Những cánh hoa đàm (Phần 03)
20/05/2020 | Lượt xem: 2033
HT.Thích Thanh Từ
HỎI: Thưa Thầy, con đọc kinh thấy Phật dạy tu là phải buông xả tất cả. Nhưng khi tâm trí buông xả thì ảnh hưởng đến nhân tình và sinh hoạt hằng ngày không tốt. Còn nếu nhiệt tình tích cực làm việc thì ảnh hưởng đến tâm trí, tâm trí chao động khó thanh tịnh. Con muốn tu tâm trí được an tịnh mà việc làm vẫn tích cực. Vậy con phải tu như thế nào xin thầy chỉ dạy?
ĐÁP: Câu hỏi này là câu hỏi thiết yếu và thực tế của người tu hành, nhất là người Phật tử tại gia còn làm việc trong xã hội. Tôi dạy Tăng Ni và Phật tử tu, cũng dạy buông xả mà buông xả tích cực chứ không phải buông xả tiêu cực. Nghĩa là làm tất cả mà không chấp vào việc làm của mình, đó là buông xả tích cực. Còn làm cái gì dính cái nấy, hoặc sợ quá nên bỏ, đó là buông xả tiêu cực. Ví dụ sáng quý vị đi làm công tác xã hội, giúp cho người tàn tật, nghèo đói, bệnh hoạn được no ấm an vui, ai cần là giúp, việc gì cũng làm, làm tích cực suốt ngày. Làm xong, chiều về nhà quý vị tắm rửa, ăn uống rồi đi tụng kinh, ngồi thiền. Mọi việc làm trong ngày buông hết không nghĩ đến, ngủ dậy sáng đi làm nữa, làm xong buông hết không nhớ không nghĩ tới, cứ thế mà làm và tu thì tâm trí không động, việc làm vẫn tích cực. Còn nếu sáng đi làm, chiều về nhớ mình làm việc này cho người này, việc kia cho người kia, người này tên A, người kia tên B, ghi vào sổ để mai mốt kể công kể ơn với họ. Nếu người nào quên ơn thì mình buồn trách, làm như thế là làm vì danh, tâm bị động chưa biết buông xả. Đó là hành động buông xả và không buông xả bên ngoài.
Đối với nội tâm, chúng ta luôn luôn phải buông xả, mà buông xả không phải không làm. Tôi nói niệm khởi phải buông. Song, buông không cho nghĩ gì hết sao? Chỗ này quý vị phải lưu ý thật kỹ để ứng dụng tu, kẻo thực hành sai. Ví dụ sáng thức dậy thấy có những việc đáng làm, chúng ta khởi niệm khoảng ba phút hoặc năm phút để sắp xếp. Sau khi sắp xếp xong bắt đầu thực hành, từ đó niệm khởi cứ buông, chỉ làm thôi chớ không suy nghĩ. Như vậy buông xả vọng niệm không trở ngại công việc đang làm. Như thế, làm việc mà vẫn tu được không trở ngại. Còn nếu sáng thức dậy vừa nghĩ làm việc gì liền buông bỏ không cho nghĩ, thì không sắp xếp và cũng không làm được việc gì. Buông xả như thế là buông xả tiêu cực, rốt cuộc chỉ ngồi không, không làm được gì cả. Vì khởi nghĩ là phải bỏ, không cho nghĩ thì biết làm gì đây?
Chúng ta phải hiểu cho rõ chỗ này. Xả là không chấp công mình giúp người. Xả là không nhớ và mong mỏi người mình giúp đền ơn mình. Và, người tu Thiền xả là luôn luôn để cho tâm thanh tịnh, khi làm việc chỉ biết làm việc, hoàn toàn làm chủ mình, không để tạp niệm xen lẫn. Buông xả như thế rất tích cực chớ không tiêu cực, quý vị nên tu tập như vậy không bị mâu thuẫn.
HỎI: Thưa Thầy, pháp môn "biết vọng" mà Thầy dạy chúng con tu có trải qua giai đoạn nhập Diệt tận định không?
ĐÁP: Pháp tu biết vọng mà tôi dạy cho quý vị tu là pháp tu của Thiền tông gọi là Tổ sư thiền. Còn Diệt tận định là thiền của Thanh văn. Thiền Thanh văn hành giả tu đến Diệt tận định thì chứng Tam minh, Lục thông đắc quả A-la-hán. Còn thiền biết vọng tu đến lúc sạch hết vọng tưởng thì thành Phật, chớ không chứng A-la-hán nên không nhập Diệt tận định. Vì hành giả khi nhập Diệt tận định thì không còn cảm thọ và tâm tưởng nên gọi là Diệt thọ tưởng định. Lúc đó còn hơi ấm mà không còn cảm thọ và tâm tưởng, nên giống người chết. Người tu đến Diệt tận định thì sạch hết vô minh hoặc lậu, chứng quả A-la-hán.
