Nhắc Nhở Tăng Ni Trong Ngày Tự Tứ

09/08/2024 | Lượt xem: 1536

HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay nhân ngày mãn hạ, tôi trở về thăm thiền viện Thường Chiếu, tất cả Tăng Ni quy tụ về đây mừng khánh tuế tôi. Do đó tôi sẽ nhắc lại vài điều thiết yếu để quý vị nhớ và tinh tấn tu hành.

Trước hết nói về ngày Tự tứ. Chữ tự là mình, chữ tứ là thỉnh cầu các bậc thầy hướng dẫn tu trong ba tháng, nếu thấy nghe nghi mình có lỗi xin quý ngài từ bi chỉ dạy. Mỗi người tự xét lại, nếu phạm lỗi đúng như vậy thì thành tâm sám hối. Cho nên tinh thần Tự tứ hết sức cao đẹp. Người chỉ lỗi không đợi thấy mới chỉ, mà nghe ai nói hoặc nghi ngờ cũng cứ chỉ. Một vị Tăng cũng như một vị Ni, với tâm thành khẩn tha thiết cầu xin chỉ lỗi như thế, có thể làm tiêu tan hai điều xấu chứa chấp từ thuở nào.

Thứ nhất, chúng ta quen thói có lỗi muốn che giấu không cho người khác biết, đó là căn bệnh muôn đời. Trong nhà Phật thường thí dụ, người có lỗi che giấu chẳng khác nào che giấu mụt ghẻ mủ, không chịu mổ. Lâu ngày mụt nhọt làm hư thối thịt, thậm chí có thể đi tới chết. Như vậy che giấu là tai họa nuôi dưỡng mầm bệnh trở thành ung thư không ai cứu được. Cho nên ngày Tự tứ chúng ta cầu mong người khác chỉ dạy để sửa đổi là dẹp được bệnh che giấu.

Thứ hai là bệnh ngạo mạn. Nghĩa là lúc nào cũng thấy mình hơn người, không bao giờ chịu dở, thấp kém, thua thiệt. Vì thế vừa nghe ai nói xấu, chỉ bày cái dở là nổi giận đùng đùng. Từ đó thiêu đốt, phá hoại hết tất cả công đức trên đường tu hành. Đây là hai căn bệnh trầm trọng. Người ôm ấp tâm ngạo mạn là bản ngã cao, tu tập không bao giờ đạt kết quả, vì không hợp với pháp vô ngã của Phật. Càng tu càng xa rời chánh pháp, càng đi ngược những gì đức Phật đã dạy. Đồng thời làm cho Phật pháp suy đồi, Tăng Ni phải ly tán.

Do đó Tự tứ là ngày chúng Tăng tự biết thỉnh cầu thầy hoặc huynh đệ đi trước chỉ bảo lỗi lầm của mình để sám hối. Chừa được những điều đó tâm sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đây cũng chính là ý nghĩa cúi thấp mình, không tự cao tự đại. Cho nên Tự tứ là ngày quan trọng trong nhà Phật. 

Đức Phật gọi tự tứ là ngày chư Phật hoan hỷ. Ngài hết sức hài lòng với tinh thần Tự tứ vì đó là ngày chúng đệ tử biết y theo lời Phật dạy dẹp bỏ phiền não, phá trừ ngạo mạn. Vì thế Ngài chọn lễ Tự tứ đúng vào ngày Vu Lan, xá tội vong nhân hoặc giải đảo huyền, tức mở sợi dây treo ngược, dạy tôn giả Mục-kiền-liên làm lễ cúng dường chúng Tăng, cầu nguyện mẹ được thoát khổ.

Tại sao Phật không chọn những ngày bình thường mà phải là ngày Tự tứ? Bởi vì ngày thường ít nhiều chúng ta cũng có phiền não chưa giải trừ được. Nếu ôm ấp gìn giữ những thứ đó thì tâm không thanh tịnh, cầu nguyện cho ai cũng không được kết quả tốt. Đợi ngày Tự tứ toàn thể Tăng Ni với lòng thành kính yêu cầu chỉ lỗi và tâm thấp mình khiêm hạ, không còn bản ngã để nhận lỗi là gốc của tâm thanh tịnh, được như vậy lời cầu nguyện mới có giá trị.

