Nhân quả, Nghiệp, Luân hồi - Phần 3: Luân hồi
19/10/2014 | Lượt xem: 5413
I.- ĐỊNH NGHĨA
Luân-hồi dịch ở tiếng Phạn là Samsara (lưu chuyển). Theo chữ Hán thì Luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rõ ràng mà Phật dùng để hình dung sự xoay chuyển lên xuống của chúng sanh trong sáu cõi (lục đạo) và sự tiếp nối sanh tử, tử sinh không cùng tận trong sáu cõi ấy. Luân-hồi hay Samsara là một danh từ, một hình ảnh do Phật đặt ra, nhưng cái nội dung của nó là một sự thật, một trạng thái có thật trong cõi đời, có thể chứng nghiệm được, chứ không phải là một lý thuyết xây dựng trong không tưởng.
Khi chúng ta đã chứng nghiệm thấy được luật nhân quả trong vũ trụ, thì chúng ta cũng phải công nhận sự luân-hồi, luân-hồi chẳng qua là nhân- quả liên tục, nhưng vì khi nó biến, khi hiện, khi lên, khi xuống, khi mất, khi còn, khi thay đổi hình dạng, nên chúng ta tưởng như gián đoạn và không ảnh hưởng chi phối lẫn nhau.
II.- DẪN CHỨNG SỰ LUÂN-HỒI
TRONG MỌI SỰ VẬT
Trong vũ trụ, tất cả sự vật, từ vật nhỏ như hạt bụi, đến vật lớn như quả địa cầu, không vật nào chẳng luân-hồi.
1.- Đất luân-hồi: Như cái bình bông đang ở trước mặt chúng ta đây, trước kia nó là đất, người thợ gốm đem nó nhồi nặn làm thành cái bình. Trải qua một thời gian, cái bình sẽ bể nát, tan thành cát bụi, và trở về lại trạng thái đất cát. Đất cát này làm thức ăn cho cây cỏ, cây cỏ hoặc tàn rụi sau một thời gian trở thành phân bón hay đất cát, hoặc làm thực phẩm cho động vật. Động vật ăn cây cỏ này vào hoặc bài tiết ngay ra ngoài để thành phân, thành đất hoặc biến thành máu huyết da thịt, để một ngày kia thân thể động vật già yếu, sẽ tan rã thành đất cát lại. Bao nhiêu lần thay đổi hình dạng vì nhân duyên này hoặc nhân duyên khác, nhưng đất cát nó cũng trở lại thành đất cát sau một thời gian, sau một vòng luân chuyển dài hay ngắn.
2.- Nước luân-hồi: Nước ở biển bị sức nóng mặt trời bốc thành hơi, hơi bay lên không, gặp hơi lạnh biến thành mây, mây nhiều tụ lại rơi xuống thành mưa, mưa chảy xuống ao hồ, hoặc gặp hơi lạnh quá, đọng lại thành băng thành giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan ra nước lại. Từ vô thỉ đến nay, nước thay đổi trạng thái biết bao nhiêu lần, xoay vần mãi mãi như vậy, nhưng nước vẫn là nước. Hiẹn tượng của nước thì biến đổi vô cùng, nhưng bản thể của nước thì không bao giờ mất. Nó chỉ luân-hồi mà thôi.
3.- Gió luân-hồi: Gió là sự luân chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng mặt trời bốc cháy, dãn ra, bốc lên cao làm thành những khoảng trống, để bù vào khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì gió nhỏ, không khí xê dịch nhanh thì gió lớn, xê dịch nhanh nữa thì thành bão. Gió có khi hiu hiu, khi thoang thoảng, khi hây hẩy, khi ào ào, khi cuồn cuộn, nhưng bản chất của nó cũng là sự rung động của không khí.
