Ngộ là huyết mạch của Thiền

21/03/2013 | Lượt xem: 4062

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Đà Lạt

I, DẪN NHẬP

Hôm nay tại Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, chúng tôi sẽ nói với quý Phật tử một bài pháp rất cô đọng. Đó là “Ngộ là huyết mạch của Thiền”.
Nói đến thiền là nói đến ngộ. Ngộ là huyết mạch của thiền, là cốt lõi tinh hoa của đạo Phật. Trong cuộc sống tu hành, quý vị có giới, định, tuệ rồi nhưng khi chưa ngộ được tự tâm mình thì có những lúc mình giữ giới mà chấp thủ. Có nghĩa là thấy mình có giữ giới, thấy người khác không giữ giới được như mình nên bản ngã của mình tăng trưởng. Hay trong lúc hạ thủ công phu, đi sâu vào thiền định mà chưa phát minh được tâm địa,  chưa nhận ra con người chân thật của mình thì thiền định giúp mình được gì?
 
Ngày xưa, sau khi Thái tử Sĩ Đạt Đa đi tìm đạo thì gặp vị Kalama và đã chứng đến sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Nhưng vì không thỏa mãn được nên Thái tử tiếp tục đi tìm đạo, gặp vị thứ hai là Uất Đầu Lam Phất, đã chứng đến không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng cũng chưa thỏa mãn nên Ngài tiếp tục sáu năm khổ hạnh rồi cuối cùng là bốn mươi chín ngày đêm ngồi thiền định dưới cội cây Tất bát la. Khi sao mai vừa lên, Ngài có một sự chuyển hóa tâm thức lớn nên trở thành một vị Phật. Sau khi Đức Thế Tôn thành tựu đạo nghiệp, Ngài nghĩ rằng pháp này là pháp vô ngôn mà chúng sanh thì tham đắm dục lạc rất nhiều, không dễ gì tin được pháp này nên Ngài muốn nhập vào cảnh giới Vô dư y Niết Bàn. Lúc này Phạm Thiên ba lần thưa thỉnh thì Đức Thế Tôn mới dùng phương tiện để giáo hoá, ban đầu chỉ là giới, định, tuệ, cuối cùng thấy căn cơ đệ tử thuần thục rồi thì giữa hội chúng mới im lặng, đưa cành hoa sen lên, đó đích thực là Thiền tông. Trong pháp hội Linh Sơn, ai nhìn thấy cũng ngơ ngác, suy nghĩ không hiểu tại sao Phật lại giơ cành hoa sen lên mà không nói gì, mà suy nghĩ thì không còn trong cảnh giới thực tại của thiền nữa. Lúc này, chỉ có Tôn giả Đại Ca Diếp chúm chím cười, Đức Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm thật tướng vô tướng, nay truyền cho Ca Diếp”. Quý vị thử nghĩ trong pháp hội Linh Sơn đó, đại thánh chúng có con mắt pháp nhãn không? Không phải chỉ có Ngài Ca Diếp, mà tất cả các vị thánh tăng đều có cặp mắt pháp nhãn, nhưng vừa khởi niệm suy nghĩ thì liền không có mặt trong cảnh giới thực tại, chỉ có Ngài Ca Diếp là thấy được thực tướng của các pháp cho nên được truyền pháp. Cho nên tinh thần nhà Thiền là phải một phen chuyển hóa tâm thức, một phen ngộ thì mới gọi là người chân chánh tu thiền.
Như vậy chúng ta thấy giới, định, tuệ chỉ là phương tiện giúp hành giả đạt đến chỗ cứu kính, rốt ráo, đó là ngộ ra được chỗ diệu tâm chân thật của mình. Mặc dù là phương tiện nhưng nếu quý vị không giữ giới mà sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, uống rượu thì có ngộ được không? Không được. Còn nếu quý vị chưa từng thâm nhập vào cảnh giới thiền định, chưa từng phát minh được trí huệ thanh tịnh, gọi là chánh kiến Bát Nhã thì cũng không ngộ luôn. Cho nên vẫn phải nhờ 3 cánh cửa tam vô lậu học.
Quý vị thử nghiệm lại, trong cuộc sống tu hành này mà không nhận diện được thì nhiều khi mình tu mà không biết tu là gì. Bồ Tát Long Thọ nói: “Giới hạnh là da, thiền định là thịt, trí tuệ là xương mà ngộ được chân tâm là tủy”. Giới hạnh là da bọc ở ngoài, nhưng nếu lấy dao bỏ hết lớp da bên ngoài thì có sống được không? Không. Róc xương hay róc thịt ra cũng không sống được. Cho nên tuy rằng không phải là chỗ cứu kính rốt ráo nhưng bước ban đầu đòi hỏi quý vị phải giữ giới thanh tịnh rồi đi sâu vào thiền định, có một lúc nào đó quý vị nhận ra được rồi thì từ đây, không ai lừa được mình hết. Còn ngày nay, mình nói tu thiền tông nhưng nếu không tin sâu vào pháp này thì thấy bên ngoài có gì khác hay hay là quý vị chạy theo. Sáng Tần chiều Sở thì không bao giờ gặt hái được thành quả.
Trong Sử 33 vị Tổ có ghi: Một hôm, Tổ Bồ Đề Đạt Ma thấy cơ duyên sắp về Tây, Ngài gọi các đệ tử ra nói chỗ sở đắc của mình.
Ngài Đạo Phó bước ra đầu tiên, bạch:" Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, cũng chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo"
Chẳng chấp văn tự là sao? Nghĩa là Kinh giống như ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng nếu lìa ngón tay thì không thấy được mặt trăng. Nếu không có Kinh sách của chư Phật, chư Tổ hay Hòa Thượng hướng dẫn cho mình thì bảo đảm quý vị không biết đường hướng tu. Nhưng nếu chấp vào đó là chỗ cứu kính, rốt ráo thì đó là bệnh của người tu.
Tổ nói: "Ngươi được phần da của ta."
Đến lượt bà Ni Tổng Trì ra thưa: "Ngay chỗ hiểu của con giống như Tổ A Nan thấy được cõi Phật A Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại."
Tổ nói:" Ngươi được phần thịt của ta."
Ở đây rất là sâu. Ngài A Nan lúc này mới chứng quả vị thứ nhất là Tu đà hoàn, tức là mới kiến đạo thì sao mà thấy được cõi Phật A Súc, là cõi Phật bất động nằm về hướng Nam? Trong Kinh diễn tả, sở dĩ Tổ A Nan thấy được cõi Phật A Súc chỉ một lần, không bao giờ thấy lại là nương thần lực của Đức Thế Tôn mà thấy được cảnh giới bất động đó. Ở đây, tuy rằng mình nghe pháp này chưa hiểu, không nhớ gì cả nhưng quý vị cứ tin thật sâu pháp môn này, gia công tu tập thì có một lúc nào đó hụt cẳng, chuyển thân một cái rồi, dù chỉ một lần duy nhất, không được lần thứ hai thì cũng được phần thịt của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, còn hơn tụng kinh suốt ngày mà không biết gì hết. Pháp môn này là như thế đó. Quý vị tin được không? Thiền sư Phổ Chiếu nói: “Pháp này nghe mà không tin, không hiểu cũng còn hơn phước trời người. Học mà không chịu hành cũng là gieo cái nhân của Phật”. Cho nên quý Phật tử dù có bố thí, cúng dường cũng không bằng ngày hôm nay ngồi ở đây nghe pháp môn đốn giáo này. 
Ngài Đạo Dục ra thưa: "Năm ấm vốn không, tứ đại chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được."
Tổ bảo: "Ngươi được phần xương của ta"
Bốn đại là đất nước gió lửa. Năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Với cặp mắt Bát Nhã của Ngài Đạo Dục thấy được bốn đại, năm ấm vốn không thật có, hiện có, hiện không, hiện còn, hiện mất. Sau khi thấy tột như thế thì được phần xương của Tổ.
Cuối cùng, đến Ngài Huệ Khả, Ngài bước ra đảnh lễ Tổ ba lễ rồi lui lại đứng yên lặng.
Tổ nói: "Ngươi được phần tủy của ta."
Ngay chỗ không nói đó là vô ngôn, không còn gì để nói hết, còn nói là còn tạo tác, thì được phần tủy. Nhưng nếu bây giờ nghe trong Sử nói sao mà mình bắt chước y như vậy thì đó là pháp bắt chước, không phải là cảnh giới thực tại của mình. Cho nên đến với các Thiền sư, chỉ cần nhìn là các Ngài biết mình bắt chước, đuổi ra liền.Thiền là trong sự sáng tạo của mỗi con người chúng ta. Pháp môn Hòa thượng dạy đúng, tông chỉ không mất nhưng mà Thầy bước đi bước nào, mình bước đi bước ấy thì không có sáng tạo, mà như vậy thì chưa phải là chân chánh học thiền. Bên Ấn Độ, nói về cảnh giới thực tại của thiền thì các Ngài nói về cảnh giới siêu nhiên, mênh mông, bao la, bát ngát, về pháp giới tánh là như thế, như thế… Nhưng đến với Thiền sư Trung Hoa thì sao? Thần thông và diệu dụng, gánh nước, bửa củi …. Qua bên Nhật Bản thì không phải vậy, cắm hoa thiền, trà đạo thiền, kiếm đạo thiền. Còn qua Việt Nam lại khác, toàn là thơ văn. Hỏi: “Thế nào là gia phong của Hòa thượng?” Thiền sư trả lời: “Áo rách che mây sáng ăn cháo. Bình xưa tưới nguyệt tối uống trà”. Đó là thiền. Lấy ví dụ cho dễ hiểu, cái ly này đổ nước vào gọi là ly nước,  nhưng đổ vào cái lu gọi là lu nước, còn ở hồ thì là hồ nước, nhưng bản chất của nó là tánh ướt, nhưng tùy theo chỗ phương tiện thì nó có khác. Thiền cũng như thế. 
Cổ đức có nói:
“Vô tâm ấy chẳng phải là đạo,
Vô tâm còn cách một lớp rào”.

