Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 16): Phép ở trong liêu phòng
27/02/2018 | Lượt xem: 3574
ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Đà Lạt
16. Phép Ở Trong Liêu Phòng
Bài răn nhắc Phép Ở Trong Liêu Phòng của Thiền sư Đạo Nguyên ở chùa Vĩnh Bình:
“Phép ở trong liêu phải kính tuân theo giới luật của Phật Tổ, đồng thời nương theo oai nghi của Đại thừa, Tiểu thừa đúng như thanh qui của Tổ Bá Trượng. Thanh qui nói: Không kể việc lớn hay nhỏ đều phải hợp với phép tắc đã răn nhắc.”
Thanh Qui Tổ Bá Trượng gồm bốn quyển bằng chữ Hán, nói về những lễ nghi, phép tắc mà Thiền môn ứng dụng trong bốn oai nghi. Trong đó nói rất rõ đường hướng tu tập ngày xưa như thế nào.
Ở đây ngài nói phép ở trong liêu phải kính tuân theo giới luật của Phật Tổ, đồng thời nương theo oai nghi của Đại thừa, Tiểu thừa, tức là nương theo cả hai.
“Trong liêu nên xem kinh Đại thừa cùng lời của chư Tổ, tự phải khế hợp với lời khuyên dạy trong nhà nơi Cổ giáo đã sơ tâm. Tiên sư dạy chúng: Ông đã từng xem kinh Di Giáo chăng? Chúng thanh tịnh trong toàn cả liêu, mỗi người đều phải trụ với niệm: Là cha mẹ, là anh em ruột thịt.”
Theo như Kinh Di Giáo dạy, chúng thanh tịnh trong toàn cả liêu, mỗi người đều phải trụ với niệm người ở cùng liêu với mình trong thời quá khứ là cha mẹ, anh em ruột thịt, cho nên mình phải kính, dù cho người đó nổi nóng với mình. Gặp những hoàn cảnh nghịch duyên trong đại chúng, gặp người làm dữ với mình, tôi quán chiếu tức thì: biết đâu người này từng là cha hoặc mẹ mình. Quán chiếu như thế, xong phải đi liền đừng đứng ở đó. Vì nếu niệm quán chiếu yếu, một hồi sợ xảy ra chuyện khác, biết sóng lớn thì thuyền đừng ra khơi. Trong chúng nhiều người thì nhiều hạnh, mà cũng nhiều nghịch cảnh, nghịch duyên, cho nên ở trong chúng rất khó.
Trong bài “Tham Thiền Phổ Thuyết” của Thiền sư Lai Quả trang thứ mười, ngài nói người ở trong chúng đúng mười năm đừng đi đâu hết, dù chưa ngộ đạo, cha mẹ nếu chết tức khắc được sanh thiên. Là một bậc chứng đạo, ngài nói: lời của ta không hư dối. Ngài còn nói, người ở trong tùng lâm dù không ngộ đạo, chết cũng được xây tháp. Cho nên đừng sợ không ngộ đạo, chỉ sợ mình ở không được. Phải nhiều đời nhiều kiếp gieo hạt giống Phật mới ở được trong tùng lâm chớ không phải dễ, phải có năng lực lớn mới ở trong liêu được.
Anh em ruột thịt ở chung với nhau chừng mười bảy năm, rồi cũng mỗi người một ngã. Khi ở chung cũng ít khi mà ăn chung nữa. Còn bây giờ, quý thầy làm việc thì làm việc chung, sáng ra đã có tri sự lo việc làm cho mình, không sợ thất nghiệp. Ăn thì lên quả đường ăn chung, tu thì tu chung, cùng chung chí hướng, ngủ trong tăng đường chung, chẳng khác nào anh em ruột thịt. Đừng nghĩ xa xôi, đừng nghĩ ngộ đạo gì hết. Ngồi nghiệm lại mình thấy con đường tu của mình thật là hạnh phúc, an ổn. Phật nói đây là bậc tối thượng giữa loài người, túc duyên sâu dày lắm mới được xuất gia, được đầu tròn áo vuông.
Hồi làm nhà khách, tôi gặp một ông tướng mạo tốt lắm nhưng lại đi ăn xin, tôi nói ông chịu tu tôi dắt vô giới thiệu Thầy Trụ trì, y áo mọi chuyện tôi lo hết, vậy mà không chịu. Đi tu không phải chuyện đơn giản, cho nên quý thầy phải biết kết duyên, phải biết quán chiếu là cha mẹ, anh em ruột thịt thì mới ở trong tùng lâm lâu mà không chán. Chứ gặp nhau không ưa (oán tắng hội khổ), thì chắc chắn tìm cách ra đi.
“Là bậc thầy, là thiện tri thức thương yêu lẫn nhau, xót nghĩ đến mình và người thầm tưởng là khó gặp, hẳn thấy vẻ hòa hợp vui thuận. Nếu như có ai lỡ lời thì phải can ngăn, ai có lời khuyên dạy thì phải thuận nghe theo.
Ngài dạy rất cảm động. Người lớn khuyên thì phải lắng tai, thuận tâm mà nghe, để gieo nhân tốt. Mai kia lớn lên, quý thầy khuyên người khác người ta nghe mình. Thuận nghe lời khuyên là trồng sâu gốc Phật, chớ người lớn nói mà cãi lại thì trật. Hồi xưa ở đây có một thầy bất kính với thầy giáo thọ, sau này ông dạy người khác thì có người bất kính lại ông. Ông nói, lời của thiền sinh chửi mắng cũng giống như những lời ngày xưa ông chửi mắng vị giáo thọ.
“Đây là điều hữu ích to tát của sự thấy nghe, được lợi lớn của sự gần gũi, hẹn cho mình được kết giao với bạn tốt đã trồng sâu căn lành, may được kính lễ cảnh giới trụ trì Tam bảo.”
Nghĩa là mình hổ thẹn, khiêm cung nên hôm nay mình được kết giao với bạn tốt, là người đã trồng sâu căn lành nhiều đời nhiều kiếp, bây giờ gặp được lại.
“Thật sung sướng thay! Huynh đệ ngoài đời còn chẳng so tính khác họ, huynh đệ trong đạo thực được đáng gần gũi hơn chính mình. Hòa thượng Huệ Nam ở Hoàng Long từng nói: Thuyền lẻ cùng qua sông còn có nhân đời trước, ba tháng hạ đồng ở, đâu không duyên nhiều đời.”
Quý thầy ra đường gặp mặt người nào, hoặc cùng ai đi trên một chiếc xe đò, một chuyến máy bay là biết người này đã có túc duyên với mình. Hòa thượng Tuyên Hóa nói, năm trăm đời đã từng làm quyến thuộc của mình, ngày hôm nay mới đi chung một đường. Huống chi ba tháng hạ đồng ở thì đâu không duyên nhiều đời nhiều kiếp.
“Nên biết một ngày tạm làm khách chủ với nhau, trọn đời liền là Phật, Tổ.”
Sau này quý thầy có túc duyên giữ giới thanh tịnh, Hòa thượng tu là Bồ-tát thì quý thầy cũng là A-la-hán, hay Hòa thượng là Phật thì quý thầy tệ lắm cũng là Bồ-tát. Không phải tôi ức thuyết mà trong kinh nói rất rõ, một ngày mình tạm làm khách chủ với nhau thôi, là trọn đời có nhân duyên khắng khít. Cho nên phải phát nguyện ở thật lâu trong chúng, lâu chừng nào tốt chừng nấy, có gì bức xúc lắm mình cũng phải ráng ở.
Trong Kinh A Hàm, một hôm Phật đi ngang qua một khu rừng có ba mươi thầy Tỳ-kheo cùng tu. Tâm tu của các thầy rất tốt nhưng bên trong còn một cái gì đó, nên chưa được kiến hoặc, chứng chơn. Phật biết, nên khai thị một bài pháp:
- Các ông đã luân hồi trong vô số kiếp, hoặc làm dê, hoặc làm heo, làm bò… Bây giờ có túc duyên, nên ba chục vị Tỳ-kheo các ông mới ở với nhau trong một khu rừng. Vì thế các ông phải thương yêu, phải khắng khít với nhau.
Sau đó, Phật nói một bài kệ, sau khi nghe bài kệ xong, ba mươi thầy Tỳ-kheo đều chứng quả vị A-la-hán:
Ôi! Luân hồi dài dài,
Bao lần máu tuôn chảy,
Bao lần giáo gươm đâm,
Khi ta làm giặc cướp.
Bao lần máu tuôn chảy,
Bao lần giáo gươm đâm,
Khi ta làm heo, dê.
Trong Kinh Tạp A Hàm Phật nói, giả như xương cốt của mình chất đống mà không tiêu mòn, thì giống như một hòn núi lớn. Phật nói, chúng ta luân hồi sanh tử nhiều kiếp, chống cây gậy xuống chỗ nào cũng đều là cái xác của mình. Đã từng là giặc cướp thì bị giáo gươm đâm; làm heo, dê, bò, chó thì bị người mổ, cắt, xẻ. Cho nên luân hồi rất là khổ.
