Luận tối thượng thừa giảng giải ( Phần 1)

28/03/2012 | Lượt xem: 6401

 

HT Thích Thanh Từ giảng tại TVTL Đà Lạt
Hôm nay, giảng về quyển Luận Tối Thượng Thừa, trước hết để cho quí vị biết tên Luận Tối Thượng Thừa là gì? Trong nhà Phật có chia ra các thừa Phật giáo, chữ thừa đây là nói theo trong Nam, ngoài Bắc đọc là Thặng. Thặng là cổ xe, thừa cũng là cổ xe nhưng chỉ khác tên thôi, ở đây tôi nói cho rõ để quí vị hiểu. Vì người tu có nhiều bậc khác nhau, nếu nói về bậc từ thấp lên cao thì đạo Phật chia ra ngũ thừa Phật giáo là : Nhân thừa Phật giáo, Thiên thừa Phật giáo, Thanh văn thừa Phật giáo, Duyên giác thừa Phật giáo, Bồ tát thừa Phật giáo, gọi đó là ngũ thừa Phật giáo

 

 

Chữ thừa này chúng ta có thể thí dụ như cổ xe, giờ quí vị ra bến xe, có người đi gần thì lựa những chiếc xe đi gần, người đi vừa chừng thì lựa những chiếc xe vừa chừng, người đi xa thì lựa những chiếc xe đi xa, tùy mình lựa xe nào thích hợp với chổ mình muốn thì mình đi, đi thì sẽ đến tận nơi. Người muốn tu đời này, đời sau trở lại làm người sung sướng hơn tốt đẹp hơn hoàn cảnh hiện tại thì những người đó tu về Nhân thừa Phật giáo. Những người tu theo đạo Phật, nhưng đời sau muốn sung sướng hơn kiếp người, mà được sanh ở các cõi trời cho được sung sướng, đầy đủ vật chất hơn thế gian thì tu về Thiên thừa Phật giáo. Những vị tu muốn mình đi tới giải thoát sanh tử, nhưng gấp rút muốn một đời giải quyết cho xong không còn bị trở lại sanh tử nữa thì tu theo Thanh văn thừa Phật giáo. Những vị muốn tu, nhưng chính vì không muốn sanh tử nhiều lần, phải tái lai độ chúng sanh nhiều lần, muốn một đời được hiểu đạo tu rồi giải thoát sanh tử, căn cứ lý nhân duyên mà quán chiếu thì gọi đó là Duyên giác thừa Phật giáo. Những hàng Bồ tát tu, tuy cũng quyết tâm cầu giải thoát sanh tử, nhưng vì tâm thương chúng sanh vì muốn độ cho tất cả chúng sanh cũng đồng giải thoát sanh tử như mình, cho nên tuy bước vào đạo giải thoát mà mình không đi, không cầu chứng giải thoát, mà phải tái lai nhiều lần để giáo hóa chúng sanh cùng được giải thoát với mình, đó là Bồ tát thừa Phật giáo. Vậy Bồ tát thừa Phật giáo là mức chót, cao hơn hết trong ngũ thừa Phật giáo, đó là nói chung từ người, trời cho tới Bồ tát. Nếu nói riêng trong những vị tu hàng giải thoát sanh tử, thì  chia ra tam thừa Phật giáo là : Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ tát thừa. Thanh văn như trên tôi nói, Duyên giác tức là quán mười hai nhân duyên được gíac ngộ là duyên giác thừa, và Bồ tát thừa. Nhưng ở đây nói Tối Thượng thừa thì nó nằm ở chỗ nào trong mấy thừa đó?  Đây là một vấn đề mà chúng ta phải hiểu cho thật rõ. Trong Phật giáo chia ngũ thừa hoặc tam thừa, mà đây nói Tối Thượng thừa, vậy nằm trong thừa nào? Quí vị xét kỹ coi thừa nào? Đó là chỗ mà tăng ni, phật tử lưu tâm để biết cho rõ, bởi khi mình học một quyển Luận hoặc một quyển Kinh thì mình phải hiểu mục đích, chổ đến cuối cùng của quyển Luận, quyển Kinh đó là chổ nào? Chữ Tối Thượng thừa ở đây, trong ngũ thừa và tam thừa Phật giáo không có, không có vậy nó thuộc về cái gì? Nếu muốn hỏi là cái gì đó, thì tôi dẫn trong kinh Pháp hoa. Quí vị nhớ trong kinh Pháp Hoa, Phật nói mấy thừa? Phật kết luận rằng chỉ có một Phật thừa, không có hai, có ba gì hết. Phật thừa thì ra ngoài ngũ thừa hay ở trong ngũ thừa? Bởi vì cái cao nhứt là Bồ tát thừa, mà Phật thừa nó không còn trong ngũ thừa nữa, thì nó là Tối Thượng thừa. Hiểu vậy thì mới thấy Tối Thượng thừa là Phật thừa chớ không có gì lạ hết. Vì trọng tâm của Thiền tông dạy chúng ta tu, mê thì làm chúng sanh, nếu giác thì đi tới Phật quả chớ không có ở lưng chừng. Vậy mê và giác, mê là chúng sanh, giác là Phật chỉ có một con đường duy nhất, cũng như kinh Pháp hoa Phật nói chỉ có một Phật thừa là đi tới chổ giác ngộ viên mãn, không có thứ lớp . Chúng ta thấy tinh thần Thiền tông là “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, kiến tánh thành Phật chớ không nói kiến thành Bồ tát. Trọng tâm của Thiền tông dạy chúng ta tu từ phàm phu, khi nhận được Phật tánh hay bản tánh của mình rồi, thì từ đó bản tánh là nhân đến Phật  quả là quả. Vậy từ cái nhân kiến tánh đi tới quả thành Phật, nó không có đường nào khác, nên ở đây nói Tối Thượng thừa, Tối Thượng thừa tức là Phật thừa, nói vậy cho quí vị dễ hiểu. Vậy là qua phần tên của bộ luận. 
Ở đây tôi muốn nói cho quí vị  hiểu, trong tập sách này có mấy phần, lời tôi cũng là lời dịch giả. 

CHÁNH VĂN : 
Tập luận này có ba phần : phần đầu là của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, phần thứ hai và thứ ba là của Thiền sư Hoàng Bá. Phần đầu hẳn là tên: “TỐI THƯỢNG THỪA LUẬN”, phần thứ hai tên: “TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU”, phần thứ ba tên : “HOÀNG BÁ ĐOẠN TẾ THIỀN SƯ UYỂN LĂNG LỤC”. Hai phần sau là do Thiền sư Hoàng Bá nói ra, ông cư sĩ Bùi Hưu ghi chép lại. Rốt sau là tiểu sử Thiền sư Hoàng Bá.
Hoàng Bá là cháu bốn đời của Ngũ Tổ ( Hoàng Bá là đệ tử của Tổ Bá Trượng, Tổ Bá Trượng là đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ Đạo Nhất là đệ tử của Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng, Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng là đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng). Tuy ông cháu cách xa, nhưng về truyền tâm ấn vẫn không thay đổi. Ngũ Tổ dạy “giữ chơn tâm”, thì ngài Hoàng Bá dạy “tin tâm này là Phật”. Ngộ chơn tâm là nhơn Phật, chứng chơn tâm viên mãn là quả Phật. Giữ chơn tâm tức là tin mình có cái nhơn Phật , hằng sống với chơn tâm, tất cả vọng tưởng đều lắng sạch tức là viên mãn quả Phật. Vì thế, dù tên “TỐI THƯỢNG THỪA LUẬN”  hay “TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU” vẫn dạy người ngộ chơn tâm, sống với chơn tâm. Cho nên, tôi ghép cả ba phần lại mà chỉ để một tên là “LUẬN TỐI THƯỢNG THỪA”.
Ngũ Tổ bảo “giữ chơn tâm”, chúng ta đừng lầm cố kềm hãm tâm mình đến tiêu ma trở thành như cây như gỗ. Giữ chơn tâm, nghĩa là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không để tâm chạy theo phân biệt trần cảnh. Tâm chạy theo phân biệt trần cảnh là vọng tâm, không khởi tâm chạy theo trần cảnh, chỉ hằng biết cảnh mà không phân biệt là chơn tâm. Vọng tâm và chơn tâm không xa, chỉ một phen hồi đầu là giác (hồi đầu thị ngạn), đừng tìm kiếm, đừng cầu cạnh bên ngoài. Nếu vị nào không ngộ chơn tâm để tu hành, nên đọc Kinh Lăng Nghiêm từ quyển một đến quyển tư thật kỹ, lâu ngày có thể thầm hội.
Tôi thầm nguyện cho quý đọc giả khế hội chơn tâm, để thấy Phật pháp Đại thừa là viên ngọc quý vô giá để tu hành đến thành Phật quả.
GIẢNG

