Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: TÓM TẮT Ý CHÍNH KINH LĂNG NGHIÊM

15/10/2018 | Lượt xem: 25157

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

1. Chúng Sanh Xoay Vần Trong Ba Cõi Dẫn Đầu Là Tâm Dâm 

Đây là điểm nhắc cho người tu hành giải thoát phải hết sức thận trọng, cần phải biết rõ ngăn ngừa và sáng suốt không để sẩy chân rồi hối hận ăn năn không kịp. Trong kinh Lăng Nghiêm, mở đầu lấy nhân duyên Ma-đăng-già khiến Ngài A-nan suýt mất giới thể. Đó là do tâm dâm dục của bà quá nặng, khi dâm dục khởi lên rồi thì không còn biết phải quấy, tốt xấu nữa. Ngài A-nan do còn trí sáng suốt, cảm ứng đến Phật, Phật mới sai Bồ-tát Văn-thù đem thần chú đến cứu. Cho thấy đây là việc không thể xem thường.

Phần sau của kinh trong bốn nghĩa quyết định, lời dạy quyết định thứ nhất của Phật là người tu hành giải thoát phải đoạn dứt tâm dâm, nên nói “Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất”. Tức là nếu tâm dâm chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi trần lao sanh tử. Như vậy, mở đầu là việc Ngài A Nan mắc nạn Ma-đăng-già, và trong bốn nghĩa quyết định Phật dạy nghĩa thứ nhất là phải đoạn dứt tâm dâm mới đến tâm sát, tâm trộm.

Trong mười tập nhân sanh tử thì dâm tập cũng đứng đầu. Cũng như trong giới Tỳ-kheo, giới dâm cũng đứng đầu. Phàm là người tu giải thoát biết nó quan trọng như thế nên phải hết sức thận trọng. Học kỹ rồi chúng ta thấy dựng tóc gáy, lạnh xương sống không? Đó không phải là chuyện đùa chơi, mà phải chín chắn nhận định cho rõ ràng để không phải sẩy chân, vì sẩy chân là khó cứu. Bởi vậy, người tu hành giải thoát phải dứt sạch gốc dâm, đó là căn bản. Nếu còn chủng tử dâm tức là còn đi trong sanh tử, bảo đảm! Dâm rất nguy hiểm. Đây là điểm thứ nhất cần phải nhận rõ.


2. Ngăn Ngừa Đa Văn Mà Thiếu Thật Tu 

Bởi vì phiền não không sợ người học hiểu nhiều, và đa văn không địch nổi với sanh tử, nên đừng quá nghiêng trọng chuyện đa văn. Nhớ kỹ điều đó!

Đây không phải bác bỏ mình học hiểu nhiều nhưng học hiểu là để tu, tức phải có thật tu. Còn tu mà không học hiểu là tu mù, thì cũng nguy hiểm. Nếu chúng ta không học kinh Lăng Nghiêm thì đâu hiểu được những tâm vi tế, những ma chướng v.v..., nên gặp liền vướng, chính nhờ có biết nên ngăn ngừa. Phải biết rõ sự học hiểu giúp chúng ta sáng tỏ được những lẽ thật để ứng dụng tu, nhưng ngăn ngừa lỗi đa văn mà thiếu thật tu. Bởi dù có bao nhiêu điều hiểu biết suông, khi gặp nạn lớn đem ra dùng cũng không kịp. Giống như Ngài A-nan lúc đó gặp nạn Ma-đăng-già đem ra dùng không được; gặp phiền não, gặp sanh tử cũng không dùng được, bởi vì chữ nghĩa không cứu chúng ta ra khỏi những cơn mê. Cho nên khi Ngài A-nan được cứu về, đến trước Phật tự than trách cho mình, mà cũng là để cảnh tỉnh cho những người sau chớ đạp theo dấu cũ của Ngài.

Trong kinh, Phật trách Ngài A-nan nghe nhiều mà thiếu thật tu nên chẳng thể thành Thánh quả. Khi đó, Ngài A-nan mới buồn tủi, khóc lóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng: “Con từ khi phát tâm xuất gia theo Phật, thường tự suy nghĩ là con không phải nhọc nhằn tu tập mà cho rằng Như Lai sẽ ban cho con chánh định. Nhưng con chẳng biết thân tâm vốn chẳng thay nhau, mất đi bản tâm của con, tuy thân xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, thí như chàng cùng tử bỏ cha trốn đi. Ngày nay mới biết tuy được nghe nhiều học rộng nếu chẳng tu tập thì cũng đồng như người chưa nghe không khác, giống như người nói ăn trọn cũng chẳng có no bụng”.

