi Tu-di, gần mặt trời mặt trăng. Tuổi thọ là 500 tuổi, một ngày một đêm ở đây bằng 50 năm ở nhân gian.

Tứ Thiên Vương có bốn vị trấn giữ bốn góc:

1- Trì Quốc Thiên Vương thống lãnh hai bộ quỷ thần là Càn-thát-bà và Tỳ-xá-xà. Tỳ-xá-xà là quỷ hút tinh khí.

2- Tăng Trưởng Thiên Vương thống lãnh hai bộ quỷ thần Cưu-bàn-trà và Ngạ quỷ. Cưu-bàn-trà là Yểm mị quỷ.

3- Quảng Mục Thiên Vương thống lãnh loài rồng và quỷ Phú-đơn-na.

4- Đa Văn Thiên Vương thống lãnh hai nhóm quỷ Dạ-xoa và La-sát.

 

CHÁNH VĂN:

Đối với vợ mình, dâm ái ít ỏi, trong lúc tịnh cư không được toàn vị, thì sau khi mạng chung vượt khỏi ánh sáng mặt trời, mặt trăng ở trên chóp nhân gian; một loài như vậy, gọi là Đao-lợi Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Chư Thiên ở cõi trời này lòng dâm ái nhẹ hơn trước, nhưng tịnh tâm cũng chẳng được thuần, có lúc khởi niệm. Nên đây nói lúc tịnh cư không được toàn vị, thì vượt khỏi Tứ Thiên Vương, sanh ở chóp núi Tu-di. Vị trí cõi trời Đao-lợi ở trên chóp đỉnh núi Tu-di, bốn góc có 32 cõi trời vây quanh, ở giữa có thành Thiện Kiến, cộng lại là 33 cõi trời (Tam Thập Tam Thiên). Trời Đế-thích làm Thiên chủ, thọ là 1000 tuổi, một ngày đêm bằng 100 năm ở nhân gian.

 

CHÁNH VĂN:

Gặp cảnh dục tạm theo, qua rồi không nhớ nghĩ, ở trong nhân gian động ít, tịnh nhiều, thì sau khi mạng chung sáng rở ở yên trong cõi hư không, ánh sáng mặt trời mặt trăng không có soi đến được, những người thế ấy tự mình có ánh sáng, một hạng như thế gọi là Tu-diệm-ma Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Cũng gọi là trời Dạ-ma. Chư Thiên ở cõi trời này gặp cảnh dục tạm theo, qua rồi không nhớ nghĩ, tức cũng dễ buông. Do động ít tịnh nhiều nên rất nhẹ, do đó được ở trong cõi hư không vượt lên trời Địa Cư ở trước. Trời Đao-lợi còn nằm trên chóp đảnh Tu-di, còn cõi trời này vượt lên hư không, thọ 2000 tuổi, một ngày đêm ở trên đó bằng 200 năm ở nhân gian. Mỗi lần hoa sen nở ra khép lại là một ngày một đêm. Ánh sáng mặt trời không tới được cõi trời này, ở đây không có mặt trời mọc lặn như ở nhân gian.

 

CHÁNH VĂN:

Lúc nào cũng tĩnh, nhưng khi có cảm xúc đến bên mình cũng chưa chống đối được, thì sau khi mạng chung lên trên chỗ tinh vi không tiếp với những cảnh nhân thiên cõi dưới cho đến gặp kiếp hoại, tam tai cũng không đến được; một loài như thế, gọi là Đẩu-suất-đà Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Chư Thiên ở cõi này lúc nào cũng thường tịch tĩnh, gặp cảnh dục cũng chẳng giao tiếp, nhưng khi cảm xúc đến cũng chưa chống đối được cho nên cõi này cũng nằm trong cõi dục, nhưng đã lên chỗ tinh vi không giao tiếp với nhân thiên ở cõi dưới. Cõi này thường có các vị Bồ-tát Nhất Sanh Bổ Xứ ở, lại có nội viện và ngoại viện. Tuổi thọ là 4000 tuổi, một ngày một đêm bằng 400 năm ở nhân gian. Nếu ở nội viện thì kiếp hoại tam tai cũng không lên tới.

Như câu chuyện Bồ-tát Vô Trước, Thế Thân với Ngài Sư Tử Quang tu hành hẹn nhau ai sanh lên cõi Đẩu-xuất trước hãy về báo tin.

Ngài Sư Tử Quang sanh về đó trước, nhưng lâu quá không thấy về báo tin. Kế Ngài Thế Thân tịch nhưng thời gian lâu cũng không thấy báo tin. Một hôm, Ngài Thế Thân xuống báo tin cho Ngài Vô Trước. Ngài Vô Trước hỏi:

- Còn Sư Tử Quang sao không thấy về báo tin? Có sanh về đó không?

Ngài Thế Thân nói:

 - Khi vừa sanh lên đó thì có gặp Bồ-tát Di-lặc, Ngài gọi: “Tốt lắm thay! Quảng Tuệ hãy đến đây!”. Còn Sư Tử Quang cũng được sanh lên đó nhưng vẫn còn ở ngoại viện, mãi thích nghe nhạc trời nên không có thời giờ xuống báo tin.

Chúng ta thấy, sanh cõi trời vẫn còn nguy hiểm, lo nghe nhạc trời là tâm còn vui thích âm thanh. Còn Ngài Thế Thân chuyên tâm hơn nên được vào trong nội viện. Ngài nói vừa gặp Bồ-tát Di-lặc xong, liền xuống đây báo tin, như vậy mà ở thế gian đã trải qua mười mấy năm trời.

 

CHÁNH VĂN:

Chính mình không có tâm dâm dục chỉ đáp ứng với người khác mà làm, trong lúc phô bày, vô vị như ăn sáp, thì sau khi mạng chung vượt lên, sanh vào cảnh biến hóa; một loài như thế gọi là Lạc Biến Hóa Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Ở cõi trời Đẩu-suất thì cảm xúc đến cũng còn tùy thuận, còn cõi này thì chỉ đáp ứng người khác mà làm, nhưng thấy vô vị chớ không thích thú, cho nên vượt lên vào cõi Lạc Biến Hóa. Cõi này tự hóa ra năm trần để tự vui. Thọ 8000 tuổi, một ngày một đêm bằng 800 năm ở nhân gian.

Nếu đứng trên các cõi trời này nhìn xuống nhân gian, thấy đời người rất ngắn ngủi không có gì đáng kể.

