Nhân quả
08/02/2017 | Lượt xem: 4645
TT.Thích Thông Tạng giảng tại TV Đại Đăng
Kính thưa quý Thầy, quý Sư cô và quý Phật tử, hôm nay, chúng ta có cơ hội có mặt với nhau tại Thiền viện Đại Đăng trong ngày giỗ Sư Tổ, nhân đọc tiểu sử của Hòa Thượng trong đó có nói về nhân quả và nhân những lời dạy của Sư Tổ, chúng tôi xin chia sẻ với quý phật tử đôi chút về nhân quả. Nhân quả, nói ra nghe có vẻ đơn giản và thấp quá phải không, hay quý vị muốn cái gì cao siêu? Qúy vị muốn nghe cái gì cao siêu hay đơn giản để mình ứng dụng?
Thật ra, để hiểu hết về của nhân quả cũng là một vấn đề rất sâu sắc, không phải chúng ta hiểu nhân quả trên kiến thức, qua hiểu biết trong sách vở là có thể thấu suốt được nhân quả, cho nên phải mất một quá trình tu tập rồi mình mới nhận rõ được đường đi lối về của nhân quả. Chúng ta chỉ nói từ nhân sinh ra qủa thì đơn giản quá, không hẳn nhân nào sinh ra quả đó. Chúng tôi nhớ có một câu Hòa thượng Tôn sư dẫn đó là nói từ nhân thành quả là một lối nói cực đoan. Nhân phải có đủ Duyên kèm theo mới thành Quả, chứ không phải nhân nào cũng thành quả, nói nhân thành quả là nói có vẻ phiến diện, không hết ý. Tổ sư đã chỉ dạy cho chúng ta thấy rằng nhân quả hình thành ra vụ trụ, căn thân, thế giới và con người, chúng ta có mặt ở đây là do nhân quả mà có mặt, do có sự điều động, chi phối của nhân quả. Chúng ta nhìn từ vật vô tri, vô giác, thực vật, động vật cho đến con người mà trong con người chúng ta thấy có hai phần đó là vật chất và tinh thần. Nói tới tinh thần là nói tới tâm thức của mình, tâm thức của mình cũng mang cả một tiến trình của nhân quả trong đó, nhân quả ở bên ngoài được nhân quả trong tâm thức biểu hiện ra chứ không có gì khó hiểu. Chúng ta thấy khó hiểu là chúng ta thường nghe “Nhất thiết duy tâm tạo” hay “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”, như vậy làm sao chúng ta hiểu rằng nhân quả ở bên ngoài đều phát sinh từ tâm thức của mình. Đó là một vấn đề mà mình phải tu mới thấy được chứ không thì sẽ thấy nội giới và ngoại giới là hai thứ tách biệt nhau, nhân quả trong tâm thức mình không có liên hệ gì với nhân quả bên ngoài hết, không có liên hệ gì tới nhân của một cái cây sinh ra trái của thế giới bên ngoài. Nếu mình thấy như thế, làm sao mình hiểu được “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”? Tất cả chúng ta phải thấy rằng nhân quả gói gọn trong tâm thức của mình.
Thường thì chúng ta nghe chỉ dạy rằng mỗi người chúng ta là tâm thể thanh tịnh hằng hữu nhưng do vọng niệm dấy khởi mà tâm thể thanh tịnh đó bị nhiễm ô và biến thành biển của tâm thức, mà biển của tâm thức thì mang cả thanh tịnh và nhiễm ô lẫn trong đó chứ không tách rời cho nên chúng ta thường học là có chơn tâm và vọng tâm. Mình nghe nói chơn tâm và vọng tâm thì tưởng nó là hai hay một? Một cũng không được mà hai cũng không xong, cái khó của chúng ta là nói một cũng không được mà hai cũng không đúng tại vì nó có một sự liên hệ, nó là một bản thể phát sinh ra tác dụng của hiện tượng nên không thể nói một cũng không thể nói hai, không thể nói đồng hay khác được. Vì vậy chúng ta tu là để nhận diện ra được những cái đó và mình mới thấy được rằng tất cả mọi thứ đều trở về với tâm thể đó. Tâm thể đó phát sinh ra các pháp và rồi các pháp cũng trở về với tâm thể đó như sóng với nước vậy thôi, mặt biển dấy muôn ngàn lượn sóng nhưng không rời nước. Chúng ta hiểu rõ thì sẽ thấy được nhân quả nơi tâm thức của mình phát khởi như thế nào để tu tập nếu không chúng ta cứ lo chạy đông, chạy tây tìm cầu cái này cái kia mà bỏ quên đi cái gì đang biểu hiện nơi chính mỗi con người chúng ta. Hạnh phúc hay khổ đau, chúng ta thấy khi cái tâm thể lặng lẽ đó dấy động thì phát sinh ra hiện tượng đối đãi, mà có đối đãi thì tâm thức của chúng sẽ mang đầy hạt giống của hai bên, tốt xấu, phải quấy, hơn thua…tất cả mọi thứ có sẵn trong đó hết.
