Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Bảy QUÊN TRÂU CÒN NGƯỜI
27/12/2018 | Lượt xem: 3017
TT.Thích Thông Phương giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt
LỜI DẪN
Pháp không có hai pháp, trâu gọi là tâm. Dụ tên khác của thỏ bẫy, bày sai biệt của cá nơm. Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng ra khỏi mây. Một đường ánh sáng lạnh, ngoài kiếp Oai Âm.
GIẢNG:
Đến đây là mất trâu còn người, nhưng mất trâu ở đây không giống với mất trâu ban đầu. Mất trâu ban đầu là bất giác, là mê quên mất nên đi tìm trâu. Giờ đây là trâu hợp về với người rồi, người-trâu không có hai, không còn phân kia đây nữa, không còn phân chân vọng nữa, cho nên không đồng với cái mất ban đầu.
Trong lời dẫn chỉ ra: “Pháp không có hai pháp, trâu gọi là tâm”: Trâu cũng gọi là tâm thôi chứ không gì khác, tức trâu cũng chính là người. Ban đầu còn mê nên chia có hai tức có mất rồi phải đi tìm, tìm rồi phải chăn, giờ hợp về một nên gọi là quên mất trâu.
Khi mê phân chia có chân có vọng, có đây có kia, có người có trâu, thành ra ngăn ngại, nhưng đến đây hợp về một tâm thể không có hai thứ. Tâm thể mà có hai thứ thành ra mình thành hai người sao? Ban đầu gọi là đi tìm tâm nhưng cũng chỉ là “đem tâm đi tìm tâm” thôi. Vậy cái gì chăn, chăn cái gì? Đến đây rõ ra đó chỉ là phương tiện giả lập bày.
“Dụ tên khác của thỏ và bẫy, bày ra cái sai biệt của cá và nơm”: Như dùng bẫy để bẫy con thỏ, hoặc bày ra sai biệt của cá và nơm, tức có cá có nơm, có thỏ có bẫy, đó là phương tiện chứ không phải là thật có pháp. Gọi là: “Như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng ra khỏi mây”. Lập bày có thỏ có bẫy, có cá có nôm nhưng được thỏ thì bỏ bẫy, được cá thì bỏ nơm. Cũng vậy, bày ra có trâu có chăn là phương tiện cho mình trở về chứ không phải là thật có pháp. Người trí không thể mắc kẹt trong đó, chấp là phải có một cái để chăn giữ hoài, đó là lầm.
Chúng ta phải biết đó là phương tiện ban đầu, vì mê cho nên có trâu có chăn, sau là quên trâu không còn gì để chăn vì cũng chỉ là tâm thôi. Cho nên gọi là giống như vàng ra khỏi khoáng, tợ trăng ra khỏi mây. Khi vàng còn ở trong khoáng thành ra có hai, có vàng có cặn lẫn lộn. Khi lọc ra thuần thành vàng ròng rồi thì chỉ là vàng ròng thôi, không còn có khoáng nữa. Cũng vậy trăng còn ở trong mây thì có mây có trăng, khi ra khỏi mây thì trăng chỉ là trăng, không có gì che đậy, không có cái thứ hai nữa.
Chân tâm đã hiển lộ, bụi trần hết rồi, đến đây mình lau cái gì? Đã hết bụi rồi mà cứ ngồi đó kiếm cái để lau hoài là bệnh. Cũng vậy, nhiều người tu khi vọng lặng rồi, cứ ngồi đó kiếm cái vọng để quán, đó là mê trở lại nữa. Tánh cuồng, tánh hoang đã sạch rồi, chăn giữ là chăn giữ cái gì? Vọng niệm đã không, chiếu soi là chiếu soi cái gì đây? Cho nên quên trâu là không còn vọng niệm để chiếu soi gì nữa.
