Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 1- TỰA
01/03/2018 | Lượt xem: 3579
Tác giả: Thích Thông Phương
Dịch giả: Thích Phước Hảo
CHÁNH VĂN
PHẦN 01: TỰA
Tôi nghe như vầy: Một hôm, Phật ở tại Tinh xá Kỳ-hoàn, trong thành Thất-la-phiệt cùng chúng đại Tỳ-kheo 1250 người đều chung hội.
Đây là phần Tự hay phần Tựa. Phần Tựa thường có tựa chung và tựa riêng. Tựa chung là thông lệ cho các kinh gồm Lục chủng chứng tín tức là sáu phần để làm tin. Phần tựa riêng cho mỗi kinh có phần Phát khởi riêng. Ở đây, phần này thuộc về tựa chung.
Tôi nghe như vầy,nguyên văn chữ Hán là "như thị ngã văn" nhưng dịch theo ngữ pháp tiếng Việt là"tôi nghe như vầy". Nếu dịch theo nguyên văn thì phải là như vầy tôi nghe" hay là "như vậy tôi nghe".
Khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả A-nan hỏi:"Sau này khi kết tập kinh điển, ở đầu các kinh phải để như thế nào?". Đức Phật dậy để "như thị ngã văn", tức là"như vầy tôi nghe". Chữ "như vầy hay như thế, như vậy", là chỉ cho"Tín thành tựu". Vào đầu kinh xác nhận như vậy cho mọi người có đầy đủ niềm tin. Phần này có sự và lý. Về sự thì "như vầy" chỉ cho toàn bộ kinh Tôn giả A-nan sắp thuật lại là đúng thật như vậy. Tức là bộ kinh Lăng Nghiêm là như vậy, Phật nói sao Ngài nghe đúng như vậy, nói lại đúng như vậy, để cho người tin, gọi là Tín thành tựu.
Còn về lý thì chữ "như vậy" chỉ cho cái lý thật xưa nay vốn như vậy, không thêm không bớt, không phải ai đặt ra, cũng không phải do tạo tác mà thành. Dù Phật có dùng nhiều phương tiện, nói nhiều thứ cũng không ra ngoài cái lý thật như vậy, nó là như vậy. Đồng thời cũng nhắc rằng, lý thật không nằm trên những lời nói kia.
Mới vào đầu kinh thôi đã nhắn mỗi người cần phải học, cần phải thấy đến cái nghĩa như vậy, chớ không phải lo đuổi theo phân tích trên những lời nói sai biệt, hoặc chết trên những ngôn từ, chữ nghĩa vô tri đó. Người nhạy bén,có con mắt thiền thì ngay hai chữ "NHƯ THỊ" đã thấy được lý sâu xa trong đó.
Có vị giảng sư đến chỗ Quốc sư Huệ Trung. Quốc sư hỏi:
- Ông đã từng chứa đựng những sự nghiệp gì?
Ông đáp:
- Con giảng kinh Kim Cang.
Quốc sư Huệ Trung hỏi:
- Vậy thì hai chữ rốt đầu hết là gì?
Ông thưa:
- Là "như vậy"
Quốc sư Huệ Trung hỏi:
- Là gì?
Ông đáp không được.
Quý vị thấy không ? Giảng sư giảng kinh Kim Cang thường xuyên rồi, đến Quốc sư bị gạn hỏi bất ngờ, không giải thích được. Nếu người bình thường hỏi thì chắc ông giải thích được. Để cho thấy hai chữ ”như vầy" tuy đơn giản nhưng không dễ gì hiểu thấu được hay dòm thấu được. Không dòm thấu được hai chữ đầu kinh thì làm sao học thấu được cả bộ kinh? Hai chữ vào đầu quan trọng vậy đó.
Trong Bảo Cảnh Tam Muội của Tổ sư tông Tào Động cũng mở đầu bằng câu "NHƯ THỊ":
Như thị chi pháp, Phật-Tổ mật phó.
Nhữ đắc kim chi, Nghi thiện bảo hộ.
Tức là:
Pháp ấy như vậy, Phật-Tổ thầm trao.
Nay ông được đó, Nên khéo giữ gìn.
Mở đầu là nói ngay:"Cái pháp ấy là như vậy".Ông nay nhận được rồi thì phải khéo giữ gìn. Pháp ấy là pháp gì mà nó là như vậy? Không nói là pháp gì mà chỉ nói nó như vậy để cho người tự hiểu. Chính đó là chỗ Phật-Tổ thầm trao, thầm truyền. Đã là chỗ thầm trao, thầm truyền thì làm sao bám vào chữ nghĩa mà có thể nhận được. Nếu ai khéo nhận được thì cảm thông được với Phật, với Tổ. Chúng ta cùng học, ai thấu được hai chữ như vậy - nó là như vậy thôi - tức bầy hết ra rồi, đâu có giấu giếm gì, thế là xong! Nhưng trong đầu mọi người luôn có-cái-gì đó. Chính vì có-cái-gì đó che mờ cho nên không thấy được "như vậy". Nếu thấy được "như vậy" là sáng tỏ được đạo lý chân thật.
Cả bộ kinh Lăng Nghiêm nằm trọn trong hai chữ này chứ không gì khác. Nếu ngay ở đầu sáng tỏ được rồi là thấu tỏ được bộ kinh Lăng Nghiêm. Vào đầu hai chữ "NHƯ VẬY" chứng tín cho tất cả.
"Tôi nghe" tức là Văn thành tựu. Văn là người nghe. Khi Phật nói kinh thì ai nghe để thuật lại? Đây chỉ cho Tôn giả A-nan, Ngài nghe Đức Phật nói rồi thuật lại, cho nên Ngài nói"Tôi nghe như vầy". Nhưng Ngài nói "tôi" là tùy thuận theo thế tục mà nói. Phật dạy Tỳ-kheo phải quán năm uẩn vô ngã, cái này chỉ là một tổ hợp năm uẩn thôi, nó tạm có, không có ai thật trong đó hết thì đâu có được chấp là tôi hay là sanh cái tôi mà nói"tôi". Người học đạo cũng như học kinh nghe nói "Tôi nghe như vầy", nghĩ "tôi" là cái ngã, thì bị che mờ, ngay đó hết học kinh. Phải thấy được lẽ thật đó là tùy tục mà tạm nói.
Về Tôn giả A-nan, đa số ai cũng hiểu qua nên đây không cần giải kỹ lắm, chỉ nói lược qua vài điểm. Tôn giả A-nan là em họ của Phật, em chú bác. Ngài có trí nhớ đặc biệt, nghe qua một lần là có thể thuật lại không sót một lời. Ngài làm thị giả Phật, thường gần gũi Đức Phật do đó Ngài trùng tuyên lại lời Phật thì rất được mọi người tin tưởng. Trong Hội kết tập Kinh điển lần thứ nhất do Ngài Ma-ha Ca-diếp chủ tọa, mời 500 vị A-la-hán. A-la-hán là thành tựu vô lậu, là bậc Thánh giải thoát. Cũng để cho mọi người có đầy đủ niềm tin đây là những bậc Thánh, sự kết tập rất thanh tịnh và chính xác. Ai cũng nghĩ sự có mặt của Ngài A-nan trong đại hội kết tập là rất cần thiết. Lúc đó Ngài A-nan lại chưa chứng quả A-la-hán. Trước đại hội ba ngày, Ngài A-nan bị Ngài Ca-diếp kêu lại kể một số tội, quở trách và cho biết:" Thầy sẽ không được dự đại hội vì chưa sạch hết các lậu hoặc". Ngài A-nan buồn tủi đi ra, tìm chỗ thanh vắng chí quyết tâm tu tập thiền quán luôn trong ba ngày đêm. Ngay đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội, Ngài A-nan ngồi thiền đến gần sáng, quá mệt mỏi, vừa định ngã lưng xuống tạm nghỉ ngơi một chút. Nhưng khi ngã người xuống, đầu chưa đụng gối, Ngài chứng A-la-hán. Người chứng A-la-hán phải trong bốn oai nghi, hoặc chứng lúc ngồi thiền, hoặc lúc đang đi, đang đứng, lúc đang nằm, trường hợp Ngài A-nan lại không thuộc trong bốn oai nghi vì mới định nằm xuống, đầu chưa chạm gối đã chứng quả.Sáng hôm đó, Ngài dùng thần thông vào ngay đại hội không cần đợi mở cửa động. Lúc ấy phong tư của Ngài như ánh thái dương. Các vị đại Tỳ-kheo đều kinh ngạc nhìn Tôn giả biểu lộ sự tán thán. Dưới sự chỉ đạo của Ngài Đại Ca-diếp và sự đề cử của toàn thể đại hội, Tôn giả lên tòa sư tử, bắt đầu tụng:"Tôi nghe như vầy, một thưở nọ…".
Tuy nhiên, hai chữ "tôi nghe" này còn có ý nghĩa nữa. Lâu nay đa số người học kinh không để ý chỗ này. Đọc qua "tôi nghe như vầy" tức là Ngài A-nan nghe thôi chứ có gì đâu. Nhưng đặt câu hỏi lại mới thấy vấn đề, mới hiểu sâu được.
Khi nói "tôi nghe" là cái gì nghe? Là cái ngã A-nan nghe, hay cái lỗ tai nghe mà nói "tôi nghe"? Có phải cái ngã của Ngài A-Nan nghe không? Không phải rồi. Phải lỗ tai này nghe không ? Cũng không phải. Vậy thì cái gì nghe? Thấy được chỗ đó mới thấy được yếu chỉ của kinh.
Như vậy, bốn chữ mở đầu cho các kinh của Phật, từ xưa được giải thích là để trừ nghi. Bởi vì trong hội chúng kết tập, khi Tôn giả A-nan lên tòa để thuật lại lời Phật thì lúc đó cảm ứng, thân tướng của Ngài A-nan phát sáng lên, rực rỡ đẹp đẽ giống như thân tướng của Phật, khiến cho trong chúng khởi lên ba điều nghi:
1. Nghi Phật đang hiện trở lại thế gian
2. Nghi Đức Phật ở cõi nào khác hiện đến.
3. Nghi Tôn giả A-nan thành Phật.
Đến khi nghe Tôn giả A-nan xướng lên "Tôi nghe như vầy" thì các nghi đều trừ hết. Rõ ràng đây là Tôn giả A-nan nghe lại những lời của Phật rồi trùng tuyên lại thôi chứ không phải Phật hiện về, cũng không phải Phật ở đâu hiện đến, mà cũng không phải Tôn giả thành Phật.
Một điều nữa là để phân biệt với kinh sách của ngoại đạo. Ngày xưa kinh sách ngoại đạo ở Ấn Độ thường mở đầu bằng chữ "A-ưu". Hòa thượng Tuyên Hóa giải là hữu vô, có không, hoặc có hoặc không, đó là nằm trong đối đãi. Còn ở đây kinh Phật mở đầu là "Như thị", khác với kinh của ngoại đạo. Đây là thuộc về phần Văn thành tựu.
Một hôm hay là một thưở nọ, một lúc nọ. Đó là Thời thành tựu, tức là thời gian thuyết kinh. Đúng là phải nói đó là lúc nào nhưng vì lịch Ấn Độ khác với lịch Trung Hoa, mỗi địa phương lại cách xa, khó xác định được thời gian chính xác. Do đó chỉ nói chung là một hôm hay một thưở nọ thôi, là thuộc Thời thành tựu.
