Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 14): Phép nằm ngủ

17/02/2018 | Lượt xem: 4859

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Đà Lạt

14.Phép Nằm Ngủ

“Nằm phải nằm nghiêng bên hông phải gọi là ngủ kiết tường. Chẳng được nằm sấp cùng nằm hông bên trái.”

Ở ngoài đời, nằm ngủ kiểu nào cũng được. Tại sao chư Phật, chư Tổ dạy, ngủ không được nằm sấp hoặc nằm ngửa, không nằm hông bên trái? Đức Phật sau khi ngộ đạo, Ngài thấu tột được pháp giới, cho nên ngài dạy điều gì đều có mục đích.

Trong ba mươi hai tướng tốt của Phật có tướng chữ Vạn, nghĩa là kiết tường. Kiết tường là sự tốt lành, ngủ theo thế kiết tường thì ít khi nào thấy mộng dữ.

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư dạy:

“Nằm nghiêng hông bên phải là khuôn phép đặc vị của Phật, Tổ. Nghĩa là pháp nằm của Sa-môn phải nằm như sư tử vương tức là giống như sư tử chúa.”

Sư tử chúa lúc nào cũng nằm nghiêng hông bên phải, giống như người tu nằm vậy. Tổ Tuyên Luật Sư dạy, nằm nghiêng hông bên phải là khuôn phép đặc vị của Phật Tổ, chứ không phải chuyện thường. Mười phương chư Phật đều nằm theo thế kiết tường. Quý thầy nằm thế kiết tường được chưa? Nhiều người nói, nằm chừng hai tiếng giựt mình dậy thấy cũng nằm ngửa. Phải tập thường xuyên mới được. Bữa nào quý thầy ăn chiều nhiều, hoặc nói khác hơn là tâm dục mạnh, giựt mình dậy phần nhiều là nằm hông bên trái.

“Xuôi thân nghiêng bên phải sát chiếu, trần hai chân, ngậm miệng, tay phải gối đầu, duỗi tay bên trái để xuôi trên mình, chẳng bỏ niệm huệ, tư duy Tam bảo thì ác mộng chẳng khởi, tâm chẳng điên đảo nên gọi là ngủ kiết tường.”

Kinh Bảo Lương có nói:

“Nằm ngửa là cách nằm của loài A-tu-la.”

Ngày xưa ở quê tôi có một vị Hòa thượng, đợi chúng ngủ hết rồi Hòa thượng đi xuống coi từng đơn, Hòa thượng nói, nhìn thế ngủ của người nào là biết người đó từ cảnh giới nào đến. Chẳng hạn, nằm sấp là từ cảnh giới ngạ quỷ đến. Nằm hông bên trái là cách nằm của người tham dục.

“Đến cuối đêm liền dậy, ngồi ngay lo nghĩ chánh nghiệp của mình. Cũng chẳng nên nằm ngủ ngáy pho pho.”

Đến cuối đêm, ba giờ hoặc ba giờ mười lăm là phải dậy liền, ngồi ngay lại lo nghĩ chánh nghiệp của mình. Chánh nghiệp của người xuất gia là làm thế nào đoạn hoặc, chứng chơn, tức là tiêu dung vọng tưởng của mình, để đạt đến chỗ cứu kính Niết-bàn. Cũng chẳng nên nằm ngủ ngáy pho pho, có nghĩa là phải làm chủ được thân, khẩu, ý tức là làm chủ được ba nghiệp.

Thiền sư Bạch Ẩn nói:

“Nếu bạn là tớ gái, là người lái thuyền, là người nghèo cùng nhất trong xã hội mà làm chủ được thân, khẩu, ý thì bạn cũng là một người giàu có vô song, đạo hạnh và trí huệ. Nếu chưa làm chủ được thân thì dầu bạn là vua, là đại thần, chức tước bổng lộc thật cao thì bạn cũng là một người nghèo nàn, thấp kém và ngu dốt nhất.”

Ba giờ mười lăm, đại chúng dậy hết mà mình còn ngủ là chưa làm chủ được thân. Lên ngồi thiền, mình tiếp tục ngủ nữa thì càng chưa làm chủ được thân.

