Nhắc nhở đầu năm

19/02/2019 | Lượt xem: 2661

HT.Thích Thanh Từ

Đầu năm mới, người thế gian mừng tuổi nhau với mong ước gặp điều tốt đẹp may mắn, làm ăn phát tài thăng tiến. Người xuất gia chỉ mong có thời gian để rèn luyện thân tâm, trau dồi đức hạnh và làm tất cả Phật sự cần thiết. Một ngày sống là một ngày làm lợi ích cho nhiều người.


Vì thế ý nghĩa mừng tuổi đối với người xuất gia vô cùng quý báu. Nếu sự tu hành khá hơn, con đường đạo tiến xa hơn, Phật sự được hoàn tất khả dĩ xứng đáng để mừng thọ. Bởi vì thêm một tuổi không phải để thụ hưởng mà để phụng sự cho đạo pháp và cố gắng tu tập cho bản thân. Đó mới là ý nghĩa thiết thực của việc mừng tuổi. 

Nếu người tu không nắm vững chủ trương, chẳng những không được kết quả lại uổng đi một đời tu hành. Ai cũng biết tâm bệnh trầm kha của chúng sanh là mê muội, danh từ chuyên môn trong nhà Phật gọi là vô minh. Vì vô minh nên thấy cái giả cho là thật, thấy cái tạm bợ cho là bền vững. Từ sai lầm đó khiến tâm dính mắc với thân và cảnh vật bên ngoài, vọng tưởng hết chuyện này tới chuyện kia, không bao giờ an ổn.

Muốn bước vào cửa thiền phải nắm vững lý Bát-nhã. Bát-nhã là thanh kiếm trí tuệ có thể chặt đứt tất cả vướng mắc bằng hai cách:

Một, quán xét tường tận thân này chỉ là tướng duyên hợp hư giả không thật. Xét cho thấu đáo chúng ta sẽ thấy mọi phiền não, lo âu gốc đều từ chấp thân thật rồi lo lắng bảo vệ giữ gìn nó. Trong kinh Bát-nhã nói: “Sắc tức thị không” nghĩa là thân do tứ đại hợp thành hình tướng gọi là sắc, duyên hợp không có tự thể. Vì không có tự thể nên tánh nó là Không. Thấy rõ ràng như vậy thì không còn chấp sắc thân nữa.

Hai, đối với phần tâm gồm thọ, tưởng, hành, thức phải biết nó chỉ là tạm bợ, hư ảo. Ví dụ chúng ta đang vui bỗng có ai nói một câu xúc phạm liền nổi giận. Lắm người khờ dại đến nỗi thốt lên rằng sẽ giận người làm tổn thương mình ngàn năm không quên hoặc không đội trời chung. Họ cho rằng tâm sân lúc đó sẽ còn mãi, nhưng không ngờ nếu có người đến an ủi, giải quyết mọi khó khăn, đáp ứng những nhu cầu thì mình hết giận ngay. Cho nên buồn vui, thương ghét là duyên hợp hư ảo, có rồi mất, không thật. Như vậy nếu chấp thân tứ đại và tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, tức là đang mắc phải bệnh vô minh. Chỉ cần thấy rõ thân không thật, tâm tạm bợ là sáng suốt, đầy đủ trí tuệ Bát-nhã.

Sở dĩ tâm chúng ta chưa sáng, đang sống trong si mê vì luôn bị vọng tưởng điên đảo kéo lôi. Nếu biết dùng trí Bát-nhã quán chiếu sẽ không còn chấp thân tâm và cảnh. Vừa dấy niệm biết chúng là hư giả thì tự nó tan, hơn thua được mất không có gì đáng để lòng. Được như vậy là chúng ta đã bước vào cửa thiền bằng trí tuệ Bát-nhã. Đi trong sự sáng suốt giác ngộ, không còn vô minh tối tăm. Từ đó việc tọa thiền mới an ổn, không gì có thể kéo lôi hay làm ta xao động. Do đó bước đầu tiên chúng ta phải ứng dụng được trí tuệ Bát-nhã.

