Những cánh hoa đàm ( Phần 05)

21/03/2022 | Lượt xem: 1252

HT.Thích Thanh Từ

HỎI: Thưa thầy, trong Thiền sử có ghi hai vị Thiền sư đi qua một cái cầu, dưới cầu nhiều người giăng lưới bắt cá, có một con cá lớn, phóng ra khỏi lưới. Thiền sư thứ nhất nói "À, mình tu giống con cá đó". Thưa thầy, có phải nghiệp thức giống như cái lưới không?

ĐÁP: Hai vị Thiền sư đó là Thượng tọa Khâm và Thượng tọa Minh, cùng đi qua sông Hoài thấy người bủa lưới đánh cá, có một con cá nhảy vọt ra khỏi lưới. Thiền sư Minh nói:

- Hay quá! Con cá giống như người tu vậy.

Thiền sư Khâm nói:

- Chẳng hay, phải ở ngoài lưới mới hay.

Thiền sư Minh nói:

- Như vậy là huynh Khâm chưa hiểu.

Hai vị tiếp tục đi, đi khoảng mấy cây số, Thiền sư Khâm chợt hiểu, liền nói:

- Tôi hiểu rồi.

Vậy Thiền sư Khâm hiểu là hiểu cái gì?

- Dạ ở trong đau khổ, biết và vượt ra đau khổ mới hay.

Thầy tiếp: Chúng ta sở dĩ tu là vì đang ở trong cảnh khổ, nếu không khổ chúng ta không có tu, nên Thượng tọa Minh thấy cá nhảy vọt khỏi lưới khen là hay. Nếu cá ở ngoài lưới thì đâu cần nhảy và không khen hay. Chính ở trong phiền não bủa vây mà thoát ra được mới là người tu hay. Xưa Thái Tử Sĩ Đạt Ta vượt ra khỏi mọi ràng buộc của trách nhiệm và tình cảm, nào là đạo làm con đối với vua cha, nghĩa làm chồng đối với vợ, cha đối với con, người lãnh đạo đối với quần thần quốc dân... ràng buộc rất chặt chẽ, mà Ngài vẫn thoát khỏi, đó không phải thoát ra khỏi lưới là gì? Còn chúng ta thì trách nhiệm không nhiều mà vẫn không thoát ra khỏi được.


HỎI: Thưa thầy, trong nhà khách Viên Chiếu có bức tranh đối đáp giữa Mã Tổ và Bàng Long Uẩn. Bàn Long Uẩn hỏi Mã Tổ: "Người không cùng muôn pháp làm bạn là người gì?". Mã Tổ đáp: "Chừng nào ông một hớp cạn nước Tây Giang tôi sẽ vì ông đáp" là ý nghĩa gì?

ĐÁP: Vậy, đạo hữu thấy chưa?  Đó là phong cách của Thiền sư, nếu nói thêm nữa thì không phải phong cách của Thiền sư.


HỎI: 
Thưa thầy, giận là do gốc thấy hai, nếu không thấy hai là không giận. Ký ức sâu đậm, mỗi lần nhớ lại cũng giận. Vậy ký ức cũng là hai không?

ĐÁP: Nếu không thấy hai thì không có ký ức. Ngồi nhớ lại chuyện phải chuyện quấy, chuyện hơn chuyện thua... tất cả những nhớ nghĩ đều do thấy hai mà ra. Vì thấy hai mới nhớ nhiều, mới ghi đậm, thương nhiều thì nhớ nhiều, ghét nhiều cũng nhớ nhiều, vui nhiều nên nhớ nhiều, khổ nhiều cũng nhớ dai... Do thấy hai nên mới có ký ức, nếu không thấy hai thì có gì để ghi nhớ? Đâu quý vị thử nhớ dùm tôi cái không hai coi? Sở dĩ chúng ta nhớ là nhớ những cái tốt xấu, chuyện vui buồn, người thương ghét. Giả sử quý vị giao tế với ba hạng người: người tốt được quý vị thương, người xấu bị quý vị ghét và người quý vị không thương không ghét. Qua một thời gian xa cách gặp lại cả ba, quý vị nhớ người nào rõ nhất? Chắc chắn là người thương, hoặc người ghét, còn người không thương không ghét thì quên mất. Như vậy, người có ký ức đậm là do thương ghét nhiều.


