Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (2)
19/03/2018 | Lượt xem: 3092
Tác giả: TT.Thích Thông Phương
Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo
CHÁNH VĂN:
Khi ấy từ tướng chứ "vạn" ở trên ngực của Đức Như Lai phóng ra hào quang báu, hào quang ấy rực rỡ có trăm ngàn mầu sắc sáng khắp một lúc cả mười phương thế giới của Phật như số vi trần, rót khắp trên đảnh của các Đức Như Lai ở các cõi nước trong mười phương, soi đến ông A-nan và cả đại chúng. Phật bảo ông A-nan rằng"Nay tôi vì ông dựng lập pháp tràng lớn, cũng khiến cho tất cả chúng sanh trong mười phương được tâm tánh nhiệm mầu sâu kín, trong sạch sáng suốt và con mắt đạo thanh tịnh".
GIẢNG GIẢI:
Đây là nói lên những điều thù thắng, bây giờ dựng lập pháp tràng lớn không phải chuyện thường. Tất cả phải hết sức chú ý! Trước khi khai thị Phật lại phóng quang nói pháp, đây là nói pháp không lời. Ở trước Phật phóng quang từ diện môn, tức từ nơi khuôn mặt. Đó là để hiển bày căn tánh hiện tiền đã để lộ ánh sáng chân thật ở trong đó, ngay trước mặt đây là đầy đủ. Đến đây, Phật phóng quang từ tướng chữ "vạn" ở trên ngực. Nói tướng chữ "vạn" chứ không phải là chữ, đó là một trong 32 tướng tốt. Ngay tướng chữ "vạn" ở ngực phóng hào quang ra soi khắp mười phương cõi nước. Đó là hiển bày cả hông ngực ra chỉ cho hết, không còn giấu giếm gì nữa. Hào quang này soi khắp cả mười phương cõi Phật, rót vào đảnh của chư Phật, xong quay về soi đến Ngài A-nan và cả đại chúng.
Đây ngầm chỉ cho cái tâm này thông đến cả mười phương chư Phật. Rót vào đảnh của mười phương chư Phật tức khế hợp với tâm của mười phương chư Phật, và cũng suốt đến cả chúng sanh. Người tâm thuần thục, ngay khi thấy hào quang, liền ngộ suốt được tâm này. Ngộ suốt tâm này là thầm thông được với chư Phật, mà cũng thông được thấu suốt tất cả chúng sanh nữa. Thấy tất cả chúng sanh đều có đủ hết. Chính vì vậy, Đức Phật khi thành đạo rồi, Ngài thốt lên: "Lạ thay, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai". Rõ ràng như vậy, không riêng một ai. Vậy thì còn lo gì mình không có tâm? Nếu có mất cái tâm sanh diệt chợt có, chợt không - bị Phật bác này - cũng không đáng kể gì. Mất cái tâm chợt có chợt không, nhưng còn cái tâm thông suốt như vậy thì có gì đâu thiệt thòi, cho nên không phải lo sợ nữa. Bởi vậy mỗi người cần khéo nhận trở lại tâm này, đó là chỗ Phật phóng quang, ban ơn cho mình.
Hào quang quay về chạm đến Ngài A-nan, chạm đến cả đại chúng, mà không biết trong đó Phật có thâu lại chưa, nếu chưa, mà có ai chạm cái đó thì hay. Không nghe Phật nói thâu lại, chắc còn! Vậy ai chạm được ánh sáng này tức bảo đảm cười vui cả ngày không hết. Đây ngầm chỉ mười phương chư Phật, cũng đồng thuyết pháp như thế, không nghi ngờ gì nữa. Phóng quang xong, Phật mới lên tiếng, tức từ chỗ không lời, bây giờ bắt đầu có lời.
Phật lên tiếng:" Nay tôi sẽ vì ông dựng lập pháp tràng lớn, cũng khiến cho chúng sanh tất cả mười phương được tâm tánh nhiệm mầu sâu kín, trong sạch sáng suốt, được con mắt đạo thanh tịnh".
Dựng lập pháp tràng lớn,là nêu cao cờ pháp để xua dẹp tà chấp mê lầm, khiến cho trở về với chánh pháp Như Lai, và cũng để hiển bày chân tánh, dẹp trừ vọng thức.
Đức Phật sắp hiển bày chân tánh để xua dẹp vọng thức cho đại chúng nên gọi là nêu cao cờ pháp. Đồng thời khiến cho tất cả chúng sanh nhận được tâm tánh nhiệm mầu sâu kín, trong sạch sáng suốt và con mắt đạo thanh tịnh. Tâm tánh nhiệm mầu sâu kín tức diệu tâm vi mật, nó nhiệm mầu mà lại sâu kín vượt ngoài sự suy nghĩ phân biệt đối đãi. Chỗ đó khó đem tình thức mà hiểu biết được, Phật phóng quang để biểu hiện, người lanh lợi thì ngay đó nhận ra liền. Nhưng vì chúng sanh theo tình mê lâu đời, chưa nhận ra được cho nên bắt buộc Phật phải phương tiện mà nói nên mình cũng phải thấy vượt qua được những lời nói đó, đừng chết trên những lời nói đó. Bởi từ chỗ không thể nói, bắt buộc phải nói cho nên ngôn ngữ không nói đến được trong đây, gọi là nhiệm-mầu-sâu-kín! Nếu ngôn ngữ nói được thì đâu có sâu kín. Nhưng cũng chính vì chỗ nhiệm mầu sâu kín, ngôn ngữ không thể nói đến mà không ai có thể dòm lén được, cũng không ai xuyên tạc được.
Cho nên, nếu mình nhận ra rồi thì không còn sợ ai chê bai, chuyện chê bai không thành vấn đề. Đâu phải người ta chê cái này không có liền thành không có, bảo là không thật liền thành không thật; không phải vậy, không ai xuyên tạc được nó. Bởi vì ngôn ngữ không thể tới được nó. Người thấy được nó rồi thì hết còn lo sợ cho nên niềm tin vững chắc, đưa mình vào đại định Thủ Lăng Nghiêm, tức là đại định rốt ráo kiên cố không gì phá hoại được. Đây mới chính là nguồn chân thật của tất cả chúng sanh, là lẽ sống của tất cả nhưng mà mọi người đều bỏ quên. Chính vì mê chỗ đó mà Phật phải khai thị, có của báu mà bỏ quên rồi than nghèo khổ, chạy sang Phật cầu. Đó là tâm trạng của chúng sanh. Bởi vậy, khi thấy được chỗ này rồi thì chính là mở con mắt đạo thanh tịnh, mới gọi là người mắt sáng.
Như vậy, kiểm lại mắt chúng ta hiện nay tối hay sáng? Chúng ta có buồn tủi cho mình giống như Ngài A-nan không? Nhiều khi tự hào mình là sáng suốt, trí tuệ nhưng sự thật còn đang là người mắt tối, chưa phải là người mắt sáng. Bởi vậy tất cả cần phải chú tâm nghe lời Phật khai thị để mình mở mắt sáng.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "A-nan! Trước ông đã trả lời với Tôi là thấy được nắm tay sáng chói. Như vậy nắm tay sáng chói này nhân đâu mà có? Vì sao thành nắm tay? Ông đem cái gì thấy?".
A-nan thưa: "Do toàn thân của Phật như vàng Diêm-phù-đàn chói ngời dường núi báu, từ thanh tịnh sinh ra nên có hào quang sáng chói. Con thật là dùng mắt xem thấy năm ngón tay của Phật co lại, đưa cho người xem nên có tướng nắm tay.
GIẢNG GIẢI:
Phật nhắc lại: "Trước ông đã trả lời với tôi là thấy được nắm tay sáng chói. Như vậy nắm tay sáng chói nhân đâu mà có? Vì sao thành nắm tay? Ông đem cái gì thấy?" Đây là chỗ nhấn mạnh cho mình phải chú ý mà sáng tỏ.
Ngài A-nan trả lời: "Toàn thân của Phật giống như vàng Diêm-phù-đàn chói ngời, đó là từ công đức thanh tịnh sanh ra. Con dùng mắt xem thấy năm ngón tay Phật, sở dĩ có nắm tay là từ bàn tay năm ngón của Phật co lại mới thành nắm tay". Như vậy trước tiên Phật dùng bàn tay và nắm tay để so sánh với con mắt và cái thấy. Phật nói tiếp.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo A-nan: "Hôm nay Như Lai thật bảo ông: Những người có trí cốt yếu là nhờ do thí dụ mà được khai ngộ. A-nan! Thí như nắm tay của Tôi, nếu như không có bàn tay tôi thì chẳng thành nắm tay. Nếu không có mắt của ông thì không thành cái thấy của ông, Lấy con mắt mà so sánh với cái lý nắm tay của Tôi thì nghĩa ấy có đồng với nhau chăng?".
Ngài A-nan thưa: "Bạch Thế Tôn! Đúng như vậy. Nếu không có con mắt của con, thì cái thấy của con không thành. Lấy con mắt của con đem so sánh với nắm tay của Như Lai thì nghĩa ấy đồng nhau".
GIẢNG GIẢI:
Ngài A-nan đại diện cho chúng sanh, đều lầm như vậy. Trước Phật dùng bàn tay và nắm tay để so sánh, có bàn tay nắm lại mới thành nắm tay. Vậy nắm tay có từ bàn tay, không có bàn tay tức không có nắm tay, để so sánh con mắt với cái thấy."Lấy con mắt", đây nói đơn giản chứ đầy đủ nghĩa là lấy cái thấy nơi con mắt của ông. Ông nói ông dùng mắt thấy, như vậy cái thấy từ con mắt, nếu không con mắt, tức không có thấy, giống như không có bàn tay thì không có nắm tay. Vậy có đồng nhau không? Phật so sánh để gạn lại.
Khi hỏi nghĩa ấy có đồng nhau không thì cái bẫy mà không hay! Thường thường chúng ta hay mắc kẹt theo ngôn ngữ, thấy Phật gợi ý dễ quá, chấp nhận là bị gạt. Mình học đạo, nhất là học thiền phải sáng suốt chỗ đó. Tuy nghe hỏi đồng chăng nhưng phải thấy được ý sâu, chứ không phải nghe sao nói vậy.
Trước Phật đã bác cái thấy không phải con mắt rồi. Đây nhắc lại nắm tay sáng chói nhân đâu mà có? Vì sao thành có nắm tay và đem cái gì thấy? Hỏi đem cái gì thấy là có chân có vọng trong đó. Người không khéo là mắc kẹt, lầm ngay.
