Kinh Viên Giác ( Phần 8) - CHƯƠNG VII: BỒ-TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI THƯA HỎI

13/07/2016 | Lượt xem: 4032

CHƯƠNG VII

BỒ-TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI THƯA HỎI

ÂM:

Ư thị Oai Đức Tự Tại Bồ-tát, tại đại chúng trung tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

 - Đại bi Thế Tôn quảng vị ngã đẳng phân biệt như thị tùy thuận Giác tánh linh chư Bồ-tát giác tâm quang minh, thừa Phật viên âm bất nhân tu tập nhi đắc thiện lợi. Thế Tôn, thí như đại thành ngoại hữu tứ môn tùy phương lai giả, phi chỉ nhất lộ. Nhất thiết Bồ-tát trang nghiêm Phật quốc, cập thành Bồ-đề phi nhất phương tiện. Duy nguyện Thế Tôn quảng vị ngã đẳng tuyên thuyết nhất thiết phương tiện tiệm thứ tinh tu hành nhân tổng hữu kỉ chủng, linh thử hội Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh cầu Đại thừa giả, tốc đắc khai ngộ, du hí Như Lai đại tịch diệt hải.

Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.

DỊCH:

Lúc đó, Bồ-tát Oai Đức Tự Tại ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:

- Đức Thế Tôn đại bi, đã vì chúng con phân biệt rộng tùy thuận Tánh giác như thế, khiến cho các Bồ-tát, nương nơi viên âm của Phật mà tâm được sáng suốt, không nhân tu hành mà được lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn, ví như thành lớn, ngoài có bốn cửa, người tùy theo mỗi phương mà vào, chẳng phải chỉ một đường. Tất cả Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật và thành Bồ-đề chẳng phải chỉ có một phương tiện. Cúi xin đức Thế Tôn rộng vì chúng con tuyên nói tất cả phương tiện thứ lớp và người tu hành có bao nhiêu hạng để cho Bồ-tát trong hội này và chúng sanh đời sau, người cầu Đại thừa mau được khai ngộ, dạo chơi trong biển đại tịch diệt Như Lai.

Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, thưa hỏi như vậy lặp lại ba lần.

GIẢNG:

Oai Đức Tự Tại là biểu trưng nơi mình, Đức là chỉ cho bên trong sung túc, Oai là hiện tướng bên ngoài khiến người nể phục. Trong có đầy đủ diệu đức nên hiện ra ngoài có những oai phong khiến người khác phải nể phục. Ở chương này Bồ-tát Oai Đức Tự Tại tự đã biết pháp tu viên mãn rồi, nhưng vì thương chúng sanh đời sau căn cơ thấp kém không thể nghe pháp đốn giáo liền nhập dễ dàng mà cần phải có phương tiện thứ lớp mới tiến tu được, nên Ngài thị hiện đứng ra thưa hỏi để đức Phật chỉ rõ cho chúng sanh đời sau dễ tiến tu.

Ý của Bồ-tát Oai Đức Tự Tại hỏi rằng: Muốn thể nhập tánh Viên giác có bao nhiêu thứ phương tiện và thứ lớp như thế nào? Sau đó Ngài đưa ra một ví dụ là có một cái thành lớn ở ngoài có bốn cửa, người tùy theo mỗi phương mà vào, chẳng phải chỉ có một cửa một đường. Chẳng hạn như thành phố Sài Gòn, người ở miền Đông thì phải đi con đường từ miền Đông vào, người ở miền Tây thì phải đi con đường từ miền Tây vào, người ở miền Trung thì phải đi con đường từ miền Trung vào; mỗi người tùy theo chỗ của mình ở mà có những con đường vào khác nhau, chớ không phải cố định có một con đường vào thành phố. Cũng như thế, muốn vào biển Viên giác cũng có nhiều phương tiện để vào, bởi vì tất cả sự tu hành đều là phương tiện. Phương tiện nào đưa đến giác ngộ, phương tiện nào đưa đến giải thoát, đó là chủ yếu mà ngài Bồ-tát Oai Đức Tự Tại đứng ra thưa hỏi.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Oai Đức Tự Tại Bồ-tát ngôn:

- Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh vấn ư Như Lai như thị phương tiện. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Oai Đức Tự Tại Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ, cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

- Thiện nam tử, Vô thượng Diệu giác biến chư thập phương xuất sanh Như Lai dữ nhất thiết pháp đồng thể bình đẳng, ư chư tu hành thật vô hữu nhị phương tiện tùy thuận kỳ số vô lượng, viên nhiếp sở qui tuần tánh sai biệt đương hữu tam chủng.

