Kinh Viên Giác (Phần 6) - Chương V : BỒ-TÁT DI-LẶC THƯA HỎI
21/04/2016 | Lượt xem: 4020
CHƯƠNG V
BỒ-TÁT DI-LẶC THƯA HỎI
ÂM:
Ư thị Di-lặc Bồ-tát tại đại chúng trung tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ, nhi bạch Phật ngôn:
- Đại bi Thế Tôn, quảng vị Bồ-tát khai bí mật tạng, linh chư đại chúng thâm ngộ luân hồi, phân biệt tà chánh, năng thí mạt thế, nhất thiết chúng sanh vô úy đạo nhãn, ư đại Niết-bàn, sanh quyết định tín. Vô phục, trùng tùy luân chuyển cảnh giới, khởi tuần hoàn kiến. Thế Tôn, nhược chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh dục du Như Lai đại tịch diệt hải, vân hà đương đoạn luân hồi căn bản, ư chư luân hồi hữu kỷ chủng tánh, tu Phật Bồ-đề, kỷ đẳng sai biệt, hồi nhập trần lao, đương thiết kỳ chủng giáo hóa phương tiện, độ chư chúng sanh, duy nguyện bất xả cứu thế đại bi, linh chư tu hành nhất thiết Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tuệ mục túc thanh chiếu diệu tâm kính, viên ngộ Như Lai vô thượng tri kiến.
Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa. Như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.
DỊCH:
Khi ấy Bồ-tát Di-lặc ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:
- Thế Tôn đại bi, rộng vì các Bồ-tát mở bày kho bí mật khiến cho đại chúng phân biệt tà chánh, thâm ngộ được lý luân hồi, hay bố thí cho tất cả chúng sanh đời sau được đạo nhãn vô úy, đối với Đại Niết-bàn sanh lòng tin quyết định, không còn khởi kiến chấp, không trở lại cảnh giới luân hồi. Bạch Thế Tôn, nếu các vị Bồ-tát và chúng sanh đời sau muốn dạo chơi trong biển đại tịch diệt Như Lai, làm sao đoạn được cội gốc luân hồi? Đối với luân hồi có bao nhiêu chủng tánh? Tu đạo Bồ-đề của Phật có bao nhiêu bậc khác nhau? Khi trở vào trong trần lao lập bao nhiêu thứ phương tiện giáo hóa để độ chúng sanh? Cúi mong đức Thế Tôn chẳng bỏ lòng đại bi cứu thế, khiến cho tất cả Bồ-tát chúng sanh đời sau tu hành mắt tuệ trong sáng, chiếu diệu gương tâm, viên ngộ được Tri kiến vô thượng Như Lai.
Thưa lời đây rồi năm vóc gieo xuống đất, thưa thỉnh như vậy ba lần rồi trở lui.
GIẢNG:
Bồ-tát Di-lặc (Maitreya) là ngài Từ Thị. Từ Thị là lòng đại bi. Vì Ngài khởi lòng đại bi độ khắp chúng sanh nên hỏi các phương tiện tường tận để Phật dạy kỹ lưỡng cho mọi người đều có thể tu được. Chủ yếu của đoạn này là Bồ-tát Di-lặc hỏi về cội gốc luân hồi. Trong bốn câu hỏi của Ngài nêu ở trên, câu hỏi thứ nhất là then chốt rất quan trọng, liên hệ đến sự tu hành của chúng ta.
1- Làm sao đoạn được cội gốc luân hồi.
2- Luân hồi có bao nhiêu chủng tánh.
3- Tu đạo Bồ-đề của Phật có mấy hạng người.
4- Những hàng Bồ-tát đi vào trong cõi trần lao lập bao nhiêu thứ phương tiện để độ chúng sanh.
Câu hỏi chót thì không liên hệ với chúng ta hiện tại, vì hỏi chuyện Bồ-tát trở lại trần lao độ sanh. Chúng ta thì chưa phải Bồ-tát, chỉ là người bị nghiệp lôi vào trần lao chớ không phải trở lại trần lao vì hạnh nguyện. Hiểu bốn câu hỏi đó, chúng ta mới hiểu câu trả lời của đức Phật.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Di-lặc Bồ-tát ngôn:
- Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh thỉnh vấn Như Lai thâm áo bí mật vi diệu chi nghĩa, linh chư Bồ-tát khiết thanh tuệ mục, cập linh nhất thiết mạt thế chúng sanh vĩnh đoạn luân hồi, tâm ngộ Thật tướng, cụ vô sanh nhẫn, nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.
Thời Di-lặc Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ, cập chư đại chúng, mặc nhiên nhi thính.
DỊCH:
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Di-lặc Bồ-tát rằng:
- Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì các Bồ-tát và chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai nghĩa thâm áo bí mật vi diệu, khiến cho mắt tuệ của các Bồ-tát được trong sáng, và khiến cho tất cả chúng sanh đời sau hằng đoạn được luân hồi, tâm ngộ được Thật tướng, đầy đủ pháp vô sanh nhẫn. Các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói.