Do đó ở đây gọi là “một đường ánh sáng lạnh, vượt ngoài kiếp Oai Âm”: Oai Âm là chỉ cho vị Phật sống rất lâu xa về trước Không kiếp, vượt ngoài kiếp Oai Âm là chỗ chưa có tên Phật và chúng sanh. Đây ngầm chỉ vượt thẳng ra ngoài phương tiện đối đãi, dựng lập.
Đến đây là không còn mắc kẹt trên phương tiện sai biệt mà thẳng trở về nguồn chân thật. Ở vị trí này, công phu chăn giữ cũng buông, quên cái công đi mà thầm hợp trở lại tánh chân, được niềm tin vững chắc, không còn thối chuyển.
Như câu chuyện Thiền sư Nghĩa Thanh ở chỗ Thiền sư Viên Thông Tú, hàng ngày Sư không thưa hỏi gì, chỉ ăn cơm xong rồi nằm ngủ. Ông tri sự thấy vậy chịu không nổi mới đến bạch với Thiền sư Viên Thông xin theo nội quy để phạt.
Ngài Viên Thông là vị Thiền sư đắc đạo, Ngài mới bảo: “Hãy đợi ta thử qua xem!”. Ngài cầm cây gậy đi vào Tăng đường gặp Nghĩa Thanh đang nằm ngủ, Ngài lấy cây gậy gõ vào giường bảo:
- Ở trong đây tôi không có cơm dư canh thừa để cho Thượng tọa ăn xong rồi ngủ!
Nghĩa Thanh thưa:
- Vậy Hòa thượng dạy tôi làm cái gì?
Ngài Viên Thông bảo:
- Sao không tham thiền đi?
Nghĩa Thanh thưa:
- Món ăn ngon không cần với người đã no bụng.
Sau đó, hai người nắm tay cười đi về phương trượng.
Đó là hiểu nhau. Đây nói lên Ngài Nghĩa Thanh có đầy đủ tự tin không còn thối chuyển, không còn phải sợ ai khen chê gì nữa. Nhưng phải là thứ thiệt chứ không thể bắt chước, tức phải thật no bụng, còn bụng đói mà nói kiểu đó là nói dối.
***
LỜI TỤNG
Kỵ ngưu dĩ đáo đắc gia san,
Ngưu dã không hề nhân dã nhàn.
Hồng nhật tam can du tác mộng,
Tiên thằng không đốn thảo đường gian.
Dịch:
Cỡi trâu về đến tận nhà rồi,
Trâu không, người cũng thật thảnh thơi.
Trời đã lên cao còn say giấc,
Ném trong nhà cỏ bỏ dây roi.
GIẢNG:
Tới đây là nhàn nhã rồi. “Cỡi trâu về đến tận nhà rồi”: Cỡi trâu về nhà tức đã hợp trở về với nguồn tâm xưa nay, hay cái vọng hợp trở về cái chân. Trước còn có chân có vọng nên còn có trâu có chăn, giờ vọng hợp về chân rồi nên hết còn chăn.
Vọng hết rồi chăn cái gì? Đã qua đi thời gian lưu lạc, lang thang vô chủ. Đến đây gọi là thấy và hành được tương ứng với nhau, nói được làm được, là thật sống ở trong ấy rồi, không còn ngăn cách đây kia nữa. Đó là có chỗ thật sống.
“Trâu không, người cũng thật thảnh thơi”: Trâu đã quên rồi không còn gì phải chăn, phải chiếu soi nữa, nên người thảnh thơi, quên đi công phu nhọc nhằn. Cũng như vọng niệm đã hết rồi còn chiếu cái gì nữa, nên cái ngộ cũng quên luôn.
“Trời đã lên cao còn say giấc”: Bên ngoài mặt trời lên cao nhưng trong đây mục đồng vẫn còn nằm ngủ say không biết tới, không có bận tâm đến cảnh bên ngoài. Như vậy mới thật là thảnh thơi, vô sự, không bị cảnh bên ngoài làm bận rộn, chi phối.
