Những cánh hoa đàm ( Phần 08)

29/07/2022 | Lượt xem: 1185

HT.Thích Thanh Từ

HỎI: Kính bạch Hòa thượng, con nghe quí thầy thường nói được làm thân nam là người đó có phước đức, nhưng sao có người sanh vào gia đình nghèo, lại xấu xí bệnh tật, lại còn hung dữ. Trái lại người nữ thiếu phước tại sao sanh trong gia đình giàu sang, đẹp đẽ lại đức hạnh thuần hòa. Có thân nữ phải là nghiệp ái nặng không? Ngưỡng mong Hòa thượng giải cho chúng con biết. 

ĐÁP: Câu hỏi này thường mà thực tế. Có nhiều người nói làm thân nam là có phước, đó là nói một cách chủ quan, chắc là quý thầy nói. Nếu gặp quý cô chắc không nói vậy đâu. Nói được thân nam là phước thì lời nói đó chưa đúng sự thật, thân nam thân nữ là nghiệp riêng chớ không phải là phước. Nam cũng có người bị tật nguyền, có người cũng bị bệnh hủi, thọ thân nam hay nữ là do nghiệp duyên riêng. Có chủng tử về phái nam thì sanh nam, chủng tử về phái nữ thì sanh nữ, chớ không phải do phước hay không phước. Người nói đạo lý mà nói vậy là không đúng sự thật, dù thân nam hay nữ, nếu có phước thì được giàu sang, vô phước cũng khổ sở như ai thôi.


HỎI: 
Bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng từ bi giải thích cho chúng con rõ:

Trong sử có đoạn kể tôn giả Mục Kiền Liên xuống địa ngục để tìm mẹ, xin Hòa thượng cho con biết Tôn giả dùng cách gì để xuống địa ngục được? Xin đội ơn Hòa thượng.

ĐÁP: Nếu trả lời cho đúng sự thật thì tôi phải hỏi ngài Mục Kiền Liên, Ngài dùng cách gì để đi, Ngài cách tôi hơn hai ngàn năm làm sao tôi biết được. Nói vậy thì phụ lòng Phật tử, nên tôi tạm giải thích: căn cứ vào sử chớ không phải căn cứ vào cái thấy của tôi. Sử ghi rằng ngài Mục Kiền Liên đã chứng A-la-hán đầy đủ lục thông, trong đó có thần túc thông, mà thần túc thông thì chỗ nào muốn đi cũng được; vào nước cũng được, vào đất cũng được... cho nên Ngài vận dụng thần thông mà đi chớ không phải đi bộ như chúng ta. 


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng: Tục lệ mở cửa mả cho người chết nhằm mục đích gì? Khi người chết đem thiêu có ảnh hưởng gì đến thân trung ấm không?

ĐÁP: Tục lệ mở cửa mả tôi xin nói đây là của nhà Nho chớ không phải nhà Phật, nhà Nho ngày xưa giàu tưởng tượng, tưởng rằng người chết rồi còn trở về với gia đình, mình chôn rồi mà không mở cửa sợ họ mắc kẹt về không được, nên tới đó làm lễ mở cửa mả rước về ở với con cháu, rồi bày ra lễ vật cúng tam sên... Bây giờ rất tiếc nhà Nho đã tàn rồi mà tục lệ vẫn còn, nên người đời không biết mời ai nên mời mấy thầy, mấy thầy cũng nể tình làm giùm vậy thôi chớ không phải chuyện của nhà Phật. Quí Phật tử hiểu rồi thì không thắc mắc sao nhà chùa đi cúng mà không giải thích được.

Còn hỏi người chết đem thiêu, thân trung ấm có ảnh hưởng gì không? - Không. Chôn, thiêu đều không ảnh hưởng gì hết, vì chôn, thiêu thân tứ đại, chớ thân trung ấm là phần tinh thần, lửa không cháy, chôn cũng không mất nên không ảnh hưởng gì hết. Nếu có ảnh hưởng thì khi Phật nhập Niết-bàn Ngài đâu có dạy làm lễ trà tỳ cho Ngài. 


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng giải thắc mắc giùm con: con có cúng dường cho một thầy, sau đó thầy này hoàn tục, như vậy con có mắc tội hay không? 

ĐÁP: Phật tử này lo xa mà hỏi. Trong kinh A-Hàm đức Phật có nói đời mạt pháp có những người hình thức xuất gia mà không tu hành, thọ của đàn na tín thí mà không tu nên sau này họ bị đọa. Có câu chuyện kể ngài A-nan một hôm nằm mộng thấy một cái hố sâu, dưới hố toàn những người mặc y vàng, trên hố có một cây cầu bắc ngang qua, có những người thiện nam tín nữ đi thong thả trên cây cầu. Khi tỉnh giấc Ngài bạch Phật điềm mộng đó và hỏi ý nghĩa gì? Phật dạy sau này trong đời mạt pháp đệ tử của ta tuy là thọ tỳ kheo, hình thức xuất gia nhưng không giữ giới, không tu hành mà thọ của tín thí. Những thí chủ cúng dường được phước, sanh lên cõi trời, đó là những người đi trên cầu. Còn những người thọ mà không tu phải chịu đọa địa ngục đó là những người rớt xuống hố. Như vậy Phật tử cúng mà người thọ nhận không tu thì họ bị tội, còn Phật tử vẫn được phước như thường, Phật tử khỏi lo ngại điều đó.


HỎI: 
Xin Thầy chỉ dạy: Hiểu được lý nhân quả, đi sâu vào lý nhân quả có phải huệ không?

ĐÁP: Quí Phật tử có nhớ trong nhà Phật nói tam huệ học là văn, tư, tu không? Bây giờ thấy được lý nhân quả tức là nghe hiểu rồi ứng dụng lý nhân quả thì đó là huệ học chớ gì.


HỎI: 
Đa số người nghĩ: Khi nào tôi khá giả mới có tài vật để cho người, có người lại nghĩ: chỉ khi nào ta có tâm muốn cho người thì mới có tài vật để cho. Thưa Thầy ý nào đúng?

ĐÁP: Câu này quí vị có thể thay tôi trả lời ý nào đúng. Nếu ý nào cũng đúng thì tôi sẽ trả lời ý nào cũng sai. Bởi vì nói đợi khá giả có tài vật nhiều chừng đó mới làm việc bố thí, thì nếu cả đời không khá giả thì không bao giờ bố thí phải không? Như vậy thì cả đời khó làm được việc thiện. Còn nói rằng tâm mình nghĩ bố thí thì liền có tài vật cho mình bố thí thì duy tâm quá phải không? Vậy cả hai phải dung hợp với nhau, vừa nghĩ bố thí, vừa làm cho có tài vật, khi tài vật có dư thì đem ra giúp người. Phải dung hợp hai mặt như thế mới cụ thể.


HỎI: 
Kính bạch Thầy, kính mong Thầy dạy cho chúng con, chúng con chưa tu chứng A-la-hán, chưa đắc quả vô sanh. Vậy khi thân tứ đại tan rã ông Chủ có đi đầu thai để tái sanh không? Nếu không thì ở đâu? Tánh giác và giác linh khác nhau thế nào?

