Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 01: BẢY CHỖ HỎI TÂM

07/03/2018 | Lượt xem: 3601

Tác giả: Thích Thông Phương

Dịch giả: Thích Phước Hảo

PHẦN 02: CHÁNH TÔNG

MỤC 01: BẢY CHỖ HỎI TÂM

CHÁNH VĂN:

Phật bảo ông A-nan:"Ông với Tôi là anh em đồng một dòng họ. Khi mới phát tâm đối với giáo pháp của Tôi, ông do thấy tướng thù thắng gì mà bỏ ái ân sâu nặng thế gian để đi xuất gia?"

A-nan bạch Phật:"Bạch Thế Tôn! Do con thấy ba mươi hai tướng tốt của Đức Thế Tôn thù thắng tuyệt vời, hình thể sáng chói như ngọc lưu ly, con thường tự suy nghĩ, tướng tốt này không phải do ái dục mà sanh. Tại sao? Vì thứ dâm dục thô trược giao cấu nhơ bẩn, tinh huyết lẫn lộn chẳng thể phát sanh thân thể thù thắng trong sạch sáng ngời như khối vàng tía này, do đó mà con khát ngưỡng cạo tóc theo Phật xuất gia".

GIẢNG GIẢI:

Đây là Phật gạn hỏi về nguyên do Ngài A-nan phát tâm đi xuất gia. Trước khi xuất gia, Đức Phật là Thái tử con vua Tịnh Phạn, Ngài A-nan là con vua Hộc Phạn. Vua Tịnh Phạn với vua Hộc Phạn là hai anh em ruột. Nếu xét theo huyết thống thì Đức Phật và Ngài A-nan là anh em chú bác, là cùng dòng họ.Phật hỏi Ngài A-nan:"Khi mới phát tâm xuất gia thì đối với giáo pháp của tôi, ông thấy tướng thù thắng gì mà dám bỏ những ân ái sâu nặng ở thế gian mà xuất gia?". Đây là Phật bắt mạch để tìm bệnh. Xem vậy, chỗ phát tâm ban đầu cũng rất quan trọng.

Ngài A-nan đáp:"Con do thấy ba mươi hai tướng tốt của Đức Phật rất thù thắng tuyệt vời, hình thể sáng chói như ngọc lưu ly nên ưa thích", rồi mới nghĩ thêm."Như vậy, cái tướng tốt này không thể do từ ái dục của cha mẹ mà sanh ra. Chỗ  dâm dục thô trược như vậy không thể sanh ra một thân thể thù thắng, tốt đẹp như vậy được".Tức là trong đó phải có cái gì siêu xuất hoặc công đức gì ẩn trong đó. Chính chỗ này là nhân lành sâu xa khiến Phật còn cứu được Ngài A-nan sau khi Ngài mắc nạn. Nếu chỉ thấy tướng tốt mà đi xuất gia thì bị sắc tướng mê hoặc.

Để giúp cho Ngài A-nan cũng như mọi người thấy lại con đường về, cũng ngay cái thấy và tâm suy nghĩ này, Phật mới gạn lại:

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo:"Lành thay, A-nan! Các ông phải biết: Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử tiếp nối đều do chẳng biết Chân tâm thường trụ, tánh thể trong sạch sáng suốt mà nhận các vọng tưởng, các tưởng này không phải chân thật, nên bị luân chuyển.

GIẢNG GIẢI:

Lành thay tức là Phật khen Ngài A-nan thật thà có sao nói vậy. Chính chỗ đó Phật biết mới khai thị cho. Chúng sanh, có mình ở trong đó. Mình đã làm chúng sanh từ lâu xa như vậy mà ít ai biết để ghê sợ. Mắt Phật thấy chúng sanh luân hồi sanh tử dài từ vô thủy đến nay, trong đó vẫn có cái Chân Tâm thường trụ, tánh thể trong sạch sáng suốt. Tức là có cái chưa từng bị sanh tử, chưa từng bị ô nhiễm nhưng ít ai biết được, mà lại nhận các  thứ vọng tưởng hư dối, lăng xăng, sanh diệt nên mới lưu chuyển mãi như vậy. Đó là chỗ Phật gợi ý.

Ngay đây, nếu người lanh lợi, khéo biết thì trở về. Đây là chỗ chư Phật thương xót,  hiện ra đời  để đánh thức tất cả chúng sanh thức tỉnh trở lại. Phật chỉ rõ:" Trong cái vọng có cái chân, hay là trong cái mê có cái giác để cho chúng sanh chớ lầm theo cái mê bỏ cái giác". Đó gọi là bối giác hợp trần. Bây giờ ngược trở lại, phải bối trần hợp giác. Tức là xoay lưng  lại trần, quay về với giác. Nghĩa là không bỏ cái Chân Tâm thường trụ mà theo tập khí mê lầm nữa.

Mình học, cũng phải học cho thấu chứ không phải học trên chữ nghĩa. Nói là Chân Tâm thường trụ, nói là tánh thể trong sạch sáng suốt. Vậy cái gì là Chân Tâm thường trụ? Cái gì là tánh thể trong sạch sáng suốt? Nghe nói có cái Chân Tâm thường trụ thì hiểu có cái Chân Tâm thường trụ, coi như xong; không phải vậy. Cần phải làm sao thấu suốt cái gì là Chân Tâm thường trụ, cái gì là tánh thể trong sạch sáng suốt thì mới được!

Đây cũng gợi ý, Chân Tâm thường trụ chính là"cái biết sẵn có xưa nay" chứ không gì khác. Do sẵn có xưa nay nên gọi là thường trụ. "Cái biết sẵn có" tức là cái thật, không phải sanh sau này. Nó không thuộc các duyên, không nhờ các đối tượng mà thành.Tánh thể trong sạch sáng suốt cũng chính là "cái thể biết lặng lẽ không đổi thay", không thuộc động tịnh. Nó biết tất cả nhưng vẫn nguyên vẹn là nó thôi. Như vậy mới gọi là tánh thể trong sạch sáng suốt. Đó là chỗ mình phải khéo  sáng tỏ trở lại, là quay trở về gốc.

Chúng sanh vì mê thể biết này, khởi ra các thứ tưởng rồi theo vật, theo duyên mới đành lưu chuyển không dừng. Nếu ngay đó quên duyên, nhận thật trở lại thì liền chuyển mê thành giác, không có cái thứ hai nào khác chen  vào. Cho nên gọi ngay trong vọng có chân, không phải ngoài vọng riêng có chân, hay là ngoài chân riêng có vọng. Chỗ này trong nhà thiền, các vị Thiền sư thường đánh thức cho người học.

Ngài  Linh Mộc khi đến tham vấn với Hòa thượng Thạch Đầu. Tham vấn không khế hợp, Ngài từ giã ra đi. Hòa thượng Thạch Đầu đi ra theo tới cổng, bất ngờ gọi:

- Xà lê!

Linh Mặc nghe gọi, quay đầu ngó lại.

Hòa thượng Thạch Đầu bảo:

Từ sanh đến tử chỉ là thế ấy, xoay đầu chuyển não làm gì.

Ngay đó Linh Mặc liền tỏ ngộ.

Đang mê, nghe gọi, xoay đầu, rồi nghe câu nói nhắc như vậy thì liền tỏ ngộ. Vậy cái ngộ đó từ đâu lại? Rõ ràng ngay trong vọng có chân, đâu phải cái gì khác. Nếu thật sự có cái khác, phải đợi thời gian. Chỗ này, mỗi người, mỗi người phải tham cứu cho thật kỹ, chớ bỏ qua. Bỏ qua rất đáng tiếc. Phải nhớ để sáng tỏ chỗ này, chân và vọng không lầm nữa. Kế, Phật bảo:

CHÁNH VĂN:

Nay ông muốn nghiên cứu quả Vô thượng Bồ-đề, phát minh chân tánh, nên phải trực tâm đáp lời Tôi hỏi. Mười phương các Đức Như Lai được ra khỏi sanh tử là đều bởi một con đường trực tâm. Tâm và lời nói đều ngay thẳng, như thế trải qua các địa vị trước sau, trong khoảng giữa vẫn không tướng cong vạy.

Này A-nan! Nay tôi hỏi ông:" Chính khi ông phát tâm, do nơi ông thấy ba mươi hai tướng tốt của Như Lai, vậy ông đem cái gì để thấy và lấy cái gì để ưa thích?".

