Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Ba THẤY TRÂU

29/11/2018 | Lượt xem: 3080

LỜI DẪN

 Từ tiếng mà được vào, ngay chỗ thấy gặp được nguồn. Cửa sáu căn rõ ràng không sai, trong động dụng rành rành hiển lộ. Vị muối mặn ở trong nước, chất keo xanh ở trong màu. Nhướng lông mày lên chẳng phải là vật gì khác.

 

 

 

GIẢNG:

Bức tranh thứ ba nói về Thấy Trâu. Đây dẫn nói rằng từ tiếng mà được vào, ngay chỗ thấy gặp được nguồn. Như vậy trâu không phải tìm đâu xa, ngay chỗ thấy chỗ nghe đây mà vào, mà bắt được trâu. Vậy nguồn tâm là ở ngay đây, thật là gần gũi đến không ngờ.

Trong nhà thiền, có vị tăng hỏi Thiền sư Quy Tỉnh về cây bách của Ngài Triệu Châu. Thiền sư Quy Tỉnh bảo:

- Ta chẳng tiếc nói với ông, nhưng ông có tin hay không?

Tăng thưa:

- Lời nói của Hòa thượng là quý trọng, con đâu dám chẳng tin.

Sư bảo:

- Ông có nghe giọt mưa rơi trước thềm chăng?

Vị tăng liền hoát nhiên tỏ ngộ chợt thốt lên:

- Chao!

Sư hỏi lại:

- Ông thấy đạo lý gì?

Tăng làm bài tụng:

       Thiềm đầu thủy đích,

       Phân minh lịch lịch,

       Đả phá càn khôn,

       Đương hạ tâm tức.

Nghĩa:

       Giọt mưa trước thềm,

       Giọt giọt rõ ràng,

       Đập nát càn khôn,

       Liền đó tâm dứt.

Ngay khi nghe tiếng mưa rơi từng giọt từng giọt rõ ràng rành rẽ mà không lầm, là cái gì?

Đó là ngay nơi tiếng mà được vào, gặp được trâu chứ không có gì lạ, không đâu xa. Nhưng phải là người có công phu tương ứng, tâm chân thành thanh tịnh, khi nghe không bị tiếng che mờ, lừa gạt mới nhận rõ. Còn bình thường khó là vì nghe tiếng chỉ nhớ tới tiếng thôi, bị các trần che. Ở đây ông tăng đã có công phu tham thiền sâu rồi.

Thứ hai nữa là ông cũng chân thành nghe cho nên Thiền sư Quy Tỉnh trước khi nói Ngài có gạn lại “Ta nói thì dễ rồi nhưng ông có tin hay không?”. Quan trọng là chỗ đó, tức phải thật tâm tin tưởng nơi lời của ông thầy. Nói rõ hơn là toàn tâm tin tưởng, khi ông thầy nói ra mới vào được. Còn chưa đủ niềm tin thì nói lỗ tai này qua lỗ tai kia thôi. Đó là kinh nghiệm cho người học đạo biết được chỗ đi của mình. Đây là từ tiếng mà được vào.

Rồi, ngay chỗ thấy mà được về nguồn, trong nhà thiền cũng có rất nhiều trường hợp. Như Ngài Linh Hựu đứng hầu Ngài Bá Trượng, Ngài Bá Trượng bảo:

- Vạch trong lò có lửa hay không?

Ngài Linh Hựu tới vạch trong lò xem rồi thưa: 

- Không có lửa.

Ngài Bá Trượng đứng dậy, đến vạch sâu một lúc được chút lửa còn sót lại, Ngài đưa lên chỉ cho Linh Hựu bảo:

- Ông nói không, vậy cái này là cái gì?

Ngay đó Sư phát ngộ, làm lễ trình bày chỗ ngộ của mình.