CHÁNH VĂN:

Không có tâm thế gian, chỉ đồng như thế gian làm việc ngũ dục, trong khi làm việc ấy rõ ràng siêu thoát, thì sau khi mạng chung vượt trên cảnh biến hóa và không biến hóa; một loài như thế gọi là Tha Hóa Tự Tại Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Chư Thiên cõi trời này không có tâm nghĩ đến ngũ dục, chỉ tùy thuận thế gian mà làm, nhưng tâm siêu thoát. Cõi này thọ một vạn sáu ngàn tuổi, một ngày một đêm ở trên đó bằng 1600 năm ở nhân gian. Đây là ở trên đỉnh của cõi Dục, tột Dục giới.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Sáu cõi trời như thế, hình thức tuy ra khỏi động, nhưng tâm thích còn có dính dấp; từ các cõi ấy trở xuống, gọi là Dục giới.

GIẢNG GIẢI:

Chư Thiên các cõi trời này tâm dục nhẹ, hình thức tuy ra khỏi động, nhưng tâm thích cũng còn tức là chưa khỏi. Cái thích tuy nhẹ nhưng chưa khỏi hết tâm dục, nên vẫn còn ở cõi Dục.

Kế là đến Sắc giới.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Tất cả người tu tâm trong thế gian, nếu không nhờ Thiền-na, thì không có trí tuệ.

Người nào giữ được thân không làm việc dâm dục, hoặc trong lúc đi lúc ngồi cũng không nghĩ nhớ, lòng ái nhiễm không sanh, thì không còn ở trong cõi Dục, ứng niệm thì liền đó thân được làm Phạm lữ; một loài như thế, gọi là Phạm Chúng Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Chư Thiên cõi này có tu phước nhưng cũng có tu Thiền định nên vượt lên đến cõi Sắc giới. Cõi này tu từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền. Tâm lìa nghĩ đến dục mà được sanh hỷ lạc đó là Sơ thiền. Trong cõi Sơ thiền, thân không làm việc dục, lúc đi lúc ngồi cũng không nghĩ nhớ. Thân không làm mà tâm cũng không nghĩ, lòng ái nhiễm không sanh nên vượt qua Dục giới mà lên Sắc giới, thân được làm Phạm lữ thanh tịnh, cõi này thuộc Phạm Chúng Thiên.

Phạm Chúng Thiên là dân ở cõi Phạm Thế, có tuổi thọ là nửa kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

Tập quán ngũ dục đã trừ, tâm ly dục hiện ra, vui vẻ thuận theo luật nghi, thì người ấy ứng thời liền có thể thực hành Phạm đức; một loài như thế, gọi là Phạm Phụ Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Tức là thói quen dâm dục đã trừ, trừ đây là trừ tập quán dâm dục ở Dục giới, tâm thanh tịnh lìa dục đã hiện bày, vui vẻ tùy thuận theo luật nghi không phải gắng gượng. Có thể thực hành Phạm đức, là đức tu thanh tịnh Phạm hạnh không có dục nhiễm. Khi Phạm hạnh thành tựu, vượt lên Phạm Chúng làm Phạm Phụ Thiên.

Phạm Phụ Thiên giống như quan ở cõi trời, thọ một kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

Thân tâm hoàn toàn thanh tịnh, oai nghi không thiếu, cấm giới trong sạch, lại có thêm trí sáng, thì người ấy liền thống lãnh Phạm Chúng, làm Đại Phạm Vương; một loại người như thế, gọi là Đại Phạm Thiên. 

GIẢNG GIẢI:

Phạm tức là thanh tịnh. Do thân tâm thanh tịnh lìa dục, oai nghi đầy đủ, giữ giới trong sạch có thêm trí sáng cho nên thống lãnh cả Phạm Chúng giống như Vua, gọi là Đại Phạm Vương, cõi này là Đại Phạm Thiên thọ một kiếp rưỡi.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ba loài tốt đó, tất cả khổ não không thể bức bách, tuy không phải chân chánh tu Tam-ma-địa của đạo Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh, những lầm lạc của Dục giới không lay động được, nên gọi là Sơ Thiền.

GIẢNG GIẢI:

Ba cõi vừa nêu trên tuy không tu chân Tam-ma-địa vô lậu xuất thế gian, còn thuộc phàm phu thiền, nhưng nhờ lìa dục, có tâm thiền định mà tất cả những khổ não không thể bức bách được. Tuy vậy, chưa phải là hết khổ. Đó là tầng thiền thứ nhất trong Tứ thiền.

CHÁNH VĂN:

A-nan! Thứ nữa là các hàng Phạm Thiên thống lãnh Phạm Chúng lại tu tập Phạm hạnh được viên mãn, tâm đứng lặng không lay động, và do sự đứng lặng ấy mà phát sanh sáng suốt; một loài như thế gọi là Thiểu Quang Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Thiểu Quang tức là có ánh sáng nhưng còn ít. Các vị Phạm Thiên thống lãnh chúng tinh tấn tu tập phạm hạnh thêm nữa, nhân đó được sức định sáng suốt, nhưng do mới phát cho nên còn yếu, chỉ thuộc Thiểu Quang Thiên. Cõi này thọ hai kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

Hào quang sáng suốt thêm nhiều, chói sáng không cùng, ánh vào mười phương thế giới đều thành ngọc lưu ly; một loài như thế, gọi là Vô Lượng Quang Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Vô Lượng Quang tức là ánh sáng rộng rãi thành ra vô lượng. Ở trước chỉ mới có ánh sáng yếu ớt, đến đây ánh sáng càng tăng, gọi là ánh ra mười phương khiến cho khắp nơi đều trong sáng như ngọc lưu ly, nên gọi là Vô Lượng Quang Thiên. Mười phương ở đây là chỉ cho thế giới này thôi chứ không phải nói về mười phương thế giới. Vì cõi trời cũng còn giới hạn, chỉ có Phật mới là thấu suốt mười phương thế giới. Cõi này thọ bốn kiếp.

CHÁNH VĂN:

Nắm giữ ánh sáng viên mãn tạo thành giáo thể, phát ra sự giáo hóa thanh tịnh, ứng dụng không cùng; một loài như thế, gọi là Quang Âm Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây dùng ánh sáng tuyên bày nghĩa lý cảm hóa gọi là nắm giữ ánh sáng tạo thành giáo thể. Nghĩa là không cần phải dùng ngôn ngữ mà dùng ánh sáng. Dùng ngôn ngữ là còn có giới hạn, còn đây dùng ánh sáng, chỗ ứng dụng lại càng rộng lớn cho nên gọi là không cùng. Cõi này gọi là Quang Âm Thiên, thọ tám kiếp. Muốn tiếp xúc những cõi này phải nhập Nhị thiền, chứ không thể dùng ngôn ngữ.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ba loài tốt đó, tất cả lo buồn xa xôi không bức bách được, tuy không phải chân chánh tu Tam-ma-địa của Phật, nhưng trong tâm thanh tịnh; những lầm lạc thô động đã dẹp xuống, nên gọi là Nhị Thiền.

