Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức: Dẫn nhâp
11/12/2017 | Lượt xem: 4801
ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng - Đà Lạt
Bộ Sa Di Luật Nghi Yếu Lược nói Oai Nghi Môn có nghĩa là cửa oai nghi. Môn là cửa, nhưng Thiền sư Vô Môn hiệu Tuệ Khai nói:
“Phật dạy lấy tâm làm Tông, cửa Không là cửa Pháp, đã là không cửa làm sao thấu qua được?”
Học oai nghi tức là học về “cửa”, song “cửa” đó là gì? Nhà thiền thường nói là cửa Không, mà cửa Không làm sao thấu qua được? Cửa này ở đâu biểu hiện ra? Biểu hiện ra ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Theo tinh thần nhà Thiền hay theo tinh thần Giáo Tông, một người tu mà không có oai nghi phép tắc thì có còn ra người tu nữa không?
Thiền sư Lâm Tế khai thị:
“Trong thân chúng ta có một vô vị chân nhân thường ra vào nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng ta. Nói một cách khác, chúng ta khi thấy, khi nghe, khi nghĩ đều có cảm giác hoạt động mà không ai nhận biết. Hãy mở mắt tâm mà xem.”
Thiền sư Lâm Tế khai thị, trong thân mình có một vô vị chân nhân, nhưng làm sao nhận ra được? Nếu không nhận ra được thì sẽ như thế nào? Thì đi ra đường, mắt mình liếc ngó hai bên là không có chánh niệm, không phải thiền. Tay chân múa may, đi đứng không có chánh niệm bởi vì chưa nhận ra được vô vị chân nhân.
“Này các ông! Chỉ như người đang nghe pháp hiện nay, không phải là tứ đại của các ông mà hay sử dụng tứ đại của các ông. Nếu hay thấy được như thế mới là đi đứng tự do.”
Thiền sư Lâm Tế khai thị, người vô vị chân nhân chính là người đang nghe pháp hiện nay. Chẳng hạn như quý thầy lắng thần nghe là chính mình thấu tột được chỗ đó, thì lúc này mới gọi là đi đứng tự do. Một khi chuyển hóa thân tâm thì tự nhiên có một cách thấy, cách sống khác. Chẳng hạn trong cuộc sống tu hành, giới luật mình phải giữ, nhưng quý thầy nhớ kỹ là đừng chấp vào việc giữ giới, vì chấp sẽ thành bệnh.
Bồ-tát Long Thọ khẳng định:
“Giới luật là da; thiền định là thịt; trí huệ là xương; ngộ, tức là nhận ra được tri kiến, là tủy.”
Người tu thiền cần đến chỗ này. Người thấy được chỗ này có cách sống khác hơn người cứ chăm chăm giữ giới, vì chăm chăm giữ giới nhiều khi trở nên chấp ngã. Chẳng hạn như quý thầy thấy mình giữ giới được thanh tịnh trang nghiêm, từ đó phát sinh sự chấp ngã, không có năng lực diệu dụng bằng người ngộ được con người chân thật, con người đang nghe pháp. Người mà nhận ra con người chân thật rồi, mình thấy như là họ không có tu nhưng chính lúc đó họ tu đắc lực nhất, và sống rất bình ổn, an lạc. Khi đó mới là đi đứng được tự do. Nếu không mình sẽ bị trói buộc, trói buộc trong giới luật, trói buộc trong sự thấy mình đang giữ giới, và tự gò ép trong sự oai nghi nữa.
“Theo chỗ thấy của sơn tăng, không chán ghét pháp nào. Nếu ông mến Thánh thì Thánh chỉ là tên suông. Có một hạng người học, hướng trong Ngũ Đài Sơn tìm Văn Thù, sớm đã lầm rồi. Trong Ngũ Đài Sơn không có Văn Thù. Ông muốn biết Văn Thù chăng? Chỉ là chỗ dùng trước mắt các ông trước sau không khác, chỗ chỗ không nghi, đó là Văn Thù sống.”
Nghĩa là mình không nghi được chỗ tinh thần, năng lực của thiền mà chư Tổ, mười phương chư Phật đã chỉ dạy. Một khi phát minh được tâm địa, ngộ được chỗ đó rồi, thì không nghi nữa, mà chính chỗ không nghi là Căn Bản Trí, đó là Văn Thù sống.
“Một tâm niệm sáng suốt không sai khác của ông, nơi nào cũng là chơn Phổ Hiền. Một tâm niệm tự hay mở trói tùy chỗ giải thoát của các ông, đó là pháp chánh định của Quán Thế Âm, hỗ tương làm chủ, làm bạn, ra thì đồng thời ra, một tức là ba, ba tức là một. Hiểu được như thế mới nên cho xem kinh.”
Còn không hiểu thôi đừng xem kinh vô ích. Xem kinh mà chấp ngã: Chấp mình học nhiều, chấp thấy biết nhiều, rồi thấy người khác không học không tu gì hết, tự nhiên mình sanh tà kiến, không phải là tri kiến như thật nữa. Thấy được như thế, thì lúc này mở trói được tự tại, đây gọi là Quán Thế Âm Bồ-tát. Quán Thế Âm ra đời, ra từ đâu? Ra từ cửa lỗ tai.
“Đại đức tìm vật gì? Hiện nay đạo nhân không nương tựa, đang nghe pháp ở trước mắt rõ ràng phân minh, chưa từng thiếu thốn. Nếu ông muốn được cùng với Phật, Tổ không khác thì chỉ thấy như thế, chớ nên nghi ngờ.”
Nếu muốn cùng Phật, Tổ không khác thì mình phải thấu tột được chỗ đó. Thấu tột được: ngộ là phần tủy, còn phần da, phần thịt, phần xương chưa phải cứu cánh, chưa phải là chỗ tột.
“Tâm tâm không khác gọi đó là Tổ sống. Tâm nếu có khác thì tánh, tướng khác nhau. Tâm nếu không khác thì tánh, tướng không riêng biệt.”
Khi ngài dạy đến chỗ này, thì có một vị tăng đứng ra thưa hỏi: “Người chân thật không ngôi vị là gì?” Tức là thế nào là vô vị chân nhân. Ngài nắm ông tăng lại và nói: “Càn thỉ quyết!” Tức là que chùi phân. Ngài khẳng định như thế để quét sạch hết những tư tưởng đã học, đã biết, đã nghe. Nghĩa là mình giữ giới thanh tịnh, oai nghi phép tắc hơn người khác, khi học tinh thần Lâm Tế là phải quét sạch hết không chấp trước. Chấp trước thì không phải là oai nghi phép tắc nữa.
Đây là phần mở đầu rất quan trọng. Chúng ta học tinh thần oai nghi là tự giữ chính mình. Chứ giữ giới trang nghiêm thanh tịnh mà thấy người khác không giữ, mình sanh tâm thì đâu phải là người giữ giới thanh tịnh. Cho nên thiền sư Lâm Tế quét sạch, không để một tư tưởng nào trong đầu.
Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư ghi:
“Oai nghi là gì? Oai là lấy đức để hiển bày, chẳng phải là oai thế lực.”