Tôi viết hồi ở Pháp Lạc thất năm 1969. Quyển luận này tôi soạn trước khi thành lập thiền viện Chân Không. Thiền viện Chân Không ra đời năm 1970, mà quyển này in năm 1969, thì đó những chuẩn bị của tôi để khi bắt đầu vào mở thiền viện thì tôi đã có những tư liệu hướng dẫn tăng ni tu. 
Giờ nói tới Tổ Hoằng Nhẫn. Tổ Hoằng Nhẫn là vị Tổ thứ năm trong sáu vị Tổ ở Trung Hoa. Từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma là người Ấn Độ sang Trung Hoa truyền thừa Thiền tông, vậy ngài đối với Ấn Độ là vị Tổ thứ hai mươi tám, nhưng đối với Trung Hoa là vị Tổ ban đầu, cho nên ở Trung Hoa coi ngài là vị Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Kế ngài là Tổ Huệ Khả là Tổ thứ hai, dưới Tổ Huệ Khả là Tổ Tăng Xáng là Tổ thứ ba, dưới Tổ Tăng Xáng là Tổ Đạo Tín là Tổ thứ tư, dưới Tổ Đạo Tín là Tổ Hoằng Nhẫn là Tổ thứ năm. Vậy  Ngài Hoằng Nhẫn là Tổ thứ năm trong sáu vị Tổ ở Trung Hoa, trong sử ba mươi ba vị Tổ tôi có ghi chép rõ. Dưới Ngài là Lục Tổ Huệ Năng chấm dứt sáu vị Tổ. Sau này, vì truyền  bá rộng nhiều vị được kế thừa cho nên không còn để thứ tự nữa. Tổ Hoằng Nhẫn là vị Tổ chúng ta được học ở tại đây, học ở đây là học cái chổ Ngài chỉ dạy chớ không phải học về sử của Ngài, vì sử Ngài có chổ khác chép rồi, ở đây nói thẳng về lời dạy của Ngài. Ngài dạy rất là đơn giản mà không phải dễ hiểu dễ nhận, vì vậy mà quí vị ráng chú tâm nhận cho kỹ thì mới thấy người xưa nói ra một lời, dạy một câu đều là chổ chí thiết, đều chỉ cho chúng ta đến giải thoát sanh tử được giác ngộ, không phải là câu nói thường, nên mổi câu mổi đoạn tôi sẽ hướng dẫn quí vị thấy cho rõ.  

CHÁNH VĂN
LUẬN TỐI THƯỢNG THỪA
Người muốn tiến đến Đạo Thánh hiểu ngộ chơn tông (Thiền tông) cần phải luận rõ về “tu tâm”. Nếu không gìn giữ tâm thanh tịnh thì tất cả hạnh không do đâu nhận thấy. Mong các thiện tri thức có biên chép, dụng tâm đừng để sai lạc, e làm lầm những người sau.

GIẢNG
Câu này, ý Ngài muốn nói rằng, người nào tu về thiền tông thì phải nhận định cho thấu đáo về cái nghĩa “tu tâm”. Nghĩa “tu tâm” là thế nào? Tức là phải giữ tâm thanh tịnh, nếu tâm thanh tịnh thì tất cả hạnh từ đó thành công, nếu tâm không thanh tịnh thì tất cả hạnh đều mất vì tâm là chủ, tâm là gốc. Vì vậy mà mong rằng ai ghi chép lại, ai học hành quyển luận này thì phải thấu đáo tường tận, đừng có sai lầm, rồi tự mình lầm, làm lầm cho kẻ khác.

CHÁNH VĂN
Phàm người tu cần phải biết bản thể, chính nơi thân tâm này xưa nay thanh tịnh, không sanh không diệt, không có phân biệt, tâm tự tánh thanh tịnh viên mãn là bổn sư, vượt hơn niệm mười phương chư Phật. 
GIẢNG 