GIẢNG GIẢI:

Ở trước, Sơ thiền chỉ là ly dục mà được sanh hỷ lạc, còn đến đây là được định sanh hỷ lạc. Cõi này không còn những cái lo buồn, bởi tâm đã được định rồi. Như vậy do định mà được sanh hỷ lạc thì cái vui này là cái vui do định mà được nên nó sâu hơn cái vui Sơ thiền ở trước, vậy nên lo buồn không đến được trong đây. Cõi Nhị Thiền này tâm giác quán dứt, hàng phục được những lầm lạc thô thiển nhưng chưa phải là chân Tam-ma-địa của Phật, nên cũng còn thuộc trong ba cõi.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Loài Trời như thế khi dùng hào quang viên mãn để làm âm thanh giáo hóa, do âm thanh giáo hóa càng lộ rõ lẽ nhiệm mầu, phát ra hạnh tinh tiến thông với cái vui yên lặng; một loài như thế, gọi là Thiểu Tịnh Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Thiểu Tịnh là được thanh tịnh nhưng còn ít. Trước đó ở cõi Nhị Thiền dùng ánh sáng bày rõ lý, đến đây lý và hạnh phù hợp với nhau, nên càng tinh thêm. Rồi nghiệp định càng sâu nên vượt lên cái vui thô ở trước mà thông với cái vui vắng lặng, tức là diệu lạc. Cõi này thọ 16 kiếp. Cõi trời này chán cái vui ở trước bởi do định sanh hỷ lạc, nhưng cái hỷ lạc đó còn có tướng vui mừng là thô. Vì thấy vậy mà chán, mới tiến lên đến đây được cái vui ly hỷ diệu lạc. Cái vui của cõi Tam Thiền là cái vui tràn khắp, nên thường nói cái vui được vi diệu giống như cái vui cõi trời Tam Thiền.

 

CHÁNH VĂN:

Cảnh thanh tịnh rỗng rang hiện tiền dẫn phát không có bờ bến, thân tâm khinh an thành tựu được cái vui vắng lặng; một loài như thế, gọi là Vô Lượng Tịnh Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Trước là mới phát cho nên cái tịnh còn ít, ở đây nó thênh thang không bờ mé, nên thân tâm được khinh an vắng lặng. Đến đây được cái vui nhẹ nhàng, vắng lặng, không thô động. Ở trước là mới thông với cái vui vắng lặng, ở đây được thành tựu cái vui vắng lặng, nên cái tịnh cũng thành vô lượng, thọ 32 kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

Thế giới và thân tâm tất cả đều thanh tịnh viên mãn, công đức thanh tịnh thành tựu, cảnh giới thù thắng gá nơi hiện tiền, trở về với cái vui tịch diệt; một loài như thế, gọi là Biến Tịnh Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Biến Tịnh tức thanh tịnh biến khắp. Đến đây cái đức tịnh biến khắp cả thân tâm rồi rộng ra cả thế giới, tức là trong ngoài hợp nhất thanh tịnh. Tâm tràn ngập sự thanh tịnh nên cái vui cũng tràn ngập, nhưng không thô động. Cảnh thiền định này nếu hành giả không khéo thấy vui thích, thường tham đắm trong đó không muốn bỏ, đó là mắc kẹt. Cho nên các vị muốn tu chứng Tứ thiền thì phải bỏ cái vui này để vượt lên Tứ thiền gọi là xả khổ xả vui.

Đến đây, cảnh thù thắng gá nơi hiện tiền, tức là tạm hiện nhưng mà chưa phải thật, ý nói là nó vượt hơn cái cảnh ở trước, rồi trở về cái vui tịch diệt, là vào được cái vui tịch diệt. Nhưng tịch diệt ở đây cũng thuộc về tâm hữu lậu chứ không phải là tịch diệt của Niết-bàn, đó gọi là cõi Biến Tịnh Thiên, thọ 64 kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Ba loại tốt đó đầy đủ công hạnh đại tùy thuận, thân tâm yên lặng được cái vui không lường, tuy không phải chân chánh được pháp Tam-ma-địa của Phật, nhưng trong tâm an ổn hoan hỷ đầy đủ, gọi là Tam Thiền.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây được cái vui vắng lặng tràn khắp, nó vượt hơn những cái vui thô động ở trước, được gọi là đại tùy thuận, tức là tâm được an ổn, không bị khuấy động vào được Tam thiền. Nhưng cũng chưa phải là thật cũng thuộc về hữu lậu. Cõi này khi kiếp hoại đến, hai thứ nước và lửa không tới được nhưng phong tai lại thổi tới.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Lại nữa, loài Trời đó thân tâm không bị bức bách, nguyên nhân của khổ đã hết, lại xét cái vui không được thường trụ, lâu cũng phải tiêu tan, nên cả hai tâm khổ vui đồng thời đều buông bỏ, những tướng thô trọng đã diệt, thì phước thanh tịnh sanh ra; một loài như thế, gọi là Phước Sanh Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Từ Sơ thiền đến Tam thiền được lìa khổ ưu, lên đây tâm được vào các thiền định, cho nên không bị bức bách bởi các khổ ở dưới. Nhập Tam thiền rồi thì những lo buồn không đến được. Do đó, các thứ lậu thuộc về phần thô được khắc phục, nên nói nhân của khổ đã hết nhưng cũng chưa thật sạch, vì thật sạch thì đã chứng Niết-bàn. Rồi tiến lên, xét cái vui này cũng thuộc về cái vui đối với khổ, tức do bỏ khổ được vui, thì nó cũng thuộc về vô thường, bởi vậy tiến lên bước nữa cũng phải buông luôn cả hai tâm khổ vui. Tức là tu đến đó rồi cũng phải buông, cho nên lối tu trong Thiền Tông là đi thẳng vào tâm để xả tất cả; còn đây đi từng bước từng bước, được cái vui thô, bỏ; theo cái vui tế, rồi cái vui tế này cũng bỏ luôn, vì đó là phương tiện tạm được thôi.