DỊCH:

Khi ấy, đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Oai Đức Tự Tại rằng:

- Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì các Bồ-tát và những chúng sanh đời sau, thưa hỏi Như Lai về những phương tiện như thế. Ông hãy lắng nghe ta sẽ vì các ông nói.

Khi ấy, Bồ-tát Oai Đức Tự Tại vâng lời dạy vui vẻ cùng đại chúng im lặng lắng nghe.

- Này thiện nam, tánh Viên giác vô thượng nhiệm mầu trùm khắp mười phương sanh ra Như Lai và tất cả pháp đồng thể bình đẳng, đối với sự tu hành thật không có hai, song phương tiện tùy thuận thì vô lượng, gom hết trở về theo tánh sai biệt, có ba thứ.

GIẢNG:

Đây Phật chỉ rõ đường tu hành để nhập tánh Viên giác vô thượng nhiệm mầu thì không có hai, nhưng căn cứ vào phương tiện tùy thuận thì có vô lượng không thể kể hết, đứng trên chỗ sai biệt tạm nói có ba là Chỉ, Quán và Thiền.

ÂM:

- Thiện nam tử! Nhược chư Bồ-tát, ngộ tịnh Viên giác, dĩ tịnh Giác tâm thủ tĩnh vi hạnh, do trừng chư niệm, giác thức phiền động, tĩnh tuệ phát sanh, thân tâm khách trần tùng thử vĩnh diệt. Tiện năng nội phát tịch tĩnh khinh an. Do tịch tĩnh cố thập phương thế giới chư Như Lai tâm ư trung hiển hiện, như kính trung tượng. Thử phương tiện giả danh Xa-ma-tha.

DỊCH:

- Này thiện nam, nếu Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh, dùng Tâm giác thanh tịnh giữ cái lặng lẽ làm hạnh, rồi y đó lắng các vọng niệm và biết thức phiền động, thì trí tuệ lặng lẽ phát sanh, thân tâm khách trần từ đây diệt hết. Nội (tâm) liền phát ra lặng lẽ khinh an. Do vì lặng lẽ nên tâm của các đức Như Lai ở mười phương thế giới hiển hiện rõ trong đó, như bóng hiện trong gương. Phương tiện này gọi là Xa-ma-tha.

GIẢNG:

Xa-ma-tha (Sámatha) chữ Phạn, Trung Hoa dịch là Chỉ. Phương tiện đầu là tu Chỉ, phương tiện tu Chỉ trong kinh Viên Giác khác hơn phương tiện tu Chỉ Quán của tông Thiên Thai.

Phật dạy có ba giai đoạn:

1- Giác ngộ mình có tánh tịnh Viên giác, tức là Tánh giác sẵn tròn đầy bên trong.

2- Phải biết thức tâm hay thức tình này là phiền động.

3- Được cái tịch tĩnh khinh an nên tâm các đức Như Lai đều ở trong đó hiện bày.

Đầu tiên Phật nói rằng các vị Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh, nghĩa là ngộ được Pháp thân rồi thì dùng Tâm giác thanh tịnh giữ cái lặng lẽ làm hạnh, tức là lóng lặng hết các vọng niệm và biết thức dao động. Do tâm lặng lẽ nên trí tuệ sáng suốt thanh tịnh phát sanh. Khi trí tuệ thanh tịnh sáng suốt phát sanh thì những cái xao xuyến phiền động của thân tâm ngang đây bặt dứt. Bấy giờ nội tâm được tịch tĩnh khinh an. Do thân tâm tịch tĩnh khinh an nên tâm của tất cả chư Phật hiện rõ trong đó, giống như bóng hiện trong gương vậy. Tức là tâm của người tu thật lặng lẽ cho nên thấy hình ảnh mười phương chư Phật đều hiện. Phương pháp tu này gọi là Chỉ.

