Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Tư: ĐƯỢC TRÂU
13/12/2018 | Lượt xem: 4014
TT.Thích Thông Phương
LỜI DẪN
Từ lâu vùi lấp ở ngoài đồng. Hôm nay mới gặp được y. Bởi do cảnh đẹp khó đuổi xua, luyến đắm cỏ thơm chẳng thôi. Tâm ngang ngạnh còn mạnh, tánh hoang dã vẫn còn. Muốn cho được thuần hòa hẳn phải thêm roi vọt.
GIẢNG:
Từ lâu vùi lấp ở ngoài đồng. Hôm nay mới gặp được y: Đến đây, hành giả bắt gặp được trâu gọi là nắm được dây mũi, còn trước kia mới từ xa thấy. Đã bắt được, nắm được dây mũi coi như là xóa tan được thời gian bao nhiêu lâu bị vùi lấp ở ngoài đồng hoang, tức bị trần lao che phủ, tưởng chừng như là mất hẳn không còn gặp lại được nữa, thì nay đã bắt gặp được rồi. Đó là niềm vui lớn.
Như vậy việc tìm kiếm của mình đã có kết quả, nên gọi là “tìm thì thấy”. Bước đầu như đã nói tìm trâu rất là quan trọng, có tìm thì mới có thấy, bởi tuy có nhưng nếu không tìm thì làm sao thấy. Vậy là đến đây tâm đã bị nhận diện không còn trốn thoát được nữa.
Tuy nhiên, bởi do cảnh đẹp khó đuổi xua, luyến đắm cỏ thơm chẳng thôi. Tâm ngang ngạnh còn mạnh, tánh hoang dã vẫn còn: Tuy nắm được trâu rồi, nhưng tánh hoang dã của nó vẫn còn. Giờ đây không còn phải suy lường, ức tưởng, không phải hiểu qua kiến giải, tuy nhiên, vì nó đi hoang đã lâu, sống theo thói hoang dã của nó đã quen, do đó không dễ gì một lúc mà nó liền chịu phục.
Cho nên hễ gặp cảnh đẹp, gặp cỏ thơm là nó liền chạy tới, xua đuổi cũng khó đi, nên đây nói “bởi do cảnh đẹp khó đuổi xua, luyến đắm cỏ thơm chẳng thôi”. Đó là cái tâm phan duyên, luôn muốn duyên theo cảnh chạy theo trần, hướng ra ngoài không chịu đứng yên, như trâu cứ muốn giật dây chạy đi.
Cho thấy mục đồng nắm được trâu thì trâu đã gặp được chủ, không còn đi hoang nữa, nhưng nó đâu có chịu tuân phục theo chủ. Nghĩa là cái bướng bỉnh của bản ngã vô minh cũng vẫn còn làm chủ, nó chưa chịu tuân phục trở lại. Đó gọi là sống theo tình mà xem thường trí tánh. Là thói quen mê lầm. Cái nguồn chân vẫn sẵn có đó nhưng cái tánh vọng chưa chịu buông tha. Giai đoạn này là như vậy, nắm được trâu rồi nhưng tánh vọng chưa chịu buông tha nên vẫn còn phải chiến đấu, còn phải khổ nhọc, chưa phải nhàn nhã ngồi uống trà.
Muốn cho được thuần hòa hẳn phải thêm roi vọt: Muốn cho nó thuần hòa tức thành trâu ngoan là còn phải cho roi vọt. Như phải dùng giới luật để răn đe rồi quở trách nó. Giới luật là răn, quở, phạt, đó là roi vọt; và dùng thiền định để buộc nó lại, không cho nó chạy; rồi dùng nước trí tuệ để gột rửa, xóa tan những thói quen ngông cuồng của nó. Như vậy còn phải thêm nhiều khó nhọc nữa chứ chưa thể được nhàn nhã.
Đến đây, hành giả đã thể nhận được tâm rồi, nó rõ rõ ràng ràng như là nắm vật ở trong tay không còn nghi ngờ mà còn phải nhọc nhằn, huống là chưa nắm được trâu. Các tập khí phiền não tham sân si, các thói quen của tình chấp ngã vẫn còn ngự trị, giống như con trâu vẫn còn ngang ngạnh, còn bướng bỉnh, cho nên lúc nào cây roi tỉnh giác phải luôn luôn cầm sẵn trong tay, hễ động tới là quất liền, tu kỹ là phải vậy. Dây mũi phải nắm chặt, nó vừa ngó ngang là giật lại liền tức không cho sơ hở. Nếu tu lơ là, nhiều khi mệt quá thì thôi thả cho đi luôn.