Từ vô thủy, theo duy thức, nói đến nhân thì từ chủng tử khởi hiện hành. Quý vị thấy chủng tử với hiện hành là một hay hai, nó không phải một cũng không phải hai. Chủng tử và hiện hành là hai từ luôn luôn đi đôi với nhau vì ở trong thế tiềm ẩn, ở trong biển tâm thức lặng lẽ, thanh tịnh đó nó trở thành dấy động, thành biển tâm thức ô nhiễm, bởi tất cả sự ô nhiễm đó chứa hạt giống phiền não, khổ đau. Hạt giống của hạnh phúc, khổ đau, của bồ đề, phiền não, của sinh, của tử, có đầy trong tâm thức mình mà trong duy thức gọi là tàng thức. Nhưng thưa quý vị, tàng thức đó mình ví dụ nó như một cái kho nhưng thực ra nó không phải là cái kho gì hết vì mình có thấy nó đâu mà bảo nó là cái kho. Kho là nơi chứa đựng, vì không thấy được nó nên mình tạm khái niệm rằng tâm thức của mình giống như cái kho vậy thôi chứ thực ra những hạt giống, những cái nhân, những chủng tử đó chính là cái kho luôn, nó vừa là năng mà cũng vừa là sở chứ không phải là một cũng không phải khác nhau . Chúng ta nghĩ rằng có cái kho chứa hạt giống, như vậy cái kho khác với hạt giống. Ngôn ngữ, biểu tượng, tất cả những gì biểu tượng cho tâm thức của mình, nói đi nói lại, nói tới nói lui thì không cái nào trúng với cái nào, càng nói thì càng thấy nó xa rời và mâu thuẫn, khi chúng ta tìm hiểu trên ngôn ngữ, trên chữ nghĩa thì tìm không ra lẽ thực. Vì vậy, chúng tôi thường hay khuyên quý phật tử là chúng ta phải bớt kiến thức của mình để trở về, để tu, chỉ tu mình mới phát hiện ra những cái đó. Khi quý phật tử tu, buông xả hết những phiền não, dính mắc, phải quấy, tốt xấu, hai bên rồi thì tự quý phật tử hiểu hết, không cần phải học nhiều. Bây giờ mình học nhiều, những cái học đó sẽ trở thành sở tri chướng, càng học thì mở miệng ra là kiến thức ra trước, mình đối diện với sự vật, đối diện với cuộc đời, mình không sống được với lẽ thật mà mình sống với kiến thức của mình, với hình ảnh. Mình tạo dựng ra một cái khuôn gọi là kinh nghiệm, mình luôn luôn sống với kinh nghiệm, thấy cái gì là nghĩ đáng lý ra nó phải như thế này, phải như thế kia mà không thấy nó là nó.
Chúng ta phải khéo để thấy được việc tu của mình, tất cả những cái nhân chứa trong tâm thức của mình từ vô thủy đến giờ, những hạt giống, chủng tử đó là nhân sẵn có. Khi chúng ta có mặt ở cuộc đời này thì tất cả những gì mình mang theo là để nó biểu hiện ra, do nhân đó mình có mặt và nó biểu hiện ra thành quả. Cho nên mình buồn giận, hơn thua, phải quấy, tốt xấu đó là do nó có sẵn ở trong rồi nên đụng tới cái buồn thì mình buồn, đụng tới cái giận mình liền giận. Những hạt giống, những thói quen, những cái nhân chúng ta bắt đầu huân tập, bắt đầu gieo bây giờ có hai loại, một loại là sẵn có và một loại là tân huân (mới huân tập). Nói tâm mình là một mặt biển còn đứng về mặt nhân quả, chủng tử, hạt giống thì phải nói tâm mình là mảnh đất cho nên các thiền sư mới nói là tâm địa (mảnh đất tâm). Ngài Vô Ngôn Thông, Tổ sư một dòng thiền Việt Nam, trước khi ngộ đạo ngài học với Tổ Bá Trượng, một hôm khi tổ Bá Trượng đang thuyết pháp trên pháp đường, ngài đứng lên hỏi về việc giác ngộ giải thoát như thế nào, Tổ Bá Trượng trả lời bằng một câu thơ: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”, nghĩa là tâm mình nếu không, không ở đây đây không phải là không có mà là không có những hạt giống của phiền não, nhiễm ô, của hơn thua, phải quấy, đúng sai thì mặt trời trí tuệ tự chiếu soi. Nói không không phải là không có gì hết, nói có cũng không đúng, nói có là tại mình không nắm được, không thấy được nhưng nó vẫn hiện hữu ở đó. Tất cả chúng ta khi ngồi đây là nó đã có mặt với mình rồi mà mình không biết, không thấy nó vì mình vừa thấy nó thì nó đã trở thành cái bị thấy, mà bị thấy là cái ngoài mình mất rồi cho nên tu là phải khéo, đừng nói “tôi thấy được chân tâm tôi, tôi sống được với chân tâm tôi, tôi sống được với Niết bàn của tôi…”, như vậy đều sai hết. Sống tới đó rồi thì tự nó vậy thôi, có lúc nói, diễn tả về nó nhưng không ra ngoài cũng không bị dính mắc vào nó. Tâm của mình là mảnh đất mà bao nhiêu hạt giống chúng ta đều gieo trên đó. Qúy vị thấy, đất có sự cứng rắn, có sự dày nên có thể dung chứa tất cả mọi thứ trên đó, các vị Tổ sư, thiền sư ví tâm của mình như đất là vì vậy. Ở mặt tương đối, đất dù cứng nhưng cứng trên cái tương đối chứ không phải tuyệt đối bởi dù đất có cứng thế nào đi nữa, xây nhà lầu chín, mười tầng, trăm tầng thì đến một lúc nào đó nó cũng hoại. Chỉ khi chúng ta dẹp hết được những hạt giống phiền não, nhiễm ô, trả lại mặt đất sự trống không thì mặt trời trí tuệ tự nhiên chiếu soi, không cần đi tìm trí tuệ ở đâu hết. Chúng ta tu như vậy dù mình có đến chùa, có về thiền viện hay không, thì mặt trời trí tuệ lúc nào cũng sáng rỡ. Chúng ta không mắc kẹt vào hai bên, về thiền viện mình sáng rỡ với sự sống của mình, khi mình không ở thiền viện, về nhà làm mọi việc thì sự sống, trí tuệ sáng suốt vẫn có mặt ở đó thôi. Hiểu như vậy mới thấy trong tâm chúng ta đang có hạt giống nào mà mình để cho nó phát triển. Hạt giống của buồn giận, hơn thua, phải quấy luôn luôn chực chờ để biểu hiện ra, nếu trong đời sống hàng ngày, mình không tỉnh giác, không tu tập, không luôn nhìn lại mình thì sẽ đánh mất cơ hội để chuyển hóa nó.
