Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 5: CHỈ RA CÁI THẤY VỌNG ĐỂ HIỂN BẦY CÁI THẤY

16/04/2018 | Lượt xem: 3149

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

 CHÁNH VĂN:

Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Như Phật Thế Tôn vì bọn chúng con tuyên nói nghĩa nhân duyên và tự nhiên, các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, tâm còn chưa khai ngộ mà nay lại nghe “nhận được cái thấy chẳng phải là cái thấy”, càng thêm mê muội. Cúi mong Phật mở lòng từ bi bố thí con mắt đại trí tuệ, chỉ dạy cho chúng con giác tâm được sáng sạch”.

Nói lời ấy rồi buồn khóc đảnh lễ, vâng lời chỉ dạy của Phật.

GIẢNG GIẢI:

Trước Phật đã giải và phá nghĩa tự nhiên cùng nhân duyên vốn không có tự thể riêng, nhưng Ngài A-nan còn chưa giải trừ được cái mê ấy. Tức là cũng còn lầm thấy ngoài tâm có pháp, nên chưa tiêu dung được nó. Giờ đây nghe Phật nói “chỗ nhận thấy vượt lên cái thấy nữa” thì càng không hiểu. Nên Ngài thỉnh Phật bố thí con mắt đại trí tuệ để vượt qua cái thấy phân biệt, để quên cái bóng thứ hai.

 

CHÁNH VĂN:

Khi ấy, Đức Thế Tôn mới thương xót ông A-nan và cả đại chúng, sắp chỉ dạy phép Đại Tổng Trì là con đường tu hành nhiệm mầu của các Tam-ma-đề, nên bảo ông A-nan rằng: “Ông tuy nhớ giỏi chỉ càng thêm phần học rộng, đối với pháp Xa-ma-tha Vi Mật Quán Chiếu, tâm còn chưa rõ. Nay ông nghe kỹ, tôi sẽ vì ông phân biệt chỉ dạy, cũng khiến cho các người còn mê lầm (hữu lậu) ở tương lai được quả Bồ-đề.

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật sắp chỉ ra pháp Đại Tổng Trì, tức là Đại Đà-la-ni. Chữ “Tổng Trì” là gồm giữ hết các nghĩa không sót mất. Người chứng được pháp Tổng Trì là khi nghe nhận rồi thì ghi nhớ không quên.

Tổng Trì cũng có nhiều nghĩa: Có Tổng Trì là Đà-la-ni có nhiều chữ, có thứ là một chữ, rồi cũng có thứ không chữ. Đà-la-ni nhiều chữ như là thần chú của năm hội ở sau; còn một chữ như là chữ Án ở trong Mật bộ; còn không chữ là thí dụ như kinh Viên Giác chỉ nói có pháp Đại Đà-la-ni tên là Viên Giác mà không nói chữ gì, đây chỉ cho Thật tướng Đà-la-ni là tâm Viên Giác.

Như vậy, Đại Đà-la-ni này gồm thâu các Tam-ma-địa (chánh định), nên đây là con đường tu hành nhiệm mầu thành tựu các Tam-ma-địa.

Phật lại răn nhắc: “Ông tuy nhớ giỏi nhưng mà chỉ thêm phần học rộng”. Đó là nhắc khéo đừng có chạy theo chữ nghĩa bên ngoài, vì chỗ nhiệm mầu này cần Vi mật quán chiếu. Nó là tịch mà chiếu, không có hai, không có phân chia, không có tâm phân biệt trong đó nên gọi là Vi Mật.

Đây Phật mới chỉ ra hai cái vọng thấy theo cái nghiệp chung và nghiệp riêng.

 

CHÁNH VĂN:

Tất cả chúng sanh luân hồi trong thế gian do hai thứ vọng thấy điên đảo phân biệt, chính ngay đó mà phát sanh, ngay nơi nghiệp mà luân chuyển. Thế nào là hai thứ vọng thấy? Một là vọng thấy nghiệp riêng của chúng sanh, hai là vọng thấy nghiệp chung của chúng sanh.

GIẢNG GIẢI:

Phật chỉ ra hai thứ vọng thấy điên đảo phân biệt, do đó mà vọng có sanh tử luân hồi. Tức là vọng thấy theo nghiệp riêng và vọng thấy theo nghiệp chung, tuy chia hai thứ riêng và chung (cộng nghiệp), nhưng cũng đồng là một thứ vọng thấy điên đảo. Nó là cái thấy bệnh nên chớ có chấp theo mà thành điên đảo lưu chuyển, đó là chỗ Phật muốn nhắc.

Chúng ta cần đọc cho kỹ: Tất cả chúng sanh luân hồi trong thế gian do hai thứ vọng thấy điên đảo phân biệt, “chính ngay đó” mà phát sanh, rồi cũng “ngay nơi nghiệp” mà luân chuyển không phải rời đâu khác.

“Ngay đó” là ngay chỗ nào? Cũng không rời tự tâm mà riêng có. Nếu khéo ngộ trở lại ngay nơi chính mình thì liền giải thoát chớ không phải tìm giải thoát ở đâu khác.

Đây Phật chỉ ra:

 

CHÁNH VĂN:

Thế nào gọi là cái thấy sai lầm do nghiệp riêng?

A-nan! Như người thế gian bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn ánh sáng ngọn đèn riêng thấy bóng tròn năm màu bao phủ. Ý ông nghĩ sao? Ban đêm đèn sáng hiện ra bóng tròn đó là màu sắc của ngọn đèn hay là màu sắc của cái thấy?

A-nan! Nếu màu sắc này là của ngọn đèn thì người không bệnh mắt sao chẳng đồng thấy, mà bóng tròn này chỉ riêng có người bệnh mắt mới thấy? Nếu màu sắc là của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người bị bệnh mắt kia thấy bóng tròn thì gọi là cái gì?