Vô tâm chưa phải là đạo, mới chỉ là chỗ yên tịnh, lặng lẽ nhưng chưa có cái dụng chiếu soi thì chưa phải là đạo, phải có cái dụng chiếu soi thật sự từ nội tại của mình, nhận được mà chiếu ra các pháp thì mới gọi là thiền đốn ngộ.
Trong Thủ thuật nhà thiền có ghi lại, có một vị quan tên là Tiết sử Lý Đoan Nguyện, công việc bề bộn rất nhiều nhưng tu hành rất tinh tấn, ông tu ngày tu đêm, quên ăn quên ngủ. Còn chúng ta bây giờ tu chơi chơi, một ngày nóng bảy ngày lạnh thì biết bao giờ tới được chỗ đó? Một hôm, Thiền sư Đạt Quán nhìn ông nói: “Nếu mà không phải sức thị hiện há được như thế, vì sao lại không có chỗ vào?”. Có nghĩa là ông tu tập như thế, nếu là người thường, chẳng phải là bậc tái lai vào cuộc đời này thì không tu được như vậy, nhưng tại sao lại chưa bước vào được cửa thiền.
Ông mới hỏi: "Bạch Hòa thường, thiên đường địa ngục có hay không? Thỉnh Thầy nói cho rõ."
Quý vị thấy không, tu như thế nhưng còn một cái nghi trong đầu, mà còn nghi thì còn chưa ngộ. Nhưng nhà Thiền bắt buộc mình phải nghi. Tiểu nghi thì tiểu ngộ, mà đại nghi thì đại ngộ. Nghe Hòa thượng nói câu gì đó, quý vị nghi thì đừng vội lên nhà khách hỏi quý Thầy, mà cứ ôm ấp khối nghi tại sao Phật nói như thế, tại sao Tổ nói như thế, tại sao Hòa thượng Trúc Lâm nói như thế?
Thiền sư Đạt Quán nói: "Chư Phật hướng trong không nói có như mắt thấy hoa đốm giữa hư không."
“Chư Phật hướng trong không nói có” là sao? Tức là trong cảnh giới thực tại không có một lời, không có một vật nào hết. Nhưng nếu giờ nếu chúng sanh nghe nói cái gì cũng không, buông luôn thì làm sao tu? Cho nên Phật mới hướng trong không mà nói có, đưa ra pháp thiện, pháp ác, có địa ngục, có Niết bàn, có sanh tử, có phiền não, có Bồ đề, có này có kia, có đủ thứ hết để chúng sanh sợ mà tu. Chúng sanh làm pháp thiện thì sanh thiên đường, làm pháp ác thì đọa địa ngục…Nhưng rồi cuối cùng thì “mắt thấy hoa đốm giữa hư không”. Bữa nào bệnh, quý vị nhặm mắt thấy hoa đốm loạn xạ trong hư không, nhưng khi mắt lành rồi còn thấy hoa đốm không? Cũng như lúc nằm mộng ngủ mê, thấy người ta rượt đuổi thì chạy, thấy gặp vàng thì mừng, thấy đủ thứ chuyện, nào thiện nào ác, nào có nào không, nào phải nào quấy nhưng khi giật mình tỉnh dậy thì không có gì hết, “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.
“Còn Thái úy trong có mà tìm không như mò trăng đáy nước”. Trong có là gì? Mình có sẵn tri kiến Bát Nhã, có đầy đủ năng lực như Phật, như Tổ mà trong có lại tìm không. Quý Phật tử trong lúc công phu tìm cái gì? Nếu tìm cái gì thì như mò trăng đáy nước, mà trăng đáy nước mò không được, nó là cái bóng thôi. Ngược lại, quý vị nghe nói vậy, về nhà nhủ thầm kỳ này phải ngộ mới được. Ngộ cái gì? Quý Phật tử tu một thời gian sẽ thấy, mình nói chiều nay ngồi nhất định phải định thì nó không định, rồi vào thất kỳ này quyết định phải ngộ đạo thì không ngộ được. Định thì nó tự định mà huệ thì nó tự huệ. Tự tánh tự định, tự huệ, có sẵn rồi nhưng từ vô lượng kiếp mình chất chứa rất là nhiều. Quý vị khi nào ngồi nghiệm lại sẽ thấy tâm mình không khi nào yên, lúc nào cũng suy nghĩ đủ thứ chuyện mà không buông được. Chưa nói đến đô la, hột xoàn, ngọc ngà châu báu mình không dám buông, mà ngay cả những thứ như ve chai, lông vịt có khi mình buông cũng không được. Không dám buông thì ngộ cái gì? Ngộ nghĩnh luôn thì có.
“Thật đáng cười, trước mắt thấy lao ngục không tránh, ngồi tâm nghe thiên đường muốn sanh, đâu chẳng biết vui sợ tại tâm, thiện ác thành cảnh. Thái úy nếu rõ tự tâm, tự nhiên không còn nghi gì nữa hết”. Nếu mà tột được tâm rồi thì không còn nghi gì hết, nhưng mà tâm thức mình biến hiện rất ngộ, quý vị nói cái gì cũng không, thôi làm ác đi thì có đọa địa ngục không? Chắc chắn sa đọa, bởi vì khi chết, tâm thức của quý vị chiêu cảm, biến hiện ra từng cảnh giới địa ngục tương ưng với những tâm niệm ác của mình.. Lúc này vừa khởi niệm thèm nước thì quỷ sứ rót nước đồng sôi, đói bụng quá thì ăn hòn sắt nóng. Rất là rõ, đừng cho rằng nói không thì muốn làm gì thì làm. Phải giữ giới, tu thiền định, phát huệ, giống như mình dọn sạch cỏ rác thì có những lúc hạt giống bồ đề đã gieo trồng mới mọc được.
Rồi ông thưa: “Tâm làm sao mà rõ?”
Bây giờ nói phải rõ tự tâm, nhưng tâm làm sao mà thấy được?
Lúc này Thiền sư nói: “Thiện ác đều chớ suy nghĩ”.
Ngay chỗ thiện ác bặt hết, đừng suy nghĩ, đó là diệu tâm của mình. Có một lúc nào đó, trong tận sâu thẳm tâm thức của thiền định, quý vị cũng có thể thấy được. Ngồi thiền có những lúc thiện không nghĩ, ác không nghĩ thì đó là diệu tâm của mình, nhưng vừa khởi đây là diệu tâm thì liền mất.
Ông hỏi tiếp: “Không suy nghĩ, tâm về chỗ nào?”. Quý vị ai biết tâm về chỗ nào?
Thiền sư gõ “Cốp”, nói: “Thỉnh Thái úy về nhà”.
Ngay chỗ không còn suy nghĩ nữa thì về nhà thôi chứ còn gì nữa.
Ngay lúc đó, ông liền ngộ được diệu tâm.
Có nghĩa là phải có một phen nghi hoặc, phải có một phen suy tư rồi phải có một phen thiền định sâu sắc, bỏ ăn bỏ ngủ thì mới có lúc đốn ngộ được diệu tâm.

