Những cánh hoa đàm (Phần 02)

06/07/2024 | Lượt xem: 2037

HT.Thích Thanh  Từ

HỎI: Thưa Thầy, con ham tu, đang ăn chay tụng kinh niệm Phật, cố bỏ tham, sân, si. Thế mà gặp chuyện con vẫn tham, vẫn sân, nhất là sân. Thưa Thầy, con phải làm sao để bỏ cho được sân hận?

ĐÁP: Đạo hữu sợ tham, sợ sân, vậy si đạo hữu có sợ không? Tham, sân tuy bộc phát mạnh, nhưng không đáng sợ bằng si. Tôi không khuyên quý vị tu nhẫn nhục hay từ bi để trừ sân. mà chỉ cho quý vị thấy tham, sân từ đâu mà có. Đó là điều phải lưu ý. Sở dĩ chúng ta có tham có sân mà chúng ta không bỏ được là tại cái gì? Do chúng ta thấy và chấp thân tâm này là quý là thật. Bởi chấp thân tâm thật quý, nên mới muốn được thụ hưởng đầy đủ, mà thụ hưởng đầy đủ là tham chứ gì? Tham danh, tham lợi, tham tài, tham sắc... để cung phụng cho thân tâm này. Do chấp thân này là ngã nên có tham. Còn sân do đâu mà có? Muốn mà không được nên sân. Ví dụ như mình muốn mua một món đồ, trả gần tới giá bán, chợt có người tới trả giá cao hơn, họ mua. mình không mua được nên nổi sân, có sân là do không thỏa mãn lòng tham. Như vậy, tham, sân có là do mê chấp thân tâm là thật là ngã mà ra.

Gần đây các nhà khoa học phân tách thấy cơ thể con người do nhiều loại tế bào hợp lại mà thành, cơ thể con người không phải là một cố thể hằng hữu. Những loại tế bào biến dạng không dừng. Vậy cái gì là ta thật? Đó là cái chấp theo y học. Còn Phật giáo thì nói thân này có bốn thứ: đất, nước, gió, lửa tạm hòa hợp mà thành. Thông thường nước với lửa thì khắc nhau, lửa gặp nước thì tắt, nước gặp lửa thì biến thái. Gió với đất cũng khác, đất chắn gió, gió cuốn đất. Vậy mà bốn thứ hợp lại thành thân người. Bốn thứ sung khắc nhau mà ở chung một nhà nên cứ bất hòa hoài. Nay cảm thấy người nóng, phải uống nước mát để điều hòa lửa vì lửa phải xoa bóp xoay bấm huyệt, vì gió mạnh đất rung rinh... Sống một ngày là điều hòa tứ đại một ngày, hết điều hòa nước tới điều hòa gió, hết điều hòa gió tới điều hòa lửa... Có điều hòa thân mới tạm yên. Nên điều hòa không được thì bất an đau khổ. Vậy, cả cuộc đời chúng ta sống chỉ làm việc điều hòa bốn đại mà thôi.

Kinh Đại Bát Niết-bàn Phật dụ bốn đại là bốn con rắn thù nghịch, ở chung trong một cái thùng cứ cắn lộn nhau hoài. Chúng ta cứ phải điều hòa can thiệp chúng, đến một lúc nào không can thiệp nữa, thì mỗi con đi mỗi nơi là hết việc. Như gió đi ra không trở lại thì chết, lửa đi ra không trở lại thì chết. Vậy, giá trị của cuộc sống là gì? Nhìn cho thật kỹ, rõ ràng chúng ta đang điều hòa tứ đại, điều hòa tạm ổn thì tạm an vui. Nếu nó âm ỉ bất hòa là bắt đầu đau khổ rồi. Tứ đại của quý vị có hoàn toàn hòa không? Nếu nó không chống đối mạnh mẽ thì cũng chống đối ngấm ngầm, nên lúc nào chúng ta cũng có bệnh, không bệnh nặng cũng bệnh nhẹ. Chúng ta nghiệm cho thấu đáo thì thấy cuộc sống của con người là sự vay trả. Thân này do bốn đại tạm hợp mà thành, thành rồi mà không tự đủ, phải nhờ tứ đại bên ngoài liên tục bồi bổ. Nếu bồi bổ mà gián đoạn thì nó sẽ rã tan. Vì vậy mà con người sống phải làm hai việc, một là điều hòa tứ đại trong thân, hai là tìm tứ đại ở ngoài bồi bổ cho tứ đại ở trong. Nếu là nước, đất, thì mỗi ngày chúng ta bồi chừng hai ba lần là đủ. Còn gió thì phải kiên liên tục, đem vô rồi trả ra... không ngừng. Cuộc sống có lúc nào ngưng mượn trả đâu? Cứ chạy lo kiếm tứ đại để bồi bổ và điều hòa thì có gì là thú vị? Một lát mượn một tách nước, một lát mượn một chén cơm, mũi thì lúc nào cũng khì khịt đó là mượn gió. Mượn trả mượn trả như vậy. Khi chưa mượn không khí ở ngoài là của ai? Không khí thiên nhiên của trời đất, không của riêng ai vậy mà mũi hít vô chưa tới ba giây đồng hồ trả ra nói là hơi của tôi! Nước ở ngoài không là của ai cả, mượn vào ít tiếng đồng hồ trả ra cũng nói là của tôi, mượn ít chén cơm mai trả ra cũng nói là của tôi. Thật chúng ta là kẻ ngang ngược lạ đời, không phải của mình dám nói là của mình. Mượn mà không nhớ mình mượn, của mượn đâu phải của mình, mà dám nói của mình! Như vậy đất, nước, gió, lửa là của mượn, không phải của mình, thân này do đất, nước, gió, lửa hợp lại thành thì đâu phải là mình. Thế mà người ta sợ mất nó! Người như vậy sáng suốt hay mê mờ? Do mê mờ nên chấp nó là mình, rồi lệ thuộc nó nên khởi tham, nếu tham không thỏa mãn thì nổi sân. Như vậy tham sân có phải gốc từ si mê mà ra không? Tứ đại không phải là mình mà chấp là mình, không phải si là gì?

Nếu biết thân này do tứ đại hợp lại mà thành, nó chỉ có trong tạm bợ hư dối, sống bằng sự vay mượn, hết vay mượn thì nó tan hoại, thì không chấp. Nếu không chấp thì không tham, không tham thì đâu có nổi sân. Vậy nếu muốn hết tham, hết sân, trước hết là phải hết si, si hết thì không có tham, sân. Nếu si chưa hết mà đòi hết tham hết sân thì không được. Si là số một, kế là tham, sau cùng là sân. Vậy mà đa số người tu chỉ sợ sân là cái nổi, không sợ cái chìm là si và tham. Muốn bớt sân và làm chủ nó thì phải phá si, si hết thì tham, sân theo đó sẽ hết. 


HỎI: Thưa Thầy, muốn quay lại sống với Phật tâm, người Phật tử cần phải có những điều kiện gì, những yếu tố gì?