Đức Phật là chỉ cho Chủ thành tựu tức là người thuyết kinh. Chữ Phật là hiệu chung của bậc giác ngộ viên mãn, nói đủ là Phật Đà. Nếu nói theo ngữ pháp thì Phật là danh từ chung. Thích Ca Mâu Ni mới là tên riêng. Lâu nay mình quen đọc theo ngữ pháp của Trung Hoa cho nên đọc là Thích Ca Mâu Ni Phật, hoặc là A Di Đà Phật. Nếu chuyển qua ngữ pháp tiếng Việt, phải nói Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay Đức Phật A Di Đà mới đúng. Những bậc tu hành giác ngộ viên mãn gọi chung là Phật chứ không phải chỉ riêng Đức Phật Thích Ca. Nhưng đây nói gọn là "Đức Phật" thôi, nói đủ thì phải là "Đức Phật Thích Ca Mâu Ni". Tức là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói kinh Lăng Nghiêm này. Tại sao đây chỉ nói Đức Phật thôi? Bởi vì Ngài là Giáo chủ cõi Ta-bà ai cũng biết cũng hiểu.
Tuy nhiên, nếu hiểu Phật trên cái tên thôi thì còn cách xa với chính Đức Phật nói kinh này. Vì sao? Vì tên Phật chỉ là danh từ, là mấy mẫu tự: P,H,A,T, dấu ^, dấu nặng ráp lại thành chữ "Phật". Thì chữ "Phật" này đâu biết nói kinh. Các chữ "tự giác", "giác tha","giác hạnh viên mãn"v.v cũng không biết nói kinh. Vậy thì cái gì mới là Phật? Cái gì mới nói kinh này? Đây là chỗ người học cần phải sáng tỏ, phải thật sự tâm ngộ mới thấy được chứ không phải lý luận suông.Học Phật không giống như học ở trường lớp bên ngoài, học Phật phải thật sự là những hành giả. Hành giả là phải có thực hành mới chứng nghiệm được những lời kinh sống. Ngay chữ "Phật" mà hiểu thấu được rồi thì tâm sáng tỏ.
Thiền sư Lâm Tế - Nghĩa Huyền từng bảo:"Sắc thân bốn đại của các ông chẳng biết nói pháp, nghe pháp; tỳ, vị, gan, mật chẳng biết nói pháp nghe pháp. Mà chính cái gì biết nói pháp nghe pháp? Đó là một cái riêng sáng tỏ hiển bày rành rõ trước mặt ông. Cái đó nó biết nói pháp nghe pháp. Nếu thấy được như thế liền cùng Phật Tổ không khác".
Chỗ đó mới là chỗ biết nói pháp nghe pháp. Còn cái ngã sắc thân này không biết nói pháp nghe pháp, cho nên gọi là đất nước gió lửa không biết nói pháp nghe pháp. Tỳ, vị, gan, mật cũng không biết nói pháp nghe pháp Cái miệng này cũng không biết nói pháp. Lỗ tai này cũng không biết nghe pháp. Thường thường chúng ta nói cái miệng nói pháp phải không, Nhưng sự thật cái miệng không biết nói pháp. Cái miệng là chỉ hai miếng da cộng thêm bộ răng, cái lưỡi ở trong, cũng là miếng da với mấy cục xương tạm ráp lại. Cái miệng này cũng không biết nói pháp. Vậy cái gì mới biết nói pháp, Người chết cái miệng cũng vẫn còn mà đâu nói được. Nếu đúng là cái miệng nói pháp thì chết cũng nói được. Lẽ thực rõ ràng như vậy nhưng mấy ai đã thực sáng tỏ?
Ở đây, Ngài nói cái gì biết nói pháp? Cái "sáng tỏ, hiện bày rành rõ trước mặt ông" đây, cái đó mới biết nói pháp nghe pháp. Thấu được chỗ đó mới là chỗ học sâu xa của mình. Mới thấy được pháp sống, còn không thì chỉ thấy pháp văn tự mà thôi. Thấu rõ được chỗ đó liền thấy Phật. Nếu không thì chỉ là "hiểu về Phật" chứ chưa thấy Phật, chưa giáp mặt với Phật. Đây thuộc Chủ thành tựu.
”Ở tại Tinh xá Kỳ-hoàn, trong thành Thất-la-phiệt". Đây là nơi thuyết kinh, là Xứ thành tựu. Dùng chữ "Tinh xá" chính xác hơn "Tịnh xá", là ngôi nhà của những người chuyên tu hành trí đức. Kỳ-hoàn, cũng gọi là Thệ Đa, dịch là Thắng Lâm. Có chỗ gọi đủ là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên. Đó là khu vườn của ông trưởng giả Cấp Cô Độc đã trải vàng mua đất của Thái tử Kỳ-đà, con vua Ba-tư-nặc khiến ông Thái tử cảm động lòng thành của ông Cấp Cô Độc mà phát tâm cúng dường luôn vườn cây để lập Tinh xá dâng cúng dường Phật và chúng Tăng. Vì vậy mới gọi là Kỳ thọ Cấp Cô Độc Viên. Tức là cây của ông Kỳ-đà, vườn của ông Cấp Cô Độc nói gọn lại là Kỳ-hoàn hay Kỳ-viên. Đây là một tinh xá lớn thời Phật, kiến trúc 7 tầng, rất nhiều phòng ốc, hơn cả ngàn chư Tăng ở đây, khuôn viên rất rộng lớn.
Cho thấy lòng tin Phật của ông trưởng giả Cấp Cô Độc quá lớn đến nỗi xem nhẹ của cải, vàng bạc, sẵn sàng đem tiền vàng trải trên đất để mua đất.Đáp lại, Phật cũng ở đây nhiều hơn hết trong cuộc đời giáo hóa của Ngài - 25 hạ. Tại đây, Đức Phật đã thuyết nhiều bộ kinh quan trọng như kinh Kim Cang, kinh Thủ Lăng Nghiêm. Nơi đây cũng xảy ra nhiều việc khác thường trong cuộc đời của Đức Phật. Tại đây, Phật độ ông Vô Não tức Ương-quật-ma-la cũng ở đây, ông giết người lấy ngón tay xâu thành chuỗi đeo. Cô gái ngoại đạo Chiến-già độn gốc cây vô bụng vu khống Phật, sau bị đọa địa ngục, cũng ở đây. Ngoại đạo đến muốn tranh với Phật, Phật dùng thần thông thắng phục ngoại đạo cũng trong thời gian ở đây.
Một số di tích này đến nay cũng vẫn còn. Hiện nay đến thăm di tích Tinh xá Kỳ-hoàn này hay vườn Cấp Cô Độc còn thấy được nền gạch nơi hương thất của Đức Phật, cây bồ-đề A-nan, nền thất của Tôn giả A-nan, Tôn giả La-hầu-la, Tôn giả Si-va-li. Còn có một chỗ giống như ao cạn nói rằng đây là nơi cô gái Chiến-già vu khống Phật, bị rớt xuống đọa địa ngục. Nơi Phật dùng thần thông để thắng phục ngoại đạo cũng còn di tích.
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất được Phật chỉ dạy đến đây coi xây dựng Tinh xá. Có lần Ngài thấy bầy kiến bò lên Ngài mỉm cười, có vị hỏi lý do tại sao, Ngài mới nói bầy kiến này từ thời Phật Tỳ-Bà-Thi tới giờ vẫn còn đó. Tức là nó chết đi sanh lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn chưa thoát khỏi kiếp kiến. Nghe câu chuyện đó rồi ngẫm lại, chúng ta mới thấy ghê sợ kiếp luân hồi. Sanh làm bầy kiến từ thời Phật Tỳ Bà Thi mà tới Phật Thích Ca thì chừng bao nhiêu kiếp người, chứ không nói kiếp kiến. Bao nhiêu kiếp người rồi mà bầy kiến đó vẫn chưa thoát khỏi kiếp kiến. Nếu ai có được con mắt trí tuệ túc mạng để thấy được điều đó thì mới thật sự thấy ghê sợ cho kiếp luân hồi mà tinh tấn tu kỹ hơn. Bây giờ chúng ta được kiếp người, được đi tu nữa mà không lo tu thì không biết nói sao. Mất kiếp người rồi trở lại không biết sẽ ra sao! Đó là những điểm nhắc nhở, sách tấn chúng ta rất lớn. Cho nên học kinh thì mỗi lời, mỗi ý nghĩa phải nghiền ngẫm cho sâu mới thấy được ý vị.
Thành Thất-la-phiệt, nói đủ là Thất-la-phiệt-thất-để hay là Phạt-tất-để. Đây cũng gọi là Xá-vệ. Di tích của thành này hiện nay là ở hai thôn Sahet và Mahet, thuộc miền trung Ấn Độ. Chữ Thất-la-phiệt dịch nghĩa là Phong Đức. Chữ "phong"này không phải là gió, mà nghĩa là đầy đủ. Tức là trong thành này ngày xưa giầu có đầy của báu, đầy ngũ dục, nhiều thứ vui chơi, đa văn, giải thoát, những bậc hiền triết ở trong thành này cũng nhiều. Đây chính là kinh đô của nước Kiều-tát-la thuộc trung Ấn Độ do vua Ba-tư-nặc trị vì trong thời đó. Ba-tư-nặc dịch là Hòa Duyệt Nguyệt Quang, Thắng Quân. Có chỗ ghi vua Ba-tư-nặc này sanh cùng ngày với Đức Phật.
Ngày nay khi đến chiêm bái Thánh tích Tinh xá Kỳ-hoàn vườn Cấp Cô Độc, tiện đường đi ghé thăm di tích nền nhà của ông Cấp Cô Độc, gần đó là di tích nơi Phật độ ông Vô Não.Trước khi đi vào hai di tích này thì đi ngang qua di tích thành Xá-Vệ còn sót lại, đó là cái nền gạch đá cao lên một đoạn. Đó là điểm Thánh tích các đoàn đi chiêm bái nơi đất Phật thường ghé thăm. Tuy nhiên đi theo đoàn du lịch, đến lo thăm quan hoặc lễ bái, vội vàng chụp hình rồi đi tiếp. Ít có đoàn nào đến để chiêm nghiệm những ý nghĩa, những lẽ thật, những chân lý của Phật dạy. Có những đoàn nước ngoài nhiều khi cũng để thời gian đến hương thất của Phật ngồi thiền chung quanh. Hoặc chọn một nơi vắng vắng gần cây Bồ-đề A-nan ngồi thiền. Phải có thời gian thong thả thì chuyến đi mới có ý nghĩa hơn. Còn vội vàng tới chụp hình rồi đi thì không thấy có gì đáng thăm quan lắm. Chỉ là những nền gạch còn sót lại thôi không còn nhà cửa, cung điện nguy nga gì, không có gì hấp dẫn hết. Nhưng nếu chúng ta đi đến, có thời gian ngồi thiền, chiêm nghiệm lại những lời Phật dạy thì tâm tĩnh lặng, có khi cảm được những điều sâu xa.