Đường lối tu Thiền ở đây như Lục Tổ nói trong kinh Pháp Bảo Đàn: "Nếu đại định thì không có nhập xuất, nếu còn nhập xuất thì chưa phải đại định. Tại sao vậy? Vì khi nhập thì định, khi xuất thì không định. Còn định của Tổ sư thiền thì đi, đứng, nằm, ngồi lúc nào cũng định hết. Lúc nào cũng định thì đâu có nhập có xuất, nên nói Đại định. Dù cho thấy, nghe, cảm giác, nói, nín... tâm luôn luôn bất động. Chính chỗ này mà Lục Tổ chủ trương định tuệ đồng đẳng.
Nếu nhập Diệt tận định thì có định mà không có tuệ, vì không có cảm giác và không nghe biết gì cả, lúc đó an trú trong định tuyệt đối. Hai cách tu Thiền này không giống nhau. Chúng ta tu cũng ngồi thiền, nhưng ngồi thiền để dễ điều phục tâm thêm sức mạnh, để lúc xả thiền đối trước trần cảnh không bị lôi cuốn. Tuy chúng ta ngồi thiền, nhưng không lấy sự ngồi thiền làm cứu cánh của sự tu, mà phải tu ngay trong mọi sinh hoạt của cuộc sống hằng ngày. Đó là chỗ sai biệt của hai cách tu.
HỎI: Sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì sáu thức mới khởi. Nhiều khi sáu căn con không tiếp xúc với sáu trần mà vọng thức cũng vẫn khởi là tại sao?
ĐÁP: Trong câu hỏi, tuy đạo hữu nói sáu căn tiếp xúc với sáu trần sanh ra sáu thức. Kỳ thực đạo hữu chỉ thấy nhãn căn tiếp xúc với sắc trần sanh ra nhãn thức, Nhĩ căn tiếp xúc với thinh trần sanh ra Nhĩ thức, Tỷ căn tiếp xúc với thinh trần sinh ra tỷ thức, Thiệt căn tiếp xúc với vị trần sinh ra thiệt thức, Thân căn tiếp xúc với pháp trần sanh ra thân thức, còn Ý căn tiếp xúc với pháp trần sanh ra ý thức, thì đạo hữu quên hoặc không thấy, nên mới nói như vậy. Pháp trần là bóng dáng của năm trần trước lưu lại sau khi năm căn trước đã duyên. Khi mắt không tiếp xúc với sắc, tai không tiếp xúc với thinh, mũi không tiếp xúc với hương, lưỡi không tiếp xúc với vị, thân không xúc chạm với nóng lạnh, trơn nhám, bấy giờ ý căn mới duyên với bóng dáng của năm trần này (pháp trần). Thế nên khi xếp chân, thân ngồi yên mà ý nhảy nhót lăng xăng như vượn khỉ, lát nhớ việc này, lát nghĩ việc kia đủ thứ. Vì vậy mà nhiều Phật tử thắc mắc tại sao ban ngày làm việc thì ít vọng tưởng, tối ngồi thiền tâm chạy nhảy như khỉ như ngựa? Sao ngồi thiền tâm lại động hơn lúc làm việc?
Chỗ này không có gì lạ, lúc làm việc, mắt thấy sắc thì chăm chú nhìn sắc, tai nghe tiếng bận duyên theo tiếng... pháp trần đâu có cơ hội trồi lên cho ý căn duyên theo mà chạy nhảy. Nhưng khi ngồi lại, mắt không còn tiếp xúc với sắc, tai không còn tiếp xúc với thinh, mũi không còn tiếp xúc với hương... thì lúc đó là lúc ý căn và pháp trần tung hoành, nên chúng ta thấy nó chạy nhảy lăng xăng. Những cái chạy nhảy lăng xăng đó là những cái bóng do năm căn trước duyên với năm trần còn lưu lại. Lúc ngồi thiền là lúc đối trị loại bỏ những bóng dáng hình ảnh (pháp trần) này. Những bóng dáng này lúc nào cũng có, vì lúc làm việc chúng ta bận tâm với công việc, nó không có cơ hội trồi lên và chúng ta cũng không để ý tới nó, nên không thấy. Lúc ngồi thiền năm căn trước không duyên với năm trần, nên có cơ hội trồi lên ý căn liền duyên theo nó, và chúng ta chăm chăm nhìn nó nên thấy nó nhiều. Thấy nó, biết nó, không theo thì nó lặng mất.
