Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Hai - THẤY DẤU

21/11/2018 | Lượt xem: 2885

TT.Thích Thông Phương

LỜI DẪN

Nương theo kinh mà hiểu nghĩa, xem giáo lý biết được dấu vết. Rõ mọi thứ vòng, xuyến v.v… đều là vàng, thể nhận muôn vật là chính mình. Tà chánh chẳng biện biệt, chân ngụy nào phân chia. Chưa vào được cửa này tạm cho là thấy dấu.

GIẢNG:

Từ lâu bất giác quên mất con trâu tâm của mình không biết tới, bây giờ nhờ nương theo kinh điển, rồi xem giáo lý, nghe lời Phật, lời Tổ, lời thầy khai thị nên biết được là mình có tâm. Nhân biết được mình có tâm, tin được mình có việc lớn đó để tìm trở lại, như vậy là bước tiến trên đường trở về, rồi theo đây phăng dần trở lại chắc chắn sẽ tìm lại được, sẽ sáng tỏ được không nghi ngờ.

Tin mình có mới tìm, đó chính là cái chánh nhân để tiến tới. Bởi vì Phật, Tổ các Ngài đã đi qua, đã rõ được việc này, các Ngài mới chỉ ra rồi được ghi lại. Đó là ghi lại từ kinh nghiệm chân thật của các Ngài chứ không phải là những điều nói suông. Tuy nhiên, việc đó lại không nằm ở trong những điều ghi lại này, cũng chỉ là dấu vết.

Cho nên người khéo hiểu, phải soi trở lại chính mình, tức nương những dấu vết đó để mình phăng tìm soi trở lại sẽ thấy được trâu, chứ trâu không ở trong những dấu vết đó.

Rõ mọi thứ vòng, xuyến đều là vàng, thể nhận muôn vật là chính mình: Tức rõ được mọi thứ như vòng, xuyến đều từ vàng làm ra, thể nhận trở lại muôn vật là chính mình không gì khác. Đây là thấu qua mọi tướng sai biệt để không chạy theo ngọn ngành mà quay trở lại cái gốc.

Cũng như tướng vòng xuyến là tướng sai biệt, là cái ngọn, còn gốc là từ vàng làm ra. Cũng vậy, muôn vật muôn pháp cũng là cái ngọn, giờ phải quay trở lại, thấy trở lại nơi chính mình là gốc. Như vậy, hiểu rõ trở lại tâm là gốc của muôn pháp, muôn pháp sở dĩ hiện tiền đây là bởi vì có tâm. Đó là chỗ cần nhận rõ ràng.

Nhân có tâm mới biết được muôn pháp, muôn pháp mới hiện khởi, nhưng đa số người không thấy được cái gốc này, chỉ nhận theo muôn pháp khởi thôi. Lầm mê là chỗ đó.

Vì thấy theo tướng sai biệt của muôn pháp mà quên mất cái gốc là từ nơi tâm, từ tâm mới có khởi. Nếu không có tâm thì muôn pháp này không thành, nhưng người ta lại quan trọng muôn pháp mà quên mất tâm. Bởi vì nếu không có tâm thì muôn pháp làm sao khởi? Cái gì rõ được muôn pháp mà khởi? Cái quan trọng vậy đó mà người ta không thấy, lại quan trọng cái ngọn kia.

Tu là phải thấy trở lại để đạt được gốc thì ngọn tự đến thôi. Cho nên sáng được tâm rồi thì sáng tất cả pháp, còn người cứ lo sáng các pháp, lo chạy tìm cầu sáng pháp này pháp kia pháp nọ, là chạy theo ngọn.

Thử quán cho kỹ lại xem, không có tâm thì cái gì biết được đây là cái bàn, đây là cái ghế, đây là cái bình hoa, đây là bức màn, đây là nhà cửa, đây là cảnh vật v.v… Nếu không có tâm thì cái gì biết được mấy thứ đó? Người ta lại cứ lo quan trọng mấy thứ đó mà quên mất tâm, bỏ mất tâm. Chúng ta phải thấy được chỗ trọng yếu đó để quay trở lại giữ gìn, bởi làm Thánh, làm phàm gì cũng là nó hết.