Khi ấy, Bồ-tát Di-lặc hoan hỉ vâng lời dạy cùng chư đại chúng yên lặng lắng nghe.
GIẢNG:
Phật khen Bồ-tát Di-lặc khéo nêu lên những câu hỏi, để Phật chỉ dạy cho các vị Bồ-tát hiện tại mắt trí tuệ được sáng và chúng sanh đời sau được ra khỏi luân hồi. Phật dặn đại chúng nên lắng nghe.
ÂM:
- Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh tùng vô thủy tế, do hữu chủng chủng ân ái tham dục, cố hữu luân hồi. Nhược chư thế giới nhất thiết chủng tánh: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh giai nhân dâm dục nhi chánh tánh mạng, đương tri luân hồi, ái vi căn bản. Do hữu chư dục trợ phát ái tánh, thị cố năng linh sanh tử tương tục.
DỊCH:
- Này thiện nam, tất cả chúng sanh từ vô thủy do các thứ ân ái tham dục nên có luân hồi. Tất cả chủng tánh trong thế giới như noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh đều nhân dâm dục mà có thân mạng. Nên biết sự luân hồi, ái dục là cội gốc. Do có dục giúp phát sanh tánh ái, thế nên khiến cho sanh tử nối tiếp.
GIẢNG:
Đoạn này Phật chỉ thẳng ái là cội gốc của sanh tử luân hồi để trả lời câu hỏi thứ nhất.
Ở trên đức Phật đã nói rõ tất cả chúng sanh từ vô thủy đến giờ do ân ái tham dục mà có sanh tử luân hồi. Chữ ái ở đây đức Phật chỉ nghĩa ái mạng – ái ngã – cái ái này nặng nhất. Ái ngã tức là yêu mình, bởi yêu mình nên bỏ thân này muốn tạo thân khác, bởi yêu mình mới có những tham dục khác. Vì nhân ái ngã rồi có dục phát sanh, vậy dục trợ phát cho tánh ái. Thế nên ái dục là gốc sanh tử luân hồi tiếp nối không dứt. Chỗ này trong kinh Tạp A-hàm đức Phật dùng một ví dụ thật rõ nói về tánh ái, ái còn thì sanh mạng còn, ái hết thì sanh mạng hết. Ngài ví dụ một bầy trẻ con đang chơi ngoài vườn. Đang say sưa chơi với nhau, đứa cất chòi đứa nấu nướng… Nếu có người lớn tới hất bỏ, chúng sẽ khóc la. Khi người lớn đi rồi, chúng lại làm lại. Chỉ khi nào chúng tự chán, tự hất bỏ chừng đó mới yên chuyện. Cái thích của bọn trẻ con đức Phật dụ là ái, chúng sanh là bọn trẻ con. Như thế đang trong luân hồi, đức Phật lại bảo các ông đừng làm chuyện đó để luân hồi, nhất định chúng sanh cãi Phật liền vì còn đang thích. Chỉ khi nào tự chúng ta sợ, tự chúng ta chán, chúng ta mới bỏ việc luân hồi của mình. Khi sanh tử luân hồi thì có các loại như thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh. Bốn loại này đều từ ân ái tham dục mà có. Muốn hết luân hồi sanh tử cứ ngay gốc ái dục mà đào. Nếu không biết manh mối sanh tử luân hồi từ đâu thì không thể dứt trừ được.
Trong kinh Pháp Cú đức Phật có dạy: Đốn cây mà không đào gốc thì tược nhánh nảy sanh hoài, ái dục không trừ dứt thì khổ não vẫn theo ta mãi. Do dục giúp phát sanh tánh ái rồi tiếp nối sanh tử. Thân này vừa mất thì muốn có thân khác, dục giúp cho tánh ái mạnh đưa chúng ta tới chỗ thọ sanh, nó dẫn đi mãi trong vòng sanh tử.
ÂM:
- Dục nhân ái sanh, mạng nhân dục hữu, chúng sanh ái mạng, hoàn y dục bản, ái dục vi nhân, ái mạng vi quả.
DỊCH:
- Dục nhân ái sanh, thân mạng nhân nơi dục mà có. Chúng sanh ái thân mạng, lại y nơi dục làm gốc, ái dục là nhân, ái mạng là quả.
