Kinh Viên Giác ( Phần 11) - CHƯƠNG X: BỒ-TÁT PHỔ GIÁC THƯA HỎI
26/02/2015 | Lượt xem: 3657
CHƯƠNG X
BỒ-TÁT PHỔ GIÁC THƯA HỎI
ÂM:
Ư thị Phổ Giác Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:
- Đại bi Thế Tôn, khoái thuyết thiền bệnh, linh chư đại chúng đắc vị tằng hữu, tâm ý đãng nhiên, hoạch đại an ẩn. Thế Tôn, mạt thế chúng sanh khứ Phật tiệm viễn, Hiền Thánh ẩn phục tà pháp tăng xí, sử chư chúng sanh, cầu hà đẳng nhân, y hà đẳng pháp, hành hà đẳng hạnh, trừ khử hà bệnh, vân hà phát tâm, linh bỉ quần manh bất đọa tà kiến. Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.
DỊCH:
Khi ấy, Bồ-tát Phổ Giác ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:
- Đức Thế Tôn đại bi, khéo nói thiền bệnh khiến cho đại chúng được điều chưa từng có, tâm ý rỗng rang được an ổn lớn. Bạch Thế Tôn, những chúng sanh đời mạt pháp, cách Phật dần xa, Thánh Hiền ẩn khuất, tà pháp tăng mạnh, vậy chúng sanh cầu những người nào, y những pháp gì, hành những hạnh gì, trừ những bệnh gì, làm thế nào phát tâm, khiến những kẻ mù tối chẳng rơi vào tà kiến?
Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất thưa thỉnh như thế lặp lại ba lần.
GIẢNG:
Phổ giác là biết cùng khắp, Bồ-tát Phổ Giác muốn cho tất cả mọi người đều thấy rõ, biết rõ mọi phương tiện, mọi đường lối tu hành để không còn bị chướng ngại. Đa số người lúc dụng công tu thường hay gặp chướng ngại, sở dĩ bị chướng ngại là do bệnh chấp ngã, chấp pháp. Cho nên Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng thưa hỏi cầu Phật chỉ cho cách điều phục. Tuy điều phục được nghiệp chướng song vô minh vi tế vẫn còn che tánh Viên giác, vì vậy tánh Viên giác không chiếu soi cùng khắp, nên Bồ-tát Phổ Giác đứng ra thưa hỏi Phật năm điều:
1. Chúng sanh phải cầu ai làm minh sư để chỉ dạy tu hành?
2. Y theo pháp nào để tu?
3. Phải tu hạnh gì?
4. Phải trừ những bệnh gì?
5. Làm sao phát tâm, để tu hành khiến cho tánh Viên giác chiếu soi cùng khắp?
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Phổ Giác Bồ-tát ngôn:
- Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng tư vấn Như Lai như thị tu hành, năng thí mạt thế nhất thiết chúng sanh vô úy đạo nhãn, linh bỉ chúng sanh đắc thành Thánh đạo, nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.
Thời Phổ Giác Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ, cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.
- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh tương phát đại tâm cầu thiện tri thức, dục tu hành giả, đương cầu nhất thiết chánh tri kiến nhân, tâm bất trụ tướng, bất trước Thanh văn Duyên giác cảnh giới, tuy hiện trần lao tâm hằng thanh tịnh, thị hữu chư quá tán thán phạm hạnh, bất linh chúng sanh nhập bất luật nghi, cầu như thị nhân, tức đắc thành tựu A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
DỊCH:
Khi ấy Thế Tôn bảo Bồ-tát Phổ Giác rằng:
- Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông mới hay thưa hỏi Như Lai đường lối tu hành như thế, hay bố thí cho tất cả chúng sanh đời sau vô úy đạo nhãn khiến cho chúng sanh kia được thành Thánh đạo. Nay ông hãy lắng nghe ta sẽ vì ông nói.
Bấy giờ Bồ-tát Phổ Giác vâng lời dạy, hoan hỉ cùng đại chúng yên lặng lắng nghe.
- Này thiện nam, những chúng sanh đời sau sắp phát đại tâm cầu thiện tri thức để tu hành, phải cầu tất cả người có chánh tri kiến, tâm không trụ tướng, chẳng chấp cảnh giới Thanh văn Duyên giác, tuy hiện trong trần lao mà tâm hằng thanh tịnh, dù có thị hiện những lỗi lầm mà vẫn tán thán hạnh thanh tịnh, không khiến chúng sanh vào chỗ trái với luật nghi. Cầu được người như thế tức được thành tựu pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
GIẢNG:
Đức Phật dạy chúng sanh tu, trước là phải phát tâm Đại thừa sau là cầu thiện tri thức. Thiện tri thức là người có chánh tri kiến, không rơi vào các tà ngụy như mê tín cúng vái quỉ thần, không trụ phước báo phàm phu cõi người và cõi trời. Hai là không kẹt vào các quả vị Thanh văn Duyên giác. Ba là vị thiện hữu tri thức này tuy hiện thân ở trong cảnh trần lao ô nhiễm mà tâm hằng thanh tịnh, người đó mới xứng đáng là thiện tri thức. Bốn là họ hay bày ra có lỗi mà lúc đó vẫn tán dương hạnh thanh bạch. Trong giới tu hành, có những vị cũng còn một hai lỗi lầm, nhưng lúc nào họ cũng khuyên người chung quanh giữ hạnh thanh tịnh, không cho làm các nghiệp chẳng lành. Chúng ta gần người như vậy thì được lợi ích và sẽ thành tựu đạo Vô thượng Bồ-đề.