Bức tranh thứ ba là thấy trâu, còn bức tranh này là bắt được trâu, xỏ mũi nó, rồi còn phải điều phục nó, dùng roi vọt cho nó sống trở lại với tánh thuần chân để thành trâu ngoan. Đây là giai đoạn chuyển hóa tập khí lâu đời.
Xỏ mũi trâu là thấy được đầu mối giữa mê và ngộ, chính ngay đầu mối này đưa nó trở về với gốc vô sanh. Tu mà chưa thấy được đầu mối giữa mê và ngộ là còn chơ vơ, không biết chỗ nào để nắm bắt đưa về. Nhưng ít ai biết rõ được cái đầu mối giữa mê và ngộ này, hay cái dây mũi này nằm ở chỗ nào? Mỗi người cần tham cứu về nhân duyên của Hòa thượng Nam Tuyền với Ngài Triệu Châu sẽ thấu rõ chỗ này.
Một hôm, Hòa thượng Nam Tuyền đi qua phòng tắm, thấy vị tăng trông coi phòng tắm đang nấu nước cho đại chúng tắm.
Ngài Nam Tuyền hỏi:
- Ông đang làm gì?
Vị tăng thưa:
- Bạch Hòa thượng, con nấu nước tắm.
Ngài Nam Tuyền bảo:
- Nhớ kêu con trâu đực đi tắm với nghe.
Ông tăng đáp:
- Dạ!
Ngày xưa, các Ngài luôn tận dụng mọi thời gian để cảnh tỉnh người, chỗ nào cũng là chỗ thiền để khai thị.
Đến chiều, vị tăng ấy mới đi vào phương trượng. Ngài Nam Tuyền hỏi:
- Làm gì?
Vị tăng thưa:
- Dạ! Con mời con trâu đực đi tắm.
Ngài Nam Tuyền bảo:
- Ông có đem dây mũi theo chăng?
Vị tăng không đáp được.
Tức chưa phải thứ thiệt. Nếu thứ thiệt phải trình được. Biết đến kêu con trâu đực đi tắm mà không biết dây mũi làm sao dẫn đi?
Sau đó Ngài Triệu Châu - Tùng Thẩm đi đến. Ngài Nam Tuyền thuật lại việc đó. Ngài Triệu Châu thưa:
- Con có câu đáp.
Ngài Nam Tuyền hỏi lại Triệu Châu:
- Có đem được dây mũi theo chăng?
Ngài Triệu Châu liền tiến tới gần trước, nắm mũi của Ngài Nam Tuyền kéo mạnh một cái!
Ngài Nam Tuyền bảo:
- Phải thì phải đó nhưng mà quá thô!
Đó là nắm được dây mũi.
Người chân thật mắt tâm sáng rồi thì có cách trả lời, còn không phải thứ thiệt bị lộ ra liền. Vậy ai thấy được dây mũi này? Vừa nắm mũi kéo liền biết đau, nên Ngài mới nói quá thô. Chính ngay “cái biết” đó là dây mũi. Khéo nắm ngay dây mũi đó mà xỏ mũi trâu kéo lại thì trâu hết chạy. Đó là chỗ nắm được trâu.
***
LỜI TỤNG
Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ,
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ.
Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng,
Hựu nhập yên vân thâm xứ cư.
Dịch:
Đem hết thần thông bắt được rồi,
Bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi.
Có khi vừa đến cao nguyên đứng,
Lại chạy sâu vào chốn khói mây.
GIẢNG:
Đem hết thần thông bắt được rồi: Dùng hết công phu qua phần “thấy đạo”, đến đây là bắt được trâu. Kia là “thấy đạo”, đến đây là “tư duy tu” để chuyển hóa những thói quen cũ của nó, tức chuyển hóa những tập khí.
Bởi vì, bao nhiêu tâm sức vẫn bị lôi: Bắt được trâu rồi nhưng còn vẫn bị nó lôi. Đó là nói lên thói quen ngông cuồng, tập khí phan duyên của tâm. Nắm được nhưng nó muốn bứt dây chạy hoài, vẫn còn theo thói quen phan duyên của nó. Cho nên dù luôn cảnh giác nhưng nó vẫn cứ muốn chạy theo duyên, thiếu duyên là nó chịu không nổi.
