Những cánh hoa đàm ( Phần 07)

12/07/2022 | Lượt xem: 1286

HT.Thích Thanh Từ

HỎI: Kính bạch Hòa thượng, cách đây khoảng một năm, Hòa thượng tuyên bố nghỉ việc làm người vô sự, nay Hòa Thượng lo xây dựng Thiền viện Trúc Lâm, trở thành người nhiều việc. Như vậy việc làm sau có trái với tâm nguyện trước của Hòa thượng không?

ĐÁP: Năm trước tôi giao hết trách nhiệm cho Tăng Ni để làm người vô sự. Năm nay tôi lại đa mang công việc xây cất Thiền viện Trúc Lâm trở thành người đa sự. Ở đoạn trước thấy như hay, ở đoạn sau thấy như dở. Như vậy tôi có lỗi không?

Sau đây tôi trình bày cho Tăng Ni và Phật tử rõ phương tiện độ sanh của chúng tôi.

Từ khi tôi giảng dạy hướng dẫn cho Tăng Ni và Phật tử tu thiền, nếu tính đến nay ngót hơn mười năm. Những điều tôi thấy biết đã giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử học hiểu hết rồi. Nếu cứ giảng đi giảng lại hoài bao nhiêu đó thì thừa. Một là Tăng Ni Phật tử ỷ lại, hai là sanh tâm khinh mạn, cho rằng Thầy có bao nhiêu đó lặp tới lặp lui hoài không có gì mới mẻ cả, không phấn chấn tu hành, hóa ra lui sụt. Đây là cái bịnh chúng sanh thường mắc phải. Kinh Pháp Hoa phẩm Như Lai Thọ Lượng, Phật ví dụ các con ông thầy thuốc giỏi bị bịnh không chịu nghe lời ông uống thuốc cho hết bịnh. Vì ỷ lại cha mình là thầy thuốc và có thuốc bên cạnh. Ông muốn cho con ông uống thuốc cho hết bịnh, nên mới bày phương tiện đi xa và báo tin về cho các con là ông đã chết. Chừng đó các con ông mới chịu lấy thuốc ra uống và được lành bịnh. Đó là phương tiện của ông thầy thuốc. Tôi cũng bắt chước chút chút trong đó. Vì nếu tôi cứ giảng hoài thì Phật tử ỷ lại, nghĩ thầy còn đó lo gì! Bây giờ lo làm ăn để bao giờ rảnh tới học, cho nên tôi báo tin nghỉ không giảng nữa, nhân đó làm người vô sự. Như thế thì Phật tử cố gắng tu. Còn Tăng Ni nghĩ thầy không dạy nữa, những gì mình đã học được ráng ứng dụng tu. Như vậy không khởi tâm ỷ lại khinh lờn, khỏi bị tội. Còn tôi được rảnh rang tu thêm, lợi cả ba, lợi cho tôi, lợi cho Tăng Ni, lợi cho Phật tử. Đó là một phương tiện để cả ba đều được lợi khi tôi nghỉ giảng.

Bây giờ được khu đất cho cất thiền viện Trúc Lâm. Từ lâu tôi có mơ ước khơi dậy Thiền tông Việt Nam. Vì đọc sử tôi thấy Phật giáo Việt Nam đã có Thiền tông truyền từ thế kỷ thứ sáu mãi đến thế kỷ thứ mười ba và sau này, ở thế kỷ thứ mười tám tại Huế có ngài Liễu Quán tu thiền ngộ đạo. Như vậy Thiền tông ảnh hưởng trong Phật giáo Việt Nam rất sâu đậm. Thế mà bây giờ hỏi lại rất ít người biết có đáng buồn không? Ở Nhật Bản ngang với đời Trần nước ta có phái Nhật Liên tông ra đời, chuyên trì kinh Pháp Hoa, số môn đồ trên dưới một ngàn người chỉ chuyên niệm một câu: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh thôi, mà hệ phái đó đến nay số đồ đệ tăng lên trên một triệu nối truyền không mất. Còn Thiền thì phái Lâm Tế, Tào Động cũng được nối truyền không mất. Chỉ riêng Việt Nam là thất truyền! Kế nữa, các phái thiền Nguyên Thủy ở các nước Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan và phái Mật tông ở Tây tạng cũng có các học giả Tây phương tìm tới nghiên cứu học giỏi, chỉ có Việt Nam thì không có ai tìm đến! Vậy chúng ta thử đặt câu hỏi tại sao? Lỗi do đâu? - Theo tôi, cái lỗi duy nhất là hiện giờ hầu hết các chùa đều lấy hai thời khóa tụng làm pháp môn tu. Đầu hôm tụng kinh Di Đà, bắt đầu bằng chú Đại Bi và kết thúc bằng chú Vãng Sanh, khuya thì tụng chú Lăng Nghiêm, toàn là thần chú! Như vậy thiền bị mất gốc, chúng ta tu theo Mật tông hồi nào không hay! Có ai vô chùa hỏi quí thầy tu theo tông phái nào, pháp môn nào thì không trả lời được. Điều này tôi rất đau lòng.