Người không mắc kẹt trong tà kiến, không ở trong cảnh giới Thanh văn Duyên giác, tuy ở trong trần lao mà tâm hằng thanh tịnh, đó là Bồ-tát rồi. Giả sử chúng ta tìm không được người như vậy, mà có những vị ở trong trần lao còn một hai lỗi lầm, chúng ta có nên gần gũi hay không? Nên gần, nhưng chúng ta phải nhận xét cho kỹ về vị đó. Ví dụ thỉnh thoảng vị thiện tri thức đó gặp việc trái ý, bực bội rồi cũng la cũng sân. Khi lỡ sân rồi họ nói: “người tu không được quyền sân, sân là tánh xấu, đây là tôi dở mà tôi bỏ chưa được, quí vị đừng bắt chước cái dở của tôi, không tốt cho sự tu hành”, thì khả dĩ được. Còn nếu vị đó nói: “sân để làm lợi ích cho người ta, đâu có tội gì”, người nói như thế chúng ta không nên gần. Tách bạch như vậy để quí vị nhận xét kỹ kẻo lầm. Những người biết tỉnh giác, tuy có lỗi là vì thói quen lâu đời bỏ chưa được, nhưng họ vẫn thú nhận đó là điều dở của họ và bảo người khác đừng bắt chước theo, vì những điểm dở ấy họ muốn bỏ nhưng sức tu còn yếu làm chưa được. Người như vậy tuy chưa thật hoàn toàn tốt, nhưng đó là mẫu người tốt. Còn nếu người làm dở mà cứ bao che cái dở của họ, cứ bào chữa tôi làm như vậy không có lỗi, làm như vậy là hạnh Bồ-tát, đó là hạng người chúng ta nên tránh xa.
Trong kinh có kể một đoạn về tiền thân của Phật khi còn là Bồ-tát. Có một tên cướp giả làm người chèo thuyền đưa một số người qua sông, trên thuyền lúc đó cũng có mặt Ngài. Tên cướp muốn hành hung số người trên thuyền. Bồ-tát liền khởi nghĩ: “Nếu không giết chú chèo đò thì chú sẽ giết hết những người trên thuyền này.” Ngài bèn ra tay giết chú chèo đò để cứu những chúng sanh kia. Khi hành sự, Bồ-tát nghĩ rằng: “Việc làm này tuy có trái với luật nhưng vì muốn cứu người nên một mình cam chịu tội, dù có bị đọa địa ngục ta vẫn vui.” Như vậy mới đúng là người tu chân chánh, còn nói: “tôi làm đây là để cứu chúng sanh, không tội lỗi gì hết”, là phá luật nghi. Quí vị phải nhận xét cho kỹ, đời này có nhiều người hay vỗ ngực nói càn lắm. Sát sanh là giới đầu tiên của người tu Phật, mà nói giết người không tội là vô lý. Sở dĩ dám giết người là vì lòng từ muốn cứu nhiều người mà phải chịu tội lấy một mình. Hiểu như vậy, quí vị mới biết người hành đạo chỗ nào đúng, chỗ nào sai. Chớ đừng nghe trong kinh nói như vậy rồi nghĩ: “À, khi các ngài hiện những việc trái luật nghi như vậy mình cũng đừng cố chấp.” Như vậy người tu muốn uống rượu ăn thịt cũng được sao? Nếu uống rượu ăn thịt mà vị đó tự nói lên: “đây là việc làm trái luật nghi, đó là thói hư tôi chưa bỏ được, xin quí vị đừng bắt chước”, người như vậy còn khả dĩ gần được, chớ đã phạm luật nghi mà còn nói càn: “ôi chỗ nào cũng là đạo tràng, quán rượu thanh lâu cũng là đạo tràng”, người đó không nên gần. Hiểu rõ rồi, quí vị mới đoán định được ai là thiện tri thức, ai không phải thiện tri thức, để khỏi rơi vào trường hợp khi phát tâm chân chánh mà lại gặp những người tà ngụy không tiến tu được.
Cầu thầy phải cầu người có chánh tri kiến. Bởi vì sanh trong thời mạt pháp, Pháp nhược ma cường tức là chánh pháp thì yếu mà tà pháp lại mạnh, tà pháp mạnh cho nên đi đâu cũng nghe nói pháp tà mãi thành nhiễm. Muốn cầu thầy học đạo phải khéo lựa chọn vị thầy hướng dẫn tốt để đường tu chúng ta khỏi bị lạc, tu đúng chánh pháp để đạt đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
ÂM:
- Mạt thế chúng sanh kiến như thị nhân ưng đương cúng dường bất tích thân mạng. Bỉ thiện tri thức, tứ oai nghi trung thường hiện thanh tịnh, nãi chí thị hiện chủng chủng quá hoạn tâm vô kiêu mạn, huống phục đoàn tài, thê tử quyến thuộc. Nhược thiện nam tử, ư bỉ thiện hữu bất khởi ác niệm, tức năng cứu kính thành tựu Chánh giác, tâm hoa phát minh, chiếu thập phương sát.