Có khi vừa đến cao nguyên đứng. Lại chạy sâu vào chốn khói mây: Mới thấy nó đứng ở trên cao nguyên, chợt ngó lại là chạy mất rồi. Đây nắm được trâu rồi mà còn vậy, huống chi là chưa nắm được thì nó còn chạy cỡ nào.
Thiền sư Tử Bá có bài khai thị: “Cách thời Phật đã xa, Tổ cũng chẳng ra đời, thời kiếp càng trược nên người tu hành tuy rằng buổi đầu lập niệm là vì sanh tử, nhưng cuối cùng phần nhiều là bị thua”.
Người mới tu buổi đầu quá hay, ai cũng phát nguyện tu hành để giải thoát sanh tử. Đây là lập niệm vì việc lớn sanh tử. Cha mẹ có ngăn cũng quyết đi cho được, có khi trốn đi nữa. Nhưng vào chùa ở ít lâu không lo tu, thì phần nhiều bị thua hết.
Ban đầu phát tâm mạnh, nhưng tu lâu lâu không thấy ai tới thăm là nhớ nhà, vậy là thua rồi! Tại sao ban đầu và bây giờ khác nhau? Đúng là tâm vô thường đổi thay, nên đó không phải là cái tâm thật của mình, đừng có đồng hóa mình với nó. Cái đó không phải là mình, mà đa số người mê cứ đồng hóa mình với nó là bị nó dẫn đi vào trong sanh tử trở lại.
Đây Ngài Tử Bá nói tiếp: “Đại khái là bệnh ở chỗ nào? Chẳng ở thanh sắc tiền của, chẳng ở thất tình lục dục, mà chỉ ở ngay cái túi da thúi của người đập chẳng vỡ. Một điểm tâm vọng tưởng dòm chẳng thấu liền bị ma sanh tử sai khiến”. Ngài nói không phải tại thất tình lục dục đâu xa, cũng không phải tại thanh sắc tiền của gì, mà ở tại tình chấp ngay cái thây thúi này đập chẳng vỡ. Một điểm tâm vọng tưởng dòm không thấu: Bị tâm vọng tưởng tức tâm phan duyên gạt thành bị thua.
“Từ vô thủy kiếp đến nay, thân Trời, thân người, thân súc sanh, ngạ quỷ, thân lông, cánh, vảy, mai ở trong biển khổ thay đầu đổi mặt, lên xuống không lúc nào tạm dừng. Hãy nói ma sanh tử này và thân Trời, thân súc sanh v.v... là người đem đến cho chăng? Hay là tự mình chuốc lấy chăng? Thảy là chẳng ra ngoài một điểm tâm phan duyên”.
Ngài nói tóm tắt lại cũng chỉ tại cái “tâm phan duyên” đây, chính nó muốn bứt dây chạy rong theo các trần.
Ngài bảo tiếp: “Cái điểm tâm phan duyên này xem ra rất lớn, Ông Già Mặt Vàng (chỉ cho Đức Phật) ở trong nhân địa xả bỏ cái đầu Kim Luân Vương không kể hết. Cho đến khi sắp chứng quả còn chịu bao nhiêu thứ cảnh ác nghịch, thập sanh cửu tử, từng đợt chết đi sống lại chẳng màng đói lạnh, chẳng kể lợi hại, chỉ biết “điểm tâm phan duyên” này chẳng rõ xong thì mối họa chẳng ít, quyết dòm thấu mới xong”.
Điểm-tâm-phan-duyên này là chỗ trọng yếu, phải phá cho vỡ. Người tu giải thoát phải nắm vững yếu chỉ này. Hễ còn tâm phan duyên là còn thua ma sanh tử, bị nó dẫn đi tức còn bị lọt lưới. Hiện tại xét kỹ, đa số đều lọt lưới ma hết.
“Chẳng biết điểm tâm phan duyên này là vật gì? Chẳng những Ông Già Mặt Vàng dồn hết tinh thần, chẳng đoái nguy vong, sau đó mới hàng phục được nổi. Còn từ xưa đến nay chẳng thiếu gì bậc hào kiệt giúp hàng Vương bá làm nên công nghiệp trong khoảng hỉ mũi, tiếng thơm muôn đời được cúng tế nhưng chưa có ai dòm thấu điểm tâm phan duyên này. Đã dòm chẳng thấu thì đâu hay hàng phục được”.