ĐÁP: Điều này không có gì lạ. Nếu tu chưa chứng quả A-la-hán, chưa đắc vô sanh thì còn tái sanh, điều đó không nghi ngờ gì hết. Tùy theo túc duyên của mình lành nhiều lành ít mà đến chỗ tốt hoặc chỗ xấu, không cố định. Phật tử này đừng lo khi chưa chứng vô sanh, ông Chủ mình có đi tái sanh hay không đi. Bảo đảm là ổng sẽ đi dài dài trong lục đạo!

Tánh giác và giác linh khác nhau thế nào? Đây là từ ngữ thôi. Tánh giác là cái hiểu biết sáng suốt mà ai cũng có. Còn giác linh là người tu khi chết rồi người ta muốn tôn xưng một chút. Nếu nói hương linh, mỗi lần cúng về ăn nghe nó phàm tục quá nên gọi là giác linh, thì đó cũng là một danh từ thôi. Nói gọn lại, tánh giác là cái mất mà tất cả mọi người đều có, còn giác linh là danh từ chỉ cho người chết mà mình tin là người đó sáng suốt hơn người khác nên gọi là giác linh.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, theo luật nhân quả thì có vay có trả, con thấy một ông thầy xuất gia đầu Phật, sau này xả giới hoàn tục trở về có vợ con bình thường như người đời, không phải phá giới mà xả giới. Vậy khi lâm chung có bị đọa địa ngục không?

ĐÁP: Phật tử này lo giùm cho quí vị xuất gia rồi hoàn tục, sợ nợ đàn na tín thí bị đọa địa ngục. Tôi xin giải thích: Theo luật nhân quả thì có vay có trả nhưng hiểu một cách cố định như vậy thì không đúng. Vì luật nhân quả rất tế nhị, nếu hiểu được cái lý của đạo Phật thì nhân nào chưa hẳn là quả ấy, vì nhân quả nó có một chuỗi dài của thời gian. Ví dụ tôi ươm một hột xoài nhất định ba năm sau tôi có trái xoài, nhưng nếu chăm sóc giữ gìn không tốt thì ba năm sau có trái xoài không? - Không. Vậy phải cộng thêm sự chăm sóc giữ gìn giữ đúng mức thì mới có trái xoài. Luật nhân quả cũng không khẳng định vay thứ nào phải trả thứ ấy, mà có thể vay cái này trả bằng cái khác. Tôi thường ví dụ có một ông thầy giáo giỏi tiếng Anh nhưng vì nghèo ông vay tiền của một người khá giả, tới kỳ hẹn ông không có tiền trả. Người chủ nợ nói: thôi tới dạy giùm con tôi học một thời gian, khỏi phải trả tiền. Vậy ông thầy giáo không trả nợ bằng tiền mà trả nợ bằng sự dạy học. Nói vay nợ rồi sau này làm súc vật để trả thì chưa đúng, hồi vay thì vay tiền nhưng người có khả năng giáo dục thì có thể làm thầy để trả. Tôi cũng vậy, tôi thiếu nợ quí Phật tử nhiều, nếu đời này tôi trả bằng pháp chưa đủ thì sau gặp lại trả nữa, nhưng được làm thầy để trả. Ông thầy xuất gia này nếu vì nhân duyên không thể tu được nữa ông xả giới hoàn tục thì chặng xuất gia của ông tốt. Trong thời gian xuất gia ông được Phật tử cúng giúp, ông tu hành đàng hoàng thì lấy phước đức đó mà bù. Bây giờ làm cư sĩ tại gia mà không gây tạo tội lỗi thì chết không bị đọa địa ngục. Còn cái phước thừa xuất gia đời sau ông có thể xuất gia tu trọn vẹn hơn.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng xin giảng cho chúng con hiểu:

1. Người xuất gia là con Phật, vậy ông bà cha mẹ chết hoặc còn sống có được quỳ lạy không?

2. Có người nói cửu huyền lớn hơn Tam bảo, không có cửu huyền thì không có Tam bảo, vậy cái nào đúng cái nào sai?

ĐÁP: 

1. Câu hỏi này chưa xác đáng, phải hỏi lại thế này: Người xuất gia thọ giới Sa di hoặc giới Tỳ kheo rồi thì ông bà cha mẹ hoặc sống hoặc chết mình có lạy hay không? Hỏi như vậy là hợp lý hơn. Tôi giải thích: Người xuất gia trước khi thọ giới Sa di, thì chư Tăng thường dạy phải hướng về cha mẹ đảnh lễ trước, rồi sau đó mới làm lễ xuất gia. Tại sao vậy? - Vì sau khi xuất gia tối thiểu cũng thọ mười giới Sa di, còn cha mẹ nếu biết đạo chỉ thọ năm giới thôi. Cho nên căn cứ trên đạo hạnh giới luật thì người giới cao mà lễ bái người giới thấp làm cho người đó tổn phước. Do đó không lạy, vì sợ lạy làm giảm phước cha mẹ, chớ không phải tự cao, tôi đây xuất gia rồi, cao lắm, không lạy mấy người thế tục. Quý vị phải hiểu cho rõ có lỗi hay không lỗi không thành vấn đề, chẳng qua vì giới luật thôi.

2. Còn nói cửu huyền thất tổ lớn hơn Tam bảo vì có cửu huyền mới có Tam bảo. Câu này thông thường quá nhưng phải nói rõ vì có nhiều người không hiểu. Tam bảo khác với cửu huyền thất tổ, Tam bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật là bậc giác ngộ, Pháp là giáo lý dạy cho người thấy được lẽ thật trong cuộc sống để tu thoát khổ, hai cái đó là của báu vô giá. Còn cửu huyền thất tổ đối với con cháu dù lớn, nhưng lớn tromg phạm vi phàm tục chớ không phải lớn trong giải thoát giác ngộ, cho nên nói cửu huyền thất tổ lớn hơn Tam bảo là nói không đúng chân lý.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng cho con hỏi năm câu:

1. Nhất cử nhất động đều là duyên nghiệp phải thế không? Làm sao phân biệt được duyên và nghiệp.

2. Nếu một đời con niệm Phật mà chưa dứt được tham sân si, thì con sẽ được gì sau khi con mãn phần?

3. Nếu có chúng sanh nào đó phạm năm tội trọng, nhất tâm niệm Phật thì chúng sanh ấy có thoát được cả năm tội trọng ấy không?

4. Con rất mến mộ danh hiệu Phật Thích Ca, kế đến Phật Dược Sư và Địa Tạng Vương Bồ-tát, vậy có phải là ba vị Phật này mới độ được con không, vì con xem kinh sách chỉ bảo như thế.

5. Nếu một đời con niệm Phật Thích Ca thì sau khi mãn phần con ở cõi nào? Niệm Phật Thích Ca thì phải niệm Nam mô Ta bà giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, vậy khi mãn phần con sẽ phải ở cõi Ta bà với Phật Thích Ca sao?