Hai thời khóa tụng xuất phát từ đời nhà Thanh, vua Thuận Trị người ở miền Bắc Trung Quốc gần với Tây Tạng, ảnh hưởng Lạt ma giáo, ông muốn đồng hóa đạo Phật theo Mật giáo nên chiếu chỉ Quốc sư Ngọc Lâm soạn thảo hai thời khóa tụng để tất cả chùa phải tu theo. Việt Nam là một nước nhược tiểu bị Trung Hoa đô hộ nên bị ảnh hưởng làm mất gốc Thiền tông!

Khi biết được cái hay của tổ tiên mà chúng ta bỏ quên, nên tôi nghĩ đến việc làm sống dậy tinh thần Thiền tông Việt Nam. Bây giờ có cơ hội, nếu tôi không làm thì trách nhiệm này giao cho ai? Do đó buộc lòng tôi phải "đa sự". Trước đây nói tôi làm người vô sự, mà bây giờ tôi lại đa sự cho nên Phật tử thắc mắc là phải.

Tôi đa sự là vì tôi muốn cho Phật giáo Việt Nam ngoi đầu lên với các nước Phật giáo bạn, và cho người nước ngoài thấy ở Việt Nam có cái hay cái quí chớ không phải không có. Đó là chỗ nhắm của tôi. Chỗ nhắm đó đệ tử không ai thế được cho nên bất đắc dĩ tôi phải gánh vác. Vì vậy tôi thành người đa sự.


HỎI: 
Con có điều thắc mắc kính xin Hòa thượng giảng giải: những người ngoại đạo họ sống với đạo của họ nhưng họ luôn luôn hướng về chân lý, và luôn luôn sống với chân lý. Vậy khi mất họ có được giải thoát không?

ĐÁP: Câu hỏi không được rõ lắm, nhưng tôi tạm nói ý cho quí vị thấy. Phật tử này hỏi: Có những người ngoại đạo họ tin và trung thành với đạo của họ, nhưng lúc nào họ cũng hướng về chân lý, vậy khi chết họ có được giải thoát không?

Điều này sáng sủa lắm, người theo tôn giáo nào đó, họ trung thành ứng dụng điều dạy trong tôn giáo ấy, nếu giáo điều đó hợp với chân lý, đúng với tinh thần giải thoát, họ trung thành thực hành theo thì họ được giải thoát, còn nếu lời dạy và lối hướng dẫn của tôn giáo đó không đúng với tinh thần giải thoát mà họ làm theo thì nhất định họ không giải thoát.


HỎI: 
Thưa Thầy mới đây con được nghe trong cuộn băng "Nói cho người già bệnh", Thầy muốn từ giả để làm người "vô sự". Con nghĩ ngày xưa đức Phật thuyết pháp đến khi Ngài nhập diệt, nay ở thời mạt pháp này được một vị hiểu rộng như Thầy thật hiếm, băng giảng của Thầy phổ biến khắp thế giới, nơi nào có người Việt là có băng giảng của Thầy, nay vì Thầy cần tỉnh tu mà ngưng thuyết pháp trong khi Phật tử chúng con mong đợi băng giảng của Thầy như mong mẹ đi chợ về. Kính xin Thầy vì lợi ích cho chúng con mà thuyết giảng lại như trước.