DỊCH:
- Những chúng sanh đời sau gặp người như thế phải nên cúng dường chẳng tiếc thân mạng. Thiện tri thức ấy trong bốn oai nghi thường hiện thanh tịnh, cho đến thị hiện các thứ tội lỗi, tâm không kiêu mạn, huống nữa tài sản vợ con quyến thuộc. Nếu thiện nam tử, đối với vị thiện hữu kia không khởi niệm ác tức hay cứu kính thành tựu Chánh giác, tâm hoa phát sáng, chiếu soi cả mười phương cõi nước.
GIẢNG:
Chỗ này Phật nói để cho chúng ta hiểu thêm một chút nữa. Người học đạo nếu không sáng dễ lầm. Hai trường hợp lầm, một là người chánh mà chúng ta tưởng là tà, hai là người tà mà tưởng là chánh.
Trường hợp thứ nhất, có những thiện tri thức hiện nghịch hạnh làm những chuyện thế gian, để đồng sự với chúng sanh mà giáo hóa họ hoặc để thử thách đồ đệ, nếu chúng ta không hiểu thì mất niềm tin. Như trường hợp ngài Thiện Chiêu, Ngài là một vị Thiền sư nổi tiếng trong tông Lâm Tế, người xưa nể phục gọi Ngài là Sư tử Phần Dương. Trong pháp hội của Ngài có cả thảy năm trăm người. Một hôm đến ngày kỵ mẫu thân, Ngài bảo vị Tri sự: “Bữa nay ông mua cá thịt với một chai rượu về tôi cúng bà thân tôi.” Vị Tri sự không dám cãi, đi mua rượu thịt về. Ngài cúng xong xuôi, dọn ra bàn và mời chúng: “Quí vị cùng tôi ăn một bữa lấy thảo.” Chúng đều giật mình, không ai dám dự. Ngài ngồi ăn tự nhiên và nói: “Thôi, chúng không dự thì tôi dự.” Chúng nghe danh Ngài tìm tới học, bây giờ thấy Ngài ăn thịt uống rượu một cách tự nhiên ai nấy đều mất hết niềm tin. Qua hôm sau họ xin xuất chúng đi hết, chỉ còn lại có mấy người, trong số đó có ngài Từ Minh. Sau khi họ đi, Ngài cười và nói: “Ta chỉ tốn mâm cơm và chai rượu mà tống hết bốn trăm mấy chục người để khỏi tốn hao của thập phương bá tánh.” Vì những người đó họ chỉ chấp danh tướng mà không thấy tánh thật nên Ngài thử xem họ có đủ lòng tin đối với Ngài không. Họ chỉ nghe danh chớ chưa thật hiểu và tin Ngài, nên thấy những tướng bên ngoài như vậy liền bỏ đi. Ngài Từ Minh và mấy vị ở lại hiểu Ngài nên không bỏ đi. Sau này ngài Từ Minh trở thành một vị cự phách trong tông Lâm Tế. Dưới Ngài, Dương Kỳ và Hoàng Long là Khai tổ của hai phái thiền ở đời Tống rất hưng thạnh. Như vậy đối với thiện tri thức chúng ta nhìn một cách cạn cợt nông nổi thì dễ bị lầm. Tại chúng Tăng không xét kỹ, chớ người thấy đạo như ngài Phần Dương chẳng lẽ lại làm chuyện như vậy? Chẳng qua Ngài thử chúng, xem chúng có vững niềm tin Ngài là người thấy đạo và đã đủ sức hướng dẫn họ tu hành đến nơi đến chốn chưa? Thế mà họ không hiểu, cho Ngài phá giới nên bỏ đi. Đó là lỗi không hiểu ông thầy nên mất lợi ích cho mình.
Trường hợp thứ hai, có những vị cứ dẫn câu “dù cho có quyến thuộc, thê tử…” để tự do có quyến thuộc thê tử. Như vậy chúng ta cũng phải tin những vị đó sao? Chỗ này thật tế nhị vô cùng.
Đối với vị thiện tri thức chúng ta nên nhận cho đúng, luôn luôn quí kính, và ở bên cạnh học hỏi tiến tu thì lần lần sẽ hết bệnh và thành tựu quả Phật. Lúc ấy tâm hoa phát sáng chiếu soi cả mười phương cõi nước.
ÂM:
- Thiện nam tử, bỉ thiện tri thức sở chứng diệu pháp ưng ly tứ bệnh. Vân hà tứ bệnh?
Nhất giả Tác bệnh. Nhược phục hữu nhân tác như thị ngôn, ngã ư bản tâm tác chủng chủng hạnh, dục cầu Viên giác. Bỉ Viên giác tánh phi tác đắc cố, thuyết danh vi bệnh.
DỊCH:
- Này thiện nam, vị thiện tri thức kia đã chứng diệu pháp nên lìa bốn bệnh. Thế nào là bốn bệnh?
Một là bệnh Tác. Nếu có người nói như thế này: “Bản tâm của tôi làm các thứ hạnh” để cầu Viên giác. Song, tánh Viên giác kia chẳng phải do làm mà được, ấy gọi là bệnh.