GIẢNG:
Đức Phật phân tích cho chúng ta thấy rõ: Dục nhân ái mà có, dục từ ái mà sanh ra, ái là yêu mến, bởi yêu mến cho nên có dục. Nhân dục mà có sanh mạng, khi có sanh mạng rồi trở lại ái mạng. Do dục mà có thân, có thân rồi ái thân. Chúng ta thấy nhiều người có phước thân tốt đẹp khỏe mạnh, thì họ ái thân họ đành đi. Còn những người vô phước họ có ái thân họ không? Họ vẫn ái thân họ như thường. Có thân là có ái. Bởi ái thân nên muốn thân ăn cho ngon, muốn thân mặc cho đẹp, muốn thân được người ta khen, cái gì cũng muốn cho thân mình được. Từ cái ái mà muốn thỏa mãn mọi nhu cầu, nhu cầu nào thiếu là bực bội. Chúng ta nói chúng ta thương người này mến người kia, kỳ thật tất cả cái mến thương gốc từ thương mình mà ra. Người nào thương mình nhiều là thương người nhiều. Tại sao vậy? Bởi thương mình nhiều cho nên người nào giúp mình mình thương họ ghê lắm, mong họ tiếp tục giúp mình nữa để được lợi cho mình. Còn người nào không thương mình thì ai giúp, mình cũng lơ là. Bệnh đó là bệnh nặng của chúng sanh. Mới nhìn qua thì thấy người nào biết lo cho người này người kia là tốt, nhưng mà lo cho người này người kia là vì mình mà lo, chớ ít có vì người mà lo lắm. Hiểu chỗ đó rồi thì mới thấy từ dục mà có thân, có thân rồi ái thân, muốn đời khác cũng có thân nữa… Cứ tiếp tục đời này sang đời khác không bao giờ cùng tận. Vì vậy nói ái là gốc của luân hồi. Bây giờ muốn không có thân đời sau thì phải dứt ngay gốc ái.
Qua lý này chúng ta mới hiểu tại sao trước tiên Phật cấm người xuất gia dâm dục. Mục đích của người xuất gia là dứt sanh tử, nên Phật nhắm thẳng vào đích, bắt phải đào gốc ái dục trước rồi lần lần phá ngã chấp, ngã chấp phá rồi thì luân hồi sanh tử theo đó mà hết. Như thế chúng ta mới thấy rõ được thâm ý của đức Phật dạy, từ giới luật cho tới kinh điển trước sau chỉ có một chủ đích. Vậy sanh tử luân hồi, ái dục và ái mạng làm nhân làm duyên nối tiếp nhau không cùng. Bây giờ nhìn ngay nơi tâm niệm của chúng ta xem ái ngã còn nhiều hay ít? Nếu ái ngã nhiều thì dòng sanh tử khó mà dứt được.
ÂM:
- Do ư dục cảnh khởi chư vi thuận, cảnh bối ái tâm nhi sanh tắng tật, tạo chủng chủng nghiệp, thị cố phục sanh địa ngục ngạ quỉ. Tri dục khả yểm, ái yếm nghiệp đạo, xả ác nhạo thiện, phục hiện thiên nhân. Hựu tri chư ái khả yểm ác cố, khả ái nhạo xả hoàn tư ái bản tiện hiện hữu vi tăng thượng thiện quả, giai luân hồi cố bất thành Thánh đạo. Thị cố chúng sanh dục thoát sanh tử miễn chư luân hồi, tiên đoạn tham dục cập trừ ái khát.
DỊCH:
- Do cảnh dục mà khởi thuận nghịch, cảnh trái với tâm ái thì sanh ra ganh ghét, tạo các thứ nghiệp nên sanh nơi địa ngục ngạ quỉ. Biết dục đáng chán, thích cái chán nghiệp đạo, bỏ ác ưa lành thì được sanh ở cõi người cõi trời. Biết ái nhiễm là ác đáng chê chán, song bỏ ái mà thích “cái bỏ”, trở lại nuôi dưỡng thêm gốc ái, nên sanh ở cõi thiện hữu vi cao hơn, đều là luân hồi nên không thành Thánh đạo. Thế nên chúng sanh muốn thoát sanh tử khỏi luân hồi thì trước phải đoạn tham dục và trừ tâm khát ái.
GIẢNG:
Do ái dục mà có thân người, sanh trong cõi người. Dục tức là lòng tham muốn, do tham muốn nên khởi ra hai thứ thuận nghịch. Gặp thuận thì ái, gặp nghịch thì tắng. Chỉ tại chúng ta ưa thích mà gặp cảnh trái với sự ưa thích của mình nên bực bội làm những điều ác điều dữ. Thí dụ như tham muốn mà không được thì sanh trộm cắp, khi trộm cắp bị ngăn chặn thì sanh ra sát hại, đó là cái nhân của địa ngục ngạ quỉ. Đó là chiều đi xuống, đi trong ba đường ác.