ĐÁP: Muốn quay lại sống với Phật tâm, người Phật tử cần phải biết thế nào là Phật, thế nào là tâm cho thật rõ. Trong nhà Thiền thường nói "tức tâm tức Phật", nghĩa là tâm mình là Phật. Nói như vậy, có một số người hiểu lầm, cho rằng tâm suy nghĩ phân biệt là tâm Phật của mình, rồi chấp tôi có sẵn ông Phật, ông Phật lúc nào cũng có sẵn nơi tôi, hiểu như vậy là sai lầm. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật sợ chúng sanh lầm lẫn chỗ này, nên phương tiện chia ra hai thứ tâm là tâm chân và tâm vọng. Tại sao phải chia ra như thế? Vì tâm là "Biết", biết trong trạng thái lăng xăng sanh diệt gọi là vọng tâm. Biết hằng hữu không phân biệt không động gọi là chân tâm. Chân tâm là tâm Phật nên nói "tức tâm tức Phật". Trở về với tâm Phật là tâm không phân biệt không sanh diệt. Còn tâm phân biệt sanh diệt là tâm hư dối gọi là vọng tưởng, phải xa lìa nó không nên theo. Khi chúng ta đã biết Phật biết tâm rồi thì trên đường tu chúng ta phải phát tâm mạnh mẽ và lâu bền. Vì muốn thành tựu công hạnh tu hành, phải trải qua thời gian lâu dài, nếu muốn tu mau chóng thì không thể được, nên phải có tâm kiên cố, tu lâu dài không nản thì mới thành tựu được bổn nguyện. Đó là những yếu tố cần phải có để quay lại sống với Phật tâm.


HỎI: Thưa Thầy, trong sử có dạy: "Biết vọng là giác, mà giác là Phật". Thầy cũng dạy nếu một triệu lần vọng tưởng khởi thì một triệu lần giác. Tu như vậy là dễ quá! Vậy hễ vọng tưởng khởi là cứ giác hòai?

ĐÁP: À, vọng tưởng khởi thì cứ giác hoài. Có nhiều người than: Sao nhìn lại mình thấy vọng tưởng nhiều quá! Tu mấy năm rồi mà vọng tưởng chưa hết. Tu cốt cho hết vọng tưởng để được định. Nếu vọng tưởng hoài thì làm sao định? Như quý vị đã biết, qua mấy mươi năm rồi, chúng ta sống chạy theo vọng tưởng, nhận nó là mình. Không bao giờ dám nhìn lại nó, bây giờ nhìn lại nó thấy nó là vọng niệm chợt khởi chợt mất, không phải là mình nên không theo. Chúng ta nhìn bằng trí tuệ không lầm không chạy theo nó nữa, đó là sáng rồi. Vọng tưởng còn hết việc đó nói sau. Thấy được nó, không lầm nó, không theo nó là đang sáng, tức là giác. Thay vì không thấy lầm nhận nó là mình rồi chạy theo nó là chúng ta đang mê. Bây giờ thấy, không lầm, không chạy theo nó là làm chủ được mình. Tôi nói xa một chút để quý vị thấy. Chủ yếu của đạo Phật là giác ngộ giải thoát. Muốn giải thoát thì giác ngộ phải đi đầu. Như vậy, trước nhất là thấy được vọng tưởng là cái mà lâu nay chúng ta lầm cho là mình, nó hư dối không thực, đó là giác rồi. Ví dụ, trước kia chúng ta ngồi thiền, vọng tưởng khởi, mê chạy theo nó đến mười lăm hai mươi phút. Bây giờ vọng tưởng vừa khởi liền biết không theo, vọng tưởng tự lặng. Nhưng những vọng tưởng khác khởi lên nữa chúng ta lại biết nữa, cứ biết hoài... Giai đoạn đầu tuy có hơi nhọc, nhưng chúng ta thấy được vọng tưởng, không lầm, không theo là chúng ta đã có sức tự chủ, chúng ta đã làm chủ được mình phần nào rồi. Mà làm chủ được mình tức là có tự do giải thoát. Đa số người tu Phật mơ ước được giải thoát và tưởng giải thoát là bay lên hư không, ngao du chỗ này chỗ kia, hoặc tưởng giải thoát là cái gì lạ lắm. Kỳ thực, giải thoát chẳng có gì lạ cả. Đối trước mọi duyên cảnh, dính mắc chạy theo duyên cảnh đó là hệ phược. Bây giờ cũng duyên cảnh đó, chúng ta cũng tiếp xúc, cũng thấy cũng biết mà không dính mắc, không bị hệ lụy bởi duyên cảnh. Đó là giải thoát. Tóm lại giải thoát là làm chủ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần. Một thiền khác đến hỏi một Thiền sư:

- Thế nào là giải thoát?

- Sáu căn tiếp xúc với sáu trần không dính mắc là giải thoát.

Đơn giản như vậy, nhưng với người đời thì khó thực hiện. Vì cái bệnh chung của con người là mắt thấy sắc liền phân biệt đẹp xấu, tai nghe tiếng liền phân biệt hay dở... rồi chê khen thủ xả khó mà dừng lại được, người dừng được không phải là người thường. Vì vậy mà gọi Phật là đấng Đại hùng đại lực. Có người nghi vấn Phật không cầm binh ra trận, không đánh ai sao nói ngài là Đại hùng đại lực, có nói suông không? Chúng ta nghiệm lại sẽ thấy đúng, vì có nhiều tướng lãnh cầm quân ra trận đánh giặc, thắng giặc, nhưng về nhà bị danh vọng, tiền tài, sắc đẹp lôi cuốn, tướng sĩ đó mới chỉ thắng người mà chưa thắng mình. Còn Phật thì thắng mình một cách vẻ vang, nên mới nói Đại hùng đại lực, hay nói: "Thắng một ngàn quân địch không bằng thắng mình, thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất". Phật dạy tu chủ yếu là thắng mình làm chủ mình. Chúng ta thấy quá tầm thường, không có chuyện gì lạ, cũng ăn, cũng mặc, cũng ngủ nghỉ như mọi người, không có gì huyền bí khác thường cả! Người đời thường nghĩ tu là phải biết quá khứ vị lai, có thần thông, có hào quang mới cao mới tuyệt. Còn tu mà cũng ăn, cũng mặc, cũng ngủ thì thường quá! Nhưng chính cái thường đó không phải thường, vì biết đúng cái nào chân cái nào giả không lầm, làm chủ được mình, không bị động bất cứ hoàn cảnh nào. Thường tình người đời không làm chủ được mình, bạn rượu rủ uống rượu cũng uống, rủ xem hát cũng xem, rủ hút thuốc cũng hút... không tự chủ. Như vậy, mới thấy chủ yếu của đạo Phật là giải thoát. Muốn giải thoát thì ngay bây giờ phải tập làm chủ mình, trước làm chủ thân, sau làm chủ tâm. Trước không để cho những thói quen như ghiền trà, ghiền thuốc... chi phối, sau đó là thắng được lòng tham lam, sân giận, si mê... Làm chủ được tâm rồi thì giải thoát hiện tiền. 


HỎI:
 Thưa Thầy, người sơ cơ muốn tu Thiền, thực hành thẳng pháp tri vọng hay phải tu sổ tức, tùy tức cho thuần rồi mới tu pháp tri vọng?

ĐÁP: Người sơ cơ tu Thiền thực hành thẳng pháp tri vọng, hay phải tu sổ tức, tùy tức trước là tùy theo căn cơ của mỗi người. Nếu người mới tu mà nắm vững pháp tri vọng và thấy vọng tưởng khởi, buông không khó khăn lắm thì tu thẳng pháp tri vọng. Còn người chưa nắm vững pháp tri vọng, hoặc nắm vững mà vọng tưởng khởi buông không được thì chịu khó tu sổ tức, rồi tùy tức, để có chỗ tựa trong giai đoạn đầu, tâm thuần thục rồi ứng dụng pháp tri vọng.


HỎI: Thưa Thầy, ngồi thiền đến lúc đau quá chịu không nổi có nên ráng ngồi tiếp tục không?

