Nghiệp và nguyện
02/11/2015 | Lượt xem: 4206
ĐĐ.Thích Tâm Hạnh
Hôm nay quý vị phát tâm về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tu tập, đến thời nghe pháp, quý Thầy sẽ nói chuyện để quý vị biết thêm vấn đề tu tập của mình. Khi quý vị phát tâm chuẩn bị lên thiền viện tu tập, người thân hay bạn bè mình có đồng thuận hết không, hay có những người chưa thông cảm? Sẽ có những người không thông cảm, nhưng quý vị đã vượt qua tất cả những chướng ngại đó để đến đây, đó là cả một sự cố gắng của mình.
. Muốn thoát khổ là muốn tu.
Hôm nay quý vị phát tâm về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tu tập, đến thời nghe pháp, quý Thầy sẽ nói chuyện để quý vị biết thêm vấn đề tu tập của mình. Khi quý vị phát tâm chuẩn bị lên thiền viện tu tập, người thân hay bạn bè mình có đồng thuận hết không, hay có những người chưa thông cảm? Sẽ có những người không thông cảm, nhưng quý vị đã vượt qua tất cả những chướng ngại đó để đến đây, đó là cả một sự cố gắng của mình.
Vậy chúng ta đến chùa để làm gì? Để tu. Nhưng người ở nhà nói mắc gì phải tu, cơm ngày ba bữa, ăn uống đầy đủ, có những người rất có điều kiện, vậy tu làm chi nữa? Quý vị phải trả lời thế nào? Có cách nào để cho người thân mình biết ai cũng cần phải tu và ai cũng đang tu không? Quý thầy sẽ gợi ý cho quý vị thấy. Trong cuộc đời này có ai không có một lần buồn, một lần đau khổ, một lần bệnh, một lần thất bại không? Sẽ có ít nhất là một lần làm cho mình buồn. Khi gặp hoàn cảnh khổ đau cùng cực, quý vị có muốn vượt qua không? Có ai bị đau khổ mà không muốn vượt qua không? Có ai ở thế gian chịu khổ mà không muốn vượt qua, muốn xuống dưới địa ngục cho dao nó bằm, vô chảo dầu sôi, có ai thích chịu như vậy không? Nếu có người nào nói tôi thích chịu như vậy thì quý vị nấu chảo dầu sôi cho họ nhảy vào thử là biết liền. Mới biết trên thực tế, hầu hết con người chúng ta không có ai chịu cảnh đau khổ, ai cũng muốn vượt qua cảnh khổ hết. Mà muốn vượt khổ tức là muốn tu rồi. Vì tu là để vượt qua các khổ. Phương pháp tu là con đường chỉ cho chúng ta vượt khỏi mọi khổ đau. Cho nên dù người có tin Phật hay không tin Phật, có đi chùa hay không đi chùa, thì tận trong sâu thẳm, mỗi người đều tiềm ẩn một cái tâm muốn vượt khổ, muốn vượt khổ tức là muốn tu. Cho nên dù chúng ta có ở nhà hay đi chùa, dù có biết Phật hay không biết Phật, dù có tin hay không tin thì trong mỗi một con người đều có một căn nguyên là muốn tu để vượt thoát các khổ nạn.
II. Nghiệp đưa chúng sanh vào sanh tử chịu khổ.
Chắc rằng quý vị đã nghe ông Nguyễn Công Trứ nói:
“Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần nếu vui sao chẳng cười khì.”
Lọt lòng mẹ là đã nghe tiếng khóc rồi. Sinh ra đã khóc tức là chào đời thì biết là khổ rồi. Nói cách khác, chúng ta đi vào sanh tử luân hồi là có khổ đau. Ai bắt chúng ta vào đời chịu khổ vậy, ai bắt buộc? Nghiệp trói buộc, thúc đẩy chúng sanh đi vào trong luân hồi chịu khổ, phải không?
Quý thầy có một ví dụ như thế này. Quý vị là người ở trên một bán đảo nào đó. Hôm nọ có việc đi xa, ở nhà thình lình bị trận sóng thần cuốn đi hết xóm làng, nhà cửa, đồ đạc... bị san bằng hết. Sau đó có nhiều căn nhà được tài trợ, cho mình chọn lấy một căn, quý vị có chọn căn nhà như ý mình thích không? Nếu như có những dãy nhà, dãy phố cho mình lựa chọn, chắc chắn chúng ta sẽ chọn những nhà có đầy đủ tiện nghi theo ý mình thích. Quý vị nào thích điện tử thì vô những nhà có máy móc đầy đủ điện tử, quý vị nào thích xe hơi thì vô nhà có xe hơi, quý vị nào thích âm nhạc thì vô nhà ca sĩ... Ai bắt chúng ta đi vào những chỗ đó? Sở thích. Sở thích từ đâu mà có? Từ thói quen. Một việc làm, hay hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen thì gọi đó là nghiệp.
Khi quý vị mới sinh ra có biết chơi nhạc không? Không. Do tập lâu thành thói quen, nghe nhạc mình phân tích tiếng này là hay, chơi như thế là nghệ thuật, từ đó thói quen đó nó thúc đẩy chúng ta đi tìm mấy nhà âm nhạc để vào đó. Hoặc là có nhiều vị khi mới sinh ra có biết nghề thuốc đâu, học một hồi chữa bệnh thấy hay quá và thành nghề, nếu được cho chọn lựa thì chính cái thói quen, sở thích đó nó dẫn mình đi tìm nhà thầy thuốc để vào trong đó... Như vậy qua một trận sóng thần, chúng ta trở lại xóm làng sẽ chọn một căn nhà đồng với sở thích của mình để đi vào đó. Khi mới sinh ra, sở thích đó không có. Do chúng ta tập lâu ngày thành thói quen và thói quen đó thôi thúc chúng ta đi đến nơi tương ứng. Thói quen đó gọi là nghiệp. Và nghiệp dẫn chúng sinh đi vào trong luân hồi sanh tử cũng tương tự như vậy.
Qua một trận sóng thần là ví dụ cho một cơn chết. Sau đó, thói quen huân tập hằng ngày nó dẫn dắt, thôi thúc chúng ta đi tìm căn nhà nào tương ứng. Đó là ví dụ cho thần thức của mình bị sức mạnh của nghiệp thúc đẩy theo nghiệp đã gây tạo để thọ sanh. Và chúng ta đến một ngôi nhà mới để sống một con người mới đó là thọ thân sau.
Nhưng đó là trường hợp đối với những người tạo nghiệp lành. Còn với những người tạo nghiệp ác, thiếu phước thì sao? Thì lúc sắp lâm chung, chúng ta không có quyền được lựa chọn tốt như vậy mà bị nghiệp ác chi phối khiến cho mình sợ hãi, hốt hoảng và mất thăng bằng, từ đó như có một luồng gió xoáy mạnh cuốn đẩy người ác vào con đường phải chịu khổ đau mà không được quyền lựa chọn nào khác.
Qua đó, quý vị đã thấy chúng sanh đi vào đời thọ thân, chịu khổ là do nghiệp.
III. Nghiệp không mất.
Khi quý vị chưa bao giờ ra đây, nếu nghe ai nói về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, quý vị có những hình ảnh này trong đầu không? Không có. Khi đã ra đây rồi, trở về nhà có ai nhắc đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thì quý vị có nhớ những khung cảnh sinh hoạt một ngày một đêm tu tập ở đây không? Có. Như vậy chúng ta vừa trải qua hoàn cảnh nào thì những hình ảnh đó nó đã ghi lại trong đầu mình và khi nhắc đến thì nó có ra. Hình ảnh đi tập tu là một ví dụ cho tất cả những hành động cả đời của mình. Hằng ngày mình tạo tác điều gì nó đều ghi lại và không mất. Những hình ảnh đó chúng ta không nắm bắt được nên nó không có hình tướng gì cả. Nhưng khi nhắc đến thì chúng ta lại thấy có nó và nó đang chi phối hầu hết con người chúng ta. Và khi sắp nhắm mắt lìa đời, những hình ảnh do mình đã tạo cả đời nó sẽ ào ạt ùa về như một bộ phim không mất, nó sẽ chi phối trực tiếp lên mình và thúc đẩy chúng ta đi theo nghiệp thiện ác mà mình đã gây tạo. Nếu hiện những điều lành đã làm thì mình cảm thấy hân hoan vui sướng nhẹ nhàng, đó là do làm nghiệp thiện mà được đi lên. Nếu nhớ đến những điều xấu xa ác độc thì ân hận, hốt hoảng, hoang mang, không tự chủ, đó là do nghiệp ác chi phối mình đi xuống đường khổ.