ĐÁP: Câu hỏi này thấy cũng có cái vui. Tôi trả lời thứ tự:

1. Nhất cử nhất động đều là duyên nghiệp phải thế không? - Tôi xin hỏi lại, quý đạo hữu chú ý theo dõi: Phật tử hiểu duyên nghiệp của quá khứ hay của hiện tại? Nếu nói của quá khứ thì chưa thấu đáo. Bởi vì đời sống chúng ta một là trả nợ quá khứ, hai là tạo duyên vị lai. Đành rằng tất cả cử động đều là duyên nghiệp, nhưng nếu thuộc về quá khứ thì đa số người thấy như là một định nghiệp hoặc nói là số mạng. Nghĩa là bắt buộc mình phải như vậy, phải theo cái khuôn nhất định không chuyển đổi được. Nhà Phật thì không chấp nhận như vậy, nếu quá khứ có duyên nghiệp xấu, mà hiện tại mình chuyển tạo duyên nghiệp tốt thì những duyên nghiệp xấu quá khứ được giảm. Ví dụ năm ngoái quý Phật tử làm ăn thua lỗ có vay một số nợ, năm nay ráng làm ăn khá trả hết nợ cũ, như vậy không phải năm ngoái thiếu nợ rồi mình là kẻ nợ suốt đời. Theo Phật giáo thì nghiệp duyên có thể chuyển đổi được, dở thì làm hay để chuyển, xấu thì làm tốt để chuyển. Ví dụ có một Phật tử ít phước sanh ra đời ăn nói không thanh nhã nhẹ nhàng, nên nói chuyện ai cũng ghét. Nếu Phật tử này nghĩ số tôi như vậy đành phải chịu thì không sửa đổi. Còn nếu nghĩ mình phải sửa đổi cho ngôn ngữ thanh nhã nhẹ nhàng, và từ từ sửa được nên người ta thương. Chúng ta phải có sức mạnh vươn lên chớ không ù lì cam chịu. Hiểu như vậy mới đúng với ý nghĩa duyên nghiệp của nhà Phật.

2. Nếu Phật tử niệm Phật mà chưa hết tham sân si, không tội nặng thì khi mãn phần sẽ được trở lại cõi này gặp Phật pháp sớm làm cư sĩ tu tiếp. Vì niệm Phật tưởng nhớ Phật, có duyên với Phật thì được làm người gặp Phật pháp sớm.

3. Phạm năm tội trọng tức là tội ngũ nghịch, nếu người phạm tội ngũ nghịch mà n niệm Phật được nhất tâm bất loạn thì chuyển được tội, còn không được nhất tâm bất loạn thì chưa chuyển được nhưng dù sao cũng nhẹ đôi chút.

4. Niệm Phật Thích Ca hay Phật Di Đà, niệm danh hiệu nào cũng được. Vì kinh Di Đà do Phật Thích Ca nói, Ngài dạy cho chúng sanh nên niệm danh hiệu Phật A Di Đà để hết khổ. 

5. Phật tử này lo sợ trở lại cõi Ta bà này nữa. Tôi xin hỏi quý Phật tử, đức Phật Thích Ca bây giờ ở đâu? - Ngài chỉ hiện thân ở cõi Ta bà một lần để giáo hóa, khi mãn duyên Ngài nhập Niết-bàn. Ngài nhập Niết-bàn thì chúng ta niệm danh hiệu Ngài đến nhất tâm bất loạn thì cũng nhập Niết-bàn như Ngài, không trở lại đây, vì Niết-bàn là chỗ cứu cánh, là vô sanh rồi, đâu còn sanh tử nữa.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, con có vài thắc mắc mong Hòa thượng từ bi giảng dạy:

1. Chúng sanh sau khi chết, phải qua bốn mươi chín ngày mới đi tái sanh phải không?

2. Thần thức khi tái sanh chuyển vào bụng mẹ trước hay sau khi lọt lòng mẹ?

3. Có người nói rằng ăn chay không được ăn trứng gà trứng vịt, có người lại nói ăn được nhưng phải ăn trứng không trống, vấn đề này thế nào mong Hòa thượng chỉ dạy.

ĐÁP: Bây giờ tôi trả lời từng câu:

1. Việc tái sanh không cố định, có khi nhắm mắt đi tái sanh liền, có khi phải chờ bốn mươi chín ngày. Đây là nói phạm vi con người tùy duyên nghiệp. Ví dụ người đó có duyên phải trở lại làm người trong một gia đình nào đó, thì phải đợi cái duyên cha mẹ thuận tiện họ mới tới được. Nếu họ vừa nhắm mắt gặp cái duyên đó thì họ tới liền, nếu chưa gặp duyên họ phải chờ. Vì vậy điều này không thể trả lời dứt khoát một bên.

2. Trong Kinh nói thần thức vào bụng mẹ trước chớ không tới sau. Nhưng có trường hợp đặc biệt khác mà nhà thiền gọi là "đoạt xá" nghĩa là cướp nhà. Lịch sử thiền ở Việt Nam có thiền sư Từ Đạo Hạnh, khi vợ của Sùng Hiền Hầu mang thai, Ngài bảo chừng nào gần sanh báo tin cho Ngài biết. Khi được tin bà chuyển bụng thì Ngài đập đầu vô đá mà tịch, rồi thác sanh vào đó gọi là đoạt xá, tức là cướp nhà, người ta đang ở mình đuổi đi. Như vậy trước trong bào thai đã có thần thức một vị nào đó, Ngài vì muốn tới đó để làm Phật sự. Thần thức Ngài mạnh hơn thần thức kia nên cướp đoạt chỗ của người ta. Đó là trường hợp đặc biệt khi sanh mới đến, còn thông thường có tinh cha huyết mẹ liền có thần thức đến.

3. Ăn chay có nên ăn trứng hay không? Vấn đề này ai cũng có cái lý riêng, nhưng với cái nhìn của tôi, không bắt buộc ai phải theo vì người tu nhất là tu Phật khác với tu tiên. Tiên thì dùng cái nghĩa thanh và trược, ăn thứ gì có máu thịt là trược, rau cải là thanh. Nhưng với con mắt nhà Phật thì chỉ tránh tội sát sanh là gốc, không ăn thịt chúng sanh vì không muốn giết hại nó, cũng không để cho người vì mình mà giết hại, đó là chủ yếu. Thế nên những vị tu theo Phật giáo Nguyên thủy chẳng những ăn trứng mà ăn thịt công khai, cái gì người ta làm sẵn dâng cúng thì các ngài thọ dụng không ngại gì hết, có nghĩa là các ngài không sát sanh. Như vậy những người nói ăn trứng không trống được đối với nhà Phật thì không có lỗi. Còn theo Đại thừa thì bảo mình không ăn thịt thôi chớ không nói gì đến trứng, mà trứng ngày xưa khác bây giờ khác. Trong luật dạy một Tỳ-kheo không được làm cho những hạt giống chết, tức là cái gì có mầm sống mình không được giết.  


HỎI: 
Con có vài điều thắc mắc như sau, kính xin Hòa thượng từ bi giải thích cho con: Con vì tâm chấp là con đê đắp kín, một dòng sông nước không chảy được nên bị đọng, trí của con phá được một chấp là phá được một phần nhỏ của con đê. Trí con phá được nhiều chấp là phá được bờ đê rộng ra thêm. Cứ thế mà phá hoài phá mãi bờ đê từ từ vỡ, nước đọng nước chảy ra hết thì còn dòng nước trong, thì từ từ tâm con sẽ sạch. Con tu như vậy là đúng hay sai?

ĐÁP: Thí dụ này không đúng lắm, bởi vì nước chảy cạn thì dòng nước sẽ khô chớ đâu còn dòng nước trong. Trong nhà Phật dạy gốc đau khổ của con người từ chấp mà ra, chấp là từ si mê mà có. Ví dụ như mình chấp cái này phải cái kia quấy, mình thấy ai làm theo tâm chấp phải của mình thì mình cho là phải, ai làm theo tâm chấp quấy của mình thì mình cho là quấy. Và cứ thấy như vậy hoài, nhất là thấy người thân của mình cứ làm những chuyện mà mình cho là quấy thì mình khổ dài dài. Như vậy chấp chừng nào là khổ chừng ấy. Càng chấp càng chồng chất phiền não. Vì chấp thì không sáng suốt, nếu sáng suốt thì không chấp. Hết chấp thì hết khổ chớ không thể ví dụ như con đê vỡ sẽ có dòng nước trong được.