HỎI: 
Thưa thầy, Thiền sư Pháp Dung khi chưa gặp Tổ Đạo Tín, Ngài tu trên núi, chim tha hoa trái tới cúng dường. Sau khi gặp Tổ Đạo Tín khai ngộ, từ đó chim không tha hoa trái tới cúng nữa. Vậy có phải lúc trước Ngài có phước hơn lúc sau, nên trước chim cúng hoa trái sau không cúng?

ĐÁP: Thiền sư Pháp Dung tu rất tinh tấn trên núi Ngưu Đầu, cọp sói cảm đức từ bi của Ngài tụ hội về khá đông, chim muôn cũng cảm lòng từ nên tha bông trái đến cúng dường Ngài. Sau khi được Tổ Đạo Tín khai ngộ, Ngài tiếp tục tu, nhưng chim không còn tha bông trái đến cúng dường Ngài nữa. Như vậy có phải Ngài kém phước không? Sau này Ngài tu lùi hay tiến? Đây là cái nghi vấn mà người tu Thiền đã nêu lên. Muốn giải cái nghi này tôi xin dẫn câu chuyện của Thiền sư Đạo Ưng.

Thiền sư Đạo Ưng là đệ tử của Tổ Động Sơn Lương Giới, khai Tổ tông Tào Động khi Sư còn ở Động Sơn, có cất cái am ở Tam Phong, trải qua một tuần nhật Ngài không xuống trai đường. Động Sơn thấy lạ hỏi:

- Mấy ngày nay sao ngươi không đến thọ trai?

Sư thưa:

- Mỗi ngày có thiên thần cúng dường.

Quý vị thấy tu mà được chư Thiên cúng dường là quá tuyệt rồi phải không?

Động Sơn bảo:

- Ta bảo ngươi là kẻ vẫn còn kiến giải. Ngươi rảnh chiều lại.

Chiều Sư đến, Động Sơn gọi:

- Ưng am chủ!

Sư ứng thinh:

- Dạ!

Động Sơn bảo:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?

Sư trở về am ngồi yên lặng lẽ, thiên thần tìm mãi không thấy Sư, trãi qua ba ngày như thế mới thôi cúng dường.

Quý vị thấy thế nào, trước Sư được chim cúng dường, sau không được cúng là tại sao? Sự việc này nếu không giải thích thì quý vị sẽ hoang mang. Bình thường người tu mà có kẻ quý kính cúng dường thì vui, không có người ủng hộ thì buồn. Giả sử quý vị phát nguyện nhập thất độ một tuần hoặc nửa tháng, bỗng một hôm được chư Thiên đem phẩm thực đến cúng dường, cúng dường khoảng ba hôm chắc quý vị mừng lắm đi khoe cùng xóm, vì đó là chuyện hy hữu. Nhưng ngài Đạo Ưng được như vậy lại bị Tổ Động Sơn chê là còn kiến giải. Tại sao nói còn kiến giải? Vì tu mà còn dụng tâm khởi quán từ bi, muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Khởi tâm thiện mạnh như thế, nên chư Thiên thấy quý kính đến cúng dường. Nếu dứt hết niệm ác và niệm thiện cũng không còn, tâm không khởi niệm tức là vô niệm thì duyên vào đâu mà thấy tâm?

Trong nhà Thiền nói tu đến chỗ đó dù cho mắt Phật cũng không thấy, huống nữa là chư Thiên hay quỷ thần. Tâm vô niệm mới là chỗ vượt mọi đối đãi hai bên. Nếu còn khởi quán là còn niệm thiện, niệm thiện rất thuần khiết nên chư Thiên thấy và chim muôn cảm được mới tới cúng dường. Như vậy tu tới chỗ cao tột, với mắt phàm thấy như hết phước vì không thấy tâm đang nghĩ gì, còn tu vừa vừa thì dễ cảm thông, thấy kết quả rõ ràng. Chúng ta thấy người xưa tu được chư Thiên, chim muôn cúng dường, mà còn bị chê. Chúng ta thời nay tu chưa tới đâu lại xao lãng biếng nhác thì bị chê cỡ nào?