Thiền sư Bạch Ẩn khẳng định, dầu là người thất học, nghèo nàn mà làm chủ được thân, khẩu, ý thì cũng là người giàu có, đạo hạnh và trí huệ. Còn biện luận siêu phàm cỡ như Lâm Tế, Đức Sơn mà không làm chủ được thân, khẩu, ý, thì cũng là người ngu dốt, thấp kém nhất.

Thiền sư Tông Mật dạy:

Tác hữu nghĩa sự,

Thị tỉnh ngộ tâm.

Tác vô nghĩa sự,

Thị cuồng loạn tâm.

Cuồng loạn tùy tình niệm,

Lâm chung bị nghiệp khiên.

Tỉnh ngộ bất do tình,

Lâm chung năng chuyển nghiệp.

Có nghĩa là:

Làm việc có nghĩa,

Là tâm tỉnh ngộ.

Sáng đại chúng đều dậy hết thì mình dậy, tức là tâm tỉnh ngộ. Tâm tỉnh ngộ để gia công tu tập thiền định. Nếu không chịu dậy mà tiếp tục ngủ là:

Làm việc vô nghĩa,

Là tâm cuồng loạn.

Bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ hết tất cả vào Thiền viện tu tập, mà không lo suy nghĩ chánh nghiệp của mình, thì Thiền sư Tông Mật nói mình làm việc vô nghĩa.

Cuồng loạn theo tình nghiệp,

Lâm chung bị nghiệp lôi.

Mình không tỉnh thức, cuồng loạn, không chuyển hóa những vọng tưởng điên đảo, thì khi chết chắc chắn bị nghiệp lôi. Thiền sư Bạch Ẩn nói cọp, sói, sư tử cho dù hung dữ cũng không sợ, bởi nó giết mình chỉ một đời thôi, nhưng vọng tưởng thì giết mình vô số kiếp.

Tỉnh ngộ không theo tình,

Lâm chung hay chuyển nghiệp.

Trong lúc tỉnh ngộ, không chạy theo vọng tình điên đảo thì lúc chết, người này có năng lực chuyển được nghiệp khổ thành nghiệp vui, nghiệp thanh tịnh.

Lục Thiện Kiếm nói:

“Khi gần sắp ngủ, trước phải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.”

Ở đây không phải lục niệm của Phật A-di-đà. Theo tinh thần Kinh Tạp A Hàm, lục niệm là:

1- Niệm Phật có nghĩa là nghĩ nhớ công đức vô lượng đại từ đại bi của chư Phật.

Nằm nghiêng hông bên phải rồi nghĩ nhớ đến công đức vô lượng, đại từ đại bi của chư Phật. Nếu Đức Phật không bỏ hết gia sản, vợ đẹp con thơ để xuất gia tầm đạo thì ngày hôm nay, mình không biết được chánh pháp của chư Phật. Nghĩ nhớ đến công đức vô lượng đại từ đại bi của chư Phật, thì có một năng lực sung mãn tác động đến. Chẳng hạn, người nào đi qua Ấn Độ lễ tứ động tâm, nếu trong giờ phút thực tại đó đang lễ Phật, hay đang nhiễu tháp mà chết thì tức khắc được sanh thiên. Nghe thế tưởng đạo Phật mê tín, nhưng không phải, động tâm là rung cảm tâm thức của mình. Lúc này không còn nhớ nghĩ niệm ác nữa, nên vừa chết là có một năng lực lớn đưa thẳng mình về cảnh giới lành.

2- Niệm Pháp tức là nghĩ nhớ ba tạng, mười hai loại kinh của Đức Phật đã dạy để làm lợi ích cho khắp tất cả chúng sanh.

Mục đích chính của người tu là làm lợi ích cho khắp tất cả chúng sanh. Trước khi ngủ, mình nghĩ nhớ ba tạng kinh chứ không phải nằm lại nhớ chuyện gia đình, chuyện xã hội. Những người còn trẻ đi xuất gia thì dễ. Người lỡ lập gia đình rồi, đi tu mà nhớ nghĩ chuyện gia đình thì phải tìm cách chuyển hóa những hạt giống này liền, nếu không những hạt giống này sẽ lôi mình ra, không còn được tiếp tục tu hành trong chánh pháp của Phật. Cho nên phải nhớ đến pháp, là nghĩ nhớ đến những lời kinh chư Phật, chư Tổ dạy để mình thâm nhập, làm lợi ích cho chúng sanh.