Ngài A-nan than trách cho mình ban đầu theo Phật xuất gia phát tâm nghĩ là Phật sẽ ban cho thiền định, nhưng giờ mới biết rõ thân tâm vốn không thể thay nhau, mỗi người phải tự lo. Cho nên Ngài nói rất cảm động: “Tuy thân xuất gia mà tâm chẳng vào đạo”. Mỗi người nghe rồi tự xét lại mình xem chúng ta có đạp theo dấu chân như thế không? Đó là điều muốn cảnh tỉnh cho tất cả. Bao nhiêu năm vào chùa, thân chúng ta đã xuất gia mà tâm có vào đạo chưa? Ở chùa bao nhiêu năm, chúng ta học hiểu được Phật pháp cũng tương đối kha khá nhưng có no bụng chưa? Đó là những điểm mỗi người hãy tự quán chiếu, tự xét lại để thấy được chỗ đứng của mình, mới có bước đi đúng đắn, vững vàng. Chính vì để đánh thức người học Phật về ý này mà Thiền tông nhấn mạnh “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” là vậy.

Thiền tông là không lập văn tự, truyền ngoài kinh giáo. Đó là muốn nhắm thẳng, chỉ thẳng vào tự tâm mỗi người, thấu qua văn tự để đạt được ý thật. Muốn đạt được ý thật đó là phải thật tu, không bị mắc kẹt trên chữ nghĩa văn tự. Bởi vậy, Lục Tổ thị hiện ra đời là một người không biết chữ mà lại kiến tánh, được truyền y bát. Đó là điều đặc biệt. Đọc sử Phật giáo hay là của nhà thiền thấy khó có được người thứ hai, nhưng tại sao Ngài được? Cho nên Ngài đúng là bậc Đại Bồ-tát thị hiện để cảnh tỉnh chúng sanh.

Nói thẳng ra thì Ngài là anh chàng tiều phu không biết chữ ở vùng quê xa xôi, nghe qua câu Kinh Kim Cang liền sáng tỏ. Đến đạo tràng Ngũ Tổ lãnh việc giã gạo, bửa củi ở sau đến tám tháng, Ngài không được nghe giảng kinh thuyết pháp (đọc trong sử liệu thấy ghi như vậy), vậy mà cuối cùng lại được truyền y bát làm Tổ, vậy đó đâu phải là chuyện trên chữ nghĩa.

Trong thời gian Lục Tổ ở ẩn nơi nhà người anh của bà ni Vô Tận Tạng, nghe bà tụng kinh Đại Bát Niết Bàn, Ngài mới hỏi rồi giảng nghĩa lý trong kinh cho bà hiểu. Bà ni mới thỉnh Ngài giảng kinh Niết Bàn cho nghe thêm. Ngài mới nói: “Tôi không biết chữ, cô cứ đọc đi rồi tôi sẽ giải nghĩa cho nghe”. Bà liền nói ngay: “Chữ còn không biết, nghĩa làm sao giải!”. Lục Tổ nói mạnh rằng: “Diệu lý của chư Phật chẳng phải ở nơi văn tự”. Tức lý sâu xa nhiệm mầu của chư Phật không phải ở nơi văn tự, không nằm nơi văn tự. Khi nghe Tổ nói như vậy, bà mới giật mình, đoán đây chắc là bậc phi thường. Nên sau đó, bà mới thông báo cho những người chung quanh đến nghe Ngài giảng, rồi tìm ngôi chùa gần đó để sửa lại cho Ngài ở. Nhưng sau đó, những người theo dõi tìm biết được tông tích của Ngài nên phóng hỏa đốt chùa, Ngài gặp nạn bèn chạy lên núi tránh.

Để nhắc chúng ta thấy rõ việc học hiểu nhiều, hay đa văn nhưng thiếu thật tu cũng không cứu mình được. Cái chân thật như đây nói là diệu lý của chư Phật không nằm nơi văn tự. Bởi vậy, người thiếu sự thật tu là thiếu điều căn bản lớn lao trong đời sống tu hành giải thoát của mình. Tu hành mà thiếu thật tu là một khoảng hở lớn. Đây nhắc chung cho tất cả phải nhớ, phải giữ gìn sự thật tu mới thật sự có được những kinh nghiệm căn bản trên đường giải thoát, để chúng ta có thể chống nổi sanh tử, giảm bớt phần nào phiền não. Nếu không, khi phiền não đến lấy gì để chống lại, rồi sanh tử đến phải làm sao?