Đối với những phép lạ, những việc như trên, nhà Thiền không lấy đó làm quan trọng. Thiền sư Nam Tuyền khởi niệm đi thăm trang chủ. Sáng hôm sau Ngài xuống trang sở thì thấy trang chủ đã chuẩn bị đón tiếp. Ngài hỏi:

- Lão Tăng ra vào thường không cho người biết, sao trang chủ biết trước mà bày biện như vậy?

Trang chủ thưa:

- Đêm qua thổ địa mách, ngày nay Hòa thượng đến.

Ngài bảo:

- Vương lão sư tu hành vô lực (khởi niệm động tâm) bị quỷ thần xem thấy.

Thông thường chúng ta đến nơi nào mà không cho nơi đó hay, nhưng được người biết trước sửa soạn đón tiếp thì rất vui mừng chấp nhận, vì được sự ủng hộ của quỷ thần. Song đối với người tu cao như ngài Nam Tuyền, thì hối tiếc rằng mình dụng tâm tu để cho quỷ thần thấy. Tu để cho quỷ thần thấy tâm là còn thấp. Giá trị của sự tu không phải ở chỗ huyền hoặc, thế mà người đời lại đặt nặng sự huyền hoặc, cho là cao quý nên bị kẹt ở đó.


HỎI: 
Thưa thầy, trong kinh nói "Người tu khi chứng quả thì được thần thông. Khi được thần thông thì sáu căn hỗ dụng". Xin thầy giải thích hỗ dụng thế nào?

ĐÁP: Hỗ dụng là dùng thay cho nhau mà cũng có thể thấy được. Mắt chẳng những thấy mà cũng có thể nghe... Người còn mê thì sáu căn bị niêm, căn nào chỉ có công dụng của căn nấy, như mắt chỉ thấy mà không nghe hay ngửi được. Người tu đắc đạo rồi thì sáu căn không còn bị niêm nửa, sáu chỉ là một. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: Nhất tinh minh sanh lục hòa hợp. Hòa hợp là chỉ cho sáu căn, nơi sáu căn mỗi căn có cái biết riêng, nếu trở về được với một tinh minh (bản thể) thì sáu căn thanh tịnh, căn này có khả năng biết thay cho căn kia. Nếu chưa tinh minh thì sáu căn chỉ có công dụng riêng của nó, mắt chỉ thấy mà không nghe, tai chỉ nghe mà không thấy...


HỎI: 
Thưa thầy, trong kinh nói: "Lấy nước và lấy tất cả vật ở dưới biển, đem nhét vào lỗ chân lông cũng không ngại". Câu này hàm chứa ý nghĩa gì? 

ĐÁP: "Đem biển cả nhét vào lỗ chân lông" hay "Đem núi Tu Di nhét vào hạt cải mà không ngại" là những câu nói của Không tông. Thông thường theo cái nhìn của phàm phu thì thấy cây xoài lớn, cây cỏ nhỏ, cái nhà lớn cái bàn nhỏ, cái lớn cái nhỏ ngại nhau. Nhưng theo cái nhìn của Không tông thì thấy cây xoài, cây cỏ, cái nhà, cái bàn đều là tướng duyên hợp không có thật thể, đã là tướng duyên hợp không có thật thể, đã là tướng duyên hợp không có thật thể thì không có lớn nhỏ. Song đứng trên mặt giả tướng thì tạm có lớn nhỏ, nên hạt cải sánh với núi Tu Di không thấm vào đâu. Còn đứng về thể tánh tức là tánh không thì hạt cải hay núi Tu Di, hoặc biển cả hay lỗ chân lông tánh nó vốn không, không có lớn nhỏ nên nói hạt cải nuốt núi Tu Di, hoặc nói đem biển cả nhét vào lỗ chân lông. Đó là đứng về mặt thể tánh mà nói, vì tánh của các pháp không có lớn nhỏ nên không ngại nhau.


HỎI: 
Thưa thầy, tu cốt là để thoát khổ, tức là giải thoát lục đạo luân hồi sanh tử. Tại sao Thiền sư Quy Sơn nói: "Sau khi lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái có năm chữ "Quy Sơn Tăng Linh Hựu". Khi ấy gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?".

Ngài nói như vậy Ngài có thoát khỏi luân hồi sanh tử chưa?