II. THIỀN LÀ TÂM CHỨNG, KHÔNG PHẢI KHÁI NIỆM HAY LÝ LUẬN
Thiền Sư Na In nói: “Thiền không phải là một tôn giáo, một học thuyết, một khái niệm, một lý luận, những cái gì cấu tạo bằng ảo giác, bằng khái niệm, bằng lý luận thì thiền không có mặt”.
Tức là Thiên chúa giáo tu thiền cũng được, Hồi giáo tu thiền cũng được, tất cả con người có tâm thiền đều tu thiền được. Cho nên Thiền vượt thoát cả tôn giáo, không có một khái niệm, lý luận trìu tượng nào hết. Nhưng ngặt một điều, có những người có tâm thiền nhưng chưa bao giờ nhận ra được tâm thiền,
Có khi tu một thời gian, quý vị tranh cãi: Thiền là thế này, là thế kia nhưng như thế thì thiền không có mặt. Thiền là chỗ vô tranh, không có tranh cãi nhưng luôn ở trong chánh định.
Có một vị Tướng quốc đến Thiền sư Đại Huệ Tông Cảo xin xuất gia. Ông thưa với Sư:
- Bạch thầy! Hiện tại con đã từ bỏ hết tất cả danh lợi, giờ đây đối với con không còn gì quan trọng nữa, xin thầy cho con được xuất gia.
Thiền sư trả lời: Nghiệp ông tạo ở thế gian còn nặng nề, ông từ từ hãy xuất gia.
- Bạch Thầy, con đã buông hết tất cả rồi, vợ con thê thiếp, địa vị, của cải đều không thành vấn đề đối với con, xin Thầy cho con xuất gia ngay.
Sư vẫn bảo: Thôi hãy cứ từ từ rồi tính.
Quý vị xem trong Kinh điển Đại thừa, Đức Phật thời còn hành Bồ Tát đạo đã từng bố thí cả vợ, con, thành quách, đầu, mắt, tủy sống, … tất cả đều bố thí cúng dường hết. Nghe như vậy thì liệu mình có thành Bồ Tát được không?  Quý vị phải nhớ buông đây là buông trong tâm thức của mỗi hành giả. Tức là trong cảnh giới dục nhiễm, tâm tham dục thèm muốn quý vị phải buông. Buông tâm tham ái thì tức là bố thí vợ, bố thí chồng, buông tâm dục nhiễm thì tức là bố thí con. Chỉ cần buông bao nhiêu đó mà buông không được nói gì đến buông thực sự, mà trong cảnh giới thực tại của thiền bắt buộc người hành giả phải buông.
Một hôm, ông dậy rất sớm đến trong chánh điện lễ Phật. Ngài Đại Huệ thấy, bèn hỏi:
- Ông vì sao dậy sớm đến lễ Phật như thế?
Ông bắt chước dùng thi kệ thiền ngữ để đáp:
Vì trừ lửa trong tâm,
Dậy sớm lễ Sư trưởng.

