Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 03 - LƯU THÔNG
15/10/2018 | Lượt xem: 3136
Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo
Tác giả: TT.Thích Thông Phương
CHÁNH VĂN:
A-nan! Nếu như có người đem bảy thứ báu đầy dẫy hư không cùng khắp mười phương, dùng dâng lên chư Phật nhiều như số vi trần, kính thờ cúng dường tâm không lúc nào xao lãng; ý ông nghĩ thế nào, người ấy do nhân duyên cúng Phật như thế, được phước có nhiều chăng?”.
A-nan thưa: “Hư không không cùng tận, trân bảo không bờ mé; thuở xưa có chúng sanh cúng Phật bảy đồng tiền, đến khi xả thân còn được vị Chuyển Luân Thánh Vương; huống nữa hiện tiền dùng thất bảo đầy cả hư không mà cúng dường khắp cả các cõi Phật, thì dẫu cho suy nghĩ cùng tột cả số kiếp còn không thể thấu được; phước ấy làm sao còn có bờ bến”.
GIẢNG GIẢI:
Đây là so sánh về phước đức, trước nói về phước cúng dường bảy báu.
Phật nói có người đem bảy báu đầy dẫy hư không cúng dường chư Phật nhiều như vi trần, như thế mà kính thờ cúng dường tâm không lúc nào xao lãng, vậy phước của người này nhiều hay không?
Ngài A-nan thưa là không thể tính toán thí dụ, và nhắc lại việc xưa là có chúng sanh chỉ cúng bảy đồng tiền cho Phật mà sau được ngôi Chuyển Luân Thánh Vương, còn cúng dường như thế này thì phước ấy làm sao có bờ bến được.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo ông A-nan: “Chư Phật Như Lai nói không có hư vọng. Ví như có người gây đủ bốn tội trọng, mười tội Ba-la-di, trong khoảng nháy mắt phải trải qua địa ngục A-tỳ, phương này, phương khác cho đến cùng tột các địa ngục vô gián trong mười phương, không nơi nào chẳng trải qua; nếu người đó dùng một niệm, đem pháp môn này ở trong đời mạt pháp khai thị cho người chưa học trong đời mạt pháp, thì tội chướng của người đó liền được tiêu diệt, biến cái nhân khổ trong địa ngục, thành cái nhân cõi nước An Lạc, được phước vượt hơn người làm việc bố thí cúng dường trước kia trăm lần, ngàn lần, ngàn vạn ức lần, như thế cho đến tính toán thí dụ cũng không thể nói hết được.
GIẢNG GIẢI:
Nếu theo suy nghĩ bình thường thì rất khó hiểu, do đó ở đây Phật nói rõ trước: “Như Lai nói lời chân thật không có hư vọng”. Điểm này, chúng ta phải hiểu cho thấu đáo. Bởi vì pháp môn này là pháp môn gì! Và phước cúng dường bảy báu thuộc về phước gì?
Phước đem bảy báu cúng dường dù thật nhiều nhưng cũng thuộc về phước hữu vi, bởi vì bảy báu là hữu vi, mà phước hữu vi thì cũng có lúc hết. Còn pháp môn này chỉ cho chân kinh vô vi, tức chân tâm nhiệm mầu sáng suốt chưa từng sanh diệt, cái này đâu có hết. Cái chân tâm thường trụ sáng suốt không sanh diệt nó đâu có hết, nó có trước khi một niệm bất giác nữa mà. Còn cái kia là có sau khi một niệm bất giác.
Như bảy báu là có từ lúc nào? Trong kinh nói rõ, trước là do ở trong cái Diệu Giác Minh rồi bất giác đem cái minh soi trở lại nó mới thành ra có cái sở minh, từ đó mới có năng có sở, rồi mới có hư không, có thế giới, mới có đất nước gió lửa và bảy báu. Vậy là bảy báu có sau cái niệm bất giác, còn chân tâm thường trụ này nó có trước cái niệm bất giác nữa, tức là có trước bảy báu. Phải thấy được cái ý đó mới thấy được ý Phật dạy.
Vậy, nó có trước khi bảy báu hiện thì công đức mà nó có được trong cõi hữu lậu này làm sao sánh kịp! Đó là chỗ chân thật cùng Phật không hai, cho nên một khi tin được chỗ này rồi đem chỉ cho người tức là tâm sáng tỏ. Chúng ta tin được cái đó rồi đem chỉ cho người thì tội chướng đâu có che được. Nếu tội chướng che thì chúng ta đâu có tin, đâu có rõ để đem chỉ cho người. Cần phải thấy được ý đó!
