Nhìn lại chính mình

29/06/2015 | Lượt xem: 5130

TT.Thích Thông Tạng thuyết giảng tại TV Chơn Tâm - Hoa Kỳ

Kính thưa quý Sư cô, chúng ta đang có mặt trong khóa tu Mùa xuân tại Thiền viện Chơn Tâm. Chúng tôi vẫn thường nói rằng mình cứ nói đi, nói lại hoài cũng chỉ chừng đấy việc, chúng tôi  nghĩ  mình có mặt với quý phật tử để tu nhiều hơn là nói nhưng rồi vẫn cứ bị “bắt nói” thành ra khi nói, khi chia sẻ kinh nghiệm, chỗ mà mình muốn nói thì nói không tới, khi nói trên ngôn ngữ tương đối thì dễ có một sự hiểu lầm.

 Nếu mình khéo nhìn lại chính mình để mình quán sát, nhận diện tâm hành, những gì đang vận hành trong tâm thức của mình thì khả dĩ chúng ta có cơ hội để cảm thông được với người nói còn không, nếu mình nói trên kiến thức, cái hiểu biết, cái tương đối, cái đúng, cái sai thì chúng ta dễ lầm lẫn tại vì đa số quý Phật tử ở đây kiến thức về Phật pháp, về thiền quý vị học hỏi mấy chục năm rất nhiều, bây giờ chúng tôi nói nữa thì cũng là dư thôi. Vì vậy, ở đây chúng ta chia sẻ với nhau một chút ít kinh nghiệm về phương pháp thực tập pháp hành, còn những gì về kiến thức, ngôn ngữ  hy vọng quý phật tử sẽ bỏ qua hết để mình nhìn và nhận diện lại. Chúng tôi chia sẻ trên chỗ thực hành, tu tập nên hôm nay chúng tôi sẽ trình bày một đề tài bình thường không có gì cao siêu hết, đó là Nhìn lại chính mình, đề tài này dựa trên chủ đích của khóa tu đó là có cơ hội để nhìn lại mình, sống trở lại với cái thật của chính mình.

Thưa quý phật tử, chúng ta sống ngoài đời luôn luôn bị lôi cuốn bởi cơn lốc của thành bại, được mất, hơn thua, vui buồn, tất cả những cái gọi là đúng sai, phải quấy, chúng ta luôn bị cái nhị nguyên đối đãi giữa cuộc đời làm cho tâm mình trở nên bất an và mình quay cuồng trong cơn lốc đó rồi đến một lúc nào nhìn lại thì chúng ta thấy rằng mình trở nên nôn nóng, hấp tấp, vội vã, có gì đó cứ đẩy mình đi tới chứ ít khi mình dừng lại, vì vậy, bảo quý phật tử làm chậm cuộc sống của mình lại quả là điều khó khăn. Bây giờ bảo quý phật tử đi thiền hành chậm chậm từng bước để thấy rõ từng bước chân của mình thì quý vị sẽ thấy lúng túng. Qúy Thầy đi như vậy là còn dễ một chút cho quý phật tử, nếu đi đúng để thấy từng bước chân, từng cái giở, từng cái đặt chân xuống thì có lẽ quý phật tử sẽ lúng túng và khó đi. Mỗi con người chúng ta có một thói quen là lúc nào cũng lao tới, cũng đi nhanh nên bước chầm chậm là mình khó bước, xiêu xiêu như muốn ngã. Nhìn lại sự sống của mình, chúng ta luôn luôn hấp tấp, nôn nóng và vội vã, lúc nào năng lượng của sự khẩn trương cũng đẩy mình đi. Rồi trong đó, quý vị thấy còn kèm theo nỗi lo âu, sợ hãi làm mình căng thăng, bức xúc và mình trở nên một con người giận giữ, hung hăng thậm chí đôi khi mình hành động một cách tàn nhẫn mà mình không dừng được, không để ý thấy bởi cái năng lượng đó đẩy mình đi, khiến mình không làm chủ được. Tình trạng đó ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của mình do đó mà quý phật tử thấy mình tu tập thiền là để mình dừng lại và làm chủ lại cuộc sống của chính mình, trở về với sự sống đích thực của mình. Rồi mình lại có một lỗi nữa là trong lúc mình lăng xăng, căng thẳng quá, mình vô đây mấy ngày để có thể trở về với sự bình yên, mình lại tiếp tục ước muốn được thực sự bình yên. Khi chúng ta khởi tâm mong muốn thì nó sẽ tạo thêm một sự căng thẳng khác nữa. Tại sao, tại vì sự bình yên đó không đơn giản mà mình lại ước muốn nhiều quá nên nó bị xung đột giữa cái lăng xăng và ước muốn bình yên. Cái năng lượng lăng xăng chìm sâu trong tâm thức của mình, lúc nào nó cũng đẩy mình đi, còn bên ngoài chúng ta lại có ước muốn được dừng lại, được yên nhưng rồi chính hai cái đó xung đột với nhau và đôi lúc quý vị thấy mình giận giữ với chính mình. Nhiều khi mình thấy mình không yên rồi mình giận mình tại sao mình tu hoài, mình đến đây muốn yên mà không yên được, ngay trong đời sống hàng ngày, mình tu tập mười mấy hai mươi năm hay ít nhất năm ba năm, mình muốn mình được yên mà nó lại không yên nên mình cảm thấy bức xúc, khó chịu, bực bội và cái khó chịu, bực bội đó làm mình càng căng thẳng, không yên nữa. Như vậy, chủ đích của Thiền là quý vị cần phải bình tĩnh, không cần lăng xăng, hối hả để tìm một biện pháp giải quyết.

