Nhân duyên và oan khiên
05/11/2015 | Lượt xem: 8391
ĐĐ.Thích Tâm Hạnh
Như thường lệ, hôm nay là định kỳ sinh hoạt Phật pháp, quý Thầy sẽ nói chuyện với toàn thể quý Phật tử đề tài là “Nhân duyên và oan khiên”. Đề tài này quen thì cũng quen, mà lạ thì cũng lạ phải không? Có nghĩa là lúc nào mình nhớ thì thấy rất quen, nhưng lúc nào quên, mình tạo oan khiên thì nó vẫn là lạ.
Quý vị thấy trong cuộc sống hằng ngày, khi tương giao tiếp xúc với mọi người, có phải ai cũng đều giúp đỡ mình, làm cho mình vừa ý hài lòng hay có người thì thuận theo mình, có người lúc nào cũng chực chờ tìm cách quấy phá? Đó là về lĩnh vực mọi người đối với mình. Bây giờ trên cùng một người nào đó đối với mình, thì không phải lúc nào người đó cũng thuận theo mình, làm cho mình vừa lòng mà có khi vui, có khi buồn. Còn mình đối với mọi người thì sao? Có những người tuy mình chưa gặp lần nào nhưng vừa thấy thì như là thân quen từ hồi nào, nhưng cũng có những người mình chưa bao giờ biết họ mà không biết tại sao vừa gặp mặt đã không ưa rồi. Như vậy mới thấy, mọi người đối với mình, người thì hài lòng, người lại có ác cảm đối với mình. Rồi ngược lại, mình đối với mọi người cũng vậy, có người mình vừa trông thấy là hài lòng nhưng cũng có người vừa trông thấy là ghét rồi. Vậy đặt lại một câu hỏi: Tất cả nguyên nhân đó từ đâu? Tại vì trong những kiếp quá khứ, mình đã gây tạo những nhân duyên phức tạp, thuận nghịch với nhau. Đời trước nếu mình tạo duyên thuận thì đời sau ra đời, gặp lại thấy có cái gì đó gần gũi thân quen, còn nếu đời trước mình tạo duyên nghịch thì đời sau sanh ra gặp lại mình không thích. Đó là nói qua về cái tổng quan.
Bây giờ thực tế nhất là soi lại nơi chính mình thì sẽ thấy nhân duyên tác động đến mình như thế nào. Như có người mình chưa bao giờ gặp mặt, họ cũng chưa bao giờ gặp và nói chuyện với mình, nhưng tình cờ vừa trông thấy thì có một cái gì đó làm cho mình khó chịu ở trong, giống như không ưa vậy thôi. Mình phải xét lại ngay nơi mình tại sao lại có phản ứng vô cớ vậy, nếu nhìn sơ qua mà không xét thì thấy rất kỳ lạ và vô cớ. Khi quý vị vừa thấy một người mà đã không ưa thì có phải có một cái cảm quan bên trong tác động đến mình? Cảm quan có nghĩa là một cảm giác, một cái gì đó báo bên trong mà mình không nhận định được rõ ràng, nó tác động đến tâm mình, khiến mình có phản ứng là không thích người đó mà không hề biết nguyên nhân tại sao. Nhưng cảm quan từ đâu mà có? Do nghiệp thức bên trong báo ứng ra, giống như một làn điện phát ra nhưng mình bị hòa lẫn với nó nên không thấy được. Nghiệp thức đó là do trong cuộc sống tương quan với nhau từ quá khứ, chúng ta đã gây tạo và nó được gieo trong tàng thức, bây giờ mình mang nghiệp thức này tái sanh trong đời sau thì nghiệp thức đó trở thành một cảm quan báo ứng, làm cho mình nhìn người thì có cảm giác là ưa hay không ưa.
Quý vị cũng biết, tất cả chúng ta không phải mới sanh ra và gặp nhau ở đời này mà trong vòng luân hồi, mình đã trồi lên lặn xuống và gặp nhau rất nhiều lần rồi, trong sự tương quan với nhau ở những kiếp quá khứ đó, hoặc vô tình hoặc cố ý, mình đã gieo những duyên thuận và nghịch với nhau, tạo thành những chủng tử huân giữ trong tàng thức của mình, từ đó tạo thành nghiệp và kết duyên cho nên hôm nay mới gặp nhau. Mà khi gặp lại thì những nghiệp thức đó sẽ sống lại, tùy thuộc vào những chủng tử nghiệp khác nhau mà mình có những cảm quan khác nhau, hoặc là ưa hoặc là ghét.
Qua đó chúng ta thấy, tất cả chúng ta gặp nhau trong cuộc sống hằng ngày, trong cùng một pháp hội… đều có nhân duyên chứ không phải ngẫu nhiên mà gặp, nhưng sở dĩ chúng ta cho là ngẫu nhiên vì con mắt phàm của mình không có khả năng thấy rõ nhân duyên từ kiếp trước, chứ thực sự nếu quý vị nào tinh tế nghiệm lại nơi nội tâm mình thì cũng thấy được sự tương duyên này. Cho nên Ngài Huệ Nam Hoàng Long từng nói:
Thuyền lẻ cùng qua sông
Còn có nhân đời trước
Ba tháng hạ cùng ở
Đâu không duyên nhiều đời.
Những người cùng trên một con thuyền đi qua sông cũng là có nhân duyên từ đời trước chứ không phải ngẫu nhiên, như vậy thì một đại chúng cùng nhau an cư kiết hạ và cùng ở trong một pháp hội thì đâu không phải là nhiều đời rồi mình đã từng gieo tạo nhân duyên với nhau, cho nên hôm nay mới cùng chung một pháp hội và tu hành với nhau.
Rồi đến những tương quan khác trong cuộc sống như cha mẹ, anh em, con cái cũng đều là có nhân duyên với nhau. Quý vị tụng kinh báo hiếu có câu là:
Bao kiếp duyên cùng nợ
Ngày nay mới vào thai.
Bao kiếp rồi duyên với nợ mắc mứu nhau nên hôm nay mới có thể kết thành tình mẹ con. Qua đó mới, trong cuộc sống chúng ta gặp nhau đều có nhân duyên chứ không phải ngẫu nhiên, nhưng nhân duyên đó từ đâu mà có? Do chúng ta đã gieo tạo từ quá khứ, nhưng khi tạo thì duyên thuận cũng có mà duyên nghịch cũng có, dù là thuận duyên hay nghịch duyên, một khi đã tạo, đã có duyên với nhau rồi thì phải gặp chứ không tránh khỏi, nếu gặp thuận duyên thì đó là phước duyên lành để giúp đỡ nhau cùng thăng tiến, còn nếu gặp nghịch duyên thì đó là oan khiên. Tạo oan khiên thì phải gặp nhau để trả món nợ cũ nên không thú vị và ưa thích cho lắm. Từ từ khảo sát qua thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn.