4.- Lửa luân-hồi: Lửa là một sức nóng làm cháy được vật. Khi đủ nhân duyên thì sức nóng phát ra lửa. Chẳng hạn hai thanh củi trong trạng thái bình thường thì chúng ta chẳng thấy sức nóng ở đâu cả, nhưng khi chà xát vào nhau một hồi thì lửa liền bật lên. Ngọn lửa này có thể đốt cháy hai thanh củi này một phần hóa thành tro than, một phần biến thành thán khí . Những cây khác dùng rễ mình để thu hút tro than, và dùng lá để thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để một ngày kia, gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên. Như thế sức nóng bao giờ cũng có sẵn, nhưng khi thì nó ở trạng thài tiềm phục, khi thì ở trạng thái phát hiện thành lửa. Mắt chúng ta chỉ thấy khi nó phát hiện và chỉ khi ấy mới cho là nó có , còn khi nó ở trạng thái tiềm phục thì ta bảo là nó không có. Thật ra thì nó chỉ luân - hồi những trạng thái khác nhau, chứ không phải dứt đoạn hay mất hẳn.
5.- Cảnh giới luân-hồi: Trong kinh Phật thường chép: "thế giới nhiều như cát sông Hằng". Thật thế, ban đêm chúng ta nhìn lên trời, thấy hằng hà sa số tinh tú. Mỗi tinh tú là một thế giới . Và mỗi thế giới ấy điều không thoát ra ngoài định luật chung là thành, trụ, hoại, không. Mỗi giây phút nào cũng có những sự sanh diệt của thế giới.Thế giới này tan đi, thì một thế giới khác nhóm lên, như một làn sóng mất đi thì một làn sóng khác nổi lên, làm nhân làm, nối tiếp nhau, luân-hồi không bao giờ dứt.
6.- Thân người luân-hồi: Thân người hay thú vật cũng thế, xét cho cùng thì cũng do tứ đại mà có, là: đất, nước, gió, lửa. Những chất cứng dẻo như: da, thịt, gân, xương là thuộc về đất; những chất đượm ướt như máu , mỡ, mồ hôi, nước mắt là thuộc về nước; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về gió; hơi nóng trong người là thuộc về lửa. Như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều luân-hồi thì thân người do tứ đại mà có, cũng phải luân-hồi theo. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẻo trả về cho đất, chất đượm ướt trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở và sự cử động trả về cho gió. Rồi bốn chất này tuỳ theo nhân duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người đến khi chết rồi, bốn chất đó cũng trở về bản thể cũ của chúng. Khi thành thân người, lúc làm thân súc, năm nay tụ hợp ở đây, sang năm đã dời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn mà là luân-hồi.
Nhà học giả có tiếng tăm của Trung Hoa là ông Lương Khải Siêu trong khi nghiên cứu về Phật giáo Ấn Độ ông có nói: …"Con người luôn luôn trong từng phút từng giây, đều ở trong luân-hồi bất quá hoặc mau hoặc chậm. Chậm thì gọi là sanh diệt, hoặc biến dị, còn mau thì gọi là luân-hồi (luân-hồi chẳng qua cũng là một hình thức trong các lọai biến dị). Xem như xác thân chúng ta, biến hoá không ngừng, xương thịt máu huyết chúng ta chẳng qua không đầy một tuần cũng có thể hoá ra đất đai, bụi bặm bên đường”.
7- Tinh thần luân-hồi: Con người không phải chỉ gồm có tứ đại. Ngoài tứ đại còn có phần tâm lý nữa, hay nói một cách tổng quát hơn, còn có tinh thần. Đó là gồm tất cả những thứ mà đạo Phật gọi là: thọ, tưởng, hành, thức.
Phần thể xác gồm tứ đại chỉ là phần mà đạo Phật gọi là sắc. Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hóa luân-hồi, thì tâm hay tinh thần cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển, xoay vần mà thôi.
Như trong chương II đã nói, tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho mổi chúng ta một cái nghiệp. Cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lốt này, khi mang hình dáng khác, khi rời cảnh giới này, khi vào cảnh giới khác, quay lộn, trôi lăn trong lục đạo (sáu đường) mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi.
Những sự lên xuống trôi lăn, xoay vần của nghiệp trong ba cõi, sáu đường ấy không phải tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi, vô lí, mà trái lại, nó chiều theo, khuôn theo một cái luật chung, đó là luật nhân-quả.
Đến đây, chúng ta thấy được sự tương quan mật thiết giữa Nhân-quả và luân hồi: Đã có nhân-quả tức phải có luân-hồi (trừ trương hợp tu Nhân thành Phật) đả có Luân-hồi tất cả theo luật nhân-quả.