Trong kinh, Phật nói người chạy theo ngũ dục thì chẳng khác nào như kẻ khát mà uống nước muối, càng uống càng khát. Nếu được như ý, nó cứ tăng thêm không chỗ cùng. Tất cả thế gian về tay mình hết, không biết mình vừa chưa. Còn muốn mười điều nhưng chỉ được có một, càng muốn thì càng khổ… Có người thấy sự yêu thương thế gian là tạm bợ, được thì vui, mất thì buồn nên đâm ra chán ghét ái dục ở thế gian. Bỏ ái dục nhưng chỉ thích làm lành để đời sau được phước an vui tốt đẹp hơn, như thế cũng còn tư dưỡng gốc tham ái nên sanh về cõi hữu vi cao hơn là cõi Sắc và Vô sắc. Mặc dù chúng ta chán bỏ ái dục nhưng còn thích xả, nên Phật nói còn yêu thích thì còn tạo nghiệp nhưng nghiệp thiện, chớ chưa phải là viên mãn; vì nghiệp lành hay nghiệp dữ cũng là nghiệp.
Thế nên đức Phật dạy chúng sanh muốn thoát khỏi luân hồi thì phải dứt hết tham dục và trừ tâm khát ái, chớ bỏ cái này lại thích cái kia cũng chưa thoát khỏi vòng luân hồi.
ÂM:
- Thiện nam tử, Bồ-tát biến hóa thị hiện thế gian, phi ái vi bản, đản dĩ từ bi linh bỉ xả ái, giả chư tham dục nhi nhập sanh tử.
DỊCH:
- Này thiện nam, Bồ-tát hóa hiện thân ở thế gian chẳng phải do ái làm gốc mà là do lòng từ bi mượn tham dục mà vào trong sanh tử khiến chúng sanh bỏ ái dục.
GIẢNG:
Nghe đức Phật nói có thân ở thế gian này là do ái làm gốc, như vậy chúng ta sẽ hiểu lầm và thắc mắc “những vị Bồ-tát có thân để độ chúng sanh ở cõi này cũng do ái dục nữa sao”? Ở đây Phật giải thích, những vị Bồ-tát thị hiện giáo hóa chúng sanh ở thế gian không phải gốc từ nơi ái dục, mà do lòng từ bi các ngài muốn độ chúng sanh bỏ khát ái, các ngài mới tạm mượn ái dục mà vào trong sanh tử.
ÂM:
- Nhược chư mạt thế nhất thiết chúng sanh năng xả chư dục cập trừ tắng ái vĩnh đoạn luân hồi, cần cầu Như Lai Viên giác cảnh giới, ư thanh tịnh tâm, tiện đắc khai ngộ.
DỊCH:
- Nếu tất cả chúng sanh đời sau bỏ được các dục và trừ tâm yêu ghét thì hằng đoạn được luân hồi, siêng cầu cảnh giới Viên giác Như Lai, tâm thanh tịnh liền được khai ngộ.
GIẢNG:
Phật dạy muốn tu để giải thoát sanh tử thì phải xa lìa ngũ dục thế gian, trừ tâm yêu ghét nơi mình, nơi người và phải cầu cảnh giới Viên giác Như Lai. Gốc luân hồi phải đoạn và trở về sống với Tánh giác thì tâm thanh tịnh được khai ngộ.
ÂM:
- Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh do bản tham dục, phát huy vô minh, hiển xuất ngũ tánh sai biệt bất đẳng y nhị chủng chướng nhi hiện thâm thiển.
DỊCH:
- Này thiện nam, tất cả chúng sanh do gốc tham dục mà phát huy thêm vô minh, hiển bày ra năm tánh sai biệt chẳng đồng, y theo hai thứ chướng mà hiện có cạn sâu.
GIẢNG:
Đây đức Phật trả lời câu hỏi: Chúng sanh có bao nhiêu chủng tánh? Ngài trả lời có năm chủng tánh. Sở dĩ có năm chủng tánh là do gốc tham dục là vô minh làm sung mãn thêm, nên năm chủng tánh có sai khác.
ÂM:
- Vân hà nhị chướng? Nhất giả lý chướng, ngại chánh tri kiến. Nhị giả sự chướng, tục chư sanh tử.
DỊCH:
- Thế nào là hai chướng? Một là lý chướng làm ngại chánh tri kiến, hai là sự chướng khiến tiếp nối sanh tử.
GIẢNG:
Sự chướng là phiền não, chỉ cho cái chướng do ngũ dục ở thế gian, vì có nó nên trở ngại sự thoát ly sanh tử. Người còn bị kẹt trong năm dục là còn tiếp nối sanh tử. Lý chướng là chỉ cho vô minh, vô minh là gốc làm chúng ta không thấy đúng như thật. Do nhận hiểu lý đạo lệch lạc sai lầm cho nên chướng ngại chánh tri kiến. Ví dụ như có người cho rằng tu thiền là phải xuất hồn đi trong hư không để tìm Phật, hoặc được Phật phóng hào quang điểm đạo… đó là hiểu không đúng với lời Phật dạy trong kinh, nên chướng ngại chánh tri kiến. Do hai cái chướng đó khiến cho chúng sanh có sai biệt. Chướng của ngũ dục thì khiến chúng sanh sanh trong các loài, còn cái chướng của sự hiểu lệch lạc về lý đạo thì sanh làm quỉ thần hoặc các vị tu chứng ở trong vòng hữu lậu.