Lại nữa, A-nan! Nếu bóng tròn này rời ngọn đèn riêng có thì nhìn những vật chung quanh như: bình phong, màn, bàn, ghế v.v… phải có bóng tròn hiện ra. Nếu rời cái thấy bóng tròn riêng có, thì đáng lẽ chẳng phải con mắt xem thấy, tại sao chỉ người bệnh mắt mới thấy bóng tròn? Thế nên phải biết, màu sắc thật ở nơi ngọn đèn, cái thấy bệnh nên có bóng tròn, bóng và cái thấy đều do mắt bệnh, chứ “cái nhận biết được mắt bệnh kia” không phải bệnh. Trọn chẳng nên nói bóng tròn là đèn hay cái thấy, trong đó có chẳng phải ngọn đèn hay chẳng phải cái thấy.

Ví như mặt trăng thứ hai, không phải mặt trăng chính và cũng không phải bóng mặt trăng (không phải bóng mặt trăng dưới nước). Vì sao? Vì khi xem thấy mặt trăng thứ hai là do ấn con mắt mà hiện ra. Những người có trí tuệ chẳng nên nói mặt trăng do ấn con mắt này là có hình tướng, hay không hình tướng, là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy. Đây cũng lại như vậy, bóng tròn do mắt bệnh hiện ra, nay muốn gọi cái gì là ngọn đèn? Cái gì là cái thấy? Huống chi phân biệt không phải ngọn đèn, không phải cái thấy.

GIẢNG GIẢI:

Phật chỉ ra cái thấy sai lầm về nghiệp riêng.

Thí dụ như do người có bệnh mắt khi nhìn ánh sáng của ngọn đèn thấy chóa lòa như cái bóng tròn năm màu, nhưng người khác thì không thấy mà chỉ có người bệnh mắt mới thấy cho nên gọi là nghiệp riêng, đây chỉ cái thấy điên đảo của từng người. Khi mê thì chúng ta thấy này kia thật nhưng những bậc giác ngộ như Phật, Bồ-tát lại thấy khác.

Phật đặt câu hỏi: Hiện tượng đó là màu sắc của ngọn đèn hay là màu sắc của cái thấy? Cái nào đúng?

Nếu là màu sắc của ngọn đèn thì tất cả đều thấy, tại sao chỉ có người mắc bệnh thấy còn người mắt không bệnh lại không thấy? Vậy không thể nói nó là màu sắc ngọn đèn được.

Còn nếu là màu sắc của cái thấy thì cái thấy đã thành màu sắc đó rồi, vậy người bệnh mắt mà thấy bóng tròn đó gọi là cái gì? Cho nên Phật nói thêm:

Nếu cái bóng tròn này mà rời ngọn đèn riêng có thì khi nhìn những vật như bình phong, màn, ghế v.v… chúng cũng phải có bóng tròn hiện ra, bởi vì nó rời đèn riêng có.

Nhưng không phải vậy, còn nếu rời cái thấy mà bóng tròn riêng có thì đáng lẽ chẳng phải con mắt xem thấy, tức là nó rời cái thấy mà có.

Nói tới, nói lui, nói gì đi nữa cũng không được. Đây là chỗ cần phải thấy. Người mê mãi lo bàn luận về bóng tròn, mà càng bàn luận càng đi xa không thể đạt được lý thật.

Nó không thật, mà cứ lo bàn luận thì không thế nào bàn ra lý được, nó do mắt có bệnh mà thấy chứ đâu phải mắt sáng thấy mà bàn. Quan trọng là thấy rõ gốc của nó, nhận ra cái thấy bệnh rồi chữa con mắt bệnh này là xong, cần gì phải bàn này kia, vậy mới là trí tuệ, song chúng sanh thường luận bàn trên ngọn là cái bóng kia mà không thấy được cái gốc này.

Trong kinh nói rõ: “Cái bóng và cái thấy đều do mắt bệnh mà ra, còn cái nhận biết được mắt bệnh đó thì nó không phải bệnh”. Nghĩa là cái bóng và cái thấy lòa thì cái đó là do mắt bệnh, còn cái mà nhận được, biết được mắt bệnh đó thì nó không phải bệnh. Cần phải thấy rõ “cái mà nhận được bệnh”, mới là quan trọng.

Phật nói rõ: “Thế nên phải biết, màu sắc thật ở nơi ngọn đèn, cái thấy bệnh nên có bóng tròn, bóng và cái thấy đều do mắt bệnh, chứ cái nhận biết được mắt bệnh kia không phải bệnh. Trọn chẳng nên nói bóng tròn là đèn hay cái thấy, trong đó chẳng phải ngọn đèn hay chẳng phải cái thấy”.

Cái thấy bệnh nên có bóng tròn, bóng và cái thấy đều do mắt bệnh, chỉ cần biết nó do mắt bệnh mà có ra, khỏi nói là phải-chẳng phải gì nữa.

Rõ được chỗ này rồi thì sáng tỏ được nghĩa ở trước: Nhận thấy cái thấy thì cái nhận thấy này không phải là cái thấy ấy, cũng như ở đây nhận biết được con mắt bệnh thì nó không phải là bệnh, vậy đâu còn gì phải nghi. Biết rõ cái bóng tròn kia là do cái thấy bệnh thì khỏi cần phải bàn lăng xăng.

Kế là Phật thí dụ thêm về mặt trăng thứ hai. Thí dụ do ấn dụi mắt, khi nhìn mặt trăng thì thấy như có hai mặt trăng; mặt trăng thứ hai chóa ra, nó chỉ là vọng hiện chứ không thật có. Khi biết nó là cái bóng vọng hiện thì chẳng cần bàn luận lăng xăng về nó nữa, không tới đâu hết.

Biết nó là cái bóng do dụi mắt thấy, đến khi hết dụi mắt sáng nhìn trở lại chỉ có một mặt trăng chứ có gì đâu mà bàn! Chỉ cần hết dụi mắt thì mắt thấy trong sáng, lúc đó tìm đâu ra mặt trăng thứ hai để bàn. Nếu ở trên cái bóng đó luận bàn, thì dù lý luận đến đâu đi nữa cũng vẫn chưa hết mê.