Ngài Đại Huệ bèn cười, dùng kệ đáp lại:
Dậy sớm như thế ấy,
Chẳng sợ vợ ngủ người.

Ông vừa nghe, liền nổi giận mắng:
- Lão quái này, sao nói năng xúc phạm đến người quá vậy!
Thiền Sư Đại Huệ liền cười ha hả, bảo:
Nhè nhẹ phẩy chiếc quạt,
Tánh lửa đã bừng lên.
Tánh ông nóng như thế,
Sao bảo buông xuống sông?

Mình nói thì rất là hay, nhưng đụng chuyện thì không được như vậy. Như vậy, để thấy rằng nói thì đơn giản, nhưng hành rất là khó. Cho nên phải một phen đốn ngộ, một phen chuyển hóa nội tâm thì lúc này mới có chỗ đứng trong nhà thiền, từ đó một có một cái nhìn khác, không qua trung gian thiền định và trí huệ nữa.
Vào thời Đức Phật, có những người vào nghe một thời pháp liền chứng quả Tu đà hoàn. Có những lúc quý vị nhận ra được thân mình không thật, tâm mình không thật, hoàn cảnh không thật, con người không thật thì đó là ngộ. Còn đối với các Thiền sư, một khi ngộ thì trời đất rung chuyển hết, sáu phương chấn động. Không phải là sự rung chuyển, chấn động bên ngoài mà đó là sự rung chuyển, chấn động trong tâm thức. Những khái niệm mà ngày xưa quý vị nghĩ, giờ ngộ ra, tự nhiên quý vị có cái nhìn khác, mà chính cái nhìn khác đó là ngộ, là huyết mạch, là mạch máu của thiền. Cần nhất là chúng ta phải nhận được điểm này, còn không quý vị giữ giới, thiền định, trí huệ nhưng chưa chuyển hóa được thì vẫn là người đứng ngoài cửa.
Cho nên Lục Tổ Huệ Năng sau khi nhận được chỗ đó, một phen chuyển hóa rồi thì Ngài thốt lên:
“Đâu ngờ tự tánh mình vốn tự thanh tịnh
Đâu ngờ tự tánh mình vốn không sanh diệt
Đâu ngờ tự tánh mình vốn tự đầy đủ
Đâu ngờ tự tánh mình vốn không dao động
Đâu ngờ tự tánh mình hay sanh muôn pháp”.

Quý Phật tử có bao giờ “đâu ngờ” mà thấy mình vẫn còn tham lam, còn phiền não không? Cũng mấy cái “đâu ngờ” nhưng lại là đâu ngờ chuyện khác.
“Do đó Thiền đòi hỏi chúng ta phải thực nghiệm, muốn sống với thiền ta phải thực sống với chính mình, nhìn thẳng vào tâm mình, đào xới và thân chứng với tâm thái tự do và bất động đó”.
Có nghĩa là muốn sống với thiền, phải sống thực với chính mình. Thiền sư Đạo Ngộ nói: “Biết thì đồng với phàm phu, mà không biết thì đồng với gỗ đá. Ngay chỗ đó các ông phải làm như thế nào? Nói, nói!”. Thiền là như thế. Trong lúc ăn là phải có ánh sáng Bát Nhã chiếu diệu vào chỗ ăn uống đó, biết tất cả, nhưng trong đó không thêm một niệm thứ hai. Còn nhiều khi quý vị uống nước mà cũng không biết mình đang uống gì, bữa ăn nhìn không có chén tương, trái ớt mà mình đòi thêm là trật. Muốn được như thế phải luôn sống với chính mình, đào xới tâm thức mình thì có một lúc nào đó quý vị mới đốn ngộ vào cảnh giới thực tại này.
Vào đời nhà Tống, có vị cư sĩ Tô Đông Pha và Thiền sư Phật Ấn là hai người bạn thân. Tô Đông Pha có cái nhìn và hiểu rất sâu về thiền. Một hôm, ông có chỗ rất tâm đắc nên viết một bài kệ và sai người mang đến chỗ Thiền sư Phật Ấn:
“Đảnh lễ thiên trung thiên
Hào quang chiếu đại thiên
Tám gió thổi không động
Hoa sen tím ngồi yên”.

Thiền sư Phật Ấn không nói gì, ghi đằng sau: “Cục cứt, cục cứt” rồi gửi về lại.
Tô Đông Pha nhận được, tức giận hầm hầm, ngay lập tức liền đi thuyền qua sông đến gặp Thiền sư Phật Ấn hỏi cho ra nhẽ: “Tại sao tôi làm bài thơ này mà Ngài lại làm như vậy?”.
Thiền sư Phật Ấn cười, nói:
“Tám gió thổi không động
Cục cứt thổi qua sông”.

