Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 13): Vào nhà xí

12/02/2018 | Lượt xem: 3554

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Đà Lạt

13. Vào Nhà Xí

Trong Truy Môn Cảnh Huấn nói:

“Pháp lên nhà xí luật chế rõ ràng, vốn là khiến muốn nghiêm trang thanh khiết tự thân, để tiện thân cận Thánh Hiền nên rửa sạch. Rửa tay mỗi mỗi có phép tắc. Ví như các pháp chưa trọn thì lễ Phật, tụng kinh, thắp hương, cầm nắm quyển kinh, tất cả đều là bất tịnh không có đúng pháp.”

 

Học oai nghi rất hay! Từ ngày, soạn Oai Nghi, tôi học nữa thì mỗi mỗi tự nhiên mình vào khuôn phép lúc nào không hay, làm cái gì mình cũng rất sợ, bởi vì nó vô trong tàng thức mình rồi.Làm cái gì nó cũng hiện ra hết.

Vào đây tu Phật rồi, mình thấy ở ngoài đời mình làm, đều là trật hết. Tại sao học luật Tỳ Ni, Sa Di, Oai Nghi, quý thầy thấy mình giống như hàng vương tôn công tử, trưởng giả đi tu chứ không phải là người ăn mày, ăn xin? Bởi vì Giáo chủ của mình, thủy tổ nói về giới luật chính là Đức Phật. Mà Đức Phật thì sanh trưởng trong vương cung, là Hoàng thái tử. Hoàng thái tử thì phải đủ oai nghi phép tắc, đi ra đường giống như long, như tượng, như sư tử chúa, chứ không phải như mèo, như chuột. Cho nên trong nhà thiền còn khẳng định là rồng, cọp, sư tử mới đi tu, còn thằn lằn, cắc ké tu không được. Phải có đại lực lượng, đại dũng mãnh mình mới xuất gia.

Vào nhà xí là muốn nghiêm trang, thanh khiết tự thân để tiện thân cận với Thánh Hiền. Mình tụng kinh, lễ Phật, thắp hương, rồi cầm nắm quyển kinh, tất cả đều phải sạch.

Mấy vị thị giả kể lại cho tôi nghe, có những lúc Hòa thượng bệnh nặng lắm đúng ra không được rửa nước mà mỗi khi tiểu tiện, đại tiện xong, Hòa thượng đều rửa nước. Hòa thượng nói nó ăn sâu trong tàng thức rồi, tiểu hoặc đại tiện xong phải rửa tay liền, chứ không dám mà không rửa tay. Phải học Hòa thượng, ngài là vị Thiền sư, vị Tổ mình tôn thờ mà ngài còn kỹ như vậy, huống chi mình là phàm phu, đạo lý chưa thông. Cho nên mình đừng bỏ qua chỗ này.

“Vừa muốn đại, tiểu tiện phải đi liền, đừng để trong thúc lật đật.”

Chẳng hạn, có người muốn đi mà không chịu đi, ráng ngồi nói chuyện đến lúc không chịu nổi lật đật chạy, nhiều khi đụng phải người khác. Vừa muốn đại tiểu tiện phải đi liền, để làm gì? Mình đi từ tốn. Còn đau bụng quá thì phải chạy, nhiều khi vấp té.

Có cô cư sĩ kể rằng, cô rất có tín tâm với một vị thầy, đây tôi giấu tên. Một hôm, cô đi theo đoàn do vị thầy này hướng dẫn, không biết vị thầy này ăn gì bị chột bụng sao đó, thầy vừa đi vừa chạy, vừa vén quần lên, cô nói từ đó về sau cô không còn tín tâm nữa.

Quý thầy phải kinh nghiệm, đừng ham dắt Phật tử, phái đoàn đi chơi, có những lúc quý thầy mà ăn khế chua, me chua gì đó nó chột bụng, xuống phải đi trước Phật tử giành cầu tiểu, cầu tiêu làm họ mất hết tín tâm.

Kinh nói:

“Tất cả chúng sanh đều nương sự ăn uống mà sống còn, nghĩa là thêm nhuận các căn, nuôi lớn bốn đại. Đã có đồ ăn uống vị bổ vào ruột, bao tử, thời chất khinh thăng lên, chất trọng chợt rớt xuống nên có đại, tiểu. Có thể thấy trong một thân người gồm có thế giới tịnh và uế, hay là tịnh là tưởng, uế là tình.”