Đó là ngay chỗ thấy gặp được nguồn. Khi Ngài Bá Trượng đưa chút lửa lên bảo “Ông nói không, vậy cái này là cái gì?”, nói “cái này là gì?” không phải là chỉ đóm lửa, ngay chỗ đó mà thấy liền gặp được nguồn. Đó là chỗ người đi trước đã chứng thật cho chúng ta rõ ràng, ai đến được liền tự cảm thông không còn gì phải nghi ngờ.

Cửa sáu căn rõ ràng không sai, trong động dụng rành rành hiển lộ. Ở trước nói gọn là từ ngay chỗ thấy-nghe mà được trở về nguồn, gặp được nguồn. Nhưng nói rộng ra thì ngay nơi cửa sáu căn này trâu hiện rõ chưa từng thiếu sót.

Thấy trâu là thấy ngay cửa sáu căn thấy-nghe-giác-biết này đây, cũng như trong mọi động dụng hàng ngày đã có đủ, trâu vẫn luôn quanh quẩn trong đó không đâu xa, nhưng bởi vì người mê theo trần nên chẳng chịu thấy.

Như Thiền sư Chân Tịnh, một hôm Ngài ở trong thất muốn khai thị cho ông tăng:

- Ông rõ xong hay chưa?

Tăng thưa:

- Chưa xong!

Sư hỏi:

- Vậy ông ăn cháo xong chưa?

Tăng thưa:

- Xong rồi!

Sư bảo:

- Vậy sao nói chưa xong?

Hỏi ông ăn cháo xong chưa thì ông đáp xong rồi. Hỏi qua là ông đáp liền, vậy đâu có thiếu gì mà sao ông nói chưa xong.

Sư hỏi tiếp:

- Ngoài cửa là tiếng gì?

Lúc này trời đang mưa, nên Sư mới hỏi ngoài cửa là tiếng gì?

Tăng thưa:

- Tiếng mưa rơi.

Sư bảo:

- Vậy sao nói chưa xong?

Nghĩa là tiếng mưa rơi, ông nghe rõ tiếng mưa rơi liền vậy sao bảo là chưa xong!

Sư lại hỏi tiếp:

- Trước mặt là cái gì?

Tăng đáp:

- Cái bình phong.

Sư lại bảo:

- Vậy sao nói chưa xong?

Ông thấy được bình phong, ông nghe được tiếng mưa rơi, vậy sao nói chưa xong!

Sư hỏi tiếp:

- Hiểu chưa?

Tăng đáp:

- Chưa hiểu.

Sư bảo:

- Ông hãy nghe bài tụng đây.

Sư nói bài tụng:

     Tùy duyên sự sự liễu,

     Nhật dụng hà khiếm thiểu?

     Nhất thiết đản tầm thường,

     Tự nhiên bất điên đảo.

Dịch:

     Tùy duyên mọi việc xong,

     Hàng ngày dùng đâu thiếu?

     Tất cả chỉ bình thường,

     Tự nhiên hết điên đảo.

Khéo biết tùy duyên nơi mọi việc hàng ngày là xong là đủ, không thiếu vắng gì hết. Cho nên không phải tìm đâu xa, tâm bình thường không khởi thêm niệm gì khác tự nhiên hết điên đảo, ngay đó là thấy trâu thôi. Thành ra trâu lẩn quẩn gần gũi với mình đây mà không thấy thành ra mất.

Thiền sư Chân Nguyên khi sắp tịch, Ngài nói bài kệ truyền pháp:

     Hiển hách phân minh thập nhị thì,

     Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

     Lục căn vận dụng chân thường kiến,

     Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.

Dịch:

     Bày hiện rõ ràng suốt cả ngày,

     Đây là tự tánh mặc phô bày.

     Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,

     Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.

Rõ ràng ngay nơi cửa sáu căn này, nó bày hiện rõ ràng suốt cả ngày chưa từng thiếu vắng. Người lanh lợi ngay nơi động dụng hằng ngày của sáu căn thấy nghe hiểu biết, khéo xoay trở lại không theo trần. Thay vì nhớ các duyên, giờ quên đi các duyên, phản tỉnh trở lại liền nhận ra trâu vẫn ở ngay đây không đâu xa.