ĐÁP: Chỗ này có người nói khi đau quá chịu không nổi thì đừng ráng, đừng kềm, không tốt. Nhưng qua kinh nghiệm bản thân tôi mới tập tu Thiền là lúc tôi lớn tuổi, vì lúc vô chùa tôi tu Tịnh độ, chỉ tụng kinh niệm Phật chớ không ngồi thiền. Khi phát nguyện tu Thiền, lúc đó tôi trên ba mươi tuổi, chân cứng lắm, mỗi lần tréo chân ngồi kiết già là đau điếng. Ban đầu tôi chỉ ngồi được mười lăm phút trong mười lăm phút đó cũng cay đắng lắm chứ không phải dễ. Từ mười lăm phút tôi cố gắng tăng lên hai mươi phút, rồi dần dần đến một giờ, một giờ rưỡi, ngang đây tôi cảm thấy khó mà vươn lên được nữa. Tôi tự nghĩ: Tại sao chư Tổ ngồi cả ngày được, bây giờ mình ngồi có bao nhiêu đây mà chịu không nổi? Cò lần tôi ngồi từ một giờ nhảy bật lên một giờ rưỡi xem nó ra sao? Lúc bấy giờ tôi bị nhức và tê từ chân lên tới bụng không còn cảm giác, coi như chết nửa thân người. Tôi tự nhủ: "Thà chết trên bồ đoàn" và tôi nói: "Tao chấp nhận cho mầy chết". Nhưng sau đó tôi xả ra bóp một hồi thì bình thường trở lại không chết. Bấy giờ tôi có chút tự tin, tôi cố gắng ngồi nữa và tăng dần cho tới hai giờ, cơn tê nhức không còn nữa. Bấy giờ tôi ngồi hơn hai giờ, chỉ nghe nóng thôi, chớ không đau không tê. Như vậy, chúng ta mới thấy sức chịu đựng có khả năng vươn lên, nếu cảm thấy đau thì xả không nên ráng thì chừng đó thôi không tiến được. 


HỎI: Thưa Thầy, có người nói "pháp tu biết vọng bị cột vào cái vọng không thoát ra được". Xin Thầy dạy rõ pháp tu này, đồng thời cho biết tu "biết vọng" có bị cột vào cái vọng hay không cột vào cái vọng để hạng mới tập tu như chúng con thực hành không bị hoang mang.

ĐÁP: Pháp tu biết vọng là đường lối chủ trương của thiền viện. Chúng tôi dạy biết vọng là chặng thứ nhất. Chặng thứ hai thấy vọng tưởng không theo. Tại sao chặng đầu lại biết vọng? Vì tất cả chúng ta, từ người ít học cho đến hàng học giả trí thức, đều nhận cái suy nghĩ hiểu biết phân biệt là tâm mình, nên vừa khởi suy nghĩ là theo nó, cả ngày cứ sống trong vọng tưởng điên đảo không dừng được. Bây giờ muốn dừng không theo nó nữa, Phật dạy có nhiều cách tu để dừng, nhưng ở đây chúng tôi ứng dụng cách nhìn thẳng nó để dừng.

Từ thuở nào, vọng tưởng dấy chúng ta cho rằng tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia. Bây giờ chúng ta tu để dừng nó, bước đầu phải biết cái nghĩ suy là vọng tưởng, không phải tâm mình để phá cái lầm từ bấy lâu nay. Đó là bước thứ nhất tỉnh giác. Tuy biết nó là vọng tưởng, nhưng chúng ta vẫn còn vọng động chạy theo. Muốn đối trị cái bệnh muôn đời này phải làm sao? Trong mười mục Tranh Chăn Trâu. Bước đầu tìm thấy được trâu, tuy đã thấy trâu, nhưng trâu vẫn hung hăng chạy ngược chạy xuôi. Mục đồng phải xỏ mũi, phải cầm roi, một tay lôi, một tay đánh, khả dĩ trâu mới bớt chạy ngược chạy xuôi. Trâu còn hung hăng chạy ngược chạy xuôi, mà nhìn nó cười làm sao nắm được cổ nó? Chừng nào mới lôi đầu nó được? Cũng vậy, vọng tưởng cứ khởi hoài chúng ta phải la rầy, lâu dần nó mới thuần từ từ. Khi vọng tưởng dấy lên chúng ta biết nó không theo, chẳng khác nào con trâu bị xỏ mũi dẫn đi. Khi nó chịu theo mình rồi, mình chỉ cần nắm dây mũi, mình đi đâu là nó theo đó. Và khi đã thuần thục rồi mình nhìn thấy rõ ràng không có niệm khởi, nhưng mình vẫn còn nhìn. Đó là bức tranh trâu mất mục đồng còn. Khi đã hoàn toàn thuần thục không còn một vọng niệm thì không cần nhìn nữa. Bấy giờ con trâu và người chăn không còn. Đó là những bước tiến của mỗi giai đoạn.

Thiền là đốn ngộ, nhưng vì chúng ta còn mê quá làm sao đốn ngộ được? Đốn ngộ không được chẳng lẽ không tu. Vì vậy mà chúng ta phải ứng dụng tu từ từ, khi đã thuần thục rồi thì năng sở không còn. Tuy nhiên, chưa phải là xong việc. Pháp tu biết vọng ở giai đoạn đầu còn dùng trí để nhìn, thấy vọng tưởng là hư dối không thật mà từ lâu lầm chấp cho là tâm mình. Đó là mình đã tỉnh, sống với trí tuệ. Còn quán là còn động, nhưng động của trí quán chớ không phải vọng động của mê tình.

Tôi ví dụ có một người khách xa lạ tới nhìn bà con, xin ở chung nhà và xin vô hộ khẩu với mình. Mình thật thà nhận người ấy là bà con cho vô hộ khẩu và cho ở chung nhà. Một thời gian sống chung người đó ăn cắp phá hoại của cải của mình. Mình khổ sở quá, bây giờ phải làm sao đây? Nếu cứ nghĩ người đó là người thân thì của cải tiếp tục mất và mình thì khổ dài dài. Thế nên giai đoạn thứ nhất phải biết người này là người khách xa lạ, không phải quyến thuộc của mình, là một kẻ trộm cắp. Mọi hành động của anh ta mình phải xem chừng. Vì nhìn chừng anh ta hoài, anh ta không lấy được nên mình không bị mất đồ. Tuy nhiên, chưa gạt hộ khẩu, anh ta vẫn còn ở trong nhà nên mình vẫn chưa yên. Chờ một thời gian, bắt được quả tang anh ta lấy trộm đồ, chừng đó đưa anh ta ra làng xã cắt hộ khẩu và đuổi anh ta ra khỏi nhà. Lúc đó mình mới yên ổn.

Giai đoạn đầu của pháp biết vọng là phải tỉnh. Như tôi đã nói, trước phải biết những ý niệm nghĩ suy tính toán là vọng tưởng, khi quở khi rầy để nó nhẹ nhàng và thưa dần. Đây là giai đoạn tâm còn động, song cái động này là động của trí, chớ không phải động của mê chấp, tuy động mà không phải lỗi. Khi vọng tưởng hết, cái quan sát vọng tưởng cũng buông luôn thì đâu có muộn. Tất cả pháp môn tu của Phật, giai đoạn đầu đều phải dùng phương tiện đối trí tương đối, sau đó tâm thuần thục rồi mới buông bỏ pháp đối trị tương đối. Nếu nói dùng pháp tu còn đối đãi tu không được thì không đúng. Vì tất cả tập khí si mê muôn đời mà không có pháp đối trị để trừ thì làm sao nó tiêu mòn? Thế nên bước đầu phải dùng phương tiện đối trị để tu. Pháp tu "biết vọng" xuất xứ từ bài kinh "Có Pháp Môn Nào" trong Tương Ưng bộ, Phật đã nói từ lúc Ngài còn tại thế, đến Tổ Bồ-đề-đạt-ma và Huệ Khả triển khai rộng ra. Câu chuyện này tôi thường kể có lẽ quý vị đã thuộc lòng. Một hôm, ngài Huệ Khả tự thấy tâm mình bất an, mới thưa rõ với Tổ Bồ-đề-đạt-ma:

- Bạc Hòa thượng, tâm con bất an. Xin hòa thượng dạy con pháp an tâm.