Câu này Ngài nói chúng ta nghe dễ nghi ngờ. Ngài nói rằng : chúng ta tu thì cần phải biết rõ cái bản thể, bản thể là thể cội gốc của mọi người. Bởi vì sao? Vì chính nơi thân tâm của mình đây, từ xưa đến giờ nó thanh tịnh, nó không sanh không diệt, nó cũng không phân biệt, nó là tự tâm tánh thanh tịnh viên mãn của mọi người cho nên nó là Bổn sư của mình. Bổn sư chúng ta thường đọc là ai? Là Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng với cái nhìn của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Ngài nói Bổn sư của mình là cái tâm thanh tịnh, không sanh không diệt. Vậy lời nói của Ngài có phụ bạc Đức Giáo chủ của mình không? Đức Giáo chủ của mình là Bổn sư Thích Ca Mâu Ni , mà bây giờ Ngài nói cái tâm thanh tịnh sẳn có không sanh không diệt là Bổn sư của mình, vậy có phải mình quên công của Đức Giáo chủ  Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy hay không? Đó là phải đặt lại để chúng ta nhìn cho thấu đáo nhiều khi nghe nói mà không hiểu, rồi chúng ta cứ ngở ngàng tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo chủ, là Bổn sư của mình, rồi lại có Bổn sư ở trong tâm nữa. Hai ông bổn sư, ông nào gần, ông nào xa; ông nào đúng, ông nào sai?
 Nói chung, ai cũng thừa nhận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Bổn sư của chúng ta, tại sao vậy? Vì trong Kinh nói, trong bầu hư không vô lượng vô biên này, có vô số thế giới, mà trong vô số thế giới đó có nhiều Đức Phật ra đời giáo hoá nơi này nơi nọ, nên cũng có vô số chư Phật chớ không phải một Đức Phật. Mà đã có nhiều Đức Phật, mổi Đức Phật giáo hoá mỗi nơi. Ở cõi Ta Bà chúng ta hiện giờ, gốc từ Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, Người giáo hoá ở cõi này, chúng ta hiểu được Phật pháp, biết đường lối tu hành là nhờ Ngài  giảng dạy, cho nên ngày nay chúng ta mới biết đường lối tu. Ngài tuy không trực tiếp với chúng ta, nhưng là người ở nơi cõi Ta Bà này đứng ra tu hành, đến gíac ngộ và chỉ dạy ở đây. Nên nói mười phương chư Phật, thì Đức Phật mà trực tiếp giáo hoá chúng ta là Đức Thích Ca Mâu Ni, mà nói trực tiếp là nói trực tiếp ở cõi này, chớ không phải trực tiếp là Ngài thẳng dạy ngay nơi chúng ta, là Thầy cạo tóc xuất gia cho mình. Nói trực tiếp là so với các thế giới khác chư Phật mười phương, thì Ngài là người trực tiếp làm Giáo chủ cõi này, cho nên chúng ta gọi Ngài là Bổn sư.  Nếu Đức Phật Di Đà, Đức Phật Dược Sư thì gọi là Sư chú, Sứ bác gì đó, vì đó là vị sư ở nơi này nơi kia chớ không phải vị sư trực tiếp với mình, nên gọi là Bổn sư. Vậy chúng ta hiểu chữ Bổn sư đó là đứng về các thế giới chư Phật mà nói thì gọi Ngài là Bổn sư của mình, Bổn sư của mình mà mình không biết mặt mày gì hết, cũng không nghe nói câu nào trực tiếp, mà chỉ gián tiếp qua sách vỡ thôi.
 Ở đây Ngài Hoằng Nhẫn nói Bổn sư của chúng ta là tâm thanh tịnh sẳn có từ thuở nào, nó không sanh diệt, không phân biệt, tâm đó là Bổn sư của mình. Bổn sư dạy chúng ta tu là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã niết bàn hơn hai ngàn năm trăm năm rồi, còn ông Bổn sư trực tiếp của chúng ta là bản tâm thanh tịnh không sanh, không diệt. Tại sao bản tâm thanh tịnh không sanh, không diệt lại là bổn sư của mình? Nó là mình mà nó bổn sư làm sao? Đó là ý mà quí vị phải nhìn thấu đáo mới biết cái giá trị của nó. Vì tâm chúng ta người cũng nhận rằng, mình có hiểu biết, mình có cái phân biệt, mình có khôn ngoan, so tính, phải quấy, hơn thiệt đó là tâm của mình. Cái tâm đó, với cái nhìn của Đức Phật , của chư Tổ thì nó là cái tâm hư dối, tạm bợ, sanh diệt chớ không phải là cái tâm chơn thật. Nhận cái tâm hư dối tạm bợ là mình, bây giờ muốn được cái tâm chơn thật, bất sanh bất diệt thì phải đi về đâu, nhờ ai, nương tựa vào cái gì? Tức là phải từ giả, phải không chạy theo cái tâm hư dối phân biệt đó, trở về cái tâm chơn thật, bỏ cái hư dối tạm bợ trở về cái chơn thật, thì cái chơn thật đó là ông thầy mình chớ gì, còn theo cái tâm hư dối phân biệt là theo kẻ tớ, kẻ mới hậu sanh chớ không phải người sẳn có. Cái mới hậu sanh đó dụ cho cái suy nghĩ, tính toán, hơn thiệt của chúng ta đang có ở đây mà chúng ta nhận nó là mình, thì cái chơn thật chúng ta quên. Bây giờ, chúng ta không nhận cái giả dối là mình nữa, trở về cái chơn thật, nương tựa cái chơn thật thì không phải trở về Bổn sư là gì. Cái chơn thật đó là ông thầy, cái chơn thật là ông thầy gốc, còn phân biệt, hơn thua phải quấy là kẻ tớ, kẻ tạm không thật. Cho nên biết trở về với ông thầy đó thì dễ thành Phật hơn là chạy theo mấy ông Phật ở ngoài, vì ông đó là sẳn có nơi mình, mình trở về đó thì được thành Phật. Còn ông Phật ở ngoài như Phật Thích Ca, Phật Di Đà, Phật Dược Sư vô số chư Phật, là Phật ở ngoài  theo mấy vị Phật này thì không thành Phật được. Theo Phật ở ngoài mà không trở về Phật mình thì không làm sao thành Phật được. Ngài nói, nếu mình trở về với tâm tánh thanh tịnh viên mãn đó là Bổn sư của mình còn hơn là niệm mười phương chư Phật. Niệm mười phương chư Phật, thí dụ ngồi lại lần chuổi niệm Nam mô A Đ Đà Phật , lần chuổi niệm Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ..v.v… mình cứ niệm hoài, niệm đó là niệm Phật ở ngoài, còn trở về đây là Phật ở trong, mà Phật ở trong là Phật sẳn trở về thì gặp liền, còn Phật ở ngoài chừng nào gặp, niệm chừng nào thấy Phật đón mình. Vì vậy, Ngài nói câu: “vượt hơn niệm mười phương chư Phật”. Bây giơ, người ta thích niệm mười phương chư Phật chớ không thích trở về ông Phật của mình, có phải vậy không? Phải là vì mình hướng ngoại, bệnh hướng ngoại của mình quá nặng nề. Người tu thiền là người biết trở lại xoay về mình chớ không đuổi ra ngoài, vì tìm kiếm ở bên ngoài là việc khó, còn xoay trở về mình là dễ. Tìm ở ngoài, mổi Đức Phật ở thế giới cách mình chừng bao xa, như Phật Di Đà thì mười muôn ức thế giới mới tới ngài, còn các vị Phật khác cũng vậy, nhiều lắm xa lắm. Còn ông Phật Bổn sư của mình thì ở đây gần hay xa? Chỉ đi ra ngoài là mê, trở về thì gặp liền, gần hay xa, niệm ông nào mau kết quả? Niệm ông bên ngoài hay ông trong này? Ông trong này. Đó bởi vậy ngài mới nói: “vượt hơn niệm mười phương chư Phật” là chổ đó. Như vậy giải thích cho quí vị hiểu chổ gần xa, nên nói rằng tu Thiền nhất là Thiền tông đốn ngộ, đốn ngộ là nhanh chóng trở về, còn không thì chúng ta cứ trông ra ngoài, ngoài thì đi xa. Đó là ngài nói mở đầu, bây giờ đặt từng câu hỏi để giải đáp.

CHÁNH VĂN
Hỏi : Làm sao biết tâm mình xưa nay thanh tịnh?
Đáp : Kinh Thập Địa nói: “Trong thân chúng sanh có Phật tánh Kim Cang”. Ví như mặt trời tròn đầy sáng suốt rộng lớn không ngằn mé. Chỉ vì bị mây đen ngũ ấm che đậy, như ngọn đèn để trong bình, ánh sánh không thể chiếu soi. Thí như thế gian tám hướng mây mù đều dậy, khắp nơi đều tối tăm. Mặt trời đâu có tan hoại, tại sao không có ánh sáng? Anh sáng nguyên không hoại, vì bị mây mù che. Tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh cũng như thế. Chỉ vì bị mây đen vin theo vọng niệm phiền não và các kiến chấp che đậy. Nếu hay giữ tâm vắng lặng, vọng niệm không sanh thì pháp Niết bàn tự nhiên hiển hiện. Cho nên biết, tâm mình xưa nay thanh tịnh.
GIẢNG