Thứ nhất là oan khiên, có nghĩa là gieo những duyên nghịch cho nên đời nay gặp lại trả những món nợ cũ thì đó là oan khiên. Vào thời Đức Phật tại thế, có một thanh niên nọ sau khi cha mất còn lại một mẹ già, một mình anh phải gánh vác công việc từ ngoài ruộng cho đến trong nhà. Người mẹ thương con trai cực khổ nên muốn kiếm cho con một cô vợ, nhưng anh chỉ muốn sống một mình để phụng dưỡng mẹ già. Nhưng người mẹ không nỡ thấy con mình khổ nên cố thuyết phục, cuối cùng anh cũng im lặng bằng lòng, kết quả là một cô hàng xóm được rước về nhà. Nhưng cô này về đã lâu mà không có con nên bà mẹ nóng lòng bàn với anh để kiếm một người vợ khác. Anh thanh niên này vốn chất phác nên không chấp nhận, hai mẹ con nói với nhau nhiều lần thì cô con dâu nghe được, lòng ngổn ngang trăm mối không yên, cô nghĩ: “Tuy chồng mình từ chối nhưng bàn qua bàn lại thì thế nào con cũng phải nghe lời mẹ, và chồng mình sẽ có một người vợ thứ hai. Nếu để bà mẹ kiếm được một người như ý bà thì mình sẽ bị nhà chồng xem thường và coi như một người đầy tớ, chi bằng chính mình tự đi kiếm vợ cho chồng mình”. Sau khi nghĩ xong, cô đi sang nhà một cô gái hàng xóm và nói chuyện. Một người vợ mà đi tìm một người vợ khác cho chồng thì rất là lạ nên cô hàng xóm không chấp nhận, nhưng sau một hồi nói đi nói lại thì người vợ đã thuyết phục được cô hàng xóm về làm vợ của chồng mình. Mặc dù đã làm được theo ý mình nhưng người đàn bà hiếm con này cũng chưa yên tâm, lo sợ đối thủ nếu sinh con thì sẽ chiếm ưu thế và làm chủ trong nhà, cho nên nói với cô vợ hai là khi nào có thai thì cho mình biết. Khi cô vợ hai mang thai và báo cho cô vợ cả biết thì cô vợ cả bỏ thuốc vào trong cháo ăn hằng ngày cho nên cô kia bị sảy thai. Lần mang thai thứ hai, cô này không biết nên báo tin nữa, cô vợ cả lại bỏ thuốc và cô lại bị sảy thai tiếp. Bấy giờ những người hàng xóm dò hỏi, nghe cô vợ hai kể sự tình thì mới bảo: “Tại vì vợ cả sợ chị chiếm ưu thế trong gia đình cho nên mới trộn thuốc phá thai cho chị ăn, lần sau chị đừng nói cho bà đó biết nữa”. Lần thứ ba, người vợ sau không báo gì cả, đến lúc người vợ cả biết, hỏi tại sao không bảo thì người vợ sau thật thà nói: “Chính chị mang tôi về đây, vậy mà hai lần rồi chị làm hư thai của tôi. Tại sao tôi phải nói với chị nữa?”. Người vợ trước thất vọng nhưng vẫn không chịu thua, theo dõi và tìm cơ hội để hại tiếp. Khi đứa bé trong bụng mẹ đã thành hình thì thừa một dịp nọ, cô vợ cả trộn thuốc độc vào thức ăn đưa cho người vợ hai ăn, thì hình thể thai nhi không bị hư nhưng bị kẹt ở chỗ hiểm nghèo. Người vợ hai cảm thấy đau bụng dữ dội, thấy cái chết gần đến nơi, la lớn lên: “Chính mày mang tao về và chính mày giết ba đứa con của tao, giờ tao sắp chết. Kiếp sau tao sẽ làm quỷ dạ xoa để ăn thịt con mày”. Quý vị thấy đã kết duyên chưa? Để người ta có một oán hận như vậy thì có nghĩa là nó đã ăn sâu rồi. Sau khi nguyền xong thì cô chết, tái sanh vào trong chính nhà ấy làm một con mèo. Người chồng thấy vợ chết thì tức giận người vợ cả đã làm tan nát gia đình nên đánh đập tàn nhẫn, sau trận đòn thì người vợ cả cũng chết. Khi chết cũng sanh trong nhà ấy thành một con gà mái. Con gà mái đẻ trứng thì con mèo tới ăn trứng, ba lần như vậy thì con gà mái giận và cất tiếng: “Đã ba lần rồi mày ăn trứng tao, giờ còn muốn ăn cả tao nữa, kiếp sau tao sẽ ăn thịt con mày”. Con gà chết và sanh thành một con beo cái, và con mèo chết sanh thành một con nai. Ba lần con nai sanh con thì ba lần con beo cái tới nuốt tươi. Khi sắp chết con nai cũng tức giận mà nguyền rủa: “Ba phen rồi con beo này nuốt sống con ta, giờ nó lại định nhai luôn cả ta nữa, kiếp sau ta sẽ nhai nó và nhai luôn cả con nó”. Rồi con nai chết tái sanh thành con quỷ dạ xoa, và con beo chết đầu thai thành một cô gái dòng dõi tôn quý ở thành Xá Vệ. Khi lớn lên, cô gái lập gia đình và sống với nhà chồng bên một khu xóm nhỏ gần cổng thành. Một thời gian sau, cô sanh con thì con quỷ dạ xoa biến thành một người bạn thân đến nhà cô gái hỏi người nhà là “Bạn tôi đâu?”. Người nhà báo là cô gái ở trong phòng và vừa sanh một đứa bé. Quỷ dạ xoa hỏi tiếp: “Vậy là con trai hay con gái? Tôi muốn đến thăm chị ấy”. Sau khi bước vào phòng, nó giả vờ ngắm đứa bé và nhanh tay chộp lấy ăn mất tiêu, sau đó đi ra. Lần thứ hai cô gái sanh con, con quỷ cũng tới và ăn nuốt đứa bé lần thứ hai. Lần thứ ba thì cô gái biết, nên cô bàn với chồng sẽ về nhà mẹ đẻ để sinh nở. Khi ấy, con quỷ dạ xoa cũng tới nhà tìm nhưng không thấy, hỏi người nhà thì người nhà đáp rằng: “Chị chẳng thể gặp cô ấy được đâu, vì có một con quỷ dạ xoa ăn thịt đứa bé nên cô ấy đã về nhà mẹ ruột để sinh rồi”. Con quỷ lầm bầm: “Dù có chạy đằng trời cũng không thể thoát khỏi tay ta”. Khi ấy, nôn nóng vì thù hận nên con quỷ dạ xoa tức tốc đi vào thành. Đến ngày lễ đặt tên, người mẹ tắm rửa và đặt tên đứa bé xong thì cùng với chồng ẵm đứa bé về nhà. Trên đường về thì đi ngang qua tinh xá Đức Phật đang trú ngụ. Đến hồ nước của tinh xá, người vợ giao con cho chồng và xuống hồ tắm, khi tắm xong thì cô lên ẵm con để chồng xuống tắm. Thừa khi cô đang ẵm con thì con quỷ dạ xoa xuất hiện, cô vợ trông thấy thì nhận ra liền, bèn la lên: “Ông ơi, đến đây mau. Con quỷ nó đến rồi”, nhưng vì người chồng lên không kịp nên cô mới xoay người chạy vào tinh xá để trốn con quỷ. Vào tinh xá thì đúng lúc Đức Phật đang thuyết pháp giữa chúng hội, cô đặt đứa trẻ xuống dưới chân Phật và thưa: “Con xin cúng dường Ngài đứa bé này, xin Ngài hãy cứu lấy nó”. Khi đó con quỷ dạ xoa cũng rượt theo, nhưng khi tới cổng thành thì bị vị thần trú tại cổng tinh xá chặn lại không cho vào. Đức Phật biết hết mọi chuyện và nói với Ngài A Nan: “Ông hãy ra ngoài đó và gọi con quỷ dạ xoa vào đây”. Khi con quỷ vào thì người mẹ trông thấy, lo sợ kêu lên thất thanh: “Nó đó thưa Thế Tôn”. Đức Đạo sư nghe vậy nói: “Hãy để nó vào, đừng có làm ồn”. Con quỷ dạ xoa bước vào đứng trước Phật. Phật hỏi: “Sao ngươi lại làm như vậy? Nếu không gặp một vị Phật như ta thì ngươi sẽ ôm ấp mối hận đến ngàn đời, không khác gì con rắn và con cáo run rẩy, giận dữ giống như quạ và cú. Sao ngươi lại lấy oán trả oán? Chỉ có tình thương mới dập tắt hận thù”. Sau đó Đức Phật đọc bài kệ:
Hận thù diệt hận thù
Đời này không có được
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.