- Ngươi đem tâm ra đây ta an cho.

Huệ Khả xoay lại tìm tâm, tìm mãi mà không thấy tâm ở đâu. Ngài mới thưa:

- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Tại sao Huệ Khả tìm tâm không được mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói "Ta đã an tâm cho ngươi rồi"? Vì bấy lâu nay ai cũng cho vọng tưởng là tâm mình, nên nó làm nhiễu loạn bất an. Bây giờ tìm lại, nó lặng mất không còn một dấu vết, vậy là đã an rồi. Hằng ngày, chúng ta tu thấy vọng tưởng, biết vọng tưởng không thật không theo, nó tự lặng thì tâm không động yên ổn. Hoặc không quán nó là vọng tưởng mà nhìn coi nó xuất phát từ đâu, nó cũng tự lặng mất. Tu miên mật như thế một thời gian sẽ thuần thục, bấy giờ khỏi quở, khỏi rầy, khỏi tìm chỗ xuất phát của vọng tưởng, mà tâm vẫn an nhiên lặng lẽ. Vọng tưởng là khách, tánh hằng biết là chủ. Tu tuần tự như thế không sai không trái với tinh thần Thiền tông, lại hợp với kinh điển Phật dạy. Quý vị đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Lăng Già hay những kinh khác đều thấy tinh thần này Phật dạy rõ ràng.


HỎI: Thưa Thầy, trong quyển Thiền Căn Bản có đoạn dạy "thở qua lỗ chân lông". Vậy chúng con có nên áp dụng không?

ĐÁP: Trong quyển Thiền Căn Bản, phần Lục Diệu Pháp Môn dạy: Sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh, có nói lúc điều tức hơi thở còn thô thì còn nghe tiếng động, ngồi yên hơi thở tế dần dần dường như không còn thở nữa. Lúc đó thì các lỗ chân lông đều thở. Đó là nói trong trường hợp tu sử dụng pháp Lục Diệu Pháp Môn, hơi thở đi từ thô đến tế, chớ không phải tập thở bằng lỗ chân lông. Nếu tập thở như vậy hóa ra luyện khí công hoặc luyện Yoga chớ không phải tu Thiền. Phật dạy chúng ta tu Thiền cốt để định tâm, ban đầu mượn hơi thở để định tâm, hơi thở từ từ êm nhẹ, dường như có dường như không. Lúc đó thấy như không có hơi thở, vì hơi thở quá nhẹ quá tế, nên có thể theo lỗ chân lông ra vào, chớ không phải nín thở cho hơi thở ra vào lỗ chân lông. Thở như vậy là lối luyện tập cơ thể chớ không phải thiền định. 


HỎI: Thưa Thầy, chư Tăng Ni ở Thiền Viện lao động cực nhọc, ăn uống đạm bạc, mà tinh thần thanh thản sắc diện vui tươi. Chúng con cư sĩ cũng học giáo lý Phật, cũng tập tu, phương tiện vật chất thì đầy đủ. Chẳng biết các con tu có khuyết điểm gì, mà không được như các thầy các cô? 

ĐÁP: Như tôi đã nói, người xuất gia đoạn bớt các duyên, còn cư sĩ thì có nhiều duyên chưa cắt, nên tâm phân tán không an. Các thầy các cô khi đi làm cỏ cuốc đất, thể xác tuy có nhọc nhằn nhưng tâm hồn thì nhẹ nhàng thảnh thơi. Còn quý Phật tử thân đi làm, mà tâm thì lo ra, nhớ đứa con nhỏ sợ nó trốn học đi chơi, nhớ đứa con kế sợ nó theo bạn bè tập nhiễm những thói hư tật xấu, lo cho đứa con lớn làm ăn thất bại... Con cháu đông, thân ngồi ở đây, mà tâm lo ở kia, vì tâm bị chi phối quá nhiều nên bất an, khí huyết sức khỏe cũng theo đó mà suy giảm. Các thầy các cô ngay khi đi tu, thấy đúng với nghĩa tu là coi như mình đã chết với gia đình, nên cuộc sống gia đình không trói buộc họ nữa, đã không trói buộc thì quá thảnh thơi. Còn chuyện chùa là chuyện chung, được cắt đặt việc gì thì làm việc đó, làm xong là nghĩ nên tâm an. Tâm an thì thảnh thơi, tuy ăn đạm bạc mà khỏe.


HỎI: Thưa Thầy, con đang sống trong phiền muộn, nếu xuất gia để quên phiền muộn thì con không đủ can đảm để làm. Vậy thực tại con phải sống như thế nào để bớt ưu phiền?

ĐÁP: Phật tử này rất thực tế, tâm có sao nói vậy. Đạo hữu đang phiền muộn, nếu có xuất gia cũng không chắc hết phiền muộn. Ở ngoài đời thì bất mãn phiền muộn chuyện ngoài đời, xuất gia vào chùa cũng có chuyện trong chùa khiến cho đạo hữu bất mãn phiền muộn. Đừng hiểu lầm xuất gia là hết phiền muộn, mà phải ngay bây giờ buông hết phiền muộn, đó mới thật tu. Như người ghiền rượu, biết uống rượu là tốn tiền, sanh bệnh, mất trí tuệ, thiếu nhân cách. Bây giờ muốn hết ghiền rượu, người khác có làm thế mình được không? Chắc chắn là không được, mà chính bản thân người ghiền rượu phải gan dạ không uống rượu. Cũng như đạo hữu đang phiền muộn, đạo hữu phải gan dạ vất cái phiền muộn đó đi, bằng cách nhìn người, vật bên ngoài cũng như trong bản thân mình, thấy tất cả đều là tướng duyên hợp không thật, đã không thật thì có gì để phiền muộn? Cái gì xảy đến đều thấy nó không thật, cười chơi với nó. Mai kia mình mất nó cũng hoại có gì mà phiền muộn? Cứ như vậy mà quán rồi khéo xả bỏ thì hết phiền muộn.

HỎI: Thưa Thầy, con người phải hội đủ những yếu tố nào mới tu được?

ĐÁP: Người tu nào cũng có những yếu tố để mà tu, song, biết sử dụng hay không biết sử dụng những yếu tố mình có mới là việc đáng nói. Chúng ta thường nghe các thầy nói, người thiếu căn thì không được thọ giới cụ túc, tức là hoặc mắt mù, hoặc tai điếc, hoặc lưỡi câm, hoặc ý đần độn... thì không được thọ giới cụ túc. Nhưng chúng ta thấy trong sử ghi ngài A Na Luật mắt mù tu chứng quả A-la-hán, ngài Bàn Đặc Ca quá dốt học kinh kệ không nhớ một câu, tu chứng được quả A-la-hán. Như vậy là do không biết sử dụng các căn sẵn có hay là do thiếu căn? Đa số chúng ta ai cũng mắt sáng, tai thính, ý thông minh... có đủ sáu căn là hội đủ điều kiện để tu rồi. Có điều là chúng ta có chịu học hiểu đúng chánh pháp của Phật hay không, có gan dạ buông bỏ những thói hư tật xấu hay không mà thôi.