Ngài nói điểm tâm phan duyên này là vật gì mà nó có sức tai hại quá lớn như vậy? Đức Phật đã phải dồn hết tinh thần, không đoái đến nguy vong mới hàng phục được nó chứ không phải tầm thường. Ngay cả: “Từ xưa nay những bậc hào kiệt giúp cho những bậc Vương bá làm nên công nghiệp trong khoảng hỉ mũi thôi”, dễ dàng vậy đó! Nhưng đối với tâm phan duyên này cũng đành chịu thua.
Ngài nói thêm: “Vì vậy trong hội Bát-nhã, Tôn giả Tu-bồ-đề ở trước chúng Trời người đưa ra câu hỏi: Làm sao hàng phục tâm mình, làm sao nên trụ? Hỏi trụ thì hãy gác lại, rốt ráo tâm này làm sao hàng phục?”. Đây Ngài nhấn mạnh trong kinh Kim Cang hỏi làm sao hàng phục tâm? Vậy tâm này làm sao hàng phục? Không thể xem thường!
“Điểm cơ quan này chẳng ở Phật, chẳng ở Tổ, chẳng ở tri thức, pháp sư có thể đem truyền trao cho ông được. Phật, Tổ, tri thức chỉ khéo cho ông cái gõ để trợ duyên thôi”. Dù Phật hay Tổ khéo dùng cái gõ để trợ duyên, nhưng chính ông mới là trọng yếu. Ông gỡ hay không là chính ông, còn Phật-Tổ không gỡ thay cho ông được, Phật-Tổ chỉ giúp gõ để cho ông tỉnh thôi.
“Nếu cần dòm thấu tâm này, ngộ triệt xứng đáng thì ví như tráng sĩ co tay chỉ ở chính mình, chẳng ở sức người khác. Dẫu có Đại tạng Thánh giáo cũng chẳng qua là lời nói gõ giúp cho thôi”. Dù cho Tam tạng kinh cũng là lời nói để gõ giúp mình thôi, còn chính mình phải mở. Đó là điểm trọng yếu, cho nên tu hành phải nhớ chỗ này. Phải chính mình mở ra đó mới là chỗ quan trọng.
Đây là giai đoạn giằng co, chiến đấu, không phải dễ dàng; có khi được rồi thua, thua rồi được, cứ như vậy lẩn quẩn hoài đến khi nào được nhiều hơn thua coi như là khá rồi, đến cuối cùng mới thắng hoàn toàn.
Trên đường đi còn phải nhọc nhằn không phải dễ dàng. Cho nên phải hết sức tinh chuyên, miên mật gọi là phải chặn đầu trâu ăn cỏ. Tức là phải chặn ngay chỗ niệm vừa khởi, không phải để chậm trễ rồi theo đuôi nó, để cho nó khởi rồi mới chạy theo kéo lại. Niệm vừa khởi là phải thấy trở lại, đưa nó trở về nguồn chân là cái gốc vô sanh. Kinh Kim Cang gọi đưa vào Vô-dư Niết-bàn, đó chính là chỗ hàng phục tâm. Bao nhiêu niệm khởi thấy liền, và đưa nó trọn vào Vô-dư Niết-bàn, tức đưa nó về chỗ trước khi khởi, không còn dấu vết.
Vô-dư Niết-bàn tức là không còn dấu vết để sanh trở lại. Chỗ này không còn lý luận, không phải là lời nói suông cho nên bao nhiêu kiến giải không dùng được ở đây. Lúc này không phải đem kiến giải ra nói chuyện được, mà phải trực tiếp xông thẳng vào thôi. Ở đây nhìn hình ảnh bức tranh thứ tư là con trâu bị mục đồng nắm dây lôi trở lại, nhưng nó luôn sẵn sàng lôi ngược để chạy đi, chưa chịu phục.
Thiền sư Dũng Tuyền Hân từng bảo với đại chúng: “Ta bốn mươi chín năm đối với chỗ này còn có lúc bị chạy lọt, bọn các ông chớ có vội ăn to nói lớn. Kẻ kiến giải thì nhiều, người hạnh giải thì ít, trong muôn người mới có một”.