Yếu chỉ là chỗ đó, nói mất là tạm nói chứ không phải là thật mất. Như vậy mới rõ chỉ là bị cái “tưởng” gạt lừa, tưởng như mất chứ không phải là thật mất. Chính vì “tưởng mất” nên mới chạy lăng xăng, duyên theo trần, tìm kiếm bên ngoài, khi thấy ra rồi thì trâu thật vẫn còn đây. Được như vậy còn gì vui hơn nữa, cho nên người đến đây có niềm vui lớn.

Do đó, niềm tin lâu nay của chúng ta đã thành sự thật không còn lý suông. Bấy lâu tin là mình có bản tâm, có lẽ thật đó nên tìm trâu. Giờ thấy được rồi thì niềm tin thành sự thật. Đó là kinh nghiệm của người xưa nhắc chúng ta.

Bởi vậy, Thiền sư Tổ Tâm sau thời gian tham thiền được tỏ ngộ, liền thưa với Ngài Huệ Nam: 

- Việc lớn xưa nay như thế Hòa thượng cần gì phải dạy người khán thoại, hạ ngữ, trăm cách sưu tầm khổ nhọc!

Ngài Huệ Nam bảo:

- Nếu chẳng dạy ông tìm cứu như thế, đến chỗ không dụng tâm tự thấy, tự nhận là ta đã chôn vùi ông vậy.

Biết ra rồi thì thấy quá gần, nó sẵn vậy, tại sao lại phải bắt nhọc nhằn tham cứu, tìm hiểu? Nhưng nếu không tìm thì làm sao gặp? Song tìm đến chỗ không dụng tâm, tức đến hết chỗ tìm, bặt ý thức thì ngay đó ông tự nhận tự thấy, đó mới là chân thật. Khổ nhọc công phu, tham cứu xét tìm, khi chợt nhận ra thì nó rõ ràng sẵn đây không có gì lạ.

Đến đó không còn ai dối gạt mình được nữa, tức phải một phen chết đi cái ý thức mới có sống lại. Mỗi người phải nắm vững yếu chỉ đó, phải chết đi cái ý thức phân biệt rồi mới sống lại, nếu còn ý thức phân biệt là còn theo tình thì làm sao thấy được! Chỗ này là chỗ chung đường, dù cho Đại thừa hay Tiểu thừa gì cũng phải đi chung con đường này. Tiểu thừa phải đến Diệt tận định, cũng chết cái ý thức mới giải thoát chứng Niết-bàn.

Vị muối mặn ở trong nước, chất keo xanh ở trong màu. Nhướng lông mày lên, chẳng phải là vật gì khác. Như ở trong nước biển có sẵn cái vị muối mặn hoặc ở trong màu có sẵn chất keo xanh. Nhưng làm sao thấy được vị muối mặn, chất keo xanh đó? Nếu đem tâm phân biệt để nhận thì quả thật khó nhận ra nổi, bởi đây là cái chân còn lẫn trong cái vọng, hay cái thể còn ẩn trong cái dụng. Cho nên ở trước nói “trong động dụng rành rành hiển lộ” là hiển lộ cái thể còn ẩn trong đó.

Người trí sáng phải một phen nhướng mày lên, tức mở con mắt trí ra mà thầm nhận không thể phân tích kia đây, hoặc so sánh thế này thế nọ được. Nghĩa là nhướng lông mày lên, mở mắt ra, liền chợt nhận rõ nó vốn sẵn đó thôi không phải ở đâu chạy tới, như vị muối ở trong nước chứ không phải ở bên ngoài tới. Tuy nhiên, đây mới là thoáng thấy thôi chứ chưa phải là thấy hoàn toàn trâu trắng sờ sờ trước mắt.