Trong nhà thiền thường nói: “Đến đêm 30 tháng chạp (tức cuối cuộc đời), khi bốn đại sắp chia lìa thì các khổ bức bách, thử hỏi lúc đó bao nhiêu thứ hiểu biết lanh lợi ngày thường làm sao đem ra dùng?”. Không kịp nhớ chứ đừng nói là đem ra dùng! Trong khi hiện nay tức ngay thời điểm khi mà những thứ kia chưa đến, nếu chúng ta có sơ xuất, liền cố gắng hạ thủ công phu thì cũng còn kịp. Ngay đây nếu không hạ thủ công phu cho chín chắn thì lúc đến đó sẽ trách ai? Đó là điểm muốn nhắc thứ hai.


3. Gạn Cùng Cái Tâm Vọng Chỉ Thẳng Nguồn Chân 

Phật gạn hỏi Ngài A-nan qua bảy chỗ gạn hỏi tâm, Ngài A-nan cố trình bày thế nào đi nữa Phật cũng bác tất cả. Nói tâm ở trong cũng bị bác, nói tâm ở ngoài cũng bị bác, nói tâm ở giữa cũng bị bác, nói tâm ở trong con mắt cũng bị bác; cho đến nói tâm không chỗ dính mắc cũng bị bác. Vì sao vậy? Đó vì có chỗ để trình, mà còn có chỗ để trình tức là chưa phải thật. Tuy nói được giống giống nhưng mà chưa thật thấy; mà chưa thật thấy thì chỉ là suy tưởng, cũng còn nằm trong tình thức.

Phật gạn hỏi hết để không còn vướng vào những cái hư vọng hay là những vọng tưởng, sau rồi Phật mới chỉ ra cái thật. Ở đây, chúng ta suy nghiệm kỹ mới thấy một điều: “Đã là tâm mình thì tại sao lại phải khổ nhọc như vậy? Để cho Phật phải gạn hỏi tới lui nhiều lần nhọc nhằn!”. Đây là chỗ thân thiết mà ít người quan tâm, chỉ quan tâm đến những cái không đáng. Đã vậy còn phải chờ Phật khai thị, dù Ngài A-nan thỉnh Phật khai thị chỉ cho, nhưng Phật cũng chưa thể chỉ thẳng ngay đó được mà phải mượn cái này để chỉ cái kia. Gọi là mượn tánh thấy, mượn tánh nghe rồi gợi ý cho người tự ngộ trở về chớ Phật cũng không thể chỉ thẳng được. “Tâm của ông mà ông không ngộ thì làm sao chỉ được!”. Thành ra, Phật chỉ gợi ý để tự ngộ thôi.

Chúng ta thấy Phật dùng phương tiện để chỉ cái thật bằng cách giơ bàn tay xòe nắm và bảo Ngài La-hầu-la đánh chuông, đó là mượn tánh thấy, tánh nghe để gợi ý. Bởi vì mê cũng là từ sáu căn thấy-nghe-hay-biết này mà đi vào trong trần lao, rồi giác cũng từ sáu căn thấy-nghe-hay-biết này mà trở về, chứ không con đường nào khác.

Có đoạn mười phương chư Phật đồng phóng hào quang đến khai thị cho Ngài A-nan và đại chúng, khắp bảo: “Lành thay A-nan! Ông muốn biết câu sanh vô minh là đầu gút khiến ông mãi luân chuyển sanh tử đó chính là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác. Rồi ông muốn biết tánh Vô thượng Bồ-đề khiến ông mau chứng an lạc, giải thoát, tịch tịnh diệu thường cũng là sáu căn của ông chứ không phải vật gì khác”. Đó là để chứng minh cho thấy mười phương chư Phật đều đồng một con đường.

Câu sanh vô minh tức là vô minh căn bản, vô minh gốc, nó cùng sanh chung với chúng ta, chúng ta có là nó có theo. Như vậy nói đơn giản là, cái gốc khiến cho ông luân chuyển sanh tử, chính ngay sáu căn đây; cái gốc khiến ông chứng Vô thượng Bồ-đề được an lạc giải thoát cũng ngay sáu căn này chứ không đâu khác. Tức từ ngay sáu căn này mà đi vào sanh tử, rồi cũng từ sáu căn này mà trở về Niết-bàn. Mười phương chư Phật đồng xác nhận như vậy, mới thấy là nó quá gần mà cũng quá xa. Cái gốc là ở nơi mỗi người chứ không phải ở đâu khác, nhưng không tin thì lo chạy tìm mà không thấy nên thành xa.