Ngày xưa ở đây là kinh đô một thời của một trong những nước lớn nhất Ấn Độ, với những thành trì kiên cố nguy nga, đầy đủ nghĩa phong đức. Tinh xá thì trang nghiêm bảy tầng, phòng ốc rất nhiều, có điện đường trong đó nên chư Tăng mới đông đảo. Nhưng ngày nay đến thì chỉ còn sót lại những nền gạch, được tạm tu bổ cho có hình dáng thôi, chứ xa xa nhiều chỗ còn nền gạch đổ nát. Điều này chứng tỏ chân lý Phật dạy "các pháp hữu vi đều vô thường", thấy rõ. Không có cái gì bền chắc lâu dài hết. Ngay đó mới cảm thấy sự tạm bợ của cuộc đời, không có gì đáng để cho mình tham luyến. Những đền đài nguy nga, tráng lệ vậy mà qua thời gian cũng theo chiều vô thường. Có gì để cho mình đắm trước vào đó? Không biết có mấy người tỉnh ngộ sâu xa được lẽ thật đó? Đây mới chính là thông điệp Đức Phật gửi lại cho tất cả chúng sanh! Trong đó có chúng ta, vậy mỗi người cần phải lãnh thọ rồi quán sâu để có sự thức tỉnh mạnh mẽ vươn lên khỏi cái lầm mê này. Đi chiêm bái Thánh tích như vậy mới có nhiều ý nghĩa. Đây là thuộc Xứ thành tựu.
Cùng chung chúng đại Tỳ-kheo 1250 người đều chung hội. Đây là Chúng thành tựu, tức là những người nghe pháp. Chữ "chúng" dịch từ chữ Tăng-già, tức hòa hợp chúng, gồm bốn vị Tỳ-kheo trở lên sống với nhau hòa hợp thành một chúng. Nhưng chúng ở đây gọi là chúng đại Tỳ-kheo. Đại Tỳ-kheo ở đây chỉ cho những bậc đạo cao đức trọng, được tôn kính ở trong chúng, chứ không phải là những vị tân Tỳ-kheo. Tỳ-kheo là những người xuất gia đã đăng đàn thọ giới Cụ túc, được tứ yết-ma, nhận 250 giới. Riêng thời Phật thì có những vị đối trước Phật, được Phật gọi "Thiện lai! Tỳ-kheo" thì râu tóc rụng xuống, rồi đắp ca-sa liền đủ pháp Tỳ-kheo, không phải qua Tam sư thất chứng. Đó là những vị đặc biệt.
Tỳ-kheo có ba nghĩa khất sỹ, bố ma, phá ác.
1.Khất sỹ là người đi xin. Ngày xưa Tỳ-kheo là đi khất thực. Khất thực có hai ý nghĩa: Thứ nhất, nhận sự cúng dường để gieo duyên với mọi người, thứ hai để dẹp cái ngã của mình, đi xin mà, mình không quan trọng gì hết. Chữ "xin" đây là trên xin pháp của Phật để nuôi huệ mạng, còn dưới xin thực phẩm của người để nuôi thân giả tạm này để tu hành, không phải tham đắm.
Bây giờ mình được ở cố định một chỗ như vầy tính ra sướng hơn các Ngài hồi xưa nhiều. Nhưng không khéo mình lại mắc kẹt. Đi xin người ta cho gì ăn nấy đâu có được lựa chọn, có khi gặp nhà nghèo cho đồ dở cũng phải ăn. Có khi gặp những người không có lòng tốt họ còn phá nữa. Họ lấy trái dừa bỏ vô bát thì chỉ có đem trái dừa về ăn thôi. Có khi gặp người lấy nắm cát bỏ vô. Đó là những vấn đề. Vị nào không có đạo tâm gặp người ta bỏ nắm cát vô thì nổi sân, đổ liền. Nhưng Phật dậy người ta bỏ nắm cát vô, mình cũng gieo duyên lành cho họ, cũng nhận đem về rải trên đường cho chư Tăng đi tới đi lui đạp lên cát đó cho họ có phước. Tức là tất cả vì chúng sanh, không phải vì mình. Thời Phật tại thế, khi Phật đi khất thực cũng có đứa bé nắn nắm cát thành bánh cúng cho Phật. Phật thọ ký cho đứa bé sau sẽ được làm vua, đó là Vua A-dục. Ngày nay tuy chúng ta ở một chỗ, được nấu nướng tại chỗ, ăn tại chỗ nhưng cũng phải nhớ những pháp đó để luôn luôn nhắc mình không đi quá xa lời Phật dạy, không tham đắm trong món ăn, coi trọng mình thì trái với nghĩa Tỳ-kheo lúc nào không hay.
2. Bố ma tức làm cho ma phải sợ. Theo các chỗ giải thích thì khi mình thọ giới Tỳ-kheo, thành vị Tỳ-kheo là dự vào trong số chúng Tăng, vậy là ma bớt đi một quyến thuộc. Người khi được đúng pháp thọ giới Tỳ-kheo, đắc giới rồi thành tánh Tỳ-kheo, bấy giờ Địa hành La-sát xướng to lên"Lành thay! Khiến cho chư Thiên được tăng thêm và A-tu-la sẽ giảm bớt".Khi đó, Không hành Dạ-xoa nghe cũng cùng xướng to lên:"Thiện!". Truyền dần dần tới cõi trời Đao-lợi, lên cac cõi trên, cho đến cung của Ma vương, Ma vương nghe rồi thì sanh tâm lo sợ, vậy là tổn mất quyến thuộc rồi.
Vậy, bây giờ mình được thọ giới, được làm Tỳ-kheo thì phải hết sức tu kỹ. Bởi vì ma mà nghe có người thọ Tỳ-kheo, là bớt đi một quyền thuộc của nó, nó lo sợ, tìm cách phá. Cho nên phải tu hành kỹ lưỡng, không phóng dật. Bởi khi tâm phóng dật thì ma thấy được chỗ tiện lợi, nó lôi trở lại, làm theo ma thì thành tội, dần dần cởi áo tu. Phải nhớ vậy để tu cho kỹ, cho xứng với danh Tỳ-kheo!
3. Phá ác là nghĩa thứ ba. Tỳ-kheo, phải lo tu hành phá vô minh phiền não, lậu hoặc để đạt được giải thoát xuất thế gian gọi là phá ác. Tỳ-kheo mà nuôi phiền não hay theo các ác dục là trái với pháp Tỳ-kheo. Đó là điều mình phải luôn nhớ kỹ.
1250 vị. Tức là 1250 vị này thường theo Phật, thường gần gũi Phật. Ban đầu Phật độ 5 anh em ông Kiều-trần-như. Kế đó, độ ông Da-xá và 50 người bạn. Kế đó độ ba anh em ông Ca-diếp với 1000 đệ tử thờ thần lửa. Gần Bồ-đề Đạo tràng, gần di tích của làng cô Su-già-ta cũng còn di tích của ông Ca-diếp thờ thần lửa này. Kế độ Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên cùng 200 đệ tử đi theo.
1000 đệ tử của ba ông Ca-diếp, 200 đệ tử của Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, 50 người bạn của ông Da-xá là 1250. Còn năm anh em ông Kiều Trần Như chưa tính, vậy là 1255. Rồi ông Da-xá, ba anh em ông Ca-diếp, Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, dư ra 6 người nữa thành 1261 người mới đúng. Nhưng đây nói 1250 là nói chung, nói như vậy cho chẵn. Những vị này đều chứng A-la-hán, là những vị thường gần gũi với Phật. Bởi vậy trong kinh thường nói Phật cùng chúng đại Tỳ-kheo 1250 vị chung hội. Một số đông như vậy đi theo Phật nhưng các Ngài đều là Thánh tăng cho nên đi rất chánh niệm, tỉnh giác, oai nghi đàng hoàng. Mình đi ra ngoài một ngàn thì có khi lộn xộn mất oai nghi, hoặc vừa đi vừa nói chuyện ồn ào.
Các vị này đều đã chứng quả vô lậu đại A-la-hán. Lậu tức là rơi rớt trở lại. Vô lậu tức là giải thoát không còn rơi rớt trở lại vào trong sanh tử nữa, thuộc về bậc Vô học. Chữ lậu nếu chia ra thì có các dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Dục lậu là các phiền não cõi Dục; hữu lậu là các phiền não cõi Sắc và Vô sắc; vô minh lậu là bao quát những mê lầm trong cả ba cõi. Những vị này đều là những vị đã đoạn hết các phiền não, mê lầm trong ba cõi nên gọi là giải thoát khỏi ba cõi.
A-la-hán cũng có ba nghĩa: Ứng cúng, Vô sanh, Sát tặc.
1. Ứng cúng: nghĩa là những bậc này đã chứng Thánh hết rồi, là phước điền trong ba cõi, xứng đáng được sự cúng dường của Trời người, không sợ của tín thí khó tiêu. Còn mình thọ, coi chừng của tín thí khó tiêu. Cho nên mỗi bữa ăn được nhắc:"Tán tâm tạp thoại tín thí khó tiêu".
2. Vô sanh, là dứt mầm sanh tử, không còn tái sanh trở lại. Nghĩa là giải thoát sanh tử, thành tựu viên mãn chí xuất gia hay chí xuất trần của mình, đầy đủ ba nghĩa của xuất gia: Xuất thế tục gia, Xuất phiền não gia, Xuất tam giới gia. Còn mình bây giờ được có một nghĩa Xuất thế tục gia thôi, còn Xuất phiền não gia, Xuất tam giới gia thì chưa đủ. Xuất thế tục gia nhiều khi cũng còn khuyết nữa. Lúc mới vào đạo là Xuất thế tục gia, nhưng vào chùa một thời gian thì hơi dính trở lại thế tục, có khi cũng có nhà cửa, có sở hữu riêng. Đã có của cải riêng thì giống như đời sống gia đình trở lại. Xưa các vị xuất gia thời Phật là bỏ đời sống có nhà, sống đời sống không nhà, không có tài sản, không có của cải riêng. Cho nên khi những ý nghĩa đó sanh trở lại là phải tỉnh ngay để không đi xa. Mới có một Xuất thế tục gia mà chưa giữ được thì làm sao tiến tới Xuất phiền não gia, Xuất tam giới gia!
3. Sát tặc, bậc A-la-hán đã giết giặc phiền não, đã đặt được gánh nặng xuống, giải thoát các thứ ràng buộc. Theo các chỗ giải thích thì A-la-hán có nhiều bậc, có chỗ nói gọn là ba:
- Thứ nhất,bậc tu về Tánh niệm xứ, đoạn hai thứ kiến hoặc và tư hoặc, không có thần thông. Bậc này gọi là Huệ giải thoát.
- Thứ hai, bậc tu về Cộng niệm xứ, đoạn hoặc chứng chân, có đủ tam minh lục thông và bát giải thoát. Bậc này gọi là Câu giải thoát.
- Thứ ba, bậc tu về Duyên niệm xứ, đoạn hoặc chứng chân, đầy đủ Tam minh Lục thông và bốn món Vô ngại biện tài. Bậc này gọi là Vô ngại giải thoát.