HỎI: 
Bạch Hòa thượng, con nghĩ thiện tri thức thuận hạnh cũng như thiện tri thức nghịch hạnh đều là ân nhân của con. Thiện tri thức mặt nghịch là những bậc thang giúp con nỗ lực leo lên cho bằng được. Con ví họ như dòng thác lũ con sẽ cố gắng bơi qua để cho việc tu hành đừng dừng lại. Kính bạch Hòa thượng con tu như vậy đúng hay sai?

ĐÁP: Phật tử này nghĩ thiện tri thức nghịch hạnh giống như là mình muốn leo lên những bậc thang hay qua những dòng thác, nhờ những nghịch hạnh đó mà mình vượt qua được những cái khó khăn như vậy nghịch hạnh cũng là cái tốt, tu như vậy là hợp lý.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, con là Phật tử giữ giới tu ba nghiệp đang trường chay, nếu cha mẹ ăn mặn bắt buộc phải sát sanh thì sao?

ĐÁP: Trường hợp Phật tử này đã ăn chay trường, giả sử như cha mẹ ở quê bảo mình cắt cổ gà hay đập đầu cá thì Phật tử này phải làm sao cho hợp lý?

Tôi đề ra hai cách:

Một là vì thương cha mẹ thì mình làm, mình chấp nhận chịu tội để cho cha mẹ được vui, vì lòng hiếu thảo mình chịu tội để cho cha mẹ được bữa ăn ngon thì tốt. Đừng đòi mình được hiếu mà lại không có tội nữa thì điều đó tham quá! Ngày xưa có vị Hòa thượng ở chùa Từ Hiếu, Ngài có bà mẹ già nên phải đi chợ mua cá về làm cho mẹ ăn, chấp nhận mình có tội để đền công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ. Trường hợp này đừng đòi hỏi làm mà không có tội thì không được.

Hai là nếu Phật tử này có khả năng khuyên cha mẹ lần lần ăn chay luôn để mình khỏi phạm tội sát sanh thì tốt.


HỎI: Kính bạch Thầy, trẻ nít sơ sanh từ năm đến bảy tháng tuổi đã có ba vá là ba chòm tóc trên đầu. Người đời cho là con nhà Phật nhưng bé lại hay bệnh hoạn khó nuôi. Kính lạy Thầy xin Thầy giải thích cho chúng con xác quyết được niềm tin và phải làm thế nào để trẻ ba vá dễ nuôi ít đau? 

ĐÁP: Phật tử này chưa hiểu đạo lý nhiều nếu hiểu nhiều thì không có sợ. Trẻ nít sanh ra có ba vá giống như mấy ông đạo ở chùa. Đó là hiện tượng tốt, coi như mình có duyên với Phật pháp nếu nó khỏe mạnh thì lớn lên nó đi tu tiếp tục con đường của nó đã đi. Còn nếu nó ươn yếu bệnh hoạn khó nuôi, lỡ nó có đi thì cái duyên của nó không phải ở với mình.

Thật ra người có duyên với mình dù cho bỏ lăn bỏ lóc nó cũng không đi. Bấy giờ muốn xác quyết được niềm tin phải làm thế nào để nó dễ nuôi thì tôi xác quyết thế này: Nếu đứa bé đó đối với người mẹ người cha thật là cái duyên cha mẹ của nó thì nó ở với quí vị. Còn nếu không phải duyên lâu dài thì nó có quyền đi đừng tiếc.


HỎI: 
Xin Thầy giảng cho con hiểu thêm hai danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật và Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hai danh hiệu này tượng trưng cho hai vị Phật hay một vị. Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con hiểu thêm.

ĐÁP: Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hoặc Nam mô Dược Sư Lưu Ly Phật v.v... bao nhiêu danh hiệu Phật trong Kinh nói, mỗi vị Phật giáo hóa mỗi nơi, mỗi vị có cái nguyện giáo hóa ở cõi đó chớ không phải tượng trưng. Còn chữ Nam mô là chữ Phạn, Trung Hoa dịch là Nẵng mồ, có chỗ dịch là Nạp mồ. Chữ này nguyên chữ Phạn mà Trung Hoa không dịch, nó có nhiều nghĩa như cung kính, kính lễ, thành tâm. Nếu dịch nghĩa này thì thiếu nghĩa kia, cho nên để nguyên chữ Nam mô. Đó là một từ nói lên lòng thành kính và hình thức cung kính của người đệ tử đối với các Ngài. Còn mỗi danh hiệu Phật là chỉ cho mỗi vị Phật truyền bá mỗi cõi chớ không phải tượng trưng.


HỎI: 
Bạch Sư ông, con nghe nói hội Long Vân, hội Long Hoa đức Phật Di Lặc ra đời, hội đồng Tam giáo xử phân, người tu chân chánh sau này hưởng được hồng ân thế nào, xin Sư ông cho con biết.

ĐÁP: Điều này chỉ liên hệ với đạo Phật có vài từ ngữ là hội Long Hoa và Phật Di Lặc, còn hội Long Vân thì trong kinh Phật không có nói. Nhưng tôi xin nói cho quý Phật tử biết, những người nói hội Long Vân, hội Long Hoa là những người học đạo không chân chánh, họ dùng từ Long Hoa trong đạo Phật để kêu gọi người ta ráng tu gấp, hoặc nói chỗ này có Phật ra đời, chỗ kia có Phật ra đời, đó là lối thúc người ta tu thôi chớ không thật. Trong kinh Phật nói rằng sau khi giáo pháp đức Phật Thích Ca diệt rồi, không còn ai biết đến danh từ Phật, Pháp, Tăng là gì nữa thì đức Phật Di Lặc ra đời ở dưới cây Long Hoa, giống như Phật Thích Ca thành đạo ở dưới cây Bồ-đề vậy. Đó gọi là hội Long Hoa. Phải hiểu rằng khi nào chúng sanh không còn biết danh từ Phật, Pháp, Tăng, nghĩa là giáo pháp của Phật Thích Ca không còn lưu truyền nữa thì mới có Phật Di Lặc, vì không có hai vị Phật cùng một lúc ở một cõi. Tại sao vậy? Vì nếu ông Phật thứ nhất còn thì ông Phật thứ hai nói cái gì? - Nói chi cho dư. Thế nên giáo pháp đức Phật Thích Ca vẫn còn đang lưu truyền, mà ai đó xưng Phật thì không phải là Phật thật, quý Phật tử hiểu cho thật rõ chỗ đó thì khỏi sợ lầm. Xưng Phật, xưng Bồ-tát thì dễ mà thực hành hạnh Phật và Bồ-tát thì khó.

Còn nói hội đồng Tam giáo xử phân thì tôi không tin điều đó, chỉ có nghiệp lành nghiệp dữ xử phân mình thôi chớ không có hội đồng nào xử hết.