Cho nên Thiền là phải ngộ, thấy được từng tâm niệm của mình. Hành giả trong tâm thức của mình phải luôn khao khát đòi hỏi như vậy thì tu mới tiến. Cho nên trong nhà Thiền không đòi hỏi mình phải khái niệm, lý luận, làm thơ hay làm văn gì cả mà chỉ thực sống, thực tu. Ở Đài Loan có một vị là tiến sĩ Phật học, nhưng có lần con bà bị chết đuối, bà đau khổ đến mức muốn chết theo, có người đem việc này ra hỏi thì được Hòa thượng Tinh Vân trả lời rằng, đó là do học hiểu được nhưng chưa thực chứng được. Giống như quý vị đang đói thì dù ăn bánh vẽ có lớn đến mấy cũng không no. Quý vị phải tụng kinh, sám hối, giữ giới, thiền định, làm tất cả các thiện pháp để làm trợ duyên, rồi sẽ có một lúc nào đó đốn ngộ vào cảnh giới thực tại. Cho nên Thiền không phải là nói mà đòi hỏi phải tu.
Trong Thiền thoại có một câu chuyện: Có vị Tăng tên Thiết Chu hiểu rõ được lý Bát Nhã. Một hôm ông đến chùa Tướng Quốc nói với một Thiền sư Độc Viên: “Bạch Hòa thượng, con cũng không, Hòa thượng cũng không, nhà này cũng không, pháp giới cũng không, cái gì cũng không hết”. Sẵn cái dùi chuông, Hòa thượng liền đánh vị Tăng một cái “Bốp:. Vị Tăng tức giận thì Thiền sư liền bảo: “Nãy vừa nói không sao bây giờ lại có?”. Mình nói không cũng hay lắm, nhưng chưa từng thực chứng được cảnh giới không đó thì mọi hiện tượng đều là có hết. Cho nên Thiền bắt buộc mình phải ngộ nhập. Một lúc nào đó mà tâm thái mình lắng đọng, không còn tư duy về quá khứ, hiện tại, vị lai, có một phen chuyển thân rồi thì đó là huyết mạch của Thiền. Sống với thiền là sống chỗ đó.

III.NGỘ LÀ SIÊU VIỆT NHỊ KIẾN
.
Dung túng vọng tưởng tức là phàm phu”, chẳng hạn vọng tưởng nghĩ thiện, nghĩ ác, nghĩ có, nghĩ không, nghĩ phải, nghĩ quấy, nếu dung túng cho nó thì tức là phàm phu, nhưng “đoạn vọng tưởng là hàng Nhị thừa”, có nghĩa muốn làm sao đó chặt đứt vọng tưởng, đoạn sạch vọng tưởng. Còn pháp mà Hòa thượng dạy thì không qua hai cảnh giới đó. Theo tinh thần của Thiền tông, chỉ cần quý Phật tử liễu vọng, rõ biết thực tánh của vọng là không có thực thể. Thấy được như thế rồi thì không dung túng vọng tưởng mà cũng không đoạn trừ vọng tưởng. Một khi biết được rồi thì mới hay vọng tưởng này huyễn sanh thì cũng huyễn diệt. Trong cảnh giới không dung túng, không đoạn trừ vọng tưởng thì các Ngài sống đều trong giới, định, tuệ chứ không phải dung túng như phàm phu ở ngoài đời. Khổng Tử khẳng định rằng: “Ta mười lăm tuổi để trí hết vào sự học, ba mươi tuổi thì thông suốt, bốn mươi tuổi thì hết nghi, năm mươi tuổi thì thõng tay, sáu mươi tuổi thì biết được mệnh trời, bảy mươi tuổi tùy lòng muốn mà không ra ngoài phép tắc”. Liễu vọng tức là không dung túng, cũng không đoạn trừ vọng tưởng, nhưng vọng tưởng khởi lên thì có ánh sáng Bát Nhã chiếu vào, chiếu đến đâu tan đến đó. Quý Phật tử công phu một thời gian mới thấy, có một lúc nào đó mình chợt nhận ra được thì như Tổ Huệ Khả nói:
“Ba thuở tìm tâm, tâm chẳng thấy
Tấc lòng kiến vọng, vọng hoàn không.
"
Vọng không có thật, rõ ràng như thế. Quý vị để ý, bữa nào quý vị ra sông, nhìn xuống sông thấy cái bóng của mình, giờ làm gì để cái bóng đó đi? Cái bóng đó sanh từ đâu ra? Sanh từ tự thân của mình. Cũng vậy, những vọng tưởng điên đảo, những niệm tham dục, sân hận này nó sanh từ cái cội nguồn chân thật. Cho nên các Ngài mới khẳng định: “Phiền não tức bồ đề”. Chúng ta trong cảnh giới thực tại đó nếu có trí Bát Nhã chiếu vào thì “phiền não cũng tức là Bồ đề”, còn nếu không có trí Bát Nhã chiếu thì có khi “phiền não tức cành hông”.
Tu một thời gian theo phương pháp của Hòa thượng sẽ thấy mình không phải đoạn phiền não chướng mà vọng tình chuyển thành đại bi, còn vọng tưởng thì chuyển thành đại trí. Tinh thần của Nhị thừa là diệt hành ấm, nhưng hàng Bồ Tát lại lấy hành ấm làm chủng trí Bát Nhã, đi vào cuộc đời này để làm lợi ích cho chúng sanh. Trong thực tại, quý Phật tử tu nhưng vẫn bố thí, cúng dường, làm thiện, làm hết tất cả cho người chung quanh và nhân loại, những người khốn khổ mình sẵn sàng giúp, nhưng không chấp trước. Lúc này, những cái sở tri chướng, các hiểu biết, khái niệm, lý luận ngày xưa của mình bây giờ biến thành trí Bát Nhã để đi vào cuộc đời này. Cho nên Thiền sư Huyền Giác ngay lời đầu đã chỉ:
“Anh thấy chăng?
Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”

