Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Yếu chỉ của kinh, sự lưu truyền, người dịch

26/02/2018 | Lượt xem: 6236

Tác giả: Thích Thông Phương

Dịch giả: Thích Phước Hảo

YẾU CHỈ CỦA KINH

Kinh này chỉ Chân Tâm Thường Trụ, hay Bản Hữu Diệu Minh Chân Tâm. Tức là Chân tâm sáng suốt nhiệm mầu sẵn có của mỗi chúng sanh, nói gọn là Chân tâm thường trụ. Cũng như hiển bày cái tánh thể thanh tịnh sáng suốt ngay nơi thân chúng sanh mà chúng sanh tự mê, không biết. Kinh này Đức Phật chỉ ra cho chúng sanh tỉnh ngộ trở lại cái lẽ thật đó.

Nghĩa là tất cả chúng sanh vốn ở trong tánh thể thanh tịnh sáng suốt hay chân tâm sẵn có mà chợt khởi lên niệm bất giác, chiếu soi trở lại nó, thành ra đem tự tâm mình kiếm tự tâm, khiến cho phi huyễn thành pháp huyễn; biến cái chân thật sáng suốt thành đối tượng để cho mình chiếu soi. Nhân đó có tâm có cảnh hiện tiền, lần lượt sanh ra các thứ sai biệt; từ đó thế giới, chúng sanh tiếp nối xoay vần mãi mãi cho đến không biết đâu là ngằn mé, không biết đâu là cuối cùng thành ra quên mất cả đường về.

Bây giờ để trở về, Phật dậy cần lựa ra hai thứ căn bản. Hai thứ căn bản là gì?

Thứ nhất là căn bản sanh tử từ vô thủy. Tức là tất cả chúng sanh đang sống trong chân thật mà không nhận, lại biến ra cái bóng để nhận. Đây gọi là vọng nhận cái tâm phan duyên làm tự tánh, tức là lấy cái tâm duyên theo những bóng dáng bên ngoài làm tự tánh. Do lấy tâm phan duyên làm tự tánh, không có nó coi như mất mình. Cho nên lúc nào tâm cũng phải tìm cái gì để duyên, để nghĩ. Mất chỗ duyên coi như mất mình. Hầu hết chúng sanh sống theo cái tâm đó, lấy cái tâm đó làm tự tánh. Đó là căn bản sanh tử luân hồi từ vô thủy đến bây giờ.

Thứ hai là Thể Bồ-đề Niết-bàn thanh tịnh sẵn có từ vô thủy. Tức là chúng ta hiện nay, cái thức tinh nguyên minh, là cái thức nguyên vẹn, ròng rặc sẵn sáng ngời đó, hay nói rõ hơn là cái thức thể, lại sanh ra các duyên rồi bị các duyên bỏ sót nó. Do vì chúng ta bỏ sót cái sáng suốt sẵn có này cho nên tuy trọn ngày tu hành mà chẳng tự giác được, để cho uổng trôi vào các thú. Bây giờ phải lựa ra hai thứ căn bản này để không lầm mê nữa. Đó là trở về.

Nếu nhận tâm phan duyên làm chính mình, làm tự tánh rồi theo duyên mà quên mất cái thật thể sáng suốt ở nơi mình, đó là tự quay lưng với chính mình, là "bối giác hợp trần". Đa số sống thấy sắc thì chỉ nhớ có sắc, nghe tiếng thì nhớ có tiếng, quên mất cái thật nơi chính mình, chỉ nhận cái tâm đó làm tự tánh, làm chính mình. Do đó mà Phật thương xót, mới ra đời dùng nhiều phương tiện đánh thức chúng sanh cho nhớ trở về, không để trôi lăn theo đó nữa.