ĐÁP: Phật tử này cũng thiết tha. Câu này hỏi thẳng về tôi, nên tôi trả lời rõ ràng hơn chút nữa. Thật ra tôi có cân nhắc kỹ chớ không phải tuyên bố bừa bãi, cái cân nhắc của tôi nằm trong ẩn dụ của kinh Pháp Hoa: Đức Phật nói có ông thầy thuốc giỏi, các người con của ông ỷ cha làm thầy thuốc giỏi cho nên có bịnh không chịu uống thuốc, buộc lòng ông phải đi xa và báo tin về là ông đã chết. Chừng đó các con ông hoảng sợ e rằng mai kia bệnh nhiều không ai lo thuốc cho mình, nên cùng nhau đem thuốc ra uống. Khi các con lành bệnh ông báo về là ông vẫn còn sống. Trường hợp này cũng vậy, tôi cứ giảng nói hoài thì quí Phật tử nói: Ôi, thầy giảng hoài mình rảnh thì đi, bận thì thôi, nghe nhiều quá tu không kịp! Do vậy tôi báo tin tôi nghỉ giảng, chừng đó quí vị thấy cần, tôi nói cho quí vị nghe để tu. Lúc đó tôi nói ít quá mà quí vị tu nhiều, hơn là tôi nói nhiều mà quí vị ỷ lại không tinh tấn tu. Đó là tôi vì lợi ích cho Tăng Ni và Phật tử vậy.


HỎI: 
Trong quyển Pháp Bảo Đàn Kinh của thầy Mãn Giác ở Hoa Kỳ có nêu hai việc là: (1) Đức Lục Tổ là người Việt Nam. (2) Chính ngài Thần Hội đã sáng tạo ra hai mươi tám vị Tổ Tây Trúc. Con kính xin Thầy từ mẫn chỉ dạy cho chúng con được rõ.

ĐÁP: Câu thứ nhất tôi không nói thầy Mãn Giác nói đúng hay sai gì hết, mà tôi chỉ nói đức Lục Tổ là người Việt Nam hay Trung Hoa không quan trọng, mà quan trọng là chúng ta có tu được đúng như lời Lục Tổ dạy hay không? Nếu chúng ta tu được như lời Ngài dạy thì mới xứng đáng, còn ngồi để mà cãi Ngài là người Việt Nam hay Trung Quốc thì có lợi ích gì? Trọng tâm của chúng ta là phải tu được như lời Ngài dạy thì mới quí, còn nói Ngài ở đây, ở kia thì lấy đâu làm bằng chứng, cãi hoài không tới đâu!

Câu thứ hai hỏi có phải ngài Thần Hội sáng tác ra hai mươi tám vị Tổ không? Đây là câu hỏi có tính cách lịch sử, tôi nghiên cứu thấy rõ lối nói này là lối nói của một vài học giả sau này. Chúng ta đọc quyển Đại Chỉ Quán của ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư thì Trí Giả Đại Sư sanh đời Tùy trước Lục Tổ, tức là lúc Tổ Bồ Đề Đạt Ma chưa sang Trung Hoa, mà trong quyển Đại Bát Nhã gọi là Ma Ha Chỉ Quán phẩm thứ nhất đã có kể hai mươi sáu vị Tổ Ấn Độ rồi. Quí vị chịu khó đọc quyển đó sẽ thấy, trước đã có hai mươi sáu vị thì tới Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang là vị thứ hai mươi tám, đối chiếu sẽ thấy hợp lý một trăm phần trăm, sao nói ngài Thần Hội sáng tạo ra được?  


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, người tu theo Phật nên nghĩ thế nào về bói toán, tử vi, địa lý?

ĐÁP: Câu hỏi này tuy là không hay nhưng trúng bệnh của quần chúng hiện tại. Tôi xin trả lời cho quí Phật tử hiểu. Nếu Phật tử tin sâu lý nhân quả thì đối với vấn đề bói toán, tử vi... có quan hệ hay không? - Không. Còn nếu mình tin vào bói toán, tử vi, địa lý thì đã tin sâu nhân quả chưa? - Chưa. Vì nhân quả là cội nguồn của khổ đau hoặc an vui. Nếu tạo nhân xấu thì đó là nhân đưa tới khổ đau, tạo nhân tốt là nhân đưa tới an lạc. Nếu Phật tử tin sâu nhân quả, mỗi ngày nhìn lại mình để chừa tránh nhân xấu, phát triển nhân tốt là đủ rồi. Còn bói toán, tử vi là phần phụ bên ngoài, giả sử có nói trúng cũng chỉ là trò chơi thôi.