Thường thì chúng ta muốn tìm biện pháp để giải quyết những cái lăng xăng, lộn xộn, bất an đó nhưng thưa quý vị, không có cách khác nào để cho quý vị nôn nóng mà giải quyết được vì càng nôn nóng thì bằng cách nào đi nữa sự căng thẳng càng gia tăng mà thôi. Qúy vị để ý, mình càng nôn nóng giải quyết  vọng tưởng, những sự đau khổ trong tâm mình thì sự bất an càng gia tăng, chính cái đó Đức Phật gọi là Khổ khổ chứ không có gì hết. Đó là cái khổ của thực tại, cái khổ của quả, cái gì bất như ý thì mình khó chịu, mình cho đó là khổ rồi mình lại muốn chối bỏ nó. Qúy vị thấy trong đời sống hiện tại quý vị đang có những cái buồn khổ, cái bất an thì bây giờ quý vị muốn tu là loại bỏ nó ra khỏi đời sống của mình nhưng khi mình loại bỏ nó không được thì mình trở nên đau khổ, khổ đó là do tâm lý muốn chối bỏ của mình, tâm lý chối bỏ tạo thành một cái khổ chồng lên cái bất như ý kia. Như thế, quý vị thấy bao giờ mình mới hết khổ? Ở đây, tu đơn giản chỉ là mình để cho thân tâm mình nghỉ ngơi một cách hoàn toàn, đó là đừng có thêm một cái gì hết. Khi mình có một niềm đau, một nỗi buồn nào đó thì mình nhìn nó thôi, biết nó và chấp nhận nó, chấp nhận không có nghĩa là chịu đựng mà chấp nhận nó như một thực tại đang có mặt và đang xảy ra như vậy. Thưa quý vị, chúng ta có mặt ở đây là do nghiệp, tất cả những hiện tượng cuộc sống xảy ra, những cảm giác, suy nghĩ, hiểu biết, tâm sinh vật lý… đó là nghiệp quả mà đã là nghiệp quả thì quý vị không có chạy trốn ở đâu được hết. Trên cái nghiệp quả đó mình biết nó như nó đang xảy ra và sự thật nó đang xảy ra  thì mình chỉ nhìn nó, chấp nhận nó thì tự nhiên nó trôi qua rồi hết. Tại chúng ta không nhìn thấy được và mình đồng hóa mình trong đó nên mới tạo thành một cái khổ đau chứ quý vị nhìn kỹ không có niềm đau nào còn mãi, chút xíu là nó qua nhưng vì mình tưởng nó là thật, mình đồng hóa nó là mình, mình cứ ôn đi ôn lại, nhiều khi mình đang sống vui mình lại nhớ, lại ôn lại nên mình tiếp tục nhớ rồi buồn khổ, những cái đau khổ đã qua, đã mất nhưng chúng ta còn khổ hoài là tại mình nhớ, mình ôn lại. Mình sống mà không để cho tâm mình dừng nghỉ một chút nào hết nên bây giờ chúng ta tu là nhìn lại sự vận hành của tâm, mình biết rõ cái gì xảy ra trong cuộc sống của mình đều là quả mà đã là quả thì mình chỉ nhận thức nó xảy ra một cách đơn thuần vậy thôi, mình biết rõ và đừng thêm một cái gì hết. Sở dĩ chúng ta khổ đau là vì chúng ta đồng hóa mình trong đó với thái độ nắm giữ hay chối bỏ. Hai cái nắm giữ hay chối bỏ tạo thành một cảm xúc bất an, khổ đau. Khi thấy cái gì bằng lòng, vừa ý thì mình muốn nắm giữ mà cuộc đời là vô thường, phút trước phút sau đã thay đổi, không có gì là mãi mãi nhưng mình lại ảo tưởng, muốn rằng nó phải mãi mãi. Chính cái ảo tưởng mong muốn mãi mãi mà không được mãi mãi, muốn nắm giữ mà không được nên đau khổ, cái đó Đức Phật gọi là Hoại khổ. Hoại khổ là nó không thể tồn tại mà mình cứ muốn nó tồn tại nên khi nó thay đổi là mình khổ. Cái khó chịu, mình thấy là khổ nên muốn loại bỏ nó ra nhưng không loại bỏ được nên sinh ra tâm lý khổ chồng lên trên đó, đó là khổ khổ. Mình không bao giờ để cho tâm mình được dừng lại, khi ngồi yên, mình cảm thấy rỗng rang, trống trải nên phải khởi nghĩ một điều gì đó hay tìm một việc gì để làm, tâm của mình muốn đẩy thân hoạt động, cái đó Đức Phật gọi là Hành khổ. Tâm mình luôn luôn suy nghĩ, đẩy mình đi tới để tìm cầu một niềm vui, một sự thỏa mãn, chớ không bao giờ mình chịu ngồi yên với sự rỗng rang như thế. Cho nên, mình sinh ra trên đời là phải chấp nhận ba cái khổ đó là Khổ khổ, Hoại khổ và Hành khổ, ba cái khổ đó luôn có mặt với mình khi mình không thấy rõ được. Bây giờ, tu tập nghĩa là mình nhận thức rõ những gì xảy ra trong thân và tâm của mình để mình buông ra, không nắm giữ cũng không loại bỏ, tu là chỉ làm một việc là cái gì xảy ra trong tâm thức mình thì mình đừng nắm giữ cũng đừng chối bỏ, còn nắm giữ hay chối bỏ là còn khổ đau, sự nắm giữ hay chối bỏ đều phát sinh từ cái chấp ngã. Chúng ta có một ảo tưởng về cái tôi, thấy tôi là thật và tận trong sâu thẳm ai cũng thấy tôi là thật, mình đã được học qua lời Đức Phật dạy, rồi chư Tổ, Hòa thượng dạy rằng tất cả đều là vô thường, là vô ngã, là hư giả nhưng mình chỉ biết trên kiến thức là như vậy còn khi đụng chuyện thì mình vẫn thấy mình thật. Vậy nên cái thật đó rất mạnh và phản ứng rất nhanh, nghe một câu trái tai là ta phản ứng liền mà phản ứng nghĩa là thấy mình thật mới phản ứng, nếu thấy mình là giả, người là giả và lời nói kia là giả thì không bao giờ mình phản ứng hết. Tận trong sâu thẳm cái chấp ngã, chấp thật nó ăn sâu vào xương tủy chúng ta nhiều đời, nhiều kiếp nên đụng tới là nó phản ứng liền. Nhiều vị tu tập, hiểu hiểu một chút, thấy tâm mình yên tưởng như mình thành thánh, tưởng mình ngộ đạo và tưởng mình xong việc nhưng thưa quý vị, không đơn giản như vậy. Trong đời sống của mình, mỗi ngày cần phải dừng lại và nhìn sâu vào tâm mình để thấy rõ sự vận hành của tâm, để nhìn thấu tận nguồn gốc của nó rồi buông xả nó ra. Chỉ cần có cái nhận thức biết tất cả mọi thứ đều là vô thường, vô ngã, là duyên hợp không có gì thật hết, ngay cái trí tuệ đó lúc nào mình cũng thắp sáng lên được thì lúc đối duyên xúc cảnh trí tuệ đó tự động cho mình năng lượng để thấy rõ các pháp và mình dừng lại, không phản ứng trên bản ngã của mình thì cái bản ngã đó tự nó bị triệt tiêu, hóa tán vào chân trời bát nhã. Nó rất đơn giản nhưng thường mình tu mình không chịu quán chiếu vô thường vô ngã mà nghĩ mình tu là làm sao kiến tánh thành Phật chứ quán chiếu chi cho mệt, phải đi con đường thẳng, phải tu theo tối thượng thừa cho nên chúng ta bị mắc kẹt vào các pháp tu. Qúy vị cứ nghĩ rằng ngộ là thành Phật, đúng là ngộ là thành Phật nhưng mà thành Phật nhanh, do mình quên mình có sẵn ông Phật. Nghe chư Tổ và Hòa thượng chỉ dạy, ngộ là mình nhận ra rằng ngay nơi con người mình có cái tánh giác, tánh giác đó là Phật  nên tánh giác đó có sẵn rồi, mình đã là Phật rồi, không cần thêm nữa. Hiểu như vậy rồi mình nhận biết mình có cái tánh giác, mình cho rằng mình đã là Phật rồi, đâu cần phải tu nữa, Phật đó là vô tu, vô chứng, mình còn ngồi đó mà quán, mà chiếu, niệm thế này thế kia là còn thấp lắm. Qúy vị thấy lâu nay, nhận ra mấy chục năm rồi mà quý vị còn tham, sân, nếu đụng tới mà chúng ta còn nổi sân, còn phản ứng thì phải hiểu rằng cái kia chỉ là kiến thức thôi, ngộ đó là giải ngộ chứ không phải chứng ngộ. Ngộ phải đi tới 3 giai đoạn chứ không phải thành Phật liền:

Giải ngộ là mình nghe, hiểu, biết rõ nơi mình có cái tánh giác, có Phật.

Chứng ngộ là mình tu tập, mình sáng ra được, giống như mình có thể rờ mó, tiếp xúc được với cái đó.

Nhưng mình thấy rõ, tiếp xúc một lần đã xong chưa? Ngài A nan nói giống như “cái chớp của đêm ba mươi” thôi, chỉ lóe sáng lên mà mình tưởng cái lóe sáng đó là xong nhưng thực ra không phải vậy. Từ cái chứng ngộ đó đi tới cái tu tập, bảo dưỡng tới lúc sống hoàn toàn, trọn vẹn với cái đó thì mới là triệt ngộ.

Như vậy, quý vị thấy không đơn giản ngộ là thành Phật liền, nên chư Tổ nói kiến tánh rồi mới khởi tu nhưng thường chúng ta nghe kiến tánh rồi mới khởi tu thì mình không biết tu sao hết nên mình cứ sống vậy thôi, sống với cái kiến tánh là cái hiểu của mình, mình cho đó là tu, rồi mình ngồi đó, khởi tu thì mình nói “biết vọng liền buông”. Nhưng thưa quý vị, biết vọng liền buông, buông vọng này thì tới vọng khác, cứ buông hoài, biết rồi buông, biết rồi buông nhưng động tới thì vọng vẫn dấy lên, phiền não vẫn đùng đùng, phản ứng sân si lên, vậy mình biết vọng là biết cái gì? Cái chỗ “biết vọng không theo” đó cũng làm cho mình rắc rối, mình hiểu nó sai rồi, cho nên biết vọng thì không bao giờ theo nó, biết vọng mà mình còn theo nó thì thực là chưa biết vọng, mà đã biết rồi thì nó không còn là vọng nữa, còn  là vọng thì không có biết cho nên biết vọng là mình thấy rõ được nó, biết nó thì tự nó liền hết đó mới gọi là biết vọng. Còn mình nói mình biết vọng rồi mà còn bị cái vọng đó chi phối thì chưa phải là biết vọng, là mình còn thấy nó là thật, biết vọng rồi thì vọng đó không còn chi phối mình được.