Trong hình vẽ của bức tranh này, nhìn chỉ thấy cái mông cái đuôi con trâu, chưa thấy hoàn toàn con trâu, nên đây gọi là thoáng thấy, chưa thấy trọn vẹn. Đến đây đã có niềm vui nhận được mặt mày chân thật từ lâu đã bỏ quên, nhưng nó vẫn còn lẫn ở trong các thứ tập khí phiền não nên chưa thấy trọn vẹn là vậy. Tức chưa phải là thuần nhất không tạp, chưa phải là trâu ngoan. Thấy trâu nhưng chưa phải là trâu ngoan. Đó là lời dẫn gợi ý, kế vào trong bài tụng.

***

 

LỜI TỤNG

     Hoàng ly chi thượng nhất thanh thanh,

     Nhật noãn phong hòa ngạn liễu thanh.

    Chỉ thử cánh vô hồi tỵ xứ,

    Sâm sâm đầu giác họa nan thành.

Dịch:

    Hoàng oanh từng tiếng hót trên cành,

    Nắng ấm gió hòa bờ liễu xanh.

    Chỉ thế còn đâu nơi tránh né,

    Đầu sừng lồ lộ vẽ khôn thành.

GIẢNG:

Tu hành đến đây thấy có vui rồi. Trước nhọc nhằn không thấy gì hết chỉ thấy rừng rú hoang vắng, chỉ nghe tiếng ve sầu, giờ thấy vui với tin tức mùa xuân tới.

    Hoàng oanh từng tiếng hót trên cành,

    Nắng ấm gió hòa bờ liễu xanh.

Tiếng hoàng oanh hót trên cành, rồi trong nắng ấm gió hòa ngay bờ liễu xanh xanh. Vậy cái gì nghe như thế? Cái gì thấy như thế? Hay nói ngược lại, như-thế-mà-nghe, như-thế-mà-thấy thì trâu đã hiện bày sẵn rồi, không còn trốn đâu được nữa. Nhưng phải như-thế-mà-nghe, như-thế-mà-thấy, quan trọng là chỗ đó.

Đa số chúng ta thường không như-thế-mà-nghe, không như-thế-mà-thấy. Tức nghe thấy theo cái tâm bất bình thường cho nên nó xen vào nhiều thứ trong đó, có xen tạp niệm này niệm kia, niệm phân biệt, rồi xen tạp cái ngã trong đó. Ở đây chỉ như-thế-mà-nghe, như-thế-mà-thấy, đơn giản vậy thôi!

Cho nên trong bài Bảo Cảnh Tam Muội của tông Tào Động, ngay câu đầu: “Như thị chi pháp, Phật-Tổ mật phó”. Cái pháp “như thế đó”, Phật-Tổ thầm trao. Phật-Tổ thầm trao là trao cái pháp “như thế đó”, nó “như thế” thì mình phải “như-thế-mà-thấy”, đừng có thấy khác. Nhưng người ta thì không chịu thấy “như thế” mà thấy như “ta thấy”. Người này cũng thấy như “ta thấy”, người kia cũng thấy như “ta thấy” thì đâu “như thế”, là có xen tạp rồi, vậy làm sao thấy trâu được! Đó là thấy theo bản ngã, thấy theo vô minh, thấy theo phiền não thành ra che mờ.

Nếu chịu như-thế-mà-thấy, như-thế-mà-nghe thì chính đó là cái giây phút thiêng liêng, tâm phân biệt không có chỗ xen vào tức liền sáng tỏ, thấy được nguồn tâm, hay thấy được trâu. Phải chân thành dụng tâm như thế.

Như câu chuyện Ngài Patrul khai thị cho đệ tử thân cận. Đây là một vị Đại sư tỏ ngộ nhưng sống cuộc đời lang thang, không giống như người bình thường, không tỏ ra mình là người ngộ đạo. Nhiều khi Ngài mặc áo cũ kỹ, đi lang thang nơi này nơi nọ, người ta tưởng như những ông tăng tầm thường, không biết là người giác ngộ. Nhưng khi gặp những vị đã từng biết, mới bật ngửa ra.