Nhờ thấy được lối tu, chúng ta càng vững tâm tiến tu. Vì dù có được vui diệu lạc đi nữa nhưng cũng phải buông mới tiến lên được, còn không là bị mắc kẹt. Nếu bỏ được cả hai tâm khổ vui thì vượt lên Tứ thiền, vì Tứ thiền gọi là xả niệm khổ niệm vui. Do cái phước thanh tịnh xả khổ vui và vì mới sanh nên gọi là Phước Sanh Thiên. Cõi này thọ thời gian rất dài, là 125 kiếp. Khi hết sức thiền định rồi nếu không tu thêm nữa cũng rớt lại trong ba cõi luân hồi. Nếu khéo chuyển qua tu chánh đạo là vào Niết-bàn.

 

CHÁNH VĂN:

Tâm buông bỏ được viên dung, sự nhận hiểu cao xa càng thanh tịnh, trong cái phước không gì trở ngại đó, được sự tùy thuận nhiệm mầu cùng tột mé vị lai; một loài như thế, gọi là Phước Ái Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Cái tâm xả đó được viên dung. Trên là mới phát, đây thì tâm xả được viên dung, nhưng cũng không trụ nơi cái tâm xả đó mà được diệu tùy thuận tột mé vị lai, tức là chỗ thế gian khó xét biết hết được. Chỗ này cần phải hiểu cho kỹ! Cái gọi là diệu tùy thuận tột mé vị lai này, là chỗ ở thế gian khó xét biết hết, chớ không phải là công phu tu chứng đến tột mé vị lai. Nhớ kỹ! Vì đây vẫn còn trong hữu hạn thế gian, là chỗ thế gian đáng ưa thích, cho nên gọi là Phước Ái Thiên, cõi này thọ 250 kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Từ cõi trời đó có hai con đường tẽ; nếu dùng cái tâm sáng suốt thanh tịnh vô lượng trước kia mà tu chứng thì an trụ nơi phước đức viên mãn sáng suốt; một loài như thế, gọi là Quảng Quả Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Từ cõi Phước Ái này lại chia hai đường, tức là có đường tẽ. Nếu dùng tâm sáng suốt thanh tịnh vô lượng ở trước mà tu chứng thì gọi là an trụ cái tịnh phước xả được viên mãn sáng suốt. Nhớ! Là trụ nơi tịnh phước, tức là cái phước thanh tịnh xả khổ xả vui viên mãn sáng suốt thì được vào cõi Quảng Quả Thiên, thọ 500 kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

Nếu đối với tâm trước kia nhàm chán cả cái khổ cái vui, tinh cần nghiên cứu tâm buông bỏ tương tục không gián đoạn, đi đến cùng tột sự buông bỏ, thân tâm đều diệt, ý nghĩ bặt mất trải qua năm trăm kiếp. Song người ấy đã lấy cái sanh diệt làm nhân, thì không thể phát minh tánh bất sanh bất diệt, nên nửa kiếp ban đầu diệt, nửa kiếp sau lại sanh; một loài như thế, gọi là Vô Tưởng Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Nghĩa là cứ một bề theo cái tâm xả đó rồi buông cho đến diệt cả thân tâm, bặt ý nghĩ; nhưng đây không phải là chỗ thật diệt mà do đè ép, giống như đá đè cỏ. Do sức định rồi buông, đè để diệt thân tâm, bặt ý nghĩ trong 500 kiếp. Tuy có sức định nhưng khi hết định thì phải sanh trở lại nhân gian nên cũng nằm trong sanh diệt.

Đây nói rõ là, do sự buông bỏ liên tục, buông bỏ cho đến thân tâm đều diệt, ý nghĩ bặt mất trải qua 500 kiếp. Song do người ấy đã lấy cái sanh diệt làm nhân, tức diệt cái này được cái kia, thành ra nó cũng nằm trong cái sanh diệt, không thể phát minh tánh bất sanh bất diệt. Như nửa kiếp ban đầu thì diệt, nửa kiếp sau lại sanh, cũng nằm trong sanh diệt, cõi này gọi là Vô Tưởng Thiên. Vô Tưởng với cõi Quảng Quả cũng thọ 500 kiếp.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Bốn loại tốt đó, tất cả các cảnh khổ vui trong thế gian không thể làm lay động được. Tuy không phải là chỗ chân thật bất động của đạo vô vi, song nơi tâm có sở đắc, công dụng đã thuần thục, nên gọi là Tứ Thiền.

GIẢNG GIẢI:

Cõi này khổ vui của thế gian không thể tới được. Bởi vì đây là xả khổ xả vui nhưng cũng là công phu tạo tác chứ không phải đạo chân thật, nên cũng nằm trong sanh diệt, thuộc ba cõi luân hồi. Ở đây, Phật nói rõ tuy không phải chỗ chân thật bất động của đạo vô vi, song nơi tâm có sở đắc, công dụng đã thuần thục, gọi là Tứ Thiền.

Đó cũng thuộc về thiền của thế gian là phàm phu thiền.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Trong đây lại có năm tầng Bất Hoàn Thiên, các vị này đã diệt hết tập khí chín phẩm trong cõi dưới, khổ vui đều hết, ở bên dưới không có chỗ ở nên an lập chỗ ở nơi chúng đồng phần của tâm buông bỏ.

GIẢNG GIẢI:

Cõi Tứ Thiền lại có riêng cõi Ngũ Tịnh Cư Thiên là Ngũ Bất Hoàn.

Đây là chỗ ở của những vị chứng quả A-na-hàm, các vị ấy ở đây tu hành rồi nhập vào Niết-bàn không còn trở lại Dục giới, gọi là Bất Lai. Do diệt hết tập khí chín phẩm ở cõi dưới, khổ vui đều hết, không còn chỗ ở bên dưới, nhưng chưa vào Niết-bàn nên lập chỗ ở nơi chúng đồng phần từ tâm buông bỏ của Tứ thiền này.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Khổ vui cả hai đều diệt, không còn tâm niệm đấu tranh; một loài như thế, gọi là Vô Phiền Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây là diệt cái tâm khổ vui, mà cũng quên cái tâm-diệt-luôn-đấu-tranh nữa mà vào cõi Vô Phiền Thiên, thọ 1000 kiếp.

CHÁNH VĂN:

Tự tại buông xả, không còn năng xả, sở xả; một loài như thế gọi là Vô Nhiệt Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Vô Nhiệt Thiên thì buông xả tự tại, chỉ còn nhất niệm, tức tâm cơ không còn đối đãi với chỗ xả, thọ 2000 kiếp.