GIẢNG GIẢI:

Phật bảo nếu muốn nghiên cứu để tiến đến quả Vô thượng Bồ-đề, phát minh ra chân tánh thì phải trực tâm đáp lời ngài hỏi. Đó là Ngài muốn nhắc trước, phải dùng trực tâm đáp lời Ngài hỏi. Trực tâm là tâm ngay thẳng, chân chất, không cong quẹo, là tâm và lời nói đều ngay thẳng. Trải qua các địa vị trước sau, trong khoảng giữa đó cũng không có tướng cong quẹo, chỉ một lòng thôi, không thay đổi. Nếu bỏ trực tâm dùng tâm cong quẹo, đó là đi lệch ra ngoài con đường Vô thượng Bồ-đề. Mỗi người cần phải nhớ kỹ điều đó.

Hiện tại cũng vậy, từ lúc mới phát tâm xuất gia cho tới hết cuộc đời cũng là một tâm thôi, không sanh hai lòng, không thay đổi thì bảo đảm con đường tu của mình chắc chắn có kết quả tốt đẹp.

Ngài Hiền Thủ có nói:"Trực tâm là tâm hướng về lý, không chia ra đường tẽ. Phát tâm là đầu, đến quả cứu cánh là cuối, trong khoảng giữa tuyệt nhiên không có con đường tẽ nào. Đó là trực tâm".

Tổ Quy Sơn cũng từng bảo:"Phàm tâm của người học đạo phải ngay thẳng, chân thật, không dối gạt, không có tâm sau lưng trước mặt lừa phỉnh. Trong tất cả giờ thấy nghe bình thường, không chìu uốn ( chìu uốn tức là cong queo), cũng không phải nhắm mắt bịt tai, chỉ  là lòng chẳng chạy theo vật là được:.

Trước khi giải thích, Đức Phật nhắc trước là phải giữ trực tâm.

Phật hỏi lại Ngài A-nan:" Chính khi ông phát tâm là do ông thấy ba mươi hai tướng tốt của Như Lai, vậy ông đem cái gì thấy và lấy cái gì ưa thích?". Đó là chỗ Phật muốn hỏi kỹ lại để khai thác ra. Chỗ này cần phải ngay thẳng, chân thật mà đáp, không được có tâm quanh co làm mất đi sự trong sáng. Phật đã nói rõ mười phương Như Lai được ra khỏi con đường sanh tử cũng con đường trực tâm thôi.

Ở đây phải chú ý câu"đem cái gì thấy, lấy cái gì ưa thích?". Tức là dường như có chia ra cái thấy và tâm là hai thứ. Đó là cái bẫy mà người chưa thật sáng ắt rơi vào bẫy liền.

CHÁNH VĂN:

A-nan bạch Phật:" Bạch Đức Thế Tôn! Sự yêu thích như  thế là do tâm và mắt của con. Do mắt thấy tướng tốt của Như Lai, tâm sanh ưa thích, nên con phát tâm nguyện xả sanh tử".

GIẢNG GIẢI:

Vậy là lọt bẫy rồi! Do mắt thấy tướng tốt của Như Lai, tâm sanh ưa thích, phát tâm xả sanh tử, xuất gia tu hành. Có tâm nguyện xả sanh tử là tốt. Nhưng lại kẹt vào tâm và con măt, tức cái thấy có phân hai, có trong có ngoài, có đây có kia. Chỗ Đức Phật gạn đã lộ ra.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan:" Như ông đã nói, thật chỗ ưa thích là do tâm và mắt, nếu chẳng biết tâm và mắt ở chỗ nào thì không thể hàng phục được trần lao.  Ví như vị quốc vương bị giặc đến xâm chiếm, muốn đem binh trừ dẹp, binh ấy cần  phải biết chỗ giặc ở thì mới có thể dẹp trừ. Cái khiến cho ông lưu chuyển chính là lỗi ở tâm và mắt. Vậy nay Tôi hỏi: tâm và mắt hiện ở chỗ nào?" 

GIẢNG GIẢI:

Lầm giặc chính là tâm và mắt. Mình cũng vậy, mắt thấy, tâm sinh yêu ghét; đó là chỗ lầm giặc, là chỗ vào trần  lao, trôi lăn lưu chuyển, luân hồi. Biết mới dẹp được giặc.

*Chấp tâm ở trong thân:

Từ đây, Phật gạn trở lại để nhổ cái gốc mê lầm theo cảnh, trở lại nguồn chân thật thanh tịnh xưa nay. Chỗ này mỗi người phải xét cho thật kỹ.

 

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan bạch Phật:" Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả mười loài dị sanh trong thế gian đồng cho rằng thức tâm ở trong thân. Thiết nghĩ con mắt như hoa sen xanh của Như Lai cũng ở trên mặt của Phật. Nay con xem cái căn thô phù của bốn trần này cũng chỉ ở trên mặt của con, cái thức tâm như  thế thật là ở trong thân con.

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan đại diện cho thường tình của thế gian để trả lời Phật là tâm ở trong thân. Ngài dẫn đây không phải là cái thấy riêng của con mà tất cả mười loài dị sanh ở trong thế gian đều cho là cái thức tâm ở trong thân. Chúng sanh có tất cả mười hai loại, trừ ra hai loại Vô sắc và Vô tưởng (loại không tán và tiêu trầm là loại Vô sắc, Vô sắc là không có tướng sắc thân, không có tướng sắc thân thì đâu có trong thân, loại tinh thần hóa làm đất cây, vàng đá thuộc về Vô tưởng, không hiện ra tâm tướng) còn lại mười loại. Vậy là Ngài A-nan kéo hết mọi người, mọi chúng sanh vào, để được nghe Phật giải, để thấy chỗ lầm của mình.

Ngài lại dẫn thực tế hơn nữa. Con mắt thịt này là căn thô phù bên ngoài.Con mắt như hoa sen xanh của Phật cũng ở trên mặt của Phật. Cũng vậy, con mắt của con cũng ở trên mặt của con, còn cái thức tâm thì ở trong thân của con. Coi như đó là cái hiểu chung chứ không phải riêng Ngài. Con mắt thấy thì ở trên mặt, còn thức tâm thì ở trong, tức là có trong có ngoài, một tâm chia thành hai. Nói con mắt thấy chứ sự thật con mắt đâu biết thấy, tâm mới thấy. Ngay đó đã lầm rồi. Ngài A-nan thấy sao mà nói ra điều này? Đây là Ngài suy tưởng, tức thuộc về cái thức chứ không phải thật thấy. Chính vì cái suy tưởng thuộc về thức cho nên Phật sẽ gạn phá.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Nay ông hiện ngồi trong giảng đường của Như Lai thì ông hãy xem rừng Kỳ-đà ở chỗ nào?"

GIẢNG GIẢI:

Đức Phật cùng với đại chúng ngồi trong giảng đường, bên ngoài là rừng cây của ông Kỳ-đà. Phật bảo ông A-nan hãy xem rừng Kỳ-đà ở chỗ nào.

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan bạch:"Bạch Đức Thế Tôn! Giảng đường lớn có nhiều tầng thanh tịnh này ở trong vườn ông Cấp Cô Độc, rừng Kỳ-đà nay thật là ở ngoài giảng đường".

GIẢNG GIẢI:

Đây là giảng đường lớn có tới bảy tầng, là một giảng đường quy mô. Giảng đường này ở trong vườn ông Cấp Cô Độc, mọi người ngồi ở trong giảng đường. Còn rừng cây thì ở ngoài giảng đường.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo:"A-nan! Nay ông ở trong giảng đường thì trước hết ông thấy cái gì?"

Ngài A-nan đáp: "Bạch Đức Thế Tôn! Con ở trong giảng đường trước là thấy Như Lai, kế thấy đại chúng, khi nhìn ra ngoài mới trông thấy rừng cây:.

GIẢNG GIẢI:

Đó là lẽ thật. Ngài A-nan thấy sao nói vậy. Mình cũng nói vậy thôi.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: "Này A-nan! Ông xem thấy rừng cây, nhân đâu mà có thấy?"

Ngài A-nan bạch: "Bạch Đức Thế Tôn! Giảng đường lớn này do cửa mở rộng, con ở trong giảng đường thấy suốt ngoài xa".