Thầy coi tay coi tướng hay, nói đúng chuyện lành, dữ xảy ra trong khoảng thời gian từ khi nói đến khi xảy ra chuyện lành, dữ còn tùy thuộc nơi việc làm của mình, ví dụ nói sáu tháng sau mình sẽ gặp việc tốt, nhưng từ đây tới đó mình giết người rồi ở tù thì cái tốt xấu sẽ đổi theo cái nhân tạo tác của mình. Sở dĩ Phật tử hay băn khoăn nghĩ đến năm tới là vì sao quí vị biết không? - Vì lòng tham, muốn năm tới giàu hơn năm này, muốn dọ dẫm coi năm tới có phát tài không. Nếu Phật tử tin sâu nhân quả rồi thì chuyện bói toán tử vi là trò chơi, tốn tiền vô ích. Thay vì đi coi tử vi tốn mười ngàn đồng, đem mười ngàn đồng đó giúp cho người bệnh có phước hơn. Vậy tôi khuyên quí Phật tử nên lo tu tạo phước lành đừng để phí thời giờ, phí tiền của vào những việc làm không chân thực đó.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, con là một Phật tử mới vào đạo, kính xin Hòa thượng giải thích giùm con những thắc mắc sau đây:

1. Con thường nghe nói nhất nhân thành đạo cửu huyền thăng, câu này có đúng với Phật pháp không? Vì theo con hiểu ai ăn người ấy no.

2. Trước khi ngồi thiền có nên hay không nên trì chú, nếu trì thì trì chú nào, trì mỗi chú bao nhiêu lần, khi trì chú tay có bắt ấn theo chú đó không? 

3. Trong cuốn Tử Thư Tây Tạng và nhiều sách Phật khác nói người chết phải để ít nhất tám giờ sau mới nên thay đồ tắm rửa, nếu không người chết vẫn còn bị đau đớn và vì đó họ sẽ thác sanh vào cảnh giới xấu, điều này có đúng không? Nếu không đúng thì phải để bao lâu mới được đụng tới, và sau đó có nên coi giờ tẩn liệm chôn cất không? 

ĐÁP: 

1. Hỏi một người thành đạo cửu huyền thăng nó có trái với nhân quả ai ăn nấy no không? - Nó không trái tí nào hết. Tại sao? - Tôi nói cụ thể cho quí Phật tử thấy, tôi chưa thành đạo mà bà con tôi cũng thăng nhiều rồi. Bởi vì không phải mình thành đạo rồi bỗng dưng người đó thành theo, mà nhờ mình tu rồi thân quyến mình phát tâm tu theo. Nhờ vậy cho nên một đời mình tu có năm, mười người bà con tu theo, đời thứ hai có vài ba chục người tu theo, đến khi mình thành Phật thì bà con mình thành Bồ-tát, La Hán khá nhiều. Ý nghĩa một người thành đạo nhiều người thăng là vậy, chớ đừng hiểu theo nghĩa một người tu rồi tất cả quyến thuộc được về Cực Lạc hết.

2. Trước khi ngồi thiền có nên hay không nên trì chú... Điều này tôi xin nói rõ, ngồi thiền thì không trì chú, mà trì chú thì không phải ngồi thiền, Phật tử nhớ như vậy. Bởi vì trì chú là tu theo Mật tông, còn ngồi thiền là tu theo Thiền tông. Lâu nay có một số người nghi ngồi thiền không trì chú thì ma tới phá, điều đó thật là hiểu lầm. Tôi hỏi quí Phật tử đọc lịch sử Phật, lúc Ngài tới cội Bồ đề ngồi thiền, Ngài trì chú gì? Và khi ma tới Ngài trì chú gì để dẹp ma? - Khi ngài sắp thành Phật bọn ma tới hiện hình quấy nhiễu, Ngài dùng thiền định và trí tuệ để phá ma quân, chớ không có thần chú nào hết. Bây giờ chúng ta yếu nghe nhát ma sợ quá muốn trì chú để ngừa. Nhớ, chúng ta tu thiền mục đích là định tâm, tâm định rồi thì ma không phá được.