Tuy nhiên, cần sáng tỏ hai thứ căn bản Phật muốn chỉ: “Một là căn bản sanh tử từ vô thủy tức là chính hiện nay ông và các chúng sanh dùng tâm phan duyên làm tự tánh. Thứ hai là thể Bồ-đề Niết-bàn nguyên thanh tịnh từ vô thủy tức là cái thức tinh nguyên minh của ông hiện nay nó hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót nó. Do chúng sanh bỏ sót cái tánh bản minh này nên tuy trọn ngày động dụng mà chẳng tự biết, uổng trôi vào các cõi”. Chúng ta phải thấu rõ hai thứ căn bản này là biết đường trở về.

“Ông và các chúng sanh đang dùng cái tâm phan duyên làm tự tánh đó là căn bản sanh tử từ vô thủy”. Dùng tâm phan duyên làm tự tánh tức là lấy tâm phan duyên đó làm chính mình, cho là mình thật. Tất cả người thế gian cũng đều như vậy, đều lấy tâm phan duyên làm tự tánh, làm tự ngã, cho đó là ta. Nhưng nó là tâm phan duyên, tức cái tâm bám vào duyên làm sự sống, không có duyên coi như chết, thành ra sống lệ thuộc theo duyên nên phải đi vào sanh tử là vậy.

“Thể Bồ-đề Niết-bàn thanh tịnh từ vô thủy tức là cái thức tinh nguyên minh nó hay sanh ra các duyên mà bị các duyên bỏ sót. Do chúng sanh bỏ sót cái bản minh này (sáng suốt sẵn có), nên phải chịu trôi vào các thú”. Nay chúng ta biết thì chuyển trở lại. Ngay khi nó sanh các duyên, theo các duyên mà chuyển lại là không bỏ sót chính nó, thì đó là con đường trở về thể Bồ-đề Niết-bàn thanh tịnh từ vô thủy. Nghĩa là nó biết tất cả, biết hết cái này đến cái kia, rồi đồng hóa nó với các thứ, các duyên mà quên đi chính nó, thành ra sống lệ thuộc theo duyên, là đi vào sanh tử.

Bây giờ nó cũng biết các duyên nhưng không đồng hóa nó với các duyên cho nên lúc nào cũng sáng tỏ. Đó là đường về ngay trước mắt, không đợi tìm chỗ nào khác. Mới thấy đường mê, đường giác ngay chỗ dùng hàng ngày thôi. Bởi vậy, trong phần tổng luận của Kinh Lăng Nghiêm Trực Chỉ, Ngài Hám Sơn có câu: “Việc hàng ngày của kẻ tầm thường, chính là chỗ để tâm của bậc Thượng triết”. Ngay việc hàng ngày của những kẻ tầm thường đó, lại chính là chỗ đi của bậc Thượng triết sáng suốt chứ không đâu khác.

Các Ngài khi ngộ đạo rồi thì cũng thấy nghe hiểu biết này, chúng ta cũng thấy nghe hiểu biết này, nhưng chúng ta thấy nghe hiểu biết mà chỉ nhớ theo các duyên, nhớ cái bị thấy, bị nghe, bị hiểu, bị biết mà quên mất chính nó, nên mê là chỗ đó. Còn các Ngài cũng thấy nghe, hiểu biết nhưng không quên mất chính nó, chỉ khác chỗ đó.

Bởi vậy, xét cho sâu, cho tột trở lại cái gốc ban đầu vốn chỉ là một tâm Như Lai Tạng sáng suốt nhiệm mầu tròn đủ, không có gì thêm bớt trong đó. Nhưng lỗi tại chỗ nào? Lỗi là ngay đó bất chợt quên đi cái minh mà vọng khởi soi sáng trở lại nó. Kinh nói rõ, nó vốn là “minh” mà lại “diệu” nữa, nên gọi “diệu minh”, tức nó vượt ngoài mọi thứ văn tự, chữ nghĩa. Nhưng người ta bất chợt lại quên nó, tưởng đâu nó không có “minh” cho nên mới đem cái “minh” để “minh” trở lại nó, biến nó thành ra cái đối tượng để “minh”, là thành cái thứ hai. Rõ ràng biến nó thành ra vọng, tức biến nó thành cái bóng thứ hai để soi sáng. Lầm là chỗ đó. Do đó liền chia ra có năng có sở, rồi lần lượt có thế giới, có chúng sanh, có thân tâm sai biệt hiện dẫy đầy, quên mất cả nguồn gốc chân thật xưa nay cũng từ một niệm bất giác ban đầu đó. Như vậy là ở trong chỗ thanh tịnh sẵn vậy mà chợt sanh sơn hà, đại địa đủ thứ lăng xăng, quên mất cả đường về.