Còn hết mê thì sao? Thì đâu còn thấy bóng nữa mà bàn. Giống như mắt hết nhặm, đã sáng tỏ rồi thì nhìn đâu có bóng tròn nữa để mà bàn, đó là chỗ rất tế nhị. Cho nên, người mê cứ nhằm trên cái thấy bệnh mà bàn cho là tự nhiên, là nhân duyên, là phải, là chẳng phải thì cũng nằm trên cái bóng thôi. Người nhận được tánh thấy này thì khỏi cần phải bàn nữa, còn nói phải, chẳng phải, tự nhiên, nhân duyên v.v… cũng là hý luận.

Đó là Phật nói về cái thấy nghiệp riêng. Tiếp đến, Phật nói về cái thấy nghiệp chung:

 

CHÁNH VĂN:

Thế nào gọi là cái thấy sai lầm do nghiệp chung?

A-nan! Cõi Diêm-phù-đề này trừ nước biển cả ra, trong đó đất bằng có 3000 châu. Châu lớn chính giữa bao quát từ đông sang tây, có đến hai ngàn ba trăm nước lớn. Ngoài ra các châu nhỏ ở trong các biển, trong đó có châu có đến hai trăm, ba trăm nước lớn, hoặc một chục, hai chục cho đến ba chục, bốn chục, năm chục nước lớn. A-nan! Lại nếu trong đó có một châu nhỏ thì chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng cảm ác duyên thì chúng sanh trong nước đó xem thấy tất cả cảnh giới không lành. Hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng cho đến thấy nhiều ác tướng khác như là vựng, thích, bội, quyết, tuệ bột, phi lưu, phụ nhĩ, hồng nghê, chỉ nước đó thấy, còn chúng sanh nước bên kia vốn không thấy cũng không nghe.

GIẢNG GIẢI:

Phật chỉ ra cái thấy sai lầm về nghiệp chung tức là cộng nghiệp.

Người trong một nước này thấy có hiện tượng xấu ở trên trời nhưng người ở nước khác thì lại không thấy, đó là do nghiệp chung của người trong nước đó. Thí dụ như người nước này thấy điềm xấu là mặt trăng có quầng đen, là do nghiệp chung của nước này sắp có tai nạn nên có điềm xấu báo hiện. Điều này cũng thường xảy ra.

Xưa, trong sử có dẫn vào thời Tần, thời Hán, trong nước này thấy sao chổi, thấy hai mặt trăng, hai mặt trời, hoặc là vựng, thích v.v… “Vựng” tức chỉ cho cái vòng khí đen bao quanh giáp mặt trời, mặt trăng; còn “thích” như nhật thực, nguyệt thực; “bội quyết” là luồng khí trắng có hình vòng tròn giống như cái vòng ngọc ở bên cạnh mặt trời hoặc mặt trăng, nó đứt quãng thì gọi là “quyết”; còn “tuệ bột” là sao chổi; “phi” là sao băng; “lưu” là sao sa; “phụ nhĩ” tức là luồng khí độc, nó hiện lên phía trên mặt trời thì gọi là “phụ”, còn nó hiện ở bên cạnh giống như cái lỗ tai thì gọi là “nhĩ”; “hồng” là cầu vồng buổi sáng; “nghê” là cầu vồng buổi chiều v.v… thì đó là những điềm hiện ra có khi nước này thấy nhưng nước kia không thấy, nên đó gọi là nghiệp chung của một nước.

Phật kết lại, chúng sanh thấy mình, thấy người, thấy cảnh đó là thuộc cái thấy bệnh; còn người giác ngộ sáng suốt thì thấy rõ chỉ là từ một tâm hiện chứ không gì khác. Như trước đã nói, khi nhận thấy được cái thấy thì nó không phải là cái thấy đó, nó vượt hơn cái thấy đó, nên đừng lầm theo cái thấy đó mà khéo tiêu dung trở về cái chân thật.

 

CHÁNH VĂN:

Nay tôi vì ông lấy hai việc đó lui tới kết hợp mà chỉ rõ.

A-nan! Cái nhận thấy sai lầm do nghiệp riêng của chúng sanh kia thấy ngọn đèn hiện ra bóng tròn, tuy giống như tiền cảnh, nhưng rốt cuộc cái thấy đó, trọn do mắt bệnh nhặm mà thành. Mắt bệnh tức cái thấy bị lao nhọc, chứ chẳng phải do màu sắc tạo ra. Song người nhận được mắt bệnh, cái thấy của họ không có lầm lỗi.

So với ông hôm nay dùng mắt xem núi sông, cõi nước, và các chúng sanh đều do cái thấy bệnh từ vô thủy tạo thành. Cái thấy và cảnh vật bị thấy, in tuồng như có cảnh trước mắt, nguyên là cái giác minh của ta do năng kiến, sở kiến thành bệnh.

Vọng thấy tức bệnh, chứ Bản Giác Minh Tâm biết được duyên thì không bệnh. Cái nhận biết được cái bị bệnh đó không ở trong phạm vi cái bệnh. Đây mới là nhận thấy tánh thấy, làm sao còn gọi đó là thấy, nghe, hay, biết được?

Thế nên, nay ông thấy Tôi và ông cùng với mười loài chúng sanh trong thế gian đều do mắt ông bị bệnh nhặm, chứ chẳng phải cái thấy bệnh nhặm, vì tánh thấy chân thật đó không phải nhặm nên chẳng gọi là thấy.

