Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 25 - KHAI THỊ CHỖ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI

14/10/2018 | Lượt xem: 3294

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

A-nan! Xét rõ bảy loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên và Trời cho đến A-tu-la như thế, đều là những tướng hữu vi tối tăm giả dối vọng tưởng thọ sanh, giả dối vọng tưởng theo nghiệp; đối với Diệu Viên Minh Bản Lai không năng tác sở tác, đều như hoa đốm giữa hư không vốn không dính dáng; chỉ một cái hư vọng chứ không cội gốc manh mối gì.

GIẢNG GIẢI:

Phật bảo: “Tuy nói nhiều loại từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên và Trời cho đến A-tu-la, nhưng đó đều là những tướng giả dối. Xưa nay tánh vốn sáng suốt nhiệm mầu không có năng tác sở tác, thì những cái này đối với trong đó giống như hoa đốm giữa hư không, không dính dáng”. Gọi là chỉ một cái hư vọng chứ không cội gốc manh mối gì.

Tóm lại, do mê lầm vọng sanh rồi cứ xoay vần theo cái vọng đó, gọi là “hoặc”, rồi theo đó mà tạo nghiệp và phải chịu khổ, rồi trở lại, tiếp tục mê lầm rồi tạo nghiệp chịu khổ thêm nữa, cứ thế, hoặc-nghiệp-khổ, ba thứ xoay vần mãi không ra khỏi. Chúng ta tu hành để phá vô minh, sạch cái hoặc, không tạo nghiệp là không chịu khổ thì ra khỏi vòng lẩn quẩn, thoát khỏi luân hồi. Còn không thì cứ ở trong đó, rốt ráo chỉ là sống trong hư vọng, rồi ở trong hư vọng chồng thêm những lớp hư vọng nữa, vậy toàn sống trong hư vọng. Do đó, Ngài A-nan khi giác rồi xoay nhìn lại thân xưa nay giống như là nhớ lại việc trong mộng.

Hay nói rõ hơn là tâm tánh xưa nay tuy ở trong sanh tử hư dối mà chưa từng thấy có sanh tử. Cái sanh tử này đối với cái tâm tánh xưa nay không dính dáng gì hết. “Tuy ở trong sanh tử nhưng mà chưa từng thấy có sanh tử”, đây là chỗ người tu hành cần phải tỏ ngộ trở lại để vượt thoát đường luân hồi. Nhưng kiểm lại rồi mới thấy lạ! Ai cũng thích cái thật, không ai thích cái giả nhưng lại không chịu bỏ cái vọng, đó là cái lạ! Mỗi người cần phải xét lại chỗ đó để thấy được cái mê lầm của mình mà vươn lên.


CHÁNH VĂN:

A-nan! Những chúng sanh đó không nhận được tâm tánh bản lai nên chịu luân hồi, như thế trải qua vô lượng kiếp mà không chứng được chân tánh thanh tịnh, đó đều do chúng thuận theo những nghiệp sát, đạo, dâm hoặc ngược lại ba cái này thì lại sanh ra không sát, không đạo, không dâm; có thì gọi là loài quỷ, không thì gọi là loài trời, có-không thay nhau phát khởi ra tánh luân hồi.

GIẢNG GIẢI:

Chỉ một chút xíu này thôi mà lẩn quẩn hoài trong ba cõi: Không nhận được tâm tánh xưa nay nên chịu luân hồi trải qua vô lượng kiếp, theo những nghiệp sát, đạo, dâm, hoặc ngược lại không sát, không đạo, không dâm; mà thành ra có lên có xuống xoay vần không ra khỏi.

Mới thấy, chỉ vì cái mê lầm hư vọng đó mà nhận theo những thứ vọng tưởng tạo nghiệp, rồi theo những nghiệp đó lên xuống xoay vần lẩn quẩn trong cái hư vọng để đành chịu khổ. Cái khổ này gọi là khổ-tưởng, khổ nhưng khổ trong cái tưởng chứ không phải là thật. Tức không thật mà tưởng thật thành ra khổ, nhưng chỉ là khổ-tưởng. Còn giác ngộ trở lại thì vượt thoát đường luân hồi. Nói đơn giản hơn là có cái thật mà không nhận lại nhận theo cái hư dối rồi cố chấp trong đó để tự hài lòng, đó là chỗ mà Phật gọi là thật đáng thương! Vậy mà không ai chịu tỉnh!

Do đó, mỗi người chúng ta khéo lắng lòng xét cho kỹ chỗ này xem có cảm thấu được tin tức giác ngộ chưa! Bởi vì cửa giác ngộ vẫn luôn luôn mở cho chúng ta, chưa từng đóng bao giờ. Chúng ta còn có nhiều cơ hội để giác ngộ nhưng không chịu thì đó là cái chướng, cái lầm mê của mình. Đây Phật mới dạy thêm.