III- LUÂN-HỒI THEO NHÂN-QUẢ
Có thể nói một cách chắc chắn rằng, chúng ta lúc sinh tiền tạo nhân gì, thì khi chết rồi, nghiệp lực dắt dẫn tinh thần đến chổ đó thọ quả báo không sai. Nếu tạo nhân tốt, thì luân-hồi đến cảnh giới giàu sang, thân người tốt đẹp. Còn tạo nhân tội ác thì Luân-hồi đến cảnh giới nghèo hèn, thân hình xấu xa, đen đúa, hoặc tàn tật, khi thăng khi giáng, lúc bỗng lúc trầm…
Sanh ở một cảnh nào, không phải sẽ ở luôn cảnh giới ấy. Nhân có hạn thì quả cũng có chừng. Như người nắm trái banh liệng lên hư không, khi trái banh đi hết sức của nó, tất sẽ rơi xuống đất lại. Chúng sanh ở cõi trời hay cõi súc sanh, địa ngục cũng thế, hễ nghiệp quả hết thì nghiệp nhân bắt đầu trở lại. Trong khi hưởng quả tốt, nếu không gấp rút tiếp tục gây nhân lành thì đời sau chắc sẽ không còn ở trong cảnh giới tốt đẹp nữa. Cho nên vấn đề chính là phải luôn luôn cố gắng vượt lên mình, nếu muốn mình được vượt lên cao hơn cảnh giới hiện tại. Một điều mà chúng ta không bao giờ nên quên là: mỗi chúng sanh là một tay thợ tự xây dựng đời mình trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Dưới đây là những cảnh giới mà một chúng sanh có thể bị hay được nhập vào, tùy theo nghiệp nhân mà mình đã tạo.
IV- NHÂN- LUÂN-HỒI TRONG SÁU CÕI PHÀM
1.- Địa ngục : Tạo nhân sân hận, độc ác làm nhiều điều tội lỗi vừa hại mình vừa hại người, phải luân-hồi vào địa ngục, chịu đủ điều khổ sở.
2.- Ngạ quỉ: Tạo nhơn tham lam, bỏn xẻn, không biết bố thí giúp đỡ người, từ tiền của đến giáo pháp. Trái lại, còn mưu sâu, kế độc, để cướp đoạt của người, sau khi chết luân-hồi làm ngạ quỉ.
3.- Súc sinh: Tạo nhân si mê, sa đoạ theo thất tình lục dục, tửu, tài, sắc, khí không xét hay dở, tốt xấu, chết rồi luân-hồi làm súc sinh.
4.- A-tu-la: Gặp việc nhân nghĩa thì làm, gặp việc sái quấy cũng không tránh, vừa cang trực , mà cũng vừa độc ác. Mặc dù có làm những điều phước thiện, nhưng tánh tình hung hăng nóng nảy vẫn còn, lại thêm tà kiến, si mê, tin theo tà giáo. Tạo nhân như vậy, kết quả sẽ luân-hồi làm A-tu-la, gặp vui sướng cũng có mà buồn khổ cũng nhiều.
5.- Loài người:
a/ Biết giữ gìn lòng nhân từ, không sát nhân hại vật, làm những điều đau khổ cho người.
b/ Không tham lam trộm cướp tiền của, từ vật lớn như ngọc, ngà, châu, báu, đến vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ.
c/ Không treo hoa ghẹo nguyệt, dâm loạn vợ con, phá hại gia can của người.
d/ Không nói lời dối trá, xảo quyệt, thêm bớt, đâm thọc, không nói lời cộc cằn, thô tục.
đ/ Không rượu trà say sưa, làm những điều lầm lỗi. Tu nhân ngũ giới như vậy, đời sau sẽ luân- hồi trở lại làm người, cao quí hơn muôn vật.
6.- Cõi trời: Bỏ 10 điều ác: không sát sinh, hại vật, không trộm cướp, tà dâm, không nói lời đâm thọc, hung ác, dối trá, thêu dệt, không tham dục, giận hờn và si mê. Trái lại, còn làm 10 điều lành là: phóng sanh, bố thí, giữ hạnh trinh tiết, nói lời chắc chắn, đúng lý và nhu hoà, trau dồi đức hỷ xả, từ bi và trí tuệ. Tu nhơn thập thiện như vậy, thì sau khi chết được sanh lên cõi trời. Nhưng nên nhớ cõi trời này cũng còn ở trong vòng phàm tục, chịu cảnh sanh tử luân-hồi .