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật nói rõ thêm về hai thứ thấy sai lầm là nghiệp riêng, nghiệp chung, sau đó kết hợp mới chỉ ra chỗ mê lầm vọng thấy của chúng sanh từ vô thủy. Đồng thời làm sáng tỏ nghĩa nhận ra cái thấy, thì cái nhận ra đó không phải là cái thấy như trước đã nói. Trước là lấy cái thấy sai lầm về mắt nhặm rồi vọng thấy ra nơi ngọn đèn có cái bóng tròn giống như cái bóng lòa, đó là do nghiệp riêng của người bệnh, còn người không bệnh thì không thấy.

Cái bóng tròn đó tuy nó hiện ra nhưng nó không thật có, màu sắc cũng không thật; như vậy cái thấy mà thấy ra cái bóng tròn đó gọi là cái thấy bệnh, giống như là có năng kiến, sở kiến nhưng đều không có thật thể. Nguyên cái thấy vốn sáng suốt chứ đâu có lòa.

Vậy thì hai cái: Cái thấy bệnh và cái bóng tròn được thấy đó đều không có thật thể, vì không có thật thể nên nó đồng là một thể thấy sáng suốt chứ không phải riêng có. Do đó, người nhận được con mắt bệnh thì cái thấy của họ không phải bệnh, không ở trong cái bệnh. Đây là chỗ cần hiểu kỹ.

Cũng vậy, một người hiện dùng mắt xem thấy núi sông, cảnh vật và các chúng sanh hiện ra đây, đó cũng là từ cái thấy bệnh từ vô thủy mà vọng thấy ra các thứ như vậy; nên Phật nói là cái thấy nghiệp riêng không có cái thật thể, gốc của nó cũng đồng là một thể giác sáng suốt.

Nghĩa là trong một thể giác sáng suốt không có hai, nhưng vì mê nó cho nên mới chợt khởi ra có cái thấy, rồi cảnh vật bị thấy, giống như là có thêm cái đối tượng ở trước mình nên nó chia thành ra có hai, đó là cái lỗi của mê.

Giống như chiêm bao, dường như có trong có ngoài nhưng sự thật thì không có hai thể riêng. Chỉ có một người nằm ở gối đó thôi chứ đâu có mấy người, nhưng vì mê vọng chiêm bao thấy có thêm người ở trong chiêm bao, rồi có thêm những cảnh vật ở trong chiêm bao. Có người, có cảnh, nhưng sự thật thì đâu có người thứ hai, tỉnh rồi thì cũng chỉ có một người nằm ở gối đó thôi, đâu có người nào nữa.

Đây cũng vậy, cái giác mà khởi vọng thấy và cảnh bị thấy vốn chỉ là một tâm bản giác sáng suốt do mê thành bệnh, rồi mới vọng thấy dường như có cảnh hiện ra ở trước.

Nếu ngộ trở lại tâm bản giác sáng suốt, rồi từ tâm bản giác sáng suốt đó mà nhận biết được những cảnh duyên thì tâm bản giác sáng suốt này đâu thuộc nơi duyên, tức là nó không nằm trong cái thấy bệnh.

Nó nhận biết được cái thấy bệnh nhưng nó không nằm trong cái bệnh; nếu nó nằm trong cái bệnh thì nó đâu thấy được bệnh, vậy tức là nó còn vượt qua cái thấy bệnh. Cho nên, khi mình giác được cái thấy bệnh thì cái giác được cái thấy bệnh đó không nằm trong cái bệnh.

Cũng vậy, khi mình giác được cái vọng thì cái giác đó không nằm trong cái vọng, nếu nó nằm trong cái vọng thì nó không biết vọng rồi. Chỗ đó là chỗ phải nhận cho kỹ, là chỗ phải hết sức cẩn thận!

Hơn nữa, khi nó nhận biết được cái thấy bệnh thì nó không nằm trong cái bệnh, vậy tức là nó còn vượt qua cái thấy bệnh, vậy đâu có thể đem cái thấy, nghe, hiểu, biết còn trong đối đãi nương theo cảnh, duyên theo trần kia mà sánh với nó được. Tiêu dung cái thấy, nghe, hiểu, biết đó trở về một cái thể giác chứ không riêng có khởi thêm cái thấy, nghe, hiểu, biết gì nữa, đó mới gọi là trở về gốc.

Đến phần sau, Phật nói rõ ra “tri kiến lập tri tức vô minh bổn”, tức là trên cái thấy biết mà lập thêm cái thấy biết nữa thì đó là gốc vô minh; còn “tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn”, thấy biết mà không lập thêm thấy biết thì đó là Niết-bàn.

Lập thêm tức là thành ra có cái thứ hai. Cho nên chỗ này vi tế, khó hiểu. Nhưng nếu khéo quán kỹ nhận ra chỗ này rồi thì sẽ thấy được cái lầm của mình và không còn mắc kẹt trong cái thấy, nghe, hiểu, biết hiện tại.

Phật nói rõ là hiện nay ông thấy tôi, rồi thấy ông, rồi thấy các loài chúng sanh hiện ra đây, thấy cái gì cũng thật, là đều thuộc về cái thấy bệnh nên mới có nhiều thứ sai biệt như vậy. Tức là thấy nó có nhiều cái tự ngã, tôi là cái tự ngã, ông là cái tự ngã, các chúng sanh là nhiều cái tự ngã, cái thấy mê lầm là chỗ đó. Chỉ trong một thể giác thôi mà thấy ra nhiều cái sai biệt.

Xét kỹ lại, cái thấy chân thật thì chỉ đồng một thể, chứ đâu có thứ gì có thể đồng hóa nó trong cái thấy bệnh được. Cho nên khi thấy được cái thấy bệnh thì nó không phải là cái thấy bệnh, nó không thuộc về đối tượng để thấy, đó là chỗ chớ lầm lẫn.

Đây Phật dạy kỹ: Cái vọng thấy tức là bệnh, còn cái bản giác minh tâm (tức tâm bản giác sáng suốt) biết được cái được thấy đó thì nó không có bệnh. Vậy cái nhận biết được cái bị bệnh đó, nó không ở trong phạm vi cái bệnh, không thuộc cái bệnh, thì làm sao lầm được cái thấy với cái bị thấy.