Tu không có nghĩa là chạy trốn những thứ đó mà phải đối diện. Chúng tôi thường hay nói tất cả những hạt giống, những chủng tử, những nhân mà mình mang trong cuộc đời này tuy nó là chủng tử nhưng lại là quả của hiện tại và là nhân của quá khứ, còn khi nó là nhân của hiện tại thì là quả của tương lai. Nói cái hạt giống buồn, giận đó là nhân là vì nó sẽ chuẩn bị hiện ra, còn nó là quả của quá khứ. Khi nó là quả của quá khứ, như vậy cái giận là quả, cái nhân đó là quả của quá khứ cho nên khi nó biểu hiện thì mình cho nó biểu hiện ra chứ mình không có chạy trốn vì nó đã là quả rồi. Qúy vị có một nỗi buồn, một cơn giận thì quý vị biết rằng đó là quả của quá khứ phải biểu hiện ra, khi nó biểu hiện ra thì mình phải biết rõ nó. Lúc quý vị buồn chỉ cần nhìn rõ vào nỗi buồn đó một chút xíu, hít hai, ba hơi thở là nó qua nhưng mình cứ buồn hoài là vì mình lôi nó trở lại do mình đồng hóa mình trong đó, mình cho nỗi buồn đó là mình, mình lôi nỗi buồn, niềm đau đó lại để thấy mình có mặt. Chúng ta thường mắc lỗi đó cho nên cứ đau khổ hoài, chúng ta không chịu nhìn bằng trí tuệ của mình để thấy tất cả những điều đó chỉ là sự biểu hiện từ nơi tâm thức của mình mà tâm thức bị dấy động, bị phiền não, nhiễm ô đó là hư dối, không có thực, nên khi mình thấy nó, biết nó không thực thì tự nó lặng xuống trở về với biển thanh tịnh kia thôi. Tuy nhiên, chúng ta lại không chịu như vậy bởi mình nghĩ tu mà còn dấy phiền não là còn dở lắm phải làm sao để tâm mình đừng dấy phiền não. Như thế thì rất khó vì hạt giống đó đã nằm sẵn trong tâm thức mình rồi, khi nó dấy lên là trổ thành quả mà quý vị tác ý, đồng hóa cho đó là mình thì nó sẽ rớt lại làm nhân tiếp, một lúc nào gặp duyên nó khởi hiện hành lên. Nếu chúng ta có tu tập, mỗi khi nó dấy lên, quý vị nhìn và cười với nó rồi để nó tự động lắng xuống, mình đừng tác ý cũng đừng thêm gì nữa, đừng nắm giữ cũng đừng có thái độ chối bỏ nó, bởi khi chối bỏ thì cái chủng tử chối bỏ đó sẽ rớt trở lại làm quý vị bất an. Chúng ta bất an khi mình mong muốn điều gì đó đừng đến với mình nhưng cuộc đời có phải chúng ta cứ muốn là được đâu vì thế nên nhân quả luôn luôn biểu hiện hạnh phúc và khổ đau. Do mê lầm mình đã biến cái biển thanh tịnh thành tâm thức, thành cái kho chứa bao nhiêu sự phiền não, khổ đau, nhiễm ô rồi thì mình không thể chối bỏ nó được mà chỉ là đừng chạy theo nó nữa thôi, đừng thêm gì nữa thì từ từ nó sẽ hết.
Điều đó không có gì khó khăn đối với việc tu tập, nhưng vì chúng ta nghe nói tu là phải hết phiền não mà sao phiền não cứ dấy lên hoài, cứ buồn người này, giận người kia, nó dấy lên mà mình không biết cách chuyển hóa nó nên nó lại làm chủng tử rồi khởi hiện hành, hiện hành rồi lại huân vô làm chủng tử tiếp, cứ huân khởi, huân khởi gieo trở vào như vậy thì không bao giờ hết. Bây giờ quý vị tu tập thiền, trong đời sống hàng ngày mình luôn nhìn lại mình, thấy rõ từng sự máy động của tâm thức, từng niềm vui, nỗi buồn. Quý vị chỉ nhìn nó, đón nhận nó đừng thêm gì hết thì từ từ quý vị sẽ thấy tâm mình không còn bị chi phối bởi nó nữa, lúc đó mình sống được với cái chân thật, bình an của mình. Sở dĩ chúng ta không đủ sức nhìn và dừng được nỗi buồn giận, sợ hãi, phiền não đó bởi vì dòng tâm thức của mình luôn luôn trôi chảy rất nhanh nên những thói quen, những hạt giống đó, nói là hạt giống nhưng thực ra nó là một dạng năng lượng, năng lượng đó luôn luôn đẩy mình đi tới. Qúy vị để ý thấy lúc nào trong con người mình cũng có một sức mạnh đẩy mình lao tới, mình ngồi đây nhưng thầm thầm bên trong đang có một sức mạnh đẩy mình nhúc nhích, nó cho mình một lý luận gì đó để mình nghiêng qua, nghiêng lại, nhấc chân lên rồi đi ra khỏi pháp đường. Vì nó rất nhanh nên có những cái chúng ta không kiểm soát được và để nó lôi mình đi qua dù không bằng hành động nhưng vẫn có ý nghĩ để mình tác ý thêm trên những sự vận hành, suy nghĩ của mình. Mỗi cái tác ý, mỗi suy nghĩ, khi những cái hiện hành đó hiện lên trong tâm mình mà mình chấp nhận hoặc chối bỏ nó để rồi nó trở thành chủng tử và rớt lại trong tâm thức, cứ tiếp tục, tiếp tục như vậy hoài, vì thế mà chúng ta không nhận ra nó nên cứ lao theo nó.