HỎI: Thưa Thầy, hạnh Bồ-tát con rất thích tu, lợi tha nhỏ thì con làm được, nhưng lợi tha lớn con không làm nổi. Hạnh Thanh văn và hạnh Bồ-tát sai khác như thế nào, xin thầy chỉ dạy cho con tu theo.
ĐÁP: Trước hết tôi nói hạnh Bồ-tát. Quý vị nhớ hạnh Bồ-tát không phải một đời là tu xong. Vì nói tới hạnh Bồ-tát là nói tới vô số kiếp. Đời này chúng ta làm được việc lợi ích cho người này chính ta làm được việc lợi ích cho người trong sự tỉnh giác bao nhiêu, thì bản ngã mòn nhỏ bấy nhiêu và công đức lợi tha tăng trưởng thêm lên. Sở dĩ chúng ta làm việc lợi tha lớn chưa được là vì bản ngã chúng ta còn lớn, làm lợi cho người ít mà nghĩ lợi cho mình nhiều. Bao giờ bản ngã chúng ta nhỏ hoặc tan vỡ hết thì hạnh lợi tha mới viên mãn. Ví dụ chúng ta có một ngàn đồng, một người nghèo đói đến xin một ngàn đồng, để lại phần mình năm trăm đồng chớ không dám cho hết. Thế nên hạnh Bồ-tát làm chưa tròn. Giúp người phân nửa hoặc một phần ba thì được, giúp hết thì làm không được. Điều đó chứng tỏ, bản ngã chúng ta có giảm bớt chớ chưa hết, vì vậy mà hạnh Bồ-tát thực hành chưa xong. Song, hạnh Bồ-tát đâu phải một đời là làm viên mãn, nên từ lúc phát tâm Bồ-đề tu hạnh Bồ-tát, cho đến khi viên mãn phải trải qua vô số kiếp.
Tâm Bồ-tát là tâm lợi tha rộng lớn, Phật tử phát được tâm này rất quý. Cứ vững chí mà tiến, đừng nghĩ mình phải làm việc lớn, việc nhỏ mình làm ít quá, mai kia chết đi hạnh Bồ-tát thực hành chưa xong. Tùy duyên, gặp việc nhỏ làm việc nhỏ, gặp việc lớn nếu làm được thì làm, làm chưa được tạm để đó rồi sẽ làm, có làm còn hơn không. Mỗi lần làm việc lợi tha là mỗi lần giũa mòn bản ngã. Nhớ làm là vì lợi ích cho người, chớ không phải làm vì danh thì mới hợp đạo lý. Người thế gian vì bản ngã to nên lợi tha không được. Có tiền là để dành phần mình, có quyền lợi là để cho con cháu mình, thế nên không làm việc lợi tha được. Lợi tha là quên mình, quên mình đã phá ngã. Đó là hạnh Bồ-tát.
Hạnh Thanh văn thì nặng nề về mặt tự lợi, các vị tu theo hạnh Thanh văn rất tinh tấn. Các Ngài nghĩ phải làm cho xong việc của mình là tu cho sáng đạo, hết vô minh lậu hoặc, ít có thì giờ nghĩ đến việc khác, nên hạnh nguyện lợi tha hạn chế trong sự giải thoát của mình. Ví dụ bây giờ tôi nghĩ tôi phải nhập thất tu cho sáng đạo. Khi nhập thất tôi không tiếp ai hết, nếu không tiếp người thì hạnh lợi tha tôi thiếu. Không tiếp người tôi cố gắng tu là việc tốt, tuy tốt nhưng chỉ làm cho xong việc của mình. Khi giải quyết xong việc của mình, lại có thêm việc thứ hai là dứt được mầm sanh tử, nên cứ an trụ trong cảnh thanh tịnh, không muốn tái sanh trở lại làm việc lợi sanh, vì thấy sanh tử là khổ. Do đó an trụ mãi trong Niết-bàn. Người tu hạnh Bồ-tát tâm lợi tha mạnh, tuy biết cõi Ta bà khổ nhưng sẵng sàng lao mình vào cảnh khổ, để làm lợi ích cho chúng sanh. Sở dĩ các Ngài gan dạ như thế là vì các Ngài thấy tất cả pháp như huyễn hy sinh một trăm một ngàn cái thân huyễn cũng không có giá trị gì. Chúng ta vì thấy thân thật nên một lần hy sinh là một lần thấy đau khổ, bởi thế nên chúng ta chưa mạnh, chưa tròn đầy.