Cho nên có câu “Tâm sanh các pháp sanh”. Như vậy, nhân muôn pháp đó mà rõ biết có tâm, dấu vết để chúng ta trở về là chỗ đó. Nhân dấu vết để soi trở lại là sẽ tìm thấy tâm, tìm gặp tâm. Đó là từ cái sai biệt mà trở về cái thể không sai biệt.

Do đó, tà chánh chẳng biện biệt, chân ngụy nào phân chia. Chưa vào được cửa này thì tạm cho là thấy dấu. Muốn trở lại cái gốc này, muốn vào được cửa này phải dám quên đi những niệm phân biệt đối đãi, tức những thức tình chia chẻ đây kia, cái đó làm cho mình quên mất tâm. Tức theo đó là theo cái ngọn, theo những lối tẽ dẫn mình càng đi càng xa. Người đời không biết được cứ theo đó thôi, nên càng bị dẫn đi xa, không còn biết đâu bản tâm.

Trong nhà thiền luôn luôn cảnh tỉnh chúng ta phải vượt qua tâm phân biệt đó, chết đi cái tâm phân biệt đó.

Có câu chuyện, Ngài Văn Đạo nghe tiếng Thiền sư Tuệ Huân là bậc tu hành sáng đạo đang sống trong hang núi, nên từ xa mới lặn lội vượt suối rừng tìm đến gặp để học đạo.

Khi đến nơi trời đã tối nên Thiền sư Tuệ Huân bảo:

- Ông hãy ở đây nghỉ một đêm sáng mai sẽ nói chuyện!

Sáng sớm hôm sau, Thiền sư Tuệ Huân dậy trước nấu cháo, đến lúc mời ăn cháo nhưng không có gì để múc cho Ngài Văn Đạo. Bởi vì Thiền sư sống ở núi rừng rất là đạm bạc, không giống như mình ở đây.

Thiền sư Tuệ Huân mới vói tay lại phía sau lấy cái sọ người múc sọ cháo đưa cho Ngài Văn Đạo. Văn Đạo thấy vậy muốn ói rồi, khó xử không biết có nên nhận hay không! Nhận thì làm sao ăn nổi, không nhận thì thành ra bất kính, nên còn do dự.

Thiền sư Tuệ Huân thấy vậy, liền bảo:

- Thôi ông hãy đi đi! Ông chưa phải là thành tâm học đạo, không phải chân chánh vì pháp mà đến đây. Ông còn đem theo cái vọng tình nhơ sạch, yêu ghét mà tiếp vật thì làm sao có thể được đạo.

Đó là một bài học để cảnh tỉnh cho người học đạo. Bởi vì những niệm phân biệt đó dẫn mình đi, khiến cho quên mất trâu, che lấp bản tâm chân thật của mình.

Bây giờ muốn trở về phải dám can đảm, dứt khoát buông những niệm phân biệt đó mà giác trở lại, chứ còn yếu yếu là không dám làm. Bởi vì yếu yếu sợ buông nó rồi không biết gì hết.

Đây cũng là điều ngầm chỉ ra cho mọi người tỉnh, thấy rõ “mê cũng từ tâm mà mê, giác cũng từ tâm mà giác”, không thể tìm đâu khác. Theo những tâm phân biệt đó đi ra càng ngày càng xa, đó là theo chiều mê, thì cũng là tâm thôi, rồi giác trở lại cũng là tâm thôi, cho nên mê cũng là từ tâm, giác cũng là từ tâm, nhưng cái thể của tâm vốn không có hai. Trên cái tướng thì có sai biệt, mê khác, giác khác, người tỏ ngộ thấy trở lại cái thể không sai khác, đó là chỗ trọng yếu.

