Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Năm CHĂN TRÂU

13/12/2018 | Lượt xem: 3258

TT.Thích Thông Phương

LỜI DẪN

Niệm trước vừa dấy lên, niệm sau lại tiếp theo, do giác cho nên thành chân, bởi mê nhân đó thành vọng. Chẳng riêng do cảnh khởi, chỉ là tự tâm sanh. Nắm chặt dây mũi, chẳng cho nghĩ bàn.

 

 

 

 

GIẢNG:

“Niệm trước vừa dấy lên, niệm sau lại tiếp theo”: Cho thấy nó vẫn còn tánh đi hoang chưa có thuần phục.

Tuy thấy được, nắm được, giáp mặt được rồi, nhưng những cái vọng niệm, những tập khí cũ vẫn còn tương tục. Hễ niệm trước vừa dấy lên thì niệm sau nối tiếp kéo dài liên tục, thoáng một chút là đi xa mất rồi, gọi là “Nhất ba tài động vạn ba tùy”. Tức một lượn sóng vừa dấy lên thì muôn lượn sóng tiếp theo thành ra sóng to, nhận chìm người vật luôn không hay. Lúc này nếu không khéo tu là bị nó nhận chìm trong biển sanh tử luân hồi trở lại không biết ngày nào ra khỏi.

Thí dụ như ngồi thiền mới khởi niệm nhớ tới lúc nhỏ, ngay đó mà không dừng được thì một chuỗi dài đi theo. Hồi nhỏ ở nhà đi theo mẹ rồi sau đó đi chơi bị đánh sao đó, dần dần kéo dài một hơi nửa tiếng đồng hồ không hay. Vậy là không làm chủ được!

Một niệm buồn giận cũng vậy, chỉ cần một niệm khởi lên mà không thấy, không dừng được để nó dẫn đi xa tạo nghiệp rồi nhận chìm không hay. Những vị tu ra đời cũng là vậy, chỉ ngay một niệm ban đầu mà không dừng được là nó kéo đi chứ có gì đâu! Nếu ngay niệm ban đầu mà dừng được thì đoạn sau đâu còn, quan trọng là ngay một niệm đó chớ đừng có xem thường. Đó là chỗ tu hành!

“Do giác nên thành chân, bởi mê nhân đó thành vọng”: Như vậy khác nhau chỉ ở mê với giác, giác là không theo nó thì ngay đó chuyển lại thành chân, còn mê theo nó liền chuyển thành vọng, đó là bị nó dẫn đi. Mà chân hay vọng cũng chỉ ở ngay một niệm mê hay giác này đây chớ không gì khác, không có ai chen vào trong đó.

Nhưng giác là giác cái gì, rồi mê là mê cái gì? Hay giác là cái gì giác, còn mê là cái gì mê? Cũng chỉ là “một tâm” đâu có riêng khác. Chính “tâm” giác rồi cũng chính “tâm” mê. Chìa khóa là ở ngay chính mình. Vậy không phải đợi cầu ai hết, mà cầu là cầu ngay mình, đó là thiết yếu nhất.

“Chẳng riêng do cảnh khởi, chỉ là tự tâm sanh”: Người ta thường đổ lỗi cho cảnh trần quyến rũ lôi kéo, đó là trốn trách nhiệm. Thật sự cảnh có biết gì đâu mà đổ lỗi cho nó. Thí dụ như đang ngồi trong thiền đường, tiếng ca tiếng hát ở ngoài xa, mà tiếng tức là âm thanh, âm thanh là vô tri thì có biết gì đâu mà lôi cuốn mình. Nhưng chính do tâm mình khởi lên rồi phân biệt chạy theo nó, động theo nó. Động là tâm mình khởi động theo chứ âm thanh đâu có biết gì.

Sắc cũng vậy, cảnh trần cũng chỉ là sắc cũng đâu biết gì, do người khởi niệm chạy theo nó rồi thành lỗi. Cho nên đầu mối chính là tự tâm mình sanh khởi rồi theo nó, cần thấy lại chỗ đó!

Tâm không sáng suốt, thiếu trí tuệ không biết tự giữ mình, không biết ở yên trong nhà an lành mà lại phóng ra ngoài rồi đuổi theo cảnh, chụp bắt cảnh thành mất mình, thành bất an mà bị thua thiệt! Cho thấy, đang an nhàn giải thoát rồi tự mình trói mình thành ra mất tự do, thành gánh cái khổ. Quán kỹ lại để thấy được cái lầm của mình rồi mới hết lầm.