Ngài dạy rất rõ, oai là lấy đức để hiển bày, chẳng phải là oai thế lực. Chẳng hạn như trụ trì, phó trụ trì, tri sự, tri khố, các trưởng ban, trưởng liêu lấy đức để nhiếp người sau, chứ không phải là lấy oai lực.
Lấy đức để nhiếp chúng không phải chuyện đơn giản. Ngày xưa trong tùng lâm các vị chức sự đều ngộ đạo, nên có uy lực nhiếp chúng. Các ngài đã nhận ra được vô vị chân nhân, uy lực hiển bày qua sáu cửa. Từ nơi sáu cửa, đại chúng nhận thấy năng lực vi diệu của các ngài, tự nhiên họ phục. Chẳng hạn như ngài Tuyết Phong Nghĩa Tồn chuyên làm tri khố, do ngài ngộ đạo rồi, nên đi đến đâu chúng đều phục.
Sau này, quý thầy đủ duyên làm trưởng liêu hay trưởng ban, nếu phân công công tác mà chúng không làm, thì quý thầy phải ngẫm lại xem tại sao. Tại mình thiếu đức! Mà thiếu đức thì quý thầy phải thân hành làm, chẳng hạn quét dọn cầu tiêu hay lau nhà gì đó. Còn nếu mình dấy lên niệm ta người, thì mình bị tổn phước. Công việc này Thầy Tổ cắt đặt, mà mình chưa đủ đức làm. Biết mình chưa đủ đức, để người đó nghe lời. Mình cắt đặt nhưng họ không làm, thì phải đích thân mình ra làm. Ngay chỗ đó gọi là phiền não chướng, là chướng ngại trên đường tu. Phiền não chướng thì sanh vọng tình, chỉ cần mình thấu tột được thì chuyển thành đại bi, có công dụng. Quý thầy tự thân làm thì không còn là vọng tưởng, vọng tình nữa. Vọng tình chuyển thành đại bi, còn vọng tưởng là sở tri chướng, thì chuyển thành đại trí, tức là trí tuệ Bát-nhã.
Ngay đây quý thầy chưa phải là có thần thông, nhưng mà tự mình thầm thấu tột được nguyên nhân. Chẳng hạn như Trưởng liêu Tăng đường 1 hoặc Trưởng liêu Tăng đường 2, họ nói sao mà chúng nghe, còn mình Trưởng liêu Tăng đường 3, nói chúng không nghe, mình biết thiếu gì? Thiếu đức! Đức mình chưa hiển bày ra được. Nên ở đây, Ngài nói là oai nghi chứ không phải mình lấy cái oai thế lực của người đời. Muốn được như thế phải làm gì?
Trong Hoàng Long Thực Lục ghi:
Tử Tâm Bảo Trạm Đường:
“Người học đạo nếu người nào có tài trí, trung tín, tiết nghĩa thì đó là hạng người ở trên, tức là bậc thượng. Còn người tuy tài năng không cao nhưng lại cẩn thận và có cái tâm độ lượng thì đó là hạng người ở bậc giữa, tức là bậc trung.”
Một người, chẳng hạn như Hòa Thượng đường đầu, hoặc dưới nữa là Thầy Trụ trì, nếu đúng là bậc thượng thì phải có tài trí, trung tín, tiết nghĩa. Nghĩa là từ oai nghi hiển bày ra năng lực bên ngoài. Còn người dở, không có tài năng nhưng cẩn mật và có tâm độ lượng thì đó là bậc trung, những người này nếu được cắt đặt làm trụ trì hay làm việc lớn, họ cũng làm được. Bởi vì tuy không có tài, không có đức nhưng họ làm việc gì chín chắn việc đó. Tuy họ điều khiển ông thầy này hoặc Tăng đường này không được, nhưng mà họ rất cẩn mật, nói ra lời gì cũng đều cẩn ngôn. Trong cẩn ngôn đó, họ có tâm độ lượng thì đó là bậc trung.
“Còn có hạng người tâm mang thói tà xem xét mong ngóng dư luận thiên hạ, tùy theo thời thế mà thay đổi, thì đó quả thật là kẻ tiểu nhân. Nếu đem hạng người đó mà đặt ở địa vị cao thì tất nhiên họ sẽ làm bại hoại tùng lâm, và làm nhơ nhuốc chốn pháp môn vậy.”
Đây là hạng người bậc hạ. Những người mà đối với trên thì kính, dưới thì sẵn sàng chà đạp là không đúng tinh thần oai nghi. Nếu được cắt đặt ở địa vị cao, thì tất nhiên họ sẽ làm bại hoại tùng lâm và làm nhơ nhuốc chốn pháp môn vậy.
Trong cuộc sống tu hành, nhiều khi mình nghĩ nếu không chỉ lỗi huynh đệ thì trong tùng lâm làm sao yên ổn được. Nhưng quý thầy nhớ kỹ, chỉ lỗi chỉ có các vị chức sự, chẳng hạn tri khố, trưởng liêu, các trưởng ban đầu ngành. Nếu không chỉ, thì chúng làm sai, nhưng mà chỉ phải với tâm độ lượng, tâm thương xót thì mới đúng. Sau này quý thầy tu một thời gian mới thấy được, là ngày xưa mình chỉ lỗi huynh đệ không phải với tâm độ lượng mà là tâm ích kỷ, cho nên người ta không chịu nghe.
Trong Sơ Sơn Thực Lục, Thiền sư Thảo Đường nói:
“Người trụ trì không cần gì hơn mà chỉ cần răn giữ cẩn thận ở cái tệ nghe thiên lệch và tự chuyên. Đừng nên tự chủ ở lời nói vào tai trước tiên thì lời xiểm nịnh của kẻ tiểu nhơn, lời gièm pha của kẻ đón thời theo ý không thể làm mê hoặc được.”
Làm trụ trì là ở ngôi vị trên. Sau này quý thầy nếu đủ duyên làm trụ trì một phương nào đó thì không nghe theo tinh thần thiên lệch. Nghe theo tinh thần thiên lệch là mất oai nghi. Chẳng hạn như họ ghét người nào, họ nói ông thầy đó vậy vậy đó, nếu quý thầy nghe theo, thì tự mình mất đi chỗ đứng, đó là mất đi cái chỗ bậc thượng.
“Bởi lẽ tình của chúng nhân thì bất nhất, lời bàn chí công lại khó thấy nên phải thấu triệt những điều lợi hại, xét kỹ việc phải trái, rồi sau mới thực hành theo, như thế mới là được vậy.”
Tức là dùng tai mắt mà nghe khắp bốn phương, nghe như thế mới gọi là oai nghi trong nhà thiền.
“Nghi là dụng hạnh mà biểu thị, chẳng phải nghi giả vờ mà hiển bày.”
Oai tức là dùng đức hiển lộ ra, nghi là dùng hạnh mà biểu thị, chẳng phải nghi giả vờ mà hiển bày. Chẳng hạn như mình thấy chúng tăng hay là thấy Phật tử, thì giả bộ đi đứng rất nghiêm trang; nhưng không thấy người nào thì mình ca, múa, hát, nhảy,... thì đó là gì? Đó là giả vờ mà hiển bày ra, chứ hạnh đó không phải, không đúng.