Tuy vậy, dù là ở trong cảnh lăng xăng bao nhiêu thứ che tối cả mặt mày, nhưng xét cho tột lại cũng là cái vọng, tức không có thật thể. Nếu người khéo ngộ trở lại thì ngay “vọng” tức “chân” đâu phải có cái chân nào khác, không phải nhọc nhằn tạo tác thêm. Đó cũng chính là lời của Ngài A-nan khi sáng được lẽ thật này, Ngài mới trình trước Phật bài kệ, trong đó phần đầu của bài kệ là:

     Đấng Diệu Trạm Tổng Trì Bất Động,

     Thủ Lăng Nghiêm Vương đời ít có.

     Tiêu con ức kiếp tưởng điên đảo,

     Chẳng trải tăng-kỳ được Pháp thân.

Câu đầu tán thán Đức Phật là đấng Diệu trạm Tổng trì Bất động. Câu thứ hai tán thán pháp Thủ Lăng Nghiêm là vua, thật ít có ở trong đời. Nhờ đó Ngài trừ được những điên đảo vọng tưởng từ vô lượng ức kiếp, ngay đó nhận được Pháp thân mà không phải trải qua ba tăng-kỳ kiếp. Rất đơn giản và nhanh chóng.

Như vậy, nếu khéo xoay trở lại là ngay đây nhận ra được Pháp thân chân thật không sanh diệt, không phải nhọc nhằn tìm trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp, vì nó có sẵn. Tức là ngay đó đã vượt qua vô số kiếp lầm mê che mờ. Tuy nhiên, đã nhận được nơi mình đầy đủ Pháp thân chân thật, không phải tạo tác gì thêm nữa, nhưng vì những tập khí vọng tưởng phiền não chưa hết ngay, cho nên phải tu tập tiếp để gạn lọc những vọng tưởng hư dối và tập khí lầm mê đó. Gạn hết những cái đó tức là sống trọn vẹn trong Pháp thân, vậy thôi, chứ đâu phải có thêm cái gì khác nữa. Đây là điểm chúng ta cần phải nắm vững.


4. Tất Cả Đồng Về Một Tâm

Tuy nói là chân là vọng nhưng nó cũng đồng là một tâm chứ không riêng có. Bởi mê cái tâm Như Lai Tạng nên nó vọng sanh tất cả sai biệt làm che mờ chính mình. Nhưng đó cũng chỉ là vọng sanh, tức không có thật thể nên rốt ráo nó cũng chỉ là một tâm chân như.

Khi giác được vọng vốn không, thì nó nguyên là một thể chân chứ không có cái chân nào riêng ngoài cái vọng để được. Không có một cái vọng riêng ngoài cái chân, ngược lại cũng không có một cái chân nào riêng ngoài cái vọng, tức là không có hai cái thể riêng. Chỗ này là chỗ rất vi tế nên cần phải thấu đáo chỗ này, nếu không sự tu hành dễ mắc kẹt vào chứng đắc, thấy ngoài cái vọng có cái chân để mình chứng; hoặc là ngoài cái chân có cái vọng rồi cứ lo trừ.

Nếu thấy thật có cái vọng ngoài cái chân thì bảo đảm không bao giờ trừ hết được, bởi nó là thật. Rồi ngoài cái chân mà riêng có cái vọng, lại tìm cách trừ bỏ thì cuối cùng bỏ đi đâu? Còn có chỗ bỏ thì chính chỗ đó còn sanh trở lại, vì nó còn có chỗ mà! Còn khi ngộ vọng tức chân rồi thì không còn dấu vết để sanh trở lại. Mới rõ suốt là ngoài tâm không riêng có một pháp thật, cũng chỉ là một tâm Như Lai Tạng thôi.

Nếu rõ suốt ngoài tâm không có một pháp thật thì còn có chỗ nào để sanh tâm? Tâm duyên vào cái gì để mà sanh? Sở dĩ tâm sanh là vì thấy có pháp thật, tức là có chỗ để cho nó duyên nên nó mới sanh. Còn không có một pháp thật nào ngoài tâm hết thì còn gì để sanh? Không còn gì để sanh tức là vô sanh rồi. Là tâm vô sanh. Tâm không sanh thì pháp nhân đâu mà lập được? Ngay đó tâm pháp đều vắng bặt, thì còn gì để mà hý luận kia đây. Cho nên đến chỗ rốt ráo là bặt hý luận, còn hý luận này kia là còn dấu vết chưa xong.

