Năm tầng biết vọng

23/09/2011 | Lượt xem: 4604

 

TT Thích Thông Phương
1. BIẾT VỌNG: MINH TÂM
            Bầu trời xanh ngắt không một vết mây,
            Cõi đất lặng yên không một tiếng động,
            Biển cả thanh bình không một lượn sóng,
            Chợt, một lằn chớp xẹt qua.
            A ! Đây rồi ! Đầu mối năm xưa đà nắm được !
TT Thích Thông Phương
1. BIẾT VỌNG: MINH TÂM

            Bầu trời xanh ngắt không một vết mây,
            Cõi đất lặng yên không một tiếng động,
            Biển cả thanh bình không một lượn sóng,
            Chợt, một lằn chớp xẹt qua.

            A ! Đây rồi ! Đầu mối năm xưa đà nắm được !

 

             - Thế nào là BIẾT VỌNG ?
            - Xưa nay vốn không tịch, một niệm vừa khởi lên liền biết là mộng huyễn.

***

            Thiền Giả sáng mắt ma Phật đều đánh, ngay một niệm thấy thẳng tự thể vô sanh, khắp cả mười phương thế giới thảy đều huyễn hóa. Không có chừng một điểm mây có thể dừng trụ. Tức mê cũng niệm nầy, Ngộ cũng niệm nầy, xưa nay chưa từng cách biệt. Gọi là vừa mới phát tâm liền vào địa vị Phật, khoảng giữa không một niệm thứ hai. Nếu chưa được vậy thì hãy nghe đây:

            KINH KIM CANG NÓI: - Trong mười phương quốc độ, bao nhiêu chúng sanh có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều biết hết. Vì cớ sao ? Như Lai nói các tâm đều không phải tâm, ấy gọi là tâm. Sở dĩ ra sao ? Nầy Tu bồ Đề ! Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.

            Quả thật có gì lạ đâu ! Chúng sanh dù có bao nhiêu thứ tâm đi nữa cũng biết rõ ràng chỉ đồng một tâm: “Tâm hư vọng”   Đều không thể qua mắt Như Lai, nào có gì che ngại ?

            Ngài Lâm Tế nói có vẻ thiền vị hơn:

              Giả sử có trăm ngàn Văn Thù, Phổ Hiền xuất hiện ngay trước mặt, mỗi vị hiện mỗi thân đến hỏi pháp, vừa nói: Thưa Hòa Thượng ! Ta liền hiểu rồi. Lão tăng vừa ngồi yên, lúc ấy có huynh đệ nào đến trình kiến giải, ta đều rõ cả. Tại sao thế ? Tại vì chổ thấy của ta rất khác biệt. “NGOÀI KHÔNG GIỮ PHÀM THÁNH, TRONG CHẲNG TRỤ CĂN BẢN”, thấy suốt không có chút nghi lầm.

            Nghe kỹ câu: “. “ngoài không giữ phàm thánh, trong chẳng trụ căn bản”, được vậy thì: “thấy suốt không có chút nghi lầm”.
            Cho nên, hễ có niệm là có chỗ bị thấy, mà có chỗ bị thấy, đâu kham hứa khả!

            Tổ SƯ TỬ sau khi truyền pháp cho Bà Xá Tư Đa thì Đạt ma Đạt bèn ôm ấp khối phiền, cứ trách Tổ sao không chọn mình làm pháp tự.
            Ngày nọ Đạt ma Đạt nhơn dịp đi đến bên rạch, bỗng gặp một người con gái đang đứng dưới mé sông giặt đồ, vén ống quần bày trần hai bắp vế.
            Đạt ma Đạt mục kích thì động mà khen thầm: “Hai bắp vế thật là trắng đẹp biết bao !”
            Ngờ đâu Tổ SƯ TỬ đi đến, thấy vậy bèn nói rằng: “Tâm niệm của ngươi như thế thì nghĩ coi có đáng làm pháp tự hay không ?”

            Tâm tướng vừa hiện,
            Liền có ta người.
            Cho nên thường nói,
            Quỉ thần xem thấy.
            Hạ thủ công phu cần yếu là ngay một niệm liền trở về, chớ theo tình mà khởi vọng, càng khởi càng xa.

            KINH LĂNG NGHIÊM nói: - Thanh tịnh bản nhiên thoạt sanh sơn hà đại địa.

            Đối trước muôn vật mà tâm chưa khởi phân biệt thì cây vẫn là cây, núi vẫn là núi, đâu đâu cũng là một thể nhất như. Nhưng vừa chợt khởi niệm đây là cây, kia là núi thì liền đó cao thấp đã sanh, tâm cảnh rối bời, lớp lớp phủ che.
            Thạch Sương một hôm ở trong liêu sàng gạo, Qui Sơn đến bảo:
            - Vật của thí chủ chớ ném bỏ.
           Sư thưa:
            - Chẳng dám ném bỏ.
            Qui sơn lượm trên đất một hạt gạo đưa lên bảo:
            - Ngươi nói chẳng ném bỏ, cái này từ đâu đến ?
            Sư lặng câm. Qui sơn bảo:
            - Chớ khinh một hạt này, trăm ngàn hạt từ một hạt này sanh.
            Sư thưa:
            - Trăm ngàn hạt từ một hạt này sanh, chưa biết hạt nầy từ đâu sanh ?
            Qui Sơn cười hả ! hả ! trở về phương trượng. Đến chiều Qui sơn thượng đường bảo:
            - Đại chúng, Trong gạo có sâu.

            Chú ý, ngay khi Qui Sơn cầm hạt gạo đưa lên ! lại suy tìm cái gì ?
            Qui sơn đưa hạt gạo,
            Thạch Sương ngơ ngác người.
            Một chút điểm đen ấy,
            Che lấp biết bao đời !
            Thấy thì thẳng đó liền thấy, chần chừ tức nghìn trùng xa cách. Đâu biết, nếu ngay một niệm liền quên chỗ nương, thì xưa nay hiện tiền chưa từng gián đoạn.
              Ôi ! mỗi mỗi dùng hàng ngày mà chẳng tự hay, ,hiện tiền mà tự xa cách ! khuyên anh chớ bắt chước theo nhóm người đóng hư không, dù trải qua vô lượng kiếp vẫn vô ích.