Trong đây chẳng những một Đức Phật Thích Ca mà mười phương Chư Phật đồng chỉ rõ sáu căn là cội gốc sanh tử luân hồi, cũng chính sáu căn là gốc giải thoát Niết-bàn. Nắm vững chỗ này là thấy được đường về, và chỗ tu hành của mình rất sáng tỏ. Tu nói cho nhiều mà cũng ngay nơi sáu căn này thôi. Ngay sáu căn này đi ra là gốc sanh tử luân hồi, cũng ngay sáu căn  này trở về là gốc giải thoát Niết-bàn. Như vậy thì đường về ngay nơi sáu căn đây thôi, không phải tìm đâu xa, đó là chỉ ra đường về rồi.

Chỗ này rất hợp với nhà thiền. Trong nhà Thiền các thiền sư thường khai thị cho người học ngay ánh sáng biểu hiện nơi cửa sáu căn này. Các Ngài dùng nhiều phương tiện, có những phương tiện rất táo bạo, nhưng cũng nương vào sáu căn này thôi. Nhất là  hai cửa "mắt và tai", các Ngài dùng nhiều nhất. "Giơ cây phất tử" lên là nhắm ngay chỗ đó,"gọi dạ" cũng nhắm ngay chỗ sáu căn đó. Thấy được chỗ này rồi thì sẽ thấy được yếu chỉ tu hành.

Như vậy chỗ tu hành của mình luôn luôn liên tục hằng ngày ở nơi trong mọi hoạt động, không lúc nào thiếu. Bởi vì mỗi việc làm, mỗi hành động của mình đều nằm trong sáu căn này thôi. Mắt thấy, tai nghe, đủ hết. Nhưng vì mình không nắm được yếu chỉ nên cứ lo tìm ở đâu xa xôi.

Học kỹ kinh Lăng Nghiêm rồi sẽ thấy rõ và tin chắc đường về của mình. Phần sau khi học đến chỗ "Hai mươi lăm vị Thánh trình bầy chỗ tu chứng viên thông của các vị" thì cũng không ngoài sáu căn. Tức nói rộng thì sáu căn, sáu trần, sáu thức, thêm các đại cũng nằm trong đây. Các Ngài, có vị thì từ nơi căn mắt mà chứng viên thông; có vị từ nơi căn tai; có vị từ nơi căn mũi; có vị từ nơi thanh trần chứng viên thông v.v…Nói tóm lại thì không ngoài sáu căn.

Cuối cùng, Phật chỉ ra các ấm ma khiến cho người tu hành phân biệt rõ, không rơi vào đường tà để thẳng tiến đến Phật đạo viên mãn. Như vậy hiểu qua, nắm vững yếu chỉ tu hành này rồi, vào kinh Lăng Nghiêm học kỹ thì sẽ  càng sáng tỏ cái lẽ thật, cũng như thấy được đường về rõ ràng không nghi.

Kinh Lăng Nghiêm hiển phát cái Chân Tâm Thường Trụ hay là cái Bản Hữu Diệu Minh Chân Tâm. Như vậy Kinh này thuộc về thật pháp. Trong Kinh Phật có quyền, có thật. Quyền là phương tiện, phương tiện là chưa chỉ thẳng. Ở đây chỉ thẳng lẽ thật, là thật pháp. Đồng thời cũng chỉ ra phương tiện tu hành nhưng rốt ráo là tu chứng liễu nghĩa, tức là tu chứng đến chỗ rốt ráo, viên mãn Phật đạo. Mỗi người cần đọc kỹ để duyên lành hiển phát. Khi duyên lành hiển phát, khéo minh được tâm địa, sáng tỏ được đường tu thì tiến sâu trên đường Chánh giác. Học kinh Lăng Nghiêm như vậy mới không mất phần lợi ích lớn. Đó là yếu chỉ trong kinh Lăng Nghiêm

 