ÂM:
- Vân hà ngũ tánh? Thiện nam tử, nhược thử nhị chướng, vị đắc đoạn diệt danh vị thành Phật. Nhược chư chúng sanh vĩnh xả tham dục, tiên trừ sự chướng, vị đoạn lý chướng, đản năng ngộ nhập Thanh văn Duyên giác, vị năng hiển trụ Bồ-tát cảnh giới.
DỊCH:
- Thế nào là năm tánh? Này thiện nam, nếu hai chướng này chưa được đoạn diệt thì nói chưa thành Phật. Nếu các chúng sanh hằng xả tham dục, trước trừ sự chướng, chưa đoạn lý chướng, chỉ hay ngộ nhập cảnh giới Thanh văn, Duyên giác chưa trụ được cảnh giới Bồ-tát.
GIẢNG:
Người bỏ được tham dục thế gian là hết ái dục, mà hết ái dục thì dòng sanh tử luân hồi cũng dứt luôn. Song, dứt được tham dục thì chỉ trừ được sự chướng chớ lý chướng vẫn còn, nên chỉ vào được hàng Thanh văn Duyên giác, không vào được hàng Bồ-tát. Tại sao hàng Thanh văn Duyên giác chỉ mới trừ được sự chướng? Vì các ngài do tu Tứ đế, thấy Khổ đế và Tập đế cần phải đoạn trừ, nên các ngài ứng dụng Đạo đế đoạn trừ, khi đoạn trừ xong thì gọi là Diệt đế. Như vậy là mới đoạn trừ xong mầm sanh tử chớ chưa thấy được Pháp thân. Dứt sanh tử thì nhập Niết-bàn cho nên mới trừ được sự chướng, chớ chưa trừ được lý chướng. Bậc Duyên giác cũng vậy, các ngài do thấy cảnh lá rụng, cây cối héo xàu mà nghĩ đến thân người cũng vô thường như thế, nên các ngài tỉnh giác. Hoặc các ngài thấu rõ lý nhân duyên, thân này do đất nước gió lửa hợp lại mà có, khi duyên hết thì thân tan rã, các ngài chán thân, không còn ái dục, cho nên các ngài chỉ chứng được quả Duyên giác chớ chưa thấy được Pháp thân, nên nói còn bị lý chướng làm ngại, đó là hai chủng tánh.
ÂM:
- Thiện nam tử, nhược chư mạt thế nhất thiết chúng sanh dục phiếm Như Lai Đại viên giác hải; tiên đương phát nguyện cần đoạn nhị chướng. Nhị chướng dĩ phục tức năng ngộ nhập Bồ-tát cảnh giới. Nhược sự lý chướng dĩ vĩnh đoạn diệt, tức nhập Như Lai vi diệu Viên giác, mãn túc Bồ-đề cập Đại Niết-bàn.
DỊCH:
- Này thiện nam, nếu các chúng sanh đời sau muốn dạo biển Đại viên giác Như Lai, trước phải phát nguyện siêng đoạn hai chướng. Hai chướng đã nép phục thì ngộ nhập được cảnh giới Bồ-tát. Nếu sự chướng lý chướng đã đoạn diệt hẳn thì ngộ nhập tánh Viên giác vi diệu Như Lai, viên mãn quả Bồ-đề và Đại Niết-bàn.
GIẢNG:
Chủng tánh thứ ba là chủng tánh Bồ-tát. Chúng sanh phàm phu thì bị hai thứ phiền não chướng và sở tri chướng làm chướng đạo Bồ-đề, nên đi trong luân hồi sanh tử. Trải qua thời gian tu hành hai chướng ấy nép phục thì chúng sanh bước lên địa vị Bồ-tát. Khi lên địa vị Bồ-tát, tiếp tục tu đoạn lìa phiền não chướng và sở tri chướng mới chứng được Pháp thân. Vì vậy nên nói Bồ-tát tùy phần giác, nghĩa là Bồ-tát thấy được một phần Pháp thân thì phá được một phần lý chướng. Lý chướng ngăn che không thấy được Pháp thân, khi hoàn toàn hết lý chướng thì viên mãn gọi là thành Phật. Nên ở đây nói muốn vào biển Đại viên giác Như Lai thì phải đoạn sự và lý chướng.
ÂM:
- Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh giai chứng Viên giác, phùng thiện tri thức y bỉ sở tác nhân địa pháp hạnh, nhĩ thời tu tập tiện hữu đốn tiệm, nhược ngộ Như Lai Vô thượng Bồ-đề, chánh tu hành lộ, căn vô đại tiểu, giai thành Phật quả.