3- Niệm Tăng là nghĩ nhớ chư Tăng đầy đủ giới - định - tuệ, làm ruộng phước cho chúng sanh.

Tức là nghĩ nhớ tới đại chúng. Không nghĩ chuyện hơn thua, hận thù hay tật đố mà chỉ nhớ đến công hạnh lớn của chư Tăng, đã vì đại chúng vừa làm việc vừa tu giới, tu định, tu tuệ. Nhờ những vị này mà chúng sanh làm ruộng phước được. Nghĩ như vậy quý thầy rất an ổn, lỡ chết cũng được sanh về nhàn cảnh.

4- Niệm giới là nghĩ nhớ giới hạnh có một năng lực lớn hay trừ phiền não xấu của chúng sanh.

Nhờ nghĩ nhớ về giới hạnh, giữ giới nên phiền não ngày càng vơi bớt.

5- Niệm thí là nghĩ nhớ bố thí, có công đức lớn hay trừ tham lam, keo kiệt của chúng sanh.

Nhờ công đức nghĩ nhớ đến việc bố thí, tâm tham lam, bỏn xẻn ngày càng vơi bớt.

6- Niệm thiên là nghĩ nhớ chư thiên ở ba cõi đều nhờ căn lành đời xưa đã tu tịnh giới, bố thí văn huệ mà được quả báo an vui này.

Nghĩ như thế chúng ta tu rất an ổn, nhẹ nhàng. Đó là những phương pháp lúc nằm ngủ, để chúng ta buông hết tâm nghĩ nhớ về tật đố, ích kỷ, bỏn xẻn, tham lam.

Trong Hoa Nghiêm Nghĩa Hải, Đại sư Pháp Tạng phân tích phương pháp tu Tứ Oai Nghi theo tinh thần Hoa Nghiêm, có nghĩa là trong bốn oai nghi đều phải tu tập:

1- Ở trên trần cảnh khai hiển pháp môn pháp giới, khai thị cho tất cả chúng sanh, ấy gọi là hành. Kinh nói Bồ-tát có hai loại hành, nghĩa là nghe pháp rồi hành. Vui thích nghe pháp, nói pháp lợi ích cho chúng sanh.

Hành tức là đi, trong lúc đi mình cũng công phu, tức là hành. Trong lúc đi mình không nghĩ nhớ, vọng tưởng, mà trên trần cảnh khai hiển pháp môn pháp giới, có nghĩa là trong lúc chẻ củi, hành đường, làm tất cả mọi việc mình đều tu. Ở đâu có giảng pháp, giảng dạy về giới luật, về định, về tuệ thì mình rất vui thích được nghe. Nghe để hành rồi làm lợi ích chúng sanh.

2- Ở trên trần đại trí bình đẳng, tùy thuận quán sát trần từ duyên mà khởi. Vô sanh, vô tướng ấy gọi là trụ. Kinh nói tùy thuận mà trụ. Trụ ở đâu? Trụ trong chánh pháp.

Trụ tức là đứng. Vào công phu, ngài bắt buộc mình phải thấy điểm này. Mình tu tập muốn giữ giới được thanh tịnh, trọn vẹn, chẳng hạn xuống kho, thấy cái gì đó định lấy thì mình quán chiếu: trần cảnh này từ duyên mà khởi. Duyên ở đâu? Duyên vọng tưởng của mình. Chuẩn bị lấy là thấy rõ từng hạt giống vọng tưởng điên đảo. Thấy được như thế, tức khắc mình chuyển hóa liền. Ngay trong giờ phút thực tại đó là vô sanh, vô tướng, ấy gọi là trụ, tức là đứng. Đứng trong chánh pháp chứ không phải đứng trong dục huyễn thế gian.

