Mùa Phật Đản an lành trước mùa dịch

05/04/2021 | Lượt xem: 1940

TT.Thích Tâm Hạnh

I. DẪN NHẬP.    

Nhân loại đang đối diện và gánh chịu đại dịch Corona (nCoV, Covid-19, SARS-CoV-2). Con người vẫn phải vận hành để duy trì sự sống. Song song với những sinh hoạt tối thiểu thường ngày, mỗi người cũng phải có cách sống chung với dịch bệnh, phải biết cách đề phòng và ngăn ngừa, không để dịch bệnh lây nhiễm. Do đó, xã hội đang phải sống “Bình thường mới”. Mùa Phật Đản, Phật lịch năm 2564 – Dương lịch năm 2020 đã về trong một bối cảnh như thế. Chúng ta đón Phật Đản phải phù hợp với tình hình mới. Do đó năm nay đã có một mùa Phật Đản đặc biệt, bình thường mới.

Bình thường bởi năm nào cũng vậy, cứ đến ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, tất cả người con Phật chúng ta lại được đón mùa Phật Đản, kỷ niệm ngày đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đản sanh. Bình thường bởi dù có gì xảy ra, người con Phật chúng ta cũng bằng vào định tuệ, an nhiên, không xao động, nao núng.

Mới, bởi tính tùy duyên, tùy theo hoàn cảnh của nhân loại vào thời điểm hiện tại. Hiện nay đại dịch xảy ra trên toàn thế giới. Mỗi nước đều phải có cách phòng ngừa. Song song với nhiều việc làm quan trọng khác, giãn cách xã hội là một trong những biện pháp khả dụng và hiệu quả. Ở Việt Nam chúng ta cũng thế, quý vị lãnh đạo nhà nước đã có những chỉ thị kịp thời để ngăn ngừa dịch bệnh. Trước mùa Phật Đản sắp đến, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã có những Thông Tư, Thông Bạch để hướng dẫn tổ chức Đại Lễ Phật Đản phù hợp với tình hình chung của cả nhân loại.

Một mùa Phật Đản vẫn về bình thường trong niềm hoan hỷ chung của tất cả những người con Phật. Trong cái bất biến không có gì cản nổi ấy, nhưng vẫn có trí tuệ tùy duyên uyển chuyển thích nghi với điều kiện mới. Đón Phật Đản an toàn, an lạc, hoan hỷ trước mùa dịch, cho nên nói “Mùa Phật Đản an lành trước mùa dịch”.

 

IITHÀNH KÍNH CÚNG DƯỜNG NGÀY PHẬT ĐẢN.

1)   Biết ơn – Đền ơn – Thành kính kỷ niệm cúng dường Phật Đản.

Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni từ bi thương tưởng đến chúng sanh lặn hụp trong biển khổ sanh tử trầm luân, Ngài đã vào đời với tâm nguyện để cứu độ cho tất cả chúng sanh được hết khổ, an vui. Chúng ta càng học hiểu thẩm thấu những gì Ngài chỉ dạy, càng tu hành tiến bộ, an lạc bao nhiêu thì càng cảm bội niệm ơn sâu sắc đức Phật bấy nhiêu. Lòng càng cảm bội biết ơn vô hạn thì càng muốn tỏ lòng đền ơn của mình đối với đấng từ phụ. Vì vậy, mỗi một ngày lễ lớn, đặc biệt như ngày kỷ niệm Đản Sanh hôm nay, mỗi người con Phật chúng ta bằng nhiều phương cách khác nhau, đồng thể hiện tấm lòng thành kính của mình, cung kính dâng lên cúng dường đức Phật. Tuy có nhiều cách cúng dường, thể hiện lòng biết ơn khác nhau, nhưng không ra ngoài ba pháp chính, đó là “tam chủng cúng dường”.

2)   Tam chủng cúng dường.

a)   Sự (lợi) cúng dường.

Mỗi người, mỗi tự viện bằng vào khả năng của mình, thành kính bài trí hương hoa, phẩm vật dâng lên cúng dường Tam Bảo.

b)   Kính cúng dường.

Bằng vào cách nhìn, hiểu biết, mỗi người ai cũng có cách tỏ bày lòng thành kính của mình lên đức Phật. Điển hình chung nhất vào những ngày này ai ai cũng trang nghiêm cử hành Đại Lễ Phật Đản.

c)   Tu tập cúng dường.

Bằng vào công phu tu tập của mỗi người, tùy vào pháp môn mình đang hành trì, tùy theo công phu sâu hay cạn của từng hành giả, mỗi người theo đó hạ thủ công phu tu tập để dâng lên cúng dường đức Phật nhân ngày kỷ niệm Đản Sanh.

Hằng năm điều kiện thuận lợi, việc thể hiện cúng dường được tổ chức trọng thể. Thiết trí lễ đài, xe hoa cùng nhiều chương trình hoạt động khác dâng lên cúng dường đức Phật nhân ngày kỷ niệm Đản Sanh. Tăng Ni và Phật tử đồng hướng về những lễ đài, tổ đình, tự viện để hành lễ trang nghiêm, cùng nhau tu tập. Năm nay do tình hình dịch bệnh bị ảnh hưởng chung cho nên ba pháp cúng dường này được tổ chức tại mỗi tự viện hoặc tư gia. Không tập trung đông người, nhưng lại vô cùng lắng đọng, trang nghiêm, thanh tịnh, cảm nhận được rất thật và rõ ràng từ trong sâu thẳm mỗi người.