Tóm lại, hạnh Bồ-tát và hạnh Thanh văn hạnh nào cũng tốt, hạnh nào cũng quý, nhưng hạnh Bồ-tát thì tinh thần lợi tha tích cực. Còn hạnh Thanh văn lo tu giải quyết cho xong việc của mình, rồi an trú trong Niết-bàn, hơi nghiêng về mình nên có phần tiêu cực hơn. Tôi giảng trạch ra như thế tùy quý vị thích tu hạnh nào cũng được.
HỎI: Thưa Thầy, đối với Bi, Trí, Dũng người học đạo cần phải có hạnh nào trước?
ĐÁP: Bi, Trí, Dũng, đối với người học đạo thì phải khởi Trí trước, kế đó là Dũng, sau đó là Bi. Tại sao vậy? Vì có Trí mới nhận ra cái nào là giả cái nào là chân. Cái giả thì bỏ, cái chân thì bảo nhậm giữ gìn. Nếu không có trí thì không phân định được cái giả, cái chân nên không tu được. Khi đã có trí biết rõ cái giả, cái chân thì nỗ lực ứng dụng tu một cách mạnh mẽ đó là Dũng. Khi nỗ lực tu có kết quả rồi, thấy mọi người chưa biết tu đang đau khổ, thương họ mới ra giáo hóa giúp họ tu cho bớt khổ, đó là Bi. Trên chữ nghĩa thì nói Bi, Trí, Dũng, nhưng thực tế tu hành thì trước hết là Trí, kế là Dũng, sau là Bi.
HỎI: Thưa Thầy, khi xưa đức Phật và các thầy Tỳ-kheo không phải lao động nên có nhiều thì giờ tọa thiền. Bây giờ chúng con lao động nhiều, nên tối ngồi thiền hay bị ngủ gục. Như vậy chúng con tu bao giờ mới có kết quả?
ĐÁP: Đây là điều đáng ngại cho một số người sơ cơ mới vào Thiền viện. Khi Phật còn tại thế, chư Tỳ-kheo mỗi ngày đi khất thực một lần, trưa thọ trai, chiều và tối ngồi thiền. Các Ngài dồn hết tâm lực để tu, nên sớm ngộ đạo, ngay trong đời chứng quả. Các con phát tâm tu trong giai đoạn này là thời mạt pháp có nhiều duyên không thuận. Vì vậy mà thầy phải vạch một hướng tu cho tạm ổn để các con tu. Biết rằng lao động, cuốc đất, xịt thuốc... làm chết côn trùng sâu bọ, giới sát giữ không tròn, tổn thương lòng từ bi. Nhưng vì hoàn cảnh đất nước nghèo, chúng ta phải lao động mới có cơm ăn, đi khất thực thì không thuận hợp với hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện tại. Chẳng lẽ bây giờ chúng ta bó tay không tu, vì thế phải uyển chuyển tu theo hoàn cảnh. Thời xưa chư Tỳ-kheo dồn hết ngày giờ cho việc tu nên các Ngài mau đắc đạo. Bây giờ các con phải lao động ngày một buổi, tuy tối ngồi thiền bị buồn ngủ vì mệt nhọc, nhưng còn nhớ tu vẫn có lợi ích hơn là không tu.
Chủ trương của thầy ngày nay giống Tổ Bá Trượng. Các con phải tu trong hoạt động, trong việc làm, chớ không phải chỉ tu trong lúc ngồi thiền. Ngay trong lúc cuốc đất, nhổ mạ, cấy lúa, nhổ cỏ... cũng là giờ chúng ta tu. Thầy thường nhắc: các con làm cái gì chỉ biết làm cái đó. Cuốc đất chỉ biết cuốc đất, nhổ mạ chỉ biết nhổ mạ, cấy lúa chỉ biết cấy lúa... tâm các con không nghĩ tưởng chạy theo việc khác, tâm lúc nào cũng tỉnh sáng. Như vậy lúc lao động là lúc tu, chớ đâu phải không tu. Trong lúc các con lao động đừng phóng tâm ra ngoài, làm chỉ biết làm và thấy được niệm lo ra của mình để làm chủ mình, đó là tu trong việc làm. Như vậy là suốt ngày lúc nào cũng tu, nếu các con chỉ tu trong lúc ngồi thiền tụng kinh thì tu quá ít, sức tỉnh giác quá yếu, không đủ sức làm chủ mình trong hoàn cảnh khó khăn.