Kinh nói tất cả chúng sanh đều nương sự ăn uống mà sống còn, không ăn thì sẽ chết. Ăn uống thì thêm nhuận các căn, thân thể hồng hào, khỏe mạnh. Khỏe mạnh thì phải đại tiện, tiểu tiện. Hòa thượng nói, hạnh phúc của con người là ăn được phải đại tiện được, ăn được mà đại tiện không được là phải đi bác sĩ.

Ở đây lý thiền rất sâu, chất khinh thì vượt lên, tiêu biểu cho tâm hồn thánh thiện, hướng thượng. Chất trọng rớt xuống, tiêu biểu cho những tham dục, sân hận, tật đố phải buông xả xuống hết.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật hiển phát cho Tôn giả A-nan tình và tưởng, hay nói khác hơn, tịnh và uế, chúng ta học thêm cho biết:

“Này A-nan! Nhân ái nhiễm phát khởi vọng tình, tình chứa không thôi sanh nước ái. Gặp thức ăn ngon, miệng chảy nước miếng; thương nhớ người thân, con mắt lệ tuôn trào; tham cầu vật báu, thân toát mồ hôi; vướng mắc dâm dục, hai căn nam nữ chảy dịch khí.”

Phật giải thích cho Tôn giả A-nan biết, khởi vọng tình thì tình chứa không thôi sanh nước ái, có nghĩa là vọng tưởng liên tục thì cảm sanh ra nước ái. Sau khi chết, năng lực của nước ái phát sanh, và tâm biến hiện ra cảnh giới để mà thác sanh vào.

Gặp thức ăn ngon miệng chảy nước miếng. Quý thầy nghe câu chuyện Tam quốc chí, Tào tháo dắt quân đi dọc đường khát nước quá chịu không nổi, ông nói với quân lính còn một cây số nữa thôi là gặp rừng mơ. Vừa nghe đến rừng mơ là lính chảy nước miếng, bớt khát. Do tâm thức mình biến hiện ra chứ không có gì lạ.

Thương nhớ người thân con mắt lệ tuôn trào. Quý thầy ngồi đây tưởng tượng, mẹ mình ở nhà phải đi gánh nước hay làm gì cực khổ, tự nhiên quý thầy khóc. Ngày xưa, ở Thường Chiếu có bảy, tám thầy nhỏ nhỏ tội lắm, mới mười một, mười hai tuổi vào tu, chiều lại là ra trước đường ngồi khóc. Hỏi sao khóc? Nói nhớ mẹ quá khóc.

Tham cầu vật báu thì thân toát mồ hôi, vướng mắc dâm dục thì hai căn nam nữ chảy ra dịch khí, tức là chảy đồ bất tịnh.

“A-nan! Vật ái tuy khác nhưng đồng cảm nước chảy xuống là tướng sa đọa, đây là nội phận của chúng sanh. Này A-nan! Khát ngưỡng phát minh lý tưởng, tưởng mãi sanh thắng khí. Tâm giữ cấm giới thì thân thể khinh an, tâm trì chú ấn thì con mắt hùng nghị.”

Mình giữ được cấm giới của Phật thân thể rất nhẹ và an ổn, rất dễ đi sâu vào thiền định. Những vị tu Mật tông con mắt rất có hùng, giống như mắt sư tử vậy.

Trong kinh Di Giáo, Phật nói:

“Dầu ta có trụ thế ở đời hoặc ta không ở đời này nữa thì mấy ông cũng lấy giới luật làm đầu.”

Phải có giới mới vào định được, có định mới phát huy được trí huệ, đừng nghĩ bản tánh mình tự tịnh, tự định. Nếu chúng ta phạm giới luật thì khi ngồi thiền, hình ảnh đó lúc nào cũng hiện ra làm cho tâm mình không được khinh an. Tâm không khinh an thì định không sanh. Định không sanh thì trí huệ không phát.

“Tâm ước sanh thiên, chiêm bao thấy bay lên, tâm tưởng cõi Phật, thắng cảnh thầm hiện, thờ thiện tri thức coi nhẹ thân mình. Này A-nan! Đối tượng tâm tưởng tuy khác nhưng thắng khí cất lên thì đồng, đây là ngoại phận của chúng sanh.”

Chúng ta tưởng sanh về cõi trời thì chiêm bao thấy mình đi lên cõi trời, thấy những cảnh giới lành, tưởng về cõi Phật thì thắng cảnh hiện ra, ứng hợp.