Cho nên Lục Tổ dạy:
“Này thiện tri thức! Nếu ở tất cả chỗ, đi đứng, ngồi nằm ròng một trực tâm không dời khỏi đạo tràng liền thành tịnh độ, gọi là nhất hạnh tam muội.”
Không có người thấy, mình ở trong chánh định, mà có người thấy cũng ở trong chánh định, đó gọi là nhất hạnh. Mà ròng một trực tâm đó gọi là nghi. Dùng hạnh mà biểu thị ra, nghĩa là do từ công phu của người tu, người nào nhìn thấy thì tự nhiên người ta phát tâm tu liền.
“Nên Như Lai xử thế thâm đạt cơ cảm. Phàm chỗ thực hành ắt lấy oai nghi làm chủ. Trong tâm chứa đức sư tử ngồi, thân hiện oai tượng vương, trời người kính ngưỡng, long thần khâm phục. Thật là việc tinh yếu nhiếp vật lợi sanh vậy.”
Nghĩa là biết căn cơ của chúng sanh. Phật đi vào cuộc đời này phải dùng oai nghi phép tắc mới giáo hóa chúng sanh được. Kinh A Hàm có ghi, ba anh em Ca-diếp thờ thần lửa thấy tướng mạo tôn nghiêm của Thế Tôn liền đều kính phục và phát tâm xuất gia đầu Phật. Phật hàng phục độc long, rồi hàng phục voi say của vua A-xà-thế cũng đều lấy oai nghi mà nhiếp phục. Sử liệu có ghi thiền sư Mã Tổ đi như trâu, nhìn như cọp, đó là biểu hiện oai nghi phép tắc từ năng lực nhận ra được vô vị chân nhân, ứng tác ra bên ngoài.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Oai nghĩa là oai có thể sợ, nhiếp phục chúng sanh, đây là do nghiêm trì giới hạnh, các đức oai nghiêm nên khiến người có thể sợ.”
Sở dĩ, người ta nhìn mình mà họ kính, sợ, nhiếp phục chúng sanh được là do nghiêm trì giới luật. Mình dạy thì rất hay, nói chúng đừng ăn chiều, phải giữ giới không ăn phi thời mà mình lại ăn chiều, ăn một tô, hai tô, như vậy làm sao chúng nghe và giữ được. Mình nói một đường lại làm một nẻo, chúng đâu có sợ. Nhiếp phục chúng sanh được là do nghiêm trì giới hạnh. Các đức oai nghiêm nên khiến người ta phải sợ.
Quý thầy thấy có những người muốn lên xin Thầy trụ trì việc gì đó, họ rất sợ, bởi vì Thầy nói được, làm được. Chúng chỉ sợ, thứ nhất là do hiển bày giới hạnh thanh tịnh từ cái đức, thứ hai là ở trong chúng lâu năm và tuổi hạ lớn. Uy lực, uy đức nhiều năm nhiều tháng ở trong tùng lâm thì nhiếp phục chúng sanh mới được. Còn tuổi hạ ngang nhau, mình nói họ khó nghe. Tu một ngày, hai ngày, một năm thấy không ra gì hết, nhưng quý thầy tu chừng cỡ mười năm, hai chục năm thì thấy khác. Năng lực biểu hiện bên trong ứng tác ra bên ngoài, mình thấy khác liền. Cho nên chúng sanh sợ. Đây gọi là nghiêm trì giới hạnh.
Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng ngộ đạo nơi Lục Tổ Huệ Năng, rồi về ở đất Dĩnh làm người mô phạm. Tức là Ngài đã ngộ đạo, đã thông suốt, thấu triệt các pháp tướng, rồi về giáo hóa người trong làng đó, thì phải dùng đức mô phạm mới giáo hóa được. Chứ không phải như mình nghĩ, Thiền sư ngộ đạo rồi không cần giữ giới luật, oai nghi phép tắc gì hết.
Thiền sư Lâm Tế sau khi thông suốt Kinh - Luật - Luận, Ngài nghĩ đây là phương thuốc cứu đời chẳng phải là yếu chỉ giáo ngoại biệt truyền, liền đi du phương, trước tới hội của Thiền sư Hoàng Bá. Trần Tôn Túc, là thủ tọa, thấy oai nghi phép tắc, nghiêm chỉ đức hạnh chu toàn của thiền sư Lâm Tế, khen: “Tuy là hậu sanh nhưng mà cùng chúng thì chẳng giống.” Ngài ở trong chúng biểu hiện lên giống như con phụng ở trong bầy gà, nhìn là biết người này có phép tắc, có oai nghi, có mô phạm. Cho nên Trần Tôn Túc đến thất của Hòa thượng thưa: “Là người đến mà thưa hỏi đạo lý thật đúng là pháp. Nếu khi đến từ giã Hòa thượng thì dùng phương tiện tiếp, về sau đục đẽo sẽ thành một gốc đại thọ che mát người trong thiên hạ.”
Bởi vì từ bên trong ứng tác ra mà thấy được. Các ngài thấy là biết, phải mài giũa người này để sau này trở thành bậc pháp khí. Đó là do oai nghi phép tắc, giới luật nghiêm minh. Cuộc sống tu hành là như thế.
Thiền sư Phật Nhãn Viễn nói:
“Cái dáng dấp tới chúng tất phải nghiêm nghị như ngày nhàn hạ, lời nói tiếp tân khách phải trang trọng như lúc riêng một mình. Đối với mọi người trong chốn thiền lâm, mỗi khi phát ngôn, làm việc, trù biện, thi hành, tất phải tính toán suy nghĩ trước rồi sau mới thực hành, chớ có hấp tấp làm càn. Hoặc có việc tự mình không thể dự biết và quyết đoán được, phải nên thỉnh vấn ở hàng kỳ cựu, hỏi ý kiến ở bậc tiên hiền, để rộng phần thấy nghe, bổ khuyết cho việc làm chưa thể tỏ rõ.”
Thiền sư Phật Nhãn nói cái dáng dấp tới chúng tất phải nghiêm nghị như ngày nhàn hạ có nghĩa là lúc làm việc phải nghiêm túc. Chẳng hạn như mình làm trưởng liêu hoặc trong ban chức sự mà mình giỡn, cười thì chắc chắn chúng không nghe. Do đó, lúc còn là Sa-di quý thầy phải thực tập, mai này được cắt làm chức sự nếu quen tật hay giỡn, cười, vui đùa thì không làm được.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nghi nghĩa là có nghi, có thể kính, nhiếp thọ chúng sanh. Đây là do động tịnh hợp nhất, tấn thoái an lành nên khiến người có thể kính. Nghĩa là thành tựu cái hạnh thanh tịnh là nhờ ở đạo nghi, thanh tịnh tròn đủ là nhờ ở giới phẩm.”