Và đó chính là cái nhân để thành Phật thì còn công đức gì hơn nữa? Đó là ý nghĩa sâu xa mà người học Phật cần phải thấy rõ để tin chắc lời Phật dạy không có hư dối. Để nói lên những cái phước thuộc về hữu vi hay hữu lậu là có giới hạn, còn cái phước vô vi này thì không cùng, đây dẫn bài kệ của hóa thân Bồ-tát Văn-thù chỉ dạy cho Thiền sư Vô Trước:
Nhất niệm tịnh tâm thị Bồ-đề,
Thắng tạo hằng sa thất bảo tháp.
Bảo tháp cứu tận toái vi trần.
Nhất niệm tịnh tâm thành Chánh Giác.
Tức là:
Một niệm tịnh tâm ấy Bồ-đề,
Hơn tạo hằng sa tháp bảy báu.
Tháp báu cuối cùng nát thành bụi,
Một niệm tịnh tâm thành Chánh Giác.
Ngài nói rằng một niệm tịnh tâm tức là Bồ-đề, cho nên nó còn hơn là tạo hằng sa tháp bảy báu. Bởi vì tháp báu cuối cùng cũng nát thành bụi, vì thuộc pháp hữu vi, cũng thuộc về vô thường. Còn một niệm tịnh tâm này sẽ thành Chánh Giác, là cái nhân thành Phật. Quý là quý chỗ đó!
Đây Phật nói thêm:
CHÁNH VĂN:
A-nan! Nếu có chúng sanh biết tụng kinh này, biết trì thần chú này, nếu như tôi nói rộng ra, thì cùng tột các kiếp cũng không thể hết; nương theo lời chỉ dạy của tôi, y theo lời dạy đó mà tu hành thì thẳng đến đạo Bồ-đề, không còn có các ma sự”.
GIẢNG GIẢI:
Đây nói về công đức tụng kinh và trì chú này không thể nghĩ bàn, dẹp hết những ma sự thẳng đến Bồ-đề. Đó là chân thật. Nhưng chúng ta cũng cần phải hiểu thế nào là kinh này và thế nào là chú này, mới thấy được ý đó!
Như đã nói, kinh này là thuộc về chân tâm thường trụ. Chú này tức là tâm chú, chúng ta trì tâm chú mà tâm chuyên nhất, tâm không nghĩ bậy thì có công đức rất lớn, nên trừ được những ma sự. Nếu chỉ đọc chú mà tâm tán loạn thì kết quả có lớn được không? Đọc chú tâm chuyên nhất, không loạn, tức không có kẽ hở thì ma sự làm sao xen vào? Nắm được yếu chỉ này tu hành sẽ không còn nghi ngờ.
Bài kệ dưới đây tóm tắt yếu chỉ này:
Nhà ai chẳng có một chân kinh,
Sao phải nhọc nhằn lật từng trang?
Một niệm quên duyên thường sáng rỡ,
So ra muôn quyển có chi bằng!
Việc căn bản là một niệm quên duyên mà thường sáng rỡ. Người nắm được yếu chỉ đó mà tu là bảo đảm không sợ lạc. Một niệm mà quên duyên tức đâu có trần nào vào được. Nhưng phải thường sáng rỡ, như vậy còn cái gì làm mờ.
Nếu quên duyên mà không sáng rỡ thì đó là nguy, là vào hang tối; còn sáng rỡ mà nhớ theo duyên thì cũng nguy. Đây thì sáng rỡ mà quên duyên nên đâu có bị loạn, còn quên duyên mà sáng rỡ thì đâu bị mờ. Đó là yếu chỉ tu hành.
Nhớ là, hễ một niệm quên duyên mà thường sáng rỡ thì so ra muôn quyển có chi bằng, dù cho muôn quyển kinh cũng đâu bằng cái này. Cái đó mới là chân kinh, đó mới là bản ý của Phật dạy. Rõ ràng như vậy.
CHÁNH VĂN:
Phật nói kinh này rồi, các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả loài Trời, Người, loài A-tu-la trong thế gian, các vị Bồ-tát, Nhị thừa, Thánh Tiên, Đồng tử cõi khác và các Đại lực Quỷ Thần mới phát tâm, đều rất vui mừng làm lễ rồi lui.
GIẢNG GIẢI:
Đây là phần kết thúc, tức phần Lưu thông chung. Từ đoạn “A-nan! Nếu như có người đem bảy báu cúng dường đó ... cho đến không còn các ma sự” gọi là phần Lưu thông riêng của kinh này.