Sau khi nghe xong thì con quỷ đắc quả Dự lưu, tức là đối với chánh pháp niềm tin không còn thối chuyển nữa. Sau đó Đức Phật trao đứa bé cho con quỷ Dạ xoa, quỷ Dạ xoa ẵm đứa bé và hôn. Lúc đó quỷ dạ xoa mới hỏi nó lấy gì ăn. Đức Phật nói người mẹ nên cho con quỷ dạ xoa về ở trong nhà và hằng ngày cúng cháo cho nó, sau này hai người kết bạn thân. Chuyện thì còn dài, nhưng về sau, con quỷ dạ xoa thường báo trước những năm nào trời hạn hán để bà này biết trồng lúa ở chỗ nào, vì thế mà cuộc sống được ổn định. Mọi người trong làng biết hỏi thăm và sau cũng cúng cháo cho quỷ dạ xoa ăn. Quỷ dạ xoa cũng báo trước thời tiết cho người trong làng. Từ đó nó trở thành ân nhân không những của bà mẹ này mà còn của cả làng.
Quý vị thấy, câu nguyền của người vợ bé sau này sẽ trở thành một con quỷ dạ xoa để ăn thịt lại con người này thì đến đời thứ tư thành quỷ dạ xoa thật. Nhưng từ một người rất hiền lành, nổi giận lên thề làm quỷ thì quý vị có ưa làm quỷ không? Không, những cái đó chỉ tạo oan khiên với nhau thôi. Một khi đã tạo oan khiên với nhau thì chính mình đã gieo rắc cho người khác một tâm thù hận, uất hận thì sẽ mang ở trong lòng và khi gặp nhau thì vay trả. Bây giờ mình giải được thì khỏe, còn trả thì cả hai không có ai là sướng cả. Cho nên ở thế gian có câu: “Chó nhăn răng thì mèo cũng le lưỡi”, thành ra trả thì không bao giờ là sướng cả. Nhưng nếu còn trong mê mà không biết giải thì trong khi trả cũng chính là lúc mình lại tiếp tục tạo oan khiên, khiến cho mình phải lăn lộn trong vòng luân hồi để trả vay, vay trả không thể tính hết. Quý vị thấy câu chuyện trên, con mèo có dịp trả cái oan khiên đời trước do người vợ lớn hại, nhưng trong khi trả thì đã gieo rắc cho con gà tâm thù hận, cho nên khi trả cũng có nghĩa là đang vay. Tiếp tục qua nhiều đời như vậy, nếu giả sử không gặp Phật nói cho biết để hỷ xả thì cứ lăn lộn và kiếp nào sanh ra cũng khổ như vậy, thì rõ ràng là sống trong chỗ dầu sôi lửa bỏng chứ không có gì là vui cả.
Nghe như vậy thì mình đã hiểu, đã thấy rõ nỗi khổ của sự vay trả oan khiên rồi phải không? Bây giờ mình muốn chọn đời sau sanh ra gặp mọi người là gặp trong sự êm đềm hay trong sự oan khiên để trả cho hả dạ? Thôi thì bao nhiêu hỷ xả cho rồi chứ gặp nhau để trả khổ quá. Tất cả chúng ta, dù rằng biết Phật pháp nhưng cũng là những người đang tu, cho nên nếu gặp nhau trong hoàn cảnh êm đềm thuận duyên thì cũng dễ chịu hơn, chứ gặp nhau trong ác duyên thì thấy đau khổ quá. Nhưng muốn đời sau không còn gặp nhau trong oan khiên nữa thì phải làm gì? Đừng kết oán nữa, mà phải buông, phải giải oán. Nếu hôm nay mình gặp lại những nợ nần cũ với ai đó thì mình cũng nhớ rằng, cái này vì đời trước mình mắc nợ họ cho nên đời nay họ đòi thôi. Biết rõ ngày xưa mình từng làm khổ người ta nhiều, giờ người ta đòi thì mình cũng chấp nhận trả cho họ vui, mình khổ một chút cũng được, tại vì ngày xưa mình đã lỡ tạo rồi. Khi chấp nhận trả như vậy thì lòng mình nhẹ nhàng, hỷ xả liền. Thực tế trong cuộc sống, không phải ai cũng dễ dàng gặp toàn thuận duyên, những chuyện xuôi chèo mát mái hết, mà có không ít những nghịch duyên mới nhìn qua giống như là vô cớ, không mời mà tới. Nếu trong nghịch duyên đó, mình khéo giải thì sẽ không còn gây nhân khổ để đời sau phải chịu khổ nữa. Còn nếu không khéo mà trên đó tạo thêm nghịch duyên, kết oán thì gieo rắc hận thù, mà hận thù rồi thì chịu chung cảnh khổ, cả hai người đều khổ chứ không có ai là sướng cả. Cảnh khổ đó mình phải chịu, phải gánh chứ không có ai chia phần.