GIẢNG:
Có nhiều người tu quan niệm rằng: Muốn được giác ngộ phải luyện cái này tập cái kia, như luyện chuyển luân xa, họ ngồi tưởng có một luồng điện chạy vòng vòng trong thân, thực tập mãi như thế thì sẽ thành đạo. Đó là một điều lầm lẫn lớn trong sự tu hành nên gọi là bệnh. Thành đạo là hằng sống với tánh Viên giác; tánh Viên giác thì tròn sáng sẵn có không do tạo tác, nếu còn tạo tác là còn sanh diệt không sống được với tánh Viên giác. Có những người tu theo đạo Phật cho rằng, phải luôn luôn quán chiếu mới được Viên giác, hoặc phải cất chùa mới có công đức, cất được một trăm ngôi chùa là thành Phật. Đó cũng là lầm. Nếu quán mà được Viên giác sao ngài Pháp Dung ở Ngưu Đầu còn phải cầu Tứ tổ Đạo Tín dạy cho chỗ tâm yếu? Nếu cất nhiều chùa được thành Phật thì các ông vua ngày xưa thành Phật hết rồi. Như vua Lương Võ Đế ngày xưa cất chùa độ Tăng biết bao nhiêu, sao không hội được chỗ cứu kính nơi Tổ Bồ-đề-đạt-ma? Tạo tác là tướng sanh diệt chớ không phải cứu kính của sự giác ngộ. Nếu chấp nhận do dụng công bằng hình thức mà được Viên giác thì đó là hiểu lầm, nên gọi là bệnh.
ÂM:
- Nhị giả Nhậm bệnh. Nhược phục hữu nhân tác như thị ngôn: Ngã đẳng kim giả, bất đoạn sanh tử, bất cầu Niết-bàn, Niết-bàn sanh tử vô khởi diệt niệm, nhậm bỉ nhất thiết tùy chư pháp tánh, dục cầu Viên giác. Bỉ Viên giác tánh, phi nhậm hữu cố, thuyết danh vi bệnh.
DỊCH:
- Hai là bệnh Nhậm. Nếu có người nói thế này: “nay chúng ta không đoạn sanh tử chẳng cầu Niết-bàn, Niết-bàn sanh tử không niệm khởi diệt, mặc cho tất cả kia tùy các pháp tánh” để cầu Viên giác. Song, tánh Viên giác kia chẳng phải mặc tình mà có, nên nói là bệnh.
GIẢNG:
Ở trên nói bệnh Tác tức là làm để được Viên giác, bây giờ tới bệnh Nhậm là mặc kệ không làm gì hết, cứ tự nhiên mặc tình đói ăn mệt ngủ cũng được tánh Viên giác. Gần đây có một số tu sĩ mắc phải bệnh này. Họ nói càn: “Ối! Đói ăn mệt ngủ, cố gắng tu hành làm chi cho nhọc xác, kềm chế làm chi mặc ra sao thì ra.” Đó là nói theo bệnh lười biếng. Đành rằng chúng ta có sẵn tánh Viên giác, nhưng đang bị vô minh che phủ thì phải nỗ lực tu hành để xé toạc màn vô minh, mới sống được với tánh Viên giác. Chúng ta còn mê mà để mặc tình thì ngàn đời vẫn đi trong mê muội, không thể nào tỉnh sáng!
Thí dụ như có một tấm gương sáng để bụi phủ quá lâu. Bây giờ có người cầm tấm gương ra họ thấy tối mò, họ không biết là gương. Có người trí nói với họ: “Đây là tấm gương sáng.” Nghe nói tấm gương sáng, tự nó sáng không phải làm mà được, rồi họ để mặc không lau chùi. Nếu không lau chùi thì nó tối suốt đời. Tuy tấm gương không ai làm cho nó sáng được, nhưng phải lau hết bụi thì ánh sáng mới tỏ rõ. Như vậy mình lau bụi chớ không phải làm cho gương sáng. Cho nên nói làm cho gương sáng là bệnh, mà để mặc tình nó cũng là bệnh nữa. Chúng ta phải hiểu rõ chỗ này thì sự tu hành mới khỏi lầm lẫn.
Hai bệnh tác và nhậm đối nhau. Bệnh tác thì thúc liễm quá, dùng hình thức để tu nên lầm vì tướng mà không thấy được tánh. Còn bệnh nhậm thì chấp tánh, nghe nói Bản tánh không phải làm mà ra, không phải tu mà được, nên mặc tình phóng túng. Hai cái này đều không phù hợp với Viên giác.
ÂM:
- Tam giả Chỉ bệnh. Nhược phục hữu nhân tác như thị ngôn: Ngã kim tự tâm vĩnh tức chư niệm, đắc nhất thiết tánh tịch nhiên bình đẳng, dục cầu Viên giác. Bỉ Viên giác tánh phi chỉ hợp cố, thuyết danh vi bệnh.
DỊCH:
- Ba là bệnh Chỉ. Nếu có người nói thế này: “nay ta tự tâm hằng dứt các niệm, được tất cả tánh lặng lẽ bình đẳng” để cầu Viên giác. Song, tánh Viên giác kia chẳng phải do dừng chỉ mà có, nên nói là bệnh.
GIẢNG:
Chỗ này mới thật là khó, chúng ta tu được dạy phải dừng lặng vọng tưởng, sao kinh này nói lặng là bệnh? Dừng hết vọng tưởng chỉ còn có lặng lẽ bình đẳng thì hợp đạo quá, tại sao ở đây nói là bệnh? Vì Viên giác là Tánh giác hằng sáng chớ không phải do đè, dừng lại tức là đè nó xuống thì rơi vào bệnh vô ký. Ở đây đức Phật dạy chúng ta khi lặng hết những tạp niệm lăng xăng, vẫn biết mình có Tánh giác tròn sáng. Ngồi thiền lúc vọng tưởng lặng hết, tai chúng ta vẫn nghe tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng xe chạy ngoài đường, tiếng gà gáy… Chúng ta vẫn nghe biết chớ không phải không ngơ không biết gì. Bệnh này rất tế nhị, chúng ta phải dè dặt.