Trong công việc, trong đi đứng, trong ăn nói, mình luôn luôn bị cái năng lượng đó đẩy mình, khiến mình cứ lao tới, lao tới. Chúng tôi khuyên quý phật tử làm chậm lại cuộc sống của mình thì quý vị sẽ cho rằng thời buổi này là thời buổi kinh tế xã hội, người ta cứ chạy vù vù mà biểu làm chậm lại cuộc sống thì làm sao mà theo kịp người ta. Thưa quý vị, làm chậm lại cuộc sống không có nghĩa là làm chậm lại hành động và sự vận hành của cuộc sống mà chúng ta làm chậm lại năng lượng đẩy mình đi. Qúy vị để ý có những lúc mình ngồi rất rảnh rang nhưng mình vẫn đẩy mình đi nhanh, làm cho nhanh, cho rồi để tiếp tục làm cái khác.
Chúng ta đang sống trong dòng sông cảm thọ, trong biển cảm thọ, một là thọ khổ, hai là thọ lạc, ba là thọ không khổ không lạc và chúng ta luôn bị ba cái thọ đó chi phối, đẩy mình đi. Cái gì làm mình đau khổ thì mình muốn chối bỏ nó, muốn nó đừng đến với mình, mình muốn đừng có cái khổ mà cái khổ cứ nhan nhản thì thấy phiền não. Có niềm vui, là thọ lạc thì mình muốn niềm vui đó phải kéo dài, ngay cả khi ngồi thiền cũng vậy, hôm nào chúng ta ngồi thấy bình an, thanh thản, thấy có cái gì đó thì lúc xả thiền ra thấy tiếc, ngày mai ngồi lại muốn tìm lại cảm giác đó. Rồi khi ngồi yên không có thọ vui, thọ khổ thì mình đâu có thấy vui, đâu có thấy bình thường mà lúc ngồi yên như vậy nó vẫn phát sinh ra cái khổ bởi phát sinh ra cái khổ nên ngồi yên một chút là mình chịu không nổi phải cựa quậy, phải tìm một cái gì làm để tìm niềm vui. Như vậy cái không khổ không lạc cũng trở thành khổ, cái khổ đó rất vi tế, mình không thấy nên tưởng là không có khổ. Nếu không có khổ thì quý vị cứ ngồi yên đi, mà quý vị ngồi yên được chừng 5 phút là tâm mình bắt đầu máy động, rồi nó nghĩ cái này, nghĩ cái kia, sao thấy chán quá phải đi tìm cái gì đó để làm, để thấy. Lúc ngồi yên, không suy nghĩ gì thì thấy không có mình rồi phải động đậy, phải làm gì đó, phải khởi suy nghĩ lên để thấy rằng tôi đang có mặt. Vì vậy mới có câu: “Tôi tư duy là tôi tồn tại”, cho rằng có suy nghĩ mới có mình nên không lúc nào chúng ta dừng được suy nghĩ và không lúc nào là không động, luôn luôn có năng lượng của tâm thức đẩy mình động, cái động đó không phải cái động của tay chân. Tu là mình sống trở lại với tâm thanh tịnh của mình, muốn sống với cái thanh tịnh đó không có nghĩa là mình ngồi không động nên không động cũng không đúng, không động thì chúng ta sẽ rơi vào cái tịnh như vậy cũng trở thành hai bên. Khi tâm mình có dấy niệm, có phiền não, có xao xuyến, có bất an thì đó là động, lúc không còn cái đó nữa thì mình cho đó là tịnh, như vậy động và tịnh đó có phải mình chưa, cái tịnh mà không có động đó không phải thật là mình mà đó là cảnh. Tu không phải tìm cái tịnh khi không có động mà phải nhận ra rằng Tịnh là cái rời cả động và tịnh đối đãi đó, Tịnh là cái thể lặng lẽ mà chúng ta hằng biết. Sự sống đó luôn luôn có mặt, không có động cũng không có tịnh, động - tịnh đó là hiện tượng của sự sống biểu hiện. Sự sống thì luôn luôn lặng lẽ trôi chảy cho nên có động thì mình vẫn sống, khi tịnh thì cái thể của nó vẫn như vậy vì thế làm tất cả việc nhưng vẫn thấy mình không làm gì hết.
Như thiền sư nói “nói mà không động lưỡi, ăn cơm mà chưa từng nhai hạt cơm”. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thấu suốt được điều này thì quý vị thấy sự sống của mình bao giờ cũng có mặt ở đó, chúng ta lại bỏ quên sự sống lặng lẽ đó mà đồng hóa mình trong cái động và tịnh kia. Khi mình chối bỏ cái động để trở về với cái tịnh kia thì cái tịnh kia cũng là đối đãi với cái động, cũng là cảnh chứ không phải thực là mình. Khi tâm mình dẹp hết hạt giống của phiền não, khổ đau rồi, sự sống đó vẫn có mặt, nó không tách rời ra cũng không cần mình phải tách rời cuộc sống này ngồi yên ở đâu đó để sống trở lại với cái thanh tịnh mà thanh tịnh là tâm mình không bị động trên ngoại cảnh đó. Vì thế nên Lục Tổ mới nói “ Ngoài lìa tướng là thiền, trong tâm không dấy động là định”. Như vậy thiền định đó đâu nhất thiết cần quý vị phải ngồi hai tiếng đồng hồ, ngồi hai tiếng đồng hồ chưa chắc chúng ta đã thiền định, ngồi đó mà cứ nhớ vui buồn, giận người này, hờn người kia như vậy là động hay tịnh, là đã thiền định hay chưa? Thiền định theo Lục Tổ dạy rất dễ ứng dụng, đối với các tướng bên ngoài, lìa tướng là không nắm bắt, không dính mắc với tướng đó và không để tướng đó dấy trong tâm mình. Cho nên, thực tướng là vô tướng, vô tướng nghĩa là không có tướng dấy trong tâm mình chớ không phải không có tướng ở bên ngoài, không có tướng bên ngoài thì quý vị sống với cái gì. Thế giới hiện tượng, tướng trạng nó như vậy, như vậy mới nói rằng “Các pháp như thị”, như thị là hiện tượng, hình tướng diễn bày như vậy là như vậy thôi, vô tướng ở đây là mình nhìn nó vô tướng, đừng dấy niệm phải quấy, đúng sai trong tâm, mình nắm bắt cái tướng bên ngoài thì mới có cái tướng hiện ở bên trong, vậy nên mới nói sắc tức thị không. Trong kinh Bát Nhã, “sắc tức thị không” nghĩa là khi tâm quý vị đang lặng lẽ, quý vị khởi một ý niệm, một hình sắc thì ngay đó không tức là sắc, là có chứ lâu nay chúng ta chỉ hiểu sắc tức thị không là những hình tướng ở bên ngoài thì không đúng với việc chúng ta tu và chuyển hóa khổ đau để đi tới hạnh phúc, đi tới chỗ tâm thể thanh tịnh lặng lẽ. Nếu chúng ta cứ thấy rằng tất cả các pháp bên ngoài sắc tức là không, là sắc tướng bên ngoài, nó có rồi nó không như vậy là chưa đúng hẳn, đó chỉ là hình tướng bên ngoài thôi. Đó chỉ là bước đầu để chúng ta đừng chấp các pháp là thực nhưng khi đi vào chỗ sắc không trong kinh Bát Nhã thì sắc không đó ở ngay nơi tâm mình, chứ không phải bên ngoài.
