Mục đích của tôi

19/01/2023 | Lượt xem: 1431

HT.Thích Thanh Từ giảng tại TV Chơn Không Năm Canh Thìn- 2000

Hôm nay là ngày đầu năm Canh Thìn, tôi về thiền viện Chơn Không để dự ngày đầu xuân, được chư Tăng chư Ni và tất cả quý Phật tử đến làm lễ chúc Tết. Qua lời chúc nguyện của Tăng Ni và Phật tử rồi, tôi sẽ có ít lời. Trước nhất tôi thành tâm cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho chư Tăng, chư Ni và tất cả quý Phật tử sang năm mới này, được một năm hòa vui mạnh khỏe, luôn luôn tinh tấn trên bước đường tu hành. Đó là lời cầu nguyện của chúng tôi.

Sau đây, chúng tôi sẽ có những lời giải thích về mục đích của tôi khi thành lập thiền viện Chơn Không. Tất cả Tăng Ni và Phật tử, những người đã có mặt lúc trước, chắc không còn lạ gì với thiền viện Chơn Không. Nhưng những người mới đến hoặc mới học thì chưa biết rõ. Giờ đây, tôi nói mục đích của tôi khi thành lập thiền viện này.

Trong thời gian tu, tôi cố gắng thực hành tìm cho ra manh mối giải thoát sanh tử mà đức Phật từng dạy người xuất gia. Chính vì nỗ lực chuyên tu trong thời gian nhập thất tại đây, tôi thấy được mục tiêu cứu cánh của sự giải thoát. Cho nên tôi mở cửa thất ra và bắt đầu xây dựng thiền viện Chơn Không, để hướng dẫn chỉ dạy cho Tăng Ni và Phật tử biết được con đường tu, đạt tới mục đích đức Phật đã dạy.

Tại sao tôi đặt tên thiền viện là Chơn Không? Có lắm vị cợt tôi, họ nói rằng ai muốn lên thiền viện Chơn Không thì phải đi chân trần. Chơn Không là chân trần, không có giày dép gì hết. Thâm lý của Chơn Không rất là sâu kín, siêu thoát. Người thường không thể hiểu được. Ai hiểu được nghĩa Chơn Không tức là biết được mục đích của tôi nhắm. Tất cả chúng ta khi đặt vấn đề gầy dựng đường lối tu thì phải có mục đích. Mục đích chính của người tu Phật là giải thoát sanh tử. Cho nên nói tu là để giải thoát sanh tử. Nhưng cái gì đưa chúng ta đến giải thoát sanh tử? Đó là vấn đề hết sức quan trọng.

Khi đặt tên Chơn Không thì những người có cái nhìn cạn cợt không hiểu, chứ người nghiên cứu kinh điển sâu thì không có ngại gì. Bởi vì từ chuyên môn trong nhà Phật nói “chơn không diệu hữu”. Đứng về thể thì nó là chơn không, đứng về dụng thì nó là diệu hữu. Nhưng cái diệu hữu không thể có nếu thiếu chơn không. Vì vậy chơn không là thể tánh của diệu hữu. Đó là nói về danh từ. Tôi dụ chơn không cũng như nước biển, diệu hữu cũng như sóng biển. Sóng có là từ nước, nhưng nước không phải sóng. Nước không có sóng, nhưng vì duyên gió thổi mạnh, mặt nước dậy sóng. Như vậy sóng là cái dụng ở bề ngoài, ở bên trên. Nhưng thể của nước không phải sóng và nó trùm khắp.

Đối với thể chơn không, là thể không sanh không diệt. Bởi không sanh không diệt, cho nên khi chúng ta tu thể nhập được bản thể đó, thì không còn bị luân hồi sanh tử nữa. Cho nên nói giải thoát sanh tử. Ai tu muốn đạt được mục đích giải thoát thì đều phải đi sâu, nhận chân được lý chơn không, sống được với cái thể chơn không. Đó là giải thoát sanh tử.