Cũng như học theo tình thức phân biệt nên thấy bản tâm khác, vọng tưởng khác, tình thức khác, nhưng nhìn thấu tột cái thể nó là không hai. Giống như nước và sóng, nếu đem tình thức phân biệt sẽ thấy nước là khác, sóng là khác, nhưng dùng trí chân thật để nhìn thấu được cái thể thì không khác. Sóng và nước cũng chỉ một thể ướt, thấy được cái thể không hai đó mới thấy đến chỗ chân thật.

Đây cũng vậy, thức cũng biết, trí cũng biết, vậy thức-trí đồng một thể biết. Nhưng biết theo mê là thức, biết theo giác là trí. Mê là theo những bóng dáng phân biệt, giống như nhìn theo những hình bóng ở trong gương rồi quên mất cái gương sáng, chỉ biết hình bóng mà không thấy được gương. Còn giác thì nhận trở lại cái gương sáng, nên không lầm theo những hình bóng trong gương, những tướng sai biệt đó.

Khi ngồi thiền, lo duyên theo những tướng vọng tưởng có tướng này tướng kia, đó là cái bóng trong gương, tức quên mất cái gương tâm mà nhìn theo những cái bóng vọng tưởng. Giác là nhớ trở lại gương tâm, quên bóng vọng tưởng sai biệt. Nói theo đây là, tâm nhớ theo tướng này tướng nọ là quên mất trâu, còn tâm nhớ trở lại cái thể giác không hai đó là trở về, giống như trở bàn tay lật qua lật lại không gì khác. Chính đây là tin tức của tâm cho chúng ta biết trở về, theo thông tin đó để trở về là tìm gặp thôi, nên đây gọi “thấy dấu”, nhưng chưa phải trâu, chưa giáp mặt được. Tuy nhiên đã có tin tức của tâm rồi là hết phải bơ vơ, hết phải hoảng hốt, tiến thêm bước nữa trên đường trở về sẽ tìm thấy trâu. Đó là được niềm tin trên bước đường trở về.

***

 

LỜI TỤNG

    Thủy biên lâm hạ tích thiên đa,

    Phương thảo ly phi kiến dã ma?

    Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ,

    Liêu thiên tỷ khổng chẩm tàng tha.

Dịch:

    Mé nước ven rừng dấu dấu kìa,

    Cỏ thơm ngang ngửa trốn đâu a?

    Dẫu cho núi thẳm sâu sâu thẳm,

    Lỗ mũi chọc trời đã hiện ra.

GIẢNG:

Mé nước ven rừng dấu dấu kìa. Tích thiên đa tức những dấu sai lệch thêm nhiều, nói lên ở nơi mé nước ở nơi ven rừng từng dấu, từng dấu trâu đã hiện ra càng nhiều. Tức ở bên kinh điển, ở bên giáo lý, ở bên muôn pháp hiện tiền đây thì dấu tâm đã lộ ra rõ quá rồi.

Qua thời gian học hỏi, thực hành theo chánh pháp, tâm đã có phần sáng tỏ hơn trước. Trước là không biết gì hết, giờ nhờ có học, có biết rồi nên tâm đã hiểu được và tin biết là mình có tâm, tin chắc việc làm của mình không có luống uổng, tìm lại sẽ thấy thôi. Đó là tin tức đáng mừng nên gọi là mé nước ven rừng dấu dấu kìa. Từng dấu, từng dấu trâu hiện ra tức thấy dấu rồi.

Lại thấy rõ thêm: Cỏ thơm ngang ngửa trốn đâu a! Tức những đám cỏ thơm nằm ngang ngửa đó là biểu hiện dấu trâu đi qua nên trâu hết trốn. Con trâu tâm đã đi qua đây, đã nhai gặm để dấu lại nên mới làm cho cỏ nằm ngang ngửa. Đó là tang vật, còn trốn chạy đâu được nữa! Đi qua mà không biết quét dấu vết, để dấu vết lại nên người ta mới tìm thấy được. Do đó quyết chắc là trâu vẫn quanh quẩn đây chớ không đâu xa, quyết tìm là sẽ gặp.