KINH LĂNG NGHIÊM VÀ SỰ LƯU TRUYỀN

Kinh Lăng Nghiêm này xưa kia ở Ấn Độ được xem là quốc bảo, Vua cấm không được  đem ra khỏi nước chứ không phải thường. Bây giờ cần thì xin phép in thôi, dễ quá. Thành ra nhiều khi có vị thấy kinh Lăng Nghiêm sẵn đó mà cũng không muốn đọc. Có khi đọc thì cũng đọc qua loa thôi, không trân trọng lắm. Ở bên Trung Hoa Ngài Đại sư Trí Giả(hay Trí Khải), sống ở đời Tùy, lúc đó kinh này chưa được truyền đến. Một hôm, Ngài nghe có vị tăng ở Ấn Độ mách cho biết là ở Ấn Độ có bộ kinh Lăng Nghiêm, nghĩa lý rất sâu xa, nói về những công đức của sáu căn rõ ràng rất hợp với kinh Pháp Hoa mà Ngài thường chuyên trì. Đại sư Trí Khải hết lòng khao khát, Ngài mong cầu sao cho kinh này sớm được truyền sang. Ngài lập cái đài cầu kinh phía bên trái của chùa Thiên Thai, ở Nam Nhạc, nơi Ngài ở. Mỗi ngày sáng chiều hai thời, Ngài hướng về phương tây thành kính lễ bái, nguyện cầu cho kinh Lăng Nghiêm sớm được truyền đến Trung Hoa. Mới thấy tinh thần cầu kinh của người xưa như vậy đó. Cầu liên tục 16 năm. Đến khi Ngài Trí Giả tịch, kinh này cũng chưa được truyền đến, vẫn chưa được thấy kinh này. Phải đợi đến cả trăm năm sau, niên hiệu Thần Long, đời Đường Trung Tông tức khoảng năm 705, Ngài Bát-thích-mật-đế mới lén đem qua được.Mới thấy ngày xưa kinh điển quý như vậy đó. Đọc truyện Ngài Huyền Trang, vì cầu kinh mà phải từ bên Trung Hoa, chịu bao nhiêu nhọc nhằn gian khổ đi qua tới Ấn Độ để cầu được kinh đem về Trung Hoa dịch, nhưng chỉ một số thôi chứ không nhiều như tạng kinh bây giờ.

Kinh Lăng Nghiêm được đem đến Trung Quốc phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ. Tương truyền là Ngài Bát-thích-mật-đế ( có chỗ dịch là Bát-lạt-mật-đế) hai lần đầu đem kinh đi nhưng khi đến biên giới thì bị các quan nơi biên giới tra xét, giữ lại hết vì có lệnh vua cấm không cho đem kinh Lăng Nghiêm ra khỏi nước.Lần thứ ba, Ngài nghĩ ra cách dùng lụa mỏng chép chữ thật nhỏ vào lụa, cuốn lại rồi xẻ thịt nơi bắp vế nhét vào, may lại. Đợi vết thương kéo liền da, Ngài mới mang đi. Lần này qua lọt, vì không phát hiện được. Sau khi phát hiện kinh này qua lọt rồi, ông quan đó bị phạt. Qua được biên giới, đến Quảng Châu, Ngài gặp ông Phòng Dung. Phòng Dung vốn là một ông quan ở triều đình, bị tội mới chuyển ra làm quan ở đây. Khi gặp được kinh Lăng Nghiêm, ông hết sức vui mừng mời thêm Ngài Di-già-thích-ca cùng cộng tác để dịch tại chùa Chế Chỉ. Nhưng vì kinh viết trong lụa, nhét trong thịt, máu mủ đóng cứng lại, không thể đọc được. Duyên may, bà vợ của ông Phòng Dung biết cách dùng thuốc nấu cho tan máu mủ ra chỉ còn các nét chữ.

Lúc đó Ngài Bát-thích-mật-đế dịch tiếng Phạn, Ngài Di-già-thích-ca người nước Ô Trành dịch ngữ. Sa-môn Hoài Địch ở chùa Nam Lâu, núi La Phù chứng nghĩa, ông Phòng Dung nhuận bút. Khi dịch kinh xong, dâng lên triều đình. Lúc đó cũng chưa được Vua Trung Tôn cho lưu bố ra ngoài, chỉ để ở trong triều đình thôi. Đến khi Ngài Thần Tú vào triều xem thấy, Ngài mới sao chép và truyền rộng ra ngoài.

