Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông

15/03/2017 | Lượt xem: 4795

Sáng ngày 22/2/2017 (26.01 Đinh Dậu), tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã trang trọng tổ chức Lễ ra mắt Viện Trần Nhân Tông và công bố các Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông.

Tới chứng minh và dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng chư Tôn đức trong Hội đồng Trị sư Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo một số tỉnh, thành phố cùng Quý sư trụ trì, các tăng ni phật tử ở các chùa, thiền viện.

Về phía chính quyền có ông Nguyễn Duy Thăng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng – Nguyên UV TW Đảng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện một số địa phương, các đối tác, đại diện dòng họ Trần và một số doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài ĐHQGHN.

Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN được thành lập theo Quyết định số 1717/QĐ-TTg, ngày 01/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là viện nghiên cứu thứ 4 trong số 5 viện nghiên cứu của ĐHQGHN được Thủ tướng Chính phủ thành lập. Viện Trần Nhân Tông là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong đào tạo nhân lực chất lượng cao về Phật học (trước mắt là bậc tiến sĩ).

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN kiêm giữ chức Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông; Phó Viện trưởng là PGS.TS Lại Quốc Khánh - nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Chính trị học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN; Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo là GS. TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, kể từ năm 2011, nhận thức được tầm quan trọng của việc hình thành một đơn vị cấp thành viên nghiên cứu đào tạo chuyên sâu về văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là nghiên cứu Phật học và Phật giáo Việt Nam, nhằm tác động tích cực vào việc phát triển con người và văn hóa dân tộc trong thời đại mới, ĐHQGHN đã lập đề án thành lập Viện Trần Nhân Tông.

Đây là lần đầu tiên, trong hệ thống nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia có một đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về Phật học và tư tưởng Trần Nhân Tông. Cũng lần đầu tiên chương trình đào tạo bậc tiến sĩ về Phật học được đưa vào triển khai trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện đại. Viện trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Sự ra đời của Viện Trần Nhân Tông là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tôn vinh của xã hội đối với tư tưởng Trần Nhân Tông cũng như sự hiểu biết thâm nhập của các học giả thuộc cả giới tu hành và thế tục đối với di sản Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm đã đạt tới độ chín cần thiết. Đây cũng là sự thể hiện tầm nhìn và bản lĩnh của ĐHQGHN trong việc thể hiện triết lý giáo dục hướng tới phát triển con người một cách toàn diện cho trước mắt cũng như lâu dài”.

Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn cho biết, với thế mạnh là một viện nghiên cứu mang tính học thuật cao thuộc ĐHQGHN - đại học hàng đầu của Việt Nam, Viện Trần Nhân Tông sẽ là nơi góp phần phát triển tinh hoa tốt đẹp của Phật giáo mang bản sắc Việt Nam, của tư tưởng Trần Nhân Tông và văn hóa đời Trần, cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung, góp phần vào sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam mới trong thời đại toàn cầu hóa.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn gửi lời chúc mừng và đánh giá cao việc Chính phủ cho thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐHQGHN.

“Phật giáo đã sớm có mặt trên đất nước ta vào những thế kỷ đầu sau công nguyên, sự hiện diện của 500 vị Tăng cùng với 20 ngôi Chùa và 15 bộ kinh Phật tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu, đã nói lên chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm sau đó, trên tinh thần gắn bó đồng hành sắc son với dân tộc, Phật giáo không ngừng phát triển, nhất là khi thiền phái Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm ra đời với sự lãnh đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thì Phật giáo Trúc Lâm mới thực sự khẳng định vị thế vững vàng trong lòng dân tộc, và cũng từ cột mốc thời gian này, đạo Phật nước ta thực sự trở thành một đạo Phật đúng nghĩa của người Việt. Mang tính nội sinh.

..Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời, Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) đã thành lập Giáo Hội Phật giáo Trúc Lâm, sự kiện này đánh dấu thời kỳ mở đầu của tổ chức Giáo hội Phật giáo tại Việt Nam. Có thể nói, nếu như triều đại phong kiến trước và sau thời nhà Trần đều lấy tinh thần Nho giáo làm nền tảng cho tư tưởng của dân tộc thì chính nhà Trần đã tạo nên một sự khác biệt rõ nét khi kết hợp tuyệt vời giữa các tư tưởng trong cộng đồng, hòa hợp các dòng tư tưởng ấy thành một khối thống nhất được đặt dưới ánh sáng bi mẫn, thông tuệ của tư tưởng Phật giáo đời Trần. Chính nhờ sự khác biệt này mà trải qua gần 200 năm (1225-1400) điều hành và trị vì đất nước, Nhà Trần đã phát huy cao độ tinh thần độc lập chủ quyền dân tộc, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển về mọi mặt của đất nước, từ xây dựng củng cố chính quyền, văn hóa, giáo dục, chăm lo phát triển vật chất và tinh thần để người dân được sống trong nền thịnh trị thái bình của đất nước Đại Việt.

Về tư tưởng Phật học của Thiền phái Trúc Lâm đã hội tụ và dung hợp được nguồn minh triết của ba thiền phái vốn du nhập từ Ấn Độ và Trung Hoa. Từ sự hội tụ tinh hoa đố đã tỏa ra bốn luồng tư tưởng đốn siêu phương tiện, cao vút thâm sâu nhưng lại rất thiết thực gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân Việt, đó chính là tư tưởng “Thiền tùy tục” của thiền sư Thường Chiếu; “Biện tâm” của Trần Thái Tông; “Hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ và “Cư trần lạc đạo” của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhất là tính nhân bản lấy tâm làm bản thể, Tâm là Phật Phật là tâm của mỗi người.

Về mặt Đạo pháp, lịch sử đã ghi nhận vua Trần Nhân Tông là một bậc quân vương nhân từ, một nhà chính trị lỗi lạc, nhưng đồng thời cũng ghi nhận Ngài là một Thiền sư chứng ngộ, một nhà lãnh đạo tài ba và uy tín của Phật giáo trong suốt một ngàn năm qua. Sau khi hoàn thành trọng trách đối với dân tộc trên cương vị của một bậc quân vương, thì suốt cuộc đời làm Tăng của vua Trần Nhân Tông là một chuỗi ngày hoạt động tích cực và hiệu quả cho công cuộc hoằng hóa độ sanh trên tinh thần giữ năm giới và mười điều thiện làm căn bản cho sự phát triển của Phật giáo Trúc Lâm hội tụ và lan tỏa khắp nơi.

Về mặt dân tộc, lịch sử cho thấy tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tạo thành sự hội tụ nhân tâm và phát huy sức mạnh tổng hợp cho Phật giáo nước nhà và toàn dân tộc thời bấy giờ. Các vua Trần đã thừa nhận vai trò ổn định trật tự xã hội của đạo Phật thông qua việc giáo dục nhân cách đạo đức con người, ứng dụng giáo lý nhà Phật làm kim chỉ nam trong việc giáo dục phẩm chất cho vương công quan lại và khơi nguồn đạo đức trong đời sống nhân dân, để từ đó, từ vua quan đến thần dân đều thấm nhuần đời sống đạo đức, tin sâu nghiệp báo nhân quả, tỏ rõ lý vô thường, đồng thời ứng dụng tư tưởng Phật học của thiền phái Trúc Lâm một cách sinh động vào đời sống thực tiễn, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân, các triều đại nhà Trần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, đó là đánh bại tập đoàn quân xâm lược Nguyên Mông vốn được xem là đoàn quân bất khả chiến bại trên khắp chiến trường Trung Á, củng cố và xây dựng đất nước ngày càng hùng cường giàu mạnh, góp phần gìn giữ vững chắc độc lập chủ quyền đất nước, mở ra những trang sử vàng trong sự nghiệp phát triển nước nhà.