Thường chúng ta nghĩ rằng Sắc uẩn là thân của mình, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là tâm của mình, hai cái đó gọi là danh sắc nhưng thưa quý vị, nếu hiểu như vậy thì chúng ta không thể nào phá được sắc ấm. Nói rằng muốn thành Phật thì phải phá được sắc ấm, phá được các ấm, phải thấy ngũ uẩn giai không thì bây giờ làm sao để quý phật tử thấy ngũ uẩn giai không. Nội một điều đơn giản nhất là quý vị làm sao để sắc này thành không được, không lẽ bỏ nó bằng cách tự tử hay sao vì còn sắc thì làm sao thành Phật, thôi thì cứ hủy họai nó, diệt nó đi để sắc này thành không? Thưa quý vị, không phải vậy, sắc uẩn là một tập hợp của căn, trần và thức, ba cái đó hợp lại, vận hành mới có ra sắc uẩn. Sắc uẩn phải có cả thọ, tưởng, hành, thức trong đó chứ không phải chúng ta chia sắc uẩn chỉ là thân tứ đại thì đó là một điều sai lầm khi chúng ta nghĩ tới chuyện phá sắc ấm, như thế không có cách nào phá được hết. Chúng ta hiểu rằng sắc uẩn gồm một hợp thể của căn, trần và thức thì quý vị mới dễ dàng phá được, phá bằng cách đừng cho ba cái đó dính một chùm vô, đó là phá sắc ấm chứ không có gì hết. Mình thấy căn, trần, thức tiếp xúc thì đừng có dính mắc, đừng để cái cảm thọ, cái tưởng, cái tư nó cộng vào đi theo sau, ba cái kia đừng có dính với nhau đó là mình phá được sắc ấm, như thế mới là quán chiếu để ngũ uẩn thành giai không, chứ không thì làm sao mà quán chiếu. Mình cứ nói thân này là không nhưng nói vậy mới là nói trên ngôn ngữ chứ mình không thể nào thấy nó là không được, thấy nó là không nhưng ai đụng tới thì nó thành có, thành thiệt, tại vì chúng ta không thấy tận nguồn gốc của nó. Khi mình buông được căn, trần và thức, tiếp xúc mà không dính mắc thì sắc uẩn tự nhiên không còn có mặt nữa.
Trở lại với vấn đề chúng ta nói rằng nhân của sự có mặt của mình ở đây là quả của quá khứ vì vậy sắc, thọ, tưởng, hành, thức là quả của quá khứ nên mình có mặt ở đời này thì phải có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Muốn quán chiếu để nó trở thành không, quý vị nhớ uẩn là chứa nhóm, tập hợp những phiền não, nhiễm ô, những cái mắt thấy sắc, tai nghe tiếng… rồi mình dính mắc, huân tập lại, thọ của mình, mình cảm thọ, nắm giữ, gom góp lại thành thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn cũng như vậy. Thành uẩn là khi căn, trần, thức hợp tác với nhau và chúng ta để cho cảm xúc dính mắc, chúng ta nắm giữ, huân tập, gom góp nó lại thì nó mới thành uẩn rồi nó tiếp tục vận hành thành một chủng tử, hạt giống để nó tiếp tục biểu hiện ra một cái thân, một cái quả đau khổ hay hạnh phúc của tương lai. Còn ngang đây mà căn, trần, thức không dính mắc nữa thì nhân không có, mà nhân không có thì quả về sau tự hết, tu như vậy mới gọi là quán chiếu ngũ uẩn giai không nếu không thì không biết làm sao thành giai không được. Mình cứ để cho những hạt giống, thói quen, tập khí dẫn mình đi vù vù còn mình cứ ngồi đó tưởng tượng ngũ uẩn giai không, thân này là giai không. Ngày nào cũng ngồi đọc bài kinh Bát Nhã, đọc không biết bao nhiêu lần hàng mấy chục năm rồi mà chưa giai không được gì hết, đụng tới là thành giai có tại vì chúng ta không nhìn sâu vào những cái đó.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải luôn luôn chịu khó thực hành lời Hòa thượng thường dạy là làm việc gì biết mình đang làm việc đó. Lúc ngồi thiền, mình không chịu đối diện những hạt giống, những cảm thọ của mình mà cứ buông cái tâm ra để tìm cái chân tâm, tìm chỗ thanh tịnh như thế là chạy trốn mình, chạy trốn những hạt giống, những cái quả mà nó đã mang sẵn nhân bên trong để hiện hành thành quả đó, chúng ta chối bỏ, trốn chạy và cố gắng đè nó không cho nó biểu hiện. Khi quý phật tử cố không cho nó biểu hiện thì nó vẫn còn hoài, không