Và đây tìm khắp chốn,
Không một chúng sanh nào,
Chẳng phải cha mẹ ta.
Không một chúng sanh nào,
Chẳng phải con em ta.
Thấy được như thế thì tâm rung động sung mãn, thấy ai cũng là cha mẹ mình thì còn khởi niệm dục nữa không?
Bộ A-hàm Phật dạy rất thiết thực, dạy chúng ta quán chiếu thật sâu, tất cả mọi người trên cuộc đời này đều là cha là mẹ, là con em, bạn bè mình, mình tìm cách giúp đỡ, hướng dẫn họ vào con đường Phật pháp, huống chi những người cùng tu với mình trong Thiền viện. Quán chiếu như thế thì trong giờ phút đó, quý thầy không bao giờ khởi niệm dục với người khác phái.
Không một chúng sanh nào,
Chẳng phải bạn bè ta.
Huống chi là những người tu trong Thiền viện, đều là cha mẹ, đều là bạn bè, là người thân của mình.
Này hỡi các hiền hữu,
Chừng ấy đủ cho ta,
Cảm niệm bao thống khổ.
Chừng ấy đủ cho ta,
Giải thoát tất cả hành.
Những hành niệm, những vọng tưởng điên đảo tức khắc tiêu dung hết.
Thì:
Chừng ấy đủ cho ta,
Thương xót hết mọi loài.
Tức là có năng lực, có bi nguyện vào cuộc đời này để dìu dắt tất cả chúng sanh.
“Thứ nhất, trong liêu chẳng được to tiếng đọc kinh, ngâm vịnh làm ồn náo, động đến chúng thanh tịnh. Cũng chẳng được lớn giọng tụng chú, lại cầm chuỗi mà đi qua trước người, đó là vô lễ, mọi việc cần phải ổn thỏa.”
Ngâm vịnh cũng không cho, hát lại càng không được. Đứng, ngồi hát nhịp chân, nhìn thấy chướng người ta tu không được thì mình tổn phước.
Trong đại chúng biết đâu có những người tu mật hạnh, tức là tu về Giới - Định - Tuệ. Người tu mật hạnh thì không ai biết, gọi là đại trí mà nhược ngu, tức là có trí tuệ lớn nhưng giả giống như ngu ngơ vậy. Ở đây tôi không dám nêu ra, nhưng có những bậc lãnh chúng lớn ở trong Thiền viện, các ngài đã đạt đến chỗ bất khả tư nghì rồi nhưng các ngài ứng hiện ra cuộc đời này giống như người ngu, người ngơ vậy. Quý thầy không khéo bị các ngài quở thì mình tổn phước, cho nên phải cẩn thận.
“Thứ hai, trong liêu chẳng được tiếp khách đi vào gặp nhau cười nói. Chẳng được hỏi đáp với khách buôn, thầy thuốc, thầy tướng và mọi người thuộc đạo khác. Nếu hỏi đáp với khách buôn phải tránh qua một bên liêu.”
Tức là ra nhà khách hay xuống dưới rẫy nói chuyện, chứ không được ở trong liêu. Ở trong liêu mà tiếp khách rồi cười nói, hỏi người này đi buôn ở đâu, bán ở đâu thì không được. Cũng không được dẫn thầy thuốc vào Tăng đường hỏi việc này, việc nọ. Thầy tướng, thầy số lại càng không.
“Thứ ba, trong liêu chẳng được dụm đầu nói chuyện, cười giỡn không biết hổ thẹn, dẫu gặp duyên đáng cười thì trụ nơi bốn niệm trụ.”
Luận Câu Xá quyển Hai mươi ba có ghi:
1- Thân niệm trụ:
Quán tự tướng của thân là bất tịnh, đồng thời quán cộng tướng vô thường, vô ngã, khổ, không của thân để đối trị lại sự điên đảo đó.
Quán như thế thì không dám giỡn cười nữa. Gặp duyên mà đáng cười lắm mình phải trụ vào cái niệm đó liền.
2- Thọ niệm trụ
3- Tâm niệm trụ
4- Pháp niệm trụ:
Là quán tất cả pháp đều nương nơi nhân duyên mà sanh, không có tự tính. Nương dừng ba chỗ nương về, cũng như cá gặp nước cạn có gì đáng vui. Nói chung chẳng được sánh vai trước sau cười nói, đã hay được như thế thì ở trong chúng vững như núi.
Ngài dạy rất rõ, những chuyện đáng cười mình liền dừng. Nương về Phật, Pháp, Tăng thì tự nhiên hết giỡn, hết cười. Được như thế thì vững như núi Thái Sơn, không có gì làm lay chuyển được.
“Thứ tư, trong liêu chẳng được đi đến đầu bàn người khác, ngó nhìn người khác xem đọc, chính làm ngăn ngại đạo nghiệp giữa mình và người, là điều rất đau đớn của kẻ đi tham học.”
Có một số quý thầy xuất gia ở chùa khác, rồi lên Thiền viện thì gọi là những người đi tham học.
Chúng đang xem kinh quý thầy đến ngó qua, ngó lại, người ta không xem được nữa. Chúng phiền lắm, nhưng người ta không dám nói. Sau giờ tụng kinh thì mỗi người trong Tăng đường phải ở yên, để xem kinh, đọc giáo lý.
Mưa lâu thấm đất, xem kinh thời gian lâu thì mới thấm vào trong tàng thức của mình. Sau này ra làm việc, người ta hỏi là quý thầy biết nằm ở đâu, do mình xem lâu rồi nó thấm. Những người không chịu đọc kinh, xem giáo lý, đùng một cái ra làm trụ trì, người ta hỏi làm sao giải thích? Cũng không chịu học chữ Hán, hỏi tam-muội là gì? Giải thích tam là ba, muội là lửa, ba ngọn lửa tham, sân, si! Chết người ta luôn! Người ta không biết người ta học theo mình, mình là thầy mà, mình nói cái gì ở dưới cũng nghe. Họ về người này hỏi, người kia hỏi, họ nói theo mình, tam là ba, muội là lửa, trật hết luôn!
Mà tam-muội là gì? Là chánh định, chánh thọ. Thuật ngữ đó không được dịch. Chánh định, chánh thọ là tự thân thọ dụng thân. Người vào chánh định có sức tam-muội rồi thì tự nhiên có năng lực lớn, năng lực này phổ xuống đại chúng như thế nào đó. Giải thích như vậy thì đúng, chiết tự ra thì trật. Được như thế thì quý thầy phải xem kinh, đọc giáo lý. Xem kinh, đọc giáo lý không có lỗi. Lỗi ở chỗ xem hiểu rồi, mình khinh thường người khác.
“Thứ năm, trong liêu việc chẳng đúng phép tắc, nếu việc nhỏ thì Thủ tọa và bậc tuổi cao đức lớn trong liêu phải can ngăn, nếu việc lớn nên báo cho Duy-na can ngăn. Người tu sau mới vào đạo phải tùy thuận với lời dạy, chính là do khi can ngăn đó mà xem nhận hay chẳng nhận thì biết rõ là người có đạo tâm hay không.”
Bây giờ trưởng liêu, trưởng chúng hay là trưởng gì thấy cũng bình thường, nhiều khi mình coi thường nữa, nhưng đúng thanh qui Bách Trượng ngày xưa, trưởng chúng, trưởng liêu rất có uy quyền. Quý thầy sai, họ có quyền đánh, nếu không thì một ngàn mấy trăm chúng loạn hết.
Trưởng liêu dạy phải nghe, chống lại thì mình sai. Quý thầy mới xuất gia vào đạo, mà tự hạ thấp mình thì đạo rất gần, còn ai nói gì cũng không nghe là tổn phước. Trưởng chúng nói gì mình tùy thuận là biết người này có đạo tâm, còn cãi lại, tức là hạt giống Phật sắp bị khô rồi, phải tranh thủ tưới nước Giới - Định - Tuệ liền. Một người tu được thanh tịnh chút ít rồi, họ nhìn họ biết quý thầy có đạo tâm hay không, nhìn cách cư xử, cách làm việc, cách thuận với chúng hay không. Cho nên các ngài dạy, mình phải biết lắng nghe để sửa.
Hòa thượng dạy việc gì đó mà đôi khi mình bị oan, nhưng vẫn phải sám hối, quý thầy nhớ kỹ điểm đó. Hoặc Thầy trụ trì dạy, mình biết những chuyện đó oan ức nhưng mình cũng phải xin sám hối trước, rồi từ từ mình bộc bạch ra chứ không được cãi. Quý thầy nhỏ mới xuất gia, đối với Hòa thượng, Thầy trụ trì là phải nghe lời rồi nhưng đối với trưởng chúng, quý thầy cũng phải nghe luôn, thì đạo tâm quý thầy mới vững chắc, và có phước lực rất lớn.