Qua đó mình thấy, nếu muốn đời sau gặp nhau trong thiện duyên, không còn là oan khiên nữa thì trong cuộc sống hằng ngày, mình phải nên khéo giải oan khiên của quá khứ, không tạo nghịch duyên với người khác. Được như vậy thì chắc chắn đời sau sanh ra gặp lại sẽ không còn những món nợ làm khổ mình và làm khổ người khác. Lâu nay nghe pháp, dù rằng rằng thấm nhiều hay thấm ít, quý vị đều hiểu tất cả pháp thế gian là giả, là huyễn. Các pháp giả thì oan khiên là giả hay thiệt? Cũng giả phải không? Nhưng nếu nói oan khiên là giả thì khi nó tới, trong lòng quý vị hoàn toàn phẳng lặng hay có chút gợn, tức tối khổ sở? Thỉnh thoảng cũng có phải không? Như vậy, tại sao mình biết là giả mà vẫn bị khổ? Bởi vì nghe nói giả thì mình cũng hiểu và tin, nhưng để nó không còn chi phối thì mình cũng cần phải có công phu tu tập chứ không phải nói giả là giả được liền. Cho nên đằng nào cũng phải có công phu tu tập, có nghĩa là tu tập như thế nào đó để một phen nhận được cái chân thật thì chính sức giác cao nơi mình mới thắng nổi những cái giả làm cho mình khổ đó, khi sức giác cao rồi thì cái giả không còn chi phối được mình nữa. Biết rõ như vậy thì trong khi tu, nếu sức giác còn yếu thì mình phải dè dặt khi gặp những oan khiên, đừng nên tạo là tốt. Đó là quý vị đã chấp nhận để giải oan khiên.
Nhưng giờ đặt tiếp một câu hỏi: “Mình chấp nhận giải nhưng nếu không có một phương pháp, không có một cái nhìn đúng thì quý vị có thể giải được không?” Nói giải nhưng không có phương pháp và không có một cái nhìn đúng thì rất là khó, không khéo mình sẽ tạo nhiều hơn là giải. Xét lại, mặc dù biết rõ gây oán là điều không tốt nhưng tại sao trong cuộc sống hằng ngày, thỉnh thoảng mình vẫn có những hành động, những ý nghĩ gây tạo oán với người khác? Câu trả lời đầu tiên ai cũng trả lời được là tại mình quên phải không? Quý vị biết, trường hợp vua Lưu Ly giết dòng họ Thích thì chính vua Lưu Ly cũng không ưa giết, nhưng vì có đại thần thường xuyên nhắc nên nổi giận đem quân đi giết liền. Như vậy, khi mình nhớ thì không tạo nhưng vừa quên mà bị thúc thì tạo liền. Một khi đã tạo ác nghiệp, đã gây oan khiên rồi thì trải hết kiếp này sang kiếp khác, trả vay vay trả chồng chất không thể đếm hết, rồi tạo nên một cảnh đau thương với nhau.
Trong bài thơ “Tặng Bạn”, Hòa thượng viện trưởng có nói mấy câu:
Bạn biết chăng cuộc đời đầy đau khổ
Bởi con người gieo rắc mãi hận thù
Gây đau thương, gây tang tóc ngục tù
Rốt cuộc chỉ còn là cơn ác mộng.
Có nghĩa là mình đang ngủ mê, đang nằm mộng, thấy cảnh dữ nên la lối khổ sở, nhưng khi đang tỉnh mà nhìn người mộng đó thì có khổ không? Cảnh trong mộng đâu có thực đâu mà khổ, nhưng đang ngủ thì như là cảnh thật và cái khổ trong cảnh mộng vẫn có tác động đến người đó thật. Giấc mộng một đêm là giấc mộng ngắn, còn giấc mộng của cuộc đời là giấc mộng dài. Cuộc đời này, nếu mình chưa giác thì mình đang sống trong một giấc mộng triền miên rất dài. Nhưng ác mộng của cuộc đời là gì? Là cảnh đau thương tang tóc, con người với con người gây tạo khổ với nhau, nhưng tang tóc đó từ đâu mà có? Bởi con người gieo rắc mãi hận thù, tức là gây tạo oan khiên để vay trả, trả vay lẫn nhau, cuối cùng chuốc lấy đau khổ. Đang sống trong mộng, trong mê, mộng thì không thật cho nên cái khổ trong mộng cũng không có gì thật, nhưng vì trong mê mà không chịu gấp tìm lối ra, trở lại tạo bao nhiêu oan khiên để rồi phải chịu khổ thì có đáng không? Nếu quý vị biết được sự tai hại và vô ích như vậy thì còn muốn tạo oan khiên nữa không? Ai cũng trả lời là không. Mình không biết mới tạo, chứ biết rồi thì không ai dại gì mà tạo oan khiên để chịu khổ vô ích. Như vậy lý do đầu tiên mà mình dễ tạo oan khiên là do mình dễ quên. Bây giờ muốn khắc phục, đừng tạo oan khiên thì phải làm sao? Hằng nhớ, hằng giác tỉnh, đừng quên.
Bây giờ sang lý do thứ hai. Quý vị nghe đã biết là do quên nên mình mới tạo oan khiên. Nhưng khi quên tạo oan khiên đã đành, có những trường hợp đang tạo mà được nhắc tới thì có chịu dừng liền không? Cụ thể có người nào đó đang nổi sân, gây gổ với người khác, mình ra can, nói đừng làm như vậy mà tạo oán với nhau thì người đó có chịu dừng liền không? Có thể dừng, nhưng trong lòng vẫn còn ấm ức, tức tối. Nguyên nhân là do đâu? Là do mình chưa thấy rõ, còn thầm cho cái giận đó là đúng, hay nói cụ thể hơn là mình còn thiếu một cái nhìn đúng đắn. Nếu có một cái nhìn đúng đắn bằng trí tuệ thì chuyện dừng đó là rất bình thường.
Như vậy quý vị thấy, vì quên nên chúng ta dễ tạo oan khiên, đó là một lý do, nhưng lý do quan trọng thứ hai là chúng ta còn thiếu một cái nhìn đúng đắn cho nên mình mới dễ tạo oan khiên. Cái nhìn đúng đắn đó là gì? Câu trả lời chính xác vẫn là Trí Tuệ. Có cái nhìn đúng đắn bằng trí tuệ thì mình sẽ giải được oan khiên một cách dễ dàng.