Sư sáng được tâm, tức mắt tâm đã mở nhưng còn nói rằng ta bốn mươi chín năm đối với chỗ này còn có lúc bị nó chạy lọt nữa. Điều đó mới thấy không dễ dàng. Còn chúng ta thì nó chạy lọt thường xuyên thôi. Cho nên Sư mới bảo rằng các ông chớ có ăn to, nói lớn, mới hiểu được chút ít gì đó mà lo ăn to nói lớn là không phải đâu. Kẻ kiến giải thì nhiều, người hạnh giải thì ít: Hạnh giải tức thực hành, là sống đạo.
Thiền sư Đại Huệ cũng bảo: “Việc này thật chẳng phải dễ dàng, cần phải sanh lòng hỗ thẹn mới được. Thường người lợi căn, thượng trí được nó chẳng phí sức, bèn sanh tâm khinh dễ mà không tu hành”. Tức những người lanh lợi thấy nó dễ dàng, không tốn công nhiều, nên khinh thường mà thiếu sức sống chân thật ở trong đó.
“Họ phần đông bị cảnh giới trước mắt cướp đoạt mang đi, làm chủ tể chẳng được, ngày qua tháng lại mê mang chẳng tỉnh, đạo lực không thắng được nghiệp lực nên ma được dịp thuận tiện phá hoại, chắc chắn bị ma nắm quyền sai sử, đến lúc mạng chung cũng chẳng đắc lực”. Như vậy lanh lợi nhiều khi thấy nhanh, nhưng sức thì chưa đủ cho nên trâu vẫn lôi chạy, vậy mà không lo tu! Họ tự mãn, thấy đạo rồi, dễ dàng quá, nó sẵn đó rồi, không chịu công phu, thành ra lâu ngày quen tính ngông cuồng thì nó dẫn đi, nên nói nghiệp lực thắng đạo lực. Rồi bị ma sanh tử sai khiến, nên không đắc lực được. Đó là những kinh nghiệm của người xưa đã đi qua, rồi nhắc lại cho chúng ta biết để thực hành cho đúng.
Với người bắt được trâu rồi còn phải công phu khổ nhọc như thế, huống nữa là những ai còn chưa thấy trâu, mà cứ buông lung thong thả qua ngày tháng thì làm gì làm chủ được tập khí sanh tử? Thói quen ngông cuồng đó làm sao chuyển được? Không chuyển được nó thì phải bị nó chuyển thôi.
Bị chuyển tức đi theo tánh ngông cuồng xưa nay của nó, là đi vào cảnh khổ, đi vào lưới ma, bị ma sanh tử dẫn đi. Đại chúng đây, mỗi người mỗi người cần phải tỉnh xét trở lại, để ứng dụng công phu cho xứng đáng, đừng có nghĩ ngợi lăng xăng, lơ là rồi hối tiếc!
Như vậy, thiền giả đến giai đoạn bức tranh thứ tư này là đã nắm bắt được trâu, nắm được dây mũi tức có phần làm chủ trở lại nhưng còn yếu cho nên vẫn còn bị những tập khí cũ xoay chuyển. Do đó vẫn còn phải hết sức tinh tấn, luôn tinh chuyên miên mật để giữ vững sức tỉnh giác không xen hở mới chuyển được những niệm khởi, mới phá được tâm phan duyên, mới thuần hóa được những thói quen cũ của nó, mà đưa tất cả trở về nguồn chân thật xưa nay. Đó là việc làm thiết thực của người trở về cố hương.
Phần được trâu này là giai đoạn chuyển hóa những tập khí. Hình ảnh mục đồng nắm được trâu nhưng trâu vẫn cứ lôi, nếu yếu hơn nó là nó lôi chạy luôn. Cho nên làm sao phải mạnh để lôi trở lại. Đây hình vẽ mục đồng nhỏ con, mà trâu thì to lớn, lại còn ngông cuồng nên lôi nó cũng nhọc nhằn chứ không phải dễ. Đó là điểm muốn nhắc cho tất cả phải cố gắng!
Bài họa của Thiền sư Thạch Cổ Di:
Lao bả thằng đầu mạc phóng cừ,
Kỷ đa mao bệnh vị tằng trừ.
Từ từ mạch tỷ khiên tương khứ,
Thả yếu hồi đầu thức cựu cư.