“Nhất niệm thông tam giới”. Khi tâm đã về một mối, không còn loạn động, đã thanh tịnh, sáng ngời thì không thời gian hay không gian nào ngăn cách được. Đức Phật sẽ thấy chúng ta trong chân trời tự tánh ấy. Đúng với câu kinh chúng ta thường xướng lên trước mỗi buổi lễ: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch”.  Sở lễ là Phật, tự tánh Ngài đã vắng bặt rồi. Năng lễ là mình, tánh mình rỗng lặng nữa thì chúng ta và Phật cùng gặp nhau trong đạo chân thật vô tướng sáng ngời ấy, không thể nghĩ nghì. Hành lễ trong thời điểm thuận tiện và không thuận tiện, quy mô có thể khác. Nhưng trong tâm thanh tịnh thì đạo cảm thông kia không hề khác chút nào. Được thế, chúng ta đang có một mùa Phật Đản hoan hỷ, an lạc, dù đang phải đối diện với những khó khăn của dịch bệnh.

 

IIIHỌC THEO LỜI PHẬT DẠY.

Cung kính bất như phụng mệnh. Nghĩa là, sự tôn kính không gì bằng, không gì hơn là vâng lời dạy của đức Phật để thực hành. Thực tế là vậy. Đức Phật đã vô nhiễm, không còn tham đắm bất cứ gì kể cả cuộc đời này. Ngài cũng không đòi hỏi gì ở chúng ta. Điều Ngài mong mỏi duy nhất là làm sao để chúng sanh hết vô minh, dứt khổ, chứng được an lạc diệu thường. Làm được việc chính yếu này cho bản thân và mọi người, cho chúng sanh, đó là thực hiện đúng với bản hoài của đức Phật, là thiết thực đền ơn Ngài. Cụ thể hiện nay, chúng ta ứng dụng lời dạy của đức Phật như thế nào để bình tĩnh, an ổn vượt qua được biến cố của đại dịch?

1)   Cách nhìn một vấn đề.

Nói một cách cụ thể, chúng ta ở vào tư thế, tư thái như thế nào để nhìn một vấn đề.

Cuộc đời từ một cái nhìn.

Cái nhìn thay đổi, cuộc đời đổi thay.

Con người không có mặt, mọi thứ trở nên vô nghĩa, không có giá trị chi phối để phải khổ hoặc vui. Nếu không khéo nhìn thì cái gì cũng có thể làm cho chúng ta khổ đau được. Cùng một tình huống xảy ra, nếu người có trí tuệ và định tỉnh sẽ nhìn khác, sẽ không bị xao động, nao núng hoặc chao đảo. Trước một hoàn cảnh, mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau, nhưng chung quy lại không ra ngoài hai tư thái chính, đó là bình tâm tĩnh trí để thấy rõ, hay thiếu bình tĩnh, biết theo sự kiện rồi rối rắm, bất an.

a)   Thiếu bình tĩnh, quên mình, biết theo, biết về.

Thiếu bình tĩnh, đánh mất chính mình, biết theo, biết về sự việc, chư Phật gọi đây là cái biết phan duyên, vin theo vật; là cái biết còn trong sanh tử, khổ đau. Chư vị Tổ sư, thiền sư gọi là quên mình theo vật, là gốc của sự trói buộc, đưa đến đau khổ.

Chúng ta nhìn đại dịch bằng cách này thì lòng sẽ hoảng loạn, bất an; thiếu sáng suốt, dễ đưa đến nhiều sai lầm; cách giải quyết vấn đề theo đuôi, khiến mình mệt mỏi, đuối sức.

b)   Bình tĩnh, vượt thoát lên trên để nhìn.

Lòng tĩnh lặng, bình tâm, tĩnh trí nhìn mọi trạng huống. Với tư thái, tư thế này để nhìn, đây là không rời bản vị bản tâm chân thật chính mình để thấy biết. Là cái nhìn từ trí tuệ giác ngộ, đúng Phật đạo.

Bằng vào tâm thái như thế, chúng ta sẽ có cái nhìn của trí tuệ, sẽ có tầm nhìn đúng đắn, thấy biết đầy đủ trọn vẹn mọi khía cạnh của vấn đề. Từ đây sẽ thấy biết đúng nguyên lý và giải quyết mọi chuyện đúng nguyên lý như thế. Không bị mê tín, huyền hoặc, thần thánh, đoán mò. Bằng cái nhìn này để sống và đối diện mọi hoàn cảnh tình huống trong đời, sẽ vững chãi, tự tin; lòng thanh thản, annhiên trước mọi hoàn cảnh. Do đó, đức Phật dạy chúng ta phải tỉnh giác, bình tâm tĩnh trí để sống, để nhìn nhận mọi sự việc là vậy.

2)  Sức mạnh chi phối con người.

Mỗi người trong chúng ta đều có những sức mạnh khác nhau. Nhưng chung quy lại không ra ngoài ba nhóm chính, đó là sức mạnh của nghiệp (nghiệp lực), sức mạnh của phước (phước lực) và sức mạnh của trí tuệ (trí lực).

a)   Nghiệp lực.