Trong phần sau của kinh, Đức Phật có kết lại và dạy: “A-nan, xét rõ bảy loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên và Trời cho đến A-tu-la như thế đều là những tướng hữu vi tối tăm giả dối vọng tưởng thọ sanh, rồi giả dối vọng tưởng theo nghiệp. Đối với cái diệu viên minh bản lai không năng tác, sở tác đó, thì những cái kia đều là hoa đốm giữa hư không, vốn không dính dáng, chỉ một cái hư vọng, chứ không có cội gốc manh mối gì”. Tức là cả bảy loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, thần tiên, Trời cho đến A-tu-la đều là những tướng hư dối, là vọng tưởng thọ sanh theo nghiệp. Đối với cái chân thật diệu viên minh này thì nó giống như hoa đốm giữa hư không không dính dáng, rốt ráo chỉ là cái hư vọng không có cội gốc manh mối. Thấy suốt được vậy là mới thấu tột được cái vọng.

Cũng như bài kệ của Bồ-tát Văn-thù nói rằng:

       Hư không sanh trong biển đại giác,

       Như hòn bọt nổi trên biển cả.

       Các cõi hữu lậu như vi trần

       Đều nương hư không mà phát sanh.

       Bọt nổi diệt hư không vốn không,

       Huống nữa là hình tướng ba cõi.

Đây nói hư không sanh trong biển đại giác thì cũng giống như hòn bọt nổi trên biển cả vậy thôi. Rồi bao nhiêu cõi hữu lậu tức là thế giới như vi trần đều nương hư không mà sanh. Như vậy, nếu hòn bọt đó diệt rồi thì hư không vốn cũng không, hư không còn không huống nữa bao nhiêu thứ kia, bao nhiêu thế giới có dính dáng gì? Nếu thấu được như vậy rồi thì còn chỗ nào để sanh đến! Không còn chỗ nào sanh đến tức ngay đây Niết-bàn thôi. Ý nghĩa rất là rõ ràng. Cho nên trong kinh có câu: “Một người trở về nguồn chân thì mười phương hư không thảy đều tiêu mất”. Đó là điểm chúng ta cần phải thấy.

5. Lý Sự Viên Dung

Chúng ta cần phải thấy được ý nghĩa lý sự viên dung chứ không phải chỉ nói một bên lý. Tuy về nguồn vốn là không hai, chỉ một tâm chân như hay tâm Như Lai Tạng không gì khác, nhưng mà phương tiện lại có nhiều lối. Quan trọng là lối nào thích hợp với căn cơ của mình là tốt, không nên khen chê hơn kém mà thành có ngại. Đừng nói căn này là nhất, căn kia không phải nhất. Nhất là nhất với người này nên cho là nhất nhưng lại không hợp với người kia, người kia tu pháp kia hợp nên cho pháp đó là nhất với người kia. Bồ-tát Văn-thù nói giáo thể cõi này là từ nghe mà được, nên Ngài chọn nhĩ căn viên thông cho người cõi này, đó cũng là phương tiện chung. Nhưng trong cái chung đó cũng có cái riêng tức cũng còn tùy căn cơ sai biệt.

Nếu căn cơ thích hợp với nhãn căn thì tu nhãn căn cũng tốt, không bắt buộc phải cứng ngắt theo một căn nào. Sở dĩ căn cơ có sai biệt, là do tâm huân tập không đồng. Tâm mỗi người huân tập mỗi nghiệp khác, nên căn cơ khác là khác chỗ đó. Nếu tâm huân tập giống nhau thì căn cơ cũng giống nhau. Do chỗ tâm huân tập sai khác, từ đó có chậm có mau mới có người đốn người tiệm hoặc là đi vào đường tẽ. Đường tẽ tức là cõi tiên, cõi trời hoặc đi vào ma đạo. Đó là do sự huân tập sai khác.

Nhưng xét lại cái sai khác tức cái không đồng đó nó cũng không có thật thể, tức là không có thật ngã, cũng là cái vọng sanh. Như vậy rốt ráo cũng chỉ là một tâm. Khi thấy được chỗ này thì không kẹt nơi sai biệt để thành ngưng trệ, vì gốc cũng chỉ từ nhất tâm. Nhờ vậy không mắc kẹt nơi thứ lớp, tâm không bị trệ ngại, do đó gọi là viên dung mà chẳng ngại hành bố (tiệm thứ). Tức là viên dung mà không ngại thứ lớp, cũng như thứ lớp thông suốt không ngăn ngại với viên dung, rốt ráo là trở về vô sở đắc. Cho nên còn thấy có được là còn lớp vọng, nhớ kỹ!