ÂM:
- Tứ giả Diệt bệnh. Nhược phục hữu nhân tác như thị ngôn: Ngã kim vĩnh đoạn nhất thiết phiền não, thân tâm tất cánh không, vô sở hữu, hà huống căn trần hư vọng cảnh giới, nhất thiết vĩnh tịch, dục cầu Viên giác. Bỉ Viên giác tánh, phi tịch tướng cố thuyết danh vi bệnh.
DỊCH:
- Bốn là bệnh Diệt. Nếu có người nói như thế này: “nay ta nên đoạn hẳn tất cả phiền não, thân tâm hoàn toàn không, không sở hữu, huống là cảnh giới hư vọng của căn trần, tất cả đều vắng lặng” để cầu Viên giác. Song, tánh Viên giác kia chẳng phải tướng tịch diệt, nên nói là bệnh.
GIẢNG:
Chỗ này càng khó hơn. Bởi vì đến giai đoạn này thì người tu đã đoạn sạch phiền não, họ cho là tất cả phiền não đoạn hết, nên thân tâm rốt ráo là không, huống nữa là căn trần, những cái đó đều là không có. Thấy tất cả đều lặng lẽ là đúng một phần, vì tánh Viên giác không phải cái hoàn toàn lặng lẽ ấy. Giác thì phải biết, mà biết thì đâu phải chỉ lặng hoàn toàn mà không biết. Như chuyện “Bà già đốt am”, khi ông thầy đã tu đến chỗ gặp duyên xúc cảnh đọc câu thơ “Khô mộc ỷ hàn nham, Tam xuân vô noãn khí” (Cây khô tựa trên núi lạnh, Ba mùa xuân qua rồi mà không có chút hơi ấm), nghĩa là ông bây giờ như cây khô lạnh trên núi, không có dấy khởi một niệm nào nữa. Như vậy theo chúng ta là quá hay rồi, khi tất cả động tác của người xúc chạm đến mình mà mình vẫn lặng lẽ không dấy niệm là hay tột bậc, nhưng mà đó là bệnh thứ tư ở đây nói. Nên bà già đó đã đốt am đuổi thầy đi và nói “uổng công nuôi thầy”. Như vậy để thấy khô lặng chưa phải là rồi, mà còn phải thấy được tánh Viên giác tròn đầy của chính mình nữa. Chúng ta thấy trình độ của bà già đó không phải là ít. Chỗ này thật khó, chúng ta tu phải khéo nếu không thì rơi vào đoạn diệt. Người tu mà lệch một tí là sai.
Hai bệnh chỉ và diệt lỗi tại chưa nhận ra tánh Viên giác cho nên thành bệnh.
ÂM:
- Ly tứ bệnh giả, tắc tri thanh tịnh. Tác thị quán giả danh vi chánh quán, nhược tha quán giả danh vi tà quán.
DỊCH:
- Lìa bốn bệnh đó, thì biết đã thanh tịnh. Khởi quán như thế là chánh quán, nếu quán khác đi gọi là tà quán.
GIẢNG:
Đoạn này Phật kết luận, người lìa bốn bệnh Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt mới hợp với tánh Viên giác; vì tánh Viên giác là Thể thanh tịnh tròn sáng, không sanh không diệt, không nhơ không sạch, vô vi vô lậu… Nếu chấp tướng Tác, Nhậm, Chỉ, Diệt để cầu thì không hợp với tánh Viên giác.
Tôi xin nhắc lại tất cả bốn bệnh cho quí vị thấy rõ hơn từng bệnh.
Bệnh Tác là dùng công năng huân tập hay tạo tác để mong được đạo, như thế không phải, vì công năng huân tập tạo tác là sanh diệt, cho nên dùng nó để mong được tánh Viên giác là không được, bệnh này dễ hiểu.
Hai là Nhậm, để mặc tình ra sao cũng được; chúng ta đang bị vô minh che mà tha hồ để nó ra sao cũng được thì suốt kiếp cứ mê hoài, bệnh này cũng dễ hiểu.
Ba là Chỉ, tức là đè cho nó yên xuống, nghĩa là dừng vọng tưởng. Tánh giác thì hằng tri hằng giác, mà đè nó lặng đâu phải là giác, vì giác thì luôn luôn linh động sáng suốt nên gọi là “liễu liễu thường tri”.
Bốn là Diệt, tất cả phiền não đều dứt, thân tâm thấy rỗng không, cảnh giới cũng thấy rỗng không, rồi cho cái rỗng không là đạo, đó cũng là lệch. Vì đạo là giác mà cho thân tâm rỗng không, không có gì đâu phải là giác. Trong nhà Thiền thường nói vô tâm. Vô tâm là không tâm sanh diệt phiền não, chớ không phải là không có cái tâm chân thật thanh tịnh sáng suốt. Khi chúng ta hết phiền não, hết những niệm chạy theo cảnh theo duyên, thì tánh hằng giác, hằng linh động hiển hiện, chớ cho rằng hết những cái đó là rỗng không, không có gì thì không đúng.