Ngài A-nan đáp: "Do toàn thân của Phật như sắc vàng Diêm-phù-đàn sáng chói cho nên nắm tay cũng theo đó mà có sáng chói. Nhưng sở dĩ có tướng sáng chói như vậy là từ đức tướng thanh tịnh của Phật mà được tướng thù thắng này".
Kinh nói thân tướng Phật như sắc vàng(kim sắc), mầu vàng đây là vàng Diêm-phù-đàn. Theo truyền thuyết Ấn Độ thì ở phía nam núi Tu-di có cây Diêm-phù-đàn, rừng cây này ở gần bên dòng sông. Khi trái cây chín rụng xuống dòng sông, chất nước của trái cây này chảy dính vào cát thì cát biến thành vàng. Vàng này sáng chói rực cho nên nó quý hơn các thứ vàng khác. Ví thân Phật sắc vàng chói như vậy. Do từ thân sắc vàng chói đó, nắm tay cũng sắc vàng chói, mà sở dĩ có như vậy là do đức tướng thanh tịnh của Phật mà có ra. Ngài A-nan cũng thấy được điều đó.
Thứ hai, sở dĩ có nắm tay là do bàn tay co lại mà thành. Thứ ba, thấy được tướng nắm tay sáng chói là do dùng mắt mà xem thấy.
Theo cái hiểu phổ thông là như vậy, ai cũng hiểu vậy. Song trước kia, Phật đã quở không phải con mắt thấy rồi nhưng Ngài A-nan chưa ngộ cho nên Phật hỏi lại chỗ đó để chỉ dạy cho thấu tột. Vì đây là chỗ khó nói, vượt ngoài ngôn ngữ và những hình tướng vật chất cho nên Phật tạm mượn ví dụ để gợi ý. Nhớ là dùng thí dụ để gợi ý thôi, người nghe phải nhân đó mà đạt được ý.
Nghĩa là người trí có thể nhân thí dụ để thấy được chỗ ngầm chỉ đó cho nên trong nhà thiền gọi là"ngựa hay thấy bóng roi liền chạy" không phải đợi đánh vào da; đợi đánh vào da mới chạy là ngựa dở. Đây cũng vậy, vừa nghe ví dụ đó là đạt ý kia liền, không phải chấp vào ngôn ngữ. Đó là người giỏi, Phật nói người trí nhân thí dụ mà được khai ngộ là vậy.
Ở đây, Phật ví dụ:
1.Bàn tay: có bàn tay thì mới có nắm tay. Tức là từ bàn tay mà có nắm tay, không bàn tay thì không thành nắm tay. Đó là cái thứ nhất.
2. Từ con mắt mà thành thấy. Như vậy, không con mắt thì không thành cái thấy. Đem so sánh với cái dụ nắm tay của Phật. Nắm tay từ bàn tay mà có, không bàn tay thì không có nắm tay. Cũng vậy, từ con mắt mà được xem thấy, vậy không con mắt thì không có cái thấy, cũng giống như là không có bàn tay thì không có nắm tay. Hai cái này có đồng nhau không? Khi hỏi có đồng nhau không? Không khéo theo lời mà đáp thì rơi vào bẫy liền. Nhưng Ngài A-nan chưa thấy được ý sâu đó. Ngài cũng theo lời mà đáp "dạ đồng nhau" thì lọt bẫy ngay.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "A-nan! Ông nói đồng nhau nghĩa ấy không đúng. Vì cớ sao? Như người không bàn tay thì nắm tay hẳn là không rồi. Còn người không có con mắt thì chẳng phải họ hoàn toàn không có cái thấy. Bởi tại sao? Ông thử đi ra đường hỏi những người mù mắt xem: "Anh có thấy gì chăng?", các người mù kia ắt sẽ đáp với ông: "Nay tôi đối trước mắt chỉ thấy tối đen không thấy gì khác". Dùng nghĩa ấy để quán xét thì tiền trần tự tối chứ cái thấy đâu có thiếu kém".
GIẢNG GIẢI:
Chỗ này cần phải thấy chín chắn trở lại, không thể thấy hời hợt được. Không có bàn tay thì không có nắm tay, chuyện đó rõ rồi. Nhưng không con mắt thì không hẳn không có cái thấy. Đây là chỗ vi tế thế gian ít thấy. Phật ngầm chỉ cái thấy không thuộc con mắt, chớ lầm chỗ này.
Phật dẫn chứng, ông ra đường hỏi người mù có thấy gì không, người mù nói trước mắt thấy tối đen. Như vậy, tuy mù vẫn còn biết thấy tối đen, không phải không có thấy. Ngài A-nan vẫn chưa tỉnh ngộ nên chưa chịu.
CHÁNH VĂN:
A-nan thưa: "Những người mù trước mắt thấy tối đen thì đâu thể gọi là thấy được!".
Đức Phật bảo A-nan: "Những người mù không mắt chỉ thấy tối đen cùng với người có mắt sáng ở trong nhà tối thì hai cái tối đó khác nhau hay không khác?".
Ngài A-nan bạch: "Bạch Thế Tôn,đúng vậy. Người mắt sáng ở trong chỗ tối cùng với người mù mắt thấy tối, hai cái tối đó so sánh không từng khác".
Phật bảo A-nan:" Nếu người mù mắt thấy phía trước hoàn toàn tối đen bỗng nhiên được sáng mắt trở lại thì đối với tiền trần liền thấy các sắc tướng thì gọi là mắt thấy. Người sáng mắt ở trong nhà tối toàn thấy tối ở trước bỗng dưng được đèn sáng thì cũng đối với tiền trần thấy các sắc tướng thì đáng lý cũng gọi là đèn thấy, Nếu đèn thấy thì đèn hay có cái thấy tự chẳng gọi là đèn, Lại nữa, nếu đèn thấy thì đâu quan hệ gì đến việc của ông. Thế nên phải biết đèn hay hiển sắc còn cái thấy là mắt chẳng phải đèn. Rồi mắt lại hay hiển sắc, như thế cái tánh thấy là tâm chứ chẳng phải mắt".
GIẢNG GIẢI:
Đây là chỗ Phật khai thị. Phật từ chỗ không lời mà nói nên lời, nhưng mình phải hiểu được cái ý ngoài lời. Ngài A-nan cho rằng người mù, tức không có mắt, làm sao thấy được. Đa số người thế gian đều hiểu vậy. Cho nên người mù thấy trước mắt tối đen cho là thấy. Ngài không chịu. Bởi con mắt hư rồi, tức không có con mắt sao gọi là thấy? Ngài vẫn kẹt cái thấy ở con mắt, chưa thoát ra được.
Phật thí dụ: "người mù ở trước mắt thấy tối đen, người mắt sáng ở trong nhà tối cũng thấy tối đen thì hai chỗ thấy có giống nhau không?". Ngài A-nan nói cũng giống. Nghĩa là cùng một trần tướng tối ở trước.Như vậy nếu người mù được chữa lành, mắt sáng trở lại nhìn thấy các sắc tướng ở trước đó thì gọi là mắt thấy. So với người mắt sáng ở trong nhà tối, được đem đèn vào cũng liền thấy các sắc tướng ở trước, vậy là đèn thấy hay sao? Ngay đó thấy được chỗ lầm chưa?
Phật bảo:" Nếu đèn thấy thì đâu có dính gì đến ông, vì đèn thấy chứ không phải ông thấy. Cái đèn ở ngoài, không can hệ gì tới ông. Song đèn chỉ là để soi sáng cho ông thấy vật, còn thấy là ở mắt không phải nơi đèn". Ông chớ dính kẹt nơi con mắt rồi tự đồng hóa cái thấy vào đó, quên mất chính mình. Đó là cái điên đảo mê lầm, là con trưởng giả kho báu đầy nhà mà bỏ cha lang thang xứ người, xin làm công kiếm ăn mỗi ngày.
Tánh thấy đã sẵn tự thấy rồi mà quên mất nó để đồng hóa với trần kia cho nên thấy lúc có lúc không, có trần thì thấy,không trần thì không thấy. Thành ra cái thấy không lìa khỏi trần, tức không lìa khỏi sắc mà có thể thấy. Đó gọi là quên mất tự tánh thấy vốn sẵn tự có, không phải nhờ trần mới có. Cái thấy này không thuộc nơi căn.
Phật khai thị chỗ này là hết sức từ bi, đâu còn giấu gì nữa mà vẫn chưa ngộ. Nếu học kỹ chỗ này thì nhận ra tâm tánh rõ ràng. Chân vọng Phật chỉ rất rõ. Tối sáng là thuộc về tiền trần, căn khi đủ khi thiếu, không can hệ gì đến tánh thấy. Không phải do trần hoặc tối hoặc sáng mà tánh thấy hoặc có hoặc không . Cũng phải không do căn khi đủ khi thiếu mà tánh thấy cũng có khi có khi không, mà phải thấy rõ trần tự tối tự sáng, căn tự đủ tự thiếu nhưng tánh thấy thường hằng. Đó mới thấy trở lại gốc.
Cho đến thân mình còn mất cũng không dính gì đến tánh thấy. Như vậy còn gì nữa mà chưa ngộ?! người tỏ ngộ được chỗ này mới thấy lòng từ của Phật quá lớn! Nếu không có Phật, làm sao chúng ta biết được chỗ này, ai nói ra cho mình? Đa số người thế gian chỉ thấy theo trần mà nói,không nói được chỗ này.
Người đời đều kẹt cái thấy ở con mắt, nên nói người mù không mắt thì không thấy. Chính vì vậy mà đa số người thấy không ra khỏi sắc trần, không sắc trần là không thấy. Nghe cũng không ra khỏi âm thanh. Tức là sống lẩn quẩn ở trong căn và trần, quên mất chính mình, không được tự do tự tại gì hết.
Đức Phật phát minh ra cái thấy là ở nơi tâm, không can hệ gì con mắt khiến cho người ngộ trở lại, vượt khỏi căn trần, không lệ thuộc vào căn trần, tự soi sáng trở lại thì ngay đó giải thoát!
Hiểu chỗ này rồi thì sáng tỏ được câu kệ Tổ Bá Trượng từng khai thị: "Linh quang riêng chiếu, vượt khỏi căn trần. Thể bày chân thường, chẳng kẹt văn tự. Tâm tánh không nhiễm, vốn tự viên thành. Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật". Mỗi người đều có cái linh quang sáng ngời, riêng chiếu một mình, không mắc kẹt nơi căn trần; tự nó sáng không phải do căn do trần mới sáng. Thể nó hiển bầy, vốn sẵn chân thật thường có, không phải khi có khi không, nó không mắc kẹt trong văn tự chữ nghĩa. Đừng sợ người ta chê thành không có. Tâm tánh vốn thanh tịnh. Người khéo chỉ lìa vọng duyên bên ngoài tức là Phật như như chứ không gì hết.Mới thấy Phật, Tổ nói khéo hợp với nhau, đó chính là con đường trở về nguồn chân rõ ràng trước mắt không tìm đâu xa.Tới đây:
CHÁNH VĂN:
Ông A-nan và đại chúng tuy được nghe lời ấy mà miệng vẫn lặng thinh, tâm chưa khai ngộ,còn mong Đức Như Lai dùng từ âm chỉ dạy thêm nên chắp tay lắng lòng, trông chờ Phật thương xót dạy bảo.