Ông Bàng Uẩn có bài tụng:

        Chỉ tự không tâm đối vạn vật,

        Lo gì vạn vật thường quấy nhiễu.

Mình không có tâm đối với nó thì nó quấy nhiễu gì mình? Tại vì mình có tâm với nó thành ra nó mới quấy.

        Trâu sắt chẳng sợ sư tử rống,

        Ví như người gỗ xem chim vẽ.

Giống như trước con trâu sắt, sư tử rống thì rống chứ trâu có sợ gì đâu! Cũng vậy, như người gỗ mà xem chim vẽ, xem thì xem chứ có vấn đề gì đâu! Rõ ràng mình không tâm đối cảnh thì không có dính dáng gì hết.

        Người gỗ thể vốn không tình thức,

        Chim vẽ gặp người cũng chẳng kinh.

Người gỗ đâu có tình thức phân biệt gì, còn chim vẽ cũng vậy nên gặp người cũng đâu kinh sợ. Vậy là cả hai đều không có dính dáng gì với nhau.

        Tâm cảnh như như chỉ thế ấy,

        Lo gì Bồ-đề đạo chẳng thành.

Khéo ứng dụng như thế thì tâm cảnh như như, ngay đó là Bồ-đề không phải tìm đâu khác. Yếu chỉ giữ gìn tâm là như thế, đừng đổ lỗi cho cảnh mà phải xoay trở lại nơi tự tâm.

“Nắm chặt dây mũi, chẳng cho nghĩ bàn”: Tức là chỉ tự tâm không sanh thì cảnh vốn an nhàn, ngay đó chiến tranh chấm dứt. Chăn trâu là như thế! Luôn luôn phải nắm chặt dây mũi, tức sáng suốt chặn ở ngay đầu tâm không cho tình thức phân biệt xen vào. Tu khéo là vậy. Còn chúng ta thường chỉ theo đuôi, nó khởi lên rồi mới chạy theo để kéo lại. Khi kéo không nổi là bị nó dẫn đi luôn.

Thiền sư Quảng Trí ở Việt Nam có dạy một đoạn trong phần chăn trâu:

Trước kia, ở dưới cửa Tổ sư chỉ ra một con đường chính tu hành, dạy người ngay tại đầu nguồn mà khởi công. Nếu đầu nguồn đã trong sạch rồi thì lý thật luôn hiện tiền, thức và niệm tự nhiên ô nhiễm chẳng được. Ví như mặt trời đã lên cao giữa hư không thì ma quái đều bặt dấu. Một pháp môn tâm địa này chính là đạo của ngàn Thánh xưa nay chẳng đổi. Trái với nó là phàm, thuận với nó là Thánh, mê nó thì sanh tử bắt đầu, ngộ nó thì luân hồi ngừng dứt. 

Đây nói rất rõ ràng: Dưới cửa Tổ sư chỉ ra con đường tu hành là dạy người phải ngay nơi đầu nguồn mà khởi công. Nguồn đã trong sạch rồi thì lý thật luôn hiện bày, thức và niệm tự nhiên không ô nhiễm được. Ví dụ như mặt trời đã lên cao giữa hư không thì ma quái bặt dấu.

Sở dĩ trong tâm người còn ma quái nhiều là vì còn bóng tối, còn mặt trời lên rồi thì ma quái tan mất. Ngài dạy con đường tu hành chân chính là phải nhắm thẳng ngay đầu nguồn tâm này đây, ngay cái nguồn tâm đã trong sạch thì mọi việc xong. Do đó hạ thủ là phải hạ thủ ngay đầu nguồn này. Đó là công phu thiết thực.

Cũng như câu chuyện Thiền sư Thạch Sương - Khánh Chư, sau khi ngộ đạo Sư ở ẩn trong một xóm lò gốm để bảo nhậm, không ai biết Sư là người thế nào. Một hôm có vị tăng từ Động Sơn đến.

 Sư hỏi:

- Ông từ đâu đến?

Tăng đáp:

- Từ Động Sơn đến.

Sư hỏi:

- Vậy Động Sơn có lời gì để dạy chúng?

Tăng đáp:

- Ngày mãn hạ Hòa thượng có dạy: “Đầu thu cuối hạ, huynh đệ hoặc đi đông đi tây nhưng phải nhằm nơi muôn dặm không một tấc cỏ mà đi!”.