GIẢNG GIẢI:

Trước khi phá, Đức Phật đem việc trước mắt gạn hỏi cho Ngài A-nan đáp. Đáp xong, ngay đó Phật chỉ ra. Đó là cách khéo léo. Việc trước mắt là mọi người ngồi trong giảng đường, bên ngoài là rừng cây. Ngồi trong giảng đường thì trước phải thấy Phật, rồi thấy đại chúng, nhìn ra ngoài cửa sổ mới thấy rừng cây bên ngoài, thứ tự rõ ràng như vậy.

CHÁNH VĂN:

Khi ấy, Đức Thế Tôn ở trong đại chúng duỗi cánh tay sắc vào xoa đầu ông A-nan và cả đại chúng:" Ta có pháp Tam-ma-đề gọi là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương đầy đủ muôn hạnh, là một cửa siêu xuất của mười phương các Đức Như Lai tiến lên quả vị nhiệm mầu, nay các ông phải nghe kỹ".

A-nan đảnh lễ kính nhận lời Phật dạy.

GIẢNG GIẢI:

Quả vị nhiệm mầu nguyên văn chữ Hán là "diệu trang nghiêm lộ" tức là con đường diệu trang nghiêm. Đây là dịch hơi thoát.

Lẽ thật ngược lại với cái thấy hiểu thông thường của mỗi người. Ngài A-nan nói mười loại chúng sanh cũng thấy hiểu như vậy, bây giờ Phật sắp bác về cái hiểu này. Mọi người sẽ phải chới với, sẽ bối rối, cho nên Phật an ủi trước  bằng cách đưa tay xoa đầu Ngài A-nan, tức an ủi ông, đừng lo, đừng bối rối. Giống như người cha an ủi con, lấy tay xoa đầu. Đồng thời Đức Phật cũng nêu ra có một pháp tên là Tam-ma-đề tức Chánh định, có chỗ dịch là Đẳng trì. Là pháp Chánh định tên Đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương. Đại định này là vua trong các định nên gọi là Vương. Chữ "Vương" cũng có nghĩa là tự tại. Đây là cửa siêu xuất của mười phương Như Lai để tiến lên thành Phật. Những cái khác bị phá đi còn định này không gì phá được, lại hay phá được tất cả cho nên gọi là đại định rốt ráo kiên cố, là Vua trong các định; nó sâu xa, khó thấy như đảnh tướng của Phật. An trụ trong định này không có gì phá hoại được.

Như vậy, định này là định gì mà năng lực lớn quá như vậy? Đó là Tự tánh định chứ không gì hết. Tự tánh định nhiếp thu hết các định. Đó là chỗ sống của mười phương Như Lai. Mười phương Như Lai từ ở trong đây mà thành tựu quả vị nhiệm mầu, tức là con đường tiến lên diệu trang nghiêm.

Cái gì gọi là "diệu trang nghiêm"? Trang nghiêm mà diệu, mầu nhiệm. Tức là trang nghiêm mà không có gì có thể trang  nghiêm được mới gọi là diệu, là  kiên cố; muôn hạnh từ đó ứng ra đầy đủ. Còn cái gì có thể trang nghiêm được tức cái đó bị tạo tác, hết gọi là diệu.

Định này là định trong tự tánh, gọi là tự tánh tâm. Nghĩa là khi tâm lặng lẽ là trở về Tự tánh định này. Nếu rõ được đại định này như vậy đó thì chỗ ông nói mắt thấy,  tâm nghĩ thì mắt và tâm so với định này đâu có đáng kể gì, nếu bị phá cũng không sao. Vì vậy, Phật đưa ra cái này trước. Mới thấy Phật rất khéo.

Trong nhà thiền  có câu chuyện ông thầy Tri viên hỏi Thiền sư Duyên Quán:

- Khi giặc nhà khó giữ thì thế nào?

Sư đáp:

- Biết được thì chẳng phải oan gia.

Giặc nhà tức là giặc ở trong nhà, khi biết được thì nó cũng là người ở trong nhà thôi, không phải là oan gia.

Ông tăng hỏi thêm:

- Sau khi biết được thì sao?

Thiền sư Duyên Quán đáp:

- Đày đến nước vô sanh.

Biết được nó trong nhà, không theo nó nữa thì đưa đến nước vô sanh rồi.

Ông tăng hỏi thêm:

- Vậy, đâu không phải là chỗ y được an thân lập mạng?

Đó là chỗ sống rồi.

Thiền sư Duyên Quán đáp:

- (Nhưng) nước chết không chứa được rồng.

Nếu trụ trong cái chỗ vô sanh đó cũng là nước chết thôi, tức là một bên thôi.

Ông tăng hỏi:

- Vậy thế nào mới là nước sống chứa rồng?

Thiền sư Duyên Quán đáp:

- Dậy mòi mà không thành sóng.

Tức là dù ở trong động mà không có gì làm động được hết mới là chỗ thật. Nếu chỉ dừng ở chỗ vô sanh là nước chết.

Ông tăng hỏi thêm:

- Như vậy bỗng khi gặp đầm nghiêng núi đổ thì sao?

Thiền sư Duyên Quán bước xuống giường thiền, nắm đứng lại bảo:

- Chớ nói ướt góc ca-sa của Lão Tăng.

Dù cho đầm nghiêng, núi đổ cũng không động đến góc áo ca-sa mới đúng thật là kiên cố, không có gì làm lay động. Đến trong đây vượt ra ngoài cả động tịnh. Không có gì động đến được mới gọi là đại định rốt ráo kiên cố. Thấu được chỗ này sẽ rõ đại  định này. Chỗ này vượt xa chữ nghĩa. Phải thực tu đàng hoàng, không phải ngồi đó nói trên miệng.

Nhưng vì lòng từ của Đức Như Laii, Ngài từ chỗ không thể nói mà phương tiện nói. Nếu cứ im lặng không nói thì ai biết! Nên mới bảo: "Các ông phải lắng nghe cho kỹ". Ngài A-nan cũng chân thành đảnh lễ nhận lời Phật dạy, tức là hết sức trân trọng.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan:" Như ông vừa nói, thân ở trong giảng đường là do cửa mở rộng nhìn xa thì thấy vườn rừng. Lại có người ở trong giảng đường này chẳng thấy Như Lai mà thấy vật bên ngoài chăng?".

GIẢNG GIẢI:

Phật bắt đầu hỏi lại, cung để cho Ngài A-nan tự trả lời. Sau cùng tự ông chấp nhận, tự ông thấy lý của ông sai thôi. Phật bảo A-nan:"Như ông vừa nói thân ngồi ở trong giảng đường do cửa mở rộng thấy vườn rừng bên ngoài. Bây giờ đặt trường hợp có người nào ở trong giảng đường này mà không thấy Như Lai, không thấy đại chúng, lại thấy bên ngoài. Có chuyện đó không?.

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan thưa:"Bạch Thế Tôn! Ở trong giảng đường  chẳng thấy Như Lai mà thấy rừng suối (bên ngoài) là không có lý".

GIẢNG GIẢI:

Đó là Ngài tự bác Ngài rồi.

CHÁNH VĂN:

Phật bảo:" Này A-nan! Ông cũng như vậy, tâm linh của ông thì tất cả đều sáng suốt rõ ràng. Nếu tâm sáng suốt rõ ràng, hiện tiền thật ở trong thân ông, thì trước nó phải biết ở trong thân ông. Vả lại, có chúng sanh nào trước thấy trong thân rồi sau mới thấy cảnh vật bên ngoài chăng? Dầu chẳng thấy ti, gan, tỳ, vị, nhưng móng tay ra, tóc dài, gân chuyển, mạch động lẽ ra cũng phải biết. Vì sao chẳng biết? Đã không biết trong thân thì làm sao biết vật ngoài thân? Thế nên phải biết ông nói tâm hay hiểu biết này ở trông thân ông thật không có lẽ vậy.