CHÁNH VĂN:

Khéo thấy mười phương thế giới thảy đều đứng yên, lại không còn tất cả những cấu nhiễm trầm trọng của trần cảnh; một loài như thế gọi là Thiện Kiến Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Thiện Kiến Thiên định rất sâu. Đến đây rồi là định sâu xả tột nên thấy rộng khắp không ngại, mười phương thế giới thảy đều đứng yên, cõi này thọ 4000 kiếp.

CHÁNH VĂN:

Tri kiến thanh tịnh hiện tiền, nhồi nắn hun đúc không ngại; một loài như thế, gọi là Thiện Hiện Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Thiện Hiện Thiên thì cái thấy tinh diệu được hiện tiền, rồi khắp hiện thần túc vô ngại. Cõi này trùm khắp những thần túc vô ngại, là biến hiện nhỏ lớn đều tự tại, thọ 8000 kiếp.

CHÁNH VĂN:

Quán sát rốt ráo các cực vi cùng tột tánh của sắc pháp vào tánh không bờ bến; một loài như thế, gọi là Sắc Cứu Cánh Thiên.

GIẢNG GIẢI:

Sắc Cứu Cánh gọi là tột sắc tánh, đến mé không, là tột đảnh của Sắc giới. Sắc Cứu Cánh cũng gọi là cõi Hữu Đảnh, tột mé của Sắc giới, nhưng chưa qua được sắc, tiến bước nữa là vào Không giới. Cõi này thọ 16000 kiếp, ở trên đảnh của Sắc giới.

CHÁNH VĂN:

A-nan! Những bậc Bất Hoàn Thiên đó bốn vị Tứ Thiên Vương, Tứ Thiền chỉ được kính nghe, nhưng không thể thấy biết. Như hiện nay có các đạo tràng của chư Thánh nơi rừng sâu đồng rộng ở thế gian đều là nơi trụ trì của các vị A-la-hán, nhưng những người thô thiển ở thế gian không thể thấy được.

GIẢNG GIẢI:

Những cõi Ngũ Bất Hoàn Thiên này ở trong Tứ Thiền nhưng mà Tứ Thiền chỉ nghe mà chẳng thấy được. Cũng như các vị A-la-hán ở những nơi rừng sâu đồng vắng mà chúng ta không thấy được.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Mười tám cõi trời đó tâm thường ở trong định, không dính dáng với trần cảnh, song chưa hết cái lụy của hình hài. Từ đây trở lại gọi là Sắc giới.

GIẢNG GIẢI:

Nói chung mười tám cõi trời Sắc giới này đã vượt qua cảnh ngũ dục ở dục giới, tâm được vào thiền định, khổ vui không thể đến đây, nhưng chưa qua được sắc chất, cũng còn thuộc trong ba cõi. Do đó, chúng ta cần phải hết sức tu tập tinh cần, kỹ lưỡng, vì không khéo cũng sẽ lẫn quẩn không ra khỏi ba cõi.

Tiến lên vào Vô Sắc Giới.

 

CHÁNH VĂN:

Lại nữa, A-nan! Từ trong bờ mé sắc của trời Hữu Đảnh lại có hai đường tẽ. Nếu nơi tâm buông bỏ phát minh trí tuệ, trí tuệ sáng suốt được viên thông bèn ra khỏi cõi trần, thành A-la-hán vào Bồ-tát thừa; một loài như thế, gọi là Hồi Tâm Đại A-la-hán.

GIẢNG GIẢI:

Trời Hữu Đảnh là trời Sắc Cứu Cánh, có hai đường tẽ:

- Đường tẽ thứ nhất là nếu tu trí tuệ thành tựu được viên thông, vượt cõi trần lao, đoạn sạch mê lầm trong ba cõi thì thành A-la-hán. Nếu trong đó không tự cho là đủ, lại chuyển lên Bồ-tát thừa là thuộc về Hồi Tâm Đại A-la-hán, đó là đường tẽ ra khỏi luân hồi. Trong Lăng Nghiêm Chỉ Chưởng, có giải thêm lợi và độn A-la-hán: “Bậc A-la-hán lợi căn ở cõi trời Vô Phiền đoạn tư hoặc ở Tứ Thiền; rồi cõi Vô Nhiệt cho đến Sắc Cứu Cánh đoạn tư hoặc ở cõi Tứ Không. Từ Sắc Cứu Cánh mới chóng vượt lên Tứ Không mà chứng A-la-hán. Còn hạng độn căn là ở trong cõi trời Ngũ Bất Hoàn chỉ đoạn tư hoặc tàn dư của Tứ Thiền, còn lại 36 tư hoặc phải đợi đến Tứ Không mới đoạn. Tức là từ Sắc Cứu Cánh thì dần dần vượt đến cùng tột Tứ Không mà đoạn bốn địa tư hoặc mới thành A-la-hán”.

- Kế là đường tẽ thứ hai.

CHÁNH VĂN:

Nếu nơi tâm buông bỏ thành tựu được sự chán bỏ rồi lại cảm thấy cái thân là ngại, và tiêu cái ngăn ngại vào hư không; một loài như thế, gọi là Không Xứ.

GIẢNG GIẢI:

Tâm xả đã thành tựu, đến tột mé sắc rồi nhưng chưa qua khỏi sắc vẫn còn có thân nhưng vi tế, nên cũng còn thấy có ngại. Vì còn có sắc là còn có ngại. Do đó muốn tiêu luôn cái ngại để vào không, là theo nơi không mà bỏ cái sắc thì cũng nằm trong cái lấy bỏ nên thuộc vào Không Vô Biên Xứ. Kinh Hoa Nghiêm gọi là “Vượt lên tất cả sắc tưởng, diệt cái tưởng có đối, chẳng niệm mỗi thứ tưởng, vào hư không vô biên mà trụ nơi Không Vô Biên Xứ”. Ở đây thọ 20000 đại kiếp.

Nhưng chỗ này có một điểm hơi khó hiểu là từ cõi trời Hữu Đảnh tức là Sắc Cứu Cánh trong Ngũ Tịnh Cư Thiên thuộc về cõi trời Ngũ Bất Hoàn của những bậc A-na-hàm, sao lại có đi tẽ vào Không Vô Biên Xứ này? Đây là gợi ý cho người sau, ai thấy được sâu hơn nữa thì giải thích thêm chỗ này.

Cõi kế là Thức Vô Biên Xứ.