Chúng ta muốn thân tâm mình được yên thì phải buông xuống hết mọi ý niệm, mọi vọng tưởng tạo tác để mình trở thành thanh tịnh, mình còn muốn như vậy thì đó cũng là chướng ngại mà thôi. Dù mình muốn trở thành Phật, thành Bồ Tát, tất cả ý tưởng đó là động cơ làm cho tâm mình không bao giờ yên được và mình sẽ đánh mất đi cái sự sống chơn thật của mình, cái chơn thật đó bị khuất lấp mất rồi. Chúng ta có một lỗi là không chịu quán chiếu mà chỉ muốn thấy được chơn tâm, Phật tánh và chỉ muốn trở thành Phật. Thưa quý vị, chúng ta trở thành Phật được không? Không bao giờ, Phật là không có trở thành, Phật mà còn có trở thành thì là cái gì khác rồi chứ không phải Phật, Phật đã là sẵn đó rồi, mình tu mà còn trở thành thì là thành cái thứ hai, cái thứ ba chứ không phải thành Phật. Cho nên, chúng ta tu không phải để trở thành mà tu để loại, nói loại là một lối nói chứ không có gì để loại, mình chỉ buông sự dính mắc của mình trên các pháp thôi, mình buông hết  đúng sai, phải quấy, hơn thua, tốt xấu, tâm ganh tỵ, buông hết các ý niệm dính mắc đó chứ không phải không biết nó, mình biết rõ tất cả nhưng không dính mắc. Tu là biết vọng, vọng là ý niệm dính mắc vào cái đúng, cái sai, phải quấy, tốt xấu chứ không phải hiện tượng của đúng sai, phải quấy đó là vọng. Trên đời sống tục đế quy ước của xã hội, con người có mặt ở đây thì cái sự đúng sai, phải quấy, tốt xấu đó phải có nhưng khi quy ước như thế thì mình tưởng nó là thật và mình đồng hóa mình trong sự quy ước đó rồi mình lấy đó làm cái thật của mình, cho đó là mình cho nên mới có phiền não, khổ đau. Không phải mình tu rồi thì không còn phải quấy, tốt xấu mà tu là buông sự dính mắc trong tâm, cái hiện tượng bên ngoài là chuyện của thực tại đang xảy ra, đừng nắm giữ cũng đừng chối bỏ. Điều quan trọng là chúng ta tu là để buông hết tất cả những ý muốn của mình dù đó là ý muốn thiền định để giữ cho tâm yên tĩnh, khi mình khởi ý niệm muốn thì ý niệm đó đã che mờ đi cái chân thật của mình và mình tìm hoài, tìm mãi cũng không bao giờ thấy cái chân thật đó hiện tiền, muốn cái chân thật hiện tiền thì mình phải buông hết mọi ý niệm, ý niệm dính mắc vào đúng sai, phải quấy, hơn thua. Qúy vị buông được cái đó thì tự nhiên sự sống chân thật kia đã có mặt nơi mình rồi, không cần phải chạy đi tìm nó ở đâu hết. Lâu nay mình cứ lăng xăng đi tìm chạy hết chỗ này tới chỗ kia nghe ở đâu có ông Thầy nào giảng hay hay là liền chạy tới đó tu thử xem ra sao, mình nghe chỗ nào tu làm cho mình thấy được Niết Bàn, chân tâm, thấy hào quang gì đó thì mình cũng tìm tới để nghiên cứu thử coi sao, mình không đủ niềm tin với chính mình nên tất cả những cái dù là thiền định hay hiện tại lạc thú thì vẫn là một loại hoạt động làm cho mình căng thẳng mà thôi vì mình có cái tâm gá vào trong đó để muốn nó được an lạc. Chỉ khi nào tập nhìn lại để nhận thức rõ sự vận hành của tâm mình trong từng ý niệm, từng cảm xúc buồn vui, hờn giận, phải quấy đó mình thấy rõ nó với tâm tỉnh sáng và khi mình có cái tâm tỉnh sáng đó là quý vị tách mình ra khỏi đó, còn lâu nay, mình đồng hóa mình trong đó mà đánh mất mình. Nên bây giờ tu tập là mình biết rõ nó và đừng có dính mắc, đừng đồng hóa mình trong đó thì cái rõ biết đúng sai, hơn thua, có vọng tưởng hay không có vọng tưởng, cái rõ biết đó là cái chân thật của mình chứ không có gì khác. Nó rất là đơn giản mà mình không chịu sống như vậy, mình cứ muốn được cái này, được cái kia, mà càng muốn được thì càng mất, càng muốn được thì tâm mình càng trở nên bất an. Điều quan trọng trong khóa tu này là quý vị chỉ cần tập nhìn lại tâm mình, nhận thức rõ sự vận hành của từng ý niệm từng sự máy động trong tâm mà thôi. Quý vị chỉ nhìn nó, biết rõ nó đang buồn hay vui, nó như thế nào vậy thôi, biết rõ mà đừng có thêm gì hết rồi từ từ quý phật tử sẽ nhận lại được chỗ chân thật của mình thôi. Mình phải đem mình ra khỏi trạng thái của nắm bắt, dính mắc, bám víu trong ý niệm của tốt xấu, hơn thua, phải quấy, mình buông tất cả những cái đó ra thì tâm mình sẽ trở lại an nhiên, lúc đó quý phật tử sẽ thấy cái hạnh phúc chân thật hiển bày ở đó. Thân tâm an lạc không xuất phát từ sự cố gắng, thúc ép, đè nén ý niệm, vọng tưởng. Lâu nay chúng ta tu, chúng ta luôn cố gắng cho vọng tưởng đừng dấy lên, làm sao cho tâm đừng có vọng tưởng gì hết, chúng ta hiểu lầm rằng cái niệm nào dấy lên cũng là vọng tưởng vì vậy mà mình muốn cho tâm mình rỗng rang, không còn niệm nào hết. Khi không suy nghĩ, không còn niệm nào hết thì lúc đó còn lại một cái rõ biết. Nhưng cái rõ biết đó, thí dụ mình đói bụng, mình muốn đi ăn cơm, dù rằng mình không khởi ý niệm đi ăn cơm nhưng trong sâu thẳm vẫn có cái thúc đẩy mình biết đi ăn cơm. Như vậy, đói bụng là mình biết nghĩ đến chuyện đi ăn cơm, vậy cái nghĩ đi ăn cơm có phải vọng tưởng hay không? Thưa quý vị, đó không phải vọng tưởng mà vọng tưởng là cái ý niệm dấy lên mình đi ăn cơm nhưng phải ăn cái gì mà mình ưa thích. Nếu như lên mâm cơm mà mình thấy cái gì ăn cái đó, ngon dở gì mình cũng ăn, không khởi ý niệm là ngon, dở gì hết thì cái đó mới gọi là vô niệm, mới gọi là không có vọng tưởng. Còn chúng ta khởi nghĩ rằng cơm bữa nay sao nấu dở quá, bữa nay sao không có món hôm qua tôi thích thì đó là vọng tưởng. Không phải niệm nào cũng là vọng, nói suy nghĩ là vọng thì Đức Phật có khởi niệm giáo hóa chúng sinh không, không có thì lấy đâu ra tam tạng kinh điển cho chúng ta học. Như vậy chúng ta biết rằng mọi suy nghĩ, nói năng, hành động nếu chúng ta để cho cái ngã của mình một ảo tưởng về một cái tôi hình thành và tất cả những suy nghĩ, nói năng, khởi niệm đều phát sinh từ cái ngã thì đó mới gọi là vọng tưởng. Còn khi chúng ta không còn cái ngã nữa, mình khởi niệm lên thì niệm đó gọi là như lý tác tác ý, như lý tác ý là thoát ra khỏi bản ngã, như lý tác ý đó là dụng của trí chứ không phải là vọng tưởng. Qúy phật tử biết điều đó rồi thì không cần phải sợ vọng tưởng, không phải sợ mình không còn suy nghĩ gì hết mà biết rằng mình nghĩ cái gì và cái gì đang biết nghĩ, khi mình biết mình đang biết nghĩ thì mình không bị cái nghĩ đó chi phối, như vậy mình nghĩ về một điều tốt, lợi ích cho mọi người, mình làm chủ được dòng suy nghĩ của mình.