Bởi vì lời Phật, lời Tổ để lại cho chúng ta biết là mỗi người đều có bản tâm xưa nay vốn không mất. Ngay trước mắt mình đây muôn pháp hiện bày dọc ngang, từ đâu hiện? Muôn thứ tên, muôn thứ sai biệt từ đâu có? Như tên bàn, tên ghế, tên người, tên vật, những cái tên đó từ đâu có? Cũng từ tâm đặt ra. Bao nhiêu thứ sai biệt đó, cái gì hiện khởi những thứ sai biệt đó? Cũng từ tâm hiện. Đó là tin tức, dấu vết.

Rõ ràng chính đó mang dấu ấn của tâm, bao nhiêu cảnh sum la hiện bày trước mắt là chỗ ấn hiện của một pháp, không gì khác. Một pháp, đó là tâm pháp. Từ một tâm pháp hiện ra những sai biệt. Như vậy tin tức đã lộ bày quá rõ ràng rồi, hết còn trốn chạy được nữa, nên gọi là cỏ thơm ngang ngửa trốn đâu a!

Dẫu cho núi thẳm sâu sâu thẳm. Tức dù cho muôn pháp có mênh mông, trần cảnh dẫy đầy, giống như núi sâu sâu thẳm, nhưng cũng không còn che lấp được, hết chỗ trốn.

Lỗ mũi chọc trời đã hiện ra, là dấu hiệu của tâm đã lộ bày, đã có chỗ để nắm bắt rồi, không còn phải nghi ngờ gì nữa. Gọi là có chỗ tin vào.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là dấu thôi chưa thấy trâu, trâu chưa hiện. Trâu đã đi qua rồi, để dấu lại, nhưng thấy dấu đó là biết nó đi đâu. Người không khéo cố chấp vào những dấu này mà tự mãn thì không đến đâu hết.

Thấy được chút dấu mà tự mãn, không chịu tu tiến thì cũng không được trâu. Trâu đi qua đâu còn trong cái dấu mà cứ ôm cái đó. Bởi vì dấu còn thuộc trong cái chết, chưa phải là cái sống, cái thực. Do đó thiền giả cần phải vượt qua dấu đó để thấy được trâu rồi nắm bắt được trâu, còn phải tiến tới nữa.

Như vậy, thiền giả đã vượt qua được cái bước đầu khó khăn là bơ vơ tìm kiếm tưởng chừng như vô vọng. Ban đầu tìm nhưng mênh mông không thấy bóng dáng nào hết, tưởng như vô vọng. Đến đây có hy vọng, tức có tin tức, núi rừng sâu thẳm không còn che; cũng như muôn pháp dọc ngang, sum la vạn tượng sai biệt dẫy đầy cũng không còn che ngăn được nữa. Tin tức trâu tâm đã lộ bày, giờ chỉ phải tiến tới sẽ bắt gặp được trâu. Tu tới đây là có niềm vui rồi. Người hiểu kỹ, nắm vững, tu tập đúng đường, càng tu càng thấy có niềm vui, càng thấy phấn khởi thêm.

Đây dẫn thêm bài họa của Ngài Thạch Cổ Di:

     Khô mộc nham tiền sai lộ đa,

     Thảo pha lý cổn giác phi tha?

     Cước cân nhược giả tùy tha khứ,

     Vị miễn đương đầu sai quá tha.

Dịch:

     Cây khô trước núi lối sai nhiều,

     Nằm trong đám cỏ giác hay chưa?

     Gót chân nếu cũng theo người chuyển,

     Trước mặt lại đành để lầm qua.

Cây khô trước núi lối sai nhiều, ở trước núi cây khô có nhiều lối sai tức lối tẽ, do đó phải cẩn thận thiệt giả, chớ lầm theo những tri thức khô khan rồi bị dẫn đi xa.