Một hôm nọ, Ngài đang sống lang thang giữa trời đất không nhà cửa, nằm giữa đồng hoang nhìn ngắm bầu trời. Gần đó có mấy vị đệ tử thường đi theo thân cận. Bỗng nhiên Ngài gọi vị đệ tử xuất sắc thân cận đến bảo:

- Ngươi có thấy tự tánh chăng?

Đại sư này ngoài tuệ giác sáng tỏ được tâm rồi, cũng có những năng lực siêu nhiên tức là thấy được tâm người. Đến đây, Ngài thấy được tâm của người học trò này đến độ tương ứng chín muồi, có thể khai thị để cho vào, nên bất ngờ kêu lại hỏi ông có thấy tự tánh chăng?

Vị đệ tử thưa:

- Dạ, không.

Ngài bảo:

- Đừng có lo! Thực tế cũng không có gì bí ẩn đâu, đừng có nghĩ ngợi gì về nó, cứ giữ cái tâm rộng mở đi.

Hai thầy trò bèn nằm bên cạnh một lúc lâu không nói gì, cùng nhìn bầu trời. Khi mặt trời lặn xa xa có tiếng chó sủa, Ngài mới bảo:

- Ngươi có nghe tiếng chó sủa chăng?

Đệ tử thưa:

- Dạ có!

Ngài bảo:

- Đó, nó đó! Còn đâu nữa?

Nhưng người đệ tử vẫn chưa ngộ. Ngài hỏi tiếp bằng giọng trầm nhỏ giống như hai người vừa đủ nghe:

- Ngươi có thấy các vì sao trên trời chăng?

Vị đệ tử đáp:

- Dạ có! Con thấy chúng.

Ngài lại kêu lên:

- Đó, nó đó! Chính nó! Hết thảy đều là tâm tỉnh giác, đều là Phật tánh. Nó chính là thứ nằm ngay trong ngươi đừng tìm kiếm nữa, khắp nơi chính là nó thôi.

Ngay khi đó người đệ tử liền tỏ ngộ, lóe sáng ra tuệ giác nằm ngoài mọi thứ phân biệt.

Cho thấy, quả thật nó hết sức đơn giản và cũng hết sức gần gũi, nhưng khi còn mê, mọi người thấy quá xa xôi. Cũng như hiện tại đây, nhiều người nghe chuyện đó cũng tưởng giống như chuyện trên trời, rất xa xôi, nhưng sự thật nó ngay trong chính mình. Trâu vẫn hiện cả ngày đêm nơi sáu căn động dụng đây, tức quanh quẩn đây thôi. Thể chân thật đó chưa từng thiếu vắng bao giờ, chỉ cần có người mở mắt ra nhìn. Đây gọi là “nhướng mắt lên thì không phải là vật gì khác”.

Được vậy thì: “Chỉ thế còn đâu nơi tránh né”. Nếu ngay đó nhận ra liền thì trâu hết còn chỗ tránh. Quan trọng là cần phải nhận thật nhanh, không cho qua suy nghĩ, không để cho suy nghĩ xen vào kịp, không được chần chờ trả giá tới lui. Gọi là “nhận thì ngay đó liền nhận, còn suy nghĩ liền sai”, suy nghĩ tức còn trả giá.

Cho nên Thiền sư Đạo Ngộ khai thị cho Sùng Tín: “Ngươi dâng trà lên ta vì ngươi mà tiếp, ngươi bưng cơm đến ta vì ngươi mà nhận, ngươi xá lui thì ta gật đầu. Có chỗ nào chẳng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi?”.

Ngay đó Sùng Tín cũng chưa nhận ra nên còn cúi đầu lặng thinh giây lâu tức là suy nghĩ.