CHÁNH VĂN:

Các chất ngại đã tiêu trừ, cái không của không ngại cũng diệt, trong ấy chỉ còn lại thức A-lại-da và còn nguyên vẹn phân nửa vi tế của thức Mạt-na; một loài như thế gọi là Thức Xứ.

GIẢNG GIẢI:

Cõi này thọ 40000 đại kiếp. Thức Xứ tức Thức Vô Biên Xứ, cần hiểu kỹ chỗ này. Các ngại đã tiêu, rồi cái không của không ngại cũng diệt, chỉ còn lại thức, tức là vượt qua cái sắc ngại và luôn cả cái không của Không Vô Biên Xứ nhưng vẫn còn có thức. Lăng Nghiêm Chỉ Chưởng có giải thêm: “Thức Mạt-na lấy A-lại-da làm thể, chỉ có A-lại-da đây mới hay bảo toàn. Nay chỗ được lưu lại chính là chỗ Mạt-na được A-lại-da bảo toàn. Nói nửa phần vi tế là do thức Mạt-na bên ngoài duyên nơi thức thứ sáu có hành tướng thô. Còn bên trong duyên nơi thức thứ tám thì có hành tướng vi tế. Nay thức thứ sáu đã diệt thì thô hiển duyên bên ngoài với thức thứ sáu đã diệt, chỉ còn lại nửa phần vi tế duyên bên trong thức thứ tám”.

Đây gọi là còn nửa phần vi tế thức Mạt-na là chỗ đó. Tức nửa phần nó duyên theo ở trong thức thứ tám, còn nửa phần duyên theo thức thứ sáu bên ngoài bị diệt rồi. Đến định này, nó vượt qua Sắc giới vào Không giới nên không có duyên theo thức thứ sáu để phân biệt bên ngoài. Cho nên nửa phần duyên thức thứ sáu thì diệt, nhưng còn nửa phần vi tế duyên theo thức thức thứ tám vẫn còn, chúng ta mới thấy rất là vi tế.

Tuy chúng ta học nhưng thật sự cũng chưa biết tới, chỉ có những bậc có mức định sâu mới thấy được hết chỗ này. Cho nên, tâm thức chúng ta vi tế vô cùng chứ không phải tầm thường. Nhiều vị ngồi thiền được chút yên lặng, tưởng đâu tâm mình lặng rồi. Chưa đâu! Chỉ là tạm dừng phần thô, nhưng phần tế vẫn còn mà chưa thấy thấu tột thôi.

Kế đến Vô Sở Hữu Xứ.

 

CHÁNH VĂN:

Sắc và không đã hết, thức tâm đã diệt trừ, mười phương vắng lặng không còn gì nữa; một loài như thế, gọi là Vô Sở Hữu Xứ.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây sắc và không đều quên, thức cũng diệt. Tức ở cõi trời Không Vô Biên Xứ thì tiêu cái ngại của sắc, nhưng còn cái không; đến cõi Thức Xứ là cái không cũng quên luôn, chỉ còn cái thức. Đến đây thức cũng đã diệt. Vậy là phân nửa phần vi tế Mạt-na ở Thức Xứ đến đây cũng diệt. Nhưng diệt đây là do sức định nên được nép phục chứ không phải là chỗ thật đoạn. Nhớ kỹ! Đây cũng như lấy đá đè cỏ, nó bị nép phục tạm thời vậy thôi.

Đến đây chỉ còn là mười phương vắng lặng mênh mang không có gì, nhưng trí tuệ chưa có. Chính đây là chỗ ngoại đạo lầm chấp là Minh đế. Vì thấy đến đó là không còn biết gì nữa, nên chấp đó là chỗ ban đầu, chỉ dừng ngang đó.

Chỉ có Phật mới thấy thấu chỗ đó, Ngài suốt tột đến được chỗ chân tâm diệu viên minh. Bởi vậy, chúng ta mới thấy đúng là mình có phước duyên lớn mới được học Phật. Phật ra đời chỉ ra những chỗ sâu xa vi tế, nếu không có trí tuệ Phật chỉ ra đúng là tất cả cũng phải mù luôn, vì tu tới đây không biết gì nữa rồi. Đó là chỗ đắc ý của những vị này, nếu như các vị đó khéo chuyển lại, buông ngay chỗ đó, ngộ trở lại tự tánh là quá hay! Còn nếu dừng chỗ đó sẽ thế nào? Thì ở đây thọ 60000 đại kiếp rồi cũng trở lại luân hồi, công phu nhọc nhằn rốt cuộc cũng tan hết, thật rất đáng tiếc!

Kế là Phi Phi Tưởng Xứ.

 

CHÁNH VĂN:

Thức tánh vốn không lay động, lại dùng cái diệt mà diệt đến cùng, trong chỗ không thể hết mà phát minh nhận cho là hết, nên hình như còn mà chẳng phải còn, hình như hết mà chẳng phải hết; một loài như thế, gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây xem như tột thế gian mà chưa qua khỏi thế gian, hình như còn mà không phải còn, hình như hết mà không phải hết! Nếu thật hết là giải thoát rồi. Bởi thức tánh vốn chẳng lay động, vậy mà còn muốn dùng cái diệt để mà diệt thì sao? Thì thành động rồi! Đó là chỗ lầm mà không thấy được.

Hơn nữa, ở trước còn nửa phần Mạt-na vi tế duyên theo A-lại-da đã diệt nhưng A-lại-da thì có diệt được không? Chẳng lẽ muốn diệt A-lại-da nữa hay sao? Cho nên, đây muốn dùng cái diệt để diệt đến tận cùng nhưng mà tàng thức A-lại-da là căn bản thức, nó là thể của các thức thì sao phải diệt nó?

Vì muốn diệt mà diệt không được nên hình như hết mà không phải hết, hình như còn mà không phải còn, đó là chỗ lầm không qua khỏi được. Bởi vì nó cũng nằm trong công phu tạo tác. Còn trong Thiền tông, các Ngài chỉ ngay cái chỗ bất sanh bất diệt, xưa nay chưa từng sanh thì đâu có diệt, thành ra mới ngộ sanh diệt tức vô sanh. Khi Phật gặp ông Uất-đầu-lam-phất dạy đến chỗ này, Phật gạn hỏi tới cùng, thì thấy cũng còn cái ngã vi tế, nên chưa qua khỏi sanh tử luân hồi, Ngài mới từ giã đi. Đến đây, thọ 80000 đại kiếp, thời gian không biết bao nhiêu năm. Khi hết tuổi thọ này, sức định hết rồi cũng rớt vào luân hồi, uổng công phu!