Hòa thượng dạy tu thiền là mình phải làm chủ suy nghĩ của mình như một ông thầy thuốc bắc, trong tiệm thuốc có từng hộc tủ thuốc, cần vị thuốc nào thì kéo hộc tủ đó ra, bốc vị thuốc đó rồi đóng hộc tủ lại, người tu thiền là làm chủ dòng suy nghĩ của mình chứ không phải là không có nghĩ, mình phải biết làm chủ suy nghĩ của mình, biết mình đang nghĩ cái gì, nghĩ đúng hay sai, nghĩ tốt hay xấu, đó là đứng trên tục đế quy ước còn khi sống với cái chân đế thì mình không dính mắc vào đúng sai, phải quấy mà khởi cái dụng trên đúng sai, phải quấy đó để làm lợi ích thì đó không phải là vọng tưởng. Hiểu như vậy thì quý phật tử không phải cố gắng đè nén để không cho vọng tưởng dấy lên. Thường thì quý vị nghe trong thiền sử ghi lại niệm khởi là phạm giới thì một ngày mình phạm giới không biết bao nhiêu lần, như thế biết không biết làm sao mà tu, rồi mình cố gắng không phạm giới bằng cách đè cho ý niệm chết đi không còn nghĩ gì hết, mà không nghĩ gì hết thì mình thành gỗ đá. Chúng ta phải hiểu rõ, không khéo là mắc kẹt trên ngôn ngữ, ngôn ngữ làm cho mình rối, tu không được và mình luôn luôn tìm cách để không khởi các ý niệm xấu ác thì mình lại khởi các ý niệm khác, ý niệm tạo tác một cách chủ quan để mình trở thành Phật, thành Tổ, tu để được chân tâm, Phật tánh thì cái đó cũng là ý niệm thôi mà  ý niệm đó phát sinh từ cái tư kiến, tư dục của bản ngã, bản ngã mà còn muốn trở thành gì thì cũng khổ đau như thường, cho nên còn ngã là còn khổ đau. Khi bản ngã mình muốn trở thành, muốn có được Niết bàn, chân tâm, Phật tánh để trở thành cõi cực lạc gì đó thì đó là có tướng mà cái gì có tướng thì đều là giả như trong Kinh Kim Cang nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Dù là mình muốn trở thành Phật, thành gì đó thì đều là có tướng, mà có tướng là không thật, là hư dối nên bí quyết để được an lạc là thân tâm mình phải thoát khỏi mọi ý niệm lăng xăng, tạo tác của cái Ta ảo tưởng. Mình luôn luôn ảo tưởng có một cái tôi thật, mình thấy cái tôi đó khổ đau quá, mình tu để cho cái tôi đó được an lạc, hạnh phúc nên mình mới mong cầu được Niết bàn, được chân tâm, Phật tánh, cái tôi đó dù cho có được thì cũng sẽ bị hoại diệt, cũng sẽ đưa đến bất an, đau khổ bởi đó chỉ là cái ảo tưởng của mình cho nên an lạc, hạnh phúc chỉ thực sự có mặt khi tâm của chúng ta không bị dính mắc vào quá khứ, hiện tại, vị lai. Qúy vị khởi niệm thành Phật thì quý vị bị dính mắc vào vị lai, vị lai mình muốn trở thành Phật trong khi Phật đó là sẵn rồi, tánh giác đó là sẵn có, mình tu tập không phải để trở thành mà để buông hết những cái kia ra giống như cái gương của mình luôn luôn sáng, sở dĩ mình không thấy sáng là do bụi phủ lên, muốn thấy được cái gương sáng thì mình phải làm cho nó hết bụi thôi chứ không phải làm cho nó trở thành sáng, hết bụi thì cái gương tự nó sáng. Lâu nay chúng ta tu là để trở thành cho nên tu hoài mà không trở thành gì hết bởi ý niệm trở thành đã là bụi phủ lên cái kia rồi thì làm sao nó sáng được cho nên ý niệm thành Phật, thành Tổ gì đó cũng phải phủi luôn. Tu là chỉ có bỏ ra chứ không có thêm vào, muốn thêm vào là muốn trở thành, nói buông ra, loại ra cũng chỉ là một lối nói chứ thực không có cái gì để mình buông, mình loại hết. Qúy vị thấy buông cái gì, loại cái gì? Mình đau khổ, mình vọng tưởng nhiều thế này thế kia nhưng thử  tìm lại một cái vọng tưởng xem nó có không, nó không có mà bảo buông là cái gì, nó dấy lên là chuyện của nó và mình là người biết nó, vọng tưởng là đối tượng bị mình biết và mình có cái biết rõ ràng, biết có vọng tưởng hay không có vọng tưởng. Vọng tưởng là cái dụng từ cái thể do gió nghiệp thổi giống như từ nước mà thành sóng, trí tuệ mình biết rõ, mình nhìn thấy tức là dừng nghiệp, gió nghiệp không còn thì tự sóng trở về với thể nước chứ đâu có gì thêm nữa. Chúng ta chỉ tu tập làm sao để thân tâm mình nghỉ ngơi một cách thoải mái vậy thôi chứ đừng dính mắc vào quá khứ, hiện tại, tương lai và mình thấy rõ rằng cái tâm của mình lúc nào cũng an nhiên, tự tại không bị lệ thuộc vào bất cứ một điều kiện nào hết,  chúng ta chỉ cần buông bỏ hết các điều kiện đó ra thôi. Chúng ta cứ muốn đi tìm bình an, hạnh phúc bằng điều kiện này, điều kiện để mình có hạnh phúc, trở thành hạnh phúc thì điều đó không bao giờ có. Chúng ta hãy để cho thân tâm mình nghỉ ngơi một cách thoải mái. Trong 7 ngày tu tập này, quý phật tử đang cố gắng để đừng cho vọng tưởng dấy lên có phải không? Khỏi cần làm điều đó, quý vị chỉ cần tới giờ cơm đi ăn cơm, tới giờ ngồi thiền đi ngồi thiền, ngồi thiền đau chân mình biết có đau chân, không đau chân mình biết không đau chân chừng bao nhiêu đó thôi. Mình chăn cái tâm của mình đừng để nó khởi cảm xúc khó chịu, bực bội, dính mắc, nắm giữ hay chối bỏ tất cả những hình thức đang có trong khóa tu của mình, chỉ chừng đó tự nhiên quý vị thấy có sự mầu nhiệm của con đường tu tập thiền còn nếu không thì mình sẽ ngồi đó nhăn nhó với cái đau của mình, mình bực bội bản