Tổ Tuyên Luật Sư nói nghi nghĩa là có nghi, có thể kính nhiếp tức là người giữ oai nghi phép tắc rồi, thì họ không cần dùng lời nói, ngôn giáo mà dùng hạnh giáo để nhiếp phục chúng sanh. Đây là vì do động tịnh hợp nhất, nghĩa là ở bên trong tịnh, dầu cho bên ngoài có động cách mấy cũng đều hợp nhất làm một, là một thể duy nhất, gọi là nhất hạnh tam muội. Mà thành tựu hạnh thanh tịnh này là nhờ đạo nghi, như chúng sanh nhìn Phật liền khiếp phục.
“Như Mã Thắng ung dung hành đạo mà cảm Tôn giả Xá-Lợi-Phất, do tín lạc mà xuất gia. Thu tử Xá-lợi-phất an lành đi khất thực nhiếp phục ngoại đạo từ tà mà trở về chánh. Nên nói oai nghi chính là lời dạy vô ngôn phát khởi tín tâm cho loài hữu tình.”
Trong sử ghi, sau khi thành tựu đạo nghiệp, Đức Phật độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển. Trong năm anh em có một vị tôn giả tên là Mã Thắng. Sau khi năm anh em ông Kiều Trần Như ngộ đạo, tức là đã chứng quả vị A-la-hán rồi, Phật bảo mỗi người đi một phương để truyền bá Phật pháp. Mã Thắng đi đến một vùng rất xa và có nhiều ngoại đạo. Trên đường ngài đi khất thực, Xá-lợi-phất, lúc này chưa xuất gia, cũng còn là một vị ngoại đạo, trông thấy phong độ và tư thái của Mã Thắng thì cảm phục và nghĩ: “Đây chắc chắn là một vị du sĩ đã đạt đạo rồi nên mới có phong thái uy nghi như thế này.”
Ở Miến Điện có những người đạt đến những tầng thiền cao, dáng đi họ khác với người phàm. Mắt, tai, mũi, lưỡi họ đều thu thúc, gọi là tầm tứ. Họ bám sát vào đối tượng hay nói khác hơn là như lý tác ý vào đối tượng thì tự nhiên họ đi chiêm nghiệm chứ không phải liếc ngó trên trời trên mây. Quý thầy để ý xem một ông thầy tu đi ra đường mà nhìn cao, nhìn nhà lầu thì thấy kỳ không? Người có con mắt đạo, nhìn là biết người này không học oai nghi phép tắc trong nhà Phật. Còn dáng dấp người tu thì phải khác.
Sau khi thấy được đức tướng của tôn giả Mã Thắng, Xá-lợi-phất tha thiết xin ngài Mã Thắng chỉ dạy pháp yếu. Ngài Mã Thắng đọc bài kệ do Thế Tôn giảng:
Muôn vật từ duyên sinh,
Lại từ duyên mà diệt.
Bậc giác ngộ Sa-môn,
Đã từng thuyết như vậy.
Ngay tức khắc tôn giả Xá-lợi-phất kiến đạo, tức là bước vào dòng Thánh, được con mắt pháp nhãn thanh tịnh. Xá-lợi-phất về tìm Mục-kiền-liên nói lại bài kệ, Mục-Kiền-Liên cũng bừng sáng, ngay chỗ đó gọi là kiến đạo, thấy được pháp nhãn thanh tịnh. Sau đó hai tôn giả đều phát tâm xuất gia đầu Phật.
Tôn giả Mã Thắng không dùng lời nói mà dùng cái hạnh chơn chất, tức là oai nghi phép tắc đầy đủ.
“Lại nữa, oai nghi gọi là điều ngự, nghĩa là điều thân chẳng vọng động, miệng chẳng vọng ngôn, tâm chẳng vọng tưởng, như thị ba nghiệp đều thiện thì sáu căn tự nhiếp.”
Oai nghi rất là khó, đâu phải chuyện đơn giản. Ở đây, nêu ra để cùng nhau giữ, cùng nhau tu, chứ thật ra những bậc đã chứng quả vị vô sanh rồi, mới giữ được chỗ này. Oai nghi gọi là điều ngự, nghĩa là điều thân chẳng vọng động,nghĩa là đi đứng có khuôn phép chứ không phải đi lắc lắc, đi trườn, đi lết hay đi qua đi lại mất oai nghi. Tuy mình không chấp vào tướng, nhưng điều thân chẳng vọng động nằm trong nhân tướng học. Tôi làm nhà khách, tiếp xúc với những thanh niên ngoài đời, họ vừa nói chuyện vừa lắc lắc cái đầu vừa huýt gió, là biết tướng này ở đâu rồi.
Còn những người có nhân cách trong xã hội, phong thái họ, nhìn khác liền. Họ ngồi rất nghiêm trang, thân tướng không cử động, khi nói chuyện họ nhìn thẳng, mắt không liếc ngó hai bên, giống như người tu vậy. Theo tinh thần nhân duyên khởi của nhà Phật, trong quá khứ họ đã từng tu nên bây giờ mới được làm người như vậy.
Như thị ba nghiệp đều thiện thì sáu căn tự nhiếp. Như thị tức là đạt đến chỗ như thị. Các pháp đều như thị rồi, thì ba nghiệp đều thiện. Ba nghiệp thân, khẩu, ý đều thiện thì tự nhiên sáu căn thanh tịnh, dẫn đến lời nói, hành động, ý nghĩ đều thiện, sáu căn tự nhiếp phục.
Khi mới vào chùa, tại sao các ngài bắt buộc mình giống như khờ, như ngu, có mắt như mù, có tai như điếc? Bởi vì chỉ cần nhìn rõ một người hoặc thầy lớn hoặc thầy nhỏ, tự nhiên sáu căn mình không thanh tịnh, không được nhiếp phục. Chuyện này là chuyện của người lớn, của chư Phật, Tổ, còn chuyện của mình là tu. Mình tu, căn bản là tu cho mình, đi thẳng một đường thì ba nghiệp đều thiện, sáu căn tự nhiếp phục. Lo làm công việc của mình thôi, ngoài ra không biết chuyện gì hết, bởi vì không phải bổn phận của mình. Được vậy thì quý thầy tu rất thanh thản, an ổn.
Sở dĩ, tôi dám nói mạnh là vì tôi mới thấy được điểm này khoảng hơn một tháng nay, thấy được rồi, tự nhiên rất thanh thản. Tu mười mấy năm trời mà mới thấy cách nay có hơn một tháng, không phải chuyện đơn giản. Có một lúc nào đó, mình chợt nhận ra được, cho nên tôi khẳng định: ngộ là tinh thần cuối cùng của Bát-nhã. Ngày xưa mình chăm bẳm giữ giới, chăm bẳm để đạt được thiền định, đạt được trí huệ, đó là phần phụ trợ duyên mà thôi. Chính cái thấy được, chuyển biến được, đó là phần cuối cùng. Thấy được rồi, quý thầy sống rất an ổn.
Người này, người kia phạm giới là chuyện của họ, chuyện của mình là phải thu thúc chính bản thân thì tu rất là nhẹ, mà cứ tưởng là tu khó. Khó là vì vừa thấy, tự nhiên mình tiếp xúc, xúc tác. Sanh tâm niệm khởi thì đau khổ. Người ta có đau khổ không, mình không biết, nhưng mình đau khổ trước: “Trời! Ông thầy này sao vậy? Ổng phải giữ giới như mình chứ!”
Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi câu chuyện:
Thiền sư Ngưỡng Sơn đến Thiền sư Hồng Ân ở Trung Ấp Lãnh Châu hỏi:
- Làm sao thấy được nghĩa Phật tính?
Sư đáp:
- Ta vì ông, nói một thí dụ: Như một nhà có sáu cửa, trong đó có một con khỉ, ngoài có một con khỉ từ bên đông kêu ché ché, bên trong cũng kêu ché ché liền đáp, sáu cửa đều kêu đều đáp như thế.
Ngưỡng Sơn lễ tạ thưa:
- Vừa rồi nhờ Hòa Thượng thí dụ, con đều biết rõ. Lại có một việc, ví như con khỉ ở trong ngủ, con khỉ ở ngoài muốn gặp phải làm sao?
Sư bước xuống giường thiền nắm tay Ngưỡng Sơn múa nói:
- Ché ché! Cùng ông thấy nhau rồi.
Sở dĩ, mình thấy chuyện này chuyện kia là vì con khỉ mình thức. Chẳng hạn mình xuống hành đường mình thấy việc đó nó sao sao đâu, là con khỉ mình thức. Nếu trong giờ phút thực tại đó, con khỉ ngủ rồi, thì thôi chuyện anh làm là chuyện nhân quả của anh giải bày. Mọi việc đều nhân quả giải quyết hết.
Mình rất nhớ ơn Hòa thượng. Người ta đến cúng dường thức ăn, thức uống, tuy nói rằng cúng Hòa thượng, nhưng Hòa thượng phải nuôi quý thầy. Quý thầy đến đây học đạo, tu đạo, nợ đàn-na tín thí, quý thầy phải giải quyết. Nhân quả quý thầy phải gánh chứ Hòa thượng không thể nào gánh giùm được. Như vậy để thấy rằng, trong cuộc sống tu hành, giữ giới, giữ oai nghi phép tắc là giữ cho mình. Mà muốn được như thế thì con khỉ ở trong phải ngủ chút ít, chứ còn nhìn ra ngoài quá, thì quý thầy rất khó tu.
Tôi kể để quý thầy kinh nghiệm. Ngày xưa ở đây có một người, người này đi đâu cũng phiền não, cũng thấy người ta làm trái ý mình. Mà ý mình phải là Thánh chưa? Chấp vào ý kiến của mình, thì tự nhiên thấy ý mình là chân lý, còn ý người khác không phải chân lý nên sống không được. Một thời gian sau, người này tu không được phiền não quá bỏ đi cất thất ở đâu đó. Bây giờ hỏi ra, thì một vợ hai đứa con!
Trong lúc thực tập đường hướng tâm linh, mình sẽ lãng phí thời gian rất nhiều, do phóng ra hai con mắt, không thu thúc lại chính mình. Chiếu kiến gì đó chứ không chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Cho nên, tự mỗi người phải phấn đấu. Người nào phấn đấu không được thì để Thầy Tổ giải quyết, mình đừng đụng vô. Được như thế, con khỉ mình ngủ tệ lắm cũng được năm mươi phần trăm.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Bởi vì một thân oai nghi tức là tướng trạng của người xuất gia, trong làm khuôn phép cho Tăng đồ, ngoài làm lợi ích cho đàn-na. Đây là phương pháp tu trước thì tiến, sau là làm mẫu mực, chẳng phải chỉ có thọ giới thời mới tập học, cần yếu trọn đời phải hành trì mới gọi là bậc thiện.”
Nghiên cứu kỹ, tôi thấy học phần Oai Nghi hay và hứng thú hơn phần Tỳ Ni và Mười Giới. Phần Oai Nghi này, nếu học kỹ, quý thầy sẽ thấy rất rõ, bởi vì một thân oai nghi tức là tướng trạng của người xuất gia, của bậc trượng phu, chứ người đời không bao giờ làm được. Người đời họ mưu sinh, lo chuyện vợ con, nhà cửa, lo tất cả,… cho nên họ gần như không có cơ hội thu thúc tướng trạng oai nghi được. Còn mình được gì? Được túc duyên sâu dày, được đàn-na tín thí hỗ trợ cho mình tu, đi đứng chánh niệm, nói năng thu thúc được.
Trong thì làm khuôn phép cho Tăng đồ. Sau này quý thầy lớn lên, chúng nhỏ thấy quý thầy có đầy đủ oai nghi phép tắc thì tự nhiên họ theo, khỏi cần dạy. Mình làm được vậy là làm khuôn phép cho Tăng đồ, đức của mình được tăng trưởng. Quý thầy còn nhỏ mà cứ giỡn cười suốt, thì mấy đứa nhỏ sau vô chùa, nó hỏi: “Thầy đi tu mấy năm rồi?” Quý thầy gật gật đầu: “Hai mươi lăm năm.” “Ủa, hai mươi lăm năm sao kỳ vậy thầy?” Không sửa chút nào hết! Nhưng họ không dám nói ra. Không phải học oai nghi, là chỉ để nghe, rồi về muốn làm gì mình làm. Các ngài dạy: Học oai nghi không phải chỉ nghe suông, mà mình phải hành trì trọn đời.
Nên Luật nói:
“Sao gọi là oai nghi? Hạnh tùy thuận ấy gọi là oai nghi, chẳng tùy thuận phạm phi oai nghi. Thiền sư Bạch Vân Thủ Đoan nói: Phàm tất cả Phật pháp giữ gìn đức hạnh thì còn, bỏ thì mất. Song chẳng phải đạo đến với người mà chính là người đến với đạo.”
Không phải quý thầy ngồi đây, tự nhiên đạo chạy tới, mà chính mình đến với đạo. Đến như thế nào? Mình phải tập sự lúc đầu, đi đứng chánh niệm, nói năng như thế nào thì công đức lần lần được vun bồi, đạo tự nó thành hồi nào không hay. Oai nghi phép tắc là do mình thực tập, thực hành dung nghi đầy đủ.
Nhiều khi mình cười giỡn làm cho mấy đứa nhỏ vui, nhưng nó vui trước mặt, mà sau lưng khi dễ mình: “Ông thầy đó lớn vậy mà ổng giỡn cười, ca múa.” Tôi đã từng chứng kiến, tôi để ý thấy nó cười vui, nhưng sau lưng ông thầy thì nói xấu. Mấy đứa nhỏ mới vào, nó thấy đâu nói đó, thấy sao nói vậy. Nên nói chẳng phải đạo đến với người mà chính người đến với đạo.
Trong Sơn Đường Tiểu San có ghi:
Chơn Tịnh cử Quảng đạo giả làm Trụ trì chùa Ngũ Phong, dư luận cho rằng Quảng là người vụng về, không có tài ứng thế. Kịp tới lúc Quảng trụ trì thì tinh tấn để sửa mình, khoan hồng để xét chúng, chưa bao lâu mà hàng trăm việc đình trệ đều được tiến hành, kẻ nạp tử đi lại tấp nập, náo nhiệt tuyên truyền, thật là bậc thượng trong tùng lâm.