bao giờ hết cho nên phải cho nó biểu hiện ra và phải đối diện với nó, nhìn nó, đừng cố gắng đè nó. Một thói quen nào đó dấy lên, mình không chạy theo nó mà mỉm cười với nó “ À, anh chỉ là thói quen của tôi”, mình biết tách mình ra, không còn đồng hóa mình trong đó nữa nên nó không còn đủ sức kéo mình đi, còn mình quên nhận diện nó, quên thấy nó thì rõ ràng mình là nó rồi. Có những lúc mình buồn giận, rồi sau cái buồn giận đó mình mới thấy mình phi lý, lúc biết nhìn lại thì trễ rồi vì hồi nãy, nỗi buồn giận kia là mình rồi. Mình tha hồ buồn giận, nói nặng, nói nhẹ người khác, làm đổ vỡ đủ thứ chuyện rồi mới sực tỉnh lại, khi mình thấy mình tách ra khỏi cái giận đó thì đã chậm rồi. Lý do là mình để cho cái năng lượng thúc đẩy mình luôn luôn, để cho dòng tư tưởng lôi mình đi. Quý vị hãy nhận thức lại từng hành động trong cuộc sống để cho dòng ý thức đó chậm lại. Mình đang rửa chén nhưng mình đâu có mặt trong lúc rửa chén mà tiếp tục lao theo dòng suy nghĩ của mình, theo tính toán về dự án này, dự án kia. Lúc đó mình thấy có một cảm xúc, một năng lượng kéo mình đi và mình chỉ muốn rửa cho nhanh để đi thực hiện cái gì đó đang lôi mình. Bây giờ, mình phải tập nhận diện ngay trong việc làm của mình thì cái suy nghĩ, tư tưởng kia mới dừng lại bớt. Mình đừng chạy theo nó nữa, mỗi ngày, mỗi ngày quý vị nhớ luôn luôn tỉnh giác, luôn luôn ý thức từng hành động, từng bước chân của mình, từng chỗ để dép, để dù, từng lúc đóng cửa thì quý vị sẽ kiểm soát được mình, từ từ thì quý vị sẽ làm chủ được dòng suy nghĩ của mình. Tu là để làm chủ dòng suy nghĩ của mình thôi chứ không có gì khác, tại những dòng suy nghĩ, phiền não, nhiễm ô đó lôi mình đi nên mình đau khổ. Mình làm chủ nó để rồi cần nghĩ thì nghĩ, không cần nghĩ thì không nghĩ, lúc nào cần sắp đặt thì nghĩ, nghĩ xong rồi thì đi làm việc khác, tới khi nào cần sự sắp đặt đó thì mình lôi ra làm vậy thôi. Còn chúng ta vừa làm vừa tiếp tục nghĩ hết cái này tới cái nọ rồi lao theo nó và cái năng lượng đó cứ đuổi mình đi khiến mình thấy mệt mỏi. Có những lúc chúng ta chạy đuổi theo không kịp tư tưởng của mình rồi mệt mỏi, khổ đau rồi than trách sao mình bận rộn quá. Ai làm cho mình bận rộn? Chính mình làm cho mình bận rộn bởi những cái nghĩ này, cái nghĩ kia, chúng ta cứ lao theo suy nghĩ của mình để mà bận rộn cả ngày rồi chúng ta than sao sống khổ quá. Có ai làm cho mình bận rộn đâu, tự mình làm cho mình bận rộn, rồi mình tự than thở, tự trách mình. Mình còn không hài lòng với chính bản thân nhưng lại bắt người khác phải theo ý mình, đó là sự sai lầm, từ những sự sai lầm đó mà mình khổ đau. Người khác không làm vừa lòng mình thì mình bực bội, khó chịu rồi tự mình thấy khổ đau chứ người kia đâu có làm mình khổ đau. Nếu biết nhìn lại rồi thấy rằng à, người đó không làm vừa ý mình thì cũng được vì đôi khi chính mình còn không vừa ý với mình, chính mình còn không làm mình vừa lòng mà cứ muốn người khác làm hài lòng mình như vậy là thiếu công bằng.
Qúy phật tử tu là phải nhìn ra những điều nho nhỏ đó trong cuộc sống của mình, khi mình làm chậm được cuộc sống, nhận diện, ý thức được từng hành động, từng ý nghĩ, từng ngõ ngách của tâm hồn sẽ thấy nó lý thú lắm và mới thấy tức cười cho cuộc đời, tức cười cho chính bản thân mình. Lúc đó mình mới bắt đầu có cuộc sống mới, mới buông thả tâm hồn mình ra cho thảnh thơi, thoải mái, an ổn và mới thấy được hạnh phúc đích thực còn không chúng ta cứ tìm một chút niềm vui, một chút hạnh phúc nào đó để đối trị với những khổ đau của mình thì hạnh phúc đối trị với khổ đau đó cũng không có thực. Hạnh phúc thực là hạnh phúc khiến chúng ta trở về làm chủ được mình và sống được với tâm thể lặng lẽ, bình an nơi chính mình, nơi cuộc sống hằng có của mình.