thân tu mười mấy năm rồi, ngồi một tiếng mà vẫn thấy đau, cái bực bội, khó chịu đó đã là vọng tưởng mất rồi. Nếu trên cái đau mà quý vị biết rõ mười ba khóa tu rồi nó vẫn còn đau, mình biết rằng ừ thì nó đau thì mình an ổn còn khi mình bực bội, khó chịu, chối bỏ điều này thì sự khó chịu đó đã là một lớp bụi phủ lên sự bình an, an nhiên, tự tại của mình. Tự tại không phải là không có đau mà là nhìn rõ, biết nó đang đau vậy thôi, không thêm gì hết. Ngồi đau quá thì lén lén kéo cái chân xuống, bớt đau lại kéo cái chân lên, nếu đau quá chịu không nổi thì xả ra đi thiền hành vậy thôi, đừng để cái tâm mình bực bội, khó chịu trên cái hiện tượng đang xảy ra. Còn nếu mình cố gắng thấy người ta ngồi một tiếng, tiếng rưỡi mà mình ngồi không nổi rồi cứ ráng ngồi, ngồi như thế là chịu đựng thì quá ư là khổ đau. Mình tu là để tìm sự an lạc mà tại sao quý phật tử lại khổ đau chi vậy? Đau quá chịu không được thì xả ra chứ có gì đâu. Nói như vậy không có nghĩa là mình đầu hàng chịu thua, mình phải cố gắng với cái tâm không khó chịu, bực bội, căng thẳng và không cố để loại trừ cái đau ra. Nói rằng tu mà để đến lúc nào không còn cảm giác đau nữa thì coi chừng mình đã tu sai rồi  vì thân mình có mặt ở đây là cái quả của nhân quá khứ, mình có mặt ở đây là có đủ thọ, tưởng, hành, thức, tất cả cảm giác của buồn vui, đau đớn, của dễ chịu, khó chịu, tất cả những cái cảm thọ của buồn vui, đau đớn, không dễ chịu, không khó chịu đó là quả của hiện tại, là một thực tại đang xảy ra, quý phật tử không thể chối bỏ đi đâu được hết mà chỉ biết nó và chấp nhận nó thôi, chấp nhận nó là bình an, chối bỏ nó là bất an, đau khổ nhưng nhớ một điều là quý phật tử chấp nhận bằng trí tuệ thấy rõ lẽ thật chứ không phải chấp nhận bằng cái vì nó đau quá nên không biết làm sao cho hết đau, không có cách nào khác nên đành phải chịu, đó gọi là chịu đựng chứ không phải thấy bằng trí tuệ. Khi chúng ta thấy bằng trí tuệ thì chúng ta biết một sự thật rằng có thân là có già, có bệnh, có đau và đi tới cái chết và chúng ta chấp nhận sự thật đó bằng trí tuệ cho nên đau mà không có khổ, còn nếu không chấp nhận sự thật, muốn lúc nào nó cũng không đau thì đau là khổ vì mình không muốn có cái đau đó. Ở đây chúng ta tu tập đau mà không khổ, đau hay không đau là cái quả của thân tứ đại còn cái rõ biết kia mới là cái chân thật của mình, cái chân thật đó biết được hiện tượng đau hay không đau cũng không dính dáng tới cái chân thật kia hết. Sở dĩ lâu nay chúng ta đau khổ là tại chúng ta đồng hóa cái thật của mình trong cái hư giả kia, đau là mình sợ hãi cái đau, sân là mình nổi sân đùng đùng lên rồi lúc sau khi cái sân đã phản ứng lên rồi mình mới biết mình đã sân còn khi mình đang sân thì không bao giờ mình biết, mình sân lên là mình đồng hóa mình trong cái sân, mình phản ứng, cái đồng hóa và phản ứng rất là nhanh, cho nên mình đồng hóa, phản ứng rồi cái trí tuệ đó mới cho mình nghĩ lại, mình mới thấy sân là sai nhưng lúc đó thì mình đã sân rồi. Chúng ta tu tập là để mình nhận diện ra cái tham, cái sân của mình, cái giận hờn, bực bội, cái gì làm cho mình bất an, mình nhận diện được nó và khi đó mình không còn đồng hóa mình trong đó. Tu là mình phải thắp sáng cái trí tuệ vô thường, vô ngã lên để hàng ngày, trong cuộc sống mình luôn luôn có chánh niệm, tỉnh giác trong trong từng phút giây. Chánh niệm là mình làm cái gì mình biết rõ cái đó. Thực hiện được việc sống chánh niệm có khi cũng rất là khó, mình luôn luôn không thắp sáng được sự tỉnh giác nên mình cứ phản ứng trên cái tập khí và thói quen lâu đời của mình vì vậy quý Phật tử thấy cái nghiệp thức của mình luôn vận hành và mình cứ phản ứng theo sự vận hành của nghiệp thức chứ mình không thấy rõ bằng cái trí. Có những lúc mình làm mà mình không biết mình làm gì, mình phản ứng trên cái tự nhiên trong cái nhân quá khứ, trong cái tập khí, thói quen của mình, mình làm mà không sáng tỏ trong từng hành động làm của mình. Nhiều khi chúng ta rửa chén, lặt rau, quét nhà…chúng ta làm mọi thứ nhưng chúng ta bị thói quen của quá khứ dẫn mình đi, mình suy nghĩ hết chuyện này tới chuyện kia và cái tâm sinh diệt đó cứ vận hành, đẩy mình đi. Ngay khi mình làm, mình không nhận thức rõ việc mình đang làm, quý phật tử nãy giờ ngồi đây nhưng chưa chắc đã hoàn toàn có mặt ở đây, có ai hứa là 7 ngày này con sẽ thật sự có mặt ở Chơn Tâm không? Chúng ta phải ráng có mặt bằng cách buông tất cả, chỉ biết có mặt ở đây,  mỗi ngày mình biết mình làm cái gì, bao nhiêu suy nghĩ về quá khứ, tương lai, những sự sắp đặt gì ở nhà đều buông hết, suy nghĩ dấy lên thì mình biết nó, đừng để nó chi phối, đừng chạy theo nó, biết nó là vọng tưởng thì nó dừng lại thôi. Như thế 7 ngày tu tập của chúng ta mới có được kết quả còn nếu không mình cứ loay hoay với cái vọng tưởng của quá khứ, tương lai và ngay cả hiện tại mình cũng quên mất luôn, mình chạy theo cái đúng sai, phải quấy, cái hơn, cái thua và mình đánh mất hết cuộc sống thật của mình.