Hiểu được chỗ này rồi thì mới rõ được cái nghĩa ở trước “khi nhận thấy được cái thấy thì cái nhận thấy đó lìa cái thấy, cái thấy không thể bì kịp nó”, tức là cái thấy mà được nhận ra là thuộc về đối tượng rồi, còn nó nhận ra cái đó thì nó vượt qua cái đó chớ nó không có đồng hóa trong cái đó.

Tóm lại, Phật nói rõ: “Nay ông thấy tôi và ông cùng với mười loài chúng sanh trong thế gian đều do mắt ông bị bệnh nhặm, chứ chẳng phải cái thấy bệnh nhặm, vì tánh thấy chân thật đó không phải nhặm nên chẳng gọi là thấy”.

Chúng ta cần phải quán kỹ, quán sâu chỗ này thì sẽ không mắc kẹt, vượt qua được cái lầm thấy lâu nay.

Khi con mắt đang sáng suốt rõ ràng thì không có gì khác, nhưng khi bệnh rồi thì nhìn thấy ánh sáng của bóng đèn có thêm cái bóng nữa, giống như có thêm cái thứ hai. Như vậy, cái thấy đó thuộc về cái thấy bệnh. Rồi cái bóng thứ hai đó cũng thuộc về cái vọng hiện do cái thấy bệnh mà hiện ra chớ nó không có thật thể. Cả hai, cái thấy bệnh với cái bóng hiện ra đó đều không có thực, nguyên vốn chỉ là cái thấy sáng suốt, chớ không phải riêng ngoài cái thấy sáng suốt mà nó có thêm cái gì thứ hai. Đó là chỗ phải thấy rõ.

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Như các chúng sanh do nghiệp chung vọng thấy, so với một người do nghiệp riêng vọng thấy, một người nhặm mắt cùng đồng như cả một nước kia. Người thấy bóng tròn kia do bệnh mắt mà vọng sanh. Còn trong một nước kia hiện ra những điềm không tốt là do ác duyên nghiệp chung, nên các chúng sanh đó đồng thấy các điềm ác hiện ra, cả hai đều là do vọng thấy từ vô thủy mà phát sanh. Lệ như là 3.000 châu trong cõi Diêm-phù-đề và cõi Ta-bà cho đến mười phương các nước hữu lậu và các chúng sanh thì đồng là tâm tánh nhiệm mầu sáng suốt giác ngộ vô lậu, mà những cái thấy nghe hiểu biết là bệnh duyên hư dối hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử. Nếu hay xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp, thì diệt trừ các nhân sanh tử, viên mãn Bồ-đề tánh không sanh diệt, Bản Tâm thanh tịnh, Bản Giác thường trụ.

GIẢNG GIẢI:

Đem chỗ vọng thấy của một người do nghiệp riêng vọng thấy, so với các chúng sanh do nghiệp chung mê lầm vọng thấy nơi cõi Ta-bà mà thấy các chúng sanh, thấy mười phương cõi nước, cũng đồng là cái thấy bệnh như nhau từ vô thủy.

Như những người trong một nước do nghiệp ác chung thấy có hiện ra những điềm xấu thì đó cũng do nghiệp ác chung của những người trong nước nên chúng hiện ra, còn những người nước khác thì không thấy. Cho nên, những điềm xấu đó cũng là cái vọng hiện, chứ nếu là thật thì những người nước khác cũng phải thấy.

Thí dụ cái bóng tròn hiện ra, nếu nó là thật thì những người mắt sáng, mắt không có bệnh cũng phải thấy. Nhưng đây chỉ riêng người mắc bệnh thấy thì đó là vọng hiện do con mắt bệnh thôi. Cũng vậy, chúng sanh do mắt bệnh nên mới thấy là có mình, có người, có thế giới, thì đó cũng là do mắt bệnh vọng hiện ra, còn với người mắt sáng, những bậc giác ngộ như chư Phật thì các Ngài thấy không có gì thật hết.

Để nói lên tâm bản giác nhiệm mầu sáng suốt vì mê thành ra mới vọng thấy có các thứ sai biệt hiện ra ở trước, đó gọi là vô minh vọng động thành nghiệp; từ đó mới hiện ra các thứ sai biệt lưu chuyển luân hồi v.v... Nhưng cái thấy hiện ra đó là do mê, chứ tâm bản giác sáng suốt nhiệm mầu vẫn là một thể. Khi ngộ trở lại tâm thể bản giác sáng suốt thì quên cái thấy sai biệt đây kia, tức là dứt cái nhân sanh tử hư vọng mà trở về cái chân tâm thường trụ từ nguyên thủy.

Phật nói rõ những cái thấy, nghe, hiểu, biết là cái bệnh duyên hư dối hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử. Tức là sanh tử chỉ là sự hòa hợp do vọng khởi không thật có. Chỗ không thật có đó nói lên chính nó là vô sanh. Ý là nếu người hay xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp thì diệt trừ các nhân sanh tử, thành viên mãn tánh Bồ-đề không sanh diệt.

Điều này cảnh tỉnh cho tất cả mọi người là chớ có tin vào cái thấy kia, cùng các thứ hiện tiền sai biệt đó, vì nó thuộc về cái thấy bệnh, cần soi trở lại cái thấy không hai. Vì vậy trong nhà thiền, các Thiền sư luôn phá cái thấy đối đãi khiến che mờ tánh thật. Là muốn nhắc cho người học chớ có vội tin vào cái thấy hai bên, cái thấy kia-đây sai biệt, chính vì cái thấy này mới khởi phiền não; nếu không tin vào nó, không bám vào nó thì phiền não nương vào đâu để khởi? Đó là con đường giải thoát hiện ngay trước mắt nào phải tìm đâu xa.