Song song với những hành động tốt, từ trước chúng ta đã trót lỡ tạo nhiều nghiệp không được tốt. Do đó khi quả báo chín muồi, sẽ phải gánh chịu những điều không như mong muốn. Dấu hiệu của nghiệp báo này ở những sự xui rủi, không may xảy đến với mỗi người. Sự xui rủi, những điều không may, bất như ý này thường khiến cho con người xao xuyến, nhẫn đến đau đớn tột cùng. Đây là do sức mạnh của nghiệp báo xấu ác chi phối.

Nghiệp là hành vi tạo tác. Hành vi này được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, có sức mạnh chi phối con người cho nên gọi là nghiệp lực (sức mạnh của nghiệp). Một anh hùng cái thế, một lực sĩ vô song, một tri thức tài ba lỗi lạc..., nhưng nếu không thể chiến thắng được một thói quen dù nhỏ của bản thân thì vẫn còn bị nghiệp lực chi phối. Đó là sức mạnh của nghiệp (nghiệp lực).

b)   Phước lực.

Biểu hiện của phước đức thông thường dễ nhận ra ở sự may mắn trong đời. Có một điều may mắn bất ngờ, chúng ta rất phấn khởi; đó là sức mạnh của phước lành.

Người chiến thắng nói gì cũng hay. Người có nhiều tiền của, địa vị... bao giờ cũng có những sức mạnh nhất định. Đó là biểu hiện dễ nhận thấy của phước lực.

Một người không giàu, nhưng sống chan hòa, tử tế trong làng xóm hoặc khu phố. Khi có việc mời sinh nhật, nếu mình từ chối thì cảm thấy trong lòng bất ổn. Đó là do sức mạnh của phước lực khiến như vậy.

Mở lòng với mọi người. Ban tặng một vật phẩm dù nhỏ nhưng bằng cả tấm lòng; người sống tử tế, hành thiện, mở tâm thoáng rộng bao dung tất cả... Cuộc sống bằng những tâm niệm và hành động thiện lành như thế bao giờ cũng được mọi người trân trọng, quý mến.

Ông bà ta thường nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Người sống có phước đức, cuộc sống luôn an lành. Phước lực là sức mạnh mà ai cũng dễ dàng nhận thấy.

c)    Trí lực.

Thử lặng xuống, lấy lại nội lực; tâm sẽ bình, khí sẽ hòa, trí tuệ sẽ sáng suốt, cuộc sống của chúng ta sẽ tràn đầy nhựa sống, lạc an, sáng rỡ. Tâm an định, trí tuệ sáng ra; trí này giúp cho chúng ta có đủ năng lực để bình ổn trên tất cả mọi trạng huống tốt hoặc xấu. Đồng thời, nhờ vào trí tuệ này mà con người có tầm nhìn và hành động đúng, đưa đến thành công và an vui thực sự. Có trí tuệ và định lực, con người sẽ vượt qua tất cả; đó là sức mạnh của trí tuệ.

•Chuyển hóa nghiệp xấu ác.

Trong ba nhóm sức mạnh trên, có một nhóm xấu là nghiệp báo xấu ác. Còn lại là hai nhóm tốt. Chúng ta dùng hai nhóm tốt là phước lực và trí lực để chuyển hóa, hóa giải nhóm xấu nghiệp lực. Cụ thể:

Trước hết phải tự tin, chưa biết nhiều hay ít, nhưng chắc chắn quá khứ mình đã tu tạo công đức lành, có phước cho nên hôm nay mới được làm người. Làm người là đã có phước rồi, thấy rõ, tự tin và xác quyết một cách chắc chắn như thế.

Trong vô vàn điều tốt mình đã tu tạo, sẽ không khỏi có lúc lỡ lầm có một vài hành động chưa được tốt, cho nên hôm nay phải gặp những điều không như mong muốn. Đã lỡ rồi, không nghĩ lui nghĩ tới gì nữa. Không tự trách mình, không khởi tâm trả nghiệp, chỉ thanh tịnh và thành tâm sám hối. Đồng thời, mở tâm thoáng rộng, tích cực tu tạo các công đức lành trong khả năng cho phép.

Song song với những việc làm trên, chúng ta nên dành thời gian tu tập thiền định. Tâm an định, trí tuệ sáng soi, năng lực bất tư nghì này sẽ giúp cho mỗi người vượt qua tất cả một cách hữu hiệu, nhẹ nhàng. Xưa kia đức Phật cũng chỉ dùng cung thiền định và kiếm trí tuệ để vượt qua tất cả chướng ngại và thành đạo. Ngày nay, chúng ta cũng học theo gương hạnh của Ngài để lại, theo đó để tin tưởng và thực hành, sẽ mang lại kết quả bất ngờ.

Có phước, nhưng phải có trí tuệ.

Trong thời gian giãn cách xã hội, có một vài vị không chịu ở nhà mà đi uống cà-phê. Được người thân nhắc nhở, anh ta nói: “Nhà mình còn ba tỷ, có gì thì lấy ra để điều trị bệnh chứ lo gì”. Có tiền rồi sẵn sàng đi làm cho mình mắc bệnh hiểm nghèo, đe dọa đến tánh mạng để xài tiền, có vẻ không ổn chút nào. Vì như thế, chắc gì tiền đã cứu mình được sống? Chưa nói đến việc khi bị nhiễm bệnh, không những bản thân mình bị đau đớn mà còn làm phiền đến người thân, bác sĩ, y tá; đồng thời còn làm liên lụy đến nhiều người và vấn đề khác nữa. Nếu ở nhà tránh dịch, dùng số tiền ấy để đầu tư làm ăn hoặc ủng hộ người nghèo, mua vật tư y tế ủng hộ điều trị dịch bệnh cho những người không may khác... chắc chắn chúng ta đã sử dụng đồng tiền thông minh, có hiệu quả và ý nghĩa hơn rất nhiều.