Muốn biết khi sắp chết các hành động của mình hằng ngày nó có hiện về hay không thì mỗi người thử làm một cuộc thí nghiệm rồi sẽ thấy rõ. Hôm nào đó quý vị thử chết một lần, thử sống một mình trong một căn phòng vắng vẻ, không tiếp xúc với bất kỳ ai cả, không có các phương tiện liên lạc, truyền thông, không chó mèo, đài báo, điện thoại, tivi... không tất cả, chỉ sống một mình. Đến bữa ăn thì có người mang thức ăn vào để một nơi nào đó, mình ra lấy vào ăn rồi mang ra để vào đó lại mà không được quyền gặp mặt người kia. Chỉ sống không như thế và đừng làm gì cả trong một thời gian khoảng một tuần, quý vị sẽ thấy những hình ảnh từ bé thơ nó sẽ tự động hiện về rõ ràng mồn một, không thiếu sót một hình ảnh nào. Ban đầu nó sẽ nhớ từng điểm, sau sẽ nhớ nhiều hơn và sau cùng nó sẽ cuộn trào thành đống thành đàn khiến chúng ta phải kinh sợ. Khi kinh hoảng khiến mình mất tự chủ và những thứ đó sẽ đủ lực đẩy chúng ta đi rồi đó. Quý thầy thử nhiều rồi, nó vô hình nhưng mà mạnh lắm. Mới biết, những hành động hằng ngày chúng ta làm nó không mất. Khi sắp lìa đời, các căn đóng lại, mình chỉ ra đi một mình, những hình ảnh đó nó sẽ ập về một lần chi phối mình và đẩy chúng ta đến nơi dữ hay lành do hành động ác hay thiện mà mình đã tạo. Nếu không chuẩn bị ngay bây giờ thì e rằng khi nhắm mắt sẽ rất sợ hãi, rất tội nghiệp cho mình. Sợ hãi lúc này không phải chỉ là sợ chết, mà cái cái sợ này nó làm cho chúng ta mất thăng bằng và tự run sợ. Khi ấy giống như một dòng nước xoáy đẩy chúng ta rớt xuống dưới và cuốn đi đâu không hề hay biết. Bị đẩy đi mà không biết đi đâu hết thì quý vị có khổ không?
Cho thấy, gieo chủng tử nghiệp thức để rồi theo đó thọ thân đời sau, đó là do chúng ta gieo. Hôm nay chúng ta cùng ngồi đây tu tập là gieo chủng tử nghiệp đó, kiếp sau sinh ra là những người bạn đồng tu. Nếu chúng ta không ngồi đây mà đi ngồi những chỗ tào lao thì sẽ có duyên với những người bạn tương ứng, tất cả đều do chúng ta tự gieo và gặt lấy.
IV. Chuyển nghiệp là tu.
Vậy tu là gì? Là trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta nên tỉnh giác để kiểm tra lại coi mình nên làm gì và không nên làm gì. Nếu mỗi chiều nhớ lại những gì mình đã làm trong ngày mà cảm thấy hân hoan, thấy có ý nghĩa cho cuộc đời chứ không cảm thấy ăn năn, hổ thẹn hay ray rứt với những điều mình làm chưa đúng. Như vậy là quý vị đã khéo tu tạo thiện nghiệp rồi. Quý vị cứ sống như thế lâu ngày cho đến khi nhắm mắt lìa đời thì chính niềm hân hoan đó nó sẽ tạo nên một niềm vui lớn. Chính niềm vui đó sẽ giúp cho mình ra đi bình yên, vui vẻ, sanh về cõi lành. Có những bà cụ 80, 90 tuổi không đủ duyên hiểu biết nhiều như quý vị đâu. Chỉ với một đời sống rất bình dị, hiền lành, dễ buông xả, không làm mất lòng ai..., nhưng trước giờ phút ra đi, quý cụ ngồi nói chuyện bình thường và đến giờ thì nằm xuống ra đi nhẹ nhàng, rất an ổn, vui vẻ. Những trường hợp như thế rất nhiều. Với một đời sống mộc mạc, chơn chất, bình dị, nhưng quý vị cũng đạt được điều an vui. Huống nữa chúng ta đi chùa biết tu, hiền lành mà không được an ổn như thế hay sao! Điều này nó nằm trong tầm tay của mình. Tập được như vậy là chúng ta đã quyết định được cuộc sống của mình hằng ngày bằng niềm vui với việc thiện, việc tốt, quý vị sẽ luôn hân hoan. Và khi kết thúc cuộc đời, chắc chắn quý vị sẽ an toàn để đi qua một chỗ tốt hơn nữa. Giống như chiếc xe mình đi lâu năm bị hư mục, nếu đã có được nhiều tiền thì quý vị mua chiếc xe mới rất dễ dàng. Tấm thân này cũng giống như một chiếc xe vậy thôi. Bây giờ đang sống, chúng ta khéo tu tạo phước lành để mai này có trăm tuổi thì mình được an ổn, không lo. Nếu bây giờ quý vị không dồn tiền sẵn, nhỡ mai kia chiếc xe này bị hư thì chắc chắn chúng ta sẽ bàng hoàng lo lắng, mà lo là mất tự chủ, là khổ đau. Qua đó quý vị đã thấy rõ, trong cuộc sống, nếu chúng ta khéo tùy thời chuyển hóa nghiệp của mình đó là quý vị đã biết tu sửa rồi.
V. Vì nguyện vào đời.
Đến đây quý vị đã hiểu rõ, tất cả chúng sanh vào đời là do nghiệp thọ sanh. Còn đức Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng vì cái gì mà sanh ra nơi đời này? Quý ngài vì nguyện mà sanh ra đời nên gọi là do nguyện lực, còn chúng ta thì bị nghiệp lực trói buộc. Ví dụ như chúng ta chưa biết hút thuốc, thuốc nó đắng, thiếu nó cũng không sao. Hút lâu ngày rồi thành ghiền, thiếu vắng điếu thuốc chịu không nổi. Một, hai ngày không có thuốc thì chúng ta phải đi tìm cho bằng được để hút. Năng lực vô hình đẩy chúng ta phải đi tìm điếu thuốc, đó là sức mạnh của nghiệp, gọi là nghiệp lực. Còn chư Phật, Bồ tát, chư hiền thánh tăng không còn bị bất kỳ một cái gì chi phối nên không tạo nghiệp, không bị nghiệp lực câu thúc mà các ngài có đầy đủ năng lực, vì lòng từ bi muốn vào đời cứu độ chúng sinh, cho nên gọi là do nguyện lực mà vào đời. Cụ thể, các ngài có đầy đủ sức tự chủ, đủ trí sáng, đủ định lực, đủ phước báu và lòng từ bi, muốn vào đời cứu độ chúng ta nên gọi là nguyện. Giống như trong một dòng sông, người không biết bơi bị đẩy xuống đó thì chết đuối, đó là bị nghiệp nó đẩy vào. Còn người biết bơi lội giỏi thì chủ động nhảy xuống để cứu. Không bị ai đẩy hết, tự mình có khả năng bơi lội giỏi, phát tâm muốn nhảy xuống sông để cứu người khác thì đó là nguyện lực. Còn quý vị không đủ sức khỏe, không biết bơi mà bị người ta đẩy xuống, đó là bị nghiệp đẩy, bị nghiệp lực trói buộc.
VI. Làm sao để có được nguyện lực?
Như vậy cái nguyện lực đó từ đâu mà có? Do định lực, có trí tuệ, đầy đủ phước báu, phát khởi tâm từ bi cho nên được gọi là nguyện lực. Chúng ta có quyền có nguyện lực không? Có quyền chứ, nhưng chưa có đủ năng lực. Vậy quý vị có nên bồi đắp cái nguyện lực đó không? Muốn vậy thì phải củng cố năng lực.