Tâm thanh tịnh hướng về chỗ nào thì chỗ đó sẽ được lợi lạc. Dù bà Thanh Đề ôm ấp phiền não tham lam, nhưng với tâm thanh tịnh của chúng Tăng hướng về bà, khiến bà cũng được thanh tịnh. Tất cả nghiệp chướng trầm luân, đọa lạc trong loài ngạ quỷ ngay đó tiêu tan và bà được sanh lên cõi trời. Nhân Tự tứ thanh tịnh của chúng Tăng kết tụ thành quả lớn lao là lễ Vu Lan. Ngày mà tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử hướng về cầu nguyện cho hết thảy vong linh. Với tinh thần thanh tịnh cầu nguyện thì tất cả vong linh đều được thanh tịnh, cho nên đó là ngày xá tội vong nhân.

Với ý nghĩa thâm trầm và giá trị cao thượng của ngày Tự tứ, Phật dạy dồn hết công năng của chư Tăng cứu độ vong linh, tất cả cửu huyền thất tổ được siêu thăng cõi Phật. Nhưng gần đây mỗi lần Tăng Ni làm lễ Tự tứ, tôi cảm thấy chưa ổn trong lòng. Bởi vì theo lời yêu cầu tha thiết của Tăng Ni là “hòa thượng hay thượng tọa nếu thấy con có lỗi, nghe con có lỗi, nghi con có lỗi, vì lòng từ bi thương xót chỉ cho, con xin thành tâm sám hối”. Thế nhưng, quý ngài ngồi suốt một buổi không thấy chỉ lỗi nào, cái gì cũng tốt. Như vậy không đáp ứng được lời cầu thỉnh của Tăng Ni, chỉ mang tính cách hình thức máy móc mà thôi. Đó là điều tôi thấy không vui, cứ như vậy hoài e rằng ý nghĩa Tự tứ của đạo Phật sẽ không còn giá trị và lợi lạc nữa. 

Chính chỗ này khiến tôi phải suy nghĩ, muốn cho Tăng Ni tăng trưởng phước đức, tăng trưởng đạo tâm thì phải có cách. Nếu ngày Tự tứ một hai trăm chư Tăng hoặc chư Ni, mỗi người trình lỗi thì chừng nào mới xong? Cho nên tôi chủ trương Tăng Ni phải làm lễ Thỉnh nguyện mỗi tháng một lần. Tinh thần lễ Thỉnh nguyện y cứ theo lễ Tự tứ Phật dạy.

Thiền viện mỗi tháng hoặc nửa tháng một lần phải có lễ Thỉnh nguyện. Thỉnh là cầu thỉnh, nguyện là nguyện sửa đổi. Tức là cầu xin bậc thầy hoặc huynh đệ thấy mình có gì xấu dở, chỉ giùm để sám hối cho tiêu hết tội lỗi. Nếu ngày Tự tứ Phật đại hoan hỷ thì ngày Thỉnh nguyện Phật cũng tiểu hoan hỷ. Bởi vì thấy đệ tử mỗi tháng đều cầu xin chỉ lỗi, tức là tránh được hai tội che giấu và ngạo mạn, trên đường tu nhất định có tiến.

Chủ trì một buổi lễ Thỉnh nguyện, tôi cảm động vì thấy những vị như Trụ trì, Quản chúng cầu xin thầy và đại chúng nếu thấy lỗi chỉ cho. Theo luật thường thì Sa-di không được chỉ lỗi Tỳ-kheo. Nhưng ở đây vị Trụ trì yêu cầu chúng chỉ lỗi thì thật là thấp mình. Hạ thấp mình xuống để cho bản ngã không còn cao là một lối tu thực tế, không phải chuyện thường. Vì thấy tinh thần thỉnh nguyện hay và cao quý, nên tôi ứng dụng cho Tăng Ni trong các thiền viện giống với ý nghĩa lễ Tự tứ hằng năm.

Như vậy một năm đức Phật hoan hỷ một ngày, còn chúng ta ở thiền viện tối thiểu cũng làm cho Phật tiểu hoan hỷ 12 ngày. Ý nghĩa Tự tứ cao thượng, quý báu nên mới gọi là ngày Phật hoan hỷ. Vì thế nếu làm theo kiểu máy móc lấy lệ thì Phật không thể vui được. Điều này rất quan trọng.

Phật dạy chúng ta tu để tiêu diệt phiền não thì tâm thanh tịnh, trí sáng suốt. Trên đường tu nếu mình không tự thấy lỗi phải nhờ huynh đệ chỉ giùm. Đó là điều hết sức thiết yếu. Thật ra nhiều khi mình có lỗi còn không muốn nhớ. Ai nói trái ý nổi giận la một hồi rồi giả bộ quên, thấy mình dường như rất tốt và thanh tịnh chứ không dám nhớ hồi nãy sân giận. Đối với người khác, cái dở của họ mình lại nhớ hoài.