Cuộc sống thật chỉ đơn giản ở chỗ biết rõ tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống của mình mà không dính mắc vào cái gì hết, mình biết rằng sáng nay mình uể oải, có ý niệm không muốn đi ngồi thiền thì mình biết rõ ý niệm đó vậy thôi, đừng tự trách hay hành hạ mình bằng một ý niệm nào khác nữa, mình biết nó vậy thì mình lặng lẽ thay đổi, chuyển hóa nó chứ đừng tạo cho tâm mình thành một bãi chiến trường. Có khi mình giận một ý niệm xấu xa của mình rồi mình tự hành hạ mình, nếu mình hành hạ mình bằng cách giận dữ thì giống như dùng bàn tay trái đập bàn tay phải, điều đó không có nghĩa là mình làm sai rồi cứ tha thứ cho mình mà mình không làm khổ mình và chuyển hóa nó, đó mới gọi là trí tuệ, chúng ta thắp sáng trí tuệ để mình hiểu rõ được những gì vận hành nơi bản thân để tu tập. Nếu quý vị thực hành được như vậy thì trong 7 ngày, mình sẽ thấy sự an lạc, màu nhiệm của việc tu tập còn nếu không, mình cũng có được sự an lạc nhưng không khéo sự an lạc đó chỉ là ảo tưởng do mình dựng lên chứ không phải an lạc thực sự. Muốn an lạc thực sự thì chúng ta phải buông hai bên ra, đừng dính mắc bên này, bên kia, đừng dính mắc vào đúng sai, phải quấy để tâm mình trở nên bất an. Tóm lại là quý phật tử chỉ cần rõ biết trong từng ngày, từng phút, từng giờ, mình luôn nhìn lại tâm mình để thấy rõ sự vận hành của buồn, của giận, của đúng, của sai, của phải quấy, hơn thua đó, tất cả những gì xảy ra trong tâm mình nhận thức, biết rõ nó, đừng để nó chi phối mình, mình làm chủ được nó, không bị lệ thuộc vào nó thì trong 7 ngày quý phật tử sẽ thấy mình bình an còn không thì cuối cùng mình về phiền não vẫn còn y nguyên. Chúng ta tu tập là phải thực hành. Tôi cho rằng 7 ngày mà chúng ta phải ngồi nghe bảy buổi giảng thì cũng là hơi nhiều, ngày nào cũng ngồi nghe giảng, nghe nhiều quá cũng không có lợi ích. Thưa quý vị, chỉ có một việc là chúng ta dành nhiều thời gian để mình tu tập, quán chiếu chuyển hóa nội tâm thì việc đó mới có lợi, mới thực tế. Còn nội quý vị ở nhà, lúc rảnh rang là quý vị nghe đĩa, nghe băng không biết bao nhiêu rồi nhưng chúng ta có thói quen là cứ muốn nghe để coi nó hay như thế nào, ông Thầy đó giảng hay hơn ông Thầy kia không, ông Thầy đó chỉ ra cái pháp có dễ tu hơn ông Thầy kia không và rồi chúng ta cứ đem cái kinh nghiệm, kiến thức để mình so sánh chứ không chịu tu tập, khóa tu nào mà biểu mình tu liên tục 7,8 ngày là không ai chịu hết, đã vậy rồi còn phải tham vấn nữa nếu các quý phật tử không hỏi thì quý Thầy phải nói cho hết giờ chứ không lẽ ngồi im lặng. Thành ra chúng ta cứ bị mắc kẹt vào cái nói, người thì thích nói, mình thì thích nghe, hai bên cứ nói và nghe, nói và nghe rồi đâu nó vẫn còn nguyên đó. Chúng ta đừng quan trọng chuyện nghe nhiều mà quan trọng là thực hành nhiều, thời giờ nghe ít thì thời giờ để nhìn lại mình sẽ nhiều hơn, trong 7 ngày mà quý vị hoàn toàn chỉ nhìn lại mình thôi thì quý vị sẽ khám phá ra những điều màu nhiệm của sự tu tập còn không cứ nghe rồi hỏi, hỏi rồi cứ phân biệt, cứ kiến thức đúng sai,ông Thầy này nói là không đúng, ông Thầy kia nói là sai với Tổ sư, với kinh điển rồi chúng ta cứ tiếp tục như vậy hoài thì suốt cuộc đời chúng ta cứ loay hoay ở trong đó không thoát ra được. Như vậy, càng tu, càng trở về với mình thì càng ít nói cũng càng không muốn nghe nữa bởi cái nghe của mình đã có sẵn rồi, không cần phải nghe pháp nhiều. Chim, gió, cây rừng xào xạc cũng có