“Ném trong nhà cỏ bỏ dây roi”: Trước còn phải dùng dây, dùng roi để quất, để đánh nó, còn có con trâu đó để mà huấn luyện nó. Giờ trâu mất rồi, đánh ai đây? Cho nên dây roi cũng bỏ, trâu đã không thì dùng dây để buộc ai, dùng roi để đánh ai? Đến đây mới có thể nói tu là họa, còn chưa gì mà nói tu là họa là chết đó. Đó gọi là bắt chước nói theo nhưng mình chưa được, là rất nguy hiểm!
Như Thiền sư Dược Sơn - Duy Nghiễm một hôm ngồi trên tảng đá, Ngài Thạch Đầu đến hỏi:
- Ông ở đây làm gì?
Sư thưa:
- Tất cả chẳng làm.
- Tại sao ngồi yên?
- Nếu ngồi yên thì tức là làm.
- Ông nói chẳng làm là chẳng làm cái gì?
- Ngàn Thánh cũng chẳng biết.
Chỗ chẳng làm là chỗ đó. Chẳng làm nhưng ngồi yên tức là làm, thành ra chỗ chẳng làm này không đồng với chỗ chẳng làm của người làm biếng. Ngồi yên không còn động, làm đến chỗ đó không phải chuyện dễ dàng, cho nên ngồi yên tức làm là vậy. Chỗ chẳng làm này ngàn Thánh cũng chẳng biết nữa, không có chỗ cho người dòm thấy, không thể bắt chước được.
Tuy nhiên, thiền giả khi đến đây tưởng mình như Phật cũng là nguy. Bởi vì tuy trâu đã không rồi nhưng vẫn còn người. Còn người tức vẫn còn một chút dấu vết chưa xong, không thể dừng ngay đó. Phải thấy cho được thấu đáo như vậy.
Đây dẫn thêm bài họa của Thiền sư Sở Thạch Kỳ:
Vạn trùng vân thọ vạn trùng san,
Đảo ngọa hoành miên nhậm ngã nhàn.
Thử cảnh họa đồ thu bất đắc,
Thùy ngôn thân tại họa đồ gian.
Dịch:
Ngàn lớp rừng mây ngàn lớp non,
Ngã thân nằm ngủ thật an nhàn.
Cảnh này tranh vẽ thu chẳng được,
Ai bảo thân nằm trong bức tranh.
“Ngàn lớp rừng mây ngàn lớp non”: Rừng mây ngàn lớp, núi non sâu thẳm là chỗ bặt dấu vết người đến quấy rầy, cho nên ở đó tự “ngã thân nằm ngủ thật an nhàn” tự tại, không phải bận tâm việc nào khác nữa.
Đây là cảnh giới của con người vô sự không thể nghĩ bàn. Cảnh giới này vượt ngoài chỗ suy nghĩ luận bàn, nên gọi là “Cảnh này tranh vẽ thu chẳng được”. Cảnh này không nằm trong bức tranh, tranh vẽ là cái giả, còn cái này là ngay con người thật. Người nằm trong bức tranh đâu có đi đứng nói chuyện gì được. “Ai bảo thân nằm trong bức tranh”: Tức nó vượt ngoài bức tranh, không nằm trong bức tranh, đừng có bám trong bức tranh.
Vậy muốn thấy được người này phải thấy ở đâu? Đó là để dành lại cho mỗi người trả lời.
***
Các bài mới
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải:Bức Tranh Thứ Sáu CỠI TRÂU VỀ NHÀ - 27/12/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Năm CHĂN TRÂU - 13/12/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Tư: ĐƯỢC TRÂU - 13/12/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Ba THẤY TRÂU - 29/11/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Hai - THẤY DẤU - 21/11/2018
Các bài đã đăng
- Mươi bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Nhất TÌM TRÂU - 18/11/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Dẫn nhâp - 18/11/2018
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 9 ) - 21/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 8 ) - 18/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 7) - 14/11/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89100
- Online: 41