Ví dụ khi chúng ta làm bếp bị dao cắt vào tay, mình chú ý vết cắt nó sâu hay cạn như thế nào nên bị quên mình, đánh mất mình đang có một cái đang thấy biết vết đau đó mà để ý đến vết đau, do đó nó đau nhiều hơn. Vừa đau, vừa lo sợ, bối rối nên mọi chuyện trở nên rối ren. Ngược lại, cũng bị lưỡi dao cắt vào tay như thế. Cũng biết đau chứ. Nhưng mình tĩnh lặng, quý vị sẽ nhận ra rằng, chúng ta có một cái đang biết đau để biết cái đau đó, tức khắc cái đau này trở thành cái bên ngoài, cái bị chúng ta thấy chứ nó không phải là mình nữa. Ngay đó, chúng ta đã tách cái đau này ra khỏi sự chi phối nơi mình và quý vị đã lấy lại tự chủ. Khi lấy lại tự chủ rồi thì cái đau này nó sẽ chia nhỏ dần lại và cuối cùng chúng ta không thấy bị cái đau chi phối nữa. Như vậy trước một vết đau chúng ta có thể có hai trạng thái. Trạng thái ban đầu chúng ta quên mất tánh thấy biết chính mình nên bị chi phối, bị động, thiếu năng lực và bị nghiệp trói buộc rồi khổ đau rõ ràng. Trạng thái thứ hai là quý vị tĩnh lặng trở lại để nhìn nó thì không bị nó chi phối, ngay đó chúng ta lấy lại định lực. Do năng lực đó đủ lớn nên chúng ta có được nguyện lực, được an ổn.
Tương tự khi gần lìa đời cũng vậy. Nếu vị nào cả đời làm nghiệp ác, khi đó nó ùa về nên thấy kinh khủng quá, sợ quá, liền hốt hoảng, giống như đang ở trong dòng nước lũ, trong trận gió xoáy mạnh, chúng ta hoàn toàn mất tự chủ và bị nó cuốn đi. Nếu vị nào cả đời làm việc thiện thì lúc này cảm thấy vui quá, hân hoan quá nên cũng bị làn sóng mừng đó nó đẩy đi sanh vào cõi lành. Cả hai trạng thái này đều bị lực đẩy của vui và sợ nó cuốn đi. Đó là chúng sanh còn bị nghiệp lực thúc đẩy. Cũng trước cảnh vui và buồn đó, nếu quý vị khoan sợ, khoan mừng, mà phải tĩnh lặng lại. Lúc này đừng phân tích hay can thiệp gì trên các sự kiện vui buồn, mừng giận gì cả mà chỉ là một lực tỉnh, nhìn nó một cách bình thường, giác sáng. Chính lực tỉnh ấy sẽ cho chúng ta một năng lực làm chủ các cảnh tượng và chủ động tùy chọn nơi nào mình muốn. Năng lực đó là năng lực đủ an định, đủ trí sáng, năng lực đó giúp chúng ta chủ động, đi đâu là quyền của mình. Còn nếu bị những thứ vui buồn nó cuốn là thụ động, là bị nghiệp đẩy. Cho nên nguyện lực là chủ động, là không khổ. Còn nghiệp lực là bị động, đưa đến khổ đau.
Nếu hằng ngày chúng ta dễ vui quá, dễ giận quá, dễ buồn quá lâu ngày sẽ trở thành thói quen, cho nên bất kỳ một hoàn cảnh nào vừa tác động đến thì chúng ta vui liền, buồn liền,... Lâu ngày cái anh chàng mừng, giận, buồn, vui... được quý vị nuôi nó lớn mạnh và bén nhạy quá. Tới khi gần chết, vừa có hoàn cảnh gì tác động nhẹ thôi thì mình lại bực bội lên liền. Lúc này tinh thần bị yếu, các sự bực bội giận dữ nó nung nấu, sôi sục và đẩy chúng ta đi vào nơi không tốt. Đó là bị nghiệp lực thúc đẩy, là thụ động, là khổ đau. Ngược lại, hằng ngày nếu gặp cảnh đáng giận thì chúng ta không thèm giận. Gặp cảnh đáng giận mà giận thì không ai cấm, nhưng nếu giận quen rồi thì nó sẽ hại mình cho nên chúng ta phải bỏ qua, không thèm giận làm gì để hại mình. Tập bỏ cho nó quen, khó bỏ cũng phải bỏ, mỗi ngày bỏ một chút, lâu ngày mình sẽ thấy cuộc sống tươi vui liền. Tương tự, gặp cảnh buồn mình cũng không thèm buồn, bỏ qua. Có phật tử nói, thưa thầy con gặp hoàn cảnh buồn quá, con rất muốn bỏ qua và đã cố gắng nhiều rồi mà không thể bỏ qua được. Quý thầy nói, quý vị thử giữ nỗi buồn ấy thêm ba năm nữa coi có giữ được không? Có ai cố gắng buồn được ba năm không? Nếu bỏ không được thì quý vị cứ buồn thử đi, buồn đại mười năm cũng được. Đến lúc đó, có muốn buồn cũng không thể buồn được nữa. Vậy thì mắc gì phải ôm nỗi buồn làm gì cho mệt. Mình không bỏ nó thì có ngày nó cũng bỏ mình. Thôi thì bỏ sớm ngay bây giờ đi cho khỏe. Nếu gặp cảnh gì vui quá thì quý vị thử ôm cái vui đó mười năm thử coi có được không? Lâu ngày cũng nhàm, nó đâu có còn mãi được! Mới biết buồn vui đều bị vô thường biến đổi thì dại gì ôm giữ nó hoài cho mệt! Cứ thản nhiên bình thường cho nó quen. Hằng ngày quý vị cứ tập quen đức tính luôn lìa, luôn bỏ, luôn bình thường, luôn an ổn, lâu ngày sẽ thành thói quen. Đội binh này được nuôi lớn mạnh, nó trở thành năng lực vô hình, đầy đủ trí tuệ và an định. Khi quý vị nhắm mắt lìa đời, nhờ năng lực mạnh này nên chúng ta có quyền chủ động chọn hướng cho chính mình. Được như vậy là quý vị đã có thể có nguyện, có chủ động và chủ động thì chúng ta sẽ không khổ. Từ nghiệp mà vào đời thì bị khổ đau và từ nguyện thì không khổ. Muốn có nguyện phải có năng lực tỉnh sáng. Muốn có năng lực tỉnh sáng thì chúng ta phải siêng năng tu tập. Nếu hằng ngày quý vị nuôi mấy anh chàng tham, sân, si cho nó lớn mạnh thì quý vị sẽ bị nó làm khổ đó. Nhiều lúc có những chuyện đáng tức mà chúng ta không thèm tức, vì cái tức đó nó làm khổ mình. Không lẽ vì chuyện của người khác mà làm hại mình sao? Thực hành được như vậy là quý vị tu được. Quý vị thấy tu có dễ không? Hiểu thì dễ mà làm thì hơi khó. Nhưng ban đầu quý vị hiểu đúng là được rồi, sau đó mình cố gắng thực tập dần dần, lâu ngày sẽ quen và khi thuần thục rồi thì không còn khó nữa. Mới đầu nghe nói về cái nguyện nó cao quá thì ngỡ như là mình không có phần, nhưng bây giờ quý vị thấy mình có quyền nguyện chưa? Chỉ là khéo tu tập, có năng lực giác tỉnh cao, từ đó chúng ta chủ động được là mình có quyền có nguyện lực liền.