Các con đừng đặt ngồi thiền là trên hết, mà phải tu trong việc làm, trong mọi hoàn cảnh, lúc nào cũng phải tỉnh, phải thấy được mình. Đừng để tâm chạy ngược chạy xuôi như trâu hoang thì rất tai hại, mà phải cầm vàm cầm roi chăn giữ nó. Các con phải biết rõ đường hướng tu mới không thiệt thòi, không còn băn khoăn than thở vì ngồi thiền ngủ gục khó tu.
HỎI: Thưa Thầy, ngồi thiền có trạng thái nửa mê nửa tỉnh, để lâu ngày có sao không? Trạng thái này có phải là vô ký không?
ĐÁP: Ngồi thiền có trạng thái nửa mê nửa tỉnh, đúng là trạng thái vô ký. Vì trạng thái này không ghi nhớ rõ ràng. Thế nên, ngồi thiền thà gục một hai cái rồi tỉnh luôn, chớ đừng nửa tỉnh nửa mê không tốt. Khi ở trạng thái nửa mê nửa tỉnh ráng chấn chỉnh lại, mở mắt sáng ra cho tỉnh thì khỏi trạng thái vô ký này.
HỎI: Thưa Thầy, đọc trong thiền sử con thấy chư Tổ khai ngộ cho đệ tử không nói trắng ra, vì nói trắng chỉ hiểu mà không ngộ. Ngày nay Thầy dạy chúng con, Thầy giảng rõ hết làm sao các con ngộ?
ĐÁP: Theo tinh thần của Thiền tông, thiền sinh đến tham vấn, thiền sư chỉ nói úp mở, hoặc hỏi bên đông trả lời bên tây, để cho người có trí tuệ nhận được. Khi nhận được thì họ thích thú nhớ lâu gọi là ngộ. Ngày nay Thầy không nói như vậy bởi nhiều lý do: Lý do thứ nhất là nhiều người nghe nói tới tu Thiền là sợ, vì cho rằng thiền dành cho bậc thượng căn, còn hạng trung căn hạ căn trong thời mạt pháp không thể tu được, nên không tu. Lý do thứ hai là nhiều người nói: "coi chừng tu Thiền điên" nên sợ không dám tu. Người học đạo sợ tu không được, sợ điên không dám tu, mà thầy dạy nói úp mở quanh co, thì họ sẽ cho thần kinh thầy không bình thường, làm sao họ tin để cho họ học, họ tu? Họ đã không tin làm sao thầy truyền bá thiền cho người học để tu? Thầy vẫn biết nói trắng ra thì dễ hiểu, nhưng bị xem thường, nói quanh co khó hiểu, mới nỗ lực tu để xa lìa vọng tưởng phiền não, khi thông suốt mới thích thú, nhớ lâu.
Thời xưa đời Đường đời Tống, Thiền tông truyền bá khá rộng nên nhiều người biết, nếu nói dễ hiểu thì sẽ trở thành lý thuyết suông, gọi là khẩu đầu thiền, thiền ngoài môi đầu lưỡi, chớ chưa thật sống với thiền. Vì vậy mà phải làm cách này, hay cách khác cho người học đạo điếc tai, nghi ngờ, tìm tòi. Khi phá vỡ nghi ngờ gọi là ngộ đạo. Thời nay hoàn cảnh có khác, mọi người chưa biết thiền, mà thầy không nói trắng ra, lại nói quanh co thì người học cho rằng thiền cao không thể tu, hoặc tu Thiền bị điên không dám tu. Buộc lòng thầy phải nói trắng ra để cho mọi người thấy thiền rất thực tế, Phật tánh ai cũng có sẵn, ai cũng có thể tu, không dành riêng giới nào. Hơn nữa, thời nay là thời khoa học, mọi người đòi phải lý giải để hiểu rồi mới hành. Không lý giải người học không hiểu, không tin, không thực hành. Thầy vẫn biết lý giải ra cho hiểu thì chậm ngộ, nhưng có đủ lòng tin để tu. Thầy chỉ mong thầy dạy các con học sau ba năm các con đủ lòng tin để tu là được rồi, thầy không nói các con ngộ hay chứng. Hoàn cảnh khác nhau nên phương tiện giáo hóa có khác. Tuy khác nhau nhưng cùng mục đích tu Thiền theo Phật Tổ đã dạy.