Ngài Đạo Ngộ liền bảo: “Thấy thì thẳng đó liền thấy, còn suy nghĩ liền sai”.

Ngay đó Sùng Tín liền tỏ ngộ.

Chỗ chân thật là như vậy.

Cũng như Ngài Điều Ngự Giác Hoàng, có vị tăng hỏi:

- Thế nào là thanh tịnh pháp thân?

Ngài đáp:

    Phân sư tử trong chén mạ vàng,

    Hương thơm quý trên người đen đúa.

Ở trong chén mạ vàng lại có phân sư tử trong đó, rồi thân người đen đúa lại mang hương thơm quý. Hai cái trái ngược nhau: Một bên rất quý là chén mạ vàng, hương thơm quý; còn một bên rất là hèn tiện, là phân sư tử, người đen đúa.

Nếu là pháp thân thanh tịnh nhưng ông vừa khởi niệm phân biệt thì hết thanh tịnh, nên nghe nói phân sư tử trong chén mạ vàng liền khởi niệm phân biệt nhơ sạch, thì trâu ẩn mất, không thấy pháp thân thanh tịnh đâu hết. Cũng vậy, hương thơm quý là sạch là quý, còn người đen đúa là nhơ là kém, thành ra tâm phân biệt liền che mờ.

Ngài vừa đáp câu đó thì ông tăng thưa:

- Học nhân không hiểu!

Ngài bảo tiếp:

    Chớ học thói hồ đồ trả giá,

    Cười người chân thật dối lầm nhau.

Ngài bảo ông đừng học theo kiểu trả giá tới lui, rồi cười người chân thật nói dối. Nói vậy là chỉ thẳng cho ông rồi mà ông còn không nhận, không chịu vào, còn muốn trả giá tới lui nữa.

Ở đây cần phải thấu qua được chỗ đó, thì “Chỉ thế còn đâu nơi tránh né”, và: “Đầu sừng lồ lộ vẽ khôn thành”. Nó rõ ràng lồ lộ ra không che giấu, nhưng mà vẽ khó được vì không có ngòi bút nào vẽ được nó.

Nó không nằm trong khuôn khổ nào để phân biệt, so sánh. Không thể dùng ngôn ngữ khéo léo để diễn tả được nó. Thấy là như thế mà thấy thôi, không có khởi thêm cái niệm gì khác. Chỉ có người nào tự đến liền tự biết, không thể đứng bên ngoài mà dò biết được hay suy lường đến được. Trong nhà thiền gọi là như người uống nước nóng lạnh tự biết chứ không có diễn tả được cho người ta.

Như câu chuyện ông tăng hỏi Thiền sư Quảng Trừng:

- Thế nào là người xưa nay?

Sư đáp:

- Ngồi chung chẳng biết nhau!

Tăng thưa:

- Thế ấy, học nhân lễ tạ đi vậy!

Ngài nói vậy mà chưa chịu nhận ngay, còn nói “Thế ấy thì học nhân lễ tạ đi vậy”. Đúng ra ông muốn lễ tạ thì cứ lễ đi còn nói gì nữa.

Cho nên Sư bảo tiếp:

- Thầm viết lòng buồn biết gởi cho ai?

Đứng bên ngoài nói lung tung không dính dáng. Chỗ này cần phải gặp người tri âm mới thầm hiểu nhau. Đó là chỗ thấy trâu.

Đây dẫn thêm bài họa của Mộng Am Cách:

    Độc lộ khê biên khiếu nhất thanh,

    Thông thân mao phiến sắc thanh thanh.

    Hướng lai uổng tự không tầm mích,

    Thử tế khán lai bổn hiện thành.

Dịch:

    Riêng lộ bên khe một tiếng kêu,

    Toàn thân lông hiện mảnh xanh xanh.

    Trước giờ luống uổng tự tìm kiếm,

    Đến đây xem lại vốn hiện thành.