           
Bảo Thọ hỏi Hồ Đinh Giao:
            - Đã lâu nghe danh Hồ đinh Giao, có phải đây chăng ?
            Giao thưa:
            -  Phải.
            Thọ hỏi:
            - Lại đóng được hư không chăng ?
            Giao thưa:
            -  Mời thầy đập phá.
            Thọ liền đánh. Giao chẳng nhận. Thọ bảo:
            -  Ngày khác sẽ có ông thầy lanh mồm vì ông điểm phá.
            Giao gặp Triệu Châu thuật lại câu hỏi trước, Châu hỏi:
            -  Ông vì sao bị Bảo Thọ đánh ?
            Giao thưa:
            - Chẳng biết lỗi tại chỗ nào ?
            Châu bảo:
            - Chỉ một đường tơ này còn chẳng thể được, lại bảo đập phá hư không ?
            Giao liền thôi. Châu nói thế:
            - Hãy đóng một đường tơ này.           


Hư không đóng được,
Còn cách xa vời.

             Lỗi tại chỗ nào ?
             Tự tri hơn hết !


   ***

 

            CHỈ QUYẾT BIẾT VỌNG:

            “ Bậc đại trượng phu Biết Vọng thế nào ?”

              Tức là “Một vọng, tất cả đều vọng”. Ngay đầu niệm khởi. một đao đứt lìa, có không mất dấu. Hành giả nơi tầng 1 nhìn tất cả các pháp đều là VỌNG,  trong tâm tất cả đều không chấp thủ, dù niệm thế gian hay xuất thế gian. Đã có niệm tức đồng là VỌNG. Chữ “VỌNG” ở đây không có nghĩa là không ngơ, không có gì hết, mà nói là Vọng là đả phá mọi ý niệm cố định, mọi chấp thủ, vì: TẤT CẢ PHÁP ĐỀU KHÔNG CỐ ĐỊNH, nào có chỗ để niệm, triệt để phá sạch cái ngã kiến hay ý niệm về cái TA và CỦA TA. Ngay đó, mười phương vắng bặt, cõi cõi lặng yên, vô lượng kiếp dường trong chớp mắt, vô biên thế giới như tại chổ ngồi. -Mới hay Mê Ngộ đồng đường, Thánh phàm không khác. Sanh tử chóng dứt, bóng tối vô minh từ vô thỉ phút chốc tiêu tan, vui mừng tỉnh dậy giấc mơ muôn thuở !

            Đại sự đã sáng ! - Song tùy công phu của mỗi người mà cái “giây phút tỉnh táo” nầy dài hay ngắn, thời gian không nhất định. Có kẻ một lần nhận ra liền sống trọn vẹn, đây là bậc ít có trong đời. Nếu chẳng được vậy, hành giả lại phải tiếp tục.

*       *      *

2. BIẾT BIẾT VỌNG : TÂM MINH

            Trời đất sáng trưng, mơ màng trước mắt bóng người năm xưa. - Kìa quê nhà đẹp lắm ! Bên cạnh là vườn hoa muôn sắc với tiếng nhạc du dương. Nọ, hương thơm ngào ngạt với trăm mùi ngon ngọt. Không khí êm đềm tưởng chừng muôn thuở. Ta đang ngủ chăng ? Chợt chiếc gối trên đầu rơi xuống đất. A ! Ta đang ngủ!

            - Thế nào là BIẾT BIẾT VỌNG ?
            - Biết vọng tức lìa Vọng, vọng quên tâm hiện.

***

            Thiền giả luôn luôn phản chiếu trở lại chính mình, mỗi mỗi qui về nguồn tâm, không dừng ở chỗ thấy nghe hiểu biết.
            KINH LĂNG NGHIÊM thường nói:
            “Khi thấy cái hay soi thấy thì cái hay thấy chẳng phải là cái soi thấy, cái hay thấy còn lìa cái soi thấy, cái soi thấy không thể theo kịp (kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập).
            Còn có “thấy”, tức còn có “bị thấy”, là còn hai chưa thể tự dừng - thật hết sức tế nhị. Thiền giả không thể nhìn cạn cợt mà vội thông qua điểm nầy.

            Bài kệ của Ngài Động Sơn qua cầu làm sáng tỏ thêm:

            Rất kỵ tìm nơi khác,
            Xa xôi bỏ lảng ta.
            Ta nay riêng tự đến,
            Chỗ chỗ đều gặp va.
            Va nay chính là ta,
            Ta nay chẳng phải va.
            Phải nên như thế hội,
            Mới mong hợp như như.

(Thiết kỵ tùng tha mích
Điều điều dữ ngã sơ
Ngã kim độc tự vãng
Xứ xứ đắc phùng cừ
Cừ kim chánh thị ngã
Ngã kim bất thị cừ
Ưng tu nhậm ma hội
Phương đắc khế như như.)

Tuy vậy vẫn chưa khỏi mặt trăng thứ hai.


            Ngẩng đầu trông thấy trăng,
            Tuy nhiên chưa phải thật.
            Xoay về trăng không bóng,
            Muôn đời một ánh trăng.

            Mặc dầu tướng sanh diệt dẫy đầy cả thế gian, sóng tâm thức lên xuống không ngừng mà thể chân thật chưa từng thiếu sót mảy may. Cho đến vọng tâm có thể diệt mà thể nầy vẫn không hai.

            KINH LĂNG GIÀ nói:
            - Chỉ tâm tướng diệt mà tâm thể chẳng diệt, tương tục diệt mà thể tương tục chẳng diệt.
            Lại nói: Tướng chẳng hoại có tám.
            Là chỉ ngay trong tâm thức sinh diệt đã ngầm cái bất sanh bất diệt chớ không đâu xa ! Chỗ nầy phải tinh tế lắm, nếu không, thì không khỏi bị ngôn ngữ chuyển chạy mãi không có ngày dừng !