Muốn thoát ra ngoài cảnh sanh tử Luân-hồi và đến bốn cõi thánh thì phải tu nhân giải thoát.
NHỮNG BẰNG CHỨNG VỀ LUÂN HỒI
Cách đây vài chục năm, tờ báo Mai có chụp hình và đăng một câu chuyện như sau:
Tại Ấn Độ, ở thành Delhi (Đen- ly) có một cô gái 8 tuổi tên Phanti Devi (Phăn-ti Đờ-vi). Cô nhiều lần khóc lóc với cha mẹ đòi về thành Mita thăm chồng là một giáo viên. Thành Delhi cách thành Mita trên 200km. Cha mẹ cô gái lấy làm lạ, mời một phóng viên nhà báo đến để nhờ anh điều tra giùm.
Phóng viên nhà báo đến hỏi, thì được cô trả lời rằng: Cô là vợ một giáo viên, ăn ở với nhau sanh được một đứa con. Khi dứa con lên 11 tuổi thì cô lâm bệnh từ trần. Người phóng viên hỏi xem cô ta có gì làm bằng chứng không? Cô trả lời là cô có để lại vàng bạc và đồ đạc chôn ở chỗ nọ, chỗ kia…và cô còn nhớ rõ có một cái quạt do người chị em bạn tặng, trên quạt có ghi lại mấy dòng chữ, rồi cô độc mấy dòng chữ ấy cho phóng viên chép vào sổ tay.
Phóng viên đến thành Mita, tìm hỏi tên họ ông giáo viên, thì thật quả không sai. Phóng viên hỏi ông giáo:
- Ông có người vợ đã chết độˆ8,9 năm nay phải không?
- Ông giáo trả lời:
_ Vâng, có! Vợ tôi chết nay đã chín năm. Chẳng biết ông hỏi có việc chi?
Phóng viên trình bày những lời cô bé đã nói.
Ông giáo nghe đều cho là đúng cả.
Phóng viên lại lấy quyển sổ tay đưa mấy dòng chữ cho ông giáo đọc và hỏi:
- Khi vợ ông mất, có để lại một cây quạt, trên ấy có ghi mấy dòng chữ như thế này có phải không?
Ông giáo trả lời:
- Trúng y như vậy cả.
Qua ngày sau, phóng viên lại mời cha mẹ và cô Phanti Devi cùng đi xe tới thành Mita. Từ khi sanh ra đến tám tuổi, cô chưa từng đi xa, thế mà đường đi trong thành Mita cô đều thuộc cả, cô chỉ đường này là đường gì, đi về đâu, đường kia tên gì, đi về đâu, và còn nói trúng cả tên những nhà quen ở hai bên đường nữa. Gần đến nhà ông Giáo, cô bảo xe đi chậm lại và dừng ngay trước nhà ông Giáo.
Vào đến nhà, gặp một ông già độ 80 tuổi, đầu tóc bạc phơ, cô vừa mừng vừa khóc oà mà nói rằng:
- Đây là cha chồng của tôi.
Cô chỉ ông Giáo mà nói:
- Kia là chồng tôi.
Rồi cô chạy lại ôm đứa con 11 tuổi khóc và nói:
- Đây là con tôi!
Mọi người trong thấy, ai cũng điều cảm động.
Việc này làm sôi nổi cả dư luận Ấn độ và các nhà báo trên thế giới, điều bàn tán xôn xao...Các nhà bác học ra sức tìm tòi , nghiên cứu, nhưng không một ai giải thích được. Chúng ta đã rõ biết lý luân-hồi, thì việc này cũng chẳng lấy làm lạ.
II- MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI TẠI MỸ
Vào khoảng năm 1956, ở Mỹ có một thiếu phụ 33 tuổi, tên “Xi-mông” (Ruth Simmons) vì quá tin tưởng vào kiếp Luân-hồi, nên đã nhờ nhà thôi miên “Mo-rây Bét-tanh” (Morey Bernstein) giúp cô được thấy lại kiếp trước của cô. Nhà thôi miên kia, sau khi đưa cô vào giấc ngủ, liền bảo:
- Thử nhớ lại hồi 10 tuổi cô đã làm gì!