3. Việc lau rửa làm cho thân người chết đau thì điều này tôi chưa có kinh nghiệm kỹ. Nhưng theo tôi, trước tám tiếng đồng hồ mà tắm rửa thì người chết đau nổi sân bị đọa điều đó không đúng. Vì người chết khi cả cơ thể lạnh hết rồi thì không còn cảm giác, đã không còn cảm giác thì cái gì biết đau? - Nếu nói thần thức thì thần thức lúc đó đã ra khỏi thể xác rồi làm sao đau được? Khi toàn cơ thể lạnh thì liệm được, còn ấm thì khoan, chỉ nói việc đó thôi chứ không nói giờ, vì có nhiều người chết nhiều giờ mà không lạnh, có người vài ba tiếng đã lạnh hết, tùy theo cơ thể của mỗi người. Còn nói đi đường ác, đường dữ là do có nghiệp ác nghiệp dữ, chớ nếu người đó làm toàn việc thiện thì lau chùi một chút mà đọa đường dữ thì không hợp lý, không đúng với tinh thần nhân quả trong đạo Phật.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, con có những thắc mắc cúi mong Hòa thượng dẫn giải cho chúng con được rõ:

1. Kinh Địa Tạng và kinh Vu Lan dạy ngày tự tứ cúng dường chư Tăng mười phương thì có thể cứu được cha mẹ ông bà bảy đời được sanh thiên, cha mẹ hiện tiền được phước lực tiêu khiên. Và, nếu có người sắp mạng chung mà thân quyến tu nhân duyên thắng thọ thì tội ác của người mạng chung thảy đều tiêu sạch.

2. Có đoạn kinh Địa Tạng dạy rằng: Trong bốn mươi chín ngày, thân quyến của người chết tu tạo phước lành thì người chết được khỏi chốn ác đạo và thân quyến hiện tại cũng được lợi ích. Trong nhà có người bệnh sắp chết, thân quyến vì người bệnh đó niệm lớn danh hiệu của một đức Phật thấu vào tai người sắp lâm chung thì người đó có thể tiêu trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác cũng đều tiêu sạch. Kính bạch Hòa thượng, nếu vậy thì có trái với câu: "Ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc" không? Kính xin Hòa thượng giải giùm cho con thoát ra chỗ mê muội lẩn quẩn đó.

ĐÁP: Đây cũng là thắc mắc chung của Phật tử. Kinh Vu Lan, kinh Địa Tạng dạy giúp cho người chết bằng cách tụng kinh, hoặc làm phước, hoặc cầu nguyện thì sẽ bớt được bệnh khổ. Nhưng về mặt nhân quả Phật nói ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc, như vậy hai ý này làm sao dung hợp với nhau, không chống trái nhau?

Tôi xin giải thích rõ cho quí Phật tử hiểu, thật ra kinh Phật lúc nào cũng chỉ dạy cho chúng sanh nhiều điều lợi ích chớ không nói sai đạo lý. Nhưng kinh nói có lý có sự, kinh dạy sự chúng ta đứng về mặt lý mà nói thì nó lại khác. Phật tử cần hiểu cho rõ ràng nhân quả là cội nguồn của Phật pháp, đó là cái gốc, nếu bỏ nhân quả thì không đúng với tinh thần đạo Phật. Theo lý nhân quả thì ai làm nấy được chớ mình làm người khác được thì không thể có. Như vậy có trái với ý kinh dạy mình cầu nguyện cho thân nhân được siêu thoát chăng? Sự thật không trái, bởi vì sự cầu nguyện có kết quả hay không kết quả là còn tùy thuộc vào việc làm của người chết. Ví dụ quý Phật tử có cha hay mẹ chết mà bản thân người đó lúc còn sinh tiền là người hiền, khi chết thần thức chưa vãng sanh. Lúc đó thân nhân thành tâm tha thiết với tâm thanh tịnh hướng về người chết mà cầu thì có một sự cảm thông, tâm người hiền kia được sáng thêm và nhân làm tăng trưởng cái nhân sanh về cõi lành. Lại cũng có trường hợp người chết tâm không được lương thiện, đến khi chết thường thấy những cảnh dữ, nhưng vừa thấy cảnh dữ bỗng dưng nguyện lành của thân nhân hướng về họ thì có khi họ chợt tỉnh buông niệm bất thiện liền được qua cảnh khổ. Quí Phật tử nhớ tâm tưởng của con người có sức mạnh phi thường, sức mạnh đó có thể cảm thông được giữa mình và người khác. Khổ hay vui tùy theo tâm tưởng mê hay tỉnh, nếu mình dùng tưởng hay chánh niệm hướng về họ khiến họ được tỉnh thì khổ liền hết, đó là do họ chuyển tâm chớ không phải mình làm cho họ hết.