Phật kết lại:

 

CHÁNH VĂN:

Những loài này đã xét cùng tột cái không nhưng không tột lý không; nếu từ Thánh đạo cõi trời Bất Hoàn mà xét cùng tột thì một loài như thế, gọi là Bất Hồi Tâm Độn A-la-hán. Nếu từ cõi trời Vô Tưởng và ngoại đạo mà xét cùng tột cái không, không biết trở về, mê lầm không nghe chánh pháp thì sẽ vào đường trầm luân”.

GIẢNG GIẢI:

Kết lại là đã xét cùng tột cái không nhưng không tột được lý, chỉ thuộc về công phu tạo tác lấy bỏ, tức là còn nằm trong sanh diệt không ra khỏi ba cõi. Còn nếu khéo thì từ cõi trời Bất Hoàn theo Thánh đạo mà xét cho cùng tột thì thành Bất Hồi Tâm Độn A-la-hán cũng thành giải thoát, là đi con đường chánh.

Nếu từ cõi trời Vô Tưởng chỉ nghiêng về một bên, xét đến cùng tột cái không mà không biết trở về, là nghiêng về bên cái không thì cũng đi vào đường luân hồi chịu trầm luân. Đó là chỗ cảnh tỉnh cho người tu cẩn thận để không phải rơi vào con đường tẽ nguy hiểm. Chúng ta tu theo đạo Phật, Phật dạy trung đạo là vậy; còn nhà thiền gọi là vượt qua có và không. Ngài Triệu Châu bảo: “Chỗ có Phật hãy chạy nhanh qua, chỗ không Phật cũng không dừng ở”.

Quả là phước duyên của chúng ta rất lớn lao mới được học Phật, được từ trí tuệ của Phật chỉ ra cho thấy được lối đi rõ ràng, vậy mà còn không chịu tu! Người tu không tinh tấn làm sao thấu hết những điều này để qua khỏi ba cõi. Như từ xưa đến nay đọc kỹ hành trạng của những vị tu hành chứng đạo, đâu có ai tu chơi chơi? Các vị đều phải hành công phu rất gian nan đâu có dễ dàng. Nói lý thì dễ như ngay sanh tử tức là Niết-bàn, nhưng tập khí sanh tử lâu đời từ vô thủy kiếp huân tập đến nay đã ăn sâu, nay muốn gạn lọc sạch đâu phải một hai ngày mà được.

Lại xét thêm một ưu điểm nữa là chúng ta đã bớt được thời gian nhọc nhằn tìm đạo. Khi xưa, vì trước Đức Phật chưa ai chứng đạo, chưa thấy được con đường đạo chân chánh, nên Phật phải dò dẫm mất nhiều thời gian. Như Ngài tu học theo các vị tiên v.v..., rồi khổ hạnh phải mất đến sáu năm, còn chúng ta hiện nay được qua hết những cái khó đó. Nói để cho tất cả thấy được duyên lành hi hữu của mình mà trân trọng!

Kết luận chung về chư Thiên.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: “A-nan! Các cõi trời ấy mỗi mỗi đều là những phàm phu hưởng sự báo đáp của nghiệp quả, và khi sự báo đáp hết thì trở vào trong luân hồi. Thiên Vương các cõi kia thường là Bồ-tát dùng pháp Tam-ma-đề lần lượt tiến lên hồi hướng về đường tu hành của Phật đạo.

GIẢNG GIẢI:

Nói chung, các cõi trời dù có phước sống lâu nhưng cũng nằm trong luân hồi, nên thuộc về phàm phu chưa được giải thoát; chỉ hưởng sự báo đáp của nghiệp quả. Tức là do đã tạo nhân rồi hưởng cái quả đó, và khi sự báo đáp hết là trở lại luân hồi. Tuy có những cõi trời Tứ Thiền hoặc là Tứ Không là cõi có công phu tu thiền định nhưng chưa đúng với Thánh đạo, được hưởng phước trời thời gian lâu rồi cũng trở lại luân hồi. Cho nên, quan trọng là hiểu rõ con đường Thánh đạo rồi tiến tu để ra khỏi sanh tử luân hồi. Đây nói thêm, phần nhiều những vị Thiên Vương vua các cõi trời ấy là những vị Bồ-tát gá vào báo thân đó mà lần lượt tiến tu hồi hướng về Phật đạo, như trong kinh Hoa Nghiêm đều có nói rõ.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Những cõi trời Tứ Không ấy, thân tâm diệt hết, định tánh hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả; từ đây đến cuối cùng, gọi là Vô Sắc Giới.

GIẢNG GIẢI:

Nói về những vị Bồ-tát gá báo thân để lần lượt tiến lên hồi hướng về Phật đạo, thường ở cõi Tứ Thiên Vương, Tứ Thiền, Lục Dục thuộc về Dục giới, Sắc giới, còn Tứ Không thì không có, bởi các vị ở cõi trời Tứ Không này là vô sắc không có thân. Đây nói những cõi trời Tứ Không thân tâm đều diệt, định tánh hiện tiền, không có sắc pháp của nghiệp quả.

Cõi Tứ Không nghiêng về định, nên thường gọi là Tứ Không Định. Khi định sâu hay phát ra quả sắc của định, tức ở trong định mà hiện khởi ra thân cảnh vi tế mà thọ dụng tự tại nhưng không có quả sắc của nghiệp, chỉ có quả sắc của định, do tâm định mà hiện ra, nên đây gọi là Vô sắc.

Tức thân cảnh thô do nghiệp báo cảm đến thì không có, mà đây chỉ do cái tự định phát thành vi tế. Như vậy, nghiêng về định diệt thân tâm, khi định đó hiện tiền thì chiêu cảm được định quả sắc vào trong cõi Vô sắc này. Cho thấy định mà không có tuệ, nên cũng nằm trong ba cõi chưa ra khỏi luân hồi.

 

CHÁNH VĂN:

Những cõi ấy đều do không rõ Diệu Giác Minh Tâm, tích chứa cái vọng giả dối phát sanh ra ba cõi, trong đó giả dối theo bảy loài mà chìm đắm và có thể thụ sanh cũng theo từng loại.

GIẢNG GIẢI:

Do mê tâm Diệu Giác Minh hay mê không nhận rõ được tâm thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu sẵn có chưa từng sanh diệt, mà chạy theo cái vọng rồi dối sanh trong ba cõi, chìm đắm trong sanh tử. Đó là chỗ đáng tiếc mà cũng là chỗ cần thức tỉnh để trở về.