Vào thời đại nhà Trần, nói đến Phật giáo Trúc Lâm là nói đến dân tộc, nói đến dân tộc là nói đến Phật giáo Trúc Lâm. Từ đó chúng ta có thể khẳng định rằng, Phật giáo Trúc Lâm là nền Phật giáo độc lập, phục vụ cho dân tộc Việt, duy trì và phát huy nội lực của dân tộc Việt, đây là điểm sáng lung linh làm nổi bật nên vai trò đồng hành, gắn kết của Phật giáo với dân tộc dưới thời nhà Trần và việc phát triển đất nước Đại Việt và vẫn còn liên tục đến thời đại tư tưởng Hồ Chí Minh của chúng ta ngày nay.

Vai trò của Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo nói chung là phát huy tối đa tinh thần nhập thế của đạo Phật, mà tấm gương sáng ngời của Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một minh chứng vô cùng sống động, tuy nhiên muốn nâng cao hiệu quả tinh thần nhập thế trong bối cảnh toàn cầu hóa với nhiều biến động tiêu cực, đồng thời xã hội đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay, thì bản thân mỗi người chúng ta phải thật sự là một hành giả nghiêm túc trong việc thừa hành giáo pháp của Ngài, phải nỗ lực tu dưỡng rèn luyện để đạt được trí tuệ giải thoát và đức hạnh vô ngã, có như vậy thì mới không dính mắc vào vòng danh lợi trong quá trình đồng hành cống hiến cho dân tộc như các vua Trần và chư tôn đức trong hệ thống Phật giáo Trúc Lâm đã nêu gương.

Ngày nay, trong mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại Học Quốc gia Hà Nội đây là mối quan hệ hữu cơ với các Học Viện Phật Giáo Việt Nam của Giáo Hội. Thông qua đó, Giáo Hội có thể giới thiệu nhân sự tham gia Ban lãnh đạo của Viện, giáo sư Phật học, Thiền học cho Viện. Cung ứng đầu vào cho Viện khi có chiêu sinh cấp Cao học, Tiến sĩ Phật học..

…Thông qua chương trình đào tạo của Viện, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam sẽ có cơ hội giới thiệu Tăng Ni theo học cấp Cao học Tiến sĩ Phật học trong nước không phải ra nước ngoài đỡ đi phần chi phí đáng kể trong chương trình giáo dục Phật học của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Tiến xa hơn trong tương lai các Học viện Phật giáo Việt Nam của Giáo hội sẽ liên thông Phân khoa Phật học với Viện Trần Nhân Tông. Trước mắt kết nối với Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, sau đó là Thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Do đó, sự ra đời Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giáo hội vô cùng hoan hỷ và sẽ tích cực hợp tác lâu dài trong lĩnh vực giáo dục Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”

Việc thành lập Viện Trần Nhân Tông có một ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động học thuật nói chung và đối với công tác đào tạo, nghiên cứu Phật giáo nói riêng, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế. Viện có nhiều đặc thù, lấy đối tượng nghiên cứu là văn hóa truyền thống và điểm nhấn là lịch sử và văn hóa đời Trần, đặc biệt là nhân vật Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Đối tượng nghiên cứu liên ngành cần có sự đầu tư cần thiết cả về nhân lực và điều kiện để tổ chức nghiên cứu qui mô và tổ chức đào tạo.

Để Viện đi vào hoạt động, ĐHQGHN đã có nhiều bước triển khai trong đó có quá trình xây dựng đề án, điều tra khảo sát, trao đổi về định hướng lâu dài trong nghiên cứu và đào tạo của viện, đặc biệt là kiến tạo chương trình đào tạo thí điểm tiến sĩ Phật học và các định hướng đào tạo ngắn hạn khác.

Ban lãnh đạo Viện Trần Nhân Tông tới TVTL Sùng Phúc cung thỉnh Tôn tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông

do Thiền phái Trúc Lâm kính tặng

Tin tức

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23510
  • Online: 43