“Này A-nan! Thế gian sống chết tiếp nối, sống thuận tập quán, chết theo nghiệp đổi dời. Mạng chung khi chưa hết hơi nóng, thiện ác một đời cùng hiện ra. Chết nghịch, sống thuận hai tập khí giao sang với nhau.”

Phật dạy tiếp, lúc mạng chung, mình chưa hết hơi nóng thì thiện ác một đời nó hiện ra để ứng hợp với hoàn cảnh tái sanh. Hằng ngày làm thiện pháp nhiều thì hiện cảnh chư thiên, cảnh A-tu-la. Có tâm niệm tốt hay có phát nguyện lớn thì hiện cảnh giới Phật. Còn làm ác thì hiện ra cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Thần tưởng thì bay lên. Nếu có phước đức, trí huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm khai ngộ, thấy mười phương cõi Phật theo nguyện mà vãng sanh.”

Theo như trên, nếu chúng ta ăn đồ ngon, chất bổ thì thêm nhuận các căn. Lý ở đây rất sâu, đồ ăn uống, vị bổ không phải là táo, lê, hay món gì, mà là chúng ta nghe pháp, học hỏi chánh pháp, tu thiền định, thờ thiện tri thức thì cái tưởng bay lên. Có những người được nghe chánh pháp, bảo họ nhịn đói họ cũng chịu.

Thần tưởng bay lên tức là buông xả cái uế khí tham, sân, si. Vào nhà cầu, quý thầy quán tưởng thật sâu, từ tâm mình ứng ra mình nói, buông xả những chất uế khí này tức là chất tham, sân, si. Chẳng hạn mình khởi niệm sân hay niệm tham, niệm gì đó, mình nói thôi ráng buông bỏ những thứ này.

Còn nếu có phước đức, trí huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm mình khai ngộ. Tức khắc mười phương cõi Phật ứng hiện ra, thì thác sanh tùy theo nguyện lực của quý thầy.

“Tình ít mà tưởng nhiều thì bay lên không cao, làm Đại lực quỷ vương, Phi hành dạ-xoa đi khắp bốn cõi trời. Nếu có nguyện hộ pháp thì theo người trì giới, trì chú, thiền định, thường ở dưới pháp tòa của Như Lai.”

Nếu tình ít mà tưởng nhiều, tức là có năng lực tu tập thì làm Đại lực quỷ vương có năng lực lớn. Nếu có tâm nguyện hộ pháp thì hay theo những người trì giới, trì chú, thiền định, thường ở dưới pháp tòa của Như Lai nghe pháp, bảo vệ Phật pháp. Cho nên mình phát nguyện, nếu chưa được giác ngộ giải thoát, thì làm hộ pháp già lam cũng được vậy, chứ đừng có đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

“Tình, tưởng trong nhau không lên, không xuống, sanh về nhân gian. Nhiều tưởng thì thông minh, nặng tình thì ngu độn, tình sanh thì trí cách.”

Nhiều tưởng thì thông minh, tưởng ở đây không phải là vọng tưởng. Mình cũng thông minh, cũng có trí huệ mà trí huệ thế gian. Chẳng hạn, những vật dụng của chúng Tăng mình lấy về chia sẻ cho gia đình thì gọi là tình sanh mà trí cách. Cũng là thông minh vậy nhưng thông minh này là lo cho bản thân mình, lo cho gia đình.

“Tình nhiều, tưởng ít lạc về bàng sanh, nặng thì làm loài có lông, nhẹ thì làm giống có cánh.”

Nặng làm loài có lông tức là heo, bò, chó. Nhẹ làm những loài có cánh như chim sẻ, chim bồ câu, chim uyên ương. Quý thầy thấy những con chim đó sanh trưởng rất nhiều.

“Bảy tình, ba tưởng chìm xuống dưới thủy luân, sanh nơi mé hỏa luân, chịu khí phần của lửa, thân làm ngạ quỷ thường bị đốt cháy, trải trăm ngàn kiếp không ăn không uống. Chín tình, một tưởng xuống thấu hỏa luân vào giữa giao giới phong luân và lửa, nhẹ vào hữu gián địa ngục, nặng vào vô gián địa ngục.”

Vô gián địa ngục nghĩa là cái khổ không bao giờ gián đoạn.

“Thuần tình chìm sâu vào địa ngục A-tỳ, nếu lại có tội phỉ báng Đại thừa, phá cấm giới của Phật, giả dối nói pháp để cầu danh lợi hoặc phạm ngũ nghịch, thập trọng thì sanh về mười phương địa ngục.”