3- Ở trên trần cảnh thấu tột nghĩa không tịch thậm thâm ấy là tọa. Kinh nói, nghĩa là ngồi trên tòa sư tử diễn thuyết chánh pháp thậm thâm của chư Phật.

Trong lúc ngồi thiền, trong lúc ngồi chơi mình quán chiếu thật sâu, ngồi ở đâu? Ngồi trên tòa sư tử diễn thuyết chánh pháp của mười phương chư Phật.

4- Ở trên trần cảnh danh tướng diệt tận, quán tâm tịch diệt vắng lặng vô vi, ấy gọi là nằm. Kinh nói nghĩa là nằm tịch diệt, thân tâm vắng lặng. Lại nằm ở trong thiền định, chánh niệm tư duy quán chiếu.

Trong bốn oai nghi, ngài đều chỉ cho mình phương pháp tu.

“Chớ nên cùng thầy đồng nhà, đồng giường. Hoặc đặng đồng nhà chẳng được đồng giường. Cũng chớ nên cùng Sa-di đồng sự ngủ chung một giường.”

Ở nhà mình giường rộng ngủ chung, còn tất cả người tu chỉ ngủ một mình một đơn. Nếu hai người ngủ chung đơn là phạm giới.

Trong Tăng Hộ Tỳ-kheo có ghi, một hôm ngài tu chứng quả rồi ngài thấy trong địa ngục có hai ông Sa-di ôm nhau nằm, lửa dữ đốt thân chịu khổ không dứt. Ngài về bạch Phật, Phật nói vào thời Đức Phật Đại Ca-diếp, hai ông Sa-di này chung một mền nệm ôm nhau mà ngủ. Do nhân duyên như vậy, vào trong địa ngục lửa đốt mền nệm, trong đó ôm nhau chịu khổ đến nay chưa dứt.

Từ Phật Ca-diếp đến Phật Thích-ca là không biết bao nhiêu đời, mà hai ông Sa-di này vẫn chịu khổ địa ngục. Quý thầy nhớ đừng ngủ chung. Tôi thấy có người nằm một đơn giỡn cười, nếu chúng ta không biết cách chuyển hóa thì bị nghiệp khổ sau này.

Kinh Công Đức Viên Mãn nói:

“Tỳ-kheo đời mạt pháp dâm dục lẫy lừng ngày đêm đến nỗi phạm đến trẻ nhỏ. Bên ngoài tương tự như Tăng, nội tâm như ngoại đạo. Tuy nam nữ riêng có khác mà nghiệp nhân sở niệm cũng chỉ là một.”

Nếu người nào phạm giới này, Hòa thượng Trúc Lâm đuổi đi liền mà không cho lên chào, ngài dặn Thủ Bổn cũng không cho tiền về. Thiền viện mình cũng khá, là không ai phạm giới này.

Thiền sư Văn Thủ nói:

“Cận cổ đến nay, đệ tử Thiền môn cho việc phạm nam sắc (tức là đồng tính luyến ái) là thường. Thói quen theo thế tục lâu ngày thành tệ, không còn biết đó là quấy, thậm chí có người đã nhận danh tri thức mà cũng không kiêng sợ. Sao họ lại lầm lẫn điên cuồng như thế?”

Vào đời tượng pháp, Thiền sư Văn Thủ chứng kiến trong tùng lâm đã có như thế nên ngài mới dạy. Tưởng chuyện đó không có gì nhưng đều bị phạm giới.

“Phải máng giày dép cùng áo nhỏ chớ nên khỏi đầu, mặt người.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Phàm là y mặc dưới thân, máng khỏi đầu, mặt người tổn phước mà chiêu lấy quả khổ nên chẳng được máng cao.”

Hồi còn ở nhà khách, tôi phải dọn hàng ngày. Cư sĩ chưa học về giới luật cho nên máng quần ngắn, quần đùi, đủ thứ quần ở trên cao mà bên dưới thì quý thầy đi qua đi lại. Tôi nói suốt mà họ không nhớ. Cư sĩ không học giới luật, không học oai nghi phép tắc nhưng dạy họ không tin. Trên đầu người chỉ được máng áo, không được máng quần. Học oai nghi phép tắc rất hay, rất vi diệu, mỗi pháp đều trong cảnh giới thanh tịnh của mười phương chư Phật.