Khi làm bài thơ Chơn Không, tôi đặt hai câu đầu như thế này: “Chơn không thể bất biến, huyễn hữu thường đổi thay”. Thể chơn không không đổi dời, nhưng về hình thức huyễn hữu thì luôn luôn sanh diệt đổi thay. Nói đến chơn không là nói đến thể tánh bất sanh bất diệt sẵn có ở mọi người, nhưng chúng ta quên. Con người chỉ thấy, chỉ biết, chỉ nhận cái huyễn hữu thôi. Huyễn hữu là cái tạm bợ hư giả mà chúng ta cho là thật, nên dính mắc ở đó. Vì vậy đi mãi trong luân hồi sanh tử. Ở đây tôi chỉ lý giải về hai chữ chơn không, còn tầm vóc quan trọng của chơn không như thế nào, tôi sẽ dẫn những bài kệ của chư Tổ, các ngài nhận ra thể chơn không như thế nào và bảo nó quan trọng đến đâu.

Lục tổ Huệ Năng khi đến chỗ Ngũ Tổ, lúc đó Ngũ Tổ bảo chư Tăng trong chùa Huỳnh Mai phải trình kệ, để ngài thấy được chỗ tu hành của các vị tiến đến đâu, mục đích truyền y bát làm Tổ thứ sáu. Khi ấy, trong đại chúng có ngài Thần Tú là Giáo thọ sư cho 500 chúng, về văn thì ngài rất tài, nhưng về đạo thì chưa sâu. Song vì trong chúng ngài là người lớn, là Giáo thọ sư nên phải đứng ra trình kệ với Ngũ Tổ. Khi trình ngài vẫn còn ngờ mình chưa đến nơi, nên lén viết bài kệ lên vách, chứ không dám trình thẳng với Ngũ Tổ:

Thân thị bồ-đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài,

Thời thời cần phất thức,

Vật sử nhạ trần ai.

Dịch:

Thân như cây bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi nhơ. 

Ngài dụ thân mình giống như cây bồ-đề, tâm như đài gương sáng. Đài gương sáng nhưng nếu để bụi phủ thì nó sẽ tối, sẽ mờ nên phải luôn luôn lau chùi, nó mới sáng sạch. Bài kệ này đối với người thường như chúng ta thấy rất là hay, nên học hỏi để tu hành. Bởi nơi tâm mình hiện giờ mù mịt u tối là tại cái gì? Tại bụi nhơ phiền não, vọng tưởng che phủ. Vì vậy ta phải lau chùi luôn, nó mới sáng.

Như vậy bài kệ này chúng ta thấy rất hay. Nhưng với Lục tổ Huệ Năng, ngài thấy khác. Khi ấy là một cư sĩ giã gạo dưới nhà bếp, nghe ông điệu nói có bài kệ trình ở trên, ông xin lên để xem và nhờ đọc giùm. Nghe đọc xong, ông liền làm một bài kệ đối lại, bài kệ đó như sau:

Bồ-đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai. Dịch:

Bồ-đề vốn không cây,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi nhơ. 

Qua bốn câu kệ đó, chúng ta thấy ngài phủi hết, phủi sạch tất cả kiến giải của ngài Thần Tú. Ngài Thần Tú nói thân là cây bồ-đề thì ngài nói Bồ-đề không có cây. Thân như cây bồ-đề là nói trên hình thức. Thân là hình thức, cây bồ-đề là hình thức. 

Tâm như đài gương sáng, giống như cái gương để trên đài, cũng thuộc về hình thức. Lục Tổ nói gương sáng không cần đài. Tại sao? Bởi vì gương sáng là tự nó sáng, chứ đâu phải để trên đài cao mới sáng.

Chúng ta thấy lối diễn đạt của Lục Tổ, ngài không chấp nhận hình thức mà chỉ thẳng tâm thể. Tâm thể tự trong sáng, chứ không phải có cái đài nó mới sáng. Qua hai câu trên, ngài chỉ rõ Bồ-đề là tánh giác. Tánh giác không có hình thức. Gương sáng là chỉ cho tâm. Tâm trong sạch cũng không phải đài. Như vậy tánh giác và tâm thanh tịnh của mình không có hình, không có tướng. Ngài Thần Tú vẽ thành hình tướng cho nên mắc kẹt.