Không phải mười phương cõi Phật mà mười phương địa ngục! Thọ khổ hết địa ngục này rồi qua địa ngục khác, nếu phạm tội ngũ nghịch. Mình đừng nghĩ là Phật dọa. Con mắt Phật, Phật thấy được, thương xót mình mới nêu ra cho mình biết.

“Ở trên sào tre vắt áo trực chuyết xếp cho bằng phẳng, lấy khăn tay hoặc dây lưng buộc nó là nghĩa chi vậy? Làm cho nhớ lấy, sợ rớt xuống đất.”

“Phải thay đổi giày dép, chẳng nên giày sạch mà mang vào nhà xí. Khi đến nhà xí phải đờn chỉ ba tiếng cho người trong biết, chớ nên hối thúc người trong ra cho mau.”

“Lúc lên ngồi trên nhà xí lại phải đờn chỉ ba tiếng thầm tưởng bài kệ:

Khi đại tiểu tiện,

Nguyện cho chúng sanh,

Bỏ tham sân si,

Sạch hết các tội.”

Từ ngày dạy Oai Nghi, vào nhà cầu, bất cứ giờ phút nào tôi cũng nhớ búng ba cái và thầm đọc bài kệ. Quý thầy có búng không? Nếu không búng thì sao? Trong kinh Thí Dụ ghi, có một thầy Sa-môn vào tiểu tiện, đại tiện không đờn chỉ, xối nhầm trên mặt con quỷ trong nhà xí, quỷ cả giận muốn giết Sa-môn, nhưng Sa-môn kia nhờ giữ giới cấm nên quỷ nọ không thể hại được.

Trong kinh diễn tả cho mình thấy những cảnh giới thọ khổ của chúng sanh. Có những loài quỷ vào nằm trong nhà xí, rớt xuống bao nhiêu là nó ăn hết, nó ngửa mặt lên nó ăn. Quý thầy đờn chỉ để nó chuẩn bị hả miệng ra. Ăn những thứ như vậy mà nó thích thú. Nếu không đờn chỉ thì nó ngủ, cho nên ông Sa-môn đại tiện rớt trúng mặt nó, nó nổi sân, ý sao không báo trước.

Ở đây, mình hiểu nghĩa sâu một chút nữa là trong lúc đại, tiểu tiện, mình phải có chánh niệm. Vào nhà cầu, đờn chỉ ba cái là lúc này mình đang chánh niệm, trở về chỗ thực tại. Mọi cử chỉ hành động đều thu thúc hết thì tự nhiên con quỷ nó không sân nữa. Nếu không chánh niệm, nhiều khi mình tiểu tiện rớt nhầm vào chân, rồi mình sân lại chính mình nữa.

Cho nên nói, một người phát tâm xuất gia, chuẩn bị cạo tóc là cõi tam thiên, đại thiên thế giới chấn động. Nghe vậy lại tưởng trên đó chấn động, không phải, mà tâm mình chấn động. Thấy quý thầy chuẩn bị thọ giới pháp của Phật, tự nhiên xúc động mình khóc, đó là tam thiên, đại thiên thế giới chấn động. Những cảnh giới thiện pháp bây giờ nó rung động, nó tác động đến tự nhiên mình khóc. Rồi mình thương cảm đến các loài chúng sanh. Ráng tu học Phật pháp, giữ oai nghi phép tắc để dìu dắt người hậu học thì tam thiên, đại thiên thế giới chấn động.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Lúc đại tiểu tiện đương nguyện chúng sanh. Nghĩa là Bồ-tát lấy việc lợi sanh làm tâm niệm, phàm khởi một niệm tức nguyện độ sanh.”

Lúc đại tiểu tiện mình phải phát nguyện. Bồ-tát chỉ lấy việc lợi sanh làm tâm niệm, khởi niệm đều là niệm độ sanh. Phàm khởi một niệm tức là mình đã độ sanh rồi. Khởi một niệm tốt: “Khi đại, tiểu tiện nguyện cho chúng sanh bỏ tham sân si.” Mình và tất cả mọi người đều bỏ tham sân si thì chính là mình bước vào con đường Bồ-tát đạo, đang học hạnh Bồ-tát.