CHÁNH VĂN:

Nếu người khéo tu tập, phát huy pháp Tam-ma-đề thì bản tánh thường diệu thường tịch, cái có, cái không đều không, không không cũng diệt. Còn không có gì là chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm, làm sao lại thuận theo việc sát, đạo, dâm?

GIẢNG GIẢI:

Phát huy pháp Tam-ma-đề, thì bản tánh thường diệu thường tịch, tức thường nhiệm mầu thường vắng lặng, trong đó cái có, cái không đều không, rồi cái không của có và không cũng diệt luôn, thì còn chỗ nào để bám nữa. Gọi là còn không có gì là chẳng sát, chẳng đạo, chẳng dâm, huống là có sát, đạo, dâm. Vậy, nếu người khéo tu tập đúng với chánh pháp, đúng với Thánh đạo sẽ phát minh tâm tánh nhiệm mầu chưa từng sanh diệt, vượt qua có và không, sạch hết dấu vết của sát đạo dâm. Đó là chỗ trở về với Phật, trở về với nguồn gốc chân thật xưa nay.


CHÁNH VĂN:

A-nan! Không đoạn được ba nghiệp thì mỗi mỗi chúng sanh đều có phận riêng, nhân những cái riêng ấy mà quả báo đồng phần chung của cái riêng chẳng phải là không có chỗ nhất định, đó là do vọng kiến của tự mình phát sanh; hư vọng phát sanh vốn không có nhân, không thể tìm xét nguồn gốc được.

GIẢNG GIẢI:

Khi tạo thì tạo nghiệp riêng, nhưng có nhiều nghiệp riêng giống nhau, như cùng tạo nghiệp cõi trời, thì có cõi trời cho mình đến, cùng tạo nghiệp địa ngục thì có địa ngục cho mình đến. Thành ra những cái riêng đó chung lại thành có chỗ đồng phần. Còn ở trong mê thì thấy rõ ràng có cõi trời, có cõi địa ngục, có cõi ngạ quỷ, súc sanh đủ cho mình đến, nhưng rốt ráo chỉ do cái vọng kiến bất giác phát sanh, không thể tìm xét nguồn gốc của nó. Bởi vì nó là vọng, mà vọng thì đâu có cội gốc, nếu có cội gốc thì thành thật rồi! Vậy tức tột vọng là chân chứ không có gì khác. Khi giác ngộ thấy thấu suốt tột cái vọng tức là chân, không phải riêng ngoài cái vọng mà có cái chân.

Chỗ người ta hay lầm là tu bỏ vọng về chân, giống như có cái chân và cái vọng hai thể riêng biệt, như vậy thì lại thêm cái vọng nữa. Còn đây thấy rõ tột vọng tức là chân, không có chân nào khác. Vậy cái vọng đâu có chỗ mà đứng thì mất dấu cái vọng thôi. Đó là lẽ thật mà cũng là tinh thần của Đốn ngộ. Học kỹ kinh này rồi, mới thấy được những ý sâu xa Phật đã dạy.


CHÁNH VĂN:

Ông khuyên người tu hành muốn được đạo Bồ-đề, cần yếu phải đoạn trừ ba thứ mê lầm; ba thứ mê lầm nếu không hết, dù có được thần thông đều là những dụng công hữu vi của thế gian. Tập khí mê lầm nếu không dứt trừ thì phải lạc vào đường ma; tuy muốn trừ vọng lại càng tăng thêm giả dối, Như Lai bảo là rất đáng thương xót! Như thế đều do vọng kiến tự mình tạo ra chứ không phải lỗi của tánh Bồ-đề. 

Người nói như thế ấy, tức là lời nói chân chánh; nếu nói khác đi tức là lời của Ma vương. 

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật kết lại, người tu hành muốn được đạo Bồ-đề, cần yếu phải đoạn trừ ba thứ mê lầm; tức là sát, đạo, dâm. Nếu tu hành mà không đoạn sát, đạo, dâm thì phải lạc vào đường tà thật đáng thương xót. Phật nói rằng, dù tu có được thần thông đi nữa thì cũng lẩn quẩn trong luân hồi thôi. Chúng ta thấy, tu mà không trừ dâm dục, không trừ trộm cướp, không trừ sát sanh thì dù có công phu nhưng rồi cũng đi lạc. Nhưng rồi Ngài cũng nói, đó đều do vọng kiến tự mình tạo ra chứ không phải lỗi của tánh Bồ-đề, Bồ-đề không dạy chúng ta cái đó. Cho nên, cần phải khéo tu hành chân chánh để giác ngộ trở lại tánh Bồ-đề thì đó mới là yếu chỉ.

Kế Phật dạy về những ma sự.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89099
  • Online: 47