“Thanh qui nói: Lời nói, việc làm, cử chỉ oai nghi phải theo qui củ ở trong chúng, đồng thời phải chiều uốn, thúc đẩy, nghĩ tưởng đến người sau giống như con đỏ, đó là tâm hạnh của bậc trên trước.”
Đối với người xuất gia sau, mình coi họ như con đỏ, nghĩa là phải dùng thân giáo uốn nắn họ. Mình dạy họ không nghe vì đức mình còn nhỏ, năng lực, công phu mình còn yếu thì phải dùng thân giáo. Thân giáo là làm gương mẫu cho họ làm theo.
“Thứ sáu, trong liêu chẳng được bàn chuyện thế gian, danh lợi, chuyện trị loạn trong nước, chuyện xấu tốt cùng cho chúng. Đó gọi là lời vô nghĩa, lời vô ích, lời nhơ nhớp, lời không hổ thẹn, quyết phải ngăn dừng. Huống nữa đã cách xa thời của bậc Thánh, đạo nghiệp mình chưa thành, thân mạng thì vô thường, thời giờ khó níu lại. Vậy thì các bậc đi tham học ở khắp nơi phải một bề quý tiếc thời giờ mà tinh tấn như cứu lửa cháy đầu. Hãy gắng sức, chớ bàn chuyện đâu đâu mà để thời tiết luống qua. Hòa thượng Thạch Đầu nói: Kính bạch bậc tham huyền, thời giờ chớ luống qua.”
Trong liêu mình chẳng được bàn chuyện thế gian, chính trị, xấu tốt của chúng. Chẳng hạn, định bốn giờ nghỉ nhưng thầy tri khố bắt lặt rau tới sáu giờ. Quý thầy về chúng dụm lại bàn tán, ông thầy tri khố làm việc kỳ quá, ưa không được… Bàn trong chúng như vậy là chuyện thị phi, loạn chúng. Đó gọi là lời vô nghĩa, lời vô ích, lời nhơ nhớp, lời không hổ thẹn, quyết phải ngăn dừng.
“Thứ bảy, trong liêu chẳng được mất oai nghi. Chắp tay thưa hỏi phải đúng pháp chớ cẩu thả. Nói chung tất cả thời chẳng được khinh thường phép tắc.”
“Thứ tám, trong liêu đại chúng thanh tịnh như biển cả, là phàm là Thánh ai đo lường được? Thế thì thấy mặt mà lường người là quá si vậy. Thế Tôn tại thế còn có Tỳ-kheo Manh Mục, Tỳ-kheo Ngưu Thi vẫn kết giao với chúng, huống nữa thời tượng mạt đã mỏng manh chỉ quý kết duyên đâu nên khinh người. Y phục chắp vá rách rưới, đạo cụ cũ hư, chớ lấy mắt phàm mà xem, chẳng được xem thường họ. Từ xưa đến nay người có đạo vốn chẳng trau chuốt y phục bề ngoài, chỉ cần đạo cụ có sao dùng vậy. Chẳng được khinh dòng họ thấp hèn, chẳng được cười người mới học.”
Vào thời Đức Phật, chúng thanh tịnh như biển cả. Người phạm giới điều của Phật thì tự nhiên bị năng lực của biển này đẩy ra, giống như biển cả không chứa tử thi vậy.
Quý thầy phải cẩn thận! Trong liêu đại chúng thanh tịnh như biển cả, là phàm hay Thánh khó mà đo lường. Một người đến trước tượng của Đức Phật Bổn Sư mà phát thệ nguyện lớn như bốn lời nguyện, mười lời nguyện hay là hai chục lời thệ nguyện nào đó; chỉ cần một phút giây tịnh tâm phát nguyện thôi, thì người này bước vào sơ học Bồ-tát, vào con đường Bồ-tát rồi. Ai mà có tâm khinh thường là bị tổn phước.
Nghe nói vậy, chiều tụng kinh xong quý thầy phát nguyện. Rồi ai nói gì quý thầy, quý thầy nói: “Tôi phát nguyện rồi đó, ông mà chọc tôi là chết đó nha!” Nói vậy là trật. Phát nguyện là mật hạnh, mình nói ra là có cái ngã rồi. Ở trong chúng, có ai bị khinh dễ mà không nóng giận thì đúng là Bồ-tát. Kết duyên với huynh đệ là quý, không được khinh người. Chẳng hạn mình được túc duyên sanh làm con nhà bộ trưởng, thị trưởng hay thủ tướng gì đó, hoặc mình sanh vào dòng họ giàu có, còn huynh đệ sanh trong gia đình thấp hèn rồi mình khinh thường thì không đúng.
“Dẫu bị người cười cũng chớ có nóng giận, huống chi người bậc hạ mà có cái chí thượng thượng, người bậc thượng thượng lại bặt ý giải. Chỉ nghĩ nhớ lời Phật dạy, sông chảy vào biển thì không có tên cũ, bốn dòng đi xuất gia đồng gọi là họ Thích.”
Ngài dạy rất là cảm động. Lục Tổ Huệ Năng sau khi nghe Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ngài ngộ đạo liền. Sau khi ngộ đạo ngài tìm đến Huỳnh Mai, thấy bài kệ của ngài Thần Tú, ngài nói tôi cũng có một bài kệ. Quan biệt giá thấy ngài không biết chữ nên hỏi gằn:
- Ông mà cũng làm kệ? Việc này thật là ít có.
Ngài Huệ Năng nói:
- Muốn học đạo Vô thượng Bồ-đề, không được khinh người mới học. Kẻ hạ hạ cũng có cái chí thượng thượng, còn người thượng thượng cũng không có ý chí, nếu khinh người thì có vô lượng vô biên tội.
Nghe vậy ông giựt mình nói:
- Thôi tôi viết cho ông, nếu ông được pháp thì trước là phải độ tôi, chớ quên lời này.
Chỉ nhớ lời Phật dạy, sông chảy vào biển thì không có tên cũ, bốn dòng đi xuất gia đồng gọi là họ Thích. Bốn dòng là gì? Thứ nhất là Bà-la-môn, thứ hai là Sát-đế-lợi, thứ ba là Phệ-xá, thứ tư là Thủ-đà-la. Người trong bốn dòng đó xuất gia rồi thì đồng một họ Thích, không phân biệt nghèo, giàu, như sông chảy vào biển thì không còn tên cũ nữa.
Trong Cao Tăng Dị Truyện có ghi:
Có vị Thượng tọa Huệ Viên họ Vu quê ở Toan Tảo Khai Phong, vốn làm nghề nông, sau xuất gia ở chùa Kiến Phúc, bản tánh rất chậm chạp, trì độn nhưng làm việc rất là chăm chỉ, cẩn thận. Sư nghe Thiền đạo phương nam rất hưng thạnh bèn xuất du đến chùa Đông Lâm ở Giang Châu, bị Tăng chúng trong chùa coi thường. Một hôm Sư hỏi huynh đệ:
- Thế nào là thiền?
Họ nói giỡn với sư:
- Đi hỏi xem cái gì kêu được là thiền.
Trong tiếng Hán thiền cũng có nghĩa là con ve sầu.
Sư tưởng thật bèn ngồi quay mặt vào tường suy nghĩ mãi cứng cả lưng, sau vài tháng đi ra sân chùa bỗng trợt chân té nhào bèn khai ngộ. Sư nhờ một hành giả:
- Tôi không quen bút mực (tức là không biết chữ) muốn làm một bài tụng nhờ ông viết dùm lên vách.
Mới đầu ai cũng khinh thường ngài, ngài cố gắng tu học thì ngộ đạo, kiến tánh. Sau khi ngộ đạo ngài nhờ người viết lên vách như thế này:
Giá nhất giao, giá nhất giao,
Vạn lượng hoàng kim dã hợp tiêu.
Đầu thượng lạp, yêu hạ bao
Thanh phong minh nguyệt trượng đầu thiêu.
Tạm dịch:
Gặp lần này, gặp lần này,
Muôn lượng vàng ròng cũng tiêu ngay.
Người kiến tánh, thấy được chân thật của chư Phật, chư Tổ dạy rồi thì một ngày muôn lượng vàng cũng tiêu. Còn mình chưa kiến tánh, chưa ngộ đạo, một giọt nước cũng là nợ của tín thí. Một niệm tiêu dung trong tam giới rồi, thì một ngày tiêu bao nhiêu cũng không mắc nợ, bởi các pháp đều là huyễn, là mộng. Phải thấy tột được huyễn mộng thì mới tiêu dung được, còn chưa thấy được thì cũng vẫn là nợ cơm cháo. Mắc nợ thì mình ráng tu, chừng nào ngộ đạo mới tiêu hết.
Nón đội đầu, bao cột lưng
Gió mát, trăng thanh đầu gậy quảy.
Ngay chỗ này ngài khế nhập trong kinh Hoa Nghiêm, gọi là “sự sự vô ngại pháp giới.” Tức là trong cái sự sự vô ngại pháp giới này, ngài ung dung tự tại cho nên gió mát trăng thanh, đầu gậy quảy.