“Bỏ tham sân si sạch hết các tội, vì ba độc này làm ô uế thân tâm, như pháp trói buộc chẳng được tự tại nên dụ như là uế, là phân. Nói ta nay bỏ uế bỏ phân như trừ các tội, thanh tịnh không nhơ cũng nguyện cho chúng sanh thanh tịnh không có cấu nhiễm.”

Khi đã trong sạch rồi thì mình mong muốn tất cả huynh đệ đều trong sạch như mình. Đó là mình đang thực thi con đường Bồ-tát đạo.

Trong Tỳ Ni có ghi:

“Tham, sân, si là ba độc phiền não, nay dùng trừ bỏ món uế trược bất tận mà để đối trị ba độc cho sạch hết, ba độc này là nguyên nhân nghiệp tạo tội.”

Có nghĩa là do ba độc tham, sân, si này mà mình luân chuyển trong sanh tử. Ở đây mình phải phát nguyện làm cách gì để đoạn trừ.

“Nay quyết dùng giới phòng nó. Nhân ba độc đã không thì nghiệp quả về sau đâu còn, nên Cổ Đức nói: Hướng vào lúc mặc áo, ăn cơm, nơi xả đại, phóng tiểu mà không tạp dụng tâm tức là công phu tốt, lo gì chẳng thấu thoát.”

Muốn đoạn tham, sân, si phải dùng giới luật mà đoạn, mà phòng bị nó. Cổ Đức khuyên mình lúc mặc áo cũng chánh niệm, ăn cơm cũng chánh niệm, rồi nơi đại, tiểu tiện cũng chánh niệm. Không có tạp dụng tâm gì hết tức là công phu tốt, các ngài nói lo gì mà chẳng thấu thoát.

Trong sử ghi lại, có một vị Thiền sư công phu rất miên mật. Vào nhà cầu ngài cũng tâm niệm tu hành. Một hôm, đụng gốc cột, tự nhiên ngài phát minh tâm địa. Còn mình đụng gốc cột, chạy xuống Thầy Thông Giáo nhờ thầy băng thì khác với người công phu rất là xa.

“Nếu ngộ được bổn nguyên tịnh uế này thời có thể ngộ cõi đại thiên thế giới chẳng ở ngoài tâm. Từ đó nhơ hết, tâm sạch, liền biết ba thân ta làm ra pháp giới, pháp giới làm ra thân, thân ta và pháp giới chẳng một chẳng hai thì ba độc tự nó trừ.”

Tam giới từ do tâm thức biến hiện ra. Biết được như thế rồi thì phải phát nguyện đoạn trừ nó.

“ Chẳng được cúi đầu ngó xuống.”

Chẳng hạn quý thầy đi cầu mà bữa nay biết mình bị tiêu chảy, hay gì đó thì có quyền ngó. Còn bình thường thôi đừng ngó, ngó xuống sợ nó sanh khởi đủ thứ.

“Chẳng được cầm cỏ mà vẽ trên đất.”

Sa Di Học Sứ ghi:

“Tục lệ ở Tây Trúc dùng cỏ lau làm cỏ nhà xí, người ngu chẳng biết trên nhà xí vẽ chữ, vẽ trên tường thì không được.”

Ngày xưa, ở một ngôi chùa nọ (tôi giấu tên chùa), tôi thấy một thầy ghi trên tường nhà cầu bất cấu, bất tịnh, có nghĩa là chẳng dơ, chẳng sạch. Tôi nghĩ thầy này hay quá, tường nhà cầu mà ghi thiền trên đó. Tu một thời gian ông ra đời, nghe nói khổ lắm. Bây giờ học luật mới biết là trật pháp. Chính tôi ở chùa đó tôi biết, thầy Trụ trì không dạy oai nghi phép tắc gì hết thành ra đệ tử làm sao biết mà tránh.

“Bèn thành lỗi lớn. Nếu như trên nhà xí, ván tường làm chữ thì là chỗ tạo vật quở trách cho nên không có được.”

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư kể câu chuyện:

Vào đời nhà Minh ở Hồ Châu có một vị đạo sĩ họ Phan đạo pháp rất cao siêu, mỗi lần ông vẽ là thần Tứ Thiên Vương hiện đến.

Một hôm ông vẽ phù chú lên tường nhà xí, Thiên tướng hiện lên hỏi:

- Ông triệu thỉnh tôi đến có việc gì?

Vị này rảnh nên vẽ để triệu thỉnh đến chơi thôi chứ đâu có việc gì.

Ông không dùng đối đáp mà vẽ bùa chú để sai khiến:

- Cây trước cửa nhà vì ta mà dời trồng sau nhà.