VII. Nghiệp hay nguyện từ một tâm.
Hôm nay quý vị ngồi đây nghe pháp có vui không? À, vì được nghe pháp nên rất vui. Nhưng có nhiều người bị nghe pháp thì họ khổ ghê lắm. Có mấy anh chàng hay vào chùa ăn trộm mít. Thầy trông vườn có một cách bắt phạt mấy vị này hay lắm. Thầy bắt anh trộm xuống sân ngồi đó, mỗi thầy thay nhau nói pháp cho anh ta nghe 30 phút. Nói như thế từ sáng đến chiều, anh chàng này ngồi nghe mỏi quá chịu không nổi, không biết có thấm phần nào hay không mà từ đó về sau không dám ăn trộm mít của chùa nữa. Cũng đồng là nghe thuyết pháp, nhưng chúng ta phát nguyện muốn nghe, từ nguyện mà nghe nên thấy rất hoan hỷ, phấn chấn. Còn anh trộm này thì bị nghe, tức là vì nghiệp mà phải nghe nên khổ đau. Nhưng nếu anh trộm này có căn duyên, trong khi bị nghe đang khổ sở, tình cờ có câu chuyện nào khai mở nỗi khổ cho anh ta, bỗng nhiên anh lại chuyển tâm muốn nghe quý thầy nói thêm nữa. Đó là ban đầu vì nghiệp mà nghe nên đau khổ, nhưng sau đó muốn nghe, vì nguyện mà nghe nên thấy an vui. Cho thấy, trên cùng một hành động, nếu chúng ta phát tâm làm thì đó là từ nguyện mà làm, là được an vui. Nếu chúng ta quên phát tâm thì cảm thấy mình bị làm, đó là vì nghiệp trói buộc mà làm nên cảm thấy không thoải mái, dẫn đến đau khổ. Như vậy, nghiệp hay nguyện là trên một tâm của mỗi một con người chúng ta chứ không phải ở người này có nguyện và người kia không có.
Quý vị thử kiểm tra lại việc làm hằng ngày của mỗi người chúng ta thì dễ thấy lắm. Ngày xưa quý thầy ở vùng quê rất nghèo khổ. Trời rét mà phải rời cái mền êm ấm, thức dậy từ 3 giờ khuya để nấu cơm là không dễ chịu chút nào. Vo gạo chạm đến nước thì lạnh như dao cắt. Canh khuya đang say giấc ngon lành trong nệm ấm chăn êm mà phải thức dậy đi vo gạo nấu cơm dưới trời đông giá rét, quý vị thấy dễ chịu hay khó chịu? Không dễ chịu chút nào, phải không? Cũng sự việc đó, nhưng nếu chúng ta xung phong sẵn sàng thức dậy làm công việc đó để những người khác được êm ấm. Mình phát tâm chịu lạnh, thức dậy nấu cơm để cho cả nhà được an giấc thì làm trong một tinh thần nhẹ nhàng, vui vẻ, hân hoan. Còn nếu là người bị gọi thức dậy buộc phải nấu ăn cho người khác thì lại cảm thấy khổ sở, bực bội. Mới thấy, trên bất cứ một công việc gì, nếu chúng ta làm bằng tâm trạng bị làm thì cảm thấy bứt rứt khó chịu, đó là bị nghiệp trói nên cảm thấy khổ đau. Nhưng nếu phát tâm, phát nguyện để làm thì thấy hân hoan, an lạc. Cho nên khi đã hiểu, đã biết tu thì chúng ta nên làm tất cả công việc bằng tâm trạng sẵn sàng xung phong, phát nguyện, để được an vui.
Trong đời sống hằng ngày, bất kỳ công việc hay hoàn cảnh nào xảy đến, quý vị cũng có quyền ứng xử tương tự như một bữa nấu cơm khuya. Thí dụ như quý vị được phân công phải vác bao gạo quá nặng từ dưới phà lên dốc cao 174 bậc cấp. Nếu thấy rằng vì sao phải bắt tôi vác bao quá nặng trong khi người khác thì mang đồ gọn nhẹ hơn, như thế là không công bằng... Từ tâm cảm thấy bị bắt buộc nên thấy bao gạo sao mà quá nặng, phải vác ì à ì ạch quá khổ. Ngược lại có một người khác thấy vậy liền phát tâm nói, tôi khỏe, anh để tôi vác bao gạo giúp anh, thì họ làm cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ. Chỉ là công việc vác một bao gạo lên dốc thôi mà đã có nghiệp và nguyện trong đó rồi. Hay là khi lên xe bus, mình lên trước có chỗ ngồi đàng hoàng. Thấy bà cụ lên sau già yếu, cô trưởng đạo tràng nói huynh còn khỏe mạnh nên nhường chỗ ngồi cho bà cụ. Nhường chỗ thì nhường, nhưng chưa sẵn sàng nên trong lòng không được vui, phải đứng từ đây vào Đà Nẵng mấy chục cây số sao mà mỏi mệt và khổ sở quá. Cũng cùng một trường hợp tương tự, mình vừa thấy bà cụ già yếu liền phát tâm mời bà cụ ngồi vào chỗ của mình, mình còn khỏe, đứng một đoạn đường để bà cụ được an ổn thì lại cảm thấy vui. Ngay đó cũng đã có nguyện và nghiệp khác nhau rồi. Tự giác hy sinh cho người khác, đó là nguyện lực, là được an vui. Ngược lại, nếu thấy bị ép buộc, thì sẽ bực bội, nặng nề, không hoan hỷ, đó là bị nghiệp trói buộc, là khổ rồi. Như vậy, trong chúng ta đã có sẵn cả hai mặt nguyện và nghiệp. Hằng ngày cũng những công việc đó thôi, cũng vác bao gạo, cũng ngồi trên xe, cũng nấu cơm, nhưng nếu chúng ta vừa xung phong phát nguyện để làm thì thấy nó khỏe khoắn, nhẹ nhàng, hân hoan. Còn không phát tâm thì bị nghiệp trói buộc, nặng nề, khổ sở.
Thời chiến tranh loạn lạc, có một vị Sư bị giặc bắt nhầm nhốt trong ngục tù. Vì bị oan nên ngày nào Sư cũng kêu, không biết do nghiệp báo gì mà tôi phải bị oan ức khổ như vậy, tôi có làm gì đâu mà bắt tôi. Tình cờ, có người sống chung hoàn cảnh đến tâm sự: "Thưa Sư, chúng con bị nhốt vào đây khổ sở, buồn chán và ân hận lắm. May nhờ có Sư làm niềm an ủi, tăng thêm động lực cho chúng con cải thiện đời sống tốt hơn nên rất vui. Nếu Sư rời khỏi nơi đây, chắc chúng con buồn khổ lắm." Lúc đó Sư mới sực nhận ra, hóa ra mọi người ở đây cần có mình. Sự có mặt của mình là cứu khổ cho quý vị ở trong chốn tù đày lao khổ này. Từ đó, Sư hết thấy khổ, không còn mong muốn ra tù nữa mà thích ở trong này để an ủi mọi người. Qua đó cho chúng ta thấy, cũng trong một cảnh ngục tù, nhưng nếu thấy rằng tôi bị nhốt tù, vậy là bị vào tù nên khổ sở vô cùng. Còn nếu thấy rằng, mình là niềm động viên an ủi lớn của mọi người, những người trong đây cần sự có mặt của mình để họ bớt khổ. Vì vậy mình phát nguyện ở đây để giúp đỡ, đó là nguyện, là hết khổ và được an vui. Vậy ở tù là khổ hay là vui? Nếu thấy là bị vào tù, đó là vì nghiệp, là khổ. Nếu thấy cần ở trong đây để giúp người khác, đó là vì nguyện, là an vui.
Bây giờ quý vị về nhà, bất cứ việc gì xảy đến chúng ta cũng tập nguyện cho quen chứ đừng thấy là bị nghiệp trói rồi than thở:
Áo trần con lỡ mặc vào
Nợ trần con biết làm sao bây giờ!
Mới nghe qua thì hay quá. Nhưng mà:
Rằng hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Nói như vậy là chúng ta đang nhâm nhi cái khổ, không biết nhìn đời tươi sáng cho nên bị khổ, đó là nhìn theo nghiệp chứ không phải theo nguyện. Lỡ vào đời rồi thì mình nguyện cho nó oai, cho nó vui, chứ mắc gì phải nhìn là bị buộc, là bị nghiệp cho cuộc đời nó ảm đạm và khổ sở! Như vậy, mỗi một việc xảy đến, quý vị nên nhớ là nguyện thì vui. Khéo sống như vậy là chúng ta đã tu rồi. Rất nhẹ nhàng! Làm được như vậy thì cả đời quý vị luôn thấy vui. Suốt đời được an vui thì chắc chắn khi nhắm mắt lìa đời chúng ta cũng sẽ được an vui, đi trên con đường tốt.