HỎI: Kính bạch Thầy, bên Tịnh độ dạy người chết mới tắt hơi thân nhân không nên động tử thi hay lau rửa, phải đợi tám giờ sau. Vì khi tắt hơi thức A-lại-da chưa đi, nếu khóc hay lay động thây sớm thì họ còn cảm giác đau đớn, sân hận. Ở Tây phương đa số chết ở bệnh viện, vừa chết đưa vào nhà xác, thân nhân mướn nhà quàng đến tẩn liệm, quàng thây tại đây đến ngày chôn hoặc thiêu, như vậy không thể áp dụng những điều nói trên, kính bạch Hòa thượng vậy phải làm sao?

Khi sắp chết và khi quàng thây nếu không có chư Tăng hộ niệm hay tụng kinh thì có thể sử dụng băng tụng hay không?

ĐÁP: Phần này tôi chỉ nói đơn giản là khi tắt thở các thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý liền lặng mất, chỉ thức A-lại-da thì còn ngầm ở trong từ từ ra sau. Tuy nó ra sau nhưng thân này hoại rồi nó cũng đi chớ không ở lâu lắm. Có nhiều vị nói nó ở tám tiếng đồng hồ đó là một lối nói thôi. Trong kinh A-hàm hoặc Nikaya nói rằng sau khi nhắm mắt thần thức liền theo nghiệp mà đi chớ không nói ở lâu. Thôi thì tùy duyên người ta săn sóc sớm, bỏ vô quan tài sớm cũng không sao!

Khi người nhắm mắt không có Tăng Ni tụng Kinh thì dùng băng điều này cũng tốt thôi. Tụng Kinh không phải tụng cho người chết mà tụng cho người sống, nói điều này quý vị nghe có lạ không? - Tại sao nói tụng Kinh cho người sống? - Có hai lý do:

1. Gia đình có đám ma thì buồn bã, nhờ Tăng Ni tụng Kinh nghe lời Phật dạy mà quên buồn đó là vì ai? - Vì người sống phải không? Người chết đâu ở đó mà buồn!

2. Khi tụng Kinh người sống nghe, thấm nhuần được giáo lý Phật dạy được lợi ích, còn người chết lợi ích không nhiều. Kinh Địa Tạng nói người sống hưởng hai phần ba, người chết chỉ hưởng một phần ba thôi. Thật ra ai cũng muốn cho người chết được hưởng chớ đâu có dành phần cho mình, nhưng thực tế lại khác vì người chết theo nghiệp mà đi, người sống thì được hưởng, lẽ thật nó là như vậy.


HỎI: 
Kính bạch Thầy, cúi xin Thầy giải thích thế giới của loài rồng có thực không? Nếu có thì rồng là súc sanh, tại sao rồng tu nhanh quá, như Long nữ thành Phật trong kinh Pháp Hoa, mà chúng con là người tu cứ lẩn quẩn trong sanh tử luân hồi? 

ĐÁP: Loài rồng có hoặc không, cái gì mình không thấy mà nói thì không đúng, tôi xin nói theo trong Kinh kể: có loài rồng ở Long cung, mà Long cung ở trong biển cả, đó là theo kinh nói vậy tôi nói theo chớ không dám nói thật có hoặc thật không.

Còn hỏi tại sao Long nữ tu mau thành Phật quý Phật tử bây giờ tu lại lâu? - Điều này chẳng có gì lạ, dù cho Long nữ hay Lộc nữ (con nai) mà ngộ được tánh giác rồi thì tu mau, nếu là người mà chưa ngộ tánh giác thì tu lâu. Ngộ tánh giác theo kinh Pháp Hoa nói là ngộ tri kiến Phật. Long nữ nhờ Bồ-tát Văn Thù giáo hóa ngộ được tánh giác nên tu mau. Còn quý Phật tử bây giờ, rất tiếc là không gặp được ngài Văn Thù, gặp chúng tôi thì phàm tăng quá không ngộ được tánh giác nên tu lâu. Vậy cái sai sót lỗi lầm tại ai? - Chắc tại tôi phải không?


HỎI: Kính bạch Hòa thượng, theo tinh thần Thiền tông, Hòa thượng dạy chúng con tìm chơn tâm thì phải buông bỏ hết vọng tưởng, tự mình phải tu, không có một tha lực nào giúp cho giải thoát được sanh tử.

Trong kinh Địa Tạng phẩm sáu Phật nói: Người gây ác nghiệp đau nằm liệt trên giường, quyến thuộc của người ấy lấy đồ vật của người ấy cúng dường Tam bảo và đọc kinh Địa Tạng cho người ấy hay biết thì dù từ trước tội có nặng đến năm tội vô gián cũng thường nhớ biết công việc đời trước. Kính bạch Hòa thượng có nhiều tha lực của Bồ-tát Địa Tạng cứu vớt chúng sanh khỏi địa ngục. Như vậy kinh Phật nói có mâu thuẫn không? Theo thiển ý của con thì cầu tha lực của Phật và Bồ-tát Địa Tạng dễ dàng hơn tu thiền để đạt được minh tâm kiến tánh.

ĐÁP: Phải rồi, tha lực lúc nào cũng dễ còn tự lực thì khó, nhưng quý Phật tử nhiều khi nghe mà không chú ý rồi tự hiểu lầm. Kinh Địa Tạng nói thân nhân của người bệnh lấy đồ đạc của người ấy đem ra bố thí cúng dường Tam bảo và đọc kinh Địa Tạng để cho người ấy hay biết. Nghĩa là cái việc làm đó người bệnh biết, biết tức là họ vui, họ chịu thì họ mới được hưởng cái phước đó, còn họ không biết không hay thì không được hưởng. Như vậy họ có biết tức là họ có phát tâm trong đó, mà có phát tâm tức là tự lực. Cho nên tự lực không rời tha lực, hay ngược lại tha lực không rời tự lực. Như kinh Di Đà dạy niệm Phật đến nhất tâm bất loạn sẽ được Phật rước về Cực Lạc, đó là tự lực hay tha lực? - Nếu tha lực thì Phật không nói niệm Phật đến nhất tâm bất loạn làm chi. Mà niệm tới nhất tâm bất loạn rồi thì là tự lực, và sau đó được Phật rước là tha lực. Như vậy tự lực là gốc, nếu trông vào tha lực thì khó mà được.


HỎI: 
Kính bạch Thầy, xin giảng cho con biết câu: "Tâm ấn đạo truyền đạo".

ĐÁP: Câu "Đạo truyền đạo" thì tôi không thấy, nhưng "tâm ấn" thì có, quý Phật tử thường nghe nói "truyền tâm ấn". Chữ ấn là con dấu, con dấu của cơ qian chẳng hạn. Chúng ta xin giấy tờ của cơ quan nào đó, nếu không đóng dấu thì không có giá trị, con dấu để xác minh đúng sự thật cho người tin. Dùng tâm ấn tâm hay truyền tâm ấn là thầy và trò thấy hiểu tương ưng nhau. Cái thấy của người trò như cái thấy của người thầy, ngược lại cái thấy của người thầy như cái thấy của người trò gọi là "ấn". Tức là con dấu đó ấn vào, in vào cho người ta tin điều đó thật đúng. Như vậy thầy thấy thế nào trò thấy thế đó, gọi là truyền tâm ấn, cho nên nói truyền mà không có truyền gì hết, chỉ là một cái gật đầu, một tiếng hét, hoặc lạy ba lạy vậy thôi. Đó là truyền tâm ấn.