Giả sử quý vị rất quý trọng một người nào đó thì có nỡ gây oán hay làm khổ vị ấy không? Không nỡ phải không? Như vậy, sở dĩ mình kết oán và gây nghịch với người khác là bởi vì mình thấy người đó không có thân thiện gì với mình cả, nhưng nếu quý vị nhìn rõ ai ai cũng là ân nhân của mình thì mình có gieo nghịch duyên và kết oán với mọi người không? Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu trọng ân, một hôm Đức Phật gặp một đống xương thì Ngài lễ lạy. Ngài A Nan thắc mắc tại sao Đức Phật là một vị tối cao, tối thắng như vậy mà lại lễ lạy một đống xương khô. Khi ấy Đức Phật giải thích: “Đống xương này đã từng nhiều đời là cha, là mẹ nên nay ta lễ đống xương đó”. Trong vòng luân hồi sanh đi tử lại nhiều kiếp này, không phải chỉ Đức Phật mà chúng ta cũng vậy, đều đã từng là cha, là mẹ, là anh chị em, là thân bằng quyến thuộc, là ân nhân của nhau cả, nhưng vì con mắt phàm hay tái sanh nhiều kiếp mà mình quên đi những người đã từng là quyến thuộc của mình, cho nên trở lại tạo oan khiên với họ. Vì vậy trước tiên chúng ta phải có một cái nhìn đúng đắn như Đức Phật đã từng nói với Ngài A Nan. Nếu mình nhìn rõ trong vòng luân hồi, tất cả đều là cha mẹ, là ân nhân của nhau thì chắc chắn sẽ không nỡ gây oán với bất kỳ một ai cả. Nếu có ai đó chọc tức mình thì mình phải biết rằng họ quên rồi, mình nhớ thì đừng tạo với họ. Mình không kết oán thì cởi bỏ được oan khiên.
Bây giờ sang một cái nhìn thứ hai cao hơn, như hiện nay, thực tế nhất, quý vị ngồi đây, đang sáng suốt và hoan hỷ thì không ai khởi tâm ác và tạo oan khiên với ai cả, nhưng khi về nhà, trong lúc công việc bận rộn mà ai làm trái ý thì quý vị nổi giận liền, khi nổi giận mà không dừng được thì tạo nghiệp và thành oan khiên. Như vậy chúng ta dễ tạo oan khiên khi nào? Khi mình mê, bất giác thì dễ tạo oan khiên. Cũng vậy, tất cả chúng sanh đều sẵn một tánh Phật giác ngộ sáng suốt như nhau, nhưng vì mê, bỏ quên cái tánh giác sáng suốt đó cho nên mới đi tạo nghiệp, nghiệp thì có thuận và có nghịch, mà nghịch thì gây oán, chịu khổ với nhau trong vòng sanh tử luân hồi. Như vậy, nếu thấy rõ tất cả chúng sanh đều có một tánh giác sáng suốt mà bỏ quên đi rồi tạo nghiệp, kết oán rồi chịu khổ với người khác thì mình có thương cho cái sự bỏ quên tánh giác của mình không? Mọi pháp ở thế gian đều thuộc sanh diệt vô thường, là giả không có gì thật, nhưng do mê nên vì cái sanh diệt đó mà gây oán rồi phải chịu khổ thì thật là đáng thương. Nếu thấy như vậy thì khi ai đó lỡ đến gây chuyện với mình thì mình không có quyền kết oán với họ, họ quên thì mình phải nhớ và không có quyền kết oán, mà không kết oán thì oan khiên hết. Khi quý vị thấy người đang quên tánh giác tạo oan khiên mà mình thương được cái quên của họ thì có nghĩa là mình đang tỉnh, đang tỉnh thì không kết oán, không kết oán thì oan khiên hết. Cho nên trong mê thì tạo oán mà tỉnh ra thì giải được. Tới đây, quý vị đã trả lời được câu hỏi: “Làm sao giải được oan khiên và không tạo oan khiên nữa?” hay chưa? Nói thì dài, nhưng cần phải có một cái nhìn đúng đắn đầy trí tuệ thì đó mới là điều kiện chính yếu bậc nhất, vừa giải được oan khiên vừa không tạo oan khiên mới và chúng ta sanh ra đời đều gặp nhau trong thiện duyên.
Bây giờ bước qua lãnh vực thứ hai là thiện duyên. Thiện duyên là những duyên tốt lành, những duyên tương giao tốt và cao thượng trong cuộc sống, thì quý vị tiếp xúc hay đọc sách thì cũng biết nhiều, nhưng ở đây, quý Thầy kể một câu chuyện trong đạo về hai huynh đệ đã sống với nhau trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Ở hoàn cảnh đó, nếu là người thường thì dễ tạo nghịch duyên để rồi trở thành oan khiên của nhau, nhưng đối với hai huynh đệ này lại trở thành thiện duyên rất quý và giúp nhau tu hành. Trong bộ Sơn Am Tạp Lục có chép lại câu chuyện: Ngài Đông Châu ở Hổ Khâu và Ngài Độc Cô ở Linh Ẩn là hai người bạn rất thân, vừa cùng quê, vừa đồng học với nhau và đều xuất gia tu hành. Lúc Ngài Đông Châu ở Hổ Khâu cũng là lúc chùa Vạn Thọ ở trong thành thiếu trụ trì. Lúc này Ngài Độc Cô ở chùa Thiên Ninh đã có địa vị cao, do đức cao nên mọi người ở chùa Vạn Thọ muốn thỉnh Ngài Độc Cô về trụ trì ở chùa đó, trong khi Ngài Đông Châu ở đó lại không thỉnh, cho nên Ngài Đông Châu ra sức ngăn cản, không cho mọi người thỉnh người bạn mình trụ trì ở đó. Ngài Độc Cô biết nhưng không để ý gì. Hơn một năm sau, Ngài Đông Châu có duyên đi mộ hóa, đến Hồ Châu nơi người bạn mình đang ở. Khi tới đó mà không đi thăm thì không được vì ngày xưa là bạn thân, nhưng tới thăm thì trong lòng hổ thẹn vì ngày trước lỡ ngăn cản không cho mọi người thỉnh bạn mình làm trụ trì rồi, nếu gặp thì sợ Ngài Độc Cô mang tâm hận thù mà hại trở lại, làm hỏng duyên sự đi mộ hóa của Ngài. Bởi vậy, Ngài dò xem lúc nào Ngài Độc Cô không có ở chùa thì giả bộ sang thăm cho đủ lễ rồi đi. Khi Ngài sang thì Ngài Độc Cô đang đi vắng, được báo tin thì tức tốc trở về và đầy đủ lễ nghi, sắp chỗ ăn chỗ ở đàng hoàng chu đáo, sau đó đem những của cải riêng của mình ra trước Ngài Đông Châu thong thả tỏ bày tình bạn bè, không khác ngày trước, cũng không nhắc lại chuyện bạn mình đã từng làm. Khi ấy Ngài Đông Châu hổ thẹn nên khi trở về Hổ Khâu, trong đêm khuya trên gác cao của phương trượng, Ngài vừa đi lại, vừa ngẫm nghĩ đến người bạn của mình mà trong lòng khâm phục và tự khen rằng: “Độc Cô quân tử, Thọ Vĩnh tiểu nhân”, Thọ Vĩnh tức là Ngài Đông Châu, có nghĩa là khen bạn mà tự trách mình. Quý vị thấy, người tạo nghịch duyên nhưng người bạn không tạo oan khiên lại mà khoan dung cho nên lúc bấy giờ, người tạo nghịch duyên biết tự trách mình. Như vậy, người biết khoan dung độ lượng cho người khác và người biết tự trách lỗi lầm của mình, cả hai tâm hồn đều cao thượng cho nên cùng gặp nhau trong thiện duyên. Ngài Sơn Am, tác giả của tập Sơn Am Tạp Lục có bình một câu: “Tôi xem những người kết bạn trong tùng lâm hiện nay tranh nhau từng lời nói, hiềm khích nhau từ cái lợi nhỏ từng sợi tơ, đến nỗi phải chê bai nhau, lấn át nhau, hận chẳng liền chết đi cho thỏa lòng. Bây giờ tìm được người khoan hậu như Độc Cô, người biết tự trách mình như Đông Châu thì thực là rất hiếm có”. Quý vị thấy, trong sự tương giao mà tranh nhau từng lời nói, hiềm khích nhau từ cái lợi nhỏ từng sợi tơ… thì đó là tạo nhân không tốt để rồi gặp nhau trong oan khiên và vay trả lẫn nhau, mà có vay có trả thì có trả có vay, như vậy cả hai đều khổ chứ không ai là không khổ cả. Nhưng nếu biết khoan hậu như Ngài Độc Cô và biết tự trách mình như Ngài Đông Châu thì đó là gặp nhau trong thiện duyên để cùng giúp nhau thăng tiến.