Có vị đến hỏi đức Phật: Cả đời con làm việc tốt, một hôm ra đường thình lình không may bị đột tử và chết gấp, lúc đó con sẽ đi về đâu? Đức Phật nói, giống như một thân cây đang nghiêng hẳn về hướng Đông, nhỡ gặp gió bão làm đỗ đi thì nó sẽ ngả về hướng nào? Tất nhiên là về hướng Đông thôi. Cũng vậy, một đời sống bằng thiện pháp, được an vui thì khi nhắm mắt chắc chắn chúng ta sẽ đi đến con đường an vui, tốt đẹp. Muốn như vậy thì khi đối diện với tất cả mọi thứ trong cuộc sống, quý vị nhớ nên bằng một tâm khái sẵn sàng phát tâm bằng nguyện lực chứ đừng có tâm nặng nề, mỏi mệt vì nghiệp lực rồi đưa đến mọi thứ rắc rối, khổ đau.
VIII. Xem nhẹ mình thì phát nguyện được.
Nhưng muốn luôn có được một tâm sống bằng nguyện lực, luôn được an vui thì chúng ta phải làm sao? Cái tật nào nơi mình hay đẩy mình vào tâm trạng bị nghiệp lực lôi kéo, và cái hạnh nào luôn cho mình tâm khái phát nguyện, an vui?
Khi chúng ta quan trọng mình quá thì thường phán xét mọi thứ qua cái tôi này và muốn chìu chuộng cho nó được êm ấm. Anh đó sao không biết ý tôi, vị đó vì sao làm sai ý tôi, người đó vì sao không biết cung phụng tôi, chị đó sao không biết tôn trọng tôi đúng cách, điều đó như vậy là tôi thấy không thích hợp, hôm nay tôi khổ như vậy là vì gia đình này... luôn là phán xét qua cái tôi và phán xét cho cái tôi này. Cứ ngồi đó mà xét hoài như thế thì không có tâm làm gì giúp ích cho ai mà sẽ còn có nhiều điều phức tạp ùa đến tấn công mình, từ đó chúng ta chỉ sống một đời rắc rối, khổ sở. Như vậy là bị nghiệp nó cột rồi. Bây giờ xem nhẹ mình một chút, quên đi cái tôi này. Thay vì quan trọng mình thì ngược lại mình phải biết quan tâm đến người khác. Anh đó đang cần mình giúp, nên làm việc kia cho chị ấy mừng, thôi thì mình chịu thiệt một chút cho mọi người vui cũng được, thấy cha mẹ đã hy sinh quá nhiều mà mình chưa làm được gì để phụ giúp gia đình cho cha mẹ mình đỡ nhọc... Luôn quên mình mà thao thức muốn cho người khác được vui thì chúng ta có nguyện trên công việc liền. Như vậy khi quên cái ngã này thì chúng ta luôn nghĩ tốt cho người khác, ngay đó nguyện lực sẽ có và an vui sẽ đến. Ngược lại, nếu quý vị quan trọng mình quá, luôn nghĩ người khác phải phục vụ cho mình thì suốt đời chúng ta bị thu nhỏ lại, mình tự nhốt mình và các khổ đau từ đó có ra.
IX. Sống bằng nguyện lực sẽ có được một cuộc sống vui.
Ở châu Phi có hai biển hồ, một cái thì nhận các dòng sông chảy vào đó rồi cho ra các dòng và ra biển nên nước trong biển hồ đó luôn trong, các loài sinh vật thích sinh sống. Ngược lại biển hồ khác thì chỉ nhận vào và chứa giữ lại mà không cho ra nên lâu ngày nó thành nước tù, độc hại và không có con gì sống nổi trong đó cả. Hai biển hồ đó nó nằm ở đâu? Ở trong lòng mỗi người. Nếu chúng ta luôn nghĩ cho mình, mọi người phải phục vụ mình, phán xét qua ý mình, luôn nhận về cho mình mà không biết nghĩ về người khác, không biết cho ra, thì tâm hồn chúng ta trở nên một biển hồ chết, gần ai họ cũng cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thấy con người mình toàn là khối gai góc khổng lồ, không ai muốn gần mình chút nào cả. Đó là biển hồ chết. Ngược lại chúng ta luôn nghĩ về người khác, thích giúp đỡ mọi người, thấy nghĩ và nhận về mình là một tâm hồn hèn hạ, yếu đuối, thấp kém nên thường muốn cho ra, ban ra bằng một vật gì đó có thể, bằng một việc làm tốt, bằng niềm vui cho người khác, từ đó tâm hồn mình sẽ trở thành một biển hồ sống lai láng. Gần ai họ cũng thấy mát mẻ, ai cũng muốn thân thiện với mình. Lòng luôn cho ra là biển hồ sinh động, mà lòng luôn đóng khung lại là chúng ta tự giết chết mình rồi. Biết vậy rồi quý vị nên rèn cho con mình từ bé phải có khả năng biết lao động, biết hy sinh thì lớn lên nó mới hy sinh cho người. Không phải cần nó lao động mà tập cho nó có sự rèn luyện, vừa cầm chổi được thì phải bảo nó quét nhà, biết đi chợ thì dù là con trai cũng phải bắt đi chợ mua đồ về nấu bữa ăn cho gia đình. Không phải chúng ta cần nó làm nhiều cho mình mà điều cần thiết ở đây là tập rèn cho nó quên đi cái quan trọng về con người nó mà xem thường mọi người. Tập quen như vậy cho đến khi lớn lên nó sẽ quen đức tính năng nổ, bước vô nhà ai thấy không có ghế thì nó nhắc cái ghế, thấy nhà chưa sạch nó liền cầm chổi quét mà không cần nạnh vào người khác, thấy bà già thiếu chỗ ngồi thì nó sẽ tự động nhường chỗ ngồi liền. Khi quen đức tính hy sinh cho người khác rồi thì nó không cần gì cho cá nhân nó cả, đi đâu người ta cũng thương. Tập được như vậy thì chúng ta không cần nuôi con mà xã hội sẽ thương và nuôi nó rồi, đó là chúng ta đã biết cách giúp cho con có được cuộc sống vui và có ý nghĩa. Ngược lại, sợ con vất vả nên việc gì cũng giành làm. Thấy con làm việc gì cũng tội nghiệp bảo thôi đừng làm mà nhọc để mẹ làm cho, rửa mấy cái chén cũng bảo để mẹ rửa cho khỏi hư móng tay, bước ra một bước cũng bảo đừng đi để ba chở cho đỡ vất vả... Tập như thế lâu ngày con mình trở nên nhác nhớm, quen tính cách mọi người phải phục vụ mình. Lớn lên nó quan niệm nó là trên hết, cuộc đời này phải phục vụ nó, mà trên đời này đâu có ai sinh ra để phục vụ cho ai đâu? Thế là các sự phiền phức, khổ đau của nó sẽ có ra từ đó. Mình có sống đời để phục vụ cho con mãi được không? Khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, không còn nữa, con mình sẽ ngồi đó chờ mọi người phải phục vụ nó thì nó chỉ có bị người khác lừa và chuốc lấy đau khổ thôi. Hơn nữa, con người sống ích kỷ thì tầm nhìn nhỏ hẹp, trí không sáng, luôn bị lầm và ra xã hội sẽ thiếu sự cảm thông, gây khó chịu cho người khác. Cho nên, khi quý vị biết rồi thì cần phải rèn luyện cho những người chung quanh mình nữa để họ có được lợi ích giống như mình.
X. Người hấp dẫn bậc nhất.
Thời xưa, có một vị thí chủ gia cảnh rất giàu có, ăn trên ngồi trước, danh vọng địa vị cái gì cũng có hết, nhưng không được mọi người thương mến. Mọi người đến với thí chủ này vì đồng tiền, vì lợi dụng một cái gì đó chứ không có sự đồng cảm, chia sẻ hay bằng lòng chân thật. Lâu ngày nhận ra không có ai thương mình thật sự nên lòng cô thí chủ này u uẩn, không vui. Cô bèn đến thỉnh giáo Thiền Sư Vô Đức, tức ngài Thiện Chiêu ở Phần Dương:
- Thưa Thiền sư, làm thế nào để con có đủ sức hấp dẫn khiến người khác thương mến con thực sự?