GIẢNG GIẢI:

Phật nói rõ tâm có tánh linh cho nên gọi là tâm linh.Nó vốn hiểu biết, sáng suốt, rõ ràng. Nó ở trong thân thì phải thấy trong thân trước rồi mới thấy bên ngoài. Nhưng ông có thấy trong thân không, hay chỉ thấy bên ngoài, mà nói tâm ở trong thân. Giả sử nó không thấy được tim, gan, tỳ, vị nhưng móng tay ra, tóc dài, gân chuyển động nó cũng phải biết vì nó ở trong thân. Tại sao nó không biết gì hết vậy? Không thấy ở trong thân mà thấy ở bên ngoài là chuyên vô lý. Vậy ông nói tâm ở trong thân nghĩa là sao? Mới thấy Đức Phật rất khéo. Ngài không trả lời mà cứ hỏi để cho A-nan trả lời, trả lời xong coi như tự Ngài bác Ngài thôi. Đó là Phật bác lý tâm ở trong thân.


*Chấp tâm ở ngoài thân:

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan cúi đầu đảnh lễ, bạch Phật:" Bạch Đức Thế Tôn! Con nghe pháp âm của Đức Như Lai như thế nên hiểu biết tâm con thật ở ngoài thân. Tại sao? Ví như ngọn đèn sáng, nếu đốt ở trong nhà thì đèn trước ắt phải chiếu trong nhà, rồi theo cửa ánh sáng mới chiếu ra ngoài sân. Tất cả chúng sanh sở dĩ chẳng thấy ở trong thân mà chỉ thấy ngoài thân, cũng như ngọn đèn sáng để ngoài nhà, nên không soi sáng trong nhà. Nghĩa này hẳn đã rõ ràng không lầm, chưa biết có đúng với nghĩa lý rốt ráo của Phật nói hay không ?".

GIẢNG GIẢI:

Cũng còn do dự. Rõ ràng Ngài còn sống trong tâm thức suy tưởng cho nên nói trong không được thì nói ngoài.

Ngài cũng có lý của Ngài. Thí dụ như ngọn đèn đốt trong nhà thì phải chiếu sáng ở trong rồi mới chiếu sáng ra bên ngoài. Còn như ngọn đèn để bên ngoài thì chỉ  soi sáng bên ngoài, không soi sáng bên trong. Đó là cái lý, nhưng cũng do suy tưởng. Tâm không hình tướng, mà  dụ như ngọn đèn thì  chưa phải. Đây là Ngài đại diện cho mình, những người còn chấp trong ngoài thì phải kiểm lại. Phật phá tiếp.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Vừa rồi, các thầy Tỳ-kheo theo Tôi đi khất thực trong thành Thất-la-phiệt, nay đã trở về rừng Kỳ-đà. Tôi thọ trai xong, ông xem các thầy Tỳ-kheo, khi một người ăn thì những người khác có no chăng?"

GIẢNG GIẢI:

Phật không lý luận nhiều. Chỉ lấy chuyện thực tế vừa mới rồi đây Phật đi khất thực trong thành Thất-la-phiệt cùng các vị Tỳ-kheo, trở về Tinh xá thọ trai. Phật hỏi Ngài A-nan: "Người này ăn, những người khác có no không?".

 

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan thưa:" Bạch Thế Tôn! Không vậy. Tại sao? Các vị Tỳ-kheo đây tuy đã chứng quả A-la-hán, nhưng thân mạng không đồng, làm sao một người ăn mà tất cả đều no được?"

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan cũng xác định chuyện đó không thể được. Và để chắc thực hơn nữa, Ngài nói dù cho những vị đã chứng A-la-hán, thành bậc Thánh rồi nhưng thân mạng riêng, vì vậy người này ăn làm sao người kia no được. Dù A-la-hán thì cũng ai ăn nấy no thôi. Ngài xác định rõ không thể có chuyện đó.

 

CHÁNH VĂN:

Phật  bảo Ngài A-nan: "Nếu tâm thấy nghe hiểu biết thật ở ngoài thân ông, thì thân tâm phải rời nhau tự không liên hệ với nhau. Vậy cái gì tâm biết, ắt thân không biết, cái gì thân biết, thì  tâm đâu thể  biết. Nay Tôi đưa cánh tay Đâu-la-miên của Tôi cho ông xem, khi mắt ông thấy thì tâm có phân biệt chăng?"

GIẢNG GIẢI:

Phật hợp pháp lại: Nếu ông nói tâm ở ngoài thân, vậy cái gì thân biết thì tâm không biết; hoặc tâm biết thì thân không biết, vì hai cái tách rời, không liên hệ nhau. Phật đưa cánh tay Đâu-la-miên của Phật lên. Đâu-la-miên là một loại lụa, đâu-la dịch là Tế hương tức là ở Ấn Độ có một loại lụa mềm, mịn mà thơm; cánh tay Phật cũng mềm mịn, trắng nên dụ như Đâu-la-miên. Phật đưa cánh tay lên cho Tôn giả A-nan xem rồi hỏi:"Vậy khi  mắt ông  thấy thì tâm ông có phân biệt được chăng?"

Ngay đây, nếu người trong nhà thiền lanh lợi thì tỏ ngộ liền, khỏi phải dài dòng. Cũng như Ngài Ca-diếp thấy đưa cành hoa lên ngộ liền vậy. Nhưng Ngài A-nan cũng chỉ hiểu theo tâm phân biệt:

 

CHÁNH VĂN:

A-nan thưa:" Bạch Thế Tôn! Đúng thế".

GIẢNG GIẢI:

Tức là mắt vừa thấy giơ cánh tay lên thì tâm phân biệt liền. Mắt và tâm hay thân và tâm không thể tách rời nhau.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan:"Nếu thân tâm biết nhau tại sao ông  nói tâm ở ngoài thân? Thế nên phải biết, ông nói tâm thấy nghe hiểu biết ở ngoài thân, thật không có lý vậy".

GIẢNG GIẢI:

Nếu tâm ở ngoài thân  thì mắt thấy, tâm không biết, vì nó ở ngoài thân. Mắt vừa thấy tâm biết liền là ngay đó có liên hệ, chứ không thể ngoài được. Vậy ông nói tâm ở ngoài thân, lý đó không đứng vững. Đó là lý thứ hai bị Phật bác. Tiếp theo:


* Chấp tâm núp ở trong con mắt:

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, vì chẳng thấy bên trong nên chẳng phải ở trong thân, vì thân tâm biết nhau mà chẳng rời nhau nên chẳng phải ở ngoài thân. Nay con suy nghĩ biết nó ở một chỗ".

GIẢNG GIẢI:

Bị bác trong, bác ngoài, bây giờ Ngài suy nghĩ vậy thì nó ở một chỗ. Ngay khi nghe nó ở một chỗ  là biết Ngài lầm nũa  rồi. Nhưng Ngài chắc chắn vậy là đúng.

 

CHÁNH VĂN:

Phật hỏi:"Nay ở chỗ nào?".

A-nan thưa: "Tâm rõ biết này,  nó đã chẳng biết ở trong mà hay thấy bên ngoài, theo con suy nghĩ thì nó núp trong con mắt. Ví như có người lấy cái chén bằng lưu ly úp trên hai con mắt, tuy có vật úp mà chẳng bị ngại, mắt kia tuy thấy theo đó liền phân biệt. Song, tâm hay rõ biết phân biệt của con chẳng thấy được ở trong là vì nó ẩn trong con mắt nhưng thấy vật bên ngoài rõ ràng không bị chướng ngại, vì tâm núp sau con mắt".

GIẢNG GIẢI:

Tâm núp trong con mắt cho nên thấy được ngoài, không phải tâm ở ngoài; như vậy tránh được hai lỗi bị Phật bác ở trước. Thời xưa không có mắt kiếng, nên mới lấy dụ chén lưu ly úp lên con mắt. Chén lưu ly bằng thủy tinh trong suốt, úp lên con mắt thì đúng là nhìn thấy ra ngoài. Phật gạn lại.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Ông vừa nói là tâm núp trong con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly. Vậy người kia chính khi dùng chén lưu ly úp trên con mắt thì trong  lúc xem thấy núi sông họ có thấy chén lưu ly chăng?".

Ngài A-nan thưa:"Bạch Thế Tôn, Đúng thế. Người ấy chính khi úp chén lưu ly trên con mắt, họ vẫn thấy chén lưu ly".