Cho nên, chúng ta tu là tu ngay chỗ này chứ không phải đâu khác. Vì không biết nên cứ lo tìm ở đâu đâu rồi tu mà không thấy tiến. Lâu dần sanh chán, cũng bởi không nắm vững được đường lối tu.

Còn nắm vững được đường lối tu, thì đường tu sáng tỏ, ngay chỗ cái thấy, nghe, hiểu, biết hiện tiền đây là chỗ trở về chớ đâu cần lên núi lên non, tìm chỗ này chỗ kia tu, đó gọi là ngoài tâm cầu pháp, mà ngoài tâm cầu pháp thì là gì? Chính đó là mê.

Người tu đúng đường bảo đảm mỗi bước đi là mỗi bước giảm bớt mê lầm, còn không thì tu hoài mà không hết mê. Bởi vì cứ nhận theo cái thấy bệnh thì làm sao hết bệnh được? Phải nhận được cái thấy không bệnh, nắm chỗ đó mà đi thì nó phải hết bệnh. Đây là chỗ mà người thật tâm tu hành phải quán kỹ để thấy rõ ràng lẽ thật.

Trên là Phật dạy về cái thấy nghiệp chung và cái thấy nghiệp riêng, rồi so sánh tới lui để chỉ ra cái thấy mê lầm của chúng sanh từ vô thủy. Chúng ta thấy rõ là, cái thấy mê lầm của chúng sanh từ vô thủy đó cũng vốn là từ trong một tâm bản giác sáng suốt mà mê lầm vọng khởi ra các thứ sai biệt, nếu ngộ trở lại thì cũng đồng là một thể giác chứ không gì khác.

Chính vì vậy, khi người thật sự giác ngộ được lẽ thật rồi thì chỗ thấy như nhau. Trên từ Đức Phật cho đến các Tổ, các Thiền sư sau này, khi các Ngài giác ngộ rồi thì cái thấy của các Ngài cũng khế hợp, thông cảm, không có sai biệt. Như Ngài Lâm Tế, Ngài từng nói: “Theo chỗ thấy của Sơn Tăng thì cùng Đức Phật Thích Ca không khác”.

Như trong đây, Đức Phật khai thị lẽ thật về tánh thấy này cho Ngài A-nan, rồi đến sau này các Thiền sư khai thị cho người học cũng đồng chỗ thấy đó thôi, nhưng phương pháp thì có hơi khác, vì không y khuôn.

Thí dụ như Phật giơ nắm tay lên co, nắm để khai thị Ngài A-nan, còn các Thiền sư khi muốn khai thị các Ngài không bắt chước như Phật. Các Ngài lấy ý đó nhưng khai thị bằng cách sáng tạo của mình, không bị đóng khung nên luôn linh động.

Thí dụ Ngài Quy Sơn khai thị đưa cây phất tử lên chứ đâu phải bắt buộc là phải đưa nắm tay lên mới được! Rồi Ngài Bá Trượng thì đưa đốm lửa lên v.v… Tức là mỗi Thiền sư đều có cách khai thị riêng nhưng cũng đồng một ý.

Chứ còn bắt chước giống nhau, nhiều khi người học không sáng được lẽ thật, trái lại bị mắc kẹt. Giống như câu chuyện của hai chú tiểu ở hai Thiền viện gần nhau. Một chú linh động, còn một chú thì chấp khư một chỗ. Chú này đi ra gặp chú kia, bèn hỏi:

- Hôm nay huynh đi đâu vậy?

Chú kia nói:

- Chân bước đâu thì tôi đi đó.

Chú này không biết trả lời sao, về hỏi thầy. Ông thầy bảo:

- Con sao dốt quá vậy! Sao không hỏi lại: Nếu không có chân thì sao?

Chú này học được câu đó, cứ bám vào câu đó, hôm sau ra canh để gặp chú kia, rồi hỏi:

- Bữa nay huynh đi đâu vậy?

- Gió thổi đâu thì tôi đi đó.

Chú tiểu kia đúng là linh động, biết tùy thời mà đáp.

Chú này không biết nói sao vì nếu đáp về cái chân thì mới trả lời được, còn không đúng cái chân thì thôi, hết trả lời. Đó gọi là chết một chỗ.

Khi về kể cho thầy nghe, ông thầy nói:

- Con sao thiệt thà chậm lụt! Sao không hỏi nó: Vậy nếu không có gió thì sao?

Chú học được hai câu, qua hôm sau ra canh để gặp chú kia và hỏi:

- Hôm nay huynh đi đâu vậy?

Chú kia nói:

- Tôi đi chợ mua rau.

Chú cũng không biết cách trả lời!

Cho thấy khi cái thấy bị đóng khung một chỗ thì thành ra cái thấy chết, còn cái thấy sáng tạo thì nó phải tùy duyên, tùy cảnh mà linh động, nhưng quan trọng là không đánh mất cái ý.

 

CHÁNH VĂN:

Ông tuy trước đã ngộ được bản giác nhiệm mầu sáng suốt, tánh nó chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tự nhiên mà vẫn còn chưa rõ căn nguyên của tánh giác không phải hòa hợp sanh và chẳng hòa hợp.

A-nan! Nay tôi lại lấy nơi tiền trần để hỏi ông: Nay ông còn lấy tất cả vọng tưởng hòa hợp các tánh nhân duyên trong thế gian mà tự nghi lầm là chứng tâm Bồ-đề do hòa hợp mà phát khởi.

Vậy thì cái kiến tinh trong sạch nhiệm mầu của ông hiện nay là cùng với sáng hòa hay cùng với tối hòa, cùng với thông hòa hay cùng với bít hòa? Nếu cùng với sáng hòa, thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lộn với cái thấy? Cái thấy sáng có thể nhận rõ, còn tình trạng xen lộn thì thế nào? Nếu cái sáng kia ra ngoài cái thấy thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu cái sáng tức là cái thấy, thì làm sao mà thấy được cái thấy? Như cái thấy cùng khắp thì chỗ nào hòa với cái sáng? Còn cái sáng nếu đầy khắp thì lẽ ra chẳng hợp với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng, thì khi xen lẫn vào ắt mất tánh chất của cái sáng. Cái thấy xen lẫn vào làm mất tánh chất của cái sáng mà nói hòa với cái sáng là không đúng nghĩa. Đối với cái tối, cái thông, cái bít cũng lại như vậy.