Chúng ta tu mà lệch một tí là xa đạo. Thật ra bốn cái này không phải là bệnh, mà do chấp nên thành bệnh, ban đầu tu phải nhờ nó, nhưng đến giai đoạn nào đó thì phải buông. Khi chúng ta tu mượn Chỉ, Tác hay Diệt để trừ các phiền não, phiền não hết thì nhận ra Tánh giác. Nếu hết phiền não mà nhận chỗ không phiền não lặng lẽ là cứu kính thì là lầm.
ÂM:
- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh dục tu hành giả, ưng đương tận mệnh cúng dường thiện hữu sự thiện tri thức. Bỉ thiện tri thức dục lai thân cận ưng đoạn kiêu mạn. Nhược phục viễn ly ưng đoạn sân hận.
DỊCH:
- Này thiện nam, chúng sanh đời sau muốn tu hành phải trọn đời cúng dường thờ phụng thiện hữu tri thức. Thiện tri thức kia muốn đến thân cận phải đoạn tâm kiêu mạn, nếu lại xa lìa phải đoạn sân hận.
GIẢNG:
Đây là những bệnh của học trò, tuy thành tâm thờ thầy đúng pháp, song gần thầy được thầy dạy dỗ thì sanh tâm ngã mạn, cho rằng: Thầy thương tôi, thầy luôn luôn lo lắng cho tôi. Trái lại thầy có những Phật sự phải đi chỗ khác, thì họ buồn trách: Thầy bỏ không lo cho tôi nữa, từ đây tôi biết nương tựa ai? Rồi phiền não. Đó là bệnh. Quí vị xét xem có những bệnh như vậy không? Nếu có thì phải bỏ mới đúng tinh thần của người học đạo.
ÂM:
- Hiện nghịch thuận cảnh, do như hư không, liễu tri thân tâm tất cánh bình đẳng, dữ chư chúng sanh đồng thể vô dị. Như thị tu hành phương nhập Viên giác.
DỊCH:
- (Nếu thiện tri thức) có hiện ra cảnh nghịch thuận vẫn như hư không, rõ biết thân tâm rốt ráo đều bình đẳng, cùng với chúng sanh đồng thể không khác. Tu hành như thế mới vào được tánh Viên giác.
GIẢNG:
Cảnh thuận nghịch là như thế này. Cảnh thuận: Có Phật tử muốn thỉnh thầy về nhà cúng dường bữa trưa, thầy ưng thuận tới thọ trai, thì đừng vì cảnh thuận đó mà quá mến thầy. Cảnh nghịch: Giả sử chúng ta có duyên sự cần thỉnh thầy tới để trợ giúp. Thầy từ chối. Không vì lý do thầy từ chối mà giận thầy. Đó mới là Phật tử chân chánh. Tuy nói vậy nhưng cũng hơi khó làm. Hoặc là khi vị thiện tri thức khởi thuận hạnh khuyên lơn vỗ về bảo ráng tu thì chúng ta bằng lòng, cho rằng thầy tôi hiền lành từ bi. Nhưng bất thần hôm nào vị thiện tri thức la rầy thì chúng ta cho là ông thầy sân quá, không gần nữa. Đâu biết rằng vị thầy muốn hiện nghịch hạnh coi chúng ta có chịu nổi hay không? Như trường hợp ngài Từ Minh đến học đạo với ngài Phần Dương Thiện Chiêu, ngài Từ Minh trước là một nho sĩ, đến nhập chúng đã hai năm mà chưa được dạy bảo. Mỗi khi Sư vào thưa hỏi, chỉ bị Phần Dương mắng chửi thậm tệ, hoặc nghe chê bai những vị khác, nếu có dạy bảo toàn dùng những lời thế tục thô bỉ. Một hôm Sư trách: “Từ ngày đến pháp tịch này đã qua mất hai năm mà chẳng được dạy bảo, chỉ làm tăng trưởng niệm thế tục trần lao, năm tháng qua nhanh việc mình chẳng sáng, mất cái lợi của kẻ xuất gia.” Sư nói chưa dứt, Phần Dương nhìn thẳng vào Sư mắng: “Đây là ác tri thức dám chê trách ta.” Phần Dương nổi nóng cầm gậy đuổi đánh. Sư toan la cầu cứu, Phần Dương liền bụm miệng Sư. Sư chợt đại ngộ, nói: “Mới biết đạo của Lâm Tế vượt ngoài thường tình.”
Thật là lạ lùng! Chúng ta phải hiểu có những trường hợp thầy hiện nghịch hạnh như vậy. Bởi vì người học trò khi khuyên lơn an ủi thì vui vẻ lo tu, họ chỉ tu trong cảnh êm ái nhẹ nhàng mới tiến, nhưng khi gặp những nghịch cảnh họ không chịu nổi. Thầy muốn cho đồ đệ tiến hơn nên phải hiện ra nghịch hạnh. Ở trong nghịch cảnh mà trò tiến được mới là thứ thật. Vì vậy, ở đây đức Phật dạy rõ, giả sử người tu có gặp nghịch hạnh thuận hạnh gì cũng xem như không, không dính gì với mình, khen cũng vậy mà mắng chửi cũng vậy, đều biết rõ thân tâm mình rốt ráo bình đẳng, cùng với các chúng sanh đồng thể không khác. Người mà được như vậy mới vào tánh Viên giác. Phật sợ chúng sanh sau này gặp cảnh thuận thì tu được còn gặp cảnh nghịch thì không tu, cho nên Ngài dạy trước để gặp trường hợp nào cũng phải biết rõ ràng khỏi thoái thất Bồ-đề tâm.