Kinh Địa Tạng dạy: Khi người chết hôn mê mình niệm Phật sao cho họ nghe được, họ cảm được, họ nhớ Phật hết mê, bớt khổ, còn nếu họ không nghe được, không cảm được thì họ khổ, chớ không phải cái khổ đó do mình niệm Phật mà nó bay hết. Hiểu như vậy thì không trái với nhân quả. 


HỎI: 
Con xin Hòa thượng giảng cho con hiểu: cứ theo sự sanh tồn thì con vật lớn ăn con vật nhỏ, con vật nhỏ ăn con vật nhỏ nữa, cứ như vậy thì chừng nào trả được quả ấy?

ĐÁP: Phật tử này sợ luân hồi nghiệp quả. Như mình ăn con gà thì phải bị trả quả làm con gà, khi làm gà lại ăn con khác rồi cứ trả quả hoài làm sao tiến hóa được! Cái lo này cũng hợp lý. Thật ra nói ăn con gà phải trả quả làm con gà, câu nói này chưa rõ. Nói giết và ăn một con vật là có tội thì rõ hơn. Bây giờ nói theo luật thế gian, giết một con gà có bị bắt ở tù không? - Không. Còn giết người có bị ở tù không? - Có. Có khi bị tử hình nữa, còn giết loài vật thì không ở tù. Như vậy mạng người đối với mạng người đền bù cho nhau; còn mạng người đối với mạng vật thì khác, đó là luật thế gian. Về mặt nhân quả cũng vậy, có những con vật tuổi thọ ngắn hơn con người, phước ít hơn con người, không thể lấy mạng người mà bù lại được. Nhà Phật nói giết hại chúng sinh là có tội, tội thì có khổ nhỏ hoặc khổ lớn, chớ không phải đền mạng. Hiểu như vậy để tránh bớt chuyện giết hại loài vật để ăn, hoặc giỏi hơn nữa thì đừng giết đừng ăn là tốt nhất.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, thiền viện Trúc Lâm đang được xây dựng để Tăng Ni chuyên tu, đối với những tu sĩ ở am thất quanh đây hoặc ở phương xa muốn được nhập viện chuyên tu cần có những điều kiện gì không?

ĐÁP: Câu này chắc Tăng Ni thắc mắc, tôi xin nói rõ mục đích của tôi xây dựng Thiền viện Trúc Lâm là để cho một số Tăng Ni có đủ điều kiện thì vào đó tu một thời gian bao lâu tùy theo khả năng. Tôi không nói tất cả vì thiền viện quá nhỏ nên chỉ thu khoảng ba chục Tăng, ba chục Ni thôi. Sau này nếu có đủ duyên mở rộng thì lúc đó thâu thêm chớ hiện giờ rất hạn chế. Do đó Tăng Ni nào muốn xin vào không phải đơn giản mà phải có điều kiện, điều kiện này được ghi rõ trong bảng Thanh quy. Sau khi làm lễ khánh thành tôi sẽ đọc cho quí vị nghe, ai đủ điều kiện thì tôi cho vào chớ không hạn chế người ở chỗ nào mà chỉ hạn chế số lượng thôi.


HỎI: Xin Hòa thượng cho phép con hỏi hai câu:

1. Người Phật tử tại gia đã quy y Tam bảo, cố gắng tu hành giữ đúng năm giới có được giải thoát không?

2. Người Phật tử không được thuận duyên để xuất gia, vậy ở tại gia có thể tu hạnh xuất gia được không? Xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

ĐÁP:

1. Câu hỏi thứ nhất có hai mặt:

Về giới tướng, giữ một giới là giải thoát một phần, giữ năm giới là được năm phần giải thoát. Giữ giới sát sanh thì được giải thoát về nghiệp sát sanh, giữ giới trộm cắp là được giải thoát về nghiệp trộm cắp, nghĩa là giữ một giới giải thoát được một phần, giữ năm giới đứng về mặt hình thức thì giải thoát được năm phần thôi chứ chưa hoàn toàn giải thoát.