Thiền sư Vô Đức bảo:
- Cô có thể tùy lúc tùy nơi hợp tác với mọi hạng người và có đủ lòng từ bi thương xót như Phật. Nói một ít lời thiền, nghe một chút tiếng thiền, làm một chút việc thiền, dùng một chút tâm thiền, như thế cô sẽ thành người hấp dẫn.
"... có thể tùy lúc, tùy nơi hợp tác với mọi hạng người." Tức là đi trên đường gặp bà già thì nên tiện tay đỡ bà chứ đừng nghĩ tôi là đẳng cấp cao sang rồi chảnh chẹ, bà không phải là đẳng cấp xứng đáng để được tôi nâng đỡ. Thấy một em bé ngã thì nên dùng niềm yêu thương đỡ nó dậy chứ đừng nghĩ tôi sang trọng, nó không xứng đáng để tôi đỡ. Gặp một người ăn xin, nếu có điều kiện thì chúng ta nên trân trọng và giúp đỡ chứ không phải đó là việc làm nhỏ nhoi không xứng đáng... Bất cứ khi nào, dù cho ở đâu chúng ta phải luôn luôn bình dị, chan hòa, gần gũi với tất cả mọi hạng người và có lòng từ bi thương xót như Phật.
Đức Phật có lòng từ bi bình đẳng, thương đến cả những người ăn xin, ăn mày, hốt phân. Muốn trở thành người hấp dẫn bậc nhất thì phải có lòng từ bi lớn lao như thế. Nếu không đề cao mình, hiểu và cảm thông với người khác thì tự nhiên quý vị sẽ thương xót tất cả mọi người.
Ngài dạy thêm: "Hằng ngày nên nói một chút lời thiền, nghe một chút tiếng thiền, làm một chút việc thiền, dùng một chút tâm thiền như thế cô sẽ trở thành người hấp dẫn."
Sống được như lời ngài dạy thì khi chúng ta ăn mặc bình dị, sống đời bình thường mà mọi người vẫn cảm thấy thích, muốn gần, chứ không phải hấp dẫn long lanh hình thức bên ngoài mà mọi người thấy mình là gai góc, chán ngán, không muốn gần. Cô thí chủ này muốn mình trở thành người hấp dẫn cho nên hỏi kỹ:
- Thưa Thiền Sư, nói lời thiền là nói như thế nào?
Ngài Vô Đức nói:
- Lời thiền là nói lời hoan hỷ, nói lời chân thật, nói lời khiêm cung, nói lời làm lợi người khác.
Khi lòng chúng ta an tịnh thì nhìn mọi thứ đều nhẹ nhàng, thơ thới. Từ tâm thiền an lạc đó nên nói ra lời gì cũng hoan hỷ chứ không nói lời cau có. Sống bằng tâm thiền là sống thẳng đến trí tuệ chân thật, không có vấn đề gì riêng tư lớn lao quan trọng để phải dối người nên luôn nói lời chân thật chứ không nói lời hư ngụy, dối trá, tô vẻ sai sự thật. Sống được với tâm thiền thì ngã thể đã quên bẵng đi tự bao giờ, quý trọng đạo đức chân thật, nên thường nói lời khiêm cung chứ không nói lời khoe khoang, ngã mạn làm trò cười cho hàng thức giả. Sống với tâm thiền thì niềm an lạc ngập tràn, muốn cho người người đều được chung hưởng thiền vị ấy để cùng được lợi lạc nên luôn nói lời làm lợi ích người khác chứ không nói lời hiểm độc hung dữ hại người. Bằng tâm thiền nên nói được lời thiền như thế. Chúng ta là người đang còn trên đường dụng công tu tập, tuy chưa được tâm thiền trọn vẹn, nhưng ít nhiều gì quý vị cũng đã cảm nhận được phần nào. Đợi đến khi đạt được tâm thiền trọn vẹn mới nói lời thiền thì lâu trở thành người hấp dẫn quá. Thiền tâm bình đẳng với tất cả mọi người. Ai cũng có. Chỉ là nhận lại trọn vẹn hay chưa mà thôi. Cho nên ngay từ bây giờ, chúng ta cũng có quyền tập tễnh từ từ. Khi nói ra điều gì, quý vị nên tĩnh lặng, hoan hỷ rồi nói thì chúng ta sẽ nói được lời hoan hỷ. Khi nhấc điện thoại lên, quý vị nên mỉm cười rồi nói thì người nghe sẽ cảm nhận được nụ cười của mình. Trong cuộc sống, quý vị bớt quan trọng mình và sự việc trong đời thì sẽ nói ra lời chân thật. Khi ứng xử với mọi người, nếu chúng ta biết tôn trọng người khác và quên đi bản ngã riêng tư thì tự dưng quý vị sẽ nói ra lời khiêm cung, cao đẹp. Trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta luôn tỉnh sáng, đặt mình vào trường hợp của người khác thì sẽ hiểu và cảm thông được mọi người. Từ đó, quý vị nói ra lời gì cũng là lời cảm thông, không hại người mà còn làm lợi rất nhiều người khác. Sống được như vậy, ứng dụng và nói được như vậy là quý vị đang nói lời thiền và trở thành người hấp dẫn bậc nhất như Thiền sư Vô Đức dạy cho vị thí chủ trên.
- Cô thí chủ hỏi tiếp, tiếng thiền làm sao nghe?
Ngài nói:
- Tiếng thiền là biến tất cả âm thanh thành âm thanh vi diệu. Đem âm thanh nhục mạ chuyển thành âm thanh từ bi. Đem âm thanh phỉ báng chuyển thành âm thanh giúp đỡ. Tiếng khóc, tiếng ồn, tiếng thô, tiếng xấu, cô đều có thể không để ý đến. Đó là tiếng thiền.
Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, quý vị khéo sống hòa đồng trong trạng thái lặng sáng. Khi năng lực đó đủ lớn thì nơi tự thân sẽ có một nội tại luôn an định, giác sáng và ngập tràn an lạc vô biên. Từ nội tại đó, tất cả âm thanh chung quanh không đủ sức quấy nhiễu chúng ta. Trước mọi âm thanh nhốn nháo rộn ràng, quý vị vẫn nghe hết rõ ràng từng lời mà tâm mình vẫn lạc an, bình thường, không hề mảy may dấy động. Như khi quý Thầy đang ngồi nói đây nhưng vẫn nghe tất cả mọi thứ chung quanh, nghe khách ngoài cửa làm ồn, nghe quý vị cười, nghe chim hót nữa, nhưng vẫn nói thông suốt bình thường không có gì đáng để phân tích. Hằng ngày, nếu quý vị khéo sống bằng tâm thiền bất động này thì tất cả các âm thanh đều trở thành âm thanh trong suốt, an lạc, vi diệu lạ thường. Như vậy tiếng thiền là tiếng nào? Hôm nào đó thân không được khỏe, tâm mình không an, đang nóng bức, khó chịu, có việc bực bội giải quyết chưa xong, người bạn thân của mình không hề hiểu mình đang khó chịu, không có sự cảm thông chia sẻ mà đáp lại bằng câu thiền ngữ trên trời không dính dáng đâu vào đâu cả thì có phải là làm cho quý vị bực bội hơn không? Tuy đó là lời thiền, nhưng tâm mình chưa sẵn sàng thì cũng trở thành lời khiến cho mình khó chịu, không thể biến lời thiền ấy thành âm thanh vi diệu được. Hôm khác thân thể thơ thới, tâm đang an ổn, bất chợt có người đến chửi mắng xối xả vào mặt mà mình vẫn mỉm cười, cảm thấy thương xót và cảm thông cho nỗi khổ của họ. Thì lúc này, tiếng chửi rủa thô tục cũng trở thành âm thanh vi diệu của tiếng thiền, phải không? Cho nên, khi tâm mình giác sáng, lặng an thì nghe tiếng nào cũng là tiếng thiền chứ không phải có một tiếng thiền cố định nào bên ngoài cho mình nghe để trở nên vi diệu cả. Cho nên ngài dạy, tiếng thiền là biến tất cả âm thanh thành âm thanh vi diệu, âm thanh nhục mạ trở thành âm thanh từ bi. Nếu nghe tất cả những âm thanh mà vẫn lặng sáng và cảm thông, thì tiếng chửi, tiếng ồn chúng ta cũng được thanh tịnh, cũng được hoan hỷ thì quý vị đã chuyển tiếng nhục mạ thành tiếng từ bi. Bởi vì khi mình lặng sáng, an lạc thì hiểu rõ mọi thứ nên dễ cảm thông, dễ tha thứ với mọi người, không giận hờn trách móc và lòng từ bi từ đó tự có ra. Như vậy, không phải có một âm thanh thiền cố định nào bên ngoài để cho chúng ta nghe, mà tất cả âm thanh đều là tiếng thiền nếu chúng ta là con người thiền.