            Có vị tăng hỏi Đại Tùy:
            - Kiếp hỏa cháy rực, đại thiên đều hoại, chưa biết cái nầy hoại, chẳng hoại ?
            Đại Tùy đáp:
            - Hoại.
            Tăng hỏi:
            - Thế thì theo kia đi.
            Đại Tùy đáp:
            - Theo kia đi.
            Vị tăng mang nghi vấn thẳng đến núi Đầu Tử ở Thơ Châu, Đầu Tử hỏi:
            - Vừa rời chỗ nào ?
            Tăng thưa:
            - Núi Đại Tùy ở Tây Thục.
            Đầu Tử hỏi:
            - Đại Tùy có ngôn cú gì ?
            Tăng liền nhắc lại lời hỏi trước. Đầu Tử thắp hương lễ bái nói: Tây Thục có Cổ Phật ra đời, ông nên trở lạu mau. - Vị Tăng trở về đến Đại Tùy, thì Đại Tùy đã tịch.
            
Sao lại quá nhọc nhằn như thế ! Há chẳng nghe nói, chuyển vật thì sống, theo vật thì chết, xưa nay rành rẽ rõ ràng đâu từng che giấu ?

            Hoại cùng chẳng hoại,
            Lời nói hai đầu.
            Một niệm về nguồn,
            Tự tâm sáng tỏ.

            Và đây: Luận A Đà Na Thức nói:

            - Thức nầy rất rộng sâu và tế nhị, sanh diệt tương tục không gián đoạn nên in như “chơn” - Giác ngộ tuy đồng Phật - vì nó sanh diệt nên chẳng phải “chơn” - Nhiều đời tập khí sâu - khéo ! khéo !

            Lại trong phần chú giải Kinh Lăng Già có đoạn:
            - Tánh Như Lai tàng là chỉ cho thể thường trụ bất biến. Thể không có chơn vọng mà có mê ngộ. Mê thì tâm phân biệt sanh mà chẳng phải là chơn trí. Tâm phân biệt diệt mà chẳng phải là chơn tịch. Mê trí cho là sanh, mê tịch cho là diệt, thảy đều do phân biệt nên vô thường. Nếu giác thì phân biệt liền dứt, thấy xưa không sanh thì nay cũng không diệt. Chỗ không sanh diệt bản tánh thường trụ. Vì trừ cái phân biệt nên nói là vô ngã mà chẳng phải là không có cái ngã Như Lai tàng thường trụ bất biến. Vì dẹp vô ngã nên nói chơn ngã, mà chẳng đồng với cái ngã phân biệt của ngũ uẩn.

            Chỗ này sở dĩ Phật pháp khác với tà pháp. Cho nên thường nói, đồng đường  mà khác lối.
            Quán kỹ ! Quán kỹ !
         


Hòa thượng Phật Nhãn có hai câu thơ:

            Chỉ có người biết Xuân
            Muôn kiếp một mùa Xuân.

            Ai là “người biết Xuân” ? thế nào là “Muôn kiếp một mùa Xuân” hay là “Mùa Xuân bất diệt” ? tự xoay lại liền thấy, tìm kiếm tức xa.

            HÒA THƯỢNG THOẠI NHAM sẽ nhắc nhở thêm:

            Hòa thượng Thoại Nham Ngạn hằng ngày tự kêu:
            - Ông chủ !
            Tự đáp: - Dạ !
            Lại nói:
            - Tỉnh táo nhé !
            - Dạ !
            - Mai kia mốt nọ đừng để người gạt nhé !
            - Dạ ! Dạ !

            Ai biết chăng ?
            Tự gọi tự đáp,
            Bôi mày vẽ mặt.
            Bao đời tử sanh,
            Nhắc anh kẻ ấy !


***

            CHỈ QUYẾT: BIẾT BIẾT VỌNG:

            “Đại sự một phen đã sáng lại sáng mãi không cùng, niệm niệm nối nhau, tùy duyên bảo nhậm, nghiệp cũ hằng tiêu, “thường tri” chẳng dứt. Trong cảnh trần ai sai biệt mà “chơn chơn” rõ ràng. Trong cuộc vô thường biến chuyển mà “bất sanh, bất diệt” rạng ngời. Chơn vọng biện rành, thức trí chẳngmê. Dù có trăm ngàn tạp niệm dấy khởi mà cũng không tạm rời trong giây lát. Trâu trắng sờ sờ, quê nhà trước mắt, thẳng đó vô sanh, chuyển tất cả vọng tình thầm hợp như như. Ngay đây, ai biết vọng ? ai lìa vọng ?

*       *      *


3. BIẾT CHẲNG BIẾT : VÔ TÂM

            Này đây, núi sâu hang vắng không một dấu vết chân người. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, khói hương lạnh ngắt. Xuân nhìn hoa nở, thu thấy lá rơi, quên hẳn cả thời gian. Tiếng nói trần gian ngàn năm khó đến. Ôi ! Cao cả nào ! Ngàn chim ngậm hoa cúng dường. Thẹn ơi là thẹn !

***

            - Thế nào là BIẾT CHẲNG BIẾT ?
            - Vọng cùng Biết vọng đều quên, một thể lặng lẽ.
            Thiền giả quên mình mà ngây ngất trong cảnh thiền định. Dòng đời lặng lẽ trôi qua dường như chẳng dính dáng gì đến tâm thiền giả. Thử hỏi đến đây được gì mà an ổn như thế ?