Vì vậy, chúng ta nên phát huy sự hiểu biết sáng suốt, có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Với người chưa bị nhiễm bệnh thì khéo giữ gìn và phòng ngừa cho thật tốt. Nhỡ bị nhiễm rồi thì phải bình tĩnh, sáng suốt, tự tin mình đang có phước, không đến nỗi tệ, chỉ tạm bị một duyên xấu vậy thôi. Điều trị đúng phát đồ thì sẽ khỏi, không lo lắng nhiều quá. Với những ai không may, không qua khỏi thì bằng vào định tuệ và phước lực, sẽ giúp cho chúng ta được an nhiên, tự tại. Bởi chết không phải là hết. Trong vòng luân hồi sanh tử, chúng ta đã từng trải qua nhiều lần chết đi sanh lại rồi. Hôm nay không may có chết thì chỉ là thêm một lần chết nữa trong muôn vạn lần đã chết mà thôi. Và sau này, ai cũng phải còn nhiều lần sống chết như vậy nữa cho đến khi thành Phật, tự tại giải thoát sanh tử mới không còn ngăn ngại, vượt thoát sống chết.

Hằng ngày đã khéo tu tập và làm nhiều việc tốt, có phước đức nhiều. Khi qua đời, nhờ phước đức thiện lành và công đức tu tập mà được sanh ra ở những nơi tốt đẹp. Như chiếc xe cũ bị hỏng, chúng ta đã chuẩn bị được nhiều tiền rồi, bây giờ đi mua xe mới tốt hơn vậy thôi.

Khéo tu tạo công đức lành, tu tập thiền định như vậy sẽ giúp cho chúng ta hóa giải và vượt qua tất cả, chứ không những chỉ riêng đại dịch hiện nay.

3)   Nhân quả.

Không có bất kỳ một thứ gì khi không mà thành, tất cả đều có nguyên nhân của nó cho nên gọi là có nhân quả. Nói cho đầy đủ là tạo nhân – đủ duyên – mới thành kết quả tương ứng; gọi là nhân – duyên – quả.

Gieo một hạt xoài là nhân, chăm bón phân nước, thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu là duyên, sẽ đưa đến quả xoài ngọt hay chua là kết quả của nhân và duyên trước đó. Nếu chỉ gieo nhân là hạt xoài mà không thêm duyên chăm sóc, bị chuột ăn thì không đưa đến kết quả được. Hoặc có chăm sóc, nhưng thổ nhưỡng và khí hậu không hợp thì cho ra một quả xoài không ngọt bằng những nơi thích hợp hơn. Như vậy, trong cái nhân đã sẵn gần như mặc định, vẫn còn đây cái linh hoạt, cái chúng ta chủ động để thay đổi kết quả theo như mong muốn của mình, đó là tạo duyên; đặc biệt là tăng thượng duyên. Nếu quá khứ đã tạo nhân tốt thì hiện nay cần tăng thêm duyên tốt để có được kết quả mỹ mãn. Nếu lỡ tạo nhân chưa được tốt thì bây giờ nỗ lực tu tạo duyên tốt để chuyển hóa, không bị những kết quả bất như ý.

Như nắm muối trong tay. Nếu ăn nguyên chất, không pha chế hoặc pha ít nước thì sẽ bị mặn. Nhưng bỏ vào trong nồi canh đủ 200 người ăn thì nắm muối chỉ thêm hương vị cho nồi canh ngon hơn. Nắm muối là ví dụ cho nghiệp xấu ác quá khứ chúng ta đã lỡ tạo. Nước là ví dụ cho pháp lành, công đức tu tập.

Giả sử trong quá khứ tạo nhiều nhân không tốt, bây giờ lẽ ra phải chịu quả báo xấu như ăn một nắm muối. Nếu gọi về và ăn nguyên nắm thì sẽ mặn đắng, không chịu được. Ngược lại, chúng ta không phải trốn tránh nghiệp, nhưng cũng không khởi tâm muốn trả nghiệp như gọi nó về. Chỉ là chuyên tâm tu tập, tu tạo các công đức lành... Việc làm này ví như cho nước thật nhiều vào. Khi kho muối đủ duyên rơi vào ao hồ thênh thang của mình một đôi hạt thì nó chan hòa. Như đem nắm muối nấu canh cho 200 người ăn thì vẫn ăn muối, nhưng chỉ có ngon, không mặn. Đây là khéo tu tập, khéo tạo duyên để hóa giải, chuyển hóa những nghiệp báo xấu ác.

Trong thời gian dịch bệnh hoành hành, ai cũng ở nhà tránh dịch. Có vị lại đi ra đường khi chưa thực sự cần. Được bạn bè nhắc, vị này nói tôi không có duyên với con Virus. Đúng là quá khứ chưa có virus thì có thể chúng ta chưa có duyên với nó. Nhưng hôm nay không tránh duyên, không tránh dịch mà cố tình đi ra đường; đó là đang chủ động đi gieo duyên với con virus thì sẽ có duyên với nó thôi. Nếu gặp người bệnh thì virus sẽ thấy có duyên với mình cho nên sẽ xâm nhập, chúng ta sẽ bị bệnh. Duyên là nhân duyên do mỗi người chủ động tạo nên chứ không phải là một cái gì đó đã được định đoạt sẵn trước. Cần hiểu cho đúng để có hành động và cuộc sống đúng, không bị sai lầm.