Ngay ngày đó Sư rời Đông Lâm. Đến khi Thiền sư Tổng thấy được bài kệ giật mình nói: “Có nạp tử chân tham đến đây, kệ hay quá không thể thêm gì vào nữa.” Rồi cho người đi tìm nhưng không ai biết Sư đã đi đâu.
Sau khi ngộ đạo rồi, ngài bỏ chúng đi liền, sợ chúng thủ tiêu. Người thông minh mà lại ngộ đạo thì chúng nể, bầu lên làm trụ trì hay gì đó. Còn người chậm lụt thì chúng xem thường, nên ngộ đạo là phải đi liền. Lục Tổ Huệ Năng sau khi ngộ đạo cũng phải đi lánh nạn. Đi không phải là bỏ phế đạo nghiệp, mà đi nơi khác rồi dựng tông phong của mình lên giáo hóa đồ chúng. Có những vị Thiền sư chẳng hạn như Sa-di Cao, sau khi ngộ đạo ngài cất một quán nước bên đường để tiếp Tăng độ chúng.
Tôi đã tiếp một Phật tử, bà học rất nhiều. Học Phật, bà học hàm thụ từ xa, bà nói con học bốn năm có chứng chỉ đàng hoàng. Những vị Hòa thượng, những vị thầy nổi tiếng bà đều nghe hết. Tôi nói:
- Bà học hàm thụ rồi phải không?
Nói:
- Dạ, học rồi.
- Về pháp môn thiền bà chưa từng bao giờ ngồi kiết già năm phút, đúng không?
Bà suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Dạ đúng!
- Bà cũng chưa từng lần chuỗi đúng không?
Bà nói:
- Đúng! Ủa, sao thầy biết hay vậy?
Tôi nói:
- Nhìn khuôn mặt bà tôi biết bà chưa tu, hiểu mà chưa có hành.
Rồi bà nói tiếp:
- Con hiểu, con học vậy chứ con chưa quy y ai hết, con thấy những người quy y rồi họ phạm giới tùm lum, con khỏi cần quy y mà con giữ giới chắc hơn họ.
Biết là đại ngã rồi phải không? Tôi nói một hồi thì bà mới thấy cái lỗi của bà, lỗi gì? Học mà không có hành.
Tôi làm nhà khách tiếp rất nhiều người. Có những cư sĩ học nhiều họ rất coi thường chư Tăng. Còn những vị thầy có bằng cấp cao thì không ai coi thường, nhưng những vị này đến nhà khách không thèm chào hỏi ai hết. Tuy nhiên, tiếp chuyện chúng tôi một hồi thì tự nhiên họ xuống nước. Nói về công phu là biết liền, tôi nói thầy học cho nhiều, bằng cấp cho cao, học vấn thật giỏi, nhưng về phần công phu, thầy không biết đường hướng tu để chuyển hóa thì cũng vô ích, nhà Phật không chấp nhận điều đó.
“Thứ chín, trong liêu ở mỗi đầu bàn nếu để tượng Phật, Bồ-tát đó là vô lễ. Lại chẳng được treo tranh ảnh của Phật, của Bồ-tát.”
Tại sao không được? Nhiều khi quý thầy đánh rắm tổn phước. Quý thầy ở thất một mình thì được, nhưng ở trong liêu thì không được. Đi ra đi vào đông người nó cũng nhơ nhớp, cho nên nói là vô lễ.
Hình Phật mình thờ để tưởng công hạnh của ngài. Tôi thấy hình Phật quý thầy kẹp trong quyển kinh, quyển sách gì đó, thấy đơn giản nhưng mà nó chiêu cảm quả khổ. Vì mình không kính Phật, không kính Phật thì không trọng Tăng.
“Thứ mười, trong liêu ở ngay đầu bàn chẳng được cứ nằm ngửa ra dựa đầu bàn để lộ chân, lộ thân là vô lễ với chúng. Phải nghĩ nhớ dấu tích của bậc tiên đức, thánh xưa ngồi dưới gốc cây nơi khoảng đất trống.”
Một người ở trong liêu mà nằm ngửa thì mất oai nghi, mất oai nghi thì vô lễ với chúng.
“Mười một, trong liêu chúng thanh tịnh chẳng được chứa những của bất tịnh như vàng, bạc, tiền, lụa. Đó là lời răn dạy của Phật xưa để lại. Ở Tây thiên, Đức Sơ Tổ là Tôn giả Ca-diếp lúc còn ở nhà, gia đình giàu có gấp mấy ngàn lần vua Bình Sa Vương, mười sáu nước lớn cũng không sánh bằng. Song khi bỏ nhà đi tu thì để tóc tai ra dài, y phục xấu xí, lấy giẻ rách kết làm y, khất thực nuôi sống, đến sắp ẩn chưa từng thay đổi. Ai là bậc có đạo tâm phải biết rõ Đức Cao Tổ Ca-diếp còn như thế huống kẻ phàm phu hậu học há chẳng tự giữ gìn ư?”
“Mười hai, trong liêu có nói chuyện thường nên nói thấp giọng, mang giày dép chẳng được khua thành tiếng, khạc nhổ ho hen đều chẳng được làm ồn. Chẳng được đắm mê lời trau chuốt dua nịnh, phải tập theo lời chân thật của Phật Tổ. Dẫu khi luận bàn lời của Phật Tổ, cũng chẳng được lớn giọng to tiếng bởi lẽ vô lễ với chúng.”
Trong liêu có nói chuyện thường nên nói thấp giọng. Ở trong liêu mình không được nói chuyện lớn tiếng, lớn tiếng thì động chúng. Mang giày dép chẳng được khua thành tiếng. Phần này nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn chánh niệm. Khạc nhổ ho hen đều chẳng được làm ồn. Tôi làm nhà khách, hôm nào quý thầy hay cư sĩ mà khạc nhổ lớn tiếng thì Hòa thượng sai thị giả xuống hỏi. Biết được, Hòa thượng rầy, Hòa thượng nói vào chùa mà không học oai nghi phép tắc thì không khác gì người thế tục.
Chẳng được đắm mê lời trau chuốt dua nịnh, phải tập theo lời chân thật của Phật Tổ. Lời chư Phật dạy rất rõ, trong thân mình tứ đại, ngũ uẩn có chín lỗ bất tịnh. Mắt, tai, mũi, thân, đại tiện, tiểu tiện đều bất tịnh. Nhưng gặp huynh đệ hay những thầy lớn, mình nói lời trau chuốt dua nịnh là thân tướng trang nghiêm đẹp đẽ gì đó, rồi ca tụng thì không đúng. Phải luôn luôn dùng lời chân thật của Phật, Tổ. Dẫu khi luận bàn lời của Phật Tổ, cũng chẳng được lớn giọng to tiếng bởi lẽ vô lễ với chúng. Trong khi luận bàn về Phật pháp, về thiền cũng chẳng được nói những lời to tiếng.
“Mười ba, trong liêu dẫu bậc tuổi cao, đức lớn cũng chẳng được vô lễ với đại chúng, nếu như có trái với phép của chúng, Duy-na phải chỉ cho hiểu.”
Tỳ-kheo được năm, mười tuổi hạ, ỷ lớn, cười, giỡn, rồi ăn uống không kiêng sợ gì hết thì đó là vô lễ với đại chúng.
Vào thời Đức Phật, bà Di mẫu cúng dường Đức Phật một cái y, Đức Phật không nhận và sai bà cúng dường cho đại chúng. Bà không hiểu nên hơi buồn. Đức Thế Tôn giải thích cho ngài A-nan hiểu là phước chúng như hải, dầu cho Đức Phật là bậc toàn giác, vô lượng phước đức mà cũng không bằng phước của đại chúng.
Chúng ở trong liêu giống như biển lớn, nên phải kiêng dè. Đừng ỷ mình là bậc tuổi cao, đức lớn rồi cười, giỡn không kiêng sợ gì hết thì vô lễ đại chúng, lâu ngày mình bị tổn phước. Tổn phước thì nghịch cảnh, nghịch duyên nó dồn đến rất khó tu.
“Mười bốn, trong liêu chẳng được để những sách vở thế tục, thiên văn, địa lý và các thứ kinh, luận của ngoại đạo, các quyển thi phú, ca, họa, v.v…”
“Mười lăm, trong liêu chẳng được để những thứ cung tên, binh trượng, đao kiếm, áo giáp, nói chung là mọi thứ võ cụ đều chẳng được để. Nếu ai cất chứa, đeo trên lưng ngay trong ngày phải đuổi ra khỏi viện. Tất cả những đồ thuộc ác luật nghi đều chẳng được đem vào liêu.”
“Mười sáu, trong liêu chẳng được để đồ âm nhạc đờn, sáo, ca múa.