Vị tướng nói:

- Việc nhỏ này có ý khinh ta mà triệu thỉnh.

Bèn dùng bút lửa điểm trên đầu vị đạo sĩ mà đi. Sau khi bị điểm, đầu đạo sĩ nổi ung mủ, mủ chảy suốt mà chẳng khô. Lạ một điều, phàm người có họa bệnh nhọt xin nước ung mủ của đạo sĩ bôi xoa thảy đều công hiệu, tức là lành bệnh.

Cho nên phải cẩn thận, vào nhà xí không được vẽ. Ngày xưa Thầy tôi không cho phép viết chữ Hán lên ghế. Chính tôi chứng kiến Thầy rầy các huynh đệ, Thầy nói đây là chữ của bậc Thánh hiền, không được viết trên ghế, trên nhà, trên đồ, mình đạp, giẫm lên không tốt.

“Chẳng được ráng hơi ra tiếng.”

Có nghĩa là “bất đắc nộ khí tác thinh.” Quý thầy phải ghi nhớ chỗ này. Lỡ đau bụng mà bị ra hơi, vào nhà cầu, quý thầy mở vòi nước lên cho nó át bớt tiếng đó. Ngày xưa ở Thiền đường có một thầy ngồi ráng hơi ra tiếng ba bốn cái. Thứ nhất là rất mất oai nghi, thứ hai là động niệm đại chúng. Quả tình, đi đâu cũng nghe nói chuyện đó, hai ngày sau mới hết.

“Chẳng được cách vách cùng người nói chuyện.”

Học oai nghi rất hay. Mình học tự nhiên mình dừng lại rất nhiều.

Kinh Văn Thù nói:

“Khi đại tiểu tiện thân khẩu yên lặng như cây, như đá chớ nên ra tiếng, hộ trì thân khẩu ý thanh tịnh. Cổ Đức nói: Trên nhà xí cùng người nói chuyện tướng rất là hạ tiện.”

Nhà cầu bây giờ riêng biệt kín đáo, chứ ngày xưa nhà cầu dài một dọc chỉ ngăn cái vách thôi. Vào đó thì không được nói chuyện, cũng không được hát. Hát trong nhà cầu là tướng hạ tiện không tốt.

“Chẳng được nhổ phun trong vách.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Có hai cái lỗi: Thứ nhất là sợ đụng nhầm kẻ phi nhân, tự mình mất phước, thứ hai người thấy sanh hiềm khiến quỷ kinh sợ.”

Trong Liệt Vị Truyện có kể câu chuyện:

Đời nhà Tấn, ở Nam Dương có một vị cư sĩ tên là Kinh Bá ban đêm đi gặp quỷ mới hỏi rằng: “Quỷ ghét chỗ nào?” Đáp rằng: “Chỉ phun nhổ người bất thiện.”

Quỷ nói chỉ phun nhổ vào mặt người làm việc bất thiện. Chư Tăng mà phun nhổ nước miếng trong vách, quỷ nó ghét lắm. Nó ghét thì cái phước mình ngày càng tổn giảm.

“Gặp người không nên làm lễ, phải nghiêng mình mà lánh đi.”

“Có hai lỗi: thứ nhất mình thiếu pháp cung kính, thứ hai là không nhằm chỗ mà làm lễ.”

Đi cầu xong mình gặp Thầy trụ trì, hay bất cứ thầy nào cũng không làm lễ gì hết, làm lễ thì thiếu pháp cung kính, và cũng không nhằm chỗ mà làm lễ.

“ Chẳng được đi dọc đường mà buộc dải áo.”

Cái quần của mình có sợi dây, nếu không đứng ở trong buộc, mà mở cửa ra vừa đi vừa buộc thì rất là kỳ.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Khi khác cởi áo hoặc buộc dải cũng chẳng được đi dọc đường buộc và cởi, huống nữa vào nhà xí bày thân, lộ thể ư? Tuy là chỗ dơ uế chẳng có thể dừng lâu, song cũng phải buộc rồi mới đi.”

Tuy là chỗ nhơ uế, tức là mình phải đi cho nhanh thì cũng phải dừng một chút, buộc xong rồi mới đi.

“Đại tiện rồi phải rửa tay cho sạch, như chưa sạch chẳng được cầm vật gì. Phật dạy: Tẩy tịnh như vậy có lợi ích lớn. Phàm là người xuất gia quy y với ta, kính ta làm Thầy đều phải tẩy tịnh. Bằng chẳng y theo pháp tẩy tịnh này chẳng cho nhiễu tháp, đi kinh hành, chẳng nên lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền.”