Chúng ta thấy điều kiện tiên quyết đức Phật nêu ra là trước phải ngộ được tánh tịnh Viên giác, điều kiện này không khác điều kiện các vị Thiền sư nêu ra. Đó là tu thiền trước phải kiến tánh, thường gọi là kiến tánh khởi tu. Cho nên phải nhận ra tánh bất sanh bất diệt, tánh bất sanh bất diệt đó gọi là tánh Viên giác. Nhận ra được rồi mới dùng các phương tiện dẹp các vọng trần, vọng tưởng. Nhưng lóng các niệm này, chúng ta đừng hiểu lầm, nhiều người nghe nói lóng hết các tâm niệm vọng tưởng xuống nên ngồi đè cố kềm nó lại, đó là bệnh của thiền, vì không biết cứ tưởng đè xuống đừng cho dấy lên, nhưng càng đè càng tai hại. Ở đây phải khéo hiểu như các Thiền sư dạy, tức biết vọng không theo. Cho nên trừng tâm là dừng nó lại.

Chúng ta tu thì có khi dùng Chỉ, có khi dùng Quán. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói Chỉ và Quán đồng thời, Chỉ là định và Quán là tuệ, hai cái không rời nhau. Ngay khi vọng tưởng khởi chúng ta biết và buông, đó là có Chỉ và Quán; biết vọng tưởng là Quán, buông không theo và vọng tưởng lặng xuống là Chỉ, ấy là định tuệ đồng tu chớ không chia ra hai thứ. Chia ra hai thứ là khi nào luôn luôn dùng một cách. Như khi ngồi thiền, dùng phương tiện buộc tâm, vọng tưởng không dấy lên, tâm lặng lẽ, đó gọi là Chỉ. Còn nếu dùng trí xét tới xét lui thấy thân này do tứ đại hòa hợp, rồi sẽ rã tan, gọi là Quán. Đây chúng ta nói có tính cách chia chẻ, chớ thật ra trong Chỉ đã có Quán, trong Quán đã có Chỉ, pháp tu này Lục Tổ gọi là định tuệ bình đẳng. Còn Chỉ Quán của tông Thiên Thai dạy tu về Sổ tức (đếm hơi thở), rồi qua Tùy tức (theo hơi thở), rồi Chỉ (dừng tâm ở mũi) để thấy hơi thở ra vô, hoặc dùng đề mục để trụ tâm một chỗ ấy là Chỉ. Quán là ứng dụng pháp quán chiếu.

Đoạn kinh này nói cảnh giới của hàng Bồ-tát vượt quá pháp Chỉ Quán thường của chúng ta, cho nên nghe hơi khó hiểu.

ÂM:

- Thiện nam tử, nhược chư Bồ-tát ngộ tịnh Viên giác, dĩ tịnh Giác tâm tri giác tâm tánh cập dữ căn trần giai nhân huyễn hóa, tức khởi chư huyễn, dĩ trừ huyễn giả, biến hóa chư huyễn nhi khai huyễn chúng. Do khởi huyễn cố, tiện năng nội phát đại bi khinh an. Nhất thiết Bồ-tát tùng thử khởi hạnh, tiệm thứ tăng tiến. Bỉ quán huyễn giả phi đồng huyễn cố phi đồng huyễn quán, giai thị huyễn cố, huyễn tướng vĩnh ly. Thị chư Bồ-tát sở viên diệu hạnh, như thổ trưởng miêu. Thử phương tiện giả danh Tam-ma-bát-đề.

DỊCH:

- Này thiện nam tử, nếu các vị Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh rồi, dùng Giác tâm thanh tịnh nhận biết tâm tánh cùng với căn trần đều là huyễn hóa, liền khởi trí huyễn để trừ pháp huyễn, biến hiện các hạnh huyễn mà khai hóa chúng sanh như huyễn. Do khởi pháp quán huyễn nên nội tâm phát đại bi khinh an. Tất cả Bồ-tát từ đây khởi hạnh tu Quán, dần dần tăng tiến. Người quán huyễn không đồng với cảnh huyễn, không đồng với pháp quán huyễn, vì đều là huyễn nên tướng huyễn hằng lìa. Các vị Bồ-tát này ở nơi hạnh viên diệu như đất làm cho mầm được tăng trưởng, phương tiện ấy gọi là Tam-ma-bát-đề (Quán).