GIẢNG GIẢI:
Nghe đến đây rồi nhưng Ngài A-nan và đại chúng đều im lặng, cái im lặng này khác với cái im lặng ở trước. Ở trước do Phật bác tâm năng suy, không còn chỗ nào bám nữa, Ngài A-nan im lặng mà ngơ ngác, chới với. Đây cũng im lặng mà trong cái im lặng này có một chút hiểu được lời Phật khai thị: Không hẳn thấy do có mắt, không mắt không thấy. Cũng không hẳn thấy sáng mới thành thấy, thấy tối không thành thấy. Nhưng chỉ hiểu qua lời của Phật, còn cái tâm thấy như thế nào thì chưa sáng tỏ, chưa ngộ, chưa phát được Vô sư trí. Do đó,cùng đại chúng chắp tay lắng lòng chờ nghe Phật khai thị thêm. Chỗ này mình học cũng hiểu qua lời của Phật thôi chứ chưa phải tự mình sáng tỏ được cái của chính mình, cần có bước tiến thêm. Phật khai thị thêm:
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, Đức Thế Tôn duỗi cánh tay đâu-la-miên sáng ngời, xòe năm ngón tay bảo ông A-nan và cả đại chúng rằng: "Khi tôi mới thành đạo ở Lộc Viên, vì ông A-nhã-đa, năm vị Tỳ-kheo v.v…và bốn chúng nói: "Tất cả chúng sanh chẳng thành Bồ-đề và A-la-hán đều do khách trần phiền não làm mê lầm". Các ông khi ấy nhân đâu được ngộ nay thành tựu chứng quả Thánh?".
GIẢNG GIẢI:
Tay Phật có màng lưới mịn mỏng như lụa đâu-la-miên nên gọi cánh tay đâu-la-miên. Do có màng lưới mịn nên bụi không dính được vào da của Phật. Đây cũng là một trong ba mươi hai tướng tốt.
Khi Phật giơ cánh tay xòa năm ngón ra trước đại chúng rõ ràng thì ai thấy được cái gì? Ngay lúc Phật xòe năm ngón tay trước đại chúng, tất cả đại chúng nhìn lên có ai không thấy chăng? Vậy tại sao không ngộ? Phật xòe năm ngón tay trước đại chúng khai thị rõ ràng, không giấu diếm gì hết. Người tâm thuần thục thì ngay đó liền tỏ ngộ ý chỉ Như Lai sáng ngời ngay trước mắt, không thiếu gì cả.
Nhưng chưa ngộ, Phật mới gạn hỏi về nghĩa khách trần ở nhóm năm ông Kiều-trần-như (có chỗ gọi là Kiều-trần-na).Chính nơi khách trần phiền não làm che mờ, làm mê lầm cho nên chúng sanh không thể thành Bồ-đề và A-la-hán, không ngộ được chân tánh. Bây giờ phải rõ khách trần phiền não để không lầm nó nữa. Ngài khai thị nghĩa này để cho mọi người tỏ ngộ cái chân thật.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, ông Kiều-trần-na đứng dậy bạch Phật: "Nay con là hàng trưởng lão, đối với trong đại chúng riêng được tên là hiểu (giải), do con ngộ được hai chữ khách trần mà được thành Thánh quả. Bạch Đức Thế Tôn! Ví như người khách đi đường vào nghỉ nhờ ở một quán trọ, hoặc ngủ, hoặc ăn. Ăn ngủ xong, sửa sang hành lý lên đường, chẳng ở lại nữa. Nếu thật là người chủ thì tự không đi đâu. Như thế mà suy xét, chẳng dừng trụ gọi là khách, còn dừng trụ là chủ. Do cái chẳng dừng trụ nên có nghĩa là khách.
GIẢNG GIẢI:
Chỗ này nghe kỹ sẽ sáng tỏ ý Phật. Trong nhóm năm người lúc Phật thuyết tứ đề. Ngài Kiều-trần-na (hay Kiều-Trần-Như) lãnh hội ý chỉ trước, nên được gọi là giải - tức A-nhã-đa và thường gọi Ngài là A-nhã Kiều-trần-như. Ngài Kiều-trấn như cũng là người cao tuổi hạ nhất trong chúng.
Năm vị: A-nhã Kiều-trần-như, Thập-lực Ca-diếp - thuộc họ mẹ của Đức Phật; Ngài Mã-thắng, người đọc bài kệ khiến Ngài Xá-lợi-phất cảm ngộ; Ngài Bạt-đề dịch là Tiểu Hiền; Ngài Câu-luật tức là Ma-ha-nam - ba vị này thuộc họ cha của Đức Thế Tôn. Khi Đức Phật còn là Thái tử vượt thành xuất gia, vua Tịnh Phạn cho năm người nay đi theo để làm bạn tu. Phật tu khổ hạnh, mấy vị này tu theo. Sau thấy Phật bỏ khổ hạnh, họ tưởng Phật thối tâm, bèn bỏ đi qua Lộc Uyển.
Đây Ngài Kiều-trần-na trình bày chỗ ngộ về nghĩa khách trần. Như người khách là người đi qua đường, lỡ đường vào nghỉ nơi quán trọ. Nghỉ qua đêm rồi ra đi, còn người chủ quán thì ở tại chỗ không đi đâu. Đó là nghĩa chủ khách.
CHÁNH VĂN:
Như mưa mới tạnh, mặt trời lên trong trẻo ánh sáng soi vào kẽ hở, trong hư không hiện rõ các tướng bụi bặm. Tánh chất của bụi thì dao động, còn hư không thường lặng lẽ. Như thế nên con suy nghĩ: Lắng lặng gọi là hư không, còn dao động gọi là bụi bặm. Do cái dao động đó nên có nghĩa là trần.
GIẢNG GIẢI:
Trên là nghĩa về khách, đây là nghĩa về trần. Thí dụ như nhà có kẽ hở, trời mưa mới tạnh, buổi sáng thấy mặt trời chiếu qua kẽ hở trong vách thì trong đó có những bụi lăng xăng. Lăng xăng thì dao động, còn hư không thì vắng lặng, không động. Như vậy bụi gọi là trần, trần thì có dao động; còn hư không thì không động, là vắng lặng.
Hợp lại khách và trần: Khách thì có đến có đi không dừng trụ. Trái lại, chủ thì vẫn thường ở tại chỗ không đi đâu. Trần thì dao động không yên, hư không thì yên lặng, không dao động. Nắm vững hai nghĩa này mới thấy chỗ Phật khai thị.
CHÁNH VĂN:
Phật nói: "Đúng thế!".
Khi ấy Đức Như Lai ở trong đại chúng co năm ngón tay lại xòe nắm, xòe nắm và hỏi ông A-nan rằng: "Nay ông thấy cái gì?".
Ông A-nan thưa: "Con thấy bàn tay trăm báu của Đức Như Lai ở trong chúng xòe ra nắm lại".
Phật bảo A-nan: "Ông thấy cánh tay của Tôi ở trong chúng xòe nắm là cái tay của tôi xòe nắm hay cái thấy của ông có xòe nắm?"
A-nan bạch Phật: "Con thấy cái tay của Như Lai tự có xòe, có nắm chớ chẳng phải tánh thấy của con có xòe nắm".
Phật nói: "Cái nào động, cái nào tịnh?".
A-nan thưa: "Tay của Phật không dừng, tánh thấy của con còn không có tịnh thì đâu có gì là động?".
Phật nói: "Đúng như vậy".
GIẢNG GIẢI:
Chỗ này ai lanh lợi là ngộ rồi. Khi Ngài Kiều-trần-na trình bày nghĩa khách và trần thì Phật xác định là đúng như vậy. Kế đó Đức Phật ở trước đại chúng giơ cái tay lên xòe ra nắm lại, xòe ra nắm lại để khai thị cho tất cả cái gì là khách, cái gì là chủ, cái gì động, cái gì không động. "Cái xòe ra nắm lại là có động, còn cái thấy của ông thì có xòe ra nắm lại theo đó không?"
Ngài A-nan cũng đáp rõ: ”Con thấy bàn tay của Phật đối trong chúng có xòe nắm, tánh thấy của con thì chẳng có xòe nắm". Đến đây, Ngài A-nan biết được tánh thấy không có xòe nắm theo nắm tay. Chính vì nó không có xòe nắm nó mới thấy được cái tay xòe nắm. Chứ nếu tay xòe ra nó cũng xòe ra theo thì nó thành ra cái tay xòe rồi. Hoặc tay nắm lại nó thành nắm lại, thì nó đâu thấy cái tay nắm, cái tay xòe được. Người đời mê là ở chỗ cái thấy của mình có xòe, có nắm theo nắm tay, cho nên bị trần lôi cuốn, làm dao động. Sự thật, cái thấy là tự tánh thấy, không thuộc ở nắm tay, đó là chỗ mình phải hiểu.
Phật gạn lại cái nào động, cái nào tịnh? Ngài A-nan do có hiểu nên đáp tay Phật có động có dừng, còn tánh thấy của con vốn không có tịnh nữa nói gì là động. Tịnh là đối với động, khi động hết thì tịnh. Còn tánh thấy vượt qua cả tướng động tịnh, tức là xưa nay nó chỉ vậy thôi, nó chưa từng động nói gì là tịnh. Như vậy thì đâu có theo cái động tịnh mà thành sanh diệt. Ngay đó ngộ trở lại thì thấy được đường về, rõ cái gì là chủ, cái gì là khách. Cái có động có tịnh là thuộc về khách, cái không động tịnh là chủ thường hằng.
Ở đây, Phật lấy nắm tay để thuyết pháp. Trong nhà thiền, các Thiền sư khi giơ phất tử, giơ ngón tay cũng là thuyết pháp. Vậy, rõ ràng cái gì cũng là Phật pháp hết. Thấy được chỗ đó mới không còn lầm theo ngôn ngữ bên ngoài nữa. Cho thấy những pháp thế gian nếu vào tay Đức Phật cũng thành Phật pháp. Người tâm sáng, cái gì cũng thành Phật pháp được. Hoặc người tâm chưa sáng hoặc tâm phiền não hoặc tâm tà thì có khi Phật pháp lại thành thế gian pháp, hoặc Phật pháp thấy thành tà pháp.