GIẢNG GIẢI:

 Tức là lấy cái chén lưu ly úp lên con mắt thì  nhìn ra thấy núi sông bên ngoài không chướng ngại, nhưng cũng thấy chén lưu ly. Cũng như mình mang mắt kiếng thấy cái mắt kiếng. Đó là chỗ bị lầm.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan:" Nếu tâm ông núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén lưu ly thì chính khi xem thấy núi sông sao chẳng thấy con mắt? Nếu ông cho thấy được con mắt, thì con mắt đồng với cảnh bị thấy, chẳng thành nghĩa tùy thấy. Nếu chẳng thấy con mắt, thì tại sao ông nói tâm hiểu biết này núp trong con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly? Thế nên phải biết ông nói tâm rõ ràng hiểu biết núp sau con mắt, như con mắt núp sau chén lưu ly, là điều vô lý".

GIẢNG GIẢI:

Phật bác: ”Nếu ông nói vậy thì tâm núp sau con mắt giống như con mắt núp sau chén lưu ly. Con mắt núp sau chén lưu ly thì nó thấy bên ngoài, cũng thấy được chén lưu ly. Còn tâm núp sau con mắt, thấy được cảnh vật bên ngoài tại sao không thấy được con mắt? Như vậy thí dụ của ông không hợp lý". Tâm không phải là một vật, mà xem nó như một vật thì đây thuộc về suy tưởng, thuộc về thức tình.

Nhưng Phật cũng đặt trường hợp giả sử có thể để phòng khi có người bẻ lại "cũng có thể thấy được". Giả sử cho tâm thấy được con mắt thì con mắt thành ra cảnh bị thấy, như vậy đâu thành nghĩa tùy thấy.

Phật kết luận: "Thế nên phải biết ông nói cái tâm rõ ràng hiểu biết núp trong con mắt như con mắt núp sau chén lưu ly là vô lý".

Mới thấy Ngài A-nan đại diện cho chúng ta, dùng tâm suy tưởng theo thức tình để luận. Nói gì cũng nằm trong suy tưởng, không đến được cái thật. Người thật sự đã giác, thấy xác thực rồi thì nói ra liền đúng. Chỗ này mình học để trừ cái tâm suy tưởng, cũng để thấy rõ còn chấp là còn sai. Y nơi suy tưởng mà nói cũng đều lẩn  quẩn trong tâm hư vọng, chưa đến được lẽ thật.


*Chấp mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối:

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Nay con suy nghĩ thế này, thân chúng sanh tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài, có tạng phủ thì tối, có khiếu huyệt thì sáng. Nay con đối trước Phật, mở mắt thấy sáng gọi là thấy ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong. Nghĩa ấy có đúng chăng?".

GIẢNG GIẢI:

Đến đây, Ngài A-nan chuyển qua chấp mở mắt thấy sáng thì gọi là con thấy ở ngoài; khi con nhắm mắt thấy tối thì gọi là con thấy ở bên trong.

Thân chúng sanh có ngũ tạng lục phủ. Ngũ tạng là tim, gan,  tỳ, phổi, thận. Lục phủ là ruột non, ruột già, tam tiêu, túi mật, bao tử, bàng quang. Ngũ tạng, lục phủ này ẩn ở trong cho nên nó là tối. Khi mình nhắm thấy tối coi như là thấy bên trong đó, bởi vì tạng phủ ở bên trong.

Khiếu huyệt, là những chỗ mở như hai mắt, hai tai, hai  mũi, miệng; có  những khiếu huyệt trống thì nó sáng. Như vậy khi thấy sáng tức là thấy  ở ngoài. Ngài nói: "Con đối trước Phật, khi con mở mắt thấy sáng thì đó gọi là con thấy ở ngoài; còn khi con nhắm mắt thấy tối thì đó gọi là con thấy ở bên trong".

 Đây cũng trở lại chấp tâm ở trong thân. Nhưng để tránh cái lỗi ở trong sao không thấy ở trong (bị Phật bác ở trước), bây giờ Ngài lý luận lại: "Thấy tối tức là thấy ở trong vì ngũ tạng lục phủ ở trong nhưng mà nó nằm ở trong cho nên tối, không thấy rõ được. Do đó, khi thấy tối tức là thấy ở trong. Nhờ các khiếu huyệt trống sáng, cho nên mở mắt thấy sáng tức là thấy ở ngoài". Vậy là tránh được cái lỗi ở trong mà sao không thấy ở trong lại thấy được ở ngoài.


CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Khi ông nhắm mắt thấy tối thì cảnh tối này là đối trước mắt hay không đối? Nếu đối trước mắt thì cái tối ấy là ở trước mắt chứ đâu phải ở trong. Nếu thành ở trong, thì khi ông vào nhà tối không có mặt trời, mặt trăng và đèn, cái tối trong nhà này đều là tạng phủ của ông sao? Còn nếu chẳng đối trước mắt thì đâu thành nghĩa thấy.

Gác lại cái thấy đối bên ngoài mà cho con mắt đối vào trong nên thấy tối, thì khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong thân, mở mắt thấy sáng sao lại chẳng thấy cái mặt? Nếu chẳng thấy được cái mặt thì nghĩa đối vào trong chẳng thành lập.

Thêm một nghĩa nữa:

Nếu ông cho là thấy được cái mặt thì tâm rõ biết này và con mắt phải ở ngoài hư không, đâu thành ở trong. Nếu ở ngoài hư không thì tự nó chẳng phải là thể của ông, lẽ ra nay Như Lai thấy mặt ông thì (Như Lai) cũng là thân ông sao? Và như thế khi con mắt ông  biết thì thân ông phải không biết. Nếu ông cho là thân với mắt đều biết thì thành hai cái biết. Vậy một thân ông nên thành hai vị Phật. Thế nên phải biết ông nói thấy tối là thấy ở trong thân, không có lẽ phải vậy".

GIẢNG GIẢI:

Phật gạn lại:"Ông cho rằng nhắm mắt thấy tối là thấy ở trong. Giả sử chấp nhận điều đó thì cái tối mà ông thấy là đối trước mắt ông mà thấy hay không đối trước mắt? Nếu cái tối đó mà đối trước mắt ông thì nó thành ở trước mắt ông chứ sao ở trong thân ông được. Còn không đối trước mắt mà thấy, chuyện này vô lý.

Giả sử ông cho rằng thấy tối cũng là thấy ở trong thân. Như vậy khi ông vào trong nhà tối không có mặt trời, mặt trăng,không có ánh sáng đèn gì hết, tối thui thì cái tối trong nhà đó cũng thành là tạng phủ của ông hết sao? Có vô lý không? Trường hợp cái tối không đối trước mặt ông - nó ở đâu đó - thì đâu thành nghĩa thấy. Đó là hai trường hợp đối trước mắt và không đối trước mắt đều không thành nghĩa thấy.

Gỉa sử đối với bên trong mà thấy. Khi con mắt nhìn vào trong thấy tối hay nhắm mắt thấy tối, gọi là thấy trong thân, mở mắt thấy sáng là thấy ở bên ngoài, vậy cái mặt ở bên ngoài sao không thấy? Vậy thì cái nghĩa đối bên trong thấy tối, mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài cũng không thành".

Phật cũng đặt trường hợp: "Giả sử thấy được cái mặt thì tâm rõ biết của ông và con mắt của ông phải ở ngoài hư không chứ đâu thể nào ở trong thân được. Nếu ở ngoài hư không thì nó không phải là cái thể của ông, tức là nó với ông  phải thành hai. Một mình ông thành hai thể biết thì ông phải thành hai ông Phật. Đó là chuyện vô lý. Nếu không phải hai thì Như Lai thấy mặt của ông, Như Lai cũng là thân của ông  sao?".

Kết luận, Phật nói: "Ông chấp nhắm mắt thấy tối là thấy bên trong, mở mắt thấy sáng là thấy bên ngoài là không có lẽ thật".

Như vậy là do suy tưởng mà chấp cho nên luôn luôn có lỗi.

 

*Chấp tâm tùy chỗ hòa hợp mà có:

Bây giờ Ngài A-nan lại chuyển qua chấp tùy chỗ nào hòa hợp thì tâm ở chỗ đó.

CHÁNH VĂN:

A-nan thưa: "Con thường nghe Phật dạy hàng tứ chúng do tâm sanh nên các pháp sanh, do các pháp sanh nên các tâm sanh. Nay con suy nghĩ, thì tức cái thể suy nghĩ ấy là tâm con, tùy chỗ nào hợp thì tâm ắt theo đó mà có, chẳng phải ở ba chỗ trong, ngoài và chặng giữa.