Ở trong tâm vốn sẵn sáng suốt nhiệm mầu chưa từng sanh diệt nhưng lại không giữ được, mà bất giác khởi vọng thành lầm mê đi vào trong ba cõi sanh tử luân hồi theo từng loại sai biệt. Chỉ một chút đó thôi! Rất đáng tiếc. Chính vì vậy, nên cần thức tỉnh vượt khỏi ba cõi, trở về với tâm thể sáng suốt nhiệm mầu đó. Giống như chúng ta đang sống trong tỉnh táo sáng suốt không chịu, mê ngủ mộng thấy đủ thứ cảnh trong đó, rồi theo cảnh đó mà trôi lăn. Bởi khi mộng trôi lăn theo cảnh đó thì đâu còn nhớ cái tỉnh này. Mộng thì không thật, nhưng lúc mộng đâu biết là không thật, cũng tưởng là thật nên có tưởng khổ, vui sanh ra. Cuộc đời của con người chúng ta cũng giống y như cái mộng này.

Tuy phân chia từng loại có hơn kém, những loại thấp thuộc về kém phước, còn những loại cao trên thì có phước lớn hơn, nhưng tất cả đều ở trong hư vọng, đều không có thật ngã. Khi quán thấu rõ được vô ngã là chỗ ra khỏi sanh tử. Đã sống trong hư vọng không có thật ngã, vậy còn bám vào đó làm gì cho uổng phí thời gian? Tu tập những tầng trời, những tầng thiền định, khi đắc những cái định đó cũng là công phu không phải dễ, nhưng khổ nhọc lắm rốt cuộc cũng rớt trong luân hồi uổng nhọc công phu. Thay vì đó, chuyển qua tu Thánh đạo được giải thoát là rất hay!

Cho nên, đây muốn nhắc là cần ngộ trở lại tâm vốn sẵn sáng suốt nhiệm mầu, đó mới là việc cần làm, là việc quan trọng nhất, đó là chỗ Phật muốn chỉ. Kết lại, các cõi trời tuy là có hơn có kém, có phước sống lâu, cũng được vui sướng trong quả báo tốt, nhưng khi thời gian hưởng phước hết rồi cũng rớt trở lại. Chớ lầm ở trong đó!

Kế về các loại A-tu-la.

 

CHÁNH VĂN:

Lại nữa, A-nan! Trong tam giới đó, lại có bốn loài A-tu-la:

Nếu từ loài quỷ do sức bảo hộ chánh pháp được thần thông vào hư không thì giống A-tu-la này từ trứng sanh ra, thuộc về loài quỷ.

Nếu từ trong loài trời, do đức kém sa đọa chỗ ở gần với mặt trời, mặt trăng; loài A-tu-la này từ thai sanh ra, thuộc về loài người.

Có Vua A-tu-la nắm giữ thế giới sức mạnh đến chỗ không phải sợ ai, hay tranh quyền cùng với Phạm Vương, Đế-thích, Tứ Thiên Vương. Giống A-tu-la này nhân biến hóa mà có, thuộc về loài Trời.

A-nan! Riêng có một số A-tu-la thấp kém sanh trong lòng biển lớn, lặn dưới cửa thủy huyệt, ban ngày dạo chơi trên hư không, tối về ngủ dưới nước; giống A-tu-la này nhân thấp khí sanh ra, thuộc về loài súc sanh.

GIẢNG GIẢI:

A-tu-la cũng có bốn loại sanh: Loại từ trứng sanh, loại thai sanh, loại hóa sanh và loại thấp sanh. Tùy phước có hơn kém, mà năng lực của mỗi loại cũng có hơn kém. Thường trong các kinh nói loài A-tu-la nam rất xấu, nhưng A-tu-la nữ lại thật đẹp. Vốn do nghiệp sân hận, tật đố, thích hơn thua, đấu tranh cho nên sanh vào loài này cũng có phước nhưng thường chịu khổ.

Loại thứ nhất là loài A-tu-la thuộc về quỷ. Tuy có phước nhưng cũng thuộc về loài quỷ từ trứng sanh. Do có thiện tâm bảo hộ chánh pháp nên có phước nhiều hơn loài quỷ.

Loại thứ hai thuộc về loài người và phước hơn loài người. Loài này sống gần mặt trời, mặt trăng, tức là loài Trời nhưng đức kém nên bị sa đọa rớt xuống, loại này từ thai sanh ra. Chỗ ở của loài A-tu-la này thấp hơn cõi trời Địa Cư.

Loại thứ ba thuộc về loài Trời, từ hóa sanh. Loại này có uy thế lớn nên thường hay tranh quyền với trời. Loại này có thần thông, phước cũng lớn nhưng kém thua loài Trời.

Loại thứ tư thấp kém hơn, thuộc loại súc sanh từ thấp sanh, ở dưới đáy biển. Thọ mạng của những loại A-tu-la này cũng có hơn có kém, có loại sống 5000 tuổi, một ngày đêm của chúng bằng 500 năm ở nhân gian. Có loại sống đến 6000 tuổi, một ngày đêm bằng 600 năm ở nhân gian. Có loại sống đến 7000 tuổi, một ngày đêm của chúng bằng 700 năm ở nhân gian.

Ngài Hàm Thị giải thêm: “Xét về nhân, phần nhiều chúng không có đủ lòng tin Tam Bảo, ôm ấp tâm nghi ngờ đố kỵ, thường muốn hơn người khác, tăng trưởng giận tức, nên tuy có phước như Trời nhưng không bằng Trời, tuy có phước như người nhưng thường bị chướng ngại trong việc tiến đạo, tuy ở trong loài quỷ, loài súc nhưng thân nhẹ nhàng đi trên không. Nên biết, người tu hành phải thận trọng trong việc tu nhân, chớ để cho đi vào đường tẽ”.

Tức chúng sanh có công tu hành có phước, đáng lẽ giải thoát nhưng vì tâm hơn thua, rồi tâm đố kỵ, giận tức, cho nên đi vào đường tẽ A-tu-la. Vào loài này rồi do tập khí đố kỵ, giận tức, hơn thua cho nên thích đấu tranh, thích đánh nhau, càng tạo thêm nghiệp, quên mất công phu tu của mình, phải chìm sâu thêm. Do đó, người tu hành mà hay ôm lòng đố kỵ tranh hơn, nóng giận v.v... không khéo là đi vào loài A-tu-la, rất nguy hiểm!

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23359
  • Online: 75