Có người nói, đi tụng kinh hay đi làm gì đó mà thân bất tịnh thì cũng không sao. Nhưng họ không biết, pháp oai nghi không cho phép, thân mình bất tịnh thì mình không được phước, cho nên thân phải sạch sẽ. Quý thầy mà đủ duyên vào thất, theo tôi kinh nghiệm, trước khi sám hối mình tắm rửa sạch sẽ thì sám hối có năng lực hơn là ba bốn ngày tắm một lần. Có những người ba bốn ngày tắm một lần, nói rằng sám hối do tâm, nhưng mà không phải vậy, nó ứng tác ra mười phương chư Phật chứng giám nữa. Phải học sự, học lý luôn chứ học lý không thì không được.

Phật nói rất rõ, mình không có pháp tẩy tịnh thì đừng nhiễu tháp, kinh hành, lễ Phật, tụng kinh, tọa thiền. Uổng công! Quý thầy đi cầu mà không rửa tay rửa chân cho sạch thì lên ngồi thiền không yên ổn gì.

“Mình chẳng nên lạy người cũng chẳng được chịu người lễ lạy, chẳng nên ăn uống của thường trụ, chẳng ngồi giường chúng Tăng, chẳng được vào trong chúng. Dầu có trì chú, tụng kinh, tọa thiền cũng không có hiệu nghiệm. Dẫu trai tăng cúng dường, tả kinh, tạo tượng được phước chẳng bao nhiêu. Các ông đều phải y lời ta dạy chớ nên khinh dễ, làm việc bất tịnh, biếng nhác buông lung, làm hạnh thấp hèn phải đọa trong ba đường ác.”

Phật thương Phật dạy phải y lời Phật chớ nên khinh dễ làm việc bất tịnh.

Lúc rửa tay thầm tưởng bài kệ:

Lấy nước rửa tay,

Nguyện cho chúng sanh,

Được tay trong sạch,

Thọ trì Phật pháp.

Tức là dùng nước tam muội, nước chánh định rửa tay nhơ bẩn, tham, sân, si, và dùng nước định lóng trong để gạn lọc tham sân, tật đố.

“Nên Phật dạy tay dơ mà cầm kinh dễ bị quả báo làm con trùng trong nhà xí.”

Kinh là Pháp bảo. Tổ Đạt-ma nói: Trong các thứ báu tột của thế gian, Pháp bảo là quý nhất. Mình quý Pháp bảo vì trong đó là lời chư Phật, chư Tổ nói. Chúng ta tôn trọng kinh điển, tức là Pháp bảo thì làm việc gì phải biết thu thúc sáu căn, chánh niệm. Có chánh niệm thì đi cầu ra quý thầy rửa tay rất là sạch.

Trong kinh A-hàm, bộ chín:

Một thời Đức Phật ở tại vườn Kỳ Đà, Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, bấy giờ Đức Phật gọi các thầy Tỷ-kheo, các thầy Tỷ-kheo đều vâng dạ, Phật dạy: “Này các thầy Tỷ-kheo! Có ba pháp thiện đem lại an lạc, người có trí tuệ muốn cầu thiện pháp ấy thì phải hộ trì giới luật”.

Phật nói với các thầy Tỳ-kheo là có ba thiện pháp đem lại sự an lạc, hạnh phúc, an ổn, có chánh định, chánh niệm. Người trí huệ muốn cầu thiện pháp đó thì phải hộ trì giới luật:

1- Muốn được an vui, được tiếng khen đúng pháp thì phải hộ trì giới luật.

Muốn được an vui, an ổn, muốn được chánh định, mười phương đều khen ngợi thì phải hộ trì giới luật.

2- Muốn được an vui, có tài sản vừa ý thì phải hộ trì giới luật.

Muốn được an vui, rồi có tài sản vừa ý, cần gì tự nhiên có để cho mình làm Phật sự thì phải hộ trì giới luật.

3- Luôn nhớ nghĩ về thân thọ này, đời sau muốn sanh vào cõi trời người có trí huệ lớn thì phải hộ trì giới luật.

Người có trí huệ muốn được ba ước nguyện về tiếng khen, lợi ích hiện tại, đời sau sanh vào cõi trời người thì phải giữ giới. Người có trí huệ thực hiện những điều trên thì ngay đời này luôn được an lạc, luôn được hạnh phúc.