GIẢNG GIẢI:

Từ trước tới giờ, Ngài A-nan suy theo ý của mình nên đều bị Phật bác. Bây giờ Ngài chuyển qua dùng lời Phật để nói thì chắc Phật không bác được. Nhưng quên rằng Ngài suy nghĩ theo tâm hư vọng của mình. Tức là nhận cái tâm sanh diệt cho là chân tâm, đó là chỗ lầm. Phật nói tâm sanh các pháp sanh, tâm diệt các pháp diệt. Hay do các pháp sanh có tâm sanh. Tâm này là tâm sanh diệt mà Ngài A-nan lại cho là tâm thể thật của mình. Tuy mượn lời Phật mà hiểu lầm ý Phật. Học Phật không khéo thành nguy hiểm.

Nói không khéo là" y lời Phật nói, oan cho chư Phật ba đời" hay "y kinh giải nghĩa không khéo, oan cho chư Phật ba đời" là như vậy. Nghĩa là mình  không hiểu theo ý Phật, mượn lời kinh nhưng giải theo ý của mình. Chỗ đó nhiều người lầm lắm.

Đây cũng vậy: Phật nói rõ, tâm tùy chỗ nào hợp mới có, không hợp không có, thì  biết đó là tâm sanh diệt, không có thật thể, chưa phải tâm thể  chân  thật. Ngài A-nan cho các đó là tâm thể chân thật. Lầm là chỗ đó. Chỗ này mình phải sáng tỏ, chớ để lầm.

Do đó Phật bác:

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Nay ông nói bởi do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ nào hợp thì tâm  có thể hợp thì cũng như giới thứ mười chín, nhân nơi trần thứ bảy mà hợp thì nghĩa ấy không đúng! Còn nếu có tự thể thì như ông lấy tay tự gãi trên thân. Chỗ tâm ông biết là từ ở trong thân ra hay từ ở bên ngoài vào? Nếu từ trong thân ra thì lại phải trở về lại thấy ở trong thân, còn nếu từ ngoài vào thì trước phải thấy cái mặt của ông".

A-nan thưa: "Thấy là con mắt, còn  tâm thì  biết chứ không phải thấy như con mắt. Phật nói tâm thấy chẳng phải nghĩa ấy".

  GIẢNG GIẢI:

Đây đi tuần tự. Phật lấy hai trường hợp để gạn lại. Phật nói là có tự thể hay không có tự thể mà ông nói là tùy chỗ nào hòa hợp nó có?

- Trường hợp thứ nhất, tâm không tự thể thì lấy gì hợp mà ông  nói tùy chỗ nào hợp thì nó có chỗ đó? Cũng như giới thứ mười chín hợp với trần thứ bảy vậy. Thường thường giới có mười tám giới trần có sáu trần thôi. Bây giờ lấy cái giới thứ mười chín hợp với trần thứ bảy thì chuyện đó không có. Cho nên nếu cái tâm ông nói - tùy chỗ hợp mà có - nó không có tự thể thì không thể hợp rồi.

- Trường hợp thứ hai, tâm có tự thể. Đức Phật nói: "Thí dụ cái tâm ông nói có tự thể, thì khi ông gãi trên thân, nó liền biết. Vậy thì nó ở trong đi ra biết hay ở ngoài đi vào biết? Nếu ở trong đi ra thì nó phải thấy ở trong thân, tức là nó phải thấy tim, gan, phổi, thận.v.v rồi mới thấy cái mặt ông.  Như vậy mới nói là có tự thể".

Ngài A-nan cãi lại, không phải vậy! "Thấy là do con mắt, còn  tâm biết", Phật nói phải thấy cái mặt thì không phải rồi. Tưởng Ngài cứu lại được nhưng không ngờ lại mắc thêm lỗi thứ hai nữa, lỗi cho con mắt thấy. Phật gạn qua con mắt.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: "Nếu mắt thấy, vậy khi ông  ở trong nhà, cái cửa có thể thấy được chăng? Vả lại những người đã chết, con mắt vẫn còn, đáng lẽ họ đều thấy được vật. Nếu thấy được vật thì đâu thể gọi là người chết?

GIẢNG GIẢI:

Phật gạn lại: Nếu ông cho là con mắt thấy thì bây giờ ông ngồi ở trong nhà đây, cái cửa có thể thấy được không? Mắt của mình ở trong thân thì con mắt cũng giống như cái cửa. Vậy thì cái cửa có thấy được hay không? Cửa là phương tiện thông ra ngoài để cho mình thấy thôi, chớ cái cửa làm sao thấy được.

Đây cũng vậy, con mắt giống như cơ quan để cho mình thấy, con mắt đâu thể thấy được mà chấp là con mắt thấy. Những người thông thường chấp mắt thấy.

Lỗi thứ hai, ông chấp vậy thành ra cái thấy với cái tâm là hai: Con mắt thấy, tâm biết.

Thí dụ như điện và bóng đèn. Bóng đèn sáng lên không phải do bóng đèn tự sáng mà do có điện, bóng đèn mới sáng. Bóng đèn là cơ quan để cho điện phát ra ánh sáng. Nếu bóng đèn hư, điện không vào được, bóng đèn không sáng, thay bóng khác thì nó sáng. Cũng vậy, con mắt này bị cườm bám vào thủy tinh thể thì không thấy được. Mổ, lấy cườm ra, đặt thủy tinh thể nhân tạo vào thì thấy được. Rõ ràng mắt là cơ quan thôi chứ đâu phải mắt thấy. Quán kỹ chỗ này rồi mới thấy cái gốc mê lầm của mình. Nếu như Ngài A-nan lanh lợi thì ngay đây ngộ rồi, khỏi cần phải Phật nói dài dòng nữa. Nhưng Ngài A-nan chưa ngộ, Phật mới nói tiếp:

 

CHÁNH VĂN:

Này A-nan! Nếu tâm hiểu biết của ông hẳn là có tự thể, là một thể hay nhiều thể? Nó ở thân ông là khắp cả thân hay chẳng khắp cả thân? Nếu có một thể thì khi ông lấy tay gãi một chỗ trên thân, lẽ ra tất cả chỗ đều có cảm giác. Nếu tất cả chỗ đều có cảm giác thì chỗ gãi không có nhất định. Nếu có chỗ gãi nhất định thì nghĩa một thể của ông không thành. Nếu nhiều thể thì thành ra nhiều người. Vậy cái thể nào là của ông? Nếu ở khắp thân thì đồng như trước kia không biết cái chỗ gãi. Nếu chẳng khắp thân thì khi ông xúc chạm trên đầu, đồng thời xúc chạm dưới chân, khi ở đầu có biết thì chân phải không biết, nay ông chẳng phải như vậy. Thế nên phải biết tùy chỗ nào hợp, tâm theo đó mà có là không có lẽ như vậy".

GIẢNG GIẢI:

Đây, Phật dùng một thể và nhiều thể, và khắp thân hay là chẳng khắp thân để gạn phá. Có hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, cái tâm hiểu biết của ông có tự thể, vậy thì nó là một thể hay nhiều thể? Trường hợp thứ hai, nó ở khắp cả thân hay là nó không khắp cả thân?

- Trường hợp thứ nhất: Tâm hiểu biết của ông chỉ có một thể. Thí dụ ông lấy tay gãi một chỗ nào trên thân thì toàn thân phải có cảm giác hết, vì nó là một thể. Toàn thân biết hết thì không chỉ ra được chỗ nào là chỗ gãi. Nếu chỉ ra được chỗ gãi thì nói một thể không thành. Bởi vì gãi chỗ này chỉ biết chỗ này thôi, đâu biết toàn thân. Vậy thì nói một thể không được. Còn nếu nhiều thể, thành ra nhiều người thì thành ra ông thành nhiều vị Phật. Chuyện đó là không được rồi. Vậy thì trường hợp thứ nhất, một thể hay nhiều thể đều không thành.