Làm sao biết mình có tâm xưa nay thanh tịnh? Làm sao biết được? 
Ngài giải thích rất rõ ràng, đây tôi đi từng chặng cho quí vị thấy. Trước hết ngài dẫn trong Kinh để chứng minh. Trong Kinh Thập Địa, Phật dạy rằng: “Trong thân chúng sanh có Phật tánh Kim Cang”. Trong thân chúng sanh có Phật tánh cứng chắc không có gì phá hoại được như Kim Cang. Như vậy thì ai ai cũng nghi. Nếu có Phật tánh cứng chắc như Kim Cang thì khi đi mình lúc lắc chắc nghe khua quá, vì nó là kim khí rồi. Nhưng mà mình có khua không? Không. Giả sử ai chết đốt rồi cũng còn một khối, nhưng mình đốt rồi cũng không còn. Vậy nói có Phật tánh cứng chắc như Kim Cang ở đâu, chổ nào? Đó là cái nghi vấn, nếu người học đạo không thấy tường tận thì dễ ngờ lời Phật nói không đúng. Chữ “Kim Cang” không có nghĩa là các chất cứng bằng kim loại, mà “Kim Cang” đây là để nói ý nghĩa không bị tan, không bị hoại. Quí vị nhìn lại trong nhà chúng ta đang ngồi, tường vách và cái trống rỗng này cái nào cứng hơn cái nào? Tường vách cứng hay cái trống rỗng này cứng? Nếu nói phá hoại được thì tường vách phá được, chớ còn cái trống rỗng này có ai phá hoại được không? Vậy cái nào cứng hơn cái nào? Đứng về nghĩa phá hoại, cái gì đập được phá được thì không cứng, cái gì không phá được mới gọi là cứng. Nói Kim Cang là để nói không gì phá hoại được, chớ đừng nghĩ Kim Cang là những chất cứng mà nó cứng hơn các thứ kia thôi, không phải. Kim cang là cái không phá hoại được. Vậy chúng ta thấy tất cả núi sông cây cối đá gạch đều có thể phá hoại được, mà hư-không phá hoại được không?  Vậy nói hư-không cứng hay các thứ kia cứng? Cái nào? Tưởng tượng thì chắc ai cũng nói đá gạch ngói cứng, còn hư-không trống rỗng có gì đâu mà cứng. Nhưng đứng về nghĩa phá hoại, thì tất cả cái có tướng đều phá hoại được, cái không tướng thì không thể phá hoại được. Không phá hoại được thì cái đó có hay là không có. Có hay không? Nói cái nhà là có nên đập phá được, còn hư-không không có nên không đập phá được. Mà hư-không có hay không có? Nếu không có thì nó đứt, mà nó trống tức là nó có, như vậy mình tới lui qua lại sống trong đó được tức là nó có. Mình đang sống trong hư-không mà nói hư-không không có sao được.
 Đối với hình thức sắc chất, thì cái hình thức đó có, thì không hình thức cũng phải có. Cái có mà phá hoại được thì yếu mềm, còn cái có mà không phá hoại được thì cứng chắc.
 Trong tâm chúng ta có những tâm niệm nghĩ suy phân biệt tính toán đó gọi là có tâm của mình vì tâm là cái biết. Nhưng ngoài cái tâm nghĩ suy phân biệt tính toán đó còn có cái tâm hằng biết mà không nghĩ suy, không tính toán. Cái tâm nghĩ suy tính toán là cái tâm chợt sanh, chợt diệt nên nó còn mất liên miên. Còn cái tâm không nghĩ suy không tính toán có lúc nào mất không? Nó không mất. Vậy tâm nghĩ suy tính toán là cái tâm sanh diệt tạm bợ, còn cái tâm không vắng, không thiếu lúc nào hết mà không bao giờ có sanh diệt thì cái đó mới là cái tâm cứng chắc hay vững chắc như Kim Cang, tâm đó gọi là Phật tánh. Vậy chúng ta trở về cái tâm đó là trở về Phật tánh của chính mình. Còn chạy theo tâm sanh diệt là chạy theo cái tâm tạo nghiệp đi trong sanh tử. 
Kế đây ngài dùng thí dụ: “Ví như mặt trời tròn đầy sáng suốt rộng lớn không ngằn mé. Chỉ vì bị mây đen ngũ ấm che đậy, như ngọn đèn để trong bình, ánh sánh không thể chiếu soi.” Ở đây ngài thí dụ như là mặt trời buổi trưa nó rộng sáng suốt, nhưng bị mây đen che. Mặt trời sáng, khi mây đen che mù mịt thì ánh sáng còn thấy hay không? Thì ánh sáng không còn. Anh sáng không còn tại sao? Tại ánh sáng mặt trời mất hay tại cái gì? Tại mây đen che. Cũng như vậy, vừa nói dụ mà cũng vừa hợp pháp, nơi chúng ta có mây ngũ ấm, (mây ngũ ấm là sắc thọ thưởng hành thức) nó che Phật tánh của mình như là mây đen che ánh sáng mặt trời vậy. Nếu mây đen tan thì ánh sáng mặt trời hiện rõ, nếu mây ngũ ấm tan thì Phật tánh sáng suốt rõ ràng. Nhưng nói mây ngũ ấm tan có chổ quí vị hiểu lầm nữa, nếu mây ngũ ấm tan thì mình còn hay mất? Chết mất rồi, thì lúc đó Phật tánh hiện ra với ai. Cho nên phải thấy lời nói nó có ý nghĩa chừng mực giới hạn, mình phải hiểu cho rõ. Trong đây nói mây ngũ ấm mà gần nhất là tứ ấm thôi. Tứ ấm là thọ tưởng hành thức, bốn cái đó là thuộc về tâm. Còn sắc thuộc về thân. Thân này còn, nhưng tâm cảm thọ, tâm nghĩ tưởng, tâm suy tư, tâm phân biệt, những  tâm đó nó lặng rồi thì tâm chơn thật nó hiện tiền. Chúng ta hiện giờ đang sống với tâm nào? Chắc là mười người như một đang sống với tâm thọ tưởng hành thức, bị tâm đó nó chỉ huy, nó dẫn chạy đầu này, chạy đầu kia vì tâm đó. Nếu thọ tưởng hành thức lặng rồi, thì ánh sánh của Phật tánh hay của chơn tâm nó hiển lộ. Nhiều khi tôi nói thí dụ quá thực tế mà nhiều người không thấy, tôi nói khi nào chúng ta được năm phút, ba phút ngồi lặng yên, ngó trời ngó mây mà không nghĩ, không suy, không phân biệt đẹp xấu..v.v…thì lúc đó hỏi mình có biết không? Có thấy trời, có thấy mây, có nghe những tiếng động, của chim hót ..v.v… không ?  Vẫn có rõ ràng. Mà có biết tiếng chim, có biết mây bay, có biết tất cả chung quanh thì có tâm không? Vậy thì khi thọ tưởng hành thức lặng, chúng ta vẫn còn hay là mất? Mà cái nghe thấy nó có vắng mặt lúc nào từ khi mình sanh ra hay không?  Nếu vắng mặt thì mình thành kẻ mù, thành  người điếc mất rồi, mà mình không mù không điếc thì tức là nó không vắng mặt  lúc nào. Như vậy cái từ khi sanh ra cho đến giờ nhắm mắt nó có mặt luôn luôn thì nó là  thật hay hay cái chợt sanh, chợt diệt, chợt có, chợt không …. cái đó là thật. Mà mình bây giờ đang sống với cái thật hay cái tạm bợ sanh diệt? Nếu sống với cái tạm bợ sanh diệt tức là sống với cái giả dối, tạo gnhiệp để dẫn đi luân hồi liên miên. Cho nên ở đây nói cái thật thì nó không sanh không diệt, mà cái sanh diệt là cái không thật, mà chúng ta chịu sống với cái nào? Sống với cái nào vui, sống với cái nào vui hơn?  Chắc ai cũng chịu sống với cái sanh diệt coi bộ vui, cái chơn thật coi bộ buồn quá vì êm ru, nó lặng lẽ nó buồn. Nhưng sự thật tu là để giải thoát sanh tử, nói đây tôi nói xa một chút.
 Hồi xưa, tôi đọc sách nghe nói ở Trung Hoa các ông Tiên chế thuốc trường sanh bất tử, nghe cái đó quí vị thích không. Trường sanh bất tử là sống hoài không chết, nghe coi bộ thích quá ai mà không ham sống, cho nên nghe thuốc đó mình thích. Sau này mình tu Phật, Phật lại nói ngược lại, người nào muốn giải thoát sanh tử phải chứng đạt được Niết bàn, mà Niết bàn là vô sanh, buồn chưa. Bên kia người ta sống hoài không chết, còn cái này không có sanh. Như vậy không sanh có buồn không , sanh mà sống hoài mới vui chớ, thì bên kia coi bộ hấp dẫn trường sanh bất tử sống hoài không chết, còn bên này ông Phật mình nói vô sanh thôi hà, không có sanh. Mà người ta chịu sanh hay không sanh? Đó là một lẽ thường thường ít ai suy ngẩm kỹ, mình cứ thích sanh ra mà đừng chết, nhưng luật Vô thường có cho phép mình có sanh mà không tử không?  Cho nên mấy ông Tiên luyện thuốc trường sanh cho tới giờ tìm một ông không có. Như vậy mấy ông Tiên trường sanh tới cở nào? Dài lắm thì người thường sống tới một trăm tuổi, còn mấy ông sống tới một ngàn tuổi rồi cũng chết thôi. Vậy chỉ dài thôi chớ không có chết, chỉ có ai không sanh thì mới không tử. Thành ra cái nghĩa vô sanh là dứt hết cái tử, còn trường sanh mà cũng có tử, bởi vì dài chớ không phải là hết. Như vậy hai bên ai cao hơn ai. Mới nghe thì mình thích bên kia hơn vì sống dài, còn bên này thì không có sanh, không có sanh thì buồn quá. Nhưng sự thật, có sanh thì phải có tử, còn không sanh thì lấy gì mà tử. Muốn không chết thì phải không sanh, còn có sanh thì phải có tử không thế nào khỏi được hết, chỉ tử ngắn tử dài vậy thôi, nó khác một chút đó. Vậy chúng ta mới thấy giá trị của đạo Phật, đạo Phật nói giải thoát sanh tử là khi  chúng ta đạt được cái bất sanh bất diệt rồi thì không còn sanh tử nữa, chớ không phải chỉ là sống dài sống dai thôi. Còn bên kia luyện được trường sanh, thuốc trường sanh chỉ cho mình sống dài, dài lắm là một ngàn năm chớ không dài nữa. Như mấy ông Tiên hồi xưa ở Trung Hoa kể đó, bây giờ kiếm coi có ông nào không, mấy ông đi đâu mất hết, mà đi mất tức là chết mất chớ còn đâu. Vậy cái đó là cái tạm chớ không phải cứu cánh, mà cứu cánh là phải thoát ly sanh tử, ra khỏi vòng sanh tử.