Thường thường mãn hạ (tức qua ba mùa an cư) người ta hay có tâm đi đây đi kia, đó là thói quen buông lung, nhân đó Ngài mới cảnh tỉnh trong chúng. Nhưng chỗ muôn dặm không một tấc cỏ thì làm sao đi?

Thạch Sương hỏi:

- Trong chúng có ai đáp được chăng?

Tăng thưa:

- Không ai đáp được.

Sư mới bảo:

- Sao không nói “Vừa ra khỏi cửa liền là cỏ”? 

Ông tăng về thuật lại cho Ngài Động Sơn. Ngài Động Sơn nghe xong, bảo:

- Ở Lưu Dương có Cổ Phật.

Chỉ nghe một câu thôi mà Ngài Động Sơn biết được đó là bậc sáng đạo. Vậy câu này có ý nghĩa gì? Bởi đây nêu rõ tâm của người tu lúc nào cũng hiện tiền sáng tỏ, không để mất trâu nên mới nói được câu đó.

Người chăn trâu phải công phu miên mật như thế thì trâu hết chạy đâu được. Vừa ra khỏi cửa là đụng cỏ rồi, phải thấy như vậy. Cửa đó là cửa sáu căn, vừa ra khỏi cửa sáu căn là gặp cỏ tức gặp trần. Nên hành giả phải luôn đứng ngay đầu tâm, vừa động niệm là phải giác ngay không để trâu chạy đi gặm cỏ. Tu vậy mới là kỹ.

Thiền sư Quảng Trí cũng có một đoạn dạy thêm: “Đi, đứng, nằm, ngồi, tâm tâm phải luôn luôn ở ngay con trâu này, không thể một sát-na quên mất chiếu soi hay thoáng chốc trái nhau”. Đi, đứng, nằm, ngồi, tâm tâm phải luôn ở ngay con trâu này, không thể có một sát-na nào quên chiếu soi hay là một thoáng chốc mà trái nhau với nó. Vậy nó đâu chạy đi được!

Trên là lời dẫn để gợi ý rồi mới đi vào trong bài tụng chính.

***

LỜI TỤNG

     Tiên sách thời thời bất ly thân,

     Khủng y túng bộ nhập ai trần.

     Tương tương mục đắc thuần hòa dã,

     Ky tỏa vô ức tự trục nhân.

Dịch:

     Dây roi không lúc tạm rời thân,

     Phòng nó chạy tuôn vào bụi trần.

     Chăn giữ bên mình cho điều thuận,

     Dây vàm buông thả vẫn theo gần.

GIẢNG:

“Dây roi không lúc tạm rời thân. Phòng nó chạy tuôn vào bụi trần”: Đây là chăn trâu mà! Tay luôn phải cầm sẵn dây roi, nó vừa hướng ra ngoài là phải quất liền. Công phu phải miên mật, không để sơ hở cho nó chạy lọt vào duyên trần.

Cũng như Thiền sư Thạch Củng, một hôm đang nấu ăn ở nhà bếp, Mã Tổ đến gặp, hỏi:

- Ông đang làm gì?

Sư thưa:

- Con chăn trâu.

Mã Tổ hỏi:

- Làm sao chăn?

Sư thưa:

- Một khi nó chạy vào trong cỏ, trong lúa mạ của người là kéo mũi lại.

 Mã Tổ bảo:

- Ông thật là khéo chăn trâu.

Người tu hành kỹ thì lúc nào cũng là lúc chăn trâu, dù cho làm bếp, hoặc bửa củi, hoặc làm vườn, cũng luôn chăn trâu, không để sơ hở cho trâu chạy, không phải đợi lên Thiền đường mới tu.

“Chăn giữ bên mình cho điều thuận. Dây vàm buông thả vẫn theo gần”: Phải chăn giữ luôn như vậy cho đến khi nó thuần thục, nó thuận trở về với tánh chân của nó, thì dù buông dây nó cũng không chạy mất. Trâu đó mới thành trâu ngoan.

Như câu chuyện ông Quách Công Phụ tham thiền một thời gian lâu, một hôm đến thăm Thiền sư Bạch Vân - Thủ Đoan.

Ngài Bạch Vân mới thử ông, hỏi:

- Trâu của ông đã thuần hay chưa?

Ông thưa:

- Đã thuần rồi.