Dịch:
Nắm chặt đầu dây chớ thả y,
Bao nhiêu bệnh xấu vẫn chưa trừ.
Từ từ nắm mũi mà dẫn dắt,
Cốt phải xoay đầu nhận chỗ xưa.
Nắm chặt đầu dây chớ thả y, bao nhiêu bệnh xấu vẫn chưa trừ: Giờ nắm được trâu rồi nhưng cũng phải hết sức cẩn thận, không thể xem thường, không thể dể duôi. Cần phải nắm chặt đầu dây, giữ gìn kiểm soát không cho nó chạy đi, không thể thả lỏng cho nó tự do được.
Tuy trâu không còn đi hoang vô chủ nữa, trâu có chủ rồi nhưng vẫn còn chưa nghe theo chủ. Tức là những bệnh xấu của nó cũng vẫn còn đó, cho nên còn phải nhiều phen điều phục, huấn luyện cho thuần thục trở lại tánh chân của nó, như vậy nó mới thành trâu ngoan được.
Do đó “từ từ nắm mũi mà dẫn dắt, cốt phải xoay đầu nhận chỗ xưa”: Phải có thời gian dẫn dắt, dần dần huấn luyện nó chứ không thể nóng vội được, cốt làm sao cho nó biết quay đầu nhớ lại tánh xưa. Tánh xưa tức tánh thuần chân ban đầu của nó, là quay về chỗ ở xưa của nó. Chỗ xưa đây là trở về tánh thuần chân ban đầu, không phải chỗ xưa là tánh ngông cuồng cũ của nó.
Đây là huấn luyện cho nó dần dần trở lại cái tánh thuần chân, chuyển hóa hết những tánh ngông cuồng, những tánh đi hoang của nó, là những tập khí sanh tử nhiều đời nhiều kiếp. Như vậy huấn luyện nó là để cho nó trở lại cái gốc thanh tịnh, thuần chân xưa nay của nó chớ không có gì khác, không phải là thêm cái gì mới. Nhớ kỹ!
Bài họa của Ngài Nạp Duẫn Am:
Thủy tận sơn cùng thủy đắc cừ,
Thử thời dã tánh thượng nan trừ.
Nhất điều man sách lao xuyên trụ,
Bất hứa cuồng bôn hướng ngoại cư.
Dịch:
Cùng tột nước non mới được y,
Tánh hoang đây vẫn khó trừ đi.
Một sợi dây thừng xỏ buộc chặt,
Chẳng cho tung chạy hướng ra ngoài.
“Cùng tột nước non mới được y. Tánh hoang đây vẫn khó trừ đi”: Tức là đã phải nhọc nhằn, tận tâm, tận lực công phu mới tìm lại được nó, mới bắt được nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn thấy như xa lạ, nó vẫn còn mê theo tánh hoang của nó, thích theo những tập khí cũ của nó. Nó chưa chịu phục mà cứ muốn chạy đi tiếp để sống đời lang thang. Đã bắt được nó rồi nhưng vẫn chưa trừ được cái tánh hoang của nó.
Do đó mà, “một sợi dây thừng xỏ buộc chặt, chẳng cho tung chạy hướng ra ngoài”: Phải nắm chặt dây thừng, xỏ mũi chặt nó rồi trông chừng nó. Nó vừa liếc mắt ra ngoài là phải giật mạnh lại không cho nó chạy tự do, không để nó chạy theo duyên.
Đây là thời gian điều phục trâu để chuyển hóa những tập khí sanh tử nhiều đời của nó, để đưa tâm về nhà. Lâu nay tâm đi hoang vào trong sáu trần, quên mất gốc. Giờ bắt được nó rồi nhưng còn phải điều phục để đưa nó trở về nhà. Trong nhà thiền thường gọi là công phu bảo nhậm. Tức là nuôi dưỡng, huấn luyện nó, chớ không phải được là xong thoải mái ngồi chơi. Đó là bức tranh thứ tư.
***
Các bài mới
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Năm CHĂN TRÂU - 13/12/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Ba THẤY TRÂU - 29/11/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Hai - THẤY DẤU - 21/11/2018
- Mươi bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Nhất TÌM TRÂU - 18/11/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Dẫn nhâp - 18/11/2018
Các bài đã đăng
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 9 ) - 21/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 8 ) - 18/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 7) - 14/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 6) - 09/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 5 ) - 31/10/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05766
- Online: 26