Đối với Thiền sư, pháp ăn trộm cũng nói thành Phật pháp được. Đức Phật khi thấy người nông dân gieo mạ thì pháp làm ruộng cũng nói thành Phật pháp được. Vậy thì tại sao Phật pháp không nói thành Phật pháp mà nói thành phi pháp? Nếu thấy được chỗ này, khi thấy gió thổi lá cây đong đưa, nhìn mây trôi trên trời cũng thuyết pháp được. Mây trôi tức là nó có trôi có dừng. Còn cái thấy mây thì không trôi đâu hết. Mã Tổ thấy bầy le le bay qua, khai thị cho Ngài Hoài Hải tỏ ngộ. Xưa Ngài Linh Vân thấy hoa đào nở, ngộ đạo; có vị khi nghe gió thổi cũng ngộ là do tâm các Ngài thuần thục, lúc nào ở trước mắt cũng chỉ thấy pháp thôi, không thấy gì khác mới có thể ngộ được. Tâm mình còn kẽ hở nhiều, thấy tất cả mà không thấy pháp cho nên không ngộ được. Hiểu rõ thì đâu đâu cũng có pháp hết, không còn nghi ngờ.
CHÁNH VĂN:
Bấy giờ trong lòng bàn tay của Đức Như Lai phóng luồng hào quang báu soi đến vai bên phải ông A-nan. Liền khi ấy ông A-nan xoay đầu ngó qua bên phải. Phật lại phóng hào quang qua bên vai trái của ông A-nan, ông A-nan lại xoay đầu ngó về bên trái.
Phật bảo A-nan: "Đầu của ông hôm nay nhân gì lại dao động?"
A-nan thưa: "Con thấy Như Lai phóng hào quang báu đến vai bên phải, bên trái của con, con nhìn qua hai bên để xem, nên đầu con tự dao động".
Phật bảo A-nan: "Ông nhìn xem hào quang của Phật, đầu ông xoay qua hai bên vai, vậy đầu ông động hay cái thấy của ông động?".
Ngài A-nan bạch: "Bạch Thế Tôn! Đầu con động mà tánh thấy của con còn không có dừng huống là có động".
Phật nói: "Đúng như vậy".
GIẢNG GIẢI:
Ở trước, Phật dùng bàn tay xòe ra nắm lại, xòe ra nắm lại để khai thị về tánh thấy không có động tĩnh. Đến đây Phật khai thị ngay nơi thân ông A-nan: Cái đầu xoay qua bên phải, xoay qua bên trái để ngó theo hào quang. Phật gạn hỏi lại: Như vậy đầu của ông động hay tánh thấy động? Khi Phật hỏi đầu ông động hay tánh thấy động là Phật đã khéo khai thị để cho ngươi quên duyên nhận trở lại tánh. Hầu hết chúng sanh đều lầm chỗ này, đầu động mình cũng động theo. Giống như thuyền đi mà thấy bờ dời, hoặc ngồi trên xe chạy mà thấy như cây bên đường chạy ngược ra sau. Đó là ảo giác.
Ngài A-nan do đã nhận hiểu rồi, Ngài đáp: Đầu của con tự dao động, tánh thấy còn không dừng nói gì đến động!. Nghĩa là đầu tự động, không dính gì tánh thấy kia. Tánh thấy vượt qua cả tướng động, tướng dừng. Trước khi đầu động, tánh thấy đã có rồi, sau khi đầu động, nó cũng không phải theo đó mà dừng, và ngay khi đầu động cũng không hề dính dáng. Nó đã có trước cả ba thời, cho nên không dính gì chuyện động tịnh.
Đây chỉ mượn cái đầu làm thí dụ. Cái đầu có động có dừng, không dính gì tánh thấy. Thân này có động có dừng cũng không dính gì tánh thấy hết. Vậy thì thân này có mất đi cũng không sao. Đây mới là chỗ chân thật để mình trở về, không đồng hóa mình với cái động tịnh kia. Người khéo thì ngay đó nhận trở lại trong chỗ động tịnh sanh diệt, có cái chưa từng động tịnh sanh diệt.
Thiền sư Thần Tán khi kỳ lưng cho thầy Bổn sư, liền vỗ vào lưng ông thầy nói:
- Điện Phật đẹp quá mà không có Thánh.
Thầy Bổn sư xoay đầu ngó lại. Thần Tán nói tiếp:
- Phật tuy không Thánh nhưng hay phóng quang.
Ngài A-nan thì xoay qua xoay lại, còn đây thầy Bổn sư xoay đầu ngó lại. Đó là Phật đang phóng quang! Như vậy, ngay khi xoay đầu ngó lại thì cái gì động? Cái gì không động? Trong đó có chân có vọng đầy đủ không thiếu. Người khéo, ngay đó nhận ra lẽ thật. Thấy được chỗ này thì thông cảm được chỗ Phật khai thị cho Ngài A-nan. Học kinh Lăng Nghiêm kỹ sẽ thấy nhiều chỗ sáng tỏ thêm.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Tề An:
- Thế nào là bổn thân của Phật Lô Xá Na?
Lô Xá Na là báo thân. Bổn thân là thân chính của Phật Lô Xá Na.
Thiền sư Tề An bảo:
- Ông đem cái bình đồng ở trước đến đây cho ta.
Ông tăng theo lời dạy, đến lấy bình đem lại cho Sư.
Thiền sư Tề An bảo:
- Thôi, đem để lại chỗ cũ.
Ông tăng liền đem cái bình để lại chỗ cũ, rồi hỏi lại câu hỏi trước.
Thiền sư Tề An liền bảo:
- Phật xưa đã quá khứ lâu rồi.
Phật xưa tức cổ Phật, ông Phật xa xưa đã thuộc về quá khứ lâu rồi, còn ông Phật hiện tại đây không ngộ.
Bảo ông đem bình lại thì ông đem lại, bảo ông để lại chỗ cũ thì ông để lại chỗ cũ. Cái thân có đi qua đi lại nhưng trong đó có gì? Ngay đó ngộ là ngộ được bổn thân của Phật liền. Đó là Phật sống thực tế ngay hiện tại đây, không nhận còn lo hỏi bổn thân Phật ở thời quá khứ lâu xa nào đó làm gì. Đa số người học hiện nay là học kiểu này. Lo phân tích Phật ở cõi này cõi kia, Phật Lô Xá Na là sao, Phật Tỳ Lô Giá Na là sao v.v… mà không biết ở chỗ nào. Tức là theo ngôn ngữ, danh từ tưởng tượng, phân tích thế này thế kia nhưng không thấy Phật Lô Xá Na, không thấy Phật Tỳ Lô Giá Na đâu hết. Chính các Ngài ở ngay hiện tiền đó mà bỏ qua. Cho nên, Thiền sư không phí ngôn ngữ để giải thích dài dòng, mà đánh thức cho người học thức tỉnh ngay hiện tiền, ngay ông Phật sống đó. Ngộ ông Phật này mới là chuyện quan trọng.
Bảo đem cái bình đến thì đem cái bình đến, bảo đem trở lại chỗ cũ thì đem trở lại chỗ cũ. Đi qua, đi lại rõ ràng đó. Ngay đó khéo là ngộ liền.
Cũng như đây, Đức Phật đánh thức Ngài A-nan và đại chúng. Ngài A-nan do có chỗ tỉnh nên đáp:”Đầu con động, tánh thấy còn không có dừng huống gì có động". Phật xác định đúng như vậy. Đến đây Phật mới khai thị thêm.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy Đức Như Lai bảo khắp đại chúng"Nếu lại có chúng sanh cho cái dao động đó gọi là trần, cái chẳng dừng gọi đó là khách thì các ông xem đầu của ông A-nan tự dao động mà tánh thấy không có dao động. Lại các ông xem tay của Tôi có co mở mà tánh thấy không có co mở. Tại sao nay các ông lấy cái động làm thân, lấy cái động làm cảnh, từ thủy chí chung niệm niệm sanh diệt để sót mất chân tánh, làm việc điên đảo, tâm tánh mất chân, nhận vật làm mình, luân hồi ở trong ấy tự nhận sự lưu chuyển".
GIẢNG GIẢI:
Đến đây Phật nói trắng ra, tánh thấy vẫn thường như vậy không thuộc về tướng động tịnh hay xòe nắm co mở gì hết. Phật bảo cho khắp đại chúng hiểu rõ. Nếu nhận rõ cái dao động là trần, cái chẳng dừng là khách thì có qua lại,có động dừng, là thuộc về trần, thuộc về khách; vậy chớ có lầm theo nó mà nhận trở lại cái không động tịnh, không qua lại kia mới là quý.
Kế, Phật trách tại sao các ông lại lấy động làm thân, lấy động làm cảnh, theo đó thành lưu chuyển đánh mất mình ở trong đó gọi là đánh mất chân tánh. Chân tánh vốn không sanh diệt mà lầm thành có sanh diệt, thành ra giờ nói cái không sanh diệt không ai biết. Nếu thấy rõ được Chân tánh rồi thì sanh tử là thuộc về thân. Chuyện còn mất của thân, thân đi qua lại không dính gì đến chân tánh. Động tịnh của thân thuộc giả tướng bên ngoài. Nếu không biết dừng để trở lại thì cứ theo đó mà lưu chuyển mãi thôi.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, ông A-nan và cả đại chúng nghe Phật chỉ dạy, thân tâm thơ thới, nghĩ từ vô thủy đến nay bỏ mất bản tâm, vọng nhận bóng dáng duyên trần phân biệt. Hôm nay được khai ngộ như đứa hài nhi khát sữa bỗng gặp mẹ hiền, ông chắp tay lễ Phật nguyện nghe Đức Như Lai chỉ ra nơi thân tâm cái nào là chân vọng, hư thật và hiện tiền phát minh hai tánh sanh diệt cùng chẳng sanh diệt.
GIẢNG GIẢI:
Được Phật ân cần khai thị rõ quá rồi, Ngài A-nan và đại chúng tỉnh sáng trở lại, biết mình có bản tâm không sanh diệt, thấy được chỗ lầm xưa nay của mình là chỉ nhận cái phân biệt duyên theo bóng dáng của sáu trần, lấy đó làm tâm mà quên mất bản tâm chân thật hằng hữu của mình.
Đa số sống theo cái tâm chạy theo bóng dáng ở trong đầu, lấy đó làm tâm của mình. Hễ còn duyên theo bóng dáng thì còn có tâm, hết duyên thì hết tâm. Đó là cái tâm sanh diệt lưu chuyển. Sống như vậy là bị lưu chuyển theo khách, theo trần, mất chủ. Còn chân tâm tự nó sẵn biết, không phải nhờ bóng dáng làm duyên mới biết.