Chúng ta học theo lời Phật dạy, thấy rõ nguyên lý như vậy cho nên chủ động, tự tin, an ổn, bình thản và sống đúng trước mọi tình huống trong đời.

4)  Nhân duyên.

Không có bất kỳ một điều gì do một yếu tố làm nên. Tất cả mọi sự mọi việc trên đời đều do nhiều yếu tố nhân duyên hợp lại mới thành tựu. Tuy có nhiều như vậy, nhưng chung quy lại không ra ngoài hai nhóm chính, đó là nhóm yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan.

a)   Khách quan.

Yếu tố khách quan là chủ quan của quá khứ. Có nghĩa là quá khứ mình đã làm nhiều việc, hiện tại không hay biết, nhưng nó lại góp phần để làm nên sự việc hôm nay. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khách quan khác như điều kiện tự nhiên, môi trường, nhiều nhân duyên khác ngoài sự tính toán sắp đặt của mình, nhưng lại tạo duyên, góp phần giúp cho mọi việc thành tựu.

b)   Chủ quan.

Nhóm yếu tố chủ quan là những gì hiện tại mắt thấy, tai nghe, chúng ta chủ động nỗ lực cố gắng làm được trong tầm tay của mình.

Căn cứ trên hai nhóm nhân duyên ấy, việc hiện nay chúng ta có thể nỗ lực thực hiện được là yếu tố chủ quan. Cụ thể phải chủ động – trông xa – hiểu rộng, chứ không thể thụ động, hời hợt, cạn cợt, khinh suất được.

Chúng ta thường nghe nói, không lo xa sẽ có cái buồn gần. Lo xa ở đây không phải lo lắng, mà là phải có cái nhìn nhận nghiêm túc, sâu xa.

Giả sử trong cơn binh biến, nghe súng đạn nổ thì không đợi ai phải bảo ai, mỗi người tự động chạy vào nhà thật nhanh để trốn tránh. Nhưng hiện tại dịch bệnh đang hoành hành, mọi người đang khuyến cáo phải ở nhà, tránh dịch. Nếu ai đó không chịu ở nhà để giãn cách xã hội, cứ tìm cách đi ra đường thì đó là đợi đến lúc giáp mặt chạm trán như súng đạn mới biết, chứ không chịu hiểu về sự nguy hiểm của virus còn hơn cả súng đạn. Nếu chịu hiểu biết một tí thì ở nhà tuy có tù túng, nhưng làm sao dám ra đường trong khi sự nguy hiểm của virus đang rình rập, có thể xâm hại đến mạng sống của mình bất cứ lúc nào không ai có thể lường biết trước được.

Chư Tổ dạy: “Họa hoạn nó nằm ở chỗ không nơi chốn”. Bởi hiện nay mình chưa thấy họa hoạn gì. “Nhưng nó xảy ra ở chỗ khinh suất, xem thường”. Chúng ta là người tu Phật, nên phát huy trí tuệ, có hiểu biết của người con Phật. Nhìn nhận dịch bệnh một cách nghiêm túc, phòng tránh theo hướng dẫn của những người có trách nhiệm và chuyên môn.

 

IV. PHÁT HUY VAI TRÒ CÁ THỂ TRONG ĐỜI SỐNG TẬP THỂ.

Nhận định và phát huy vai trò của mình.

Một bác sĩ giỏi cũng có khả năng điều trị bệnh, nhưng cần có người nông dân để có cơm ăn. Người nông dân làm ra lúa gạo, nhưng khi bệnh phải cần đến bác sĩ. Thầy giáo xong tiết giảng ở lớp thì cũng cần ăn và nhiều sinh hoạt khác, vì vậy phải cần đến nhiều lãnh vực nữa trong xã hội. Nhà khoa học nghiên cứu nhiều công trình, nhưng vẫn cần kỹ sư sản xuất ra công nghệ để hỗ trợ... Chúng ta không thể tồn tại một mình mà không cần đến cộng đồng, nhân loại. Đức Phật dạy, một trong bốn nền tảng giúp người học Phật đi đến giác ngộ là “phụng sự và giúp đỡ những người cùng tu”. Một người không tài nào làm nên nhiều thứ. Như thế để suy gẫm, sẽ thấy xã hội, cuộc sống là một sự tương duyên, tương sinh mật thiết với nhau. Đời sống và hành xử của mỗi người sẽ có ảnh hưởng đến nhân loại. Cuộc sống, hành xử của nhân loại sẽ tác động trực tiếp đến mỗi người. Như hiện nay bị đại dịch, dù ít hay nhiều gì mỗi người ai ai cũng đang bị ảnh hưởng. Biết vậy, muốn cho cuộc sống của bản thân và xã hội được tốt đẹp, mỗi người cần phải biết phát huy vai trò cá thể, làm tốt công việc của mình vì cộng đồng chứ không thể ích kỷ, vô cảm, thiếu trách nhiệm. Nếu vô cảm, không biết phát huy như thế thì thật là tội lỗi và ân hận về sau.