Bây giờ tóm kết lại, không tạo oan khiên thì không gây nhân đau khổ, đối với việc tu cũng giống như con đường được dọn sạch, mình đi rất là thuận tiện mà không có gai góc. Kế nữa, gặp nhau trong thiện duyên thì đó là một điều kiện tốt trong việc tu hành. Hội đủ hai điều kiện trên thì việc dụng công tu hành của mình sẽ thuận tiện và tiến mạnh hơn, mà khi tu hành tiến bộ thì chúng ta sẽ gặp nhau ở đâu? Thăng tiến rốt ráo thì chúng ta sẽ gặp nhau trong thắng duyên, có nghĩa là duyên thù thắng. Có lẽ quý vị cũng thường nghe nói đến duyên thù thắng, nhưng nói sơ thì rất cô đọng nên chúng ta sang một lĩnh vực thứ ba là thắng duyên. Tại không lẽ mình học oan khiên, nói oan khiên một hồi rồi lại bị đóng khung trong đó thì vô lý, cho nên biết cái lỗi lầm của oan khiên để mình vượt ra, vượt ra để rồi mình tiến lên thiện duyên và thắng duyên.
Thắng duyên, hay duyên thù thắng là những duyên cùng giúp nhau, nâng đỡ nhau tiến lên trên con đường đạo, cũng hơi tương tự như thiện duyên nhưng đặc biệt hơn thiện duyên. Thiện duyên chỉ nói chung chung đến những duyên thuận, duyên tốt để trợ giúp cho việc tu hành như chúng ta thường nghĩ, còn thắng duyên thì cốt để dìu dắt người tu đạt đến chỗ rốt ráo của đạo, chỗ chân thật tối thắng, không sanh không diệt. Chính vì nhắm đến chỗ rốt ráo đó mà hành động có khi thuận, có khi nghịch rất khó lường, khó lấy phàm tình để lường biết được. Nếu không phải là người có con mắt sáng thì không thể biết. Giờ kể câu chuyện để quý vị thấy rõ hơn.
Thiền sư Biểu Tự ở Tây Thục khi đến tham học với Hòa thượng Pháp Diễn ở núi Ngũ Tổ thì Thiền sư Viên Ngộ, đệ tử của Ngũ Tổ Pháp Diễn lúc bấy giờ đã phân tòa giáo hóa, có nghĩa là đã đi giáo hóa một nơi rồi. Khi ấy, Ngũ Tổ Pháp Diễn dạy Ngài Biểu Tự nên đến gặp Thiền sư Viên Ngộ để được tôi luyện cho chín muồi. Khi tới thì Thiền sư Viên Ngộ nói: “Ông cùng ở dưới pháp hội của lão sư đã lâu, đâu cần đến đây để khám nghiệm thêm làm gì nữa. Nếu chỗ nào chưa tột thì nên nêu ra để cùng nhau phẩm bình thì được”, tại vì hai người này vai vế là huynh đệ với nhau, lại vừa là người lớn thành ra cũng không tới học làm gì, nếu có gì chưa ổn thì nêu ra để huynh đệ cùng bàn với nhau. Khi ấy, Thiền sư Biểu Tự thuật lại lời tiểu tham của Thiền sư Đức Sơn, thì Thiền sư Viên Ngộ cười lớn nói: “Mới đầu tôi nghĩ tôi không kham làm thầy ông, nhưng bây giờ nghe ông thuật ra thì xem ra như thế tôi làm thầy ông có thừa”. Khi đó, Ngài Viên Ngộ bảo Ngài Biểu Tự thuật lại nhân duyên đó, Ngài Biểu Tự thuật lại tới đoạn “Đêm nay chẳng đạp thoại” của Ngài Đức Sơn thì bất thình lình, Ngài Viên Ngộ lấy tay bụm miệng Ngài Biểu Tự lại và bảo: “Hãy dừng, cứ như thế mà xem thấu suốt được thì liền thấy Đức Sơn”, tức là Ngài Đức Sơn nói đó là có cái gì trong đó, ngay đó mà suốt được thì liền thấy Đức Sơn. Nhưng khi đó, Ngài Biểu Tự không ngộ cho nên rất bất bình, nổi giận đi ra, lấy tọa cụ ném xuống đất và nói: “Trong ấy là hẳn là có nhân duyên, nhưng chỉ là dạy người xem lấy một câu”. Giận này không phải là giận Ngài Viên Ngộ mà Ngài tức vì trong lời của Ngài Đức Sơn hẳn có một ý gì đó rất sâu bên trong, nhưng vì mình chưa ngộ nên chưa thấy được, ngày hôm nay phải ôm cái mê này cho nên tức giận, cái giận đó là cái giận thao thức về đạo chứ không phải là huynh đệ giận nhau. Khi đó, các huynh đệ cùng liêu khuyến khích Ngài nỗ lực thêm, nghĩa là vấn đề đó chỉ có nỗ lực mạnh thì thấy thôi. Từ khi Thiền sư Viên Ngộ chỉ bày chưa bao lâu thì Ngài có tỉnh, có nghĩa là giác biết một phần. Đến khi rời đi, Ngài Viên Ngộ trông coi công việc tổng viện mới cử Thiền sư Biểu Tự làm liêu thủ tòa và ngầm báo cho thầy mình là Ngài Ngũ Tổ Pháp Diễn rằng Thiền sư Biểu Tự mới chỉ được một phần thôi chứ chưa ngộ triệt, đối với đại pháp chưa tỏ sáng, hiện tại cần phải tôi luyện thêm để tiến lên, ngộ sâu hơn, nếu tôi luyện được thì chắc chắn sẽ trở thành một bậc pháp khí, lợi ích rất nhiều người. Bấy giờ Ngài Biểu Tự làm liêu thủ tòa chưa được bao lâu thì Ngài Pháp Diễn phao tin rằng sẽ mời Thiền sư Biểu Tự lập tăng, có nghĩa là phân tòa giáo hóa giống Ngài Viên Ngộ, nhưng sự thật phao tin như vậy để Thiền sư Biểu Tự nghe và trở về gặp Ngài Pháp Diễn chứ không phải là phân tòa thật. Khi nghe tin như vậy thì Sư trong lòng hơi mừng và mong đợi, nghĩ rằng khi về sẽ được Thầy cho phân tòa giáo hóa. Khi về thì Ngài Pháp Diễn nhóm đại chúng lại, thăng tòa, Ngài Biểu Tự trong lòng mừng thầm, đầy hy vọng. Bấy giờ, Ngài Pháp Diễn đưa mắt nhìn chăm chăm