ĐÁP: Trong nhà Thiền có cái đặc biệt là không cho người học đạo vướng mắc hai bên: bên thánh bên phàm. Nên các Thiền sư hay nói hồi hỗ, tức là nói cái này xoay qua cái kia, nói cái kia xoay qua cái nọ. Người tu thường nghĩ mình đang ở trong cõi phàm, tu cốt để thành Thánh và khi thành Thánh thì sung sướng tự do, không bao giờ bước chân vào cõi phàm nữa, vì cõi phàm quá xấu xa nhơ nhớp. Nhưng với con mắt của Thiền sư thì thấy Thánh phàm không có thực thể. Vì còn mê nên thấy có Thánh và phàm khác nhau, khi ngộ rồi thì thấy Thánh phàm chỉ là giả danh giả tướng thôi. Vì vậy mà các Thiền sư sau khi ngộ đạo, các Ngài đi vào đời để độ chúng sanh. Chúng ta thường có quan niệm tu là để giải thoát, ra khỏi lục đạo luân hồi. Trong lục đạo có những đường xấu xa ngạ quỷ, súc sanh... Giải thoát là ra khỏi, không trở lại những đường xấu đó. Tu như thế là tiêu cực yếm thế. Các Thiền sư thì không có thái độ như thế, các Ngài tu tới chỗ tâm thể nhất như rồi thì đi vào lục đạo, để giáo hóa làm lợi ích chúng sanh, không ngồi yên để hưởng an lạc. Thế nên mục thứ mười trong mười mục chăn trâu là mục thõng tay vào chợ, Thiền sư mở cửa am, mặc áo hở ngực hở bụng, tay cầm cá chép, tay xách bầu rượu, đi chân trần vào làng vào chợ... hòa mình để giáo hóa người. Nghĩa là đến chỗ cứu kính rồi thì phải quay lại cảnh phàm tục để giáo hóa chúng sanh, chứ không an trụ trong chỗ cứu kính. Vì vậy nên Ngài Quy Sơn nói Ngài làm con trâu. Đó là một người đạt đạo chân thật, đi vào đời làm lợi ích cho đời. Còn người tu sơ sơ, nhút nhát chỉ mong tới chỗ thanh tịnh để an trú trong đó, vì tâm vị ngã hãy còn. Còn ngã là còn ích kỷ không dám nhập thế, vì nhập thế thì phải độ chúng sanh nhọc nhằn. Thế nên người đạt đạo viên mãn ra vào trong tam giới không ngại không nhiễm, tùy căn cơ chúng sanh mà ứng hiện để hóa độ.


HỎI: 
Thưa thầy, tu là phải độ chúng sanh; chúng sanh thì có nhiều căn cơ, nhiều hạng. Vậy phải độ chúng sanh nào trước?

ĐÁP: Chúng sanh có hai loại: chúng sanh trong và chúng sanh ngoài. Khi mới tu tâm hành giả còn loạn tưởng điên đảo thì nên độ chúng sanh nơi tâm (chúng sanh trong), khi chúng sanh trong độ hết rồi thì phát nguyện độ chúng sanh ngoài. Không phải độ chúng sanh trong xong rồi an trụ mãi trong yên lặng là xong việc. Vậy, người phát tâm tu Bồ-đề, lúc nào cũng nhớ chúng sanh trong nhiều hơn phải độ cho xong. Khi độ hết chúng sanh trong thì lăn xả vào thế tục để độ chúng sanh ở ngoài. Cả hai chúng sanh đều phải độ. Nhưng chúng sanh trong cần phải độ trước, vì nếu người tu còn tham sân si, mà dạy người đời đừng tham sân si thì họ không nghe không làm theo, không độ họ được. Vì vậy phải độ chúng sanh trong trước. Độ chúng sanh trong là tu khiến vọng tưởng tham sân si... nơi mình hết sanh, đó là tự giác, rồi giảng dạy hướng dẫn cho người đời tu xa lìa tham sân si... là giác tha. Người tu nào cũng phải thực hành hai điều này, nếu không tự giác trước mà nói giác tha là nói suông nói rỗng. Vì chưa giác ngộ làm sao hướng dẫn người giác ngộ được? Cũng như người dốt mà nói tôi dạy học, dạy học mà anh dốt thì dạy ai? Đó chỉ là lời nói suông nói rỗng không thật.