- Trường hợp thứ hai, tâm ở khắp thân hay là không ở khắp thân? Nếu như thể của tâm ông ở khắp cả thân,tức là ông gãi một chỗ  thì toàn thân đều biết hết như thí dụ ở trước thì chuyện đó là không có. Nếu nó chẳng ở khắp thân, tức là cái tự thể đó cục bộ, không phải ở toàn thân. Vậy thì khi ông chạm trên đầu, đồng thời ông chạm dưới chân thì ở đầu biết, chân phải không biết, vì nó là cục bộ, chứ nó không ở khắp thân. Cục bộ tức chỗ này biết, chỗ kia không biết. Nhưng sự thật thì khi  ông chạm cùng lúc như thế thì đầu biết, chân cũng biết liền. Như vậy nói không khắp thân cũng không được.

Cả hai trường hợp đều không được hết. Nếu ngay đây, Ngài A-nan khéo soi trở lại  để không dính vào chỗ nơi thì Ngài ngộ tự tâm, thấy rõ ràng. Nhưng Ngài vẫn còn chấp nữa, chưa dừng. Chỗ này cũng cho mình kinh nghiệm. Ngài A-nan cũng mượn lời của Phật nói, nhưng suy theo ý của mình, không đúng ý Phật cho nên bị lỗi. Cho thấy, Phật cũng có ý phá cái chấp pháp cho người. Tức là, không phải nghe Phật nói vậy rồi chấp cứng theo lời đó, mà phải thấy được ý sâu của Phật. Chỗ đó nhà thiền gọi là "đạt ý quên lời". Thiền tông gọi là "giáo ngoại biệt truyền", cũng là muốn nhắc cho người phải đạt ý đó.

Chấp trong chấp ngoài không được, bây giờ chấp ở chặng giữa.

 

*Chấp tâm ở chặng giữa:

CHÁNH VĂN:

A-nan bạch Phật: " Bạch Đức Thế Tôn! Con được nghe Phật cùng với Ngài Văn Thù và các vị Pháp Vương Tử v.v…khi bàn về nghĩa thật tướng thì Thế Tôn cũng nói: "Tâm chẳng phải ở trong, cũng chẳng phải ở ngoài". Theo con suy nghĩ, ở trong đã không thấy vật bên trong, còn ở ngoài thì thân tâm chẳng biết nhau. Vì tâm không biết trong  nên nghĩa ở trong  không thành  lập. Vì thân tâm biết nhau, nên nghĩa ở ngoài cũng chẳng phải. Nay vì thân tâm biết nhau và lại cũng không thấy được bên trong, nên tâm con chắc ở chặng giữa".

GIẢNG GIẢI:

Đây, Ngài cũng dẫn lời Phật khi Phật bàn luận với các vị Bồ-tát như Bồ-tát Văn-thù v.v… về nghĩa  thật tướng. Thật tướng tức là tướng rốt ráo chân thật, là vô tướng, cũng ngầm chỉ chân tâm. Khi bàn về nghĩa rốt ráo chân thật này Phật thường nói tâm không ở trong không ở ngoài không ở chỗ nào. Ngài suy nghĩ ( cũng suy nghĩ nữa, lỗi là ở chỗ đó), nếu ở trong thì nó phải thấy vật bên trong, nó không thấy vật bên trong  thì nó không ở trong rồi. Còn ở ngoài thì thân và tâm phải không biết nhau, vì ở ngoài là tách rời. Bây giờ thân tâm đều biết nhau( tức  thân tâm không tách rời). Như vậy là nghĩa ở ngoài không thành. Trong không được, ngoài không được thì ở chặng giữa thôi. Nhưng đây cũng do suy nghĩ mà chấp cho nên cũng có lỗi nữa. Nếu nghe Phật nói không phải bên trong, không phải bên ngoài thì  buông hết, xoay ngược trở lại thì sáng tỏ liền. Phật gạn lại.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: "Ông nói tâm ở chặng giữa, thì  cái  chặng giữa ấy nhất định không lẫn lộn, chẳng phải không chỗ nơi. Nay ông hãy xét kỹ cái chặng giữa ở chỗ nào?" Là tại cảnh hay là tại thân?  Nếu ở nơi thân là ở một bên thì không phải là giữa, Nếu là giữa thân thì đồng  như ở trong thân. Nếu cái giữa ở nơi cảnh thì  có chỗ nêu ra được hay không nêu ra được? Nếu không nêu ra được thì cũng  như không có. Còn  nếu nêu ra được thì chỗ nêu ấy không nhất định. Vì sao? Ví như người lấy một cây nêu, cầm một chỗ làm cái giữa. Nếu đứng phương đông trông qua, thì cây nêu thành  ở phương Tây, đứng ở phương Nam trông qua thì cây nêu thành ở phương Bắc. Vậy thì cái nêu ra đã thành lẫn lộn, thì tâm đó cũng thành rối loạn.

GIẢNG GIẢI:

Ở đây, Phật gạn lại. Ông nói là ở giữa thì phải chỉ ra được chỗ nào là chặng giữa. Chặng giữa đó là ở nơi cảnh, hay là ở nơi thân? Phật đặt hai trường hợp.

- Chặng giữa của thân: Nếu ở nơi thân thì ở một bên  hay là ở trong thân mà gọi là chặng giữa? Tức là nếu ở trên thân thì thành ra một bên thân, đâu nói giữa được.  Còn nếu ở giữa thân thì thành ra ở trong thân, vậy thì cũng thành nghĩa trong ngoài chứ không phải chặng giữa được.  Vậy, nếu ở nơi thân thì không chỉ ra được chặng giữa rồi.

- Chặng giữa của cảnh: Nếu ở nơi cảnh thì phải nêu ra nhất định chỗ nào là chặng giữa. Đức Phật đưa ra thí dụ, lấy một cái cây cắm chỗ nào đó cho là chặng giữa. Người đứng ở bên đông nhìn, thì cho đó là bên tây. Còn ngưởi ở bên tây nhìn qua, thì nó thành ở bên đông. Như vậy thì cái nghĩa chặng giữa thành lẫn lộn. Cũng vậy, nếu ông nói tâm ở chặng giữa thì cái tâm đó cũng rối loạn. Do đó cái nghĩa chặng giữa không thành. Tức là ở nơi thân nơi cảnh cũng không chỉ ra được cái chỗ chặng giữa. Ngài A-nan cứu lại.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan thưa: "Con nói chỗ chặng giữa đó không phải như hai cái thấy ấy. Như lời Phật nói, con mắt đối với sắc trần làm duyên sanh ra nhãn thức; con mắt có  phân biệt, sắc trần thì vô tri, cái thức sanh ra trong khoảng giữa ấy chính là chỗ ở của tâm".

GIẢNG GIẢI:

Cũng hay! Bây giờ Ngài dẫn lời Phật, khi căn trần làm duyên tiếp xúc với nhau thì ở giữa sanh ra thức. Chặng giữa là đó, chớ không phải như Phật vừa nói. Ngài cũng dẫn lời Phật mà hiểu lầm ý của Phật. Phật nói căn trần tiếp xúc với nhau, thức sanh ở giữa là Ngài muốn nói cái tâm này thuộc về tâm thức sanh diệt. Khi căn trần không tiếp xúc thì thức không có sanh. Tức là chỉ cho cái tâm hư dối, không có thật thể, mà ông lại đem cái đó cho là chân tâm, là thật thể của ông. Lầm là chỗ đó. Phật gạn lại.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: "Tâm ông nếu ở khoảng giữa căn và trần, vậy tâm thể này bao gồm cả hai bên hay là chẳng bao gồm cả hai bên? Nếu gồm cả hai bên thì vật thể lẫn lộn vật thì không biết, còn thể thì có biết, hai  thứ đối lập với nhau, chỗ nào gọi là chặng giữa? Không gồm cả hai bên cũng không được, vì không phải có biết, cũng không phải không có biết, thì lấy cái gì làm tướng chặng giữa? Thế nên phải biết tâm ở chặng giữa là không có lý vậy".

GIẢNG GIẢI:

Phật đặt trường hợp: Nếu ông cho căn (thể) và trần ( vật) làm duyên tiếp xúc với nhau, rồi thức sanh ở khoảng giữa thì khoảng giữa đó là tâm ông. Vậy thì tâm thể của ông gồm cả hai căn và trần hay không gồm cả hai căn và trần, mới rõ ra cái chỗ giữa.

- Gồm cả hai căn và trần: Căn thì có biết, trần thì không biết mà gộp cả hai thứ đối lập, ông gọi chỗ nào là chặng giữa?