Cụ thể hiện nay, ai có chuyên môn hoặc khả năng nào thì chung sức, cống hiến chung vào việc ngăn chặn đại dịch. Các nhà lãnh đạo đất nước thì gánh vác nhiều trách nhiệm lo cho nhân dân. Những bác sĩ, y tá thì góp sức ở tuyến đầu chống dịch, trực tiếp điều trị cho những người không may bị nhiễm bệnh. Các nhà khoa học thì chung tay cùng nhau sáng chế thuốc, vắc-xin. Người có tiền của thì ủng hộ vật chất, mua trang thiết bị y tế. Người có công sức thì góp vào làm nhiều việc thiện nguyện khác... Và người không có gì cả thì phát huy vai trò của mình trong đời sống của xã hội bằng cách làm theo lời khuyên của những người có chuyên môn và trách nhiệm: “Ở nhà, tránh dịch. Không đi ra đường khi không thực sự cần thiết...”.

 

VTỰ BIẾT CÁCH LÀM CHO MÌNH AN ỔN – VUI TƯƠI.

Với người đã có công phu tu tập đắc lực thì sẽ tự an ổn, tự có cuộc sống đầy trí tuệ và năng lực rồi, không có gì phải bàn nói thêm nữa. Nếu người hằng ngày đã biết tu thì hiện tại, trong thời gian giãn cách xã hội để tránh dịch bệnh này, chúng ta có cơ hội tốt để tu tập, nhất định sẽ được hoan hỷ. Người nào đã có công việc và lối sống cảm thấy bình ổn rồi thì cứ thế tiếp tục. Nếu ai đó trước đây chưa sẵn sàng, bây giờ bị bất ngờ thì cần phải biết làm mới bản thân mỗi ngày để được an ổn, lạc quan.

• Làm mới bản thân bằng cách:

   - Tập thể dục để tăng cường sức khỏe.

   - Nghe một bài pháp, đọc trang sách mà mình tâm đắc.

   - Sáng tác, viết một đoạn văn tùy thích.

   - Tập tọa thiền, tĩnh tâm.

Song song với những sinh hoạt cá nhân thường nhật, mỗi ngày nên làm thêm các việc như thế, sẽ làm mới bản thân, khiến cho chúng ta sống cảm thấy phấn chấn, lạc quan, cuộc sống mới tươi và có ý nghĩa.

Thiền sư Thường Chiếu, đời Lý, Việt Nam nói:

Đạo vốn không nhan sắc,

Ngày ngày lại mới tươi.

Ngoài ba ngàn thế giới,

Chỗ nào chẳng phải nhà.

Tâm thanh tịnh, lắng đọng sáng suốt, không chút bợn nhơ, trong thể đạo ấy vốn tự không có nhan sắc tướng hình gì. Nhưng luôn luôn sống động, sinh động, tươi mới chứ không phải buồn tẻ, cô độc, ích kỷ. Cụ thể, mỗi sáng tọa thiền an lạc, xả thiền ra thấy cuộc đời tràn đầy nhựa sống, lạc quan, thanh thoát, thênh thang đến lạ thường. Nếu khéo thiền tập, mỗi ngày đều cảm nhận sự tươi mới. Không hôm nào giống hôm nào, nhưng chung nhất là không ra ngoài bản tâm rỗng thênh, vượt thoát. Nếu người đạt đến công phu sâu hơn, sẽ hay ra tâm này vốn tự bất động mà hay sanh muôn pháp. Không động, nhưng lại linh thông, sáng tạo, chủ động vô ngần. Khéo thực tập thiền như thế thì sẽ có nội lực và trí tuệ, sẽ thấy cuộc đời này sáng tươi, lạc an biết mấy! Con virus không quá lớn để chúng ta phải hoảng loạn và lo sợ đến vậy đâu! Không những làm mới và tươi vui cho bản thân, bằng tâm thái thiền định này sẽ giúp cho con người có nhiều nội lực, tràn đầy nhựa sống, khiến cho chúng ta tự muốn sống tích cực, cống hiến thật nhiều cho cuộc đời và nhân loại.

 

VIBIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI.

1)  Bị cách ly và không bị cách ly.

Trong thời gian đại dịch lan tràn, cách ly là biện pháp cần thiết và vô cùng hữu hiệu mà đất nước nào cũng đang ứng dụng. Trong khu vực cách ly, mọi nhu cầu và vật dụng cần thiết đã có người chu cấp miễn phí và lo cho chu đáo hết rồi. Thế nhưng có nhiều người cảm thấy bị bó buộc, khó chịu, bực bội, mong ngóng làm sao cho hết thời hạn để về nhà. Người này đang bị cách ly thực sự. Cũng trong khu vực cách ly ấy, nhưng có rất nhiều người khéo điều hòa bản thân, thanh thản, lạc quan. Nhìn thấy những anh chiến sĩ phải nhường chỗ ở êm ấm của họ cho mình, còn các anh thì dựng lều trại để sống tạm. Hằng ngày từ 4 giờ khuya, ai nấy đều đang ngon giấc, nhưng các anh đã phải thức dậy để lo bữa ăn sáng. Hết ăn lại quần quật lo dọn dẹp vệ sinh, cung cấp nhiều yêu cầu của những người trong khu cách ly ấy... Thấy vậy, những người đang sống cách ly này cảm động và đầy lòng biết ơn. Hằng ngày, quý vị phụ giúp quét dọn, làm những việc mà mình có thể làm được. Đồng thời, có người còn họa (vẽ) những hình ảnh của các anh chiến sĩ tận tụy lo cho mọi người, làm thơ để thể hiện lòng tri ân... Khi hết thời hạn, quý vị nhận ra nhiều giá trị trong thời gian được ở trong khu vực cách ly ấy, chia tay mọi người đầy quyến luyến, biết ơn... Những người này đang sống trong khu vực cách ly mà tâm hồn họ không bị cách ly. Hơn thế, nhờ thời gian cách ly này, họ hay ra được nhiều thứ mà trước đây do bận rộn mưu sinh, chưa kịp nhận ra.