Nằm trong đám cỏ giác hay chưa? Nếu theo những tri thức khô khan, đó là đi vào những lối tẽ càng dẫn đi xa, đâu biết rằng, trâu vẫn nằm trong đám cỏ kia kìa. Đây dịch thoát, nghĩa là nó nằm trong đống cỏ mà giác chẳng phải ai khác, giác chẳng phải cái gì khác.

Trâu vẫn nằm trong đám cỏ muôn pháp trước mắt đây thôi, đâu có đi đâu xa. Bởi vì tâm luôn đi với pháp, nếu khéo giác trở lại thì có ai khác chen vào trong đây. Cho nên tu nắm vững được ý chỉ rồi thì thấy đường về ngay trước mắt. Tâm đi với pháp, tâm biết pháp nên nhân pháp mà rõ được tâm.

Nhưng mà, gót chân nếu cũng theo người chuyển, nếu chạy theo bên ngoài, theo dấu vết của ngôn ngữ chữ nghĩa của người khác, gọi là theo người chuyển thì: trước mắt lại đành để lầm qua. Ngay trước mặt mà để lầm qua thật đáng tiếc!

Đây là nhắc cho thiền giả phải khéo soi trở lại chính mình, chớ có theo phân biệt bên ngoài, theo những kiến thức, những tri giải suông trên chữ nghĩa, đó là quên mất lẽ thật ngay trước mắt. Bởi vì tâm thật ở ngay nơi mình, nó không ở đâu khác, không có ở trong những dấu vết, bám vào dấu vết đó thì lầm qua cái thật. Nhớ phải khéo!

Bài họa của Ngài Mộng Am Cách:

       Thâm thâm thiển thiển tích tung đa!

       Bất thị cừ hề thị thậm ma?

       Tùng thử cước cân cần trước lực,

       Tất tu địch diện nhất phùng tha.

Dịch:

       Cạn cạn sâu sâu dấu dấu kìa!

       Chẳng phải y thì đó là gì?

       Từ đây gót chân siêng ra sức,

       Phen này quyết phải gặp mặt y.

Tu là phải có ý chí cương quyết tiến tới như vậy, bảo đảm là bắt được.

Cạn cạn sâu sâu dấu dấu kìa, từng dấu từng dấu trâu cạn có, sâu có, hiện rõ trước mắt không phải là ít, tức muôn pháp hiện bày. Vậy là biết hướng đi của trâu rồi.

Chẳng phải y thì đó là gì? Thấy dấu thì tin chắc là không còn ai khác nữa, y bị lộ tung tích ra rồi. Nhưng mà sao? Câu này là để nhắc người tỉnh lại chớ chấp vô đó thì cũng còn lầm. Nhưng y là mấy cái dấu đó hay sao? Cho nên dấu không phải là y, nhưng y đã để lại dấu thì y hết trốn. Ý là như vậy.

Cho nên, từ đây gót chân siêng ra sức, đã thấy được dấu trâu rồi thì trâu không có đi đâu xa nữa. Giờ chỉ phải làm sao siêng năng ra sức theo đó phăng tìm tới, quyết sẽ gặp được trâu. Đó là chỗ mình phải tiến tới, chứ không phải thấy rồi bám vào dấu đó, mà phải tiến tới nỗ lực thêm nữa.

Phen này quyết phải gặp mặt y, không thể bỏ lỡ cơ hội, quyết phải tiến tới để gặp được trâu, phải có ý chí mạnh mẽ, tinh tiến như vậy. Người học thấy được công phu tu hành của mình như thế nào cho khế hợp. Phải có cái nhìn đúng đắn, rồi công phu tinh tiến cho tương ứng.

Tóm lại, thiền giả đến đây là có đủ niềm tin để tìm lại chính mình. Đã thấy dấu, đã có tin tức rồi. Tuy chưa được giáp mặt nhưng đã có tin tức, đã bắt được dấu vết tức gặp được tang vật. Giờ phải quyết tâm để phăng tìm thì việc lớn sẽ tự sáng tỏ, đừng thấy dấu rồi tự mãn bỏ đi sức tinh tấn, rốt cuộc tự mình thành lui sụt. Cho nên người có chí lớn phải-tinh-tấn-rồi-tinh-tấn-và-tinh-tấn-tiếp nữa. Người chí lớn phải vậy đó, không phải tinh tấn một lúc rồi thôi.