Mỗi ngày thức dậy, chúng ta thấy một sự sống đang có mặt, đang hiện hữu đó nhưng chúng ta lại quên mất nó mà nhớ đúng, nhớ sai, nhớ dự án này, tính toán nọ mà quên rằng mình đang sống, đang có mặt ở đây mà không bao giờ sống hết với những gì mình đang có. Chúng ta cứ chạy đuổi theo cái này cái kia, tìm thoả mãn hạnh phúc trên hiện tượng, trên điều kiện và quý vị thấy điều kiện nào làm cho ta hạnh phúc thì điều kiện đó còn mãi mãi hay rồi cũng sẽ mất? Niềm vui nào mà được thỏa mãn cái tôi của mình trên hiện tượng của niềm vui đó thì chút xíu là nó qua mất. Có những hạnh phúc rất tức cười, nhìn thấy vui nhưng đằng sau cánh cửa hạnh phúc đó là tràn trề khổ đau. Ví dụ như người thích uống rượu, với họ uống rượu là vui nhưng đằng sau sự say sưa là bao nhiều niềm đau nỗi khổ cho bản thân họ, cho gia đình và những người khác. Nhìn kỹ, tất cả những niềm vui chúng ta đi tìm để thỏa mãn trong cuộc sống không bao giờ là niềm vui thật mà niềm vui đó luôn luôn có sự khổ đau vì vậy hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của một thực tại. Chúng ta biết và bằng lòng với hạnh phúc hay chấp nhận khổ đau đó như nó đang là, như nó đang hiện hữu vậy thôi, đừng nắm giữ cũng đừng chối bỏ, nắm giữ hay chối bỏ là tiếp tục khổ đau, nắm giữ không được cũng khổ đau, chối bỏ không được cũng khổ đau. Có mặt trên đời này, có thân là có bệnh, quý vị sợ bệnh nhưng chối bỏ nó được không, có mặt ở cuộc đời này nhiều lắm là 70, 80 năm rồi cũng phải chết, mình cũng không chối bỏ được cái chết. Như vậy phải sáng suốt mà chấp nhận, mỉm cười với cái bệnh, cái chết, mỉm cười với hạnh phúc, khổ đau đến với mình mà thấy rằng tất cả không có gì thật hết, mình không cần nắm cái gì hay chối bỏ cái gì như thế gọi là sống với sự sống thực. Sự sống thực đó là một vòng trôi chảy của cuộc sống mà chúng ta biết chấp nhận nó thì sẽ an ổn, hạnh phúc và lúc nào mình cũng cười được, như thế quý vị không cần sợ sinh tử, luân hồi bởi sinh tử và luân hồi là ảo ảnh của một thể chân thật. Sinh tử, hạnh phúc, khổ đau, tất cả chỉ là ảo ảnh của một đời sống đích thực nên ta đâu có sợ. Sự sống đích thực đó luôn hiện hữu như vậy, mình phải thấy ảo ảnh của sinh tử, khổ đau như hoa đốm trong hư không, hoa đốm là do con mắt mình bệnh, mình có mặt ở đây là do mê lầm, bây giờ tỉnh ra rồi thì hiện tượng, con người và thế giới chỉ là ảo ảnh của biển chân tâm thanh tịnh đó thôi. Chúng ta không sợ hãi nữa, không sợ chết, không sợ khổ, sợ đau và mỉm cười với tất cả những gì đến với chúng ta. Như vậy quý phật tử mới thấy tu là một cái gì đó thực tế và Đạo Phật là đạo cứu khổ bằng cách cho chúng ta thấy bản chất khổ đau và hạnh phúc là không có thực chứ không phải đem chúng ta ra khỏi khổ đau, bản chất nó không có thực thì tự mình hết khổ thôi. Mình biết nó không có thực, mình có tạo nhân khổ đau thì chấp nhận cái quả khổ đau để rồi không tạo thêm nhân khổ đau nữa.
Biết như vậy thì quý phật tử thấy, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có nhiều cơ hội để tu lắm, không cứ mỗi tuần quý phật tử về thiền viện một ngày, đôi khi quý vị cũng không có thời giờ ngồi thiền vì phải về sớm lo cho gia đình. Qúy vị phải biết khéo léo để ứng dụng nó trong đời sống hàng ngày, mỗi ngày, mỗi giờ là chúng ta phải tu tập, thực tập và phải sống với sự sống đó. Như vậy lúc nào mình cũng tu hết, tu thiền là để mình sống với sự sống đích thực đó, là có mặt trong mọi hành động, đó gọi là sống với đời sống chân thật, không dính mắc, làm mọi thứ mà tùy duyên để thấy rằng mình đang có sự sống, đang hiện hữu. Qúy vị cũng không cần phải đi tìm một công việc gì gọi là cao quý để thấy mình có sự sống, quét nhà, rửa cầu tiêu, làm tất cả mọi việc đều là sống với sự sống đích thực đó. Thần thông của Lục Tổ như ngài dạy đó là gánh nước, bửa củi, giã gạo. Mỗi mỗi hành động đều thể hiện sự sống của mình nếu ta biết buông xả sự dính mắc đã kết thành một khối bản ngã của mình. Từ những niệm dấy động mà ta tạo dựng nên một cái tôi, ảo tưởng về một cái tôi thật có để rồi chúng ta phải chấp nhận một ảo giác về khổ đau, hạnh phúc. Khổ đau hay hạnh phúc chỉ là ảo giác của cái tôi ảo tưởng bởi mình ảo tưởng về một cái tôi nên mới biến thành. Giải quyết vấn đề về cái tôi thì hạnh phúc, khổ đau không còn quan trọng với mình nữa, sống mà không thấy hạnh phúc hay khổ đau quan trọng, đó mới gọi là thực hạnh phúc, hạnh phúc đó mới không bao giờ mất. Hạnh phúc mà đối đãi với khổ đau thì hạnh phúc đó không bao giờ còn mãi, khổ đau cũng không phải hiện hữu hòai, chút xíu là nó qua nhưng mình cứ lôi nó trở lại, ôm lấy nó và mình cứ luôn giữ nó lại để tiếp tục khổ đau đến ba bốn chục năm. Nhiều khi mình đang sống rất an ổn mà mình vẫn chưa hài lòng vì mình còn ôm những cái khổ đau từ thuở nào đó để rồi nhớ lại tiếp tục khổ đau, khó chịu. Mình đang sống với hiện tại mà lại đánh mất sự sống thật để sống với kinh nghiệm, với quá khứ, với mơ ước tương lai, để rồi bỏ quên mất sự sống đang có mặt ở hiện tại. Qúy vị nhớ rằng có mặt ở hiện tại chứ không phải là hiện tại bởi vì hiện tại là thời gian mà thời gian vừa thấy là đã đi qua mất thành quá khứ rồi cho nên cái hiện tiền đang có mặt. Lâu nay chúng ta cứ cho rằng mình phải sống với hiện tại nhưng hiện tại đó cũng mất tiêu cho nên phải sống với cái hiện tiền là cái đang rõ biết cái gì xảy ra trước mắt mình, cái hiện tượng xảy ra ngay trong hiện tại thì đã thành quá khứ rồi. Khi nghe nói phải sống với hiện tại thì quý vị nhớ hiện tại khác với hiện tiền, hiện tại thuộc về thời gian, vẫn bị thời gian, không gian chi phối và vẫn bị mang cái phiền não trong đó còn cái hiện tiền kia là cái rõ biết những gì đang xảy ra, cái đó không có thời gian, không có quá khứ, hiện tại, tương lai cũng không có không gian. Sự cao siêu của Đạo Phật mà chúng ta cần phải ứng dụng để tự mình làm cho mình hạnh phúc, bình an và hạnh phúc đó mới là đích thực.