HỎI: Thưa Thầy, theo pháp tu Thiền, nếu tu ba nghiệp: thân, khẩu, ý thì tu như thế nào? Và, đạo Phật lấy giác ngộ giải thoát làm gốc. Vậy mỗi ngày hai mươi bốn giờ làm sao ứng dụng trí Bát-nhã để tu?

ĐÁP: Thông thường tu là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, đó là giai đoạn một gọi là giai đoạn chuyển nghiệp. Qua giai đoạn hai thì không còn chuyển nghiệp nữa, mà tu cốt làm chủ ba nghiệp, mỗi tác động của ý của miệng của thân phải làm chủ trọn vẹn. Ví dụ: Đi thì biết mình đi, ngồi thì biết mình ngồi, nằm thì biết mình nằm. Tất cả mọi động tác luôn luôn được trí tuệ soi suốt, thấy biết rõ ràng không lẫn lộn, không quên lãng. Đối với người không tu, làm mà không biết mình làm, nói không biết mình nói, cứ nói làm càng bướng, sau rồi ăn năn hối hận. Với người tu Thiền thì mọi hành động, mọi ngôn ngữ, mọi ý niệm phát khởi đều biết rõ ràng và làm chủ được nó. Đó là dùng trí để thấy rõ từng động tác của ba nghiệp.

Ứng dụng trí Bát-nhã trong lãnh vực tu Thiền thì như tôi đã nói: "Tất cả các pháp không thọ". Bởi tất cả các pháp đối đãi ở thế gian này tạm đặt ra để mà dùng với nhau, nó không thật. Vì nó tạm không thật nên không chấp, không chấp thì không tranh cãi, không tranh cãi thì không khổ đau. Ví dụ có người khỏe mạnh, tay chân còn đủ mà đi xin ăn. Ông A nghĩ họ nghèo khổ nên cho tiền cho gạo giúp đỡ họ. Ông B thấy vậy, cho rằng ông A tốt, chẳng những đối với người cùi đui xin, ông A giúp, mà người còn chân tay nếu nghèo thiếu xin, ông A cũng giúp. Nhưng ông C cho rằng người khỏe mạnh tay chân còn đủ mà đi xin, ông C cho là ông A bị lừa gạt, vô tình ông A giúp cho người lười biếng ăn không ngồi rồi ăn bám xã hội, không tốt. Hai người cùng nhìn một đối tượng, mà thấy khác nhau, người thì khen là tốt, người thì chê là không tốt. Vậy chúng ta xét xem hai cái thấy đó cái thấy của ai là chân lý và cái thấy của ai phi chân lý? Quý vị thử đánh giá xem đúng ở chỗ nào sai ở chỗ nào? Xét kỹ, cái nhìn đúng sai không có tiêu chuẩn nhất định, mà tùy theo quan niệm của mỗi người, ai cũng có lý riêng của mình. Lý luận của ông B cũng có lý, lý luận của ông C cũng có lý, có lý theo quan niệm của mỗi người. Nếu chúng ta chấp chặt một bên là chân lý thì sẽ tranh cãi mãi. Mà tranh cãi thì sanh thù oán đánh đập lẫn nhau gây đau khổ cho nhau. Đó là một sự việc trong nhiều sự việc ở trên đời này, không có tiêu chuẩn chung để thẩm định tốt xấu, mà do quan niệm riêng của mỗi người. Người khởi ý niệm thì cố chấp vào ý niệm của mình và cho là đúng. Đó là một sai lầm lớn cho nên Phật dạy: "Phải biết tôn trọng chân lý". Tôn trọng chân lý là cùng thấy một sự việc, mà mỗi người có quyền thấy biết theo quan niệm của mình, không bắt buộc người khác thấy như mình thấy. Đa số người đời mắc phải bệnh chấp "Cái thấy của tôi là đúng, là chân lý, ai thấy khác tôi là người đó thấy sai". Thế nên từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, người ta cãi nhau đánh nhau không dừng nghỉ, bởi chấp cái thấy của mình là chân lý, rồi bắt kẻ khác phải thấy như mình thấy. Mình thấy như thế nào thì nói tôi thấy như thế ấy, đó là cái thấy của mình. Nếu người kia thấy khác cũng là cái thấy của người kia. Mỗi người có quyền thấy theo nhãn quan của mình, không ai có quyền bắt thấy như thế này là đúng, thấy khác đi là sai. Như vậy là biết tôn trọng chân lý. Trong cuộc sống giữa đời này quý vị thấy có cần tôn trọng chân lý không? Nếu không tôn trọng chân lý thì sẽ cãi nhau hoài. Tất cả khổ đau của kiếp người không phải chỉ đói cơm, rách áo mới là khổ. Có nhiều người giàu sang vương giả, sống với ai cũng bất đồng quan niệm, gây xung đột gây phiền hận đánh giết lẫn nhau, đó là tại không biết tôn trọng chân lý. Ai cũng muốn bắt người khác nhìn theo cái nhìn của mình, nhưng làm sao thấy giống nhau được? Một việc hết sức nhỏ và gần là việc ăn uống. Cái lưỡi của người này thì thích món này, cái lưỡi của người kia thì thích món kia, kẻ ưa ăn mặn người ưa ăn lạt... Nếu mình thích món nào, cho món đó là ngon và bắt người khác ăn theo mình; làm như vậy không được, vì người khác cũng có quyền thích món khác. Nếu mọi người ai cũng đều bắt kẻ khác theo ý mình trong khi người ta không thích, thì sống có đau khổ không? Thế nên, hiểu tới nơi rồi thấy Phật dạy chí lý vô cùng. Những cái thấy tốt xấu khác nhau đó là tùy theo nghiệp duyên của mỗi người. Nếu biết rõ như vậy thì không có chuyện gì xảy ra cả. Còn ai cũng cho cái thấy của mình là chân lý, người khác thấy không giống mình là sai là bậy, thì bao nhiêu chuyện tranh cãi rắc rối xảy ra. 

Theo tinh thần Bát-nhã thì đối với tất cả pháp, thấy nó do duyên hợp mà có giả tướng không có thật thể cố định, nên không chấp nó là thế này thế nọ. Nếu không chấp là không thọ, thì nội tâm tịch diệt được Niết-bàn. Đó là ứng dụng trí Bát-nhã để tu hằng ngày. Vậy Niết-bàn là giải thoát. Người mà thấy các pháp đúng như thật, không chấp là người trí, người đó giác ngộ giải thoát không nghi ngờ, đó là tu Thiền. Đạo Phật là đạo giác ngộ bằng trí tuệ, nên đối với tất cả các pháp, không một pháp nào mà Phật không dạy dùng trí tuệ để quán. Thấy được lẽ thật thì gọi là trí. Pháp Phật đưa chúng ta đến giải thoát là hướng dẫn chúng ta dùng trí tuệ ban sơ rồi dần dần tới trí tuệ viên mãn. Do đó mà trong nhà Phật thường nói "Truyền đăng tục diệm", tức là trai đèn tiếp lửa, hay nói cách khác là trao truyền ánh sáng trí tuệ. Trong kinh Phật dạy: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp". Chánh pháp là ngọn đuốc trí tuệ sẵn có của Phật, muốn cho trí tuệ chúng ta sáng, nhưng tự mình không phát sáng được, nên phải mồi qua ngọn đuốc trí tuệ của Phật, để cho trí của mình được sáng. Tu là thắp đuốc trí tuệ cho sáng rực lên. Vì vậy mà tôi dùng chữ Chiếu đặt tên cho các Thiền viện để nhắc thiền sinh luôn luôn phải soi sáng tâm mình, chớ để mờ tối mê lầm.