Cái chỗ tuyệt học vô vi, cái chỗ không làm đó gọi là đạo nhân nhàn. Có nghĩa là mình còn tìm cách diệt vọng tưởng, đoạn vọng tưởng, đè vọng tưởng thì chưa phải là đạo nhân nhàn. Còn ở đây nói là “quân bất kiến”, có nghĩa là thấy được từng tâm niệm, từng vọng tưởng mà thấu tột được từng tâm niệm, từng vọng tưởng thì đó là một phen chuyển hóa thành đạo nhân nhàn. Có những người ngồi thiền rất cực, mồ hôi chảy đầm đìa vì đang chiến đấu với hàng ngàn vọng tưởng. Tu một thời gian biết được phương pháp rồi thì rất là nhàn, cứ yên tâm tu hành, kiếp này không xong thì kiếp sau. Đây không phải chuyện nói chơi. Tức là nếu kiếp này không xong thì kiếp sau, quý vị phải y cái pháp liễu vọng này, không theo pháp nào khác hết thì chắc chắn quả Phật có phần. Còn sáng quý vị tu pháp này, chiều tu pháp kia, mai lại tu pháp khác, sáng Tần, chiều Sở thì vô ích, tu nhiều mà không được.

“Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân
 Vô mình thật tánh tức Phật tánh
Ảo hóa huyễn thân tức pháp thân”.


Chỉ là cái gì biết được cảnh giới đó, cái gì biết được có, cái gì biết được không, cái gì biết được nãy giờ vọng tưởng rất nhiều, cái gì thấu tột được bây giờ không còn gì nữa hết, cái gì thấy được chỗ đó? Như quý vị đứng ở trong nhà, khách vào biết, khách ra biết, cái gì cũng rõ biết hết.
Cái thân ảo hóa, hiện còn, hiện mất, có không này, ngay một phen nhận được chính là pháp thân. Ở đây nêu ra cho quý vị học mà chính bản thân chúng tôi cũng học. Phải có niềm tin sâu sắc nữa.
Cho nên trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Ấn Tông hỏi Lục Tổ: Huỳnh Mai phó chúc, việc chỉ dạy như thế nào?
Huệ Năng bảo: Chỉ dạy thì không, chỉ luận về kiến tánh, chẳng luận về thiền định giải thoát.
Chỉ luận về kiến tánh, chỗ thấy được từng tâm niệm, vọng tưởng, sự vận hành của tâm thức, nhận chỗ đó, chứ không luận về thiền định và giải thoát. Chỉ có lúc nào chúng ta đạt được chỗ này thì mới được an ổn, mới đi đứng được tự do, mới tin chắc vào pháp môn đốn ngộ này. Pháp môn này mười phương chư Phật để lại, quả tình như thế. Nếu không có Hòa thượng ra đời, bảo đảm quý vị không biết về pháp môn này. Pháp này không phải chuyện đơn giản, đến mức độ mà Lục Tổ dạy người đồng kiến đồng hành mới nói. Chứ nói mà người ta không tin, còn phỉ báng thì sẽ bị đọa địa ngục, rất tội. Nhưng tại sao hôm nay tôi nói? Là bởi vì quý Phật tử có tâm Phật, có tâm thiền thì lúc này quý Phật tử nghe sẽ tin, mà tin thì sẽ tu.
Ấn Tông thưa: Sao chẳng luận thiền định và giải thoát?
Huệ Năng bảo: Vì ấy là hai pháp, không phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai.
Hễ mà nói thiền định thì có loạn tưởng mới có thiền định, nói giải thoát tức là có mê mờ, đều là hai pháp hết.
Ấn Tông hỏi tiếp: Thế nào là Phật pháp là pháp chẳng hai?
Huệ Năng bảo: Pháp sư giảng kinh Niết Bàn, rõ được Phật tánh, ấy là Phật pháp là pháp chẳng hai.
Rõ tột được chỗ đó thì chính điểm đó là cội nguồn của mười phương chư Phật nói, chỗ đó là diệu pháp Ma ha Bát Nhã Ba la mật.
Trong Thiền thoại, có một cư sĩ đến hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Bạch Hòa thượng, tâm con dâm dục dẫy đầy, làm sao tu theo pháp môn này được?.
Tổ nhìn thẳng, nói: Pháp môn của ta, chẳng luận về dâm dục, chỉ luận về kiến tánh.
Có nghĩa là trong sự mê mờ của tâm thức, quý Phật tử vẫn còn thèm muốn một cái gì đó nhưng một khi kiến tánh rồi thì tất cả giống như hoa đốm giữa hư không. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta vẫn còn phạm lỗi rất là nhiều, có những lúc phá giới, phạm trai, nhưng một khi đã kiến tánh rồi thì không bao giờ bước vào cảnh giới thứ hai nữa. Chỉ luận về kiến tánh, luận về ngộ thôi, không luận về chỗ nhỏ nhặt nữa thì đúng pháp môn này.
Cho nên có những hành giả thao thức, mong muốn đạt đến chỗ này mà sau khi chợt nhận ra rồi thì chuyện ngày trước giống như hoa đốm giữa hư không. Chỉ Thiền này mới khẳng định được là “Buông dao liền thành Phật”, tức là nói về pháp môn đốn ngộ này, chứ đừng hiểu rằng mình giết người, cướp của rồi buông dao là thành Phật, không phải vậy. Buông dao thành Phật là phải có một phen chuyển hóa về nội tâm của chính mình.
Cho nên chỉ luận về đốn ngộ mới gọi là:
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

Chỉ luận về ngộ nên Lục Tổ khẳng định rằng
“An tâm tại vọng tình
Ngay đó lìa ba chướng”.