Bây giờ, Ngài A-nan và đại chúng biết mình có chủ rồi, nhưng chưa nhận ra. Xưa nay như kẻ lang thang mất chủ, như đứa con thơ xa mẹ khát sữa, mà gặp mẹ thì quá mừng. Cho nên thân tâm thơ thới, nhẹ nhàng, không còn gì vui hơn nữa vì buông xuống được gánh nặng mất mình từ xa xưa. Quý vị tu hành khi nào có kinh nghiệm đó thì biết liền.
Vậy là ngay đây Ngài A-nan đã tỉnh sáng trở lại rồi, vượt qua cái mê từ vô thủy, không phải tầm thường. Tuy Ngài A-nan cũng như đại chúng đã biết mình có cái tánh không mất, có bản tâm rồi nhưng chưa phát minh ra để thật sự chứng biết. Giống như con ngỗng chúa biết uống sữa chừa nước trở lại. Ngài A-nan biết trong nước có sữa rõ ràng tin chắc không nghi, nhưng chưa biết làm sao lừa nước ra như con ngỗng chúa, cho nên thỉnh Phật chỉ dạy thêm. Đây là chỗ vi tế rất khó thấy, chỗ này không phải lý luận được. Chỗ thức trí khó phân, nếu không nhờ trí Phật, không dễ gì biện rõ được chỗ này.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, Vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật: "Xưa kia khi con chưa được Phật chỉ dạy thì nghe bọn Ca-chiên-diên và Tỳ-la-chi-tử đều nói thân này sau khi chết sẽ đoạn diệt gọi là Niết-bàn. Con tuy gặp Phật nhưng nay vẫn còn hồ nghi làm thế nào bày tỏ để chứng biết tánh không sanh diệt nơi tâm này? Nay những hàng hữu lậu trong đại chúng đây đều mong mỏi được nghe điều ấy".
GIẢNG GIẢI:
Vua Ba-tư-nặc đứng lên thưa hỏi cái nghi về thuyết đoạn diệt của hai thứ ngoại đạo là Ca-chiên-diên và Tỳ-la-chi-tử. Ngoại đạo Ca-chiên-diên nói đủ là Ca-la-lưu-đà Ca-chiên-diên, Trung Hoa dịch là Tiễn Thế. Còn Tỳ-la-chi-tử nói đủ là San-xà-dạ Tỳ-la-chi-tử, dịch là Đẳng Thắng, ban đầu Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên cũng theo ông này. Hai ngoại đạo này là hai trong số lục sư ngoại đạo, chủ trương có khác nhau chút đỉnh nhưng đều chấp thuyết đoạn diệt, cho rằng thân này sau khi chết là mất hẳn không còn gì nữa, không còn sanh tử, đó là Niết-bàn. Cái chấp này rất nguy hiểm. Bởi chữ Niết-bàn có nghĩa đen và nghĩa bóng. Chữ Niết-bàn nghĩa đen chỉ cho sự nguội tắt. Cục than cháy hết, tắt ngúm thì gọi cục than niết-bàn. Con người tu hành khi phiền não dứt hẳn thì gọi là Niết-bàn.
Đây chấp thân này chết rồi không còn gì nữa là Niết-bàn, làm cho người ta lầm chấp không còn nhân quả nghiệp báo. Có giết người, chết là xong. Nhóm này bác không có nhân quả. Rất nguy hiểm. Đó là tà kiến.
Trước khi gặp Phật, Vua Ba-tư-nặc cũng nghe theo những ngoại đạo này. Bây giờ được gặp Phật, nghe pháp nhưng cũng còn nghi ngờ chưa giải quyết được chỗ lầm này. Cho nên cầu Phật chỉ dạy để sáng tỏ được lẽ thật này. Phật dẫn đi từng bước cho ông thấy rõ.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "Đại Vương! Thân ông hiện sống đó, nay Tôi lại hỏi ông: Thân thịt này của ông là đồng như kim cương thường còn hay là biến hoại?".
Ông bạch:" Bạch Thế Tôn! Thân con hiện nay rốt cuộc cũng thay đổi và hoại diệt".
Phật bảo:"Đại Vương! Thân ông chưa từng hoại diệt thì làm sao biết nó phải diệt?".
Ông thưa: "Bạch Thế Tôn! Cái thân vô thường biến hoại của con đây tuy chưa từng diệt nhưng con xem hiện tiền mỗi niệm dời đổi mãi mãi không dừng, như lửa thành tro lần lần tiêu mất. Vì dứt mất không dừng nên con biết thân quyết định là phải theo đó mà diệt mất".
Phật nói: "Đúng vậy!".
GIẢNG GIẢI:
Phật gạn về sự biến đổi của thân bằng cách hỏi từng bước để cho ông tự đáp. Nếu Phật nói sẵn ông sẽ hiểu hời hợt, để chính ông đáp thì hiểu sâu hơn.
Thứ nhất: "Thân của ông có đồng với kim cang thường còn bất hoại không, hay nó sẽ biến hoại?". Đó là để xác định lẽ thật vô thường của thân này. Vua Ba-tư-nặc cũng có hiểu đạo nên biết rõ, ông thưa:" Thân con rốt cuộc cũng phải biến đổi và hoại diệt, không thường còn như kim cang bất hoại được".
Phật hỏi thêm: "Thân ông chưa hoại làm sao ông biết là nó sẽ diệt?". Gạn hỏi để chỗ thấy phải thực tế rõ ràng, chớ không phải lý luận suông. Ông đáp: "Tuy hiện tại nó chưa diệt nhưng thấy rõ nó vẫn luôn luôn biến đổi không dừng, theo đó biết chắc nó cũng đi đến hoại diệt". Phật xác định:”Đúng vậy". Phật đi thêm bước nữa:
CHÁNH VĂN:
"Đại vương! Nay ông đã già yếu, nhan mạo so với lúc còn bé thì như thế nào?".
Vua thưa: "Bạch Thế Tôn! Xưa kia khi con còn bé thì da dẻ hồng hào, đến tuổi trưởng thành thì khí huyết đầy đủ, nay tuổi già hình sắc cũng theo đó mà già yếu khô gầy, tinh thần tối tăm, tóc bạc mặt nhăn, sắp chết chẳng còn bao lâu. Như thế đâu thể so sánh với khi còn trẻ mạnh".
GIẢNG GIẢI:
Đây là so sánh về nhan sắc lúc trẻ lúc già để chứng minh cho sự biến đổi của thân này. Tức là đi vào thực tế. Ông nhận xét còn bé thì da dẻ hồng hào, trẻ thì sức khỏe cường tráng, tới già thì da dẻ nhăn nheo, sức khỏe suy yếu. Đó là hiện tướng của sự biến hoại rõ ràng, không có gì phải nghi ngờ. Vua Ba-tư-nặc lúc này cũng lớn tuổi rồi, cho nên ông chứng minh thực tế rõ ràng. Lẽ thật sờ sờ trước mắt, đâu có giấu diếm gì ai nhưng tại sao lại có người vẫn nhắm mắt làm ngơ?
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "Đại vương! Thân thể của ông đâu phải già liền?"
Vua thưa: "Bạch Thế Tôn! Nó biến hóa thầm thầm thay đổi, con thật chẳng biết, lạnh nóng, đổi dời, lần lần cho đến ngày nay. Vì sao? Vì lúc con 20 tuổi, tuy tuổi còn nhỏ nhưng nhan sắc đã già hơn khi lên 10, đến 30 tuổi lại già hơn năm 20 tuổi, đến nay 62 tuổi so với lúc 50 tuổi rõ ràng khi 50 tuổi sức lực cường tráng hơn. Bạch Thế Tôn, con thấy nó thầm thầm dời đổi, tuy cái già nua này thay đổi giới hạn trong 10 năm, nhưng nếu con suy nghĩ kỹ hơn chẳng những nó thay đổi trong khoảng 10 năm, 20 năm mà thực nó thay đổi theo từng năm. Chẳng những nó thay đổi từng năm mà nó thay đổi từng tháng, chẳng những nó thay đổi từng tháng mà nó thay đổi từng ngày, chẳng những nó thay đổi từng ngày mà xét cho cùng nghĩ cho kỹ thì nó thay đổi từng sát-na trong khoảng một niệm không dừng. Thế nên, con biết thân này trọn theo sự biến đổi và hoại diệt".
GIẢNG GIẢI:
Đây là đi sâu vào vi tế trong sự biến đổi của nó. Phật hỏi, ông nói thân này già nhưng có phải nó già liền không? Nó không phải già liền nhưng nó có một sự biến đổi thầm thầm trong đó, không dễ gì mình biết kịp. Đa số chúng sanh cứ tưởng mình thường còn, bền chắc, không ngờ sự biến đổi thầm thầm không dừng trong thân của mình. Biến đổi vi tế đó mắt mình nhìn thấy không kịp. Từ hôm nay qua đến ngày mai là có biến đổi rồi. Không những như vậy mà ngay khi mình ngồi đây nãy giờ là có biến đổi rồi, không phải đợi tới ngày mai.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy tế bào của mình chuyển đổi luôn luôn. Bảy ngày là có thay đổi, bảy năm coi như thay đổi toàn bộ. Do tế bào thay đổi mình mới có lớn, có già. Nếu tế bào dừng một chỗ chắc mình không lớn. Rõ ràng vậy nhưng mình không thấy tới đó. Rõ ràng vậy nhưng mình không thấy tới đó.
Vua Ba-tư-nặc suy xét thời gian thay đổi dài là 5 năm - 10 năm, nhưng nếu xét cho thật kỹ thì nó thay đổi trong từng sát-na vi tế. Sát-na là khoảng thời gian rất ngắn. Trong 1 niệm có 90 sát-na, trong một sát-na có 900 lần sanh diệt, thì thấy sự sanh diệt trong đó rất vi tế. Những vị tu thiền đạt được sức định thật sâu mới có thể thấy được. Các Ngài ghi lại cho mình biết chớ mình đâu có biết nổi. Thấy rõ chỗ này rồi thì ngồi đây là đang chết một cách vi tế. Nếu quán sâu chỗ này thì chấp ngã sẽ cởi mở, nhẹ dần dần. Bởi vì đâu có thấy mình bền chắc. Còn nghĩ mình đang sống cho nên có sự bám chấp. Chấp ngã là chỗ đó. Quán vô thường cũng là một cách để trừ chấp ngã.