Như vậy có những bậc A-la-hán không có thần thông chứ đừng nghĩ tất cả A-la-hán đều có thần thông biến hóa hết. Mình còn con mắt phàm, không biết ai Thánh ai phàm. Do đó, luôn luôn phải giữ tâm niệm khiêm tốn, thấp mình, kính trọng mọi người để không khởi tâm khinh mạn, tâm tự phụ do cái ngã sanh, khiến bị tội lỗi mà không hay.
Trong luật Sa-di, có chuyện ông Sa-di trẻ nghe vị trưởng lão tụng kinh tiếng hơi khàn khàn, ông chê tụng như tiếng chó sủa, sau mắc quả báo là sanh làm chó nhiều kiếp, vì không ngờ vị này là A-la-hán. A-la-hán cũng mang thân tướng n hư vị Tỳ-kheo thôi, bên ngoài thấy như bình thường nhưng tâm đã sáng, đã giải thoát. Người chưa có tha tâm thông không thấy được tâm các Ngài.
Có hai vị Tỳ-kheo, một trẻ một già cùng đi khất thực.Một hôm, vị Tỳ-kheo già bị đau bụng gió, tới nhà kia khất thực được bát cháo nóng liền nghĩ đang đau bụng gió mà có bát cháo nóng này uống thì có thể bớt đau. Ngài bèn mượn cái ghế, ngồi ngay cửa uống liền.Vị Tỳ-kheoo trẻ đâu biết tình trạng của vị thầy kia, cứ nghĩ theo cái thấy của mình thôi, mới chê:"Ông Tỳ-kheo này ham ăn quá, mới được bát cháo là ăn liền, không đợi về tới chùa gì hết". Nhưng vị A-la-hán này có tha tâm thông biết được, mới kêu hỏi:"Ông có ý nghĩ đó phải không? Trong các quả vị, ông đã vào được quả gì chưa". Vị Tỳ-kheo trẻ đap:" Dạ, vào được Sơ quả", tức là Tu-đà-hoàn. Vị Tỳ-kheo già bảo:" Ông chưa được lậu tận. Tôi đã lậu tận rồi mà ông lại có ý niệm như vậy thì ông đừng mong tiến lên được các đạo quả trên nữa, tổn phước rồi". Vị Tỳ-kheo trẻ nghe vậy mới giật mình kinh sợ, mới thành tâm sám hối với Ngài. Như vậy để cho thấy rằng vị Tỳ-kheo trẻ này là bậc Tu-đà-hoàn, tức là sơ quả rồi mà còn sơ sót, huống nữa mình còn là phàm tăng, đâu có biết ai là ai nên tâm niệm kiêu mạn hoặc khinh mạn khởi lên lúc nào không thấy. Nhất là những vị lanh lợi, ỷ mình hiểu biết nhiều, lanh lợi, có kiến giải, có kiến thức, thấy mấy vị Tỳ-kheo lớn hơn mình chậm lụt, sơ sài có khi cũng hơi sanh tâm khinh mạn chút chút. Nhưng không khéo gặp những bậc có đạo đức hơn mình thì thành ra tổn đức lớn của mình mà không hay, biết sám hối còn đỡ, không biết sám hối còn nguy nữa. Đó là nhắc cho tất cả phải hết sức cẩn thận..
Những bậc đại Tỳ-kheo này đã giải thoát có đủ Tam minh Lục thông, ngoài hiện tướng Thanh văn nhưng trong ẩn hạnh Bồ-tát để trợ duyên cho Đức Phật Thích Ca giáo hóa, nên gọi là đại A-la-hán. Đôi khi trong các kinh, Phật quở các vị Thanh Văn là"khôi thân diệt trí". Mình cũng theo đó chê các Ngài A-la-hán là Tiểu thừa, khôi thân diệt trí, không ngờ mình lầm. Các Ngài đôi khi ẩn hạnh Bồ-tát trong tướng Thanh Văn để giúp Phật Thích Ca giáo hóa. Các Ngài tu theo hạnh Tiểu thừa, thành A-la-hán nhưng sau chuyển thành Đại thừa được Phật thọ ký, khiến cho những vị định tánh Thanh Văn thấy vậy cũng phát tâm Đại thừa, cũng được Phật thọ ký. Đó là trợ duyên cho Phật Thích Ca giáo hóa.
Có kinh nói một khi Đức Phật Thích Ca thác sanh xuống thế gian này, nhiều vị Bồ-tát cũng phát tâm thị hiện xuống để trợ duyên cho Ngài nhưng mình không biết ai hết. Như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên sanh ra trong ngoại đạo, đi tu theo ngoại đạo, sau mới chuyển về với Đức Phật khiến cho các ngoại đạo ở đó cũng phát tâm đi theo. Ba anh em Ca-diếp thờ thần lửa, sau phát tâm theo Đức Phật. Những vị này cũng là Bồ-tát ẩn hạnh, hiện tướng Thanh Văn. Đến thời Pháp Hoa thì lộ ra, Phật thọ ký cho các vị này đều thành Phật hết. Đó là những điểm mình phải thấy để luôn luôn không dám khinh ai.
Cần học theo hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh là hay nhất, đi đâu cũng bái hết mọi người:" Tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài đều sẽ thành Phật". Đó là ý nghĩa chân thật bởi vì ai cũng đều có Phật tánh, có tánh giác thì cũng có thể tiến lên thành Phật hết, cho nên không dám khinh ai. Đây nói qua để cho tất cả hiểu được và có cái nhìn kỹ hơn.
CHÁNH VĂN:
Đó là những vị thuộc hàng Phật tử trụ trì, khéo vượt qua các hữu, hay ở trong cõi nước mà thành tựu oai nghi, theo Phật chuyển Pháp luân, khéo kham nhận lời di chúc của Phật, giữ giới trong sạch để làm mô phạm cho ba cõi, ứng thân không lường, độ thoát chúng sanh, cứu giúp đời vị lai vượt khỏi các điều trần lụy.
GIẢNG GIẢI:
Những vị Đại A-La-hán này là những vị Phật tử trụ trì, khéo vượt qua các hữu."Phật tử" ở đây không có nghĩa là người cư sỹ, mà đây chỉ cho con Phật. Những vị này từ Phật nghe pháp, chứng được giải thoát, có được pháp phần của Phật, tiếp nối huệ mạng của Phật. Đây là những bậc đã thật sự chứng ngộ, được giải thoát. Và "trụ trì" nghĩa là trụ vững trong chánh pháp để làm lợi ích lâu dài ở thế gian, gọi là Phật tử trụ trì.
Khéo vượt qua các hữu. Hữu là còn có nhân quả tồn tại, tức còn có chỗ sanh."Vượt qua các hữu" nghĩa là đã giải thoát khỏi sự ràng buộc trong 25 hữu, hay nói chung là đã ra khỏi nhà lửa ba cõi. Còn ở trong 25 hữu là còn ở trong nhân quả sanh tử luân hồi. Các vị này đã vượt qua sanh tử luân hồi rồi, gọi là vượt qua các hữu. Những bậc tu hành đến đây mới thảnh thơi nhàn hạ, thành bậc Vô học vô tu. Chúng ta còn đang học đang tu, tức còn là phàm phu, hữu học, chưa thảnh thơi nhàn hạ. Nếu ai tự cho mình thảnh thơi là đã sanh buông lung, phóng túng, sẽ đi vào con đường chết.
Có nhiều người thắc mắc còn ở trong các hữu thì còn sanh cõi này cõi kia lẩn quẩn trong 25 hữu. Vượt qua 25 hữu rồi ở đâu? Khi đặt câu hỏi ở đâu tức là còn tìm chỗ ở, tức là chưa vượt qua khỏi các cõi. Vượt qua khỏi ba cõi rồi thì tự tại, chỗ nào cũng ở được, không ngăn ngại. Ở các cõi mà không bị các cõi ràng buộc, nên không nói ở đâu.
Hay ở trong cõi nước mà thành tựu oai nghi. Tức là những vị này ở nơi nào chốn nào cũng sống đúng pháp, không lỗi lầm, không thất niệm, nên gọi nơi nơi đều thành tựu đạo tràng thanh tịnh.
Theo Phật chuyển pháp luân. Tức là theo trợ duyên cho Phật giáo hóa, tiếp nối ngọn đèn chánh pháp soi khắp thế gian, để cho bánh xe chánh pháp soi mãi không dừng.
Khéo kham nhận lời di chúc của Phật. Những vị này đã có sức sống giải thoát giác ngộ chân thật. Những điều các vị nói ra là từ sức sống chân thật, là những lời pháp sống không thể nghĩ bàn, không phải nói trên chữ nghĩa khô khan. Đây là những bậc khéo kham nhận lời di chúc của Phật, kham gánh vác chánh pháp Như Lai.
Giữ giới trong sạch để làm mô phạm cho ba cõi. Những bậc này đã thực sự sống trong giới. Giới thành sức sống rồi nên nói giữ mà không có gì để giữ, còn mình có phạm nên mới có giữ. Đó là những bậc thầy mô phạm của Trời người.
Ứng thân không lường mà độ thoát chúng sanh. Trong kinh nói rằng A-la-hán không còn tái sanh trở lại, mà ở đây nói ứng thân vô lượng để độ thoát chúng sanh thì đây là những bậc hiện tướng Thanh Văn bên trong ẩn hạnh Bồ-tát. Cho nên mình không thể nhìn trên hình tướng bên ngoài phán đoán các Ngài. Gọi là ứng thân vô lượng vì có khi các Ngài ứng thân Thanh Văn, có khi các Ngài ứng thân Bồ-tát.
Đây là nhắc cho người học đừng bám vào hình tướng bên ngoài của các Ngài mà vội phán đoán theo cái nhìn chủ quan của mình, hoặc cho các Ngài thuộc Tiểu thừa không phải.Tức là muốn nhắc mình phải thấu qua các tướng đang hiện đó để rõ thấu được cái thể kia thì mới thật thấy các Ngài. Ngay đây đã thể hiện ý thiền.
Cứu vớt đời vị lai vượt khỏi các điều trần lụy. Như vậy chúng ta ngày nay cũng có phần liên hệ với các Ngài. Có khi gặp các Ngài mình không biết, bởi vì các Ngài ứng thân vô lượng,không phải chỉ thân tướng của vị Tỳ-kheo thôi. Đó là nhắc cho mình pháp giải thoát xuất thế gian vẫn còn, không mất vì các Ngài vẫn còn giúp đời vị lai vượt khỏi các điều trần lụy. Nếu có ai y pháp, đúng pháp tu hành thì sẽ gặp các Ngài. Gặp các Ngài tức là thấy Phật, thấy Pháp. Giúp mình có đầy đủ niềm tin đối với Tam Bảo.
Đó là những điểm tán thán công đức trí tuệ của các Ngài.
CHÁNH VĂN:
Các vị ấy là đại trí Xá-lợi-phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Câu-hi-la, Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, Tu-bồ-đề, Ưu-ba-ni-sa-đàv.v…làm thượng thủ.
GIẢNG GIẢI:
Đây là những bậc thượng thủ ở trong hàng đại A-la-hán. Còn nhiều vị nữa nhưng đây chỉ nêu tên tượng trung.