“Chẳng được mặc áo trong mà nằm. Chẳng được nằm trên giường cười nói lớn tiếng.”

Không được cởi áo ngoài chỉ mặc áo thun. Nếu quý thầy về nhà ở Sài gòn, hay ở đâu mà mặc áo thun thì cũng không cho phép, mất oai nghi. Lên thành phố, tôi thấy có những vị thầy mặc áo thun, quần short, nhìn giống như người đời chứ không phải người tu nữa. Bây giờ mọi người cũng cạo đầu, mặc áo thun, quần short. Không khéo người ta tưởng mình ở đâu đến chứ không biết mình là người xuất gia.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Ý chí nơi đạo giả thì ngủ nghỉ rất ít mà kinh hành thì nhiều, hoặc lao tâm cực nhọc, tạm ngủ chút ít. Cho nên người xưa tự lấy gỗ tròn làm gối mà tự thệ nguyện.”

Thiền Quan Sách Tấn có ghi, thị giả Triết khi ngủ lấy gối tròn bằng gỗ kê đầu. Vừa trở mình thì đầu rớt xuống chiếu ngài giựt mình thức dậy tu tập. Ngài lấy đó làm qui tắc nhất định hàng ngày trong việc tu hành. Có người bảo: “Dụng tâm như thế là thái quá.” Ngài nói: “Tôi duyên trong đạo Bát-nhã rất mỏng manh, nếu không cố gắng như vậy sợ vọng tập lôi kéo cho nên phải làm như thế.”

Hồi xưa sau khi học Thiền sử, chúng tôi bắt chước, ai cũng kê khúc gỗ làm gối. Ngủ như vậy một thời gian bị Hòa thượng và Thầy quản chúng phát hiện, xuống rầy. Bởi vì nằm như vậy rất khó ngủ, rồi nửa đêm thức giấc ngồi thiền, như thế thì ba giờ rưỡi lên ngồi thiền chung với chúng sẽ bị hôn trầm. Vào thất thì được, chứ ở trong chúng các ngài không cho phép.

Đọc bốn bộ kinh A Hàm thấy Đức Phật ngủ rất ít. Nói là ngủ chứ thật ra không ngủ. Ngài nằm nghiêng bên hông phải, tư duy quán niệm thật sâu. Chừng một tiếng ngài dậy bắt đầu ngồi thiền định. Đầu hôm ngài giáo giới cho chư thiên, cuối hôm ngài thiền định chứ ngài ngủ rất ít.

Ngài Xá-lợi-phất cũng ngủ rất ít mà chuyên đi kinh hành. Ông Cấp Cô Độc ngạc nhiên hỏi, ngài nói những người chứng quả vị A-la-hán rồi thì vọng tưởng không còn nên ít ngủ. Ăn, mặc cũng ít. Ăn, mặc, ngủ ít thì đúng là bậc vô vị chân nhân. Còn mình ăn nhiều, ngủ nhiều, mặc nhiều thì là phàm tăng.

Thiền sư Lai Quả khai thị:

“Ba điều thường không đủ là: Mặc không đủ, ăn không đủ, ngủ không đủ. Ba điều này thường sung túc thì trái với đạo, ba điều này thường không đủ thì tương ưng với đạo.”

Nghe như thế quý thầy về mặc áo rách, áo hở thì không được. Hòa thượng, Thầy Trụ trì thường nói, thầy dạy giới luật nói mặc không đủ, rồi tụi con mặc không đủ ấm coi chừng bị cảm. Ngày xưa khác, bây giờ lạnh thì áo quần phải mặc đủ ấm.

Vào thời Đức Phật có một thầy Tỳ-kheo mặc một y thấy lạnh, Phật bảo đắp thêm y thứ hai, thầy cũng còn thấy lạnh, Phật dạy đắp y thứ ba, thầy nói dạ đủ ấm. Từ đó Phật chế ba y.