Và thưa quý vị, chúng tôi mỗi lần gặp quý vị cũng không nói cái gì cao siêu, chỉ nhắc đi nhắc lại chừng đó thôi, chừng đó mà chúng ta làm được một điều đã là có kết quả rồi. Thành ra quý vị đừng nghĩ mình phải thấy Niết bàn, chơn tâm, Phật tánh gì cao siêu quá, chỉ cần một điều là nhớ mình luôn luôn có mặt với những gì mình đang sống, đừng nắm bắt cũng đừng chối bỏ, chấp nhận hay khước từ đều là bệnh, chỉ thấy nó như nó mà thôi, nói chấp nhận là một lối nói vì có chấp nhận là còn có đối đãi với khước từ. Đạo Phật cao siêu là ở chỗ đó, không cho mình dính mắc hai bên, không cho mình mắc kẹt trên ngôn ngữ vì vậy chúng tôi cố gắng nói để quý vị đừng mắc kẹt, không thì chúng ta không mắc kẹt cái này lại mắc kẹt cái kia, bỏ sinh tử thì dính vào Niết bàn mà Niết bàn đó cũng chỉ là ý niệm về Niết bàn thôi và nó trở thành cái ngã của mình chứ không phải Niết bàn thực. Chúng ta phải nhớ rằng những những ý niệm đó cuối cùng cũng phải buông ra mới sống được với cái thực. Chúng tôi mong rằng quý phật tử có cơ hội để tu tập, luôn luôn tỉnh giác, nếu trong đời sống hàng ngày, quý vị không đủ sức mạnh để tỉnh giác thì phải dành thời giờ về Thiền viện, ngồi lại tu tập với quý Thầy, mỗi ngày gột rửa, làm chậm dòng suy nghĩ của mình để nhận diện tất cả những gì xảy ra và chuyển hóa nó. Thưa quý vị, chỉ chuyển hóa thôi chứ không bỏ gì hết vì nó đâu phải thực mà bỏ, cái buồn, giận, hơn thua, phải quấy tìm đâu ra mà bỏ, cho nên chỉ thấy nó để nó lặng xuống rồi chuyển hóa nó trở về với biển tâm thể thanh tịnh thôi. Qúy vị hãy tập từng cái nhỏ nhỏ, đó là làm cho tâm mình trở nên thuần thiện, khi tâm mình thuần thiện thì mình có phước, phước đó là trợ duyên cho mình đi tới trí tuệ dễ dàng. Đức Phật dạy rằng: “Phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật”, phước và trí tuệ đầy đủ mới thành Phật được. Tất cả chúng ta đều phải đi qua hai con đường đó, vừa làm phước vừa tu trí tuệ, tuy nhiên làm phước mà không chấp vào phước vì chấp vào phước sẽ nuôi lớn bản ngã nên mới cần có trí tuệ đi theo. Trí tuệ là để thấy được sự thực của cuộc đời, thấy mình không có thực, người mình làm phước không có thực, việc làm phước không có thực, tuy không có thực mà vẫn làm đó mới là Trí tuệ và Phước đức đầy đủ, như vậy mới việc tu thành công được.
Hôm nay, nhân ngày giỗ Sư Tổ, nhân bài trích đoạn về nhân quả, chúng tôi xin chia sẻ để chúng ta thấy được nhân nào mình phải làm, phải gieo trong tâm mình, mình tưới tẩm những hạt giống nào để đi tới niềm vui, hạnh phúc đích thực mà Hòa Thượng Tôn Sư mong muốn và Tổ Sư đã dày công để lại bao nhiêu sự nghiệp mà chúng ta là người kế thừa, thừa hưởng. Chúng tôi hy vọng chúng ta sẽ còn có cơ hội gặp lại để cùng tu với nhau.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Các bài mới
- Ứng dụng lý nhân quả vào cuộc sống - 06/12/2016
- Nhân quả, nghiệp, luân hồi - Phần 3: Luân hồi - 04/03/2016
- Nhân quả, Nghiệp,Luân hồi - Phần 4: Giải đáp những thắc mắc nghi vấn - 25/02/2016
- Nhân quả, Nghiệp, Luân hồi: Phần 2: Nghiệp - 30/01/2016
- Luân hồi, nghiệp, nhân quả - Phần 1: Luật nhân quả - 26/01/2016
Các bài đã đăng
- Nhân duyên và oan khiên - 05/11/2015
- Thiện ác không cố định - 05/11/2015
- Chuyển hóa nghiệp báo - 03/11/2015
- Nghiệp và nguyện - 02/11/2015
- Nghiệp từ đâu mà ra - 30/06/2014
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89348
- Online: 51