Cho thấy, kinh Lăng Nghiêm được truyền đến Trung Hoa và đến người đọc phải qua bao nhiêu giai đoạn như vậy. Về nghĩa thì nó rất sâu xa, lý luận cũng sắc bén, văn từ lại sáng sủa , vì được ông Phòng Dung giỏi văn chương nhuận bút cho nên kinh này được rất nhiều người nghiên cứu, thích đọc. Ngày xưa những nhà Nho cũng thích đọc. Hòa thượng Tuyên Hóa khuyên ai học chữ Hán cũng phải đọc kinh này vì văn từ rất hay, rất chuẩn. Có nhiều người nhân đọc Kinh Lăng Nghiêm mà được sáng tỏ tâm tánh. Ngài Huyền Sa Sư Bị cũng nhân xem kinh mà phát minh tâm địa, sau đó Ngài ứng đối lanh lẹ, nói ra điều gì cũng khế hợp với kinh điển. Ngài Trường Thủy - Từ Tuyền theo pháp sư Hồng Mãn nghe giảng kinh Lăng Nghiêm, đến phần nói về Bồ tát quan thế âm phản văn văn tự tánh, tới đoạn"động tịnh hai tưỡng rõ ràng chẳng sanh thì Ngài có tỉnh đến thưa với Pháp sư Hồng Mẫn:"Gõ hư không , đánh vào gỗ vẫn còn rơi vào nơm bẫy, trừ bỏ hai đường này mới hợp với ý chỉ này". Pháp sư ấn chứng cho Ngài.

Còn Thiền sư Ngộ An ở chùa Thùy Lộc xem kinh Lăng Nghiêm này đến đoạn "tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn". Nghĩa là thấy biết mà lập thấy biết tức là gốc vô minh, còn thấy biết mà không lập thấy biết đây tức là Niết-bàn. Đọc tới đoạn này thì Ngài có cảm nên Ngài mới phết trở lại. Tức là "tri kiến lập tri, tức vô minh bổn" thì Ngài phết trở lại là "tri kiến lập, tri tức vô minh bổn". Tức khi cái thấy biết đã lập rồi thì cái thấy biết ấy là gốc vô minh. Đúng là cũng có lý, có nghĩa. Rồi Ngài đọc lại, Ngài tỉnh ngộ nên người thường gọi Ngài là An Lăng Nghiêm. Còn Thủ tọa Pháp Thường ở chùa Báo Ân cũng với kinh Lăng Nghiêm này mà được thể nhập sâu vào nghĩa hải. Ở Trung Hoa, nhiều vị đã nhân kinh Lăng Nghiêm được tỏ ngộ, được thức tỉnh.

Ở Việt Nam, Thiền sư Pháp Loa là Nhị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm cũng nhân đọc kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn "bảy chỗ hỏi tâm" và chỗ nói về "khách trần" thì Ngài xem đi xem lại nhiều lần bỗng có chỗ vào. Sau này, Thiền sư Tánh Tỉnh ở chùa Nguyệt Quang, Hải Phòng cũng chuyên trì Kinh Lăng Nghiêm mà thấy tánh, sáng được tâm. Hòa thượng tôn sư của chúng ta cũng hồi xưa đọc kinh Lăng Nghiêm mà có cảm rơi nước mắt. Bộ Kinh Lăng Nghiêm này có duyên rất lớn với chúng sanh cõi này. Cho nên, Hòa thượng Hư Vân rất tán thán kinh này. Ngài khuyên mọi người thường nên tụng đọc. Ngài bảo rằng:"Hiện nay là thời mạt pháp thì làm sao tìm cầu thiện tri thức? Chỉ cần học thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm thì tu hành mới có phần tương ưng, tiêu diệt những tà duyên, khiến cho thân tâm nhập Phật tri kiến. Từ sự thành tựu này khiến không đi lạc đường. Toàn bộ kinh từ đầu đến cuối, quan trọng nhất la ở một chữ "dâm".