            KINH BÁT NHÃ nói:
            - Tu Bồ Đề ngồi yên trong núi nhập không tam muội. Chư Thiên rải hoa tán thán. Tôn giả hỏi:
            - Ai rải hoa đó ?
            Đáp: - Tôi là trời Đế Thích.
            Tôn Giả hỏi : - Ông vì sao tán thán ?
            Đáp: - Tôi kính trọng Tôn Giả vì Ngài nói Kinh Bát Nhã hay quá !
            Tôn Giả bảo:
            - Ta ở nơi Bát Nhã chưa từng nói một chữ, vậy ông tán thán cái gì ?
            Trời Đế Thích thưa:
            - Tôn Giả không nói, tôi cũng không nghe, không nói không nghe là chơn Bát Nhã. Lại rải hoa khắp đất.

            Ai là bậc thiền giả thử mở miệng đáp xem chư thiên tán thán cái gì ? là tán thán Bát Nhã chăng ? Chẳng  phải, chẳng phải. Nếu như thế đợi đến khi Ngài Tu Bồ Đề xuất định sẽ bảo với ông rằng : “Chưa hiện tiền !”

            Không sanh trong núi,
            Mơ màng chẳng hiểu.
            Động đất hoa trời,

Núi xanh trước mắt.

Nếu chưa thấu qua ý kinh, đâu hiểu được chỗ này !

Bài Tâm Kinh Bát Nhã há chẳng nói:

- Không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ý; không sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến không có ý thức giới; không vô minh cũng không vô minh hết; không lão tử cũng không lão tử hết; không khổ, tập, diệt đạo; không trí cũng không đắc.

Thiền giả nhằm chỗ nào mà hiểu ? Tuy nhiên nếu một bề chẳng hiểu đâu gọi là Bát Nhã ?

HÒA THƯỢNG HUYỀN SA dạy chúng:

- Những bậc lão túc ở các nơi trọn nói tiếp vật lợi sanh, chợt gặp người ba thứ bệnh đến làm sao mà tiếp ? Người bệnh mù thì đưa chùy dựng phất họ lại chẳng thấy. Người điếc thì ngôn ngữ tam muội họ lại chẳng nghe. Người bệnh câm dạy y nói thì chẳng nói được. Phải làm sao mà tiếp ? Nếu tiếp người nầy chẳng được thì Phật pháp không linh nghiệm. - Tăng đến hỏi vân Môn. Vân  Môn bảo:
- Ông lễ bái đi.
Tăng lễ bái xong đứng dậy. Vân Môn lấy cây gậy chận, tăng thối lui. Vân Môn nói:
- Ông không phải bệnh mù, lại bảo:
- Đến gần đây.
Tăng đến gần - Vân Môn nói:
- Ông không phải bệnh điếc. - Vân Môn hỏi:
- Hội chăng ?
Tăng thưa: - Chẳng hội. - Vân Môn nói:
- Ông không phải bệnh câm.
Tăng khi ấy có tỉnh.

Trong đây ai mù, điếc, câm ? Chớ hiểu theo thường tình là chẳng thấy gì hết, chẳng nghe được gì hết, chẳng nói được gì hết; hiểu như vậy thì đi hỏi đạo nơi cây đá còn hơn ! đâu biết, Huyền Sa vì người lăng xăng, một lúc phá sạch, lại vì các bậc Thiền tăng trong thiên hạ điểm môt con mắt. Giờ mỗi người hãy tự kiểm điểm lại coi, mình có mù, điếc, câm hay không?

Có mắt chẳng thấy,
Có tai chẳng nghe.
Có miệng im lìm,
Huyền Sa sửng sờ !

Có kẻ bảo vô tâm liền khế hợp, nhưng cỏ mọc đầy đường, tiếng vang khắp nẽo, tìm đâu ra cái chỗ vô tâm ?


Hòa thượng THẠCH SƯƠNG lúc còn làm tăng được hai tuổi hạ, sư bèn ẩn trong dân gian vào xóm thợ gốm vùng Lưu Dương Trường Sa, sáng sớm dạo đi, đến chiều trở về, mọi người không biết được Sư. Nhơn một vị tăng từ Động Sơn đến, Sư hỏi:

- Hòa Thượng có lời gì dạy chúng ?

Tăng đáp:

- Hôm giải hạ Hòa Thượng thượng đường dạy: Đầu thu cuối hạ, huynh đệ hoặc đi đông đi tây, đi nên đi thẳng đến chỗ muôn dặm không một tấc cỏ đi làm gì ?

Sư nói:

- Có người đáp được chăng ?

Tăng nói: - Không.

Sư bảo:

- Sao chẳng nói: “Ra khỏi cửa liền là cỏ”

Vô tâm tức ngay đó liền vô. Quả thật trâu Ngài đã thuần rồi, mới nói được câu ấy. Nếu chưa được vậy, chớ bảo: - Gọi cái gì là cửa ?

Thấy sắc như mù,
Nghe tiếng như điếc.
Cỏ mọc đầy đường,
Chẳng phải, chẳng phải.

Nhằm ông mà bảo rằng: Nhà không cửa nẻo, chỗ nào ra vào ? Thẳng đó liền thôi, sanh tức vô sanh, chẳng đợi duyên hết, chẳng kềm giữ niệm, sáu căn đối cảnh chẳng khởi yêu ghét, không niệm lấy bỏ. Đến đây đừng hỏi chứng đắc, vừa thấy chứng đắc lại thành cảnh giới khác.


Có vị tăng hỏi Hòa Thượng Thạch Sương:
- Hòa Thượng ở đây lâu nay có cảnh giới gì ?
Thạch Sương đáp:
- Bé gái chừa hai chỏm, đầu bạc như tơ.

Thức tình thôi vương vấn,
Xưa nay bặt đổi dời.
Một niệm ngàn muôn năm,
Tìm đâu là cảnh giới ?

Có thể nói, dù cho núi xanh hóa vàng mà vẫn chưa từng có niệm khác. Tuy nhiên đến chỗ nầy, nếu cứ một bề giữ im phăng phắc, lặng trang như chết thì chưa khỏi Như lai quở trách, có lợi ích cho ai ?

KINH PHÁP HOA nói:

- Phật Đại Thông Trí Thắng mười kiếp ngồi đạo tràng mà Phật pháp chẳng hiện tiền.