Đến câu thứ ba, bản lai vô nhất vật, là xưa nay không một vật; hà xứ nhạ trần ai, chỗ nào dính bụi nhơ. Nếu tâm Bồ-đề của mình là một vật có hình có tướng thì nó mới dính bụi, bị những thứ nhơ nhớp dính vào, lấp vào nên mờ tối. Nhưng sự thật tâm thể của mình xưa nay không một vật. Nếu là vật thì không phải tâm thể. Mà tâm thể thì không phải vật. Cho nên ngài nói xưa nay không một vật. Không một vật thì chỗ nào dính bụi bặm được.

Chúng ta nói tâm của mình nhơ nhiễm, đó là tâm thanh tịnh hay tâm chạy theo cảnh trần? Sở dĩ nhơ nhiễm là tại vì chúng ta dùng tâm sanh diệt chạy theo trần cảnh nên mới nhơ, mới nhiễm. Chớ tâm chân thật không hình tướng, làm gì có nhơ có nhiễm. Hằng ngày chúng ta chỉ sống với tâm sanh diệt, sống với tâm đối đãi phân biệt, đó là tâm hư ảo mà cho là tâm thật. Chúng ta nhận sâu, thấy rõ được tâm chân thật là thể tánh bất sanh bất diệt của mình, cái đó không có gì làm nhơ, làm nhiễm được. Vì vậy Lục Tổ nói bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai; tức là xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ được.

Như vậy Lục Tổ nhìn tận tường đến tâm thể thanh tịnh không sanh diệt, nên ngài nói rõ nó không một vật, không dính bụi bặm. Ngài Thần Tú đứng trên phương diện tu hành, còn kẹt trong tâm đối đãi có hình có tướng nên bị bụi dính, cần phải lau chùi. Lục Tổ trình bày ý của ngài tận tường như vậy nên Ngũ Tổ biết đã đạt đạo, nên thầm truyền y bát cho Lục Tổ.

Lục Tổ đã nhận chân được thể bất sanh bất diệt của chính mình, nên có lần dạy chúng, ngài nói: “Phật dạy tất cả pháp để trị tất cả tâm. Ta không tất cả tâm, đâu cần tất cả pháp”. Phật dạy mỗi pháp môn tu là để trị tâm bệnh cho chúng sanh. Chúng sanh có tâm bệnh mới cần pháp Phật để trị. Với ngài, tâm bệnh đã hết sạch thì đâu cần pháp của Phật nữa. Như vậy để thấy tâm sanh diệt nơi ngài đã lặng, chỉ còn tâm thể bất sanh bất diệt. Cũng như thế gian có những thứ thuốc trị thân bệnh. Nếu thân không bệnh có cần thuốc không? Thuốc cũng thừa. Cho nên chỗ đó là chỗ hết sức thiết yếu.

Cái bản lai vô nhất vật này là gì? Đó là một lối nói khác của thể chơn không. Thể chơn không là bản lai vô nhất vật mà Lục Tổ thấy ngày xưa. Chính vì nhận ra bản lai vô nhất vật nên ngài giải thoát sanh tử. Bây giờ chúng ta nhận biết nơi mình có thể chơn không, bản lai vô nhất vật; đó là chỗ để ta giải thoát sanh tử, không còn bị trói buộc, không còn bị sanh diệt nữa. Tôi dẫn hai bài kệ trên để quý vị thấy ý nghĩa chơn không.

Bây giờ đi xa hơn là thiền sư Việt Nam, ngài Chân Nguyên đầu thế kỷ 18, có làm bài kệ:

Pháp tánh Như Lai vô nhất vật,

Ứng độ quần sanh hữu bách ban.

Nhược ngộ chơn không hằng địch diện,

Như Lai thường trụ tại Linh Sơn.