Lúc chuẩn bị đề cử, thì trong chúng hoặc Phật tử nói, ông thầy không có tài, có đức gì hết mà ứng thế vụng về lắm. Nhưng kịp lúc làm trụ trì thì tinh tấn để sửa mình, khắc cốt ghi tâm lời Thầy Tổ dạy, sửa mình đi đứng thu thúc và khoan hồng để mà xét chúng. Chẳng hạn như chúng đó ăn cắp tiền thì ngài xét rất khoan hồng, tha thứ bao dung. Từ đó về sau nạp tử học rất đông, thành ra tùng lâm hưng thịnh, chính là vì người đến với đạo chớ không phải đạo đến với người. Người đến với đạo là do cách mình sống, cư xử, hành động thì đạo từ từ đến.
Tôi nêu ra câu chuyện sau, để quý thầy thấy là mình đến với đạo, chớ đạo không đến với mình được:
Nhà bên cạnh có tiệc cưới rất lớn. Ông chủ sai người giúp việc đếm xem có bao nhiêu người đến dự tiệc. Người đầy tớ rất thông minh, đem khúc cây để trước cửa lúc trời tối, ai đi qua vấp phải đều chửi rủa. Cuối cùng có bà già đạp khúc cây bị té, bà bèn lượm khúc cây để qua một bên. Về nhà ông chủ hỏi bữa tiệc có bao nhiêu người, anh đầy tớ nói dạ có một người. Hỏi sao tiệc đông mà nói có một người, đầy tớ trả lời: Con để một khúc cây trước ngưỡng cửa, ai đi qua vấp xiểng niểng cũng đều chửi rủa, chỉ có một bà già không chửi rủa gì hết, bà lấy khúc cây để qua một bên. Chỉ có con người mới làm được như vậy, chớ mấy người trước đâu khác gì con cừu con nai nên không làm được chỗ này.
Quý thầy nghiệm đúng không? Câu chuyện mình thấy tầm thường nhưng đối với nhà thiền rất là chí lý. Chỉ có bà già mới ý thức được, mình té thì người sau cũng té. Hành động có ý thức trách nhiệm đó chỉ có con người, chỉ có bậc đại quân tử mới làm được. Trong cuộc sống giữa đời thường này, nếu vấp ngã chỗ nào thì quý thầy đứng lên dọn dẹp chỗ đó, đừng đổ thừa cái này, cái kia.
Đại Sư Tiết Kiệu nói:
“Học đạo như lên núi, một bước chẳng có thể trụ. Đổi được giày cỏ, trước người qua đỉnh núi đi.”
Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Hộ trì đầy đủ oai nghi, giáo pháp hay khiến Tam bảo chẳng đoạn.”
Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy, hộ trì đầy đủ oai nghi giáo pháp thì khiến Tam bảo không đoạn dứt. Còn có người giữ giới luật, oai nghi thì Tam bảo dừng trụ rất lâu.
Trong Luật Thập Tụng có ghi:
“Siêng tu năm pháp thì chánh pháp chẳng đoạn:
1- Thứ nhất là tôn trọng chánh giáo. Nghĩa là các thầy Tỳ-kheo chỉ nương tựa chánh giáo tiến tu, xa lìa pháp tiểu thừa và các ngoại đạo nói tà lệch, tức là đoạn và thường, cho nên hay khiến chánh pháp chẳng đoạn diệt.”
Nghĩa là sau khi bước vào đạo, dừng trụ nơi tùng lâm, tinh tấn tu pháp Đại thừa để chuyển vọng tình thành đại bi, chuyển vọng tưởng thành đại trí là những người căn cơ bậc thượng.
2- Thứ hai, chỉ tức sân ác, dừng nghỉ việc sân ác. Nghĩa là các thầy Tỳ-kheo thường hành nhẫn nhục, chẳng sanh tâm sân hận, xa nghe đức mà ca tụng khiến mọi người đều qui ngưỡng, cho nên hay khiến chánh pháp chẳng đoạn diệt.
Tức là thường tu pháp nhẫn nhục và tha thứ, thương xót những người khác thì người ta nghe cái đức. Người ta đến với mình.
3- Thứ ba là kính sự Thượng tọa. Nghĩa là các thầy Tỳ-kheo đối với chỗ ở của các bậc Đại đức, Thượng tọa cung kính thuận việc, cần cầu pháp yếu, cho nên hay khiến chánh pháp chẳng đoạn diệt.”
Các thầy Tỳ-kheo đối với chỗ của bậc Đại đức, Thượng tọa mình phải cung kính thuận việc, phải hầu hạ đúng phép thì chánh pháp không đoạn diệt. Còn trò mà khinh thầy, thì sau chánh pháp chắc chắn sẽ bị đoạn diệt, bởi vì trò không ra trò nữa.
4- Thứ tư, ái lạc chánh pháp, vui với chánh pháp. Nghĩa là các thầy Tỳ-kheo đối với điều Thượng tọa nghe nói chánh pháp tin sâu vui thích, hoan hỉ phụng hành, cho nên hay khiến chánh pháp chẳng đoạn diệt.
Chẳng hạn như quý thầy vào học giờ của Hòa thượng, tai thì nghe mà mắt thì coi quyển kinh khác là chánh pháp đoạn diệt. Bởi vì mình không kính lời của bậc trưởng thượng nói. Tai thì mình nghe, mà mắt thì mình coi sách, hay coi cái gì khác, nhiều khi coi sách không đúng với chánh pháp nữa. Tuy mình thấy rất là nhỏ, nhưng kiếp sau bảo đảm quý thầy không gặp vị trưởng thượng này, mà cũng không gặp chánh pháp. Vì vậy, muốn chánh pháp không đoạn diệt thì phải vui thích nghe những lời bậc trưởng thượng nói, rồi ghi nhớ sâu để thực hành.
5- Thứ năm, hiện nói sơ tập và khéo dạy bảo các hàng mới phát tâm. Nghĩa là các thầy Tỳ-kheo đối với pháp Đại thừa phương tiện diễn nói khiến người sơ tâm học tập có chỗ nương tựa để tiến tu đạo nghiệp, cho nên hay khiến chánh pháp chẳng đoạn diệt.”
Quý thầy nhỏ mới vào chùa, quý thầy nhờ ai? Nhờ Hòa thượng, nhờ Thầy Trụ trì dạy mình mới biết các pháp thực hành. Ráng học, tu tập để sau này dìu dắt người sau. Lớp trên đi rồi lớp sau sóng lượn tiếp tục. Muốn được vậy, mình phải thực tập trước để sau này còn dạy đàn em.
“Phật dạy, Thầy Sa-di tuổi đủ hai mươi khi muốn thọ giới cụ túc, nếu ba thầy tức là Hòa thượng, Yết-ma, Giáo thọ hỏi phận sự Sa-di không thể trả lời cho đủ, thời không cho thọ giới cụ túc.”
Sau này quý thầy nếu đi thọ giới cụ túc, các vị Hòa thượng, Yết-ma, Giáo thọ sẽ hỏi như hỏi bài vậy. Chẳng hạn các ngài hỏi: Thế nào là Khu ô Sa-di, thì quý thầy phải trả lời đúng.