HỎI: 
Thưa thầy, tại sao nói sáu căn là lục thông mà cũng nói sáu căn là lục tặc?

ĐÁP: Nói sáu căn là lục thông, khi mắt thấy sắc, chẳng hạn thấy một cái hoa, thấy chỉ thấy không khởi tâm phân biệt đẹp xấu, không khen chê, đó là nhãn thông. Nếu mắt thấy hoa liền khen hoa đẹp, trầm trồ khen ngợi muốn ngắm nhìn hoài, hoặc muốn hái về nhà chưng, đó là nhãn tặc. Tai nghe tiếng chửi chỉ biết mình đang nghe chửi, không khởi tâm phân biệt nhân ngã buồn giận đó là nhĩ thông. Nếu tai nghe tiếng chửi khởi phân biệt tiếng này nặng, tổn thương danh dự của mình, làm mình ô nhục, sân si nổi lên... đó là nhĩ tặc. Tóm lại sáu căn tiếp xúc với sáu trần không dính mắc không nhiễm ô đó là lục thông. Ngược lại sáu căn tiếp xúc với sáu trần, khởi tâm phân biệt tốt xấu sanh ưa chán, tham sân dấy khởi đó là lục tặc. Chính nó là thông mà chính nó cũng tặc.  


HỎI: 
Thưa thầy, kiến tánh và ngộ đạo có khác nhau không?

ĐÁP: Kiến tánh hay ngộ đạo nói tuy khác nhưng ý nghĩa không khác. Kiến tánh là nhận ra thể tánh chân thật của chính mình. Còn ngộ đạo thì cũng nhận được cái chân thật của mình. Ngộ đạo thì có giải ngộ, đại ngộ, triệt ngộ, chứng ngộ... Tùy sức huân tu sâu cạn mà ngộ cạn hay sâu. Kiến tánh cũng na ná như vậy, có người nhận ra cái chân thật của mình rõ ràng, có người thấy cũng chừng phân nửa, có người chỉ thấy mờ mờ... 


HỎI: 
Thưa thầy, trong vũ trụ có nhiều hành tinh. Trong kinh nói: "Nhất thiết do tâm tạo". Có phải do tâm tạo ra hành tinh và muôn loài muôn vật trong vũ trụ này không?

ĐÁP: Giáo lý nhà Phật nói: Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức, nghĩa là tất cả pháp do thức phân biệt mà ra, mọi sự trong tam giới do tâm mà có. Quý vị nhớ đừng hiểu lầm vạn pháp duy thức là thức làm ra cây cột làm ra cái nhà, thức có biến thành cây cột cái nhà được không? Nói vạn pháp duy thức là nói muôn vật trong thế gian này tuy có hình tượng, nhưng nếu không có thức phân biệt loại giống và đặt tên thì không có núi, sông, biển, rừng, thành thị, cái nhà, cái đường... Có trăm ngàn giống loại, trăm ngàn thứ tên là do thức phân biệt đặt ra nên nói vạn pháp duy thức. Còn tam giới duy tâm, không phải là tâm biến ra quả đất hay thế giới này. Nếu do tâm biến ra quả đất này thì khi người chết quả đất cũng hoại luôn sao? Đây nói tam giới duy tâm là tâm khởi nghiệp thiện hay nghiệp ác, tùy theo nghiệp mà đi vào thế giới lành hay thế giới dữ, chớ không phải tâm biến ra bụi đất tạo ra thế giới mình ở. 


HỎI: 
Thưa thầy, chúng sanh do phân biệt nên nhìn cái gì cũng thấy đẹp xấu, hay dở... Trong Thiền sử có câu chuyện: Thiền sư Quế Sâm, Trường Khánh và Bảo Phước cùng thấy hoa mẫu đơn. Bảo Phước nói: Một đóa hoa mẫu đơn đẹp. Trường Khánh bảo: Chớ để con mắt sanh hoa. Quế Sâm bảo: Đáng tiếc một đóa hoa. Thưa thầy, cái thấy của chúng sanh do phân biệt mà có đẹp xấu. Còn cái thấy của ba vị Thiền sư thế nào mà nói khác nhau như vậy?