"Đem âm thanh phỉ báng thành âm thanh giúp đỡ." Ai đó đến chửi mắng, chê bai, phỉ báng mình, nếu chúng ta không tỉnh sáng thì liền phân biệt là đúng là sai, rồi phân bua, bào chữa, đấu tranh... như thế chúng ta sẽ có buồn, có vui, có lo, có sợ, ngay đó là mất thiền rồi. Ngược lại, trước hoàn cảnh đó, quý vị thử tĩnh lặng lại để nghe mọi người đang nói. Dù cho có nói gì chúng ta cũng chỉ cần sự tĩnh lặng đó chứ không cần sự đúng sai của sự việc. Như thế tâm mình sẽ tĩnh lặng, mọi thứ sẽ bình yên. Khi mình đã lặng, mọi thứ đã yên, mới thấy tất cả mọi thứ trên đời này dù đúng hay sai cũng không phải là giá trị quan thiết nữa. Tâm đã bình thường, mọi thứ không có giá trị thực nên mình không cần tranh giành phần thắng thua gì trên những điều hư ảo đó, người khác cần phần thắng thì mình liền nhường được phần thắng cho họ. Thay vì giận dữ và đi trả thù thì đem công sức trả thù đó đi làm một việc tốt cho người khác sẽ có ý nghĩa hơn. Nhờ những âm thanh phỉ báng đó mà giúp đỡ cho công hạnh tu hành của mình được thành tựu. Đó là quý vị đã biến âm thanh phỉ báng thành âm thanh giúp đỡ rồi.
Hai người hàng xóm có chuyện xích mích mất lòng nhau. Đợi đến đêm tối, ông A lén sang bãi dưa nhà ông B bên cạnh lấy dao cắt rễ cho dưa chết hết. Ông B thấy vậy càng tức giận hơn nên đi thưa kiện. Hai bên biết được liền ẩu đả nhau rồi bị tù tội, khốn khổ. Thay vì phải đi cắt dưa của người thì chúng ta đổi lại đi tưới dưa giúp cho người ta thì mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều. Cũng đồng tốn một công sức thôi, tại sao chúng ta lại đem công sức đó đi cắt dưa người ta cho rắc rối và bị khốn khổ vô ích! Bây giờ biết tu rồi, khi bị người khác phỉ báng, thay vì bất giác, giận dữ lấy dao đi cắt bãi dưa của người ta để trả thù, thì quý vị tĩnh lặng lại, tâm bình, khí hòa, đợi đến ban đêm trời tối, mình gánh nước lén sang vườn bên cạnh tưới dưa cho người ta khỏi bị khô hạn. Nhỡ nghe tiếng động thức giấc phát hiện ra thì ông B sẽ rất cảm động. Từ đó ông B có còn phỉ báng mình không? Không những không phỉ báng mà còn đi khen ngợi mình khắp thiên hạ nữa thì hai bên có cãi vả, đánh nhau rồi đi kiện tụng nữa không? Làm được như vậy là quý vị đã biến âm thanh phỉ báng thành âm thanh giúp đỡ và giải được nghiệp cho nhau, không còn bị nghiệp trói nữa. Và muốn làm người hấp dẫn thì chúng ta phải làm như thế thôi.
Thiền sư Vô Đức nói tiếp: "Tiếng khóc tiếng ồn tiếng thô tiếng xấu cô đều có thể không để ý đến thì đó là tiếng thiền."
Khi thiền sư Đạo Thọ cùng chúng đệ tử tu trong núi thì ma quỷ nó hiện ra đủ loại hình, nào là làm sấm làm sét làm rắn làm ma, làm quỷ... Các đệ tử sợ hãi bỏ đi hết chỉ còn ngài vẫn ngồi thiền bất động, không để ý gì hết. Trải qua thời gian, ma quỷ biến hóa mà không có tác dụng gì nên chán quá và bỏ đi hết. Thiền sư Đạo Thọ xuất định và nói, các trò biến hóa của ma có hình tướng nên có giới hạn, có lúc hết. Còn cái không thèm thấy, không thèm nghe của ta thì vô tướng nên nó vô cùng, vô tận. Vì vậy, mặc cho nó biến hiện, ta không thèm thấy, không thèm nghe.
Khi rời đây ra về, đi đường thình lình gặp ai đó chặn lại, sần sộ chửi xối xả vào mặt mình, đó là biến tướng có hình dạng, có cùng tận, sẽ có lúc hết, mình chỉ cần không thèm thấy, không thèm nghe, cười mỉm bình thường thì nó có hết hay không hết cũng vậy thôi, không có gì ảnh hưởng cả. Nhỡ đi cùng trên xe 50 người làm ồn náo, mình cũng không thèm thấy, không thèm nghe mà luôn hoan hỷ, nhẹ nhàng thì quý vị có cảm thấy bình an không? Đó là đã khéo nghe được tiếng thiền. Về đến nhà, có ai đó khi khổng khi không nói xóc, châm biếm, chê bai, nói oan ức cho mình một cách vô cớ, nếu quên tỉnh táo mà cứ để ý phân tích đúng sai, hợp lý, vô lý... thì chúng ta sẽ bực tức, ngay đó đã bị lửa thiêu đốt, quý vị không nghe được tiếng thiền rồi. Ngược lại, trước những tiếng thô lỗ, tiếng ồn ào, tiếng xấu xa tồi bại, châm biếm..., quý vị không thèm quan tâm mà chỉ tìm lấy sự trong lặng ngay đó, bỗng dưng mình có lực tỉnh lắng trở lại, mọi tiếng trở nên trong lặng, nhiệm mầu trong tự tánh chánh định mỗi người. Ngay đó, quý vị đang nghe tiếng thiền. Mới thấy, đối trước tất cả sinh hoạt hằng ngày, nếu quý vị vừa động mà phân tích thì bị âm thanh chi phối, theo đó chúng ta chỉ nghe được tiếng sanh tử của chúng sanh và đau khổ. Nếu ai khéo an tĩnh trở lại, chan hòa vui vẻ, không cần phải vội để ý mọi thứ thì tánh lặng sáng đó nó bàng bạc, khiến cho chúng ta bình thường trên mọi hoàn cảnh, luôn an lạc. Như vậy, trước các tiếng chửi rủa, nhục mạ, phỉ báng, cho đến các tiếng khóc, ồn, thô, xấu, nếu quý vị bằng một tâm thiền lắng đọng, giác sáng thì tất cả đều biến thành tiếng thiền. Nghe được như vậy thì dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào quý vị cũng luôn nghe tiếng thiền và chúng ta trở thành người hấp dẫn bậc nhất. Quý vị muốn trở thành người hấp dẫn bậc nhất thì phải khéo tu để nghe được tiếng thiền chứ không phải mua đồ trang sức đem về trang điểm cho hấp dẫn.
Nữ thí chủ lại hỏi:
- Việc thiền làm sao làm?
Thiền sư Vô Đức nói:
- Việc thiền là việc bố thí, việc từ thiện, việc phục vụ, việc hợp với Phật pháp.