Tức là phải giữ giới luật cho được thanh tịnh.

Trong suốt một năm học về giới luật, quý thầy có ý kiến hay thắc mắc gì không?

Hỏi: Khi vào nhà vệ sinh đại, tiểu tiện thì phải thay đổi dép, vậy khi tắm có thay đổi dép không?

Đáp: Khi tắm càng phải thay đổi dép. Ngày xưa mình nghĩ mang dép vào nhà tắm hay vào nhà vệ sinh tiểu tiện thì cũng không có gì, tắm rồi dội thôi. Nhưng ở đây tại sao vào nhà tắm, vào nhà vệ sinh phải thay đổi dép? Mang dép vào nhà tắm, nhà cầu, những chỗ đó không được thanh tịnh, rồi mình đi lên nhà ăn hoặc chánh điện, nhà Tổ, tất cả bị dơ uế. Lý thiền sâu nữa là trước khi vào chỗ đó, mình buông xả hết mọi tư tưởng tạp niệm, không còn tạp dụng tâm nữa.

Buông xả rồi thay thế bằng đức tính từ, bi, hỉ, xả. Có nghĩa là vào cõi đó quý thầy phải quán niệm đây là cõi chúng sanh xấu ác nhất: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Phải dùng năng lực để vào cõi này. Muốn dùng năng lực vào cõi này thì phải thay đổi đôi dép. Đó là thiền. Chuyển rồi thì thấy có năng lực. Kinh Bồ Tát Giới nói: “Người thọ Bồ-tát giới đã bước vào định vị của Bồ-tát”. Bước vào định vị của Bồ-tát rồi thì phải có năng lực quán tưởng là buông xả hết ba độc để vào cõi chúng sanh xấu ác này. Không buông bỏ ba độc đó, chúng ta vào không được. Bởi vì vào đó chúng sanh nghịch duyên rất nhiều, còn ba độc là không làm được.

Nghe nói vậy quý thầy hỏi thầy làm được chưa mà thầy nói. Chưa làm được mà quý thầy phát nguyện là bước vào sơ địa Bồ-tát, định vị Bồ-tát. Bước vào lộ trình Bồ-tát rồi thì đời đời kiếp kiếp quý thầy đều đi vào con đường này. Cho nên Phật nói Địa Tạng Vương Bồ-tát: “Này các Thầy Tỷ-kheo! Địa Tạng Vương Bồ-tát sau khi phát nguyện, năng lực của ngài mười phương cõi Phật không tính đếm được.” Đó là năng lực của người sau khi phát nguyện đi vào cuộc đời này để nhiếp phục chúng sanh.

Cho nên vào đó phải buông bỏ, thay thế một cái gì để hợp cơ với chúng sanh đó. Lúc buông bỏ, thêm một pháp nữa là chúng ta chánh niệm. Quán tưởng như thế rồi thì tự nhiên mình tu hành có niềm vui lớn, không bao giờ thối thoát nữa.

Ngày xưa tôi qua Canada ở một mình, có những người nghĩ tôi chắc chừng ba tháng hay sáu tháng là rớt, ở một mình là rớt liền. Thấy tôi về mọi người nói:

- Ủa, ông còn hả?

Tôi nói:

- Sao không còn?

Bởi vì đi vào cuộc đời làm Phật sự, quý thầy phải có nguyện lực thật sâu thì tự nhiên mọi hoàn cảnh, mọi chướng duyên quý thầy vượt qua hết. Luôn luôn mình nhớ cái nguyện này. Mình sanh ra đời không phải mình ăn, uống, tiểu tiện,... mà còn có một cái gì cao siêu, cao quý hơn. Người tu mà không có mục đích thì bảo đảm rớt. Nếu không có mục đích thì tu một thời gian tự nhiên không còn muốn tu nữa, mình chán pháp xuất thế gian mà lại thèm khát pháp thế gian.

Cho nên vào nhà tắm, cầu tiêu, lúc ăn cơm, lúc làm hành đường, trị nhật đều phát nguyện lực lớn, mà phát nguyện lực rồi thì tự nhiên có năng lực, có sức hút. Chính sức hút đó thì tự nhiên quý thầy ngồi thiền cũng thích, tụng kinh cũng thích, làm thiện pháp cũng thích chứ không còn muốn làm ác pháp nữa

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 12537
  • Online: 22