“Mười bảy, trong liêu khi cùng ngồi với nhau nếu có việc nên làm, việc khó nhọc thì bậc hạ tọa làm trước, đó là phép của chúng Tăng…
… Người tuổi nhỏ mới học chẳng được ngồi yên mà nhìn bậc thượng tọa làm việc khó nhọc, bởi lẽ đó là vô lễ…
Chẳng hạn, mình có tên trên bảng trị nhật, hành đường nhưng mình báo bệnh. Quý thầy lớn xuống làm cho mình ăn thì tổn phước mình. Mới xuất gia, mình thấy chuyện gì khó khổ mình làm. Ngày xưa ở Thường Chiếu còn làm ruộng, chín giờ đêm chúng tôi vẫn còn ở ngoài ruộng làm.
… Nếu là việc tốt cần nhường cho bậc thượng tọa. Đó là phép chơn chánh của chư Phật.”
Những việc nặng nhọc như đổ bê tông, hoặc sơn sửa gì đó thì những người xuất gia nhỏ tuổi phải gánh vác cho bậc thượng tọa. Nhường việc tốt cho các ngài, đó là phép chơn chánh của chư Phật.
“Mười tám, trong liêu huynh đệ có may vá áo quần nên đến chỗ may vá. Khi may vá chẳng được dụm đầu nói chuyện tạp to tiếng nhiều lời, cần nhớ nghĩ đến phẩm hạnh của Phật Tổ.”
Có nghĩa là luôn luôn chánh niệm trong lúc may. Trong kinh A Hàm có kể:
Vào thời Đức Phật, có một thầy Tỳ-kheo chuyên may vá áo quần cho chúng. Trong lúc may, thầy Tỳ-kheo này luôn luôn có chánh niệm, thu thúc sáu căn, công phu thuần nhất. Một hôm, có vị Thượng tọa đến nhờ thầy Tỳ-kheo này vá cái y thượng. Trong lúc may chánh niệm, mũi kim thứ nhất ngài chứng thiên nhãn thông, mũi kim thứ hai với tâm thuần nhất, ngài chứng thiên nhĩ thông, mũi kim thứ ba xỏ qua ngài chứng tha tâm thông, với mũi kim thứ tư ngài chứng thần túc thông, đến mũi kim thứ sáu ngài chứng lậu tận thông. Với sáu mũi kim, ngài hoàn tất chương trình vô sanh, tức là chứng quả vị A-la-hán. Cho nên ở đây nói mình may vá áo quần cũng là một pháp tu, cũng là chánh niệm.
Tôi làm nhà khách có một người ở bên Anh về, cô nói:
- Bạch thầy! Ngày xưa con may vá áo quần rất đẹp, nhưng qua bên Anh làm một thời gian, con thấy con không lên tay nghề.
Tìm hiểu ra mới biết, cô vừa may vừa nghe băng cassette của các vị Hòa thượng giảng kinh. Đố quý thầy, may như vậy có công phu chưa? Một tâm thì may vá áo quần, còn một tâm nữa mình nghe Phật pháp thì nó không vô. Tôi khuyên cô làm chuyện gì phải chuyên nhất, lúc may chánh niệm, thực hành phương pháp thiền tập, biết trong giờ phút thực tại này mình đang may. Ba tháng sau cô viết thư về nói, nghe lời tôi dạy cô thực hành rất có kết quả.
Tu tập Thiền tông một thời gian tôi thấy không có chuyện gì lạ hết, chỉ là phải luôn luôn chánh niệm, luôn luôn tỉnh thức.
Có lần tôi dẫn hai người bên báo Giác Ngộ lên phỏng vấn Hòa thượng, đây tôi nhắc lại câu cuối cùng. Họ nói, nghe Hòa thượng chứng ngộ thiền rất cao. Gặp mình, mình sẽ nói tôi chứng cái này, chứng cái kia… Nhưng Hòa thượng trả lời một câu bất hủ:
- Tôi giống như phàm tăng không có chứng ngộ gì hết. Ngày xưa mới biết tu thiền tôi ngồi nửa tiếng, năm bốn mươi tuổi tôi ngồi một tiếng, bây giờ tám mươi mấy tuổi rồi thì tôi ngồi được hai tiếng. Ngày xưa tôi mới tập thiền thì vọng tưởng một trăm phần trăm. Bây giờ còn lại mười phần trăm, đó là tu thiền được tiến chút ít, chứ thật ra không có chứng ngộ.
Câu nói bất hủ của người có công phu thiền tập, rất chí lý trong đời sống tu tập. Mình làm như thế nào đó gạn lọc tham, sân, si. Muốn được như thế thì làm việc gì phải luôn luôn có chánh niệm tỉnh thức, chứ không có chứng ngộ gì hết. Thiền mà nói chứng ngộ tức là bệnh. Bệnh thiền!
“Mười chín, liêu này là đạo tràng chung, dẫu rằng cạo râu tóc mà hạng Tăng chẳng có phép tắc chẳng được cho đi qua lại ra vào trong liêu, chẳng được cho nghỉ đêm trong liêu…
Làm nhà khách, nhiều khi tôi nhận lệnh Hòa thượng, nhận lệnh thầy Trụ trì mà một số quý thầy ở đây không biết, có những vị thầy dẫu xuất gia ở đây mà đi lang bang rồi lên trình Hòa thượng, Hòa thượng không bao giờ cho vào trong liêu, chỉ ở nhà khách thôi. Vào đây mình mời họ ăn cơm, mình tưởng tâm từ bi hơn quý thầy lớn nhưng mình làm trật rất là xa.
Liêu này là đạo tràng chung, dẫu rằng cạo râu tóc mà hạng Tăng chẳng có phép tắc, có nghĩa là oai nghi phép tắc, giới luật không giữ tròn, mà vào đây thì động niệm đại chúng, quý thầy tu không thanh tịnh được.
Cho nên những thiền đường lớn thời này của Trung Quốc, không bao giờ cho người nữ hoặc những người giữ giới luật không được thanh tịnh bước vào. Bởi vì bước vào thiền đường, năng lực của người đó phóng ra toàn là khí trược, quý thầy ngồi thiền không được yên tịnh.
… Dẫu rằng Tăng có phép tắc mà thuộc loại trôi nổi đó đây cũng chẳng được cho nghỉ đêm trong liêu, chẳng cho quanh quẩn trong liêu bởi lẽ làm ngại chúng thanh tịnh.”
Phần sau nữa ngài nói, dẫu cho người này giữ giới hạnh thanh tịnh, có oai nghi phép tắc, nhưng thuộc loại trôi nổi đó đây, ví dụ nay người này ở Thiền viện Trúc Lâm, mai xuống Thường Chiếu rồi mốt ra Yên Tử, đó là loại Tăng trôi nổi. Vào Tăng đường thì nói chuyện thị phi, chẳng hạn nói thiền viện này tu thế này, chùa kia phạm giới hay là tu học ra sao, rồi khuyên quý thầy đừng tu ở đây nữa, đi nhập thất tu hoặc đi học trường gì đó. Tâm quý thầy đang thanh tịnh, bị những ngọn gió đó vào thì mất thanh tịnh.
Chuyện này là nhà khách chịu trách nhiệm hết. Hạng Tăng này vào là tôi nhất định không bao giờ cho vào trong liêu. Không bao giờ cho gặp đại chúng. Muốn gặp người nào thì đến nhà khách ngồi, tôi thỉnh quý thầy ra, mà tụi tôi chịu trách nhiệm hết. Chịu trách nhiệm đây không phải là tự động làm, mà do Hòa thượng, do Tăng sai.
Họp bầu tôi làm việc, đó là Tăng sai. Tăng sai thì mình phải nắm hết luật và nội qui phép tắc của Thiền viện. Những điều này tôi học qua hết rồi, nên tôi làm mà không bao giờ sợ nhân quả. Trong nhà thiền thường nói, “trảm nhất miêu cứu vạn thử”, nghĩa là giết một con mèo mà cứu một ngàn con chuột. Ở đây cũng vậy, thà chịu mất lòng một người mà cứu vô số chư tăng tu hành được thanh tịnh, được giác ngộ, giải thoát. Đó là mục đích chính của thiền viện mà Hòa thượng lập ra. Nhưng với tinh thần này, mình cũng đừng thấy người ta trôi nổi rồi, rồi mình tự cho là mình tu hành nghiêm chỉnh thì cái đó cũng không phải.
Thiền sư Tori nhấn mạnh:
“Đừng tự cao tự đại khi so sánh với người tầm thường. Những người tầm thường chỉ biết lên xuống trên đường danh lợi, không hành đạo hay theo đạo.”
Ý ngài nói tất cả mọi người đều có tính Phật nhưng một người thì mê, một người thì giác. Phúc duyên là mình luôn luôn chánh niệm, tỉnh thức, thu thúc lục căn, ở yên trong đại chúng là mình cũng có từng phần giác. Đừng chê những người lên xuống trên đường danh lợi, không hành đạo hay theo đạo, có nghĩa là không có oai nghi phép tắc, phạm trai phá giới.