GIẢNG:

Tam-ma-bát-đề (Samapatti) là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Quán. Đoạn này nói các vị Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh rồi, nhận biết được Giác tâm căn trần đều là huyễn hóa. Nghĩa là biết rõ nơi thân này và bao nhiêu ý thức vọng tưởng đều huyễn hóa, cho tới ngoại cảnh chúng sanh cũng đều là tướng huyễn hóa. Khi ấy mới khởi trí huyễn để trừ huyễn, tức là niệm nào khởi lên cũng biết nó là huyễn liền buông. Bồ-tát có hai cách, một là khởi quán để trừ bệnh của chính mình, hai là khi thuần thục rồi lại dùng phương tiện huyễn hóa để giáo hóa chúng sanh. Phương tiện mình giáo hóa là huyễn thì chúng sanh được giáo hóa cũng là huyễn. Đó là cái quán của Bồ-tát.

Do khởi trí huyễn cho nên phát lòng đại bi khinh an. Tại sao khởi trí huyễn mà lại có tâm đại bi? Khi thấy rõ ràng thân này là huyễn, cảnh là huyễn, Tâm giác tri khởi quán cũng là huyễn và khi chúng ta nhìn thấy người khác cho thân cảnh là thật, thì tự nhiên thấy thương, lòng thương nhẹ nhàng trong sạch khác với lòng luyến ái tham dục cho nên gọi là đại bi khinh an.

Khi Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh rồi, các ngài mới y nơi tánh Viên giác quán các pháp căn, trần, thức là huyễn hóa không thật. Bấy giờ Bồ-tát khởi trí như huyễn để diệt vô minh phiền não như huyễn, tu các hạnh như huyễn, giáo hóa chúng sanh như huyễn. Khi các cảnh huyễn đã không, trí quán huyễn cũng hết, tức là tâm cảnh hay năng sở không còn, hằng xa lìa các tướng huyễn hóa thì tánh Viên giác chân thật (phi huyễn) của Bồ-tát hiện ra. Chẳng khác nào đất nuôi lớn mầm cây vậy. Như hạt giống ương dưới đất, nhờ đất mà nẩy mầm, nhờ đất mà mầm tăng trưởng chớ không lui sụt, phương tiện này gọi là Quán.

ÂM:

- Thiện nam tử, nhược chư Bồ-tát ngộ tịnh Viên giác, dĩ tịnh Giác tâm bất thủ huyễn hóa cập chư tĩnh tướng. Liễu tri thân tâm giai vi quái ngại vô tri giác minh bất y chư ngại vĩnh đắc siêu quá ngại vô ngại cảnh. Thọ dụng thế giới cập dữ thân tâm, tướng tại trần vực, như khí trung hoàng thanh xuất vu ngoại, phiền não Niết-bàn bất tương lưu ngại. Tiện năng nội phát tịch diệt khinh an diệu giác tùy thuận tịch diệt cảnh giới, tự tha thân tâm sở bất năng cập, chúng sanh thọ mạng giai vi phù tưởng. Thử phương tiện giả danh vi Thiền-na.

DỊCH:

- Này thiện nam, nếu các vị Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh, dùng Giác tâm thanh tịnh không thủ pháp quán huyễn và tướng lặng lẽ. Rõ biết thân tâm đều là vật ngăn ngại, còn cái vô tri giác minh thì không bị các pháp làm chướng ngại, hằng siêu vượt các pháp chướng ngại và không chướng ngại. Thọ dụng các tướng thế giới và thân tâm ở cõi trần này, cũng như âm thanh từ đồ vật thoát ra ngoài, phiền não Niết-bàn chẳng lưu ngại nhau, nội tâm liền được lặng lẽ khinh an, diệu giác tùy thuận cảnh giới tịch diệt tự tha, thân tâm không còn có thể kịp nữa. Chúng sanh, thọ mạng đều là cái tưởng phù hư. Phương tiện tu này gọi là Thiền-na.