thể nói pháp cho mình nghe mà mình không chịu nghe, đó là vô tình thuyết pháp, mình chỉ muốn nghe thuyết pháp cho hay. Tu mà không khéo thì không bao giờ chúng ta có thể sống được với cái chân thật của mình. Trong 7 ngày quý vị được nghe nhiều thì cũng cần phải có thời gian quay lại mình nhiều chứ đừng để cái nghe trở thành phân biệt đúng sai rồi mình cứ lý luận, tìm xem chỗ ông Thầy đó nói có sai không rồi mình đem ra hỏi mà có khi chẳng đi tới đâu hết. Chúng tôi đi giảng cũng gặp nhiều trường hợp như vậy, Thầy nói ra một câu thì một phật tử bẻ lại một câu, người phật tử đó chỉ lấy trên cái ngôn ngữ tương đối, nói ra thì phải sử dụng ngôn ngữ nhưng người nói không bị mắc kẹt mà chỉ mượn lời nói để diễn tả còn người phật tử thì đứng trên cái tương đối, cái đúng sai nên nói ra là trật rồi. Mà thưa quý vị, đúng là nói ra là trật cho nên chúng tôi mới nói tu tới đó là không muốn nói bởi nói ra thì không có ai hiểu, không ai cảm thông được mình vì nói ra là tương đối, nói đúng thì phải có cái sai đối lại, hạnh phúc thì phải có khổ đau đối lại, xưng “tôi nói” thì người ta nghĩ đã tu rồi lại còn có cái tôi. “Tôi” ở đây chỉ là một đại từ nhân xưng đối với nhau trên cái tục đế, “tôi nói” không phải là chấp ngã, chấp ngã hay không chính là trong đời sống hàng ngày người đó biểu hiện ra. Như Đức Phật cũng nói là “tôi nói”, cái tôi đó không phải là chấp ngã. Chẳng hạn, chúng tôi có nói khi buông tất cả mọi thứ quý vị sẽ thấy hạnh phúc, có người nói thế thì sau hạnh phúc đó phải là khổ đau nhưng thưa quý vị, chỗ chân thật, bình an đó nói không được, không có gì diễn tả được hết thành ra tạm nói là hạnh phúc vậy thôi, “hạnh phúc” đó cũng là ngôn ngữ tạm bợ nói ra, quý phật tử phải bỏ ngôn ngữ để thấy được chỗ thật mà Phật, Tổ, quý Thầy chỉ chứ đừng mắc kẹt trên ngôn ngữ, sinh ra phân biệt rồi lại khổ đau tiếp. Chúng tôi vẫn nói rằng khi nghe nói, quý vị chịu khó buông ngôn ngữ và mình nhận ra cái gì nơi mình thì ngôn ngữ kia không còn quan trọng nữa. Có những vị đọc sách nhiều, hiểu nhiều, kiến thức nhiều thì luôn luôn nhìn ra, nhìn người khác và lấy cái kiến thức của mình đối chiếu, phân biệt rồi thấy người ta lúc nào cũng sai và mình cứ thấy lỗi của người khác mà không bao giờ thấy lỗi của mình tại vì mình lấy cái hiểu làm cái thật của mình. Lỗi của mình là nhìn thấy người khác lỗi, thấy người khác lỗi là mình đã có lỗi rồi. Chúng ta phải khéo, càng tu càng thấy lại mình, thấy lỗi của mình chứ không thấy lỗi của người khác, càng tu thì mình càng thấy mình như cỏ như rác, không thấy mình quan trọng, nếu không khéo, tu nhiều, kiến thức nhiều lại thấy mình giỏi, mình quan trọng, nhìn ai cũng thấy lầm lỗi, chỉ có mình là số một. Càng tu thì càng không muốn nói vì ngôn ngữ không có nói được chỗ sống của mình vì vậy khi các thiền sư hỏi “Biết không”, đáp “Không biết”, các vị ấy liền nói “Không biết là tốt”. Cái chỗ đó ngôn ngữ nói không tới, nói lòng vòng thì cũng chỉ là dẫn nhau đi trên ngôn ngữ, trên kiến thức thôi. Chừng nào mà quý phật tử tu thấy tới đây chỉ tu, chỉ sống thôi, chuyện các thầy nói là chuyện của Thầy, không quan trọng, nghe cũng được, không nghe cũng tốt, đúng thấy là đúng, sai thấy là sai, còn nếu thấy đúng sai là quan trọng thì tự nhiên có phiền não, bực bội, khó chịu là đã sáu căn đã dính với sáu trần và bị sáu trần chi phối.

 

Các bài đã đăng

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88931
  • Online: 43