Trong kinh Đại Niết Bàn, Phật có dạy: "Quán vô thường là một pháp quán hơn hết trong các pháp quán". Vua Ba-tư-nặc hiểu được như vậy, thật đáng nể. Trong khi đa số người, ngay cả chúng ta đây, cũng chưa chắc đã có ai thấy được như vậy. Đó cũng là một sự cảnh tỉnh, nhắc chúng ta phải xét lại sự tu của mình, không khéo còn hời hợt lắm, tức là tu chưa kỹ. Phật tiến thêm một bước nữa.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "Đại Vương! Ông thấy sự biến hóa đổi thay không dừng nên ngộ biết thân ông hoại diệt. Vậy khi hoại diệt ông có biết trong thân có cái gì chẳng hoại diệt chăng?"
Vua Ba-tư-nặc chắp tay bạch Phật:"Thật con chẳng biết".
GIẢNG GIẢI:
Phật muốn khai thị ngay trong cái sanh diệt có cái không sanh diệt. Đây cũng là để đánh thức cho mọi người hiểu, trong đây còn có cái không hoại diệt, tức không sanh diệt, không phải chỉ một chiều đoạn diệt.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "Nay Tôi chỉ cho ông cái tánh chẳng sanh diệt. Đại vương! Khi ông được bao nhiêu tuổi thì ông thấy nước sông Hằng?".
Vua thưa:" Khi con được 03 tuổi, mẹ con dẫn đến lễ ra mắt thần Kỳ-bà thiên. Khi đi ngang dòng sông này, con được thấy nước sông Hằng".
Phật bảo: "Đại vương! Như ông đã nói khi 20 tuổi đã già hơn lúc 10 tuổi, cho đến 60 tuổi năm tháng ngày giờ niệm niệm dời đổi. Vậy thì khi ông 03 tuổi thấy sông Hằng này, đến 13 tuổi cái thấy nước sông Hằng ấy thế nào?".
Vua thưa: "Như khi 03 tuổi rõ ràng không khác. Và đến nay con 62 tuổi cái thấy vẫn không khác".
Phật bảo: "Nay ông tự cảm thương tóc bạc, mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ rồi. Vậy cái thấy của ông hiện nay xem thấy sông Hằng cùng với khi xưa còn trẻ xem thấy sông Hằng, cái thấy đó có già có trẻ chăng?".
Vua thưa: "Bạch Thế Tôn! Không vậy".
GIẢNG GIẢI:
Chỗ này rất tế nhị. Phật gạn hỏi cái thấy về nước sông Hằng để chỉ ra tánh thấy không biến đổi. Người học phải lắng lòng nghe nghiệm kỹ, không thể hời hợt theo thường tình của thế gian.Vua có nhận xét tinh tế là lúc bé nhìn thấy nước sông Hằng đó, lúc già cũng thấy nước sông Hằng đó. Chỉ là cái thấy vậy thôi. Chỗ này phải nghiệm kỹ.
Có những vị ỷ vào trí thông minh lanh lợi của thế gian, đem chỗ này ra lý luận lung tung, làm lệch lạc ý của Phật hoặc xuyên tạc. Đó là vẽ rắn thêm chân mà không hay. Người học đạo là phải cẩn thận chỗ này, đừng để người khác chuyển mình.
Ở đây Phật muốn chỉ tánh thấy, xưa cũng nhìn thấy sông Hằng, bây giờ cũng nhìn thấy sông Hằng, tức cũng cái nhìn thấy đó thôi. Tướng nước sông Hằng có khi lặng khi gợn sóng, cái thấy nương tựa theo căn cũng có thể có thay đổi. Trẻ thấy sáng suốt, già thấy lờ mờ, phải đeo kiếng, cái đó thì có khác, có thay đổi. Hoặc thấy theo chỗ hiểu biết cũng có khác, còn bé ngây thơ thì thấy ngây thơ; bây giờ lớn tuổi lanh lợi, đầu có sạn rồi thì thấy khác. Nhưng cái biết thấy thì không khác. Xưa cũng nhìn thấy sông Hằng, bây giờ cũng nhìn thấy sông Hằng đó thôi. Phật muốn hỏi chỗ này, không phải hỏi chỗ thông minh lanh lợi kia. Thấy được chỗ này mới thấy chỗ sâu, cho nên cần phải lắng lòng để xét kỹ, đừng xen cái thông minh lanh lợi của thế gian vào.
Vua Ba-tư-nặc cũng có nhận xét, ông đáp quyết định không khác. Tức xưa kia đối trước sông Hằng cũng nhìn thấy, bây giờ đối trước sông Hằng cũng nhìn thấy, quan trọng là chỗ đó. Cái biết nhìn thấy này không có già trẻ, có đổi thay nhưng tánh thấy không có hai. Đó là chỗ Phật muốn gạn hỏi để chỉ ra.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: "Đại vương! Mặt ông tuy có nhăn nhưng cái tánh thấy này chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái chẳng bị nhăn thì không biến đổi, cái biến đổi thì phải chịu hoại diệt, còn cái chẳng biến đổi kia vốn không sanh diệt thì làm sao trong ấy lại nhận chịu cái sanh tử của ông mà ông còn nhẫn lời của bọn Mạt-già-lê kia bảo rằng thân này sau khi chết hoàn toàn mất hẳn".
Vua nghe lời ấy tin biết thân này sau khi chết sẽ sanh thân khác nên cùng với đại chúng hết sức vui mừng, được việc chưa từng có.
GIẢNG GIẢI:
Vua Ba-tư-nặc đã biết, tự trả lời là cái thấy sông Hằng khi trẻ cũng như vậy, khi già cũng như vậy. Mặc dù thân có thay đổi già trẻ nhưng cái thấy không khác, tức không có già trẻ. Nhân đó Phật chỉ ra cái có già trẻ là tóc có đen có bạc, mặt có nhăn có láng, đó thuộc về tướng vô thường sanh diệt. Còn cái không có già trẻ, không có nhăn tại sao ông lại cho nó đồng với tướng sanh diệt đổi thay. Lẽ thật rõ ràng như vậy rồi ông còn nghi ngờ gì nữa mà dẫn lời của ngoại đạo để tự làm mê mình. Vậy cho thấy, dù ngoại đạo có chủ trương đoạn diệt hoặc có lý luận nó mất hẳn nhưng lẽ thật không phải vì đó mà mất. Bởi ngôn ngữ không có thật tánh, đừng mắc kẹt. Không phải nói có thành có, nói không thành không, không phải nói khen thành tốt, không phải nói chê thành xấu. Chân lý cũng vậy, dù cho ngoại đạo có chủ trương diệt hẳn nhưng chân lý xưa nay nó vẫn như thế, dù ai chủ trương hoặc là lý luận thế nào đi nữa cũng không vì thế mà làm đổi thay được, chẳng qua lầm nhận thôi.
Được Phật khai thị rõ ràng, Vua Ba-tư-nặc tin rõ, biết rằng thân này chết không phải hoàn toàn diệt hẳn mà còn có đời sau, sẽ sanh thân khác. Vua hết sức vui mừng, không còn sợ chết là không còn gì nữa. Tuy nhiên, đây chỉ vui vì thấy không mất, chưa phải cái vui thấy đến giải thoát sanh tử, vui thấy được chân tâm thường trụ. Đó cũng tiến được một bước là trừ cái thấy tà kiến đoạn diệt.
Vua Ba-tư-nặc và đại chúng hết sức vui mừng, đại chúng ở đây là cùng loại với ông vua, không phải nói chung hết. Bởi vì trong này còn có các vị Đại A-la-hán, các Ngài không thấy có thân sau.
CHÁNH VĂN:
Ngài A-nan từ chỗ ngồi đứng dạy lễ Phật, chắp tay, quỳ dài bạch Phật: "Bạch Thế Tôn! Nếu cái thấy nghe này hẳn là không sanh diệt thì tại sao Đức Thế Tôn lại gọi bọn chúng con là bỏ mất chân tánh, làm việc điên đảo? Cúi mong Đức Thế Tôn rủ lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con".
GIẢNG GIẢI:
Ở trước, Ngài A-nan đã có tỉnh ngộ, nhưng chưa thật hiện tiền nên còn bị tình mê che. Tới đây nghe Phật nói trong cái sanh diệt có cái tánh không sanh diệt, chết cũng không phải hết. Ngài nghi tại sao lúc trước Phật nói chúng con bỏ sót mất chân tánh mà ở đây Phật nói không mất, vậy là sao? Tức cũng còn phân biệt theo ngôn ngữ. Mới thấy tình mê có nhiều lớp. Phật gỡ từng lớp, từng lớp, gỡ lớp này lòi lớp kia, gỡ lớp kia lòi ra lớp nọ. Tuy hiểu có cái không mất nhưng còn bị cái lời "sót mất chân tánh" che mờ.
Tại sao Phật nói có cái không sanh diệt mà Phật lại bảo bỏ sót chân tánh, vậy thành ra nó sanh diệt rồi. Lầm theo ngôn ngữ là chỗ đó.
CHÁNH VĂN:
Liền khi ấy, Đức Như Lai buông xuôi cánh tay sắc vàng, năm ngón chỉ xuống đất bảo A-nan rằng: "Nay ông thấy cánh tay Mẫu-đà-la của Tôi là xuôi hay ngược?".
Ông A-nan thưa: "Chúng sanh trong thế gian cho đây là ngược. Riêng con chẳng biết cái nào là xuôi, cái nào là ngược".
Phật bảo ông A-nan:"Nếu người thế gian cho đây là ngược, vậy họ cho thế nào mới là xuôi?"
Ông A-nan thưa: "Đức Như Lai dựng cánh tay Đâu-la-miên lên, ngón tay chỉ lên hư không thì gọi là xuôi".
Phật liền dựng cánh tay lên bảo ông A-nan:" Điên đảo là như thế. Chỉ đầu đuôi thay đổi lẫn nhau mà các người trong thế gian cả bọn đều xem thế ấy.
GIẢNG GIẢI:
Bởi vì ông A-nan nghi tại sao Thế Tôn bảo là bọn chúng con bỏ sót mất chân tánh, làm việc điên đảo. Mới thỉnh Phật chỉ ra cái điên đảo để rửa sạch trần cấu.
Trước Phật dùng cánh tay chỉ xuống đất, hỏi ngược hay xuôi. Ngài A-nan do đã có tỉnh sáng phần nào rồi, nên không theo lời mà đáp. Ngài nói: Theo chúng sanh thế gian thì họ nói vậy là ngược, nhưng con không biết sao là xuôi là ngược. Theo tập tục bên Ấn Độ chỉ xuống là ngược, đưa lên là xuôi. Cũng là cánh tay thôi mà đưa lên nói là xuôi, chỉ xuống nói là ngược, lẫn lộn như vậy không phải điên đảo là gì? Đó là nghĩa điên đảo. Phật chỉ thêm:
CHÁNH VĂN:
Nên biết thân ông cùng với Pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai so sánh để phát minh: Thân Như Lai gọi là "chánh biến tri", thân của các ông gọi là "tánh điên đảo". Ông nên xét kỹ thân ông và thân Phật, cái danh từ "điên đảo" ấy ở chỗ nào gọi là điên đảo?".