HỎI: Thưa Thầy, như vậy ai hiểu đúng như thầy dạy và có đủ niềm tin, thì cũng gần ngộ như các Tổ ngày xưa phải không?
ĐÁP: Các con đừng quan niệm ngộ là phải có thần thông, có những việc làm khác thường. Phải hiểu là ngộ là thấy được lẽ thật để vững lòng tin không thối chuyển. Tin đây không phải là tin lời Phật lời Tổ, mà là từ lời Phật Tổ dạy nhận ra mình có Phật tánh và tin mình có khả năng thành Phật. Chư Tổ ngày xưa trên phương diện giải ngộ thì cũng thế thôi, nhưng vì ngày xưa chư Tổ nói khó hiểu, nên lúc nhận ra mừng quá nên mới có những hiện tượng lạ như la lên, hoặc cười, hoặc khóc... Bây giờ thầy giảng trắng ra các con hiểu, nếu sâu hơn thì chỉ mỉm cười hay gật đầu chớ không có hiện tượng lạ, nên thầy không dùng danh từ ngộ, vì sợ người ta hiểu lầm.
HỎI: Thưa Thầy, theo pháp thầy dạy, chúng con thấy nó giống như bài toán mẫu có đáp số, nên đôi lúc có trở ngại cho chúng con trên đường giác ngộ hay chứng đạo, xin Thầy giảng thêm cho chúng con hết nghi ngờ.
ĐÁP: Thấy như có đáp số mà thực ra không có đáp số gì hết. Bởi vì thầy nói mỗi người có Phật tánh, đâu phải các con hiểu là đã nhận ra Phật tánh nơi mình, mà các con phải tu thì Phật tánh mới hiện tiền, chớ không phải hiểu rồi thôi. Như vậy, học hiểu rồi tin là có và thấy dấu vết, tu là phăng tới dẹp sạch phiền não Phật tánh mới hiện tiền. Còn toán học biết đáp số là xong việc, đâu có giống chỗ này.
HỎI: Thưa Thầy, phần thầy đã tròn trách nhiệm, phần các con học hiểu biết chút ít dễ sanh ảo tưởng rằng mình đã ngộ, tự gây tai họa mà không biết. Bây giờ Thầy còn thì thầy nhắc nhở chỉnh đốn, mai kia Thầy trăm tuổi không biết cái hại sẽ tới đâu?
ĐÁP: Thầy đã từng nói: "Phải hiểu mới tu, không hiểu làm sao tu?" Hiểu có hai cách: Một là hiểu suông trên văn tự chữ nghĩa. Hai là biết mình có Phật tánh rồi khai phát cho tròn sáng. Trong giới tu hành, mai kia có ai tự nhận là Phật là Thánh, thì lấy "Bát phong xuy bất động" làm thước đo liền biết thậy hay là giả. Nếu người nói hay khi gặp cảnh mà bị dao động là giả hiệu không thật, còn người không nói gì hết mà gặp cảnh dửng dưng không động mới là thật.
HỎI: Thưa Thầy, Phật tánh vốn có sẵn nơi mỗi người, khi hết vọng tưởng thì Phật tánh hiện tiền?
ĐÁP: Không phải điều kiện, mà phải có chút tỉnh giác mạnh để vượt khỏi chỗ mà Thiền tông gọi là "đầu sào trăm trượng". Chúng ta tu năng sở thì phải nổ lực khéo tu, đến lúc năng sở hết (vô tâm) mà chìm trong tịch lặng không tỉnh giác, Thiền tông nói là chìm trong nước vô sanh, phải vươn lên để vượt qua. Tức là nhận ra Phật tánh có sẵn nơi mình không ngờ mình có. Trong khi tu tuy cũng có những lúc lóe sáng, nhưng chỉ là phần nhỏ, bấy giờ thể nhập Phật tánh viên mãn mới là cứu cánh. Không phải điều kiện mà là ý chí, không tự mãn, không nghĩ là rồi mà phải có ý chí tu để vượt qua.
HỎI: Thưa Thầy, trạng thái vô tâm, Phật tánh chưa hiện tiền, lúc đó tập khí còn hay đã sạch hết.