Nếu nhập thất, ở riêng một mình thì tối, quý thầy mặc vừa vừa đừng ấm quá để mình thức giấc mười hai giờ, hay một giờ ngồi thiền cũng tốt. Nhưng ở trong đại chúng thì đừng làm vậy, mặc cho ấm, ngủ một giấc cho ngon để ba giờ rưỡi mình ngồi thiền với đại chúng.

Có một số Phật tử đến Thiền viện thấy dọn cơm chỉ có rau luộc, nước tương với vài miếng tàu hủ, họ nói sao quý thầy ăn khổ vậy. Tôi nói hằng ngày ăn như thế, lâu lâu có đám thì thức ăn mới nhiều hơn. Họ xúc động nên cúng dường chúng.

“Nếu đúng lúc ngủ mà chẳng ngủ thì thân thể lao nhọc, chẳng phải lúc ngủ mà ngủ là chướng đạo pháp.”

Ngủ không đúng, ngủ phi thời là chướng đạo. Đại chúng làm việc hết mà mình đắp mền ngủ là chướng đạo rồi, mà chướng đường duyên phước của mình nữa. Trên bước đường tu học, nếu không đủ phước bảo đảm tu không được. Tu một thời gian cũng bị hoàn cảnh, ngoại duyên đẩy lùi. Phải có đủ phước, đủ đức, đủ lực thì tu mới được.

“Cho nên ngủ phải đúng giờ mới hợp với qui củ. Nếu trái phạm thì một giấc ngủ một ngàn năm cũng chẳng nghe được danh hiệu Phật. Khổ thay! Khổ thay!”

Đó là lời ngài dạy.

“Chẳng được trước Thánh tượng và chốn Pháp đường xách đồ nhơ đi qua.”

Chẳng hạn trước Chánh điện quý thầy không được xách đồ nhơ, uế đi qua.

Bồ-tát Long Thọ nói:

“Khiếp sợ sanh tử, người ta thường nỗ lực thường trực để giác ngộ, không phí mất ngày cũng như đêm. Người ta cần sử dụng tất cả thời gian của mình để thực hành con đường dẫn đến giải thoát. Hơn nữa người ta phải ngủ khoảng giữa đêm với ý nghĩ ngủ không quá lâu và dùng giấc ngủ đó như một phần của con đường hướng đến giải thoát. Hãy ngủ như bậc Bảo vệ (tức là Đức Phật) đã ngủ vào lúc ngài Niết-bàn theo hướng nào mình muốn. Trước khi ngủ hãy in vào trí mình một cách có ý thức và cương quyết mình sẽ dậy thật sớm.”

Bồ-tát Long Thọ dạy chúng ta ngủ ít, ráng công phu tu tập là vì khiếp sợ sanh tử. Tỳ-kheo Khema soi vô số kiếp về trước, khi bà thấy trong một kiếp bà là con chuột cống, ăn đồ nhơ thì bà không dám quán chiếu nữa, bà sợ quá kiếp sanh tử của bà. Người chứng quả A-la-hán soi được tám mươi bốn ngàn kiếp quá khứ, thấy từng kiếp đi qua. Bây giờ mắt Thánh chưa mở cho nên mình thấy sự sanh tử, chết sống không dính dáng gì.

Phật pháp có ba căn cứ lý luận: Hiện lượng, Tỷ lượng, Phật ngôn lượng:

Hiện lượng: Đích thân mình thấy, cảm nhận, chứng nghiệm được, tức là dùng sự thật để chứng minh.

Tỷ lượng: Là so sánh, chẳng hạn thấy khói biết đằng kia có lửa, tức là dùng so sánh mà chứng minh.

Phật ngôn lượng: Y nơi kinh Phật dạy mà biết. Nghe Phật nói sanh tử mình biết sợ, cố gắng tu.

Hãy ngủ như bậc Bảo vệ (Đức Phật) đã ngủ vào lúc ngài Niết-bàn theo hướng nào mình muốn. Tức là mình mong muốn tu tập như thế nào đó, để giác ngộ giải thoát. Trước khi ngủ hãy in vào trí mình một cách có ý thức và cương quyết mình sẽ dậy thật sớm. Ở trong đại chúng thì không cần, nhưng trong lúc nhập thất, thì quý thầy phải nhớ dậy sớm để tu tập.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88967
  • Online: 19