Thấy ai đó sợ hãi thì mình giúp cho họ một lời an ủi, động viên. Gặp một cây gai hay cây đinh trên đường, tiện tay liền nhặt lấy để khỏi phương hại đến những người đi đường khác. Thấy một người già yếu ốm, mình liền đỡ nâng hay nhường chỗ ngồi. Gặp người gây gỗ rắc rối, mình liền mở rộng lòng bao dung không cố chấp hờn giận... Không phải đợi có nhiều tiền của mới có thể bố thí, từ thiện, phục vụ được. Chỉ cần tâm mình rộng lớn, luôn nghĩ lợi ích cho người khác thì bất cứ lúc nào mình cũng có thể làm được việc thiện. Từ những việc nhỏ thôi, nhưng nếu quý vị luôn luôn sẵn lòng để làm thì đó là chúng ta đã thực hành bố thí được rồi. Phước lớn không hẳn là do bố thí nhiều tiền của mà nó lệ thuộc vào tâm lượng của người làm việc đó lớn hay nhỏ hẹp. Thêm một yếu tố nữa. Nếu chúng ta bố thí, từ thiện, phục vụ rất nhiều mà tâm không an tịnh, thì chính những việc làm này sẽ khiến cho mình dễ sanh phiền não, thời gian sau chán nản, thối tâm, đó là thực hành chưa hợp với Phật pháp. Ngược lại, hằng ngày lúc nào chúng ta cũng làm những việc từ thiện đó, nhưng sống và làm với một tâm thái an tĩnh, nhẹ nhàng, sáng lặng thì dù hoàn cảnh có như thế nào, chúng ta cũng bình thường, cảm thông, hoan hỷ và tâm không hề thối chuyển, công đức thanh tịnh sẽ hồi hướng đến quả vị vô sanh nên đó là việc làm hợp với Phật pháp. Cho nên Thiền sư Vô Đức nói, làm việc thiền là việc bố thí, việc từ thiện, việc phục vụ, nhưng phải là việc hợp với Phật pháp.
Nữ thí chủ lại hỏi thêm:
- Tâm thiền là dùng cái gì?
Thiền sư Vô Đức nói:
- Tâm thiền là tâm người và ta nhất như, tâm thánh phàm một mối, tâm bao dung tất cả, tâm lợi khắp tất cả.
Khi nghe quý Thầy nói chuyện ở đây mà ngoài kia lại ồn nữa, nếu quý vị phân tâm để ý ngoài kia thì quý vị sẽ quên nghe ở đây, không biết quý thầy đang nói gì. Như vậy là tâm mình đã bị phân chia, có quý thầy, có người ngoài kia và có mình riêng nữa nên không được nhất như. Ngay đây, quý vị không thèm phân tâm để ý, chỉ an tĩnh trở lại thì thể tánh tự nó nghe một cách suốt thông, trùm khắp, không ngăn ngại. Tất cả mọi âm thanh quý vị đều nghe rõ mồn một, không động. Tất cả đang hiển hiện rõ ràng nơi chân trời tự tánh sáng lặng của mỗi chúng ta. Khi ấy ta và người, tâm và cảnh không phân hai, ngay đó là nhất như. Khi nghe giảng pháp mà chú tâm quá để nghe là quý vị đang căng thẳng, đang bỏ quên bản thể chính mình mà theo lời quý thầy giảng, đó là đang theo cái bên ngoài. Như vậy là có quý thầy đang nói và có quý vị đang nghe, vậy là chưa nhất như. Nếu quý vị không phân tâm và cũng không cần phải chú tâm quá vào những lời nói này, chỉ là an tĩnh trở lại thì tánh nghe mình tự nó nghe một cách rất rõ ràng, mỗi lời mỗi lời mồn một mà không hề động, ngay tâm đang lặng sáng đó thì người và ta nhất như. Cho nên khi tụng kinh, quý vị thường nghe quý thầy xướng câu: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch. Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”. Năng lễ là mình, sở lễ là Phật. Thể tánh Phật đã rỗng lặng, chúng cũng phải bằng một tâm an tịnh rỗng lặng nữa để lễ lạy Phật thì thể đại đạo tự thênh thang, lồng lộng, giao xen. Sự cảm ứng giữa đức Phật với mình mới thật rộng lớn không thể nghĩ lường được. Lâu nay chúng ta lạy Phật mà chưa hiểu đúng cho nên đa số đến lạy Phật là để xin đủ thứ, nào là thi đậu, nào là ăn nên, làm ra.... Vì lo cầu nhiều thứ quá nên tâm mình bị động, chưa không tịch (chưa rỗng lặng) nên không có cảm ứng. Mới biết, hễ vừa sanh tâm cầu xin là không có cảm ứng, nếu quý vị nào lễ Phật bằng tâm rỗng lặng, thanh tịnh, vô cầu thì Phật và mình sẽ có cảm ứng. Dụng tâm được như thế thì người và ta nhất như, tâm thánh phàm về một mối, đó là dụng tâm thiền.
"Tâm bao dung khắp tất cả". Hằng ngày quý vị khéo tỉnh trở lại rồi làm, luôn lặng sáng trên tất cả việc thì mình luôn được an vui, chan hòa, dễ dàng gần gũi, cảm thông và tha thứ cho mọi người nên tâm chúng ta luôn bao dung khắp tất cả. Sống được như vậy là đang dụng tâm thiền.
"Tâm lợi ích khắp tất cả". Bằng tâm thể sáng tịnh, niềm an lạc vô biên, chúng sanh vì quên tâm này nên khổ, muốn cho mọi người đều nhận ra và sống được an lạc như mình nên chúng ta luôn tích cực làm mọi việc vì lợi ích khắp tất cả mọi người. Làm được như vậy là đang dụng tâm thiền.
Như vậy thiền sư Vô Đức dạy: "Muốn trở thành người hấp dẫn thì phải tùy lúc, tùy nơi gần gũi chan hòa hợp tác với mọi người. Có đủ lòng từ bi thương xót như Phật. Nói một chút lời thiền, nghe một chút tiếng thiền, làm một chút việc thiền, dùng một chút tâm thiền, như thế sẽ trở thành người hấp dẫn."
Nữ thí chủ nghe xong, sửa đổi vẻ kiêu ngạo trước đó. Đối với mọi người không còn khoe khoang sự giàu có của mình, không còn cậy sự đẹp đẽ của mình, luôn luôn khiêm tốn lễ độ. Đối với quyến thuộc hết lòng bảo bọc thương xót, không bao lâu nổi tiếng là “Thí chủ có sức hấp dẫn nhất”.
Quý vị muốn trở thành người hấp dẫn thì phải thực hành như vậy. Thực hành được như vậy là quý vị sẽ có đầy đủ năng lực để vào đời làm tất việc bằng nguyện lực để được an vui chứ không phải bị nghiệp lực đẩy vào đời để chịu khổ. Cho nên, nếu bằng nguyện lực mà sống, bằng sự dấn thân, sự hy sinh, sự phát nguyện mà sống thì chúng ta sẽ có một cuộc đời an vui. Vui cho mình, vui cho người, giải được cái khổ đời này và mãi về sau nữa.
XI. Kết luận.
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nếu tâm dao động, lăng xăng, lộn xộn, rộn ràng thì chúng ta không có năng lực làm chủ được hoàn cảnh. Từ đó, chính mình không thoải mái, tâm hồn bị thu hẹp, không đủ lớn để làm lợi ích gì cho ai, chỉ biết có mình và ích kỷ nghĩ về cho riêng mình. Như thế, suốt đời chỉ sống bằng một cuộc sống chật hẹp, bị nghiệp trói buộc dẫn đến khổ đau. Ngược lại, trên tất cả mọi hoàn cảnh, nếu khéo lặng lẽ, tỉnh lại, giác sáng, quý vị khéo sống bằng tâm thiền, làm việc thiền, nói lời thiền, nghe tiếng thiền thì tự nơi mình có một năng lực rất diệu kỳ. Từ năng lực đó, trước bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng sống được bằng nguyện lực nên tâm mình ngập tràn lạc an, tỉnh sáng. Mỗi sáng thức dậy là một ngày mới ý vị, phấn khởi, an vui. Sống được như vậy thì hôm nay và mãi về sau, chúng ta luôn có được một cuộc sống an lạc cho chính mình và lan tỏa đến mọi người. Thực hành được như vậy thì quý vị mới thấy rõ việc đi chùa tu học mới có giá trị và lợi ích thiết thực.
Các bài mới
- Nghiệp từ đâu mà ra - 30/06/2014
- Tu có chuyển được nhân quả không - 07/04/2010
- Tập nghiệp - 24/09/2009
- Giải nghi về nhân quả - 25/03/2009
Các bài đã đăng
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 84508
- Online: 16