ĐÁP: Nói tập khí còn cũng không được, nói sạch hết cũng không được. Vì tập khí còn tức còn vọng tưởng, tập khí sạch hết thì vọng tưởng không sanh, chỗ này rất tế nhị. Dụ như người bệnh nặng uống thuốc vừa hết bệnh, hết bệnh chớ chưa phải là mạnh, nên phải tịnh dưỡng mới thật khỏe mạnh. Cũng vậy, chúng ta vừa qua được cơn loạn tưởng, hay cơn sốt sanh diệt, chưa đến chỗ rốt ráo, mà phải tinh tấn tu để vượt qua, chỗ này Thiền tông gọi "đầu sào trăm trượng cần phải vượt qua". Chỗ này là giao điểm giữa tối và sáng, nó còn mờ mờ. Nếu ngang đây tự mãn thì chìm trong chỗ mờ mờ, cần phải vượt qua tới chỗ viên mãn.
HỎI: Thưa Thầy, con ngồi thiền thường có những đốm đen tròn đập vào mặt rồi tan biến, sau đó lại tiếp tục đập nữa. Như vậy là tại sao? Xin Thầy dạy con cách điều phục.
ĐÁP: Khi ngồi thiền có những đốm đen đập vào mặt rồi tan, sau đó lại tiếp tục đập nữa... Đó là tưởng trạng do ngồi thiền tâm hơi dằn ép, nên nó phát ra tướng lạ, có khi thấy đốm đen, có khi thấy đốm trắng, nó hiện rồi nó tan chớ không còn hoài. Biết nó là ảo tưởng không thật, hiện rồi mất không có gì phải sợ, nên không cần phải hướng dẫn cách điều phục. Chỉ cần biết đúng như thật nó là ảo ảnh, là giả tướng không thật thì nó hết.
HỎI: Thưa Thầy, có những lần ngồi thiền, con cảm nhận một luồng hơi nóng phát ra từ hai mang tai con. Lại có khi tai con nghe âm thanh KHÔNG! KHÔNG! KHÔNG! Khoảng vài ba phút mới hết. Thưa thầy những hiện tượng này có phải là những tướng báo hiệu con sắp khùng? Thưa Thầy luồng hỏa hầu đi như thế nào?
ĐÁP: Khi ngồi thiền có những cảm giác lạnh, hoặc cảm giác nóng xuất phát từ hai mang tai, hoặc xuất phát từ xương cùng đi lên theo đường xương sống. Đó là do công phu tu mà có những tướng bất thường như vậy. Những tướng đó là những tướng không thật, không quan tâm chú ý thì dần dần nó tan. Nhớ là không được thở gấp không được thở mạnh, mà phải thở thong thả nhẹ nhàng. Nếu mừng hay sợ thì bệnh.
Khi ngồi thiền mà tai nghe âm thanh KHÔNG! KHÔNG! KHÔNG! Đó là do thần kinh hơi yếu, ngồi thiền tâm hơi dằn ép nên nó phát ra. Nếu nghe mà chấp tiếng đó là tiếng Phật, tiếng Bồ-tát nói pháp cho mình nghe, thấy quý và thích nghe, cố lắng nghe lâu ngày sẽ phát điên. Khi xưa tôi có một người bạn đồng tu. Ông với tôi đang đi trên đường, bỗng ông nói: "Đó, đó, tôi nghe họ nói vậy đó...", tôi khuyên ông mấy lần mà không được. Về sau ông ấy phát điên. Chúng ta tu phải dè dặt, đừng chạy theo và chấp những âm thanh hư ảo đó.
Việc hỏa đầu đi trong thân người là pháp tu của ngoại đạo. Thiền tông không đề cập tới việc này. Người tu theo Thiền tông cốt yếu là đừng vọng tưởng lăng xăng, cho tâm được yên lặng tỉnh sáng, lúc nào cũng thấy nghe rõ ràng mà tâm không dấy khởi vọng niệm, như thế là đúng.
HỎI: Thưa Thầy, chư Tổ dạy phải dứt hết vọng tưởng Phật tánh mới hiện tiền. Thế nên trong mọi sinh hoạt phải dụng công tu, không để cho vọng niệm dấy khởi, vì vọng niệm là gốc tạo nghiệp dẫn đi luân hồi sanh tử. Nhờ dụng công tu, dần dần vọng tưởng hết. Vọng tưởng hết là dứt nhân sanh tử được giải thoát. Tuy nhiên, trong Thiền sử chư Tổ có dạy: "Chỗ im lặng không còn vọng tưởng là nước chết, tuy giải thoát mà không trọn, cần phải giác ngộ". Thưa Thầy, khi vọng tưởng dấy khởi mình biết nó là vọng tưởng không theo, không bị vọng tưởng lôi dẫn thì khi đó đã có giác rồi. Vậy khi vọng tưởng hết thì Phật tánh tròn sáng hiện tiền là giải thoát. Giải thoát đâu có lìa giác ngộ sao lại nói là nước chết? Vậy chúng con phải tu thế nào cho đúng pháp?