GIẢNG:

Thiền-na (Dhyàna) là tiếng Phạn, thường nói là Thiền, cũng dịch là Tĩnh lự. Đoạn này Phật dạy, Bồ-tát ngộ được tánh Viên giác thanh tịnh rồi, y nơi tánh Viên giác thanh tịnh mà tu, không chấp giữ pháp Chỉ và pháp Quán, thấy rõ thân tâm này là vật ngăn ngại, chỉ có “vô tri giác minh” không bị các pháp làm chướng ngại, vì vô tri giác minh hằng vượt trên các pháp tương đối chướng ngại và không chướng ngại… Vô tri giác minh trong kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là Vô phân biệt trí tức là cái trí biết không phân biệt. Ở đây vô tri là không phân biệt, giác minh là hằng giác hằng sáng. Thông thường chúng ta nhìn cành hoa liền phân biệt cành hoa đẹp xấu, biết như vậy là thức chớ không phải trí. Còn nếu nói theo tinh thần vô tri giác minh của kinh này, hay Vô phân biệt trí của kinh Lăng Nghiêm, thì thấy cành hoa biết cành hoa chớ không phân biệt cành hoa đẹp hoặc xấu rồi khen chê… không phân biệt gọi là vô tri, biết rõ cành hoa màu gì, loại hoa gì, đó là giác minh. Cái vô tri giác minh là cái biết sáng suốt không phân biệt, không bị các pháp thế gian làm chướng ngại, vì nó vượt trên tất cả pháp tương đối của thế gian. Trong kinh, Phật dùng thí dụ “khí trung hoàng”, ngày trước các Hòa thượng giảng đoạn này hay dùng thí dụ ở quê có cây đàn kìm, trong có để miếng thiếc hay miếng đồng khua loong boong. Miếng đó ở trong lòng cái bọng, tiếng khua của nó vang ra ngoài. Ở đây cũng vậy, chúng ta biết thân là ngại, tâm là ngại khi đang ở trong cảnh trần chúng ta vẫn vượt ra ngoài không có chướng ngại. Thế nên Phật nói thân tâm của hành giả vẫn ở tại cõi trần mà không bị phiền não trần lao làm ngăn ngại, cũng không bị kẹt trong cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh. Vô tri giác minh đối với thân tâm của hành giả ở trong cõi trần này giống như âm thanh của vật thoát ra khỏi vật vậy. Thân tâm không còn có thể kịp nữa vì thân tâm là phù hư, không có thật, còn Trí vô phân biệt thì trùm khắp. Đây là cảnh giới của những vị Bồ-tát đã ngộ tánh Viên giác tu đến chỗ tịch diệt khinh an, có cái công dụng thân tâm ở cõi này mà không bị kẹt bị vướng.

Tóm lại phải nhận ngay nơi mình có Tánh giác, Tánh giác đó đối với thân này, ý niệm vọng tưởng này, cảnh giới hiện giờ này đều không chướng ngại được nó. Lúc đó thân tâm này cũng như bọt nổi không có gì quan trọng. Nhận được như vậy và sống mãi chỗ đó, được lặng lẽ khinh an thì đó là cảnh giới Thiền-na.

ÂM:

- Thiện nam tử, thử tam pháp môn giai thị Viên giác thân cận tùy thuận. Thập phương Như Lai nhân thử thành Phật. Thập phương Bồ-tát chủng chủng phương tiện nhất thiết đồng dị giai y như thị tam chủng sự nghiệp, nhược đắc viên chứng tức thành Viên giác.

DỊCH:

- Này thiện nam, ba pháp môn này đều là thân cận tùy thuận tánh Viên giác. Mười phương Như Lai nhân đây mà thành Phật. Mười phương Bồ-tát tu mọi phương tiện đồng hay khác, đều y ba sự nghiệp này, nếu được viên chứng tức thành Viên giác.

GIẢNG:

Phật kết thúc ba pháp môn Chỉ, Quán và Thiền là phương tiện chung cho tất cả người tu hành. Phật và Bồ-tát cũng y nơi đây mà tu. Căn cứ trên sự chứng ngộ thì Phật khác, Bồ-tát khác, nhưng phương tiện tiến tu thì đồng. Các ngài đều y theo ba pháp tu này mà được thành tựu đạo quả.

ÂM:

- Thiện nam tử, giả sử hữu nhân tu ư Thánh đạo, giáo hóa thành tựu bá thiên vạn ức A-la-hán, Bích-chi Phật quả, bất như hữu nhân văn thử Viên giác vô ngại pháp môn, nhất sát-na khoảnh tùy thuận tu tập.

DỊCH:

- Này thiện nam, giả sử có người tu theo Thánh đạo, giáo hóa trăm ngàn muôn ức người thành tựu quả A-la-hán, Bích-chi Phật, không bằng người chỉ nghe pháp môn Viên giác vô ngại này trong khoảng sát-na mà tùy thuận tu tập.