Bất ngờ Ngài đổi thái độ quát mắng ông một trận nhưng ông vẫn thản nhiên, khoanh tay đến gần trước đứng cúi đầu. Ngài Bạch Vân bảo:

- Thuần rồi, thuần rồi! Tốt!

 Vậy mới thật là trâu thuần. Còn nghe quát mắng đổi thái độ mà nói trâu thuần, trâu ngoan đó là nói dối. Trâu ngoan là phải vậy đó, dù bị mắng, bị chửi bất ngờ vậy nhưng nó vẫn thuần, không đổi thái độ.

Sau đó, Ngài Bạch Vân nói bài tụng:

        Trâu ở trong núi,

        Đủ nước đủ cỏ.

        Trâu ra khỏi núi,

        Húc đông húc tây.

Đó là ngầm chỉ, mỗi người phải kiểm lại con trâu của mình còn ngang bướng, còn đi hoang còn cứng đầu cứng cổ hay không? Nếu còn thì phải huấn luyện, phải roi vọt, phải quất mạnh để nó biết đau chớ không thể chìu theo nó. Tức chuyển hóa tánh hoang dã chớ không có chìu theo bản ngã vô minh của nó. Cho nên chăn trâu phải mạnh mẽ, cương quyết vươn lên chứ không thể yếu đuối được.

Đây dẫn thêm bài họa của Thiền sư Thiên Nham Trường:

     Bách thảo đầu biên bách ức thân,

     Như hà đắc bất phạm tiêm trần?

     Tỷ thằng duệ chuyển tùng đầu khán.

     Thùy thị ngưu hề thùy thị nhân?

Dịch:

     Bên đầu trăm cỏ trăm ức thân,

     Thế nào được chẳng phạm mảy trần?

     Dây mũi kéo xoay xem thẳng đó,

     Ai là trâu đấy, ai là người?

“Bên đầu trăm cỏ trăm ức thân”: Trăm cỏ tức là duyên, là trần đó. Ngay bên đầu trăm cỏ có sẵn hàng trăm ức thân, tức trăm ức hóa thân. Đối trước các cảnh duyên, niệm này niệm kia không biết bao nhiêu niệm sẵn sàng sanh khởi, nó sẵn sàng theo duyên. Đó là thói quen của cái tâm đi hoang từ lâu nay, cứ theo duyên, theo cảnh không chịu đứng yên, biến hóa đủ thứ kiểu. 

“Thế nào được chẳng phạm mảy trần?”: Làm sao giữ để nó không phạm một mảy trần nào? Chuyện đó không phải dễ dàng, không thể nói lý suông ở trên miệng mà phải thật tu hết sức miên mật.

“Dây mũi khéo xoay xem thẳng đó. Ai là trâu đấy, ai là người?”: Phải hết sức cẩn thận, ngay đó phải xoay dây mũi kéo lại liền, xem thẳng trở lại nơi đầu nguồn, thấy trở lại ngay nơi đầu niệm khởi, chận thẳng ngay đầu nguồn của nó, không để nó khởi rồi mới theo đuôi. Phải tu kỹ vậy đó!

Rồi nhìn rõ lại xem ai là trâu, ai là người? Tức ngay đó dứt bặt niệm phân biệt kia đây, hết chỗ cho trâu chạy. Không còn chỗ để phân biệt thì chỗ nào trâu chạy được! Chăn trâu kỹ hay chăn trâu giỏi là phải như thế.

Đó cũng là cách để nhắc cho người thâu hồi các hóa thân của mình trở lại, đừng để hóa thân đi quá xa. Hóa thân đi hoài rồi quên mất mình lúc nào không hay nên phải thu hồi trở lại, mới gặp Phật Đa Bảo được, mới cùng ngồi chung với Phật Đa Bảo.

Tức khiến cho cái dụng hợp trở về với cái thể, thể dụng không hai. Như vậy trâu hết chỗ chạy. Hiện tại chúng ta để “thể” một nơi, “dụng” một ngã, thể ở đâu không biết mà dụng đầy ở bên ngoài, là dụng chạy ra bên ngoài đầy hết, còn thể thì quên mất không biết đâu, đó chính là chỗ lầm mê của chúng ta.

Bây giờ phải khéo tu để xoay lại, làm sao cho thể-dụng không hai, không còn tách rời được nữa thì thành công. Đó là phần chăn trâu ở bức tranh chăn trâu thứ năm.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89282
  • Online: 37