Thiền sư Duy Tín khi ngộ được tâm yếu nói rằng: “Trước ba mươi năm, tôi thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải là núi sông. Đến nay, qua ba mươi năm tôi lại thấy núi sông là núi sông”. Ngày trước vì chưa hiểu nên tôi thấy hơi ngạc nhiên, chư Tổ thường truyền bá thiền bằng cách chỉ thẳng tâm, trong trường hợp này ngài ngộ tâm tánh gì mà nói như vậy? Sau này tôi mới rõ ngài đã thấu triệt lý Bát-nhã, thấy hết thảy người, vật đều là duyên hợp hư giả. Thấu triệt chỗ đó rồi thì không gì có thể quấy động ta được. Càng thâm nhập lý Bát-nhã, tâm càng yên lắng, thanh tịnh. Thể chân thật hiện bày rõ ràng, gần gũi không xa lạ. Nhờ trí tuệ Bát-nhã phá sạch lầm chấp hư dối cho là thật nên tâm như như không còn biến động, vì thế ngài thấy núi sông là núi sông.

Ở đây, không đợi chư Tổ chỉ thẳng tâm tánh cho mình, tự mình phải phá dẹp hết hư giả do mê lầm tạo nên thì cái chân thật sẽ tự hiện. Chúng ta phải nghiền ngẫm và hiểu thấu đáo lý chân thật đó. Mỗi đêm nên tụng ít nhất một hoặc ba biến Bát-nhã để nhớ quán chiếu, chứ không nên tụng suông hoặc tụng để tăng phước. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, hành giả dụng công trong lúc ngồi yên, không tiếp duyên đối cảnh mà chỉ nhìn lại nội tâm. Trong trường hợp này ứng dụng trí tuệ Bát-nhã bằng cách, khi vọng tưởng vừa dấy khởi biết là hư dối liền buông không chạy theo. Đến lúc thực hành thuần thục, niệm vừa dấy chỉ cần nhìn lại thì nó mất. Tâm tự lặng, không cần đợi buông. Nhiều vị than thở ngồi thiền buông niệm này, niệm khác khởi lên thì có ích gì. Trong một giờ có khi chúng ta mất cả trăm lần vừa bỏ niệm này, niệm khác khởi rồi lại bỏ tiếp. Bởi quá nhiều lần nên quý vị tưởng mình tu không tiến nhưng thực sự đã có tiến rồi.

Khi mê tâm dấy nghĩ ta liền chạy theo, thí dụ vừa nghĩ về một người thân ở xa, tưởng tượng người đó bây giờ làm gì, vui hay buồn. Tuy nghĩ mất mười phút hoặc hai mươi phút, nhưng khi tỉnh vừa dấy nghĩ liền buông thì không mất thời giờ lại có lợi ích. Ngày trước vì huân tập trong tâm nên mới nhớ, bây giờ không huân thì không nhớ. Nhưng đáng thương cho chúng ta thường nhớ cái không đáng nhớ, quên cái không nên quên.

Giả sử mình với người có lời qua tiếng lại, tuy được thầy trụ trì hay thầy tri sự can ngăn, nhưng chúng ta không chịu để sự việc lắng xuống. Mai mốt tìm gặp huynh đệ kể đi kể lại chuyện đã qua. Vì nhắc tới nhắc lui nên nó càng in sâu trong tâm thức. Khắc càng kỹ càng khó bỏ. Nếu thực sự quyết tâm cũng có lúc bỏ được, nếu không như vậy sẽ không bao giờ hết. Chúng ta ngồi thiền để buông sạch tất cả vọng tưởng. Chừng nào ngồi được một hai giờ tỉnh táo, tâm lặng lẽ không còn một ý niệm, lúc đó đâu cần hỏi cái gì là ta.

Người khờ dại khi nghe nói đến tâm liền đinh ninh suy nghĩ tốt xấu, phải quấy là tâm rồi lao theo nó. Họ không biết rằng lúc không suy nghĩ, tâm yên lặng mà vẫn sáng suốt, thấy biết một cách rõ ràng mới là tâm thật của mình. Do chúng ta mải chạy theo sự sanh diệt của buồn thương, giận ghét nên luân hồi lưu chuyển không ngừng, tuy nhiên cái biết vẫn không bị tổn giảm. Ai cũng có sẵn kho trí tuệ gọi là Phật tánh mà lâu nay bị vô minh che lấp. Biết thân tâm sanh diệt không thật là hết sai lầm, không chấp trước, buông xả tất cả thì trí tuệ chân thật hiện tiền. Đó là kết quả tu hành trong lúc tọa thiền.