Ngài đại trí Xá-lợi-phất dịch là Thu Tử. "Thu" là tên của một loài chim, cũng là tên người mẹ của Ngài vì ba có đôi mắt đẹp như loài chim này."Tử" chỉ cho con, tức Ngài là con của bà Thu. Đó là ghép tên mẹ với con. Trong Tâm kinh gọi "Xá-lợi Tử" là con bà Xá-lợi. Xá-lợi là tên mẹ, "Xá-lợi Tử" là vừa dịch âm tiếng Phạn vừa tiếng Hán.
Ngài là bậc trí tuệ bậc nhất ở trong hàng Thanh Văn. Khi còn ở trong bụng mẹ đã có năng lực khiến cho bà mẹ biện luận thắng cả ông cậu. Ông cậu của Ngài là một vị biện luận giỏi trong nước thời đó. Ông luôn luôn biện luận thắng hết. Khi bà mẹ mang thai Ngài, ông cậu biện luận không thắng nổi bà. Đây gọi là đại trí Xá-lợi-phất tức là bậc trí tuệ bậc nhất trong hàng Thanh Văn, còn bậc trí tuệ bậc nhất trong hàng Bồ-tát là Ngài Văn-thù.
Ma-ha Mục-kiền-liên. Chữ Mục-kiền-liên dịch là Thái Thúc Thị, là họ, còn tên Ngài là Câu-luật-đà, là tên một loài cây, cây câu-luật. Do cha mẹ của Ngài đã lớn tuổi mà không có con nên mới đến cầu nơi thần cây này, rồi sinh ra Ngài. Do đó lấy tên cây đặt cho Ngài. Ngài Mục-kiền-liên là bậc thần thông bậc nhất trong hàng Thanh Văn. Hai Ngài là bạn chí thân từ thưở bé, đến lớn thì dẫn nhau đi học đạo, rồi đi tu. Ban đầu theo ông San-xà-dạ. Khi Ngài Xá-lợi-phất gặp Tôn giả A-thuyết-thị, nghe bài kệ về nhân duyên, cảm ngộ mới về rủ Ngài Mục-kiền-liên đến gặp Phật. Sau đó, hai vị trở thành đệ tử Phật, tu chứng A-la-hán. Hai Ngài là hai vị tướng pháp tay mặt, tay trái của Đức Phật.
Ngài Ma-ha Câu-hi-la dịch là Đại Tất, là cậu của Ngài Xá-lợi-phất. Ông biện luận rất giỏi, nhưng khi bà chị mang thai Ngài Xá-lợi-phất thì ông biện luận thua. Biết đó là do năng lực đứa bé ở trong bụng chị, ông nghĩ:"Nó thắng mình như vậy, sau này nó ra đời thì đâu có ai hơn nổi, mình cũng thua nó luôn".Ông bèn đi tìm thầy học đạo, thề sau này sẽ khuất phục đứa cháu này thì thiên hạ sẽ theo ông. Ông siêng năng học tập đến nỗi móng tay dài ra mà không rảnh để cắt, người đời gọi ông là Trường Trảo Phạm Chí, tức là ông Phạm chí móng tay dài.
Ngoại đạo mà siêng năng tinh tấn vậy, còn mình ở trong đạo vì việc lớn sanh tử cho oai, mà có khi lại thua. Đó là những điểm khiến cho mỗi người không quá tự hào, chê ngoại đạo thế này thế kia, trong khi mình không khéo còn hổ thẹn hơn nữa.
Khi ông học làu thông hết các bộ kinh của ngoại đạo, thấy tương đối hài lòng, ông mới trở về. Lúc đó Ngài Xá-lợi-phất đã quy y theo Phật, ông tức, tìm đến Phật để biện luận. Ông quyết phải thắng Phật mới khuất phục đứa cháu, kéo nó về. Nhưng không ngờ khi tới gặp Phật thì không phải như vậy.
Ông tới gặp Phật, Phật cho ông lập thuyết trước, Phật hỏi:
- Lập thuyết của ông lấy gì làm tông?
Lấy gì làm tông tức là tông chỉ lập thuyết của ông.
Ông nói ngay:
- Tông chỉ của tôi, lập thuyết của tôi là tất cả đều không thọ.
Ông nghĩ không thọ nhận, không chủ trương gì hết thì lấy cái gì để phá? Có lập mới có phá. Nhưng với con mắt Phật thì không phải vậy. Phật thấy từng đường tơ kẽ tóc, có cái gì sơ sót trong đó Ngài thấy hết. Nói gì thì nói, ông hãy còn vô minh, chấp ngã, chưa hết. Nếu thật sự ông hết ngã rồi thì đâu cần đến Phật để tranh luận, đâu còn hơn thua nữa. Cho nên , tuy ông nói ông không thọ gì hết, nhưng vẫn còn có cái ngã trong đó, mà còn cái ngã tức là còn cái thọ vi tế. Cái này phải là mắt Phật thì mới thấy, mắt thường không thể thấy được. Phật mới gạn lại:
- Như vậy ông có thọ cái thấy không thọ của ông không ?
Chỗ này mới tế nhị.Ông tự nghĩ không biết đáp làm sao:"Nếu ta trả lời thọ thì trái với chủ trương tất cả không thọ. Nếu nói không thọ cái thấy đó thì tự mình bác mình". Hai đường đều hết trả lời, ông thấy thua rồi, mới vội bỏ đi nhanh. Khi đến để biện luận, ông có hứa nếu ông thua thì sẽ cắt đầu tạ tội. Bây giờ thua rồi nên ông vội bỏ đi nhanh ra ngoài. Đi một đoạn, ông lấy lại được tự chủ. Ông nghĩ không thể như vậy được. Bèn trở lại tạ lỗi với Phật. Nhưng trong pháp Phật thì không có chuyện sát sanh. Phật giải thích, thuyết pháp cho nghe, ông quy y trở thành đệ tử Phật. Sau này ông cũng thành một người biện luận rất giỏi trong Phật pháp.
Phú-lâu-na Di-đa-la-ni Tử, Phú-lâu-na dịch là Mãn, Di-đa-la-ni dịch là Từ, chữ "tử" là con. Phú-lâu-na là tên cha. Di-đa-la-ni là tên mẹ, tử là con, ghép cả tên cha và tên mẹ. Nếu dịch nôm na là con của ông Mãn và bà Từ. Ngài là con của vị Quốc sư ở triều Vua Tịnh Phạn, lớn lên có thức tỉnh mới cùng 30 người bạn vào trong núi Tuyết tu theo pháp của Ba-lê-bà-giá-ca, được tứ thiền, ngũ thông, nhưng chưa giải thoát. Sau khi nghe tin Phật thành đạo, ông tìm đến quy y làm đệ tử Phật, tu chứng A-la-hán. Đức Phật từng bảo:" Trong pháp của ta, người hay rộng nói các pháp, phân biệt nghĩa lý thì Mãn Từ Tử là bậc nhất, tức Ngài là vị thuyết pháp bậc nhất trong hàng Thanh Văn.
Tu-bồ-đề dịch là Không Sanh hay là Thiện Hiện, Thiện Cát. Khi mẹ sinh ra Ngài thì kho lẫm ở trong nhà bỗng nhiên trống trơn hết, cha mẹ nghi sợ không biết điềm gì. Qua 7 ngày sau, tất cả đều hiện trở lại như cũ, nên gọi là Thiện Hiện, trước kia là Không Sanh. Cha mẹ nhờ các vị tướng số xem coi điềm gì, các vị bảo đó là điềm rất tốt nên gọi là Thiện Cát. Chữ Cát hay là Kiết là điềm lành, điềm tốt. Khi Ngài theo Phật tu hành thì thường tu Vô tránh tam-muội, thành bậc A-la-hán, là bậc Giải không bậc nhất. Trong kinh Kim Cang Ngài là người khải thỉnh, thưa hỏi.
Ưu-ba-ni-sa-đà dịch là Trần Tánh. Ngài quán về tánh của sắc trần rỗng không mà được đạo, thành A-la-hán.Đây là những bậc đại A-la-hán thượng thủ trong hàng Thanh Văn, là những bậc Thánh tăng Vô học. Đã là Thánh tăng Vô học nhưng các Ngài vẫn dự pháp hội để nghe pháp, chứ không sanh tâm tự mãn. Cũng để trợ duyên cho Đức Phật Thích Ca.
Kế là hàng Bích-chi.
Trên là hàng Thanh Văn, ở đây là hàng Bích-chi Vô học. Bích-chi có hai: Độc Giác và Duyên Giác.
1. Độc Giác là những vị ra đời nhưng không gặp Phật song do chủng tử sâu dầy huân tập nhiều đời, khi thấy tướng trạng của các pháp hiện tiền thì tự cảm ngộ.Cho nên, đừng sợ tu rồi sau sẽ quên hết. Nếu tu huân tập thành chủng tử sâu dày, tuy chưa hoàn toàn giải thoát nhưng chủng tử đã ăn sâu rồi, khi gặp nhân duyên gợi lại liền tỉnh ngộ.
2. Duyên Giác là ra đời có gặp Phật, nghe pháp, quán nhân duyên như 12 nhân duyên, đắc đạo, thành bậc Vô học.
Như vậy, ở trong pháp hội này có đủ cả hai hạng Độc Giác và Duyên Giác. Các Ngài ra đời trước Phật Thích Ca, ở trong rừng sâu, trong hang núi, hoặc hang động vắng tu hành tự giác ngộ. Khi nghe Đức Phật Thích Ca ra đời giáo hóa, các Ngài đến dự pháp hội. Đây là hàng Vô học đã chứng giải thoát.
Sơ tâm tức là những vị còn hữu học, chưa hoàn toàn giải thoát. Như vậy trong pháp hội có cả hàng Hữu học và Vô học cùng chung họp.
CHÁNH VĂN
Khi ấy nhằm ngày chư Tỳ-kheo mãn hạ tự tứ, các vị Bồ-tát trong mười phương đến cầu xin giải quyết tâm nghi, đồng kính thỉnh Phật vì nói pháp yếu.
GIẢNG GIẢI:
Đây là chúng Bồ-tát đồng dự trong pháp hội.
Bình thường chư Tăng mỗi người ở mỗi nơi, người ở nơi này, người ở nơi kia, có khi đi giáo hóa. Trong luật Phật dạy, mỗi năm tới mùa mưa, côn trùng sanh sôi nẩy nở nhiều, đi ra đường dễ đạp nó chết khiến người đời cười chê, nên Phật chế tất cả phải tập trung lại một nơi để tu tập, trau giồi giới-định-tuệ.
Lịch ở Ấn Độ chỉ có 3 mùa chứ không phải 4 mùa như ở Trung Hoa.Cho nên có nơi lấy ngày 16 tháng 4 làm lễ An cư, có nơi lấy 16 tháng 5 làm lễ An cư. Qua 3 tháng mới Tự tứ giải hạ. Ngày đó, chư Tăng mỗi người tự xem lại trong 3 tháng có những lỗi lầm gì, đối trước chúng sám hối, hoặc là xin đại chúng chỉ cho lỗi lầm của mình. "Tự tứ" là xin đại chúng mặc tình chỉ lỗi. Đúng luật, đúng pháp thì khi An cư phải kiết giới chỉ rõ phạm vi giới tràng. Giới tử chỉ được ở trong phạm vi giới tràng thôi,đi ra ngoài coi như phạm giới. Vì vậy, sau mùa An cư phải có yết-ma giải cương giới quy định. Còn ở Thiền viện thì ở trong khuôn viên Thiền viện thôi. Ngày xưa, có khi các Ngài ở trong rừng cũng phải kiết giới trong rừng. Sau mùa an cư, mỗi vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được thêm tuổi hạ, gọi là "hạ lạp". Nhân ngày này, các vị Bồ-tát ở khắp mười phương đồng đến cầu Phật giải nghi hoặc chỉ dạy về pháp yếu, tức pháp nghĩa sâu kín, là những nghĩa lý sâu xa vượt ngoài cái hiểu phổ thông.