Thời nay, đa số người đến với đạo vì lòng tin hơn là trí tuệ. Rủ nhau đi chùa cúng lạy cho có phước, đi được mười chùa là năm đó được bình an. Tới chùa chỉ tới bằng niềm tin chớ không tới bằng trí tuệ. Đạo Phật là đạo trí tuệ, thế mà không thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ lên mà đi, chỉ biết tin, tin Phật như ông thần ban phước giáng họa vậy. Đến với đạo Phật sai lầm như thế, cho nên tu không tiến, thậm chí càng tu càng nhiều phiền não nữa. Có người nói tụng kinh Pháp Hoa nghiệp đổ. Đổ nghiệp là do đâu? Tại quý vị nghe nói tụng kinh Pháp Hoa phước nhiều nên ham, chùa mở hội tụng kinh Pháp Hoa thì đua nhau đi tụng, không đi sợ thiệt thòi. Nhưng gia cảnh của mình còn bận rộn, bỏ nhà đi thì việc làm ăn bê bối, lui sụt, nên bị chồng con la rầy, rồi cho là đổ nghiệp. Nghiệp đâu mà đổ vậy? Tại quý vị không thấy được lẽ thật, hoàn cảnh của mình chưa cho phép mình làm điều đó, vội làm thì không được như ý, nên bực bội cho là đổ nghiệp.

Nếu đến với đạo Phật, tu bằng trí tuệ thì đâu có việc đáng tiếc xảy ra. Lúc nào cũng soi lại mình, thấy rõ mình từng phút từng giây, tới chùa cũng tốt, không tới chùa cũng tốt. Ở nhà mà dùng trí thấy rõ từng ý niệm sai lầm, từng lời nói bất thiện, từng việc làm ác, liền dừng không theo. Những điều xấu tự bản thân mà mình bỏ được thì cũng như đi chùa tu đâu có khác. Còn tụng kinh Pháp Hoa tính bộ mà không dừng ba nghiệp ác, thì cũng như chưa tu. Đó là cái sai lầm của người Phật tử học đạo bây giờ. Tôi nói đây không phải bài tác tụng kinh. Đi chùa tụng kinh khi nào gia cảnh xuôi thuận, con cái lớn khôn, ở nhà không làm gì thay vì cờ bạc, xem hát... thì nên đi chùa lạy Phật tụng kinh tốt hơn. Còn nếu gia cảnh đang bận rộn, người nhà đang đầu tắt mặt tối lo cho cuộc sống chung, mà mình phó mặc, cứ xách gói vô chùa tụng kinh hoài, làm sao trong gia đình không xào xáo phiền não? 


HỎI: Thưa Thầy, như Thầy nói, phần đông Phật tử đến với đạo Phật bằng lòng tin hơn là trí tuệ. Ngay như bản thân con, trước đây cũng đi chùa tụng kinh niệm Phật. Sau đến với thiền con cũng chưa biết gì, được vị thầy này dạy nên khán thoại đầu, đến thầy khác bảo đếm hơi thở, lại vị kia dạy nên an trú trong việc làm của mình hằng ngày... Pháp nào con cũng thực hành, song loạn tưởng vẫn cứ dấy khởi không thuyên giảm, nên con niệm Phật trở lại. Con biết tu như thế là bệnh, nhưng không biết phải đối trị như thế nào; xin Thầy từ bi chữa trị cho con bằng pháp môn tu Thiền, ngày đêm dụng công ra sao? Điều thân điều tâm như thế nào?

ĐÁP: Theo tôi thì thầy dạy đếm hơi thở để tiến tới chỗ định tâm, đó cũng là pháp tu tốt của vị sư ấy. Thầy dạy khán thoại đầu để đưa đến chỗ ngộ đạo, tôi cũng tôn trọng pháp tu của thầy đó. Vì tôi thuộc mẫu người tôn trọng chân lý. Nhưng riêng tôi, tu thiền phải dùng hai cách: Cách mà tôi tâm đắc nhất là pháp tu không phương pháp của Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Khi xưa tôi nghiên cứu về Tổ Bồ-đề-đạt-ma thấy nói đâu đâu, không liên quan gì với sự tu hành, tôi không hiểu gì hết, không thấy Ngài đặt ra một phương pháp để tu, qua câu chuyện ngài Thần Quang thiết tha cầu đạo, đứng ngoài tuyết suốt đêm tuyết ngập lên tới gối. Tổ ngoái nhìn lại hỏi: 

- Người cầu cái gì mà dùng khổ hạnh vậy?

Thần Quang đáp:

- Xin ngài dạy con pháp môn cam lồ.

- Pháp môn cam lồ đâu có thể dùng chút ít khổ hạnh cỏn con mà được!

Thần Quang tha thiết như vậy mà Tổ chê là khổ hạnh cỏn con! Thần Quang buồn quá bèn chặt một cánh tay dâng lên để tỏ ý chí cầu đạo của mình. Tổ bảo:

- À, khá đó.

Và đặt tên là Huệ Khả. Câu chuyện có hay không thì ở đây miễn bàn. Chúng ta chỉ hiểu câu chuyện nói lên ý chí tuyệt vời của người cầu đạo.

Khi Tổ nhận cho Huệ Khả làm đệ tử rồi không dạy gì hết. Một hôm ngài Huệ Khả khổ quá mới thưa:

- Bạch Hòa thượng, tâm con bất an, xin Hòa thượng dạy con phương pháp an tâm.

Giống hệt như chúng ta, tâm Ngài Huệ Khả cứ xao xuyến bồn chồn mãi nên Ngài xin Tổ dạy cho phương pháp để định tâm. Tổ nhìn sửng vào mặt Huệ Khả bảo:

- Đem tâm ra ta an cho.

Theo cái thấy của chúng ta thì Tổ thật là vô lý, đệ tử xin dạy phương pháp tu mà Ngài không dạy gì cả, bảo "đem tâm ra ta an cho". Nghe câu này chúng ta thấy lúng túng. Nhưng Huệ Khả là người xuất cách, Ngài bèn nhìn lại cái nghĩ tưởng lăng xăng, mà lâu nay Ngài cho là tâm thì không thấy nó đâu cả. Ngài mới thưa:

- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.

Tổ nói rất nhẹ:

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Từ đó ngài Huệ Khả biết đường vào cửa thiền. Quý vị thấy Tổ dạy pháp môn gì? Nếu là người không có duyên với thiền nghe Tổ nói như thế, thấy như đùa chơi không nghĩa lý gì hết, nhưng đó chính là cửa bước vào thiền. Bởi vậy sau này ngài Đức Sơn mới nói: "Tông ta không ngữ cú, không có một pháp cho người". Thiền tông không có phương pháp tu thứ bậc. Quý vị cũng như chúng tôi lúc trước đều nghĩ, tu là phải có phương pháp để nương vào đó mà thực hành. Nhưng Tổ dạy tu theo phương pháp gì? Ngày trước đọc tới chỗ này, tôi lắc đầu. Không có phương pháp làm sao tu được? Tổ nói như đùa! Nhưng nếu nhận được ý chỉ thì hay đáo để, hay quá sức tưởng tượng của mình. Nên khi ngộ, chư Tổ bật khóc là vậy, chỗ không bao giờ mình ngờ chính là pháp tu. Quý vị có nhận ra không? Chỉ có một ít người gật đầu, còn đa số thì ngẩn ngơ!