Trong đây, cốt yếu ban đầu là cần nhận ra Căn bản trí để dẫn đường, đó là quan trọng. Do có Căn bản trí dẫn đường, thì trước sau thông suốt không có hai. Căn bản trí là trí chân thật, trí vô phân biệt, trí không hai. Có trí đó dẫn đường dù đi trong sai biệt nhưng không quên mất cái này nên không mắc kẹt nơi sai biệt. Mà Căn bản trí cũng ngay nơi tự tâm chớ không ngoài tâm mà riêng có. Vậy cần ngộ nơi nhất tâm là yếu chỉ hơn hết, còn những cái tâm nhiều thứ này là cái bóng, thuộc hư vọng, không quan trọng.

Đến đây, chúng ta thấy Thiền và Giáo gặp nhau, nói Thiền nói Giáo cũng chỗ đó thôi. Giáo cũng đâu ngại Thiền mà Thiền cũng đâu ngại Giáo. Vậy đâu còn gì phải khen chê đây kia. Cho nên thấu suốt như vậy thì không ngăn ngại. Còn người không thấu suốt liền chê Giáo, hoặc Giáo chê Thiền liền thành ra ngăn ngại, mà ngăn ngại là tự mình ngăn ngại, còn lẽ thật này đâu ngăn ngại ai. Đọc sách thiền, Ngài Huyền Sa - Sư Bị nhân xem kinh Lăng Nghiêm phát minh được tâm địa, rồi Ngài truyền thiền cũng đâu có gì trở ngại, mà lại càng làm sáng tỏ thêm. Đó là cái ý để tất cả thấy được nghĩa vì sao phải có lý sự viên dung, không thể nghiêng một bên.


6. Trừ Ấm Ma Để Suốt Thẳng Vô Thượng Đạo, Không Kẹt Dừng Ngay Nửa Đường Hoặc Đi Vào Đường Tẻ

Bởi chữ ấm tức là che mờ. Chưa qua khỏi năm ấm tức là còn bị che là giác ngộ chưa được viên mãn. Sở dĩ có ma chướng sanh cũng do tâm mong cầu, khởi chấp rồi động niệm tà, hoặc tự cho là đủ, cũng từ tâm sanh thành có chướng. Ở đây cần biết rõ nó để không lầm, không chấp, và cốt yếu là có Căn bản trí luôn sáng soi giúp chúng ta được an tâm. Có Căn bản trí là lúc nào nó cũng soi sáng, không lầm đi vào trong các đường tẽ. Như vậy, mới thấy Thiền tông nêu cao kiến tánh là có ý chỉ sâu xa, nhấn mạnh cho người phải kiến tánh, kiến tánh khởi tu mới có ánh sáng soi đường.

Tuy nhiên, khi học chúng ta nghe nói có nhiều thứ ấm ma, có người nghe sợ hết dám tu. Nhưng cũng đừng nghe nói vậy mà sợ thành chướng. Bởi vì ma cũng là vọng, do không biết nên mới lầm chấp thành chướng. Quan trọng là biết mà không chấp thì đâu có gì để ngăn ngại. Cho nên, chúng ta phải học cho kỹ, nhận biết rõ ràng để không nhận lầm. Biết thì không lầm.

Hòa thượng Tuyên Hóa nói: “Khi những hiện tượng âm xuất hiện thì quý vị nên giữ tâm yên tĩnh như thể những hiện tượng ấy không có tồn tại vậy”. Hiện tượng âm hiện thì hiện nhưng chúng ta phải giữ tâm mình yên tĩnh, không bị xao động giống như nó không có. Lỗi là do chúng ta quan trọng nó, quan tâm đến rồi theo nó mới là bị mê. Còn đây Ngài nói như thể những hiện tượng ấy không tồn tại, tức thấy như không thấy, nghe như không nghe, ngửi mà không biết mùi vị của nó, vậy nó đâu làm gì được.

Nếu quý vị không tự ràng buộc mình vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì ấm ma chẳng làm gì được quý vị. Nếu quý vị không tham, sân, si thì quý vị sẽ hàng phục được ấm ma”. Những cái đó cũng do phiền não tham, sân, si khởi thôi.

Còn nếu quý vị không mắc phải những sai lầm như tự tư, tự lợi, mong cầu, tham luyến, tranh giành v.v... thì chẳng có ma nào hại được quý vị cả.” Sở dĩ có ma là do tâm mong cầu, tham luyến rồi tự tư, tự lợi, ích kỷ v.v..., những cái đó làm che mờ. Chính vì đó cho nên thấy mình được, hoặc là chưa gì muốn cho mau hoặc là ham thế này thế kia v.v... Như ham sống lâu đó cũng là cái tự tư, ích kỷ, muốn cho mình sống lâu, sung sướng, nói chung vì mình có tâm ma nên ma mới có cơ hội. Khi chúng ta đã biết rõ thì không lầm mắc vào những tâm ma này nữa, giữ vững một tâm yên tĩnh sáng suốt tiến lên không dừng đâu cả, là không có ma nào hại được.