Phật đạo sắp thành,
Mười kiếp quán cây.
Một niệm không sanh,
Gió lành phưởng phất.

Cho nên nhà Thiền thường nói, nước chết chẳng chứa được rồng. Tuy được chỗ an ổn mà chưa thấm nhuần trí Phật cùng khắp.  Nếu quả thật cõi lòng bình an thì có chỗ nào lại chướng ngại ? Ôm một cái lặng lẽ như thế mãi, kham làm việc gì?

Một Thiền giả muốn có một chỗ tĩnh mịch và một am cốc để hành thiền, người ngõ ý muốn ấy với một vài kẻ quen biết. May thay, có một bà lão sẵn lòng cất lên một cái am nho nhỏ và ngày ngày cúng dường đầy đủ cho hành giả. Vị tăng này nay đã có một chỗ an thân, bèn tham thiền nhập định suốt ba năm trời.

Ngày kia, bà lão bảo cô gái thật đẹp của bà bất ngờ vào am ôm lấy thiền tăng, để ý đến lời nói và cử chỉ của ông ta. Sau khi thực hiện điều căn dặn của mẹ, cô gái liền ra khỏi am, thuật lại với mẹ rằng: “Con vừa ôm choàng lấy ông ta, ông ta xô con ra và bảo: Một cây khô tựa trên gộp đá lạnh, ba tháng mùa đông không chút hơi ấm, (Khô mộc ỷ hàn nham, tam đông vô noãn khí)

Lão bà liền than rằng: “Uổng thay cho công ta lâu nay cúng dường phục dich một kẻ phàm tăng” rồi bà liền đuổi vị thiền tăng ấy đi, phóng lửa đốt quách cái am.

Cây khô tựa đá lạnh,
Rồng to tự nhốt mình.
Nhà ông có phương tiện,
Sao để người đốt am ?


CHỈ QUYẾT: BIẾT CHẲNG BIẾT:

“Tình vọng đã hết, trí trừ vọng cũng không, như người buông tay nơi vực thẳm, chẳng màng sinh mạng. Tâm cảnh đều quên, căn trần chẳng hiện, muôn duyên thôi dứt, sanh chẳng sanh, diệt chẳng diệt. Cổ nhơn nói: “Trùm chăn phủ đầu muôn việc thôi, khi này sơn tăng trọn chẳng hội”, bao nhiêu tri kiến tự quên lúc nào ! Trời người đều kính ngưỡng, ma ngoại thì lánh xa. Tuy nhiên, nếu lấy đây mà làm mẫu mực muôn đời thì chưa khỏi bà tử đốt am, giác chưa cùng khắp”.

 

*       *      *


4. CHẲNG BIẾT BIẾT:  DIỆU TÂM

            Núi xanh như cũ, trời đất như xưa. Cỏ hoa vẫn thơm ngát mùa Xuân. Dòng suối trong xanh vẫn trôi lặng lẽ như tự thuở nào ! Lòng anh tràn ngập cả chân trời cao tít. Hình như trong chiếc lá, trong ngọn cỏ, cọng rau cũng đều in bóng anh ta cả. Anh vẫn ngồi đây mà khắp mười phương cõi nước đều có mặt anh chưa từng thiếu sót.

***


            - Thế nào là CHẲNG BIẾT BIẾT ?
            - Từ lặng lẽ khởi muôn ngàn diệu trí, chỗ chỗ đều bày.

***


            Bậc đạt đạo đến đây nhập vào cảnh Phật, thấy khắp mười phương đồng một chơn cảnh giới, bao nhiêu công hạnh một lúc đầy đủ.

KINH PHÁP HOA nói:

            - Lúc bấy giờ đức Phật nhập chánh định Vô - Lượng nghĩa xứ mà nói kinh Vô - Lượng nghĩa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ - Niệm.
            Kinh lại nói: khi ấy Bồ tát từ dưới đất vọt lên Vô - Lượng vô số không thể tính kể.

            Kinh Vô - Lượng - Nghĩa là kinh gì? Bồ tát nơi nào chẳng Pháp Phật?
            Đầy đủ tự tại trí lực, chuyển Ta bà thành Tịnh - độ, nơi nơi hiển bày tánh thật, thường trụ Pháp - thân không gián đoạn.


            Thiền sư DUY - CHÁNH ở viện Tịnh - độ Hàn Châu, có vị tăng đến hỏi:
            - Thầy lấy danh là Thiền - Sư sao không nói thiền?
            Sư đáp:
            - Ngày đêm nhờ vạn tượng diễn bày mà thôi. Ngôn ngữ có gián đoạn mà  pháp này vô tận, nên gọi là Tạo - hóa Vô - tận - tạng.
            Đi đứng nằm ngồi,
            Cỏ cây hoa lá,
            Thường bày hện tiền,
            Nghĩa này Vô - Lượng.

            Của báu đầy khắp, tuỳ duyên thọ dụng đều vô ngại, không cố định chỗ nơi.

            Hòa Thượng NAM - TUYỀN một hôm, nhơn ngày cúng trai Mã - Tổ  liền hỏi trong chúng:
            - Cúng trai Mã - Tổ vậy Mã Tổ có đến chăng?
            Chúng đều không đáp được, khi ấy Động- Sơn Lương - Giới liền bước ra thưa:
            - Đợi có bạn liền đến.

            Mã - Tổ không hình,
            Chớ hỏi đến đi,
            Một niệm tương ưng,
            Nơi nơi đều đủ.
            Thế nên,chớ kẹt nơi không tịch mà quên mất đại dụng hiện tiền, chìm nơi vắng lặng lại bảo toàn không! 

Đâu biết tám mặt linh lung, núi sông đều hiện, chỉ cần mở to mắt nhìn lên tức thì cõi cõi sáng ngời muôn thuở.

            THIỀN LÃO THIỀN - SƯ có hai câu thơ:

            Trúc biếc hoa vàng đâu cảnh khác?
            Mây trắng trăng ngà một tánh  chân!

            (Thúy trúc huỳnh hoa phi ngoại cảnh?
            Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân!)