Ba chướng là gì? Là nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng. Mà an tâm ở đâu? An tâm tại vọng tình. Tức là ngay vọng tưởng điên đảo mình an thì không cần phải tìm an ở đâu hết. Ngay chỗ phiền não, chỗ xấu nhơ, chỗ khổ cực, ngay chỗ cùng khốn nhất của cuộc đời mình thì quý Phật tử an thân lập mệnh. Thiền là chỗ như thế. Chứ bây giờ quý Phật tử tìm Bồ đề ở đâu? Tìm giải thoát ở đâu? Muốn tìm an lạc, giải thoát thì chính ngay chỗ ồn náo, chỗ lộn xộn nhất thì an tâm tại vọng tình, ngay đó tức khắc lìa ba chướng. An tâm là chỗ đó chứ không phải ở đâu khác hết.
“Cho nên ngộ là thấy xuyên suốt động dụng của thân tâm”, tức là ngay chỗ động dụng của thân tâm, đi, đứng, nằm, ngồi, quý Phật tử phải xuyên suốt hết. Theo tinh thần của Thiền, đi biết rõ mình đi, đứng biết rõ mình đứng, tức là những động dụng của thân tâm, những cái vận hành trong nội tâm thì quý vị phải biết thì đó mới gọi là thiền.
Nãy giờ nghe nói như thế, nếu mình nghĩ về phải ráng ngộ thì Lục Tổ nói:
“Tình còn một niệm ngộ
Sao lìa kiếp mê xưa”.