Lại nữa A-nan! Tánh thấy trong sạch nhiệm mầu của ông hiện nay lại hợp với sáng hay là hợp với tối, hợp với thông hay là hợp với bít? Nếu mà hợp với sáng, đến khi tối thì tướng sáng đã mất, cái thấy này đã không hợp với tối thì làm sao thấy được tối? Nếu khi thấy tối chẳng hợp với tối, mà hợp cùng sáng, thì đáng lẽ cũng không thấy được sáng. Đã không thấy được sáng thì làm sao hợp với sáng, và rõ biết sáng chẳng phải là tối; đối với tối, thông, bít cũng lại như vậy”.

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan qua được nghĩa nhân duyên và tự nhiên nhưng vẫn chưa qua được nghĩa hòa hợp và chẳng hòa hợp. Mà chưa qua được nghĩa này thì cũng chưa dứt sạch được nhân sanh tử.

Trên Phật đã nói rõ những cái thấy, nghe, hiểu, biết là bệnh duyên hư dối hòa hợp vọng sanh, rồi hòa hợp vọng tử. Nói hòa hợp là chỉ rõ nó không thật, không thật mới hòa hợp, còn thật rồi thì cần gì phải hòa hợp? Tức ngầm chỉ ngay nơi sanh tử vốn vô sanh, chớ có lầm.

Chỗ này rất vi tế, khó thấy nên Phật mới phá thẳng nghĩa hòa hợp để giúp mọi người sạch hết mê lầm. Cội nguồn của tánh giác không phải là hòa hợp sanh hay chẳng hòa hợp; còn mắc kẹt hòa hợp hay chẳng hòa hợp tức là còn mắc kẹt hai bên.

Nếu cội nguồn của tánh giác phải hòa hợp sanh thì nó thành pháp gì? Pháp tạo tác. Tạo tác tức là pháp sanh diệt. Còn nếu nó chẳng hòa hợp thì tức là nó ngăn cách với cái khác, giống như tách rời với cái khác, như vậy là ngoài nó thêm có cái khác nữa thì cũng là chưa hết mê. Nếu thật sự chính nó là cội nguồn của tánh giác thì nó là như vậy không thêm gì nữa.

Ở đây, Phật không lý luận xa xôi mà lấy ngay tiền trần hiện tại để gạn phá. Bởi vì khi nghe nói chứng tâm Bồ-đề thì phải đúng thời, đủ thời tiết nhân duyên mới khế hợp được; nên từ đó người ta mắc kẹt nơi nghĩa hòa hợp. Phải đợi đúng thời tiết khế hợp tức là nó phải hòa hợp, chính chỗ đó là chỗ mê, nên Phật mới phá nghĩa hòa hợp. Mới thấy cái mê của chúng sanh rất vi tế, phá cái này lại dính qua cái kia. Hoặc là khi nghe nói tu là phải khế hợp tâm Bồ-đề, nên không khéo còn mắc kẹt chỗ đó. Nhưng nếu tâm Bồ-đề còn có chỗ khế hợp thì nó cũng chưa ra khỏi nghĩa sanh diệt, nên vẫn bị phá.

Phật lại nói rõ: “Kiến tinh trong sạch nhiệm mầu, là cái thấy vốn nguyên vẹn, không lẫn lộn thì sao lại còn có hòa, có hợp?”.

Hòa nghĩa là trộn lẫn với nhau, còn hợp giống như hai cái nhập chung, Phật phá hai nghĩa đó. Ngài nói: “Cái kiến tinh trong sạch nhiệm mầu của ông hiện nay là cùng với sáng hòa hay cùng với tối hòa, cùng với thông hòa hay cùng với bít hòa?”. Tức là lấy tiền trần ở trước đó để gạn phá. Nếu nó cùng với cái sáng hòa thì cái sáng đang hiện trước đây, thử chỉ chỗ nào là chỗ nó trộn lẫn với cái sáng mà gọi là hòa? Vậy cái thấy sáng đó thì có thể nhận rõ, còn cái hình trạng xen lộn đó làm sao chỉ ra được?

Chỗ đó ngầm chỉ ra, bởi cái thấy vốn tánh không, nó không phải là một vật, nó không có tự thể, hay nói rõ hơn theo danh từ chuyên môn là nó không có tự ngã.

Nên khi thấy sáng có thể nhận rõ nhưng hình trạng xen lộn thì không thể chỉ ra chỗ cái thấy xen lộn với cái sáng. Đặt trường hợp nếu cái sáng kia ra ngoài cái thấy thì làm sao cái thấy thấy được cái sáng? Ra ngoài tức là nó tách rời cái thấy rồi.

Trường hợp nếu cái sáng tức là cái thấy thành ra cái thấy thấy được cái thấy. Nó đã thành cái thấy rồi mà nó lại bị thấy, nghĩa đó không thành. Nên đây nói nếu cái sáng tức là cái thấy thì làm sao thấy được cái thấy đó!

Lại, nếu cái thấy cùng khắp thì đâu còn chỗ nào để hòa với cái sáng? Còn cái sáng đầy khắp, nó cũng chẳng hợp được với cái thấy, vì đầy khắp cho nên nó bít hết.

Nếu cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen lẫn vào nó sẽ mất tánh chất của nó. Thí dụ nước trong mà hòa đất bùn vào, nước trong sẽ thành nước đục.