Đây, tôi chỉ cho quý vị thấy: Lâu nay chúng ta cho rằng cái nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ phải, nghĩ quấy... là cái tâm của mình. Trăm người như một đều chấp như vậy. Bởi chấp niệm suy nghĩ là tâm mình nên cứ khởi nghĩ tứ tung, vì nghĩ tứ tung nên bất an. Bây giờ phải tu theo pháp nào để đừng khởi nghĩ và tâm được an? Ở đây Tổ không dạy pháp gì hết, bảo: "Đem tâm ra ta an cho". Tức là đem niệm nghĩ suy mà ông cho là tâm đó ra đây ta an cho. Ngài Huệ Khả sực nhìn lại cái mà Ngài cho là tâm xem nó ra sao? Tìm lại thì nó mất tiêu. Ngay đó thì tâm Ngài đã an. Nên Tổ nói: "Ta đã an tâm cho ngươi rồi!". Khi thấy niệm nghĩ suy nữa thì tâm an chứ gì! Không thêm một pháp nào hết. 

Bây giờ quý đạo hữu thử nghiệm xem. Mình đang suy tính chuyện này, chuyện kia liền nhìn lại coi nó ra sao? Khi nhìn nó thì nó tự lặng không còn nữa. Vậy "niệm nghĩ suy" và "cái nhìn" niệm nghĩ suy, hai cái có khác nhau không? Niệm nghĩ suy thì lăng xăng lộn xộn, chợt khởi chợt mất, còn "cái nhìn" niệm nghĩ suy thì nó lặng lẽ mà sáng suốt, không động. Khi niệm nghĩ suy lăng xăng lộn xộn đã mất, chỉ còn lại "cái nhìn" lặng lẽ thì tâm không an là gì? Rất đơn giản. Khi ngài Huệ Khả nghe đến đó, tâm bừng sáng lên, không nghi ngờ. Còn chúng ta nghe qua thấy mù mịt! Nếu dạy điều thứ nhất phải thực hành như thế này, điều thứ hai phải thực hành như thế này... tiến từng bậc một, thì có thể làm. Ở đây bảo phải nhìn lại cái nghĩ tưởng lăng xăng, khi nhìn nó thì nó lặng mất. Do đó nên tôi nói cái nghĩ tưởng lăng xăng lộn xộn đó là cái hư dối không thật, gọi nó là vọng tâm hay vọng tưởng.

Từ lâu chúng ta lầm cho vọng tưởng là mình, bây giờ mỗi khi nó dấy khởi, nhìn nó biết nó là hư dối không theo nó là tu. Dường như không dạy mà đã dạy. Nếu khi vọng tưởng lăng xăng khởi, nhìn nó, nếu nó không lặng, thì tìm coi nó xuất phát từ đâu? Tìm, không thấy chỗ xuất phát của nó, rõ ràng vọng tưởng không có nguồn gốc chợt hiện rồi mất. Vậy, không có pháp an tâm mà tâm được an. Người tu theo Thiền tông bằng trí tuệ không phải bằng lòng tin.

Từ lâu mọi người ai cũng lầm nhận cái suy tư nghĩ tưởng là ta (ngã). Vậy, ta có khi nào vắng không? Ta lúc nào cũng hiện hữu không bao giờ vắng mặt, còn cái suy tư nghĩ tưởng chợt hiện chợt mất sao gọi là ta được? Lúc không nghĩ tưởng thì ta ở đâu? Biết rõ cái suy tư nghĩ tưởng là hư dối không thật đó là trí tuệ. Tuy vọng tưởng chưa hết, nhưng trí tuệ đã phát sáng thì từ từ sẽ làm chủ được nó. Bởi lâu nay chúng ta lầm nhận nó là "ta", nên chạy ngược chạy xuôi theo nó. Bây giờ biết nó là hư giả, không theo, đó là biết quay trở lại với đạo. Khi chưa học đạo chúng ta tưởng đạo xa lắm, tưởng đạo là cái gì đó huyền bí phi thường, nên có nhiều người vô rừng lên núi tìm đạo. Nhưng đạo chính là cái tâm chân thật có sẵn ở nơi mỗi người. Vậy có được mấy người biết được tâm chân thật đó. Thế mà mở miệng ra xưng là ta là tôi, nhưng không biết cái ta chân thật là cái gì?

Đạo Phật không cho phép chúng ta ngồi suy tính chuyện bên ngoài mà không tự biết mình. Nếu không biết cái gì là mình, cái gì không phải là mình thì người đó chưa phải là người trí. Người trí biết được mình rồi mới chinh phục những cái không phải là mình, nên không còn lệ thuộc nó nữa và không bị nó chi phối làm cho khổ đau. Vì vậy, khi người nhận ra được thể chân thật nơi mình rồi thì cười hoài. Biết được mình mới là điều chủ yếu của sự tu hành. Nếu chưa biết được mình mà biết nhiều chuyện bên ngoài cũng chỉ là trò đùa, cũng vẫn trầm luân trong vòng luân hồi không có ngày dừng.

Như vậy tôi đã chỉ cho quý vị tu chưa? Tôi chỉ theo tôi, tôi nói tôi không đúng, quý vị khác sai, vì tôi tôn trọng chân lý.


HỎI: Thưa Thầy, mười Bức Tranh Chăn Trâu, bức tranh chín và mười biểu trưng phần tự lợi viên mãn rồi lợi tha. Nhưng chúng ta phần tự lợi chưa xong, nên phần hoằng pháp lợi tha dễ bị sai lạc, vậy chúng con phải làm sao? 

ĐÁP: Trong mười Bức Tranh Chăn Trâu, từ mục một đến chín biểu trưng cho phần tự lợi, mục mười biểu trưng cho phần lợi tha, hành giả thõng tay đi vào chợ, đi vào đời làm lợi ích cho người. Hiện tại chúng ta tu chưa tới bức tranh mười thì làm sao lợi tha? Điều này tôi xin trả lời: Chúng ta tu giống như người đi học, nếu học hết cấp, không còn lớp để theo học nữa thì đỗ Tiến Sĩ. Nhưng bây giờ chúng ta chỉ học tới lớp 12 thôi, như vậy là chúng ta học chưa xong. Hiện tại chung quanh chúng ta có mấy người bị mù chữ, họ muốn học để biết chữ. Chúng ta dạy họ biết đọc biết viết, có sợ dạy sai hay không? Chắc chắn là không sai, vì chúng ta dạy thấp chứ không dạy cao. Nếu chúng ta học lớp 12 mà đòi dạy bậc đại học thì sẽ dạy không được, vì quá sức học của mình. Tôi thường lưu ý quý vị, mình tu được 5 phần, nếu có người hỏi thì nói một hoặc hai ba phần thì bảo đảm không trật. Nếu tu năm phần, ai hỏi phần thứ sáu thứ bảy là phần chúng ta chưa tới, mà giảng nói e trật. Chúng ta nên thật thà khôn ngoan nói: "Chỗ này để tôi nghiên cứu lại", chớ đừng tỏ ra mình khôn lanh thông suốt để lòe thiên hạ thì tai họa. Đó là trường hợp tu chưa đến chỗ cứu cánh, mà vẫn làm việc lợi tha được.


HỎI: Thưa Thầy, điều phục sáu căn, chủ yếu là nhãn căn và nhĩ căn, thế mà con cứ bị sắc trần và thinh trần làm loạn động. Thưa thầy, con phải làm thế nào để điều phục? 