DỊCH:
- Này thiện nam, tất cả chúng sanh đều chứng Viên giác, gặp thiện tri thức y nơi pháp hạnh nhân địa mà vị ấy đã tu, bấy giờ tu tập theo, liền có đốn và tiệm. Nếu gặp được pháp tu hành chân chánh Vô thượng Bồ-đề của Như Lai thì đều thành Phật quả, căn cơ không chia lớn nhỏ.
GIẢNG:
Đây Phật nói tầm quan trọng của thiện tri thức đối với người tu. Tất cả chúng sanh đều có Tánh giác, chớ không dành riêng cho một người nào được chứng. Nhưng tu đốn hay tiệm là do gặp thiện tri thức, rồi y nơi pháp hạnh của thiện tri thức đó mà tu. Khi tu tập liền có chia đốn tiệm. Như cũng thuyết pháp dạy tu, nhưng mỗi vị thầy hướng dẫn tu không giống nhau. Nếu khi phát tâm tu mà chúng ta gặp vị thầy tu tiệm giáo thì người dạy chúng ta tu theo tiệm giáo. Nếu gặp vị thầy tu đốn giáo thì dạy chúng ta tu theo đốn giáo. Tu trở thành đốn hay tiệm là do thiện tri thức hướng dẫn, phải hiểu rõ như vậy. Nếu không rõ thì quí vị nghĩ thầy nào cũng dạy mình tu, chọn lựa làm chi? Nghĩ như vậy sẽ không được lợi ích lớn. Người biết chọn thầy và pháp môn tu cho thích hợp với căn cơ của mình mới được lợi ích. Còn nếu gặp Phật, y theo đạo Vô thượng Bồ-đề của đức Phật để tu thì được vào thẳng tánh Viên giác, chớ không có đốn tiệm lớn nhỏ. Lúc đức Phật còn tại thế không chia đốn tiệm, đức Phật nói pháp, người nghe tu đúng pháp đều đắc quả A-la-hán. Sau này đệ tử Phật tùy theo mỗi vị có công hạnh tu riêng, mà chia ra nhiều tông phái khác nhau. Như vậy, thiện tri thức đối với người tu rất quan trọng chớ không phải thường, tu tiến nhanh hay chậm do ảnh hưởng thiện tri thức rất nhiều. Đó là chủng tánh thứ tư, chủng tánh bất định.
ÂM:
- Nhược chư chúng sanh tuy cầu thiện hữu ngộ tà kiến giả, vị đắc chánh ngộ, thị tắc danh vi ngoại đạo chủng tánh, tà sư quá mậu, phi chúng sanh cữu, thị danh chúng sanh ngũ tánh sai biệt.
DỊCH:
- Nếu các chúng sanh tuy cầu bạn lành, lại gặp người tà kiến chưa được chánh ngộ, ấy gọi là chủng tánh ngoại đạo. Đây là do lỗi lầm của tà sư, chớ không phải lỗi nơi chúng sanh ấy. Đó là năm chủng tánh sai biệt của chúng sanh.
GIẢNG:
Đoạn này trả lời câu hỏi thứ ba, có những người tu cũng tìm thiện hữu tri thức, nhưng lại gặp thầy tà, thầy tà sẽ dẫn họ đi đường tà, ấy là chủng tánh ngoại đạo. Lỗi đó tại ai? Lỗi tại người thầy chớ không phải tại người học đạo, người học đạo đâu có biết gì, tại ông thầy hướng dẫn, lúc sơ phát tâm họ như tờ giấy trắng in hình gì thì ra hình đó.
Như vậy, chúng ta thấy chúng sanh nào cũng có tánh Viên giác, nhưng tại chúng ta gặp thầy hướng dẫn tu khác nhau, nên kết quả cũng khác nhau. Ví dụ như có người phát tâm xuất gia, nhưng kém phước lại gặp ông thầy dạy: “Đem tiền đây ta cúng cho, năm nay con bị mắc tam tai rồi đó!” Cứ như vậy, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, cúng hoài rồi quen với quỉ thần, chớ không dạy đạo lý gì hết, như thế là lạc vào đường tà. Lại có người phát tâm tu nhưng có duyên gặp được thầy thông đạo lý, đem giáo lý Phật giảng giải cho hiểu để biết đường lối tu hành chân chánh. Như vậy, đồng thời phát tâm tu như nhau, nhưng khi gặp thầy khác nhau thì tu ít năm kết quả cũng khác nhau. Khác là tại thiện hữu tri thức, chớ không phải tại họ có chủng tánh khác. Tuy nhiên nói vậy không phải phủ nhận cái duyên của họ, có duyên với tà nên dễ gặp tà. Gặp người tà nói mơ mơ màng màng linh ứng thế này linh ứng thế nọ thì họ thích và theo. Người có duyên với chánh pháp thì đến với đạo bằng trí tuệ chớ không phải bằng niềm tin.