 Cái lý của đạo Phật là chỉ cho chúng ta tu để thoát ly sanh tử, mà muốn thoát ly sanh tử  thì phải nhận được Phật tánh của mình. Phật tánh đó nó không có sanh không có diệt cho nên mình mới ra khỏi sanh tử được, nếu không nhận được cái đó là mình bị sanh tử. Làm sao nhận được cái đó? Chỉ khi nào mình dẹp được mây mù của năm ấm hoặc bốn ấm, mây mù của bốn ấm mình dẹp sạch rồi thì ánh sáng của Phật tánh mới chiếu soi ra được, còn nếu mình không dẹp thì không thể nào thấy nó.  Hằng ngày quí vị có chịu dẹp bốn cái đó không, thọ tưởng hành thức có chịu dẹp không, dẹp lúc nào dẹp ở đâu? Tôi hỏi khi ngồi thiền quí vị làm cái gì? Ngồi thiền thì thân tâm của mình không có cơ hội để tiếp xúc với ở ngoài cho nên dẹp được cái thọ: thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui, nhưng mà nó còn mắc cái thọ khổ đau chân, nếu qua được đau chân rồi thì hết cái thọ khổ đó. Khi ngồi thiền mình không cho suy nghĩ chuyện đã qua chuyện sắp tới ..v.v…thì đó là giảm bớt đi cái thọ là ngồi yên một mình không đụng chạm với sáu trần thì giảm được cái thọ. Kế đó là tưởng: không nghĩ quá khứ, vị lai gì hết thì giảm được cái tưởng. Rồi còn cái nghĩ này nghĩ nọ, chợt nhớ này, chợt nhớ kia đó là hành, mà chợt nhớ thì mình cho nó nhớ không? Phải buông đó là giảm cái hành. Nếu ngồi thiền mà tưởng mai kia mình thành Phật chắc vui lắm thì lúc đó cũng không cho tưởng như vậy nữa, ngồi là ngồi, cho nên người nào ngồi thiền mà mong mình được giác ngộ, ngồi thiền mà mong mình được nhập định, mong đủ thứ mong thì cái mong đó thuộc về tưởng đừng cho nó có thì mới thành công. Chớ ngồi nhiều người nói nghe cũng đạo lý lắm, tôi ngồi cố tâm không cho nghĩ một cái gì hết chỉ mong cho mau được đạo, chỉ mong cho mau được đạo thì hay quá nhưng mà mong như vậy là trật, vì mong đợi tức là tưởng thì như vậy cũng là trật luôn. Nên ngồi thì phải ngồi, ngồi cho nghiêm trang, tâm mình cho thanh tịnh thì trúng, chớ còn mong chờ một cái gì cũng đều trật hết. Đó là quí vị thấy trọng tâm của mình tu là dẹp hêt tất cả những mây mù của năm ấm. Với thân thì mình không có sợ nó khổ, nó ngứa ngáy..v.v… mình làm chủ được nó thì đó cũng là thắng về sắc ấm đó. 
Ở đây qua thí dụ ngọn đèn và mặt trời cho quí vị thấy rồi, mặt trời không có lúc nào tối chẳng qua bị che. Chiều mặt trời lặn tối chớ, tối không? Chiều mặt trời lặn có phải tối không? Hồi xưa mình tưởng mặt trời lặn thì tối. Nhưng bây giờ đâu có tối, nếu có phi thuyền mình lên khỏi vòng trái đất của mình thì mặt trời tối không? Nó cũng vẩn sáng làu làu, cũng là bị che, bị khuất thôi. Vì vậy cái chơn thật nó không bị tối lúc nào hết, mà chỉ bị cái này che bị cái kia che, gần nhất là ngũ ấm che, xa thì bị các pháp nó che rồi mình không thấy chớ sự thật không có lúc nào nó vắng. 
Ở đây mới đặt câu hỏi: “Mặt trời đâu có tan hoại, tại sao không có ánh sáng?”. Nói cho dễ hiểu ánh sáng nguyên không hoại vì bị mây mù che, tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh cũng như thế. Tâm đó không bao giờ hoại, “chỉ vì bị mây đen vin theo vọng niệm phiền não và các kiến chấp che đậy”, thì quí vị thấy rõ ràng muốn thấy không ông Phật không phải là khó. Khó hay dễ? Quí vị tưởng tượng như nó khó lắm, nhưng không phải là khó, bởi vì tâm thanh tịnh của mình (tâm thanh tịnh là Phật tánh) chỉ vì bị mây đen vin theo vọng niệm phiền não và các kiến chấp. Dừng vọng niệm, sạch phiền não, hết kiến chấp thì tâm thanh tịnh hiện ra, như vậy dễ hay khó? Đơn giản vô cùng, dừng vọng niệm. Vọng niệm quí vị thấy có khi nào dừng không? Cũng có chớ. Mà vọng niệm nó sanh ra, nó tăng trưởng liên tục do ai, ai cho nó sanh và ai cho nó tăng trưởng? Do mình, mình nghĩ rồi mình chạy theo nó thì nó mới liên tục, quyền của mình cho nó sanh, quyền của mình cho nó diệt, tại sao mình không lấy quyền mình mà quyết định. Ngồi thì cấm không cho nghĩ, không cho nghĩ bậy, không cho vọng tưởng, cấm nó thôi chớ quyền của mình mà, đâu phải quyền của nó. Giả sử mình cấm mà lâu lâu nó chen vào thì nạt nó, quở nó cho nó chạy đi, thì đó mình làm quyền ông chủ, mình có quyền có tư cách ông chủ. Còn nếu nói ngồi đó mà nó dấy lên chạy theo nó thì mình chủ hay nó chủ? Đó là mình tớ nó chủ rồi. Vậy tu là giành quyền lại của chính mình, chớ không để cho những thứ tạm nhạp nó làm quyền. Nếu ở trong chùa mà có một trăm người, một trăm quyền thì chùa đó ra sao? Nếu trong chùa chỉ có một người có quyền trên hết thì mới sắp đặt được. Mình ở đây vọng tưởng không biết mấy trăm thứ, nó liên miên, bây giờ mình phải lấy quyền làm chủ của mình, mình quyết định không cho chú lên, chú lên chú chú phải cút đi không cho ở đây, nạt nó vậy, thì nó lên nó lặn, nó lên nó mất, nó vừa trồi đầu lên cái nó mất, như vậy là mình làm chủ trọn vẹn. Còn nó lên, mình cứ thương nó chạy theo nó một hồi, sực nhớ lại giật mình, giật mình cái rồi mới vừa tỉnh tỉnh chú khác lên chạy theo một hồi …thì cả một buổi ngồi thiền là cả một buổi mình làm nô lệ cho vọng tưởng, mà làm nô lệ cho vọng tưởng chừng nào mình làm chủ được. Quí vị tự kiểm lại thấy cái yếu đuối, cái hư dỡ của mình, mình lệ thuộc một cái không đáng lệ thuộc. Giờ mình tu là mình làm chủ được mình, những cái cho nó là đồ tạm bợ dấy lên thì quở buông, thì tự nhiên nó sạch nó hết, vậy đó là quí vị ngồi một giờ có quyền làm chủ một giờ, mình làm chủ từ từ thì mấy cái đồ tạp nhạp đó một ngày nào nó tan biến hết, chừng đó mình sống trọn vẹn với ông chủ của mình, đó là được an lành tự tại giải thoát. Nếu mình cứ bị nó len vô làm chủ hoài thì muôn kiếp không có giải thoát gì hết, đó là chuyện hết sức cụ thể. Vậy vọng niệm, phiền nảo, ngồi thiền có phiền não không, quí vị có phiền não không? Ngồi thiền là giờ tu mà phiền nảo ở đâu chen vô đó, vậy mà thỉnh thoản cũng có phiền não. Giả sử chiều hai giờ rưỡi ngồi thiền tới bốn giờ rưỡi xả thiền ra, uống bột sơ sơ rồi ngồi bàn với huynh đệ nói chuyện chơi, bất thần mình nói câu gì đó lỡ lời bị huynh đó phản bác lại nặng nề, nói những tiếng chạm tự ái nhiều. Đến bảy giờ rưỡi vô ngồi thiền, ngồi yên lại thì những tiếng nói chạm tự ái hồi chiều đó nó có sống dậy không? Lúc nó sống dậy thì sao? Nạt nó cho nó đi hay nghĩ câu trả lời nào cho