GIẢNG:

Phật ca ngợi pháp môn Viên giác, giả sử có người giáo hóa một trăm, một ngàn, hay trăm ngàn vị chứng A-la-hán và Bích-chi Phật, công đức không bằng người nghe pháp môn Viên giác này chỉ trong khoảng chốc lát mà tùy thuận tu tập. Tại sao vậy? Vì nếu dạy người tu chứng quả A-la-hán hay là chứng quả Duyên giác Bích-chi, chỉ phá được sự chướng mà chưa phá được lý chướng. Còn người nghe pháp môn này thâm nhập tu được thì vượt cả sự và lý chướng cho nên quí hơn.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:

- Oai Đức nhữ đương tri
Vô thượng đại giác tâm
Bản tế vô nhị tướng
Tùy thuận chư phương tiện
Kỳ số tức vô lượng
Như Lai tổng khai thị
Tiện hữu tam chủng loại
Tịch tĩnh Xa-ma-tha
Như kính chiếu chư tượng
Như huyễn Tam-ma-đề
Như miêu tiệm tăng trưởng
Thiền-na duy tịch diệt
Như bỉ khí trung hoàng
Tam chủng diệu pháp môn
Giai thị giác tùy thuận
Thập phương chư Như Lai
Cập chư đại Bồ-tát
Nhân thử đắc thành đạo
Tam sự viên chứng cố
Danh cứu kính Niết-bàn.

DỊCH:

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên, nói kệ rằng:

- Oai Đức ông nên biết
Tâm đại giác vô thượng
Bản tế không hai tướng
Tùy thuận các phương tiện
Số có đến vô lượng
Như Lai tổng khai thị
Gồm có ba chủng loại
Xa-ma-tha vắng lặng
Như gương chiếu các bóng
Tam-ma-đề như huyễn
Như mầm dần tăng trưởng
Thiền-na chỉ lặng dứt
Như tiếng trong đồ vật
Ba thứ diệu pháp môn
Đều là tùy thuận giác
Mười phương chư Như Lai
Và các vị Bồ-tát
Nhân đây được thành đạo
Ba việc đều viên chứng
Gọi cứu kính Niết-bàn.

GIẢNG:

Tóm lại, ba pháp môn Chỉ, Quán và Thiền là pháp tu căn bản của chư Phật. Phương tiện đưa đến quả vị Phật và Bồ-tát mà các ngài ứng dụng tu, không ngoài ba pháp môn Chỉ, Quán và Thiền. Chúng ta bây giờ lại phân chia nhiều thứ. Niệm Phật, đúng ra là tu Chỉ vì dùng một niệm để dừng nhiều niệm. Nhưng vì không hiểu nên nói niệm Phật là tu Tịnh độ khác hơn tu Thiền. Thật ra các pháp môn Phật dạy tu đều nhằm dừng vọng tưởng là Chỉ, còn thấy thân như huyễn cảnh như huyễn là Quán; người tu biết rõ ý niệm là vọng tưởng không theo, biết rõ cảnh như huyễn không dính, tâm thanh tịnh đó là Thiền. Như vậy, Thiền trùm cả Chỉ và Quán. Tuy ba mà một, tu theo Phật chỉ có con đường này, chớ không có con đường nào khác hơn. Đó là lối đi chung của chư Phật và Bồ-tát. Nếu chúng ta cố chấp, khen pháp môn này đúng, chê pháp môn kia sai, khen chê hay dở là lầm chấp. Phật chỉ cho chúng ta tu rất đơn giản, dừng hết vọng tưởng là Chỉ, thấy rõ thân tâm cảnh giới như huyễn hóa là Quán, trong buông vọng tưởng ngoài không dính cảnh là Thiền, tức là trở về Tánh giác.

Đường lối tu ở đây cũng vậy, tôi khuyên quí vị buông vọng tưởng là Chỉ, thấy thân như huyễn, cảnh như huyễn là Quán, như vậy luôn luôn ứng dụng Chỉ Quán và Chỉ Quán viên mãn là Thiền. Đó là phương tiện căn bản mà chư Phật chư Bồ-tát đã tu. Chúng sanh đời sau ai muốn tu thì cũng ứng dụng theo phương tiện này mới mong khỏi lầm lạc.


Tags: Kinh Viên Giác

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05448
  • Online: 24