ÂM:
- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh bất đắc thành đạo, do hữu vô thủy tự tha tắng ái nhất thiết chủng tử, cố vị giải thoát.
DỊCH:
- Này thiện nam, chúng sanh đời sau không được thành đạo, do có tất cả chủng tử yêu ghét, mình người từ vô thủy nên chưa giải thoát.
GIẢNG:
Đức Phật nói cái gốc không thành đạo là chủng tử đối đãi yêu-ghét, ta-người từ vô thủy đến giờ. Quí vị kiểm lại xem còn có chủng tử đó hay không, nếu còn là chưa thành đạo, khi nào chủng tử đó hết, không muốn thành đạo cũng thành. Chúng ta quen thói cực đoan, nếu không yêu thì ghét, không ghét thì yêu, chúng ta ít khi xử sự bình đẳng với mọi người. Đó là do tất cả chủng tử yêu ghét quá nhiều trong tàng thức cột trói chúng ta, cho nên không được giải thoát.
ÂM:
- Nhược phục hữu nhân quán bỉ oan gia như kỷ phụ mẫu, tâm vô hữu nhị, tức trừ chư bệnh. Ư chư pháp trung tự tha tắng ái diệc phục như thị.
DỊCH:
- Nếu lại có người xem kẻ oan gia kia như cha mẹ mình, tâm không có hai, tức trừ các bệnh. Đối với các pháp tự tha, tắng ái cũng lại như thế.
GIẢNG:
Ai xem người chửi mình, hại mình như cha mẹ mình, thì người đó trừ được các bệnh. Bây giờ quí vị ráng tập cho được như vậy. Chúng ta cung kính cha mẹ bao nhiêu thì cung kính người chửi mắng mình cũng bấy nhiêu, chắc chắn là hết bệnh. Vì có yêu mới có ghét, mà người mình ghét thấy như cha mẹ tức là hết ghét, hết ghét đâu còn yêu nữa. Như vậy mới trừ hết các bệnh. Trừ bệnh này là phương pháp tối quan trọng, nếu chúng ta không dùng trí quán mạnh thì không bao giờ tập được tâm này. Điều đó dễ làm hay khó làm? Nếu khó thì khó giải thoát, khó làm mà làm được thì chắc chắn giải thoát. Như vậy, những công thức để giải thoát Phật đưa ra quá rõ ràng, cứ thực hành đúng công thức thì sẽ ra đúng đáp số. Sự tu hành cũng vậy, muốn giải thoát thì phải thực hành theo lời Phật dạy, chớ muốn cầu giải thoát, mà từ chối không thực hành điều Phật dạy thì không bao giờ giải thoát nổi. Bây giờ chưa được thì ráng mai mốt phải thực hành cho được, chớ không thể từ chối nói rằng: “Tôi căn cơ thấp lắm, Phật dạy cao quá tôi làm không nổi.” Nếu từ chối như vậy là từ chối sự giải thoát. Quí vị xét kỹ xem có người nào đáng thương đáng ghét không? Nếu còn thấy có người đáng thương đáng ghét thì biết rõ chúng ta là kẻ phàm phu. Nếu chúng ta xem mọi người bình đẳng thì chắc chắn giải thoát. Như trong kinh Pháp Hoa phẩm Đề-bà-đạt-đa, Phật nói: “Đề-bà-đạt-đa là thiện hữu tri thức bậc nhất của ta, nhờ Đề-bà-đạt-đa mà ta mau thành Phật.” Trong khi Đề-bà-đạt-đa bao nhiêu đời đã hành hạ Ngài. Như vậy Ngài không thấy đó là chướng ngại là đày đọa khổ sở, mà lại thấy đó là phương tiện để Ngài tiến đạo. Nếu chúng ta thấy người hành hạ đày đọa mình là người bạn lành bậc nhất làm cho mình tiến đạo thì người cúng dường ủng hộ mình cũng là thiện tri thức bậc nhất giúp mình đủ phương tiện tiến đạo. Thấy cả hai là thiện hữu tri thức thì tâm bình đẳng. Tu Đại thừa Phật giáo là cốt phát tâm đại bi, tâm đại bi là thương tất cả chúng sanh. Phát tâm bình đẳng là khi nào thấy kẻ oán người thân đều bình đẳng. Phải ráng tập hai cái đều bình đẳng thì tu hành hết bị chướng, gặp gì cũng là duyên tốt để tiến. Chưa được vậy thì như chiếc thuyền không có người chèo, gặp gió thuận thì trôi lên, gặp gió nghịch thì đùa xuống. Chúng ta phải làm sao thuận nghịch đều tiến thì mới là người tu không bệnh.
ÂM:
- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh dục cầu Viên giác, ưng đương phát tâm tác như thị ngôn: Tận ư hư không nhất thiết chúng sanh ngã giai linh nhập cứu kính Viên giác, ư Viên giác trung vô thủ giác giả, trừ bỉ ngã nhân nhất thiết chư tướng. Như thị phát tâm bất đọa tà kiến.