Dịch:

Pháp tánh Như Lai không một vật,

Ứng độ quần sanh việc cả trăm. 

Nếu ngộ chơn không luôn đối mặt,

Như Lai thường trụ ở Linh Sơn. 

Thiền sư Chân Nguyên ở đời Lê, ngộ được lý thiền rồi ngài mới viết quyển Kiến Tánh Thành Phật, tôi dịch và đã cho in. Ngài nói pháp tánh không có một vật. Không một vật mà khéo nhận được là nhận được Phật tánh. Ứng độ quần sanh hữu bách ban, nghĩa là ứng theo trình độ của chúng sanh để độ họ thì hiện ra trăm thứ ngàn thứ.

Như vậy, pháp tánh Như Lai vô nhất vật là chơn không, ứng độ quần sanh hữu bách ban là diệu hữu. Nhược ngộ chơn không hằng địch diện, là nếu ngộ chơn không luôn ở trước mặt thì Như Lai thường trụ tại Linh Sơn, là đức Phật thường còn trên hội Linh Sơn chứ không viên tịch. Trên hội Linh Sơn là đức Phật Thích Ca, còn đức Phật của mỗi người chúng ta ở đâu? Hội nào? Nếu chúng ta nhận được thể chơn không thì đức Như Lai chân thật của mình thường ở tại hội nào? Hội Chơn Không hay Thường Chiếu? Chúng ta mới thấy lẽ thực của nó, giá trị của nó, đối với chư Tổ khi nhận ra bản lai vô nhất vật rồi thì thấy biết rõ ràng.

Chúng ta khi nhận được thể chơn không không sanh không diệt, thì nó hằng hữu ở trước mắt chứ không đâu xa. Cái đó không bao giờ bị sanh bị diệt. Tổ Huệ Năng nói bản lai vô nhất vật, thiền sư Chân Nguyên cũng lặp lại bản lai vô nhất vật và chỉ thẳng cho chúng ta thấy, nếu mình nhận được rồi thì Phật ở thường trực nơi mình, trước mắt chúng ta chứ không đâu xa hết.

Ở trên tôi dẫn hai vị Tổ. Bây giờ đến vị Tổ thứ ba là thiền sư Minh Chánh đầu thế kỷ 19, tức sau ngài Chân Nguyên một thế kỷ. Ngài xuất hiện vào triều Nguyễn, là thiền sư thuộc tông Tào Động ở Việt Nam. Ngài đọc sử thấy sự việc xảy ra cuối đời đức Phật, khi Thế Tôn sắp Niết-bàn, Phật thọ trai ở nhà ông Thuần Đà. Sử Bắc tông nói Thuần Đà nhổ được một số nấm chiên đàn, quý lắm. Nghe đức Phật đến, ông bèn nấu cơm và làm nấm này cúng dường. Phật dùng nấm nhưng cấm không cho chư Tăng dùng. Điều này khiến người ta thắc mắc.

Sử Nam Tông thì nói Thuần Đà là thợ săn, ông săn được con heo rừng, làm thịt cúng dường Phật. Phật nhận thức ăn này nên bị bệnh kiết. Hai thuyết đó, tôi không biết ai đúng, chỉ nghe sao nói vậy. Nhưng biết rằng đây là bữa cơm cuối cùng của đức Phật Thích Ca. Sau bữa cơm đó Ngài bị bệnh kiết, rồi đi tới rừng Sa-la Song Thọ nằm dưới hai cội cây thị tịch.

Trước khi tịch, Phật bảo chúng Tăng: Người cúng dường cho ta được phước đức lớn; một là khi ta thành đạo có mục nữ cúng cho ta một chén sữa; hai là Thuần Đà, khi ta sắp nhập Niết-bàn, cúng bữa cơm chót; hai người này có công đức rất lớn. Thế mà chư Tăng không chịu, cứ trách móc tại Thuần Đà cúng bữa cơm có nấm độc cho Phật ăn, Phật bị bệnh kiết rồi tịch, như vậy là ông giết Phật.