khéo, mai trả lời cho đã giận? Vậy vừa nhớ lại lời nói  khi chiều mình không vui đó, nhớ rồi phải sử sao với lời nói đó, làm cách nào để trả lại cho xứng đáng, thì lúc đó là lúc nuôi dưỡng phiền não, đang nuôi dưỡng phiền não. Vậy chúng ta phải buông hết những vọng niệm, buông hết các phiền não. Kế đó nữa là kiến chấp. Chắc quí vị ở đây cũng chưa biết kiến chấp là làm sao? Mình tu có kiến chấp không? Thường thường người ta hay nói kiến chấp của ngoại đạo, chớ ít ai nói kiến chấp của người tu. Giờ quí vị xét coi chúng ta có kiến chấp không? Nghiệm kỹ coi có không? Chắc hoặc ít hoặc nhiều, khó người nào không có. Tôi thí dụ có người, nhất là những năm ở Chân Không, có mấy ông thầy nói ăn củ cải trắng nó bệnh, nó sanh ra nhiều cái không tốt. Lâu lâu phật tử cúng củ cải trắng lên, rồi kho rồi nấu này kia, thì không ăn, không ăn thì cho rằng tránh khỏi bệnh. Nhưng người ta kho nấu không ăn, kiếm cái gì khác ăn, mà không có cái gì khác ăn ngồi đó có phiền não không? Từ cái kiến chấp cho đó là bệnh, đem lên mình ăn mà mình không ăn, không ăn cái đó thì không có cái gì ăn thì phiền não, từ kiến chấp sanh ra phiền não. Gần đây có nhiều người nghĩ rằng mình bệnh, mà bệnh này là do ăn uống không kiêng cử  cho nên nó bệnh, thôi để mình ăn gạo lứt muối mè cho hết bệnh. Nghĩ ăn gạo lứt muối mè hết bệnh, giờ vô chúng không cho mình ăn, buồn không? Mỗi khi bệnh trách, tại không cho tôi ăn gạo lứt muối mè tôi bệnh đó, thì cái đó có phải là kiến chấp không. Bởi vậy người tu những cái chấp nhỏ nhỏ đó bỏ đi, hòa với mọi người, người ta sống được mình sống được, sống làm sao cho hòa, cho vui với nhau thì đó là hợp với Đạo, sống mà theo kiến chấp riêng tư, đòi hỏi riêng tư là không hợp mà không hợp là phiền não, mà phiền não thì tu không được. Vì vậy mà đây dạy bỏ cái kiến chấp đó nữa. Bây giờ xét kỹ quí vị có kiến chấp không? Người nào không có không? Chắc có cái này hoặc có cái kia khác nhau một chút thôi phải không, ai cũng có mang một hai kiến chấp. Mà kiến chấp đó do ai nói, ai đó dạy rồi nghi trong đầu nè, đến chổ nào không giống cái đó thì không chịu, không chịu mà không có quyền phản kháng thì cũng buồn buồn trong bụng, không vui. Vậy kiến chấp cũng là cái làm chúng ta phải sanh phiền não. Nên ba cái mây mù là: vọng tưởng, phiền não, kiến chấp phải dẹp sạch thì chơn tánh hiển lộ, đơn giản quá phải không. Người  ta nói tu phải trải qua ba vô số kiếp mới thành  Phật, mà bây giờ chỉ làm có bao nhiêu việc đó thì Phật tánh hiển lộ, lúc đó thành Phật chưa? Chưa thành Phật quả chớ lúc đó cũng thành Phật nhơn rồi phải không, thấy được Phật nhơn rồi. Vậy không phải là khó, mà khó vì chúng ta ôm kiến chấp chặc, giữ phiền não nhiều, chạy theo vọng tưởng nên chúng ta phải mê muội cả đời, hết đời này đến đời nọ. Vậy chổ chỉ của chư Tổ quá là gần chớ không phải là xa. Bởi vậy Ngài kết luận rằng: “Nếu hay giữ tâm lắng lặng, vọng niệm không sanh thì pháp Niết bàn tự nhiện hiển hiện” đơn giản vô cùng. Nếu giữ tâm lắng lặng yên tỉnh trong sáng, vọng niệm không còn thì pháp Niết bàn tự nhiên nó hiển hiện. Lâu nay người ta cứ ngở Niết bàn là chổ đó có hào quang, chổ đó có cái gì kỳ đặc, cho nên nói Niết bàn người ta mơ uớc chổ đó là vui tươi, là sung sướng, na ná Cực lạc vậy đó. Chớ không ngờ trong nhà Phật nói sanh tử là đau khổ, Niết bàn là an lạc. Vậy Niết bàn là gì? Là không sanh tử, hết sanh tử thì đó là an lạc, vì nói sanh tử là khổ mà không sanh tử thì đó là lạc chớ có nói gì khác được, hoặc là sanh tử, mà sanh tử là đau khổ hết sanh tử là vui. Từ cái nào ra sanh tử? Từ vọng niệm phiền não nó dẫn mình đi trong sanh tử, bây giờ vọng niệm phiền não sạch thì hết sanh tử. Khi nào vọng niệm phiền não sạch rồi thì  Niết bàn hiện ra, vì  cái nhân sanh tử là vọng niệm là phiền não, mà cái nhân sanh tử nó dứt rồi thì cái hết sanh tử hiện ra rõ ràng. Khi đó quí vị mới thấy Niết bàn và sanh tử có thật không, vì đối với sanh tử nói cái không sanh tử là Niết bàn, đến khi mình hết sanh tử rồi thì mình cũng hết Niết bàn luôn vì đâu có đối sanh tử nữa mà nói. Cũng như có ai đó bị người ta rầy rà nguyền rủa, buồn quá khóc, lại đây có người khác an ủi nói chuyên gì đá cái cười, như vậy nói khi nảy là khổ bây giờ là vui. Còn nếu có người nào không bị người ta nói cho mình phải phiền phải khóc, rồi người ta chọc mình cũng không cười thì có khổ không? Không khổ không vui mà người đó có không, không khổ không vui mà người đó cũng hiện tiền mà không   có cái khổ cái vui. Cái nhân sanh tử dứt thì gọi là hết sanh tử, nhưng không phải hết sanh tử rồi ngang đó không còn gì hết. Hiểu như vậy thì quí vị mới thấy Niết bàn là cái tâm thanh tịnh sẳn có của mình nó hiện ra, vì cái tâm thanh tịnh đó nó không có sanh tử nên cũng gọi là Niết bàn. Cho nên biết tâm mình xưa nay thanh tịnh, như vậy kết thúc tâm mình xưa nay thanh tịnh, nhưng giờ nó không thanh tịnh tại làm sao? Tâm mình xưa nay thanh tịnh, mà bây giờ nó không thanh tịnh là tại vì mình chạy theo bóng dáng của sáu trần tạm bợ. Thí dụ như thanh trần, mình đang ngồi yên, tâm mình nó đang yên lặng, cái nghe một bản nhạc ở đâu đó nó vang lại lổ tai mình, cái tâm đang yên lặng duyên theo bản nhạc thì lúc đó vui  hay buồn?  Nếu bản nhạc vui thì mình cười theo, nếu nghe bản nhạc mà lâm ly quá mình buồn theo. Vậy tâm thanh tịnh này do duyên theo sáu trần, mà đó mới là thanh trần thôi thì nó liền biến ra cái vui cái buồn. Còn nếu mình không, dù cho bản nhạc vang bên tai mình mà vẩn giữ nguyên cái quyền làm chủ không chạy theo nó, không dính với nó thì có vui có buồn không, thì đó mới thật là thanh tịnh. Cái thanh tịnh là do không dính mắc với sáu trần, còn dính mắc với sáu trần thì hết thanh tịnh, cho nên nói bóng dáng sáu trần làm nhơ bản tâm mình, đó là vậy đó. Bây giờ có ai đừng chịu cho nó dính không?  Giả sử mình đang ngồi đây dưới cội cây một mình, đàng kia có hai ba người họ ngồi với nhau họ đánh đàn họ hát họ vui vẽ, những bản nhạc nghe cũng du dương lắm, thì mình  có yên ngồi một cách tự tại hay lúc đó muốn nhúc nhíc, muốn đi lại đó coi ai hết bản gì đó, thì như vậy là chúng ta bị động, bị cái âm thanh làm cho dao động, mà dao động tức là hết thanh tịnh, nên nó là cái nhơ làm cho tâm mình hết thanh tịnh, từ cái đó mà đưa tới dính mắc với sáu trần. Vậy chỉ một câu hỏi và một câu trả lời này thì quí vị thấy nó quá rõ ràng, tu chỉ bao nhiên đó có đủ chưa? Nên mấy Tổ không nói nhiều, không nói dài dòng, không viết cuốn sách mấy trăm trang đâu, nói chừng dạy chục trang đủ rồi, đủ dạy chúng ta tu rồi, vì vậy mà tôi muốn nói cho kỹ một câu hỏi mà chúng ta thấu suốt được đó là nắm vững đường lối tu. Cho nên trả lời câu hỏi: “Làm sao biết tâm mình xưa nay thanh tịnh?”. Thì từ nảy giờ giải cho quí vị hiểu tâm mình xưa nay vốn thanh tịnh, giống như mặt trời ở trên hư không vào giữa trưa, nó vốn là sáng mà vì bị mây che nên mờ tối, chúng ta bị vọng niệm phiền não kiến chấp nó che, cho nên tâm mình nó tối. Nếu dứt được mấy cái đó  thì tâm mình nó trong sáng, là thanh tịnh, mà tâm trong sáng thanh tịnh là Thánh. Vậy Thánh đâu có ở xa, đâu có phải lên đến Ngũ Đài sơn mới gặp Thánh, ở đâu cũng có Thánh Hết nếu tâm chúng ta thanh tịnh. Đó là trả lời câu thứ nhất. Câu hỏi thứ hai.