“Họ chỉ đáng thương, không nên coi khinh hay bực bội. Đừng để khởi lên những tư tưởng phán xét, so sánh mình với họ. Đừng để ý cao hơn hay thấp kém hơn, đây là thái độ cần thiết để vào con đường đạo của bậc Hiền Thánh Phật và Bồ-tát. Do đó, chúng ta nên đặt mình vào vị trí của người dân thường, hòa mình vào sự tầm thường mặc dù nguyện lực của ta là đi trên con đường Thánh đạo và tham cứu những kỳ diệu của đạo.”
Tuy tâm mình vút cao, hướng thượng, nhưng đối với những người này, cũng đừng tỏ vẻ khinh thường bực bội, mà mình làm cách gì đó uyển chuyển. Nguyện lực của mình là đi trên con đường Thánh đạo và tham cứu những điều kỳ diệu trong đạo chứ không được khinh thường. Tuy lên xuống trên đường danh lợi, nhưng ai cũng có Phật tính, có thiện pháp. Vì phúc duyên kém nên họ không gặp được thầy lành, bạn tốt mà gặp phải con đường không hành đạo.
“Trong liêu hỏi thăm với nhau phải biết kẻ lớn, người nhỏ.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nếu có lỡ lời nói liền xin hoan hỉ đừng để cách đêm, và lúc nào cũng khen ngợi lẫn nhau, chớ nên sau lưng chê đối với nhau.”
Phật dạy:
Tăng hận bất cách túc,
Sanh tử nhất mộng trường.
Sở dĩ, Phật dạy Tăng hận chẳng được quá một đêm, vì sanh tử là một trường đại mộng. Mộng thì phải vui, chứ đâu ai thích mộng buồn, mộng bị cọp rượt, chó sói cắn hay bị người đánh đập.
Thiền thoại có ghi:
Có một vị Thiền sư suốt ngày cười nói vui vẻ, đại chúng chịu không nổi nên bạch Hòa thượng đường đầu. Hòa thượng kêu lên hỏi:
- Sao ông cười suốt vậy?
- Con thấy cuộc đời này như giấc mộng. Mộng thì phải vui.
Thấy được như thế thì mình thương, mình dìu dắt lẫn nhau.
Cổ Đức nói:
“Một lời nhu nhuyến, lấy mắt nhìn nhau đều là kết nhân duyên lành đời này và đời sau.”
Một lời nói nhu nhuyến thanh tịnh mà lấy mắt nhìn nhau, đều là kết nhân duyên lành đời này và đời sau. Đời này chắc gì mình tu được trọn vẹn, chắc gì mình tu được giác ngộ giải thoát, cho nên mình phải kết duyên lành với nhau.
Trong kinh Tạp Bảo Tạng, Phật dạy có bảy pháp bố thí không hao tổn tài vật mà được quả báo thù thắng:
1 - Bố thí mắt:
Bố thí mắt là thường đem con mắt cung kính để nhìn Cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, Tăng chúng. Như vậy khi xả thân thọ thân được con mắt thanh tịnh, vị lai được thành Phật, được thiên nhãn, Phật nhãn. Đó gọi là quả báo thứ nhất.
Nhìn bằng con mắt cung kính thì gọi là bố thí mắt, chứ không phải liếc xéo qua lại, hoặc con mắt giận dữ độc ác. Sống trong đại chúng, mình luôn luôn dùng con mắt cung kính để nhìn những bậc Sư trưởng, Sa-môn. Nếu không chiêm nghiệm, ở trong liêu, trong chúng, có những lúc chúng nói gì không vừa ý, mình trợn mắt lên cãi lại, đó là dùng con mắt độc ác. Dùng con mắt độc ác thì kiếp sau sinh ra đời, con mắt mình như thế nào quý thầy tự nghiệm.
2 - Bố thí nhan sắc:
Hòa thuận vui vẻ đối với Cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn, không dùng gương mặt buồn rầu, sắc mặt hung ác tiếp họ. Nhờ vậy khi xả thân thọ thân được sắc mặt đoan chánh, đời vị lai thành Phật được sắc thân vàng ròng. Đó gọi là quả báo thứ hai.
Dễ làm chứ không tốn tiền. Nếu như có chuyện gì đó mà quý thầy nhăn mặt, tâm sân hận hiện lên khuôn mặt, kiếp sau sinh ra đời sắc thân của mình không được đoan chánh, trang nghiêm, thanh tịnh mà nó xù xì xấu xí giống như sắc mặt nhăn nhó hung ác trong hiện tại. Trong kinh diễn tả, Phật được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp và sắc thân vàng ròng là nhờ phước báo thù thắng, mà vô lượng kiếp Phật đã từng tu tập và hòa thuận vui vẻ đối với Cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn.
3 - Bố thí lời nói:
Đối với Cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn nói lời êm dịu, không nói lời thô ác. Nhờ vậy khi xả báo thân được ngôn ngữ biện tài, nói ra điều gì mọi người đều tín thọ, lúc vị lai thành Phật được bốn biện tài. Đó gọi là quả báo thứ ba.
Ở trong liêu, mình dùng những lời từ tốn êm dịu, không nói những lời thô ác với huynh đệ. Nhờ vậy, khi xả báo thân được ngôn ngữ biện tài. Không phải mình xuất gia, học kinh kệ nhiều rồi ra giảng pháp cho người khác nghe. Nếu trong đời quá khứ, chúng ta không tu tập pháp ngôn ngữ nhu nhuyến, thanh tịnh thì những lời mình nói ra người ta không thích, vì nó cộc lốc, nó không được nhu nhuyến thanh tịnh thuần nhất.
Trong kinh A Hàm Phật thường nói:
“Này các thầy Tỷ-kheo! Các thầy dùng lời nói như thế nào đó được nhu nhuyến, thanh tịnh, thuần nhất thì đó mới gọi là Tỳ-kheo chân chánh.”
Nhiều khi nói: Tôi nói vậy nhưng trong tâm tôi không có. Thật ra, trong tâm mình có mà mình không thấy, bởi vì mắt biếc Hồ Tăng chưa vỡ. Cặp mắt của Tổ Bồ-đề Đạt-ma là cặp mắt Bát-nhã, nhìn tới đâu ngài thấy từng vọng niệm điên đảo, đó gọi là mắt biếc Hồ Tăng. Thấy từng vọng niệm điên đảo, nên các ngài dùng phương pháp chuyển hóa. Còn mình, bởi vì vọng niệm nhiều quá mình không thấy được. Không thấy nên không chuyển hóa được, giống như chiếc xe đang xuống dốc mà không có phương tiện để thắng lại. Không dừng lại được, thốt lên những lời thô ác đến huynh đệ, mà mà người khác buồn khổ là mình bị nhân quả. Sau này, có đủ điều kiện ra giáo hóa chúng sanh mà quý thầy nói lời cộc lốc thô thiển, không được thuần nhất thanh tịnh thì người ngồi ở dưới người ta nhàm chán, không muốn nghe.
Tu tập lời nói êm dịu, nhu nhuyến, thanh tịnh thì được bốn biện tài vô ngại của bậc Bồ-tát trong lúc thuyết pháp. Ai ra hoằng pháp lợi sanh cũng đều cần tứ vô ngại trí, tức là bốn biện tài vô ngại. Nếu không có thì quý thầy rất khó thuyết pháp sau này:
- Thứ nhất, Pháp vô ngại biện: Đối với pháp thông suốt tường tận về danh cú văn không bao giờ bị bế tắc.
Người đi thuyết pháp, hoằng pháp phổ độ chúng sanh phải cần cái trí này.
- Thứ hai, Nghĩa vô ngại biện: Đối với nghĩa lý thâm diệu của giáo pháp giảng giải thấu suốt và tận tường không bao giờ bị bế tắc.
- Thứ ba, Từ vô ngại biện: Ngôn từ được tự tại.
Đến địa phương nào, quý thầy biết địa phương đó muốn cái gì, có điều trăn trở gì, hoặc có chướng ngại gì, để chúng ta tìm cách dùng cái ngôn từ đó chuyển hóa, chuyển tải.
- Thứ tư, Lạc thuyết vô ngại biện: Là do ba trí vô ngại của Bồ-tát vì chúng sanh vui vẻ mà thuyết pháp tự tại, không bao giờ bị bế tắc.
Tức là vui thích nói pháp phổ độ chúng sanh.
Bốn trí này sở dĩ được, là trong đời này chúng ta phải dùng lời nói êm dịu, không nói lời thô ác, nhờ vậy khi xả báo thân mình được cái tự tại này. Đó là quả báo thứ ba.
4 - Bố thí thân
Đối với Cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn phải đứng dậy nghênh tiếp, lễ bái gọi là bố thí thân. Nhờ vậy khi xả báo thân hay thọ thân được thân hình đoan chánh to lớn, mọi người đều cung kính, thời vị lai được thành Phật, thân như cây Ni-câu-đà, có được tướng vô kiến đỉnh. Đó gọi là quả báo thứ tư.
Thấy Hòa thượng, Thầy trụ trì, quý thầy lớn đi qua mình phải đứng dậy nghênh tiếp, lễ bái. Đó gọi là bố thí thân, không tốn tiền tốn bạc, chỉ đứng dậy xá thôi, chứ không phải mình dùng thân này bố thí cho cọp, cho sói gì hết.