Chúng ta thấy Phật thì khen mà chúng Tăng lại chê. Vì vậy thiền sư Minh Chánh đọc chuyện này rồi, cảm hứng làm một bài tụng nêu ra nhận xét của ngài. Tụng rằng:

Hay lắm Thuần Đà, hay lắm Thuần Đà!

Không nói ngắn, chẳng nói dài, 

Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai,

Tìm hay lại hóa người chê vụng,

Bắn sẻ ai dè sói chực ngay. 

Công danh cái thế màn sương sớm,

Phú quý kinh nhân giấc mộng dài.

Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,

Công lao uổng phí một đời ai!

Bài tụng này, ngài viết bằng chữ Nôm cho nên khỏi dịch. Tại sao ngài nói Hay lắm Thuần Đà, hay lắm Thuần Đà? Bởi vì câu chuyện Thuần Đà là đầu mối tranh cãi giữa đại chúng. Nhưng thật tình việc tranh cãi đó không có lẽ thật. Cho nên, ngài tán thán ông Thuần Đà và giải thích việc tranh cãi là vô nghĩa. 

Không nói ngắn, chẳng nói dài. Ngắn dài, tốt xấu thảy đều sai. Nói ông cúng là có tội hay ông cúng là có phước... đó là một lối tranh luận. Như thế gian nói cái này dài, nói cái kia ngắn, thì chữ ngắn chữ dài có giá trị cố định hay không? Cây dài một thước rưỡi so với cây ba thước thì ngắn, nhưng so với cây một thước thì dài. Như vậy dài là giả danh. Khi có một cái dài hơn nữa thì cái dài đó trở thành ngắn mất. Cây ba thước nếu để gần cây sáu thước thì cây sáu thước dài, cây ba thước ngắn. Cứ vậy mà chồng lên chồng lên hoài, cái dài cái ngắn đổi thay, không có gì cố định hết. Cái dài cái ngắn đã không cố định thì cái tốt cái xấu có cố định không?

Thí dụ như không có bình hoa nào thì ta thấy bình hoa trắng là đẹp. Nhưng nếu có bình hoa khác đặc biệt hơn thì hoa trắng còn đẹp không? Hết đẹp rồi. Như vậy cứ tăng lên, cái đẹp này nếu gần cái đẹp hơn thì nó trở thành xấu. Đem cái khác đẹp hơn để gần thì cái đẹp thứ hai trở thành xấu. Cứ vậy chồng lên hoài, cái đẹp không cố định, thế mà người ta cứ cãi nhau. Cái gì mình nói đẹp mà ai nói xấu thì mình giận, không chịu. Cái gì mình nói dài, ai nói ngắn, mình không chịu. Nên ý nghĩa dài ngắn tốt xấu không cố định. Nó chỉ là đối đãi, tạm có, tạm nói, chứ không thật. Từ nghĩa dài ngắn tốt xấu đã không thật rồi, thì tất cả các đối đãi khác có thật không, có cố định được không? Hẳn là không.

Cho nên ngài nói thêm: Tìm hay lại hóa người chê vụng, bắn sẻ ai dè sói chực ngay. Mình muốn cố làm cho hay, làm cho đẹp; vì cố làm nên vô tình biến thành vụng. Muốn làm khéo mà lại trở thành vụng chứ không khéo. Bởi vì cái khéo cái vụng cũng tương đối, làm sao cố định được.

Bắn sẻ ai dè sói chực ngay, thấy con chim đậu trên cành, mình bắn nó rơi xuống để có mồi ăn. Nó vừa rơi xuống, chó sói chụp tha mất. Cái được là bắn chim rớt. Nhưng rớt xuống rồi bị chó tha mất, vậy có được không? Mới thấy được rồi liền mất. Thấy hay liền dở, thấy được liền mất. Ở đời không có cái gì là cố định, không có cái gì bảo đảm chân thật hết.