Cô Xi-mông, trong cơn mê nói lại thuở thiếu niên của cô, những lúc cô đi học và tả tỉ mỉ những lúc cô nô đùa với bạn. Nhà thôi miên lại bảo:
- Bây giờ thử nhớ lại lúc cô mới 1 tuổi, cô thấy gì!
Cô trả lời bằng những tiếng bập bẹ, y như đứa trẻ chưa biết nói. Nhà thôi miên lại dồn hết tinh thần vào cặp mắt, nhìn thẳng vào cô Xi-mông và nói:
- Thử nhớ lại tiền kiếp của cô!
Sau một lúc im lặng, cô Xi-mông mới nói, nhưng giọng nói của cô đã đổi khác, giọng Ái-nhỉ-lan (ở Anh quốc), chứ không phải giọng người Mỹ.
Cô kể rằng: "kiếp trước cô đầu thai vào gia đình họ Mướt-phi" (murphy) ở làng “Cót” (cork) bên Ái-nhỉ-lan vào năm 1789. cô tả nơi chôn nhau cắt rốn của cô và cho biết nhiều chi tiết khác về làng này. Cô nói thêm rằng chồng cô tên “Mắc-các-ty” (Brian Mac Carthy), giáo sư trường luật đã từng cộng sự với tờ báo"Ben-Phát-Niu" (Belfast New). Rồi sau cùng cô nói đến ngày cô chết, mả cô hiện ở đâu và cô phải làm ma hơn một thế kỷ. Sau đó, cô đầu thai vào gia đình họ “Xi-mông” (Simmons) ở Mỹ, hồi năm 1923.
Nhà thôi miên đã thâu lại tất cả lời nói của cô Xi-mông về tiền kiếp của cô và sau đó viết một quyển sách nhan đề là: "Đi tìm gốc tích cô Mướt- phi (Murphy)". Sách này in ra 170 ngàn cuốn và chỉ trong 3 tháng đã bán sạch. Sau đó nhà thôi miên lại lấy lời thuật chuyện của cô “Xi-mông” thâu vào 30 ngàn (30.000) dĩa nhựa và chỉ trong hai ngày đã bán sạch.
Chuyện này báo chí quốc tế đều có đăng tin, riêng ở Pháp có tờ: “Ba-Lê-Mách” (Paris Math) thuật lại rất rõ, ở Việt Nam cũng có nhiều tờ nói đến như tờ Tin Điển, tờ Liên-Hoa v…v…
III- MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI Ở PHÁP
Một bác sĩ pháp, ông "Mô-rít Đờ-la-ri" (Maurice Dalarry) vốn là người hoài nghi về thuyết Luân-hồi, nhưng sau một thời gian khảo cứu rất công phu, đã viết trong tạp chí “Thần Linh Học” xuất bản hồi năm 1948 về sự Luân-hồi như sau:
Ban đầu ông không tin có kiếp Luân-hồi, nhưng sau một thời gian thí nghiệm bằng cầu cơ, ông phải công nhận kiếp Luân hồi có thật. Đây ông Mô-rít Đơ-la-ri kể:
- Một hôm tôi và vợ tôi đang cầu cơ thì bỗng chiếc xe lay động lần lượt chỉ vào 5 chữ F.E.L.I.X rồi ngừng lại, tức là kẻ khuất mặt tên Phê-lít (Félix) đã nhập vào cơ. Chúng tôi liền hỏi:
- Ông Phê-Lít muốn gì?
Trả lời:
- Tôi cho ông bà hay tôi sẽ trở lại trong họ hàng ông bà trong một ngày gần đây.
Hỏi:
- Tại sao vậy? Tại sao trở lại trong họ hàng chúng tôi ?
Trả lời:
- Phải! Trong gia đình ông bà.
Hỏi:
- Họ hàng chúng tôi đông đảo qúa đi ở rải rác mỗi người một nơi. Vậy ông có thể cho biết chắc chắn ông sẽ xuất hiện ở xứ nào không?
Trả lời:
- Tại xứ P. (Bác sĩ Mô-rít vì một lẽ riêng, không muốn nói rõ xứ này ), và trong gia đình ông Y. ( ông Y đây là bà con với bà vợ Bác sỹ Mô-rít, nhưng Bác sĩ cũng giấu tên, vì sợ động chạm đến đời tư không hay của gia đình khác).