vào Ngài Biểu Tự rồi nói: “Chớ vọng tưởng”, sau đó bước xuống tòa, không nói gì hết. Quý vị chịu nổi không? Hơi buồn thì vẫn còn nhẹ, chứ mất ăn mất ngủ mấy ngày, hy vọng chắc thể nào thầy cũng cho phân tòa giáo hóa mà bị thầy nhìn thẳng vào mặt nói như vậy thì Ngài rất bất bình, xuất chúng bỏ đi sang pháp hội của Thiền sư Lăng Giác Hải. Ít lâu sau, Thiền sư Viên Ngộ sang pháp hội đó, an ủi bằng đạo lý để khai mở, thì ngay lời nói của Ngài Viên Ngộ mà Ngài Biểu Tự đại triệt, hai huynh đệ dẫn nhau trở về dưới pháp hội của Ngài Ngũ Tổ Pháp Diễn. Khi trở về rồi, Ngài Ngũ Tổ mới sai phân tòa giáo hóa, cử làm chức sự thật sự. Lúc đó Ngài Viên Ngộ trở về đất Thục, trụ trì ở chùa Chiêu Giác, còn Ngài Ngũ Tổ Diễn thuận theo chiếu của quận thú nên cử Ngài Biểu Tự kế thế Ngài để làm trụ trì ở đó. Ngày khai đường (ngày lên thuyết pháp đầu tiên, ngày xưa có lễ niêm hương để nói lên ơn đức của Thầy bạn đã giáo dưỡng mình) Ngài nói: “Nếu như Thiền sư Chiêu Giác Cần (chỉ Ngài Viên Ngộ) ở thành đô hiện nay mà bỏ ta khi ấy thì làm sao mà ta được tủy”, tức là làm sao mà được đại triệt như ngày hôm nay. Ngày xưa mê thì thấy giận nhưng khi ngộ rồi mới thấy là đại ân. Tại sao? “Chẳng vì cái gì khác, chẳng thấy nói cá nhân nước mà có, con nhân mẹ mà thân gần”, có nghĩa là Ngài cảm cái ân sâu của huynh đệ, của Thầy tổ đã dìu dắt Ngài đến chỗ rốt ráo như ngày hôm nay mà ngày xưa vì mê nên không thể thấy.
Quý vị thấy Hòa thượng Pháp Diễn và Ngài Viên Ngộ không sợ Ngài Biểu Tự giận mà làm những việc táo bạo như vậy là vì sao? Vì muốn dìu dắt Ngài Biểu Tự trở về trong chỗ rốt ráo của đạo, vì đạo mà làm cho nên những cái phàm tình không quan tâm tới. Chính vì nhắm đến chỗ rốt ráo của đạo làm chính, các phương tiện dìu dắt cũng nhắm trên chỗ rốt ráo đó làm căn bản cho nên hành động có thuận có nghịch khó lường, nếu dùng con mắt phàm để nhìn thì rất khó mà chịu nổi, cho nên gọi là thắng duyên, có nghĩa là duyên thù thắng, vượt lên trên phàm tình. Còn Ngài Biểu Tự, khi đang được dìu dắt mà chưa biết rõ chủ đích là Hòa thượng Pháp Diễn muốn làm gì, Ngài Viên Ngộ muốn làm gì thì Ngài có phiền não không? Làm sao không có. Nhưng khi đạt được chỗ chính yếu mà Hòa thượng Ngũ Tổ Pháp Diễn và Ngài Viên Ngộ muốn nhắm rồi thì Ngài Biểu Tự liền cảm thông và biết ơn một cách sâu sắc. Chính vì vậy, thắng duyên tuy nói là gặp nhưng nó thầm khế, có nghĩa là cảm thông và cùng gặp nhau trong chỗ đạo lý rốt ráo đó, mà trong đạo lý rốt ráo thì có hình tướng, có chỗ nơi không? Chính vì trong ấy không có hình tướng, không có chỗ nơi hay một duyên gì cố định, cho nên thắng duyên được gọi là duyên nhưng không phải là có một duyên giống như thiện duyên và nghịch duyên. Không phải có một duyên nhưng không phải là không hoàn toàn, tại vì nó bàng bạc khắp tất cả, có khả năng tiêu dung hay giải hết tất cả các duyên khác cho nên được gọi là thắng duyên. Tức là oan khiên, thiện duyên và nghịch duyên vào trong thắng duyên đều được giải, đều được dung thông một cách trọn vẹn trong đó. Người nào trở về trong thắng duyên đó thì cùng gặp nhau, nhưng không phải có một chỗ cố định để gặp mà nó bàng bạc khắp tất cả nơi, cho nên cảm thông trong thắng duyên, đó là một sự thầm khế hợp.
Trong một bức thư của Ngài Linh Nguyên Duy Thanh gửi cho người bạn đạo, có một đoạn Ngài nói: “Nghe rằng ông tích chứa cái hay đẹp của Bùi Công và cái túc duyên của Dương Đại Niên mà hết mình ra sức hành trì, lâu rồi ngày càng thăng tiến, ắt là cùng đường chung bước, trong mỗi việc hằng ngày tình cờ gặp nhau. Tuy chưa giáp mặt mà thật là đã khế tâm, há cho là xa xôi chưa từng biết nhau ư?”. Có nghĩa là người bạn này là một cư sĩ tu hành đắc lực, ở xa Ngài Linh Nguyên. Ngài Linh Nguyên được tin biết rằng người bạn này đã tích chứa, đã đạt được những cái hay đẹp của ông Bùi Hưu[1] và túc duyên của Dương Đại Niên[2] mà hết mình ra sức hành trì, có nghĩa là khi được rồi thì hằng sống và dốc hết sức hành trì trong đó. Hành trì như vậy lâu ngày thì mỗi ngày càng thăng tiến lên, được như vậy có nghĩa là đã cùng đường chung bước, trong mỗi việc hằng ngày tình cờ gặp nhau, tuy rằng chưa giáp mặt ở xa nhau mà thật là đã khế tâm, có nghĩa là đã khế được trong thắng duyên đó, há cho là xa xôi chưa từng biết nhau ư? Cho nên người trở về trong thắng duyên, đến trong ấy thì tuy rằng cách xa chưa từng giáp mặt mà đã thầm khế hợp, cùng khế nhau trong chỗ đạo lý rốt ráo tối thắng đó, tức là đã cùng gặp nhau, cùng giáp mặt nhau trong thắng duyên.