Tình còn một niệm ngộ thì không đúng, Cho nên chúng ta khẳng định rằng: Vọng tâm dừng thì sanh tử hết, đó là con đường đó của các vị A la hán chứng quả vị vô sanh, còn đi vào con đường Phật quả thì không đi con đường đó mà là phải một phen chuyển hóa nội tâm thật sự.
“Động dụng của thức tâm rất là kỳ đặc như, sanh tử hết thì tác dụng của nghiệp không còn. Vì còn vọng tâm thì có vọng báo, mà có vọng báo thì có vọng luân hồi. Tức là có vọng tâm thì khi tác động của nghiệp đến, hoặc thiện hoặc ác thì tái sinh về cảnh giới tương ưng, làm thiện thì tái sinh về cảnh giới thiện, làm ác thì tái sinh về cảnh giới ác. Nhưng một phen chuyển hóa rồi thì tùy thân thọ dụng. Cái này phải tu tập nhiều kiếp mới được, nhưng ở đây chúng tôi vẫn nói là để chánh pháp nhãn tạng này ngày hôm nay được gieo trong tàng thức quý Phật tử, chứ không mai kia mình chết, ra đời không biết gì hết thì uổng.
“Như vậy thiền là sát na bất động”, mà trong khoảng sát na bất động đó, quý Phật tử phải một phen nhảy vào để lấy lại tự do trong cuộc sống đời thường này. Trong cảnh giới sát na bất động đó, dầu cho quý Phật tử trải qua vô số kiếp luân hồi, đã từng làm nhiều điều ác nhưng mà cảnh giới đều vô nhiễm, nhờ vô nhiễm nên ngày hôm nay quý Phật tử mới có duyên nghe pháp, học thiền để chứng ngộ con đường thiền này.
Tôi xin kể quý Phật nghe một câu chuyện về Chàng sĩ tử và cô lái đò. Ngày xưa có một ngôi làng nghèo, có một anh chàng rất thông minh, học đâu nhớ đó, được làng xóm bao bọc nuôi dưỡng để mai này lên kinh ứng thí, sau khi đỗ đạt về thì làng mới được mở mang, sung sướng. Học ba năm thì tứ thư, ngũ kinh đều thông suốt hết, anh lên đường ra kinh ứng thí. Trên đường đi thì đi qua một bến sông, có một cô lái đò hỏi, biết anh lên kinh thi liền cho một câu đối, nếu anh đối được thì cô sẵn sàng đưa anh qua bến sông mà không lấy tiền, còn tặng thêm một số tiền nữa. còn nếu không đối được thì phải hoàn trả số tiền lại. Anh rất tự tin nên đồng ý. Cô gái liền ra câu đố: “Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt”. Anh nghe xong, sửng sốt vì câu đố quá sâu sắc, có cái gì đó sâu kín, ẩn mật bên trong. Anh thẫn thờ từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối, người ta thương đưa đồ ăn anh cũng không ăn, câu đố lúc nào cũng nằm trong đầu. Mình tu thiền cũng phải nghi kiểu đó. “Hỏa tại thạch trung” là lửa trong đá, “trầm tích thủy” là chìm trong nước, ngàn năm không mất. Như vậy có nghĩa là gì? Cuối cùng anh chết mà vẫn không có lời giải. Sau khi anh chết, vào buổi chiều nào cũng vậy, dân làng đều nghe thấy bên bờ sông câu “Hỏa tại thạch trung trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt”, sợ quá bèn lập miếu thờ anh. Một hôm có một vị Thiền sư đến nghe câu chuyện xong, buổi chiều Ngài ra bờ sông, nghe thấy câu “Hỏa tại thạch trung trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt”, Thiền sư liền nói: “Nguyệt tại không trung chiếu nhân gian vạn cổ trường tồn”. Anh nghe xong, tức khắc siêu thoát. Lửa trong đá chìm dưới nước gì? Nước tham ái, nước vô minh, nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã chìm trong đó nhưng Phật tánh không mất, đủ duyên thì trăng trên trời chiếu xuống nhân gian, ngàn năm không bao giờ thay đổi. Vẫn còn đó nhưng sở dĩ chúng ta không thấy được là vì vô minh, tham ái, ngày hôm nay nhờ Hòa thượng chỉ dạy, mình biết mình có một cái thực tại tối hậu, làm chủ đi vào cuộc đời này.
Có những lúc mình nghe nói chân tâm, Phật tánh, chủ nhân ông, mình không hiểu Thiền sư đang nói gì. Tôi lấy ví dụ, cái micro này, cái quạt máy này, hay các thứ lỉnh kỉnh khác hoạt động được là do có nguồn điện, nhưng mình thì chỉ biết và chạy theo những thứ bên ngoài đó mà không biết được nguồn điện. Cũng như vậy, chúng ta có một chủ nhân ông bên trong phát ra mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý nhưng mình chỉ nhớ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chạy theo thức tâm phân biệt mà quên ông chủ, mà quên thì mình chìm đắm trong phiền não, chìm đắm trong vô minh.
Cho nên Tổ Lâm Tế khai thị: “Trong thân của chúng ta có một vô vị chân nhân thường ra vào nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta mà không ai nhận biết. Hãy mở mắt tâm mà xem”.
Sở dĩ chúng ta không ai nhận biết được là vì đánh mất chính mình, thậm chí có những lúc quý Phật tử ngồi thiền, đi kinh hành mà cũng không biết chính mình nữa. Mà sai lầm lớn nhất của đời người, đó là đánh mất chính mình. Còn bi ai lớn nhất của đời người là tự ti, mặc cảm. Có người nói: Con tu mấy năm trời mà vọng tưởng quá nhiều, ngồi thiền thì đau nhức không chịu nổi, pháp này cao quá, thôi con về tìm pháp nào khác để tu nhẹ nhẹ, làm phước, cúng dường thôi. Đó là bi ai lớn nhất của đời người. Quý vị tu đừng tự ti, mặc cảm, phải mạnh dạn lên.
Này các ông, chỉ như người đang nghe pháp hiện nay không phải là tứ đại của các ông, mà hay sử dụng tứ đại của các ông. Nếu hay thấy được như thế mới là người đi, đứng được tự do”.
Nghe thì mình thấy dễ mà sao tu khó vậy. “Không phải là tứ đại của các ông mà hay sử dụng tứ đại của các ông”, nếu mình chấp vào tứ đại này là thân thì không phải, mà bên trong có gì điều khiển nó? Hôm nọ chúng tôi đi đám ma, thấy người chết nằm thẳng đơ, mắt không mở được, ăn cũng không ăn được. Tại sao bây giờ mình còn sống mình biết ăn uống, biết ngửi, biết nếm, biết mở mắt, nhắm mắt? Như vậy phải có cái gì bên trong đó mà mình không thấy được. Trong cuộc đời này có rất nhiều điều khổ não, nhưng may một điều là chúng ta biết đạo, nhờ biết đạo mà mình biết tụng kinh, sám hối, tọa thiền để có vốn ngày mai ra đi. Thấu tột được chỗ đó rồi thì quý Phật tử đi vào cuộc đời này không còn sợ nữa mà đi đứng tự do, ung dung tự tại. Có những người sợ thị phi, hay cái sợ lớn nhất là sợ chết, nhưng nghiệm lại, pháp môn này nếu thấu tột được rồi thì không còn sợ gì nữa, kể cả cái chết.
Theo chỗ thấy của sơn tăng, không chán ghét pháp nào, nếu ông mến thánh thì thánh chỉ là tên suông. Có một hạng người học hướng trong Ngũ Đài Sơn tìm Văn Thù, sớm đã lầm rồi. Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn Thù, ông muốn biết có Văn Thù chăng? Chỉ là chỗ dùng trước mắt của các ông. Trước sau không khác, chỗ chỗ không nghi, đó là Văn Thù sống”.
Ngài chỉ rất là rõ, hướng trong Ngũ Đài Sơn tìm Văn Thù sớm đã lầm rồi, trong đó không có Văn Thù. Mà chính trong từng phút, trong từng giây, trong từng vận hành của tâm thức quý Phật tử không nghi một điểm nào nữa, đó là Văn Thù sống vì trở về căn bản trí. Trở về căn bản trí rồi, quý Phật tử ăn cũng có căn bản trí, uống cũng có căn bản trí, đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, động dụng đều có căn bản trí mà không nghi nữa, mà không nghi chính là Văn Thù sống, không tìm ở đâu nữa hết.
“Một tâm niệm sáng suốt không sai khác của ông, nơi nào cũng là chơn Phổ Hiền”, tức làm các hạnh, làm phước mà không chấp trước, không thủ không xả, không năng không sở, không chủ không khách, đó là Phổ Hiền có mặt.
Một tâm niệm tự hay mở trói tùy chỗ giải thoát của các ông, đó là pháp chánh định của Quán Âm hỗ tương làm chủ, làm bạn ra thì đồng thời ra, một tức là ba, ba tức là một, Hiểu được như thế mới cho xem Kinh”.
“Đại đức tìm vật gì? Hôm nay đạo nhân không nương tựa đang nghe pháp ở trước mắt rõ ràng phân minh, chưa từng thiếu thốn”.
Đừng có tìm vật gì, nãy giờ mình nghe pháp thì nghe bằng gì, ai biết? Nếu dùng lỗ tai mà nghe thì là bậc hạ, dùng tâm nghe pháp là bậc trung mà dùng thần nghe pháp tức là bậc thượng. Cái nghe và cái bị nghe đồng thời có mặt trong giờ phút thực tại, thì chính đó là người biết đang nghe pháp rõ ràng trước mắt của các ông.
“Nếu ông muốn cùng với Phật, Tổ không khác thì chỉ thấy như thế, chớ nên nghi ngờ. Ông tâm tâm không khác gọi là Tổ sống, tâm nếu có khác thì tánh tướng khác nhau, tâm nếu không khác thì tánh tướng không riêng biệt”.
Có nghĩa là muốn cùng với Phật, Tổ tương ưng thì tâm tâm không khác, nếu tâm khác thì tánh tướng khác nhau. Chẳng hạn quý Phật tử nghe cũng thấm lắm, nhưng ra ngoài cổng thì quên hết, phiền não vẫn là phiền não thì tánh tướng khác, còn nghe, tin chắc pháp như thế, mình phải tu như thế thì cùng với Phật, Tổ tương ưng.
Vừa nói xong, có một vị Tăng hỏi: “Người chân thật không ngôi vị là gì?” TS Lâm Tế nói: “Cục cứt khô”.
Chỗ này hay lắm, cho nên trong thực tại tối hậu của thiền là đều quét sạch, không có một tướng nào để chúng ta chấp thủ hết. Nghe “cục cứt khô”, quý Phật tử tá hỏa tam tinh thì ngay đó là thiền, là huyết mạch, là sự sống của thiền.
Thực tại tối hậu nằm ở đâu?
        Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
        Đêm hoa sân trước một cành mai

Từ đầu giờ đến cuối giờ cùng đại chúng ở trong mộng mà nói mộng, thật là quậy sông thành sóng, vết thương đang lành lại khoét thành máu chảy. Thật là đáng tức cười.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89351
  • Online: 62