            Xô ngã Tu - Di, quét cạn biển cả, lấy một làm nhiều, lấy nhiều làm một, diệu dụng không lường, há có ngại gì những lời nói cao siêu?

***


KINH LĂNG - NGHIÊM Phật nói:

            Trên đầu một sợi lông,
            Hiện các cõi Bão Vương.
            Ở trong một hạt bụi,
            Chuyển bánh xe Chánh - Pháp,

            Ai biết được kẻ nầy? Và ai là kẻ ấy?

            THIỀN SƯ PHỔ  CHIẾU nói:

            - Thế nên Đạo - Ngô múa hốt, Thạch - Củng trương cung, Bí - Ma đập nạn, Câu Chi giơ ngón tay, Hàn Châu đánh đất, Vân - Nham sư - tử. Đấy là phát minh ra những đại dụng lớn vậy. Nếu việc hằng ngày chẳng mê thì tự nhiên tung hoành tự tại.
            Cho nên biết, trong chỗ lặng lẽ mà ứng hiện ra không lường diệu nghĩa, trong chỗ không thể nói bàn mà lời lời tuôn ra chẳng dứt, có cảm liền ứng chẳng từ phương tiện.

            Đâu chẳng nghe KINH HOA - NGHIÊM nói:

            - Ta với Phật tính thường vắng lặng,
            Đạo cảm giao thật khó nghĩ bàn.
            Lưới Đế châu giăng bủa Đạo - tràng,
            Mười phương chư Phật hiện nơi ta,
            Thân ta hiện trước mười phương Phật.

***

            (Năng lễ sở lễ tánh không tịnh,
            Cảm ứng đạo giao nan tư nghì,
            Ngã thử Đạo - tràng như Đế - châu,
            Thập phương chư Phật ảnh hiện trung,
            Ngã thân ảnh hiện chư Phật tiền,)

***

           
Rồi chúng ta mới cảm thông với Thiền - Sư Viên - Chiếu qua bài kệ:

            - Theo gió tiếng còi luồn bụi trúc,
            Kèm trăng trái núi quá đầu tường,
            Hoa núi mưa sa Thần Nữ khóc,
            Tre sân gió thổi Ba - Nha đờn.

            (Giốc hưởng tùy phong xuyên trúc đáo,
            Sơn nham đáo nguyệt quá tường lai,
            Vũ trích nham hoa Thần nữ lệ,
            Phong xao đình trúc Bá - Nha cầm)

            Tình với vô tình đồng thành chủng trí.

            Đến đây lá rụng về cuội, nước chảy về nguồn, mở miệng hả hơi đều nhằm ý tổ.

            Cho nên Ngài - Huyền - Giác nói:
            - Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
            Nói, nín, động, tịnh thể an nhiên,
            Và Triệu - Châu đến hỏi Hòa - Thượng Nam Tuyền:
            - Thế nào là đạo?
            Nam - Tuyền đáp: - Tâm bình thường là đạo.
            Triệu châu hỏi tiếp:
            - Lại nhằm tiến đến chăng?
            Nam - Tuyền đáp:
            - Nghĩ nhằm tiến đến là trái.
            Triệu - Châu  thưa:
            - Nếu không tiến đến làm sao biết là đạo?
            Nam - Tuyền bảo:
            Đạo chẳng thuộc biết, chẳng biết; biết là vọng giác, chẳng biết thuộc vô - ký, nếu thật đạt đạo thì chẳng nghi, như hư không rỗng rang thênh thang đâu thể gắng nói phải quấy.

            Thiền - giả đến đây mới thật là tâm bình thường, mới có thể nói khởi tu là trái. Nếu chưa được vậy mà mượn lời Tổ để che đậy lỗi mình, mặc tình buông lung tâm ý là tự chìm sâu trong cõi khổ!

            Đói ăn, khát uống,
            Mặc áo, ăn cơm.
            Rõ ràng hiện tiền,
            Nói không thể đến.

 

CHỈ QUYẾT: CHẲNG BIẾT BIẾT

            “Đầu sào trăm trượng thêm một bước, mười phương thế giới hiện toàn thân. Chẳng rời khỏi đạo tràng bất động mà phân thân giáo hóa khắp mười phương. Một môn tổng trì đầy đủ hằng sa diệu hạnh, vô lượng công đức. Tất cả sắc là sắc Phật,  tất cả tiếng  là tiếng Phật, khắp cõi trang nghiêm, vật vật toàn chơn, Hữu tình vô tình đồng thành Phật đạo. Đến đây có thể nói mũi thở hơi Phật, miệng nói lời Phật, thân làm việc Phật. Tuy nhiên lại còn có đường!

*       *      *


5. CHẲNG BIẾT CHẲNG BIẾT: ẤN - TÂM

            Cửa lều anh đã đóng, người có cặp mắt tinh suốt đến thế mấy cũng không tìm thấy dấu chân anh đâu cả. Đôi khi người ta mơ màng chợt thấy anh ở trong quán rượu  hay giữa chợ đời, nhưng vừa chớp mắt nhìn lại thì trước mặt chỉ còn là dãy núi xanh ngắt với chòm mây trắng bạc. Anh đã tự có lối đi rồi!

***


- Thế nào là Chẳng Biết Chẳng Biết?
- Bặt hết dấu vết.

***

            Bậc này quả thật khó lường tung tích, gọi là vào rừng không động lá, vào nước không quậy sóng, đi qua không để lại dấu vết.

KINH HOA - NGHIÊM  thường nói:

            - Tỳ kheo Đức - Vân ở trên ngọn Diệu Phong. Thiện - Tài đến tham vấn tìm kiếm suốt bảy ngày mà không gặp - một hôm ở nơi ngọn Biệt Phong mà thấy được. Lại nói, Tỳ Kheo Đức - Vân từ lâu chẳng xuống núi.

            Tại sao đã lên ngọn Diệu Phong lại không thấy Đức - Vân? Đức - Vân từ lân chẳng xuống núi, vì sao ở ngọn núi khác lại thấy? Chủ không hai chủ, khách không hai khách.