Chúng ta sống trong sanh tử luân hồi lâu xa rồi, cần phải nhớ quán cho kỹ chỗ này. Từ khi một niệm bất giác đi vào trong cuộc luân hồi cho đến hôm nay nhìn lại, xem như đến đây là đủ rồi, quá đủ rồi! Từ lúc đi vào trong cuộc luân hồi, rồi lăn lộn xoay vần như vậy cho đến hôm nay là đối với trong sáu đường luân hồi chúng ta đã đi đủ hết, không thiếu đường nào, từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời, người, A-tu-la qua tất cả. Kiểm lại nội tâm mình là biết ngay, những chủng tử đó vẫn còn.

Cho nên, chúng ta thấy có khi tâm rất thanh cao giống như ở cõi trời, có lúc như A-tu-la, chạm vào là nổ liền. Cũng có lúc rất tối tăm giống như thú vật, hoặc là có lúc rất đau khổ như cõi địa ngục, đủ hết những thứ chủng tử trong đó. Chúng ta quán kỹ rồi thấy là quá đủ, chỉ còn cách là đi ra không phải tiếc nuối. Thấy được vậy là một đường thẳng tiến tu, không còn phải tham luyến gì nữa. Thử nghĩ, sống mà sống trong cái hư vọng này hoài có gì vui sướng để mà bám! Chỉ là mê thôi! Còn hiểu rõ rồi thì không thấy có gì vui sướng để bám trong đó, nó là cái vọng mà!

Đường về lại ở ngay trước mắt mà không chịu về là sao? Tức ngay chỗ sáu căn thấy-nghe-hay-biết, ngay hiện tiền đây thôi! Không phải tìm đâu khác nên đâu phải chờ gì nữa. Trong khi mỗi người có đủ cái gốc chân thật, tức là Pháp thân hay tâm Như Lai Tạng mà không chịu nhận, rồi lại nhận những cái hư vọng này để rồi chịu khổ nhọc lang thang không có điểm tựa. Vậy có gọi là người sáng suốt không? Chúng ta phải quán chiếu như thế. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh lớn lao cho tất cả để mau thức tỉnh quay trở về!”.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đoạn vào đầu Phật bảo Ngài A-nan rằng: “Các ông phải biết, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử tiếp nối đều do chẳng biết chân tâm thường trụ, tánh thể trong sạch sáng suốt, lại nhận các vọng tưởng, mà các tưởng này không phải chân thật cho nên bị lưu chuyển”.

Phần vào đầu, Đức Phật đã khai thị cho Ngài A-nan và đại chúng rõ điều này, chân tâm thường trụ, tánh thể trong sạch sáng suốt lại không biết, rồi nhận các thứ vọng tưởng, bị các thứ vọng tưởng chi phối cho nên phải chịu lưu chuyển, vì nó là vọng. Còn nhận trở lại chân tâm thường trụ sáng suốt đó là đường về, là Niết-bàn, là ngược dòng lưu chuyển. Đó là điểm mà tất cả cần phải thấu suốt, không thể lờ mờ.

Để thấy rằng, dù cho ai đó là Trời, là người, là A-tu-la, là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh gì đi nữa cũng đều nên phát tâm Bồ-đề để sống trở về với chân tâm thường trụ nhiệm mầu sáng suốt này chớ có theo cái hư vọng nữa! Quan trọng là cần phát tâm Bồ-đề để trở về. Đó là điểm muốn nhắc, muốn khơi dậy cho tất cả thức tỉnh trở về.

Cuối cùng khi học xong kinh Thủ Lăng Nghiêm này, đồng nguyện nhất tâm đem công đức này hồi hướng chia đều cho tất cả chúng sanh trong pháp giới dù cõi hữu hình hay vô hình, đều được lợi ích an lạc để thức tỉnh quay về cái gốc chân thật, bởi vì ai ai cũng đều có cái gốc chân thật. Đây có bài kệ nhắn gởi cho tất cả:

       Này hỡi ai ai sống khắp nơi!

       Nhiều kiếp trầm luân đã đủ rồi!

       Nay hãy quay về trong bản giác,

       Sáng ngời muôn thuở suốt ba thời.

       Suốt ba thời,

       Đấy chính Như Lai thật bản hoài!

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88909
  • Online: 55