Nhà Nho hoặc ông bà mình ngày xưa chỉ nói bốn phương tám hướng, hay chín phương thôi. Trời tròn như cái bát úp xuống đất vuông. Trời và đất là hết rồi, không có phương dưới. Nhưng trong kinh Phật nói tới mười phương. Như vậy Phật đã thấy quả đất ở giữa hư không mới có phương trên phương dưới.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy Phật trải tòa ngồi yên, vì hội chúng tuyên nói nghĩa thâm áo. Chúng hội thanh tịnh được điều chưa từng có. Tiếng Phật nói như tiếng chim Ca-lăng vang khắp mười phương cõi nước. Hằng sa Bồ-tát đến nhóm họp nơi đạo tràng, Ngài Văn-thù-sư-lợi làm thượng thủ.
GIẢNG GIẢI:
Phật trải tòa ngồi yên, vì chúng tuyên nói nghĩa thâm áo. Tức là Ngài trong tư thế thiền định, khiến cho người nghe cũng phải định tâm để nghe. Hoặc trước khi nói pháp, Ngài cũng ngồi trong tư thế thiền định để quán căn cơ. Vì các vị Bồ-tát thưa hỏi nghĩa sâu kín, Phật mới tuyên nói nghĩa sâu, tức nghĩa thâm áo, để cho tâm tâm khế hợp, được lợi ích. Đây không nói nghĩa sâu đó là nghĩa gì, để cho mỗi người tự thầm hiểu chứ không nói ra.
Kinh Lăng Nghiêm cũng hơi giống kinh Pháp Hoa. Trước khi nói kinh Pháp Hoa, Phật cũng nhập định Vô lượng nghĩa xứ rồi nói kinh. Đây, trước khi nói kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng ngồi yên, mới vì các Bồ-tát nói nghĩa sâu kín. Cũng để nhắc người nghe kinh cũng phải lắng lòng, khéo nghe những nghĩa lý sâu xa, vượt ngoài lời nói để tâm tự khế hợp.
Trong đây, chúng hội đều thanh tịnh hết, mới nhận được những điều chưa từng có, trước giờ chưa từng nghe. Do tâm các vị này đều thanh tịnh, khế hợp với chỗ Phật dạy, thầm cảm thông với Phật. Điều này cũng để nhắc cho tất cả chúng ta, nghe kinh phải hết sức thành tâm, tập trung, lắng lòng nghe mới thấu nghĩa sâu xa trong lời Phật dạy. Nghe mà tâm phân tán, lăng xăng thì đâu có nghe sâu được. Chẳng những không có lợi ích mà còn có hại nữa. Bởi vì mình đâu có biết được trong pháp hội ngoài những người đang ngồi đây có khi có chư Long, Thiên, Hộ pháp đến nghe ủng hộ đạo tràng. Các vị đó thấy những người nghe kinh thiếu tôn kính, buông lung phóng dật thì không hoan hỷ, thì mình có hao tổn. Cho nên phải cẩn thận. Đó là nhắc cho mình biết cách nghe kinh để được lợi ích.
Trong pháp hội đầy đủ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát, Bích-chi Phật. Có vị ở trong hang sâu, rừng vắng; những vị Bồ-tát xa xôi ở mười phương cũng đến nghe pháp. Còn mình ngày nay ở tại chỗ nghe khỏi cần đi đâu hết, vậy mà không biết trân trọng thì đó là cái thiếu sót của mình.
Tiếng Phật như tiếng chim Ca-lăng-tần-già vang khắp mười phương cõi nước. Ca-lăng-tần-già là tên một loài chim, chim này dịch là Diệu thanh, tức âm thanh tiếng hót của loài chim này rất thanh tao, hòa nhã, rất hay, vượt cả những loài chim bình thường, và vang rất xa khiến cho ai nghe cũng hoan hỷ. Mượn tiếng chim này để dụ cho tiếng của Phật, nhưng đó là dụ thôi, chứ tiếng của Phật còn vượt xa tiếng Ca-lăng-tần-già. Bởi tiếng chim Ca-lăng-tần-già là tiếng của loài cầm thú.
Trong kinh ghi, có lần Tôn giả Mục-Kiền-liên nghe pháp âm của Phật vi diệu quá, Ngài muốn biết tiếng Phật vang tới đâu mới cùng tận. Ngài dùng thần thông đi, hễ còn nghe là Ngài đi nữa, đi xa, xa, xa hoài vẫn còn nghe hoài, tới chừng vượt qua cả mười ức cõi Phật.
Một ức là trăm ngàn, mười ức là một triệu cõi Phật. Bây giờ các nhà khoa học chế được chiếc phi thuyền đi tới cung trăng cũng là chưa ra khỏi cõi Ta-bà này, tức là chưa ra hết cõi của Phật Thích Ca. Còn ở đây Ngài dùng thần thông đi qua tới cả một triệu cõi Phật chỉ trong chớp nhoáng thôi.
Tới cõi Phật Thế Tự Tại Vương, bấy giờ Phật cõi đó đang thuyết pháp. Ngài Mục-kiền-liên đến đó vừa nghe tiếng thuyết pháp của Đức Phật Thế Tự Tại Vương và cũng nghe luôn tiếng thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca nữa. Khi Đức Phật kia thuyết pháp xong, có vị Bồ-tát hướng về Đức Phật đảnh lễ rồi chỉ ngay Tôn giả Mục-kiền-liên thưa hỏi:
- Bạch Thế Tôn, trong lúc Ngài thuyết pháp, không biết ở đâu có con sâu hình người lạ lùng bò lên đây
Thân tướng của các vị ở cõi đó to lớn, còn Ngài Mục-kiền-liên thì hiện thân trong cõi Ta-bà nên thân tướng nhỏ, khi lên cõi đó thì chỉ giống như con sâu hình người thôi.
Đức Phật kia bảo:
- Ông đừng nói vậy! Đây chính là đệ tử thần thông bậc nhất của Đức Phật Thích Ca ở cõi Ta-bà.
Vị Bồ-tát đó hỏi lại:
- Tại sao vị đó nhỏ quá vậy?
Đức Phật kia bảo:
- Các ông chớ thấy thân tướng nhỏ bé mà khinh thường. Tôn giả này có thần lực rất lớn, có oai đức rất lớn. Ông ấy thường qua lại, dạo nơi các cõi nước tự tại như đi chơi. Vì nghiệp lực của chúng sanh ở mỗi quốc độ không đồng, ông ấy sanh trong quốc độ Ta-bà thì thân tướng nhỏ bé như vậy, nhưng thần lực của ông ấy không nhỏ bé như vậy đâu.
Đức Phật đó liền bảo Tôn giả Mục-kiền-liên hiện sức thần thông để trừ nghi cho các vị Bồ-tát trên đây. Lúc đó Ngài mới hiện ra những loại thần thông không thể nghĩ bàn, cũng hiện thân lớn khiến các vị Bồ tát đó đều sanh tâm cung kính.
Như vậy cho thấy âm thanh của Phật không cùng tận. Cho nên người nghe tiếng Phật, không phải chỉ nghe trên âm thanh, trụ trên âm thanh mà phải làm sao nghe cho thấu qua được âm thanh mới thấy thấu được Đức Phật chân thật. Âm thanh của Phật cũng gọi là Phạm âm, tức là tiếng trong trẻo như Phạm thiên.
Ở trong nhà thiền có câu chuyện liên hệ.Một hôm Hòa thượng Nam Tuyền gọi ông Viện chủ:
- Viện chủ! Viện chủ!
Viện chủ:
- Dạ!
Ngài hỏi:
- Đức Phật lên cung trời Đao-Lợi 90 ngày để thuyết pháp cho Mẫu hoàng. Khi ấy vua Ưu-điền nhớ Phật quá, mới thỉnh Tôn giả Mục-kiền-liên vận thần thông đưa thợ lên cung trời nhìn Phật để tạc tượng. Ông về tạc tượng gỗ, chỉ tạc được 32 tướng, vì sao tướng Phạm Âm chẳng tạc được?
Viện chủ thưa:
- Thế nào là tướng Phạm âm?
Ngài Nam Tuyền bảo:
- Lừa chết người!
Nghe nói tướng Phạm âm thì nghĩ tướng gì đó để tạc, đó là bị gạt. Vậy, làm sao thấu được tướng Phạm âm này? Thấy được chỗ này mới nghe thấu được âm thanh của Phật, mới thấy được Phật, gọi là thật thấy Phật.
Trong đây, chư Bồ-tát ở mười phương cũng nghe tiếng Phật vang khắp cho nên mới cùng đến nhóm họp nơi pháp hội. Trong đó, Bồ-tát Văn-thù làm thượng thủ. Văn Thù dịch là Diệu Đức hay Diệu Cát Tường. Ngài là bậc trí tuệ bậc nhất trong hàng Bồ-tát gọi là Bồ-tát Đại Trí Văn-thù-sư-lợi. Ngài tượng trưng cho Căn bản trí hay Thật trí vô phân biệt. Chính Thật trí này mới thấu suốt được kinh Thủ Lăng Nghiêm, cho nên đây lấy Ngài làm thượng thủ. Chúng ta học kinh Lăng Nghiêm cũng để mở sáng, để quay về trí Căn bản. Từ trí này mới thấu suốt kinh Lăng Nghiêm sâu xa được. Nếu đem trí thông minh sanh diệt của mình học thì hiểu phần nào thôi, không hết nổi. Cho nên phải lắng lòng, phải có tu mới nghe sâu được.
Trong Lục chủng chứng tín, đến đây là đủ Chúng thành tựu thứ sáu.
Trong phần chúng Bồ-tát có phần đặc biệt là: Nhân ngày tự tứ của chúng Tăng, chư Bồ-tát mười phương đến thưa hỏi pháp yếu, Phật mới tuyên nói nghĩa sâu kín. Phần này riêng cho kinh này, không phải kinh nào cũng có.
Điểm thứ hai là trong đây đủ chúng Thanh Văn, Bích-chi, Bồ-tát, nhưng không thấy nói tới hàng cư sĩ. Sự thật thì hàng cư sĩ lúc sau mới nói. Đây là phần Tựa chung.
Tiếp theo là phần Tựa riêng, cũng gọi là Duyên khởi tự hay Phát khởi tự, tức là phần tựa phát khởi cho kinh Thủ Lăng Nghiêm.