Nói chuyện như vậy thì quý vị thấy dường như là cao siêu, mà cao siêu thì quý vị dễ để dành cho các thiền sư còn mình thì vô phần. Bây giờ đặt câu hỏi: “Chúng ta có thể sống được với thắng duyên để tiêu dung các duyên được hay không?” Được. Tại sao được? Quý vị nghe nói thắng duyên thì khó hiểu và khó nhận, nhưng sống được với thắng duyên có nghĩa là chúng ta sống được với thể giác chân thật nơi chính mình, mà nơi chính mình thì không phải tìm ở một nơi nào xa cả. Nó ngay nơi cái giác biết trong lặng, sáng suốt, rõ ràng của mỗi người đang hiện tiền đây. Nếu quý vị nào khéo nhận, khéo sống được với thể giác đang hiện tiền tức là chúng ta đang khế nhau trong thắng duyên đó, mà sống được trong thắng duyên thì chúng ta đang tiêu dung các duyên khác một cách nhẹ nhàng. Cụ thể, quý vị đang ngồi đây thì chắc trong lòng không ai giận hờn ai cả, đó là nói chuyện hiện tại. Còn giả sử một lúc nào đó, khi nhân duyên nghịch hội đủ đến với chúng ta thì chắc mình cũng dễ có phản ứng buồn và khó chịu phải không? Nhưng chính ngay khi ấy mà giác biết kịp, rồi nhìn thấy rõ nó bằng cái giác biết rõ ràng đó mà hoàn toàn không có tác ý dính kẹt trên đó, có nghĩa là không khởi một tâm gì cả, không vin theo nó, nhưng cũng không cần có ý muốn gạt nó đi, thì chính trong lúc đó, nó trở nên một sự hiện hữu trong chánh định tự tánh của mình. Điều quan trọng là không tác ý trên nó. Không tác ý là sao? Bây giờ mình nghiệm lại thì dễ thấy, khi một nghịch duyên tới thì phản ứng đầu tiên là mình không thích nên muốn gạt nó ra, nhưng tại sao mình có phản ứng đó? Tại vì thấy nó thiệt nên muốn gạt ra, mà thấy thiệt muốn gạt ra thì đã dính trên đó, là có tác ý rồi. Cho nên cái đầu tiên là đừng muốn nó qua mau, nghĩa là không cần gạt bỏ nó. Thứ hai, nếu mình không cần bỏ nó thì lấy nó hay sao? Nếu lấy nó là đồng với người mê tạo oan khiên rồi, cho nên ngay trên đó cũng không có niệm lấy nó. Như vậy, không lấy không bỏ, hai cái đừng theo thì mình không có tác ý trên nó, mà không tác ý thì không có niệm lấy hay bỏ, nó chỉ là một sự hiện hữu trong tự tánh chánh định của mình, nó có hay không không còn quan trọng. Như vậy chỉ bằng cái giác biết sáng suốt rõ ràng đây thì nó qua hồi nào mình cũng không hay, nó qua rồi mình cũng không cần để ý nữa. Sống được trong đó thì các duyên tự nó tiêu dung mà mình không hề tác ý, không hề có ý niệm muốn tiêu dung. Đó là chúng ta đang sống với thắng duyên của chính mình, hay tiêu dung được các duyên thuận nghịch đối đãi của thế gian. Ở trong đó đầy đủ diệu dụng, thuận nghịch khó lường, không có gì ngại. Nghe như vậy, mình mới tin rằng mình có khả năng sống với thắng duyên để tiêu dung được bao nhiêu oan khiên khác.
Tất cả chúng ta sống trong cuộc sống này, đã tạo nhân tạo duyên thì dù muốn hay không mình đều có những sự tương quan với nhau trong nhân duyên đó. Duyên thì có nhiều (mà không duyên cũng là một duyên, tức là thắng duyên, mình tạm gọi là một duyên để biết và phân định) nhưng nói gọn thì có thể chia ra làm ba hạng: một là nghịch duyên tạo thành oan khiên, hai là thiện duyên và ba là thắng duyên. Quý vị đã nghe và hiểu rồi thì bây giờ trả lại quyền lựa chọn cho quý vị muốn chọn duyên nào để sống? Oan khiên quý vị có chịu không? Không, vì oan khiên chỉ có gây khổ, không ai dại gì mà chuốc khổ cả, cho nên muốn không khổ thì đừng kết oán. Đức Phật đã dạy: “Oán thì nên mở, nên giải chứ không nên kết”. Kết oán thì trả vay chịu khổ không cùng. Biết như vậy rồi thì trong tương quan cuộc sống hằng ngày, mình nên cố gắng gặp nhau trên thiện duyên và thắng duyên. Mà cố gắng cũng là một cách nói. Tại sao? Tại vì mình còn đang trở về nên lúc giác lúc mê chứ chưa thể trọn vẹn, thành ra mình phải cố gắng. Cố gắng ở đây là khắc phục, hằng nhớ và tỉnh giác để được gặp nhau trên thiện duyên và thắng duyên. Còn nếu đã sống được với thắng duyên mà dùng chữ cố gắng thì đã có vết, mà có vết thì mất thắng duyên rồi phải không? Đời nay chúng ta được cùng chung trong một pháp hội, cùng nghe pháp và cùng nhau tu hành tiến bộ được thì đó là chúng ta đang gặp nhau trong thiện duyên và thắng duyên, trong chân trời thánh thiện, trong sáng, giác ngộ, giải thoát. Được vậy thì trong cuộc sống hiện tại, không những chính mình tu hành được tiến bộ mà còn giúp cho mọi người chung quanh tu tiến được. Có như vậy thì việc đi chùa, học pháp và tu hành của mình mới có lợi ích thiết thực. Quý vị nghe, hiểu, nhớ, giải được oan khiên, sống được trong thiện duyên và thắng duyên thì buổi nói chuyện hôm nay mới có được một ý nghĩa trọn vẹn.
[1] Ông Bùi Hưu đã tỉnh được qua tiếng hét của Ngài Hoàng Bá.
[2] Dương Đại Niên là một cư sĩ đạt đạo thường đến hỏi thiền với các thiền sư.
Các bài mới
- Thiện ác không cố định - 05/11/2015
- Chuyển hóa nghiệp báo - 03/11/2015
- Nghiệp và nguyện - 02/11/2015
- Nghiệp từ đâu mà ra - 30/06/2014
- Tu có chuyển được nhân quả không - 07/04/2010
Các bài đã đăng
- Tập nghiệp - 24/09/2009
- Giải nghi về nhân quả - 25/03/2009
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 84467
- Online: 23