Tôi kể câu chuyện vui mà có thật. Ngày xưa tôi đi thọ giới, Thầy tôi hỏi một vị thầy lớn tuổi, khoảng trên năm mươi:
- Tứ Diệu Đế là gì?
Ông thầy lết tới gần Thầy tôi nói:
- Thầy! Con ở với Thầy ba năm mà Thầy không biết con sao?
Nghĩa là vị này không bao giờ thuộc được Tứ Diệu Đế là gì! Quý thầy đi thọ giới là phải học. Hỏi Tứ Diệu Đế là gì quý thầy phải trả lời đầy đủ là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Có người còn cãi lại nữa. Hòa thượng hỏi:
- Y bảy là gì?
Thầy thọ giới trả lời:
- Uất-đầu-lam-phất!
Hòa thượng nói:
- Không phải, Uất-đầu-lam-phất là vị ngoại đạo dạy pháp đầu tiên cho Phật. Y bảy là Uất-đa-la-tăng.
Thầy thọ giới cãi:
- Thầy tôi dạy vậy mà, Thầy tôi dạy y bảy là Uất-đầu-lam-phất!
Hòa thượng liền rút ra quyển sách:
- Ông coi nè, Uất-đa-la-tăng.
Cho nên quý thầy thọ giới phải học, các vị Hòa thượng, Yết-ma, Giáo thọ hỏi rất là kỹ.
Bây giờ tôi hỏi một câu nữa, sau này quý thầy thọ giới sẽ gặp: Phật có con hay không? Có, mà là con trong Phật pháp, gọi là Pháp Vương Tử Đại Trí Văn-thù Sư-lợi Bồ-tát thì đúng. Quý thầy mà nói con là La-hầu-la thì trật. Các Hòa thượng hỏi nhiều chuyện rất ngặt nghèo, quý thầy không trả lời được thì cho về học lại kỳ sau thọ. Nên phải chuẩn bị.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Phật dạy như trên, Sa-di tuổi đủ hai mươi nghĩa là niên hạn đã đủ, ấy là vị trượng phu thì kham nhẫn khổ lạnh, rõ việc Tỳ-kheo thì mới cho thọ giới được.”
Mười tám tuổi cũng không thọ được mà phải đủ hai mươi. Ngày xưa lúc Phật thành đạo trở về, thì tôn giả La-hầu-la xuất gia. Sau khi tôn giả La-hầu-la xuất gia, vua Tịnh Phạn sợ La-hầu-la ở một mình buồn, nên bắt buộc mỗi gia đình trong dòng họ Thích-ca phải cho một đứa con đi tu, để làm bạn với tôn giả. Trong kinh ghi rõ có năm trăm chú tiểu vào tu. Một buổi tối, Phật đang ngồi thiền, nghe tiếng trẻ con la khóc, Phật xả thiền ra hỏi tôn giả Xá-lợi-phất. Sau khi nghe kể, Phật thấy trẻ con không kham nhẫn được nóng lạnh và đói khát, cho nên Phật chế, bảo xin sữa, xin cháo lỏng cho mấy chú tiểu ăn buổi chiều. Nên tuổi đủ hai mươi, kham nhẫn được sự nóng lạnh mới cho thọ giới cụ túc.
Tuy tinh thần của luật nghi, của Phật pháp là tất cả chúng ta đều bình đẳng, nhưng Tỳ-kheo mới được gọi là sứ giả của Như Lai, đi làm Phật sự, đi chỗ này chỗ kia truyền bá giáo pháp. Lục Tổ Huệ Năng sau khi ngộ đạo phải thọ giới Tỳ-kheo, thọ giới Bồ-tát thì mới đi truyền bá Phật pháp được. Sa-di thì có một giới hạn nào đó thôi.
Quý thầy sau này muốn làm Phật sự lớn, muốn đi truyền pháp lợi sanh thì phải thọ giới Tỳ-kheo. Thầy Đức Trí muốn làm cựu Sa-di thì cũng được, nhưng làm Phật sự lớn không được. Cựu Sa-di sau này làm tri sự thì làm sao điều khiển hàng Tỳ-kheo được. Sa-di thì không có tư cách điều khiển, vì giới phẩm, hạ lạp mình không đủ mà điều khiển người đi trước là tổn phước. Mình chưa phải là bậc tái lai, cho nên phải thọ giới Tỳ-kheo để làm Phật sự, không thôi mình cứ ỷ lại, ở suốt trong Tùng lâm.
Đến các chùa Tịnh Độ, người ta hỏi quý thầy mấy hạ, vị nào ít tuổi hạ phải ngồi sau, chứ không đủ tư cách ngồi trước. Như vậy cũng có lý. Hai người xuất gia cách nhau ba năm nhưng cùng thọ giới một lúc, người nào thọ giới đàn trước thì người đó làm sư huynh. Chẳng hạn như tôi thọ giới đàn thứ ba, vị thầy kia xuất gia trước tôi ba năm mà thọ giới đàn thứ mười thì cũng là sư đệ tôi. Người nào tác pháp Yết-ma trước thì người đó làm sư huynh, rõ ràng như vậy.
Đó là do tích sau đây: Bảy vương tử xuất gia cùng một ngày trong đó có Đề-bà-đạt-đa, A-nậu-lâu-đà… Người nghèo khó nhất là thợ hớt tóc Ưu-ba-ly được đề nghị xuất gia trước làm sư huynh, để dẹp đi cái bản ngã huân tập vương tính còn trong dòng họ Thích. Cùng xuất gia trong một ngày, ai cạo tóc trước người đó là sư huynh, đủ tuổi thì thọ giới luôn, chớ không phải đợi hai ba năm như bây giờ.
“Cụ túc giới nghĩa là: Năm giới, tám giới, mười giới chưa phải là cụ túc, duy Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni giới mới gọi là cụ túc. Đây nghĩa là người tấn thọ để tâm tròn đủ mong cầu thiện pháp, ngay nơi tác pháp Yết-ma được tánh Tỳ-kheo.”
Túc tức là đủ. Cụ túc tức là tròn đủ hạnh nguyện. Mình xuất gia tu tập phải thọ giới cụ túc này. Ba lần tác pháp Yết-ma thì mới được gọi là tánh Tỳ-kheo: Tăng Tỳ-kheo hoặc Ni Tỳ-kheo thì mới tròn đủ tánh đức.
Trong Chuẩn Nhữ Định Luận có nói:
“Trong có bốn phần nghĩa nhiếp:
1- Thọ cụ túc: Nghĩa là người thọ giới được ban lời dạy bảo không lầm nên gọi là chẳng quên. Tâm chẳng tương ưng, liên tưởng biến khắp, trước thọ mười giới nay cầu cụ giới, tai nghe Yết-ma, niệm chẳng biết thường.
2- Tỳ cụ túc: Nghĩa là trong 250 giới tướng đều không có hỷ mốc.
3- Hộ tha tâm cụ túc: Nghĩa là trong bốn nghĩa cụ túc có một phần cụ túc oai nghi, hay làm tăng trưởng tín lạc cho người khác.