DỊCH:
- Này thiện nam, các chúng sanh đời sau muốn cầu Viên giác nên phải phát tâm nói như thế này: “Tất cả chúng sanh tận hư không, con đều khiến vào hết trong Viên giác rốt ráo. Ở trong Viên giác không chấp thủ cái giác, trừ tất cả tướng ngã nhân.” Phát tâm như vậy không rơi vào tà kiến.
GIẢNG:
Phật dạy khi phát tâm thì nguyện tất cả chúng sanh tột cả hư không, nay con đều đem họ vào tánh Viên giác rốt ráo. Ở trong tánh Viên giác không chấp thủ cái giác, trừ sạch tất cả những tướng nhân ngã… Phát tâm như thế là không rơi vào tà kiến. Ở đây có ai phát tâm được như vậy chưa? Hay phát tâm tu hành để độ cha mẹ dòng họ? Chúng ta tu là nguyện cho tất cả chúng sanh đều thể nhập Viên giác chớ không phải chỉ nguyện riêng cho mình hay cho gia quyến mình. Nếu chỉ nguyện riêng cho chúng ta hay gia quyến là nhân ngã còn, mà nhân ngã còn thì không bao giờ vào được tánh Viên giác.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:
- Phổ Giác nhữ đương tri
Mạt thế chư chúng sanh
Dục cầu thiện tri thức
Ưng đương cầu chánh kiến
Tâm viễn Nhị thừa giả
Pháp trung trừ tứ bệnh
Vị Tác Chỉ Nhậm Diệt
Thân cận vô kiêu mạn
Viễn ly vô sân hận
Kiến chủng chủng cảnh giới
Tâm đương sanh hi hữu
Hoàn như Phật xuất thế
Bất phạm phi luật nghi
Giới căn vĩnh thanh tịnh
Độ nhất thiết chúng sanh
Cứu kính nhập Viên giác
Vô bỉ ngã nhân tướng
Đương y chánh trí tuệ
Tiện đắc siêu tà kiến
Chứng giác Bát Niết-bàn.
DỊCH:
Bấy giờ đức Phật muốn lặp lại nghĩa này, nói kệ rằng:
- Phổ Giác ông nên biết
Những chúng sanh đời sau
Muốn cầu thiện tri thức
Nên cầu người chánh kiến
Tâm xa lìa Nhị thừa
Trong pháp trừ bốn bệnh
Là Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt
Thân cận không kiêu mạn
Xa lìa không sân hận
Thấy các thứ cảnh giới
Tâm phải sanh hi hữu
Xem như Phật ra đời
Không phạm điều trái luật
Giới căn hằng thanh tịnh
Độ tất cả chúng sanh
Rốt ráo vào Viên giác
Không có tướng ngã nhân
Nên y chánh trí tuệ
Liền được khỏi tà kiến
Chứng giác Bát Niết-bàn.
GIẢNG:
Trong bài trùng tụng này, đức Phật lặp lại để giải rõ sự tu hành của chúng ta như ngài Phổ Giác hỏi ở trước.
Làm sao cầu thiện tri thức? Chọn thầy chọn bạn, phải lựa người không tà kiến.
Phải trừ những pháp gì? Đừng gần gũi pháp Nhị thừa và trong khi tu phải trừ bốn bệnh tác, chỉ, nhậm, diệt.
Khi gần gũi thiện tri thức phải làm sao? Khi thân cận thiện tri thức thì chớ khinh lờn kiêu mạn, khi thiện tri thức đi xa thì chớ sân hận. Thiện tri thức có hiện bất cứ thuận hạnh hay nghịch hạnh thì nên khởi tâm hi hữu xem như Phật ra đời, không nên xem thường.
Phát tâm tu thế nào? Phải luôn luôn giữ đúng luật nghi. Dứt tâm nhân ngã, độ tất cả chúng sanh vào Viên giác, luôn luôn y theo trí tuệ chân chánh, người được như vậy mới vượt ra khỏi tà kiến.
Chúng ta là những kẻ học đạo muốn hết bệnh và sự tu hành không lầm lẫn, không rơi vào tà kiến thì những điều đức Phật dạy chúng ta phải nhớ. Trong bốn bệnh đó phải là người chuyên môn mới thấy rõ. Những lối cư xử với thiện tri thức như: “gần mà không kiêu mạn, xa mà không sân hận”, đó là chuyện dễ biết dễ thấy, còn khó làm thay, huống là coi kẻ thù như cha mẹ thật không phải đơn giản dễ dàng. Song, nếu ai làm được mới thật là người giải thoát. Vì đạo giải thoát là không còn thấy hai bên yêu ghét, nếu còn kẻ thù là còn ghét, còn ghét tức là còn yêu. Chúng ta bặt hết yêu ghét thì vào đạo không khó vậy.
Các bài mới
- Kinh Kim Cang giảng giải - Giới thiệu - 24/02/2015
- Kinh Viên Giác ( Phần 13) - CHƯƠNG XII: BỒ-TÁT HIỀN THIỆN THỦ THƯA HỎI - 23/02/2015
- Kinh Viên Giác ( Phần 10) - CHƯƠNG IX: BỒ-TÁT TỊNH CHƯ NGHIỆP CHƯỚNG THƯA HỎI - 23/02/2015
- Kinh Viên Giác ( Phần 9) - CHƯƠNG VIII: BỒ-TÁT BIỆN ÂM THƯA HỎI - 21/02/2015
Các bài đã đăng
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23574
- Online: 21