Về giới thể thì tại gia hay xuất gia gì cũng sống được với tâm thể, với lý tánh của mình tức là đều được giải thoát. Vì tâm thể không sanh diệt, sống với cái sanh diệt thì trầm luân, sống với cái không sanh diệt thì hết sanh tử lức là giải thoát.

2. Phật tử không thuận duyên xuất gia, hỏi ở tại gia có tu hạnh xuất gia được không? Tôi xin trả lời là không được, vì người tại gia có cái sinh hoạt của người tại gia, chẳng hạn như cách xưng hô theo thế gian, gặp nhau gọi bằng anh, bằng chị, và khi có đám tiệc mời mọc cũng phải xử sự theo tư cách thế gian, làm sao theo hạnh xuất gia được. Nhưng người ở tại gia mà tu theo tâm người xuất gia thì được, tâm không dính mắc với cảnh để đi lần đến giải thoát, đó là tu theo tâm của người xuất gia.


HỎI: Kính bạch Hòa thượng con có một điều nghi cúi mong Hòa thượng từ bi giải nghi cho con. Trong đời sống hằng ngày tiếp xúc với mọi người, hoặc khi đến chùa nghe kinh học pháp, có những lúc hiểu lầm nhau, sự hiểu lầm ấy có bị quả báo không?

ĐÁP: Hỏi huynh đệ đi chùa lâu lâu có một hai vấn đề hiểu lầm nhau vậy có bị quả báo không? - Hiểu lầm mà không nói lầm, làm lầm thì không bị quả báo. Vì quả báo phải phát xuất ra từ miệng từ thân, chớ còn nằm trong ý là chưa làm gì cho người khác đau khổ thì không bị quả báo.


HỎI: Người thất tình mà tự tử thì chìm sâu trong địa ngục, còn người bệnh tâm thần mà tự tử thì có bị đọa không?

ĐÁP: Người tự tử do thần kinh bất an họ làm lầm làm sai là do họ không bình tĩnh, nhưng họ không làm khổ cho ai, gây hại cho ai thì điều đó tùy theo nghiệp duyên của người đó trong thời gian còn tỉnh táo làm lành hay dữ. Nếu lúc tỉnh táo mà làm dữ thì chết bị đọa, lúc tỉnh táo làm lành thì khỏi đọa chớ không nhất định.


HỎI: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng giảng giải cho chúng con hiểu, sao các bài chú không diễn giải như kinh cho dễ hiểu.

ĐÁP: Đọc thần chú là đọc nguyên âm chữ Phạn, mà nguyên âm chữ Phạn thì không giải thích để cho người tu mong được sự linh ứng, mà mong được sự linh ứng thì phải có tâm thành. Thần chú để nguyên âm đọc nghe lạ tai, huyền bí làm cho người có tâm thành kính dễ có linh nghiệm. Nếu giảng ra dễ quá thì coi thường, coi thường thì hết linh nghiệm.

Ngày xưa tôi có một người quen học gồng ở bên Lào về, khi gồng ông đọc một câu chú, ông nói là tiếng Chà, đọc xong câu chú ông gồng lên thì lấy dao chặt không đứt, ông ta thắc mắc hoài, ông nói tại sao câu chú đó linh quá, ông đi tìm người Chà hỏi, nhờ dịch nghĩa câu chú thì ông Chà kia dịch ra rằng: "Chặt không đứt, chặt không đứt". Bấy giờ ông đọc câu chú dịch nghĩa gồng lên thì chặt đứt. Tại sao vậy? Nếu để nguyên tiếng Chà mà đọc thì lấy dao chặt không đứt, còn khi dịch ra tiếng Việt thì chặt đứt là tại sao? Vì đọc nguyên câu chú mình thấy nó linh thiêng, kính trọng, vì quá kính trọng nên lòng tin làm gân cốt mạnh ra nên chặt không đứt, còn dịch ra tiếng Việt "chặt không đứt" coi thường quá, coi thường thì chặt đứt liền. Như vậy quí vị hiểu ý tại sao thần chú không giảng. 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 33526
  • Online: 11