Đối với dịch bệnh cũng tương tự. Nếu có trí tuệ, biết mở lòng rộng lớn tu tạo các công đức lành trong khả năng cống hiến có thể của mình, chúng ta không bị dịch bệnh chi phối dù thế giới đang phải hứng chịu đại dịch kinh hoàng.

2)  Nhận ra nhiều điều.

Dịch bệnh gây hại thì cũng đã chịu nhiều thiệt hại từ con người đến tài sản rồi. Tuy nhiên, song song với những tác hại đó, nếu khéo tận dụng thời cơ, sẽ thấy virus còn đem lại cho chúng ta nhiều cơ hội khác. Cụ thể như khi cách ly hoặc giãn cách xã hội, chúng ta có thời gian để tĩnh tâm lại. Trước cái chết hoặc trong lúc tĩnh tâm, con người thường nhận ra nhiều điều. Hằng ngày bận rộn với công việc mưu sinh, đã có lúc vô tình mắc phải lỗi lầm với nhiều người chung quanh. Khi có thời gian lắng lại, liền nhận ra, chúng ta có cơ hội xin lỗi, sửa sai. Sau này ra làm việc, sinh hoạt, mình không còn phạm phải nữa.

Hoặc là hằng ngày bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc thế, đánh mất chính mình. Cho đến khi tỉnh lại mới thấy ra, cuộc sống này không chỉ có vật chất, mà vật chất chỉ là phương tiện để phục vụ cho lẽ sống mà thôi. Thế mà đã có lúc chúng ta đốt hết sức khỏe, có khi hy sinh cả nhân phẩm đạo đức để có được nhiều tiền gửi vào ngân hàng. Cho đến khi sức khỏe cạn kiệt, sanh nhiều bệnh hoạn thì rút tiền của ngân hàng sức khỏe ra để đi lo cho sức khỏe, điều trị bệnh. Nếu biết cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần, tiền có thể ít hơn, nhưng bù lại là không phải nộp vào bệnh viện, không bị tổn thương thân thể, chắc hẳn chúng ta sẽ giàu hơn trước đó rất nhiều. Bởi tiền trước đó có thể nhiều, nhưng cũng chỉ dùng vào việc chữa trị bệnh, đồng thời thân thể còn bị tổn thương thì coi như nghèo hơn trường hợp có tiền, an toàn, thân thể khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, lạc quan.

Thử cho mình một quyền lựa chọn. Một là có thật nhiều tiền, nhưng bị nhiễm bệnh và thuê chuyên cơ chở đi trị bệnh. Hai là có tiền ít hơn, nhưng được sức khỏe tốt, an ổn, không bị dịch bệnh. Chọn phương án nào? Chúng ta vẫn thường nghe nói “Bỏ của chạy lấy người”, tánh mạng con người là trên hết. Do đó chắc chắn ai cũng sẽ chọn phương án an toàn tánh mạng trước. Bởi có nhiều tiền, nhưng bị bệnh hiểm nghèo đe dọa đến tánh mạng, có nguy cơ tử vong thì đồng tiền ấy cũng khó cứu khỏi. Không may qua đời, tài sản ấy cũng phải trả lại cho trần gian.

Con người dễ lấy những thứ bên ngoài như vật chất, tiền tài, địa vị, học thức thông minh làm thế mạnh. Khi nhìn mọi người bị nhiễm virus không phân biệt một thành phần nào, mới hay ra những thứ ấy cũng chưa phải mạnh, vẫn phải bất lực trước dịch bệnh.

Hằng ngày bận rộn, nhiều người mong mỏi làm sao có thời gian rảnh rỗi để được an nhàn. Bây giờ được giãn cách xã hội, ở nhà có quá nhiều thời gian thì có người lại cảm thấy bị tù túng, bức bối khó chịu. Khi nhiều việc thì đổ thừa do bận rộn, không có thời gian cho nên tôi không được nhàn hạ. Khi rảnh rỗi, có nhiều thời gian để nhàn hạ thì cũng bị chán nản, không được nhàn hạ. Nếu cho được lựa chọn tự do thì cũng sẽ có lúc chán ngán, cũng không được nhàn.