HỎI: 
Con được nghe Thầy dạy rằng: Sống ở đời con người thường có nhiều vọng tưởng, nhưng nếu thật sự Phật tử nghĩ về đạo cần phải khắc phục hạn chế những vọng tưởng khi nó dấy khởi. Vì vậy theo sự hiểu biết về giáo của con, những suy nghĩ hành động hằng ngày của mình luôn lấy đạo lý chiếu soi để tự sửa chữa, từ đó mới sáng suốt đi theo đường đạo. Nhưng riêng con nghiệp còn quá nặng vì muốn gia đình được no ấm, con cháu học hành thành danh, con phải vọng tưởng kiếm được nhiều tiền cho gia đình, không màng đến bản thân, như vậy có được không hay phải sửa đổi?

ĐÁP: Phật tử này lương thiện quá, nghĩ lo cho cha mẹ anh em con cháu thành danh thành tài thì phải kiếm tiền thật nhiều, phải vọng tưởng suy nghĩ. Hỏi như vậy có lỗi gì không? - Thật ra thì không có lỗi gì nếu vì gia đình mà lo, nhưng lo nhiều thì tâm không an nhiên thanh tịnh, ngồi lại nó lăng xăng, như vậy được phần đời thì hơi kém phần đạo.


HỎI: 
Làm con đối với cha mẹ, lúc cha hay mẹ hấp hối, lúc ma chay trong vòng bốn mươi chín ngày phải làm gì để có kết quả tốt, đúng với hạnh người Phật tử chơn chánh, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy.

ĐÁP: Đa số quý Phật tử hay lo lắng chuyện này. Kinh Phật thường dạy, tôi chỉ tóm lược lại một vài điểm: Lúc cha mẹ hấp hối người sắp chết khổ trăm bề, cơ thể rã rời đau đớn lại thêm lo sợ không biết đi về đâu, tâm hốt hoảng không làm chủ được. Vì vậy mà Kinh thường khuyên lúc đó gia đình nên họp lại tụng Kinh hoặc niệm Phật giúp sức mạnh cho người hấp hối nhớ tỉnh, bớt khổ. Có nhiều nơi quý thầy ở gần rước đến trợ niệm điều đó rất cần. Khi mất rồi lo ma chay thì tùy khả năng có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều không quan trọng. Trong vòng bốn mươi chín ngày nếu Phật tử nghèo thì mỗi đêm tụng Kinh cầu nguyện cho cha mẹ, còn khá giả hơn thì tu phước cúng dường để tăng trưởng phước cho cha mẹ nhờ, đó là thực hành theo Kinh dạy.


HỎI: 
Kính bạch Hòa thượng, theo kinh điển của Phật, con không thấy Kinh nào dạy cúng sao, mà cứ mỗi năm ngày mồng tám tháng giêng có ai bị sao hạn thì đến chùa xin cúng. Sao hạn từ đâu mà có, cúng sao có phải mê tín không? 

ĐÁP: Phật tử này hỏi rất thực tế, tại sao không thấy Kinh nào dạy mà làm. Điều này tôi có giải nhiều lần, nay tôi nói rõ thêm cho quý Phật tử biết: Cúng sao cúng hạn, kinh Phật không bao giờ dạy điều đó. Quý vị chịu khó đọc kinh Di giáo thì thấy Phật quở những vị Tỳ-kheo coi tướng coi tuổi, coi sao hạn. Phật không cho làm mà bây giờ chùa lại cúng là sao? - Bởi vì ngày xưa đất nước mình ảnh hưởng Nho giáo rất nhiều. Các vị Nho xem lịch rồi cúng cho dân, rất tiếc sau này không ai học Nho nữa, lịch cũng không ai coi, chỉ có mấy thầy đọc Kinh chữ Hán cho nên cuốn lịch được đem vô chùa nhờ quý thầy coi giùm. Khi coi nói tuổi đó bị sao hạn đó, sợ quá nên nhờ thầy cúng giùm. Quý thầy thì từ bi nếu từ chối tội nghiệp, cho nên cúng giùm thành quen. Và nếu cúng từng người thì mất thời giờ của thầy, cho nên mỗi năm họp lại cúng một lần vào ngày mồng tám tháng giêng. Việc này quý thầy làm thế cho mấy ông đồ Nho, không phải chân lý cũng không đúng nghĩa đạo.

Ngày nay khoa học tiến bộ thấy mỗi ngôi sao là một hành tinh. Hành tinh thì đâu có hộ cho ai, có hành ai đâu mà cúng. Nhà Phật dạy nhân quả là đúng lẽ thật, không ai đem cái khổ cái vui đến cho mình mà do tạo nhân đưa đến quả thôi. Tin điều đó là chánh tín, còn tin sao hạn không đúng lẽ thật gọi là mê tín.


HỎI: 
Một người tham lam lấy tiền của một người khác rồi bố thí cúng chùa... Như vậy quả báo tham lam thì phải nghèo nhưng nhờ bố thí cúng chùa nên được phước bù lại có đúng không? Bố thí cho một người nghèo và cúng dường cho một vị tăng, tuy cùng một việc làm nhưng sao phước báo lại khác nhau? 

ĐÁP: Trong nhà Phật thì quả nào theo nhân nấy, ăn cắp của người nào thì phải đền cho người đó, còn làm phước bố thí thì được phước với người mình giúp, phần nào ra phần nấy chớ cái này không bù qua cái kia được. Nhà Phật cũng thường nói thân này là thân tổng báo, tổng báo là quả báo chung. Trong cuộc sống chúng ta gặp tai nạn dồn dập đó là tổng báo. Nợ thì phải trả, phước thì được hưởng, chớ không có cái này bù qua cái kia.

Bố thí cho người nghèo và cúng dường cho một vị Tăng, hai cái đó cũng một việc làm, tại sao quả báo khác nhau? Điều này tôi có nói một lần, nay giải thích lần nữa cho quí vị hiểu rõ. Bố thí cho người nghèo thì được phước là cái chắc chắn rồi, còn cúng dường cho một vị Tăng cũng có phước, nhưng cúng dường gieo duyên để sau mình được Tăng đó độ. Ví dụ thấy người tật nguyền giúp cho họ bớt khổ nên được phước vui, nhưng không có duyên với Phật pháp. Còn cúng cho một vị Tăng tức là tạo cái duyên để sau này nhờ phước cúng dường mà được Tăng độ. Đó là chỗ sai biệt của việc bố thí cho người nghèo và cúng dường cho các vị Tăng.


HỎI: 
Bên Mỹ có một cháu bé lúc ba tuổi cha mẹ dạy niệm Phật, đến nay cháu được sáu tuổi. Cháu hỏi cha mẹ: Cha mẹ bảo con niệm Phật, vậy Phật niệm ai? Cha mẹ cháu không đáp được, cầu Hòa thượng giảng giải cho chúng con được hiểu.

ĐÁP: Đứa bé này có chủng duyên phi thường. Cha mẹ dạy bé niệm Phật, niệm nhiều rồi nó hỏi: Ba má dạy con niệm Phật, vậy Phật niệm ai? Cha mẹ bé không có gan trả lời. Nếu hỏi tôi thì tôi trả lời rằng: Phật niệm chúng sanh. Bởi vì niệm là nhớ nghĩ, mình nhớ Phật để được thành Phật, còn Phật thì nhớ chúng sanh để cứu độ. Nếu Ngài không niệm chúng sanh thì Ngài đâu có độ phải không?