CHÁNH VĂN:
Hôm ấy, nhằm ngày kỵ giỗ của Vua cha, Vua Ba-tư-nặc thiết lễ trai nghi, sắm sửa nhiều thức ăn ngon lạ, quý báu, đích thân thỉnh Phật và các vị Bồ-tát vào cung cúng dường. Đồng thời trong thành có các vị trưởng giả, cư sĩ, cũng thiết lễ trai tăng thỉnh Phật đến cúng. Phật bảo Ngài Văn-thù phân chia các vị Bồ-tát và A-la-hán đến nhà trai chủ dự lễ cúng dường.
GIẢNG GIẢI:
Ngày giỗ của Vua cha Vua Ba-tư-nặc gọi là ngày húy kỵ Người ta quan niệm ngày chết của cha mẹ, ông bà là ngày buồn bã đau thương, tránh không muốn nhắc đến sự đau buồn, nên gọi là ngày húy kỵ Tuy nói húy kỵ nhưng phải nhớ kỹ để làm giỗ. Thế gian mâu thuẫn vậy đó.
Nhân ngày tự tứ chúng Tăng, Bồ-tát nhóm họp đông đủ, Vua Ba-tư-nặc đến thỉnh Phật cùng đại chúng vào cung cúng dường, hồi hướng phước đức cho Vua cha. Đây cho thấy lòng tôn kính của Vua đối với Phật quá lớn, quên cả địa vị cao cả của ông Vua, đích thân thỉnh Phật đến cúng dường.
Các vị trưởng giả, cư sĩ ở trong thành cũng nhân ngày Phật hoan hỷ, đồng thiết trai thỉnh Phật và đại chúng đến cúng dường để gieo phước điền. Trưởng giả: Tức là những người giàu có, tuổi cao, đức lớn, được mọi người tôn kính. Có chỗ giải thích trưởng giả là có đủ 10 đức: Dòng họ tôn quý, địa vị cao, giàu có, uy mãnh, trí sâu, tuổi cao, hạnh thanh tịnh, biết lễ nghĩa, người trên thán phục, người dưới quy hướng. Cư sĩ: Đây chỉ những gia chủ giầu sang thuộc dòng Phệ-xá, có chỗ giải thêm là người biết giữ đạo, ít ham muốn. Những hàng trưởng giả, cư sĩ cũng nhân ngày thiết trai thỉnh Phật và đại chúng đến cúng dường. Phật bảo Ngài Văn-thù phân chia đại chúng đến dự lễ ở các nơi để cho trai chủ nào cũng được cúng dường,đều được lợi ích.
Đến đây, hội Lăng Nghiêm mới có hàng cư sĩ, Vua quan đầy đủ.
CHÁNH VĂN:
Chỉ có Ngài A-nan trước đã nhận người thỉnh riêng đi xa chưa về nên không kịp dự vào hàng Tăng chúng. Trên đường về, ông chỉ đi một mình, không có các vị Thượng tọa và A-xà-lê.
Ngày ấy không được ai cúng dường, ông mang bát vào thành theo thứ lớp khất thực. Trong tâm mong cầu được vị đàn-việt rốt sau cúng dường, ông khởi lòng từ bi không lựa chọn dòng giống sang hèn, nghèo giàu v.v…chỉ một lòng bình đẳng khất thực, mong sao cho tất cả chúng sanh được viên thành vô lượng công đức. Ông A-nan biết Đức Như Lai Thế Tôn thường quở trách ông Tu-bồ-đề và Đại-ca-diếp đã chứng quả A-la-hán mà tâm không bình đẳng. Ông kính vâng lời dạy vô giá của Đức Như Lai để khỏi các điều nghi ngờ và chê bai của mọi người. Ông sửa oai nghi nghiêm chỉnh, thong thả vào cửa thành theo đúng pháp hóa trai. Khi ấy, ông A-nan theo thứ lớp khất thực qua nhà một dâm nữ, thì gặp đại huyễn thuật của Ma-đăng-già. Nàng dùng thần chú Ta-tỳ-ca-la tiên Phạm thiên bắt vào phòng riêng, tựa kề vuốt ve khiến cho ông A-nan sắp mất giới thể.
GIẢNG GIẢI:
Đây là nhân duyên phát khởi kinh này: nhơn nhân duyên Ngài A-nan gặp nạn Ma-đăng-già. Những điều này mình học kỹ để nhắc nhở mình. Hôm ấy Đức Phật và đại chúng phân chia đi nhận các vị trai chủ thỉnh cúng dường, còn Ngài A-nan trước đó đã nhận người thỉnh riêng về không kịp để dự vào số chúng Tăng đi dự thỉnh ngày hôm ấy.
Biệt thỉnh là thỉnh riêng, chỉ một hai trường hợp quá đặc biệt thôi, còn thường thường thì Phật dạy phải thỉnh chung hết, thỉnh riêng thì thiếu bình đẳng. Nhiều khi thỉnh riêng sanh lỗi lầm, đó cũng là điều mình phải cần thận. Trong đây nói các vị được thỉnh chung hết, Phật sai Bồ-tát Văn-thù phân chia.
Ngài A-nan vê phải đi khất thực riêng một mình, không có vị Thượng tọa và A-xà-lê cùng đi. Đó cũng chính là nhân duyên Ngài bị nạn. Thượng tọa là những bậc cao đức,tuổi lớn hơn mình, thọ giới trước nhiều năm. A-xà-lê tức là bậc mô phạm.
Trong Luật chia ra 5 bậc A-xà-lê:
- Xuất gia A-xà-lê, là bậc thầy thế độ xuất gia cho mình.
- Yết-ma A-xà-lê, là vị thầy yết-ma cho Tăng để thọ giới Cụ túc.
- Giáo thọ A-xà-lê, là bậc thầy truyền dạy oai nghi cho Tăng khi thọ giới Cụ túc, các Ngài hỏi về các giá nạn.
- Thọ kinh A-xà-lê, là bậc thầy dạy kinh nghĩa và những cách đọc cho mình.
- Y chỉ A-xà-lê, là vị thầy để cho hàng Tỳ-kheo nương theo học hỏi.
Theo pháp thì Tỳ-kheo đi ra ngoài cần phải đi hai người hoặc có bậc Thượng tọa, bậc A-xà-lê cùng đi. Đó là để tránh lỗi lầm xảy ra. Trong Luật, Tỳ-kheo đi vào trong tụ lạc, trong xóm không trình báo cho trong chúng biết cũng phạm Đột-kiết-la. Ngài A-nan thiếu sót phần này. Ngài đi một mình thôi. Chính vì đi một mình mới là duyên cớ gặp nạn. Đó cũng là bài học nhắc cho chúng ta phải cẩn thậm khi đi ra ngoài, nhất là những vị tu sĩ trẻ mà một mình đi khắp nơi đây đó thì rất nguy hiểm.
Ngài A-nan mang bát vào thành, theo thứ lớp khất thực. Tinh xá Kỳ-hoàn ở ngoại thành. Dân chúng đều tập trung ở trong thành. Ngài A-nan từ ở ngoài thành đi bộ vào trong thành. Đi từng nhà, thứ lớp khất thực, không phân biệt giầu nghèo, không phân biệt nhà nào thích hay nhà nào không thích. Ngài thực hành tâm bình đẳng, mong sao cho chúng sanh được viên mãn công đức, tức là để chúng sanh gieo duyên, gieo phước điền chứ không phải vì món ăn.
Như vậy, Ngài cũng có chủng từ Bồ-đề, có tâm Bồ-tát vì chúng sanh. Đó cũng là tâm tốt. Ngài nhớ trước kia Đức Phật từng quở Ngài Tu-bồ-đề thường đi khất thực nhà giầu, Ngài Ma-ha-ca-diếp thường đi khất thực nhà nghèo, cho nên Ngài đi khất thực thứ lớp đàng hoàng. Ngài Tu-bồ-đề đi khất thực nhà giầu vì nghĩ:"Người ta nghèo, tới khất thực nữa làm cho người ta nghèo thêm. Thứ hai giàu tức ngày xưa đã tạo phước. Bây giờ đến khất thực giúp căn lành họ không mất, không vậy, họ ỷ lại vào phước, hưởng quá sẽ hết".Ý Ngài cũng tốt. Ngài Ma-ha-ca-diếp thì nghĩ:"Người nghèo do thiếu phước bố thí nên nghèo, bây giờ cho họ gieo duyên lành để họ chuyển nghiệp", đó cũng là ý tốt. Tuy vậy Đức Phật :"như vậy tâm cũng không được bình đẳng. Ý các Ngài cũng tốt, nhưng người ngoài không hiểu, họ nói ông này thích ăn ngon nên tới nhà giàu hoài; còn ông kia, nhà người ta nghèo gần chết mà cứ đến khất thực hoài! Đừng để người ta nghi báng như vậy.
Ý Phật muốn nhắc các vị Tỳ-kheo phải có tâm bình đẳng, khất thực thứ lớp mới có ý nghĩa. Cho nên, đây Ngài A-nan đi khất thực từng nhà, không chọn lựa. Chính do đi từng nhà, không bỏ nhà nào hết, mới đi phải nhà của dâm nữ Ma-đăng-già, gặp nạn.
Ngài A-nan là bậc đa văn, học nhiều, rành Phật pháp mà còn gặp nạn, huống là chúng ta ngày nay. Đó để nhắc mình phải hết sức cẩn thận. Cảnh tỉnh cho mình rất lớn, luôn luôn quán tâm kỹ, không được xem thường.
Ma-đăng-già có chỗ giải thích đó là tên của mẹ, còn cô gái này tên là Bát-kiết-đế, dịch là Bổn Tánh. Phần sau nói cô này sau đó xuất gia, thành Tánh Tỳ-kheo-ni. Cô nhớ người mẹ dùng huyễn chú Ta-tỳ-ca-la tiên Phạm thiên bắt vào phòng, dựa kề, vuốt ve, khiến cho Ngài A-nan sắp mất giới thể.
Quý vị biết giới thể là gì không? Tức là vô tác giới thể. Khi một Tỳ-kheo thọ giới, sau khi bạch tứ Yết-ma rồi thì thành tựu Vô tác giới thể. Giới thể không có hình tướng, nhưng ngấm ngầm có công năng ngăn ngừa tội lỗi cho mình ở bên trong. Nếu sanh tâm phạm giới thì mất giới thể, coi như hết đời Tỳ-kheo.
Thí dụ như khi mình đi đường, chân vừa bước tới thì gặp con trùng nằm đó, chân sắp đạp xuống thì giở lên, dừng lại. Đó là vô tác giới thể ở trong đã ngăn lại. Còn cố ý đạp luôn là phạm giới. Ở đây, Ngài A-nan bị huyễn thuật khiến như người say, bị sai sử, chứ không phải Ngài cố ý hay cố tâm, mà đây chỉ là sắp phạm giới thôi, chớ chưa phạm.
CHÁNH VĂN:
Đức Như Lai biết A-nan bị dâm thuật kia gia hại, nên khi thọ trai xong liền về. Vua, đại thần, trưởng giả và cư sĩ đều theo Phật mong được nghe pháp yếu.
GIẢNG GIẢI:
Đức Phật lúc này đang ở trong cung Vua thọ trai, thì biết Ngài A-nan đang gặp nạn. Bởi vì với Phật thì không gian, thời gian không ngăn cách, tuy xa nhưng Ngài vẫn biết. Theo phép, thường thì khi thọ trai xong, Phật thuyết pháp cho thí chủ nghe. Tại sao không thuyết pháp trước khi thọ trai? Nếu thuyết pháp trước rồi thọ trai thì đó là nói pháp để được ăn. Chúng ta thấy Phật rất cẩn thận. Đó là điều cần phải học.