Kiểm lại đa số người tu ban đầu rất tinh tấn, mới vào đạo rất là tinh tấn, nhưng tinh tấn một lúc rồi bắt đầu giải đãi. Kế lâu lâu gặp cái gì khổ đau lắm mới tỉnh lại, mới tinh tấn trở lại một chút. Nếu thấy hơi an ổn, thì lơ là trở lại nữa. Giống như Ngài Phó Đại Sĩ nói phải đợi cho đụng đầu chảy máu mới chịu tiến, còn an nhàn bình thản, an ổn quá nên ít chịu tu. Thường người ta dễ chết trên chiến thắng, hễ an ổn quá không có gì thúc đẩy, thành ra tâm thụ hưởng của bản ngã vô minh che mất.

Chúng ta cần phải thấy đúng đắn trở lại để tu tiến. Người có chí lớn phải đi cho tột cùng, không dừng nửa chừng. Cho nên tinh-tấn, tinh-tấn-và-tinh-tấn-mãi không ngừng nghỉ mới có ngày sáng tỏ, mới có ngày đến được cố hương, quê nhà thảnh thơi. Còn đi lừng chừng, hoặc vừa đi vừa chơi thì sao được?!

Như gương từ Đức Phật cho đến các vị A-la-hán tuy chứng đạo là xong việc của chính mình rồi, nhưng các Ngài vẫn còn luôn luôn tinh tấn, chứ không phải là tới đó buông xuôi. Trong một đoạn kinh, Đức Phật cảnh tỉnh các Tỳ-kheo. Lúc Đức Phật lớn tuổi, một hôm Ngài nói pháp sách tấn các vị Tỳ-kheo, sau đó Ngài thấy hơi mệt, bèn nằm xuống bảo A-nan thay Ngài nói tiếp. Ngài A-nan nói về Thất giác chi tức Thất Bồ-đề phần. Khi nói đến phần Tinh tấn giác chi, Đức Phật liền ngồi dậy, bảo với Ngài A-nan:

- Ông khen ngợi tinh tấn hả? Đúng vậy! Cho đến Như Lai cũng còn phải tinh tấn, nên các ông chớ có xem thường.

Đó là Đức Phật nhắc nhở, cảnh tỉnh cho các vị Tỳ-kheo. Ngay cả Đức Phật nghe nói đến tinh tấn, Ngài cũng ngồi dậy. Còn chúng ta ngày nay thì sao? Đó là điểm muốn nhắc cho tất cả thấy để giữ công phu cho chín chắn, luôn luôn tinh tấn, tinh tấn đều đặn chừng nào cho đến rốt ráo viên mãn, chớ không phải là tinh tấn có chừng, được một lúc rồi thôi bớt tinh tấn, đợi đụng đầu chảy máu mới tinh tấn trở lại.

Điểm muốn nhắc nữa là, phải khéo quyết tìm trở lại để thấy được tâm, sáng được tâm của mình, rồi giữ gìn cho được trọn vẹn. Đến khi nào giữ được cái tâm nguyên vẹn như thuở ban đầu, gọi là tâm thuần tịnh không xen lẫn với phiền não vô minh mê lầm.

Bởi tâm là của báu vô giá trên thế gian này không gì hơn nữa. Đừng quá quan trọng những cái tầm thường ở thế gian, mà bỏ mất cái trọng yếu. Sáng được tâm, giữ gìn được tâm rồi đó là con đường tiến tới Niết-bàn, cho đến tiến tới thành Phật.

Đó là con đường chúng ta phải đi. Điểm trọng yếu như thế, mỗi người cần phải thấy cho đúng đắn.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 15563
  • Online: 34