             Rõ ràng thường ở tại,
           Người người đều chẳng thấy.
           Đảnh cao không hai kẻ,
           Đến nhà chớ hỏi đường!

            Thấu được chỗ này mới rõ Pháp - môn Bất nhị, nếu còn chưa phủi sạch dấu vết tâm phân biệt, đừng mong vượt qua lối nầy!


            Bà Ni LƯU - THIẾT - MA đến phỏng vấn QUI - SƠN

            QUI SƠN vừa thấy đến liền bảo:
- Con trâu cái già, người mới đến.
            Lưu Thiết Ma thưa:
            Ngày mai ở Đài - Sơn có thiết trai, Hoà - Thượng có đi dự chăng?
            Qui - Sơn buông thân nằm xuống
            Lưu - Thiết - Ma liền đi ra.

            Đã đến thì tự biết đường đi, không đạp dấu chân nhau, mỗi mỗi riêng có phần chẳng ai xâm phạm ai.

            Qui - Sơn ngồi đỉnh núi,
            Thiết - Ma đáy biển đi,
            Mỗi Mỗi riêng có đường,
            Trời người khó biết y.

            Mỗi pháp ở yên nơi bản vị của nó, không xen vào một niệm gì cả. Núi là núi, sông là sông, đâu còn thấy lỗi phải, đâu chia pháp thân, báo thân hoặc đây là tâm, kia là cảnh?


            KINH PHÁP - HOA nói:

            Pháp ấy trụ ngôi pháp,
            Tướng thế - gian thường còn.
            (Thị pháp trụ pháp vị,
            Thế gian tướng thường trụ)

            Lại nói; Tháp Phật Đa - Bảo trở lại bổn xứ.

            Cái gì là “Pháp ấy” ? - Có phải chúng ta sống hằng ngày mà chưa từng hay biết? Và ai là người hiểu được pháp ấy?

            NAM - TUYỀN, QUI -TÔNG, MA - CỐC cùng đi tham vấn Quốc - Sư Huệ - Trung. Giữa đường Nam Tuyền vẽ một vòng tròn bảo:

            - Nói được thì đi.
            Qui - Tông vào ngay giữa vòng tròn ngồi, Ma - Cốc giả làm người nữ lạy.
            Nam - Tuyền nói: - Thế ấy thì chẳng đi.
            Qui - Tông nói:
            - Là Tâm hạnh gì?
          
  Nam - Tuyền vào trong ấy,

            Qui - Tông bặt chỗ ngồi.
            Ma - Cốc thầm riêng lễ,
            Vòng tròn không ba dấu,
            Quả thật khó tìm dấu vết, bặt chỗ chiếu soi, dứt chỗ tâm hành, phân biệt chẳng được, so sánh không đường.

            KINH VIÊN - GIÁC nói:

            - Ở tất cả thời chẳng khởi vọng niệm, ở các vọng tâm cũng chẳng tắt diệt. Trụ cảnh vọng tưởng chẳng thêm rõ biết, ở không rõ biết chẳng phân biệt chơn thực.

            Tâm vốn thường tịch,
            Tịch mà thường chiếu,
            Tịch chiếu đều quên,
            Ba - Tuần mất lối.

            Nếu còn chỗ thấy được, tức chưa khỏi bị người kiểm điểm. Sở dĩ nói, phàm thánh đều quên, tâm yên dứt sạch, trời không thể che, đất không thể chở.

            Tổ QUI - SƠN có lần thượng đường bảo chúng:

            - Sau khi lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái đề năm chữ:”Qui - Sơn Tăng Linh - Hựu” - Khi ấy gọi Qui - Sơn Tăng là phải? Gọi con trâu là phải? Gọi thế nào mới đúng?

            Cười ngất Qui -Sơn,

            Con trâu dưới núi,

            Mây bay giữa trời,

            Núi cao nằm ngủ.

            Cứu cánh năng sở đều bặt, tìm khắp mười phương chẳng thấy một bóng dáng của tâm đâu cả. Luận bàn chẳng đến, quán tưởng chẳng thành, định mà chẳng dừng, động mà chẳng chuyển, mười phương hư không không thể chứa, trăm ngàn mặt trời mặt trăng soi chẳng đến. Ôi! Ai biết được kẻ ấy?

            KINH NIẾT - BÀN nói:

            Thế - Tôn sắp vào Niết Bàn ngài liền nhập từ sơ thiền đến tứ thiền hữu sắc, tứ thiền vô sắc, vào diệt tận định, rồi trở ngược lại. Ngài trở tới trở lui nhiều lượt như thế, kế lại nhập siêu việt tam muội, cũng trở tới trở lui như thế, rốt sau Ngài vào niết bàn ở khoảng giữa tứ thiền hữu sắc và tứ thiền vô sắc.

            Ai biết chỗ đi của ngài? - Ngay đây liền dứt bặt, chớ vội có suy lường.
            Để sáng tỏ thêm, chúng ta hãy nghe kỹ câu chuyện Ngài Huệ - Trung với thầy Đại Nhĩ Tam Tạng:


            - Đời Đường Túc Tông có thầy Đại Nhĩ Tam Tạng từ Thiên Trúc sang Trung Hoa, đến Kinh - Đô, tự nói đã được Huệ - Nhãn và Tha - Tâm thông. Vua muốn trắc nghiệm nên mời ra mắt Quốc Sư Huệ - Trung. Tam Tạng đến vừa thấy Sư liền lễ bái khoanh tay đứng hầu bên hữu, Sư hỏi:
            - Nghe nói ngươi đã được Tha - Tâm  thông phải không?
            Tam Tạng thưa:
            - Chẳng dám
            - Ngươi hãy nói bây giờ ta ở tại chỗ nào?
            - Bạch, Hòa _ Thượng là thầy một nước sao lại đến Tây - Xuyên xem đò đua?
            - Ngươi hãy nói bây giờ đây ta ở tại chỗ nào?
            - Bạch, Hòa - Thượng là một vị quốc sư sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?
            - Ngươi hãy nói bây giờ đây ta ở tại chỗ nào?
            Tam Tạng sững lững một hồi lâu, không biết chỗ đi của Ngài. Quốc sư bèn nạt lớn:
            - Dã Hồ Tinh! Tha Tâm thông ở tại chỗ nào?
            Sau đó vị tăng đem việc này đến hỏi Ngài Ngưỡng - Sơn:
            - Tại sao mà lần thứ ba thầy Tam Tạng lại chẳng thấy được Ngài Huệ - Trung?
            Ngưỡng Sơn đáp:
            - Hai lần trước là cái tâm của Ngài Huệ Trung còn thiệp cảnh cho nên thấy được, đến lần thứ ba thì tâm của Ngài đã vào bậc chánh định tự thọ dụng rồi cho nên thầy Tam tạng không thể thấy được.

***


            Lại có một vị tăng cũng đem việc này hỏi Ngài Huyền - Sa, thì Huyền - Sa hỏi lại rằng:
            - Ngươi nói hai lần trước Tam Tạng có thấy Quốc - Sư chăng?

            Huệ Trung ở đâu?
            Thôi chớ lăng xăng.
            Đối diện mơ màng,
            Tha tâm chớ hỏi.

            Tâm nếu chẳng duyên thì tướng chẳng hiện, lại còn tìm cái gì? Cho nên, người tu chân chính chớ lấy chút ít kiến - giải cao siêu mà làm chỗ sống, hay vừa nhận được trong hông ngực một cái, hai cái liền vội khoe khoang. Đâu biết, trên ngàn đảnh núi làm sao đặt bước?


            AM CHỦ LIÊN HOA PHONG  thượng đường cầm cây gậy chỉ chúng bảo:

            - Cổ nhân đến trong đây vì sao không chịu trụ? Tự đáp thế: - Vì kia đường xá chẳng đắc lực. Lại nói: Việc cứu - cánh thế nào?

            Tự đáp thế: - Cây gậy tức lật nằm ngang chẳng đoái người, đi thẳng vào ngàn ngọn muôn ngọn.

            Am chủ Liên hoa,
            Cây gậy nằm ngang.
            Ai từng thấy được?
            Núi xa trùng trùng.

***

            
CHỈ QUYẾT: CHẲNG BIẾT CHẲNG BIẾT:

            “Vượt ngoài số lượng, bặt các sở tri: “Thích - Ca tham Di - Lặc” - Người muốn thấu tầng nầy thì hãy tham lấy câu nầy!”

            Đến đây có người sẽ bảo, đã là vọng thì đâu lại nhọc nhằn chia ra một Biết, hai Biết… Và, lý tột cùng một còn chẳng lập, sao phân làm năm, há có phải bỏ gốc theo ngọn, uổng công chia chẻ hư không chăng? Nhưng xét kỹ lại, tuy biết cùng là vọng, song tập khí nhiều đời không thể một lần dứt bặt; cho nên trên sự thực hành cũng phải tiến dần tiến dần, hoặc mau hoặc chậm tuỳ người, chẳng thể một lúc như nhau.

            Đã biết rốt ráo thì không hai, nhưng hỏi ông đã thật rốt ráo hay chưa ? vì vậy mà có năm tầng vạch rõ lối đi cho người chứng nghiệm chỗ đến của mình, để khỏi phải dừng bước giữa đường mà rơi vào lối tẻ !

            Vả lại tuy có năm tầng mà đồng một chữ “Tâm”, nơi một “Tánh biết” mà ứng hiện ra thành năm. Tuy năm mà một, đâu rồu bổn tông ? Nghĩa một gồm năm, đâu thành sai biệt ? - Sở dĩ người thông đạt một lúc chóng quên, sáng trước bặt sau, rốt cùng bặt hết dấu vết, chổ nào cho ông hé môi ?

            Tóm lại với năm tầng Biết Vọng nầy sẽ giúp cho người chuyên tu thấy được lối đi một cách khá rõ ràng không còn ngờ vực. Tuy nhiên chớ kẹt lấy năm tầng mà thành chướng ngại. Phải biết, trong một tầng có đủ năm tầng, có sự có lý, có ngộ có tu. Trên lý thì ngộ thông một đường, nơi sự thì chỗ dùng có khác.

            Nếu người lợi căn thì ngay ở một tầng liền thấu suốt cả năm tầng không trải qua thứ lớp. Hàng căn cơ kém thì một tầng tiến lên một tầng, chẳng rơi vào lối tẻ. Còn kẻ chưa vượt khỏi năm tầng mà vội vỗ ngực khoe khoang thì liền bị điểm trán. - Cho nên người quyết chí nơi tông thừa cần phải cẩn thận chớ khinh thường!

***

BÀI KỆ:  NÊU RÕ TÔNG PHONG

            Ta có một CƠ BIẾT,
            Đời đời truyền chẳng dứt.
            Hỏi ta đây tông gì ?
            Đạt Ma hay Huệ Khả.

***


NĂM TẦNG CHỈ QUYẾT:

- Thứ nhất Biết,
            Xưa nay không tỳ vết.
            Lằn chớp vừa xẹt ngang,
            đất trời rền sấm sét.

- Thứ hai Biết,
            Sáng soi không tỳ vết.
            Chần chừ tâm lại sanh,
            Nhổ ra tên sau ót.

- Thứ ba Biết,
            Tới lui như kẻ chết.
            Soi gương nhìn bóng cũ,
            Nhắc người thôi mến tiếc !

- Thứ tư Biết,
            Mười phương đồng cùng biết.
            Bao nhiêu nét cũ xưa,
            Chạm đến đều linh hết.

- Thứ năm Biết,
            Trời đất dài chẳng hết.
            Hỏi đường dấu chim bay,
            Ngàn dặm xa biền biệt…!

*       *      *

 

 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 84508
  • Online: 19