Tức là trong đó có một phần, gọi là cụ túc oai nghi. Người mà thọ, đắc được pháp này thì tự nhiên thần tướng lộ ra khiến ai cũng khiếp phục. Có những người vừa thọ giới xong, thì Tăng tướng họ lộ ra liền, ngay cả lúc đang còn là Sa-di.
4- Cụ túc thủ kỳ: Nghĩa là sau khi đắc giới rồi tận hình thọ trì trước sau không phạm.
Có bốn nghĩa này nên nói là giới cụ túc. Phàm làm thầy nên phải hỏi cho tường tận. Gốc của Sa-di là thọ mười tri giới tướng, chính là hai mươi bốn cửa oai nghi có thể từng hiểu rõ, đọc tụng, hành trì chăng? Như mờ mịt chẳng biết, lơ là chẳng học, chẳng có thể ứng đối thì chẳng có nên thọ trì. Vì sao? Nghĩa là Tăng bảo Tỳ-kheo tối tôn tối trọng, chẳng phải là cầu may có thể được.”
Không phải như mình đi thi mà cầu may. Quý thầy đi thọ giới không có chuyện đút lót tiền, hoặc nói mình thọ cầu may cũng không được. Sau này làm thầy, quý thầy phải hỏi cho tường tận: “Gốc của Sa-di là gì?”, “Tại sao ông đi tu?”, “Khu Ô Sa-di là gì?”, “Danh tự Sa-di là gì?”, “Ứng pháp Sa-di là gì?”, “Hình đồng Sa-di là gì?” Không phải mình khó nhưng phải hỏi cho kỹ, nhiều khi mấy người đi thọ cầu may chứ không học, không chịu hành trì. Trường hợp này cho rớt, phải khó như vậy mới được. Vì ngài nói: “Tăng bảo Tỳ-kheo tối tôn tối trọng, chẳng phải là cầu may có thể được.”
Chẳng hạn như quý thầy nếu không học, không tu, không hành trì mà khi đi một đoạn đường trên xe, gặp ngoại đạo hỏi về giáo lý Phật đà quý thầy trả lời không được thì bị mất gì? Nhà Phật nói mất hạt giống Bồ-đề của người ngoại đạo đó. Còn nếu mình nói thế nào, mà ngoại đạo tâm phục khẩu phục, thì mình cũng được tăng trưởng phước đức. Nên phải học, phải tu, phải hành trì. Nhiều khi họ thấy oai nghi, phép tắc của mình họ cũng kính nể.
Vào thời đức Phật, có thầy Tỳ-kheo đi đường mắc tiểu chạy vô bụi, không kịp ngồi mà đứng tiểu luôn. Lúc đó có ông cư sĩ đi ngang nói: “Ông Sa-môn này không có oai nghi phép tắc gì hết.” Tình cờ một người ngoại đạo lõa thể đi ngang qua nghe vậy giựt mình nghĩ: “Ông Tỳ-kheo này ổng chạy vô bụi đứng tiểu, có che lại mà cư sĩ còn chê, huống chi mình áo quần không mặc mà họ cũng không chê cười gì hết. Như vậy pháp của vị Sa-môn này chắc thù thắng, tối tôn, tối trọng, tối thượng lắm.” Từ đó vị ngoại đạo lõa thể này phát tín tâm đến gặp Phật xuất gia. Quý thầy thấy không? Mắc tiểu cũng phải ráng đi từ từ, chứ nhảy xuống xe mà chạy, Phật tử thấy họ nói liền: “Thầy kỳ cục.”
“Phải dạy rằng: Người là Sa-di song những việc làm của Sa-di chính ngươi không biết huống là bậc Sa-môn là việc lớn khó làm. Ngươi phải trở về học cho thuộc, thảy đều nghe biết mới được thọ giới cụ túc.”
Tức là đuổi về học lại lần nữa thì mới cho thọ. Nên bây giờ quý thầy phải học trước, học thuộc bốn cuốn luật nữa.
Chú: Sa-Di Học Xứ ghi:
“Sa-di tuy là tiểu chúng đều có thể nối dòng Tam bảo, lợi ích quần sanh.”
“Lại như cha gọi con. Nghĩa là Sa-di là hậu duệ của Tỳ-kheo.”
Tức là mình phải kính trên, nhường dưới.
Có một vị tướng quốc gọi thiền sư Nhất Hưu:
- Ông Sa-di đầu trọc!
Ngài không trả lời, tướng quốc lại tiếp tục gọi như thế. Lúc này thiền sư Nhất Hưu lần lượt cầm hai củ cải đưa lên, một lớn, một nhỏ hỏi tướng quốc:
- Củ này là củ gì?
Tướng quốc đều đáp:
- Củ cải.
Thiền sư Nhất Hưu hỏi:
- Tại sao lớn cũng kêu củ cải mà nhỏ cũng kêu củ cải?
Có nghĩa Hòa Thượng là Tăng bảo mà tôi cũng là Tăng bảo. Ông kêu Sa-di đầu trọc đâu có được.
“Chẳng biết chỗ thực hành của Sa-di, nên nói: Con làm Sa-di còn chẳng am hiểu chỗ thực hành của Sa-di, lại mong mỏi hành trì luật Tỳ-kheo ư? Việc lớn Sa-môn khó làm nghĩa là giới pháp Tỳ-kheo luật chế nghiêm cẩn rất khó hành trì.
Nên Kinh Pháp Hoa nói: Lại thấy giới cụ túc oai nghi không có khiết tịnh như bảo châu để cầu Phật đạo. Chớ xem thường dễ duôi! Bằng nay ba thầy trao cho giới cụ túc rồi người ta bảo Phật pháp dễ hành, Sa-môn dễ được, vì thế nên phải hỏi trước.
Những phép tắc, chương điều dưới đây được rút ra từ các Kinh: Sa Di Oai Nghi, Thanh Qui Xưa, Sa Di Thành Phạm Thời Nay. Lại Bộ Hành, Bộ Luật Nghi của Tuyên Luật sư tuy là để dạy cho hàng Tân Tỳ-kheo nhưng có những điều học chung được nên cũng rút ra. Bởi con người thời mạt pháp phần nhiều biếng nhác, nghe nhiều thì chán, do đó bỏ bớt những chỗ rườm rà, chỉ dạy những điều chính yếu và chia loại ra để tiện đọc học. Trong bài có chỗ còn thiếu theo nghĩa thêm một đôi câu.”
Các bài mới
- Tỳ ni con đường chuyển hóa nội tâm - 24/06/2015
- Tỳ ni con đường chuyển hóa nội tâm: Chương 1 - Dẫn nhập - 23/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 1 - Tảo giác - 22/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu - 22/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 2 - Minh chung ( Thỉnh chuông) - 21/06/2015
Các bài đã đăng
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 3- Văn chung ( Nghe chuông ) - 20/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 5 - Hạ đơn ( Xuống đơn) - 18/06/2015
- Tỳ ni nhật dụng thiết yếu: Bài 4 - Trước y (Mặc áo) - 18/06/2015
- BÀI 7: XUẤT ĐƯỜNG - Ra khỏi đường - 17/06/2015
- Bài 6:HÀNH BỘ BẤT THƯƠNG TRÙNG(Bước đi không hại sâu bọ) - 17/06/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89395
- Online: 24