Đi hoài cũng mệt thì muốn nằm. Nằm hoài cũng u uất thì muốn ngồi dậy. Ngồi hoài cũng mỏi thì đứng lên. Đứng hoài cũng không ổn, thôi thì lái xe đi đó đây vậy. Đi được một hồi cũng cảm thấy chán ngán, thôi thì về nhà. Ở nhà mãi cũng cảm thấy thụ động, chán chường thì tìm việc gì đó để làm. Làm việc một hồi thì than trời trách đất sao mà số tôi suốt ngày bận rộn khổ vậy... Chưa làm chủ thân tâm, con người ta khó có thể nhàn nhã được. Nếu khéo tỉnh tâm, an định, trí sáng, chúng ta sẽ tự có năng lực, có niềm vui từ sâu thẳm trong tâm, nhưng thênh thang vô cùng. Bởi đã tự nhàn cho nên có việc hay không việc, người này cũng nhàn chứ không chờ vào bất kỳ một điều kiện gì bên ngoài giúp cho mình nhàn hạ được cả. Tâm đã an, trí đã sáng, ngập tràn an vui; khi không việc thì an yên trong sâu lắng mà thênh thang ấy; khi lắm việc thì vẫn bình tâm tỉnh trí, không bị công việc kéo lôi, khéo léo sắp xếp công việc có khoa học thì chúng ta vẫn cứ nhàn như thường. Sự nhàn hạ tuyệt đối và đặc biệt này nó nằm ngay nội lực và trí tuệ nơi bản tâm mỗi người chứ không phải ở chỗ điều kiện thời gian hay hoàn cảnh. Trong thời gian tránh dịch bệnh, nếu khéo tu tập nhận ra, sau này ra làm việc, chúng ta sẽ được nhàn nhã trên mọi sinh hoạt.

Trong hoàn cảnh xã hội chịu nhiều thiệt thòi do dịch bệnh, mọi hoạt động đều phải dừng lại. Hiện tại mọi thứ chưa phải là mất hết, chỉ tạm thời vuột khỏi phần nào thôi, nhưng có nhiều vị đã không an ổn được. Mới hay ra, hằng ngày chúng ta chỉ sống bằng những thứ bên ngoài, chính mình chưa có bản lĩnh sống. Người có bản lĩnh sống sẽ không có bất kỳ điều gì làm cho họ nao núng, bất an được. Vật chất, tri thức có thể cao, nhưng không có khả năng an ổn tự tại được lúc này thì coi như bản lĩnh sống còn khiêm nhường, giới hạn. Khi đời sống vật chất phát triển mạnh mà đạo đức và bản lĩnh sống không theo kịp, sẽ để lại nhiều vấn nạn đáng tiếc. Không có bản lĩnh sống, con người thường bất an. Những niềm vui bên ngoài chỉ tạm vay mượn đem về để lấp vào những khoảng trống bất ổn trong tâm hồn ấy. Cho đến khi già yếu, mọi thứ vuột khỏi tầm tay, tiền bạc tài sản lúc này không cứu được, mới biết thời gian qua chúng ta đã sống lừa dối chính bản thân mình bằng những cảm giác nhất thời như vậy, không có gì chắc chắn.

Hôm nay nhờ sống tách ly các hoạt động để có thời gian kịp tỉnh, nhận ra và rèn luyện chính mình. Khi đã vững chãi, mạnh mẽ, sau này ra làm việc, chúng ta sẽ không bị cuộc đời lôi cuốn, mất mình. Có được bản lĩnh sống như vậy sẽ có được niềm vui đúng nghĩa, có được niềm hạnh phúc chân thật, vô điều kiện. Không phải đợi có mọi thứ thuận duyên tôi mới vui mà như thế nào tôi cũng ổn và vui được. Khi thuận lợi thì ra sức làm việc. Khi không thuận duyên thì cũng phấn đấu trong điều kiện cho phép. Thuận duyên hay nghịch cảnh gì chúng ta cũng an nhiên, sống tốt, tích cực.

Nhờ dịch bệnh, cho chúng ta nhận ra mọi việc sớm hơn để còn có thời gian sửa đổi và được sống.

 

VIIKẾT LUẬN.

Khéo ứng dụng lời Phật dạy để sống như vậy sẽ giúp chúng ta định tỉnh, trí tuệ sáng suốt để thấy rõ mọi vấn đề một cách đầy đủ, sau đó ứng đối chủ động. Làm như vậy là để sống chứ không phải chỉ vì dịch bệnh. Chẳng phải đợi dịch bệnh đến mới nhận ra để thực hiện, mà đây là do phát xuất từ trí tuệ, tầm nhìn để nhìn nhận cuộc sống. Do đó hằng ngày đã thực hiện và sống đúng như vậy rồi. Đây là cách nhìn nhận và sống cho cả cuộc đời, cho tất cả mọi tình huống trong đời, cả thuận cảnh và nghịch duyên, chứ không phải chỉ sống cho dịch bệnh.

Năm nay chúng ta đón một mùa Phật Đản hết sức đặc biệt. Song song với việc cử hành lễ trang nghiêm, thành kính cúng dường lên đức Phật tại bổn viện, bổn tự, tư gia, chúng ta còn biết vâng theo lời dạy của đức Phật để tu tập. Được như vậy, sẽ mang lại lợi lạc cho bản thân mỗi người và mọi người, đức Phật sẽ rất hoan hỷ. Đồng thời, giúp cho chúng ta vượt qua thời điểm khó khăn một cách cụ thể, thiết thực.

Biết vâng theo lời Phật dạy để tu tập và ứng dụng vào trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ đón một mùa Phật Đản hoan hỷ, an lành trước mùa dịch. Đây là món quà thiết thực thành kính dâng lên cúng dường Ngài nhân ngày kỷ niệm đức Phật Đản Sanh. Chắc chắn đức Phật sẽ biết, sẽ chứng minh cho mình và còn rất hoan hỷ, không gì hơn.

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 84477
  • Online: 26