CHÁNH VĂN
 Hỏi : Làm sao biết tâm mình xưa nay không sanh diệt?.
Đáp : Kinh Duy Ma nói: “Như không có sanh, như không có diệt”. Như là chơn như Phật tánh, tự tánh thanh tịnh. Thanh tịnh là nguồn của tâm. Chơn như vốn không từ duyên sanh. Lại nói: “Tất cả chúng sanh đều Như, các hiền thánh cũng Như”. Tất cả chúng sanh là chúng ta vậy. Các hiền thánh tức là chư Phật vậy. Danh tướng tuy khác, chơn như pháp tánh trong thân đều đồng. Không sanh không diệt nên nói đều “Như”. Thế là biết tâm mình xưa nay không sanh không diệt.

GIẢNG

Hồi nảy, hỏi xưa nay thanh tịnh. Giờ hỏi sao biết tâm mình xưa nay không sanh diệt. Ngài dẫn một lời trong Kinh Duy Ma: “Như không có sanh, như không có diệt”. 
Dùng chữ “Như”  là để nói không sanh không diệt. Giờ quí vị thấy chúng ta có “Như” không? “Như” không có sanh, “Như” không có diệt. Chữ “Như” là sao? “Như” là nó nguyên vẹn không đổi thay. Trước thế đó, giữa thế đó, sau thế đó, không đổi thay tí nào hết gọi đó là “Như”. “Như” là cái không đổi thay, không đổi thay thì đâu có không sanh diệt. Tôi thí dụ ở trong nhà chúng ta, chung quanh là tường vách, ở giữa hư-không. Tường vách nó có “Như” không? Bởi tường vách bị luật vô thường nó chi phối, ngày nay thấy nó vậy chớ mai kia nó cũ, cũ rồi lâu nó hoại thành ra nó không có “Như”. Còn cái hư-không trống rỗng này nó có “Như” không? Nó như vậy, có thấy cũ thấy mới gì không? Có người nói hư-không có thay đổi. Hỏi thay đổi làm sao? Như hư-không trống trong nhà này, mà tối không có đèn thì thấy hư-không tối, mở đèn thấy hư-không sáng. Như vậy hư-không đổi, phải không? Quí vị  chịu đổi không? Cái đó là tối sáng đổi chớ không phải hư-không đổi, mà chúng ta nhiều khi hiểu lầm cứ thấy sau khi nảy chổ này tối mò, bây giờ nó sáng lên thì nói nó đổi đó hồi nảy tối bây giờ sáng. Sự thật không phải hư-không mà đó là đèn. Có đèn thì sáng, tắt đèn thì tối chớ không phải hư-không. Hư-không là cái trống rỗng vậy thôi, trước sau nó cũng như vậy. Đó là tôi thí dụ. 
Bây giờ quí vị nhớ cho thật kỹ, chữ “Như” là chơn như Phật tánh, tự tánh thanh tịnh. Trở lại ngay nơi con người của mình thì quí vị thấy, cái thấy của mình, cái nghe của mình và cái niệm suy nghĩ của mình. Cái thấy, cái nghe và cái tâm niệm suy nghĩ quí vị thấy cái nào “Như”, cái nào “không Như”?  
Cái thấy của mình, nhìn ra bầu trời  thấy bầu trời, nhìn vào cây cối thấy cây cối. Sáng nhìn bầu trời, chiều nhìn bầu trời, sáng nhìn cây cối, chiều nhìn cây cối, “cái thấy” bầu trời, “cái thấy” cây cối, “cái thấy” đó có thay đổi không? Mà bầu trời và cây cối có đổi không? Bầu trời đổi hoặc sáng hoặc tối, cây cối đổi màu sáng khác, trưa khác, chiều khác chớ “cái thấy” mình không có đổi. Vậy “cái thấy” đó “Như” không? “Cái thấy” đó là “Như” rồi.
Tai mình nghe. Sáng nghe chuông, nghe trống; chiều nghe chuông, nghe trống; thì tiếng chuông, tiếng trống đánh nhiều đánh ít có đổi thay, còn “cái nghe” mình có đổi thay không?  “Cái nghe” trước sau như một nên “cái nghe” đó là “Như”.
Còn “cái suy nghĩ” của mình, khôn dại hơn thua đó nó có “Như”  không? Có khi thấy người này mình nghĩ người đó tốt mình khen, thấy người kia mình nghĩ người đó xấu mình chê ..v.v… cái tâm niệm nghĩ suy sanh diệt đổi thay không thường, nên cái đó nó không phải là “Như”, mà mình chịu sống với cái “Như” hay là “không Như” ? Chịu cái nào? Sống “Như” là vui, hay “không Như” là vui? Sống “Như” coi bộ buồn quá, trước sau như vậy hoài buồn? Nhưng không phải như vậy đâu, sống “Như” mới là vui, còn sống với cái “không Như” mới là buồn. Bởi “không Như” là cái thay đổi, thay đổi nên có được có mất, có sanh có diệt, có già có chết..v.v… đủ thứ, thì đó là gốc của buồn. Còn trước sau như một không đổi dời thì cái đó mới là vui.
Giờ tôi nói thí dụ một giờ nào chúng ta ngồi thiền mà tâm trong lặng không có một niệm khởi, lúc đó ai nhìn mặt chúng ta thấy buồn hay vui? Mặt tươi như thường. Còn ngồi thiền chực nhớ lại hồi chiều ai nguyền rủa mình đó thì nhăn mặt lại sụ xuống, hoặc đang ngồi thiền nhớ lại huynh nào hồi chiều nói câu đó hay quá cái vui lên, vui cười buồn bực đổi thay. Còn trạng thái tâm yên lặng thanh tịnh thì gương mặt nó tươi mà không phải cười, tươi mà nó không có buồn, cái đó mới là thường lạc. Còn cái vui kia là tạm đối với khổ mà nói vui thôi, cái vui đó nó không có thường. Bởi vậy người tu phải khéo thấy cho rõ cái thật, mình trở về, cái hư cái dối mình đừng theo, vậy đó là khéo tu.
“Chơn như vốn không từ duyên sanh”, chữ chơn như vốn không từ duyên sanh, còn cái tâm của mình hiện giờ có phải từ duyên sanh không? Như khi nảy tôi nói, mình đang ngồi yên nghe tiếng nhạc, mình dấy lên muốn nghe hoặc là vui hoặc là buồn thì đó là duyên sanh. Còn cái tâm lặng lẽ không có vọng niệm không có suy tưởng thì đó cái duyên gì? Mà nó lặng lẽ không suy tưởng thì đó là “Như”, “Như” như vậy đó là không có duyên, mà không duyên thì không sanh, không sanh thì không diệt, nó rõ ràng như vậy. Cho nên “Như” là không sanh, “Như” là không diệt, mà cái “Như” đó mình có quyền có hay không? Có quyền không?  Ai  cũng có  đủ thẩm quyền để được “Như” hết, mà không chịu thì thôi chớ. Chớ đừng nói người này làm được, tôi làm không nổi, hỏi tại sao? Chẳng qua là mình không có giành quyền làm chủ trọn vẹn cho mình, mình để cho nó loạn, nó loạn mình nói làm không được, chớ đâu phải cái “Như” dành riêng cho ai, ai cũng có quyền làm được, nhưng phải biết làm chủ thì được, không biết làm chủ thì không được. Vậy cái duyên sanh cũng phải do duyên mà diệt, từ duyên sanh thì cũng từ duyên diệt, còn không duyên sanh cũng không diệt. 