GIẢNG GIẢI:
Trước Phật dùng cánh tay thí dụ, bây giờ chỉ thẳng vào thân. Cũng là thân mà thân Phật gọi là "chánh biến tri", tức cái hiểu biết chân chánh mà rộng khắp. Còn thân ông gọi là "tánh điên đảo". Danh từ "điên đảo" đó ở chỗ nào gọi là điên đảo? Người lanh lợi thì hiểu liền, cái "điên đảo" cũng chỉ là danh từ thôi, không có thật tánh. Nếu điên đảo có thật tánh thì đâu thể trừ được, vậy là mình hết tu. Chính nó không có thật tánh cho nên ngộ thì nó hết, giác thì nó hết.
Đây cũng giống như đi đêm ở trong rừng mà lạc lối, phương đông tưởng là phương tây, rồi đi ngược nên lạc. Khi mặt trời sáng soi trở lại, rõ ra phương đông phương tây, ngay đó liền hết lầm. Lầm tức điên đảo, hết lầm thì hết điên đảo.
Cho nên gọi điên đảo là không có chỗ nơi. Đừng nghe Phật bảo xem cái danh từ "điên đảo " ở chỗ nào mà gọi là điên đảo, liền tìm chỗ điên đảo là bị lừa. Theo ngôn ngữ rồi bị mê là chỗ đó. Vì nó không có chỗ nơi cho nên khó chỉ ra. Vì khó chỉ ra cho nên Phật gạn hỏi để tự xét thấy, tỉnh ngộ là hết điên đảo. Đây là chỗ khéo của Phật.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, ông A-nan và cả đại chúng sửng sốt nhìn Phật không nháy mắt chẳng biết nơi thân tâm này cái điên đảo ở chỗ nào. Phật khởi lòng từ bi thương xót A-nan và cả đại chúng mà phát ra tiếng hải triều, bảo khắp hội chúng: "Này các thiện nam tử! Tôi thường nói sắc, tâm, các duyên và các tâm sở sử cùng các pháp sở duyên đều do tâm hiện. Thân ông, tâm ông đều là vật ở trong Chân Tâm Diệu Minh hiện ra. Tại sao các ông lại bỏ sót mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy mà nhận cái mê ở trong cái ngộ?
GIẢNG GIẢI:
Phật hỏi chỗ điên đảo, Ngài A-nan và đại chúng đều nhìn Phật chăm chăm sửng sốt, không biết điên đảo ở chỗ nào để chỉ. Đó giống như dồn vào đường cùng, hết biết chỗ nào để chỉ. Nhưng chính đó là chỗ bật sáng ra.
Phật thương xót phát ra tiếng hải triều giống như sóng biển bảo khắp chúng hội: Sắc, tâm, đến các duyên và các tâm sở cũng như các pháp sở duyên đều do tâm hiện. Thân, tâm và cảnh duyên đều từ Chân Tâm Diệu Minh ( tức chân tâm nhiệm màu sáng suốt) hiện ra. Nhưng ông lại bỏ quên cái gốc chân thật sáng suốt nhiệm màu đó, chỉ nhận lấy cái tướng hiện ra này. Tức là trái chân mà theo vọng. Ở trong cái sáng suốt nhiệm mầu mà lại nhận cái vọng hiện. Ở trong cái ngộ mà nhận cái mệ, rồi lại cầu ngộ. Vậy không phải điên đảo là gì?! Mình cũng vậy. Nếu khéo, ngộ ngay cái mê này, tức là trái vọng về chân.
Cũng như tay đưa lên gọi là xuôi, chỉ xuống gọi là ngược. Còn đây trái chân nhận theo tướng bên ngoài thì gọi là vọng, nhớ trở lại thì gọi là chân. Không có gì khác trong đó. Điên đảo chỗ đó thôi. Nói sót mất chỉ là danh từ phương tiện tạm thời để đánh thức cho ông nhớ trở lại thôi, không phải nói sót mất là thật mất, đừng bị ngôn ngữ lừa!
Liền đó sáng tỏ cái nghĩa vốn chỉ là Chân Tâm Diệu Minh thôi, không có cái gì khác, cũng không mất đi đâu. Lầm thì gọi sót mất, ngộ trở lại thì liền nhận ra nó vốn sẵn đầy đủ. Nói chân nói vọng chỉ là đổi cái nhìn, không phải có hai cái. Thể vốn không hai. Người trí cần phải giác ngộ trở lại để không lầm.
Có ông tăng hỏi Thiền sư Văn Ích:
- Thế nào là mặt trăng thứ hai?
Sư đáp:
- Sum la vạn tượng.
Hỏi:
- Thế nào là mặt trăng thứ nhất?
Sư đáp:
- Vạn tượng sum la.
Mặt trăng thứ nhất - mặt trăng thứ hai vốn không hai thể, không thể tách rời nhau mà có. Người trí khéo ngay đó mà sáng tỏ trở lại là xong!
Chân Tâm Diệu Minh cũng vậy, chỉ là Chân Tâm Diệu Minh thôi, không có cái thứ hai. Cái lầm tưởng là vọng, không phải thật có. Nói "chân tâm" "vọng tâm" là danh từ tạm lập trong khi mê, thật sự không có hai thể, không riêng có vọng tâm. Vọng là cái lầm mê, thể vẫn là một không có hai. Nói vô số tâm cũng vậy. Không phải thật có nhiều thứ, chỉ do lầm mê. Ngộ cái chân thật rồi mới sáng tỏ được mọi vấn đề, không còn sợ mất. Đó là chỗ Phật khai thị để trừ cái điên đảo. Ai sáng tỏ được chỗ này rồi thì rõ được cái điên đảo của mình, tức là hết điên đảo.
Đây nói lược qua pháp số. Kinh nói: "Sắc, tâm, các duyên và các tâm sở sử cùng pháp sở duyên đều do tâm hiện".
* Sắc chỉ cho 11 thứ sắc pháp, gồm 5 căn và 6 trần. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Đó là 11 thứ sắc pháp.
* Tâm gồm 8 thức tâm vương: a-lại-da, mạt-na, ý thức và năm thức trước.
* Các duyên tức là những duyên để sanh tâm. Có 4 duyên để sanh tâm.
1. Thân nhân duyên
2. Sở duyên duyên
3.Tăng thượng duyên
4. Đẳng vô gián duyên.
Trong đó chỉ có hai duyên sanh sắc thôi, đó là thân nhân duyên và tăng thượng duyên.
* Tám thức tâm kia là tâm vương, còn tâm sở sử là tâm sở. Tức nó phụ thuộc vào tâm vương, nó bị sai sử cho nên gọi là tâm sở sử. Gồm có 51 thứ:
1. Biến hành tâm sở có 5: xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư.
2. Biệt cảnh tâm sở có 5: dục, thắng giải, niệm, định và huệ.
3. Thiện tâm sở có 11: tín, tàm quý ( tức hổ thẹn), vô tham, vô sân, vô si, cần (tinh tấn, siêng), khinh an, bất phóng dật, hành, xả, bất hại.
4. Căn bản phiền não có 6: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
5. Tùy phiền não có 20: phẫn, hận, phú (che giấu, che đậy), não, tật, san, cuống, xiểm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín (không có niềm tin), giải đãi, phóng dật, thất niệm (mất niệm), tán loạn, bất chánh tri.
6. Bất định tâm sở có 4: hối, miên, tầm, tứ.
51 thứ này thuộc về tâm sở sử.
* Các pháp sở duyên, tức là các pháp làm duyên cho tâm, gồm có 24 thứ bất tương ưng hành và 6 thứ vô vi.
1. Các pháp bất tương ưng hành: đắc (được), mạng căn, chúng đồng phận, nhị sanh tánh, Vô tưởng định, Diệt tận định, Vô tưởng báo (hay vô tưởng sự tức báo thân cõi vô tưởng), danh thân, cú thân (danh từ, câu cú), sanh, lão, trụ, vô thường,lưu chuyển, định vị ( tức nhân quả lành dữ khác nhau), tương ứng, thứ đệ, phương ( không gian), thời (thời gian),số ( số lượng), hòa hợp tánh, bất hòa hợp tánh.
2. Sáu pháp vô vi: hư không vô vi, trạch diệt vô vi,phi trạch diệt vô vi, bất động diệt vô vi, vô thọ tưởng diệt vô vi và chân như vô vi.
Đó gọi là các pháp sở duyên.
Nói chung thân, tâm và các cảnh duyên đều từ tâm hiện, không có cái gì ngoài tâm mà riêng có được, do tâm mới biết có nó. Lẽ thật là như vậy.
Quán kỹ chỗ này mới thấy từ pháp thế gian, cho tới xuất thế gian đều không rời tâm mà có được. Vậy tâm là gốc, tại sao không ngộ lại tâm mà lo đi tìm mấy cái kia? Đó là chỗ Phật muốn khai thị. Dù lên tới sao Hỏa, sao gì đi nữa cũng không rời tâm mà được. Diệt tận định, vô tưởng định cũng không rời tâm mà có. Chỉ cần ngộ lại tâm là đủ tất cả. Sáng tỏ được tâm là sáng tỏ tất cả, là trở về gốc.
Người đời lo đi tìm ngọn, lo phát minh cái này cái kia mà quên phát minh cái gốc. Tìm kiếm phát minh cũng lợi ích phần nào, giúp cho thế gian sống thoải mái chút chút nhưng chỉ là cái ngọn. Bao giờ phát minh được cái gốc này mới thấy những cái kia không thành vấn đề.
Trong kinh Duy Ma Cật, kinh Hoa Nghiêm, chư Bồ-tát phát minh được cái gốc rồi, ứng hiện ra thì mấy cái phát minh kia không thấm vào đâu hết. Các Ngài ở đây mà thấy thấu qua vi trần cõi khác, hiện thân khắp nơi, biết khắp nơi, có thể biết nơi mình, có thể biết tâm ý mọi người nữa. Rõ ràng đâu có gì rời tâm mà riêng có. Hiểu vậy mình mới thấy cái gốc để làm chỗ nương trở về tu tập. Tiếp theo, Phật bảo:
CHÁNH VĂN:
Trong chỗ mê muội mờ tối đó thành có hư không, trong hư không mờ tối ấy kết cái mờ tối làm sắc, sắc xen tạp với vọng tưởng, nhận lấy tướng vọng tưởng làm thân. Nhóm các duyên dao động ở bên trong, dong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, lấy tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh. Một khi mê chấp làm tâm tánh thì quyết định lầm cho tâm ở trong thân. Chắc biết sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới bên ngoài đều là vật ở trong Diệu Minh Chân Tâm. Thí như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi cho là nước của toàn biển cả thì các ông là một nhóm người trong mê như cánh tay Tôi rủ xuống không khác. Như Lai nói là đáng thương xót!".