ĐÁP: Chỗ này rõ ràng lắm. Tại vì quý vị nghe mà chưa thấu suốt nên khi tu sanh nghi ngờ. Có nhiều người tu cứ đè ép vọng tưởng không cho khởi tâm được lặng lẽ. Dù đè bằng phương tiện này hay phương tiện khác cho tâm được lặng lẽ gọi là thanh tịnh. Chư Tổ trong Thiền tông không chấp nhận, vì lặng lẽ mà không tri giác nên nói là nước chết. Ví dụ hiện giờ tôi đang ngồi trong chùa này, thấy đông đảo Phật tử đang ngồi đối diện với tôi. Xế chiều quý vị ra về hết, nếu tôi còn ngồi đây, lúc đó tôi thấy khuôn viên chùa trống vắng người. Thấy Phật tử đang ngồi đối diện đông đảo và khi quý vị ra về hết, thấy chùa trống vắng người. Thấy Phật tử đang ngồi đối diện đông đảo và khi quý vị ra về hết, thấy chùa trống vắng là tôi đang hiện hữu hay không hiện hữu? Nếu tôi không hiện hữu thì ai thấy có người và vắng người? Quý Phật tử ra về tức là khách ra về, tôi còn ngồi tức là chủ đang có mặt. Còn nếu Quý Phật tử ra về, tôi cũng đi luôn chùa trống không, không ai biết chùa có khách hay không có khách, gọi là nước chết có được không?
Tôi thường bảo: Vọng tưởng khởi, biết là vọng tưởng không theo. Khi vọng tưởng lặng, biết vọng tưởng hết. Thấy vọng tưởng khởi và thấy vọng tưởng lặng là chủ đang có mặt mới thấy, nếu chủ không có mặt làm sao thấy? Nếu vọng tưởng lặng hết là vô tri không biết gì cả thì lúc đó ông chủ ẩn mất không gọi nước chết là gì? Tu phải khéo, lệch một chút thành bệnh.
HỎI: Thưa Thầy, ngồi thiền có trạng thái như quên thân, hơi thở ra vào cũng không còn thấy nữa. Nhưng tiếng động, lời nói của người vẫn nghe rõ. Sau khi xả thiền, nghe vẫn nghe mà không biết nói gì. Trạng thái đó có lỗi không?
ĐÁP: Ngồi thiền nếu tâm được lặng yên một lúc thì có khi quên thân, hoặc có khi thấy như không có thở, đó không phải là bệnh mà là an định. Bởi an định nên hơi thở rất nhẹ, thân cũng nhẹ, nhưng vẫn nghe thấy, vì nghe thấy mà không chú ý nên xả thiền ra là quên. Chuyện này rất thường không phải bệnh.
HỎI: Thưa Thầy, kỳ trước thầy có đưa ra một công án như thế này: Một Thiền sư nói: "Huyễn hóa không thân tức pháp thân". Rồi quơ gậy một vòng, Ngài nói tiếp: "Hiểu thì qua cầu thơm mùi rượu, không hiểu thì cách bờ qua đồng thơm".
Thưa Thầy, hôm nay con xin nói: "Thiền sư nói: "Huyễn hóa không thân tức pháp thân", rồi quơ gậy một vòng là chỉ tánh thấy. Tánh thấy đó phải vô cửa Văn Thù. Cửa Văn Thù là chỉ cho pháp tu, mà vô cửa Văn Thù là vô bằng Tánh Thấy".
ĐÁP: Vậy thì: "Cách bờ qua đồng thơm".
Các bài mới
- Mình là cái gì - 18/05/2020
- Pháp yếu tu thiền - 02/05/2020
- Những cánh hoa đàm (Phần 01) - 17/04/2020
- Tại sao chúng ta phải ngồi thiền - 13/02/2020
- Trí thức và trí tuệ - 03/02/2020
Các bài đã đăng
- Ý nghĩa ngày Phật thành đạo - 26/12/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt4) - 19/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt3) - 11/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt2) - 04/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt1) - 30/08/2019
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89308
- Online: 38