Người thật tu là luôn luôn thấy lỗi của mình để chừa bỏ và sửa đổi. Nếu không tự thấy phải nhờ thầy bạn chỉ cho. Được thầy bạn chỉ mà buồn giận là chưa thật tu, chỉ cầm chừng cho có hình thức, tu lấy lệ để được Phật tử ủng hộ thôi. Người thật tu khi được thầy bạn chỉ lỗi phải hoan hỷ nhận, sám hối, chừa bỏ thì mới tiến.

Huynh đệ nào can đảm chỉ tật xấu của người khác là người tốt. Những người được chỉ lỗi mà nổi giận, hờn ghét, kiếm chuyện cự lại, hoặc không dám cự lại vì sợ tội nên ôm ấp phiền não trong lòng là người không biết tu. Đã không biết tu mà ở trong đạo thì không có lợi gì cho mình cũng như cho người. Tăng Ni nên nhớ mình chưa phải là thánh, đương nhiên vẫn còn sai lầm, thiếu sót. Được thầy bạn chỉ cho biết, chúng ta phải hoan hỷ cung kính nhận lỗi và sửa mới là người chân tu.

Phật dạy thân tứ đại, năm uẩn này là vô ngã, nếu chúng ta cho là thật thì mê muội chưa sáng suốt. Ngã không phải chân thật mà mê lầm nhận cho nó thật, là gốc của luân hồi sanh tử. Cho nên Phật dạy phải thấy năm uẩn là vô ngã, không thật, từ đó mới có thể gột sạch phiền não. Nếu thấy nó thật thì phiền não không bao giờ hết, tu không bao giờ được giác ngộ.

Mỗi đêm chúng ta tụng kinh Bát Nhã có câu: “Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã ba-la-mật-đa, ngài soi thấy năm uẩn đều không liền qua hết thảy khổ ách”. Năm uẩn đều không tức là vô ngã. Bởi vì nó không có chủ thể, không có cái ta thật nên gọi là vô ngã. Thấy rõ ràng như vậy thì mọi khổ ách đều qua hết. Tụng đi tụng lại Bát Nhã nhiều lần để chúng ta nhớ mà tu.

Nhiều người cạo tóc, mặc áo nhuộm, ở chùa ăn chay mà cái ngã chưa tiêu bao nhiêu. Nếu nhỏ ít ra cũng bằng sân chùa Thường Chiếu, còn lớn hơn thì bằng núi Thị Vải. Cứ ôm ấp cái ngã như vậy chừng nào giải thoát sanh tử, chừng nào sạch hết khổ đau? Tất cả Tăng Ni tha thiết tu hành để được giải thoát sanh tử thì những điều tối quan trọng đó phải thấy, chứ không có quyền bỏ lãng qua một bên, nuôi dưỡng mê lầm, tự mình chuốc khổ và làm khổ lụy cho nhiều người.

Thật ra trong giới tu hành, một trăm người chưa chắc được chục người hạ thấp bản ngã. Bởi vậy chúng ta phải can đảm nhận hiểu đạo lý chân chánh của Phật rồi ứng dụng tu mỗi ngày. Không nên chỉ đọc câu kinh bài kệ cho êm tai mà phải thâm nhập, thấm nhuần lời Phật dạy để chừa bỏ cái ngã của mình. Bản ngã do mê lầm chấp ngũ uẩn làm ta là đáng chê trách. Phải thấy rõ nó là tướng duyên hợp không thật để không tự cao, ngã mạn. Tất cả tâm ấy sạch hết thì trên đường tu mới hoàn toàn thanh tịnh. Từ tâm thanh tịnh đi đến giải thoát sanh tử. Đó là lẽ thật không nghi ngờ.

Tăng Ni hiểu được ý nghĩa Phật hoan hỷ trong ngày Tự tứ, ứng dụng tu cho đúng thì giá trị sự tu ngày càng cao, đức hạnh ngày càng tăng trưởng. Như vậy mới xứng đáng là đệ tử của Phật, mỗi năm qua một mùa An cư tăng thêm một tuổi công đức. Nếu không như vậy chỉ là người làm lấy lệ, làm trò hề. Đã không có lẽ thật dù làm 10 lần, 20 lần, 50 lần cũng không có ý nghĩa và kết quả chút nào.

Mong rằng Tăng Ni ghi nhớ, thấm nhuần ý nghĩa hoan hỷ của đức Phật rồi ứng dụng tu. Nhờ tu mới thoát khỏi mê lầm được giải thoát sanh tử. Đó là chỗ tôi trông mong chờ đợi nơi quý vị.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05117
  • Online: 26