ĐÁP: Chỗ này bảo cắt nghĩa làm sao nói? Tuy nhiên tôi cũng tạm mượn ngôn ngữ để cho quý vị thấy chỗ sai biệt của người nói. Bảo Phước nói: "Một đóa hoa mẫu đơn đẹp". Đó là giai đoạn một còn thấy hoa đẹp. Trường Khánh nói: "Chớ để con mắt sanh hoa". Đây là giai đoạn hai, Trường Khánh răn nhắc Bảo Phước chớ để con mắt dính hoa. Quế Sâm nói: "Đáng tiếc một đóa hoa". Ngài trách Bảo Phước và Trường Khánh làm cho đóa hoa bị bệnh. Hoa là hoa mà kẻ thì khen hoa đẹp, người thì nói đừng dính, đóa hoa không bệnh mà hai vị làm nên bệnh.


HỎI: 
Thưa thầy, câu "Nghiệp phi nghiệp, chân phi chân, Phật phi Phật". Nghĩa như thế nào?

ĐÁP: Thông thường khi thấy, hay nói điều gì chúng ta có thói quen là khẳng định. Ví dụ như nói về nghiệp thì khẳng định là nghiệp không thể chuyển, nghiệp đã tạo rồi thì phải chịu thế nên tu mới gặp chướng duyên thử thách thì thối tâm, cho rằng nghiệp của mình như thế không tránh khỏi. Đó là khẳng định nghiệp cố định không thể chuyển. Để đối trị bệnh chấp cố định đó, Phật nói "Nghiệp phi nghiệp". Nghiệp phi nghiệp nghĩa là sao? Trong kinh thường dạy: Do nghiệp dẫn mà chúng sanh luân hồi trong lục đạo. Vậy nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp được xuất phát từ thân, khẩu, ý, gọi là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân làm lành hoặc làm ác, miệng nói hiền hoặc nói dữ, ý nghĩ tốt hoặc nghĩ xấu. Tuy chia ra ba nghiệp, nhưng chủ là ý. Song, ý có thật không? Thiền sư Khuê Phong có nói rằng: "Thể không mà thành sự". Thể của ý nghiệp là không, nhưng nếu tạo tác thì thành sự. Ví dụ quý vị đang sống bình thường vui vẻ, bỗng dưng có người đến xúc phạm quý vị, lúc đó ý quý vị nổi giận, tiếp theo là miệng nói bậy, thân làm bậy tạo thành nghiệp bất thiện. Bấy giờ nếu quý vị vừa nổi giận, liền biết mình giận, nhìn kỹ cơn giận xem nó từ đâu mà ra? Khi nhìn nó thì nó lặng mất. Lúc cơn giận lặng, quý vị có biết nó trốn ở đâu không? Nó không có chỗ nơi. Khi cơn giận dấy lên, không biết từ đâu khởi và khi lặng xuống cũng không biết về chỗ nào? Vậy cơn giận có thật không? Không. Thế nên nói thể nó là không. Nếu cơn giận nổi lên, miệng chửi, tay đánh gây khổ cho người thì thành sự. Nghiệp có là do ý, mà ý đã không thật thì nghiệp có thật không? Nghiệp không có thật nên nói "Nghiệp mà phi nghiệp". Như vậy, khẳng định nghiệp không thể chuyển là sai lầm. Tại sao? Vì nó không thật nên nó có thể chuyển. Để phá chấp "nghiệp cố định" nên trong kinh nói "nghiệp phi nghiệp".

"Chân phi chân". Thông thường chúng ta nhìn sự vật với cái thấy hai bên đây là vọng, kia là chân, đây là giả, kia là thật. Khi thấy giả thấy thật, thấy vọng thấy chân, chúng ta cũng cho là cố định, giả cố định, thật cố định, vọng cố định, chân cố định... Nhưng với người đạt đạo thì không thấy như vậy. Cái chân không tự có, nhờ cái giả nên đối đãi lập ra cái chân. Do có ác nên đối đãi lập ra thiện. Ngược với vọng thì gọi là chân, nếu không có vọng thì đâu có nói chân! Vậy, chân là giả danh đối với vọng lập ra, nó không có thật. Không thật, nhưng lúc mê thấy có vọng và chân. Để phá chấp chân là thật nên nói "chân phi chân".