5 - Bố thí tâm
Tuy đem những vật trên để cúng dường mà tâm không có nhu hòa tốt đẹp thì không gọi là bố thí. Phải dùng thiện tâm nhu hòa tốt đẹp, tâm thường sinh những điều tốt đẹp để cúng dường, đó gọi là bố thí tâm. Nhờ vậy khi xả thân thọ thân được tâm tinh minh sáng suốt, không có tâm si mê điên loạn, đời vị lai thành Phật được nhất thiết chủng trí. Đó gọi là quả báo thứ năm.
Dùng tâm nhu hòa, thanh tịnh để bố thí để cúng dường cho những bậc Sư trưởng, Sa-môn. Quả báo thứ năm là do dùng tâm cung kính cúng dường.
6 - Bố thí sàn tòa.
Hoặc thấy Cha mẹ, Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn thì trải tòa mời ngồi cho đến tự lấy tòa của mình đang ngồi mời các vị ấy ngồi. Nhờ vậy khi xả thân thọ thân thường được sàn tòa thất bảo tôn quý, thời vị lai thành Phật được ngồi pháp tòa sư tử. Đó là quả báo thứ sáu.
Gặp những bậc Sư trưởng, những người có tuổi hạ cao hơn thì mình mời họ ngồi, nhường lại chỗ ngồi thì đó gọi là bố thí sàn tòa. Được như thế, thì thời vị lai thành Phật, được ngồi pháp tòa sư tử nói pháp. Đó là quả báo thứ sáu, rất dễ làm chứ không khó.
7 - Bố thí nhà ở.
Ở trước Sư trưởng, Sa-môn, Bà-la-môn mời họ vào nhà tự do đi lại nằm ngồi, đó là bố thí nhà ở. Nhờ vậy khi xả thân thọ thân tự nhiên được cung điện, nhà cửa, thời vị lai thành Phật được các thiền thất. Đó gọi là quả báo thứ bảy.
Bảy quả báo thù thắng vi diệu này là nhờ chúng ta tu tập, biết cách chuyển hóa, thu thúc sáu căn về thân về miệng và về ý. Được đời vị lai thành Phật, có những quả báo thù thắng vi diệu.
“Muốn cầm đèn lửa vào, trước thưa người trong liêu biết, nói đèn vào. Khi muốn tắt đèn, trước cũng hỏi người đồng liêu còn dùng đèn nữa không. Tắt đèn đừng lấy miệng thổi. Niệm tụng chớ nên lớn tiếng.”
Sa Di Học Xứ ghi có hai nghĩa:
“Trên đèn có trùng nhỏ nhít bay tụ ở trên ánh lửa, dùng lửa làm cảnh giới, chúng ta mắt thịt chẳng thấy, nếu lấy miệng mà thổi thì rớt trong ánh lửa mà chết, đánh mất tâm từ bi.”
Làm gì cũng đều lấy tâm từ bi, luôn luôn có tâm từ bi đối với chúng sanh.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 trong lần diễn giảng tại Pháp, có một vị đứng lên hỏi:
- Giáo lý nhà Phật dạy những điều gì?
Ngài trả lời:
- Giáo lý của chúng tôi chỉ đơn giản thôi, đó là lòng yêu thương, lòng thông cảm với mọi loài chúng sanh.
Đó là giáo lý thuần nhất và nhu nhuyến.
“Hoặc có người bệnh phải sanh lòng thương, trước sau thăm viếng.”
Bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ anh em đi tu mà bệnh nằm một chỗ thì rất tủi, cho nên phải có cái tâm đến thăm.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Bệnh nghĩa là bốn đại chẳng điều hòa, hơi thở bức bách, thân là gốc khổ, ai có thể thoát khỏi? Năm chúng xuất gia không có chỗ thân cận, nên Đức Như Lai dặn đi dặn lại nếu ai muốn cúng dường cho ta nên cúng dường cho người bệnh.”
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di Ni gọi là năm chúng xuất gia.
Vào thời Đức Phật có một thầy Tỳ-kheo tên là Ty Sa, thầy bệnh ghẻ lở mà không ai săn sóc. Phật biết được Phật đến tắm rửa cho thầy. Sau đó Phật dạy: “Người xuất gia không có chỗ thân cận, cha mẹ chính là huynh đệ là Thầy Tổ, ai muốn cúng dường cho ta thì nên cúng dường cho người bệnh.”
Trong kinh A Hàm, Phật dạy có năm trường hợp cần nên cúng dường:
1- Người từ xa đến.
Người từ xa đến thiền viện tá túc, mình cúng dường áo lạnh, hay vật dụng gì cần thiết thì phước đó rất là thù thắng.
2- Người đi xa.
3- Người bệnh.
4- Người đói khát.
5- Người có pháp trí huệ.
Phật lại bảo các thầy Tỳ-kheo rằng:
Xem bệnh phải đủ năm đức:
1- Biết người bệnh có thể ăn, chẳng có thể ăn.
Nghĩa là người bệnh thích ăn gì đó thì mình nấu, còn không thích cũng nấu thì người ta phiền não.
2. Chẳng nhờm gớm đồ đại tiện, tiểu tiện và đàm dãi.
Không thấy nhơ, không thấy nhớp thì chúng ta nuôi bệnh được. Phải có tâm thương xót người bệnh thì mới nuôi bệnh được. Nếu có nội kết với người bệnh thì không nên nuôi, người bệnh càng bệnh nặng hơn. Đừng nghĩ là người tu cái gì cũng buông xả được. Cái gì cũng có nhân có duyên, cho nên sau này quý thầy làm trụ trì phải biết.
3. Có lòng từ thương xót chẳng vì danh lợi.
Có khi nuôi bệnh, người bệnh thì ốm mà người nuôi lại mập. Ai cúng cái gì mình ăn hết mà quên nuôi luôn, tôi có chứng kiến rồi. Chúng nhỏ đi bệnh viện thì không muốn nuôi, mà cỡ như Thượng tọa, Thầy Trụ trì, Thầy Phó mà bệnh thì ai cũng đùng đùng muốn đi nuôi hết. Đó là vì danh lợi chớ không phát xuất từ tâm thương xót huynh đệ. Ngày xưa tôi nuôi bệnh Thầy Giáo thọ ở Thường Chiếu tôi biết, quý thầy lớn bệnh, người ta cúng dường rất nhiều, phải đem cho bớt. Chúng nhỏ bệnh tôi cũng đi nuôi, nhiều khi phải xuất tiền mua thêm vì quý thầy còn nhỏ chưa đủ đức nên ít ai cúng.
Có túc duyên ở trong đại chúng, nuôi bệnh là phải cắt người trong chúng, quý thầy cắt các cô Phật tử đi nuôi là chết!
Ngày xưa ở quê tôi có một ngôi chùa, vị thầy ở đó rất nghiêm mật đối với người nữ, Phật tử nữ vào chùa ngồi ghế rồi là ông đem ghế ra rửa, chà thật kỹ. Một hôm, ông bị té xe gẫy xương, có cô Phật tử đi nuôi, ba tháng sau, chính ông nắm tay cô đó nói ông sẽ xin hoàn tục để cưới cô. Chính vị thầy đó nói chứ không phải cô Phật tử nói. Bởi vì ba tháng là tiêm nhiễm rồi, tình sanh thì trí cách!
4- Hay lo liệu thuốc thang cho đến ngày lành mạnh hoặc đến giờ phút lâm chung.
5- Hay vì người bệnh mà thuyết pháp, khiến người sanh tâm hoan hỉ.
Thường bệnh nặng dễ nổi sân, mà nổi sân sau khi chết tức khắc sa đọa ba đường ác. Trong kinh Tiểu Tạp Thí Dụ có ghi:
Vua A-kỳ-đạt rất có tín tâm với Tam bảo, ông bố thí, cúng dường Đức Phật và chư Tăng rất nhiều. Sau khi ông mất, một hôm có một Thầy Tỳ-kheo đi vào rừng thấy một con rắn rất lớn đang phùng mang trợn mắt. Vị Tỳ-kheo này đã chứng quả vị A-la-hán nên nghe được tiếng của loài thú, ông hỏi con rắn:
- Tại sao ngươi sân hận như thế?
Con rắn này nói:
Con là vua A-kỳ-đạt, sau khi chết, cận tử nghiệp con thác sanh vào thân rắn này.
Vị Tỳ-kheo nói:
- Ta nhớ ông bố thí cúng dường rất nhiều, sao bây giờ đọa vào thân rắn?
Ông kể trong lúc ông bệnh nặng, có người hầu đứng quạt làm rớt cây quạt lên mặt ông, ông nổi sân lên bứt tim chết luôn. Vừa chết liền thành rắn mãng xà.
Vị Tỳ-kheo dùng tài biện luận vô ngại thuyết một bài pháp ngắn, vua được thoát thân rắn, sanh về cung trời Đao Lợi.