GIẢNG GIẢI:
Ở đây Phật nói rõ đầu mối mê lầm thành ra có thân tâm, rồi lầm tâm ở trong thân. Tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt, quý báu. Nguyên bản chữ Hán là: "Bản diệu viên diệu minh tâm, bảo minh diệu tánh" nghĩa là tâm tánh nhiệm mầu, tròn đầy sáng suốt thật quý báu. Trong đó lại chợt bất giác, quên nó đi thành ra mờ tối, mênh mang, mất điểm tựa. Cái vô minh mênh mông vô bờ giống như hư không. Mình cũng vậy, trong cái tâm tánh sáng suốt, bất giác mê nó, không biết tựa vào cái gì thành ra một cái mê mênh mông, mờ mịt, vô bờ, không biết đâu là bờ mé, cũng như hư không không biết đâu là bờ mé, mà lại mờ mịt. Trong khi tâm tánh mình sáng suốt, liễu liễu thường tri, rõ biết rõ ràng. Bây giờ giống như hư không, mênh mông mờ mịt không bờ mé. Thấy đáng thương chưa?! Giống như mình đang sáng suốt tỉnh táo đây, rồi mỏi mệt, uể oải, nhắm mắt ngủ thì cũng mờ mịt không biết đâu là bờ mé. Rồi trong mờ mịt, bắt đầu hiện thành cảnh mộng.
Đây cũng vậy, do mờ mịt thành có hư không, rồi trong hư không mờ tối đó mới kết cái mờ tối làm sắc, sắc xen với vọng tưởng, lấy cái tướng của tưởng làm thân. Vậy tức là mê vọng thành ra có hư không mờ mịt, không biết gì hết, mà lại không có bờ mé. Trong cái mờ tối hỗn độn, không có phân biệt gì hết, cho nên không còn biết đâu là chỗ ban đầu. Cũng giống như mình ngủ mê, lúc đó nằm mộng đâu biết chỗ nào là chỗ ban đầu của mộng của mê, tỉnh dậy thì hết. Chính không biết chỗ ban đầu đó cho chúng ta thấy cái mê không có chỗ bắt đầu. Do không có chỗ bắt đầu mới nói cái mê không có tánh thật, hễ giác nó thì hết. Người tu hành chưa giác ngộ được cội nguồn tâm tánh sáng suốt đó thì có tu cách mấy cũng không mở sáng được trí tuệ chân thật, chỉ biết tới chỗ mờ mịt hỗn độn này thôi, rồi chấp cái đó là chỗ bắt đầu của thế giới chúng sanh. Chính cái này là cái ngoại đạo Ấn Độ chấp.
Lão giáo của Trung Hoa cũng chấp chỗ hỗn độn mờ mịt âm dương chưa phân, cho là chỗ ban đầu. Do mê nên thấy tới đó thôi đâu còn thấy gì khác nữa. Nếu giác ngộ thấy được tâm tánh sáng suốt thì khác. Bên Ấn Độ, ngoại đạo Số Luận thì chấp Minh đế hay Minh sơ, lập làm nguồn gốc của vạn vật. Chữ "minh" này là mờ mịt, chứ không phải minh là sáng suốt. Chấp cái chỗ mờ mịt ban đầu đó làm nguồn gốc vạn vật, là chưa thoát được cái mê.
Nếu không phải là trí Phật thì làm sao thấy đến chỗ này? Chúng sanh nói tới chỗ này nổi không? Khi đã thành cái mờ tối mênh mông không gốc có thể tựa, tức là quên mất cái tâm tánh sáng suốt nhiệm mầu rồi, mới bám vào cái chỗ mờ tối đó để ngưng kết làm chỗ nương, thành ra có sắc hiện ra.
Rồi tâm có biết, sắc thì không biết; hai thứ đó xen lẫn lộn với nhau tưởng như là một. Vậy đâu còn biết rõ ràng nữa, vì xen lẫn rồi. Tức là đem cái tưởng kết với sắc, rồi bám lấy đó làm cái tưởng của thân. Thân này là tổ hợp của tướng sắc và tưởng. Do đó trong mười hai nhân duyên, Phật nói danh sắc. Một bên danh (tâm) có biết và sắc (thân) không có biết nhưng bây giờ tâm này mê mất rồi thành ra chỉ tưởng thôi, tưởng xen lẫn với sắc. Cho nên mình sống ở đây là sống trong tưởng. Mọi thứ cảm xúc vui, buồn v.v…đều là tưởng chút vậy thôi chứ không thật có gì hết. Xúc chạm vui một chút gọi là xúc tưởng, chứ có được gì đâu! Thí dụ chạm cái gì êm ái thì thấy vui chút rồi qua mất. Tưởng như là được cái gì êm ái, buông ra có còn được gì đâu!
Cũng như vậy, ăn vô miệng ngọt ngọt ngon ngon, tưởng như được cảm thọ, chút xíu thì qua mất, được gì đâu; cũng là tưởng thôi. Nhìn thấy sắc, sắc đẹp thấy vui thích thỏa mắt, rồi cũng qua, đó chỉ là tưởng thôi chứ có được gì! Nếu chưa giác ngộ để sống được với thật trí thì toàn là sống trong tưởng thôi, lấy tưởng làm nguồn sống.
Trong Luật có câu chuyện, bà mẹ bị giặc bắt đi, phải bỏ đứa con nhỏ ở nhà. Bà lấy túi tro treo ở trên nóc nhà, bảo nó: "Cơm đây, có đói thì ăn". Đứa nhỏ đói ngồi nhìn cái túi đó, nhìn hoài tưởng là cơm. Do cái tưởng đó mà nó còn lẽ sống. Có người đi vào thấy đứa nhỏ ngồi nhìn cái túi hoài,không biết cái gì trong đó, bèn trèo lên lấy xuống mở ra cho nó coi, nó thấy là tro. Ngay đó nó chết liền, vì hết còn hy vọng. Cho thấy chúng sanh sống trong tưởng. Mình sống với sắc thân này cũng là tưởng xen lẫn với sắc mà thấy dường như trong sắc có biết, thật sự đó là tưởng. Buông tưởng ra, sắc cứng đơ như khúc gỗ. Nhưng chúng sanh mê lầm, cứ nhận nó làm ta rồi từ đó thành khổ với nhau.
Như vậy lấy thân làm điểm tựa rồi giới hạn mình ở trong đó. Bởi vì mê mất tánh biết rồi, cho nên bây giờ phải gom góp những cái duyên để cho nó biết, sợ nó không biết. Thành ra biết đó là biết theo duyên thôi. Có chỗ để duyên thì mới biết.
Đây gọi là lấy tướng vọng tưởng làm thân, rồi nhóm các duyên dao động, dong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, lấy cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh. Tức là cái tướng thầm thầm lặng lặng phân biệt các duyên bên trong, đuổi bên ngoài, nên gọi là lăng xăng.
Đa số ai cũng nghĩ tâm mình là cái duyên theo phân biệt cái này cái kia trong đầu. Ai cũng nghĩ tâm tánh mình là cái suy nghĩ đó mà không biết tâm tánh vốn nhiệm mầu tự sáng suốt, tự hiểu biết, không cần cái gì khác. Do không biết nó nên đi gom góp các thứ bóng dáng làm chỗ biết. Thấy đau chưa?! Do lấy duyên làm biết cho nên duyên đổi thì nó đổi theo, không yên được, cũng không rõ ràng được,thành ra biết mà biết mờ mờ, thầm thầm lặng lặng, lăng xăng, luôn luôn sanh diệt. Đã nhận nó làm tâm rồi thì tưởng cái lăng xăng đó là tâm ở trong thân. Hầu hết chúng sanh đều nghĩ tâm ở trong thân, thân chứa tâm. Trong thân này có cái hiểu biết, hiểu biết đó là tâm. Thấy lầm chưa?! Tâm tánh rộng lớn thênh thang như vậy đó, bây giờ đóng khung nó trong cái thân chút xíu này. Không ngờ thân này chỉ là cái tướng của tưởng thôi!
Cho nên Phật trách: " Chẳng biết là sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới bên ngoài đều là vật ở trong Diệu Minh Chân Tâm hiện ra. Lại lầm nhận cái tưởng trong thân tâm mình, thế mới đau! Cho nên, Phật nói: "Thí như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi cho là toàn biển cả. Các ông là một nhóm người ở trong mê (là người mê trong nhóm người mê), như cánh tay tôi rủ xuống không khác". Tức là điên đảo như cánh tay đưa lên nói xuôi, rủ xuống nói ngược, cũng là cánh tay. Đó là nghĩa điên đảo. Đây cũng vậy, tâm tánh rộng lớn thênh thang không nhận, đi nhận cái giới hạn ở trong thân thì đúng là điên đảo. Nếu buông cái mê này, nhận trở lại nó thì rộng lớn thênh thang, chuyển cái điên đảo thành giác liền.
Thấy được như vậy rồi thì trăm ngàn thân này có mất đi cũng không dính dáng gì đến nó.
Sống được chỗ đó là đạt được Chánh định kiên cố Thủ Lăng Nghiêm, không gì lay động được. Đây là Phật chỉ hết tình, mình khéo quán kỹ thấu suốt được chỗ này rồi là phá được cái căn bản vô minh từ ban đầu bất giác chứ không phải thường.
Các bài mới
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (1) - 12/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 01: BẢY CHỖ HỎI TÂM - 07/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 1- TỰA - 01/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Yếu chỉ của kinh, sự lưu truyền, người dịch - 26/02/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Lời tựa, Giải đề kinh - 25/02/2018
Các bài đã đăng
- Kinh Viên Giác ( Phần 8) - CHƯƠNG VII: BỒ-TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI THƯA HỎI - 13/07/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 7) - CHƯƠNG VI: BỒ-TÁT THANH TỊNH TUỆ THƯA HỎI - 17/05/2016
- Kinh Viên Giác (Phần 6) - Chương V : BỒ-TÁT DI-LẶC THƯA HỎI - 21/04/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 5) - CHƯƠNG IV: BỒ-TÁT KIM CANG TẠNG THƯA HỎI - 31/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 4) - CHƯƠNG III: BỒ-TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI - 18/03/2016
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89451
- Online: 32