HỎI: Chúng con được nghe giảng đại ý như sau: Chư Tăng giảng pháp cho Phật tử, Phật tử cúng dường chư Tăng, một bên bố thí pháp, một bên bố thí tài, xem như huề. Vậy các Phật tử kính lạy chư Tăng ngoài ý nghĩa kính trọng giới đức quý vị, còn có ý nghĩa gì khác, sự lễ lạy này có lợi ích gì cho chư Tăng và Phật tử trong việc tu tiến?

ĐÁP: Người lạy và người bị lạy, hai người đó có lợi ích gì? Tôi nói bị lạy chớ không nói được lạy nghe! Thật ra đúng là người biết tu thì sợ bị lạy lắm, nhưng vì bất khả kháng đó thôi.

Trong kinh Phật dạy Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) là phước điền của người Phật tư, nếu Phật tử không có tâm kính lễ Tam bảo thì phước không tăng trưởng. Vì chúng ta kính trọng ai, tâm chúng ta mới hướng về người đó mong cầu học hỏi và người đó dạy chúng ta mới chịu nghe. Trong kinh Phật dạy người Phật tử cũng như chư Tăng, tu còn thấp thì phải lễ kính vị cao hơn để có phước, tăng trưởng đạo đức. Phật tử có nhiều vị hiểu lầm nói lạy để thầy ban ơn ban phước cho. Không phải vậy! Chúng ta kính trọng là do tâm khát ngưỡng mong mỏi mình giống như người đó. Cung kính lễ lạy để học hỏi noi theo. Khi kính lạy có lợi ích gì đâu! Chẳng qua là thấy người ta quý kính mình. xét thấy mình chưa có đức hạnh thì hổ thẹn, cố gắng tiến tu cho xứng đáng với lòng quý kính của Phật tử, cái lợi của người bị lạy là chỗ đó chớ không có lợi nào khác hết.


HỎI: 
Nếu vô thường đến với chúng con như là người thân mất, chúng con phải nguyện làm sao cho đúng lẽ đạo với người đã mất thay vì cầu an cầu siêu.

ĐÁP: Phật tử hiểu chưa rõ việc này, nghĩ mình nguyện thôi chớ khỏi cầu siêu cầu an. Bây giờ tôi giải thích sơ lược cho Phật tử hiểu. Quý Phật tử thường có cái mâu thuẫn là nguyện cho người thân mình về cõi Phật, mà rước thì rước về nhà. Nghĩa là khi tụng Kinh thì nguyện siêu thăng Tịnh độ, nhưng lại nhờ thầy ra mộ rước vong về thờ. Nếu rước về thờ thì cha mẹ có về Tịnh độ được không? Không. Như vậy là mâu thuẫn. Các Phật tử nên biết cầu nguyện cho cha mẹ siêu thăng Tịnh độ hoặc sanh về cõi lành, đó là tâm nguyện của người con, của những vị hộ niệm. Được hay không là chuyện khác. Nếu nguyện được hết chắc khỏi tu, cho nên phải hiểu nguyện đó chẳng qua là khởi tâm lành đối với người chết. Vì vậy mà nguyện cho cha mẹ sanh về cõi lành; nếu chưa được sanh về cõi Phật thì được sanh về cõi người gặp Phật pháp sớm để tiếp tục tu. Đó là cái nguyện của người con đối với cha mẹ khi trăm tuổi.


HỎI: 
Vào những ngày kỵ giỗ ông bà cha mẹ, chúng con phải nguyện như thế nào cho hợp với lẽ đạo. Kính xin Hòa thượng chỉ dạy cho chúng con được rõ.

ĐÁP: Ngày giỗ, ông bà cha mẹ có về với con cháu không? - Không. Nếu không thì cúng làm chi, cúng ai ăn? Đó là một việc hơi khó xử. Chúng ta tự hiểu ngầm là ông bà cha mẹ không có về, nhưng cúng thì vẫn cúng. Tôi thấy đó chỉ là một phong tục, tập quán tốt của xứ sở mà đạo Phật tùy thuận. Về việc này Phật tử nên làm hai điều: Một là nên làm công đức bố thí hoặc phóng sanh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ được phước lành để sanh vào cõi lành. Hai là tụng Kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ được phước lành sanh về cõi lành. Hai điều đó là cụ thể hơn hết.

Có trường hợp ngược lại, ngày giỗ người ta làm heo, gà, bò, vịt để cúng, nhưng cha mẹ đâu có ăn. Chúng ta cứ kết tội thêm, nói là làm cúng ba má đó, nghe tưởng như con có hiếu, không ngờ con làm khổ chúng sanh để cầu cho cha mẹ được an lạc. Việc làm này có hợp lý không? Cha mẹ được an lạc không? Tôi đề nghị quý vị cúng chay đơn giản được rồi, nếu có phương tiện thì mua vật phóng sanh, hoặc đến những chỗ người ta đang khổ như bệnh viện, trại phong v.v... giúp cho người bớt khổ, lấy công đức hồi hướng cho cha mẹ, đó là điều rất tốt.


HỎI: 
Mỗi con người có một tánh linh, nhưng khi chết đi dân số trên thế giới mỗi ngày một tăng lên. Vậy dân số đó ở đâu mà phát sinh lên? Con mong Thầy chỉ dạy cho con được biết.

ĐÁP: Phật tử này thắc mắc, người thì có tánh linh, tánh linh sanh lại làm người mà bây giờ dân số cứ tăng lên hoài vậy ở đâu mà có?

Trước đây tôi đã có trả lời câu này, nay chỉ nhắc lại một chút thôi. Kinh Phật nói trong vũ trụ này không phải chỉ có một thế giới chúng ta đang ở, mà có rất nhiều thế giới. Khi một thế giới sắp hoại thì chúng sanh ở thế giới đó qua thế giới khác, đó là lý do thứ nhất có chúng sanh tăng. Thứ hai Phật dạy lục đạo luân hồi là sáu cõi: Trời,  người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh lẫn lộn lên xuống. Như vậy ở cõi súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ khi hết nghiệp chúng sanh cõi đó lại được sanh làm người và ở cõi người tạo nghiệp lại bị sanh vào các loài ấy. Cho nên số tăng ở cõi người là do hai lý do trên. 


HỎI: 
Ngài Mục Kiền Liên là vị A-la-hán rất gần gũi với Phật tử, sao trong các thời khóa lễ rất ít đề cập đến tên Ngài để cho Phật tử lễ lạy và noi theo gương của Ngài?

ĐÁP: Câu hỏi này hợp lý, vì là Phật tử thích có hiếu thảo muốn con cái sau này cũng hiếu thảo, mà ngài Mục Kiền Liên là gương hiếu thảo sao ít đề cập tới?

Giải thích câu hỏi này phải có nhiều thời giờ. Ở đây, tôi chỉ nói đơn giản cho quý Phật tử hiểu. Thường các chùa thờ Đức Phật Thích Ca còn thờ hai vị Bồ-tát phụ tá là ngài Văn Thù và ngài Phổ Hiền. Còn nếu thờ Phật Di Đà thì thờ hai vị phụ tá là Bồ-tát Quán Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí mà không thờ đức Mục Kiền Liên. Khi lạy danh hiệu đức Phật Thích Ca xong thì chung ta lạy danh hiệu Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền. Còn khi lạy đức Phật A Di Đà xong chúng ta lạy Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí. Tại sao lại như vậy? Đây là một vấn đề hết sức cần thiết, lẽ ra phải nói thành một bài giảng, nhưng ở đây thì giờ ít tôi nói đại khái thôi.