Nhưng trong phần Lưu thông chung này có điểm hơi đặc biệt một chút. Thường các kinh tới phần Lưu thông này thì nói: “Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hoặc là Thiên Long Bát Bộ”; còn đây nói thêm các vị Bồ-tát, rồi Nhị thừa, Thánh Tiên, Đồng tử cõi khác, tức là có “những vị Bồ-tát, những hàng Nhị thừa, những vị Thánh Tiên, những vị Đồng tử ở cõi khác đến dự trong pháp hội này. Rồi các Đại lực Quỷ Thần mới phát tâm, những quỷ này mới phát tâm Bồ-đề để hộ trì Phật pháp, tất cả đều rất là vui mừng làm lễ rồi lui”.
Như vậy trong pháp hội này tất cả đều vui mừng, tất cả chúng hội đều được lợi ích không có luống uổng. Pháp hội của chúng ta đây cũng vậy, mong sao trong pháp hội này mọi người nghe xong cũng đều được lợi ích để phát triển căn lành Bồ-đề thêm vững mạnh mà tiến sâu trên đường Phật đạo không thối chuyển.
Nhất là trong kinh, Phật đã chỉ rõ chân tâm, vọng tâm, nhấn mạnh mỗi người phải nhận ra chân tâm thường trụ, nó là cái kiên cố không có gì phá hoại được. Còn những cái vọng tâm hư dối, cho đến cả thế giới bên ngoài cũng từ cái gốc của chân tâm Diệu Minh sáng suốt ban đầu bất giác chợt hiện ra, không đáng gì hết. Như vậy, chúng ta thấu biết rõ ràng những vọng tâm để nhận ra chân tâm, sống trở lại chân tâm thường trụ. Đó là cái gốc chân thật. Biết có cái gốc chân thật mà không chịu sống trở về là đáng tiếc. Còn biết là hư vọng mà cứ bám vào không buông đó là đáng trách.
Cuối cùng, đồng nguyện đem công đức này cùng chia đều hết cho tất cả chúng sanh trong pháp giới, cùng được thấm nhuần lợi ích không tính kể. Bởi vì tất cả chúng sanh cũng đồng có đủ chân tâm thường trụ sáng suốt, cho nên cũng không có riêng biệt, không có chia cách. Nếu mỗi người chúng ta đều ngộ trở lại, sáng tỏ được cái gốc chân thật này thì chúng ta sống với nhau rất vui, xóa dần hết những ngăn cách kia đây. Sở dĩ chúng ta sống có ngăn cách là thấy có mình có người, mà thấy có mình có người là tại bám vào cái ngã này. Do cái ngã này mới có mình có người, đây kia sai biệt.
Cho nên, khi ai phát minh hay tỏ ngộ trở lại cái gốc chân thật đó rồi liền thấy thông cảm với nhau. Chúng ta đọc trong ngữ lục thấy các vị Thiền sư khi các Ngài ngộ ra rồi liền thông cảm với Thầy, với Tổ. Từ đó, khi nói ra lời gì đều khế hợp, dù cho sống cách xa thời Phật hoặc là xa những thời Tổ trước, nhưng khi ngộ rồi thấy cũng là như nhau, gọi là chỗ thấy không hai. Như Ngài Lâm Tế nói: “Theo chỗ thấy của Sơn Tăng cùng Phật Thích Ca không khác”. Dám nói vậy là bởi Ngài đã thấy được tới chỗ đó rồi. Tuy nhiên, thấy thì thấy không khác nhưng mà công đức là chưa bằng.
Học bộ kinh Lăng Nghiêm này rồi, chúng ta nắm vững và thấu suốt được những ý chỉ trong đây là có lợi ích rất lớn lao. Phật chỉ dạy cặn kẽ về chân tâm, vọng tâm cho đến những ma sự, những thứ lớp đâu đó rõ ràng. Quả là thắp sáng chánh pháp trong đêm tối vô minh. Công đức trong đây thật không thể nghĩ bàn!
***
Các bài mới
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: TÓM TẮT Ý CHÍNH KINH LĂNG NGHIÊM - 15/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 26 - PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA - 14/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 25 - KHAI THỊ CHỖ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI - 14/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 24 - CÁC CÕI TRỜI SAI KHÁC - 13/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 23 - CHỈ RA MƯỜI TẬP NHÂN, SÁU ĐƯỜNG GIAO BÁO - 04/10/2018
Các bài đã đăng
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 22 KHAI THỊ PHẦN TRONG, PHẦN NGOÀI CỦA CHÚNG SANH - 24/09/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 21 - KẾT CHỈ DẠY TÊN KINH - 19/09/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 20- KHAI THỊ VỊ TRÍ TU CHỨNG TRƯỚC VÀ SAU - 10/09/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 19 - PHẬT KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO THẦM GIÚP NHỮNG NGƯỜI TU HÀNH - 07/09/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 18 - CHỈ BÀY BỐN LỜI DẠY BẢO RÕ RÀNG VÀ QUYẾT ĐỊNH - 25/08/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89071
- Online: 45