Hỏi:
- Chắc chắn ông sẽ vào gia đình ông Y…. bà con chúng tôi?
Trả lời:
- Phải! Hiện gia đình ông Y có hai đứa con gái.
Hỏi:
- Ông có biết tên chúng không?
Trả lời:
- Có ! (rồi kẻ vô hình nói đúng tên hai đứa con gái của người bà con bà “Mô-rít”, nói đúng cả ngày sinh tháng đẻ của chúng nữa).
Hỏi:
- Ông có thể cho biết chắc chắn ngày nào ông sẽ ra chào đời trong gia đình ông Y không?
Trả lời:
- Ngày 24 tháng 9 năm 1924 vào buổi mai.
Hỏi:
- Nhưng làm thế nào để biết chính ông đã đầu thai làm con trong gia đình ông Y?
Trả lời:
- Cô J. (tức tên vợ của Bác sĩ “Mô-rit” mà ông cũng giấu tên luôn) sẽ được biết khi nhìn thấy tai bên mặt của tôi, vì chính tôi là “Phê-lit” (Félix), đứa tớ trung thành của ông bà thân sinh của cô J đây.
cuộc đối thoại giữa Bác sĩ Mô-rit và kẻ khuất mặt tên Félix được Bác sĩ biên chép kỹ càng từng câu một để sau này xem có đúng không.
Bấy giờ vào khoảng tháng 5 d.l vợ chồng Bác sĩ “Mô-rit” không mảy may hay biết người chị họ (của bà Bác sĩ) có thai.
Cho dến ngày 24 tháng 9 năm 1947 nghĩa là cách đó bốn tháng, vợ chồng Bác sĩ tiếp được điện tín từ xứ P. đánh về cho hay người chị họ vừa hạ sanh một trai hồi 8 giờ sáng ngày nói trên.
Thế là rất đúng với lời của kẻ khuất mặt “Phê-lít”. Nhưng Bác sĩ không muốn cho vợ chồng người chị họ biết rằng chính ông bà đã biết trước việc này.
Ba tháng sau, vợ chồng Bác sĩ “Mô-rít” được chị họ mời qua xứ P, dự một buổi lễ trong gia đình, luôn dịp để vợ chồng người chị họ đem đứa con trai mới sinh ba tháng ra giới thiệu với họ hàng.
Vợ chồng Bác sĩ Mô-rit vừa đến nơi thì vợ chồng người chị họ liền đưa ông bà vào phòng để xem mặt đứa bé. Khi bà Bác sĩ đến gần chiếc nôi thì thằng bé nhìn bà mỉm cười, mà nước mắt cứ tuôn ra, rồi nó đưa tay về phía bà Bác sĩ đòi ẵm. Vợ chồng người chị họ rất đỗi ngạc nhiên, vì thường khi không bao giờ con mình chịu người lạ, thế mà lần này, mới gặp bà Bác sĩ nó lại đòi ẵm
Vợ chồng Bác sĩ Mô-rít thì không lạ gì với thằng bé, nhưng không dám nói sự thật ra cho vợ chồng người chị họ biết về kiếp Luân-hồi của tên lão bộc Phê-lit, sợ rằng gia đình người chị họ cho mình quá tin dị đoan chăng.
Khi nhìn thấy miếng vải băng ngang đầu đứa bé, vợ chồng Bác sĩ đã đoán biết một phần nào đúng như lời lão bộc Phê-lít đã nói trong lúc cầu cơ, nên bác sĩ giả vờ hỏi:
- Tại sao lại băng đầu nó? Chắc lại sanh ghẻ chứ gì ?
Người chị họ trả lời:
- Không vì lúc sinh nó ra, nó có tật nơi tai, vành tai chỉ dính vào da đầu có chút xíu, nên tôi có nhờ Bác sĩ chữa. Bác sĩ bảo sức thuốc băng lại trong một thời gian thì liền lại.
IV- MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI THỨ HAI Ở PHÁP
Một đứa bé gái mới ba tháng tên “Tê-re” (Thérèse) bỗng nhiên một hôm thốt lên tiếng “A-ru-pa” (Aroupa) cha mẹ đứa bé không để ý, tưởng rằng con mình bập bẹ bậy bạ vậy thôi , nhưng về sau có người cho biết "A-ru-pa" (Aroupa) có nghĩa là “trời” theo tiếng ẤN-ĐỘ.