"Phật phi Phật" cũng vậy. Phật là giác, giác là đối với mê. Bởi có chúng sanh mê nên nói Phật giác. Nếu hết chúng sanh rồi, thì danh từ Phật không còn nữa. Nếu tất cả chúng sanh đều giác hết thì có còn nói Phật và chúng sanh nữa không? Lúc đó không còn nói Phật. Vì ai cũng như ai, song người giác ngộ vẫn có. Phật là danh từ đối đãi giả lập không thật. Vì vậy mà nói "Phật phi Phật". Nghĩa phi Phật là như vậy, chứ không phải không có Phật. Còn có chúng sanh thì danh từ Phật còn, hết chúng sanh thì danh từ Phật cũng bỏ.


HỎI: 
Thưa thầy, trong sử ghi đức Phật lúc ra đời trong vườn Lâm-tỳ-ni dưới gốc cây vô ưu, khi thành đạo thì ở trong rừng Ưu-lâu-tần-loa dưới gốc cây Bồ-đề. Sau khi thành đạo nói pháp lần đầu cũng nói trong vườn dưới cội cây, về già viên tịch cũng ở trong rừng dưới gốc cây Sa-la. Trong khi vua chúa cúng dường nhiều tịnh xá khang trang, sao Phật không ở trong nhà, mà cứ ở trong rừng ngoài trời. Thưa thầy, có phải Phật thị hiện như vậy để làm gương cho hậu thế không? 

ĐÁP: Phật đản sanh, thành đạo nói pháp và Niết-bàn đều ở ngoài trời dưới cội cây. Như ý đạo hữu là Phật để lại cái gương sáng cho đời. Đây tôi nói rõ hơn một chút. Ngài ra đời trong vườn Lâm tỳ ni dưới gốc cây vô ưu thì chưa có ngụ ý gì vì do mẹ sanh ra. Khi Ngài thành đạo dưới cội Bồ-đề, thuyết pháp lần đầu ở vườn Lộc uyển và Niết bàn dưới hai cây Sala thì có thể Ngài ngụ ý làm gương. Chúng ta gẫm lại mới thấy, nghĩa xuất gia trong đạo Phật là ra khỏi nhà. Như kinh A Hàm nói "Từ bỏ gia đình sống không gia đình". Chỗ tu hành không phải là nhà của mình, học đạo không có của riêng. Người tu bây giờ lâu lâu cũng hơi kẹt, có của riêng. Ở Ấn Độ thời bấy giờ có tập tục là người theo đạo Bà la môn, khi tới tuổi già là xuất gia sống đời khất sĩ du phương. Cứ đi chỗ này chỗ kia thọ cúng dường, chớ không có chỗ ở riêng. Vì vậy khi thái tử Tất-đạt-đa xuất gia Ngài cũng thực hành theo hạnh đó, đi nơi này nơi kia. Mặc dù có người xây tịnh xá cúng dường, Ngài chỉ ở an cư ba tháng hạ chớ không ở lâu. Đức Phật làm như vậy rất hợp với thời đó. Vì Ngài mới thành đạo, cả nước Ấn Độ chưa ai biết, nên Ngài phải đi du phương giáo hóa rộng rãi cho mọi người được lợi ích. Nếu Ngài ở một chỗ thì sự giáo hóa giới hạn không rộng rãi. Ngày nay hoàn cảnh xã hội chúng ta có khác, tất cả người tu đều có chùa. Người tu ở chùa có hai trường hợp: Một là đúng, hai là sai. Nếu người tu ở chùa mà thấy chùa là tư hữu của mình là sai. Nếu thấy chùa là chỗ cư ngụ chung của toàn thể người tu, mình là một phần tử cư trú để tu hành, mai kia nó trở thành của ai cũng được, không phải là của riêng mình thì không có lỗi. Như vậy, tuy ở chùa mà tâm không kẹt nơi cái chùa. Song hiện nay đa số người tu đều bị kẹt thấy cái chùa là của riêng mình ai động tới là không dung thứ.