Lại nói: “Tất cả chúng sanh đều Như, các hiền thánh cũng Như”. Đây lại nói là Kinh Duy Ma Cật. Kinh Duy Ma Cật nói: “tất cả chúng sanh đều Như, các hiền thánh cũng Như”. Ở đây nói hiền thánh “Như” thì phải, còn chúng sanh cũng “Như” đâu có được. Vậy cái “Như” dành hiền thánh chớ không có cho chúng sanh phải không, quí vị chịu không? Nếu cái “Như” đó là riêng của hiền thánh thì chắc có bao nhiêu hiền thánh đó hoài không có thêm, mà người tu cũng vô ích, vì vậy nên “Như” là cái ai cũng sẳn có, ai cũng có quyền tạo nghiệp sanh tử, ai cũng có quyền dẹp hết nghiệp để thoát ly sanh tử. Tạo nghiệp sanh tử đó là phàm phu, dứt nghiệp để hết sanh tử đó là Thánh nhân. Vậy tạo nghiệp và dứt nghiệp là quyền của ai, ai cho phép mình làm việc đó? Bây giờ quí vị thấy, người nào đó nói một câu chọc tức mình, bị chọc tức mà nếu không đè nén được cơn giận thì phát ra lời nói thô tục, còn nếu mà họ chửi mình mà mình thắng được cơn bực bội của mình vẩn tỉnh táo như thường thì có phát ra lời xấu xa không? Phát ra lời xấu xa là tạo nghiệp ác, không phát ra lời xấu xa là không tạo nghiệp. Vậy quí vị thấy ai làm được việc đó, Phật làm hay mình làm? Ông Phật cũng bị chửi vậy, mà không buồn không giận, còn mình bị chửi thì buồn giận là tại sao? Tại vì mình chấp cái giả làm cái thật, ngôn ngữ nói ra là mất có gì đâu mà mình cứ chấp ngôn ngữ là thật rồi mình khổ vì ngôn ngữ. Còn Phật chửi thì chửi mà chỉ cần hỏi: “ Ông cho đồ người ta, người ta không nhận về ai?” . Vậy chỉ cái không nhận thì đủ hết, đó là tu. Còn mình động tới nhận động tới nhận cho nên không tu, tu không được. Bởi vậy nói ở thế gian khó tu quá, muốn chạy vô trong rừng trong núi cho dễ tu. Nhưng vô rừng vô núi rồi còn cái gì nữa, đủ thứ chuyện nên cũng khó tu như thường. Tôi nói những chuyện nho nhỏ, vô núi  vô rừng ở một mình, ở một mình bằng cách nào? Chắc cũng phải có cái chòi, muốn có cái chòi phải có phương tiện đẻ cất chòi. Có cái chòi rồi, phải có khạp nước, ở trong rừng không uống nước sao? Phải sắm khạp nước, có khạp thì phải đi múc nước về có khạp mà không có nước thì làm sao, cũng phải kiếm suối, kiếm chổ lấy nước. Có khạp nước, có chổ ở rồi phải có hủ gạo, có gạo có cơm ăn, rồi sắm hủ gạo, hủ gạo phải có bếp rồi cứ vậy, bếp phải có củi, mà gạo ăn còn hoài sao, ít bửa hết. Như vậy cái mình tưởng ở trong xa vắng là yên tu, mà có yên không? Còn ở giữa chúng quí vị có lo cái gì không? Không lo hết gạo, không lo hết củi, không cái gì hết, cứ bảo gì làm nấy. Còn cái kia ngồi một mình, bửa nay lở hết gạo thì phải tính làm sao? Phải sả thiền sớm đi kiếm gạo, vậy thì bao nhiêu cái phiền hà cho mình. Đó là nói bình thường, lỡ bị đau bụng thì làm sao? Phải chạy đi kiếm thuốc, thì rốt cuộc rồi mình giải quyết chuyện của mình mà nó cũng quá ư là phiền hà rồi. Còn mình ở trong chúng, giả sử đau bụng báo tin  cho ban khám bệnh đem thuốc lại uống khoẻ ru, khỏi mắc công lo gì hết, còn cái kia đủ thứ lo. Vậy mà có nhiều người nghĩ mình vô núi ở một mình chắc hay lắm, tu giỏi lắm. Nhưng không ngờ vô đó rồi lo riết rồi tu hết được, đó là cái lẽ thật. Bởi vậy nên chúng ta phải hiểu rằng, cái tu là người khéo biết, khéo nhận, biết rằng mình cũng như bậc Thánh hiền, ai cũng có cái tâm tánh chơn thật, như như. Có cái đó, nhưng vì theo vọng tưởng theo phiền não mà nó khuất lấp đi. Giờ đừng theo vọng tưởng, đừng theo phiền não thì tự nó “Như” chớ có gì đâu, hiền Thánh là như vậy. Nếu mình theo nó là mất tánh cách hiền Thánh của mình rồi.
Tất cả chúng sanh là chúng ta vậy . Tất cả chúng sanh là chúng ta vậy, tại sao? Bởi vì chúng ta ưa vọng tưởng, chúng ta ưa sanh diệt cho nên chúng sanh là mình.
 Các hiền Thánh tức là chư Phật vậy. Các hiền thánh là các Ngài không chạy theo cái sanh diệt đó, nên cái Ngài ”Như”, mà “Như” tức là Phật . Vậy chúng sanh hay Phật đồng có thể tánh “như như” , nhưng khác một bên chạy theo nó  trở về với nó, còn một bên thì quên nó đi
Danh tướng tuy khác, chơn như pháp tánh trong thân đều đồng. Danh tướng đây là Phật, kia là phàm. Phàm Thánh có hai, Phật với chúng sanh có hai, nhưng thật ra chơn như Phật tánh đều đồng, Phật có chúng ta cũng có không ai thiếu hết.
Không sanh không diệt nên nói đều “Như”. Cái Phật tánh đó không sanh không diệt cho nên nói là “Như”. 
Thế là biết tâm mình xưa nay không sanh không diệt. Chúng ta ai cũng có sẳn cái tâm không sanh không diệt, mà quên mà bỏ khuất lấp đi thì không thấy, nếu chúng ta biết trở lại biết làm cho sáng ra thì tất cả đều được “Như”, mà được “Như” thì tất cả không sanh không diệt, là Phật. 
Vậy chữ “Như” ở đây nó có giá trị hết sức quan trọng, bởi vì chúng ta lâu nay tu hành cứ ngỡ rằng bao giờ mình ngồi tu mà phát ra một cái gì kỳ đặc, hào quang sáng khắp bầu trời hay đang ngồi bổng dưng bay tuốt trên mây xanh chẳng hạn, thì như vậy tu mới có kết quã. Rồi cứ ngỡ những hình thức, những tướng mạo sanh diệt đó là gốc của sự tu nên dễ lạc vào đường tà. Còn ở đây nói “Như” là không sanh không diệt, không sanh không diệt làm gì có sanh tử, mà không sanh tử tức là giải thoát . Cái “Như” đó là cái có sẳn ở nội tâm chúng ta, nội tâm đã sẳn có cái thể tánh “như như”, vì chúng ta chạy theo vọng niệm chạy theo sáu trần mà biến thành ra cái tướng sanh diệt. Sanh diệt là cái tạm bợ, chơn như mới là cái vĩnh cửu, mà chúng ta quên cái vĩnh cửu chạy theo cái tạm bợ cho nên gọi đó là mê. Giờ tu, chúng ta biết sống biết trở lại cái chơn thật đó thì chúng ta giác. Như vậy thì mê giác chỉ là quyền của mình, chạy theo sanh diệt là mê, trở về bản tánh “như như” là giác. Trên đường tu chúng ta không phải băn khoăn lo lắng tìm kiếm cái gì lạ, mà chúng ta chỉ sáng suốt nhận rõ cái tạm bợ hư dối, đừng cho nó lôi dẫn mình, đừng bị nó sai khiến mình thì đó là chúng ta biết trở lại biết sống với cái chơn thật. Như vậy cái tu nó gần mà thật biết là mấy. 

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07187
  • Online: 46