Trên phương diện đối đãi của các pháp thế gian, không có gì gọi là thật. Đối đãi thì tạm bợ, giả dối, không thật. Cho nên thiền sư nói: Công danh cái thế màn sương sớm, phú quý kinh nhân giấc mộng dài. Hai câu này nghe xót xa làm sao! Công danh cái thế tức là công danh vượt hơn tất cả người đời, chẳng qua là màn sương sớm thôi. Một lúc nào đó chúng ta được nó, rồi thời gian sau cũng tan biến, không còn. Phú quý kinh nhân giấc mộng dài, giàu sang người ta nghe tới phải giật mình hoảng hốt nhưng cũng là giấc mộng dài thôi. Hai câu này là hai câu ngài cảnh tỉnh người đời. 

Tất cả dài ngắn, tốt xấu, được mất, hay dở đều là đối đãi, là tạm bợ thì công danh phú quý cũng tạm bợ thôi. Công danh tột cùng cũng chỉ là màn sương sớm. Phú quý người nghe phải giật mình cũng chỉ là giấc mộng dài. Như vậy còn cái gì để tham, để theo đuổi. Đó để cảnh tỉnh những ai đang cặm cụi, đang dính mắc trong đám công danh, trên mồi phú quý, hãy sớm thức tỉnh. Nó chỉ là giấc mộng, là màn sương, không có gì thật để ta phải dính, phải dồn hết sức mình để rồi bị mất, cuối cùng không được gì.

Đến phần người tu: Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật, công lao uổng phí một đời ai! Đời ai? Nếu tu cầu giải thoát sanh tử mà không nhận ra bản lai vô nhất vật, nghĩa là không nhận ra được thể chơn không thì dụng công cách này, dụng công cách nọ, rốt cuộc rồi chỉ là uổng phí một đời, không tới đâu hết. Bởi vì tu là để giải thoát sanh tử, mà không nhận được thể bất sanh bất diệt thì làm sao giải thoát sanh tử? Không giải thoát sanh tử thì mục đích của người tu để đạt cái gì? Bao nhiêu công lao, bao nhiêu sức lực, dụng công tu hành mà không đạt được chơn không hay là bản lai vô nhất vật thì uổng phí một cuộc đời. Đáng tiếc! Đọc câu này tôi rất xót xa cho người tu. Tu một đời mà không nhận được thể chân thật thì uổng phí, đáng tiếc biết bao!

Kết luận bốn câu cuối của bài thơ, ngài cảnh tỉnh hai hạng người. Hạng người thế tục đang đắm đuối, đang mê man trên bả công danh, trên mồi phú quý, phải tỉnh phải thấy nó chỉ là màn sương, chỉ là một giấc mộng, không có gì thật đáng để chúng ta phải đem hết cuộc đời chôn vùi trong đó. Hai câu sau cảnh tỉnh người xuất gia mà không nhận được thể chơn không, mãi đuổi theo tất cả tướng sanh diệt, rốt cuộc rồi dùng bao nhiêu công sức chỉ là uổng phí một đời, không ra gì. Đó là lời nhắc nhở hết sức chân thật, hết sức nhiệt tình.

Chúng ta là người tu, từ cư sĩ đến xuất gia, đọc bài này chắc rằng ai ai cũng phải tỉnh, cũng phải giác, đừng đắm mê những đối đãi, dù nó đẹp, dù nó được người ta tán tụng ngợi khen cũng chỉ là cái tạm bợ hư dối thôi, không có gì chân thật.

Hai chữ Chơn Không tôi đặt tên thiền viện này, là hiện thân của câu “bản lai vô nhất vật” của Lục Tổ, chứ không có gì lạ. Bản lai vô nhất vật tức là thể tánh chơn không. Khi thấy được chỗ này rồi, tôi đặt cho thiền viện một cái tên, để khi chúng ta nghe đều nhớ, đều nhắc lại mục đích tối hậu của mình. Nếu không, chúng ta tu để cầu phước hoặc cầu tuệ, mà phước tuệ đơn giản chưa tới chỗ cuối cùng. Phải thấy được thể chơn không bất sanh bất diệt này mới xứng đáng một đời tu của mình.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05442
  • Online: 20