Đến lúc lên hai, em bé Tê-re trong lúc chơi mua bán, có thốt ra tiếng “rupi” (Roupie). Tiếng này trong gia đình không hề nghe ai nói tới. Thế mà Tê-re biết được, mới lạ.
Mười tháng sau nữa, trong khi mẹ Tê-re nói chuyện với một chị em bạn, cô Tê-re thường xen vào câu chuyện với những tiếng “Bapou” . Bà bạn vốn là tín đồ đạo Phật , rất lấy làm lạ, hỏi mẹ Tê-re tại sao nó biết tên riêng của ông “Căm- địa” (Gandhi) ; vì tên “Bapou” chỉ có gia quyến thánh Căm –địa cùng tín đồ ông gọi ông mà thôi, người ngoài ít ai biết được .
Mẹ cô gái Tê-re nghe nói càng thêm kinh ngạc. Bà bắt đầu tin có Luân-hồi và từ đó, bà mua sách về thần học khảo cứu, và bà có mua một bức hình của ông thánh “Dô-ga-măng-đa” (Yogàmanda).
Khi nhìn thấy bức ảnh cô bé la lớn:
- Con biết ông này ! Lúc thánh Căm-địa còn sống ông thường đến nói chuyện với thánh Căm-địa, có mặt con trong những lúc ấy.
Sau khi dò hỏi những tín đồ của thánh Căm-địa, mẹ cô bé Tê-re thấy lời nói của con mình là đúng sự thực. Lên năm tuổi cô bé bắt đầu ăn chay và không thích ăn bánh mì mà chỉ ăn cơm.Thỉnh thoảng cô lại kể một vài đoạn đời của thánh Căm-địa.
V- MỘT CHUYỆN LUÂN-HỒI Ở ĐẢO
“MÔ –RÍT”(MAURICE)
Chuyện sau đây do giáo sư “Bít–xao-đoa-da” (Bissoundya) ở hải cảng “Lu-I” (Port-Louis) tại đảo Mô-rít kể lại trong "tạp chí đầu thai Luân-hồi".
Tại làng “Cát-ten” (Castel) có một gia đình nọ sinh một đứa bé trai lên ba tuổi, đặt tên là “Sa-ta-na-đờ -va” (Chatanadèva). Bỗng một hôm nó bảo nó không phải ở làng ấy . Cha mẹ và người lối xóm đều cười , vì cho nó nói bậy. Nó lại nhất định nói nó không phải tên “Sa-ta-na-đờ-va”(Chatanadèva) mà là tên “Ri-ram dăng-cô” (Sreeram-Jankoo). Lúc đó, người ta lấy làm kinh ngạc vì tên Ri-ram dăng-cô không phải lạ. Anh này bị chết đuối cách đây ba năm, trong lúc đi thuyền đến cù lao "Pờ-la-tờ" (Plate).
Người ta hỏi nó tại sao nó biết nó tên Ri-răm dăng cô thì nó thuật lại rằng:
- Tôi đang chèo thuyền đi ra cù lao “Pờ-la-tờ” thì bị sóng đánh chìm và chết đuối giữa biển.
Lời thuật chuyện của thằng bé làm mọi người kinh dị, vì thật đúng như thế. Rồi nó lại kể thêm những chi tiết về cảnh sống của Dăng-cô, nhất nhất đều đúng sự thật cả.
Câu chuyện này được đồn đãi ra. Mẹ của anh chài lưới Dăng-cô ở làng bên nghe được, liền tìm tới nhà thằng bé. Thằng bé đang chơi, thấy bà lão bước vào, nó mừng rỡ reo lên và nhảy xổ đến ôm bà, la lớn:
- Mẹ ! Mẹ !
VI- MỘT CÂU CHUYỆN THAY ĐỔI HỒN XÁC Ở VIỆT NAM
Ở Cà Mau , cách đây vào khoảng 30 năm, có một câu chuyện lạ lùng đã làm dư luận bàn tán xôn xao.