Tóm lại, theo ý của đạo hữu thì Phật giáng sanh, thành đạo, thuyết pháp, Niết-bàn đều ở dưới gốc cây ngoài trời là ngụ ý muốn giáo hóa, nhắc nhở cho đồ đệ phải sống đời sống không có tư hữu, phải du phương tìm đạo. Đó là gương tốt sẵn có, nhưng không phải cố định là ai tu chân chánh đều phải giống như Ngài không được khác. Sự tu hành và truyền bá của người tu hiện tại, còn tùy thuộc hoàn cảnh tập tục xã hội. Ở vùng này vị tu sĩ này có bổn phận giảng dạy, ở vùng khác vị tu sĩ khác có bổn phận giảng dạy, ở đâu cũng có người giảng dạy Phật pháp. Hơn nữa sự đi lại giảng dạy bất hợp pháp là không được, nên ở đâu làm việc ở đó, mới thoạt nhìn thấy như có chỗ riêng. Nhưng nếu người tu không chấp chỗ mình ở là của mình thì tốt, còn thấy riêng của mình là không tốt. Chúng ta theo gương của Phật và theo tinh thần hơn là theo hành động của Ngài thuở trước. 


HỎI: 
Thưa thầy, trong sách có ghi "Thà chấp có bằng núi Tu Di, không nên chấp không bằng hạt cải". Cây này có ý nghĩa như thế nào?

ĐÁP: Trước khi giải thích câu này, chúng ta nên hiểu thế nào là chấp có, thế nào là chấp không. Nếu chưa hiểu chấp có chấp không, dù có giải thích cũng không hiểu được ý nghĩa. Chấp có là tin có thiên đường, có địa ngục, có phước, có tội, có thiện, có ác... chấp có một cách tuyệt đối. Vì chấp có tội nên sợ tội, chấp có phước nên ham làm phước, do chấp có địa ngục nên sợ địa ngục không làm ác, chấp có thiên đường nên muốn sanh lên thiên đường lo làm lành. Tuy chấp có là dở mà ít tai nạn ít khổ đau. Còn chấp không là không tin có thiên đường, không tin có địa ngục, không phước, không tội, không thiện, không ác. Chấp cái gì cũng không hết nên cứ làm ác, cứ tạo tội, không biết hướng thượng để làm lành hưởng phước mặc tình muốn làm gì thì làm, nguy hiểm không thể lường. Thế nên nói: "không nên chấp không bằng hạt cải", chấp không chút xíu cũng tai họa. Vì chấp có nên sợ tội không dám làm ác, ham phước nên siêng làm lành. Vì chấp không nên tha hồ làm ác tạo tội, rơi vào địa ngục như tên bắn. Thà chấp có mà không xuống địa ngục. Do đó mới có câu "Thà chấp có như núi Tu Di không nên chấp không bằng hạt cải".

Câu chuyện sau đây có liên hệ đến chấp có và chấp không. Một thiền khách đến hỏi Thiền sư Trí Tạng:

- Thưa Hòa thượng có thiên đường không?

- Có.

- Có địa ngục không?

- Có.

- Có tội không?

- Có.

- Có phước không?

- Có.

Hỏi cái gì thiền sư cũng đáp có, thiền khách mới nghi hỏi lại:

- Hòa thượng nói như vậy có lầm không?

- Ta đối đáp với ông đâu có lầm.

- Tại sao tôi hỏi có thiên đường không, có địa ngục không... Ngài Quốc Nhất trả lời không, bây giờ hỏi Hòa thượng, Hòa thượng nói cái gì cũng có hết. Vậy thì ai đúng? 

Thiền sư Trí Tạng không trả lời ai đúng hết, mà Ngài hỏi:

- Ông có vợ không?

- Dạ có.

- Hòa thượng Quốc Nhất có vợ không?

- Dạ không.

- Vì Hòa thượng Quốc Nhất không có vợ, nên Ngài nói không. Vì ông có vợ nên tôi đáp có.

Câu chuyện mới nghe qua như là đùa vậy. Song nó hàm xúc ý nghĩa: Hòa thượng Quốc Nhất không bị ái nhiễm ràng buộc, tu thấy tột được lý đạo, nên Hòa thượng nói không. Còn người phàm phu thê thằng tử phược cột trói chằng chịt, vô minh phiền não phủ che mà nói không thì tạo tội đọa đường ác. Vì vậy nên phải nói có. Đó là ý nghĩa của câu "Thà chấp có bằng núi tu di, không nên chấp không bằng hột cải".

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 20804
  • Online: 11