Đây cũng vậy, cái thấy với cái sáng, hai cái khác nhau mà xen lẫn vào nhau sẽ làm mất tánh chất của nhau. Cái sáng mất tánh chất của sáng, cái thấy cũng mất tánh chất của cái thấy, vậy còn nói gì là thấy sáng? Vậy nghĩa hòa đã không thành.

Nghĩa hợp cũng không thành, hòa là do chúng trộn lẫn với nhau, còn hợp thì hai thứ chung lại. Nên đây Phật mới phá: “Tánh thấy trong sạch nhiệm mầu của ông hiện nay lại hợp với sáng hay là hợp với tối, hợp với thông hay là hợp với bít? Nếu mà hợp với sáng, đến khi tối thì tướng sáng đã mất, cái thấy này đã không hợp với tối thì làm sao thấy được tối?”.

Nó hợp với cái sáng là nhập chung với cái sáng rồi, đã nhập chung với cái sáng thì khi tối đến đâu thấy tối được, ngược lại cũng vậy.

Nói gọn lại, cái thấy vốn là kiến tinh nhiệm mầu sáng suốt, nguyên vẹn thấy là thấy thôi! Nếu nó trộn lẫn với cái khác như trộn lẫn với cái sáng hoặc là trộn lẫn với cái tối thì nó mất tánh chất của nó, không còn “tinh” nữa và cái kia cũng bị mất tánh chất của nó luôn, nên đâu thành nghĩa thấy.

Rồi nghĩa hợp cũng vậy. Xét cho tột thì không thành nghĩa hòa hợp. Nếu còn kẹt trong cái thấy hòa hợp tức ngầm còn thấy có tự ngã nên nó mới hòa với cái này hay hợp với cái kia. Mê là chỗ đó!

Đây Phật phá tột chỗ đó để trả về cái thấy chỉ là cái thấy không thêm gì khác nữa.

 

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Như con suy nghĩ cái tâm giác ngộ nhiệm mầu này cùng các trần cảnh và các tâm niệm nhớ nghĩ chẳng phải hòa hợp chăng?”.

GIẢNG GIẢI:

Phật phá nghĩa hòa hợp, Ngài A-nan thắc mắc nếu vậy thì chúng thành chẳng hòa hợp. Đây do tình thức chấp kẹt hai bên, không cái này thì là cái kia.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: “Nay ông lại nói tánh giác chẳng phải hòa hợp, tôi lại hỏi ông: Tánh thấy nhiệm mầu này chẳng phải hòa hợp, vậy chẳng hòa cùng cái sáng hay là chẳng hòa cùng cái tối, chẳng hòa cùng cái thông hay chẳng hòa cùng cái bít? Nếu chẳng hòa cùng cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng ắt phải có ranh giới. Ông hãy xem kỹ, chỗ nào là cái sáng, chỗ nào là cái thấy? Nơi cái sáng, nơi cái thấy, thì lấy từ đâu làm ranh giới? A-nan! Nếu bên cái sáng ắt không có cái thấy, thì hai cái chẳng đến với nhau. Cái thấy tự chẳng biết được cái sáng ở đâu, thì làm sao thành lập được ranh giới? Đối với cái tối, cái thông, cái bít cũng lại như vậy. Lại, tánh thấy nhiệm mầu nếu chẳng phải hòa hợp là chẳng hợp với cái sáng hay chẳng hợp với cái tối, chẳng hợp với cái thông hay chẳng hợp với cái bít? Nếu chẳng hợp với cái sáng thì cái thấy và cái sáng tánh nó trái nhau ví như lỗ tai và cái sáng rõ ràng không xúc chạm nhau được, cái thấy lại chẳng biết được chỗ nơi của tướng sáng thì làm sao phân biệt được rõ ràng nghĩa hợp hay là chẳng hợp? Đối với cái tối, cái thông, cái bít cũng lại như vậy.

GIẢNG GIẢI:

Phật gạn phá hai phần: Chẳng hòa và chẳng hợp.

Chẳng hòa thì lấy nghĩa ranh giới để phá. Không hòa tức nó có khoảng cách, ngăn chia cái sáng với cái thấy. Bởi nếu nó không hòa với cái sáng thì nó phải có ranh giới với cái sáng, mà nó có ranh giới với cái sáng thì cái thấy thành một vật rồi. Như vậy cũng còn có cái thấy ngoài tâm mà có pháp. Nhưng sự thật thì làm sao chỉ ra cái ranh giới giữa cái thấy và trần cảnh được?

Rồi nghĩa hợp cũng vậy. Nếu nó chẳng hợp tức là nó thành trái nhau, là nó không có xúc chạm với nhau, mà không có xúc với cái kia thì làm sao thấy được cái kia. Cái thấy mà nó không xúc với ánh sáng làm sao thấy sáng? Cho nên ở đây xét cho tột cũng không thành được nghĩa hợp hay chẳng hợp.

Nếu còn mắc kẹt trong cái thấy phân biệt đối đãi là còn thật thấy có tâm, thật có cảnh, nên còn có chướng ngại. Hoặc thấy nó hòa hợp hay không hòa hợp tức có cái này với cái kia để hòa hợp hay không hòa hợp, là hai cái đều thật. Nếu thấu tột được ngoài tâm không có một pháp thật thì còn nói gì nghĩa hợp hay chẳng hợp?

Thí dụ như cái gương với cái bóng trong gương, biết bóng trong gương là không thật, chỉ là từ gương nó hiện chứ không có cái thật thể riêng của cái bóng, thì còn nói gì là hợp hay chẳng hợp. Nói cái gương chẳng hợp với cái bóng được không? Chỉ cần thấy sáng suốt đó là bóng trong gương, vậy là xong. Bóng trong gương nhưng gương không phải bóng. Thấy suốt rõ ràng vậy thôi thì không còn phải nói nghĩa hợp hay chẳng hợp gì nữa, đó là chỗ phải thấy đúng như vậy. Tiếp theo, Phật tóm thu lại.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89457
  • Online: 26