Qua câu chuyện này chúng ta thấy cận tử nghiệp và tích lũy nghiệp đều quan trọng. Do cận tử nghiệp nổi sân nên vua bị đọa vào thân rắn, nhưng nhờ tích lũy nghiệp, tích là chứa nhóm, ngày xưa vua biết bố thí, cúng dường, làm các việc thiện pháp nên mới gặp được thầy Tỳ-kheo khai thị, thoát khỏi thân rắn. Nếu không có tích lũy nghiệp dồn những hạt giống thiện pháp này, thì dù cho mười thầy Tỳ-kheo nói pháp cũng không chuyển được.
Ý Phật dạy ở đây là người nuôi bệnh phải dùng tâm nhu nhuyến thanh tịnh, thương xót và hay nói pháp cho người bệnh nghe, chẳng hạn nói: “Thôi! Sư huynh đừng sợ gì hết, thân này vô thường”, đại khái như thế. Người bệnh nhờ việc gì là phải làm liền, đừng chần chờ, chần chờ cũng làm người bệnh nổi sân, biết được như thế thì nuôi bệnh rất có phước. Phật nói trong các phước điền, phước điền thứ tám là nuôi bệnh, nuôi bệnh cũng giống như cúng dường Chư Phật.
Kinh Thiện Sanh Phật nói kệ:
Người nên nuôi kẻ bệnh,
Hỏi thăm các tai ách,
Thiện ác có báo ứng,
Như trồng trái được trái.
Thiện ác luôn luôn đi theo như bóng với hình. Phải thương xót, giúp đỡ lẫn nhau, có giận chỉ là giận một ngày thôi, chớ không được giận qua ngày thứ hai, bởi vì sao? Thế Tôn là cha, mà Kinh, Pháp tức là mẹ. Thế Tôn nhập Niết-bàn rồi, chỉ còn lại người mẹ đó là Phật pháp, là chánh pháp, là những bài pháp mà Đức Phật nói, ghi lại thành Kinh và những bộ Luận nổi tiếng của chư Tổ để lại. Người đồng học là anh em, tu mà nói không cần huynh đệ là trật. Nếu không nhờ thầy lành, bạn tốt thì không bao giờ được đắc đạo.
Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi:
Một hôm Bồ-tát Sư Tử Hống hỏi Phật:
- Nếu tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, do năng lực của Phật tánh họ sẽ được quả Vô thượng Bồ-đề, đâu cần phải tu hành.
Phật dạy:
- Có ba hạng người vì sợ giặc phiền não mà lội qua sông sanh tử.
1- Hạng người thứ nhất vừa lội đã chìm.
Đó là hạng xuất gia gần gũi bạn ác, thọ tà pháp ác, hạng nhất xiển đề, đã dứt hết các căn lành, nghiệp ác quá nặng, không có đức tin, hạng người này chìm trong dòng sông sanh tử.
Vừa lội đã chìm có nghĩa là mình được phúc duyên sâu nên được cạo tóc xuất gia, nhưng vào chùa, vào thiền viện rồi thì gần gũi bạn ác cho nên chìm luôn. Gần gũi bạn ác thì làm việc gì cũng là ác pháp. Chẳng hạn, có người rủ quý thầy xuống kho trộm trái cây của Tăng chúng ăn, như vậy là chìm. Thọ tà pháp ác, là không gặp được chánh pháp. Dứt hết căn lành, nghiệp ác quá nặng, không có đức tin, hạng người này chìm trong dòng sông sanh tử, tức là không tin con đường giới, định, tuệ.
2- Hạng người thứ hai dù chìm lại nổi lên để rồi chìm luôn.
Đó là hạng người gần gũi bạn lành, được tín tâm tu tập tịnh giới, trì tụng giải thoát Mười Hai Bộ Kinh, thường bố thí, khéo tu trí huệ. Nhưng vì độn căn nên gặp bạn ác, không tu tập thân giới, tâm huệ trở lại thọ lấy ác pháp.
3- Hạng người thứ ba là chìm rồi liền nổi lên không bị chìm nữa.
Đó là hạng người đã mất căn lành nhưng được gần gũi bạn lành, tin Như Lai là bậc nhất thiết trí thường hằng bất biến, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai không diệt độ, Pháp và Tăng cũng không hoại diệt. Do tín tâm nên họ tu tịnh giới, thọ trì đọc tụng giải thích Mười Hai Bộ Kinh, vì độ sanh mà nói pháp, thường bố thí tu tập trí huệ, an trụ nơi trí huệ không thoái chuyển.
Đó là hạng người đã mất căn lành, nhưng được phúc duyên gần gũi bạn lành, rồi tu tập con đường Thánh pháp. Tuy có Phật tánh, nhưng chúng ta vào đạo không gặp được thầy lành bạn tốt mà gặp tà pháp thì tu cũng không được.
- Này Sư Tử Hống! Những người ở bờ sông bên này đều có đủ tay chân nhưng không thể lội qua sông được. Tất cả chúng sanh cũng vậy, đều có đủ Phật tánh. Như Lai còn dạy cho họ biết các pháp như Bát thánh đạo để họ chứng đắc quả Niết-bàn, nhưng họ không tu tập được. Đây không phải là lỗi của Như Lai, của Thánh đạo và của họ, nên biết rằng đó là lỗi của phiền não và vô minh.
Tức là mình bị nghiệp chi phối, chứ mình đừng đổ thừa là pháp Hòa thượng không linh, hoặc không hay. Hay hay không là do mình tu tập, do mình chuyển hóa. Tu tập không được là do phiền não và vô minh quá dày. Có những người mới xuất gia mà tu tập nhiều khi tiến, bởi vì phiền não và vô minh họ mỏng, ít. Còn tu lâu rồi mà không biết cách chuyển hóa, không có chánh niệm tỉnh thức thì cũng bị phiền não và vô minh, đây là bị nghiệp nó chi phối.
Bà Bimala nữ một hôm đến hỏi Bồ-tát Văn-thù:
- Chúng sanh biết sanh tử là khổ mà tại sao vẫn nhào vô?
Bồ-tát Văn-thù nói:
- Biết nhưng còn yếu.
Cái biết (cái giác) của mình nó còn yếu quá. Chẳng hạn mình biết làm chuyện này chắc chắn sẽ bị sám hối nhưng tại sao vẫn làm? Thứ nhất là vô minh, phiền não quá sâu dày, thứ hai là bị nghiệp chi phối.
Tất cả mọi người vào chùa xuất gia đều có tâm thiện, nhưng tu lâu ngày chầy tháng, tự nhiên tâm ác ở đâu sống dậy. Là do trong thời quá khứ, phiền não, xấu ác mình quá nhiều, phúc duyên lại quá mỏng, không được gặp thầy lành bạn tốt mà gặp bạn ác. Chẳng hạn, không chịu đi ngồi thiền mà rủ nhau đi uống trà, hoặc xuống kho lấy đồ ăn, thì dẫu cho có Phật tánh cũng bị chìm trong dòng sông sanh tử.
Nếu được túc duyên gặp những vị thiện tri thức chỉ dạy thì tự nhiên hạt giống ác pháp dần dần chết đi, mà thiện pháp được tăng trưởng. Trong Qui Sơn Cảnh Sách, Tổ Qui Sơn nói, thà uống một ly thuốc độc chết một đời, còn hơn chơi với bạn ác sa đọa trong vô lượng kiếp. Cho nên vào trong chúng mình cũng phải lựa bạn mà chơi. Người nào tu không đúng thanh qui, không đúng môn qui, không đúng con đường giới, định, tuệ là phải cắt liền.
“Có người ngủ chớ nên khua vật vang động và lớn tiếng nói cười.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Khua vật vang động và lớn tiếng nói cười sợ loạn yên giấc ngủ của người, mất đi cái tế hạnh của mình. Cổ Đức nói: Lúc kia mới ngủ phải giữ ái kính, phàm cử động tâm ắt phải yên tịnh.”
“Cười nói lớn tiếng, khua vật vang động khiến kia chẳng ngủ, động bệnh sân kia, sợ chướng vô minh, xa lìa chơn tánh.”
Khi người ngủ mà quý thầy khua động hay nói chuyện cười lớn làm họ nổi sân thì chướng vô minh, xa lìa Phật tánh của họ, cho nên mình phải thương xót.
“Chẳng được không cớ xông vào am phòng của người khác.”
Phải gõ cửa, không được tự ý vào.
Các bài mới
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 15): Phép quanh lò hơ lửa - 27/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 14): Phép nằm ngủ - 17/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 13): Vào nhà xí - 12/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 12): Vào Nhà Tắm - 02/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 11): Giữ Làm Việc Chúng Tăng - 31/01/2018
Các bài đã đăng
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 10): Vào thiền đường phải tùy chúng - 14/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 9): Vào chùa am - 13/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 8): Tập học Kinh điển - 12/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 7): Thính pháp - 11/01/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 6): Phép Lễ Bái - 08/01/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05870
- Online: 25