ĐÁP: Trong sáu căn chủ yếu là tu nhân căn và nhĩ căn, mắt thấy sắc tâm xao xuyến, tai nghe tiếng tâm loạn động, vậy phải làm sao? Phương tiện tu hành thì có nhiều cách, nên tôi thường nhắc quý vị tu phải linh động. Có khi phải nhìn lại tâm mình thấy vọng tưởng khởi không chạy theo. Nói theo "Tứ Liệu Giản" của Tổ Lâm Tế thì gọi là "đoạt nhân bất đoạt cảnh". Nghĩa là cảnh bên ngoài cứ mặc nó, chỉ dẹp vọng tưởng ở nội tâm mình thôi. Tu như thế mà tâm vẫn còn lăng xăng, thì phải ứng dụng cách thứ hai là "đoạt cảnh bất đoạt nhân", tức là dẹp cảnh bên ngoài mà không dẹp vọng tưởng ở tâm. Dẹp cảnh bên ngoài là sao? Nghĩa là thấy sáu trần do duyên hợp như huyễn như hóa không thật. Mắt thấy sắc biết sắc là tướng duyên hợp hư dối, tâm từ từ hết lăng xăng. Tai nghe tiếng khen tiếng chê, biết nó có là do duyên hợp hư dối không thật, nghe qua rồi mất, tâm từ từ hết lăng xăng. Như vậy, tu có nhiều cách, hoặc xoay lại nhìn vọng tưởng lăng xăng ở tâm mình (đoạt nhân chẳng đoạt cảnh), hoặc quán trần cảnh bên ngoài không thật (đoạt cảnh chẳng đoạt nhân). Hoặc vọng tưởng nơi tâm và ngoại cảnh bên ngoài đều dẹp sạch (nhân cảnh đều đoạt). Khi không còn vọng tưởng, tâm không còn dính mắc với trần cảnh bên ngoài, tâm lúc nào cũng lặng lẽ sáng suốt, không cần phải dụng công tu (nhân cảnh đều chẳng đoạt).


HỎI: Thưa Thầy, theo pháp tri vọng thầy dạy, chúng con có được dùng pháp quán để đối trị tâm bệnh trong lúc ngồi thiền hay không? 

ĐÁP: Như tôi vừa nói, chúng ta tu hoặc xoay lại nhìn tâm lăng xăng của mình, hoặc quán trần cảnh bên ngoài không thật. Nếu khi ngồi thiền tâm quá xao xuyến, điều phục không nổi thì phải dùng pháp quán để phá. Chúng ta phá nó bằng cách đặt câu hỏi: "Cái gì đang xao xuyến?".

Giả sử hồi chiều nghe người ta nói nặng mình một câu, mình trả lời chưa xứng. Bây giờ ngồi thiền cứ nhớ những lời nói nặng đó mãi, dẹp không được thì phải quán. Quán xét những lời nói đó từ đâu mà có? Những lời nói đó là hơi phát ra từ rốn, lên cuống họng, ra lưỡi, lưỡi uốn qua uốn lại thành tiếng. Do những duyên đó hợp lại thành tiếng, thoáng qua rồi mất, nó không thật, tại sao mình ôm ấp phiền giận? Quán như vậy một hồi, tự thấy mình vô lý, buông bỏ những lời nói đó, tâm được yên ổn. Nếu đang giận hậm hực, tìm câu nói nào cho hơn để trả lời thì tâm càng thêm sân giận, không dẹp phá được. Giờ ngồi thiền trở thành giờ cãi lộn, thêm phiền não không lợi ích. 


HỎI: Thưa Thầy, trong bốn oai nghi đều phải tu. Vậy khi tiếp xúc với Phật tử, lúc đó có tu hay không?

ĐÁP: Đừng hiểu tu Thiền là ngồi im bất động, mà trong mọi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín... lúc nào cũng tu. Khi im lặng thì nhìn lại tâm mình, thấy có vọng niệm khởi liền buông, không theo thì tâm vắng lặng. Khi tiếp duyên với Phật tử thì nói những lời đạo lý, nhắc nhở mọi người cùng tu. Những lời mình nói ra cũng xuất phát từ tâm thanh tịnh, giống như nước trong hồ khi lặng vẫn trong, khi nổi sóng cũng vẫn trong. Vì nước đã trong rồi thì dù lặng hay động nó vẫn trong. Nước ao nước hồ có bùn có cặn, nếu bị chao động nổi sóng là đục ngay. Vì vậy mà lúc nào chúng ta cũng phải tu, khi yên lặng thì tu theo cách yên lặng, khi tiếp duyên thì tu theo lối tiếp duyên. 


HỎI: Thưa Thầy, tu Thiền khi lâm chung phải làm sao?

ĐÁP: Người tu Thiền khi sắp chết có những trường hợp như thế này:

- Người dụng công tu đến chỗ tâm hằng thanh tịnh sáng suốt thì làm chủ mình hoàn toàn, ngay cả cái chết đến tâm vẫn bình thản an nhiên không lo sợ loạn động, vì đã biết đường đi.

- Người dụng công chưa làm chủ được tâm mình, lúc sắp chết tâm lo sợ loạn động. Lúc đó phải vận dụng hết thần lực trí lực quán chiếu, để thấy rõ thân này cảnh này là huyễn hóa không bền chắc, cho bớt chấp thân, như vậy ra đi có phần tự do.

- Người sắp chết mà thần lực trí lực quá yếu, không quán chiếu được thân cảnh không bền chắc tạm bợ, phải nhờ Thầy Tổ huynh đệ đến tụng kinh Bát-nhã hay Kim Cang khiến cho nhớ và duyên theo lời Phật dạy, dừng tâm quyến luyến thân, quyến luyến người, quyến luyến cảnh, ra đi cho dễ dàng.


HỎI: Thưa Thầy, ngộ lần đầu và ngộ lần sau có như nhau không? Ngộ lần đầu còn phải tiệm tu lâu dài, làm sao biết được giai đoạn sau cùng là lúc nào?

ĐÁP: Câu hỏi này tôi chỉ trả lời phân nửa, chớ chưa trả lời hết được. Tại vì tôi chưa ngộ lần cuối cùng, nên không trả lời phần này. Theo Thiền sử thì các Thiền sư tiểu ngộ hàng chục lần, đại ngộ cũng năm ba lần. Lục Tổ Huệ Năng khi còn là cư sĩ gánh củi đi bán, một phen nghe người tụng kinh Kim Cang, tâm liền khai ngộ. Sau đó Ngài đến Huỳnh Mai tham học với Ngũ Tổ. Một hôm, Ngài trình sở ngộ, được Ngũ Tổ cho vào thất để giảng kinh Kim Cang, giảng tới câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", ngay đó Ngài đại ngộ bèn thốt lên: "Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt...". Sau lần ngộ này Ngài được Ngũ Tổ ấn chứng và truyền y bát. Lần ngộ đầu và lần ngộ này có khác không? Lần ngộ đầu chỉ thấy "bổn lai vô nhất vật", lần ngộ sau thấy "sáu căn không dính mắc với sáu trần", thì nhận ra tánh mình từ xưa vốn thanh tịnh, vốn không sanh diệt... lần sau Thầy đại ngộ nhận sâu hơn lần trước. Giống như quý Phật tử mới học đạo, đọc kinh lần đầu thấy hay, dụ như tiểu ngộ, lâu lâu đọc lại càng hiểu sâu hơn càng thấy hay hơn, dụ như đại ngộ. Như vậy lần ngộ đầu cạn, lần ngộ sau sâu không giống nhau. Còn lần ngộ chót là triệt ngộ, nghĩa là thấu suốt trùm khắp không giới hạn, lần ngộ đầu còn giới hạn.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 90239
  • Online: 27