Riêng lộ bên khe một tiếng kêu; Toàn thân lông hiện mảnh xanh xanh: Đã nghe tiếng nó kêu ở bên khe, rồi lại thấy màu lông nó hiện xanh xanh nữa. Tức là ngay nơi tiếng, ngay nơi sắc là trở về, ngay chỗ thấy nghe này trâu đã hiện ra rồi, hết còn tránh đâu được. Như vậy tâm đã lóe sáng thấy được trâu rồi.

Trước giờ luống uổng tự tìm kiếm; Đến đây xem lại vốn hiện thành: Hành giả đến đây thật có niềm vui, tức vui mừng nhận ra được chỗ lầm lâu nay của mình, tưởng đâu trâu đã mất bên ngoài nên cứ tìm kiếm nhọc nhằn. Nhưng giờ mới thấy đúng thật uổng công nhiều quá, ngờ đâu nó vốn sẵn đây rồi có thiếu bao giờ đâu.

Xem lại nó vốn hiện thành, sẵn rồi. Ngộ ra rồi thì lỗ mũi vẫn ở trên mặt, nhưng lâu nay tưởng lỗ mũi ở đâu khác mà chạy kiếm. Giống như Diễn-nhã-đạt-đa chạy tìm đầu, khi ngộ rồi thì cái đầu vẫn ở trên cổ thôi.

Thêm bài họa của Nạp Duẫn Am:

    Viễn viễn hốt văn khiếu kỷ thanh,

    Cách khê nhất vọng thảo thanh thanh.

    Bổn lai tỷ khổng đoan nhiên tại,

    Túng sử Tung Công họa bất thành.

Dịch:

    Văng vẳng chợt nghe mấy tiếng kêu,

    Cách xa trông thấy cỏ xanh xanh.

    Xưa nay lỗ mũi còn nguyên đó,

    Cho dẫu Tung Công vẽ khó thành.

Văng vẳng chợt nghe mấy tiếng kêu; Cách xa trông thấy cỏ xanh xanh: Nghe văng vẳng đâu đó tiếng trâu kêu, thêm nữa là thấy đám cỏ xanh ở trước thì đoán biết ngay nó ở lẩn quẩn đó ăn cỏ thôi.

Xưa nay lỗ mũi còn nguyên đó; Cho dẫu Tung Công vẽ khó thành: Chợt nhận ra nguồn chân thật xưa nay vẫn còn nguyên, nên gọi lỗ mũi xưa nay còn nguyên không thiếu kém, không phải tìm kiếm thêm. Tuy nhiên: “Cho dẫu Tung Công vẽ khó thành”, việc này không ở trên giấy mực, dù cho tay vẽ tài ba như Tung Công cũng vẽ không ra nổi. Đến đây là phải tự thấy chứ không qua trung gian ý thức.

Tóm lại, đến đây thấy được trâu là sáng được tự tâm, vậy mắt tâm đã mở rồi. Trên đường tu, chúng ta có chỗ nắm, có điểm tựa rồi.

Tuy nhiên chưa phải xong. Thấy được trâu, sáng được tâm nhưng chưa sống được trong đó, chưa có sức làm chủ phiền não, do đó chưa có thể ngay đây tự mãn mà còn phải tinh tấn tiến tới, sẵn sàng hy sinh tất cả để nắm bắt được trâu. Sẵn sàng hy sinh tất cả tức là buông, nếu không khéo mà động đậy là trâu chạy đi. Thấy vậy nhưng chưa nắm được nó, cho nên bước tới động động nó nghe tiếng là chạy mất, vì chưa nắm được.

Cho nên ở đây muốn đi tới phải đi từ từ nhẹ nhẹ không cho nó nghe tiếng, nếu nó nghe tiếng động là chạy tuốt. Đó là ý nghĩa bức tranh thứ ba “Thấy Trâu”.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89262
  • Online: 50