- Không gồm cả hai căn và trần: Thì tâm thể của ông thành ra không-phải-có-biết, cũng không-phải-không-biết ( tức không có thể tánh). Trần là không-phải- biết, căn là không-phải-không-biết, bây giờ không gồm cả hai bên thì nó vừa không-phải-có-biết mà cũng không-phải-không-biết, thành ra như không có. Như vậy lấy cái gì làm tướng chặng giữa?

Nghĩa tâm ở chặng giữa cũng không thành. Cho thấy chỗ lầm của Ngài A-nan là bởi lầm ý của Phật. Phật sở dĩ nói: "Căn và trần làm duyên tiếp xúc với nhau, thức sanh ở giữa" để chỉ cho các thức đó không có thật thể, mà chấp cái đó là lầm. Mới thấy, hễ còn suy tưởng thì còn lầm, còn thấy có chỗ nơi thì còn mắt kẹt.

Đến đây Ngài A-nan kinh nghiệm rồi, không chấp chỗ nơi nữa.

 

* Chấp tâm ở chỗ không dính mắc:

CHÁNH VĂN:

A-nan bạch Phật: " Bạch Thế Tôn!  Xưa con thấy Phật cùng bốn vị đệ tử lớn của Phật là Ngài Đại Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na, Xá-lợi-phất đồng chuyển bánh xe pháp. Phật thường nói: "Tâm tánh hiểu biết phân biệt không phải ở trong, không phải ở ngoài, cũng không phải ở chặng giữa, đều không chỗ ở, tất cả không dính mắc, đó gọi là tâm". Vậy cái không dính mắc của con có gọi là tâm chăng?".

GIẢNG GIẢI:

Bây giờ Ngài A-nan cũng dẫn lời Phật. Phật thường cùng với bốn vị đại đệ tử chuyển pháp luân, nói tâm tánh không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở khoảng giữa, đều không có chỗ nào hết, tức là tất cả chỗ đều không dính mắc. Như vậy cái không dính mắc vào chỗ nào hết của con, có gọi là tâm con được không? Nãy giờ nói có chỗ đều bị bác. Bây giờ hỏi cái tâm không dính chỗ nào hết đó là tâm được không? Nếu hỏi mình, thì không biết làm sao để bác. Nhưng cũng mắc kẹt. Người lanh lợi, ngay đây liền ngộ. Vì Phật nói không cho dính chỗ nào hết chính là vô trụ rồi!

Giống như trong kinh Kim Cang: "Chẳng nên trụ sắc sanh tâm, chẳng nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, không trụ chỗ nào hết mà sanh tâm kia thì ngay đó sáng tỏ tâm kia liền. Ngài A-nan thì không trụ chỗ nào hết, chỉ dừng ở đó thôi, chưa thấy được chỗ sanh tâm kia, cho  nên kẹt ở chỗ này. Tức là Ngài cũng còn thấy có một cái không dính gì hết. Đó là do suy tưởng có một cái không dính mắc. Vậy là dính cái không-dính rồi  mà không hay. Cho  nên vẫn còn có chỗ lầm.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: " Ông nói cái tâm hiểu biết phân biệt này đều không có ở đâu cả, vậy thì các vật có hình tướng trên thế gian, như là hư không và các loài thủy lục không hành. Vậy ông không dính mắc đó, là nó có hay không có?

Nếu không thì đồng như lông rùa, sừng thỏ thì lấy gì mà không dính mắc? Còn nếu đã có cả cái không-dính-mắc thì không thể gọi là không. Không tướng thì gọi là không, chẳng phải không là có. Có tướng thì có chỗ ở, làm sao gọi là không dính  mắc? Thế nên phải biết tất cả không dính  mắc mà gọi là tâm hiểu biết của ông thì thật là không có lý vậy".

GIẢNG GIẢI:

Các vật có hình tướng trên thế gian, như là hư không và các loài thủy lục không hành" tức là những loài ở dưới nước, ở trên đất bằng, bay trên hư không, hay gọi chung là tất cả. Ở đây Ngài A-nan thấy có tất cả pháp và có cái không-dính-mắc các pháp đó. Đây là chỗ ngài A-nan lầm. Đã thấy các pháp là có rồi thì làm sao mà không dính mắc? Thấy cái gì cũng không thật có hết, ngay đó là dính rồi! Nhưng Ngài nói có cái không-dính-mắc những cái đó. Phật mới đặt lại:" Cái mà ông  nói không-dính-mắc đó, là nó có hay không có?", tức nó có đang hiện hữu nơi tất cả này hay không đang hiện hữu nơi tất cả này? Nếu như nó không có hiện hữu nơi tất cả này thì cũng như không có, nói "không dính mắc" chi cho thừa!

Nếu như nó có ở nơi tất cả này thì nó phải có tướng. Thí dụ, nó có ở nơi dưới đất thì phải có tướng đất, ở nơi trên trời phải có tướng trời. Tức là nó đã hiện hữu ở chỗ nào thì phải có tâm tướng ở đó. Như khi Ngài Huệ Trung thử ông Đại Nhĩ, Ngài khởi tâm tới bến đò Tây Xuyên thì có cái tướng bến đò Tây Xuyên cho nên ông Đại Nhĩ nhìn thấy được, Ngài khởi tâm đến bến cầu Thiên Tân, ông Đại Nhĩ cũng thấy được.

Đây cũng vậy, tâm mình ở chỗ nào thì phải có tướng đó, có tướng tức là có chỗ, có chỗ tức có sanh, thấy có sanh tức bị thấy rồi, bị thấy làm sao nói không dính mắc! Còn như không có cái đang-hiện-hữu ở đây, coi như không có, nói không dính  mắc chi cho thừa! Đó là chỗ vi tế. Phải mắt Phật mới thấy thấu suốt hết những điểm vi tế của nội tâm, mình không thấy tới chỗ đó. Như vậy cho thấy, đã chấp có tất cả tức đã dính rồi. Nếu là Bát-nhã thì tất cả đều là tánh không, tánh không thì  không thật có gì hết, mới  không dính được. Đã thấy có rồi mà nói không dính coi chừng bị  lầm!

Tóm lại, khi đã thấy có tất cả tức thấy có pháp thật. Thấy có pháp thật tức có chỗ để tâm duyên đến. Có pháp để duyên là dính rồi mà không hay. Như vậy chỉ là suy tưởng thôi. Cái gì suy tưởng thì không phải thật. Ngài A-nan cũng mượn lời của Phật mà suy tưởng cho nên cũng trong luẩn  quẩn, lỗi lầm. Người nhanh nhẹn, nghe Phật nói: "Không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa, tâm không chỗ nào hết" thì không dính chỗ nào hết. Ngay đó thầm xoay trở lại, ngộ liền!

Còn có một cái không dính nữa, tức là ngoài mình còn có một cái thứ hai. Nhưng chỗ này mình phải nghiệm cho kỹ. Rất vi tế. Nếu sáng rồi thì liền tỏ ngộ được tự tâm của mình thì đâu còn có cái gì để dính. Nếu thật sự không có cái gì để dính thì khỏi bàn có-không chi nữa. Lục Tổ nói:”Xưa nay không một vật". Đã xưa nay không một vật thì nói gì dính, không dính nữa. Cứ lo bàn dính hay không dính tức là thấy cái tâm giống như một vật tức là còn có chỗ so sánh. Đó là chỗ vi tế.

Như vậy, bảy chỗ Phật gạn hỏi tâm. Ngài A-nan luôn luôn suy tưởng để luận, Phật gạn phá hết không còn chỗ để bám, để cùng tột cái suy nghĩ của Ngài A-nan. Người khéo, ngay đó ngộ liền rồi. Nhưng Ngài A-nan còn chưa ngộ, Ngài còn hỏi tiếp.

Ngài Pháp Nhãn - Văn Ích, ở chỗ Thiền sư Quế Sâm trình kiến giải hơn một tháng. Hễ trình cái gì, Ngài Quế Sâm cũng nói: "Phật pháp không phải như vậy". Cuối cùng không còn gì để trình  nữa, Ngài thưa: "Con hết lời, cùng lý rồi,  không còn gì để trình nữa". Ngay đó, Ngài Quế Sâm bảo: "Nếu luận về Phật pháp thì tất cả hiện thành". Ngay đó, Ngài liền ngộ.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05801
  • Online: 78