Ông Cả Hiêu, ở làng Tân Việt, xứ Đầm Dơi (Cà mau) có một cô con gái mới 19 tuổi , lâm bệnh rồi chết. Cách đó độ 100 km, ông Hương Thừa ở làng Vĩnh Mĩ (Bạc liêu) cũng có cô con gái đau rồi chết, nhưng lại sống lại. Khi sống lại , cô này nhìn không biết cha mẹ và nói những gì đâu đâu không ai hiểu gì cả, cha mẹ cô tưởng rằng cô đau nên lãng trí nói bậy. Nhưng khi cô lành mạnh hẳn, cô lại khóc lóc, một hai đòi về nhà ông Cả Hiêu và chỉ luôn nơi ở, làng, tổng rỏ ràng nữa.
Cha mẹ cô cho người đến tìm ông Cả Hiêu và thuật câu chuyện cho vợ chồng ông này nghe.Vợ chồng ông Cả và con cái trong nhà, nghe xong đều đi đến xem thật hư như thế nào.
Khi mọi người đến nơi, cô gái chạy ngay đến ôm ông Cả, bà Cả khóc kể…. Rồi cô thuật những việc đã xảy ra trong nhà ông Cả không sai một mảy. Vợ chồng ông Cả, tuy thấy xác cô này không phải con mình, nhưng về tinh thần lại chính là con mình, nên đều thương yêu và công nhận là con. Về sau, cô hưởng được hai phần gia tài của cả hai bên cha mẹ.
Những câu chuyện tương tợ như những bằng chứng đã kể ở đoạn trước nhiều không kể xiết.
Ngoài ra còn bao nhiêu vị thần đồng, những cậu bé có thiên tài xuất chúng ở rải rác trong thế giới và trong lịch sử mà chúng ta thường nghe nói đến như: Ông Pascal, một Triết gia và một nhà Toán-học Pháp, mới 7 tuổi mà đã thông phương pháp kỷ-hà-học, ông Mạc Đỉnh Chi 12 tuổi dậu Trạng nguyên, nhạc sĩ Mozart mới 7 tuổi đã biết đặt những bản nhạc hoà âm, ông "Kít–chang–Hen-nét–kan" (Christ Heinecken) vài giờ sau khi ra đời đã nói chuyện được, khi lên 1 tuổi đả học thuộc lòng vài đoạn kinh Thánh-giáo trong cuốn thánh kinh, lên hai tuổi đã trả lời tất cả những câu hỏi về địa dư, lên ba tuổi đã nói được tiếng Pháp, tiếng La-tin; lên bốn tuổi đã có thể theo học các lớp triết học. Ông "Xi-tuy-a Minh" (Stuart Mill) lên ba đã học chữ Hy-lạp; Ông "Vinh-lamram-xi-đi" (William James Sidis) lên hai đã học và viết tiếng mẹ đẻ (Hoa-Kỳ), lên tám đã nói được tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Đức và một ít tiếng La-Tin, Hy-Lạp. Cậu bé "Xin-va-nô-ri-gôn" (Silvanorigoll) ở Ý, mới ba tuổi đã làm Nhạc sư và điều khiển một giàn nhạc, chưa biết đọc và viết, nhưng lại chép bản nhạc rất tài tình, đánh dương cầm và phong cầm không thua gì những Nhạc sĩ hữu danh.
Những bằng chứng rỏ ràng trên không ai có thể chối cãi được. Nhưng cũng không ai có thể giải đáp được lý do vì đâu có hiện tượng lạ lùng như thế, nếu không tin có nhân-quả luân-hồi. Các nhà khoa học cố gắng giải thích là tại những hạch tuyến trong người các thiên tài ấy phát triển một cách nhanh chóng khác thường. Nhưng tại sao hạch tuyến chỉ phát triển trong một số người ấy mà thôi? Có người giải thích là do di truyền. Nhưng lời giải thích nào cũng không làm cho người ta thoả mãn, vì ông cha những thần đồng ấy cũng không có gì xuất sắc hơn những người khác. Vã lại, con cháu các vị thần đồng ấy về sau cũng không thừa hưởng được gì của ông cha cả.
Chỉ còn một lối giải thích duy nhất có thể đứng vững được là: nghiệp nhân của nhiều đời kiếp trước đã phát triển thành quả trong đời hiện tại.
Các bài đã đăng
Tu học
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89313
- Online: 43