Đức Phật Thích Ca là một vị Phật thành đạo ở cõi Ta bà, mà cõi Ta bà là cõi nhiều uế trược. Khi Phật đến cội Bồ-đề, Ngài dùng cỏ (trong sử ghi là cỏ cát tường) làm tòa ngồi. Nhưng bây giờ chúng ta là đệ tử thờ Ngài sao không để Ngài ngồi tòa cỏ cho đúng sự thật mà lại để Ngài ngồi trên tòa sen? - Vì sen mọc dưới đầm, mà đầm thì sình lầy uế trược, từ chỗ uế trược sen vượt lên nở hoa thơm. Cũng vậy Phật từ cõi uế trược khổ đau mà giác ngộ, chứng quả Phật. Thế nên thỉnh Ngài ngồi tòa sen là hình ảnh tượng trưng ở trong cảnh nhớp nhúa mà Ngài thanh tịnh sáng suốt như đóa sen vươn lên trong chốn bùn nhơ.

Hai vị Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền cũng là hai vị Bồ-tát tượng trưng. Chúng sanh ở cõi Ta bà cang cường nan điều nan phục, dạy nói không hiểu mà hiểu rồi lại quên thành ra dạy hoài mệt mỏi thôi. Cho nên ở trong cõi khổ này muốn tu hành cho sáng được thì phải mở sáng trí tuệ, vì ở trong cảnh khổ mà không mở sáng con mắt tuệ, thì mãi chìm trong đó không bao giờ ra nổi. Ngài Văn Thù cỡi con sư tử, sư tử tượng trưng cho sự dũng mãnh nhất trong các loài thú. Thờ ngài Văn Thù ngồi bên phải đức Phật Thích Ca ý nói trí tuệ đứng hàng đầu, có trí tuệ mới thoát khỏi cảnh khổ luân hồi sanh tử. Ngài Phổ Hiền cỡi con voi ngồi bên trái đức Phật, voi tượng trưng cho sức mạnh kéo chở nặng nề. Ý nói có trí tuệ rồi phải có hạnh nguyện độ sanh đầy đủ mới thành Phật được. Đó là ý nghĩa hai vị Bồ-tát tượng trưng, chúng ta lạy Ngài để nhắc nhở chúng ta tu không thể thiếu hai đức tối yếu là trí tuệ và hạnh nguyện.

Còn Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc an vui, muốn độ chúng sanh ở cõi Ta bà uế trược thì trước hết phải khởi tâm từ bi tượng trưng Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhưng khi hành hạnh từ bi giúp người đôi lúc cũng gặp nghịch cảnh cho nên bên cạnh phải có Bồ-tát Đại Thế Chí tượng trưng cho ý chí mãnh liệt. Vì thiếu ý chí thì không thể đến cảnh khổ giúp người được. Đó là hình ảnh hai vị Bồ-tát dạy cho người tu khởi tâm từ bi hành hạnh lợi tha độ đời, phải có ý chí mãnh liệt mới không thối chuyển. Còn ngài Mục Kiền Liên là con người hiếu thảo, không phải là hạnh tu cho nên không lạy, chỉ đến ngày lễ Vu Lan mới có lễ, lạy Ngài để học tấm gương hiếu thảo thôi. 


HỎI: Trong bài sám sáu căn có câu: "Lầm nhận hoa giả quên ngắm trăng thật" theo con hiểu qua lời giảng của Thầy là chúng sanh chạy theo sắc trần giả dối bên ngoài mà quên mất cái chân thật sẵn có của mình. Trong câu dùng chữ ngắm, cái chân thật của mình mà nhìn được tức là ngoài mình mất rồi, không biết nhà in có sắp lộn chữ không?

ĐÁP: Phật tử này kỹ quá, thật ra đây là lời văn, văn thì lúc nào cũng có cái đối cho người ta dễ hiểu. Bây giờ nói trăng thật làm sao mà nói cho rõ được, nếu không ngắm thì làm sao thấy để nhận ra nên phải dùng chữ ngắm cho dễ hiểu, đó là một cách cụ thể hóa cho sự nhận ra. Đã thật là mình rồi còn ngắm cái gì nữa! Nhưng trên ngôn ngữ nói như vậy cho người ta dễ hiểu để tu. Đừng bắt chẹt tội nghiệp người xưa.


HỎI: 
Có người hỏi rằng nếu ai cũng không sát sanh thì những con vật như chuột, rắn, bò, heo v.v... sanh đầy mặt đất thì chỗ đâu cho người ta sống, lương thực đâu để ăn, đó là chưa kể bệnh tật v.v... con biết trả lời sao cho phải, cúi mong Hòa thượng chỉ dạy.

ĐÁP: Chỗ này là chỗ hiểu lầm của Phật tử. Phật tử hiểu giữ giới không sát sanh là tất cả con gì cũng không được động đến đó là hiểu lầm. Giới sát sanh của Phật tử là không được giết người mà tôi thường nhắc có ba trường hợp: Tự tay giết, dùng miệng xúi người khác giết, thấy kẻ khác giết nhau mình vui mừng tùy hỷ. Giới sát của Phật tử căn cứ trên con người chớ không căn cứ trên loài vật. Người xuất gia như quý thầy mới nói tới không giết những loài vật nhỏ, vì quý thầy ăn chay trường thì giết làm gì? Quý Phật tử đối với những con vật lớn nhỏ, con nào mình tránh được thì nên tránh. Hiểu như vậy thì đâu có lỗi.


HỎI: 
Con thấy có rất nhiều người tàn nhẫn thường hay hành hạ súc vật như bắt bò ngựa kéo xe nặng, nó mệt đi không nổi thì đánh đập. Có người đá gà đá cá, có người săn bắn câu cá... sao những thiên thần, chư thiên hoặc Bồ-tát không làm cho họ thành những con vật đó trong mấy phút thôi để họ thấy sự đau khổ mà thức tỉnh và cũng giúp những con vật khỏi bị hành hạ?

ĐÁP: Phật tử này bênh vực mấy con vật đáo để. Chư thần bất lực việc này, vì chư thần đâu có hóa người thành con này con kia được. Nếu như chư thần có hiện ra đây cũng lắc đầu thôi, còn với tôi thì điều đó tôi làm không nổi! Thôi thì chúng sanh tạo nghiệp thì chúng sanh chịu. Quý Phật tử nên hiểu rằng cái nghiệp của chúng sanh sinh ra làm con vật nào thì theo nghiệp mà chịu quả. Nếu người sử dụng con vật đó vừa phải thì ít tội, nếu sử dụng quá đáng thì họ có tội. Phật tử này lại nghĩ họ tạo ác qua đời khác trả quả họ không biết hoặc có biết cũng đã muộn. Sự thật thì chúng ta có cái mê lầm cứ thấy những cái hiện tại mà không xét lui về quá khứ. Phật thường dạy: "Muốn biết nhân đời trước hãy nhìn ngay quả đời này, muốn biết cái quả đời sau phải nhìn cái nhân mình đang tạo đời này". Vì vậy ngay trong đời này ráng làm sao cho có phước đức, để cái khổ cũ hết, không còn tiếp tục khổ nữa, sau được vui, đó là tỉnh. Còn nếu nghĩ tới hiện tại mà trách trời trách đất thì đó là không tỉnh.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 44437
  • Online: 11