Kinh nói:" Nơi các thế giới nếu chúng sanh trong sáu đường tâm chẳng khởi dâm dục thì sẽ không bị sanh tử tương tục lôi cuốn. Ông tu tam-muội là cội gốc ra khỏi trần lao mà nếu chưa trừ diệt tâm dâm dục thì không thể thoát khỏi trần lao (Dâm tâm bất trừ trần bất khả xuất). Nếu kẻ nhiều trí tuệ lại có thiền định hiện tiền mà không đoạn tâm dâm dục tất sẽ đọa lạc ma đạo". Xem kinh Lăng Nghiêm nếu không quay về tông thiền, thì chỉ như cỡi ngựa xem hoa, không có lợi ích lớn".Mới thấy chúng ta học thiền rồi đọc kinh Lăng Nghiêm là rất khế hợp.

Hòa thượng Tuyên Hóa cũng rất tán thán và khuyên người đọc tụng kinh Lăng Nghiêm. Những vị cho kinh này là ngụy tạo, Ngài bảo  rằng:" Những đạo lý được đề xuất trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một mặt đúng là chánh pháp, mặt khác lại phù hợp với đạo lý nên bọn tà ma quỷ quái, bàng môn ngoại đạo không thể ẩn giấu tung tích được. Một số người thiếu ý thức, cụ thể là những học giả kém thông thái, những giáo sư chuyên thu thập kiến thức tạp nham, chuyên đuổi mồi bắt bóng, với sự hiểu biết cực kỳ hẹp hòi và hạn chế, họ hoàn toàn bị mê muội và nhầm lẫn. Họ có được sự uyên bác thật sự và trí tuệ chân thật, thế nên họ phê phán một cách hồ đồ. Chúng ta là  những người tu học Phật pháp nên nhận thức sâu sắc về những trường hợp này. Do đó bất kỳ đi đâu chúng ta cũng phải xiển dương Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Bất kỳ đi đâu chúng ta cũng nên truyền bá Kinh Thủ Lăng Nghiêm, bất kỳ đi đâu chúng ta cũng giới thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho mọi người. Sao vậy? Vì chúng ta muốn làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài ở thế gian. Nếu Kinh Thủ Lăng Nghiêm là ngụy tạo, tôi xin có cam đoan này với quý vị:"Nếu kinh Thủ Lăng Nghiêm là chân thật thì dĩ nhiên chẳng có vấn đề gì, còn nếu kinh Thủ Lăng Nghiêm là ngụy tạo thì tôi nguyện rằng tôi là kẻ trước tiên đọa và địa ngục vô gián, vì tôi không nhận thức được Phật pháp, nhận vọng làm chân. Còn nếu kinh Thủ Lăng Nghiêm là chân thật thì tôi nguyện đời đời kiếp kiếp  truyền bá đại pháp Thủ Lăng Nghiêm. Nghĩa là mọi nơi mọi lúc tôi sẽ xiển dương đạo lý chân thật của kinh Thủ Lăng Nghiêm".Ngài nói thẳng thắn như vậy.

Như vậy cho thấy hôm nay, chúng ta được đọc, được  học kinh Thủ Lăng Nghiêm này là duyên lành hy hữu lớn. Do đó cần phải học kỹ để hiểu sâu lời Phật dạy, tiến bước trên con đường giác ngộ, cũng phân biệt rõ ràng những mê lầm để không lạc vào đường tà nữa. Nếu học kỹ, duyên lành đến phát minh tâm địa thì càng tiến sâu thêm. Đó là những ý nghĩa cho thấy cần phải  hết sức trân trọng. Học kinh Lăng Nghiêm không phải học trên chữ nghĩa hoặc nghe lời giảng rồi phân tích trên đó, mà phải đạt được ý để sáng được tâm.