ÂM:
- Thiện nam tử, Bồ-tát duy dĩ đại bi phương tiện nhập chư thế gian khai phát vị ngộ, nãi chí thị hiện chủng chủng hình tướng nghịch thuận cảnh giới, dữ kỳ đồng sự hóa linh thành Phật, giai y vô thủy thanh tịnh nguyện lực.
DỊCH:
- Này thiện nam, Bồ-tát chỉ dùng lòng đại bi, mà phương tiện vào các thế gian khai phát những người chưa ngộ, cho đến thị hiện nhiều hình tướng hoặc cảnh giới nghịch hay thuận, họ đồng sự để giáo hóa khiến cho thành Phật, đều y nơi nguyện lực thanh tịnh từ vô thủy.
GIẢNG:
Câu hỏi thứ tư là Bồ-tát vào thế gian này có bao nhiêu thứ phương tiện? Phật trả lời Bồ-tát do lòng đại bi và hạnh nguyện độ sanh, nên phương tiện vào trong thế gian hiện các thứ hình tướng, như cảnh giới thuận nghịch để hóa độ chúng sanh, chớ không phải bị nghiệp ái dục lôi vào. Bồ-tát dùng phương tiện hiện hình tướng để độ sanh như hiện tướng Bồ-tát, tướng Tỳ-kheo, tướng cư sĩ, vua, quan… Thị hiện cảnh giới thuận là Bồ-tát xuất gia tu hành ngộ đạo, giáo hóa đúng với đạo lý của Phật dạy. Cảnh giới nghịch là Bồ-tát hiện ra cảnh dầu sôi lửa bỏng, ngưu đầu mã diện… để người ác sợ, thức tỉnh hồi tâm tu hành. Hoặc các ngài vào trong cảnh khổ làm những nghề xấu xa để dẫn dắt chúng sanh, khi vào trong đó phải đồng sự với họ, sống chung với họ. Mọi người thấy không tin là Bồ-tát, nhưng các ngài âm thầm làm hạnh Bồ-tát. Trong cảnh đó thì khó làm, ở trong cảnh giới thuận thì dễ, vì giữ giới hạnh đàng hoàng và nói đạo lý dạy tu nên dễ tin hơn. Còn ở trong chỗ mọi người xem thường chê bai mà nói pháp mới thật là khó. Tất cả hạnh thuận nghịch đều chỉ vì lòng từ bi và nguyện lực thanh tịnh, chớ không có động lực nào khác.
Như vậy thì chung quanh chúng ta rất nhiều Bồ-tát. Vì chúng ta tìm Bồ-tát có hào quang nên dễ bị ma gạt. Quí vị phải lặng tâm mà xét thì thấy chung quanh mình rất nhiều Bồ-tát, chớ không phải ít đâu. Kinh Phật nói, Phật ra đời có những vị Bồ-tát trợ hóa. Khi Phật không ra đời cũng có rất nhiều Bồ-tát lẫn lộn trong nhân gian để đánh thức chúng sanh. Bồ-tát là người gỡ cho chúng ta bớt nhiễm, gỡ cho chúng ta bớt đắm trước. Giả sử họ tỏ ra rất tầm thường không có gì cao quí đáng phục, nhưng họ biết chận những nhiễm ái, những tội lỗi cho chúng ta thì đó cũng là hiện thân của Bồ-tát.
ÂM:
- Nhược chư mạt thế nhất thiết chúng sanh, ư Đại viên giác khởi tăng thượng tâm đương phát Bồ-tát thanh tịnh đại nguyện, ưng tác thị ngôn: Nguyện ngã kim giả trụ Phật Viên giác, cầu thiện tri thức mạc trị ngoại đạo cập dữ Nhị thừa, y nguyện tu hành tiệm đoạn chư chướng, chướng tận nguyện mãn tiện đăng giải thoát thanh tịnh pháp điện, chứng Đại viên giác diệu trang nghiêm vực.
DỊCH:
- Nếu các chúng sanh đời sau đối với Đại viên giác, khởi tâm tăng thượng, nên phát lời đại nguyện, thanh tịnh của Bồ-tát như thế này: Con nguyện ngày nay được trụ trong Viên giác Phật, xin gặp thiện tri thức, chẳng gặp ngoại đạo cùng với Nhị thừa. Con y theo nguyện tu hành lần lần đoạn trừ các chướng. Chướng dứt, nguyện được viên mãn, liền lên pháp điện thanh tịnh giải thoát, chứng được cảnh giới trang nghiêm vi diệu Đại viên giác.