Nhưng hôm nay thì đặc biệt, thọ trai xong thì Phật liền về Tinh xá, mọi người thấy lạ không biết có chuyện gì nên cùng nhau kéo về Tinh xá để mong nghe Phật nói pháp ở đó. Đây mới nói có vua quan, cư sĩ đầy đủ.
CHÁNH VĂN:
Khi ấy, trên đảnh Đức Thế Tôn phóng hào quang vô úy trăm báu sáng rỡ, trong hào quang hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, có hóa thân Đức Phật ngồi kiết-già, tuyên nói thần chú bảo Ngài Văn-thù-sư-lợi đem thần chú đến cứu hộ A-nan, khiến cho ác chú tiêu diệt, rồi dẫn A-nan và Ma-đăng-già đến chỗ Phật.
GIẢNG GIẢI:
Phật về Tinh xá ngồi kiết-già, từ đảnh phóng hào quang. Đảnh tức là nhục kế là chỗ đảnh tướng vô kiến, là chỗ chúng sanh khó thấy được. Phóng hào quang hiện hoa sen báu ngàn cánh. Ở trên đó có vị hóa Phật tuyên nói thần chú rồi sai Bồ-tát Văn-thù đem thần chú đến cứu Ngài A-nan. Tức là từ chỗ chân thật, sâu kín khó thấy kia, là chỗ mật nhân bặt niệm kia đây mà hiện ra hóa thân Đức Phật để nói thần chú.
"Hóa Phật" tức là sanh mà vô sanh, cũng như nói mà chưa từng nói. Nói mà không có tâm nên nói mà như không nói. "Thần chú" là bặt suy nghĩ phân biệt. Bồ-tát Văn-thù là Căn bản trí. "Đem đến" tức là soi đến thì phá tan chú kia. Tức là từ tâm định, Phật phóng ánh sáng trí tuệ đến Ma-đăng-già và A-nan, phá tan mê mờ của hai người rồi dẫn cả hai về chỗ Phật. Cho thấy chúng sanh tuy mê nhưng vẫn không mất lẽ thực.
CHÁNH VĂN:
Ông A-nan thấy Phật, đảnh lễ rồi buồn thảm rơi lệ hối hận, từ vô thủy đến nay một bề học rộng nên chưa toàn đạo lực. Ông thiết tha thỉnh Phật dạy cho pháp Xa-ma-tha, Tam-ma, Thiền-na là phương tiện ban đầu của mười phương các Đức Như Lai chứng được đạo quả giác ngộ. Khi ấy có hằng sa Bồ-tát và đại A-la-hán, Bích-chi Phật từ mười phương đến thảy đều mong mỏi được nghe, tất cả lui về chỗ ngồi yên lặng chờ nghe lời Phật chỉ dạy.
GIẢNG GIẢI:
Ngài A-nan về đến gặp Phật, buồn khóc hối hận, thành tâm nhận lỗi, giận cho mình xưa giờ cứ lo nghe nhiều học rộng mà thiếu tu thiền định, trí tuệ cho nên phải bị nạn. Nói thiếu tức là cũng có tu nhưng chưa thực hành sâu, chưa đủ đạo lực mới khiến mắc nạn như thế này. Để nói lên Ngài tự giác được lỗi của mình.
Đây cũng là bài học nhắc cho tất cả mọi người sau, lấy gương đó để tự cảnh tỉnh cho mình. Pháp giải thoát thật sự thì không có ở trong chữ nghĩa. Đừng tự hài lòng trong đó. Như Ngài A-nan tuy đa văn, học rộng nghe nhiều nhưng thiếu tu sâu cũng bị mắc nạn. Giờ đây. Ngài mới thiết tha thỉnh Phật dạy cho pháp tu Xa-ma-tha, Tam-ma, Thiền-na.
Xa-ma-tha tức là pháp chỉ, pháp này dừng tâm tán loạn để vào tịch tĩnh vắng lặng. Tam-ma nói đủ là Tam-ma-bát-đề, dịch là Đẳng Chí, tức là bình đẳng tới tột nơi định mà tiêu các huyễn vọng, cũng gọi là Quán. Thiền-na dịch là Tĩnh lự tức là lấy cái tịch diệt làm nghĩa. Tịch diệt là do nơi lặng mà khởi lự, tĩnh mà lự. Lặng mà khởi lự là quán huệ, tư duy tu tập đến tịch diệt lặng lẽ là thành tựu định huệ đồng đẳng, không nghiêng lệch. Ba pháp này cũng có cạn có sâu, ở đây Ngài A-nan thưa thỉnh chỗ diệu Xa-ma-tha, có thêm chữ "diệu". Đây là phương tiện ban đầu của mười phương Như Lai chứng Vô thượng Bồ đề. Cho nên bây giờ mình tu thiền cũng đúng thôi. Từ đây, Phật mới triển khai ra để nói kinh Lăng Nghiêm.
Nói tóm tắt là Ngài A-nan cầu thỉnh Phật chỉ dạy cho pháp Chỉ, Quán và Thiền sâu xa mầu nhiệm để tu tiến cho đến giác ngộ viên mãn Phật đạo. Đó cũng là pháp tu chứng liễu nghĩa. Tu chứng mà phải tu chứng liễu nghĩa cho nên thêm chứ "diệu". Như vậy cũng nói lên Ngài A-nan có ý hồi tâm hướng về Đại thừa. Và ngay đây cũng có ý ngăn ngừa người chấp pháp. Quý vị biết cái ý chỗ nào không ?
Hòa thượng Tuyên Hóa khuyên người ta phải khéo học thuộc kinh Lăng Nghiêm, học thuộc tức là đọc kỹ để hiểu nghĩa, không phải học thuộc lòng để tụng. Học kỹ mình mới đọc kỹ từng chữ từng câu, mới thấm sâu được ý của Phật. Đọc lướt qua, lướt qua thì không thấy gì hết.
Đây cũng vậy. Nếu người đọc thường thường thì không thấy gì, đọc kỹ mới thấy. Tức là thưa thỉnh Phật dạy cho pháp Xa-ma-tha, Tam-ma,Thiền-na là "phương tiện" ban đầu của mười phương các Đức Như Lai chứng được đạo quả giác ngộ. Vậy chỗ nào là chỗ Ngài có ý ngăn ngừa chấp pháp cho người sau? Tuy là chỗ ban đầu của mười phương Như Lai tu để đạt đến Vô thượng Bồ-đề, nó nhiệm mầu nhưng cũng chỉ là phương tiện thôi, chưa phải cứu cánh. Vậy, đây là phương tiện chứ không phải chân thật Bồ-đề. Bồ-đề không ở trong đó mà Bồ-đề chính là ở trong tâm người. Ngăn ngừa người chấp pháp là chỗ đó. Đây là điểm quan trọng mà người học phải thấy được, không để lầm qua. Không khéo, mắc kẹt trong pháp, sanh ra hơn thua, cao thấp hay dở nữa. Biết đây là phương tiện, tu rồi xả, không dính trong đó hoài. Thí dụ như tu thành tựu được pháp Chỉ rồi, thấy hay quá, chấp nó hoài thì không tiến lên được. Hoặc là thành tựu pháp Quán, chứng trong pháp Quán, có được niềm vui trong đó rồi giữ nó hoài thì cũng không tiến thêm được nữa, cho nên phải xả. Vô thượng Bồ-đề chân thật không nằm ở trong pháp, phải nhớ kỹ điều đó.
Khi ấy trong cả chúng hội đều yên lặng chờ nghe lời Phật dạy. Tức là tất cả một lòng thanh tịnh hướng về Phật trông chờ đón nhận. Giây phút này nếu mình có mặt trong đó thì mình sẽ thấy sao? Rất trang trọng. Mỗi người đang lắng lòng, lặng lẽ để chờ xem Phật nói ra cái gì. Tất cả sẵn sàng đón nhận, thời tuyết nhân duyên đã khế hợp, nói ra mới có lợi ích lớn. Phật nói pháp là phải quán căn cơ như vậy đó. Cho nên có khi một thời pháp, hàng vạn người được tỏ ngộ. Như trong kinh Pháp Hoa, chỉ một thời pháp thôi hàng vạn người tỏ ngộ. Đó cũng để nhắc người nghe pháp phải lắng lòng, sẵn sàng đón nhận thì pháp mới rót vô tâm mình được. Trong nhà thiền gọi là "thốt trác đồng thời". Tức như gà mẹ ấp trứng, khi nghe tiếng kêu ở trong thì biết đúng thời, liền mổ vỏ cho gà con ra đời. Nói pháp cũng vậy, nói đúng thời thì được lợi ích lớn. Không đúng thời thì không ích gì nhiều.
Phần này là phần tựa riêng hay là phần phát khởi của kinh Thủ Lăng Nghiêm. Trong đây, nhân Ngài A-nan mắc nạn dâm nữ Ma-đăng-già, về thưa thỉnh Đức Phật chỉ dạy cho tu diệu Xa-ma-tha, Tam-ma, Thiền-na tức là Chỉ, Quán, Thiền nên Phật nói kinh này.
Đây cũng là điều thức tỉnh lớn lao cho người tu giải thoát chúng ta. Trong năm giới, sát sanh đứng đầu, nhưng trong giới Tỳ-kheo thì dâm đứng đầu. Dục là tai hại lớn nhất trong vòng luân hồi, mà dâm đứng đầu trong các dục. Trong giới, nếu Tỳ-kheo phạm dâm thì giống như cây đa-la bị chặt, như người bị đứt đầu không còn sống nữa. Người tu hạnh giải thoát mà không trừ được tâm dâm thì không mong ra khỏi luân hồi. Trong kinh Lăng Nghiêm phần sau có nói:" Dâm tâm không trừ, trần bất khả xuất". Nghĩa là tâm dâm không trừ sạch thì không thể ra khỏi trần lao.
Các bài mới
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Yếu chỉ của kinh, sự lưu truyền, người dịch - 26/02/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Lời tựa, Giải đề kinh - 25/02/2018
- Kinh Viên Giác ( Phần 8) - CHƯƠNG VII: BỒ-TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI THƯA HỎI - 13/07/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 7) - CHƯƠNG VI: BỒ-TÁT THANH TỊNH TUỆ THƯA HỎI - 17/05/2016
- Kinh Viên Giác (Phần 6) - Chương V : BỒ-TÁT DI-LẶC THƯA HỎI - 21/04/2016
Các bài đã đăng
- Kinh Viên Giác ( Phần 5) - CHƯƠNG IV: BỒ-TÁT KIM CANG TẠNG THƯA HỎI - 31/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 4) - CHƯƠNG III: BỒ-TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI - 18/03/2016
- Kinh Viên giác(Phần 3): CHƯƠNG II: BỒ-TÁT PHỔ HIỀN THƯA HỎI - 08/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 2): CHƯƠNG I: BỒ-TÁT VĂN-THÙ-SƯ-LỢI THƯA HỎI - 26/02/2016
- Kinh Viên Giác giảng giải - Phần 1 - 14/02/2016
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23685
- Online: 32