Điểm thứ ba, tu trong khi tiếp duyên xúc cảnh. Khi tiếp duyên xúc cảnh phải dọn sạch sáu căn không cho dính với sáu trần. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi... đều không dính mắc, tức là gỡ hết tất cả trần. Pháp trần không dính mắc, tâm liễu liễu thường tri, hiện tiền không vắng thiếu. Đó là chỗ chúng ta phải nhận chân được. Tổ Huệ Khả khi nhận được tâm yếu nơi Tổ Bồ-đề Đạt-ma, biết lối vào từ đó miên mật hành trì. Thời gian sau, ngài trình với Tổ Đạt-ma rằng: “Con bặt hết các duyên”, tức là dứt hết các duyên, không còn bất cứ ràng buộc nào. Tổ bảo: “Coi chừng rơi vào không”. Ngài thưa: “Rõ ràng thường biết, làm sao không được”. Ngay đó Tổ hứa khả: “Ông được như thế, ta được như thế, chư Phật cũng như thế”.

Như vậy, khi tâm chúng ta không còn dính với sáu trần mà vẫn thường biết rõ ràng là chỗ chư Phật, chư Tổ đã được và chúng ta cũng có thể được. Đây là điểm cứu kính trên đường tu. Chúng ta phải nắm chắc căn bản sự tu trong khi ngồi thiền cũng như lúc đối duyên xúc cảnh. Muốn công phu tăng tiến, trước phải lấy trí Bát-nhã quán chiếu thấy thân tâm và cảnh đều huyễn hóa. Nếu không biết bản chất của chúng vốn hư dối thì đối với sáu trần nhất định sẽ bị dính mắc.

Thiền sư Đạo Tín lúc còn làm Sa-di mười bốn tuổi gặp Tổ Tăng Xán cầu xin pháp môn giải thoát: “Bạch Hòa thượng, xin từ bi ban cho con pháp môn giải thoát”. Tổ nhìn thẳng vào ngài bảo: “Ai trói buộc ngươi?”. Câu hỏi của Tổ làm ngài Đạo Tín sửng sốt, tìm kỹ lại một lúc rồi thưa với Tổ: “Không ai trói buộc”. Tổ bảo: “Đã không trói buộc, đâu cần cầu giải thoát”. Ngài Đạo Tín ngay đó liền đại ngộ. Thật đơn giản! Không ai trói buộc thì cầu giải thoát cái gì? Nghiệp là nhân tố dẫn chúng ta đi trong sanh tử luân hồi. Khi tìm lại tập nghiệp thấy nó không thật. Biết nghiệp không thật, buông tất cả suy nghĩ phân biệt, không chấp giữ tức là hết trói buộc, tự giải thoát.

Trong bài Sơn phòng mạn hứng, Sơ tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà viết:

Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,

Bất phàm hà tất mích thần tiên,

Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,

Y cựu vân trang nhất tháp thiền.

Dịch:

Ai trói lại mong cầu giải thoát,

Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên,

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,

Như cũ vân trang một chõng thiền.

Chúng sanh vốn sẵn có tánh Phật, do nghiệp tập hư ảo che khuất khiến tâm luôn luôn bất an, tự mình trói buộc mình vào đau khổ. Chỉ cần không dính mắc, không mong cầu gì khác, xoay trở về tâm chân thật thì tự tại. Tất cả mọi loài trên thế gian đều trải qua quy luật sanh già bệnh chết do vô thường chi phối. Như hình ảnh vượn, ngựa, người hiện tướng nhọc nhằn, mệt mỏi để cuối cùng đưa đến già nua, suy kiệt. Duy chỉ còn nguyên một chõng thiền trong ngôi nhà nhỏ trên núi. Mặc cho cuộc đời biến chuyển, con người đổi thay từ trẻ đến già nhưng ở đó tâm người ngồi trên giường thiền vẫn không có gì thay đổi. Điều này nói lên dù thế gian có muôn ngàn biến chuyển, nhưng người đạt được tâm chân thật thì trước sau như một, không bao giờ đổi dời. Được như vậy là giải thoát sanh tử, không còn bị luân hồi chi phối.

Hôm nay nhân đầu năm, tôi kính chúc tất cả Tăng Ni hãy cố gắng tu và sống đúng với những gì Phật Tổ đã chỉ dạy.

Các bài mới

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05699
  • Online: 22