Đó là nói qua về sự lưu truyền và giá trị trong Kinh Lăng Nghiêm để cho thấy duyên lành của mình đã được học, được đọc mà hết sức trân trọng.

 

NGƯỜI PHIÊN DỊCH

Kinh này do Ngài Bát-thích-mật-đế và Ngài Di-già-thích-ca hợp dịch. Ngài Hoài Địch chứng nghĩa, ông Phòng Dung nhuận bút. Ngài Bát-thích-mật-đế là người Trung Thiên Trúc nhưng lịch sử ghi chép rất đơn giản. Ngày xưa ở Ấn Độ chia ra ngũ thiên trúc tức năm phần: Nam, trung, Bắc và phần giữa là Trung Thiên Trúc.  Ngài đem kinh này qua Quảng Châu, dịch tại chùa Chế Chỉ vào thời Đường Trung Tông, niên hiệu Thần Long thứ nhất (705). Khi dịch xong, Ngài trở về chịu tội với vua bên Thiên Trúc để giải cứu cho vị quan biên giới đã để lọt Ngài đem kinh đi qua. Cũng cho thấy tinh thần vì pháp quên thân của người xưa lớn như vậy đó. Thời bấy giờ, nếu đem kinh này đi mà bị bắt là chết thôi, vì trái lệnh vua. Vậy mà Ngài sẵn sàng không kể đến tánh mạng. Hôm nay chúng ta học kinh này để học, để đọc, phải hết sức trân trọng, phải thành kính hướng về giác linh của Ngài để lễ tạ, nhờ Ngài mà mình có duyên lành để học.

Ngài Di-già-thích-ca người nước Ô Trành thuộc Bắc Ấn Độ, tức là Bắc  Thiên Trúc. Ngài qua Trung Hoa lâu hơn, hiểu rành tiếng Trung Hoa do đó Ngài phụ xem văn nghĩa, câu cú để chọn từ dùng thích  hợp. Trong phần đầu gọi là Ngài dịch ngữ.

Ngài Sa-môn Hoài Địch ở chùa Nam Lâu núi La Phù chứng nghĩa. Ngài là người Trung Hoa, rành tiếng Phạn. Do đó hai Ngài kia dịch, rồi Ngài xem lại coi chỗ nào còn khó hiểu hay chưa rõ thì chỉnh lại cho chính xác, hợp với văn tự của Trung Hoa, dễ nghe dễ hiểu hơn.

Thêm ông Phòng Dung, là một cư sỹ thọ Bồ-tát giới, nhuận bút trở lại. Trước ông là quan ở triều đình, giữ chức Chánh nghị đại phu, kiêm luôn Trung thư môn hạ, là  hai chức quan tả hữu ở trong tướng phủ. Ông cũng kiêm luôn Bình chương sự có trách nhiệm điều hành công việc triều chính. Vậy ông là quan lớn ở triều đình cho nên có chỗ gọi là Phòng tướng, ông giỏi về văn chương, kiến thức lại uyên bác. Do ông nhuận bút khiến cho kinh Lăng Nghiêm có giá trị đặc sắc về mặt văn chương. Các nhà Nho xưa nay rất tán thán văn chương của Kinh Lăng Nghiêm.

Kinh Lăng Nghiêm được đem qua Trung Hoa là chuyện khó, nhưng khi dịch thì gặp được những duyên lành, có được những vị trợ duyên, được người giỏi văn chương nhuận bút nữa thành ra bộ kinh rất có giá trị. Chúng ta học cũng thấy được những điều đó, nên một lần nữa lòng  hướng về những vị này thành kính tri ân. Nhờ các Ngài mà ngày nay mình có được kinh Lăng Nghiêm để học. Đó là nói qua về kinh Lăng Nghiêm và  người dịch.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23381
  • Online: 55