GIẢNG:
Đoạn này đức Phật dạy chúng ta phát nguyện, người tu muốn khỏi rơi vào đường tà và khỏi lạc vào Nhị thừa phải hằng phát nguyện: Đời này con ở mãi trong Viên giác Phật, nguyện chẳng gặp ngoại đạo và Nhị thừa, y theo đạo lý Đại thừa mà tu hành, lần lần đoạn các chướng ngại, vào cảnh giới Viên giác Diệu trang nghiêm. Đó là đức Phật đã chỉ rõ đường lối tu, để cho chúng ta được kết quả như ý nguyện. Hạt giống Bồ-đề của chúng ta nếu gặp đất tốt sẽ tăng trưởng rất nhanh, nếu không thì đường tu của chúng ta sẽ bị chướng ngại và lần lần chán nản rồi bỏ tu luôn. Chúng ta phải khéo tu làm sao để mình đi hoài trên con đường chân chánh không bị sai lệch.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa, nhi thuyết kệ ngôn:
- Di-lặc nhữ đương tri
Nhất thiết chư chúng sanh
Bất đắc đại giải thoát
Giai do tham dục cố
Đọa lạc ư sanh tử
Nhược năng đoạn tắng ái
Cập dữ tham sân si
Bất nhân sai biệt tánh
Giai đắc thành Phật đạo
Nhị chướng vĩnh tiêu diệt
Cầu sư đắc chánh ngộ
Tùy thuận Bồ-tát nguyện
Y chỉ Đại Niết-bàn
Thập phương chư Bồ-tát
Giai dĩ đại bi nguyện
Thị hiện nhập sanh tử
Hiện tại tu hành giả
Cập mạt thế chúng sanh
Cần đoạn chư ái kiến
Tiện qui Đại viên giác.
DỊCH:
Bấy giờ đức Phật muốn lặp lại nghĩa này, nói kệ rằng:
- Di-lặc ông nên biết
Tất cả các chúng sanh,
Không được đại giải thoát,
Đều do ở tham dục,
Đọa lạc vào sanh tử.
Nếu hay đoạn yêu ghét,
Cùng với tham sân si,
Chẳng do tánh sai biệt
Đều được thành Phật đạo.
Hai chướng tiêu diệt hẳn,
Cầu thầy được chánh ngộ,
Thuận theo nguyện Bồ-tát,
Y nơi Đại Niết-bàn.
Mười phương các Bồ-tát,
Đều do nguyện đại bi,
Thị hiện vào sanh tử.
Hiện tại người tu hành,
Và chúng sanh đời sau,
Siêng đoạn các ái kiến,
Trở về Đại viên giác.
GIẢNG:
Bài trùng tụng này đức Phật dạy chúng ta tu hành thì phải đoạn yêu ghét và tham sân si mới được giải thoát. Vì vậy phải cầu minh sư khai ngộ, rồi y theo hạnh nguyện của Bồ-tát mà đoạn dứt hai chướng và cầu được an trụ nơi Đại Niết-bàn của Phật .
Các vị Bồ-tát ở mười phương đều do lòng đại bi, phát nguyện thị hiện trong sanh tử trần lao, không sợ ô nhiễm không ngại gian lao, để độ chúng sanh dứt hết ái hoặc, trở về với tánh Viên giác.
Tóm lại, chúng ta chỉ cần nhớ những câu hỏi trong chương này là hiểu trọn được ý nghĩa.
1. Cái gì là cội gốc của luân hồi sanh tử?
- Ái dục là cội gốc của luân hồi sanh tử.
2. Trong luân hồi sanh tử có bao nhiêu loài?
- Có hai mươi lăm loài, nghĩa là mười nghiệp ác cộng mười nghiệp thiện, cộng năm ấm mà sanh ra hai mươi lăm loài.
3. Có bao nhiêu chủng tánh?
- Có năm chủng tánh sai biệt.
4. Bồ-tát vào thế gian có bao nhiêu thứ phương tiện?
- Do lòng đại bi phát nguyện vào trong thế gian để độ chúng sanh.
Chúng ta hiểu rõ bốn câu hỏi và lời đáp của đức Phật thì thâm nhập được phần này.
Các bài mới
- Kinh Viên Giác ( Phần 5) - CHƯƠNG IV: BỒ-TÁT KIM CANG TẠNG THƯA HỎI - 31/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 4) - CHƯƠNG III: BỒ-TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI - 18/03/2016
- Kinh Viên giác(Phần 3): CHƯƠNG II: BỒ-TÁT PHỔ HIỀN THƯA HỎI - 08/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 2): CHƯƠNG I: BỒ-TÁT VĂN-THÙ-SƯ-LỢI THƯA HỎI - 26/02/2016
- Kinh Viên Giác giảng giải - Phần 1 - 14/02/2016
Các bài đã đăng
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 11 - 12/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 10 - 11/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 9 - 10/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 8 - 09/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 7 - 07/03/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89478
- Online: 31